Bước Ngoặc Trên Bán Đảo Triều Tiên

684 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong 5 tháng đầu tiên của 2018, những biến chuyển dồn dập xảy ra trên bán đảo Triều Tiên mà cao điểm là hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump của Hoa Kỳ và Chủ tịch Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên. Cho đến cuối năm 2017, mọi người theo dõi tình hình bán đảo Bắc Triều Tiên đều nghĩ rằng tình hình tiếp tục căng thẳng qua năm 2018. Thật sự, những chuyện này chỉ là những đám hỏa mù chuẩn bị cho những biến chuyển quan trọng hơn trong những tháng sắp đến.

BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Khi nói về bán đảo Triều Tiên, chúng ta cần đề cập đến các khía cạnh kinh tế, quân sự, chính trị và tương quan với 2 cường quốc có ảnh hưởng đến bán đảo này là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mối tương quan giữa các quốc gia này với Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên như một mớ bòng bong mà bạn thù khó mà xác định rõ ràng.

Hàn Quốc: Sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nước giàu nhất. Kinh tế Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển, đứng thứ tư ở châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới theo GDP năm 2016. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. GDP (PPP) bình quân đầu người của đất nước đã nhảy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên mức kỷ lục 10,000 USD vào năm 1995 và 25,000 USD vào năm 2007. Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai mới đây đã đưa ra số liệu cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Hàn Quốc trong năm 2015 là 27,226 USD. Mức này bằng 84% của Nhật Bản là 32,432 USD. Lịch sữ hiện đại của Hàn Quốc đầy rẩy nhiều thảm kịch. Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát bởi chính giám đốc tình báo Hàn Quốc năm 1979 rồi đến người con gái là bà Park Geun-hye đắc cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2012, chính thức bị phế truất vào tháng 3 năm 2017 vì tội lạm quyền. Trước đó, tổng thống Roh Moo-hyun cũng bị truất phế vì lạm quyền và tự vẫn năm 2009. Tháng 5/2017, ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc.

Bắc Triều Tiên: Sau hơn 60 năm kể từ lúc chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên, Hàn Quốc là một quốc gia dân chủ với nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới. GDP năm 2013 là 1,622 tỷ USD (bình quân đầu người trong năm 2015 là 27,226 USD) gấp hơn 40 lần so với GDP của Bắc Triều Tiên chỉ với 40 tỷ USD. Bắc Triều Tiên, với dân số bằng nửa Hàn Quốc, vẫn là một quốc gia cô lập, bí hiểm, toàn trị, cha truyền con nối với quân lực đứng hàng thứ năm trên thế giới và khả năng tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân.

Dân chúng Hàn Quốc hiện nay tỏ vẻ không tha thiết với vấn đề thống nhất đất nước. Đa số người dân lo sợ rằng, kế hoạch này là gánh nặng tài chính bổ sung làm yếu đi và lùi lại sự phát triển của Hàn Quốc. Kinh nghiệm của nước Đức thống nhất cho thấy rằng, cần phải làm việc vất vả trong nhiều năm để thống nhất hai nước với 2 chủ thể chính trị và cơ chế kinh tế hoàn toàn khác nhau, cần phải đầu tư khoản tiền khổng lồ để quốc gia liên bang bắt đầu hoạt động hiệu quả. Năm 2014, chính phủ Hàn Quốc đã gởi một phái đoàn qua Đức Quốc để học tập những kinh nghiệm của Berlin về vấn đề thống nhất. Ngoài ra, theo kế hoạch của Ủy ban Chuẩn bị thống nhất liên Triều, tiến trình tái hợp hòa bình sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn: xây dựng lòng tin, hoàn thiện và ổn định với trọng tâm bước đầu là tập trung vào kinh tế. Seoul sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân đạo, tích cực hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng rồi hướng tới hợp nhất 2 nền kinh tế. Thách thức lớn nhất của tiến trình này là chi phí khổng lồ và ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc. Yonhap dẫn ước tính của chính phủ Hàn Quốc cho thấy nước này cần ít nhất là 500 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và nâng tổng thu nhập quốc gia của CHDCND Triều Tiên nhằm tránh các tác động tiêu cực tức thời lên nền kinh tế miền Nam sau khi thống nhất cũng như thời gian ít nhất là 10 năm để hội nhập 2 nền kinh tế. Ước tính của Đức Quốc đòi hỏi đến 1,000 tỷ USD và thời gian lâu gấp đôi.

Quan hệ với Hoa Kỳ: Tổng thống tân cử Moon Jae-in cho rằng đã đến lúc Seoul phải có tiếng nói độc lập trong chính sách an ninh chung liên quan đến tồn vong của quốc gia nhưng Hàn Quốc cũng phải hiểu rằng có rất nhiều ràng buộc khi dựa vào sự che chở của Hoa Kỳ. Việc quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc nắm quyền chỉ huy tác chiến của quân đội Hàn Quốc là dựa trên Điều ước phòng thủ tương hỗ hai nước Hàn – Mỹ, được chính thức hóa sau khi Bộ tư lệnh liên quân Hàn – Mỹ được thành lập vào năm 1978. Từ năm 1950, khi Triều Tiên bất ngờ mở cuộc tấn công Hàn Quốc, quân đội Hàn Quốc bị thương vong nặng nề nên đã phải yêu cầu sự viện trợ từ quân đội Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ đang xây dựng trại Humphreys, cách trung tâm thủ đô Seoul hơn 60 km về phía Nam với chi phí 11 tỷ USD. Theo Washington Post, đây là dự án quân sự lớn nhất của Mỹ kể từ khi kênh đào Panama được hoàn tất. Trại Humphreys dự kiến ​​sẽ trở thành nơi đồn trú của 44,000 binh sĩ, nhân viên dân sự và các thành viên gia đình, biến nó trở thành doanh trại lớn nhất của Mỹ ở châu Á. Hàn Quốc vừa mới cho phép triển khai thệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ của mình để đối phó với nguy cơ tấn công từ Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Dù rằng bán đảo Triều Tiên bị chia đôi hay được thống nhất thì quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ tại bán đảo Triều Tiên vẫn không thay đổi. Một Triều Tiên thống nhất chưa chắc là ý muốn của mọi người. Mỹ chẳng muốn để mất một Bắc Triều Tiên hiếu chiến, vì sự hiện diện của chủ thể này là cơ sở cho sự hiện diện của Washington trong khu vực Đông Á. Bắc Kinh thì lo ngại một người hàng xóm thống nhất, mạnh mẻ, ngang ngạnh và thân Hoa Kỳ. Còn Nhật Bản không cần đến một nhà khổng lồ kinh tế mới – vừa là đối thủ cạnh tranh thương mại vừa có khả năng biến thành cường quốc hạt nhân. Trong tháng 3/2017, ông Trump đã khiến các chuyên gia chính sách hạt nhân được một phen sốc khi cho rằng nước Mỹ có thể giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng bằng cách khuyến khích các quốc gia đồng minh như là Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân.

Quan hệ với Trung Quốc: Khi nói đến quan hệ với Trung Quốc, chúng ta cần đề cập đến cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Trung Quốc và Triều Tiên trước đây có quan hệ ngoại giao chặt chẽ. Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã giảm đáng kể trong vài năm qua. Sự suy giảm trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên chủ yếu là do mối quan tâm ngày càng tăng lên ở Trung Quốc về các vấn đề như giam giữ các tàu đánh cá của Trung Quốc và quan trọng hơn chương trình vũ khí hạt nhân.

Quan điểm thuận lợi về Bắc Triều Tiên giữa người Trung Quốc dường như đang giảm dần. Theo một cuộc thăm dò của BBC World Service Poll năm 2014, 20% người dân Trung Quốc xem ảnh hưởng của Bắc Triều Tiên tích cực, với 46% thể hiện một quan điểm tiêu cực. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên cũng không thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mình. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã có chuyến công du Bắc Kinh từ ngày 26-28/3. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của Kim Jong-un kể từ khi nhậm chức năm 2012. Nguồn tin từ Hàn Quốc cho hay ông Kim Jong-un đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cả đến mấy ngày sau, Trung Quốc mới ra thông cáo chính thức, ủng hộ một Bắc Triều Tiên phi hạt nhân.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lại đang đứng trước nấc thang căng thẳng mới nhằm trả đũa việc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc. Trong năm 2015, Hàn Quốc xuất khẩu hơn 527 tỷ USD mà 2 thị trường chính là Trung Quốc (25.4%) và Hoa Kỳ (12.3%). Hàn Quốc phải giữ một sự cân bằng tế nhị giữa 2 cường quốc này. Vấn đề căng thẳng với Bắc Triều Tiên lại tăng thêm áp lực từ Hoa Kỳ vào Hàn Quốc.

Quan hệ với Nhật Bản: Trong hàng chục năm đã có những tranh cãi giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên (cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc) về nhiều vấn đề. Hàn Quốc đã từng bị cai trị bởi người Nhật. Các chính trị gia Hàn Quốc thường dùng chủ đề về hành động của Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế Chiến để khích động tinh thần dân tộc trong khi cố gắng giải quyết những vấn đề nội bộ. Ngoài việc tranh chấp các hòn đảo không người giữa 2 nước thì vấn đề “Phụ nữ mua vui”, những người phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong nhà thổ của quân đội Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã kéo dài hàng chục năm. Tuy nhiên, hiện ở Hàn Quốc chỉ còn khoảng 46 người thuộc nhóm đối tượng này còn sống. Năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đạt thỏa thuận đột phá về việc giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui” thời chiến tranh đã ám ảnh quan hệ hai nước từ nhiều năm qua. Nhật Bản đã đồng ý trả 1 tỷ Yen (8.3 triệu USD) cho một quỹ hỗ trợ nạn nhân còn sống sót, trong khi Hàn Quốc đồng ý sẽ ngừng chỉ trích Nhật về vấn đề này ở các diễn đàn quốc tế và sẽ di dời bức tượng biểu tượng cho các nô lệ tình dục thời chiến, đặt trước cửa Đại sứ quán Nhật ở Seoul. Sau đó Thủ tướng Shinzo Abe đã gọi điện thoại cho Tổng thống Park Geun-hye để lặp lại một lời xin lỗi đã được hứa bởi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. Vấn đề quan trọng nhất là Hàn Quốc đừng để các tranh cải này ảnh hưởng đến thế liên minh chiến lược Hoa Kỳ-Hàn Quốc-Nhật Bản. Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, chính phủ và dân chúng Hàn Quốc cần nhìn vào đường lối thực tế của Nhật Bản trong mối quan hệ song phương. Trong khi có khoảng 28,000 quân nhân Mỹ đóng tại Nam Hàn và nước này chi khoảng 900 triệu USD mỗi năm cho việc triển khai lực lượng này thì Nhật Bản có sự hiện diện của gần 50,000 lính Mỹ và người Nhật chi hơn 2 tỷ USD mổi năm. Dân chúng Nhật tại Okinawa cũng nhiều lần biểu tình phản đối sự hiện diện quá nhiều của quân lính Mỹ trên hòn đảo này nhưng nói chung thì hai nước đặt quyền lợi chung cho khu vực lên trên tự ái dân tộc. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng còn lùm xùm với Nhật Bản về việc bắt cóc 20 công dân Nhật Bản trong 2 thập niên 1970-1980. Theo Reuters ngày 30/3/2018, năm 2002 Triều Tiên thừa nhận đã 20 công dân Nhật Bản để huấn luyện gián điệp, 5 người sau đó được tung trở lại Nhật Bản. Tokyo thì tin rằng có hàng trăm công dân Nhật Bản đã bị bắt. Thủ tướng Shinzo Abe cố gắng tìm kiếm một sự tái đảm bảo khi ông họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong tháng 4, trong bối cảnh Nhật đã bị đặt bên ngoài các tiếp xúc ngoại giao đang tiến triển nhanh chóng hướng đến các cuộc họp thượng đỉnh nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang hy vọng nhận từ 20-50 tỷ USD viện trợ từ Tokyo nếu 2 bên bình thường hóa quan hệ.

NHỮNG BIẾN CHUYỂN TRƯỚC HỘI NGHỊ

Mặc dù bao gồm nhiều sự kiện đáng quan ngại – phóng tên lửa đạn đạo, thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tập trận và những cuộc đấu khẩu vô nghĩa – nhưng cuộc “khủng hoảng” Bắc Triều Tiên trong những tháng gần đây chủ yếu là những sô diễn được sáng tạo bởi 2 diễn viên tài tình là ông Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên và Tổng thống Trump của Hoa Kỳ. Những hành động hung hăng của Bắc Triều Tiên chỉ là hỏa mù. Những lời tuyên bố hiếu chiến của Tổng thống Trump cũng chỉ làm vui lòng một số người. Những chuyện gì sẽ xảy ra tùy thuộc vào sự suy nghĩ và tính toán của những người lãnh đạo Hàn Quốc – Bắc Triều Tiên và quyền lợi của hai cường quốc Hoa Kỳ – Trung Quốc. Khác với những hành động hung hăng trong 2 năm 2016-2017, ông Kim Jong-un nhận định tình hình tại khu vực này đã bắt đầu tiến triển tốt hơn, khi Triều Tiên đưa ra sáng kiến xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy những đề xuất cho các cuộc hòa đàm.

  • Trong năm 2016, Bắc Triều Tiên trước đây đã tiến hành hai vụ nổ thử nghiệm hạt nhân và gần 22 vụ phóng phi đạn trong những nỗ lực liên tiếp nhằm mở rộng các loại vũ khí hạt nhân và chương trình phi đạn. Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố trong một bài phát biểu vào ngày đầu năm mới rằng chương trình chế tạo ICBM đã “đạt đến giai đoạn cuối cùng.” Trong năm 2017, Bắc Hàn đã tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo. Bình Nhưỡng đã phóng thử 25 phi đạn và hai lần thử nghiệm hạt nhân. Tháng 2/2017, Bắc Triều Tiên đã bắn một phi đạn đạn đạo không xác định vào vùng Biển Nhật Bản sớm Chủ nhật. Giới chức cho biết phi đạn vượt qua bán đảo Triều Tiên từ địa điểm phóng ở miền tây Bắc Triều Tiên và bay về phía đông bên trên Biển Nhật Bản, sau khi vượt một quãng đường khoảng 500 km. Ngày 6/3 Bắc Triều Tiên sáng sớm thứ Hai đã phóng bốn phi đạn đạn đạo. Ba trong số đó bay 1,000 km trước khi rơi xuống biển cách đất liền của Nhật Bản khoảng 350 km. Một nhà lập pháp Nga vừa trở về từ một chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tháng 10/2017 cho biết Triều Tiên đang chuẩn bị thử một phi đạn tầm xa mà họ tin là có thể vươn tới bờ tây của Mỹ.
  • Ngày 9/2, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã chính thức đặt chân đến Seoul vào đầu giờ chiều ngày thứ Sáu theo giờ địa phương, bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Hàn Quốc. Theo hãng tin BBC, bà Kim Yo-jong là thành viên đầu tiên của nhà họ Kim – gia đình đã có 3 thế hệ lãnh đạo Triều Tiên – tới Hàn Quốc kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Bà Kim Yo Jong cùng với ông Kim Yong Nam – Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên – dẫn đầu một đoàn quan chức từ Bình Nhưỡng tới thị trấn Pyeongchang của Hàn Quốc để tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông diễn ra vào tối ngày thứ Sáu. Ngoài 22 vận động viên thi đấu, Bình Nhưỡng cử hơn 400 đại biểu dự Thế vận hội mùa đông, gồm một đội cổ vũ và một đoàn văn công. Trong buổi tiếp xúc kéo dài 3 giờ tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/2, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã chuyển bức thư kèm lời mời Tổng thống Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng “sớm nhất có thể” để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, sau 2 lần hội nghị thượng đỉnh trước vào năm 2000 và 2007. Ngày 17/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết còn quá sớm để bàn về khả năng diễn ra một hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong thời gian tới.

Tổng thống Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong chụp ảnh trên phông nền đặc biệt tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc

  • Theo các viên chức Hàn Quốc, vấn đề giải giới nguyên tử sẽ là điều chính yếu nhưng trên thực tế, vấn đề kinh tế, thống nhất đất nước cũng như quan hệ với Hoa Kỳ-Trung Quốc là những điều quan trọng không kém trong nghị trình thảo luận.
  • Trong chuyến thăm Mỹ với nhiệm vụ thông báo kết quả chuyến đi Bắc Triều Tiên, Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong hôm 9/3 đã có cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc truyền đạt thông điệp của Chủ tịch đảng Lao động miền Bắc Kim Jong-un đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Chung cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã bày tỏ quyết tâm giải trừ hạt nhân, đồng thời cam kết sẽ kiềm chế những hành động khiêu khích như thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Ngoài ra, Chủ tịch miền Bắc cũng bày tỏ mong muốn sẽ sớm được gặp Tổng thống Mỹ trong tương lai gần. Đáp lại, Tổng thống Mỹ cho biết sẽ sắp xếp gặp Chủ tịch Bắc Triều Tiên trong tháng 5 tới với mục tiêu hướng đến phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc một cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Mặc dù hai nước đã là đồng minh thân cận, nhưng Nhật Bản đang dần lo ngại Mỹ sẽ “bỏ rơi” mình để theo đuổi những lợi ích riêng khi đàm phán với Triều Tiên.
  • Hàn Quốc hôm 16/3 cho biết họ đang tìm kiếm các cuộc hội đàm cao cấp trong tháng này với Triều Tiên để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh và rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể gặp ông Donald Trump trước cuộc hội kiến đã được lên kế hoạch của tổng thống Mỹ với lãnh tụ Triều Tiên. Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã có cuộc họp thượng đỉnh tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 27/4 và lần thứ hai ngày 26/5 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hủy bỏ buổi họp thượng đỉnh. Lãnh đạo của Bắc và Nam Hàn cho đến nay chỉ gặp nhau hai lần, kể từ sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953, vào năm 2000 và 2007, tất cả đều dưới thời chính phủ có khuynh hướng dân tộc ở Nam Hàn. Phát ngôn viên của Phủ Tổng thống Hàn Quốc nói qua một tuyên bố: “Chúng tôi thấy may mắn rằng những đốm lửa về đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ chưa bị dập tắt hoàn toàn và đang cháy lên trở lại”. Hai miền cũng đã ký tuyên bố cam kết hai nước phi hạt nhân hóa và đàm phán để chính thức chấm dứt cuộc xung đột đến nay đã được 65 năm. Trong những bài phát biểu riêng rẽ, ông Kim và ông Moon hứa hẹn về một kỷ nguyên mới. Lần đầu tiên phát biểu với truyền thông thế giới được truyền hình trực tiếp, ông Kim nói rằng Triều Tiên và Hàn Quốc “sẽ thống nhất với tư cách là một quốc gia”. Ông Moon đã phát biểu: “Sẽ không còn chiến tranh nữa trên bán đảo Triều Tiên”.
  • Truyền thông Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hôm 28/3/2018 mới xác nhận lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã có chuyến công du Bắc Kinh từ ngày 26-28/3. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của Kim Jong-un kể từ khi nhậm chức năm 2012. Nguồn tin từ Hàn Quốc cho hay ông Kim Jong-un đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cả đến mấy ngày sau, Trung Quốc mới ra thông cáo chính thức, ủng hộ một bán đảo Triều Tiên phi nguyên tử, còn Bắc Ttriều Tiên vẫn giữ thái độ im lặng như thường lệ. Chuyên gia Andrew Hammond từ Trường kinh tế London bình luận, chuyến thăm của ông Kim Jong-un có thể coi là sự trấn an Bắc Kinh về vai trò của họ trong cục diện ngoại giao lớn của khu vực, đồng thời ông Tập có thể được cập nhật cụ thể hơn về mục đích của ông Kim trong các cuộc thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5 tới bởi ông Tập sẽ không có phần trong bất kỳ diễn biến nào của các cuộc gặp đang được Bình Nhưỡng xúc tiến giữa ông Kim với Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Báo chí Trung Quốc hôm 8/5/2018 xác nhận thông tin ông Kim Jong-un đã gặp chủ tịch Tập Cận Bình tại thành phố thành phố Đại Liên gần biên giới hai nước. Đây là chuyến viếng thăm lần thứ hai trong vòng không đầy một tháng của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, trước cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa ông Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump.
  • Hãng tin chính thức KCNA trích lời lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thông báo: “Kể từ ngày 21/04, Bắc Triều Tiên sẽ ngưng các vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa”. Theo lời ông Kim Jong Un, cơ sở được dùng để tiến hành các vụ thử hạt nhân đã “hoàn thành nhiệm vụ”, cho nên Bắc Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở này để thể hiện cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã hoan nghênh quyết định ngoạn mục này, trong khi Nhật Bản đón nhận một cách thận trọng.
  • Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gặp nhau hôm 27/4, một động thái ngoại giao chưa từng diễn ra trong hơn một thập kỷ qua. Những điểm quan trọng nhất trong Tuyên bố chung Triều Tiên – Hàn Quốc: “Cam kết không xâm lược, tổ chức họp mặt các gia đình ly tán và ký hiệp ước hòa bình”. Thông điệp mà Ông Kim viết trong sổ lưu bút tại Nhà Hòa bình: “Một lịch sử mới bắt đầu hôm nay – tại điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa bình.”
  • Nhưng thông tin lý thú nhất lại do một quan chức cao cấp của chính phủ tiết lộ, và được báo Maeil Kyungjae trích lại. Theo quan chức ẩn danh này, ông Kim Jong-un đã nói với ông Moon Jae-in ý muốn tiến hành cải cách theo mô hình của Việt Nam: một quốc gia vừa bảo tồn quyền lực cộng sản, vừa thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nền kinh tế và duy trì quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ. Kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đã mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đa dạng hóa đa phương hóa mối quan hệ với quốc tế, nên thu hút được đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đang chậm trong việc cải cách thể chế, trong việc phát huy tốt nguồn nhân lực, chưa phát triển kinh tế tư nhân đúng như tiềm năng.
  • Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Trung Quốc – Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu tại Tokyo, Nhật Bản ngày 9/5. Trong bản thông cáo chung, lãnh đạo 3 nước tái khẳng định tầm quan trọng của phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên để hướng tới hòa bình, ổn định lâu dài. Thủ tướng Trung Quốc đã dùng khá nhiều thời gian đặc biệt nhắc đến tầm quan trọng của sự tự do mậu dịch của thế giới. Trước đó, hãng tin Asahi của Nhật ngày 29/3 cũng loan tin Nhật Bản đề nghị với chính phủ Triều Tiên họp thượng đỉnh song phương giữa lãnh đạo của hai nước. Bình Nhưỡng và Tokyo đã thảo luận về khả năng một hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều sẽ được tổ chức vào tháng Sáu tới. Bình Nhưỡng hy vọng sẽ nhận được từ 20 đến 50 tỷ USD viện trợ từ Nhật Bản nếu hai nước bình thường hóa quan hệ. Thủ tướng Shinzo Abe đã gặp Tổng thống Donald Trump t ại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida vào ngày 17-18/4 để thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên cũng như các vấn đề khác. Lo ngại bị gạt ra ngoài cuộc chơi trong “ván cờ” hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là mục đích chính của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
  • Các nguồn tin Washington Post ngày 18/4 cho biết Giám đốc CIA Mike Pompeo bí mật đến Triều Tiên hồi đầu tháng 4 và gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chuyến đi của ông Pompeo tới Triều Tiên diễn ra sau khi ông được tổng thống đề cử ngoại trưởng Mỹ. Dịp này, ông Pompeo tới Bình Nhưỡng với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Trump, với nhiệm vụ được cho là chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa tổng thống Mỹ và ông Kim Jong-un. Ngày 8/5 , ông Mike Pompeo, lần đầu tiên trong cương vị Ngoại trưởng lại đến Triều Tiên lần thứ hai trong vòng hơn 1 tháng cũng để thảo luận chi tiết về hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Mỹ – Triều Tiên. Trên đường về nước trên máy bay chở Bộ trưởng Ngoại giao có 3 công dân Mỹ đã bị giam cầm ở Triều Tiên đã được trả tự do. Tổng thống Trump và phu nhân đã đích thân đón họ lúc 3 giờ sáng tại phi trường chứng tỏ sự quan trọng của biến cố này. Sáng 10/5, Tổng thống Trump viết trên Twitter cho biết sẽ gặp lãnh tụ Bắc Hàn ở Singapore vào ngày 12/6 tại Singapore, chấm dứt những tin đồn đoán về những địa điểm có thể tổ chức buổi họp như Thụy Điển, Phần Lan, Việt Nam, Bàn Môn Điếm. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố: “Cả hai chúng tôi sẽ cố gắng biến nó thành một khoảnh khắc đặc biệt cho Hòa bình Thế giới”.
  • Về tình trạng liên quan đến 10,000 nhà khoa học nguyên tử Triều Tiên, trong đó có 200 lãnh đạo nòng cốt, 2,000 chuyên gia và 6,000 kỹ thuật viên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 9/5 đã đề nghị Bình Nhưỡng đưa các nhà khoa học ra nước ngoài và phá hủy dữ liệu chương trình vũ khí hạt nhân để đảm bảo phi hạt nhân hóa hiệu quả nhất, tuy nhiên ông không đề cập đến nước nào và Trung Quốc cũng theo dõi vấn đề này rất kỹ. Cách đây mấy năm, khi đề cập đến viễn ảnh thống nhất trên bán đảo Triều Tiên thì đã có vài nguồn tin cho rằng 3 nước có thể nhận vài chục ngàn cấp lãnh đạo Bắc Triều Tiên là Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ và Việt Nam.

NHỮNG TRỞ NGẠI VÀ CHUẨN BỊ

Sau nhiều tháng hồ sơ Bắc Triều Tiên có những biến đổi ngoạn mục, trong những ngày giữa tháng 5/2018, không khí đột nhiên căng thẳng trở lại, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đe doạ về “một kịch bản Libya” với Bắc Triều Tiên rồi tiếp đó Phó tổng thống Mike Pence cảnh báo Triều Tiên có thể đối mặt với việc thay đổi chế độ “nếu ông Kim Jong Un không đạt được thỏa thuận” và lặp lại sự cần thiết của một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng (CVID). Lời tuyên bố của ông Bolton lúc đầu được giới quan sát xem như là “vạ miệng” nhưng lời tuyên bố tiếp đó của Phó tổng thống Mike Pence phải được xem như là lối đánh phủ đầu của Hoa Kỳ trước hành động của Bắc Triều Tiên sau buổi họp lần thứ hai với Trung Quốc. Ngày 24/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố “hủy” cuộc gặp thượng đỉnh vì sự giận dữ khủng khiếp và thù nghịch công khai thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của Chủ tịch Kim Jong-un sau buổi gặp lần thứ hai với Chủ tịch Tập Cận Bình. Bức thư của ông Trump có đoạn: “Thật đáng buồn, vì sự giận dữ khủng khiếp và thù nghịch công khai thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ngài, tôi cảm thấy rằng lúc này không phù hợp để tổ chức cuộc gặp đã mất nhiều thời gian hoạch định này”. Ngày 25/5, một ngày sau tuyên bố hủy Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump lại vừa tuyên bố khả năng cuộc gặp có thể vẫn diễn ra như đã định.

Trong tuần lể cuối tháng 5/2018, dồn dập diễn biến ngoại giao giữa Mỹ và Bắc Triều tiên diễn ra tại Hoa Kỳ, Bàn Môn Điếm và Singapore. Bắc Triều Tiên đã cử các quan chức hàng đầu tới Hoa Kỳ và Singapore, và theo Reuters, đây là chỉ dấu mới nhất cho thấy cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump có thể diễn ra, dù nguyên thủ Mỹ từng tuyên bố hủy. Ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Công nhân cầm quyền, dự kiến tới Hoa Kỳ ngày 30/5 sau khi trao đổi với các quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Tầm quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim còn được thể hiện rõ qua việc Donald Trump chỉ định ông Sung Kim, từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Seoul và hiện tại chức ở Philippines, làm trưởng đoàn đàm phán. Tháp tùng ông Sung Kim còn có bà Allison Hooker, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ và ông Randall Schriver, thứ trưởng Quốc Phòng. Các quan chức Mỹ hôm 27/5 vượt lằn ranh phân chia hai miền Triều Tiên ở khu phi quân sự để sang Bắc Hàn đàm phán nhằm chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Bình Nhưỡng và Washington. NHK đưa tin, các quan chức Mỹ gồm Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách hoạt động, Joe Hagin, đã rời một căn cứ không quân Mỹ ở Nhật Bản để tới Singapore hôm 28/5.

Hôm 1/6, Tổng Thống Donald Trump nói ông sẽ gặp Chủ Tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn tại Singapore vào ngày 12/6 trong một cuộc họp thượng đỉnh mà ông từng viết thư thông báo hủy bỏ. Theo CNN, ông Trump tiếp ông Kim Yong Chol, nhân vật cao cấp nhất của Bắc Hàn đến Tòa Bạch Ốc trong 18 năm qua và nhận lá thư của Chủ Tịch Kim Jong Un do ông này trao.

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH

Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Singapore hôm 10/6 vài giờ sau lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un. Cuộc họp được mong đợi nhiều giữa hai nguyên thủ quốc gia đã diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trong một khoảnh khắc lịch sử tại Khách sạn Capella trên Đảo Sentosa ở Singapore, ngày 12 tháng 6, 2018.

Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ – Triều diễn ra sáng ngày 12/6 tại Singapore. Sau khi bắt tay gặp gỡ, hai nhà lãnh đạo đã bước vào phòng hội đàm trực tiếp cùng với phiên dịch mà không có quan chức nào đi cùng. Buổi họp diễn ra đúng lịch trình khoảng 45 phút. Sau đó là buổi họp mở rộng với thêm 3 viên chức mổi bên. Phái đoàn Triều Tiên gồm có Ri Su-yong, quan chức ngoại giao hàng đầu/cựu đại sứ Triều Tiên tại Thụy Sĩ khi Kim Jong-un còn đi học ở đây. Kim Yong-chol, cựu trưởng phụ trách tình báo và giờ là phó chủ tịch Đảng Lao động. Ri Yong-ho, bộ trưởng ngoại giao. Phái đoàn Mỹ gồm có Chánh Văn phòng Nhà Trắng, John Kelly; Ngoại trưởng Mike Pompeo; Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.

Chiều 12/6, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã ký kết bản Tuyên bố chung. Văn kiện này bao gồm 4 điểm trong đó có 2 điểm chính như mọi người tiên đoán:

  • Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên sẽ cùng hỗ lực xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
  • CHDCND Triều Tiên cam kết hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Những vấn đề chi tiết như sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ, bảo đảm an ninh cho bán đảo Triều Tiên, trợ giúp kinh tế, tuyên bố chính thức về kết thúc chiến tranh chắc chắn đã được thảo luận nhưng không đề cập đến trong bản thông cáo.

NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ

  • Rất nhiều yêu cầu tuy đơn giản nhưng quan trọng đã được đặt ra cho những người làm công tác chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều để bảo đảm sự ngang bằng của 2 quốc gia từ lựa chọn khách sạn, đoàn xe hộ tống, các lối vào phòng họp, các loại đồ uống là gì, hình dáng bàn họp, sắp xếp vị trí tại bàn tiệc v.v..
  • Dự kiến có khoảng 3,000 phóng viên từ khắp nơi trên thế giới tới để đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
  • Chiều 10/6, máy bay Boeing 747 được cho là chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đáp xuống sân bay Changi của Singapore. Đây là một chiếc máy bay của hãng hàng không Air China chuyên để phục vụ các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi sử dụng máy bay và phụ thuộc dịch vụ của Trung Quốc để đảm bảo an ninh, ông Kim Jong-un vẫn cân nhắc đến Hoa Kỳ, Việt Nam và Philippines khi tránh khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Phi cơ bay qua Vịnh Bắc Bộ nhưng tránh bay vào cái gọi là “đường 9 đoạn” hay còn gọi là dường lưỡi bò trên Biển Đông. Hành trình ông Kim Jong-un trở về Triều Tiên còn chưa được công bố, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên sử dụng chiếc Air China 747 sẽ khiến ông dễ dàng dừng chân tại Bắc Kinh để tiện trao đổi với ông Tập Cận Bình về kết quả thượng đỉnh Mỹ – Triều.
  • Theo hãng tin AP, trong phái đoàn dự hội đàm chính thức có lẽ chưa tới 10 người, đã có tới 4 phụ nữ. Đầu tiên phải kể tới cô Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, được cho là có độ tuổi trong khoảng từ 25-30. Người phụ nữ thứ 2 là bà Choe Son-hui, thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên. Người phụ nữ thứ 3 là bà Hyon Song-wol, ngoài 30 tuổi, phụ trách ban nhạc toàn nữ rất nổi tiếng của Triều Tiên là Moranbong. Điều cần để ý bà là bạn gái củ của ông Kim. Người phụ nữ thứ tư là bà Kim Sung-hae, giám đốc phụ trách một bộ phận thuộc Ban Mặt trận thống nhất của Triều Tiên, một tổ chức thuộc Đảng Lao động Triều Tiên chuyên giải quyết các vấn đề quan hệ Hàn – Triều.

Bà Hyon Song-wol

  • Howard X, người đóng giả lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã xuất hiện cùng Dennis Alan, bản sao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại trung tâm thương mại Bugis Junction ở Singapore hôm 9/6, theo AFP. Trong sự kiện quảng bá có tên “Hội nghị Trump – Kim đích thực”, hai người đàn ông đã vẫy tay với đám đông tại khu mua sắm. Người dân hào hứng chụp lại khoảnh khắc thú vị khi họ bắt tay và ôm nhau trên sân khấu. Tuy nhiên, những người muốn chụp hình lưu niệm chung với bản sao của hai lãnh đạo Mỹ – Triều phải tải ứng dụng mà bộ đôi đang quảng cáo và trả 11 USD cho những bức ảnh có mặt cả hai.

Howard X là diễn viên người Australia, đã từng nhiều lần đóng giả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng “đồng nghiệp” Dennis Alan, người đóng giả Tổng thống Mỹ Donald Trump.

  • Nhà hàng Harmony Nasi Lemak trong trung tâm mua bán Suntec City vào loại lớn nhất Singapore đã tung ra món Nasi Lemak rất phong cách “thượng đỉnh” có tên gọi Trump Kim-Chi. Trong món mới này có hai nguyên liệu mang đậm văn hóa ẩm thực của Triều Tiên là kim chi và thịt bò khô của Mỹ. Giá cho mỗi món Nasi Lemak đặc biệt này cũng khá đỉnh: 21 SGD mỗi phần (khoảng 15 USD) nhưng ông chủ nhà hàng biện hộ: “Tôi hy vọng mọi người không thấy món ăn mới như một mánh lới quảng cáo, mà là nghĩ về ý tưởng đằng sau nó”.

Món Nasi Lemak rất phong cách “thượng đỉnh” có tên gọi Trump Kim-Chi

  • Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã tranh thủ thăm thú đảo quốc Singapore trước khi bước vào cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào sáng 12/6. Nhiều địa điểm nổi tiếng tại Singapore đã đóng cửa sớm để đón ông Kim Jong-un và phái đoàn Triều Tiên. Ông Kim và phái đoàn Triều Tiên đã thăm Gardens by the Bay, công viên SkyPark của khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands. Đây đều là những điểm đến hấp dẫn và thu hút rất nhiều khách du lịch tại Singapore.
  • Nổi tiếng về ngoại giao hoa lan, Singapore có cả bộ sưu tập quốc hoa được đặt theo tên các lãnh đạo thế giới, từ Anh, Mỹ, Đức đến Triều Tiên, Trung Quốc. Các nhà thực vật học, giới truyền thông và các nhà phân tích đều đang tò mò xem Singapore có thể hiện “ngoại giao phong lan” với Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp Thượng đỉnh dự kiến diễn ra ở đây ngày 12/6 tới hay không.
  • Hoa lan vốn là quốc hoa của Singapore và vì thế, một trong những vinh dự lớn lao nhất mà Đảo quốc Sư tử này dành cho các yếu nhân và người nổi tiếng đến thăm đất nước này là đặt tên của họ cho một loài hoa lan mới.

  • Buổi ăn trưa làm việc có tổng cộng 14 người tham dự, bao gồm ông Kim và ông Trump. Phía đoàn ông Trump có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, Chánh văn phòng Nhà Trắng Sarah Sanders, Đại sứ Mỹ ở Philippines Sung Kim và Phó Trợ lý Tổng thống phụ trách các vấn đề châu Á Matthew Pottinger. Phía ông Kim có Ngoại trưởng Ri Yong-ho, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui, Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang-chol, em gái ông Kim là Kim Yo-jong và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong- chol. Thực đơn dường như là sự kết hợp giữa các món ngon của phương Đông và phương Tây, gồm các món khai vị sau: cocktail tôm và quả bơ; xoài xanh trộn sốt chanh mật ong và bạch tuộc tươi; dưa chuột nhồi Oiseon truyền thống của Triều Tiên. Món chính gồm có sườn bò ăn với sốt vang đỏ, khoai tây và súp lơ luộc; thịt heo chua ngọt ăn cùng cơm rang Dương Châu phủ sốt ớt XO; món cá kho Daegu jorim truyền thống Triều Tiên. Món tráng miệng là bánh sôcôla đen.

KẾT LUẬN

Phân tích những gì xảy ra trong thời gian vừa qua, mọi người cần nắm vững ý định thật sự của Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Đối với Hoa Kỳ, Tổng thống Trump muốn có một kết quả ngoạn mục để chứng tỏ ông là người đầu tiên có thể mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Điều quan trọng nhất là sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc và Bán đảo Triều Tiên trong dài hạn. Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì ngoài mặt là ưu tiên số một của Hoa Kỳ nhưng thực tế thì cũng có vài điều phải suy nghĩ. Thật sự thì 2 nước không muốn thấy Bắc Triều Tiên có vũ khí nguyên tử lại là Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với Bắc Triều Tiên thì ưu tiên chính như sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ và sự giúp đỡ kinh tế từ Hàn Quốc. Trung Quốc là cường quốc số một tại Á Châu, chắc chắn họ không muốn bị loại ra khỏi các cuộc thương thuyết. Bắc Triều Tiên, từ khi chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ 1953 vẫn là một trong những nước chậm tiến nhất Á Châu về phương tiện kinh tế. Giữ Bắc Triều Tiên trong vòng kiềm tỏa của mình là mục tiêu chính của Trung Quốc nhưng dùng Trung Quốc để kềm chế Hoa Kỳ không phải là mục tiêu của Bắc Triều Tiên. Các phái đoàn Bắc Triều Tiên thăm viếng Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã báo cáo cho ông Kim Jong-un rất cặn kẻ về sự phát triển của Hàn Quốc. Kim Jong-un cũng đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng ông ta rất xấu hổ về sự tụt hậu của miền Bắc. Dù muốn dù không, Bắc Triều Tiên là nước rất cần buổi họp thượng đỉnh với Hoa Kỳ. Đem vũ khí nguyên tử cũng như muốn ngồi ngang hàng với Hoa Kỳ chỉ là ngoài mặt. Đi với Hoa Kỳ là điều không dễ dàng nhưng là cách duy nhất để phát triển miền Bắc để đạt đến mục đích tối hậu là thống nhất đất nước trong hòa bình và thịnh vượng. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều muốn có sự hiện diện tại Singapore nhưng điều này đã không xảy ra. Tuy nhiên, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhóm họp và có buổi họp báo tại thủ đô Seoul ngày 14/6. Điều này chứng tỏ sự liên minh vững chắc Mỹ-Hàn-Nhật trong thời gian sắp tới.

Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore sẽ chỉ là bước khởi đầu. Mỹ không trông đợi sẽ đạt được thỏa thuận chi tiết ở Singapore. Tổng thống Trump mô tả cuộc gặp gở này là “tình huống để làm quen với nhau”. Ông nói thêm: “Đây sẽ là một quá trình.”

THAM KHẢO

  1. Quan hệ Việt Nam – Bán đảo Triều Tiên – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Quan hệ Bắc Triều Tiên – Việt Nam – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  3. Bài viết “Chính trị Pháp Quốc-Hàn Quốc và Hoa Kỳ” của tác giả ngày 15/6/2017.
  4. Bài viết “Mỹ xây căn cứ quân sự lớn nhất châu Á tại Hàn Quốc” trên mạng Đời sống Pháp luật ngày 22/10/2013.
  5. Bài viết “Moon Jae In, vận hội mới trong quan hệ liên Triều ?” trên mạng RFI ngày 10/5/2017.
  6. Bài viết “Cái giá khủng khiếp của hành động quân sự chống Triều Tiên” trên mạng Kiến Thức ngày 27/3/2017.
  7. Bài viết “Hàn Quốc, Đức lập chiến lược thống nhất liên Triều” trên mạng Thanh Niên ngày 28/10/2014.
  8. Bài viết “Bán đảo Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh trên mạng The Observer ngày 3/5/2017.
  9. Bài viết “Thông tin Bắc Triều Tiên” trên mạng An Ninh Thủ Đô ngày 17/4/2014.
  10. Bài viết “Đối thoại Liên Triều : Sự “khôn khéo” của Bắc Triều Tiên” trên mạng An Ninh Thủ Đô ngày 9/1/2018.
  11. Bài viết “Hàn Quốc chi 2.5 triệu USD cho đội cổ vũ và dàn nhạc Triều Tiên” trên mạng Net News ngày 16/2/2018.
  12. Bài viết “Tổng thống Hàn Quốc: Còn quá sớm để bàn về hội nghị thượng đỉnh liên Triều” trên mạng TTXVN/Báo Tin tức ngày 17/02/2018.
  13. Bài viết “Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ có thể diễn ra vào tháng 5 tới” trên mạng KBS World Radio ngày 17/02/2018.
  14. Bài viết “Donald Trump nhận lời mời gặp của Kim Jong Un” trên mạng RFI ngày 9/3/2018.
  15. Bài viết “Mỹ-Triều tiến hành hội nghị thượng đỉnh, Nhật Bản lo ngại bị bỏ rơi” trên mạng DNK Radio ngày 9/3/2018.
  16. Bài viết “Trump gặp Kim: Chiến lược của Mỹ hiệu quả” trên mạng BBC ngày 10/3/2018.
  17. Bài viết “Ngoại trưởng Triều Tiên tới Thụy Điển bàn về thượng đỉnh Mỹ-Triều? trên mạng VOV.VN ngày 15/3/2018.
  18. Bài viết “Quan chức Bắc Triều Tiên đến Phần Lan đàm phán bán chính thức với đại diện Hàn, Mỹ” trên mạng KBS World Radio ngày 18/3/2018.
  19. Bài viết “Sẵn sàng hoan nghênh đối thoại Trump – Kim Jong Un ở Việt Nam” trên mạng Quochoi.Org ngày 18/3/2018.
  20. Bài viết “Nam Hàn Hy Vọng Bắc Hàn Đổi Mới Chế Độ Kiểu VN” trên mạng Vietbao Online ngày 19/3/2018.
  21. Bài viết “Cuộc gặp gỡ giữa Trump và Kim Jong Un đã được chuẩn bị tới đâu?” trên mạng Zing.VN ngày 21/3/2018.
  22. Bản dịch “Khủng hoảng Triều Tiên chỉ là một sô diễn?” trên mạng Nghiên Cứu Quốc tế ngày 20/9/2017 từ báo The Observer.
  23. Bản dịch “Ông Kim Jong-un “tấn công quyến rũ” Nhật Bản, tìm kiếm 50 tỉ USD viện trợ?” trên mạng Giáo Dục Việt Nam ngày 30/3/2018.
  24. Bài viết “Cựu ngoại trưởng Hàn Quốc: Đừng rơi vào bẫy của Kim Jong-un” trên mạng Giáo Dục Việt Nam ngày 30/3/2018
  25. Bài viết “Căng thẳng với Mỹ và TQ đẩy Hàn Quốc gần Việt Nam?” trên đài VOA ngày 3/4/2018.
  26. Bài viết “Toàn văn ‘Tuyên bố chung Panmunjom’ giữa hai miền Triều Tiên” trên báo Tin Tức ngày 27/04/2018.
  27. Bài viết “Cả Hàn Quốc, Triều Tiên đều không muốn Trung Quốc can dự vào bán đảo” trên mạng GDVN ngày 29/4/2018.
  28. Bài viết “Bắc Triều Tiên muốn phát triển theo mô hình Việt Nam?” trên mạng GDVN ngày 4/5/2018.
  29. Bài viết “Kim Jong-un ‘thích chính sách Đổi Mới’ của VN” trên mạng BBC ngày 8/5/2018.
  30. Bài viết “Tổng thống Hàn Quốc đã trao cho ông Kim Jong-un kế hoạch hội nhập kinh tế 2 miền” trên mạng GDVN ngày 8/5/2018.
  31. Bài viết “Hoa Kỳ nói muốn giúp tái thiết Bắc Hàn” trên đài BBC ngày 12/5/2018.
  32. Bài viết “LHQ được tiếp cận Bắc Hàn ở mức chưa từng có” trên đài BBC ngày 12/5/2018.
  33. Bài viết “Số phận của 10,000 nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên” trên mạng Dân Việt ngày 15/5/2018.
  34. Bài viết “Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore sẽ chỉ là bước khởi đầu” trên đài RFI ngày 5/6/2018.
  35. Bài viết “Toàn văn tuyên bố chung lịch sử Tổng thống Mỹ và Lãnh đạo Triều Tiên” trên mạng VOV.VN ngày 12/6/2018.
  36. File: ITN-061517-QT-Bước ngoặc trên bán đảo Triều Tiên.doc

Nguyễn Mạnh Trí
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
Tu chỉnh: 15 tháng 6 năm 2017