Hoa Kỳ tăng cường tuần tra Biển Đông

689 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 31/3/2016 ở Washington, ông Tập đã tỏ rõ quan điểm liên quan tranh chấp ở Biển Đông.

Các cuộc đấu khẩu nói trên giữa lãnh đạo và quan chức hai nước Mỹ-Trung cho thấy Biển Đông là vấn đề gây bất đồng ngày càng khó giải tỏa giữa hai siêu cường quốc này. Bắc Kinh thì kiên quyết bảo vệ chủ quyền, còn Washington thì dứt khoát bảo vệ tự do hàng hải, hai khái niệm ngày càng đối chọi, làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ giữa hai bên ở vùng biển chiến lược này. Đã qua rồi thời kỳ mà Trung Quốc úp mở gọi Biển Đông bằng cụm từ “lợi ích cốt lõi” như từng thấy vào đầu thập niên này. Lần này ông Tập cảnh cáo “sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền” trong cuộc gặp ông Obama, trong khi mới sáu tháng trước còn hứa “sẽ không quân sự hóa Nam Hải”?

Ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc, khẳng định với ông Barack Obama, tổng thống Hoa Kỳ, rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận việc “nhân danh bảo vệ tự do hàng hải để xâm phạm chủ quyền và gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc ở biển Đông,” Hải Quân Hoa Kỳ lập tức loan báo sẽ điều động chiến hạm tiến sâu vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các bãi đá mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

HOA KỲ TĂNG CƯỜNG TUẦN TRA BIỂN ĐÔNG

Tháng 10/2015, các quan chức Mỹ tiết lộ Washington đã thông báo cho các nước đồng minh ở châu Á về kế hoạch tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông; tuy nhiên trước đó, Hải quân Hoa Kỳ đã gởi các chiến hạm tuần tra Biển Đông. Hồi tháng 10/2015 và tháng 1/2016, Mỹ đã tiến hành hai đợt tuần tra khẳng định tự do hàng hải, gọi tắt là FONOP, bằng cách đưa các khu trục hạm đi vào vùng 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam và Trung Quốc đều có yêu sách chủ quyền đối với 2 quần đảo này. Reuters dẫn nguồn tin thân cận với việc lập kế hoạch cho hay cuộc FONOP thứ 3 của Hải quân Mỹ sẽ được tiến hành vào đầu tháng Tư này. Phát ngôn viên Hải quân Hoa Kỳ  cho biết đã có 700 chuyến tuần tra trong năm vừa qua.

ĐỢT TUẦN TRA THỨ NHẤT: 10/2015

  • Ngày 20/5/2015: Website chính thức của Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Forth Worth (LCS-3) của Mỹ vào giữa tháng 5 đã thực hiện chuyến tuần tra kéo dài 7 ngày tại vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông, gần khu vực quần đảo Trường Sa. Mọi động thái của tàu USS Fort Worth trong chuyến tuần tra này đều được tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (Type 054A) Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

LCS-3 và tàu chiến Trung Quốc ở phía sau

  • 20/5/2015: Một nhóm phóng viên của kênh truyền hình CNN hôm 20/5 đã chứng kiến cảnh hải quân Trung Quốc cảnh cáo tám lần khi máy bay do thám P8-A Poseidon của Mỹ bay trên khu vực đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang tiến hành việc xây dựng đảo nhân tạo. Hãng tin CNN cũng công bố clip ghi lại chuyến bay của máy bay P-8 A Poseidon (Hải quân Mỹ) có phóng viên hãng tham dự khi bay quan sát hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa ngày 20/5. Trong chuyến bay 30 phút này, tàu hải quân Trung Quốc đã liên lạc vô tuyến với máy bay Mỹ 8 lần, yêu cầu máy bay Mỹ rời khỏi khu vực vì “xâm phạm vùng báo động quân sự của Trung Quốc” (?). Đáp lại, máy bay P-8A trả lời đang bay trên không phận quốc tế, và vòng quanh các đảo nhân tạo đang xây phi pháp này nhiều lần, ở độ cao khoảng 15,000 feet (4,600 m), để phóng viên có thể ghi hình cảnh ồ ạt xây đảo.

Máy bay tuần biển và săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ bay quan sát Trung Quốc xây đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa, ngày 20.5 – Ảnh chụp từ clip

  • 18/7/2015: Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Scott Swift, đã có mặt trên khoang một trong những máy bay do thám mới nhất của Hoa Kỳ, P-8A Poseidon trong vòng bảy giờ hôm 18/7.

  • 27/10/2015: Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã hoàn tất tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi – do Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông. Theo báo Washington Post, tàu khu trục USS Lassen được hai máy bay tuần tra của hải quân Mỹ hộ tống khi áp sát Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

ĐỢT TUẦN TRA THỨ HAI: 1/2016

  • 30/1/2016: Khu trục hạm USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ đã đi qua bên trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn. Đảo này, tên tiếng Anh là Triton, tên tiếng Trung là Trung Kiến, là đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm, Hoàng Sa. Tri Tôn, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam có 123 hải lý, là đảo từng nằm trong tay Việt Nam Cộng Hòa nhưng bị Trung Quốc chiếm từ sau trận hải chiến 1974. Trung Quốc ngay lập tức phản đối Hoa Kỳ vi phạm luật pháp. Đáp lại, Hoa Kỳ nói chỉ muốn bảo đảm quyền tự do lưu thông trong khu vực đường biển quốc tế.
  • 4/3/2016: Hàng không mẫu hạm John C. Stennis, hai tuần dương hạm Antietam và Mobile Bay, hai khu trục hạm Chung-Hoon và Stockdale và tàu chỉ huy thuộc Hạm đội 7 USS Blue Ridge đã được đưa vào khu vực biển đang có tranh chấp này. Trước đó, hai chiến hạm đổ bộ USS Ashland và USS Essex cùng với các binh sĩ Lữ đoàn Viễn Chinh 31 của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cũng vừa kết thúc một chuyến tuần tra tại Biển Đông.
  • Ngày 22/3, tuần dương hạm USS Chancellorsville (CG-62) thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đang có chuyến tuần tra Biển Đông gần đảo Vành Khăn đang do Trung Quốc chiếm đóng, với phóng viên Helene Cooper của tờ The New York Times. Phóng viên Helene Cooper đã tiết lộ trong buổi họp với Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama thảo luận về sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, tướng Joseph F. Dunford Jr., Tổng tham mưu trưởng Liên quân nói chuyện với Đô đốc Harry B. Harris Jr., Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương trong phòng tiếp tân của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton B. Carter. Tướng Dunford đã hỏi Đô đốc Harris liệu Hoa Kỳ sẽ tham chiến vì bãi đá không người ở Scarborough không? Một phóng viên tình cờ nghi được cuộc đàm thoại. Không nghe được trả lời từ Đô đốc Harris.

Tòa Bạch Ốc và Ngũ giác đài đã nói rõ rằng Hoa Kỳ không muốn có chiến tranh với Trung Quốc vì các đảo nhân tạo tại Biển Đông nhưng cũng không muốn thấy những gì sẽ xẩy ra nếu để Trung Quốc tiếp tục hành động hung hăng như hiện nay. Tháng trước, James R. Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia của tòa Bạch Ốc đã nói với Ủy ban Quân sự Thượng viện rằng có thể vào năm 2017, Trung Quốc sẽ có “khả năng rõ ràng để áp lực sức mạnh quân sự lên toàn vùng”. Điều này có nghĩa là các nước trong vùng phải xin phép Trung Quốc để qua lại trong vùng biển đông đúc này.

Hoa Kỳ đã phản ứng lại bằng cách gởi các chiến hạm tuần tiểu tới Trường Sa và các vùng biển đang tranh chấp với lý do đây là vùng biển tự do cho mọi quốc gia. Cách đây 3 tuần, cụm tàu sân bay John C. Stennis và các tàu hộ tống đã vào Biển Đông trong hoạt động thao dượt thường lệ với mục đích chuyển thông điệp cho mọi người biết Hoa Kỳ vẫn là sức mạnh chế ngự trong vùng.

Vị  trí của đảo nhân tạo Mischief Reef

Nội dung cuộc “chào nhau vui vẻ” giữa 2 tàu chiến Mỹ – Trung:

Tàu chiến Trung Quốc (dùng tiếng Anh): “Tàu chiến Mỹ 62, đây là tàu chiến Trung Quốc 572″.

Tàu chiến Mỹ (dùng tiếng Anh):”Đây là tàu chiến Mỹ 62. Xin chào buổi sáng. Hôm nay là một ngày tuyệt vời trên biển”.

Không có phản ứng gì từ tàu Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ (dùng tiếng Anh) lặp lại: “Đây là tàu chiến Mỹ 62. Xin chào buổi sáng. Hôm nay là một ngày tuyệt vời trên biển”.

Vẫn không có phản ứng gì.

Tàu chiến Mỹ chuyển sang dùng tiếng Trung: “Tàu chiến Trung Quốc 572, đây là tàu chiến Mỹ 62. Trời hôm nay nắng đẹp, rất thích hợp để đi biển. Hết”.

Tàu chiến Trung Quốc (dùng tiếng Trung): “Tàu chiến Mỹ 62, đây là tàu chiến Trung Quốc 572. Thời tiết hôm nay thật tuyệt. Rất vui gặp các anh trên biển”.

Tàu chiến Mỹ (dùng tiếng Trung): “Đây là tàu chiến Mỹ 62. Đúng là thời tiết rất tuyệt. Chúng tôi cũng rất vui gặp các anh. Hết”.

Tàu chiến Trung Quốc chuyển sang tiếng Anh: “Các anh đã đi được bao lâu rồi kể từ ngày rời khỏi cảng ở quê nhà? Hết”.

Tàu chiến Mỹ (dùng tiếng Anh): “Tàu chiến Trung Quốc 575, đây là tàu chiến hải quân Mỹ 62. Chúng tôi không bàn về lịch trình của chúng tôi. Nhưng chúng tôi rất vui với quãng thời gian trên biển. Hết”.

Đến đây, tàu chiến Mỹ quẹo ngang để nhìn cho rõ xem tàu chiến Trung Quốc có còn bám đuôi hay không. Tàu Trung Quốc vẫn ở đó.

Tàu chiến Trung Quốc (dùng tiếng Anh): “Tàu chiến hải quân Mỹ 62, đây là tàu chiến hải quân Trung Quốc 575. Các anh có tiếp tục đi biển lâu dài không? Hết”.

Tàu Mỹ (dùng tiếng Anh): “Đây là tàu chiến hải quân Mỹ 62. Nghe rõ. Tất cả các chuyến đi của chúng tôi đều ngắn bởi vì chúng tôi rất vui lúc được ở trên biển dù có phải xa nhà bao lâu. Hết”.

Tàu chiến Trung Quốc (dùng tiếng Anh): Tàu chiến hải quân Mỹ 62, đây là tàu chiến hải quân Trung Quốc 575. Tôi sẽ đi cùng anh trong những ngày tới. Hết”.

ĐỢT TUẦN TRA THỨ BA: 4/2016

Tin được Wall Street Journal đăng tối 26/4 cho hay để “giảm nhiệt” ở Biển Đông trong khi vẫn thể hiện quyết tâm đối với việc Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động gần bãi Scarborough, Mỹ lựa chọn không thực hiện hành quân tự do hàng hải, FONOP, mà thay vào đó đã tiến hành các cuộc tuần tiễu trên không gần Scarborough. Ngày 14/04/201,  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tiết lộ quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành 2 cuộc tuần tra chung ở Biển Đông với Philippines gần khu vực này và đang gia tăng sự hiện diện tại đây với các lực lượng và thiết bị luân phiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Philippines cũng đã viếng thăm HKMH John Stennis đang tuần tra Biển Đông. Theo tờ The Japan Times, hôm 22/04/2016, bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ra thông cáo cho biết là 4 chiếc A-10C Thunderbolt và 2 chiếc HH-60G Pave Hawk đã cất cánh từ căn cứ không quân Clark trên đảo Luzon hôm thứ ba 19/04, bay ngang qua không phận quốc tế, đến gần bãi cạn Scarborough. Sáu chiếc máy bay Mỹ nói trên đã ở lại Philippines sau khi tham gia tập trận chung giữa hai nước trong tháng này. Như là một biện pháp trả đũa, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ sáu 29/4 cho hay chính phủ Trung Quốc đã từ chối không cho hàng không mẫu hạm USS Stennis của Hải Quân ghé thăm bến cảng Hong Kong.

Bãi cạn Scarborough cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía Tây

Ngày 10/5, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận khu trục hạm chở hỏa tiễn USS William P. Lawrence (DDG 110) đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) mà nay Trung Quốc đã cơi nới, phát triển thành đảo nhân tạo.

KẾT LUẬN

Một buổi hội thảo “Quân sự hóa Biển Đông và những hệ quả” tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ) tập trung vào xu hướng quân sự hóa ở Biển Đông thời gian gần đây từ nhiều góc độ, bao gồm cả chiến lược quân sự lẫn luật pháp quốc tế. Trong bài thuyết trình mở màn, chuyên gia về Biển Đông đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Gregory Poling đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh ở Biển Đông thời điểm hiện tại. Ông phân tích cán cân quyền lực hiện nay ở Biển Đông và chỉ ra rằng hiện Trung Quốc đang là bên nắm ưu thế vượt trội so với các nước còn lại. Do đó răn đe Trung Quốc thông qua việc tạo dựng thế cân bằng quyền lực ở Biển Đông là không khả thi.

Trong khi các giới chức hải quân Hoa Kỳ muốn phản ứng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn những động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông thì chính quyền Tổng thống Obama, chỉ còn 9 tháng nữa là rời Nhà Trắng, lại đang muốn tăng cường hợp tác với Bắc Kinh về một loạt vấn đề từ chống phổ biến vũ khí hạt nhân tới những chương trình nghị sự về thương mại và đã đi xa đến mức yêu cầu ông Harris cùng các tướng lĩnh quân đội khác phải im lặng trước thềm một hội nghị thượng đỉnh về an ninh. Học giả Daniel Boon Chua trong Chương trình Nghiên cứu Quân sự tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), thuộc Đại Học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore đã cho rằng sự không thống nhất hành động đã khuyến khích Trung Quốc thay đổi nguyên trạng của cuộc tranh chấp và tạo ra một sự đã rồi (a fait accompli) về các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. Vì phản ứng của Hoa Kỳ đối với việc Trung Quốc tăng cường cải tạo các đảo trên Biển Đông chỉ giới hạn trong phạm vi các tuyên bố và những hoạt động tự do hàng hải tránh khiêu khích (unprovocative freedom of navigation operations), Trung Quốc tiếp tục đẩy các giới hạn xa hơn được chừng nào hay chừng nấy. Cho đến nay, Washington chưa thể hiện một điều gì gọi là làm chậm bước tiến của Bắc Kinh trong việc cải tạo các đảo nhân tạo và triển khai các khí tài quân sự trong vùng biển tranh chấp. Tờ Military Times ngày 27/4 đưa tin, các thành viên Quốc hội Mỹ kêu gọi Nhà Trắng chỉ đạo hải quân Mỹ tuần tra bảo vệ tự do hàng hải hàng không thường xuyên hơn ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trong thời gian sắp đến, thế lãnh đạo thực sự sẽ tùy thuộc vào hành động của Hoa Kỳ. Không có các phản ứng mạnh mẽ thì chỉ khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục chính sách bá quyền bành trướng trên Biển Ðông.

THAM KHẢO

  1.  NVO (1-4-2016): Tập Cận Bình đốp chát với Obama về Biển Đông.
  2. NTD.ORG (14/05/2015): Tàu tên lửa Trung Quốc chạm trán chiến hạm Mỹ ở vùng biển gần Trường Sa
  3. BBC (19-7-2015): Tư lệnh Hoa Kỳ bay tuần tra ở Biển Đông.
  4. NLDO (27-10-2015): Chiến hạm USS Lassen hoàn tất tuần tra ở biển Đông 27/10/15.
  5. BBC (31-1-2016): Tàu chiến Mỹ áp gần đảo tranh chấp.
  6. NYT (30-3-2016): Patrolling Disputed Waters, U.S. and China Jockey for Dominance.
  7. TNO (1-4-2016): Giáp mặt trên Biển Đông, tàu chiến Mỹ và Trung Quốc khen … trời đẹp.
  8. TNO (14-4-2016): Hoa Kỳ và Philippines tuần tra chung ở biển Đông.
  9. BVN (23-4-2016): “Obama’s Hollow Peace in the South China Sea” – Daniel Boone Chua, National Interest – 18/4/2016 – Bản dịch “Hòa bình rỗng tuếch của Obama trên Biển Đông” do Trần Ngọc Cư dịch.

 

 

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *