Hồ tiêu Việt Nam

1.207 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Năm 2017, một bản đồ toàn cầu mới đã được thiết lập, trong đó mỗi nước và vùng lãnh thổ được đánh dấu với một thứ nổi tiếng nhất. Bản đồ này được lập ra dựa trên các số liệu được tập hợp từ Internet, từ các nguồn như Ngân hàng thế giới đến Kỷ lục thế giới Guinness. Theo Daily Mail, những phát hiện được đóng dấu trên bản đồ mang lại mọi sắc thái tình cảm, từ đau buồn cho tới nổi bật. Cũng theo bản đồ trên, Việt Nam là nước nổi tiếng số 1 thế giới về hạt tiêu.

 

Được khai sinh từ thế kỷ XVII như là một loại cây công nghiệp lâu năm của nông nghiệp Việt Nam, hồ tiêu Việt Nam đã vươn mình thành một người khổng lồ không những của nông nghiệp Việt Nam mà của cả thế giới. Sự phát triển ngoạn mục này bắt đầu từ những năm 1983-1990 khi giá hồ tiêu trên thị trường thế giới tăng cao. Diện tích canh tác của Việt Nam đã liên tục tăng lên từ 10,000 ha vào những năm 1970. Với tốc độ tăng bình quân 27 %/năm kể từ năm 1996, diện tích canh tác của Việt Nam đã vượt mức 50,000 ha vào năm 2004. Trong hơn 5 năm trở lại đây từ cuối 2008 đến nay khi giá tiêu tăng gấp đôi các năm trước và đến năm 2011 giá hồ tiêu đã đạt mức kỷ lục 5,500 – 5,800 USD/ tấn đối với tiêu đen và 8,000-8,500 USD/tấn tiêu trắng đã gia tăng diện tích trồng tiêu lên nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2017 diện tích trồng tiêu của Việt Nam đã đạt gần 127,000 ha.

Song song với sự phát triển nhanh chóng của diện tích và sản lượng, từ 1998 xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam cũng tăng nhanh với tốc độ 15-20% bình quân mỗi năm . Năm 2001, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu đạt 56,506 tấn chiếm 28% tổng xuất khẩu của thế giới. Cũng từ đây, Việt Nam liên tục là nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu với sản lượng hồ tiêu trên thế giới. Từ 2009 đến năm 2013 xuất khẩu đạt bình quân từ 120,000 -125,000 tấn mỗi năm. Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu tới gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt là xuất khẩu các loại hàng chất lượng cao vào Mỹ và các nước EU ngày càng tăng.

Sở dĩ Hồ tiêu Việt Nam có thể phát triển một cách rực rỡ như vậy là do Việt Nam hội tụ tất cả các điều kiện thuận lợi về tự nhiên, về con người, về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến. Thiên nhiên ưu đãi với đất bazan màu mỡ, khí hậu cận nhiệt đới, độ ẩm cao, lượng mưa nhiều. Nông dân Việt Nam cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Chính phủ Việt Nam và các nhà khoa học đã cố gắng hết sức trong đầu tư canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Các nhà chế biến và xuất khẩu luôn chủ động mở rộng thị trường, đầu tư nhà máy chế biến hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm.

Năm 2016 và 2017, ngành hồ tiêu Việt Nam đã có hai năm vất vả do giá cả biến động mạnh, tuy vậy các nhà thu mua, chế biến xuất khẩu và nông dân trồng hồ tiêu đã vượt qua được nhiều trở ngại để có được thành công ấn tượng với thành tích xuất khẩu đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay cả về khối lượng (179,233 tấn hạt tiêu các loại) và giá trị (kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 440 triệu USD).

THỦ ĐÔ HỒ TIÊU VÀ CHẤT ĐẤT ĐỎ BAZAN

Việt Nam có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu gồm: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Gia Lai. Trong đó, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đứng đầu về diện tích, năng suất và sản lượng. Ngoài ra, còn có các vùng trồng tiêu khác như Phú Quốc (Kiên Giang) đã có thương hiệu lâu nay và vùng trồng hồ tiêu khác như Lâm Đồng, Bình Thuận … Hồ tiêu được trồng từ Nghệ An trở vào phía Nam, tổng số 18 tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu. Bộ NN-PTNT cho biết, cả nước hiện có gần 126,830 ha hồ tiêu, trong đó 101,130 ha kinh doanh, 25,700 ha trồng mới, năng suất bình quân đạt 2.44 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 193,300 tấn.

Diện tích hồ tiêu tập trung chủ yếu tại các tỉnh trọng điểm Đắk Nông 27,514 ha (sản lượng bình quân 26,000 tấn), Đắk Lắk 27,385 ha (37.100 tấn), Gia Lai 16,357 ha (49,500 tấn), Đồng Nai 19.492 ha (24.300 tấn), Bình Phước 16.452 ha (26.700 tấn), Bà Rịa-Vũng Tàu 11,892 ha (16,800 tấn). Hồ tiêu tại Việt Nam đang được trồng với các giống phổ biến như tiêu Vĩnh Linh, Ấn Độ, Phú Quốc, Bầu Mây, Lộc Ninh…

Ngoài ra có 2 vùng trồng tiêu nổi tiếng là Vĩnh Linh (Quảng Trị) và hồ tiêu Phú Quốc. Năng suất hồ tiêu Quảng Trị thấp hơn so với năng suất ở các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, cho đến nay, hạt tiêu Vĩnh Linh vẫn là sản phẩm có danh tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng và được công nhận là đặc sản.

Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có diện tích đất tự nhiên 135,098 ha, trong đó đất có khả năng sản xuất nông nghiệp 60,000 ha, rất phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cây hồ tiêu. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, hồ tiêu đã được người dân đưa về trồng và phát triển thành cây hàng hóa mang lại lợi nhuận cao. Ngay từ đầu khi đặt mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa, lãnh đạo huyện Chư Sê cũng đã xác định cây tiêu là một trong những cây trồng chủ lực đi đầu trong việc tạo ra hàng hóa xuất khẩu. UBND huyện Chư Sê và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cùng với các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và chế biến hồ tiêu, giúp xây dựng quy trình kỹ thuật chọn giống, trồng, thu hái, chế biến và bảo quản hồ tiêu, phát triển sản phẩm hồ tiêu bền vững. Đến nay, huyện Chư Sê có trên 3,000 ha tiêu kinh doanh cho năng suất bình quân 6 tấn/ha/năm, chiếm 20% sản lượng hồ tiêu của cả nước, là huyện đứng đầu về năng suất, sản lượng cũng như chất lượng trong ngành hồ tiêu thế giới. Tiêu Chư Sê đã được xuất sang 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, qua mặt các nước có nghề trồng tiêu lâu đời như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia … Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê dần dần được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Hồ tiêu Chư Sê và đất đỏ Bazan

CÁC LOẠI HỒ TIÊU

Quy trình thu hoạch hồ tiêu rất đơn giản. Mỗi năm hồ tiêu ra hoa và đơm quả chỉ duy nhất một lần, người trồng tiêu phải căn lúc tiêu đến từng độ tuổi mà thu hoạch tiêu (với mỗi khoảng thời gian thu hoạch sẽ cho ra một loại tiêu khác nhau). Ngày nay, Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu tiêu đen lớn nhất, đóng góp 1/3 sản lượng toàn cầu và trên 50% lượng giao dịch (khoảng 150,000 tấn một năm). Tiêu trắng hay còn gọi là tiêu sọ, đây là 2 cách gọi khác nhau của cùng một loại tiêu. Thoạt nghe ta cứ tưởng đây là một giống tiêu đặc biệt, nhưng không, tiêu trắng (tiêu sọ) được chế biến rất đơn giản. Từ những quả tiêu xanh, người ta chờ cho chín (chuyển sang màu đỏ) sau đó đem về bỏ vỏ phơi khô. Tiêu trắng hay tiêu sọ thường có màu trắng ngà hoặc màu xám rất đẹp mắt.

Hồ tiêu còn xanh sẽ cho ra sản phẩm tiêu đen. Với những quả tiêu còn xanh sẽ rất giòn và dễ thu hoạch. Khi phơi loại tiêu còn xanh này rất dễ bị vỡ vụn vì còn một số quả còn non. Sau khi phơi khô, lớp vỏ hồ tiêu nhăn lại và ngả sang màu đen và tiêu đen được thu hoạch.

Bên cạnh hai sản phẩm nói trên, tuy hiếm hơn, còn có hồ tiêu đỏ, là loại hồ tiêu chín cây hoặc được thu hái khi rất già, ủ chín sau đó được chế biến theo cách thức đặc biệt để giữ màu đỏ của vỏ. Hồ tiêu đỏ có màu đỏ thẫm hơi ngả đen, được sản xuất tại Ấn Độ và tại huyện Chư SêBà Rịa – Vũng Tàu Việt Nam.

Giá cả hồ tiêu đen 2017: 5,121 USD/tấn

Giá cả hạt tiêu trắng 2017: 7,489 USD/tấn

Một số công dụng khi ăn tiêu: Thường dùng hạt tiêu đã rang chín, thơm cay làm gia vị. Tiêu thơm, cay nồng và kích thích tiêu hoá, có tác dụng chữa một số bệnh. Hạt tiêu cũng rất giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như beta carotene, giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa sự hủy hoại các tế bào, gây ra các căn bệnh ung thư và tim mạch.

Còn vấn đề tiêu sọ – tiêu trắng, tiêu đen nên dùng loại nào thì tùy thuộc vào sở thích của người dùng, có thể lựa chọn theo khẩu vị. Tiêu sọ hay tiêu trắng ít thơm hơn (vì lớp vỏ chứa tinh dầu đã mất) nhưng cay hơn (vì quả đã chín). Còn tiêu xanh sẽ thơm hơn và đỡ cay hơn.

Ngày nay, Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu tiêu đen lớn nhất thế giới, đóng góp 1/3 sản lượng toàn cầu và trên 50% lượng giao dịch (khoảng 150,000 tấn một năm). Từ năm 2003, Việt Nam xuất khẩu tiêu trắng với số lượng ban đầu còn khá khiêm tốn: Năm 2003 xuất 3,959 tấn (4%), năm 2005 xuất 9,946 tấn (11%). Từ năm 2006 – 2007- 2008 xuất khẩu tiêu trắng đã đạt trên 10,000 tấn /năm, chiếm tới 13-15%  thị phần xuất khẩu. Từ năm 2009-2010-2011 xuất khẩu tiêu trắng đã đạt gần 20,000 tấn /năm, chiếm tới gần 20%  thị phần xuất khẩu. Tiêu trắng có giá bán khá cao, thường gấp 1.5 lần tiêu đen. Một số nhà máy chế biến tiêu trắng với số lượng lớn đã được trang bị công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năng lực sản xuất tiêu trắng của Việt Nam hiện nay rất lớn và hiệu quả kinh tế cũng khá hấp dẫn đối với nông dân và các cơ sở thu mua chế biến xuất khẩu hạt tiêu. Xét về kinh nghiệm sản xuất tiêu trắng, Việt Nam chưa thể so sánh với Malaysia, Indonesia, Hải Nam – Trung Quốc, vì họ đã có truyền thống tiêu thụ tiêu trắng từ lâu đời, mà nhu cầu của thế giới hiện nay chỉ 30,000 tấn/năm. Việt Nam không thể sản xuất tiêu trắng tự phát, dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm sút.

Hiện Việt Nam có 16 công ty chế biến hồ tiêu mà Công ty lớn nhất là HAPROSIMEX JSC được khai trương năm 2015 với BCH đặt tại Bình Dương có khoảng 1,000 nhân viên là công ty chế biến và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất quốc gia, sản xuất 1/3 hồ tiêu trên thế giới và 50% số lượng phân phối (khoảng 150,000 tấn mổi năm). HAPROSIMEX JSC đảm bảo chất lượng hạt tiêu đen của chúng tôi bằng việc sử dụng công nghệ hiện đại nhất nhập khẩu từ Châu Âu bao gồm hai dây chuyền làm sạch và máy xử lý tiệt trùng chuyên dụng được kiểm soát bằng hệ thống BRC, HACCP và ISO 22000 với công suất 20,000 MT/năm.

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HỒ TIÊU THẾ GIỚI

Tây Nguyên là thủ phủ hồ tiêu cũng là nơi có diện tích nhiều loại cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm 60-65% thương mại toàn cầu và cung cấp gần một nửa sản lượng tiêu thụ hồ tiêu trên toàn thế giới. Được biết, sản lượng hồ tiêu Việt Nam vào thời điểm này là 243,600 tấn, chiếm tới 47.8% tổng sản lượng 510,000 tấn của thế giới, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thế giới, theo giới chuyên môn chỉ khoảng 446,000 tấn. Trong thời gian vừa qua, người trồng hồ tiêu gặp khó do giá thị trường thế giới giảm sâu. Tại một hội nghị toàn quốc mới đây bàn giải pháp phát triển bền vững cây trồng này, nhiều giải pháp được đưa ra, tuy rằng chưa nhận được sự đồng thuận ở mức cao. Theo các nhà hoạch định chiến lược, diện tích trồng tiêu sẽ giảm từ 150,000 ha xuống còn 110,000 ha trong những năm tới thông qua việc khuyến khích người dân địa phương trồng xen kẽ các loại cây trồng khác, tiến tới loại bỏ hẳn các trang trại tiêu kém chất lượng. Trong giai đoạn 2013-2015 giá hồ tiêu trên thế giới tăng đã khiến người dân địa phương mở rộng trang trại của họ một cách không kiểm soát, từ 50,000 ha năm 2013 lên 150,000 ha hiện tại. Theo thống kê chính thức của hải quan Việt Nam, mặc dù xuất khẩu tiêu đen trong quý 1 năm 2018 đã tăng lên 60,033 tấn, tương đương với mức tăng 17.5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu trong giai đoạn này lại giảm còn 221 triệu USD, tương đương mức giảm 31.4%. Dự kiến, sản lượng xuất khẩu cho cả năm 2018 sẽ không thay đổi so với năm trước và duy trì ở mức 215,000 tấn. Tuy nhiên, ở một tính toán khác, giới chuyên gia đưa ra con số: Các kết quả tính toán từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới (FAO) cho thấy, nếu Việt Nam khống chế được sản lượng như hiện tại, và phần còn lại của thế giới vẫn đạt nhịp độ tăng bình quân 2.91%/năm như trong 4 năm gần đây, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ lần lượt là 626,000, rồi 671,000 và rồi 736,000 tấn vào các thời điểm 2020, 2025 và 2030. Từ đó, có thể thấy không có lý do gì để giá hồ tiêu thế giới tiếp tục tụt dốc trong trung hạn. Ngược lại, rất có thể sẽ tăng trở lại trong dài hạn.

 KẾT LUẬN

Trong 3 nước sản xuất hồ tiêu nhiều nhất thế giới là Việt Nam, Ấn Độ và Brazil thì hồ tiêu của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại có thể xuống thấp nhất 5 năm vì mất sức cạnh tranh về giá so với Việt Nam và Brazil. Trang Economic Times dẫn số liệu cho biết, xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ trong năm tài chính 2017 (tính đến tháng 6) giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái còn 17,600 tấn. Các doanh nghiệp xuất khẩu dự đoán rằng, xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ sẽ giảm mạnh hơn nữa và có thể chỉ còn thêm 15,000 tấn tính đến cuối năm tài chính 2017 và cũng là thấp nhất 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ giảm vì giá tiêu quá cao; người mua buộc phải tìm đến Việt Nam và Brazil với mức giá “dễ chịu” hơn.

“Không ai có nhu cầu mua hồ tiêu của Ấn Độ với mức giá tới 7,000 USD/tấn, trong khi giá của Việt Nam chỉ 4,000 USD/tấn và của Brazil là 3,500 USD/tấn,” ông Jojan Malayil, CEO của công ty xuất khẩu Bafna Enterprises, cho biết.

Xuất khẩu dự báo giảm nhưng sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ dự báo vẫn đạt khoảng 50,000 tấn, và phần lớn sẽ không được bán ra thị trường vì giá đang ở mức thấp. Trước khi được nhập khẩu vào Ấn Độ, hồ tiêu Việt Nam được nhập khẩu vào Sri Lanka với mức thuế chỉ 8% theo hiệp định thương mại giữa các thành viên của Hiệp hội Nam Á, nên hồ tiêu Việt Nam được bán ở Ấn Độ lại càng rẻ. Thị trường hồ tiêu Ấn Độ chịu nhiều áp lực vì nguồn cung hồ tiêu giá rẻ từ Việt Nam tăng mạnh. Cũng như xuất khẩu gạo, Việt Nam có thể áp dụng chiến lược xuất khẩu hồ tiêu với giá cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường rồi từ từ điều chỉnh giá tùy theo mức cung-cầu.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Việt Nam nổi tiếng nhất thế giới vì điều gì?” trên mạng Trandaiquang.Org ngày 7/12/2016.
  2. Bài viết “Ngành Hồ tiêu Việt Nam” trên mạng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (The Vietnam Pepper Assiciation – VPA) ngày 23/11/2017.
  3. Bài viết “Sản xuất hồ tiêu đỏ cao sản” trên mạng Nông nghiệp Việt Nam ngày 23/10/2009.
  4. Bài viết “Ngành hồ tiêu Việt Nam trước nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế” trên mạng Agro@nfo
  5. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 27/6/2014.
  6. Bài viết “Hồ tiêu Việt Nam” trên mạng 01/06/2016
  7. Bài viết “Công nghệ chế biến & phẩm chất hồ tiêu” của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam ngày 28-04-2016.
  8. Bài viết “Hồ tiêu rớt giá: Có nên giảm diện tích?” trên mạng Tin Tây Nguyên ngày 26/3/2018.
  9. Bài viết “Xuất khẩu hồ tiêu Ấn Độ gặp khó vì Việt Nam” trên mạng VietnamBiz ngày 16/11/2017.
  10. Bài viết “Việt Nam giảm diện tích trồng tiêu đen vì giá giảm” trên mạng RFA ngày 25/4/2018.

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

Tu chỉnh: 1 tháng 5 năm 2018

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *