Nước Mỹ và Tổng thống đắc cử Donald Trump

542 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Cuối cùng thì dù ứng viên Dân chủ Hillary Clinton hơn ông Trump về phiếu phổ thông nhưng ông Donald Trump có 306 phiếu cử tri đoàn so với 232 phiếu của đối thủ và trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Cả thế giới đều kinh ngạc trước kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính tại Hoa Kỳ nhưng đây là cách người dân Hoa Kỳ bầu Tổng thống của họ. Tin mới nhất ngày 27/11 cho biết đảng Xanh tại Mỹ, dù chỉ được không đầy 1% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11/2016, đã tung ra một chiến dịch quyên tiền để chi trả cho việc kiểm lại phiếu bầu tại ba bang : Wisconsin, Pennsylvania và Michigan. Ban vận động tranh cử của cựu ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ Hillary Clinton cũng đã tham gia. Tại cả ba bang này, ông Trump đều thắng, nhưng một số chuyên gia đã ghi nhận một số dấu hiệu bất thường về mặt số liệu. Mặc dù kết quả đều rất sít sao – chênh lệch chỉ khoảng 1% – nhưng bà Clinton khó có khả năng san bằng cách biệt. Bù đắp cho 70,000 phiếu ở bang Pennsylvania chẳng hạn là một điều khó có thể xẩy ra, trong lúc bà cần phải thắng ở cả ba bang mới đủ số đại cử tri để làm tổng thống nhưng nếu có bằng chứng về sự can thiệp từ bên ngoài để sữa đổi kết quả thì đây là một vấn đề hoàn toàn khác. Nỗ lực của Đảng Xanh đã bị ông Trump tố cáo là trò lừa bịp. Đúng ra, với tư cách của một tổng thống đắc cử, ông Trump không nên có những lời bình luận tiêu cực.

Bài này được viết tiếp theo bài “Những vấn đề của nước Mỹ” đưa lên mạng ngày 14/11/2016 vì hai bài có những chủ đề tương đồng. Trong năm 2017 sẽ có cập nhật chi tiết những hành động của tân chính phủ Donald Trump.

NHỮNG LÝ DO KHIỀN BÀ CLITON THẤT BẠI

Đau buồn xen lẫn nước mắt của những người ủng hộ bà Clinton trong ngày bầu cử

 Dân Hoa Kỳ chống đối nền chính trị chuyên nghiệp và muốn có sự thay đổi: Đây chắc chắn là cuộc bầu cử khác thường nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, là một cuộc nổi dậy chống lại nền tảng chính trị. Không mấy người có thể đại diện cho thể chế chính trị chuyên nghiệp tốt hơn bà Hillary Clinton. Bà cũng như những chính trị gia chuyên nghiệp của đảng Cộng Hòa đại diện cho việc giữ nguyên hiện trạng và cải cách từ từ. Trong chiến dịch này, với hàng triệu cử tri giận dữ, bà trở thành gương mặt của nền chính trị đổ vỡ. Trong một năm khi mà rất nhiều người Mỹ muốn có thay đổi, bà dường như chỉ đưa ra những đề nghị không có gì mới. Donald Trump đã thuyết phục được đủ lượng cử tri ở đủ số bang rằng ông có thể đem lại giải pháp hàn gắn. Vị tỷ phú thành công trong việc phác họa mình là kẻ hoàn toàn đứng ngoài hệ thống chính trị, chống lại đối thủ là một người hoàn toàn đứng trong hệ thống đó. Ông là ứng viên nổi dậy. Các cử tri bầu cho ông phần lớn là các thành phần da trắng tại các tiểu bang vùng  Đông Bắc, Trung Tây và miền Nam không có bằng đại học, các công nhân da trắng bị thất nghiệp vì nền kinh tế trì  trệ của Hoa Kỳ. Họ muốn có sự thay đổi nhưng lại không có khả năng thích ứng như các tiểu bang miền Đông và miền Tây.

Vấn đề kinh tế:  Trong 8 năm kể từ 2008, tổng thống Barack Obama đã cứu nước Mỹ khỏi khủng hoảng tài chính và liên tiếp thiết lập kỷ lục tăng trưởng về tỷ lệ việc làm. Dù rằng tỷ lệ tăng trưởng chỉ có 2% trong mấy năm gần đây nhưng với tình trạng toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, tỷ lệ này có thể xem như là đúng với thực tế nhưng một số thành phần người Mỹ da trắng ở vùng Đông Bắc ,Trung Tây và miền Nam lại không nhận ra điều này. Mức lương trì trệ và bất bình đẳng gia tăng là dấu hiệu bất ổn mà nhiều cử tri Mỹ đã nhận ra. Nhiều người Mỹ đơn giản là không còn cảm thấy sự tích cực cho tương lai của Hoa Kỳ. Donald Trump đã thành công trong việc thuyết phục người Mỹ tin rằng đây là hệ quả của hoạt động thương mại thất bại và nền kinh tế nhiều bê bối.

Vấn đề niềm tin: Từ lâu, bà Clinton đã gặp phải vấn đề về niềm tin, đó cũng là lý do vì sao vụ tai tiếng thư điện tử lại phủ bóng rộng tới vậy. Quyết định của giám đốc FBI James Comey loan báo điều tra lại máy chủ email của bà chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử đã khiến sự ủng hộ suy giảm. Bà Clinton có vấn đề về sự chân thật. Bà được coi là đại diện của tầng lớp tinh hoa bên bờ Đông, nhìn xuống, tạo khoảng xa với lớp người lao động. Trong khi đó, bà Clinton chưa bao giờ thực sự tìm ra những chủ đề khiến người dân Mỹ hài lòng. Sự giàu có mà gia đình Clinton có được kể từ khi rời Tòa Bạch ốc không giúp ích gì cho bà trong chiến dịch này. Sự giàu có của họ làm trầm trọng hơn vấn đề với các cử tri ở tầng lớp lao động, đến mức mà người ta vui vẻ bỏ phiếu cho một tài phiệt địa ốc. Lòng tin tuyệt đối, sự lỗi thời, thói phân biệt giới tính cố hữu cũng phần nào là nguyên do: rất nhiều cử tri là nam giới không muốn bầu cho một nữ tổng thống. Để một đảng có thể thắng lợi ở nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp vẫn luôn rất khó khăn. Đảng Dân Chủ chưa từng làm được điều này kể từ hồi thập niên 1940. Nhưng vấn đề còn tồi tệ hơn khi nhiều cử tri đã chán ngán với nhà Clinton. Câu slogan của bà ” Stronger together – Mạnh hơn khi bên nhau” nghe vẫn không sinh động bằng chữ “Make America great again – Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”, ám chỉ nước Mỹ đang đi xuống, cần phải làm gì đó để thay đổi.

Lỗi lầm chiến thuật: Chiến dịch của bà Clnton cũng phạm phải những lỗi chiến thuật. Nó tập trung nguồn lực và thời gian ở những bang mà bà không cần phải thắng, như North Carolina và Ohio, thay vì dành thời gian mở rộng và củng cố bức tường xanh, với 18 bang đã liên tục bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ trong sáu kỳ bầu cử qua. Ông Trump, với sự giúp sức của nhóm cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, phần nào đã phá bỏ được bức tường đó khi chiếm được Pennsylvania và Wisconsin, những bang chưa từng bỏ phiếu cho Cộng Hòa kể từ năm 1984. Đây không chỉ là sự phủ nhận Hillary Clinton mà còn là sự phủ nhận của phân nửa dân chúng nước Mỹ đối với cả ông Barack Obama.

Tỷ lệ bỏ phiếu thấp: Việc cử tri đi bỏ phiếu thấp, đặc biệt là ở các hạt và thành phố đông cử tri Dân Chủ được coi là một trong những nguyên nhân khiến bà Clinton thất bại. Số liệu của US Elections Project cho thấy chỉ khoảng 120 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong năm nay (trong tổng số 231 triệu cử tri), con số thấp hơn cả cuộc bầu cử năm 2012 và 2008 dù dân số Mỹ đã tăng. Trong cuộc bầu cử này, cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu không còn nồng nhiệt đi bỏ phiếu như trong 2 kỳ trước như khi họ đi bầu cho ông Obama.

Tỷ lệ đi bầu ở Mỹ năm nay chỉ đạt 56% và là con số thấp nhất trong những kỳ bầu cử gần đây. Tỷ lệ đi bầu hồi năm 2012 là 58% và năm 2008 là 62%.

Sự thất bại của các nhà thăm dò Mỹ: 20 đơn vị thăm dò lớn, bao gồm các đài truyền hình và các tờ báo uy tín, đã thực hiện hơn 80 cuộc thăm dò toàn quốc từ giữa tháng 9. Trong số này, trừ tờ Los Angeles Times kết hợp với USC Tracking cho kết quả dự báo ông Trump thắng, tất cả đều nói cơ hội thuộc về bà Clinton. Khi kết quả chung cuộc được xác định vào khuya 8/11, có lẽ ai nấy đều ngã ngửa. Thậm chí, họ có thể đã ngã ngửa từ trước đó khi ông Trump lần lượt thắng các bang chiến trường khốc liệt nhất. Kết quả của các nhà thăm dò đã khiến rất nhiều cử tri, phần lớn thuộc đảng Dân Chủ, quyết định ở nhà, không đi bỏ phiếu.

Vai trò của mạng xã hội: Jared Kushner, con rễ của ông Trump, đã tổ chức một chiến dịch dữ liệu nhằm giúp bố vợ tranh cử hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Kushner đã làm được điều đó bằng một chiến thuật sẽ thay đổi cách thức quyết định thắng thua trong các cuộc bầu cử tương lai ở Mỹ. Tổng thống Obama đã thu được thành công chưa từng có trong việc xác định mục tiêu, tổ chức và động viên cử tri đi bỏ phiếu, nhưng tình hình đã thay đổi rất nhiều trong 8 năm qua, đặc biệt là vai trò ngày càng lớn của mạng xã hội. Bà Clinton đã áp dụng thành công phần nào giáo trình của ông Obama, nhưng bà đã dựa quá nhiều vào truyền thông truyền thống mà bỏ quên chiến trường mạng xã hội. Chiến dịch của ông Trump đã biết cách khai thác mảnh đất màu mỡ này bằng những thông điệp được tối ưu hóa nhờ các dữ liệu mà Kushner thu thập được.

Hệ thống bầu cử qua cử tri đoàn trong cuộc bầu cử tổng thống: Hoa Kỳ là  nước độc nhất chọn Tổng thống bằng cử tri đoàn thay vì trực tiếp đầu phiếu như các quốc gia dân chủ khác. Đã có những trường hợp xảy ra khi người đắc cử tổng thống chiếm đa số cử tri đoàn nhưng lại là thiểu số cử tri toàn quốc, như cuộc tranh cử giữa George W. Bush và Al Gore năm 2000. Bush thắng 271 phiếu cử tri đoàn. Gore 266 (vì một elector tại District of Columbia không bỏ phiếu). Tuy nhiên Gore được số phiếu cử tri toàn quốc cao hơn khoảng 540,000 phiếu. Nguồn gốc của Electoral college và các electors phát xuất từ giới điền chủ Hoa Kỳ từ thủa lập quốc, trước khi cuộc chiến tranh dành độc lập khỏi Đế Quốc Anh. Họ là một giai cấp giàu có và trí thức, lãnh đạo cuộc chiến và muốn bảo vệ quyền lợi vị kỷ của mình. Ngày nay, rõ ràng hệ thống bầu cử này không còn lý do tồn tại. Nền dân chủ Hoa Kỳ sẽ vững mạnh và hợp lý hơn nếu được cải tổ đặt căn bản trên đa số tuyệt đối (absolute majority) phiếu trực tiếp của người dân. Đã có vài nỗ lực để thay đổi hệ thống này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Thất vọng với chính quyền Obama: Ông Obama là tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sữ Hoa Kỳ và là tổng thống đương nhiệm được giải Nobel về hòa bình. Sau 8 năm cầm quyền, ông Obama đã giải quyết khá nhiều vấn đề thừa hưởng từ chính quyền Bush nhưng có lẽ muốn giữ huyền thoại trong 2 nhiệm kỳ của mình nên cũng có khá nhiều vấn đề không được lòng phần lớn cử tri da trắng như Obamacare, chính sách nhập cư, ưu đãi đối với người Mỹ gốc Phi Châu, thiếu cương quyết trong chính sách đối ngoại v.v.. Các điều này ảnh hưởng đến bà Clinton và xem bà như là tiếp nối của chính sách “thất bại” của ông Obama.

Bà Clinton chấp nhận thất bại

ĐƯỜNG ĐI CỦA TÂN TỔNG THỐNG DONALD TRUMP

Trong buổi tập trung tại thành phố Gettysburg, tiểu bang  Pennsylvania, hôm thứ Bảy (22/10/2016), ứng viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump thông báo kế hoạch đầy tham vọng trong 100 ngày đầu nếu ông đắc cử tổng thống. Ông còn tuyên bố sáu động thái sẽ thực hiện trong ngày đầu ở Nhà Trắng. Gần đây, ông gọi đường lối của mình là “movement” (tạm dịch là chuyển động) thay vì “changes” (thay đổi) để có ý nghĩa hơn. Ông Trump là một doanh nhân nên mọi chuyện đều phải tính chuyện giá cả. Những hồ sơ gai góc chờ tân tổng thống:

 Đối nội

Giống nhận định của bài xã luận trên Le Figaro, Libération cho rằng hàn gắn “những sứt mẻ căn bản và bất bình đẳng” là nhiệm vụ đầu tiên trong số “7 hồ sơ của tân tổng thống” được nhật báo liệt kê. Hoa Kỳ bị chia rẽ sâu sắc kể từ thập niên 1970, đến mức ngày nay chỉ 0.1% người giầu Mỹ sở hữu khối tài sản tương đương với 90% tài sản của những người nghèo nhất. Tài sản trung bình của các gia đình Mỹ gốc da trắng cao hơn 13 lần so với các gia đình da đen. Tỷ lệ trẻ em da đen chết yểu cao gấp hai lần so với trẻ da trắng. Bất bình đẳng xã hội còn được thể hiện trong việc tách biệt về chỗ ở và trường học, thiếu phương tiện công cộng và vay tín dụng nhà đất …

Hồ sơ thứ hai là “Kinh tế”. Tám năm sau cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn (subprimes), dường như nền kinh tế Mỹ phát triển tốt hơn, nhưng thật ra vẫn bấp bênh. Thêm vào đó là khối nợ công của Hoa Kỳ đang ở mức gần 20,000 tỷ USD và sẽ chạm đến mức trần vào đầu năm 2017. Điều này báo hiệu các cuộc đàm phán khó khăn vào tháng Hai và chính phủ có nguy cơ thiếu tiền vào đầu tháng Ba. Nếu Nghị viện không đạt được thỏa hiệp, nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm một khó khăn mới. Các công ty Hoa Kỳ di chuyển ra ngoại quốc nhất là Trung Quốc vẫn còn nhiều.

Tiếp theo, hệ thống bảo hiểm y tế dành cho người nghèo (Affordable Care Act, ACA, hay Obamacare) là một trong những trọng tâm của chính quyền Obama, nhưng lại bị phe Cộng Hòa đe dọa hủy bỏ. Ngoài ra, tân chủ nhân Nhà Trắng còn phải đối mặt với tình trạng người chết vì dùng thuốc phiện quá liều, khoảng 80 người mỗi ngày và số tiền chi cho tiêu thụ ma túy hàng năm lên tới 75 tỷ USD.

Hồ sơ thứ tư là chính sách “Nhập cư”. Đây là một trong những thất bại sâu cay của tổng thống Barack Obama. Vì quá tập trung vào cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, ông đã lơ là vấn đề này, dù đã đưa lên hàng ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai. Nhập cư người Hồi giáo cũng là vấn đề nóng bõng trong cuộc tranh cử. Giới chuyên gia cũng chia sẻ một quan điểm là phải có một thỏa thuận giữa hai phe để cải cách sâu rộng hệ thống nhập cư.

 Đối ngoại

“Chính sách đối ngoại” là thách thức thứ năm, cùng với những hồ sơ gai góc như nội chiến ở Syria, cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria, sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, sự can thiệp của Nga ở Đông Âu và Trung Đông và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Theo nhận định của giới chuyên gia, mọi thay đổi chiến lược do Washington quyết định sẽ được các đồng minh và đối thủ của Mỹ nghiên cứu kỹ lưỡng, mà bắt đầu là Trung Quốc và Nga.

Trong cuộc tranh cử, ông Trump đã nói Trung Quốc đang tiếp tục cưỡng bức (rape) Hoa Kỳ. Ông còn gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và dọa  đánh thuế nhập cảng lên đến 45%.

Tổng thống Nga ngày 14/11 đã điện đàm với Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, và nhất trí cùng làm việc hướng tới “hợp tác xây dựng”, theo tin từ Điện Kremlin.

Ông Trump cũng nói Nhật cần trả thêm tiền để giữ quân Mỹ ở lại đất Nhật. Ông cũng gợi ‎ý Nhật và Hàn Quốc nên có vũ khí hạt nhân để chống lại đe dọa của tên lửa Bắc Hàn.

Các hiệp ước Hoa Kỳ sẽ không chấp thuận hay xét lại:

  • Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
  • Hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
  • Hiệp ước quân sự với NATO, Đức Quốc.
  • Về hồ sơ hạt nhân Iran.
  • Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.

PHÂN TÍCH

Những phân tích sau đây dựa theo sự suy nghĩ tân tổng thống Trump và đảng Cộng Hòa quyết tâm thi hành những thay đổi mạnh mẻ để đưa Hoa Kỳ hùng mạnh trở lại. Còn nếu như ông Trump chỉ dùng các chiêu bài này để hấp dẫn một số cử tri da trắng để thắng cuộc đua thì e rằng ông Trump sẽ đưa Hoa Kỳ vào một tương lai bất định. Trong cuộc bầu cử, những người bầu cho ông Trump là vì họ không ưa bà Clinton nên bầu cho ông Trump. Thật sự, họ cũng chưa biết rõ về khả năng của ông Trump ngoài những lời tuyên bố gây sốc của ông. Họ phải hiểu rằng những sự thay đổi mà họ muốn là vì tương lai của quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải là quyền lợi riêng của một phe nhóm nào cả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, cần phải có sự hợp tác và tương nhượng. Cô lập hóa không phải là giải pháp.

 Đối nội

Ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump đã đưa ra kế hoạch được coi là chi tiết nhất trong chiến dịch tranh cử của ông, đề cập tới các vấn đề an ninh, kinh tế và thương mại trong 100 ngày đầu tiên nếu ông đắc cử, trong bài phát biểu ở Gettysburg, Pennsylvania. Phần lớn vấn đề đã được tác giả nêu ra trong bài “Những vấn đề của nước Mỹ” đưa lên mạng Vietbao Online ngày 15/11/2016 như quan hệ với giới tư bản, ảnh hưởng của Do Thái, mạng lưới Lobby tại Hoa Kỳ, cách biệt giàu nghèo, người Mỹ gốc Phi Châu, người nhập cư bất hợp pháp.

Điều cần để ý là con rễ của ông Trump và bà Clinton đều có gốc Do Thái. Dù rằng trong giới tư bản của Do Thái cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng điều này chứng tỏ ảnh hưởng của Do Thái trong giới lãnh đạo Hoa Kỳ.

Trong cuộc bầu cử, ứng viên Donald Trump mô tả Obamacare là “thảm họa” và hứa hẹn một điều gì đó tốt hơn nhiều một khi ông được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi đắc cử, ông cho biết có những điều khoản của luật này đáng giữ lại. Trong đoạn video ngắn gửi người dân Hoa Kỳ vào chiều 21/11 để trình bày những điều ông sẽ làm ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump không nói gì tới lời hứa sẽ xây bức tường ngăn chia biên giới với nước láng giềng Mexico, cũng chẳng nhắc nhở gì tới chuyện sẽ yêu cầu Quốc Hội nhóm phiên họp đặc biệt để hủy bỏ Obamacare mà ông nhiều lần cam kết với cử tri khi vận động tranh cử.

Đối ngoại

Vấn đề kinh tế và đối nội là ưu tiên của tân tổng thống Trump. Tuy nhiên, vấn đề đối ngoại phải đi song song vì vấn đề chính trị và kinh tế thế giới gắn liền với tương lai của Hoa Kỳ.

Trung Quốc vẫn là đối tác hàng đầu của Hoa Kỳ. Báo cáo phân tích về tổng mức đầu tư của Mỹ vào nền kinh tế Trung Quốc trong 25 năm qua, cao hơn khoảng 3 lần so với con số được công bố chính thức. Theo đó, đã có khoảng 6,700 các dự án đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Trung Quốc trong giai đoạn 1990-2015, với tổng giá trị lên tới khoảng 228 tỉ USD, cao gấp khoảng 3 lần so với con số báo cáo chính thức về dự toán thương mại của Bộ Ngoại giao Mỹ – chỉ đạt khoảng 75 tỉ USD, và cũng cao hơn con số báo cáo chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ khoảng 70 tỉ USD. Mức độ sâu rộng trong quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ-Trung càng lớn, thì các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về kinh tế của ông Trump sẽ càng khó thực hiện. Nếu như Trung Quốc có thể đoán được những nước cờ của Obama và Hillary Clinton, thì ngược lại, giờ đây Bắc Kinh mới thực sự “tìm hiểu” về ông Trump không chỉ về mặt ngoại giao, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác, Donald Trump là một ẩn số với Trung Quốc. Ngày 14/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện thoại chúc mừng ông Donald Trump và nói rằng hợp tác là “lựa chọn duy nhất đúng” cho quan hệ, theo truyền thông Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc nói ông Tập đã phát biểu qua điện thoại rằng Trung-Mỹ “có rất nhiều việc cần hợp tác và có thể hợp tác”. Biện pháp tạo áp lực để thử xem mức giới hạn của Mỹ có thể không áp dụng được với ông Trump. Trung Quốc chắc chắn cũng đã chuẩn bị những biện pháp đối phó như tăng thuế đánh vào hàng nhập cảng Hoa Kỳ cũng như gây khó khăn cho các công ty lớn của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc.

Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên ông nhận nhiệm sở. Các nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong 2 ngày họp tại Peru cam kết thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Barack Obama nói rằng, việc ngừng TPP sẽ là sai lầm đối với Mỹ. Hiệp ước TPP dù rằng không đem lại nhiều công ăn việc làm cho dân chúng Mỹ nhưng về lâu về dài đem lại thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu cho Hoa Kỳ. Trung Quốc cố gắng thay thế TPP bằng dự án Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, một sáng kiến của Bắc Kinh. Tuy nhiên, như lời thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nói thỏa thuận thương mại TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ. Điều cần để ý là trong năm 2014, Hoa Kỳ nhập cảng 2.14 ngàn tỷ USD, chiếm 65% GDP toàn khối và TPP nếu thành hình chiếm 40% nền kinh tế thế giới.

Vấn đề Tranh Chấp Biển Đông chưa được nêu ra nhưng ông James Woolsey, một cố vấn an ninh quốc gia cho ông Trump, trấn an trên báo South China Morning Post: “Hoa Kỳ xem mình là cầm giữ cán cân sức mạnh ở châu Á, và có thể sẽ vẫn quyết tâm bảo vệ các đồng minh trước sự càn lấn của Trung Quốc”. Donald Trump đã hứa sẽ mang đến cho Hải quân Mỹ sức sống mới với những chương trình đóng tàu đầy tham vọng. Ông Trump sẽ đầu tư phát triển hơn 70 tàu chiến mới, tăng cường sức mạnh chiến đấu của các lực lượng Hải quân Mỹ từ 272 lên đến 350 tàu chiến đồng thời thêm vào biên chế của Hải quân khoảng 50,000 người để loại bỏ tất cả các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia cũng như lợi ích của Mỹ. Theo tin USA Today ngày 16/11, ông Phạm Quang Vinh, đại sứ Việt Nam tại Washington tuyên bố tại  Center for The National Interest rằng, Việt Nam muốn Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại Á Châu.

Ông Trump có thái độ hòa hoãn với Nga Sô. Tổng thống Nga ngày 14/11 đã điện đàm với Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, và nhất trí cùng làm việc hướng tới “hợp tác xây dựng”, theo tin từ Điện Kremlin. Sự liên hệ giữa 2 cường quốc liên quan đến 4 vấn đề: giá dầu hỏa, sự hiện diện của NATO, ảnh hưởng của Nga tại Đông Âu và sự tham dự của Nga và Hoa Kỳ tại Trung Đông. Vấn đề là Nga Sô sẽ dùng yếu tố nào để mặc cả với Hoa Kỳ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chỉ trích các đồng minh Mỹ tại Liên Âu là quá dựa dẫm vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ. Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg cảnh báo tân Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ rằng “đi riêng một mình” không phải là một lựa chọn cho cả Châu Âu lẫn Hoa Kỳ. Viết trên tờ The Observer của Anh, ông Stoltenberg thừa nhận rằng ông Trump đã nêu ra được một điểm về việc một số thành viên (của NATO) cần có những đóng góp tài chính lớn hơn, khi mà Mỹ hiện chi trả cho gần 70% chi tiêu của NATO. Đức Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh cho Âu Châu.

Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, ông tuyên bố khuyến khích hai quốc gia đồng minh nên theo đuổi phát triển năng lực hạt nhân độc lập, để kết thúc sự bảo trợ an ninh của Mỹ vốn đã kéo dài hàng thập kỷ cũng như nên thêm tiền cho quân đội Mỹ. Thực tế có thể không giống như lời ông Trump tuyên bố. Ngày 19/11, ông Trump đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và có thể cuộc hội kiến này sẽ phần nào làm rõ hơn thái độ của Tổng thống Mỹ tương lai đối với Nhật Bản. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Abe nói: “Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất thẳng thắn trong khoảng thời gian đáng kể. Bầu không khí rất ấm cúng”. Giải pháp dung hòa là Đức Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Việt Nam tăng cường chi phí quốc phòng đồng thời đóng thêm tiền chi phí cho quân lực Hoa Kỳ đóng trên các nước này. Sự tăng cường chi phí quốc phòng sẽ giúp cho các đại công ty quốc phòng của 4 nước có thêm hợp đồng, đem lại công ăn việc làm mới cho dân chúng Hoa Kỳ.

Các hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ NAFTA, hồ sơ hạt nhân Iran, hiệp định Paris về biến đổi khí hậu không nằm cao trong chương trình nghị sự của tân chính phủ nhưng ông Trump dọa sẽ xem xét lại.

KẾT LUẬN

Với sự đắc cử của ông Trump, một trang sử lại sang trang. Dù rằng Hillary Clinton hay Donald Trump, Dân Chủ hay Cộng Hòa thì Hoa Kỳ vẫn phải giữ vai trò lãnh đạo thế giới. Là một doanh nhân chứ không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp, ông Trump, trong vài khía cạnh, hy vọng sẽ mang đến làn gió mới cho chính trường Hoa Kỳ. Đã có vài tín hiệu tích cực. Ngày 23/11, lần đầu tiên trong lịch sữ 120 năm, Dow Jones đã vượt qua số điểm 19,000. Nếu giảm được cách nói “dao to búa lớn”, có được một bộ tham mưu giỏi, đạt được sự đồng thuận với giới tư bản và chịu khó dung hòa các ý kiến thì ông Trump có cơ hội trở thành một tổng thống lớn trong lịch sữ Hoa Kỳ. Những lời hứa của ông Trump trong lúc tranh cử, dù rằng làm vui lòng một số người da trắng đã giúp ông thắng cuộc, sẽ có thể không thực hiện được trong vai trò tổng thống. Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không tự cô lập mình với toàn cầu. Tổng thống Obama, bà Clinton, ông Sanders đều hứa cộng tác với ông Trump và đảng Cộng Hòa vì quyền lợi của quốc gia và dân tộc Hoa Kỳ. Ông Trump vừa tuyên bố ông sẽ là tổng thống của mọi người dân Mỹ. Mong rằng ông Trump sẽ tận dụng cơ hội ngàn năm một thuở này.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Những vấn đề của nước Mỹ” của tác giả ngày 11/15/2016.
  2. Bài viết “Vì sao bà Hillary Clinton thất bại?” của Nick Bryant BBC News, New York ngày 10/11/2016.
  3. Bài viết “3 lý do khiến bà Clinton thất bại thảm hại trước Trump” trên mạng Danviet.vn ngày 10/11/2016.
  4. Bài viết “Clinton thua: 110 triệu cử tri Mỹ đã không đi bỏ phiếu” trên mạng Zing.VN ngày 11/11/2016.
  5. Bài viết “Kẻ thua cuộc’ lớn nhất không phải bà Clinton” trên mạng Zing.VN ngày 11/11/2016.
  6. Bài viết “3 ưu tiên hàng đầu của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump” trên mạng VOV.VN ngày 11/11/2016.
  7. Bài viết “Hàn gắn nước Mỹ : “Nhiệm vụ bất khả thi” của Donald Trump?” trên mạng RFI ngày 09-11-2016.
  8. Bài viết “Kế hoạch 100 ngày đầu làm tổng thống của Donald Trump” trên mạng trithuc.vn ngày 9-11-2016
  9. https://www.ft.com/content/477 9e6fc-a71c-11e6-8b69-02899e8bd 9d1
  10. Bài viết “Liệu Trump có thực thi chính sách mà ông mong muốn?” trên mạng BBC ngày 22-11-2016.
  11. Bài viết “4 kịch bản chính trường Mỹ thời Tổng thống Trump” trên mạng Trandaiquang.org ngày 22-11-2016.
  12. Bài viết “Chiến dịch bí mật của con rể giúp Trump lên đỉnh cao quyền lực” trên mạng VnExpress.net ngày 24-11-2016.
  13. Bài viết “Hoa Kỳ: Sẽ kiểm lại phiếu bầu tổng thống ở 3 bang ? đăng trên RFI ngày 26-11-2016.

 

 

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *