Tranh Chấp Thương Mãi Hoa Kỳ – Thế Giới

363 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong thời gian vừa qua, khá nhiều bài viết đề cập đến Thế chiến Thứ ba hay là những cuộc chiến trong tương lai. Thực sự, các trận chiến này đã và đang xảy ra trong 5 lãnh vực:

  • Chiến tranh kinh tế & thương mãi.
  • Chiến tranh mạng.
  • Chiến tranh quân sự.
  • Chiến tranh điện tử.
  • Chiến tranh vũ trụ.

Bài “Tranh chấp thương mãi Hoa Kỳ – Thế giới” là bài thứ 2 trong loạt bài viết về những cuộc chiến trong tương lai. Chiến tranh kinh tế & thương mãi có thể xem như khởi đầu từ thập niên 1970 khi các đại công ty Hoa Kỳ và Liên Âu tràn ngập đầu tư vào Trung Quốc, lợi dụng giá nhân công rẻ mạt tại Hoa Lục. Chỉ trong 4 thập niên, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới và đã dùng đủ mọi cách để sao chép kỹ thuật và công nghệ cao của các nước Tây phương và Nga Sô. Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 7/1/2018 cho biết, kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới đã đạt mức 3.14 nghìn tỷ USD. Nước Mỹ trong 4 thập niên qua, vì quyền lợi của các tập đoàn kinh tế, đã giúp cho Trung Quốc lên được vị trí có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mọi phương diện. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối năm 2017 đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Chiến lược này là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích cốt lõi, bao gồm: Bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ. Về mặt buôn bán với Trung Quốc, ông Trump chỉ trích tình trạng “một chiều và không công bằng” trong mối quan hệ mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump không phiền trách Trung Quốc, nói rằng ông không đổ lỗi cho quốc gia này vì các hành động kiếm lợi từ nước Mỹ trước đây. Chiến tranh kinh tế & thương mãi giữa Hoa Kỳ và hầu hết các nước trên thế giới mà bắt đầu là Trung Quốc xem như đang xảy ra. Trong khuôn khổ bài này, tác giả dùng tựa đề Tranh Chấp Thương Mãi cho nhẹ nhàng hơn. Trong năm 2016, tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ là $18.6 ngàn tỷ và tổng sản phẩm nội địa theo đầu người là $57.5 ngàn..Hoa Kỳ đứng thứ 2 trong lĩnh vực xuất khẩu trên nền kinh tế thế giới sau Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ là Dầu khí ($61.9 tỷ), Xe hơi ($53.6 tỷ), Phụ tùng xe ($43 tỷ), Điện tử ($31,9 tỷ) và Linh tinh ($157 tỷ). Những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ là Canada ($266 tỷ), Mexico ($229 tỷ), Trung Quốc ($115 tỷ), Nhật ($63.2 tỷ) và Vương quốc Anh ($55.3 tỷ). Nhập khẩu hàng đầu vào Hoa Kỳ là Xe hơi ($173 tỷ), Dầu thô ($108 tỷ), Máy tính ($84,8 tỷ), Không quy định ($84.8 tỷ) và Thuốc được đóng gói ($67.5 tỷ). Quốc phòng không được nêu lên trong báo cáo này. Nguồn gốc nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc ($385 tỷ), Mexico ($302 tỷ), Canada ($296 tỷ), Nhật ($130 tỷ) và Đức ($118 tỷ). Trong năm 2017, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 2,900 tỷ USD so với xuất khẩu là 2,300 tỷ USD với thâm thủng mậu dịch $566 tỷ và đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2008. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các đối tác chính như sau: Trung Quốc 375 tỷ USD, NAFTA 101 tỷ, Nhật Bản 67 tỷ, EU 60 tỷ €, Việt Nam 32.4 tỷ, Hàn Quốc 27 tỷ. Nguyên nhân chính của thực trạng trên chủ yếu là do sự mất cân đối thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THÂM THỦNG MẬU DỊCH

Trong vấn đề thâm hụt thương mại, cần phải có cái nhìn tổng thể cũng như cần phải tránh những hiểu lầm:

  • Trong năm 2012, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3,312 tỷ USD trong khi của Hoa Kỳ chỉ 148 tỷ USD. Tuy nhiên GPD của Hoa Kỳ năm 2017 là 20.2 nghìn tỷ USD với dân số 325.7 triệu người (GDP/đầu người $59,407) trong khi của Trung Quốc là 12.1 nghìn tỷ USD với dân số 1.412 tỷ người (GDP/đầu người $10,140).
  • Gần một nửa trong số 505 tỷ USD hàng hóa mà người Mỹ nhập từ Trung Quốc năm 2017 là sản phẩm tiêu dùng như điện thoại di động, đồ chơi, đồ đạc, quần áo, giày dép. Áp thuế với các mặt hàng này sẽ tác động ngay tới khả năng mua sắm của hàng chục triệu người Mỹ. Kinh tế Mỹ là nền kinh tế tiêu dùng, hàng hóa chủ yếu nhập khẩu, do vậy thiệt hại sẽ vô cùng lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ. 16 công ty bán đồ tiêu dùng lớn nhất Hoa Kỳ như Walmart, Costco, Best Buy đã yêu cầu Tổng thống Trump trong lúc cố gắng giảm thâm thủng mậu dịch phải có biện pháp thực tế để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu thụ Hoa Kỳ.
  • Thâm hụt song phương là con số gây hiểu lầm còn do một lượng lớn giá trị hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc thực ra bắt nguồn từ nơi khác chứ không phải Trung Quốc. Các đồ công nghệ cao như iPhone được lắp ráp ở Trung Quốc nhưng phần lớn tổng giá trị của chiếc iPhone lại nằm ở các bộ phận được sản xuất ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, theo hệ thống kế toán thương mại Mỹ, tổng giá trị của iPhone bị xếp vào dạng hàng “nhập khẩu” từ Trung Quốc. Khi các bộ phận của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được đưa vào phần của các nước thực sự sản xuất thì thâm hụt thương mại song phương Trung Quốc-Mỹ giảm khoảng 40%.
    Thâm hụt còn gây hiểu lầm ở chỗ phớt lờ thương mại dịch vụ. Năm 2016, Mỹ thặng dư song phương với Trung Quốc về thương mại dịch vụ gần 40 tỷ USD. Các công ty Mỹ cũng bán dịch vụ và hàng hóa mang thương hiệu của họ ở Trung Quốc thông qua các công ty liên kết. Theo số liệu gần đây nhất từ Bộ Thương mại Mỹ, các công ty liên kết do Mỹ sở hữu ở Trung Quốc bán 294 tỷ USD tiền hàng và 59 tỷ USD tiền dịch vụ năm 2015.
  • Ngày 18/8/2017, Mỹ chính thức mở cuộc điều tra về cáo buộc Trung Quốc đã đánh cắp sở hữu trí tuệ. Các quan chức Mỹ cáo buộc việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ có thể gây thiệt hại cho Mỹ đến 200 tỷ.
    Xuất nhập siêu tổng quát của mổi nước: Như trường hợp Việt Nam, xuất khẩu qua Hoa Kỳ và Liên Âu lần lượt đạt giá trị cao nhất với 41.5 tỷ USD và 38.3 tỷ trong năm 2017 nhưng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tương đương, lần lượt đạt 46.8 tỷ USD và 22.7 tỷ cho nên lợi nhuận chỉ có khoảng 2.7 tỷ USD so với 600 tỷ của Trung Quốc.

NHỮNG BIỆN PHÁP ĐẦU TIÊN

Như đã nói ở trên, xe hơi là lãnh vực quan trọng nhất mà Hoa Kỳ nhập khẩu. Thép và nhôm sản xuất tại Hoa Kỳ giá khá cao so với các nước khác. Bộ Thương mại Mỹ đang hối thúc Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế cao hoặc hạn ngạch đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu. Lý do được đưa ra là các sản phẩm nhập khẩu này “đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã đề xuất 3 phương án áp thuế, trong đó có phương án mà sản phẩm thép nhập khẩu có thể phải chịu mức thuế lên tới 53%, còn sản phẩm nhôm là mức thuế 23.6%. Theo ông Ross, các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ cũng như gây tổn hại cho các nhà sản xuất Mỹ. Những biện pháp mà Bộ Thương mại đề xuất đồng nghĩa Mỹ sẽ tăng lượng sản xuất nhôm, thép tại quốc nội lên tới 80%. Hôm 1/3/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra biện pháp đầu tiên trong cuộc chiến thâm thủng mậu dịch. Ông thông báo sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với 2 mặt hàng chiến lược: tăng 25% đối với thép và tăng 10% đối với nhôm. Điều cần để ý là Trung Quốc không nằm trong danh sách 8 nước này nhưng lại là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Phía Mỹ cho rằng thép của Trung Quốc đã qua nước thứ 3 trước khi tới Mỹ. Các cơ quan nghiên cứu chiến lược tại Hoa Kỳ đã nêu lên những lợi hại về quyết định này. Hậu quả có thể dẫn đến sự tăng giá, cản trở tăng trưởng, gây nguy hiểm cho việc làm, tăng gánh nặng người nộp thuế, khuyến khích trả đũa, và vô tình làm mất ổn định hệ thống thương mại toàn cầu. Trước phản ứng giận dữ và quan ngại của các đối tác, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/3/2018 lại lạc quan khẳng định, khi một đất nước (như Hoa Kỳ) bị thiệt nhiều tỷ đô la trong giao thương, thì “các cuộc chiến tranh thương mại là rất tốt, và dễ giành được chiến thắng”.

10 đối tác lớn nhất xuất cảng thép và nhôm sang Hoa Kỳ

Thâm thủng mậu dịch Trung Quốc-Hoa Kỳ: Lần cuối cùng Mỹ khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại đã là gần 40 năm trước. Khi đó, tổng thống đương nhiệm là Ronald Reagan, còn đối thủ là một đồng minh thân cận: Nhật Bản. Trong lần đụng độ ấy, Nhật Bản đã gục ngã trước sức mạnh vượt trội của nền kinh tế Mỹ. Kết cục, Tokyo chấp nhận hạn chế xuất khẩu và chuyển các nhà máy sản xuất ôtô sang bờ Đông Thái Bình Dương, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trên đất Mỹ. Sau 4 thập kỷ, Washington dường như một lần nữa chuẩn bị cho một cuộc “khói lửa can qua” về kinh tế, nhưng lần này, người đứng bên kia chiến tuyến là Trung Quốc. So với Nhật Bản của thập kỷ 80, Trung Quốc hôm nay là một đối thủ nặng ký với nền kinh tế hùng mạnh hơn rất nhiều. Không có dấu hiệu nào cho thấy phần thắng lần này có thể nằm chắc trong tay Washington. Từ cuối thập kỷ 90, Mỹ luôn trải qua thâm hụt nặng nề trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. “Tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ”, John Edwards, chuyên gia kinh tế từ Viện Nghiên cứu chính sách Lowy, trụ sở tại Australia, nhận định. Thâm hụt thương mại là một trong những nhức nhối lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế tại Washington. Từ năm 2011, thâm hụt thương mại nghiêng về phía Mỹ trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc luôn duy trì ở mức trên 300 tỷ USD và có xu hướng nghiêm trọng hơn qua từng năm. Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Trung ương Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc đạt 375 tỷ USD trong năm 2017. Con số trên xuất phát từ giá trị hàng hóa khổng lồ Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Bên cạnh lợi thế nhờ nhân công giá rẻ, để hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu, Bắc Kinh chủ động duy trì đồng nội tệ ở giá trị thấp. Chính sách này gây thiệt hại nghiêm trọng cho không chỉ hàng hóa Mỹ mà còn Nhật Bản và nhiều nước EU. Các chuyên gia kinh tế phương Tây và nhiều chính trị gia Mỹ gọi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”. Ngoài ra, vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ với sự dính líu của Trung Quốc được giới chức Mỹ coi là mối đe dọa sống còn. Bắc Kinh từ lâu không còn muốn đóng vai trò công xưởng sản xuất giày dép và quần áo giá rẻ cho thế giới. Cường quốc phương Đông muốn thách thức lãnh đạo thế giới phương Tây trong ngành công nghiệp công nghệ cao. “Trung Quốc tìm mọi cách để thâu tóm các công nghệ tiên tiến. Nếu có thể, họ sẽ tìm cách mua chúng (tài sản trí tuệ). Nếu không thể mua, họ sẽ gây sức ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao bí mật kinh doanh công nghệ. Nếu vẫn không được, họ sẽ tìm cách đánh cắp chúng”, Derek Scissors, chuyên gia kinh tế từ Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với CNN. Theo New York Times, nhiều doanh nghiệp Mỹ khiếu nại về những trường hợp bị Trung Quốc ép phải chuyển giao bí mật kinh doanh và công nghệ đổi lấy quyền tiếp cận thị trường 1.3 tỷ dân. Mặc dù vậy, Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận cáo buộc này. Một báo cáo của Ủy ban Tài sản trí tuệ Mỹ thống kê các doanh nghiệp Mỹ đã bị đánh cắp khoảng 200 tỷ USD tài sản trí tuệ khi tiến hành kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, nguyên nhân bởi thiếu hành lang pháp lý thỏa đáng. Báo cáo trên cũng cho biết 2 triệu việc làm đã được tạo ra từ các tài sản trí tuệ bị đánh cắp tại Trung Quốc, những việc làm lẽ ra phải được dành cho người lao động Mỹ. My – Trung:

Cuoc chien khong tieng sung cua hai ga khong lo

Ngày 9/11/2017, Mỹ-Trung ký 250 tỷ USD thỏa thuận trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, các thỏa thuận này chủ yếu chỉ là những bản ghi nhớ (MoU), không có sự ràng buộc và thiếu chi tiết. Dưới sự chứng kiến của ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết thỏa thuận diễn ra sáng 9/11 tại Bắc Kinh, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, hãng công nghiệp General Electric (GE) và tập đoàn Qalcomm đã ký loạt thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ USD tuy nhiên đây chỉ là những cử chỉ hòa hoãn tạm thời. Trung Quốc vẫn chưa có được một thỏa thuận dài hạn với Hoa Kỳ để giảm sự thâm hụt mậu dịch xuống một mức mà 2 quốc gia có thể chấp nhận được.

  • Tháng 8/2017: Tổng thống Trump cho điều tra về vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc.
    Tháng 1/2018: Mỹ đánh thuế nhập khẩu 30% từ pin mặt trời và 20% từ máy giặt của Trung Quốc và một phần Hàn Quốc và Mexico.
    Tháng 2/2018: Bộ Thương mãi Mỹ đề xuất áp thuế 24% và 7.7% lên thép và nhôm nhập khẩu. Tháng 3/2018, Tổng thống Trump chính thức ban hành thuế nhập khẩu.
    Ngày 2/4/2018: Trung Quốc áp thuế lên 3 tỷ USD hàng Mỹ (25% lên 8 mặt hàng nhôm, tái chế thịt lợn, 15% lên 120 mặt hàng hoa quả, hạt, rượu vang, thép ống.
    Ngày 3/4/2018: Mỹ đề xuất áp thuế nhập khẩu lên 1,300 mặt hàng tương đương 50 tỷ USD từ Trung Quốc.
    Ngày 4/4/2018: Trung Quốc lên kế hoạch đề xuất áp thuế nhập khẩu lên 106 mặt hàng tương đương 50 tỷ USD từ Hoa Kỳ.
    Ngày 6/4/2018: Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu xem xét khoản thuế bổ sung đối với hàng hóa với trị giá lên tới 100 tỷ USD của Trung Quốc, gấp đôi so với mức dự kiến đánh thuế trước đó.

Thị trường toàn cầu bắt đầu chao đảo trước sự đối đầu của 2 cường quốc. Chỉ số Dow Jones đã giảm 2,758.25 điểm từ cao điểm 26,616.71 (26/1/2018) xuống còn 23,533.20 (8/23/2018), thấp nhất trong 2 năm vừa qua.

Thâm thủng mậu dịch EU-Hoa Kỳ: Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương còn được gọi là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (tiếng Anh): Transatlantic Trade and Investment Partnership (TTIP) hay Transatlantic Free Trade Area (TAFTA): là một thỏa hiệp thương mại tự do đang được đàm phán giữa Liên minh Âu châu và Hoa Kỳ. Thỏa hiệp này được dự đoán là sẽ tăng nền kinh tế của Liên minh Âu châu lên thêm €120 tỷ, nền kinh tế Hoa Kỳ lên €90 tỷ và các nước còn lại trên thế giới lên €100 tỷ. Các cuộc nói chuyện đã bắt đầu vào tháng 7 năm 2013 và đã đạt được 3 vòng đàm phán vào cuối năm đó. Thỏa hiệp này có thể sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014. Cả hai khối kinh tế cộng lại chiếm khoảng 60% của GDP toàn cầu, 33% của mậu dịch thế giới về hàng hóa và 42% mậu dịch thế giới về dịch vụ. Sự phát triển về năng lực kinh tế của EU đã dẫn tới một số xung đột về mậu dịch giữa 2 khối kinh tế; mặc dù cả chỉ lệ thuộc về nền kinh tế của khối kia, cũng như những tranh chấp chỉ chiếm 2% của mậu dịch. Một Hiệp định thương mại tự do giữa 2 khối sẽ là một thỏa hiệp thương mại lớn nhất giữa các vùng trong lịch sử thế giới, chiếm khoảng 46% của GDP toàn cầu. Xem bảng bên dưới để thấy chi tiết về dòng chảy của mậu dịch:

Hướng mậu dịch Hàng hóa Dịch vụ Đầu tư Tổng cộng
EU tới US €260 tỷ €139.0 tỷ €112.6 tỷ €511.6 tỷ
US tới EU €127.9 tỷ €180 tỷ €144.5 tỷ €452.4 tỷ

Thâm thủng mậu dịch giữa Hoa Kỳ và EU là 60 tỷ € mà lợi nhuận nghiêng về phía EU. Đầu tư của Hoa Kỳ vào EU lớn hơn gấp 3 lần số đầu tư của Hoa Kỳ vào tất cả các nước Á châu cộng lại và đầu tư của EU vào Hoa kỳ bằng 8 lần đầu tư của EU chung vào Ấn Độ và Trung Quốc. Hoa Kỳ và EU là hai khối mậu dịch lớn nhất của hầu hết các nước trên thế giới và chiếm 1/3 của mậu dịch thế giới. Bởi vì trở ngại giữa 2 khối chỉ còn là 3% (may mặc, pho ma, hoa và rau quả), mục đích của cuộc đàm phán là gỡ bỏ tất cả các trở ngại. Các trở ngại chính giữa Hoa Kỳ và châu Âu hầu như không còn là thuế quan mà là các khác biệt về quy định nội địa, những tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm của hai bên. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lên tiếng cảnh báo rằng Washington có thể sẽ sớm giải quyết vấn đề thương mại mà ông cho là “rất không bình đẳng” giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU) nhất là Đức Quốc.
Trong một diễn biến cho thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chưa thể hạ nhiệt, ngày 3/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cảnh báo sẽ áp thuế đối với xe ôtô nhập khẩu từ EU nếu khối này áp dụng các biện pháp đáp trả kế hoạch của Washington liên quan các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.

Thâm thủng mậu dịch NAFTA-Hoa Kỳ: Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (tiếng Anh: North American Free Trade Agreement; viết tắt: NAFTA) là hiệp định thương mại tự do giữa 3 nước Canada, Mỹ và Mexico, ký kết ngày 12 tháng 8 năm 1992, hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1993. Nội dung của hiệp định này là: Giúp cho kinh tế của 3 nước Mỹ, Canada và Mexico được dễ dàng. Cụ thể là việc Mỹ và Canada có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ sang Mexico và Mexico cũng dễ dàng chuyển giao nguồn nhân lực sang 2 nước kia. Ngoài ra, hiệp định này còn giúp cho 3 nước có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới về kinh tế với các khối như EU, AFTA … Sau 25 năm tồn tại, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang lộ những vết rạn nứt nghiêm trọng do những bất cập và sự lỗi thời khi nền kinh tế thế giới đang vận động không tuân theo những toan tính chủ quan. Thâm thủng mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Mexico, Canada là 101 tỷ USD (Mexico: 71 tỷ và Canada: 30 tỷ). Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh cam kết của ông với Canada và Mexico về một hiệp định thương mại tự do mới “công bằng cho cả 3 nước.”

Thâm thủng mậu dịch Nhật Bản-Hoa Kỳ: Quan hệ mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là 193 tỷ mà thâm thủng mậu dịch nghiêng về phía Hoa Kỳ khoảng 67 tỷ. Thặng dư thương mại của Nhật đối với Hoa Kỳ là một trong các yếu tố gây bất hòa giữa 2 nước. Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với hàng hóa Nhật Bản đã giảm gần 20%, chiếm 8.6% tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, giảm từ 30% của 20 năm trước. Khi còn tranh cử, Tổng Thống Trump đã liên tục chỉ trích chính sách thương mại và tiền tệ của Tokyo. Mới đây, ông Trump đã từ chối miễn trừ Nhật Bản khỏi lệnh đánh thuế thép nhập cảng, dù các đồng minh khác đều đã tránh được khoản thuế này. Giới chuyên gia Nhật Bản lo ngại rằng, sớm hay muộn, Tokyo sau cùng cũng sẽ buộc phải đàm phán thương mại song phương và sẽ bị Washington gây áp lực để mở cửa thị trường xe hơi và nông nghiệp.
Bản tin NHK hôm 1/4 ghi rằng trong thái độ biểu hiện sự nhân nhượng đầu tiên, Nhật Bản đã gỡ bỏ thuế nhập cảng khẩn cấp đối với thịt bò đông lạnh của Mỹ và các nước khác. Biện pháp được coi là “bảo vệ” này đã đưa thuế quan từ 50% quay trở lại mức 38.5%.

Thâm thủng mậu dịch Hàn Quốc-Hoa Kỳ: Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-U.S. (KORUS FTA) có hiệu lực vào năm 2012 là thỏa thuận thương mại lớn nhất được thực thi dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Trong năm 2017, tổng số xuất khẩu của Hàn Quốc là 574 tỷ USD trong khi nhập khẩu là 478 tỷ USD, thặng dư thương mại là 96 tỷ USD trong đó thặng dư thương mãi với Hoa Kỳ là 27 tỷ USD. Ngày 25/3/2018, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-jong cho biết nước này và Mỹ đã đạt được nhất trí về việc sửa đổi hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương cũng như vấn đề thuế thép. Mặc dù vẫn còn một số vướng mắc về mặt kỹ thuật sẽ cần được bàn thảo kỹ hơn tại các phiên làm việc chung, song ông tin tưởng các khúc mắc còn tồn tại sẽ sớm được giải quyết.

Thâm thủng mậu dịch Việt Nam-Hoa Kỳ: Như đã nói ở trên, xuất khẩu từ Việt Nam qua Hoa Kỳ và Liên Âu lần lượt đạt giá trị cao nhất với 41.5 tỷ USD và 38.3 tỷ trong năm 2017 nhưng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tương đương, lần lượt đạt 46.8 tỷ USD và 22.7 tỷ cho nên lợi nhuận chỉ có khoảng 2.7 tỷ USD. Chắc chắn Việt Nam đang thương thuyết với các bên liên hệ để có giải pháp công bằng cho mọi quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam cũng lọt vào tầm ngắm của Hoa Kỳ.

Ngày 15/3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá basa của Việt Nam. Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2.39 – 7.74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Mức thuế mới cao gấp 3.2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9.7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.

Ngày 28/3, DOC đã ra thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm bao và túi đóng hàng được dệt từ polyetylene hoặc dải polypropylene, nhựa, gai hoặc các vật liệu tương tự nhập khẩu từ Việt Nam.
Hoa Kỳ Donald Trump cáo buộc các công ty Đông Nam Á trong đó có Việt Nam giúp chuyển các mặt hàng kim loại cho Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal hôm 10/4 loan tin tại một khu biển gần TP.HCM, hàng chục nhà máy vận hành theo mô hình kinh doanh đơn giản là nhập khẩu thép từ Trung Quốc, mạ điện, gia cố và sau đó xuất đi, thường là sang Mỹ với giá thấp hơn sản phẩm của các nhà sản xuất Mỹ. Theo số liệu do Wall Street Journal đưa ra, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đã đưa 1.2 triệu tấn thép vào Mỹ năm ngoái.

Thâm thủng mậu dịch TPP-Hoa Kỳ: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Partnership Agreement – viết tắt TPP) là một hiệp đinh/thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3 tháng 06, 2005 và có hiệu lực ngày 28 tháng 05, 2006. Sau đó, thêm 5 nước đàm phán để gia nhập, đó là các nước Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngày 14 tháng 11 năm 2010, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật Bản, lãnh đạo của 9 nước (8 nước trên và Nhật Bản) đã tán thành lời đề nghị của tổng thống Obama về việc thiết lập mục tiêu của các cuộc đàm phán thuộc Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 diễn ra tại Hoa Kỳ. Các khối kinh tế cộng lại chiếm khoảng 40% của GDP toàn cầu với $107.5 ngàn tỷ USD, 26% của mậu dịch thế giới về hàng hóa và $242 tỷ về dịch vụ. Hiệp ước này nhỏ hơn TTIP giữa Hoa Kỳ và Liên Âu chiếm 60% của GDP toàn cầu. Sự phát triển về năng lực kinh tế của EU đã dẫn tới một số xung đột về mậu dịch giữa 2 khối kinh tế; mặc dù cả chỉ lệ thuộc về nền kinh tế của khối kia, cũng như những tranh chấp chỉ chiếm 2% của mậu dịch. Một Hiệp định thương mại tự do giữa 2 khối sẽ là một thỏa hiệp thương mại lớn nhất giữa các vùng trong lịch sử thế giới, chiếm khoảng 46% của GDP toàn cầu. Ngày 24/1/2017, lệnh hành pháp đầu tiên được tân Tổng thống Donald Trump ký tại Nhà Trắng đã chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngày 11/11/2017, các bộ trưởng TPP đã đạt được thoả thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP – Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership). Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây 1 năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP). CPTPP về cơ bản vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc TPP và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được chính thức ký vào ngày 8/3/2018 tại Chile với 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các thành viên của TPP-11 tạo nên thị trường khoảng 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa GDP đạt 12.4 nghìn tỷ USD, chiếm tới 13.5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, so với một hiệp định TPP với sự tham gia của Mỹ, mức GDP sẽ lên đến 38.2%. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 12/4 nói sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu thỏa thuận đạt được “tốt hơn” so với thỏa thuận dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thượng nghị sĩ bang Nebraska Ben Sasse, người của Đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt về các thuế quan, nói rằng đó là “tin tốt” khi tổng thống đã chỉ đạo các nhân viên cấp cao, gồm cả Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer để đàm phán Mỹ tái gia nhập TPP. Vì TPP chưa chính thức hoạt động với sự tham gia của Hoa Kỳ nên chưa có thống kê về thâm thủng mậu dịch.

PHẢN ỨNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

Quyết định tăng thuế lên thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ cuối tháng 2/2018 đang gặp phản ứng mạnh mẻ từ quốc nội cũng như trên thế giới:

Thế giới:

Các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO phải ngưng làm cho con bài đôminô đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến tranh thương mại, Tổng giám đốc WTO nói với các nhà thương thuyết tại Geneva ngày thứ Hai 5/3, theo như một bản sao tuyên bố của ông được công bố vài ngày sau loan báo của Tổng thống Donald Trump về kế hoạch đánh thuế nhập khẩu lên thép và nhôm.
Canada, Mexico, Hàn Quốc và EU được miễn trừ trong quyết định tăng thuế này. Ủy viên Thương Mại Liên Âu, bà Cecilia Malmstrom, phụ trách đàm phán với Mỹ, cho biết Liên Âu muốn làm việc với Washington và các đối tác quốc tế khác, để tấn công vào “gốc rễ của vấn đề”: nạn sản xuất thép dư thừa. Về vấn đề này, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross tố cáo Trung Quốc là thủ phạm. Bắc Kinh là nhà sản xuất thép số một thế giới, cho dù thép Trung Quốc vào thị trường Mỹ chỉ chiếm 2% tổng nhập khẩu nước này.

Quốc nội:

Ngày 21/2, một nhóm gồm 25 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa của Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump quay trở lại bàn đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhóm thượng nghị sĩ nói trên chiếm gần phân nửa trong số 51 ghế tại thượng viện và bao gồm các nhân vật kỳ cựu như John Cornyn, Orrin Hatch và John McCain, theo tờ The Washington Post. Lên tiếng trong một cuộc họp thượng đỉnh về đầu tư do Phòng Thương Mại Mỹ tổ chức hôm 25/2/2018, ông Mnuchin, bộ trưởng Tài Chánh Mỹ, nói rằng việc tái thương thuyết Hiệp Định TPP đang được đặt ra. Ông đang nói chuyện với các quốc gia khác về những điều kiện cần thiết để Mỹ tham dự trở lại, theo bản tin của báo New York Times. Kyodo đưa tin ngày 28/2, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định Tổng thống Donald Trump sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, New Zealand và Brunei.
Đầu tháng 3, ông Gary Cohn, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, đã từ chức trong một quyết định được cho có liên quan tới mâu thuẫn chính sách với Tổng thống Donald Trump. Phóng viên BBC tại Washington phân tích: “Ông là đảng viên Dân Chủ trong Nhà Trắng của phe Cộng Hòa; một người theo thuyết toàn cầu hóa kinh tế làm cho một vị tổng thống vận động chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Bây giờ, có vẻ như, chủ trương bảo hộ mậu dịch của Donald Trump khiến cho cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ phải ra đi.
Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan lên tiếng chỉ trích kế hoạch này, nói rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị suy yếu vì hành động của ông Trump. Ông Ryan, qua lời phát ngôn viên AshLee Strong, cho hay: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về hậu quả của một cuộc chiến tranh mậu dịch và kêu gọi Tòa Bạch Ốc chớ tiến tới với ý định này. Luật thuế mới đang thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế và chúng ta không nên làm nguy hại cho thành quả này.”
Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Mỹ cho biết kế hoạch thuế của ông Trump sẽ làm cho giá xe hơi tăng “đáng kể”. Ông Takuya Takahashi, nhà chiến lược của công ty Daiwa Securities, nói: “Các nhà sản xuất ôtô sẽ gánh chịu hậu quả với chi phí tăng, họ có thể phải tăng giá trong khi doanh số bán xe đã chậm rồi.Tình hình không mấy sáng sủa cho ngành công nghiệp ô tô.”

KẾT LUẬN

Như đã nói ở trên, đối tác nhập khẩu chính của Hoa Kỳ là Trung Quốc 21.4%, Liên Âu 18.9%, Mexico 13.2%, Canada 12.6%, Nhật Bản 6%. Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm 2017 đã tăng 12.1% lên mức 566 tỷ USD mà Trung Quốc chiếm 375 tỷ USD (66%). Như vậy, Trung Quốc là đối tác chính mà tổng thống Trump phải tập trung nỗ lực để giảm thâm thủng mậu dịch. Tổng thống Trump đã từng khoe rằng mình là nhà thương thuyết giỏi. Hãy dùng ưu điểm của mình để giảm thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc. Những vấn đề với EU, NAFTA cũng nên giải quyết đồng bộ với sự tương nhượng giữa các đồng minh. Tuyên bố tùm lum để chứng tỏ mình là “Tough guy” không phải là phong cách Tổng thống của một đại cường như Hoa Kỳ. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể gây ra “thương vong” nặng nề cho cả hai bên và nền kinh tế toàn cầu và chẳng có ai thắng hoàn toàn trong trận chiến này. Giải quyết thâm thủng mậu dịch là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi nhiều quyết tâm và kiên nhẩn. Những gì xảy ra trong mấy tháng vừa qua chỉ là khai pháo mặt nổi. Hoa Kỳ và Châu Âu đã để Trung Quốc phát triển quá lâu và quá mạnh. Chỉ còn cách phối hợp với các quốc gia đồng minh, tạo thành một thế liên hoàn để cân bằng với các tham vọng của Trung Quốc. Tự do và công bằng trong thương mại nói riêng, trong quan hệ quốc tế nói chung không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống, mà là đích đến của quá trình đấu tranh không mệt mỏi của những kẻ yếu với kẻ mạnh hơn, dù Trung Quốc hay Hoa Kỳ cũng vậy thôi.

THAM KHẢO

  1. Economy of the United States – From Wikipedia, the free encyclopedia
  2. Economy of the European Union – From Wikipedia, the free encyclopedia
  3. Economy of North America – From Wikipedia, the free encyclopedia
  4. Economy of Trans-Pacific Partnership – From Wikipedia, the free encyclopedia
  5. Economy of China – From Wikipedia, the free encyclopedia
  6. North American Free Trade Agreement – From Wikipedia, the free encyclopedia
  7. Trans-Pacific Partnership – From Wikipedia, the free encyclopedia
  8. Transatlantic Trade and Investment Partnership – From Wikipedia, the free encyclopedia
  9. Bài viết “Mỹ-Trung ký 250 tỷ USD thỏa thuận trong chuyến thăm của Tổng thống Trump” trên mạng VN Economy ngày 28/2/2018.
  10. Bài viết “Mỹ-Trung: Cuộc so găng của 2 gã khổng lồ” trên mạng Zing.VN ngày 28/2/2018.
  11. Bài viết “Thâm hụt thương mại Mỹ cao nhất trong 9 năm” trên mạng NC ĐT ngày 7/2/2018.
  12. Bài viết “Mỹ sẽ trao đổi ‘thẳng thắn’ với Trung Quốc về thương mại” trên đài VOA ngày 1/3/2018.
  13. Bài viết “Tổng thống Mỹ loan báo tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm” trên mạng RFI ngày 3/3/2018.
  14. Bài viết “Áp thuế cao lên nhôm và thép nhập khẩu: Ý tưởng kinh tế tồi tệ nhất của ông Trump?” trên mạng NDH-Bloomberg ngày 1/3/2018.
  15. Bài viết “Mỹ: Cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump từ chức” trên mạng NDH-Bloomberg ngày 1/3/2018.
  16. Bài viết “Mỹ muốn Trung Quốc giảm $100 tỷ thâm thủng mậu dịch” trên mạng Người Việt ngày 15/3/2018.
  17. Bài viết “Lưu Hạc – người ngăn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 19/3/2018.
  18. Bài viết “Tăng thuế : Trung Quốc kêu gọi Mỹ tỉnh táo” trên mạng RFI ngày 20/3/2018.
  19. Bài viết “Chuyên gia Pháp : Làm ăn với Trung Quốc sẽ khó hơn” trên mạng RFI ngày 20/3/2018.
  20. Bài viết “TQ nói sẽ đáp trả Mỹ, nguy cơ chiến tranh thương mại ngày một gần” trên mạng Zing.VN ngày 22/3/2018.
  21. Bài viết “Tây phương nuôi con hổ Trung Quốc” trên mạng RFI ngày 24/3/2018.
  22. Bài viết “Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bao túi đóng hàng Việt Nam” trên mạng Cafef.VN ngày 1/4/2018.
  23. Bài viết “Chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung: Đôi bên muốn gì” trên đài RFI ngày 2/4/2018.
  24. Bài viết “Mỹ công bố danh sách hàng TQ chịu thuế 25%” trên đài VOA ngày 4/4/2018.
  25. Bài viết “Tại sao Mỹ khó có ‘cửa thắng’ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?” trên mạng Cafef.VN ngày 4/4/2018.
  26. Bài viết “TQ tuyên bố ‘phản kích quyết liệt’ Mỹ, tranh cãi thương mại thêm trầm trọng” trên đài VOA ngày 7/4/2018.
  27. Bài viết “Liên tục đe dọa, Tổng thống Trump quên Mỹ cần Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc cần Mỹ?” trên mạng Cafef.VN ngày 8/4/2018.
  28. Bài viết “Tại Diễn đàn Bác Ngao, Tập Cận Bình hứa mở cửa nền kinh tế Trung Quốc” trên mạng RFI ngày 10/4/2018.

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

Tu chỉnh: 15 tháng 4, 2018