Thế hệ nối tiếp – Phiên bản 3 – 2018

403 (lượt xem) |

THẾ HỆ NỐI TIẾP – PHIÊN BẢN 3 – 2018

Kể từ 2016, trong mục đích hướng về tương lai, tác giả bắt đầu sưu tập tài liệu để viết về những khuôn mặt trong thế  hệ nối tiếp từ quốc nội đến hải ngoại đang đóng góp để xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, phú cường và dân chủ. Các bài viết sẽ được đưa lên mạng khi có cập nhật những tin tức mới.

TU CHỈNH

1)    18/5/2016: Hoàn tất Phiên bản 1.

2)    15/8/2016: Hoàn tất Phiên bản 2.

3)    15/8/2018: Hoàn tất Phiên bản 3:

  • Năm cuốn sách Bill Gates thích nhất, 2 cuốn tác giả gốc Việt.
  • Trong một tháng, Hoa Kỳ có thêm 4 dân cử gốc Việt.
  • Chàng trai Việt được săn đón trên đất Mỹ chia sẻ bí quyết thành công.
  • Ba nữ diễn viên Mỹ gốc Việt: Lana Condor (Trần Đông Lan) – cô bé mồ côi Cần Thơ thành diễn viên Hollywood, Hồng Châu – Nữ diễn viên gốc Việt vinh dự nhận đề cử Quả cầu vàng 2017Kelly Marie TranNử diễn viên người Mỹ gốc Việt trong phim Star Wars: Jedi cuối cùng.
  • Duy Loan – Nữ kỹ sư gốc Việt rạng danh trên đất Mỹ.
  • Nữ hoàng startup Thủy Muối.
  • Tiến sĩ người Việt trẻ nhất ĐH Stanford.
  • Top 10 bạn trẻ Việt được vào ĐH danh giá nhất nước Mỹ 2017.

*****

NĂM CUỐN SÁCH BILL GATES THÍCH NHẤT, 2 CUỐN TÁC GIẢ GỐC VIỆT

Ông Bill Gates cho hay dù với thời khóa biểu rất bận rộn, ông cũng dành thời giờ để đọc sách, và qua sách, ông mới thực sự hiểu tường tận. Và không chỉ đọc, ông Gates trong mấy năm trở lại đây, cũng chia sẻ với mọi người chung quanh các cuốn sách mà ông cho rằng hay nhất mà ông đã đọc trong năm. Năm nay, danh sách năm cuốn sách mà ông lựa chọn gồm đủ thể loại, nhưng đặc biệt có tới hai tác giả trong số này là người gốc Việt. Dưới đây là tên của năm cuốn sách này và lời tóm tắt của chính ông Gates.

Cuốn “The Best We Could Do” của Thi Bùi. Đây là cuốn tiểu thuyết bằng tranh này kể lại chuyện của một cô gái theo cha mẹ là người Việt tị nạn, tới Mỹ sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Cô hiểu ra sự thật đau đớn về những hy sinh mà cha mẹ cô  phải gánh chịu cho cô và những người con khác trong nhà, cùng với những sự rối loạn mà người Pháp và người Mỹ gây ra ở Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng cô ta đã rất thành công trong việc ghi lại nỗi lo lắng khi người ta cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho cả gia đình mình,” ông Gates viết. “Cùng lúc đó, những gì gia đình cô trải qua khác biệt với phần lớn gia đình chúng ta (chắc chắn là với gia đình tôi). Rõ ràng là nhiều sự xáo trộn trong thời gian thơ ấu của cô là hậu quả trực tiếp của những gì từng xảy ra ở Việt Nam.

Cuốn sách của một tác giả gốc Việt khác mà ông Gates nêu lên trong danh sách của ông là cuốn “The Sympathizer” của tác giả Nguyễn Thanh Việt. Cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” từng đoạt giải văn chương Pulitzer, cho thể loại hư cấu, năm 2016, cũng như các giải văn chương nổi tiếng khác. Ông Gates viết rằng cuốn sách của ông Việt giúp cho người đọc thấy hoàn cảnh của những người bị kẹt giữa hai lằn đạn trong cuộc chiến Việt Nam. “Ông Nguyễn không hề tránh né sự tổn thương đau đớn của cuộc chiến Việt Nam với những người liên hệ. Ông cũng không hề phê phán hay cho thấy ông đứng về phía nào,” ông Gates viết. “Phần lớn các cuốn tiểu thuyết về chiến tranh thường cho thấy rõ bạn nên đứng về phía nào – Cuốn The Sympathizer không để cho người độc giả có sự chọn lựa dễ dàng như vậy”, cũng theo ông Gates.

TRONG MỘT THÁNG, HOA KỲ CÓ THÊM 4 DÂN CỬ GỐC VIỆT

Từ trái, ông Dean Trần, cô Bee Nguyễn, bà Kathy Trần, và bà Cyndi Nguyễn. (Hình: Facebook, cá nhân cung cấp, và trang web tranh cử)

Trong tháng 12/2017, nước Mỹ có thêm bốn dân cử gốc Việt, vừa thắng các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và thành phố. Điểm đặc biệt là trong các cuộc bầu cử này, ứng cử viên gốc Việt thắng các đối thủ không phải là người Việt Nam. Và tất cả họ đều là người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ trong chính quyền tại các tiểu bang nơi họ cư ngụ. Tại Massachusetts, lần đầu tiên, Thượng Viện tiểu bang này có một thượng nghị sĩ gốc Việt. Đó là ông Dean Trần (Cộng Hòa) vừa thắng bà Sue Chalifoux Zephir (Dân Chủ) với kết quả sít sao 607 phiếu trong tổng số 15,627 phiếu bầu trong cuộc bầu cử chọn người đại diện Địa Hạt Worcester-Middlesex ngày 5/12, theo nhật báo Sentinel & Enterprise. Massachusetts là tiểu bang đa số cử tri theo đảng Dân Chủ, và đặc biệt hơn nữa, ứng cử viên Zephir có sự ủng hộ chính thức của hai thượng nghị sĩ liên bang cũng thuộc đảng Dân Chủ, bà Elizabeth Warren và ông Ed Markey. Tại Georgia, cô Bee Nguyễn (Dân Chủ), sáng lập viên một tổ chức bất vụ lợi, thắng đối thủ cùng đảng là ông Sachin Varghese, trong cuộc đua tranh chức dân biểu Địa Hạt 89 của Hạ Viện Georgia. Trong cuộc bầu cử dân biểu tiểu bang Virginia, Địa Hạt 42, ngày 7/11, bà Kathy Trần (Dân Chủ) thắng bà Lolita Mancheno-Smoak (Cộng Hòa) với tỉ lệ phiếu 61%-39%, trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên của tiểu bang. Trong cuộc bầu cử nghị viên Khu Vực E của thành phố New Orleans, ngày 19 Tháng Mười Một, bà Cyndi Nguyễn thắng nghị viên đương nhiệm, ông James Gray, trở thành người gốc Châu Á đầu tiên ngồi trong Hội Đồng Thành Phố lớn nhất tiểu bang Louisiana.

CHÀNG TRAI VIỆT ĐƯỢC SĂN ĐÓN TRÊN ĐẤT MỸ CHIA SẺ BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG.

Nhắc đến Khúc Anh Tuấn, nhiều người không khỏi trầm trồ và ngạc nhiên trước bảng thành tích của chàng trai này. Ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên, Tuấn đã đi gần 10 nước chỉ để tham gia các cuộc thi về lập trình. Ở tuổi 28, chàng trai quê Hải Phòng đã có 5 năm làm việc ở Facebook và hiện là nhân viên của Uber. Năm 2011, Tuấn xuất sắc vượt qua các lập trình viên nổi tiếng toàn cầu, giành vị trí thứ hai Facebook Hacker CUP 2011. Anh cũng 2 lần lọt top 25 cuộc thi Google Code Jam được tổ chức tại trụ sở Google. Trong thời gian làm việc với những “ông lớn”, Tuấn đã có không ít đóng góp đáng kể, được người dùng đón nhận như tính năng tip cho tài xế Uber, đăng ảnh, status, chơi game trên Facebook…

LANA CONDOR (TRẦN ĐÔNG LAN) – CÔ BÉ MỒ CÔI CẦN THƠ THÀNH DIỄN VIÊN HOLLYWOOD

Series phim bom tấn “X-Men” luôn là đề tài nóng được nhiều người hâm mộ điện ảnh quan tâm. Hiện tại, siêu phẩm “X-Men” kế tiếp đang được chờ đón là “X-Men: Apocalypse” sẽ công chiếu năm 2016. Đặc biệt trong phần này có sự xuất hiện của một ngôi sao gốc Việt – Lana Condor với vai diễn dị nhân Jubilee. Lana Condor tên thật là Trần Đồng Lan, cô sinh năm 1996 và được Bob Condor – một cây viết của tờ báo Chicago Tribune – nhận nuôi từ một trại trẻ mồ côi ở Cần Thơ (Việt Nam) khi cô mới 4 tháng tuổi.

Theo lời người giúp đỡ ông Bob Condor trong quá trình họ làm thủ tục nhận nuôi con Việt, Đông Lan lúc sơ sinh rất dễ thương. “Trường hợp Đông Lan khá đặc biệt vì trong mấy chục em nhỏ tại đây, cô bé rất xinh và rất dễ chịu. Ông Bob Condor cũng từng nhắc đến việc này trên Chicago Tribune năm 1997. Nhà báo Mỹ kể rằng khi đến trại trẻ Cần Thơ, ông gặp hàng trăm em nhỏ và thấy em nào cũng xinh xắn, dễ thương. Sau một lúc bị ngợp, ông bước ra bên ngoài và đi sang phòng khác. Trong một căn phòng im lặng và các trẻ em đang ngủ có một em bé gây tiếng động nhỏ khiến ông chú ý: “Tôi bước đến và bế đứa nhỏ lên. Tôi biết mình đang ngắm nhìn con gái tương lai. Con thật rạng rỡ, mở mắt trong một hoặc hai giây, nhìn tôi trước khi rúc vào vai phải của tôi. Tôi thấy con đang chạm vào áo sơ mi viền hồng của tôi bằng đôi bàn tay nhỏ bé”. Sau đó, nhà báo nhận nuôi Đông Lan và đặt tên là Lana Condor.

Thời niên thiếu, gia đình Lana di chuyển nhiều nơi trước khi đến Los Angeles sống. Sau vài buổi diễn hài nho nhỏ trong gia đình, cô được cha mẹ khuyến khích theo đuổi diễn xuất và nghệ thuật. Hết cấp hai, Lana vào trường trung học chuyên về múa – Joffrey Ballet – đồng thời học diễn xuất tại trường biểu diễn nghệ thuật Ailey. Trong cùng lúc đi múa cho đoàn ballet Los Angeles, cô thường xuyên đóng các vở kịch sân khấu như Legally Blonde hay Hairspray. Năm 2013, Lana chuyển sang học sân khấu ở trường kịch nghệ California. Xuất thân từ diễn viên múa và có lối diễn xuất tự nhiên, nữ diễn viên cao 1.57 m lập tức nhận được vai dị nhân Jubilee trong bom tấn X-Men: Apocalypse ngay lần đầu lên màn ảnh rộng.

NỮ DIỄN VIÊN GỐC VIỆT VINH DỰ NHẬN ĐỀ CỬ QUẢ CẦU VÀNG 2017

Bất ngờ lớn nhất trong danh sách đề cử năm nay của giải thưởng điện ảnh Quả cầu vàng, tính riêng hạng mục cá nhân là cái tên Hồng Châu – nữ diễn viên người Việt (sinh tại Thái Lan – hiện sống ở Mỹ cùng gia đình) trong phim hài giả tưởng Downsizing. Hồng Châu được đề cử giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, bên cạnh những cái tên quen thuộc như Octavia Spencer (The Shape of Water) hay Allison Janney (I, Tonya). Song, đây cũng là đề cử duy nhất dành cho bộ phim viễn tưởng “Downsizing”. Vào vai Ngọc Lan – một nhà hoạt động xã hội người Việt, Hồng Châu đã có vai diễn thứ hai trên màn ảnh rộng của mình, và đặc biệt không hề lép vế bên những tên tuổi hạng A như Matt Damon hay Kristen Wiig. Hồng Châu có bố mẹ đều là người Việt Nam, tuy nhiên cô được sinh ra ở Thái Lan, và không lâu sau đó thì cả gia đình cô di cư qua Mỹ. Ban đầu gia đình Hồng Châu sinh sống tại bang New Orleans nhưng sau cơn bão Katrina hồi năm 2005, họ đã chuyển tới bang Dallas. Hồng Châu từng tham gia diễn xuất trong một số series sitcom và truyền hình thực tế trước khi gây ấn tượng và được chọn vào những bộ phim có danh tiếng hơn như Inherent Vice hay series đình đám Big Little Lies của đài HBO, bên cạnh dàn sao hùng hậu như Nicole Kidman, Reese Witherspoon hay Shailene Woodley.

Lấy tình huống từ một kết quả nghiên cứu thành công về việc thu nhỏ con người để giải quyết các vấn nạn do bùng nổ dân số, Downsizing (tựa Việt: Thu nhỏ) kể câu chuyện về Paul Safranek (do Matt Damon thủ vai), một nhân viên đang chán ngán công việc nhàn rỗi với đồng lương ít ỏi của mình. Trong một lần tình cờ biết được về việc thu nhỏ lại để có “một cuộc sống tốt đẹp hơn”, nơi mà “100 nghìn đô có thể quy đổi thành 12 triệu đô tương ứng”, Paul đã lập tức tham gia. Trong thế giới bé nhỏ ấy cũng chứa đựng biết bao điều rắc rối. Thông qua những người cùng chung số phận thu nhỏ như mình, Paul nhận ra có rất nhiều điều mà anh có thể làm được để khiến cuộc sống này trở nên ý nghĩa. Cũng ở thế giới tí hon này, Paul đã gặp Ngọc Lan (Hồng Châu). Lan là người đã có tác động rất lớn đến cuộc đời của Paul, giúp anh có được những suy nghĩ đúng đắn và tích cực về cuộc sống.

Downsizing hiện đang giữ số điểm khá cao 92% trên Rotten Tomatoes và nhận được sự tán dương từ giới phê bình nghệ thuật. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng Hồng Châu rất có thể sẽ xuất hiện trên đường đua tới giải Oscar năm sau cho hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất”, cạnh tranh với các ngôi sao khác như Julianne Moore, Melissa Leo … Thu Nhỏ (Downsizing) dự kiến được khởi chiếu tại Việt Nam trong dịp đầu năm 2018.

NỬ DIỄN VIÊN NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT TRONG PHIM STAR WARS: JEDI CUỐI CÙNG

Kelly sinh ra ở San Diego, California, Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng 01 năm 1989 với bố mẹ là người tị nạn đến từ Việt Nam. Kelly đóng vai nhân vật Rose Tico, một thợ máy với nhiệm vụ sửa chữa máy móc. Sau đó, cô đi theo Finn để gia nhập phe Kháng Chiến. Cô đóng nhiều vai diễn khác nhau trong các phim ngắn và phim truyền hình, và được chú ý nhiều hơn với vai Rose Tico trong phim Star Wars:The Last Jedi, tập phim thứ 8 trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao. Một số bộ phim Kelly tham gia đáng chú ý là CollegeHumor Originals (2006), About a Boy (2014) và Gortimer Gibbon’s Life on Normal Street (2014).

LÊ DUY LOAN – NỮ KỸ SƯ GỐC VIỆT RẠNG DANH TRÊN ĐẤT MỸ.

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ , bà Lê Duy Loan đã trở thành người phụ nữ đầu tiên, và cũng là người gốc Á duy nhất từng đạt tới chức vụ cao cấp trong nấc thang kỹ thuật tại Mỹ .

KS Lê Duy Loan, 55 tuổi, chuyên gia đầu ngành vật liệu bán dẫn đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là người Châu Á duy nhất được vinh danh Senior Fellow– nhà nghiên cứu thâm niên tại hãng công nghệ toàn cầu lâu đời nhất nước Mỹ Texas Instruments . Bà Lê Duy Loan tốt nghiệp Kỹ Sư Điện ở Đại Học Texas Austin khi mới 19 tuổi và lấy bằng  MBA ở Đại Học Houston năm 1989. Sau đó, bà bắt đầu đảm nhiệm công việc Kỹ Sư thiết kế chip nhớ ở tập đoàn Texas Instruments. 7 năm sau khi gia nhập công ty , bà Loan thăng chức lên làm Trưởng Phòng Thiết Kế , và một năm sau được bầu chọn vào vị trí đầu tiên trên nấc thang kỹ thuật của Texas Instruments – thành viên hội đồng kỹ thuật (Me MBer of Technical Staff). Tiếp đó, dù có gặp đôi chút khó khăn nhưng bà vẫn liên tục gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp khi trở thành thành viên cấp cao hội đồng kỹ thuật (Senior Me MBer of Technical Staff ) vào năm 1993 ; người phụ nữ đầu tiên đạt thành viên ưu tú hội đồng kỹ thuật ( Distinguished Me MBer of Technical Staff ) vào năm 1997 ; người phụ nữ đầu tiên đạt vị trí đồng sự của Texas Instruments ( TI-Fellow ) vào năm 1999 .

Bà Loan có tổng cộng 24 bằng sáng chế , bao gồm 4 bằng sáng chế tiên phong góp phần đặc biệt trong sự phát triển của máy tính hiện đại. Đồng thời, bà còn là một diễn giả xuất sắc tại Mỹ , thường được mời diễn thuyết ở nhiều trường Đại Học uy tín cũng như các tập đoàn lớn suốt hơn 20 năm qua. Bà Loan chia sẻ , người Mỹ từng có một câu nói thế này: “What cannot kill you makes you stronger – cái gì không giết được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”.

Luôn hướng về quê hương: Thực hiện theo phương châm về việc nâng cao giáo dục, hai vợ chồng bà Loan và một số người bạn khác đã quyết định thành lập tổ chức Sunflower Mission (SM) vào năm 2002 với mục tiêu trong 10 năm phải gây quỹ được 1 triệu đô , giúp xây dựng 100 lớp tiểu học , trao 10,000 học bổng cho các em ở những vùng nghèo nhất ở Việt Nam và giữ chi phí vận hành nhỏ hơn 3 % . Quỹ đóng góp nói trên đã xây dựng khoảng 100 phòng học ở vài tỉnh miền Nam như Kiên Giang , An Giang , Đồng Tháp , Bến Tre và Phú Yên .

Họ lựa chọn cái tên có thể đánh vần và phát âm gần giống nhau trong cả hai ngôn ngữ để nhắc nhở con cái rằng:

– Dù có sinh ra ở Mỹ nhưng chúng vẫn mang trong tim dòng máu Việt Nam , vẫn là người Da Vàng tóc đen . Hãy thể hiện vượt trội ở mọi công việc gắn với tên mình, đừng bao giờ làm gì khiến gia đình và quê hương phải xấu mặt.

Đến giờ, sau hơn 13 năm, SM đã khánh thành 144 lớp học và trao hơn 15,000 học bổng mà trong đó 388 em đã tốt nghiệp Đại Học. Chi phí vận hành của tổ chức là 08.3 % trong 13 năm qua. Bà Loan khẳng định: “Qua việc tham gia các hoạt động tình nguyện của SM, các em nhỏ ở Việt Nam sẽ hiểu thế nào là hai chữ tình người và tấm lòng thương yêu, bao bọc lẫn nhau. Lúc nhìn thấy bạn bè bên Mỹ làm việc vất vả để hoàn tất ngôi trường cho mình thì chúng sẽ không dốt nát, hẹp hòi hay có tính xấu trong quá trình trưởng thành.

Rồi mấy chục năm sau, người Việt khắp năm châu bốn bể sẽ không ngại ngần gì khi xác nhận: Mẹ ơi, con là người Việt Nam … Con Da Vàng với dòng máu hiên ngang .

NỮ HOÀNG STARTUP THỦY MUỐI: BƯỚC VÀO TRẬN CHIẾN CẬN TỬ TỪ “CON SỐ 0” VÀ TÁI SINH SAU MỘT NĂM CHIẾN ĐẤU VỚI UNG THƯ

Thủy Muối được BBC mệnh danh là “nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam”, và thông tin về căn bệnh của cô đã khiến giới start-up Việt gần như bị sốc. Thế nhưng, với Thuỷ Muối, mọi thứ dường như đã được chuẩn bị sẵn sàng. Như cách cô làm việc, cái cách cô bắt đầu hành trình chiến đấu từ những ngày đầu tiên đã lay động trái tim mọi người. Nhật ký chống chọi với ung thư vẫn thường xuyên được cập nhật trên Medium của cô và vẫn lôi kéo hàng ngàn lượt đọc và chia sẻ cho mỗi bài viết.

Rồi Thủy Muối thành lập một dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư ở Việt Nam với tên gọi Salt Cancer Initiative (SCI). Hiện nay SCI đã có 6 chương trình chính với đội ngũ tình nguyện của SCI đã và đang làm việc với các bệnh viện và khoa ung bướu trong cả nước để đưa những tài liệu về khám chữa bệnh ung thư đến tay bệnh nhân và gia đình.

Ngoài ra, các trường học, doanh nghiệp, công ty du lịch cũng đã nhận lời đề nghị của Thủy Muối để mở ra các chương trình dành riêng cho bệnh nhân ung thư như: mở một lớp dạy piano, lớp dạy yoga dành riêng cho bệnh nhân ung thư hàng tuần. Ngoài ra, dự án SCI sẽ trở thành cầu nối của các chương trình nghiên cứu tại các trường Đại học và Viện Nghiên Cứu Ung Thư hàng đầu nước Mỹ cho Việt Nam trong thời gian sắp tới.

”Hãy xem như Ung Thư là một cách Thượng Đế thử thách sự mạnh mẽ của một số người trong cuộc sống này mà thôi! Thử thách này có khó khăn, có mệt mỏi, nhưng chúng ta không cần phải chiến đấu một mình” – đó chính là thông điệp mà Thủy Muối muốn nhắn nhủ đến tất cả chúng ta.

TIẾN SĨ NGƯỜI VIỆT TRẺ NHẤT ĐH STANFORD

Vũ Duy Thức là cựu học sinh chuyên tin Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), từng đoạt nhiều giải nhất quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại VN lẫn Hoa Kỳ, bạn cũng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu (với điểm số tuyệt đối 4/4) tại ĐH Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) và đoạt giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ (CRA), Duy Thức được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại bảy trường hàng đầu của Mỹ: MIT, Stanford, Carnegie Mellon, Berkeley. Duy Thức tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo) tại ĐH Stanford năm 28 tuổi.

Vũ Duy Thức không là cái tên quá xa lạ với cộng đồng du học sinh Việt tại Mỹ, bởi những thành quả của bạn nổi trội trong cả lĩnh vực học thuật lẫn khởi nghiệp. Trước đây Duy Thức từng là đồng sáng lập hai công ty Katango và Tappy được Google, Weeby.co mua lại. Với OhmniLabs, Duy Thức vừa góp phần nâng tầm giá trị tinh thần của sản phẩm công nghệ (cụ thể là robot), vừa giải được bài toán cho những trăn trở cá nhân.

Có thể hình dung đơn giản Ohmni là một robot gọn nhẹ, có khả năng di chuyển linh hoạt và gắn trên đỉnh một máy tính bảng (hiển thị gương mặt người ở xa), một webcam (thu hình trực tiếp), máy thu âm ở phần giữa… Do sự linh hoạt này mà robot có thể cùng đi dạo, xem phim… với người già mà cả hai bên đều không bị gián đoạn việc riêng. Robot Ohmni được chế tạo với thao tác sử dụng đơn giản để ngay cả người không rành về công nghệ vẫn có thể sử dụng dễ dàng. Sản phẩm sau khi được đưa ra thử nghiệm sáu tháng trước đã thu về những phản hồi rất tích cực từ giới truyền thông Mỹ lẫn người dùng. Dự kiến sản phẩm được đưa ra tại thị trường Mỹ, Nhật… trong vài tháng tới với mức giá rất cạnh tranh, dao động 1,500-2,000 USD. Trong tương lai gần, Duy Thức mong muốn sẽ bổ sung một số chức năng như khám bệnh từ xa, đo nhịp tim, nhiệt độ…, hoặc giúp người già dọn dẹp, di chuyển các vật dụng trong nhà.

Theo New York Times (tháng 1-2017), một số nhà công nghệ học cho rằng điều họ đánh giá cao nhất là khía cạnh xã hội mà những công nghệ như phát minh robot Ohmni của Công ty OhmniLabs do tiến sĩ Thức đồng sáng lập mang lại. Báo này dẫn lời ông Joseph Coughlin, giám đốc Công ty AgeLab tại Học viện Công nghệ Massachusetts MIT, Mỹ: “Công cụ này đặc biệt giúp tăng cường việc chăm sóc đời sống tinh thần cho người trưởng thành, phù hợp cả người trẻ lẫn người già”.

Thành công là “cho đi”

Duy Thức cho biết để có được chuỗi “quả ngọt” trong chặng đường khởi nghiệp, bản thân bạn và các cộng sự cũng đã thất bại, “bầm dập” nhiều lần. Tuy nhiên Duy Thức cho rằng đó là một điểm thú vị của khởi nghiệp bởi theo bạn, một phần định nghĩa của khởi nghiệp là phải thay đổi, phá vỡ những cách làm, kỹ thuật cũ kỹ để tạo ra cái mới, giá trị mới.

Bên cạnh đó, theo Duy Thức, khi khởi nghiệp các bạn trẻ nên lưu ý các điểm như: phải xác định bản thân thật sự đam mê và tỉ lệ khởi nghiệp thất bại là rất cao, phải trau dồi ngoại ngữ vì đây là một yếu tố rất quan trọng trong thế giới hội nhập, phải cầu thị và biết lắng nghe, vì từ đó mới có thể làm việc nhóm tốt cũng như nắm bắt được thị hiếu của thị trường. Duy Thức vững tin rằng giáo dục là bệ phóng vững chắc nhất cho các bạn trẻ bởi khi có tri thức, các bạn sẽ đảm bảo được tương lai dù xuất phát điểm có thấp, thiệt thòi hơn người khác.

TOP 10 BẠN TRẺ VIỆT ĐƯỢC VÀO ĐH DANH GIÁ NHẤT NƯỚC MỸ 2017

Trong năm 2017, những người trẻ Việt xuất sắc thuộc thế hệ 9X tại Việt Nam đã chinh phục thành công các trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ và thế giới với những suất học bổng “khủng”. Xuất phát điểm, con đường và cách thức riêng biệt nhưng tất cả đã gặp nhau ở khát khao cháy bỏng vươn tới những chân trời tri thức.

  1. Vượt qua hơn 5,500 ứng viên, Nguyễn Thị Sao Ly đã phỏng vấn thành công học bổng tiến sĩ trị giá 9.3 tỷ đồng (404,000 USD) của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) – một trong những đại học đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới vào tháng 4/2017. Không những vậy, Sao Ly còn chinh phục thành công học bổng của 7 trường đại học uy tín khác ở Mỹ là MIT, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University.
  2. Đinh Thị Hương Thảo, cô gái từng đạt 2 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế cho Việt Nam xuất sắc giành học bổng trị giá 6.5 tỷ đồng (283,000 USD) của Viện Công nghệ danh giá nhất thế giới Massachusetts Institute of Technology University (MIT) tại Hoa Kỳ trong kỳ tuyển sinh quốc tế năm 2017.
  3. Nguyễn Lê Hoài Anh là học sinh Lào Cai đầu tiên vượt qua nhiều đối thủ, giành được học bổng “khó nhằn” từ ngôi trường danh tiếng có tỷ lệ chấp nhận thí sinh thuộc hàng thấp nhất nước Mỹ – ĐH Stanford.
  4. Nguyễn Đình Tôn Nữ, cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam vượt qua hơn 39,500 ứng viên thế giới để trở thành sinh viên ngôi trường danh giá nhất thế giới – ĐH Harvard.
  5. Mùa tuyển sinh năm 2017, Columbia chỉ lấy 5.8% trong số hơn 37,000 ứng viên. Trước đó, Hà Quốc Huy – nam sinh trường Quốc tế Anh (Hà Nội) chỉ có 8 tuần để hoàn thiện hồ sơ và chưa thi chuẩn hóa. Theo nam sinh, điều làm nên thành công khi chinh phục ĐH Columbia không nằm ở điểm số.
  6. Với bài luận chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm với một cô bé nghèo bán vé số, Nguyễn Hoàng Long, học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TPHCM) xuất sắc được ĐH New York (Mỹ) Phân hiệu Abu Dhabi đồng ý cấp học bổng toàn phần trị giá 7 tỷ đồng (304,000 USD).
  7. Lê Linh Đan xuất sắc giành học bổng trị giá 6.3 tỷ đồng (274,000 USD) cho 4 năm từ ĐH Columbia – ngôi trường xếp top 5 ĐH quốc gia Mỹ và nằm trong nhóm trường “xuất chúng” nhất nước Mỹ Ivy League. Điểm đặc biệt giúp em chinh phục trường chính là nhờ niềm đam mê bất tận với sách, đặc biệt là sách Triết học.
  8. ĐH California ở San Diego và ĐH Massachusetts ở Amherst đều cấp học bổng tiến sĩ toàn phần vì đánh giá cao tài năng, tiềm năng đóng góp cho nhà trường của cô gái sinh năm 1994 đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, cuối cùng 9X đã có quyết định dũng cảm và khá lạ là từ chối cả hai học bổng tiến sĩ, quyết định nhập học Thạc sĩ ngành Văn học Anh (English Literature) tại ĐH Georgetown ở Washington, D.C, Hoa Kỳ. Ở bậc cử nhân, Phương Anh là học sinh quốc tế duy nhất của ngành Văn học tại trường đại học nhưng lại là sinh viên có thành tích tốt nhất khoa, được các giáo sư Mỹ rất yêu quý.
  9. Vượt hơn 20,000 ứng viên khác, nam sinh Chu Đức Anh đỗ trường ĐH Minerva kèm học bổng trị giá 100,000 USD (khoảng 2.3 tỷ đồng) cho 4 năm học.
  10. Phạm Đức Kiên (Cựu học sinh lớp chuyên Anh – Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsdertam) có lẽ là một trong những bạn trẻ giành nhiều học bổng nhất ở mùa tuyển sinh quốc tế năm 2017. Được 11 trường đại học ở Mỹ chấp nhận, Kiên quyết định chọn ĐH Bowdoin tại Brunswick, Maine, bởi đây là ngôi trường phù hợp nhất với mục tiêu và nhu cầu của em.

HOLLYWOOD VINH DANH 5 NGHỆ SĨ GỐC VIỆT, HỌ LÀ AI?

Những nghệ sĩ gốc Việt này đã được Hollywood vinh sau sau nhiều đóng góp cho nền điện ảnh. Họ thực sự xứng đáng với điều này và cũng là niềm tự hào của người Việt. Hãy xem họ là ai và hoạt động trong lĩnh vực nào nhé.

Diễn viên người Pháp gốc Việt – Phạm Linh Đan

Chân dung diễn viên Phạm Linh Đan

Linh Đan sinh ra tại Sài Gòn, sau đó cô cùng gia đình tới định cư tại Pháp vào năm 1975. Vai Camille trong Indochine là vai diễn đầu đời của Phạm Linh Đan khi cô mới chỉ 17 tuổi.

Tình cờ tìm thấy mẩu quảng cáo đăng tuyển diễn viên cho bộ phim trong một nhà hàng Việt Nam tại Pháp, bố Linh Đan đã khuyến khích cô thử vai nhưng cô không đăng ký vì không nghĩ mình có khả năng diễn xuất. Sau đó, một người bạn đã đăng ký hộ cô, từ đó Linh Đan nhận được vai diễn con gái nuôi của Eliane Devries do Catherine Deneuve thủ vai.

Bộ phim được Linh Đan thừa nhận là ‘sự mở màn tuyệt vời’ cho sự nghiệp diễn xuất của cô. Với vai diễn Camille, cô đã nhận được đề cử tại giải thưởng điện ảnh César của Pháp dành cho Nữ diễn viên trẻ triển vọng nhất.

Đến năm 2006, Linh Đan tham gia một dự án của đạo diễn Jacques Audiard mang tên De Battre Mon Coeur S’est Arrêté. T ác phẩm này đã dành được 8 giải César và đem lại cho cô giải Nữ diễn viên triển vọng nhất.

Diễn viên người Mỹ gốc Việt – Maggie Q (Lý Mỹ Kỳ)

Lý Mỹ Kỳ tên thật là Margaret Denise Quigley (sinh ngày 22/5/1979) là nữ diễn viên người Mỹ gốc Việt. Xuất thân từ một người mẫu thời trang nhưng sau đó cô lấn sân sang lĩnh vực diễn xuất và thành công lớn, đặc biệt với series phim hành động kinh dị Nikita. Cô còn xuất hiện trong những bom tấn như Giờ cao điểm 2 hay Nhiệm vụ bất khả thi 3.

Trong LHP quốc tế Hawaii lần thứ 29, Maggie Q đã được trao tặng giải thưởng Maverick nhờ vai diễn trong bộ phim The Warrior and the Wolf. Đây là giải thưởng dành tặng những nghệ sĩ dám phá vỡ những rào cản, xây dựng sự nghiệp điện ảnh vượt ra ngoài khuôn khổ để thành công ở cả Hollywood và các nền điện ảnh khác.

Maggie Q diễn xuất khá tròn vai trong The Warrior and the Wolf .

Đạo diễn người Canada gốc Việt – Kim Nguyễn

Kim Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Montreal (Canada), anh là con trai của một du học sinh Việt Nam sang Canada từ thập niên 1960. Anh tốt nghiệp Ðại học Concordia chuyên ngành sản xuất phim.

Ngoài ra, anh còn tham gia học nhiếp ảnh, viết kịch bản phim và thiết kế kỹ xảo điện ảnh. Nhờ vốn kiến thức đồ sộ tích cóp được trong nhiều năm, Kim Nguyễn đã được mời giảng dạy tại Học viện Sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu đồ họa.

Thế nhưng, chỉ đến khi bộ phim War Witch (Phù thủy chiến tranh) của anh được nhận đề cử ‘Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất’ ở Oscar 2013 thì cái tên Kim Nguyễn mới thực sự tỏa sáng. Không chỉ được đề cử tại giải thưởng danh giá này, War Witch còn giành hơn 10 giải thưởng điện ảnh ở Canada và một số nơi khác.

Mới đây nhất, bộ phim ‘Two Lovers and A Bear’ của đạo diễn này cũng tham gia chương trình ‘Directors’ Fortnight’ (Tuần lễ đạo diễn) trong khuôn khổ Liên hoan Cannes năm 2016.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt Nguyễn Phương Mai

Đạo diễn Nguyễn Phương Mai sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Năm 15 tuổi, Mai sang Paris (Pháp) sinh sống và học tập.

Phương Mai theo học nhiều chuyên ngành nghệ thuật, trong đó phải kể đến như đạo diễn, biên kịch và hoạt hình. Đạo diễn trẻ này đã chứng tỏ thực lực của bản thân khi bộ phim chuyên nghiệp đầu tay của cô – phim hoạt hình Nhà tôi (My home) lọt vào top 10 đề cử cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc tại Oscar 2016.

Được biết, trước khi lọt vào vòng tiền đề cử Oscar, My Home đã giành gần 10 giải thưởng ở các liên hoan phim ngắn khác nhau. Tác phẩm cũng nằm trong danh sách rút gọn cho giải César ‘Phim hoạt hình ngắn xuất sắc’ của Pháp.

Đạo diễn người Mỹ gốc Việt – Minh Tâm (Tom Cross)

Tom Cross (tên đầy đủ là Thomas Cross, tên Việt là Minh Tâm) là con trai độc nhất của bà Võ Hồng Lộc và ông James Cross. Bà Võ Hồng Lộc là một họa sĩ gốc Huế, còn ông James Cross tốt nghiêp ngành Thể dục thể Thao tại Đại Học Wisconsin và là một trong những vận động viên bơi lội nổi tiếng từng giành nhiều giải thưởng tại đại hội thể thao các trường đại học tại Mỹ.

Thừa hưởng tình yêu nghệ thuật từ mẹ và được sự ủng hộ từ gia đình, Minh Tâm quyết định theo học ngành điện ảnh tại Đại học Purchase College, tiểu Bang New York. Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào vị trí trợ lý biên tập cho một hãng phim tư nhân năm 1997.

Sau gần 20 năm trong nghề, Minh Tâm góp mặt trong trên dưới 40 bộ phim đình đám Hollywood như We own the night (2007), Crazy heart (2009), The switch (2010), Whiplash (2014)…

Cuộc đời của vị đạo diễn tài năng này thực sự sang trang mới khi bộ phim Whiplash đã giúp anh giành cú đúp Biên tập phim xuất sắc nhất tại lễ trai giải BAFTA và Dựng phim hay nhất tại Oscar 2015 . Tom Cross trở thành nhà làm phim gốc Việt đầu tiên giành được tượng vàng Oscar.

*****

NGÀNH TÁC CHIẾN – QUÂN LỰC HOA KỲ

  • Cô Kimberly Đặng, tốt nghiệp trường Võ bị Lục quân West Point năm 2016 đã được Thiếu tướng Lương Xuân Việt, Tư lệnh phó Quân đoàn 8, gắn lon Trung Úy tại Camp Casey, Nam Triều Tiên. Ngày 3 tháng 7 năm 2018, Thiếu tướng Lương Xuân Việt được điều động sang Nhật làm Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản, kiêm Tư lệnh Quân đoàn I trú đóng tại Camp Zama.

  • Quý độc giả có thể vào Website “The West Point Vietnamese American Cadets Association” để đọc những tin tức về hội này.

THAM KHẢO

  1. West Point Vietnamese-American Cadets Association.
  2. Bài viết “Người Việt trẻ biến Little Sài Gòn thành ‘thiên đường ẩm thực’” trên mạng Người Việt ngày 3/12/2017.
  3. Bài viết “Năm cuốn sách Bill Gates thích nhất, 2 cuốn tác giả gốc Việt” trên mạng Người Việt ngày 3/12/2017.
  4. Bài viết “Chàng trai Việt được săn đón trên đất Mỹ chia sẻ bí quyết thành công” trên mạng Người Việt ngày 11/12/2017.
  5. Bài viết “Lana Condor – cô bé mồ côi Cần Thơ thành diễn viên Hollywood” trên mạng Người Việt ngày 11/12/2017.
  6. Bài viết “Nữ diễn viên gốc Việt vinh dự nhận đề cử Quả cầu vàng 2017” trên mạng Baomoi.com ngày 12/12/2017.
  7. Bài viết “Nữ diễn viên gốc Việt tham gia ‘Star Wars 8’ trên mạng Baomoi.com ngày 12/12/2017.
  8. Bài viết “Nữ Kỹ Sư Gốc Việt Rạng Danh Trên Đất Mỹ” trên mạng vietnamnet.vn ngày 22/11/2017.
  9. Bài viết “Nữ hoàng startup Thủy Muối” trên các mạng Việt Nam.
  10. Bài viết “Điểm danh những bạn trẻ Việt vang danh quốc tế năm 2017” trên mạng Đà Nẵng Online ngày 11/2/2018.
  11. Bài viết “Top 10 bạn trẻ Việt được vào ĐH danh giá nhất nước Mỹ 2017” trên mạng Đà Nẵng Online ngày 16/2/2018.
  12. Bài viết “Hollywood vinh danh 5 nghệ sĩ gốc Việt, họ là ai?” trên mạng Việt Phố ngày 18/12/2017.

—–