Những dự án mới của Hải quân Hoa Kỳ

349 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong loạt bài viết về hải quân các cường quốc trên thế giới, tác giả sẽ viết 2 bài liên tiếp về Hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc để độc giả có cơ hội so sánh. Đúng ra thì phải đề cập thêm về chiến tranh mạng và vũ trụ vì những điều này sẽ xảy ra trong chiến tranh rất gần. Hoa Kỳ đang nghiên cứu việc đưa chiến tranh mạng thành một Bộ tư lệnh tương đương như Hải-Lục-Không quân và Thủy quân lục chiến.

Hải quân Mỹ năm 2012 đã đệ trình Quốc hội Mỹ xem xét kế hoạch 30 năm phát triển hải quân. Vào năm 2019, dự kiến tăng số lượng tàu của Hải quân Mỹ từ 282 lên 300 tàu. Trong tương lai dài hạn, đến năm 2042, số lượng tàu dự định hạn chế ở mức 298 chiếc. Chi phí đóng tàu hàng năm từ năm 2013-2042 sẽ là 16.8 tỷ USD. Mỹ đã cắt giảm kế hoạch đóng tàu trong 30 năm đi 10 chiếc và từ bỏ việc mua thêm các tàu cao tốc JHSV. Trước đây, đã dự kiến tăng số lượng các tàu này lên đến 23 chiếc.

Các loại tàu Tổng số Đóng thêm
Tàu sân bay 11 2
Tàu chiến nổi cỡ lớn 87 15
Tàu chiến nổi cỡ nhỏ 37 25
Tàu ngầm tấn công 48 16
Tàu ngầm mang tên lửa hành trình 4 0
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo 14 0
Tàu đổ bộ 31 3
Tàu tiếp vận tác chiến 29 3
Tàu hỗ trợ 34 8
TỔNG CỘNG 295 72

(Nguồn: Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ)

Trong trung hạn, “Kế hoạch tác chiến Hải quân 2015-2019” là kế hoạch mới chỉ đạo tác chiến hạm đội và xây dựng hải quân của Mỹ với 3 nguyên tắc: ưu tiên tác chiến, hiện diện tuyến đầu, chuẩn bị ổn thỏa, vừa duy trì trạng thái chuẩn bị bố trí ổn thỏa vừa tiến bước vững chắc trên con đường hiện đại hóa hạm đội.

  • Trong kế hoạch này, cấp chỉ huy Hải quân thừa nhận môi trường tài chính buộc hải quân đưa ra quyết định khó khăn, hải quân sẽ hết sức duy trì trật tự tài chính, nhưng muốn áp dụng phương thức có trách nhiệm.
  • Răn đe chiến lược vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cụ thể là duy trì một khả năng răn đe trên biển tin cậy, hiện đại, có khả năng sống sót, bao gồm 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio (tàu ngầm hạt nhân chiến lược) với tên lửa đạn đạo Trident D5, cộng với phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới thay thế lớp Ohio (thực hiện chạy thử lần đầu tiên vào năm 2031). Trước năm 2019 bàn giao 9 tàu ngầm tấn công lớp Virginia và gần 80 máy bay tuần tra trên biển P-8A Poseidon sẽ có lợi cho duy trì ưu thế của Mỹ về trang bị dưới nước.
  • Năm 2016 sẽ trang bị HKMH lớp Ford (CVN-78) và KTH lớp Zumwalt (DDG-1000) đầu tiên.
  • Điều chỉnh hệ thống mạng hải quân để thích ứng với môi trường thông tin liên hợp của Bộ Quốc phòng, điều này chủ yếu thông qua mấy biện pháp dưới đây để thực hiện: lắp dịch vụ hệ thống và mạng trên biển nhất thể hóa cho tàu chiến và trung tâm tác chiến hải quân; trên đất liền xây dựng mạng lưới thế hệ tiếp theo và xây dựng một cơ quan quản lý an ninh mạng hải quân.
  • Tiếp tục tăng cường hiện diện tuyến đầu cho Hải quân Mỹ, mục đích là đưa tàu chiến triển khai từ 97 chiếc năm 2014 tăng lên 120 chiếc vào năm 2021. Khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ từ 50 chiếc năm 2014 tăng lên 65 chiếc năm 2019 chiếm 60% tổng số tàu ở Thái Bình Dương.

LỰC LƯỢNG & ĐÓNG MỚI

Vào năm 2040, Hải quân Mỹ sẽ có:

  • 10 tàu sân bay, chứ không phải 11 chiếc như dự kiến một năm trước đó. USS John F. Kennedy (CVN-79) đang được đóng, dự trù gia nhập hạm đội năm 2020, USS Enterprise (CVN 80) dự kiến được khởi đóng vào năm 2018. Ngoài ra các tàu đổ bộ LHA loại America trọng tải 45,000 tấn với 20 chiến đấu cơ F-35B có thể xem như là một HKMH hạng nhẹ. USS America (LHA 6) đang hoạt động. USS Tripoli (LHA-7) đang được đóng (2014) và công ty Huntington Ingalls Industries’ (HII) đã dành được hợp đồng đóng USS Makin Island (LHA-8).
  • Vào năm 2037, dự kiến số lượng tàu ngầm được tăng lên đến 50 chiếc. Năm ngoái, Mỹ muốn tăng số lượng tàu ngầm chỉ đến 45 chiếc vào cuối thập niên 2030. 14 tàu ngầm hạt nhân trang bị hõa tiển liên lục địa lớp Ohio hiện có dự định đến năm 2022 được thay bằng các tàu ngầm mới lớp SSBN(X). Từ năm 2033, Hải quân Mỹ bắt đầu mua sắm các tàu ngầm SSN 774(X) để thay thế các tàu ngầm lớp Virginia.
  • Theo kế hoạch của Hải quân Mỹ, vào năm 2030, dự định bắt đầu mua sắm các tàu chiến ven bờ thế hệ mới LCS(X). Số lượng tàu chiến ven bờ thế hệ 1 LCS thuộc 2 loại hiện có 7 chiếc tính đến 2016, dự định tăng lên đến 20 chiếc, còn LCS(X) dự định sẽ mua sắm 10 chiếc.

HÀNG KHÔNG MẪU HẠM

Giới lãnh đạo nước Mỹ và quân đội Mỹ trù tính sự hiện diện trong biên chế chiến đấu của hải quân thường trực không dưới 11 tàu sân bay hạng nặng, kể cả trong tương lai dài hạn (ít nhất trong 30 năm tới). Số lượng tàu sân bay đó, theo tính toán của Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ, sẽ bảo đảm cả cho việc triển khai theo kế hoạch cũng như triển khai khẩn cấp các CSG để trực chiến trong thành phần tất cả các hạm đội tác chiến hiện có và bảo đảm cho hải quân hoàn thành toàn bộ tổ hợp các nhiệm vụ đặt ra được quy định bởi học thuyết quân sự quốc gia và chiến lược hải quân hiện hành của Mỹ. Tuy nhiên, chiến hạm đổ bộ loại mới, America class, trọng tải 45,000 tấn đang được đóng để thay thế các chiến hạm loại Tarawa có thể xem như là 1 HKMH hạng nhẹ. Được trang bị với các chiến đấu cơ F-35B và các phi cơ tấn công khác, chiến hạm loại này có khả năng tấn công mạnh hơn loại cũ rất nhiều. Như vậy, HQHK sẽ có đến 20 HKMH. Đây có thể xem như là sự dung hòa giữa một HKMH hạng nặng và các HKMH đổ bộ củ, thích hợp cho các cuộc chiến hạn chế.

Theo dự trù thì CVN-78 Gerald R. Ford đóng năm 2008, sẽ được biên chế cuối năm nay,  CVN-79 John F. Kennedy đóng năm 2013, sẽ được biên chế năm 2020, CVN-80 đến 87 sẽ được biên chế từ 2025 đến 2054.

Với dự định loại khỏi biên chế chiến đấu của hải quân Mỹ tàu sân bay Enterprise (CVN-65) nên trong thời gian sắp đến sẽ chỉ còn 10 tàu sân bay hạt nhân đa nhiệm. Gerald R. Ford được dự định là lớp tàu sân bay tiến bộ nhất và có những nét tăng hiệu suất làm việc hơn lớp tàu sân bay tiền nhiệm là lớp Nimitz. Những chi tiết và ưu điểm của tàu sân bay mới:

  • Tổng số chi phí xây dựng cuối cùng là 13 tỷ USD, chưa kể đến 4.1 tỷ USD chi phí nghiên cứu.
  • Do thiết kế tối ưu và áp dụng các công nghệ cao nên CVN-78 có trình độ tự động hóa cao hơn hẳn so với các tàu sân bay lớp Nimitz. Tàu sân bay lớp Ford chỉ cần 4,660 thủy thủ, ít hơn so với tàu sân bay lớp Nimitz 700 người, chỉ cần đến 3 thang máy nâng, hạ tiêm kích hạm so với 4 của các tàu sân bay kiểu cũ. Hải Quân đã dự tính sẽ tiết kiệm hơn 4 tỷ USD cho chi phí vận hành trong khoảng thời gian phục vụ 50 năm.
  • Được trang bị với hai lò phản ứng hạt nhân Bechtel A1B, mổi lò cung cấp 300 megawatts điện lực, gấp 3 lần lò hạt nhân của loại Nimitz. Lò phản ứng có thể làm việc không thay thế các thanh Uranium trong vòng 50 năm sử dụng. Công suất của trạm nguồn hạt nhân tăng lên 25% so với các lò cũ, và công điều hành giảm tới 50%.
  • Gerald R. Ford được trang bị một radar quét điện tử chủ động đa chức năng, và một tháp điều khiển ngắn nhưng cao hơn của lớp Nimitz gần hơn về phía rìa của con tàu ở phần đuôi. Hệ thống phóng phi cơ điện từ (Electromagnetic Aircraft Launch System – EMALS) sẽ phóng những chiếc phi cơ, thay thế sự cần thiết về các nguồn dự trữ nước nóng và hơi nước của các hệ thống phóng thủy lực. EMALS có thể phóng phi cơ mổi 45 giây, nhiều phi cơ hơn 25% mỗi ngày, 25% nhanh hơn HKMH loại củ.
  • HKMH có khả năng mang đến 75-90 máy bay đủ loại: máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35, máy bay cường kích đánh chặn F/A-18E/F Super Hornet, máy bay chỉ huy tác chiến trên không và cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye, máy bay tác chiến điện tử EA-18G, máy bay trực thăng đa nhiệm MH-60R/S, đồng thời là các máy bay không người lái thế hệ mới.
  • Thời gian khai thác sử dụng dự kiến là 50 năm. Trong suốt thời gian phục vụ của tầu, theo dự đoán có thể tham gia 3 cuộc chiến tranh cục bộ lớn, khoảng 20 cuộc xung đột khu vực nhỏ hơn, xuất kích khoảng 500,000 đợt máy bay, hành trình trên biển khoảng 6,000 ngày và vượt qua khoảng 3 triệu hải lý.

Tàu đổ bộ tấn công LHA-6 “America”

Dự án đóng tàu đổ bộ tấn công LHA-6 “America” – chiếc đầu tiên của lớp tàu cùng tên, được bắt đầu từ năm 2009, dài 281 m, rộng 35 m, lượng giãn nước đầy là 50,000 tấn, tốc độ 22 hải lý/giờ. Nhìn vào tất cả những tàu chiến hiện có trên thế giới, ngoài các tàu sân bay của Mỹ, cũng chỉ có tàu sân bay Kuznetsov Nga và tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc là lớn hơn nó.  Chi phí cho dự án là $10.1 tỷ USD (FY15). Giá thành mổi chiếc: $3.4  tỷ USD. Hải quân Mỹ dự định đóng mới 3 tàu thuộc lớp này. Hiện nay, chiếc thứ 2 là LHA-7 “Tripoli” đã được khởi công 2014, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên hiện nay, thời hạn khởi đóng chiếc thứ 3 đã lùi lại đến tận 2018. Với khả năng vận chuyển và đổ bộ binh lính của máy bay vận tải cánh quạt nghiêng phiên bản hải quân đánh bộ MV-22 Osprey, khả năng khống chế không phận và yểm trợ tấn công mặt đất của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35B, LHA-6 đã trở thành tàu đổ bộ tấn công mặt đất mạnh nhất thế giới hiện nay, thậm chí còn mạnh hơn cả các tàu sân bay hạng trung. LHA-6 chính thức nhận gia nhập hải quân Mỹ đã mở ra một kỷ nguyên mới trong tác chiến đổ bộ tấn công. Hải quân đánh bộ Mỹ sẽ trở thành lực lượng đầu tiên trên thế giới có khả năng tác chiến đổ bộ lập thể siêu mạnh là: Đổ bộ trực tiếp – tấn công mặt đất – khống chế không phận trên phạm vi toàn cầu.

Những chi tiết và ưu điểm của tàu đổ bộ tấn công loại mới:

  • Là tàu có kiểu thiết kế “mặt boong thông suốt” thế hệ mới, “America” được thiết kế mở rộng mặt boong và không gian hầm ngầm chứa máy bay, đồng thời tăng số lượng thiết bị sửa chữa và linh kiện thay thế của máy bay, tăng lượng dự trữ nhiên liệu hàng không lên 3,400 tấn, gấp đôi các tàu đổ bộ tấn công hiện đang sử dụng thuộc lớp Wasp.
  • Tàu có thể mang tới 38 máy bay các loại, bao gồm 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, 12 máy bay vận tải cánh quạt MV-22 “Osprey”, 8 chiếc trực thăng tấn công AH-1Z “Cobra”, 4 chiếc trực thăng vận tải CH-53E “Super Stallion”, 4 chiếc trực thăng tìm kiếm, cứu hộ MH-60S “Seahawk”. Trong đó, F-35B có thể đồng thời mang theo hai quả bom dẫn đường vệ tinh, hai quả tên lửa không đối không cự ly trung bình và pháo 4 nòng 25 mm, thực hiện các nhiệm vụ như chi viện không đối đất, càn quét bãi đổ bộ. Với máy bay MV-22, có thể mang theo 24 binh sĩ được vũ trang toàn bộ, cũng có thể vận chuyển hàng hóa 9,072 kg ở bên trong và 6,804 kg ở bên ngoài, phụ trách vận chuyển nhanh chóng binh sĩ và vật tư tác chiến của tàu tấn công đổ bộ USS America tới bờ biển của nước thù địch.

HẠM ĐỘI TÀU NGẦM

Hải quân Hoa Kỳ hiện có 73 tàu ngầm chia làm 3 loại:

  • 14 tàu ngầm nguyên tử chiến lược loại Ohio mang tên lửa đạn đạo (SSBN) với 24 ống phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II.
  • 4 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hành trình loại Ohio biến cải (SSGN) với 154 tên lửa Tomahawk mổi chiếc.
  • 55 tàu ngầm tấn công gồm 42 chiếc loại Los Angeles, 3 chiếc loại Seawolf, 10 chiếc loại Virginia. Điều cần để ý là lúc đầu HQHK định đóng 29 tàu ngầm loại Seawolf để thay thế loại Los Ageles nhưng vì giá mắc quá (khoảng 3-4 tỷ USD) nên chỉ hoàn tất 3 chiếc, sau đó được thay thế bằng loại Virginia (khoảng 2 tỷ USD).

Tàu ngầm Virginia – Block III-IV-V

Bắt đầu từ 2020, 4 tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Ohio có khả năng mang theo 154 tên lửa Tomahawk mỗi chiếc sẽ ngừng hoạt động, khiến hải quân mất lượng lớn hỏa lực dưới lòng biển. Để bổ sung cho sự thiếu hụt này, các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia – Block III của Mỹ sẽ được tăng cường hỏa lực gấp ba lần so với trước đây nhờ được trang bị các module phóng thẳng đứng (VPM) mới cho tàu ngầm tấn công lớp Virginia, tăng số lượng ống phóng tên lửa từ 12 lên 40 ống. Block III sẽ có 2 ống phóng thẳng đứng đa năng (Virginia Payload Tubes: VPT) thay thế cho 12 ống phóng đơn trang bị trên Block I & II thành 40 ống. Block V sẽ có thêm 4 VPT ở giữa thân tàu, mang 7 tên lửa hành trình mổi ống. Hệ thống VPM mới sẽ dài hơn 25 m, bố trí dọc thân tàu ngầm để tích hợp 4 ống phóng dài hơn hai mét. Nguyên mẫu VPT đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2017 và việc tích hợp dự kiến diễn ra vào năm 2019 để sẵn sàng hoạt động vào năm 2024-2025. Bắt đầu từ năm 2019, Hải Quân Hoa Kỳ sẽ mua mỗi năm ít nhất một tàu ngầm tấn công lớp Virginia đời mới.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới (SSBN-X)

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn (SSBN-X) tiên tiến thế hệ mới của Mỹ, dùng để thay thế SSBN lớp Ohio hiện nay. Tất cả các tàu ngầm lớp Ohio sẽ bị loại khỏi biên chế Hải quân Mỹ trong khoảng 2027 – 2040 và để thay thế chúng, Mỹ dự kiến đóng 12 SSBN mới theo chương trình Ohio Replacement, mỗi tàu mới trang bị 16 tên lửa đường đạn Trident II D-5 LE (Life Extension).

Theo kế hoạch, Hải quân Mỹ sẽ đóng mới tàu ngầm SSBN (X) đầu tiên vào năm 2021. Các tàu ngầm mới sẽ đóng theo chu trình sản xuất 84 tháng (tương tự như đóng các tàu ngầm lớp Virginia), chiếc đầu tiên bàn giao năm 2027. Sau khi được tiếp nhận, SSBN (X) sẽ phục vụ hải quân Mỹ tới năm 2080. Chu kỳ phục vụ của thế hệ tàu ngầm mới ước đạt 40 năm. Thách thức chủ yếu đối với Hải quân Mỹ vẫn là chi phí cao của chương trình. Dự kiến, từ giữa những năm 2020, việc đóng loạt SSBN mới sẽ ngốn từ 1/3 đến ½ toàn bộ kinh phí đóng tàu hàng năm được chi theo chương trình đóng tàu 30 năm của hạm đội Mỹ. Theo đánh giá của PMS 397, chi phí đóng SSBN đầu tiên lớp mới sẽ là 11.3 tỷ USD (bao gồm 4.5 tỷ USD chi phí thiết kế và 6.8 tỷ USD chi phí đóng tàu), còn chi phí đóng 11 tàu ngầm sản xuất loạt sẽ là 62 tỷ USD (5.6 tỷ USD/chiếc). PMS 397 đang cùng với ngành công nghiệp nghiên cứu giảm chi phí đóng 11 tàu sản xuất loạt xuống còn 54 tỷ USD (4.9 tỷ USD/chiếc). Hiện tại, theo thiết kế sơ bộ, SSBN mới có những đặc tính sau:

  • Lượng giãn nước 20,810 tấn (hơn khoảng 2,000 tấn so với các tàu ngầm Ohio) khi lặn. Chiều dài là 561 feet (171 m). Đường chính vỏ vững chắc của tàu là 43 feet (13.1 m), tương đương đường kính khoang tên lửa Common Missile Compartment (CMC) đang hợp tác chế tạo với Anh. Thủy thủ đoàn dự trù là 155 người.
  • Gồm có 4 module 4 tên lửa (tổng cộng 16 tên lửa), tầm bắn 12,000 km với các hầm phóng có đường kính 221 cm để phóng tên lửa Trident II D-5 LE. SSBN tương lai của Anh chỉ có 3 module (12 tên lửa).
  • SSBN mới của Mỹ sẽ chạy bằng điện toàn phần, bộ dẫn tiến phụt nước và cánh lái đuôi hình chữ thập. Tàu sẽ được trang bị hệ thống thủy âm tiên tiến dựa trên hệ thống có anten lớn ở mũi Large Aperture Bow (LAB), được phát triển cho các tàu ngầm Virginia Block III. Điều này sẽ giúp tàu ngầm hoạt động yên lặng hơn và khó bị phát hiện hơn. Ngoài ra, việc sử dụng động cơ chạy điện độc lập cung cấp động lực cho chân vịt cũng giảm chi phí bảo trì trong chu kỳ sử dụng. Điểm khác biệt nữa là lò phản ứng hạt nhân trên SSBN (X) sẽ không cần phải nạp nhiên liệu giữa trong suốt chu kỳ phục vụ.

HẠM ĐỘI TUẦN DƯƠNG & KHU TRỤC

Hiện tại, hạm đội Tuần dương và Khu trục của hải quân Hoa Kỳ gồm có:

  • 22 Tuần dương hạm lớp Ticonderoga (CG 52-73).
  • 62 Khu trục hạm lớp Arleigh Burke (DDG 51-112).
  • 3 Khu trục hạm lớp Zumwalt (DDG 1000-1002).Với sự hủy bỏ kế hoạch CG(X) để thay thế các Tuần dương hạm hiện đang sử dụng được đóng trong thời gian 1980-1994 cũng như thiết kế không thành công của khu trục hạm Zumwalt, Hải quân Hoa Kỳ phải đóng thêm các khu trục hạm Arleigh Burke-Flight III hay mới hơn cho đến 2030 trước khi có dự án thay thế khác.

Khu trục hạm lớp Zumwalt

USS Zumwalt (DDG-1000) là một tàu khu trục lớp Zumwalt của Hoa Kỳ được hạ thủy vào năm 2013, được thiết kế với dự kiến thay thế các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Ban đầu Mỹ dự tính đóng 32 tàu loại này, tuy nhiên giá thành quá cao và gặp nhiều trục trặc kỹ thuật nên cuối cùng chỉ có 3 tàu được đóng. Việc chậm trễ trong quá trình đóng đã khiến chi phí đội lên gấp 3 lần, chi phí cho 3 tàu lớp Zumwalt ước tính khoảng 12.3 tỉ USD, cao hơn 37% so với con số 8.9 tỉ USD ban đầu. Chi phí đóng mỗi tàu lên đến 4.1 tỷ USD. Tính tổng chi phí nghiên cứu và phí phát sinh, dự án này được cho là tiêu tốn 22 tỉ USD. Do vậy, dù được tích hợp nhiều công nghệ mới nhưng USS Zumwalt được xem là một thiết kế không thành công. Thay vào đó, HQHK quyết định đóng thêm 10 Khu trục hạm lớp Arleigh Burke – Flight III từ DDG 117-126 ngoài 3 chiếc 113-114-115 đang đóng.

Tranh vẽ mô tả tàu khu trục USS Zumwalt, chiếc dẫn đầu của lớp DD (X)

Lợi thế lớn nhất của USS Zumwalt là khả năng tàng hình. USS Zumwalt có hình dáng hoàn toàn khác với mọi tàu chiến thông thường, các cột ăng ten, đĩa radar và thiết bị viễn thông đều nằm khuất hoặc được bao bọc bên trong một cấu trúc nặng 900 tấn ở bên trên con tàu. Chiếc tàu chiến có trọng tải trên 14,000 tấn này được tuyên bố có độ bộc lộ radar chỉ bằng 1 tàu loại nhỏ, cự ly bị rada đối phương phát hiện giảm đi 2.5 lần so với tàu cùng kích cỡ. Tàu có chiều cao 32 m, thân tàu dài 182 m. Tàu có hệ thống máy tính và tự động hóa được trang bị với số lượng lớn, Zumwalt giúp tinh giảm số thủy thủ hoạt động trên tàu xuống còn 158 người, chỉ bằng một nửa so với các tàu khu trục phổ biến hiện nay.

Tàu được trang bị hệ thống 20 bệ phóng tên lửa MK. 57 VLS, pháo cỡ nòng 155 mm và hai súng phòng không MK-110 cỡ 57 mm. Tàu có thể bắn tên lửa từ khoảng cách 100 dặm, tàn phá trực tiếp căn cứ quân sự bờ biển của đối phương. Nó còn được hỗ trợ bởi 1 máy bay trực thăng SH-60 Sea Hawk và 3 chiếc UAV MQ-8 Fire Scout. USS Zumwalt mang được 80 tên lửa, ít hơn so với tàu khu trục lớp Arleigh Burke có thể mang theo 96 tên lửa, còn một tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga có thể mang 128 tên lửa có điều khiển.

Những điểm yếu trong thiết kế:

  • Ban đầu, Zumwalt dự kiến được trang bị súng ray điện từ với tốc độ viên đạn bằng 7 lần tốc độ của âm thanh, đạt tầm bắn 300 km. Tuy nhiên khi chiếc tàu được chạy thử vào tháng 12/2015, không hề thấy khẩu súng ray này vì Mỹ vẫn chưa thể chế tạo được loại vũ khí này. Thay vào đó, tàu chỉ mang những khẩu pháo 57mm và 155mm thông thường.
  • Thiết kế thân tàu Zumwalt ngược với kiểu thân tàu truyền thống, với phần thân rộng ở bên dưới và hẹp dần ở bên trên. Nhiều người lo ngại rằng kiểu thân tàu này không có độ ổn định như thân tàu truyền thống trong điều kiện biển động, thậm chí có thể gây lật tàu nếu bị sóng lớn đánh trúng ở một số vị trí nhất định. Nguy cơ lật tàu của kiểu thiết kế này cũng tăng nhanh hơn khi tăng độ cao của trọng tâm so với mực nước biển.
  • USS Zumwalt nếu rời xa sự yểm hộ của các tàu sân bay, thì nó vẫn dễ bị đối phương phát hiện và tiêu diệt. Nhưng nếu đặt nó vào thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ tại các vùng biển ít nguy cơ giao tranh thì nó lại quá lãng phí với mức giá 4 tỷ USD/chiếc.
  • Vì thiết kế tàng hình nên lượng vũ khí mà USS Zumwalt có thể mang theo bị giảm đi so với tàu cùng kích cỡ. Con tàu không có năng lực phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, đây là một trong những lý do chính khiến hải quân Mỹ quyết định ngừng đóng thêm tàu loại này. Tổ hợp radar AN/SPY-3 trên Zumwalt không hoạt động ở tần số thích hợp cho loại nhiệm vụ này. Đây là một điểm yếu lớn vì đánh chặn tên lửa đang là ưu tiên cao để đối phó với kho tên lửa đạn đạo lớn của Trung Quốc tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

CÁC DỰ ÁN ĐẶC BIỆT

Tàu săn ngầm không người lái (Sea hunter)

Vừa qua (10/04/2016) tại tiểu bang Oregon, giám đốc Cơ quan phát triển Quốc phòng Mỹ, DARPA Arati Prabhakar đã chủ trì lễ hạ thủy chiếc tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter (Thợ săn Biển). Sea Hunter thuộc loại phương tiện chống ngầm không người lái – ACTUV. Chiếc tàu ba thân với động cơ đặt thân giữa và 2 phao ổn định hai bên giúp nó có thể di chuyển an toàn trong trong những chuyến hải hành dài ngày. Tàu được trang bị 2 hệ thống sonar tần số trung bình và tần số cao được lắp ở dưới phần giữa thân tàu. Các hệ thống sonar này có thể phát hiện các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân im lặng nhất cũng như các tàu ngầm động cơ diesel sử dụng hệ thống đẩy không phụ thuộc vào không khí (Air Independent Propulsion/ AIP). Một bộ các thiết bị liên kết dữ liệu, máy tính và các cảm biến sẽ tự động dẫn đường cho tàu, giao tiếp với người điều khiển và dự đoán động thái tiếp theo của tàu ngầm đối phương. Quan trọng hơn giống như những chiếc xe tự lái của Google, Sea Hunter sẽ di chuyển mà hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người. Ngay sau khi hạ thủy tàu sẽ di chuyển đến San Diego, California nơi nó có 2 năm chạy thử nghiệm. DARPA hy vọng sẽ đưa Sea Hunter gia nhập Hải quân Mỹ vào năm 2018.

Sea Hunter ra đời, với cái giá 20 triệu USD một chiếc, nhưng lợi thế lớn nhất của nó là chi phi hoạt động hàng ngày chỉ từ 15,000 đến 20,000 USD thấp hơn rất nhiều với các tàu có người lái. Một ưu thế lớn hơn nữa của Sea Hunter là “thủy thủ đoàn” không cần nghỉ ngơi như các tàu khác

Tàu ngầm không người lái (Echo voyager):

Một mẫu tàu ngầm tự hành, Echo Voyager, dài 51 feet, có thể tự hoạt động liên tục nhiều tháng trên biển, làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ do thám tình báo đến tấn công – Hình: Boeing

Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter gần đây, trong một lần phát biểu về chiến lược quân sự Hoa Kỳ tại Á Châu cho biết là Hoa Kỳ trù tính sử dụng các tàu ngầm tự hành trên Biển Ðông, khu vực biển có nhiều chỗ nước nông mà tàu ngầm bình thường không thể hoạt động. Ngũ Giác Ðài đầu tư $8 tỷ cho năm tới để bảo đảm rằng họ có một đội ngũ tàu ngầm cũng như lực lượng chống tàu ngầm tân tiến nhất thế giới, ông Carter đề cập hồi tuần trước.Trước đây, Hải Quân Mỹ cũng đã từng dùng những tàu ngầm tự hành cỡ nhỏ trong các cuộc nghiên cứu và cứu nạn. Một loại tàu ngầm tự hành có tên là Remus được dùng trong nhiệm vụ khám phá mìn. Với chương trình đang được tiến hành, các tàu ngầm tự hành còn mang theo vũ khí. Mùa Thu năm ngoái, Hải Quân Mỹ đem trình làng một tàu ngầm tự hành chỉ dài 10 feet (khoảng 3 mét) đã được đem thử nghiệm ngoài biển xa. Họ hy vọng một đội tàu này sẽ bắt đầu được sử dụng từ năm 2020 nếu mọi thử nghiệm thành công hoàn tất.

Trên trang mạng của nhà thầu quốc phòng Boeing, công ty này trình bày một loại tàu ngầm tự hành (UUV – Unmanned Undersea Vehicle) có tên là Echo Voyager, tàu ngầm tự hành dài 51 feet (khoảng 15.5 m) có thể tự hoạt động trên biển suốt nhiều tháng trời nhờ “bình điện sạt lại” (rechargeable hybrid battery). Boeing còn có các mẫu tàu ngầm tự hành khác nhỏ hơn như Echo Seeker dài 32 feet (khoảng 9.5 m) và Echo Ranger dài 18 feet (khoảng 5.4 m

Một nguồn tin khác cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật BảnQuân đội Mỹ đã nhất trí cùng nghiên cứu phát triển tàu ngầm không người lái có khả năng giám sát hoạt động trên biển. Bước đầu tiên sẽ là nghiên cứu ắcquy có tính năng cao sử dụng cho tàu ngầm này. Dự kiến tàu loại này có thể được sử dụng để theo dõi, giám sát, thu thập thông tin về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Theo báo Yomiuri, tàu ngầm không người lái có chiều dài 10m, có khả năng hoạt động liên tục 30 ngày dưới biển trước khi tự quay trở về căn cứ. Tàu được trang bị máy dò sóng âm dưới nước, có khả năng thu thập thông tin và giám sát, cảnh giới. Thế hệ tàu đầu tiên sẽ không được trang bị ngư lôi. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định sẽ chi 2.6 tỷ yen trong thời gian từ năm 2014 đến 2018 để nghiên cứu phát triển ắcquy tính năng cao, hoạt động trong thời gian dài và không sử dụng ôxy. Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định tự nghiên cứu, song Hải quân Mỹ quan tâm và đề nghị cùng hợp tác phát triển dự án này. Sự kết hợp này phát huy được thế mạnh của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ phát điện và ưu thế của Mỹ trong công nghệ lưu trữ hydro, vốn là hai công nghệ phức tạp nhất để phát triển ắcquy có tính năng cao.

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HẢI QUÂN HOA KỲ

Đây là vấn đề chung của quân lực Hoa Kỳ mà Hải quân là thành phần quan trọng nhất. Sự liên hệ giữa Hành pháp và Lập pháp (Dân chủ và Cộng hòa), Bộ Quốc phòng, Bộ Hải quân và các hảng đóng tàu chính như Electric Boat Division, Bath Iron Works (General Dynamics), Newport News Shipbuilding (Huntington Ingalls Industries) rất là phức tạp khiến thời gian đóng tàu và chi phí đội lên rất nhiều. Lấy thí dụ 3 dự án chính:

  • HKMH Gerald R. Ford (CVN-78) với $4.7 tỷ nghiên cứu và thiết kế + $12.8 tỷ chi phí đóng đã được khởi đóng vào năm 2008 với thời hạn dự trù bàn giao là tháng 9/2014, nay phải hoãn lại nhiều lần cho đến năm 2017. Giá cả đội lên thêm 2.3 tỷ USD.
  • Vào năm 1989, loại Seawolf được thiết kế để thay thế loại Los Angeles. Lúc đầu dự trù đóng 29 chiếc trong thời gian 10 năm. Sau thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, vì ngân khoản hạn chế nên giảm xuống còn 12 với giá 33 tỷ Mỹ Kim. Sau cùng chỉ còn đóng 3 chiếc (USS 21, 22, 23) vì giá cả quá mắc (3 tỷ USD mỗi chiếc, $3.5 tỷ USD cho chiếc USS Jimmy Carter) và được thay thế bằng loại Virginia nhỏ và rẻ hơn (2 tỷ USD mỗi chiếc).
  • Khu trục hạm lớp Zumwalt DDG-1000 được đóng năm 2008 với giá sơ khởi 3.5 tỷ USD dự trù bàn giao năm 2013, bị hoãn nhiều lần mới được bàn giao cho Hải quân tháng 12/2016 với tổng chi phí đội lên khoảng 1 tỷ USD và trể 3 năm so với dự trù.KẾT LUẬNNói tóm lại, để duy trì thế chủ động đối với một hải quân Trung Quốc đang phát triển không ngừng và hải quân Nga Sô là một yếu tố không thể bỏ qua được, Hải quân Hoa Kỳ phải duy trì một hải quân với số lượng và kỹ thuật vượt trội trong hoàn cảnh ngân khoản hạn chế. Hoa Kỳ có thể duy trì thế thượng phong bằng cách xử dụng hợp lý ngân khoản chi tiêu và phối hợp với Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên Âu, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á để chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm.

NGUỒN:

United States Navy – Wikipedia, the free encyclopedia

USS Gerald R. Ford (CVN 78) – Wikipedia, the free encyclopedia

THAM KHẢO

  1. NVO (1-4-2016): Tập Cận Bình đốp chát với Obama về Biển Đông.
  2. NTD.ORG (14/05/2015): Tàu tên lửa Trung Quốc chạm trán chiến hạm Mỹ ở vùng biển gần Trường Sa
  3. BBC (19-7-2015): Tư lệnh Hoa Kỳ bay tuần tra ở Biển Đông
  4. NLDO (27-10-2015): Chiến hạm USS Lassen hoàn tất tuần tra ở biển Đông 27/10/15.
  5. BBC (31-1-2016): Tàu chiến Mỹ áp gần đảo tranh châp
  6. NYT (30-3-2016): Patrolling Disputed Waters, U.S. and China Jockey for Dominance.
  7. TNO (1-4-2016): Giáp mặt trên Biển Đông, tàu chiến Mỹ và Trung Quốc khen … trời đẹp.
  8. TNO (14-4-2016): Hoa Kỳ và Philippines tuần tra chung ở biển Đông.