Ông Trọng tái đắc cử Tổng bí thư

432 (lượt xem) |

ÔNG TRỌNG TÁI ĐẮC CỬ TỔNG BÍ THƯ

Thế là cuộc tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo chóp bu tại Việt Nam đã kết thúc: Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn Dũng về hưu. Nguyễn Phú Trọng được lưu nhiệm để làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ hoặc nửa nhiệm kỳ nữa với lý do là để giữ sự “ổn định” trong guồng máy lãnh đạo đảng. Một câu hỏi không thể không được đặt ra: Tại sao Bộ Chính trị cũng như Ban Chấp hành Trung ương đảng lại chọn lựa Nguyễn Phú Trọng thay vì Nguyễn Tấn Dũng?  Tại sao hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đều không về hưu. Ai cũng biết Nguyễn Phú Trọng là người bảo thủ, giáo điều và chẳng có khả năng lãnh đạo. Điều này giải thích tại sao trong mấy kỳ đại hội đảng vừa qua, bao giờ người ta cũng bầu những người chẳng có gì xuất sắc lên chiếc ghế Tổng bí thư. Hết Đỗ Mười (1991-97) đến Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-2011) và từ Đại hội XI đến nay là Nguyễn Phú Trọng. Theo Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám Đốc Học Viện Quốc Phòng thì việc Hội Nghị 14 giới thiệu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ở lại “mang tính kế thừa, giữ vững ổn định chính trị và nhất là giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng.” Thật sự, đảng Cộng Sản Việt Nam có thể quan tâm đến nhiều điều nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự tồn vong và quyền lợi của đảng.

NGUYỄN PHÚ TRỌNG VS NGUYỄN TẤN DŨNG

Mặc dù Thủ tướng Dũng, 66 tuổi, cũng đã quá tuổi về hưu, nhiều người vẫn tin rằng ông có thể lên nắm chức vụ TBT, dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành phần cải cách chủ trương tự do hóa kinh tế của ông dù rằng trong nhiệm kỳ này có phần nào bị hoen ố vì các vụ tai tiếng tham nhũng, cũng như sự vỡ nợ của các công ty quốc doanh được ông hậu thuẫn. Nhưng một số người sẵn sàng bỏ qua những nhược điểm đó,  bởi vì ông có lập trường thân Mỹ và thái độ quyết liệt hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông với nước láng giềng phương Bắc. Các nước Tây Phương và Nhật Bản có khuynh hướng nghiêng về ông Dũng nhiều hơn vì ông Dũng có kinh nghiệm trong quan hệ ngoại giao, điều hành kinh tế cũng như thông thoáng hơn về chuyện ý thức hệ. Ngoài ra, ông Dũng có cá tính khá mạnh. Một số người thậm chí còn lo rằng bản năng tự do hóa của ông Dũng có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng, mặc dù đó cũng chỉ là sự phỏng đoán. Đài VOA trong tháng 1 có hai bài viết so sánh Thủ tướng Dũng với Tổng thống Putin của Nga tuy nhiên điều này đã không xảy ra.

Phe không ủng hộ ông Dũng thì cho rằng, việc tập trung quyền lực vào một cá nhân sẽ dẫn đến lãnh đạo độc tài, theo họ đây là sai lầm mà đảng CSVN đã mắc phải trong thời kỳ Tổng bí thư Lê Duẩn. Ngoài ra, nếu chọn lựa ông Dũng sẽ làm mất lòng Trung Quốc. Theo tờ The Economist, những người chống ông cho rằng cái cách tự đề cao mình và thái độ chống Trung Quốc để lấy lòng dân của ông Dũng là trái với đường lối lãnh đạo thận trọng, dựa trên đồng thuận của đảng. Theo tiến sỹ Jonathan London từ Hong Kong, thủ tướng Việt Nam cũng đã có những quyết sách mở đường cho các công ty Trung Quốc ồ ạt đổ vào chiếm các vị trí trọng yếu ở Việt Nam mà điển hình là dự án bauxite ở Tây Nguyên.

Và ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức vụ TBT thêm một thời gian với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân thi hành, cho rằng nguyên tắc này dân chủ hơn cả những quốc gia tổ chức bầu cử theo đường hướng phổ thông đầu phiếu. Trong khi đó , khá nhiều người tỏ ra bi quan trước sự kiện ông Dũng bị loại vì cho rằng Việt Nam sẽ lại “như cũ” dù rằng hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy ông Dũng sẽ cải tổ mạnh hơn ông Trọng nếu được đắc cử chức Tổng bí thư.

THỎA THUẬN NGẦM ĐỂ THỦ TƯỚNG DŨNG RÚT LUI

BCT và BCH/TƯ và có thể cả hai nhóm ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã thương lượng và thuyết phục những đại biểu tham dự Hội nghị 12 đi đến đồng thuận để ông Nguyễn Tấn Dũng rút lui với một số điều kiện trao đổi. Bù vào sự nghĩ hưu của ông Dũng, nhóm cải cách và không thân Trung Quốc sẽ cân bằng thế lực chính trị mới của Việt Nam. Bộ chính trị đã công bố danh sách 19 Ủy viên trong đó có 7 củ và 12 mới với sự chênh lệch quá rỏ ràng giữa các nhóm gốc Bắc (14 người), gốc Trung (1 người) và gốc Nam (4 người). Điều này cũng có lý do vì 70% đảng viên Cộng Sản từ miền Bắc. Sự phân phối dựa theo nhiệm vụ tương đối quân bình hơn (Đảng: 8, Quân đội-Công An: 3, Kinh tế-Tài chánh-Ngoại giao: 8). Các ông Phạm Bình Minh – Vương Đình Huệ – Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Thượng tướng Tô Lâm có mặt trong BCT mới. Không thấy tên của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong BCT và BCH/TƯ. Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 200 người với 104 tái cử và 96 tham gia lần đầu với độ tuổi trung bình 53. 14 bộ trưởng không tham gia BCH/TƯ. Bộ Quốc Phòng có đến 20 Ủy viên trong BCH/TƯ. Trong danh sách có tên ông Nguyễn Thanh Nghị, con cả của cựu TT Nguyễn Tấn Dũng.

TƯƠNG LAI VIỆT NAM

Trong lịch sử lựa chọn lãnh đạo của dân tộc Việt Nam nói chung và đảng CSVN nói riêng luôn luôn là những chuỗi sai lầm. Báo chí quốc tế cho rằng hai ưu tiên của ông Trọng là cải cách kinh tế và giữ sự cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu quốc tế, bình luận về tình hình Việt Nam trong 1-2 năm sắp đến cho rằng “Quỹ đạo hiện sẽ không thay đổi, nhưng tốc độ cải cách có thể sẽ chậm hơn và không bền vững”. Ông Tập Cận Bình đã gởi ngay lời chúc mừng đến ông Trọng nhưng trong năm 2016, người dân Việt cũng đừng ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc sẽ điều chiến đấu cơ ra các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng tại Trường Sa trong 2 năm 2014-2015. Tờ The Economist tại Anh có cái nhìn khá thực tế. Phải chờ đến đại hội lần tới vào năm 2021, mới có thể có những thay đổi sâu rộng hơn. Lúc đó, hàng loạt các đảng viên chỉ biết tiếng Nga, được nuôi dưỡng trong ý thức hệ Mác-Lê, sẽ đi vào quá khứ. Những người kế nhiệm có thể sẽ là các nhà kỷ trị được đào tạo ở phương Tây. Họ hiểu rằng sự tồn vong của Đảng là dựa trên việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như dựa trên việc thuyết phục giới trẻ Việt Nam về tương lai đất nước.

Có lẻ những người Việt hải ngoại phần lớn thất vọng hay chẵng để ý về những gì xảy ra tại quốc nội. Tuổi đời đã lớn, tôi thường trở về với tâm linh để suy ngẫm những điều đã và đang xẩy ra cho dân tộc Việt Nam. Trong chuyến lên San Jose cách đây 2 tuần để kỷ niệm 42 năm trận hải chiến Hoàng Sa, ban văn nghệ đã trình bày bản “Hận sông Gianh”. Người trưởng ban, một cựu sĩ quan Hải quân, đã nhắc lại lỗi tổ tiên khi nói đến những gì xảy ra trên đất nước Việt Nam. Cũng là một cách giải thích, dù là tiêu cực.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Đại hội 12: ‘Người nào lên cũng phải cải cách’ trên đài BBC ngày 26/1/2016.
  2. Bài viết “‘Thái tử’ vào Trung ương – thỏa thuận nội bộ đảng?” trên đài VOA ngày 27/1/2016.
  3. Bài viết “Tại sao lại là ông Trọng?” trên đài VOA ngày 28/1/2016.
  4. Bài viết “Những con số thú vị từ Ban chấp hành trung ương XII” trên mạng Zing.VN ngày 28/1/2016.
  5. Bài viết “Đại hội Đảng 12 qua cái nhìn của The Economist” trên đài RFI ngày 29/1/2016.
  6. Bài viết “Hai quan điểm trái ngược về kết quả đại hội đảng Cộng Sản XII” trên đài VOA ngày 31/1/2016.

—–

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *