Việt Nam nâng cấp các đảo tại Trường Sa

1.463 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

 Trong 3 năm kể từ 2014-2016, Trung Quốc đã biến 7 bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi), Vành Khăn (Mischief), Gạc Ma (Johnson South), Châu Viên (Cuarteron), Ga Ven (Gaven) và Tư Nghĩa (Hughes) thành các đảo nhân tạo với chi phí hàng chục tỷ USD. Tổng số diện tích 15 đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa là 1.828 km² trong khi đó tổng diện tích các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây là 12 km² (khoảng 1,300 hecta). Đảo nhân tạo lớn nhất là đá Chữ Thập với diện tích 2.74 km² với chi phí 11.5 tỷ USD. Trung Quốc đã xây trên các đảo nhân tạo này một bệnh viện, ba phi đạo dài 3,000 mét, năm ngọn hải đăng và các cơ sở yễm trợ.

So sánh diện tích đảo Trường Sa Lớn và Sơn Ca của Việt Nam so với 2 đảo nhân tạo Vành Khăn và Chử Thập của Trung Quốc

Theo tài liệu của CSIS, phía Việt Nam đã bồi đắp thêm khoảng 49 hecta (.49 km²) trên các đảo ở quần đảo Trường Sa. Giới tùy viên quân sự ở khu vực tin rằng các đảo của Việt Nam đều được xây dựng kiên cố, một số có cả hầm trú ẩn và địa đạo nhằm ngăn chống xâm nhập. Dù vậy diện tích mà phía Việt Nam bồi đắp thì chẳng thấm tháp gì so với các đảo nhân tạo khổng lồ mà Trung Quốc làm tại Trường Sa. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực phòng thủ chống lại các mối đe dọa này là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam cũng như các nước khác ven Biển Đông. Việc này giống như Indonesia tăng cường phòng thủ Natuna, Malaysia tăng cường phòng thủ ở Sabah, Sarawak và Biển Đông và Philippines cho phép Hoa Kỳ sử dụng 5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ.

ĐẢO SONG TỬ TÂY

Cụm Song Tử (North Danger Reefs) nằm về cực Bắc quần đảo Trường Sa. Phần lớn các đảo, bãi đá thuộc cụm Song Tử do Philippines chiếm. Việt Nam giữ đảo Song Tử Tây và bãi đá Nam. Trung Quốc chiếm bãi đá Subi. Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) là đảo lớn thứ 6 quần đảo, hình lưỡi liềm, dài 700 m, rộng 300 m, diện tích 0.120 km², và là đảo lớn thứ hai do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa, chỉ cách đảo Song Tử Đông do Philippines chiếm 2.82 km và có thể nhìn thấy ở đường chân trời. Vành đá bao quanh nổi một phần khi triều lên. Việt Nam dựng ngọn hải đăng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa tại đây vào tháng 10 năm 1993, và xây một đường băng. Đảo đã được nâng cấp để có một vũng tàu đậu về phía Bắc.

ĐẢO SƠN CA

Cụm Nam Yết hay cụm Tizard (Tizard bank/Tizard reefs) nằm về phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa phía dưới Cụm Song Tử. Đài Loan, Việt Nam và Trung Quốc đều có chiếm đảo trên cụm Nam Yết. Đài Loan chiếm đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (Itu Aba). Việt Nam giữ 2 đảo Sơn Ca, Nam Yết và 2 bãi Đá Lạc và Đá Thị. Trung Quốc chiếm các bãi đá ngầm Gaven và Én Đất.

Đảo Sơn Ca và Nam Yết là 2 đảo lớn thứ 9 (.070 km²) và 12 (.053 km²) trong quần đảo Trường Sa. Đảo Sơn Ca hình bầu dục, dài khoảng 450 mét, rộng khoảng 130 mét, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, hình dạng thay đổi tùy thuộc vào mùa gió, cách đảo Ba Bình 6.2 hải lý về phía Đông. Hiện tại, đảo Sơn Ca đã được bồi đắp gấp đôi về phía Tây Nam.

Đảo Sơn Ca ngày 30/8/2011

Đảo Sơn Ca ngày 19/2/2015

ĐẢO TRƯỜNG SA – ĐÁ LÁT VÀ ĐÁ TÂY

 Quần đảo Trường Sa được chia làm 8 cụm (Song Tử, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang, Thị Tứ, Loại Ta và Bình Nguyên) trải dài từ vĩ độ 6°20’ Bắc (Louisa Reef) lên 11°28’ Bắc (Song Tử Đông) và từ kinh độ 111°41’ Đông (Đá Lát) qua 117°19’ Đông (Brown Reef). Việt Nam đang đóng quân trên các điểm đảo trên 5 cụm (Song Tử, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang). Hai cụm Trường Sa và An Bang nằm giữa quần đảo Trường Sa, kéo dài từ Tây sang Đông. Trên 2 cụm này, Việt Nam đang chiếm giữ các đảo Trường Sa Lớn (Spratly), đảo Trường Sa Đông (Central London Reef), đảo Phan Vinh A-B (Pearson Reef), Đá Lát (Ladd Reef), Bãi Đá Tây A-B-C (West London Reef), Bãi Đá Đông A-B-C (East London Reef), Bãi Tốc Tan A-B-C (Alison Reef), Đá Tiên Nữ (Pigeon Reef/Tennent Reef), Đá Núi Le A-B (Cornwallis South Reef).

ĐẢO TRƯỜNG SA LỚN: Đảo Trường Sa, 0.130 km² là đảo lớn thứ 4 quần đảo, là thủ phủ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, chiếm giữ từ năm 1974. Có dạng hình tam giác cân mà đáy hơi chệch về phía Bắc. Đáy dài 350 m, hai cạnh kia, mỗi cạnh dài 450 m, cao độ ở phía Bắc là 3.5 m ở phía Nam là 2.1 m so với mặt nước lúc nước ròng. Có một đường băng dài  khoảng 600 m và một cảng cá. Vành đá ngầm nổi khi triều xuống. Có trạm khí tượng Trường Sa. Hồi Tháng Tám 2016, tin tức cũng tiết lộ Hà Nội đưa hỏa tiễn Extra tầm bắn khoảng 120 km mua của Do Thái ra trấn thủ tại một số đảo ở Trường Sa. Hình ảnh do vệ tinh cung cấp cho thấy Việt nam đã cải thiện đáng kể đảo Trường Sa lớn, trong quần đảo Trường Sa. Khoảng 23 hecta đất được bồi đắp thêm để nới rộng hải đảo và hai nhà kho lớn được xây thêm để cất máy bay. Phi trường quân sự duy nhất của Việt Nam tại Biển Đông, với đường băng ngắn ngủi 760 mét đã được kéo dài đến 1,000 m và một khi hoàn tất sẽ có chiều dài 1.2 km, đủ cho máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh. Các cơ sở mới này sẽ có khả năng đón tiếp các loại máy bay tuần tra PZL M28B của không quân và máy bay vận tải CASA C-295.

So sánh 2 hình tháng 1, 2014 (trên) và tháng 1, 2016 (dưới)

 

Phía Tây và phía Đông Bắc của đảo Trường Sa Lớn có hai bãi đá Lát và Đá Tây với hình thể rất tốt.

 ĐẢO ĐÁ LÁT: Đá Lát là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa với hình thể tương tự như đảo nhân tạo Chữ Thập của Trung Quốc. Đá này nằm cách đảo Trường Sa khoảng 14 hải lý (25.9 km) về phía Tây. Đặc điểm: nằm theo trục Đông Bắc-Tây Nam với chiều dài khoảng 5.9 km, chiều rộng khoảng 1.6 km và diện tích là 9.9 km². Đá Lát chìm ngập dưới nước khi thủy triều lên nhưng có nhiều hòn đá riêng lẻ nhô lên khỏi mặt biển khi thủy triều xuống thấp. Hiện Việt Nam đang kiểm soát đá này như một phần của thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đèn biển Đá Lát được xây dựng trên nền san hô cách nơi đồn trú của hải quân hơn 300 m về phía Bắc, có kết cấu bằng sắt thép với những lỗ xiên hoa. Chiều cao tháp đèn là 42 m, tầm hiệu lực ban ngày là 15 hải lý còn ban đêm là 18 hải lý. Đá Lát rất thuận tiện để xây phi đạo có thể dài đến 3,000 m.

Ảnh chụp vệ tinh đảo Đá Lát (Ladd Reef), thuộc quần đảo Trường Sa ngày 30/11/2016, cho thấy các hoạt động cải tạo nạo vét cát trên đảo. Ở giữa phía Bắc là các công sự hiện có – Trevor Hammond/Planet Labs/Handout via Reuters

Trong bức hình chụp ngày 30/11 và được Planet Labs cung cấp cho một số hãng truyền thông, có thể thấy một số tàu đang hoạt động trong kênh đào nối biển và vụng biển bên trong Đá Lát. Hiện chưa ai rõ ý định thật sự của Việt Nam. Nếu Việt Nam có ý định xây dựng đảo Đá Lát thành một đảo nhân tạo như đảo Phú Lâm của Trung Quốc thì về phương diện kỹ thuật không phải là trở ngại lớn; tuy nhiên về phương diện tài chánh là một dấu hỏi.

ĐÁ TÂY: Ngoài ra, Đá Tây (West London Reef) là một rạn san hô vòng giữa là lòng chảo nước sâu nằm cách đảo Trường Sa Lớn 20 hải lý về phía Đông Bắc.  Ngoài 3 vị trí đóng quân thì tại đây còn có một ngọn đèn biển cùng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tổ hợp nuôi trồng thủy sản thí điểm.

Bãi Đá Tây nhìn từ vệ tinh

Đặc điểm: có dạng hình quả trám nằm theo trục Đông Bắc-Tây Nam với chiều dài khoảng 9.1 km, chiều rộng khoảng 5.6 km. Giữa đảo có hồ hình vành khuyên, chiều dài hồ Đá Tây khoảng 6 km, chiều rộng khoảng 3.5 km, độ sâu của hồ từ 18–35 m, do vậy hồ rất thuận tiện cho các tàu, thuyền của ngư dân vào tránh dông, bão. Các lạch nước phân vành san hô của rạn vòng này thành bốn phần riêng biệt. Một doi cát nổi lên với độ cao tối đa là 0.7 m ở bãi san hô phía Đông. Đá Tây gần các vị trí đóng quân khác của Việt Nam, nơi đây nếu Việt Nam đủ tiềm lực và dồn sức xây dựng, biết đâu có thể cải tạo thành căn cứ liên hợp hải quân – không quân – dân sự như Trung Quốc đang làm ở 7 rạn san hô.

KẾT LUẬN

Trevor Hollingsbee, phân tích gia về tình báo hải quân, nói với hãng Reuters: “Chúng ta có thể thấy rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam thực sự không đặt lòng tin chiến lược vào ai … nước này đang nhanh chóng tăng cường quốc phòng.” Cũng Reuters hồi tháng Tám cho hay Việt Nam đã điều giàn hỏa tiễn di động ra một số đảo ngoài Biển Đông. Vấn đề Việt Nam nâng cấp các đảo tại Trường Sa là điều dễ hiểu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bài viết “Biển Đông : Việt Nam nạo vét biển tại một đảo tranh chấp” trên mạng RFI ngày 8-12-2016  
  2. Đá Tây – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *