Hệ thống phòng thủ Việt Nam 2017 – 2030

734 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Nghiên cứu về hệ thống phòng thủ của Việt Nam đòi hỏi khá nhiều thì giờ và nhiều khi khó có được một cái nhìn chi tiết về khả năng và sức mạnh thực sự của Việt Nam. Theo các số liệu của viện SIPRI vừa được công bố ngày 22/2/2016, trong thời gian từ 2011 đến 2015, một nước nhỏ như Việt Nam đã mua vào 3% vũ khí của thế giới, xếp vị trí thứ 8 trong danh sách nhập khẩu vũ khí toàn cầu, tăng 699% so với 5 năm trước đó. Trong giai đoạn từ năm 2006-2010, Việt Nam chỉ xếp vị trí 43 với 0.4%. So với lợi tức, đây là một tỷ lệ tương đương với Hoa Kỳ, đứng trước cả Hàn Quốc hay Singapore. Viết một bài 5, 10 trang về đề tài này chỉ  giúp độc giả có một cái nhìn khái quát về hệ thống phòng thủ của Việt Nam:

  • Dù rằng là quốc gia chịu áp lực mạnh nhất từ Trung Quốc, hệ thống phòng thủ của Việt Nam cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số lực lượng đối trọng tại vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á của Hoa Kỳ, các cường quốc trong vùng như Nhật Bản, Nga Sô, Úc Đại lợi, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Singapore và Indonesia. Chiến thuật du kích chiến trên biển và chiến tranh phi đối xứng vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Việt Nam đang thay đổi từ phòng thủ thụ động qua phòng thủ chủ động. Mục đích của Việt Nam khi tăng cường hệ thống phòng thủ không phải là để đánh ngang ngữa mà chỉ để có thể gây cho Trung Quốc càng nhiều thiệt hại càng tốt.
  • Sự tăng cường hệ thống phòng thủ tùy thuộc ngân sách quốc phòng của các nước liên hệ. Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ cho năm 2016 trị giá 607 tỷ USD, giảm 5 tỷ USD so với năm 2015 (612 tỷ USD). Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 là 136.4 tỷ USD. Một nguồn tin có quan hệ với quân đội Trung Quốc nói với Reuters rằng kế hoạch tăng 30% chi tiêu quốc phòng trong năm 2016 đã được đưa ra bàn thảo trong giới quân sự dù mức tăng này là khó khả thi. Cơ quan dự báo toàn cầu ICD Research dự đoán ngân sách quốc phòng Việt Nam trong giai đoạn năm 2011-2016 là 18.6 tỷ USD. Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ tương đối khả tín dù rằng cơ quan CIA có những ngân khoảng riêng không rõ nguồn gốc cũng như các tập đoàn quốc phòng có những chi tiêu nghiên cứu riêng biệt. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính năm 2012 Trung Quốc đã chi từ 135 đến 215 tỷ đô la cho Quân đội giải phóng Nhân dân (PLA) với tăng trưởng hàng năm vẫn duy trì ở mức tăng hai con số. Ngoài ra, ngân sách quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam được hỗ trợ bởi ngân quỷ của đảng Cộng Sản mà ngay các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ và Tây Phương cũng không nắm được chính xác.
  • Rất khó mà biết được những thỏa thuận chi tiết về thương lượng quốc phòng giữa Việt Nam với Nga Sô, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Âu, Ấn Độ và Do Thái. Có những thỏa thuận đã được đồng ý mãi đến vài năm sau mới nói ra mà cũng nói chung chung để khỏi khiêu khích Trung Quốc. Trong các hợp đồng mua phi cơ, chiến hạm với Nga Sô, Việt Nam thường để vấn đề trang bị vũ khí ra riêng để có thể nâng cấp theo ý mình vào thời điểm và giá cả thích hợp.

KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG PHÒNG THỦ CHO ĐẾN 2030

Với sự tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo cuối cùng đầu năm 2017, Việt Nam đã có một hạm đội gồm 6 tàu ngầm Kilo loại 2,300 tấn, 4 tàu tên lữa loại Gepard loại 2,300 tấn và 8 tàu hộ vệ Molniya loại 500 tấn, Việt Nam đã có một lực lượng Hải quân tương đương với các nước trong vùng. Trong vòng 10-15 năm sắp đến, Việt Nam cần triển khai hai sự canh tân ngắn và dài hạn đi song song với nhau. Liên doanh với các xí nghiệp đóng tàu ngoại quốc như Damen của Hòa Lan hay các công ty của Nga, Nhật và Do Thái, Việt Nam có khả năng đóng các tàu tên lửa cỡ 4,000 tấn cũng như tàu ngầm loại nhỏ. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể mua các loại trang cụ từ Nga, Hoa Kỳ, Liên Âu, Nhật Bản và Ấn Độ để thay thế các trang bị đã quá cũ. Vấn đề mua vũ khí với Do Thái được nói ở phần riêng trong bài này. Về dài hạn, Việt Nam phải nghĩ đến các trang bị thích hợp tính đến 2030.

Không quân và Phòng không

Trong ngắn hạn, nếu Việt Nam có thể đạt được thỏa thuận với các nước Âu-Mỹ, mua gần 100 máy bay chiến đấu, thì có thể dùng để thay thế 144 máy bay chiến đấu Mi-21 và 38 máy bay tấn công Su-22. Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tạp chí The National Interest Mỹ ngày 13/1 cho rằng, Việt Nam hầu như đang thay đổi truyền thống trước đây, bắt đầu cùng các nhà chế tạo của Mỹ và châu Âu đàm phán mua các máy bay quân sự mới, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra trên biển và máy bay không người lái. Việt Nam luôn đàm phán với các nước Âu-Mỹ, cân nhắc lựa chọn mua sắm máy bay chiến đấu trong số các loại như máy bay chiến đấu JAS-39E/F Gripen của Thụy Điển, máy bay chiến đấu Typhoon của châu Âu, máy bay chiến đấu F-16C/D và F/A-18E/F của Mỹ. Ngoài ra Việt Nam còn rất quan tâm đến máy bay chiến đấu F/A-50 được nghiên cứu phát triển trên nền tảng máy bay huấn luyện T-50 do Hàn Quốc và Công ty Lockheed Martin Mỹ hợp tác phát triển. Điều quan trọng là vấn đề giá cả: Giá cả của Liên Âu gấp đôi của Nga. Trên thị trường, các tiêm kích Mỹ F/A-18 Hornet và F/A-18E/F Super Hornet có giá từ 67 triệu USD, các tiêm kích đa năng châu Âu Typhoon của công ty Eurofighter GmbH có đơn giá 123 triệu USD, các tiêm kích rẻ và yếu hơn như JAS 39 Gripen của hãng Saab, Thụy Điển và Rafale của Dassault Aviation, Pháp có đơn giá 124 triệu USD.

Moscow và Bắc Kinh đã ký một hợp đồng vũ khí trong năm 2015, theo đó Nga bán cho Trung Quốc 24 chiếc chiến đấu cơ tối tân Su-35 thuộc thế hệ 4++ với trị giá là 2 tỉ USD (83 triệu mổi chiếc so với giá chính thức 116+ triệu USD với đầy đủ trang bị). Trung Quốc là nước bên ngoài đầu tiên được mua thế hệ máy bay mới này của Nga. Nguồn tin trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga trước đó từng cho biết, hợp đồng trên sẽ được thực hiện trong 3 năm. 4 chiếc Su-35 đầu tiên sẽ được cung cấp cho Trung Quốc trong năm 2016 và sẽ có thêm nhiều chiếc Su-35 nữa được bàn giao cho Trung Quốc trong vòng 2 năm tới. Tính năng của máy bay chiến đấu Su-35 đã vượt tất cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm máy bay chiến đấu Rafale Pháp và máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của châu Âu và cũng có thể đối đầu hiệu quả với máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor của Không quân Mỹ. Việt Nam chắc cũng đang thương lượng với Nga để mua loại này với số lượng thích hợp. Việt Nam cũng có thể mua cường kích Su-34. Loại này dùng động cơ Saturn AL-31 như của Su-35, khả năng chiến đấu tương đương với loại phi cơ tân tiến nhất của Liên Âu mà giá chỉ có 36 triệu USD so với 40-65 triệu của loại Su-35.

Về lực lượng phòng không, S-400 Triumph là phiên bản cải tiến của S-300, đi vào phục vụ vào năm 2007 cũng đang được thương thuyết giữa Việt Nam và Nga Sô. Việt Nam đang triển khai loại radar VOSTOK-E thông qua tăng cường hợp tác công nghiệp quân sự với Belarus. Việt Nam cũng có thể thoát khỏi cục diện quá lệ thuộc vào vũ khí của Nga về phát triển quân bị. Từ năm 2005 trở đi, Việt Nam đã nhập khẩu 7 hệ thống radar VOSTOK-E.

Hải quân

Tính đến 2030, Hải quân Việt Nam có thể lưu ý đến các loại tàu sau:

  • Về tàu ngầm, Việt Nam có thể trang bị thêm 4-6 tàu ngầm Soryu của Nhật (2,900 tấn khi nổi – 4,200 tấn khi lặn) hay tàu ngầm lớp Lada với phiên bản xuất khẩu Amur 1650 hoặc Amur 950 của Nga. Năm 2016, Nhật đã thất bại trước tập đoàn DCNS của Pháp trong một hợp đồng khoảng 40 tỷ USD để thay thế 12 tàu ngầm loại Collins của Úc. Việt Nam cũng có thể mua hay liên doanh đóng tàu ngầm bỏ túi của Hàn Quốc để hoạt động trong vùng nước cạn. Loại tàu ngầm cỡ nhỏ HDS-500 có lượng giãn nước 510 tấn, có thể hoạt động 3,700 km liên tục trên biển trong 21 ngày, tốc độ tối đa 20 gút (37 km/giờ), lặn sâu 250 m, thuỷ thủ đoàn chỉ 10 người.

Mẫu tàu ngầm mini KSS-500A của Hàn Quốc – Nguồn: thaiarmedforce.com

  • Việt Nam cũng có thể mua các tàu tên lửa đề án 22800 của Nga (thay thế loại Buyan-M – dự án 21631 với lườn sâu hơn). Mẫu tàu thuộc đề án 22800 có lượng giãn nước khoảng 800 tấn, được trang bị bệ phóng thẳng đứng đa năng và các tên lửa hành trình Kalibr với tầm bắn lên tới 2,500 km. Tên lửa Kalibr là một trong những loại vũ khí tầm xa chính xác nhất, uy lực nhất trong kho vũ khí Nga. Đi xa hơn, Việt Nam cũng có thể để ý đến các tàu hộ vệ lớn hơn cở 4,000-5,000 tấn thuộc dự án 22350, 22350M hay 22356 của Nga hoặc loại 5,000 tấn 19DD Akizuki của Nhật Bản. Đặc biệt loại Akizuki của Nhật có thể trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa.

Tàu hộ vệ thuộc dự án 22350 của Nga

Hải-Không quân

Trong ngắn hạn, các cuộc đàm phán với Thụy Điển về máy bay cảnh báo sớm Saab 340 hoặc máy bay cảnh báo sớm và tuần tra trên biển Saab 2000. Về máy bay săn ngầm, Việt Nam có hai lựa chọn giữa P3C-Orion và SC-130J Sea Hercules là thiết kế tuần tra hàng hải, chống ngầm thế hệ mới của Lockheed Martin nhằm thay thế cho nền tảng P-3 Orion đã ngừng sản xuất từ lâu, nhưng vẫn là một trong những máy bay chống ngầm phổ biến nhất thế giới. Gần đây, với việc Không quân tiếp nhận máy bay vận tải thế hệ mới C-295M của Airbus (giá 30 triệu USD) có khả năng cất hạ cánh trên đường băng cực ngắn, một số ý kiến cho rằng trong trường hợp khẩn cấp nó có thể hoạt động ở sân bay Trường Sa. C-295M có thể cải tiến thành loại phi cơ cảnh báo sớm AEW&C và phiên bản săn ngầm C-295MPA.

 

Phi cơ cảnh báo sớm C-295M AEW&C

Phi cơ săn ngầm C-295MPA

Tại Vietship 2016, nhà sản xuất Damen đã gây bất ngờ khi trưng bày mô hình Eurocopter AS565 Panther bên cạnh chiếc SIGMA khiến xuất hiện đồn đoán Việt Nam sẽ mua dòng trực thăng này trang bị cho chiến hạm SIGMA. Phiên bản AS565-SB là phiên bản có vũ trang, máy bay có thể được trang bị các loại vũ khí chống ngầm và chống hạm tương đương với loại Kamov Ka-28 của Nga.

Việt Nam cũng đang tìm kiếm máy bay trinh sát không người lái để hỗ trợ cho tiến hành tuần tra đường bờ biển dài và hẹp của mình, nhưng hiện còn chưa biết được loại máy bay muốn sở hữu của Việt Nam. Do Thái và Hoa Kỳ là 2 ứng viên tiềm năng nhờ đầy đủ các chủng loại tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Máy bay trinh sát không người lái là một phần trong hệ thống phòng thủ bờ biển Việt Nam.

VAI TRÒ CỦA DO THÁI

 Do Thái là một nước nhỏ với một kỹ nghệ quốc phòng rất tân tiến và có quan hệ chặc chẻ với Hoa Kỳ. Vì là một nước với diện tích giới hạn, Do Thái sẵn sàng cung cấp công nghệ tiên tiến với các đồng minh nòng cốt, liên doanh sản xuất. Trong biên chế Quân đội Việt Nam đã có khá nhiều vũ khí mang thương hiệu IMI Systems, có thể kể vài ví dụ tiêu biểu như súng trường tấn công TAR 21, súng máy hạng nhẹ Negev, hệ thống phòng thủ bờ biển sử dụng đạn pháo phản lực dẫn đường EXTRA, ACCULAR … Đặc biệt hơn, nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng còn đang vận hành một dây chuyền chế tạo súng trường tấn công Galil ACE theo giấy phép của Do Thái. Giai đoạn sắp tới, nhu cầu của Việt Nam đối với vũ khí tiên tiến của Do Thái vẫn là rất lớn. Theo định hướng được Chủ tịch nước Trần Đại Quang đưa ra trong buổi làm việc vào tháng 2/2017 với ông Yitzhak Aharonovitch – Chủ tịch Tập đoàn IMI Systems của Do Thái, không loại trừ khả năng trong tương lai gần, bộ Quốc phòng Việt Nam và tập đoàn IMI Systems sẽ thành lập một liên doanh sản xuất vũ khí công nghệ cao, thay vì chỉ chế tạo loại cơ bản như hiện tại.

 Tàu tên lữa hạng trung SA’AR 5 nâng cấp và SA’AR s-72

Đầu những năm 1980, hải quân Do Thái đã ký hợp đồng với tập đoàn Northop Grumman của Hoa Kỳ đóng ba tàu hộ tống lớp Sa’ar 5. Từ năm 1993-1994, cả ba chiếc tàu (Eilat, Lahav, Hanit) lần lượt hạ thủy và đưa vào biên chế trong hải quân Do Thái. Lớp Sa’ar 5 được xếp vào loại tàu hộ tống đa năng, tàu có lượng choán nước 1,275 tấn, dài 85.6 m, rộng 11.9 m. Sa’ar 5 thiết kế chuyên thực hiện nhiệm vụ chống hạm, chống ngầm và phòng không. Số lượng thủy thủ đoàn trên tàu khoảng 74 người. Trong năm 2014, Hải quân Do Thái đã âm thầm nâng cấp một trong ba chiến hạm hộ tống lớp Sa’ar 5 với hệ thống vũ khí và điện tử tương đương một tàu khu trục.

Trong khuôn khổ triển lãm IMDEX năm 2013 vừa qua, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Israel Shipyard đã giới thiệu tàu hộ tống tàng hình thế hệ mới được chỉ định là Sa’ar S-72 với nhiều tính năng ưu việt, dự trù đưa vào hoạt động 2015. Sa’ar S-72 được xem như là một khu trục hạm hạng nhẹ dù rằng trọng tải chỉ hơn 800 tấn.

Phòng không & Phòng thủ duyên hải

 Trong những năm gần đây, Do Thái đang lộ diện nổi lên là quốc gia có các hoạt động hợp tác quân sự – kỹ thuật rất “sôi nổi” với Việt Nam. Phía Việt Nam đã nhận được các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER lần thứ hai từ phía đối tác Do Thái. Các tổ hợp tên lửa đất-đối-không SPYDER đầu tiên đã được phía Do Thái chuyển giao vào cuối tháng 7 năm 2016, nhưng đó không phải là lần nhận hàng đầu tiên các trang bị vũ khí từ Do Thái giao cho Việt Nam.

Nguồn tin này cho biết, một phiên bản của hệ thống như vậy đã hoạt động ở Việt Nam – nơi CIDS đã được triển khai như một phần của hệ thống “Sát thủ” mặt đất của đất nước hình chữ S. Theo báo cáo của SIPRI, Hải quân Việt Nam đã sử dụng hệ thống phòng thủ bờ biển do công ty Elta Systems của IAI cung cấp, hệ thống UAV trinh sát/giám sát mini Orbiter 2 của Aeronautic và các rocket Extra của IMI. EXTRA, gồm 4 quả trong mổi Container, có tầm xa 150 km và độ chính xác 10 m, được gắn trên các ống phóng từ 2 đến 16 ống hay gắn trên các xe lưu động. Loại EXTRA rất thuận tiện để trang bị trên các đảo nhỏ tại Trường Sa. Như vậy, hệ thống EXTRA của Do Thái có thể phối hợp với các hệ thống 4K51 Rubezh, Bal-E, Bastion-P và REDUT của Nga, tạo thành một mạng lưới phòng thủ bờ biển ở các cấp độ khác nhau. Việt Nam là nước thứ hai sau Nga Sô được trang bị hệ thống tối tân BAL-E. Hệ thống này có thể kiểm soát các hải lộ, bảo vệ các căn cứ bờ cũng như tấn công các chiến hạm đổ bộ của địch.

Hệ thống phòng thủ biển đảo mới của Việt Nam – IMI EXTRA system của Do Thái

Theo Defense-Upadate, hiện nay nhà sản xuất IMI Systems đang giới thiệu một giải pháp phòng thủ biển đảo mới, được thiết kế để bảo vệ các khu vực hàng hải và bờ biển chiến lược trên đất liền và ngoài biển khơi tương tự như hệ thống DF-21D của Trung Quốc và Khalij Fars (Fateh 110) của Iran. Được gọi với cái tên Hệ thống phòng thủ Biển đảo (CIDS), hệ thống vũ khí mới này tạo ra uy lực với các công cụ thực thi chủ quyền quốc gia trên các khu vực bờ biển, các đảo và quần đảo, bảo vệ quyền lợi trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) quốc gia với khoảng cách 200 hải lý từ bờ biển. Về độ chính xác, CIDS có thể tấn công các mục tiêu trên biển từ khoảng cách xa, trong khi chúng vẫn còn cách những con tàu ngoài biển hàng giờ di chuyển tính từ bờ biển. Các Radar và UAV trinh sát của hệ thống cung cấp khả năng cảnh báo sớm, định vị trí, tốc độ và các dữ liệu cần thiết để nhận dạng và khóa mục tiêu trước khi tung ra đòn tấn công chính xác từ cự ly xa. Hệ thống dẫn đường GPS của CIDS giúp rocket có thể tấn công với độ chính xác rất cao, sai số trong bán kính dưới 10 m. Hơn nữa, đặc điểm quĩ đạo bay của các tên lửa đạn đạo mới sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc đánh chặn đối với các hệ thống phòng thủ hải quân thông thường.

Hỏa tiễn tấn công không đối đất tầm xa với phi cơ F-16

Theo tổ chức thông tin Flight Global cho hay hôm Thứ Năm, Việt Nam đang cân nhắc việc mua một số hệ thống hỏa tiễn tấn công không đối đất tầm xa của Do Thái cho lực lượng không quân. Đây là loại hỏa tiễn tấn công có tên là Delilah, tầm xa 250 km, có thể gắn trên trực thăng hoặc phi cơ chiến đấu, rất tối tân do công ty kỹ nghệ quốc phòng quốc doanh của Israel (IMI) phát triển. Chủ tịch IMI là ông Yitzhak Aharonovitch thảo luận chuyện này khi gặp Chủ Tịch Nước VN Trần Ðại Quang. Khác hẵn với hõa tiển hành trình, chỉ khóa được mục tiêu trước khi bắn, loại Delilah có thể đến gần rồi mới lựa chọn và khóa mục tiêu. Theo tạp chí Aviation Intel, cũng trong buổi gặp Chủ Tịch Nước VN Trần Ðại Quang của Chủ tịch IMI là ông Yitzhak Aharonovitch, Việt Nam có thể mua loại F-16 tân trang của Hoa Kỳ có trang bị hỏa tiễn tấn công loại này.

 

KỀT LUẬN

 Trong nhiều năm qua, pháo và tên lửa hành trình đã được sử dụng làm lực lượng chủ yếu trong phòng thủ bờ biển, nhưng hiện nay, tên lửa đạn đạo và rocket với hệ  thống dẫn đường GPS đã trở thành thành phần không thể thiếu bởi sự cần thiết về tầm bắn và độ chính xác của nó trước các mục tiêu tàu chiến mặt nước. Các Radar, UAV trinh sát cung cấp khả năng cảnh báo sớm, định vị trí, tốc độ và các dữ liệu cần thiết để nhận dạng và khóa mục tiêu trước khi tung ra đòn tấn công chính xác từ cự ly xa. Với 6 sư đoàn phòng không và 3 lữ đoàn tên lửa bờ trang bị hệ thống hổn hợp tận dụng khả năng công nghệ của Nga Sô và Do Thái, Việt Nam có đủ khả năng phòng thủ không phận và vùng biển của mình. Liên hệ với Do Thái cũng sẽ giúp Việt Nam có mối quan hệ tốt với các tập đoàn tài chánh đầy thế lực tại Hoa Kỳ.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Hợp đồng tàu ngầm Úc: Do đâu Nhật bị Pháp phổng tay trên” trên mạng RFI ngày 2/5/2016.
  2. Bài viết “Sức mạnh quân sự Việt Nam đứng thứ 17 thế giới” trên mạng Thanh Niên Online ngày 08/01/2017.
  3. “Multipurpose Frigate of Project 22356” từ Severnoye Design Bureau của Nga.
  4. Bài viết “Israel nâng cấp tàu hộ tống mạnh ngang tàu khu trục” trên mạng Đất Việt ngày 29/9/2014.
  5. Bài viết “Việt Nam dùng tên lửa Israel chống địch đổ bộ chiếm đảo” trên mạng Viet Times ngày 8/5/2016.
  6. Bài viết “Việt Nam – Israel sẽ liên doanh sản xuất và xuất khẩu vũ khí công nghệ cao?” trên mạng Defence VN ngày 22/2/2017.
  7. Bài viết “Việt Nam sẽ mua và trang bị nhiều trang bị vũ khí từ Israel” trên mạng Defence VN ngày 2/3/2017.
  8. Bài viết “Chiến hạm mạnh nhất của hải quân Israel” trên mạng Việt Báo ngày 22/8/2010.
  9. Bài viết “Trong thời gian tới, vũ khí tối tân nào của Israel có triển vọng xuất hiện tại Việt Nam?” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 26/01/2017.
  10. Bài viết “Israel nói về vũ khí của phòng thủ bờ Việt Nam” trên mạng Đất Việt ngày 1/3/2017.
  11. Bài viết “Tinh hoa phòng không thế giới hội tụ – Bầu trời Việt Nam bất khả xâm phạm” trên mạng Soha News ngày 5/3/2017.
  12. Bài viết “Việt Nam lọt Top 25 quân đội mạnh nhất Thế giới ?” trên mạng Net.News ngày 18/3/2017.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *