Thêm những chuyện bên lề chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama

461 (lượt xem) |

THÊM NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ CHUYẾN VIẾNG THĂM VIỆT NAM CỦA TT OBAMA

HÌNH ẢNH ĐỜI THƯỜNG CỦA NỮ CỐ VẤN GỐC VIỆT CHO OBAMA

Bà Elizabeth Phú được Tổng thống Barack Obama khen ngợi là một trong những nhân viên giỏi nhất và là niềm tự hào của gia đình. Bà Elizabeth Phú, sinh năm 1976 tại Sài Gòn, hiện là ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Á. Bà đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ ông Obama định hình chính sách ở những khu vực này, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam. Bà Phú rời Việt Nam cùng gia đình đến Mỹ định cư khi mới gần 4 tuổi. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành khoa học chính trị ở đại học California-Berkeley, bà đã học tiếp để lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế Thái Bình Dương tại đại học CaliforniaSan Diego. Bà Phú được tu nghiệp trong một năm tại học viện quân sự cấp cao Dwight D. Eisenhower. Bà đã có 15 năm kinh nghiệm phục vụ tại Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhà Trắng qua hai chính quyền của cựu tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama. Nữ cố vấn này từng tham gia phát triển và đàm phán các thỏa thuận quốc tế quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Bà kết hôn với ông Andrew Ridenour vào năm 2011 và hiện có một con trai gần 4 tuổi.

SỰ KHÔNG HOÀN HẢO CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ  HOA KỲ

Trong bài phát biểu tại Hà Nội, Tổng thống Obama cũng thẳng thắn nói về sự không hoàn hảo của hệ  thống chính trị  Hoa Kỳ: “Tôi nói điều này nhé, không phải chỉ có riêng Việt Nam, mà chẳng có quốc gia nào là hoàn hảo. Đã 2 thế kỷ rồi, nhưng nước Mỹ vẫn đang phải nỗ lực để đạt được những lý tưởng chúng tôi đề ra từ khi lập quốc. Chúng tôi vẫn đang phải sửa chữa thiếu sót của mình – như tiền chi phối chính trị quá nhiều, bất bình đẳng trong các tầng lớp xã hội ngày một gia tăng. Định kiến về chủng tộc còn tồn tại trong hệ thống tư pháp hình sự. Dù làm cùng một loại công việc, nhưng phụ nữ vẫn chưa được hưởng mức lương ngang bằng với nam giới. Chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề và chúng tôi không né tránh những lời chỉ trích. Tôi xin cam đoan là tôi luôn phải nghe đến những vấn đề này mỗi ngày. Nhưng chính sự chỉ trích đó, việc tranh luận cởi mở đó, khi chúng tôi đối diện với sự chưa hoàn thiện của mình và cho mọi người đều có quyền được nói tiếng nói của mình, thì nó đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn, công bằng hơn”.

NHỮNG BÍ MẬT CHƯA TIẾT LỘ TỪ QUÁN BÚN CHẢ PHỤC VỤ ÔNG OBAMA

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh – người trực tiếp phục vụ tại bàn của ông Obama cho hay Tổng thống Mỹ biết dùng đũa và ông ấy cầm đũa bằng tay trái. Chị cho biết: “Ông Obama không ăn tỏi”. Nhiều người lo lắng vị tỏi trong món bún chả sẽ gây mùi khó chịu, thậm chí gây bất tiện cho ông Obama trong quá trình giao tiếp, nhưng theo tiết lộ của Ngọc Anh, nhà hàng để riêng tỏi ai ăn mới cho vào. Riêng ông Obama không ăn tỏi, chỉ ăn bún chả và rau sống. Trong suốt quá trình ăn, ông ấy không gọi thêm gì. Điều đặc biệt khiến nhiều người chú ý là trong bức ảnh tổng thống Obama ngồi ăn bún chả cùng đầu bếp nổi tiếng người Mỹ, Anthony Bourdain thì còn có nhiều khách hàng ngồi các bàn kế bên, họ vẫn ăn uống bình thường, thoải mái ngay cạnh bàn tổng thống Mỹ. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu những người ngồi ăn cùng lúc với ông Obama trong quán bún chả lúc này có phải là nhân viên an ninh hay họ là khách hàng ngẫu nhiên đang đến ăn tối lúc đó. Trả lời thắc mắc này, ông Đạt, chồng bà chủ quán bún Hương Liên thành thật: “Những người dân xuất hiện trong ảnh không phải là nhân viên an ninh đâu, hàng xóm của tôi cả đấy”. Theo lời ông Đạt, ngày hôm qua, ngoài phái đoàn đi cùng ông Obama đã mời một số người dân xung quanh đến ăn cùng. “Một lúc sau, có quá nhiều người kéo đến. Lúc tôi nhận mặt được người quen gần nhà thì các đặc vụ cho vào ngay”, ông Đạt chia sẻ. Sáng 24/5, trở lại quán bún chả này, PV ghi nhận cảnh chủ quán làm mỏi tay không hết việc, không có thời gian để trò chuyện với khách. Khách muốn ăn bún chả phải xếp hàng, chờ nửa tiếng để được ăn bún chả “Obama”. Trong số những người này còn có cả phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh, cụ già đang điều trị bệnh ở bệnh viện 108 và nhiều người không quản ngại đường sá xa xôi vì tò mò mà tới quán.

ÔNG OBAMA VIẾT GÌ TRƯỚC KHI RỜI KHÁCH SẠN MARRIOT Ở HÀ NỘI?

Theo quản lý khách sạn JW Marriot, khi ông Obama rời khỏi khách sạn, những người đứng đầu sẽ được tặng một món quà có dán tem President, kèm một danh thiếp  Tổng thống và chữ viết tay cực kỳ chu đáo bao gồm: tên người nhận có dấu, chức danh và công ty rất chính xác. Và ông cũng tự tay viết sổ lưu niệm “Thank for the excellent hospitality” (Cảm ơn vì dịch vụ xuất sắc) để cảm ơn các nhân viên khách sạn để chăm sóc ông khi ông ở tại khách sạn.

Chữ ký của ông Obama

TỔNG THỐNG OBAMA CHIA SẺ GÌ TRÊN TRANG FACEBOOK NHÀ TRẮNG

Trang Facebook Nhà Trắng ngày 23/5 vừa đăng lời chia sẻ ngắn của Tổng thống Mỹ sau ngày công du đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt, Tổng thống Barack Obama đã sử dụng từ chúng ta”, “hai nước chúng ta” khi nhắc đến con người và đất nước Việt Nam. Điều này thể hiện sự trân trọng của ông đối với Việt Nam, cũng như đối với tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Mỹ.

Nội dung lời chia sẻ như sau: “Suốt một thế kỷ qua, hai nước chúng ta đã đi từ hợp tác đến xung đột, chia rẽ đau đớn và sau đó là một tiến trình hòa giải kéo dài. Ngay lúc này, nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ kéo dài hơn hai thập kỷ giữa hai chính phủ cho phép chúng ta bước vào một giai đoạn mới. Điều tôi nhận thấy từ chuyến đi này là cả hai dân tộc chúng ta đều đang háo hức cho một mối quan hệ gần gũi hơn, một mối quan hệ sâu sắc hơn. Và tôi vô cùng xúc động khi thấy rất nhiều người dân đứng dọc hai bên đường chào đón khi xe chúng tôi đi qua ngày hôm nay. Tôi xin gửi lời chúc mừng và tình hữu nghị của nhân dân Mỹ, bao gồm một số Nghị sĩ đang tham gia cùng tôi trong chuyến thăm này, cũng như rất nhiều người Mỹ gốc Việt đã nỗ lực kết nối chúng ta lại với nhau và nhắc nhở chúng ta về những giá trị cùng chia sẻ.”

CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG ĐÃ TẶNG ÔNG OBAMA MỘT MÓN QUÀ RẤT ĐẶC BIỆT

Trong buổi tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng ông Obama một món quà rất đặc biệt, đó là chiếc hộp cách điệu hình trống đồng, bên trong đựng những hạt lúa giống. Để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của món quà này, GS – TSKH Vũ Minh Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội) là người tham dự buổi tiệc chiêu đãi Tổng thống Obama và phái đoàn Hoa Kỳ chiều 23/5 do Chủ tịch nước tổ chức đã giải thích: Chiếc hộp được làm mô phỏng, cách điệu chiếc trống đồng là để nói tới nền văn hiến lâu đời của Việt Nam. Trong hộp là hạt lúa giống, ý muốn nói đến nền văn minh lúa nước của chúng ta. Muốn hiểu được ý nghĩa món quà trên phải hiểu tích chuyện. Năm 1787, ông Jefferson khi đó đang là Đại sứ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Pháp, có đọc sách viết về Việt Nam, và biết tới Việt Nam như là nơi có nghề trồng lúa từ lâu đời, rất phát triển. Ông Jefferson cũng là nhà nông học, có trang trại ở bang Virginia quê hương ông. Vì vậy, từ lâu ông rất muốn có được giống lúa từ Việt Nam để trồng ở trang trại của mình. Ông Jefferson đã có cuộc gặp gỡ với Hoàng tử Cảnh lúc Hoàng tử 7 tuổi và đang sống ở Pháp (Hoàng tử Cảnh là con trai chúa Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long Nguyễn Ánh) với mong muốn xin được giống lúa cho trang trại của mình”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi tiếp đón Tổng thống Obama đã nhắc lại câu chuyện đó và trao tặng ông Obama hộp thóc giống cùng với lời nhắn ông hãy mang những hạt thóc này về trang trại ở Virginia trồng, bởi hơn 200 năm trước cố Tổng thống Jefferson không có cơ hội làm điều ông muốn. Thời còn đương nhiệm, Tổng thống Jefferson từng cử một phái bộ sang Việt Nam để ký một hiệp định thương mại với chúng ta nhưng không thành công. Tặng món quà trên cũng là cách để những người sau tưởng nhớ về ông, biểu thị sự biết ơn tới những người Hoa Kỳ đã có tấm lòng với Việt Nam.”

CHÂN DUNG NGƯỜI PHIÊN DỊCH CỦA OBAMA TẠI VIỆT NAM

Anh Phạm Tuấn Anh, 40 tuổi, thường được biết trên mạng với biệt danh Gấu, sinh ra ở Bắc Ninh và lớn lên tại Hà Nội. Tuấn Anh tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương Hà Nội trước khi sang học cao học tại Princeton. Anh Tuấn Anh từng làm cho World Bank trước khi chuyển sang làm phiên dịch cho chính phủ Mỹ.

Trong lần gặp ông Obama lần đầu tiên năm 2014, Anh Phạm từng nói với tổng thống rằng: “Mơ ước lớn nhất của tôi là bao giờ tổng thống thăm Hà Nội lần đầu thì cho tôi làm phiên dịch, lúc ngài có bài phát biểu trực tiếp với người dân Việt Nam”. Tổng thống Obama khi đó đã cười và vỗ vai anh rất thân thiện. Anh đã hoàn tất được giấc mơ khi trở thành phiên dịch viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25/5/2016. Trong thời gian làm phiên dịch cho ông Obama ngay tại quê hương mình, Anh Phạm nói rằng “đây là nhiệm vụ tuyệt vời nhất trong đời tôi”. Anh cũng là một trong những người đề xuất nội dung trong bài phát biểu “lay động trái tim người Việt” của vị tổng thống. Nói về bài phát biểu của vị tổng thống Obama, Anh từng chia sẻ rằng người đưa đề xuất bài hát của Trịnh Công Sơn là giáo sư Việt Nam học Peter Zinoman. Là một trong những người đề xuất nội dung, anh chọn tham chiếu truyện Kiều là một sự tiếp nối với “Trời còn để có hôm nay” mà Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015. Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trưa 24/5, Anh Phạm đã nghẹn lời khi dịch hai câu Kiều “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi” để kết thúc bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ trước những người trẻ và trí thức Việt. Bài phát biểu của Tổng thống Obama được nhận định là sẽ đi vào lịch sử quan hệ Việt-Mỹ như một bài diễn văn còn mãi với năm tháng.

GIÁO SƯ ZINOMAN VÀ DIỄN VĂN CỦA TỔNG THỐNG OBAMA

Bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama hôm 25/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội đã làm rung động con tim của rất nhiều người Việt Nam. Từng câu nói của ông Obama mang những hình ảnh, ngôn từ, mang những vần thơ, nét đẹp gắn liền với lịch sử nhiều nghìn năm, với những nhân vật thật gần gũi với dân Việt. Điều đó đã khiến bài diễn văn của lãnh đạo nước Mỹ được hơn hai nghìn khách tham dự, đa số là thanh niên, sinh viên nồng nhiệt đón nhận qua những tràng vỗ tay.

Giáo sư Peter Zinoman đưa Văn Cao, Trịnh Công Sơn vào diễn văn của Tổng thống Barack Obama – Ảnh Bùi Văn Phú

Giáo sư Tiến sĩ Peter Zinoman, chuyên ngành sử Việt thuộc khoa Sử của Đại học Berkeley-California, là người đã có những góp ý cho bài diễn văn của Tổng thống Obama. Vài tuần trước chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama, những người viết diễn văn cho Tổng thống có yêu cầu Giáo sư Zinoman giúp góp ý về một vài nét văn hóa cho bài diễn văn của tổng thống sẽ đọc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Cùng với vợ là bà Nguyễn Nguyệt Cầm, GS đã đưa ra khoảng hơn chục đề nghị. Ngoài việc nhắc đến tác phẩm của Trịnh Công Sơn và Văn Cao được chấp nhận, GS cũng còn đề nghị những dòng thơ, nhạc khác như của Phạm Duy với “Tình ca”, Nguyễn Du với “Truyện Kiều”, Xuân Diệu với “Giục giã”, Tô Thùy Yên với “Ta về”, Trần Thị Lam với “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” và một ca khúc nữa của Trịnh Công Sơn là “Một ngày tôi chọn một niềm vui”. Những người chấp bút cho tổng thống không đưa cho Giáo sư hướng dẫn chi tiết nào mà chỉ cho biết “hòa giải” là một chủ đề của diễn văn. “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn là bài hát về hòa giải giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, nhưng ca từ đó thì đủ bao quát để gợi lên những thí dụ khác của hòa giải, chẳng hạn như giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Giáo sư cũng thích ý tưởng dùng ca từ Trịnh Công Sơn vì ông là nghệ sĩ có tầm vóc quốc tế và là một người có tiếng vì quan điểm chính trị phức tạp trong lịch sử Việt Nam. Qua nhiều góc nhìn, GS cảm nhận Trịnh Công Sơn là biểu hiện những gì đẹp nhất của văn hóa Việt trong thế kỷ 20. GS Zinoman cũng chọn những lời ca đó trong bài hát của Văn Cao cũng với những lý do giống như tôi chọn ca khúc của Trịnh Công Sơn. Đó cũng là về hòa giải. Văn Cao được nhiều người biết đến là một nhạc sĩ lỗi lạc nhất về thể điệu nhạc mới. Nhưng ông cũng là người với thanh danh chính trị hỗn tạp. Ông là tác giả của quốc ca Việt Nam nhưng đã bị nhà nước Hà Nội kết tội vì có liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm trong thập niên 1950. GS hy vọng Tổng thống sẽ không chỉ nhắc đến những giòng thơ nhạc “an toàn và nhàm chán” mà là những gì thích thú hơn. Ngoài ra khi được hỏi tại sao TT Obama đọc 2 câu Kiều mà trước đây với TT Bill Clinton hay TT George W. Bush khi đến Việt Nam không nhắc đến, ông cho rằng, Truyện Kiều là một thi phẩm tuyệt vời, được trích dẫn càng nhiều càng tốt. Nhận xét chung về chuyến đi của Tổng thống Barack Obama, GS Zinoman cho biết những cảm nhận lẫn lộn về chuyến đi này. Nói chung, GS cho rằng nét đẹp của chuyến đi là ông đã đưa ra mẫu người thu hút mà một nhà chính trị dân chủ hiện đại cần biết cư xử. Ông đã biểu lộ sự giản dị, công bằng, sâu sắc, tính hài hước và chú ý đến nếp sống của người dân thường.

KỂ CHUYỆN BÁNH MÌ SÀI GÒN VỚI ÔNG OBAMA THEO PHONG CÁCH 3D

Dùng công nghệ tương tác ảo để kể về “bánh mỳ Sài Gòn” và tinh thần khởi nghiệp, nhóm người trẻ ở TP.HCM đã khiến vị Tổng thống Mỹ bất ngờ và thích thú. Ngày 24/5, trong cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp Việt Nam ở TP.HCM, ông Obama đã được “tiếp đón” bằng ba màn trình diễn của những người trẻ khởi nghiệp công nghệ. Trong số này, câu chuyện về bánh mì Sài Gòn được kể theo công nghệ tương tác ảo (Augmented Reality – AR) khiến người đứng đầu nước Mỹ ngạc nhiên, phấn khích với các phóng viên đi cùng và … muốn chụp hình chung. Kể lại với Zing.vn, Bùi Hải An, đồng sáng lập của Silicon Straits, một trong hai người “kể chuyện” bằng hình ảnh tương tác ảo với ông Obama, cho rằng đây là một vinh hạnh lớn. Hải An cùng đồng nghiệp Nguyễn Minh Tuấn đã chuẩn bị sẵn một câu chuyện để kể, gồm ba tấm ảnh khác nhau. Khi đó, ông Obama chỉ cần dùng một chiếc iPad có cài sẵn ứng dụng Augmented Reality và “soi” ba tấm ảnh qua camera, những hình ảnh 3D sống động sẽ lập tức hiện ra và Tổng thống Mỹ có thể chạm vào từng vị trí để hiển thị thêm các thông tin bổ sung như “Chợ Bến Thành”, “Toà nhà Bitexco”, hay các thành phần của ổ bánh mì Sài Gòn. “Sài Gòn cũng giống như nước Mỹ, là một thành phố của rất nhiều người nhập cư. Sài Gòn cởi mở và dễ chấp nhận người tứ xứ, bất cứ ai ở Sài Gòn cũng có thể là người Sài Gòn. Và chiếc bánh mì cũng thể hiện rất rõ điều này. Thành phần của món ăn có bơ, mayonnaise đến từ phương Tây, chả lụa từ phương Đông và thịt, rau, gia vị của Việt Nam. Bánh mì cũng là hình ảnh đại diện rất phù hợp cho khởi nghiệp, bởi ai cũng có thể bắt đầu chỉ với một xe bánh mì và thậm chí kiếm được rất nhiều tiền từ nó. Từ ổ bánh mì, chúng tôi dẫn đến chuyện khởi nghiệp, và muốn ông Obama thấy được tinh thần khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam”, Bùi Hải An nói về phần trình bày chỉ trong vòng một phút của anh với người đứng đầu nước Mỹ.

Bùi Hải An và Nguyễn Minh Tuấn kể chuyện “bánh mì Sài Gòn” khi ông Obama dùng ứng dụng tương tác ảo để theo dõi qua máy tính bảng – Ảnh: The White House.

MẬT VỤ MỸ UỐNG CÀ PHÊ VỈA HÈ BẢO VỆ TỔNG THỐNG OBAMA

Mật vụ Mỹ khảo sát tòa nhà GEM Center và khu dân cư trước đó một tháng. Một nhân viên GEM Center cho biết họ suốt ngày đi dạo, uống cà phê cóc, trò chuyện với người dân xung quanh. Một nhân viên đơn vị thi công cho biết: “Tôi rất khâm phục phong cách làm việc cực kỳ chuyên nghiệp của phía nhân viên Nhà Trắng. Họ chia ra ba nhóm phụ trách: kỹ thuật, chương trình và mật vụ. Họ liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó mật vụ là quan trọng nhất và có quyền quyết định mọi sự thay đổi kịch bản để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho Tổng thống Mỹ”. Ngoài vật dụng của đơn vị thi công, nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ sự kiện, đảm bảo an ninh tuyệt đối cho Tổng thống được Nhà Trắng mang từ Mỹ qua như bục phát biểu, micro … Trong quá trình thi công, mật vụ Mỹ nhiều lần yêu cầu thay đổi kịch bản mà không đưa ra bất cứ lý do gì, các nhân viên phía Việt Nam chỉ cần làm theo.

Toán phụ trách sân khấu, âm thanh, ánh sáng chụp hình lưu niệm với các bộ phận phụ trách của Nhà Trắng tại GEM Center – Ảnh: A.K

NGÔ THÙY NGỌC TÚ – NỮ MC ĐỐI THOẠI VỚI TỔNG THỐNG OBAMA

Ngô Thùy Ngọc Tú – nữ MC dẫn chương trình đối thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại TP.HCM là một gương mặt trẻ có bề dày thành tích ấn tượng.

MC Ngô Thùy Ngọc Tú

Bản nháp bài phát biểu của MC Ngọc Tú được Tổng thống Obama ký tên

Năm 2015, Ngọc Tú được bầu chọn là một trong 30 gương mặt trẻ nổi bật “30 Under 30” do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. “30 Under 30” là một danh sách tập hợp những gương mặt trẻ tài năng trong nhiều lĩnh vực: kinh doanh, khởi nghiệp, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật … Thành tích nổi bật nhất đưa Ngọc Tú tới vị trí này có lẽ là con đường gây dựng YOLA – một tổ chức dạy ngoại ngữ, huấn luyện kỹ năng cho các bài thi chuẩn hóa như SAT, GMAT…. dành cho người Việt. Là một trong số ít học sinh Việt Nam giành được học bổng danh giá ngành Chính sách công (ĐH Stanford) –  Tú nhận mình rất may mắn và giáo dục đã làm thay đổi cuộc sống của bản thân. Tinh thần ham học và cầu thị đã được bộc lộ rõ rệt từ khi Ngọc Tú còn đang học phổ thông. Thành tích luôn nằm trong top đầu của lớp chuyên Pháp nhưng đến năm lớp 12, Tú tự tin nộp đơn thi sang lớp chuyên Anh (Trường THPT Lê Hồng Phong TP.HCM) vì muốn chuyển hướng sang du học Mỹ. Tú đỗ chuyên Anh và kết quả nhận được là 620 điểm TOEFL vào cuối năm học. Tú đúc kết, sự kiên trì chính là chìa khóa đưa cô trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên tại Stanford. Học Stanford, Tú thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa: Cuộc thi doanh nhân trẻ tại Singapore, Hội nghị lãnh đạo trẻ toàn cầu, Mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (SEALNET), Hội thảo giáo dục không biên giới (UAE)… và nhiều hoạt động từ thiện khác. Cô cũng không ngần ngại chia sẻ thường đi bar, sàn nhảy… cùng bạn bè. “Những nơi trên không hề đồng nghĩa với xấu xa, cạm bẫy … Tất cả đều do chính bản thân mình quyết định” – Tú chia sẻ với báo Tuổi Trẻ. Trong thời gian ở Stanford, Tú tham gia tổ chức Southeast Asian Leadership Network – nơi cô dẫn dắt các lãnh đạo trẻ huấn luyện kỹ năng lãnh đạo cho giới trẻ ở 7 nước Đông Nam Á. VietAbroader là nơi cô gặp các anh chị đầy nhiệt huyết và cùng tổ chức kỳ hội thảo đầu tiên và đặt nền móng cho tổ chức du học uy tín này. Để đạt được những thành công như ngày hôm nay, Ngọc Tú cho rằng người thân và bạn bè là những người đồng hành tốt nhất của cô. Bố cô là người lặng lẽ hỗ trợ con gái từ việc in những thứ hay ho trên Internet xuống để cô tham khảo, học hỏi. Bạn bè cũng là những người luôn ủng hộ những ý tưởng “làm chi cho mệt” của Tú. Cô gái trẻ cho rằng đó chính là sự may mắn của mình. Ngày được vinh danh “30 Under 30”, Tú đã nhớ đến rất nhiều học sinh, phụ huynh, các đồng nghiệp đã luôn ủng hộ chị trong những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian nan.

CHIẾC VÒNG NGỌC TRAI VIỆT NAM TẶNG PHU NHÂN TỔNG THỐNG OBAMA

Trong buổi chào xã giao, UBND TP.HCM đã gửi tặng phu nhân tổng thống Barack Obama một chiếc áo dài, kèm theo đó là chiếc vòng ngọc trai sang trọng. Được biết, bộ quà tặng là sự kết hợp giữa chiếc áo dài của nhà thiết kế Sỹ Hoàng, và chiếc vòng ngọc trai hoa văn trống đồng do nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn chế tác. Ông Hồ Thanh Tuấn cũng là nghệ nhân chế tác nhiều vương miện hoa hậu trong các cuộc thi sắc đẹp. Được giao trọng trách thiết kế và chế tác món quà đặc biệt dành tặng cho đệ nhất phu nhân tổng thống Barack Obama, ông Hồ Thanh Tuấn cho biết, ông đã mất 3 ngày làm việc không kể ngày đêm mới cho ra chiếc vòng ngọc trai như ý. Điểm đặc biệt của chiếc vòng ngọc trai là họa tiết hoa văn trống đồng được khắc trên từng viên ngọc.

Chiếc vòng ngọc trai được ông Tuấn đặt cho cái tên “Tinh Hoa Việt”, lấy ý tưởng từ ước mong cống hiến cho đất nước, gửi gắm những tinh hoa, trí tuệ của người Việt Nam qua những hoa văn trống đồng trên những viên ngọc trai quý hiếm. Phong cách thiết kế cổ điển. Điểm nhấn đặc biệt là viên ngọc trai trống đồng được bố trí ngay vị trí trung tâm. 30 viên ngọc trai biển màu xám tự nhiên được ông Tuấn trực tiếp nuôi cấy tại vùng biển miền Trung. Theo ông Tuấn, việc khó khăn nhất khi chế tác chuỗi ngọc trai này là tìm ra 30 viên ngọc trai biển màu xám tự nhiên đồng màu, đồng dạng và đối xứng về kích thước hai bên chuỗi trong một khoảng thời gian ngắn. Trung bình, để có được 2 viên đồng màu, đồng dạng, đồng kích thước, nghệ nhân phải chọn từ hàng nghìn viên ngọc khác nhau. Ông Tuấn đã huy động toàn hệ thống của công ty trên cả nước chuyển ngọc có cùng nhóm màu về TP.HCM để làm nên bộ trang sức này. Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định của Quốc hội Mỹ, các Tổng thống chỉ có quyền sở hữu món quà tặng có giá trị không quá 375 USD. Bộ trang sức này có khả năng được định giá cao hơn mức trên. Nhưng theo nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn: “Tôi hiểu quy định đó của Quốc hội Mỹ, tôi biết giá trị của bộ trang sức này được định giá trên thị trường cũng sẽ rất cao, nhưng khi tôi làm tôi chỉ nghĩ đến giá trị văn hóa và nghệ thuật của món quà và hy vọng rằng bằng cách nào đó thì phu nhân Tổng thống Obama vẫn sẽ được sở hữu món quà này”.

TỔNG THỐNG MỸ ĐỂ LẠI “HỘI CHỨNG OBAMA” Ở VIỆT NAM

Tổng Thống Obama đã rời Việt Nam nhưng dư âm của cuộc thăm viếng ba ngày sẽ còn lưu lại lâu dài trên đất nước này cũng như trong những người Việt hải ngoại quan tâm về quê hương. Thành quả nổi bật nhất trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama mà mọi người đều thấy là ông đã hoàn toàn thu phục được lòng mến mộ và niềm tin tưởng của nhân dân Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama do đó nhắm vào ba mục tiêu chính. Thứ nhất, thắt chặt các mối quan hệ hữu nghị và đủ tin cậy với Việt Nam. Thứ hai, trợ giúp Việt Nam trở thành một đối tác kinh tế có tầm cỡ về cung cấp sản phẩm dịch vụ và đồng thời là một thị trường tiêu thụ có giá trị cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Thứ ba là giúp cho Việt Nam cũng cố khả năng phòng thủ trước sức mạnh của Trung Quốc.

Để hoàn thành những mục tiêu ấy cần phải vượt qua nhiều trở lực, đồng thời tránh gây ra những phản ứng phụ tai hại ngoài ý muốn từ quốc nội Mỹ, tại Việt Nam và phía Trung Quốc. Như thế, theo một cách đánh giá, có thể nói chuyến thăm Việt Nam là một kịch bản đã được dàn dựng hết sức công phu, tỷ mỉ từng chi tiết, và ông Obama là người thủ diễn xuất sắc vai trò tế nhị này. Kịch bản gồm có màn chính thức và những diễn biến bên lề, hiểu theo nghĩa có thể là không nằm trong lịch trình công bố hay dự tính, tuy nhiên lại có thể có tác động lớn hơn.

Không ít dư luận cho là nhà cầm quyền Việt Nam đã dành cho nhà lãnh đạo nước Mỹ kém xa so với khi đón nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây. Cách phê phán ấy là theo suy nghĩ bề ngoài và không xét đoán đầy đủ đến những ý định quan trọng hơn bên trong. Sự đón tiếp Tập Cận Bình và Obama khác nhau không chỉ ở hình thức mà chủ yếu là về nội dung. Có thể hiểu trong chuyến thăm của Tổng Thống Obama, Mỹ – Việt đã bàn luận và thỏa thuận đầy đủ tất cả mọi chi tiết trong đó có vấn đề tế nhị là làm sao cho Việt Nam không lâm vào thế khó xử và không có lợi ích gì để khiêu khích Trung Quốc quá đáng. Cũng có thể nhận ra là nhà cầm quyền Việt Nam đã cố tình ở hậu trường, để cho ông Obama đóng vai trò chủ  động trong chuyến thăm viếng. Ngược lại, phía Mỹ cũng chấp nhận một số việc mang tính cách tượng trưng, trong chừng mực vừa phải, để làm vừa lòng chính quyền Việt Nam. Đến thăm nhà sàn trước kia của ông Hồ Chí Minh và cùng với bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thả đồ ăn xuống ao cho cá ăn là một hành động nằm trong sự thể hiện chấp nhận nguyên trạng chính trị tại Việt Nam. Trong tuyên bố chung với chủ tịch Trần Đại Quang và trong những lời phát biểu tại cuộc gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự, nói chuyện truyền hình trực tiếp toàn quốc ở  hội trường Mỹ Đình và nói chuyện với giới trẻ ở Sài Gòn, Tổng Thống Obama đều nhắc lại nguyên tắc Mỹ không can thiệp vào chính trị Việt Nam và người Việt quyết định tương lai của đất nước mình.

Những sinh hoạt chính thức kiểu nhà nước ấy chỉ giới hạn trong phần đầu chuyến thăm viếng và thời gian còn lại trong ba ngày ở Việt Nam của Tổng Thống Obama là lịch trình Việt Nam nhường lại cho Mỹ. Sinh hoạt nổi tiếng nhất của Tổng Thống Obama tất nhiên là bữa ăn bún chả ở quán Hương Liên. Tuy vậy, cũng có những người khó tính hay cố tình phản biện, nói rằng đây là hành động được dàn dựng. Cần ghi nhận rằng dân chúng Hà Nội hoàn toàn ngạc nhiên, thích thú và khâm phục một nhà lãnh đạo siêu cường quốc có thái độ bình dân cởi mở, hòa mình với xã hội, sẵn sàng bắt tay, chụp hình ‘selfie’ với tất cả mọi người. Nếu bài nói chuyện của Tổng Thống Obama đánh động được tâm lý tình cảm của người dân bằng những lời dẫn thơ Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Nhất Hạnh, nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao thì chuyện ăn bún chả, vui vẻ bắt tay người dân cũng sẽ có tác động sâu xa và ảnh hưởng rất lâu dài đến xã hội Việt Nam về mặt văn hóa, xã hội và chính trị. Hàng chục ngàn người đứng dài hai bên những con đường Sài Gòn mà đoàn xe Tổng Thống Obama đi qua đã làm cho nhiều giới chức Mỹ trong đoàn tháp tùng Obama phải ngạc nhiên nói rằng họ chưa bao giờ thấy một sự đón tiếp đông đảo và nhiệt tình như vậy. Tại Sài Gòn, Tổng Thống Obama có hai cuộc gặp gỡ với giới trẻ và cũng trở thành thần tượng của thành phần này với lối nói chuyện thân mật cởi mở, đáp ứng những nguyện vọng của họ về tự do, sáng tạo về phát triển xã hội tương lai. Ông còn chứng tỏ sự am hiểu về giới trẻ Việt Nam khi yêu cầu cô ca sĩ nhạc rap, Suboi, hát một câu trong buổi nói chuyện với 800 sinh viên. Người dân miền Nam đã quen biết và tán thành sự trở lại của Mỹ nhưng dân miền Bắc dù sao hãy còn những “lấn cấn” trong quan hệ với Mỹ. Ông Obama không chỉ xóa tan sự ngại ngùng ấy mà còn lôi cuốn họ hoàn toàn về phía mình.

Nói hết về những gì Tổng Thống Obama đã đem đến cho nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm 64 giờ sẽ cần hàng trăm trang giấy. Chỉ có thể tóm tắt rằng “hội chứng Obama” không chỉ trong lãnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, cái quan trọng nhất sẽ là ảnh hưởng chuyển biến toàn thể xã hội Việt Nam trên mọi bình diện trong một tương lai không xa.

TUYÊN BỐ THẲNG THẮN CỦA TỔNG THỐNG OBAMA TẠI NHẬT BẢN

Tại Tokyo ngày 27/5, trả lời câu hỏi của truyền thông về việc Trung Quốc coi đối tác giữa Hoa Kỳ với Việt Nam là sự khiêu khích đối với Trung Quốc, Tổng thống Obama trả lời rất thẳng thắn: “Tôi xin nói ngắn về Trung Quốc. Quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam đang ngày càng phát triển, diễn ra hoàn toàn là độc lập với Trung Quốc. Quan hệ đối tác này đặt trên cơ sở những quan tâm chung về việc mở rộng thương mại, mở rộng hợp tác về mọi mặt, đó là nỗ lực của hai bên trong thời gian 30 năm. Nếu Trung Quốc vẫn cứ coi đó kiểu như là một sự khiêu khích đối với Trung Quốc thì tôi nghĩ kiểu hành xử đó cho thiên hạ thấy rõ hơn về thái độ của Trung Quốc, chứ chẳng nói lên được điều gì về thái độ của chúng tôi. Sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, hoặc giữa Trung Quốc và Philippines, hoặc là giữa Trung Quốc với các bên khác về tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông (South China Sea) không phải là do chúng tôi gây ra. Chúng tôi mong muốn giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp này. Làm thế nào để tránh những tranh chấp này xảy ra cũng không phải là việc của chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc và Việt Nam đối thoại với nhau và có khả năng giải quyết những tranh chấp đó. Chúng tôi không đứng về phe nào trong vấn đề đòi hỏi lãnh thổ. Cho nên việc giải quyết tranh chấp là hoàn toàn là trong phạm vi quyền lực của Trung Quốc. Mục đích của chúng tôi trong vấn đề quan tâm của Hoa Kỳ tại biển Đông chỉ đơn thuần là để duy trì tự do hàng hải, tự do vùng không phận bay và việc duy trì quy tắc và chuẩn mực quốc tế ở đây bởi vì chúng tôi cho rằng mục đích đó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong đó có Trung Quốc. Nguyên văn tiếng Anh: “So, just very briefly, on China. Our growing partnership with Vietnam is happening entirely independent from China, and is based on mutual interests to expand trade, to expand cooperation across a whole range of areas, and is 30 years in the making now. So the fact that China would perceive that as some sort of provocation to them I think says more about Chinese attitudes than it says anything about our attitudes. The tensions between China and Vietnam, or China and the Philippines, or China and other claimants in the South China Sea are not of our making. And we would very much like to see a peaceful resolution of those disputes. What’s preventing that from happening is not anything we’re doing. We would welcome China and Vietnam having a conversation and being able to resolve those disputes. We’re not taking a position on those claims. So it’s entirely within China’s power to resolve those disputes. And our goal with respect to our own interest in the South China Sea is simply to maintain freedom of navigation, freedom of overflight, and the maintenance of international rules and norms because we thing that benefits everybody, including China.”

THAM KHẢO

  1. Elizabeth Phú – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Những bí mật chưa tiết lộ từ quán bún chả phục vụ ông Obama” đăng trên mạng Trandaiquang.Org ngày 26/5/2016.
  3. Bài viết “Tổng thống Obama chia sẻ gì trên trang Facebook Nhà Trắng?” đăng trên mạng Trandaiquang.Org ngày 24/5/2016.
  4. Bài viết “Món quà đặc biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Tổng thống Obama” đăng trên mạng Trandaiquang.Org ngày 26/5/20
  5. Bài viết “Chân dung người phiên dịch của Obama tại Việt Nam” đăng trên mạng Zing.VN ngày 27/5/2016.
  6. Bài viết “Giáo sư Zinoman và diễn văn của Tổng thống Obama” đăng trên mạng VOA ngày 31/5/2016.
  7. Bài viết “Kể chuyện bánh mì Sài Gòn với ông Obama theo phong cách 3D” đăng trên Zing.VN – 1/6/2016.
  8. Bài viết “Mật vụ Mỹ uống cà phê vỉa hè bảo vệ Tổng thống Obama” đăng trên Trandaiquang.Org ngày 30/05/2016.
  9. Bài viết “Hồ sơ ấn tượng của nữ MC đối thoại với Tổng thống Obama” trên mạng VietnamNet ngày 28/5/2016.
  10. Bài viết “Tổng thống Obama nhất định ký tên vào bài phát biểu của MC Việt” đăng trên VTC News – 27/05/2016.
  11. Bài viết “Chiếc vòng ngọc trai Việt Nam tặng phu nhân Tổng thống Obama” đăng trên VietnamNet ngày 26/05/2016
  12. Bài viết “Tổng Thống Mỹ để lại ‘Hội Chứng Obama’ ở Việt Nam” đăng trên Người Việt – 27/05/2016.