Cô dâu Hàn Quốc gốc Việt

598 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Người Việt tại Triều Tiên có một lịch sử từ cuối thời nhà Lý khi nhiều hoàng tử của nhà Lý đã chạy qua Cao Ly để tỵ nạn ở triều đình của vương quốc Goryeo sau khi nhà Trần lên nắm quyền. Sau khi Triều Tiên bị chia làm hai quốc gia Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, người Việt tại đây tiếp tục sống ở cả hai quốc gia. Một trong những người Việt đến Cao Ly sớm nhất là Lý Dương Côn, một con nuôi của Lý Nhân Tông sau một vụ khủng hoảng kế vị, ông đã chạy qua Goryeo. Tại Triều Tiên hiện nay, ông được mọi người xem là người sáng lập ra Jeongseon-gun, Gangwon-do bon-gwan của họ Lý. Sau này, một hoàng tử khác của nhà Lý là Lý Long Tường (con trai thứ 7 của Lý Anh Tông), đã chạy qua tỵ nạn ở Goryeo năm 1226, sau khi nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý. Ngoài ra, có khoảng 5,000 người Việt thuộc dòng họ Lý Hoa Sơn và Lý Tinh Thiện là hậu duệ đời nhà Lý ở Việt Nam di cư sang Triều Tiên từ thế kỷ thứ 12, 13. Cuối tháng 10/2015 các báo mạng tại Việt Nam đưa tin, ngày 23/05/2015 với tính chất cá nhân ông Ban Ki-moon cùng phu nhân đã đến dâng hương tại nhà thờ dòng họ Phan Huy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam. Các ảnh chụp lưu niệm, và lưu bút của ông ghi nhận ông “là một người con của dòng Họ Phan” kèm theo tên bằng chữ Hán Phan Cơ Văn. Sự kiện và ý tứ trong lưu bút của ông dẫn đến suy diễn về việc “ông là hậu duệ của họ Phan Huy…”. Tuy nhiên những người liên quan đều thận trọng về sự kiện này do “tính chất cá nhân” và dòng họ Phan Huy không tìm thấy tư liệu trong gia phả về các nhánh di cư. Họ Phan là một họ của người Á Đông, có ở Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, và “Hội đồng họ Phan Quốc tế” đã từng tổ chức họp mặt giao lưu ở Trung Quốc.

Ước tính năm 2012 cho thấy có 125,000 người Việt tại Hàn Quốc (45,000 Cô dâu và 80,000 Lao động). Tính đến ngày 30/11/2016, người Việt ở Hàn Quốc là 147,295 người (chiếm 7.4 % số người nước ngoài). Truyền thông Hàn Quốc hôm 27/12 cho hay lần đầu tiên trong 16 năm, số người Việt sống tại Hàn Quốc đã vượt qua người Mỹ khiến Việt Nam trở thành sắc dân đông thứ nhì trong các cộng đồng nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc. Đứng đầu là người Trung Quốc với số lượng 1 triệu người (chiếm 50%). Người Mỹ trở thành sắc dân đông thứ 3 với 140,337 người (7%) trong đó có gần 30,000 quân nhân.

Câu chuyện các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc bắt đầu từ đầu thập niên 2000. Kể từ năm 2004 tới năm 2009, có tới 40,000 phụ nữ Việt sang đất nước này làm dâu. Con số dâu Việt ở Hàn được cho là cao nhất trong số các phụ nữ xuất thân từ các nước Đông Nam Á. Tính đến ngày 30/11/2016, số người Việt chiếm 28% trong số các cặp hôn nhân giữa người Hàn Quốc với người nước ngoài và chỉ xếp sau mức 37% của các cặp hôn nhân giữa công dân Hàn Quốc với Trung Quốc. Số phụ nữ Việt sang làm dâu tại xứ Hàn đã lần đầu tiên vượt qua số cô dâu Trung Quốc, với 6,054 phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc so với 5,838 phụ nữ Trung Quốc trong năm 2016, theo tờ The Chosun Ilbo dẫn số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc. Dự tính tới năm 2020, các cuộc hôn nhân đa văn hóa ở Hàn Quốc sẽ lên tới 1.5 triệu, trên tổng dân số 50 triệu người ở quốc gia vốn tự hào với truyền thống đồng chủng.

Cô dâu Việt Nam trong trang phục Hàn Quốc

NHỮNG CÂU CHUYỆN THƯƠNG TÂM

Những câu chuyện về các cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc bắt đầu từ miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Hôn nhân giữa các người đàn ông Hàn Quốc và các cô gái Việt Nam là hệ lụy của 2 nhu cầu tương phản. Trước cuộc chiến Triều Tiên 1953, Hàn Quốc là một quốc gia khép kín và đàn ông Hàn Quốc được xem như là đánh vợ nhiều nhất Á Châu. Trong những thập niên gần đây, Hàn Quốc lâm vào tình trạng trai thừa gái thiếu, hơn nửa số đàn ông trung niên làm nghề lao động chân tay, vẫn còn độc thân. Các cô dâu Việt đa phần trẻ tuổi, sinh ra ở các vùng quê nghèo miền Nam Việt Nam, mong có một tương lai khá hơn để có tiền giúp gia đình. Theo các thống kê từ Hàn Quốc, trong năm 2010, hầu hết các cặp vợ chồng gặp nhau qua các công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp ở Việt Nam, vốn tai tiếng với các buổi tuyển chọn cô dâu trong phòng kín. Chính quyền địa phương biết nhưng làm ngơ trong một thời gian dài chắc vì lợi nhuận có được từ các công ty môi giới. Cả hai chính quyền Việt Nam và Hàn Quốc đều giữ thái độ im lặng trong những câu chuyện này. Cuộc hôn nhân không tình yêu, bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, thậm chí chưa được gặp mặt chồng cho đến lúc đặt chân ở các sân bay xa lạ tại Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc; hàng chục ngàn cô gái gốc miền Tây Nam Bộ bắt đầu cuộc sống trong thân phận với tên gọi “cô dâu Việt”. Không ít cô dâu Việt đã chạy trốn khỏi nhà chồng và sống lưu vong tại Hàn Quốc vì không còn được bảo lãnh hợp pháp nữa. Mặc dù tin tức về các cô dâu Việt ở Hàn Quốc tự tử hay bị chồng sát hại được truyền thông trong nước cũng như các trang mạng xã hội loan tải, thế nhưng những cô gái miền Tây vẫn cứ tìm kiếm cơ hội đến Hàn Quốc bằng một cuộc hôn nhân nhiều rủi ro. Hầu như những cô qua sau đều biết hết. Các cô nói rằng họ nói thì cứ nói nhưng mình đói thì ai lo cho mình đây. Các cô qua với mục đích chính là cố vượt ra ngoài tìm cuộc sống kinh tế để giúp gia đình.

Các phụ nữ Việt Nam phần lớn có một cuộc sống không giống như những gì họ mơ ước: hàng ngàn người không hạnh phúc, ly dị và trở về Việt Nam. Ông Youn Sim Kim, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc về Chính sách Nhân quyền Liên Hợp Quốc (KOCUN), một tổ chức phi chính phủ ở Cần Thơ, nơi có rất nhiều cô dâu người Việt, nói: “Nhiều người phụ nữ không biết nhiều về người chồng tương lai của mình hay việc di cư và sinh sống tại Hàn Quốc sẽ như thế nào.” Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, 1/5 cặp vợ chồng Việt – Hàn đã nộp đơn ly hôn vào năm 2015. Ba câu chuyện sau đây phản ảnh những đau thương mà các cô dâu Việt phải chịu đựng:

Câu chuyện của cô Huỳnh Mai năm 2007 là câu chuyện thương tâm nhất. Xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) là một xã nghèo. Ấp Ngọc An nơi gia đình của Huỳnh Mai sinh sống là xóm cũng thuộc dạng cực nghèo, lao động chủ yếu làm thuê hoặc nông nghiệp. Căn nhà nơi Huỳnh Mai sinh sống trước khi ra đi bằng lá đơn sơ, rách nát. Bên trong buồn ảm đạm. Chiếc bàn thờ nhỏ vừa được dựng lên ở góc nhà, chân nhang còn chưa đầy lư hương. Di ảnh cô dâu Việt nơi xứ Hàn cười rất tươi trong khuôn mặt tròn phúc hậu – tấm ảnh mà cô chụp đi chụp lại tới 80,000 đồng mới chọn được để làm giấy tờ đi lấy chồng. Gương mặt cười rất tươi ấy cứ ngỡ rằng sẽ hạnh phúc sau khi về nhà chồng, nhưng éo le thay đó cũng chính là tấm ảnh duy nhất mà gia đình có được để thờ cúng.

Ông bố không cho con lấy chồng Hàn Quốc. Nhưng Huỳnh Mai năn nỉ quá, “gia đình mình quá nghèo, con đi hai, ba năm làm có tiền sẽ gửi về phụ giúp gia đình, nuôi các em ăn học”, ông đã gật đầu. Và rồi bi kịch xảy đến với cô gái mới 21 tuổi nơi xứ lạ mà gia đình đến lúc nhận được hung tin vẫn cứ ngỡ đó là thiên đàng của người con gái nhỏ … Ngay từ khi bước chân vào nhà chồng, Huỳnh Mai đã bị chồng bắt nhốt trong nhà, không cho tiếp xúc với hàng xóm. Mai muốn đi học tiếng Hàn chồng cũng không cho đi. Mai cứ hỏi điều gì liên quan đến tiếng Hàn là bị chồng chửi bới, đánh đập … Sau gần hai tháng sang đất Hàn làm vợ, Huỳnh Mai cảm thấy chán nản với cuộc sống đất khách quê người nên xin chồng cho về VN. Người chồng không những không cho mà còn nổi giận lôi đình đánh Mai đến chết, ông ta dùng chân giẫm lên người Mai khiến cô bị gãy đến 18 chiếc xương. Báo mạng http://www.ohmynews.com đã trích đăng lại lá thư dài năm trang (bằng tiếng Việt) bày tỏ nỗi niềm của Huỳnh Mai trong những ngày sống tại Hàn Quốc. “Em mong muốn có một gia đình đầm ấm và trở thành một người vợ tốt đối với chồng, nhưng ước mơ thật giản dị đó của em đã không trở thành hiện thực” – thư Huỳnh Mai viết, đề ngày 25/6/2007. Bức thư của Huỳnh Mai viết trước khi chết tại nhà ở phường Munhoa, thành phố Cheonan (Hàn Quốc), nay đã được công khai hôm 6/8. Bức thư viết “muốn nói chuyện với chồng thật nhiều và muốn đối xử tốt với chồng”, lá thư là nơi trút bỏ những bức bối, nỗi niềm của Mai khi không nói được tiếng Hàn.

Câu chuyện thứ hai cũng không kém phần cảm động. Diễm Trinh (23 tuổi) ở ấp Đông Hòa B, xã Thới Tân, Cần Thơ. Vì gia đình nghèo nên năm 2009, Trinh lên TP.HCM để được giới thiệu lấy chồng nước ngoài và được một người đàn ông Hàn Quốc lớn hơn mình 20 tuổi đồng ý chọn làm vợ. Đám cưới được tổ chức đơn giản, phía đàng gái chỉ được cho chút ít tiền để lên TP.HCM dự đám cưới cho đúng thủ tục, rồi Trinh theo chồng về Hàn Quốc. Gia đình không nhớ chủ rể tên gì, chỉ biết làm nghề xây dựng, ở đảo Jeju. Khi đứa con trai đầu lòng được gần 3 tuổi thì vợ chồng Trinh dọn về ở chung với mẹ chồng. Từ đó mâu thuẫn phát sinh, do mẹ chồng buộc phải sinh thêm con, nhưng vì cần dành tiền chữa trị cho con trai đầu lòng bị bệnh về não và kinh tế còn khó khăn, nên Trinh không đồng ý. Trinh dọn ra ở riêng cùng một người bạn và đi làm. Sau đó, chồng Trinh đem con trai về Việt Nam gửi mẹ vợ nuôi giúp và nói 3 tháng sau sẽ sang rước cháu và bà ngoại sang Hàn Quốc sống. Sáng 15/1/2013, Trinh gọi điện thoại về cho mẹ nhắn nhờ nuôi dưỡng đứa con. Đến 13 giờ cùng ngày, Trinh tiếp tục gọi điện về nói chuyện lần nữa và không ngờ đó là lần gọi cuối cùng trước khi tìm đến cái chết. Khi hay hung tin, em gái Trinh (cũng lấy chồng Hàn Quốc) đã báo cho anh rể thì 1 giờ sau, chồng Trinh uống thuốc ngủ tự tử, để lại thư tuyệt mệnh mong muốn thi thể của mình và vợ được an táng cùng nơi.

Diễm Trinh và chồng con

Câu chuyện thứ ba về cái chết của bà mẹ Việt và 2 con. Năm 2004, Phương lên TP.HCM, nghe lời bạn bè tham gia buổi “xem mắt” của những người đàn ông ngoại quốc. Cô về nhà xin cha mẹ cho kết hôn với Kim Yeong Hwa, lớn hơn gần 20 tuổi. Mặc mọi lời phản đối, Phương quyết sang Hàn Quốc làm vợ Kim Yeong Hwa dù hai người gặp nhau mới được một tuần. Một năm sau, Phương sinh bé gái kháu khỉnh. Khi con cứng cáp, người mẹ trẻ đi học tiếng Hàn và được chồng xin cho vào làm việc ở công ty gần nhà. Có lương, Phương không phải xin tiền chồng để tiêu xài mà còn dành dụm gửi về cho người thân ở Hậu Giang. Năm 2010, Phương sinh tiếp bé trai. Cô đón cha mẹ sang Hàn Quốc thăm cháu ngoại, gặp gỡ sui gia. Thấy cuộc sống của con, vợ chồng ông Rô cũng an lòng. Nhưng vài tháng sau đó, Phương gọi điện về than khóc với mẹ, nói muốn ly dị vì chồng hay ghen vô cớ và đánh vợ không thương tiếc. Nhiều lần, vợ chồng ông Rô khuyên con cố hàn gắn hạnh phúc, giải thích cho Kim Yeong Hwa hiểu sự yêu thương của vợ đều dành hết cho chồng với hai con. Dù vậy, gần đây ông bà luôn lo lắng cuộc sống của con gái sẽ có kết cục không tốt sau cuộc hôn nhân chớp nhoáng gần chục năm trước. Và điều không ai muốn đã xảy đến khi gia đình họ nhận được hung tin. Tối 23/11/2012, gia đình ông được nhà chức trách ở Hàn Quốc thông báo Phương đã ôm hai con nhảy từ tầng 18 của tòa chung cư ở thành phố Busan vào trưa cùng ngày. Trong thông báo gửi về cho gia đình Phương, nhà chức trách Hàn Quốc cho hay cảnh sát đã tìm thấy thư tuyệt mệnh của cô dâu Việt 28 tuổi này. Qua bức thư bằng tiếng Việt, Phương cho biết quyết định chấm dứt cuộc sống do không chịu nổi những trận bạo hành của chồng. “Tôi phải chọn cái chết vì người chồng hay ghen tuông và đánh đập tôi. Tôi xin lỗi ba mẹ. Tôi cũng mong trong những năm chung sống, nếu có gì thiếu sót mong chồng tôi bỏ qua”, cô viết.

Hai đứa con Phương ôm theo lúc nhảy lầu từ tầng 18 – Ảnh gia đình cung cấp

NHỮNG BIỆN PHÁP CỦA CHÍNH PHỦ HÀN QUỐC VÀ CÁC CƠ QUAN THIỆN NGUYỆN

Năm 2010, trước những bức xức ngay từ dân chúng Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thực hiện các bước để ngăn chặn những thảm kịch hôn nhân có thể xảy ra trong đó bao gồm thắt chặt việc cấp visa cho cô dâu ngoại, thành lập tổ chức hôn nhân quốc tế phi lợi nhuận, cử các quan chức chính phủ đi kiểm soát hoạt động của các hãng môi giới Hàn Quốc ở nước ngoài. Tại Hàn Quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đều mở những văn phòng hỗ trợ cộng đồng. Tại đây, có cả một đội ngũ nhân viên làm công tác thông dịch, hỗ trợ tư vấn 24/24h cho tất cả những phụ nữ gặp vấn đề rắc rối gia đình. Ngoài ra, Hội phụ nữ tại Hàn Quốc đã và đang nỗ lực kết nối với những cơ quan chức năng để kêu gọi sự giúp đỡ khi cần thiết và yêu cầu có biện pháp nghiêm minh để xử lý những vụ bạo lực gia đình.

Chính phủ Hàn Quốc mở ra 200 trung tâm gia đình giúp các cặp vợ chồng như thế này. Mục đích là giúp đỡ những cô dâu mới hoà nhập vào đời sống ở Hàn hay hoà giải mâu thuẫn giữa con dâu nước ngoài và gia đình nhà chồng.

Hầu hết các cô dâu Việt khi mới sang đất Hàn đều phải nhờ tới những người phiên dịch tại trung tâm gia đình đa văn hoá. Phương, 25 tuổi, làm phiên dịch viên cho trung tâm ở thành phố Taegu cũng gần hai năm nay. Phương cho hay trung bình mỗi tuần cô cũng đứng ra giúp đỡ cho khoảng 15 vụ hiểu lầm giữa các cặp vợ chồng Việt – Hàn.

Chẳng hạn như trường hợp một cô dâu khi vừa mới sang liên tục gửi tiền về nhà bố mẹ đẻ. Phương giải thích cho cả hai vợ chồng hiểu về hoàn cảnh của hai bên, đồng thời đưa ra một giải pháp là chỉ gửi tiền về Việt Nam trong một thời gian nhất định. Cô khuyên người vợ cũng phải biết chăm lo cho gia đình bên này, chứ không chỉ lo cho nhà vợ. Phương cho hay trung tâm này cũng được coi như “nhà ngoại” của các cô dâu Việt. Trung tâm có nhà tạm lánh, mỗi khi vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, các cô dâu Việt có chỗ nương náu.

Phương cho biết trung tâm của cô giúp đỡ cho khoảng 1,000 phụ nữ ngoại lấy chồng Hàn Quốc, trong số đó người Việt là nhiều nhất và cũng kém cỏi nhất:

“Mình kém nhiều vì trình độ kém, nhiều người còn chưa học xong cấp 1. Thành ra sang bên nước tư bản này, nơi mà trình độ phổ cập giáo dục là cấp 3, phụ nữ mình hoà nhập chậm, nắm bắt thông tin kém. Phụ nữ Việt Nam mình còn nhiều thiệt thòi lắm.”

Ngày 16/7, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc (VWCC) tổ chức ký kết và khởi động dự án “Hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc.” Ông Koo Gyo Hoom, Tổng giám đốc VWCC, cho biết dự án “Hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc” được thực hiện thí điểm trong thời gian 18 tháng (kể từ tháng 7/2015) tại hai tỉnh Hải Dương và Hậu Giang. Dự án có tổng nguồn vốn là 390,000 USD. Hoạt động chính của dự án là truyền thông, tư vấn, giáo dục, đào tạo, hỗ trợ trước và sau kết hôn. Mục đích của dự án nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ tại địa bàn về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài phù hợp với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đảm bảo hôn nhân lành mạnh, tuân thủ pháp luật và quan hệ hai nước Việt Nam-Hàn Quốc, góp phần hạn chế những rủi ro cho phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng Hàn Quốc, giảm thiểu tối đa và loại trừ những rủi ro phát sinh do môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp.

NHỮNG QUẢ NGỌT ĐẦU TIÊN

Nguyễn Gia Linh (Yoon Da Young) và Show truyền hình Hello Baby:

Bé Yoon Da Young trong trang phục Hàn Quốc

Có mẹ là người Việt, bố là người Hàn đã từng khiến làng giải trí Hàn Quốc phải điên đảo qua show truyền hình Hello Baby. Gia Linh sinh năm 2008 và năm nay đã lên 10 tuổi. Da Young xuất hiện trong chương trình nổi tiếng Hello Baby cùng với nhóm nhạc MBLAQ trên kênh truyền hình KBS. Cô bé cũng tham gia vai phụ trong phim truyền hình đề tài gia đình Rascal Sons phát trên đài MBC. Trong những bức hình mới nhất, cô bé thường xuyên xuất hiện với vẻ ngoài không còn bầu bĩnh như xưa mà trở nên chững chạc và mang chút gì đó dịu dàng, nữ tính hơn rất nhiều.

Hwang Min Woo – ‘Tiểu PSY’ trong Ganngnam Style

‘Tiểu PSY’ và màn trình diễn ấn tượng trong Ganngnam Style

Hwang Min Woo, sinh năm 2005, có cha là người Hàn Quốc và mẹ là chị Vũ Thị Lý – người Việt Nam. Do có năng khiếu và sở thích nhảy, cậu bé đã được cha mẹ đầu tư cho học nhảy và thành thạo nhiều điệu nhảy của các ca sĩ thần tượng như BoA, 2NE1, Park Jin Young…Min-woo cũng từng tham gia nhiều cuộc thi như Super K Star và Korea’s Got Talent, tuy không đạt được giải thưởng song Min Woo vẫn gây được ấn tượng đối với khán giả. Hwang Min Woo thực sự được chú ý khi tham gia vào hit đình đám Gangnam Style của PSY. Tuy chỉ xuất hiện vỏn vẹn 10 giây, song với lối trình diễn chuyên nghiệp và tự nhiên, Min Woo đã chinh phục được khán giả, cậu bé được trang The Stage của Anh đánh giá là ngôi sao của văn hóa âm nhạc Hàn Quốc (K-Pop) và là một Psy tiếp theo trong tương lai. Nhiều trang giải trí của Hàn Quốc gọi cậu là thần đồng.

Tuy nhiên, không phải tại bất cứ nơi đâu, “tiểu PSY” cũng đều được hoan nghênh. Tham gia talk show Good Day tháng 10/2012, Hwang Min Woo kể rằng cậu bé bị các bạn trong lớp thường xuyên bắt nạt. “Tiểu PSY” Hwang Min Woo hiện đang phải chịu nhiều lời dè bỉu của một nhóm cư dân mạng Hàn Quốc vì cậu bé có mẹ là người Việt Nam. Mẹ của Min Woo – chị Vũ Thị Lý nói: “Ở trường, những cậu bạn lớp trên lấy cắp túi của Min Woo, đánh và bắt nạt thằng bé. Có lần Min Woo vừa khóc vừa hỏi tôi rằng: ‘Tại sao mọi người lại làm như vậy trong khi họ còn chẳng quen biết con?”. Chị Vũ Thị Lý từng tâm sự: “Khi tới lớp của Min Woo, tôi đã giới thiệu mình là mẹ cháu. Tôi thấy mình có lỗi. Nếu cháu được lớn lên bởi một người mẹ Hàn Quốc bình thường chắc cháu sẽ tự tin hơn”.

Gia đình Hwang Min Woo rất sốc khi biết được những comment ác ý của một nhóm cư dân mạng để lại trên website của Star Zone. Công ty quản lý của Hwang Min Woo, cậu bé nổi tiếng sau khi tham gia MV Gangnam Style, mới đây gửi đơn yêu cầu cảnh sát điều tra xử lý việc một số người dùng mạng vào website công ty viết ác ý về xuất thân của Min Woo, bởi cậu bé có mẹ là người Việt Nam. Một số người dùng mạng ân hận sau khi viết bình luận có tính chất phân biệt chủng tộc đối với Hwang Min Woo.

Nữ cảnh sát gốc Việt đầu tiên tại Hàn Quốc – Phí Thị Ngọc Lan

Thời gian qua, hình ảnh nữ cảnh sát gốc Việt đầu tiên tại Hàn Quốc – chị Phí Thị Ngọc Lan – đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cũng như người dân sở tại. Chị đến Hàn Quốc lần đầu năm 2003 với tư cách là phiên dịch và quản lý người lao động Việt Nam tại một công ty của Hàn Quốc. Năm 2006, chị kết hôn với một người Hàn Quốc. Khi con trai được 2 tuổi, chị quyết định làm phiên dịch và dạy tiếng Việt cho nhân viên Công ty điện tử Samsung khi công ty này chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam. Chị vẫn bị thôi thúc phải làm những công việc có ích hơn cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Vì thế, chị quyết định xin học bổng học cao học ngành phúc lợi xã hội tại trường Đại học Kuyeog Buk năm 2010. Khi đó, có rất nhiều phụ nữ Việt trở thành cô dâu tại Hàn Quốc và cũng là thời điểm gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc xuất hiện nhiều mâu thuẫn nhất. Vừa học cao học vừa đi làm vô cùng vất vả, nhưng giờ nghĩ lại chị thấy đó là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất. Bởi chị đã học được nhiều kiến thức thực tế về cuộc sống của người Hàn Quốc. Điều này giúp chị có thể thực hiện ước mơ nâng cao giá trị, hình ảnh cô dâu Việt tại đây. Trong quá trình vừa học vừa làm, chị đã tìm kiếm những thông tin thi tuyển liên quan đến tiếng Việt. Năm 2011, chị biết được chính quyền Hàn Quốc tuyển khoảng 15 cảnh sát phụ trách nhiều thứ tiếng như: Trung, Việt, Mông Cổ. Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện cảnh sát tại Trường Cảnh sát Trung ương Hàn Quốc, chị được phân công về tỉnh Kuyeong San, theo đúng nguyện vọng. Tỉnh này có khoảng 7,000 người nước ngoài, trong đó có 1,200 người Việt đang sinh sống. Chị thường đến các trung tâm bảo vệ người nước ngoài, các trường đại học có sinh viên người nước ngoài để giảng dạy về cách phòng, chống tội phạm vì họ không hiểu biết về luật pháp cũng như phong cách sống của nước sở tại nên có thể vô tình phạm pháp. Thông qua những buổi giảng dạy đó, họ có thể tự bảo vệ mình trước tội phạm cũng như trước những cám dỗ của xã hội. Ngoài ra, với tư cách là cảnh sát tư vấn và phụ trách những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, nhiều cô dâu Việt không chỉ ở Kuyeong San mà còn ở nhiều nơi trên Hàn Quốc còn gọi điện xin tư vấn qua điện thoại. Dù rằng không phải lúc nào chị cũng có thể giải đáp tất cả những điều mà các cô dâu người Việt mong muốn, nhưng chị luôn cố gắng đưa ra những lời khuyên thiết thực để giúp họ vượt qua những khó khăn.

Trần Thị Mai: Cô dâu Việt thành thương gia Hàn nhờ bán 1,000 bát phở mỗi ngày:

Tháng 8 năm ngoái, kênh truyền hình Channel A của Hàn Quốc có đưa bản tin phóng sự về một cô dâu Việt Nam – một người phụ nữ đã xa quê theo chồng sang Hàn Quốc được 6 năm và vượt lên trên mọi khó khăn vất vả của cuộc sống để thành công với tiệm Phở Việt Nam của mình. Cô dâu Việt đó chính là chị Trần Thị Mai (sinh năm 1980, quê Hải Dương), hiện đang sống tại khu vực Noryangjin, thủ đô Seoul. Những ngày đầu tiên đến Hàn Quốc, chị cùng chồng khởi nghiệp bằng một xe bán đồ ăn xúc xích vỉa hè. Tuy nhiên, mới bán được 3 năm, xúc xích dần không còn là món ăn được nhiều người ưa chuộng, cuộc sống hai vợ chồng một lần nữa rơi vào khó khăn vất vả. Khi ấy, thấy những món ăn Việt Nam mà vợ nấu ở nhà rất ngon, chồng chị gợi ý chị thử mở một nhà hàng bán đồ ăn Việt. Xe bán phở vỉa hè đầu tiên của hai vợ chồng nhanh chóng được mở thử nghiệm. Chia sẻ với World.kbs, chị Mai cho biết “Ban đầu hai vợ chồng nghĩ một ngày chỉ bán được 80 bát thôi nhưng không ngờ ngay ngày đầu đã bán được tận 300 bát và từ sau đó số bát phở bán ra chỉ có tăng chứ không có giảm. Thời điểm cao nhất lên đến 800 tô.” Tuy nhiên, do xe hàng của chị luôn đông khách, những quán xung quanh ganh ghét và kiện cáo dẫn đến việc xe đồ ăn bị dỡ bỏ. Mất quán hôm trước, hôm sau, anh chị mang hết số vốn tích cóp được đi thuê nhà mở quán mới ngay. Năm 2012, sau 3 năm sống nơi đất khách quê người, lần đầu chị tự đứng ra thuê một cửa hàng để mở một quán ăn với tên gọi Miss 420 – một cách chơi chữ của chị Mai vì ở Hàn Quốc, 420 được phát âm là Sah-i-gong – khá gống với từ Miss Saigon. Quán ăn gia đình nhỏ xíu chỉ hơn 24 m², mỗi tô phở giá chỉ 3,500 Won (khoảng 3.3 USD), rẻ hơn khoảng một nửa so với giá ở những quán phở Việt Nam khác tại Seoul. Ngoài phở nước, chị Mai còn bán thêm cả phở xào, cơm rang gà, cơm rang tôm và gỏi cuốn nhưng không món ăn nào có giá vượt quá 6,000 Won (5.6 USD). Vì nghĩ địa điểm mở quán ở trong hẻm, xác định số khách đến ăn sẽ giảm đi một nửa. Vậy nhưng không ngờ, ngay ngày đầu khai trương anh chị đã bán được 500 bát phở. Hương vị thơm ngon đậm chất Việt trong những món ăn của chị Mai khiến quán ăn ngày một đông khách. Trung bình mỗi ngày, chị Mai cùng chồng và các nhân viên bán được khoảng 1,000 suất ăn. Thu nhập hàng tháng lên tới 90 triệu Won (83,700 USD).

KẾT LUẬN

Trong 2 tháng đầu tiên của năm 2018, tác giả đưa lên mạng 2 bài tích cực về quan hệ Hàn-Việt (bài “Samsung Việt Nam” vào tháng 1 và bài “Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc vào tháng 2). Bài viết này dù đưa lên mạng chẳng sớm sủa gì lắm nhưng hy vọng nói lên vài điểm tối trong quan hệ Hàn-Việt. Ai cũng biết xã hội Hàn Quốc rất khép kín, thiếu bao dung và đôi khi mâu thuẩn. Trong vài trường hợp, người Hàn Quốc còn khó khăn hơn người Nhật. Năm 2015, hơn 70 năm sau Thế Chiến Thứ Hai, Nhật Bản và Hàn Quốc mới đạt được một thỏa thuận về vấn đề phụ nữ Triều Tiên bị ép buộc làm nô lệ tình dục bởi quân đội Nhật Bản trong.

Trong lịch sữ cận đại của dân tộc, dù hoàn cảnh khác nhau, phụ nữ Việt Nam là thành phần chịu hy sinh nhiều nhất, từ thảm nạn hải tặc Thái Lan cho đến vụ cô dâu Việt. Cả hai chính quyền Hàn Quốc và Việt Nam đều phải chịu trách nhiệm lương tâm về sự bạo hành trong gia đình của các ông chồng Hàn Quốc cũng như những cái chết của các cô dâu Việt. Trong giai đoạn đầu tiên, chính quyền Hàn Quốc không có biện pháp gì để giúp cô dâu Việt hội nhập vào xã hội Hàn Quốc. Cứ nhìn những gì mà người dân Hoa Kỳ giúp cho người tỵ nạn Việt Nam sau cuộc chiến Việt Nam 1975 thì chính quyền và người Hàn Quốc cũng thấy được tính nhân bản của người dân Hoa Kỳ.

Dù sao, cái chết của một số cô dâu Việt đã đánh động vào lương tâm của chính quyền và người dân Hàn Quốc và hy vọng những biện pháp thi hành trong thời gần đây sẽ giảm bớt bạo hành trong các gia đình chồng Hàn vợ Việt cũng như giúp cho các cô dâu Việt hội nhập vào xã hội Hàn Quốc. Tính nhân bản của người Hàn Quốc sẽ được thế giới nể trọng hơn.

THAM KHẢO

Người Việt tại Triều Tiên – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bài viết “Người Việt đông thứ nhì trong số người nước ngoài sống ở Hàn Quốc” trên đài VOA ngày 28/12/2016.

Bài viết “Cô dâu Việt Nam sang Hàn Quốc ngày một gia tăng” trên mạng Thanh Niên ngày 28/12/2016.

Bài viết “Tôi làm dâu gia đình Hàn” trên mạng VNE ngày 13/1/2011.

Bài viết “Nữ cảnh sát gốc Việt đầu tiên được chính phủ Hàn Quốc phong hàm “tướng” trên mạng Tin Nước Hàn ngày 8/8/2017.

Bài viết “ ‘Công chúa tuyết’ gốc Việt từng gây bão làng giải trí Hàn Quốc giờ ra sao? trên mạng Kids & Family TV ngày 5/4/2016.

Bài viết “ ‘Tiểu PSY’ bị lăng mạ vì mẹ là người Việt” trên mạng Kids & Family TV ngày 3/5/2013.

Bài viết “ Cô dâu Việt thành đại gia Hàn nhờ bán 1,000 bát phở mỗi ngày” trên mạng Eva.VN ngày 1/3/2016.

Bài viết “Phận nghèo lấy chồng Hàn Quốc” trên mạng RFA ngày 20/9/2014.

Bài viết “Lời tự sự của những cô dâu Việt chồng Hàn” trên đài BBC ngày 6/10/2017.

Bài viết “Cuộc sống của “cô dâu Việt” miền Tây bây giờ ra sao?” trên đài RFA ngày 2/10/2017.

Bài viết “Vụ cô dâu Huỳnh Mai bị sát hại tại Hàn Quốc: Đổ vỡ một giấc mơ!” trên đài Tuổi Trẻ Online ngày 14/8/2007.

Bài viết “Lá thư cuối cùng của một cô dâu Việt” trên đài Tuổi Trẻ Online ngày 13/8/2007.

Bài viết “Lời tâm sự của cô dâu Việt tại Hàn Quốc khiến nhiều người rơi nước mắt” trên mạng Baonhatban.net ngày 19/7/2017.

Bài viết “Để các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc có cuộc sống hôn nhân an toàn, hạnh phúc” trên mạng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày 16/9/2015.

Bài viết “Hơn 70% cô dâu ngoại ở Hàn Quốc là người Việt” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 2/3/2018.

Hồ sơ: ITN-051518-QT-Cô dâu Hàn Quốc gốc Việt.doc

Nguyễn Mạnh Trí
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
Tu chỉnh: 15 tháng 5 năm 2018