Vụ cá chết Vũng Áng và sự sống còn của dân tộc

602 (lượt xem) |

Đây là bài thứ hai trong loạt các bài viết về mưu đồ của Trung Quốc và Hồng Kông, Đài Loan để gây sự thiệt hại toàn diện cho Việt Nam về quân sự, kinh tế, nguồn nước, môi trường và ngay trong những lãnh vực khác như chuyện người Trung Quốc tàn phá môi trường du lịch tại Đà Nẵng, Nha Trang v.v… Hệ lụy liên quan đến vụ Vũng Áng chỉ mới là sự khởi đầu. Rất khó cho người dân bình thường hiểu được chiến lược bảo vệ đất nước của nhà cầm quyền Việt Nam nhưng những biến cố xảy ra gần đây có thể xem như là kết quả của đạo quân thứ năm mà Trung Quốc đã và đang sử dụng với Việt Nam. Vụ Vũng Áng không phải là vụ đầu tiên mà cũng không phải là lần cuối cùng. Ngay cả Thượng tướng  Đỗ Bá Tỵ cũng phải nhìn nhận vụ Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng – an ninh và sự sống còn của dân tộc.

CÁC TAI NẠN MÔI TRƯỜNG TRÊN THẾ GIỚI

 Tại Hoa Kỳ gần đây xảy ra 2 tai nạn môi trường tại Alaska năm 1989 và Louisiana năm 2010. Điều khác biệt là công ty gây ra vụ tràn dầu tại Alaska là công ty Exxon của Hoa Kỳ trong khi vụ Deepwater Horizon lại do công ty British Petroleum của Anh Quốc gây ra, do đó thái độ của chính phủ Hoa Kỳ khác nhau xa .

Alaska – Hoa Kỳ: Vụ tràn dầu Exxon-Valdez

PRINCE WILLIAM SOUND, UNITED STATES : Staining the vista of the Chugach Mountains, the Exxon Valdez lies atop Bligh Reef two days after the grounding. Forty-two million gallons of remaining oil that would have vastly multiplied the disaster if the ship had sunk were pumped onto smaller vessels. Southbound from the trans-Alaska pipeline terminal at Valdez, the ship met disaster after 28 miles, outside normal shipping lanes, with the captain absent from the bridge. (Photo by Natalie B. Fobes/National Geographic/Getty Images)

Khung cảnh những vệt dầu loang xung quanh đỉnh Chugach – Ảnh: Natalie B Fobes/NG/Getty Images

Năm 1989, tại bang Alaska xảy ra vụ tràn dầu Exxon Valdez làm chấn động cả nước Mỹ. 25 năm sau, hãng tàu Exxon vẫn chưa trả hết tiền bồi thường. 8,000 ngư dân đã chết mà vẫn chưa nhận tiền bồi thường. Valdez là một tàu chở dầu khổng lồ, trọng tải 214,862 tấn của công ty Exxon-Hoa Kỳ. Ngày 24/3/1989, trên đường chở 148 triệu thùng dầu thô đến Long Beach, bang California, tàu Exxon Valdez va chạm đá ngầm ở khu vực Prince William Sound, bang Alaska, làm tràn dầu ra ngoài, gây thảm họa môi trường được xem là một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử. Biển Alaska bị ô nhiễm 18,000 km². Dầu loang làm ô nhiễm 2.340 km bờ biển. Ngư trường khu vực Prince William Sound bị đóng cửa cho tới nay. Thiệt hại ước tính 15 tỉ USD.Trong suốt 25 năm qua, Exxon luôn tìm cách giảm bớt số tiền đền bù thiệt hại và áp dụng các chiến thuật pháp lý làm khó ngư dân trong việc theo đuổi vụ kiện. Năm 1994, tòa án Anchorage ra phán quyết phạt tiền và buộc Exxon bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị ảnh hưởng tràn dầu 5 tỷ USD. Exxon lập tức kháng cáo, cho rằng bản án quá nặng, công ty có thể lâm vào cảnh phá sản. Năm 2008, với những cuộc vận động hành lang và lập luận kháng cáo tinh vi, Exxon thắng lớn khi tòa án tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết của tòa án Anchorage, giảm mức đền bù và phạt vạ từ 5 tỉ USD xuống còn 507.5 triệu USD. Nhưng 20 năm qua, Exxon chỉ mới trả 383 triệu USD. Trong một chiêu khác nhằm cắt giảm tiền đền bù, Exxon chỉ cam kết trả tiền thiệt hại gây ra tức thời cho ngư dân với lập luận rất khó dự báo ảnh hưởng của sự cố tràn dầu đến nguồn cá và muông thú. Vì vậy, Exxon bắt ngư dân ký giấy hạn chế quyền khiếu kiện những thiệt hại trong tương lai. Điều này rõ ràng bất hợp lý vì sau vụ tràn dầu, ngư trường Prince William Sound bị đóng cửa cho đến bây giờ. Năm 1991, BP gây ra một vụ tràn dầu nhỏ ở Glacier Bay, Alaska. Luật sư đại diện cho ngư dân ở Cook Inlet, kiện BP đòi bồi thường thiệt hại. Vụ kiện kéo dài đến 4 năm. Lúc đó, BP mới chịu bồi thường 51 triệu USD.

Louisiana – Hoa Kỳ: Vụ tràn dầu Deepwater Horizon:

Sự cố của giàn Deepwater Horizon là một sự cố nổ giàn khoan tại giàn khoan bán tiềm thủy di động Deepwater Horizon của hãng dầu khí BP. Vị trí giàn khoan khoảng 64 km về phía tây nam bờ biển Louisiana trong khu vực mỏ dầu khí Macondo Prospect. Sự cố xảy ra vào ngày 20 tháng 4 năm 2010 đã khiến 11 người thiệt mạng và làm 17 người khác bị thương, có 98 người sống sót không bị thương tích. Tai nạn này khiến cho giàn khoan này bị bốc cháy và chìm, gây ra tràn dầu ở một khu vực rộng lớn trong vịnh Mexico gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống hoang dã trong khu vực, đến ngành ngư nghiệp và du lịch các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng. Đây là sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ ước lượng 4.9 triệu barrels (210 triệu US gal; 780,000 m3) đã tràn ra vịnh Mexico. Mãi đến tháng 9/2010 mới bít kín được mỏ dầu. Kết quả khảo sát tại một địa điểm gần vịnh Mexico cho thấy sau thảm họa tràn dầu, các hệ sinh thái san hô nằm cách mặt biển 1,220 m ở khu vực này đều bị ảnh hưởng, một số rạn san hô dần bị tẩy trắng hoặc biến màu. Nhiều động, thực vật sinh sống ở vùng đầm lầy ngập mặn Louisiana, Alabama và Mississippi chết trong những vệt dầu loang. Không chỉ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái ven biển, lượng dầu bị rò ra từ khu vực giàn khoan của BP còn khiến đất đai tại một số hòn đảo bị ô nhiễm nặng nề, thảm thực vật bị héo úa rồi chết dần chết mòn. Các loài chim di trú – những vị khách dừng chân ở vùng đất này sau một hành trình dài mỏi mệt – cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, ngành công nghiệp cá và du lịch của các bang nói trên của Mỹ cũng hứng chịu tác động khi sản lượng đánh bắt tôm, cua, cá và các loài hải sản khác của ngư dân mỗi ngày một kém. Thậm chí, nhiều nơi đã ngừng thu mua hải sản có xuất xứ từ đây vì lo ngại nhiễm độc. Nước biển và những bãi cát ven bờ cũng nhuốm đầy dầu và hắc ín, làm phá sản ngành du lịch địa phương… Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bang Louisiana, với ước tính thiệt hại ban đầu không dưới 4 tỷ USD, chưa kể chi phí thực tế đối với hệ sinh thái và sinh kế người dân chưa được đánh giá một cách đầy đủ.

Chính phủ Hoa Kỳ đã phải huy động cả một lực lượng các tàu hút dầu, các phao ngăn chận, đốt dầu có kiểm soát và xử dụng 1.84 triệu US gallons (7,000 m3) hóa chất phân hủy dầu Corexit. Khi thảm họa xảy ra, người ta ước tính mỗi ngày có tới hơn 750,000 lít dầu thô bị rò rỉ từ giàn khoan, mặt biển bị dầu loang rộng tới khoảng 9,000 km². Hắc ín và dầu loang không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn trực tiếp phá hủy các hệ sinh thái cửa sông Mississippi và vùng đầm lầy ngập mặn dọc duyên hải bang Louisiana của Mỹ. Một chiến dịch rộng lớn để bảo vệ và hồi phục hệ sinh thái, rừng ngập mặn, làm sạch bờ biển và hồi phục kỷ nghệ du lịch.

Một năm sau thảm họa tràn dầu, Tập đoàn Dầu khí BP tuyên bố đã thu hồi hầu hết (khoảng 90%) lượng dầu loang. Tuy nhiên, theo điều tra của Cơ quan quản lý ngành đánh bắt hải sản và cuộc sống hoang dã bang Louisiana thì lượng dầu đã thu hồi chỉ nằm ở bề mặt, còn một lượng lớn dầu bị rò ra từ giếng dầu Tiber trước khi được bịt lại đã thấm vào đất đai, cây cỏ hoặc chìm xuống đáy biển, không dễ gì thu hồi được. Về lâu dài, lượng dầu này sẽ tiếp tục ảnh hưởng, để lại di chứng trên các hệ sinh thái vùng ven và gây trở ngại cho cuộc sống con người.

Nhớ lại trước thảm họa tràn dầu lịch sử trên vịnh Mexico, Tập đoàn Dầu khí BP đã từng bị tai tiếng bủa vây khi để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng, trong đó có vụ nổ nhà máy lọc dầu ở Texas năm 2005 làm 15 người thiệt mạng và vụ tràn hơn 750,000 lít dầu trong khu vực biển bang Alaska năm 2006 … Tập đoàn BP đã phải thu hẹp quy mô, bán đi khối tài sản trị giá 30 tỷ USD (tương đương 20% trị giá tài sản của mình) trang trải cho các án phạt, công tác dọn dẹp, chương trình tái thiết, bồi thường, đền bù phá hủy sinh thái, hoạt động kinh doanh, du lịch và phục hồi danh tiếng. Năm 2013, BP đã phải thành lập một “trust fund” $42.2 tỷ USD để dành riêng cho vụ  kiện này. Cuối cùng, tập đoàn dầu khí BP của Anh đã nhận 14 tội hình sự và đồng ý nộp phạt số tiền kỷ lục 18.7 tỷ USD cho Hoa Kỳ.

 Nhật Bản: Vụ Chisso

Vụ xả thải khiến cá ở vùng vịnh nhiễm độc thủy ngân, con người và súc vật ăn vào bị ảnh hưởng tới thần kinh. Ảnh: Wikipedia

Một trong những vụ kinh hoàng nhất xảy ra ở Nhật Bản đầu thế kỷ 20. Tập đoàn Chisso mở nhà máy hóa chất ở Minatama và trong quá trình phát triển sản xuất, Chisso đã góp phần đưa nơi này trở thành một trong những thành phố công nghiệp hàng đầu của tỉnh Kumamoto. Tuy nhiên, nhà máy đã gây ra tình trạng ô nhiễm tồi tệ khi xả thẳng nước thải chứa thủy ngân không qua xử lý ra vùng biển vốn có một lượng thủy sản dồi dào với khoảng 200,000 ngư dân. Thực tế, từ năm 1912 đến 1926, nước xả thải của Chisso đã nhiễm độc cho cá tôm cùng nhiều loài vật sống dưới biển, đến mức người dân ăn phải đã khiến họ bị nhiễm một căn bệnh lạ mà sau này được đặt tên là Minamata theo tên của thành phố. Bệnh này có triệu chứng á khẩu, đi đứng khó khăn, co giật, tê liệt, hôn mê và chét sau vài tuần phát bệnh. Lượng tôm cá thì sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn một phần rất nhỏ so với trước. Năm 1926, Chisso đã đồng ý trả cho ngôi làng địa phương một khoản tiền 1.500 Yen nhưng gọi đây là tiền “cảm thông” để né tránh trách nhiệm. Năm 1943, Chisso ký với ngư dân địa phương một thỏa thuận khác chấp nhận 152,500 Yen tiền ‘thông cảm’ cho các thiệt hại ngư nghiệp trong quá khứ và tương lai, đồng thời ràng buộc họ bằng điều khoản không được phép kiện thêm nữa.

Một ca bị bệnh Minamata – Ảnh: apjjf

Trong suốt hàng chục năm trời sau đó, nhiều người đã tử vong vì bệnh Minamata nhưng chính quyền địa phương đã “làm ngơ” và Chisso vẫn không ngừng xả thải thẳng ra biển. Tính đến tháng 3/2001, hơn 2,000 người được chẩn đoán bị bệnh Minamata do ăn cá nhiễm thủy ngân. Hơn 1,500 người đã chết và hơn 10,000 nhận được đền bù tài chính từ Chisso. Năm 2003, Chisso bị buộc phải trả khoảng 86 triệu USD tiền bồi thường, đồng thời được yêu cầu phải dọn sạch ô nhiễm môi trường do tập đoàn gây ra.

Trung Quốc: Ô nhiễm sông Tùng Hoa

Một vụ nước nhiễm độc thủy ngân tương tự Nhật Bản cũng xảy ra ở Trung Quốc. Theo một nghiên cứu năm 2010 của Học viện Môi trường, Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, công ty hóa chất công nghiệp Cát Lâm, nay là Công ty dầu khí Cát Lâm, đã thải 114 tấn thủy ngân và 5.4 tấn methylmercury vào sông Tùng Hoa bắt đầu từ năm 1958 đến 1982. Những ca bệnh thần kinh nghi do nhiễm độc thủy ngân đầu tiên xuất hiện năm 1965. Năm 1973, hàm lượng thủy ngân đo được trong tóc ngư dân ở vùng thượng lưu thành phố Cát Lâm là 52.5 mg/kg. Tháng 7/1973, chính quyền Cát Lâm mở cuộc điều tra ô nhiễm sông Tùng Hoa. Mức thủy ngân trong tóc người được cho phép tối đa là 1.8 mg/kg, theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đến năm 1976, chính quyền Trung Quốc mới thừa nhận có người nhiễm bệnh Minamata. Sau sự kiện này, nhà máy chỉ giảm lượng xả thủy ngân, chứ không ngừng hoàn toàn. Lúc này, nhà máy mới bắt đầu xử lý nước. Dọc 100 km ở hạ lưu sông chảy qua địa phận thành phố Cát Lâm không xuất hiện tôm cá. Năm 1978, chính phủ yêu cầu nhà máy hóa chất Cát Lâm phải làm sạch ô nhiễm trong vòng ba năm. Việc làm sạch sông bắt đầu vào tháng 3/1979 và hoàn thành cuối năm 1980, tổng cộng xử lý 192,000 tấn nước. Năm 1979 – 1988, chính quyền bồi thường cho ngư dân vùng bị ô nhiễm gần 4 triệu NDT (khoảng 2.56 triệu USD theo tỷ giá năm 1979). Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không công bố số liệu cụ thể về số người nhiễm bệnh Minamata ở khu vực sông Tùng Hoa. Theo một nghiên cứu của Thư viện Y khoa Mỹ (PMC) vào tháng 9/2010, mặc dù nồng độ thủy ngân trong nước sông đã giảm, nhưng phải mất vài thập kỷ hoặc 100 năm nữa nồng độ thủy ngân trong nước sông mới trở về ban đầu. Nồng độ thủy ngân trong cá tuy giảm hơn 90% so với năm 1975, nhưng vẫn cao hơn mức bình thường 2-7 lần và dự kiến ít nhất 10 năm nữa mới khôi phục về mức độ bình thường.

CÁC VỤ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TY FORMOSA

Tại Campuchia, Tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan đã bị tai tiếng xấu khi vào tháng 11/1998 đưa khoảng 5,000 tấn chất thải, trong đó có thủy ngân, tới thị trấn ven biển Sihanoukville, nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Hơn 140 chiếc container chứa chất thải bị Formosa bỏ ở một khu vực không có rào chắn và biển khuyến cáo. Được tự do tiếp cận nên một số người đến lượm các bao tải mang về nhà để sử dụng, thậm chí đựng gạo. Kết quả là vài ngày sau đó, họ có nhiều biểu hiện bất thường với sức khỏe bị suy giảm. Nghi ngờ về bãi chứa chất thải của Formosa, người dân đã phản ánh với chính quyền địa phương. Căng thẳng trở nên tột bậc sau cái chết của một nhân viên tại cảng Sihanoukville, người làm công việc dọn dẹp các tàu chở chất thải của Formosa từ Đài Loan đến Campuchia. Người dân kéo đến đập phá một khách sạn của tập đoàn và tổ chức biểu tình trước cửa những cơ quan cho phép nhập khẩu chất thải. Phía Nhựa Formosa khẳng định họ có giấy phép và được xác nhận chất thải an toàn để chôn dưới đất. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là tập đoàn giấu nhẹm thành phần chất thải có thủy ngân. Điều tra cho thấy, nồng độ thủy ngân của khối chất thải vượt quá 20,000 lần giới hạn an toàn cho phép. Các chỉ số dioxin và PCB đều ở mức nguy hiểm. Sihanoukville đã trở thành “cơn ác mộng” khi nhiều người biết chuyện đã vội vã đi “sơ tán”. Họ tranh nhau lên tàu, xe buýt và xe khách để rời bỏ thị trấn dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông. Trước sức ép ngày càng lớn, Nhựa Formosa đã lên tiếng xin lỗi vì “gây xáo trộn cuộc sống” của người địa phương. Đến tháng 3/1999, ông Om Yen Tieng, trưởng đoàn công tác của chính phủ Campuchia với Formosa thông báo yêu cầu tập đoàn phải dọn dẹp và đưa toàn bộ khối chất thải khỏi nước này. Hoàng thân Norodom Ranariddh khi đó còn nói rằng một số quan chức đã nhận hối lộ lên tới 3 triệu USD để cho phép Formosa đưa khối chất độc này vào Campuchia nhưng Formosa phủ nhận thông tin. Tổng cộng hơn 100 quan chức Campuchia bị đình chỉ chức vụ. Tổng giám đốc một công ty nhập khẩu ở Campuchia, 2 đối tác người Đài Loan và phiên dịch viên của họ bị khởi tố. Cũng theo hãng tin này, Formosa phải thu lại chừng 3,000 tấn chất độc để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Mỹ. Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã rút lại quyết định trước đó cho Formosa nhập chất độc vào Mỹ, với lý do hàm lượng độc tố cao hơn chuẩn mà luật Mỹ cho phép.

Tại Hoa Kỳ, hồi tháng 9/2009, chính quyền hai bang Texas và Louisiana đã buộc Nhựa Formosa phải chi hơn 10 triệu USD để xử lý vi phạm chất thải độc ra không khí và nguồn nước. Theo BBC, bê bối xảy ra tại hai nhà máy của Formosa tại Point Comfort thuộc bangTexas và Baton Rouge thuộc bang Louisiana. Tập đoàn của Đài Loan này còn phải trả tiền phạt dân sự 2.8 triệu USD vì vi phạm các luật về nước sạch, không khí sạch và luật về kế hoạch công nghiệp của Mỹ.

DIỂN BIẾN VỤ CÁ CHẾT TẠI VŨNG ÁNG

Ngày 6/4: Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà). Cá chết nhiều trong các ngày 6-7/4.

Ngày 10 đến 16/4: Hiện tượng cá chết xuất hiện tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Ngày 16/4: Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói đoàn công tác không vào kiểm tra tại khu công nghiệp Vũng Áng được vì đây là khu vực có yếu tố nước ngoài, “đoàn không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra”.

Ngày 22/4: Một người dân lặn biển, ông Nguyễn Xuân Thành phát hiện thấy đường ống xả thải hóa chất dưới đáy biển, “nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi cảm thấy rất ngạt thở”.

Ngày 24/4: Cuộc họp giữa Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ Tài nguyên Môi trường nói Formosa có một số “vi phạm trong việc thực hiện súc rửa đường ống”.

Ngày 25/4: Trả lời trên Kênh VTC14 về thắc mắc của ngư dân tại sao trước khi Công ty Formosa xây dựng hệ thống xử lý nước xả thải thì họ đánh bắt được rất nhiều loại thủy, hải sản, tôm cá. Tuy nhiên, sau khi công ty xả thải ra biển thì xung quanh không hề có sinh vật biển nào còn sống sót? Ông Chu Xuân Phàm – Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh cho hay, phải biết chấp nhận mất mát vì không thể có được hai điều cùng một lúc.

Ngày 27/4: Có thông tin xuất hiện cá chết ở Đà Nẵng. Chính phủ ra công điện yêu cầu bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy hải sản chết bất thường.

Ngày 29-30/4: Người lao động Việt Nam tại Đài Loan xuống đường thể hiện quan điểm về sự kiện cá chết tại khu vực Hà Tĩnh.

Ngày 5/5: Lời kêu gọi tiếp tục biểu tình ngày 8/5 được phát đi trên mạng xã hội với lý do ‘Chính phủ cố tình chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết’.

Ngày 8/5: Hàng trăm người dân Việt Nam ở Sài Gòn và nhiều thành phố, địa phương trong cả nước đã xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối vụ cá chết hàng loạt.

Ngày 29/5: Hàng trăm người Việt tại Nhật biểu tình đòi làm rõ nguyên nhân thảm họa cá chết tại Việt Nam.

Ngày 8/6: Hà Tĩnh buộc Formosa Hà Tĩnh và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) lắp thiết bị tự động kiểm soát khí chất thải, bụi tại các lò cao nhiệt điện.

Ngày 11/6: Tôm hùm và cá chết hàng loạt ở biển Phú Yên.

Ngày 16/6: Quốc hội Đài Loan họp báo liên quan tới cáo buộc Formosa Hà Tĩnh thải chất độc gây ô nhiễm. Formosa Plastic Group bị áp lực từ các nhóm môi trường địa phương, nghị sỹ và một hội đoàn của người Việt, chất vấn về vụ cá chết bí ẩn ở miền Trung Việt Nam.

Ngày 26/6: Một số báo Việt Nam đăng bài về phóng sự dài 60 phút “Việt Nam – Cái chết của cá” phát trên kênh truyền hình PTS của Đài Loan.

Ngày 28/8: Formosa ký biên bản thừa nhận sai phạm, trước sự chứng kiến của đại diện nhiều bộ ngành Việt Nam, trong đó có cả Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án tối cao và đại diện bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng.

Ngày 30/6: Văn phòng Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, theo đó xác định là do sự cố xả thải và từ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh. Lãnh đạo Formosa hứa hẹn bồi thường mọi thiệt hại và “cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam”.

Ngày 11/7: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong số 53 vi phạm bị phát hiện, nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ luyện cốc.

Ngày 13/7: Liên quan đến việc Công ty Formosa Hà Tĩnh ký hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải với Công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, để rồi Công ty Formosa đưa 100 tấn chất thải về chôn lấp tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, tại phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Võ Tá Đinh cho biết, việc ký hợp đồng giữa hai công ty này là vi phạm pháp luật về môi trường.

KẾT LUẬN

Về vụ cá chết tại Vũng Áng, trong phóng sự dài 60 phút mang tên “Việt Nam – Cái chết của cá” phát ngày 20/6, phát lại ngày 25/6, phóng viên Đài truyền hình PTS của Đài Loan đã đi sâu vào thực tế, trực tiếp phỏng vấn ngư dân bị ảnh hưởng. Họ cũng cáo buộc thẳng thừng trong phóng sự rằng “Chính Formosa là nguyên nhân gây ra tai họa cho cái chết của cá”. Các nhà hoạt động môi trường, nhân quyền Đài Loan đã cùng kêu gọi chính quyền phải thắt chặt các quy định về môi trường đối với các công ty Đài Loan khi đầu tư ra nước ngoài. Các nghị sĩ Đài Loan cũng cho rằng chính Việt Nam cần chủ động, có trách nhiệm với các quy định về môi trường. Nhiều người Việt Nam đã so sánh lượng thông tin và tính cân bằng trong phóng sự của PTS với những tin bài của truyền thông Việt Nam. Bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, họ cho rằng truyền thông Việt Nam đã không “dám” làm những phóng sự có chiều sâu và phản ánh được mối lo, các suy nghĩ của chính người dân Việt Nam như các đồng nghiệp nước ngoài đến từ Đài Loan.  “Người dân cũng thấy rằng chính phủ đang có những cái mắc mớ rất lớn … Vì nguyên nhân có thể liên quan đến nhà máy Formosa … Nếu liên quan tới đó, thì do những sai sót từ hồi trước. Chính phủ đã cấp phép dễ dàng, không kiểm tra chuyện xử lý nước thải, và họ có một phần trách nhiệm lớn vì nguyên nhân cơ chế trong chuyện xả thải này. Ngoài ra, chính quyền Việt Nam chắc cũng thừa hiểu rằng Công ty Trách Nhiệm Hữu hạng Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chỉ là vỏ bọc của công ty Metallurgical Corporation of China Ltd (Tập đoàn Công ty Luyện kim Trung Quốc: MCC). Tất cả tin tức liên quan đến vai trò của MCC trong dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh, được đăng tải rõ ràng, không thiếu phần kiêu hãnh, trên trang nhà của MCC http://www.mcc.com.cn/mccen/index/index.html.

Cuối cùng, trong buổi họp báo chính thức chiều ngày 30/6/2016, Việt Nam đã khẳng định về sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung là từ nhà máy của Formosa. Trước buổi họp báo này, ông Trần Nguyên Thành – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gửi thư tới toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty thừa nhận do sai sót đã gây ra vụ cá biển chết ở miền Trung. Formosa “nhận trách nhiệm sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt, đồng thời cam kết công khai xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam; thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân; phục hồi môi trường với đầu tư 500 triệu USD; khắc phục triệt để hạn chế của hệ thống xử lý nước thải”. Như vậy, cả Formosa và chính quyền Việt Nam chắc chắn biết rằng sẽ có ô nhiễm môi trường nhưng vẫn cứ làm và đây không phải là trường hợp độc nhất.

Rất khó để so sánh hậu quả xã hội và kinh tế giữa vụ Vũng Áng và các vụ tràn dầu Exxon-Valdez tại Alaska năm 1989 và vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon hồi năm 2010 tại vịnh Mexico. Hai vụ này liên hệ đến sự cố tràn dầu trong khi vụ  Vũng Áng liên quan đến xã thải các chất độc tương tự như vụ Chisso tại Nhật hay vụ sông Tùng Hoa tại Trung Quốc. Trong vụ giàn khoan dầu Deepwater Horizon, tập đoàn dầu khí BP của Anh đã nhận 14 tội hình sự và đồng ý nộp phạt số tiền kỷ lục 18.7 tỷ USD cho Hoa Kỳ, gấp 37 lần số tiền Formosa bồi thường cho Việt Nam. Sự giúp đỡ của quốc tế để lượng định để sự thiệt hại thật sự của vụ Vũng Áng là điều cần thiết nhưng đây là điều chính quyền Việt Nam muốn dấu. Nguy cơ ô nhiễm môi trường của các dự án đầu tư vào Việt Nam nhất là từ Đài Loan và Trung Quốc như là các quả bom nổ chậm đang chực chờ rơi xuống đầu dân tộc Việt. Dư luận trong nước đang đề cập đến nhà máy giấy Lee & Man tại Cần Thơ. Trước đó năm 2008 cũng đã có  sự ô nhiễm sông Thị  Vải cũng do công ty Vedan của Đài Loan gây ra cũng như vụ Bauxit Tây Nguyên. Ai cũng hiểu rằng đối với những dự án có tính các chiến lược hay liên quan đến nội bộ của đảng Cộng Sản thì họ chẳng bao giờ tiết lộ cho công chúng. Có vài điều chính quyền Việt Nam có thể làm được như thông báo cho dân chúng biết như làm thế nào và bao lâu sẽ đưa hệ thống sinh thái ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường cũng như làm thế nào để không xảy ra những vụ ô nhiểm môi trường trong tương lai. Những điều này hy vọng có thể làm dịu bớt sự căm phẩn của dân chúng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Deepwater Horizon oil spill – From Wikipedia, the free encyclopedia
  2. Bài viết “Câu chuyện hồi sinh của BP sau thảm họa tràn dầu” trên mạng PetroTimes ngày 10/2/2012.
  3. Bài viết “Formosa có tên trong danh sách các vụ xả thải lớn trên thế giới” trên mạng VietnamNet ngày 26/4/2016.
  4. Bài viết “Đầu tư nước ngoài và ô nhiễm môi trường” của tác giả đăng trên mạng Vietbao Online ngày 5/5/2016.
  5. Bài viết “Việt Nam công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt” trên các mạng VOA, Trandaiquang.org, Tuoitre.org ngày 30/6/2016.
  6. Bài viết “Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Formosa cúi đầu xin lỗi người Việt vì gây ra vụ cá chết ở miền Trung” trên mạng Trandaiquang.org ngày 30/6/2016.
  7. Bài viết “4 kẽ hở lớn nhìn từ thảm họa môi trường Formosa” trên mạng Thanh Niên Online ngày 1/7/2016.
  8. Bài viết “Hệ sinh thái biển miền Trung: Nửa thế kỷ mới hồi phục hoàn toàn” trên mạng Đàn Chim Việt ngày 3/7/16.
  9. Bài viết “Lật lại chuyện Formosa!” trên mạng VOA ngày 6/7/2016.
  10. Bài viết “Kẻ đào mồ chôn Biển, Cá và Người Việt tên là MCC” trên mạng Vietbao Online ngày 7/7/2016.
  11. Bài viết “Formosa ‘tráo’ công nghệ” trên mạng Thanh Niên Online ngày 8/7/2016.
  12. Bài viết “Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng – an ninh” trên mạng Thanh Niên Online ngày 11/07/2016.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *