Samsung Việt Nam

1.237 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Tập đoàn Samsung là một tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc có tổng hành dinh đặt tại Samsung Town, Seoul. Tập đoàn có nhiều công ty con, hầu hết hoạt động dưới thương hiệu Samsung, là tập đoàn thương mại (Chaebol) lớn nhất Hàn Quốc. Samsung được sáng lập bởi Lee Byung-chul năm 1938, được khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ. 3 thập kỷ sau, tập đoàn Samsung đa dạng hóa các ngành nghề bao gồm chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán và bán lẻ. Samsung tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử vào cuối thập kỷ 60, xây dựng và công nghiệp đóng tàu vào giữa thập kỷ 70. Sau khi Lee mất năm 1987, Samsung tách ra thành 4 tập đoàn – tập đoàn Samsung, Shinsegae, CJ, Hansol. Từ thập kỷ 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện thoại di động và chất bán dẫn, đóng góp chủ yếu vào doanh thu của tập đoàn. Những chi nhánh quan trọng của Samsung bao gồm Samsung Electronics (công ty điện tử lớn nhất thế giới theo doanh thu, và lớn thứ 4 thế giới theo giá trị thị trường năm 2012), Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu lớn thứ 2 thế giới theo doanh thu năm 2010), Samsung Engineering và Samsung C&T (lần lượt là công ty xây dựng lớn thứ 13 và 36 thế giới). Những chi nhánh chú ý khác bao gồm Samsung Life Insurance (công ty bảo hiểm lớn thứ 14 thế giới), Samsung Everland (quản lý Everland Resort, công viên chủ đề lâu đời nhất Hàn Quốc), Samsung Techwin (công ty không gian vũ trụ, thiết bị giám sát, bảo vệ) và Cheil Worldwide (công ty quảng cáo lớn thứ 16 thế giới theo doanh thu năm 2011).

Samsung có tầm ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa ở Hàn Quốc, và là động lực thúc đẩy chính đằng sau “Kỳ tích sông Hàn“. Đóng góp 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Doanh thu chiếm 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) $1,082 tỷ USD của Hàn Quốc.

Samsung Town

ĐẦU TƯ CỦA SAMSUNG VÀO VIỆT NAM

Samsung Galaxy Note 8 sản xuất tại Việt Nam

Qua 10 năm đầu tư vào Việt Nam, đến nay, tổng vốn đầu tư của Samsung đã lên tới 17 tỷ USD. Trong tương lai gần, tổng vốn đầu tư có thể tăng lên 20 tỷ USD. Samsung dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 50 tỷ USD sản phẩm trong năm 2017, chiếm trên 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn Samsung đã đầu tư 7 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11.3 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính đến cuối năm 2017, tổng số nhân viên trong các Nhà máy và Trung tâm của Samsung Electronics tại Việt Nam hiện nay là 126,000 người, tương đương 86.6% trong tổng số 150,000 nhân viên ngành hàng công nghệ thông tin và viễn thông di động (IM) trên toàn cầu của Samsung. Trong đó, có khoảng 44,000 người đang làm việc tại nhà máy SEV-Bắc Ninh và một số tương đương tại SEVT-Thái Nguyên. Việc tăng vốn đầu tư mở rộng quy mô không chỉ là nhà máy sản xuất, lắp đặt thêm dây chuyền công nghệ hiện đại còn tạo ra công ăn việc làm gián tiếp cho khoảng hơn 100 nghìn công nhân viên của các công ty đối tác với Samsung tại Việt Nam.

Có nhiều lý do để Samsung bỏ một lượng vốn đầu tư khổng lồ vào Việt Nam. Tại Đông Nam Á, khá nhiều quốc gia có điều kiện thuận lợi hơn cho việc đầu tư của Samsung. Lý do Samsung chọn Việt Nam làm điểm đầu tư mạnh là bởi Việt Nam có nền chính trị ổn định và những chính sách hỗ trợ cũng như các chế độ ưu đãi rất lớn đối với các nhà đầu tư. Nếu như ở Hàn Quốc, mỗi năm Samsung phải đóng thuế ở mức 22%, thì khi đầu tư vào Việt Nam, Samsung không phải trả bất cứ một đồng thuế doanh nghiệp nào trong suốt 4 năm liền. Sau 4 năm, số tiền thuế doanh nghiệp mà Samsung phải nộp cho ngân sách nhà nước cũng thấp hơn so với ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tại Việt Nam cũng là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn Samsung. Do đặc thù ngành sản xuất điện thoại thuộc lĩnh vực công nghệ cao nên đòi hỏi người lao động tối thiểu phải là những công nhân kỹ thuật cao, công nhân Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu đó, bên cạnh đó lương phải trả cho người lao động Việt Nam cũng tương đối thấp so với các nước trong khu vực và đặc biệt ngay ở Hàn Quốc (lương trả cho công nhân ở Việt Nam bằng 1/10 lương của một công nhân ở Hàn Quốc).

Một nguyên nhân nữa cũng tạo nên sức hấp dẫn với Samsung, đó là vị trí địa chính trị thuận lợi của Việt Nam – nơi gần với các nhà máy của Samsung tại Trung Quốc và Hàn Quốc, vì vậy việc cung cấp những linh kiện, phụ kiện nhỏ từ các nước này sang Việt Nam cũng hết sức thuận tiện, tốn ít chi phí. Tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và liên hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ vẫn là ưu tư chính của Hàn Quốc. Việt Nam có thể được xem như là hậu cứ của Hàn Quốc. Người Việt tại Triều Tiên có một lịch sử từ cuối thời nhà Lý khi nhiều hoàng tử của nhà Lý đã chạy qua Cao Ly để tỵ nạn ở triều đình của vương quốc Goryeo sau khi nhà Trần lên nắm quyền. Sau khi Triều Tiên bị chia làm hai quốc gia Bắc Triều TiênHàn Quốc, người Việt tại đây tiếp tục sống ở cả hai quốc gia. Hiện tại, người Việt ở Hàn Quốc là 147,295 người (chiếm 7.4 % số người nước ngoài). Việt Nam trở thành sắc dân đông thứ nhì trong các cộng đồng nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc. Cùng chia sẻ ảnh hưởng Nho Giáo, các chuyên viên Hàn Quốc chắc chắn cảm thấy thỏa mái hơn khi làm việc tại Việt Nam.

  • Hai nhà máy điện thoại di động SEV tại Bắc Ninh và SEVT tại Thái Nguyên: Samsung đã đạt được thành công bước đầu tại Việt Nam với minh chứng là mức vốn đầu tư của Samsung Electronics (SE) vào 2 nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên (SEV và SEVT) thời gian qua không ngừng tăng lên, ban đầu từ 670 triệu USD, đến nay đã là 7.5 tỷ USD, kéo theo hàng loạt các dự án phụ trợ khác. Đi vào hoạt động từ tháng 4/2009, khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại KCN Yên Phong 1, tỉnh Bắc Ninh với số vốn đầu tư 2.5 tỷ USD (2014) hiện nay được đánh giá là một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung trên toàn cầu. Đến nay vốn thực hiện của nhà máy đạt 95.6%; hằng năm cho doanh số xuất khẩu đạt hàng chục tỷ USD. Từ những thành tích có được tại SEV Bắc Ninh, tập đoàn Samsung đã quyết định tiếp tục đầu tư thêm một tổ hợp công nghệ mới tại KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên (SEVT) với vốn đầu tư là 5 tỷ USD. Nhà máy này vừa đi vào vận hành đầu tháng 3/2014, đến nay vốn thực hiện của nhà máy đạt  95.7%.

Khu công nghiệp Yên Bình (SEVT) tại Thái Nguyên

  • Dự án sản xuất bảng mạch in tại Thái Nguyên: Tháng 10/2014, tỉnh Thái Nguyên vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Electro – Mechanics Vietnam (một Công ty con của Tập đoàn Samsung – Hàn Quốc) triển khai Dự án chuyên sản xuất vi mạch điện tử và linh kiện điện tại Khu công nghiệp Yên Bình I (huyện Phổ Yên). Dự án này chuyên sản xuất và lắp ráp bảng mạch in kết nối mật độ cao HDI (bao gồm FPCB và Main board) và các linh kiện, phụ tùng (Camera module, bộ nắn điện, Touch sensor module…) cho các thiết bị viễn thông, thiết bị công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác. Vốn đầu tư l à 1.23 tỷ USD. Theo kế hoạch, đơn vị sẽ triển khai đầu tư dự án trong vòng 4 năm, thời gian thuê đất để sản xuất là 50 năm.

 

  • Dự án sản xuất các loại pin hiệu năng cao (SDI) tại Bắc Ninh: Tại KCN Yên Phong, Samsung tiếp tục đầu tư Dự án sản xuất các loại pin hiệu năng cao (của Samsung SDI Co., Ltd) với tổng vốn đầu tư 123 triệu USD. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 1/2010; vốn thực hiện của nhà máy đạt  65%.
  • Dự án sản xuất màn hình Display (SDV) tại Bắc Ninh: Dự án sản xuất màn hình Display (SDV) tại KCN Yên Phong 1, tỉnh Bắc Ninh chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đã đi vào sản xuất từ tháng 3/2015 – Giai đoạn 2 đến cuối năm 2017 với số vốn sau lần mở rộng ban đầu là 4 tỷ USD. Giai đoạn 3 (2018-2022) với số vốn sau lần mở rộng lần 2 là 2.4 tỷ USD. Như vậy tổng số đầu tư l à 6.5 tỷ USD.
  • Dự án sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng công nghệ cao TP.HCM: Gần đây nhất, tháng 5/2015 tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Samsung đã khởi công Dự án sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 1.4 tỷ USD. Dự án Samsung HCMC CE Complex (SEHC) này sẽ được thực hiện trên diện tích 70 héc ta trong Khu Công nghệ cao TPHCM, với mục tiêu nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đưa vào hoạt động vào quí 2 năm 2016, tập trung nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm tivi như tivi màn hình cong UHD, Smart TV, TV LCD, LED … Giai đoạn 2 của dự án sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng khác. Cụ thể ngoài những sản phẩm tivi nói trên, dự án SEHC của Samsung cũng sẽ sản xuất các sản phẩm như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt ứng dụng công nghệ cao. Đây là những dòng sản phẩm điện tử gia dụng mà Samsung đang đẩy mạnh kinh doanh ở thị trường Việt Nam qua con đường nhập khẩu. SEHC là dự án mới nhất của Tập đoàn điện tử Samsung tại Việt Nam và cũng là dự án tiếp nối của dự án Samsung Vina trước đây nhưng với quy mô lớn hơn, nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu cho khu vực và toàn cầu. Dự án SEHC cũng là dự án có vốn đầu tư cam kết lớn nhất vào khu công nghệ cao TPHCM đến nay.
  • Trung tâm R & D tại Hà Nội: Ngoài ra, Samsung Việt Nam còn có 1 Trung tâm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) đặt tại Hà Nội với hơn 1,400 nhân viên. Với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, đây được xem là dự án trung tâm R&D quy mô lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Thông tin cho biết, dự án có tổng diện tích sàn xây dựng hơn 116,000 m², cao 21 tầng, 2 tầng hầm và sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2020, thu hút tối đa khoảng 4,000 nhân viên.

Không chỉ đầu tư hàng tỷ USD cho lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, hiện nay Tập đoàn Samsung đã và đang đầu tư nhiều dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực như giao thông, điện lực, hạ tầng, bất động sản… có thể kể các dự án:

  • Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3: Dự án có công suất 2 x 600 MW với tổng vốn đầu tư ước khoảng 2,45 tỷ USD. Hiện nay, Công ty Samsung C&T đã thuê các công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 và 2 chuẩn bị báo cáo khả thi và sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối tháng 2/2015.
  • Dự án nhà máy đóng tàu ở Cam Ranh: Dự án này với đầu tư từ 2.6-2.8 tỷ USD, sẽ được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2015-2018) và giai đoạn 2 (2018-2025) quy mô khoảng 300 ha để trở thành 1 trong 10 nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới.
  • Dự án sân bay Long Thành: Samsung hé lộ muốn đầu tư vào dự án Sân bay Quốc tế Long Thành nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, Samsung sẽ nghiên cứu và xin tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành một số hạng mục của dự án này. Kế hoạch đặt ra là trong quý I-2015, Samsung sẽ triển khai chuẩn bị Báo cáo tiền khả thi và đưa ra quyết định đầu tư trong năm 2015.
  • Hợp tác với Viettel: Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, Samsung SDS đang trao đổi với Viettel về hợp tác phát triển hệ thống quản lý xe buýt và y tế thông minh.

LỢI NHUẬN

Cho đến nay, Tập đoàn Samsung đăng ký đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Samsung Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Công ty cho biết trong năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn này ở Việt Nam dự kiến đạt gần 50 tỷ USD. Năm 2016, xuất khẩu của công ty đạt 39.9 tỷ USD, chiếm tới 22.7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dù rằng đã xảy ra một sự cố liên quan đến điện thoại Samsung Note 7, nhưng tập đoàn đã nhanh chóng  giải quyết trở ngại này. Như vậy trong năm nay, Samsung đã đạt mức tăng trưởng ước tính là 25%.

Tập đoàn Samsung mới công bố báo cáo tài chính 3 quý đầu năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu và lợi nhuận toàn cầu của Samsung lần lượt là 159.7 tỷ USD (173,6 nghìn tỷ KRW) và 27.5 tỷ USD (29.9 nghìn tỷ KRW). So với cùng kỳ năm ngoái, Samsung chứng kiến doanh thu tăng trưởng gần 17% và lợi nhuận tăng đến 91%. Đóng góp vào sự tăng trưởng ấn tượng của tập đoàn Hàn Quốc này phải kể đến các công ty con ở Việt Nam, bao gồm: Samsung Electronics Vietnam (SEV – Samsung Bắc Ninh), Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT – Samsung Thái Nguyên), Samsung Display Vietnam (SDV) và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC). Bốn công ty con ở Việt Nam đạt doanh thu 45.6 tỷ USD (49.5 nghìn tỷ KRW) sau 3 quý đầu năm 2017, tương đương 28.5% doanh thu của cả tập đoàn. Trong đó, tổng lợi nhuận là 4.9 tỷ USD (5.4 nghìn tỷ KRW), chiếm gần 18% tổng lợi nhuận toàn cầu.

Lợi nhuận của 4 nhà máy SEV, SEVT, SDV và SEHC tại Việt Nam

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐANG GIẢI QUYẾT

Bên cạnh những thuận lợi, Samsung cũng gặp phải một số khó khăn nhất định khi đầu tư tại Bắc Ninh, như việc ùn tắc giao thông do lưu lượng phương tiện quá lớn trong giờ cao điểm, môi trường sống của những nhân viên sản xuất sống xa nhà máy. Tuy nhiên, nhìn chung Samsung hài lòng với môi trường đầu tư tại đây.

Vừa qua, tổ chức chức phi chính phủ của Thụy Điển có tên gọi IPEN cùng với Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) đã đưa ra Báo cáo đánh giá dựa trên việc phỏng vấn 45 nhân viên Samsung Electronics Việt Nam tại 2 nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên. Samsung có một số sai phạm nhưng ít hơn khi so sánh chung của các doanh nghiệp Á Châu tại Việt Nam.

Công nghiệp phụ trợ: Năm 2017 có một thành tựu to lớn đó là sự tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho Samsung. Năm 2014 chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng trực tiếp cấp 1 cho Samsung nhưng đến năm 2017 đã lên tới 29 nhà cung ứng. Ngày 6/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Shin Jong Kyun, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Samsung Electronics Hàn Quốc. Thủ tướng Việt Nam bày tỏ mong muốn Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực điện tử mà cả các lĩnh vực khác mà tập đoàn có thế mạnh; đề nghị Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ thiết thực về đào tạo và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội hợp tác, tham gia cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện cho các dự án của Samsung.

Ký túc xá cho nhân viên: Samsung Việt Nam mới đây đã đầu tư 47 triệu USD nâng cấp hệ thống ký túc xá cho công nhân tại hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, để giúp những công nhân còn độc thân có nơi ở, sinh hoạt và giải trí. Tuy nhiên, Nhà máy Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh có số lượng công nhân quá lớn, ký túc xá cũng chỉ đáp ứng nhu cầu một phần nhỏ của người lao động. Qua khảo sát thực tế tại các nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, có thể thấy Samsung thực hiện khá tốt các chế độ và quyền lợi đối với người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động là trên 6 triệu đồng/tháng với đầy đủ các quyền lợi khác.

Ký túc xá công nhân Samsung Bắc Ninh

Kỷ luật – Năng suất: Theo đánh giá của các chuyên gia Hàn Quốc đang làm việc tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, người lao động của Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ, thích ứng nhanh với khoa học, kỹ thuật hiện đại và cũng tương đối nghiêm túc tuân thủ chế độ kỷ luật của Công ty. Có những nhận xét thêm: Cách đối xử của các giám thị Hàn Quốc đối với nhân công rất là nghiêm nhặt tại các nước mà Hàn Quốc đầu tư. Làm việc 60 giờ một tuần trong thời gian dài là điều nên tránh. Tại Hoa Kỳ, nếu làm 48 tiếng trong thời gian dài thì công ty phải thuê nhân viên mới. Nói chung, nhân công Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung cần khá nhiều thời gian để thích ứng với tinh thần kỷ luật và làm việc chung của người Hàn Quốc, trong nhiều khía cạnh còn khó hơn người Nhật. Một tin vui bên lề là ông Bang Huyn Woo, phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, ngoài niềm tự hào là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất Việt Nam, Samsung còn tự hào là “công ty sản xuất ra rất nhiều em bé”. Mỗi năm chỉ riêng tại hai nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên đã có 4,000 lao động mang thai và 9,000 lao động nghỉ sinh.

Huấn luyện và Tuyển dụng: Ngày 12/11/2017, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Samsung Việt Nam chính thức tổ chức Vòng thi GSAT (Global Samsung Aptitude Test) cho ứng viên tại khu vực miền Bắc. 2,200 ứng viên là các Kỹ sư, Cử nhân tốt nghiệp Đại học được chọn từ 20,000 hồ sơ tham gia trực tiếp vào kỳ thi tuyển GSAT của Samsung. Song song với hoạt động tuyển dụng nhân sự cho toàn hệ thống Samsung tại miền Bắc, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Điện thoại Di động Samsung Việt Nam (SVMC) cũng tổ chức cuộc thi tuyển hàng tháng cho vị trí kỹ sư lập trình và xét tuyển Học bổng tài năng Samsung STP 2017 dành cho sinh viên chính quy của một số trường đại học lớn của khu vực miền Bắc. Bên cạnh việc tuyển dụng kỹ sư lập trình, SVMC cũng tổ chức chương trình xét tuyển Học bổng Tài năng Samsung. Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Samsung và 9 trường đại học lớn tại miền Bắc nhằm thúc đẩy tạo nên nền tảng tri thức và kỹ năng vững chắc cho các kỹ sư/ cử nhân tương lai trên con đường đi đến thành công. Giá trị mỗi suất học bổng lên tới hơn 54 triệu đồng cùng cơ hội làm việc tại Samsung R&D ngay sau khi tốt nghiệp. Số lượng nhân viên tốt nghiệp ĐH được tuyển vào Samsung Việt Nam tnăm 2011 đến năm 2017 là 12,346 người trong đó 2 năm 2016, 2017 đã thuê đến 3,000 kỹ sư mổi năm.

KẾT LUẬN

Có thể nói quyết định của Samsung đầu tư vào Bắc Ninh và Thái Nguyên là câu chuyện thần kỳ cho 2 thành phố này. Trước năm 2009, đây chỉ là hai tỉnh có các chỉ số kinh tế – xã hội ở mức trung bình với giá trị xuất khẩu trên dưới 200 triệu USD. Sự kiện đánh dấu bước tăng trưởng đột phá của Bắc Ninh và Thái Nguyên là khi Samsung chính thức đầu tư trên 10 tỷ USD vào 2 tỉnh này để xây dựng tổ hợp công nghệ mới (SEV và SEVT) sản xuất điện thoại thông minh. Năm 2016, Thái Nguyên với giá trị xuất khẩu đạt mức 19.637 tỷ USD, đã chính thức vượt qua Bình Dương để lọt top 3 địa phương đóng góp nhiều nhất cho kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đứng trên Thái Nguyên trong danh sách này là Bắc Ninh (22.146 tỷ USD) và TP. HCM (31.681 tỷ USD). Như vậy từ năm 2009-2016, giá trị xuất khẩu của Bắc Ninh và Thái Nguyên đã tăng gấp 100 lần, đóng góp hơn 20% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Quá trình thần tốc này dĩ nhiên có sự đóng góp không nhỏ của Samsung và chính quyền hai tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Có thể nói, những nỗ lực của Samsung Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tác động và cải thiện rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, tạo nên một hình ảnh Việt Nam – Điểm đến đầy hấp dẫn và thân thiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ các dự án vệ tinh của Samsung nói riêng và các dự án đầu tư nước ngoài nói chung đến Việt Nam. Kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Samsung chưa được ấn định do đó các con số về doanh thu, lợi nhuận chưa thể dự báo. Hiện nay, chỉ có 3% doanh thu Samsung đến từ thị trường nội địa và 97% đến từ các thị trường nước ngoài. Do đó, tình hình kinh tế thế giới có tác động nhiều đến Samsung hơn là tình hình kinh tế của Việt Nam, mà kinh tế thế giới thì rất khó để nói trước.

THAM KHẢO

  1. Tập đoàn Samsung – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
  2. Bài viết “Chiến lược đầu tư “dài hơi” của Samsung tại thị trường Việt Nam” trên mạng Value Commitment ngày 7/3/2017.
  3. Bài viết “Samsung Việt Nam lý giải: Tại sao nhất thiết phải đầu tư mạnh vào Bắc Ninh mà không phải các tỉnh khác?” trên mạng Cafef.VN ngày 7/3/2017.
  4. Bài viết “Soi lợi nhuận tỷ đô của 4 tổ hợp Samsung tại Việt Nam” trên mạng ANTĐ ngày 14/9/2017.
  5. Công văn UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) trong quá trình triển khai mở rộng dự án ở Bắc Ninh ngày 31/3/2017.
  6. Bài viết “Samsung Việt Nam tuyển dụng nhân sự toàn hệ thống tại khu vực phía Bắc” trên mạng Samsung Newroom Vietnam ngày 10/11/2017.
  7. Bài viết “Phát triển nguồn nhân lực: kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới” trên mạng Vietnam Seafarers Union ngày 2/1/2015.
  8. Bài viết “Chỉ trong 3 năm, giá trị xuất khẩu tỉnh này tăng 80 lần, gần bằng Bắc Ninh và trở thành hiện tượng” trên mạng Cafef.VN ngày 27/2/2017.
  9. Bài viết “Samsung báo lãi lớn, thu gần 5 tỷ USD lợi nhuận trong 9 tháng” trên mạng KTDT ngày 1/12/2017.
  10. Bài viết “Samsung tự hào là công ty sản xuất nhiều em bé” trên mạng KTDT ngày 21/12/2017.
  11. Bài viết “Cứ 100 nhân viên Samsung, có 86 người đang làm việc tại Việt Nam” trên mạng VN Economy ngày 6/5/2016.

Hồ sơ: ITN-010118-QT-Samsung Việt Nam.doc

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *