Tình hình Biển Đông 6 tháng đầu 2018

537 (lượt xem) |

TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG SÁU THÁNG ĐẦU 2018

Sáu tháng đầu 2018 đánh dấu bằng 4 sự kiện quan trọng trong mối bang giao Trung-Mỹ:

  • Đầu tiên là sự Tranh chấp thương mãi giữa Hoa Kỳ và các đối tác trên thế giới trong đó Trung Quốc là đối thủ chính. Đây chỉ là một sự khởi đầu cho một tiến trình tranh chấp lâu dài mà chưa ai đoán được hậu quả.
  • Ngày 18/12/2017, chính phủ Mỹ công bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia  (NSS) mới, chiến lược đầu tiên thời tổng thống Trump. Bên cạnh vấn đề được chú ý hàng đầu là việc Washington coi Nga và Trung Quốc như hai đối thủ chính, đe dọa trực tiếp “các giá trị và lợi ích” của Hoa Kỳ, có một điểm ít được chú ý hơn nhưng không kém phần ý nghĩa. Đó là lần đầu tiên “khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, như nhận xét của một chuyên gia về Nam Á và quan hệ Mỹ-Ấn Độ. Cùng với sự thay đổi này, một “khối kim cương” gồm Mỹ – Nhật – Ấn – Úc cùng với các đồng minh hay đối tác Đông Nam Á nhằm đối phó lại với tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và khu vực. Vào tháng 5/2018, Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương (PACOM) thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDO-PACOM).
  • Ngày 23/5/2018, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo: “Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể có tranh chấp tại Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực. Như một phản ứng ban đầu đối với hành động nói trên của Trung Quốc, chúng tôi đã rút lại lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018.” Cùng một lúc, Việt Nam và Israel, Brazil, Sri Lanka lần đầu tiên sẽ tham dự cuộc tập trận hải quân này. Báo chí quốc tế cho hay cuộc tập trận RIMPAC năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8 tại Hawai, sẽ có tới 27 nước trên thế giới đưa lực lượng hải quân tới tham dự với sự tham gia của 47 tàu mặt nước, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25,000 quân nhân. Các hoạt động diễn tập trên bộ sẽ có sự tham gia của các lực lượng đến từ 18 nước.
  • Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên 12/6 tại Singapore hoàn tất mà không có sự tham dự của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dù sau đó, Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đều có gởi phái đoàn đến các quốc gia liên hệ để thông báo kết quả sơ khởi của cuộc thảo luận.

Trong chuyến thăm viếng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 27/6. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết duy trì hòa bình nhưng không thể từ bỏ “một tấc đất” nào mà tổ tiên để lại. Phát biểu của ông Tập thể hiện rõ những vấn đề gây căng thẳng đã ăn sâu trong quan hệ Mỹ-Trung, nhất là đối với quan điểm của Lầu Năm Góc là Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng trong giao thương quốc tế. Bắc Kinh cũng hết sức ngờ vực ý định của Mỹ đối với hòn đảo tự trị và theo thể chế dân chủ Đài Loan vốn được Mỹ trang bị vũ khí. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng của họ.

TRUNG QUỐC

Trung Quốc trong năm 2018 tiếp tục chính sách chính của mình là “tằm ăn dâu”, đồng thời có các động thái chủ động ngăn chặn, răn đe các nước khác cạnh tranh “chủ quyền” của họ trên Biển Đông thông qua chiến thuật “đánh phủ đầu”, theo một nhà phân tích chính trị và bang giao quốc tế từ Hoa Kỳ. Nhưng hiện nay, theo tác giả bài phân tích, giọng điệu của Trung Quốc đã đổi khác. Họ đã có những phát biểu theo chiều hướng tạo nền tảng cho việc triển khai một lực lượng quân sự hùng hậu hơn khi cho rằng tình hình Biển Đông sẽ buộc Trung Quốc phải làm như vậy trên các căn cứ ở Trường Sa, vốn đã được thiết kế để có thể tiếp nhận các loại vũ khí như vậy.

TÌNH HÌNH KINH TẾ

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện là chủ đề nóng trên chính trường thế giới. Các chuyên gia cho rằng, tranh chấp thương mại giữa 2 nước sẽ không mang lại lợi ích cho bên nào cũng như làm tổn hại tới lợi ích nền kinh tế toàn cầu. Chia sẻ về tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhận định việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế lẫn nhau có thể gây hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đến 2 bên mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Về lâu về dài, nếu Tổng thống Trump quyết tâm với sự ủng hộ của các thế lực tài chánh, quốc hội và dân chúng thì Hoa Kỳ sẽ ở thế thượng phong và Trung Quốc sẽ phải làm những nhượng bộ cần thiết để giảm sự thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ.

MẶT TRẬN QUÂN SỰ

  • Tân Hoa Xã hôm 10/2 loan tin đưa các loại chiến đấu cơ tối tân nhất, gồm cả hai loại chiến đấu cơ tàng hình SU-35 và J-20 phối hợp “tuần tra tác chiến” trên khu vực Biển Đông.
  • Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) là một trong 7 hòn đảo nhân tạo Trung Quốc đã thiết lập. Trong 7 đảo này, Đá Chữ Thập quan trọng hơn cả, cũng là nơi được xây dựng nhiều nhất trong năm ngoái, với những ngôi nhà chiếm diện tích tổng cộng 100,000 m². Một phi đạo dài 3,000 m đã hoàn tất vào năm 2015 với những nhà kho lớn ở phía Nam có thể chứa các máy bay ném bom, các thùng xăng tiếp liệu và máy bay vận tải. Một viện nghiên cứu ở thủ đô Washington DC Mỹ loan tin rằng Trung Quốc đang biến hòn đảo nhân tạo trên đảo Đá Chữ Thập thành một trung tâm thông tin để trấn ngự cả vùng biển Đông Nam Á. Tổ chức CSIS Asia Maritime Transparency Initiative đưa ra thông báo trên dựa vào những không ảnh chụp từ vệ tinh nhân tạo góc Đông Bắc của Đá Chữ Thập, và so sánh với những hình chụp được đăng trên tờ báo Philippine Daily Inquirer ở Manilla, cho thấy những giàn tiếp nhận tín hiệu lớn hơn các ăng ten trên tất cả các đảo khác trong vùng Trường Sa.
  • Cổng thông tin của chính phủ Trung Quốc cho biết 11 tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển vào Ấn Độ Dương trong tháng 2/2018, giữa lúc đang xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Maldives. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Cổng thông tin Sina.com.cn nói một hạm đội tàu khu trục và ít nhất một tàu khu trục cỡ nhỏ, một tàu đổ bộ với trọng tải 30,000 tấn và ba tàu chở dầu tiếp liệu tiến vào Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, cổng thông tin này không đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Maldives hoặc đưa ra một lý do nào cả.
  • Ngày 5/4/2018, Hải quân Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập lớn chưa từng có ở trên Biển Đông. Ngoại trừ tàu sân bay Liêu Ninh còn có hơn 40 chiến hạm và tàu ngầm khác từ các hạm đội Bắc, Đông và Nam Hải với mục đích biểu dương sức mạnh trên biển trước toàn thế giới.
  • Wall Street Journal ngày 9/4, tiết lộ thông tin, trích dẫn một quan chức thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ, theo đó “Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu quân sự tới các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa”. Các thiết bị mà Bắc Kinh lắp đặt gần đây trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) có khả năng phá rối các hệ thống ra-đa và liên lạc vô tuyến điện.
  • Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington tiết lộ hôm 2/5/2018, trích dẫn các nguồn tin từ tình báo Hoa Kỳ theo đó, Trung Quốc đã trang bị tên lửa là các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trong thời gian gần đây tại Trường Sa: Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef). CNBC ghi nhận : Loại tên lửa mà Trung Quốc được cho là đã bố trí tại khu vực Trường Sa là tên lửa chống hạm YJ-12B, có thể bắn trúng tàu thuyền trong phạm vi 295 hải lý, và tên lửa địa đối không tầm xa HQ-9B dùng để bắn hạ phi cơ, drone, hay tên lửa hành trình của đối phương trong phạm vi 160 hải lý. Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay quân sự tới một hòn đảo nhân tạo thứ ba ở Biển Đông, tổ chức có tên gọi ho biết. Máy bay quân sự Shaanxi Y-8 đã đáp xuống bãi đá Subi ở Trường Sa

Bức ảnh vệ tinh chụp ngày 28/4 cho thấy một chiếc máy bay vận tải Y-8 của Trung Quốc đang đậu trên đường băng ở đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa (Ảnh: AMTI)

  • Lần đầu tiên phi cơ ném bom H-6K của Trung Quốc hạ cánh trên vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông, lực lượng không quân nước này nói, khiến Hoa Kỳ ra cảnh báo mới rằng điều này sẽ gây bất ổn trong khu vực. Một số phi cơ ném bom H-6K đã rời căn cứ không quân ở Nam Trung Quốc và hạ cánh xuống đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, China Daily hôm 19/5 dẫn nguồn từ tuyên bố do Lực lượng Không quân Trung Quốc đưa ra hôm thứ Sáu 18/5.

HOA KỲ

Ngày 9/1/2018, chính quyền Donald Trump vừa có một phản đối thuộc loại mạnh mẽ nhất nhắm vào các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông. Washington tố cáo Bắc Kinh có “hành vi quân sự hóa mang tính chất khiêu khích”  tại vùng biển đang tranh chấp. Theo tờ báo Nhật Bản Japan Times, ông Brian Hook, cố vấn cao cấp về chính sách của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, đã cho biết là vấn đề này đã được phía Mỹ nêu ra ở tất cả các cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh với Trung Quốc. Mỹ cho rằng các hành vi quân sự hóa mang tính khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông” đang “thách thức luật pháp quốc tế”. Theo nhân vật này, “Trung Quốc đang bắt nạt các nước nhỏ hơn” làm cho tình hình căng thẳng.

 MẶT TRẬN THƯƠNG MÃI

Ngày 8/3, quan chức 11 quốc gia thành viên của Thái Bình Dương đã chính thức ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 loan báo Hoa Kỳ sẽ tham gia hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 11 nước nếu hiệp định này có thể đạt thỏa thuận tốt hơn những gì đạt được trước đây. Ngày 28/2, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định Tổng thống Donald Trump sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, New Zealand và Brunei.

  • Nhân Triển Lãm Hàng Không Quốc Tế mở ra tại Singapore hôm 6/2/2018, Hoa Kỳ đã có một động thái hiếm hoi: Lần đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay, Washington cử nhà ngoại giao hàng đầu chuyên trách việc bán vũ khí đến tận nơi để quảng bá cho vũ khí Mỹ. Mục tiêu không ngoài việc rao bán cho các nước trong vùng, đặc biệt là Đông Nam Á. Theo hãng tin Mỹ AP, bà Tina Kaidanow, nhân vật lãnh đạo bộ phận giám sát hồ sơ bán vũ khí tại bộ Ngoại Giao Mỹ, sẽ có mặt tại Singapapore trong suốt thời gian diễn ra cuộc triển lãm (6-10/02). Tháp tùng theo bà đến Singapore là một phái đoàn hùng hậu, trong lúc tại cuộc triển lãm đã có đến hơn 170 công ty Mỹ tham gia, với những gian hàng chiếm đến 1/3 không gian của hội chợ.
  • Văn kiện mới của CPTPP, Hiệp định về tự do thương mại trong vùng Thái Bình Dương đã được ký kết vào ngày 8/3. Nhiều đề nghị của Mỹ bị rút bỏ. Theo AFP, trong văn bản thỏa thuận mới không có 22 điều lệ do Washington đề nghị, phần lớn liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng chế thuốc men. Những thành viên còn lại trong TPP e ngại các biện pháp bảo vệ quyền lợi kinh tế của “nước Mỹ trước đã” của tổng thống Donald Trump sẽ làm giá thuốc leo thang. Tuy nhiên, CPTPP cũng buộc các nước thành viên như Mexico, Malaysia và Việt Nam phải cải thiện luật lao động, bảo vệ quyền lợi công nhân. Ngày 21/2, một nhóm gồm 25 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa của Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump quay trở lại bàn đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhóm thượng nghị sĩ nói trên chiếm gần phân nửa trong số 51 ghế tại thượng viện và bao gồm các nhân vật kỳ cựu như John Cornyn, Orrin Hatch và John McCain, theo tờ The Washington Post. Lên tiếng trong một cuộc họp thượng đỉnh về đầu tư do Phòng Thương Mại Mỹ tổ chức h ôm 25/2/2018, ông Mnuchin, bộ trưởng Tài Chánh Mỹ, nói rằng việc tái thương thuyết Hiệp Ðịnh TPP đang được đặt ra. Ông đang nói chuyện với các quốc gia khác về những điều kiện cần thiết để Mỹ tham dự trở lại, theo bản tin của báo New York Times.
  • Với con số kỷ lục 10.27 triệu thùng/ngày, Mỹ chính thức vượt Ả-rập Xê-út về sản lượng và gần đuổi kịp Nga- quốc gia khai thác dầu lớn nhất thế giới.

MẶT TRẬN NGOẠI GIAO

Nhưng diễn biến và kết quả hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng như các cuộc tiếp xúc song phương bên lề giữa ông Donald Trump với nguyên thủ các nước khác dường như cho thấy, chủ nhân Nhà Trắng đang chiếm thế thượng phong dù rằng bị chống đối bởi hầu hết các nước khác. Các thành viên G-20 còn lại phải chấp nhận nhượng bộ Hoa Kỳ về vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu “để giữ lấy sự ổn định mong manh” của tổ chức này.

MẶT TRẬN QUÂN SỰ: Ngày 19/12/2017, phát biểu tại một cuộc họp báo trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Nhật Bản, Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho biết các tàu chiến đến từ Hạm đội 3 của Mỹ ở Đông Thái Bình Dương sắp tới có thể sẽ được triển khai để tăng viện cho lực lượng hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu 2018, các nhóm tàu sân bay tác chiến và các tàu khu trục tên lửa dẫn đường đã 5 lần thực thi chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa.

  • Hải quân Mỹ sẽ đưa vào khai thác sử dụng hai máy bay trinh sát không người lái MQ-4C Triton do tập đoàn Northrop Grumman chế tạo với tầm hoạt động 8,200 hải lý, được thiết kế để phát hiện chiến hạm đối phương và các đối tượng khác trên Thái Bình Dương vào mùa hè năm nay. Hai máy bay này sẽ đặt căn cứ tại đảo Guam, và hai chiếc nữa sẽ được triển khai cũng tại đảo Guam trước năm 2021.
  • Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis vừa đề xuất một đạo luật mà theo nhiều nhận định chính là để vũ khí Mỹ có thể dễ dàng tới Việt Nam. Trong năm 2017, luật “Về chống đối thủ của Mỹ qua biện pháp trừng phạt” (CAATSA) đã được thông qua tại Hoa Kỳ, cho phép áp đặt biện pháp trừng phạt chống Nga, Iran và Triều Tiên, cũng như các cá nhân và các công ty từ các nước thứ ba hợp tác với họ. Tuy nhiên vào hôm thứ Năm, ông James Mattis kêu gọi các thượng nghị sĩ Mỹ thực hiện ngoại lệ cho Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia trong biện pháp trừng phạt chống Nga, nhằm đảm bảo việc cung cấp vũ khí của Mỹ cho những nước này.
  • Bốn thượng nghị sĩ Mỹ vừa giới thiệu một dự luật chi 1.5 tỷ USD quỹ quốc phòng thường niên trong 5 năm để ngăn cản và đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và củng cố quan hệ đối tác quân sự với Đài Loan, theo trang Defense News ngày 15/5. Dự luật gọi tắt là ARIA cho phép bán võ khí thông thường cho Đài Loan và tái khẳng định cam kết an ninh của Mỹ với Nhật, Úc, Hàn Quốc, và các nước đồng minh khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.Thứ tư, 25/1/2017 | 11:35 GMT+7\

VIỆT NAM

Ngày 14 Tháng Hai, 2018, tức ngày 29 Tháng Chạp, báo chí nhà nước VN loan tin tổng thống Mỹ đã gọi điện thoại chúc Tết đến ông chủ tịch nước VN mà ông Thayer nói hai bên có đề cập đến an ninh khu vực và mối quan hệ quốc phòng song phương. Danh sách sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2017 đã được trang Global Firepower công bố vào cuối tháng 2/2018, đáng chú ý là Việt Nam đứng thứ 16, ngay sau Israel, vượt qua cả Thái Lan, Úc, thậm chí là Triều Tiên. Theo bảng xếp hạng, sức mạnh quân sự của Mỹ đứng thứ nhất, tiếp theo là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

KINH TẾ & TÀI CHÁNH

Xem bài “Kinh tế-Chính trị Việt Nam sáu tháng đầu 2018” sẽ đưa lên mạng 1/8/2018.

CHÍNH TRỊ & NGOẠI GIAO

Như đã tiên đoán, hàng không mẫu hạm nguyên tử của Mỹ USS Carl Vinson cùng với tàu tuần dương USS LAKE CHAMPLAIN và tàu khu trục USS WAYNE E. MEYER đã đến cảng Đà Nẵng thăm viếng 5 ngày từ mùng 5 đến 9/3/2018, một chỉ dấu tượng trưng cho cải thiện quan hệ an ninh quốc phòng Việt Mỹ.

  • Truyền thông Việt Nam đưa tin đậm nét trong ngày 14/3, đánh dấu 30 năm xảy ra đụng độ với Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma, Trường Sa, làm 64 thủy thủ Việt tử trận.

QUÂN SỰ & TĂNG CƯỜNG PHÒNG THỦ:

  • Giữa tháng 12/2017, Đại tướng Terrence J. O’shaughnessy, Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đã đến Bộ Quốc Phòng CSVN gặp Thượng tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng Quân Đội, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Hai bên đã trao đổi một số nội dung, phương hướng giao lưu, hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước trong thời gian tới như đào tạo phi công …. Trong chuyến viếng thăm 3 ngày tại Việt Nam, phái đoàn Mỹ đã đến thăm 4 sân bay – Gia Lâm, Nội Bài, Cam Ranh và Biên Hòa.
  • Đài VOA ngày 19/12 đăng bản tin về các ảnh do các vệ tinh Digital Globe chụp hồi tháng 9/2017 cho thấy một số cơ sở mới, trong đó có thể có một ụ cạn ở Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam đã bồi đắp khoảng 120 mẫu Anh trên 10 đảo nhỏ kể từ năm 2014, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ. Để so sánh, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3,200 mẫu Anh trên bảy thực thể ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các cảng, hải đăng và đường băng.

Đảo đá Tây phía cực Tây quần đảo Trường Sa 2013 và 2016

  • Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng vừa dự lễ công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng hôm 8/1. Như tên gọi, lực lượng mới này của quân đội với quân số 10,000 người sẽ tập trung hoạt động trên mạng internet để “bảo vệ Tổ Quốc”. Tác giả Sam Bocetta, một chuyên gia quốc phòng ở Mỹ tin rằng Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng không phải để “phổ biến chủ nghĩa Cộng Sản” cho chính phủ Việt Nam. Theo ông Bocetta, một người từng làm việc hợp đồng cho Hải quân Hoa Kỳ, thì đây cũng là cơ hội để Hoa Kỳ cung cấp công nghệ mạng cho Việt Nam. Điều này, nếu xảy ra, không chỉ giúp cân bằng quan hệ thương mại mà Hoa Kỳ đang muốn tăng phần hàng xuất sang Việt Nam lên, mà còn giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng.
  • Hai Bộ trưởng Quốc phòng của Liên bang Nga và Hoa Kỳ đã có chuyến thăm Việt Nam gần như cùng một lúc để thảo luận về hợp tác quốc phòng về chiến lược cũng như thông thương vũ khí. Ngày 23/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu đã có cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam, tướng Ngô Xuân Lịch. Moscow và Hà Nội đang xây dựng kế hoạch hợp tác quân sự cho năm 2018-2020, bao gồm các cuộc tập trận chung giữa hai nước. Chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có mục đích “xây dựng lòng tin” và thắt chặt quan hệ an ninh với Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Sau khi họp với VN đầu tháng 2 vừa qua, bà Tina Kaidanow, phụ tá thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ về chính trị, quân sự, cho báo giới hay, bà đã thúc giục chế độ Hà Nội mở rộng nguồn cung cấp võ khí thay vì chỉ dựa phần lớn vào Nga, để mua các trang bị tối tân của Mỹ. Bà cũng tiết lộ Mỹ cũng đã cung cấp máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ ScanEagle UAV cho nhu cầu tuần tra biển cho Việt Nam. Vẫn còn quá sớm để thấy được những thỏa thuận giữa Việt Nam và 2 cường quốc Hoa Kỳ và Nga Sô. Thời gian sẽ hé lộ dần những chi tiết quan trọng.
  • Hội nghị Đối thoại An ninh Quốc phòng Shangri-La lần thứ 17 khai mạc vào ngày 1/6/18 với sự tham dự của các phái đoàn quốc phòng cấp chính phủ các nước liên hệ với 600 đại biểu từ 40 quốc gia. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có bài diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis sẽ nói về chủ đề “Tầm vóc lãnh đạo của Hoa Kỳ và những thách thức an ninh của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” vào thứ Bảy. Các phiên họp khác của các bộ trưởng quốc phòng từ Úc, Canada, Pháp, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, New Zealand, Philippines, Qatar, Seychelles, Singapore, Sri Lanka, Vương quốc Anh và Việt Nam, sẽ bao gồm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, định hình trật tự an ninh châu Á và đánh giá mới về khủng bố cũng như nỗ lực chống khủng bố.
  • Việt Nam tiếp tục mở rộng các tiền đồn trong quần đảo Trường Sa, gần đây nhất là tại Đảo Đá Lát, theo tường trình của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á AMTI ngày 13/6/18. Tổ chức này cho biết hình ảnh vệ tinh từ tháng 3 tới tháng 6 cho thấy Hà Nội đã nạo vét một con kênh mới mà những bức ảnh cũ không thấy, và đang mở rộng một trong hai cơ sở tại đây. Hình ảnh từ ngày 18/3 cho thấy một con kênh vừa được nạo vét thông qua rìa phía Nam của đảo đá này, cùng với một sà lan và hai tàu lớn. Ít nhất có khoảng 21 tàu cá nhỏ hiện diện bên trong đầm phá này.
  • Hôm 10/4, một dự luật được chính phủ Việt Nam đệ trình lên Quốc hội cho phép Lực lượng cảnh sát biển linh hoạt hơn để có thể nổ súng trong khi làm nhiệm vụ ngoài khơi, giữa lúc đang có căng thẳng vì tranh chấp trên Biển Đông. Theo bản dự thảo đăng trên website của Quốc hội, thì cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” Dự luật này, dự kiến sẽ được các nhà lập pháp biểu quyết vào cuối năm nay, sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển hành động quyết đoán hơn trong vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc, theo Reuters.
  • Cuộc tập trận RIMPAC năm nay đã diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8 tại Hawai. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời và tham dự cuộc tập trận nhưng chỉ gởi một phái đoàn quan sát thay vì chiến hạm như các nước khác.
  • Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công du 5 nước trong đó có 3 quốc gia Á Châu gồm Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam từ ngày 5 đến 9/7. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm viếng kể từ khi nhậm chức. Trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 8 đến 9/7, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ gặp các quan chức cấp cao của Việt Nam để thảo luận về việc phi hạt nhân hóa chương trình hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề song phương và khu vực khác. Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại Hà Nội rằng Tổng thống Donald Trump tin Bình Nhưỡng có thể đi theo con đường “tuyệt vời” mà Việt Nam đã trải qua, nhưng để đạt được điều đó, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un phải “nắm lấy cơ hội này”.

CÁC CƯỜNG QUỐC TRONG VÙNG

Báo Australian Financial Review ngày 19/2 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, bộ tứ Mỹ-Úc-Nhật-Ấn đang bàn bạc thiết lập một cơ chế cơ sở hạ tầng chung khu vực, thay thế cho sáng kiến Một vành đai, một con đường (OBOR) của Trung Quốc. Khôi phục thành công hoạt động của diễn đàn đối thoại an ninh bốn bên – vừa chứng tỏ việc họ làm không chỉ thuần túy để đối phó với những thách thức mới về an ninh mà còn để thực hiện ý tưởng về khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Sự hợp tác bốn bên này được mở rộng từ lĩnh vực an ninh sang cho kinh tế, thương mại và đầu tư. Không phải tình cờ mà trước chuyến đi Mỹ của thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cả bốn nước thành viên – đều với cách thức và mức độ khác nhau – cùng khuấy động sự quan tâm của dư luận tới khuôn khổ diễn đàn này.

Nhật Bản: Hãng tin Reuters tường thuật rằng theo kế hoạch phân bổ ngân sách của chính phủ Nhật, các khoản chi cho quốc phòng sắp tới bắt đầu từ ngày 1/4/2018 sẽ tiếp tục tăng trong năm thứ 6 liên tiếp, lên 1.3%, đạt mức 5.19 nghìn tỷ Yên (khoảng 45.76 tỷ USD).

  • VOA tiếng Trung Quốc ngày 9/3 đưa tin, trong tháng này chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường thêm 1 tùy viên quân sự thường trú tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, dự kiến trong năm nay Nhật Bản cũng sẽ phái thêm 2 tùy viên quân sự sang Malaysia.
  • Nhật Bản hôm 7/4 đã kích hoạt đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên của mình kể từ Thế chiến thứ hai để bảo vệ các đảo của Nhật Bản dọc rìa Biển Hoa Đông mà Tokyo lo sợ dễ bị Trung Quốc tấn công.
  • Nhật sẽ điều một tàu sân bay trực thăng đến Biển Đông và Ấn Độ Dương năm thứ hai liên tiếp, nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực chiến lược hàng hải. “Đây là một phần nỗ lực của Nhật để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do”, giới chức Nhật nói. Hải trình này dài hai tháng và bắt đầu vào tháng 9/2018.

Ấn Độ: Ấn Độ hôm 13/12/2017 đã mời lãnh đạo tất cả các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á tham dự hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN để đánh dấu 25 năm mối quan hệ. Tất cả 10 vị nguyên thủ ASEAN sẽ là khách mời chính tại cuộc diễn hành Ngày Cộng Hòa trên Đại Lộ Quốc Vương của thủ đô New Delhi vào ngày 26/1/2018. Báo Ấn Độ The Tribune hôm Thứ Tư 13/12 mô tả hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN sẽ là một sự hòa trộn của tôn giáo, thương mại và mối lo chung về một thách thức ngày càng lớn là Trung Quốc. Đây là lần thứ hai Ấn Độ tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, lần trước diễn ra cách đây 5 năm để đánh dấu 20 năm mối quan hệ Ấn Độ-ASEAN.

  • Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ từ 2 đến 4/3, chủ tịch nước Trần Đại Quang được trích lời nói rằng Ấn Độ và Việt Nam sẽ tìm cách nâng giao thương giữa hai nước lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
  • Ấn Độ và Việt Nam sẽ thành lập các nhà máy liên doanh sản xuất vũ khí tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman – người vừa có chuyến thăm 4 ngày tới Hà Nội vào tháng 6/2018.

Úc Đại Lợi: Chủ đề Biển Đông đã được đề cập trong buổi hội đàm giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Washington vào cuối tuần trước. Theo thông tin ngày 27/2/2018 trên trang News.com của Úc, tổng thống Donald Trump khẳng định Hoa Kỳ phải tăng cường nỗ lực trước một Trung Quốc ngày càng trở nên “cứng rắn và “đang củng cố sức mạnh”. Còn phía Canberra dường như đang chuẩn bị một cuộc tuần tra riêng tại Biển Đông, trái ngược với chủ trương tránh trực tiếp tham gia hoạt động bảo vệ tự do hàng hải để không gây tổn hại đến quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Turnbull đã ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sáng nay 15/3.
  • Hôm 26/6, CNN dẫn lời Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói chính phủ của ông đang đầu tư 6 tỷ USD để mua sáu chiếc MQ-4C Tritons, loại máy bay điều khiển từ xa, của nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Mỹ Northrop Grumman, “thông qua một chương trình hợp tác với Hải quân Hoa Kỳ” để tăng cường hoạt động giám sát tại các khu vực bao gồm cả Biển Đông nơi đang có tranh chấp. Loại máy bay mới này có thể di chuyển lên đến 25,000 dặm, sẽ được sử dụng để theo dõi các tàu nước ngoài, bọn buôn lậu và cướp biển.
  • Chính phủ Úc hôm 29/6 ký hợp đồng trị giá 26 tỷ USD với Tập đoàn BAE Systems (Anh) để đóng 9 tàu chiến mới cho Canberra. Tàu chiến mới sẽ được đóng dựa trên tàu chiến đấu toàn cầu Type 26 của BAE Systems và sẽ được gọi là tàu lớp Hunter. Số tàu chiến này dự kiến được đưa vào hoạt động cuối những năm 2020, thay thế 9 tàu khu trục lớp ANZAC hiện nay.

New Zealand: New Zealand ngày 8/5 loan báo kế hoạch tăng mạnh viện trợ cho vùng Nam Thái Bình Dương, giữa lúc quốc tế quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Bộ trưởng ngoại giao Winston Peters cho biết chính phủ có kế hoạch chi thêm 714 triệu đô la NZD tương đương 500 triệu USD trong vòng 4 năm để viện trợ quốc tế, đa số nhắm vào vùng Thái Bình Dương. Ông nói điều gọi là “hướng về Thái Bình Dương” sẽ làm New Zealand an toàn và thịnh vượng hơn. Ông Peters không đề cập đến Trung Quốc trong bài diễn văn dù ông nói vùng Nam Thái Bình Dương ngày càng trở thành một khu vực tranh chấp chiến lược và New Zealand đã thấy rõ khuynh hướng này.

  • New Zealand đã đồng ý mua bốn máy bay tuần tra hàng hải Boeing P-8A Poseidon của Mỹ với giá 1.6 tỷ USD, hãng tin Reuters trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Ron Mark cho biết hôm 9/7. Các máy bay này sẽ hoạt động vào năm 2023.

Anh-Pháp & Liên Âu: Trong tháng Năm vừa qua, các tàu Anh HMS Albion và HMS Sutherland đã đi qua Quần đảo Trường Sa hồi đầu tháng, trên đường từ Brunei tới Nhật Bản. Cũng trong một động thái khác có liên quan, tàu khu trục Pháp FNS Vendemiaire đã bắt đầu chuyến viếng thăm Philippines 4 ngày, bắt đầu từ 12/3, tờ Philippines Daily Inquirer cho biết.

CÁC NƯỚC ASEAN

Trong thời gian gần đây, Indonesia, Singapore và Việt Nam đã từ từ nổi lên như là đầu tàu trong khối ASEAN. Dù rằng ở trong vị thế địa chính trị khác nhau, nếu 3 quốc gia cùng nhận thức được vai trò và vị trí của mình và tích cực tham chiếu lẫn nhau, họ hoàn toàn có thể trở thành một nhóm quốc gia chủ chốt có sứ mạng lãnh đạo Cộng đồng kinh tế này. Malaysia với chính phủ mới Mahathir Mohamad đã bắt đầu dè dặt hơn trong mối liên hệ với Trung Quốc.

  • Singapore: Hội nghị thượng đỉnh thường niên an ninh châu Á – Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue – SLD) lần thứ 17 khai mạc ngày 1/6 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore quy tụ 600 đại biểu, gồm bộ trưởng quốc phòng, các tướng lĩnh quân đội, các chuyên gia, học giả của hơn 40 nước. Ở sự kiện năm nay, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ có bài phát biểu trong phiên khai mạc với nội dung về vai trò chiến lược của Ấn Độ trong khu vực và tầm nhìn của ông về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nội dung ấy phù hợp với phiên thảo luận toàn thể đầu tiên ngày 2/6, với phần trình bày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis về “sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức của an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

 Philippines: Đảng Tự Do Philippines (LP) hôm 19/4/2018 đòi hỏi chính quyền Duterte có thái độ cứng rắn hơn trước Bắc Kinh tại Biển Đông, sau sự kiện hai máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa. Một lần nữa, đảng đối lập lại chỉ trích thái độ thụ động của chính phủ Duterte, mặc dù Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc chiếm gần hết diện tích Biển Đông. Thượng nghị sĩ Francis Fangilinan, chủ tịch đảng Tự Do chỉ trích, thái độ và cách xử sự của chính quyền trước hành động leo thang quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông là “không thể chấp nhận được”.

Đài Loan: Trong những tháng vừa qua, mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc trở nên phức tạp và gay cấn hơn bao giờ hết vì vấn đề Đài Loan. Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật cho phép quan chức và công dân Mỹ có quan hệ chính thức cũng như không chính thức ở mức độ không hạn chế với Đài Loan. Đạo luật có tên “Taiwan Travel Act” (Luật lữ hành Đài Loan) ký ngày 16/3 sẽ thúc đẩy rất mạnh mẽ các mối quan hệ trao đổi chính thức cũng như không chính thức giữa Mỹ và Đài Loan. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Wong đã đi Đài Loan và khẳng định sự ủng hộ không thay đổi của Mỹ dành cho Đài Loan và cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho Đài Loan, thậm chí còn tuyên bố rằng những cam kết ấy “chưa khi nào mạnh mẽ hơn hiện tại”. Ngày 12/6, Mỹ đã khai trương trụ sở của Viện Mỹ tại Đài Loan (American Institute in Taiwan, A.I.T.) – được coi là cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức của Mỹ ở Đài Loan, với nhân viên làm việc ở đây thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

  • Theo SCMP, Hội nghị ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ-Đài Loan sẽ lần đầu tiên diễn ra ở Đài Bắc vào tháng 2/2018, sau 16 năm chỉ được tổ chức ở Washington nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh.
  • South China Morning Post ngày 8/4 đưa tin, Washington đã đồng ý cho phép các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ giúp Đài Loan chế tạo các tàu ngầm của riêng mình.
  • Thượng viện Hoa Kỳ hôm 18/6 đã thông qua luật quốc phòng cho phép quân đội tham dự tập trận ở Đài Loan.
  • Ngày 7/7, hai khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ tiến vào khu vực eo biển Đài Loan, trong chuyến hải hành được coi là biểu hiệu sự ủng hộ của Tổng Thống Donald Trump dành cho đảo quốc này.

Malaysia: Lãnh đạo liên minh cầm quyền, tân Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, hôm 17/5 tuyên bố chính phủ mới của ông sẽ ‘tôn trọng tất cả thỏa thuận’ ngay cả khi xem xét lại tính hiệu quả của các dự án có liên quan đến Trung Quốc ở nước này, tờ South China Morning Post đưa tin. Ông Mahathir nói: “Trước những quan ngại từ phía các lãnh đạo Trung Quốc, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ xem xét lại tất cả những hợp đồng này bởi vì chúng quá tốn kém cho chúng tôi và sẽ gây ra những món nợ khổng lồ mà chúng tôi không thể trả nổi”. Theo hãng Reuters, trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, tân thủ tướng Malaysia cho biết ông ủng hộ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, nhưng dành quyền tái đàm phán một số điều khoản trong những thỏa thuận đã ký với Bắc Kinh nếu cần thiết. Thông điệp của ông Mahathir còn hàm ý chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Đảo quốc Maldives: Quần đảo Maldives, tên chính thức Cộng hòa Maldives, là một quốc đảo gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương. Maldives nằm trong vùng biển Ấn Độ Dương, phía Nam-Tây Nam Ấn Độ và cách khoảng 700 km (435 mi) phía tây nam Sri Lanka, gồm 1,190 đảo san hô tập trung thành 26 nhóm đảo (trong đó 200 đảo có người sinh sống, 80 đảo là nơi nghỉ mát du lịch) với diện tích 300 km², bờ biển dài 644 km. Dân số chưa đầy 400,000 dân, trong đó hơn 1/3 sống ở thủ đô Male đông đúc gồm có người Nam Ấn, người Sin-ha-lê và người Ả-rập theo Hồi giáo dòng Sunni.

Bắt đầu từ 2012, Trung Quốc cũng đang đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án mở rộng sân bay, phát triển nhà ở và nhiều dự án khác tại quốc đảo Ấn Độ Dương này. Bắc Kinh xem Maldives là mắt xích quan trọng trong “Sáng kiến Vành đai Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các cảng do Trung Quốc phát triển và quản lý tại Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Maldives và Djibouti đều được coi là các bước chiến lược nhằm tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương. Đây là những nơi Trung Quốc đã xây dựng và đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự, cảng, và các cơ sở vật chật nhằm đạt được các mục đích chiến lược. Việc Trung Quốc và Ấn Độ tranh giành ảnh hưởng tại Maldives càng thêm rõ nét kể từ khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen ký kết Dự án Vành đai và Con đường do Bắc Kinh khởi xướng để xây dựng các tuyến đường thương mại và vận tải xuyên Á. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc từ cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed rằng Bắc Kinh đang mua toàn bộ quần đảo ở Ấn Độ Dương này. Maldives đang xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị khi Tổng thống Yameen trong tuần này ban bố tình trạng khẩn cấp. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới đặc biệt là những nước có lợi ích liên quan trực tiếp tới quốc đảo này. Trong đó, Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc là ba nước có những phản ứng ở các mức độ khác nhau.

KẾT LUẬN

Tầm nhìn về một “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở cửa” có thể xem như là Tranh chấp Biển Đông mở rộng, nhấn mạnh vai trò liên minh quan trọng với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi và các quốc gia Đông Nam Á trong một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã được chính thức xác nhận. Đô đốc Philip S. Davidson, người được đề cử làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 17/4: “Chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn cản được Trung Quốc độc chiếm biển Đông”. Thế tương tranh Mỹ-Trung tại Biển Đông đang được tái định hình sau những thập niên Hoa Kỳ để cho Trung Quốc tự do bành trướng nhằm hướng tới việc thống trị toàn bộ khu vực Biển Đông.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Tình hình Biển Đông sáu tháng cuối 2017.doc” của tác giả ngày 15/12/2017.
  2. Bài viết “TT Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia vào thứ Hai” trên đài VOA ngày 16/12/2017.
  3. Bài viết “Stratfor: Dự báo tình hình thế giới 2018” trên mạng Nghiên Cứu Biển Đông ngày 15/1/2018.
  4. Bài viết “Chiến lược của ông Donald Trump ở Biển Đông đang dần rõ ràng hơn” trên mạng Giáo dục Việt Nam ngày 28/1/2018.
  5. Bài viết “Mỹ tranh thủ Triển Lãm Hàng Không Singapore để rao bán vũ khí” trên mạng RFI ngày 7/2/2018.
  6. Bài viết “TT Trump sẽ ký luật giúp Đài Loan chống áp lực Trung Quốc?” trên mạng Cali Today ngày 17/1/2018.
  7. Bài viết “Tính toán thực sự của Washington ở Biển Đông qua góc nhìn các tướng Mỹ?” trên mạng Giáo dục Việt Nam ngày 15/2/2018.
  8. Bài viết “Đài Loan sẽ tổ chức sự kiện ngành công nghiệp quân sự với Mỹ” trên mạng Thanh Niên ngày 18/2/2018.
  9. Bài viết “Trung Quốc đưa chiến hạm vào Ấn Độ Dương giữa khủng hoảng chính trị ở Maldives” trên đài VOA ngày 20/2/2018.
  10. Bài viết “Hải Quân Úc chuẩn bị trực tiếp bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông? trên đài RFI ngày 27/2/2018.
  11. Bài viết “Việt Nam vượt cả Triều Tiên khẳng định vị thế trong danh sách cường quốc quân sự thế giới” trên mạng Trandaiquang.org ngày 27/2/2018.
  12. Bài viết “Mỹ-Trung: Cuộc so găng của 2 gã khổng lồ” trên mạng Zing.VN ngày 28/2/2018.
  13. Bài viết “Trung Quốc gây áp lực ngăn Australia bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông” trên mạng Giaoduc.net.VN ngày 1/3/2018.
  14. Bài viết “Úc phải đi dây giữa Mỹ và Trung Quốc” trên đài RFI ngày 22/2/2018.
  15. Bài viết “Đánh giá của học giả Trung Quốc về chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông” trên đài Giáo dục Việt Nam ngày 19/3/2018.
  16. Bài viết “Loạt đòn mạnh khiến Bắc Kinh tái mặt, Đài Loan mở cờ: Chiến thuật của ông Trump là gì? trên mạng Soha ngày 23/3/2018.
  17. Bài viết “Nhật kích hoạt đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên kể từ Thế chiến II” trên mạng VOA ngày 7/4/2018.
  18. Bài viết “Mỹ sẵn sàng dùng quân sự buộc Trung Quốc tuân thủ luật chơi? trên mạng GDVN ngày 11/4/2018.
  19. Bài viết “Đô đốc Hải Quân Mỹ: Chúng ta đã mất Biển Đông” trên mạng Người Việt Online ngày 23/4/2018.
  20. Bài viết “Mỹ sửa luật để Việt Nam mua vũ khí của cả Nga-Mỹ?” trên mạng Trandaiquang.org ngày 27/4/2018.
  21. Bài viết “Mỹ bỏ TQ, mời VN tập trận lớn nhất thế giới” trên đài BBC ngày 1/6/2018.
  22. Bài viết “Vì sao Trung Quốc bành trướng thành công trên Biển Đông?” trên đài VOA ngày 26/6/2018.
  23. Bài viết “Chỉ có chiến tranh với Mỹ mới có thể ngăn cản Trung Quốc độc chiếm biển Đông” trên đài RFI ngày 23/4/2018.

Hồ sơ: ITN-071518-QT-Tình hình Biển Đông sáu tháng đầu 2018.doc

 

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

Tu chỉnh: 15 tháng 7 năm 2018