Fat Leonard và hải quân Hoa Kỳ

610 (lượt xem) |
  1. TỔNG QUÁT

Glenn Marine Group là một công ty với bộ chỉ huy đặt tại Singapore nhằm cung cấp các dịch vụ vận chuyển, tiếp vận và nghĩ bến cho hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vùng Đông Thái Bình Dương. Công ty có 3 chi nhánh:

Glenn Defense Marine Asia (GDMA)
Glenn Marine Logistics Base (GMLB)
Glenn Ports & Cruise Terminals (GPCT)

Vào tháng 9/2013, công ty Glenn Defense Marine Asia (GDMA), một chi nhánh của Glenn Marine Group, do Leonard Glenn Francis làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, trở thành tâm điểm của một cuộc điều tra tham nhũng rộng lớn của Hải quân Hoa Kỳ.

CÔNG TY GLENN DEFENSE MARINE ASIA (GDMA)

Vụ điều tra tham nhũng được biết đến với tên gọi “Fat Leonard”, biệt danh của nhà tài phiệt Leonard Glenn Francis, Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Glenn Marine Group Asia của Singapore chuyên về trang bị quốc phòng, hiện đang được mở rộng để nhắm vào hơn 60 đô đốc và hàng trăm sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ vì những giao tiếp giữa họ với nhà thầu GDMA. Nhà thầu này trong nhiều năm tạo dựng mối quan hệ với giới sĩ quan cao cấp qua những bữa ăn uống linh đình, các món quà đắt tiền, rượu, xì gà Cuba, đồng hồ giá tới $25,000 và gái mại dâm cùng là những món quyến rũ khác, theo các giới chức điều tra Hải Quân Mỹ. Bài báo của tờ Washington Post cho hay phần lớn các sĩ quan hàng Đô đốc bị tình nghi là có tham dự vào những bữa tiệc linh đình tại những nhà hàng sang trọng nhất Á Châu do Leonard Glenn Francis chi trả. Francis tạo dựng cơ nghiệp lớn lao nhờ cung cấp dịch vụ cho các chiến hạm hải quân Mỹ ở miền Đông Thái Bình Dương. Francis cũng được biết tới nhờ những buổi nhậu nhẹt sau tiệc tối, vốn thường có sự hiện diện của gái mại dâm đưa từ các quốc gia khác tới, và có khi kéo dài đến mấy ngày, theo hồ sơ nộp tại tòa án liên bang Mỹ.

DIỄN TIỀN VỤ ÁN

Francis, với thân hình bệ vệ nặng vào khoảng 350 pounds, trong mấy thập niên vừa qua đã khéo léo tạo dựng mối quan hệ với những sĩ quan cao cấp nhất. Năm 2015, ông Francis bị buộc tội đã đưa hối lộ cho các sĩ quan hải quân trong suốt 10 năm qua để nhận được hợp đồng trị giá 200 triệu USD phục vụ tàu quân sự Mỹ tại các cảng trải dài từ vùng Viễn Đông (Nga) tới tận Brisbane (Australia). Năm 2010, các điều tra viên của Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngờ GDMA đã đội giá các hóa đơn từ Thái Lan. Theo công tố viên điều tra vụ án, công ty này đã tăng giá hàng hóa và dịch vụ cho Hải quân Hoa Kỳ lên đến $20 triệu USD.

Cho đến nay, Bộ Tư Pháp Mỹ đã khiển trách và lập hồ sơ truy tố tội hình sự đối với 41 người, kể cả 2 Phó đô đốc và 6 Phó đề đốc, kể từ khi Francis bị lừa về San Diego và bị bắt tại đây năm 2013. Hải Quân Mỹ mới đây xác nhận rằng họ đang xem xét lại cách hành xử của khoảng 440 người khác, ngược thời gian lại tới năm 1992, đại đa số là sĩ quan Hải quân, gồm cả những người đang phục vụ cũng như đã nghỉ hưu, trong số này có chừng 60 sĩ quan cấp Đô đốc vì tình nghi là vi phạm quân luật hay luật lệ về liêm chính của chính quyền liên bang Mỹ khi họ giao tiếp với Francis và công ty của ông ta. Con số này cao hơn gấp đôi con số các tướng lãnh mà các giới chức Hải Quân Mỹ hồi năm ngoái cho biết đang bị điều tra. Hải Quân Mỹ hiện có 210 sĩ quan cấp Đô đốc. Số người bị điều tra tăng cao vì Bộ Tư Pháp nay chuyển cho an ninh Hải Quân Mỹ các hồ sơ về những người không phạm tội trầm trọng đến nỗi phải truy tố ra tòa dân sự nhưng có thể bị trừng phạt theo quân luật.

Học viện Hải quân Hoa Kỳ: Ngay cả trong khi Francis và công ty của ông bị cơ quan an ninh Hải Quân Mỹ điều tra, ông ta vẫn được mời là khách danh dự trong các buổi lễ tổ chức ở Học viện Hải quân Annapolis và Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), nơi ông đứng cạnh các sĩ quan cấp tướng bốn sao của Hải Quân Mỹ, theo các hình ảnh tờ Washington Post có được.

Cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ: Cả hai Phó Đô đốc Ted N. Branch (Giám đốc Tình báo Hải quân Hoa Kỳ) và Phó Đề đốc Bruce Loveless (Giám đốc hoạt động tình báo của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương) đều bị cáo buộc liên hệ với Francis trong vụ bê bối Fat Leonard.

USS Blue Ridge: Theo cáo trạng, nhà tài phiệt Francis cũng thường xuyên tổ chức những buổi tiệc thác loạn mua vui cho ông Loveless cùng các sĩ quan soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ và một số tàu khác. Trong đó, đình đám nhất là vụ tháng 5/2008, khi USS Blue Ridge tới Manila – Philippines, các sĩ quan nói trên đã dự một buổi tiệc tại khách sạn Shangri-La với tổng trị giá hóa đơn thanh toán lên tới hơn 50,000 USD. Từ 2006 đến 2013, đã có khoảng 45 lần Francis đãi các cấp chỉ huy của USS Blue Ridge với những buổi tiệc hào nhoáng tổng chi đến 1 triệu USD.

DÂN SỰ

  1. Leonard Glenn “Fat Leonard” Francis (Tổng giám đốc nhà thầu Quốc phòng Glenn Defense Marine Asia – GDMA). Cáo trạng: Francis thú nhận đã hối lộ hàng tá sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ với $500,000 tiền mặt, hàng triệu USD chi cho gái mãi dâm, các loại đồng hồ sang trọng trị giá tới 25,000 USD, hàng loạt hộp xì gà Cohiba có giá hơn 2,000 USD/hộp, nhiều chai rượu cognac giá trị hàng nghìn USD, thịt bò Kobe, thịt heo Spanish và các khách sạn sang với gái mại dâm trong suốt thời gian làm nhiệm vụ tại khu vực Châu Á … Đổi lại, họ chia sẻ thông tin mật về lịch trình di chuyển của các chiến hạm hải quân Mỹ, đồng thời chủ động điều các tàu thuộc quyền quản lý đến các cảng của Glenn Marine Group Asia để nghĩ bến, bảo dưỡng, tiếp nhiên liệu. Phán quyết: Nhận các tội hối lộ, âm mưu hối lộ, âm mưu gây thiệt hại cho Hoa Kỳ vào tháng 1/2015 – Chờ tuyên án.
  2. Edmond Aruffo (Sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ hồi hưu – Phụ tá cao cấp cho Francis đặc trách khu vực Nhật Bản). Cáo trạng: Chia sẻ thông tin mật về lịch trình di chuyển của các chiến hạm Đệ 7 Hạm đội, thường ăn tại hội quán sĩ quan Hoa Kỳ. Phán quyết: Nhận tội âm mưu gây thiệt hại cho Hoa Kỳ vào tháng 7/2014 – Tại ngoại với tiền thế chân 9/2014 – Chờ tuyên án.
  3. Alex Wisidagama (Anh em họ và Phụ tá cao cấp cho Francis đặc trách hợp đồng toàn cầu cho GDMA. Cáo trạng: Ngụy tạo hợp đồng, lập danh sách đối thủ cạnh tranh ma để hợp pháp hóa nhu cầu đấu giá, đội giá các hợp đồng. Phán quyết: Nhận tội âm mưu gây thiệt hại cho Hoa Kỳ vào tháng 3/2014 và bị tuyên án 63 tháng tù vào tháng 3/2016 và bồi thường cho Hải quân Hoa Kỳ $34.8 triệu USD.
  4. Neil Peterson (Phó Tổng giám đốc trách nhiệm Hoạt động toàn Thế giới cho GDMA). Cáo trạng: Dàn xếp gái điếm cho các sĩ quan tham nhũng. Phán quyết: Bị bồi thẩm đoàn Liên bang kết tội tháng 12/2014. Bị giam giữ tại Singapore với tội danh âm mưu gian lận tháng 9/2016 và dẫn độ sang San Diego tháng 10/2016. Nhận tội tháng 11/2017 và bị kết án 70 tháng tù.
  5. Linda Raja (Giám đốc khu vực Singapore, Australia và Pacific Isles). Cáo trạng: Giả tạo hợp đồng đấu thầu, hóa đơn giả mạo. Phán quyết: Bị bồi thẩm đoàn Liên bang kết tội với tội danh âm mưu gian lận tháng 12/2014. Bị giam tại Singapore 9/2016 và dẫn độ sang San Diego tháng 10/2016. Nhận tội tháng 8/2017 và bị kết án 46 tháng tù.
  6. Sharon Gursharan Kaur (Chuyên viên cao cấp về hợp đồng cho Hải quân Hoa Kỳ). Cáo trạng: Cung cấp những tin tức kín về hợp đồng cho Francis để đổi lấy $165,000 tiền mặt và chi phí khách sạn”. Phán quyết: Nhận tội tại Singapore về tham nhũng và đang chờ án. Đang tại ngoại hầu tra với tiền thế chân $50,000, có thể lãnh án tối đa đến 7 năm tù và $500,000 tiền phạt cho mỗi tội.
  7. Một nhân viên người Á Đông của GDMA không rõ tên. Cáo trạng: Bị bồi thẩm đoàn Liên bang kết tội âm mưu gian lận tháng 12/2014. Phán quyết: Án lệnh đã được ban hành.

QUÂN SỰ

Cho đến đầu năm 2018, đã có 27 người nhận lổi (26 tại San Diego và 1 tại Singapore) gồm 7 dân sự thuộc công ty GDMA, 2 Phó đô đốc, 6 Phó đề đốc, 9 sĩ quan cấp Tá, 2 sĩ quan cấp Úy, 2 chuyên viên An ninh của Hải quân Hoa Kỳ. Số quân nhân không nhận tội là 14 người gồm có 1 Phó đề đốc, 11 sĩ quan cấp Tá và 2 sĩ quan cấp Úy, hiện đang chờ tuyên án. Điều đặc biệt là các sĩ quan vi phạm nặng hơn đều không nhận tội.

Có phán quyết:

  1. Phó Đô đốc Michael Miller (1974-2015: Viện trưởng Học viện Hải quân Mỹ – CHT cụm tàu sân bay số 7 Ronald Reagan trong nhiệm kỳ phục vụ tại Á Châu). Cáo trạng: Liên kết với công ty thương mại nước ngoài và nhận những món quà “không thích hợp” – “thiếu suy xét” và không hành xử xứng đáng với trách nhiệm. Phán quyết: “Thư khiển trách” từ Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus ngày 10/2/2015 – Về hưu 2015.
  2. Phó Đô đốc Ted N. Branch (1979-2016: Giám đốc Tình báo Hải quân Hoa Kỳ – CHT cụm tàu sân bay số 1 Carl Vinson trong nhiệm kỳ phục vụ tại Á Châu). Cáo trạng: Liên kết với công ty thương mại nước ngoài và nhận những món quà “không thích hợp” – “thiếu suy xét” và không hành xử xứng đáng với trách nhiệm. Phán quyết: “Thư khiển trách” từ Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus ngày 10/2/2015 – Bắt buộc phải về hưu 7/2015.
  3. Phó Đề đốc Terry Kraft (Cựu Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản – Cựu Hạm Trưởng HKMH Ronald Reagan). Cáo trạng: Liên kết với công ty thương mại nước ngoài và nhận những món quà “không thích hợp” – “thiếu suy xét” và không hành xử xứng đáng với trách nhiệm. Phán quyết: “Thư khiển trách” từ Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus ngày 10/2/2015. Bắt buộc phải về hưu 7/2015.
  4. Phó Đề đốc David Pimpo (1986-2016: CHT Tiếp liệu Hải quân). Cáo trạng: Liên kết với công ty thương mại nước ngoài và nhận những món quà “không thích hợp” – “thiếu suy xét” và không hành xử xứng đáng với trách nhiệm. Phán quyết: “Thư khiển trách” từ Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus ngày 10/2/2015. Giáng cấp xuống Đại tá và bắt buộc phải về hưu 7/2015.
  5. Phó Đề đốc Robert Robert Gilbeau (Cựu Phụ tá đặc biệt cho CHT Tiếp liệu Hải quân Hoa Kỳ). Cáo trạng: Nhận lổi giấu giếm “thời gian và mức độ liên lạc” với Francis khi bị các công tố viên Liên bang điều tra. Gilbeau cũng tiêu hủy các tài liệu và hồ sơ trong máy vi tính sau khi Francis bị bắt và nói dối với điều tra viên rằng ông chưa bao giờ nhận quà tặng từ Francis. Trong suốt 20 năm liên hệ với Francis, ông được cung cấp gái điếm nhiều lần. Phán quyết: Nhận lổi man khai vào tháng 6/2016. Giáng cấp xuống Đại tá và bắt buộc phải về hưu 9/2016. Bị tuyên án 18 tháng tù, $150,000 tiền phạt và bồi thường và 3 năm quản thúc.
  6. Phó Đề đốc Kenneth “K.J.” Norton (Hạm trưởng USS Ronald Reagan). Cáo trạng: Cố tình vi phạm những nguyên tắc Đạo đức căn bản của Quân đội, làm xấu hổ và mất danh dự quân chủng Hải quân. Phán quyết: Cùng với các Đô đốc Pimpo, Kraft và Miller trong năm 2015, Norton bị khiển trách bởi Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard V. Spencer và bắt buộc phải về hưu.
  7. Phó Đề đốc Adrian Jansen (Tùy viên Hải quân tại Trung Quốc – Cựu Tùy viên Hải quân tại Indonesia). Cáo trạng: Vi phạm những nguyên tắc Đạo đức căn bản của quân đội. Có quan hệ không thích đáng, nhận những món quà trên $5,000 USD từ Francis lúc còn phục vụ tại Indonesia. Phán quyết: Kỷ luật từ Bộ Hải quân. Bị phạt không có tính cách hình sự, trừ lương $7,500 vào tháng 2/2017 – Chờ quyết định về hưu.
  8. HQ Đại tá Michael George Brooks (2006 – 2008: Cựu Tùy viên Hải quân tại Philippines). Cáo trạng: Ông và gia đình thừa nhận đã nhận những món quà mắc tiền như rượu vang, đồng hồ, dụng cụ điện tử, khách sạn và gái mãi dâm nhiều lần – Chuyển những tài liệu kín của Hải quân Hoa Kỳ cho GDMA; cho phép công ty này tự viết bảng lượng giá năm 2007; giúp cho công ty này được đặc miễn ngoại giao để đưa nhân sự và hàng hóa vào Philippines mà không qua thủ tục thanh tra và quan thuế. Phán quyết: Nhận tội tháng 11/2016. Bị phạt 3 năm rưỡi tù và bồi hoàn cho Hải quân Hoa Kỳ $72,000 USD tiền phạt và bồi thường và bắt buộc phải về hưu.
  9. HQ Đại tá Daniel Dusek (Cựu Phụ tá Hành quân Đệ 7 Hạm đội – Cựu Hạm trưởng HKMH Bonhomme Richard. Cáo trạng: Nhận hối lộ hàng ngàn USD và các món quà mắc tiền để cung cấp những tin tức kín và dàn xếp để 2 HKMH Bonhomme Richard và tàu đổ bộ Peleliu dừng lại ở những hải cảng mà công ty của Francis có ưu thế để nhận được hợp đồng với Hải quân Hoa Kỳ. Phán quyết: Nhận tội âm mưu hối lộ tháng 3/2016. Bị phạt 46 tháng tù và bồi hoàn cho Hải quân Hoa Kỳ $100,000 USD tiền phạt và bồi thường – Bắt buộc phải về hưu.
  10. HQ Trung tá David Kapaun (Cựu Phụ tá TMT về Hành quân Đặc biệt tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương). Cáo trạng: Nói dối về mối liên hệ bất chính với Francis trong lúc xin Gia hạn An ninh. Phán quyết: Nhận tội man khai vào tháng 9/2017. Bị phạt 18 tháng tù và bồi hoàn cho Hải quân Hoa Kỳ $75,000 USD tiền phạt & bồi thường và 200 giờ phục vụ cộng đồng.
  11. HQ Trung tá Michael Misiewicz (Cựu Phụ tá Hành quân Đệ 7 Hạm đội – Cựu Hạm trưởng KTH Mustin. Cáo trạng: Nhận từ Francis tiền mặt, những chi phí mắc tiền như khách sạn, gái mãi dâm, vé máy bay quốc tế nhiều lần. Tham dự các buổi hòa nhạc Lady Gaga tại Thái Lan và Lion King tại Nhật Bản. Đổi lại, Misiewicz cung cấp cho Francis lịch trình di chuyển chiến hạm Hoa Kỳ kể cả tàu ngầm và hệ thống phòng thủ hõa tiển đạn đạo tại Á Châu. Phán quyết: Nhận tội âm mưu nhận hối lộ và gian lận vào tháng 1/2016 và bị tuyên án vào tháng 4/2016 với 78 tháng tù và bồi hoàn cho Hải quân Hoa Kỳ $195,000 USD tiền phạt & bồi thường.
  12. HQ Trung tá Jose Luis Sanchez (Cựu sĩ quan Tiếp liệu Đệ 7 Hạm đội – Chỉ huy Trung tâm Tiếp liệu Hải quân Yokosuka cho đến 4/2013. Cáo trạng: Nhận tiền hối lộ trong hơn 4 năm gồm $100,000 tiền mặt, chi phí di chuyển, gái điếm. Đổi lại, đương sự cung cấp cho Francis những tin tức kín liên quan đến Hải quân Hoa Kỳ. Phán quyết: Nhận tội tháng 1/2015 – Chờ tuyên án.
  13. HQ Trung tá Troy Amundson (Cựu Hạm trưởng KTH Halsey từ 9/2012 đến 10/2013, – Về hưu). Cáo trạng: Nhận hối lộ gồm ăn uống, chi phí di chuyển, gái điếm. Đổi lại, đương sự cung cấp cho Francis những tin tức kín liên quan đến Hải quân Hoa Kỳ. Phán quyết: Nhận tội tháng 1/2018 – Dự trù tuyên án vào tháng 4/2018.
  14. HQ Trung tá Bobby R. Pitts (Cựu sĩ quan Tiếp liệu & Chuyển vận Đệ 7 Hạm đội phụ trách khu vực Singapore – Về hưu). Cáo trạng: Cáo buộc tiết lộ tin tức của cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân (NCIS) cho GDMA. Phán quyết: Tháng 5/2016, bị bồi thẩm đoàn kết tội gây thiệt hại cho quốc gia và cản trở cuộc điều tra với án 18 tháng tù và $22,500 USD tiền phạt.
  15. HQ Thiếu tá Gentry Debord (Cựu sĩ quan chuyển vận và hàng hóa thuộc USS Essex từ 2007-2010). Cáo trạng: Thú nhận trong nhiều năm nhận hối lộ từ GDMA dưới hình thức du lịch, giải trí, mãi dâm. Đổi lại, Debord giúp GDMA nộp hóa đơn giả và cho Francis biết tin tức về cuộc điều tra của Hải quân Hoa Kỳ. Debord thú nhận lổi lầm của mình vì ham muốn tình dục. Phán quyết: Nhận lổi 10/2016 về tội nhận hối lộ với án 30 tháng tù và $52,000 USD tiền phạt.
  16. HQ Thiếu tá Todd Malaki (Cựu sĩ quan Tiếp liệu & Chuyển vận). Cáo trạng: Trong suốt 7 năm, Malaki cung cấp cho Francis những tin tức kín liên quan đến Hải quân Hoa Kỳ để đổi lấy tiền hối lộ cho khách sạn, tiền mặt và gái mãi dâm. Năm 2006, Malaki cung cấp cho Francis tài liệu về hồ sơ đấu thầu của các đối thủ. Phán quyết: Nhận lổi 4/2015 và bị tuyên án 1/2016 về tội nhận hối lộ với án 40 tháng tù và $30,000 USD tiền phạt và bồi thường.
  17. Chuẩn úy Brian T. Ware (Cựu sĩ quan ẩm thực trên HKMH George Washington và soái hạm USS Blue Ridge. Cáo trạng: Nhận $8,000 tiền hối lộ dưới hình thức khai tăng giá phòng khách sạn, tắc xi, điện thoại. Phán quyết: Nhận tội bất tuân thượng lệnh và nhận hối lộ. 6 tháng giam giữ và $10,000 USD tiền phạt.
  18. Thượng sĩ Dan Layug (Cựu chuyên viên trên soái hạm USS Blue Ridge và Đệ 7 Hạm đội) Cáo trạng: Tiết lộ hồ sơ đấu thầu của các đối thủ và trong 6 trường hợp lịch trình di chuyển của các chiến hạm Hoa Kỳ. Phán quyết: Nhận lổi 5/2014 và bị tuyên án 1/2016 về tội nhận hối lộ với án 27 tháng tù và $15,000 USD tiền phạt
  19. John Beliveau II (Cựu chuyên viên đặc biệt Cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân). Cáo trạng: Nhận tội hối lộ và âm mưu nhận hối lộ. Phán quyết: Nhận lổi 12/2013 và bị tuyên án 10/2016 với 12 năm tù.
  20. Paul Simpkins (Cựu giám thị hợp đồng của Hải quân tại Singapore). Simpkins nhận $350,000 tiền hối lộ từ Francis dưới hình thức tiền mặt và ngân khoản tại Nhật Bản của vợ đương sự. Simpkins bảo vệ các hợp đồng của Francis, yêu cầu các viên chức Hải quân ngưng điều tra các hóa đơn gian lận của Francis và ngăn chận sự cài đặt các dụng cụ đặc biệt để khám phá âm mưu của Francis đội giá bơm nước thải từ các chiến hạm và trong một trường hợp, “bác bỏ” khuyến cáo của một sĩ quan trung cấp yêu cầu hủy bỏ hợp đồng với GDMA với lý do hiệu suất kém. Phán quyết: Nhận tội hối lộ và âm mưu nhận hối lộ 6/2016 và bị tuyên án án 6 năm tù và $450,000 tiền phạt.

Không nhận tội – Chờ xét xữ:

  1. Phó Đề đốc Bruce Loveless (2009-2012: Giám đốc hoạt động tình báo của hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương – Bị cách chức vào tháng 11/2013 để phục vụ công tác điều tra). Cáo trạng: Nhận hối lộ, quan hệ với gái mại dâm, chia sẻ thông tin mật với nhà thầu tại các cảng ở Châu Á – Thái Bình Dương và không trung thực trong quá trình hợp tác với cơ quan điều tra. Phán quyết: Tháng 3/2017, ông đã bị bắt tại nhà riêng ở Coronado – California. Chờ tuyên án.
  2. HQ Đại tá David A. “Too Tall” Lausman (Cựu hạm trưởng HKMH George Washington và soái hạm Blue Ridge). Cáo trạng: Lausman và vợ bị cáo buộc tham dự những chuyến du lịch mắc tiền qua Thái Lan do Francis chi trả. Vợ ông nhận món quà ví xách giá $11,345 hiệu Versace. Cuộc điều tra cáo buộc Francis đã bao chi cho Lausman cùng với Hornbeck, Dolan, Shedd, Loveless ở phòng Tổng thống tại khách sạn Makati Shangri-La, Manila. Cả nhóm tiêu thụ hết kho rượu vang Dom Perignon trong mấy ngày ở tại đây cùng với gái mãi dâm. Phán quyết: Bị buộc tội âm mưu nhận hối lộ và gian lận, cản trở công lý và dối trá. Không nhận tội và đang chờ xét xử.
  3. HQ Đại tá David Newland (Cựu Tham mưu trưởng Đệ 7 Hạm đội – Về hưu). Cáo trạng: Cáo buộc âm mưu gian lận và nhận hối lộ. Thêm vào đó, vào tháng 2/2007, đương sự cùng các sĩ quan khác bị cáo buộc dùng khu tưởng niệm tướng MacArthur tại khách sạn ở Manila để giao du với gái mãi dâm. Phán quyết: Không nhận tội và đang chờ xét xử.
  4. HQ Đại tá James Dolan (Cựu Tham mưu phó Tiếp vận Đệ 7 Hạm đội – Về hưu). Cáo trạng: Bị cáo buộc can thiệp có lợi cho GDMA trong các cuộc điều tra về hợp đồng và hóa đơn, nhận hối lộ về chi phí khách sạn và gái mãi dâm. Cuộc điều tra cáo buộc Francis đã bao chi cho Dolan cùng với Lausman, Hornbeck, Shedd và Loveless ở phòng Tổng thống tại khách sạn Makati Shangri-La, Manila. Cả nhóm tiêu thụ hết kho rượu vang Dom Perignon trong mấy ngày ở tại đây cùng với gái mãi dâm. Phán quyết: Bị buộc tội âm mưu nhận hối lộ và gian lận vào tháng 3/2017. Không nhận tội và đang chờ xét xử.
  5. HQ Đại tá Jesus V. Cantu (Phụ tá TMT Tiếp vận Đệ 7 Hạm đội – Về hưu). Cáo trạng: Nhận tội cung cấp cho Francis tài liệu kín của HQHK để đổi lấy hối lộ về chi phí khách sạn và gái mãi dâm. Không trung thực trong quá trình hợp tác với cơ quan điều tra. Phán quyết: Đang chờ xét xử.
  6. HQ Đại tá John F. Steinberger (Cựu CHT phân đội KTH số 1 trực thuộc cụm tàu sân bay Carl Vinson). Cáo trạng: Âm mưu vi phạm luật lệ quân đội, không hành xử xứng đáng với tư cách của một sĩ quan. Nhận hối lộ từ khách sạn, ăn uống, dịch vụ và gái mãi dâm nhiều lần tại Hong Kong, Kuala Lumpur, Malaysia, Manila, Philippines và Perth-Australia để đổi lấy tin tức về các đối thủ cũng như lịch trình nghĩ bến của các chiến hạm Hoa Kỳ. Phán quyết: Bị bắt tại Norfolk, Virginia vào ngày 5/12/2017 và dự trù đưa ra xét xử 6/2018. Nếu bị buộc có tội về các tội danh trên, ông có thể bị phạt tối đa 14 năm rưỡi, sa thải khỏi Hải quân và mất tất cả các quyền lợi.
  7. Đại tá TQLC Enrico “Rick” de Guzman (Cựu Phụ tá Hành Quân cho TMT Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ – Về hưu). Cáo trạng: Hai tuần sau khi Tổng thanh tra Đệ 7 Hạm đội đưa ra thông cáo ngày 2/2/2017 cảnh cáo các quân nhân trực thuộc không được nhận quà từ các nhà thầu thì Francis vẫn bảo trợ DeGuzman cùng vợ và các sĩ quan khác ăn ở tại Jaan Restraurant và khách sạn tại Singapore trị giá $30,000. Những dịch vụ khác gồm ăn uống tại nhà hàng Petrus tại Hong Kong, trị giá $20,435 và New York Grill tại Tokyo hết $30,000. Phán quyết: Bị buộc tội âm mưu nhận hối lộ và gian lận vào tháng 3/2017. Không nhận tội và đang chờ xét xử.
  8. HQ Trung tá Stephen F. Shedd (Cựu Hạm trưởng KTH Milius – Sĩ quan Kế hoạch Đệ 7 Hạm đội. Cáo trạng: Cuộc điều tra cáo buộc Francis đã bao chi cho Shedd cùng với Lausman, Hornbeck, Dolan và Loveless ở phòng Tổng thống tại khách sạn Makati Shangri-La, Manila. Cả nhóm tiêu thụ hết kho rượu vang Dom Perignon trong mấy ngày ở tại đây cùng với gái mãi dâm với chi phí hơn $50,000. Trong một email, Shedd viết cho Francis “Đã từ lâu, chưa bao giờ tôi uống rượu liên tục trong 36 tiếng”. Phán quyết: Bị buộc tội âm mưu nhận hối lộ và gian lận vào tháng 3/2017. Không nhận tội – Chờ xét xữ.
  9. HQ Trung tá Donald “Bubbles” Hornbeck (Cựu Phụ tá Hành quân Đệ 7 Hạm đội – Về hưu). Cáo trạng: Cuộc điều tra cáo buộc Francis đã bao chi cho Hornbeck cùng với Lausman, Shedd, Dolan và Loveless ở phòng Tổng thống tại khách sạn Makati Shangri-La, Manila. Cả nhóm tiêu thụ hết kho rượu vang Dom Perignon trong mấy ngày ở tại đây cùng với gái mãi dâm. Phán quyết: Bị buộc tội âm mưu nhận hối lộ và gian lận vào tháng 3/2017. Không nhận tội – Chờ xét xữ.
  10. HQ Trung tá Mario Herrera (Cựu sĩ quan phụ trách Hành quân và Lịch trình Đệ 7 Hạm đội. Cáo trạng: Bị cáo buộc cung cấp cho GDMA đặc miễn ngoại giao để đưa cận vệ có võ trang vào Philippines, tránh sự kiểm soát và lệ phí quan thuế. Phán quyết: Bị buộc tội âm mưu nhận hối lộ và gian lận. Không nhận tội – Chờ xét xữ.
  11. HQ Trung tá David Alexander Morales (Sĩ quan phụ trách khu vực Singapore). Cáo trạng: Nhận hối lộ từ Francis tiền mặt, heo sữa quay, vé trình diễn thời trang. Giới thiệu Francis với các sĩ quan có thẩm quyền, cung cấp địa chỉ email của các Đô đốc. Phán quyết: Bị cáo buộc ngoại tình, man khai, vi phạm quân luật. Điều trần theo Quân luật điều 32 bắt đầu tại Norfolk, Virginia 6/2017. Bị bắt 9/2017 chờ ra Tòa án Quân sự.
  12. HQ Trung tá Jason W. Starmer (Cựu Cố vấn Quân sự Hoa Kỳ tại Thái Lan). Cáo trạng: Có hành vi không xứng đáng với cấp sĩ quan, ngoại tình, bất tuân thượng lệnh. Bị cáo buộc nhận hối lộ dưới hình thức ăn uống, rượu và gái điếm. Phán quyết: Điều trần theo Quân luật điều 32 bắt đầu tại Norfolk, Virginia 8/2017. Bị bắt 9/2017, có thể ra Tòa án Quân sự.
  13. HQ Đại úy Peter L. Vapor (Cựu sĩ quan Tiếp liệu tại Singapore). Cáo trạng: Bị cáo buộc tháng 8/2017 về tội nhận hối lộ dưới hình thức ăn uống, rượu và gái điếm cũng như ngoại tình, hành động không xứng đáng tư cách một sĩ quan. Phán quyết: Vụ án ra Tòa án Quân sự dự trù vào tháng 5/2018.
  14. Chuẩn úy Robert Gorsuch (Cựu sĩ quan nghi lể Đệ 7 Hạm đội – Về hưu). Cáo trạng: Bị cáo buộc âm mưu nhận hối lộ và gian lận. Phán quyết: Không nhận tội – Chờ ra tòa.

PHÂN TÍCH

Vụ án tham nhũng hối lộ Fat Leonard đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời. Phân tích vụ án này, có những điều quan trọng cần nêu ra:

Quá trình điều tra: Vụ án Fat Leonard cho thấy sự chậm chạp của hệ thống điều tra từ các cơ quan Tư pháp Hoa Kỳ, dân sự cũng như quân đội. Các hoạt động của Francis có thể xem như khởi đầu từ năm 1992 mà mãi đến 2013 mới bắt đầu có phán quyết đầu tiên. Các cơ quan chính phủ cũng như quân đội thường có khuynh hướng điều tra “Thụ động” thay vì “Chủ động”. Các cơ quan này bí mật điều tra, có khi kéo dài cả chục năm, để có thể chụp cả mẻ cá lớn như trong trường hợp Fat Leonard. Trong thập niên 90, các sĩ quan liên hệ chỉ mới ở cấp bậc Đại tá, Trung tá và chức vụ chỉ mới là Hạm trưởng. Nếu cuộc điều tra về vụ này được công khai hóa sớm hơn thì sự vi phạm sẽ ít đi và hậu quả sẽ bớt nghiêm trọng rất nhiều.
Giao tế dân sự: Như khá nhiều người biết, chiến hạm là đại diện của quốc gia Hoa Kỳ khi cập bến ngoại quốc và giao tế dân sự là phần quan trọng trong nhiệm vụ của các sĩ quan hải quân Hoa Kỳ. Như lời một vị cựu Tư lệnh Đệ 7 Hạm đội trong chuyến viếng thăm Philippines trong khoảng 2009-2013 khi thấy Francis đứng vị trí thứ 4 sau Tổng thống Philippines, ông đành phải bắt tay Francis vì không muốn rắc rối ngoại giao. Điều đáng ngạc nhiên là tại Á Châu, hệ thống đã để các nhà thầu cung cấp dịch vụ cho Hải quân Hoa Kỳ có cơ hội liên lạc dễ dàng với các giới chức Hoa Kỳ. Trong trường hợp Fat Leonard, ông ta đã tạo dựng mối quan hệ với giới sĩ quan cao cấp để đem lợi thế cho công ty mình. Cũng không khó khăn để phân biệt được lằn ranh giữa những giao tiếp thông thường với như hành vi phạm luật như nhận hối lộ, gái điếm. Vấn đề quan trọng là phải có một hệ thống rõ ràng để giúp cho các sĩ quan Hoa Kỳ có được mối lên hệ tốt đẹp với giới chức và dân chúng địa phương nhưng cũng tránh cho họ bị móc nối làm bậy dù vô tình hay cố ý.
An ninh-Tình báo-Phản gián: Những ai trong ngành tình báo đều biết “Tiền” và “Gái” là 2 vũ khí căn bản mà mọi người đều dùng. Francis đã dùng 2 vũ khí này một các tài tình. Đệ 7 Hạm đội và Cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ chỉ là hai đại đơn vị trong Hải quân Hoa Kỳ mà có đến 2 Phó Đô đốc, 7 Phó Đề đốc, 20 sĩ quan cấp Tá thân bại danh liệt. Yếu tố Phó đô đốc Ted Branch và Phó đề đốc Bruce F. Loveless, 2 sĩ quan cao cấp nhất của Cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ bị cáo buộc trong vụ này cũng có thể là lý do làm chậm lại tiến trình điều tra. Các sĩ quan Hải quân đã “thõa mái” vi phạm những nguyên tắc đạo đức căn bản của quân đội trong một thời gian dài. Vai trò của An ninh-Tình báo-Phản gián cũng phải được xem xét tận gốc rể để các cơ quan này có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc ngăn ngừa các tội phạm.
Biện pháp của Hải quân: Đô đốc Bill Moran, phó Tư lệnh Hành quân Hải quân Hoa Kỳ trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 7/2/2018 cho biết quân chủng đang khẩn thi hành các cải cách cần thiết sau vụ bê bối tham nhũng “Fat Leonard”. Đô đốc Moran cho biết ông không thể cho biết trực tiếp những tin tức về vụ này vì cuộc điều tra vẫn đang tiến hành nhưng những thay đổi và nỗ lực về thay đổi hệ thống giám sát để tránh một trường hợp tương tự thứ hai, nhất là trong trường hợp cập cảng ngoại quốc. Việc thương thuyết và ký các hợp đồng sẽ được giám sát chặc chẻ. Vấn đề quan trọng là giảm bớt vai trò của các cấp chỉ huy và các hạm trưởng trong quyết định nghĩ bến cũng như không để một nhà thầu nào độc quyền trong lãnh vực này.
Khoảng trống lãnh đạo: Chắc chắn cuộc điều tra này sẽ rất là rộng lớn về mức độ phức tạp và dính líu đến rất nhiều cấp. Quyết định có hay là vô tội cũng rất là phức tạp. Cuộc điều tra của Hải quân đã vượt quá giới hạn của những sĩ quan bị cáo buộc mà còn liên hệ đến những sĩ quan ưu tú khác của Hải quân Hoa Kỳ. Dù rằng họ tin tưởng vào sự công bằng của hệ thống luật pháp quốc gia nhưng chắc chắn họ đang ở vào hoàn cảnh khó xữ mà tiếng Mỹ gọi là Catch-22 situation. Đó là những sĩ quan có một thời làm việc ở các quốc gia miền Đông Thái Bình Dương hay chỉ huy các chiến hạm trực thuộc hay tăng phái cho Đệ 7 Hạm đội. Khá nhiều sĩ quan Hải quân Hải quân Hoa Kỳ chắc chắn đã có một vài lần gặp Francis, vô tình hay bị dàn xếp và chắc chắn đang tự hỏi mình có lọt vào tầm ngắm của các cơ quan an ninh hay không. Đối với các sĩ quan cấp Tá có thể có tên trong danh sách được đề nghị thăng cấp hoặc lên những chức vụ cao hơn thì vụ này cũng có thể làm hoãn tiến trình cứu xét. Làm việc dưới đám mây bị nghi ngờ sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của họ. Sau này, dù có được xem như không liên hệ thì cánh cửa thăng tiến xem như đã đóng lại và họ phải xem xét tương lai họ như thế nào. Quyết định phải rời quân ngủ của các sĩ quan ưu tú này sẽ là một sự mất mát lớn cho Hải quân.

KỀT LUẬN

Nhiều lực lượng quân đội Mỹ gần như đã trải qua năm 2017 một cách tốt đẹp và may mắn nhưng Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thì không nằm trong số đó. Với vai trò của mình, Hạm đội 7 sẽ ở vị trí tuyến đầu nếu cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai nổ ra. Tuy nhiên, đơn vị này đã phải chứng kiến một năm 2017 đầy đen đủi với hàng loạt vụ tai nạn và bê bối. Tháng 1/2017, tuần dương hạm USS Antietam (CG-54) bị mắc cạn tại vịnh Tokyo. Ngày 9/5, tuần dương hạm USS Lake Champlain (CVN-70) đã đâm phải một tàu đánh cá của Hàn Quốc. Tháng 6/2017, khu trục hạm USS Fitzgerald (DDG-62) va vào một tàu chở container của Philippines ở ngoài khơi biển Nhật Bản khiến bảy thủy thủ thiệt mạng. Hai tháng sau đó, 10 thủy thủ trên chiếc USS John S. McCain (DDG-56) thiệt mạng khi USS John McCain va vào một tàu chở dầu gần Singapore. Hồ sơ truy tố hình sự đã được nộp lên tòa đối với 2 sĩ quan chỉ huy. Chưa hết, Hạm đội 7 còn bị rung chuyển bởi vụ bê bối tham nhũng “Fat Leonard” khiến một loạt sỹ quan bị mất chức. Hải quân Hoa Kỳ hôm 23/8 đã cách chức Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, sau liên tiếp mấy vụ va đụng tàu chiến của Hải quân Mỹ ở châu Á.

Vụ án Fat Leonard đã quét Hải quân Hoa Kỳ như một cơn bão, để lại vết thương mà không biết bao giờ mới lành lại. Những cáo buộc được công bố tại một phiên tòa liên bang là dấu hiệu cho thấy, an ninh quốc gia Hoa Kỳ đang bị vi phạm nghiêm trọng và tình trạng tham nhũng xảy ra ở cả những quan chức cấp cao tăng lên khi cuộc điều tra còn đang được tiếp tục. Các giới chức cao cấp nhất của Hải quân Hoa Kỳ đang đào xén tận gốc rể những giá trị căn bản của Hải quân Hoa Kỳ để tìm được những bài học tránh cho những điều tương tự không xảy ra trong tương lai. Tìm lý do để trừng phạt trong vụ Fat Leonard sẽ ảnh hưởng tồi tệ đến đa số sĩ quan xuất sắc của Hải quân Hoa Kỳ và hậu quả trong tương lai. Hơn một nữa trong số các sĩ quan bị điều tra đã được “clear” không dính dáng đến vụ tham những nói trên. Mong rằng cuộc điều tra hoàn tất càng sớm càng tốt để các sĩ quan trẻ và ưu tú của Hải quân Hoa Kỳ có thể tiếp tục phục vụ quốc gia.

THAM KHẢO

1. Fat Leonard scandal – Wikipedia
2. Michael H. Miller – From Wikipedia, the free encyclopedia
3. Ted N. Branch – From Wikipedia, the free encyclopedia
4. ‘Fat Leonard’ probe expands to ensnare more than 60 admirals – The Washington Post – November 5, 2017
5. Prostitutes, vacations and cash: The Navy officials ‘Fat Leonard’ took down – The Washington Post – Updated Jan. 31, 2018
6. “Fat Leonard” Scandal Fallout Will Damage the Navy for Years – US Naval Institude – December 2017
7. “Navy admiral: New measures in place to thwart another ‘Fat Leonard’ corruption scandal” – Stars & Stripes – 7/2/2018.

8. Bài viết “Fat Leonard – Vụ tham nhũng lịch sử” trên mạng Hà Nội Mới ngày 19/3/2017.
9. Bài viết “Hơn 60 đô đốc hải quân Mỹ dính líu tới vụ bê bối lịch sử Fat Leonard” trên mạng Zing VN ngày 7/11/2017.
10. Bài viết “2017: Năm vận hạn “bủa vây” Hạm đội 7 Hải quân Mỹ” trên mạng Soha ngày |23/12/2017.