Nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam

2.022 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Sở hữu đường bờ biển dài 3,260 km và khu đặc quyền kinh tế với diện tích 1 triệu km², Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Đây là quốc gia sở hữu nhiều chủng loại thủy sản đa dạng được phân bố dựa trên sự khác biệt về đặc điểm địa lý và về khí hậu:

  • Khu vực miền Bắc với thế mạnh về các loại cá nước ngọt, chăn nuôi cá – lúa và nuôi cá lồng trên biển.
  • Khu vực miền Trung tập trung vào nuôi thâm canh tôm sú và nuôi cá lồng trên biển và tôm hùm.
  • Khu vực miền Nam sở hữu nhiều loại hình chăn nuôi đa dạng như nuôi ao, hàng rào, nuôi lồng cho cá da trơn và nhiều chủng loại khác như cá lóc, cá rô đồng, tôm càng xanh được nuôi thâm canh tích hợp với các chủng loại khác như mô hình chăn nuôi kết hợp cá-lúa, tôm-lúa và mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với rừng ngập mặn.

Các loại thủy sản thế mạnh tại Việt Nam gồm: cá da trơn, tôm, cá rô phi cùng với một số chủng loại đang trên đà tăng trưởng như các loài nhuyễn thể có vỏ và cá biển như cá bớp, cá tuyết và cá mú. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh nhất tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Mekong, chiếm đến 75%-80% sản lượng cá da trơn và tôm toàn quốc.

Nuôi trồng thủy sản hiện đang tăng trưởng mạnh và đã vượt qua tỉ trọng thủy sản đánh bắt vào năm 2007. Tổng sản lượng tăng 76% từ năm 2006 đến năm 2015, trong đó tỉ trọng nuôi trồng tăng hơn 1.7 triệu tấn trong vòng 10 năm.

Với tốc độ tăng trưởng dự trù 7-8% trong khoảng thời gian từ 2011-2020 thì thủy hải sản sẽ đạt đến 7 triệu tấn với 35% đánh bắt và 65% nuôi trồng. Thủy hải sản xuất khẩu sẽ đạt đến số lượng 7 triệu tấn, trị giá 11 tỷ USD.

 CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC

Tôm: Cuộc hành trình gần 40 năm nuôi trồng và xuất khẩu, con tôm Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Tôm được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam 10 tỷ USD để giấc mơ thủ phủ tôm số một thế giới thành hiện thực. Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh thành, gồm 2 loài: tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ 20). Từ năm 1998, tôm chân trắng bắt đầu được du nhập Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp, đến nay diện tích nuôi trên 720 ngàn ha, sản lượng đạt gần 690 ngàn tấn, trở thành sản phẩm hàng hóa lớn của quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 3.8 tỷ USD, xuất khẩu đi 90 nước trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tôm đã đưa con tôm Việt vào được những thị trường cực kỳ khó tính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và các nước châu Âu.

Đi kèm với nó là những vùng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sinh thái, tôm siêu sạch … rồi những khu nhà máy chế biến hiện đại bậc nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam đã có nhãn hiệu tôm sú sinh thái Việt Nam được thế giới ưa thích và nhu cầu rất lớn trong khi khả năng cung cấp của ta còn hạn chế. Việc tôm Việt Nam đạt các chứng chỉ chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP … và VietGAP đã minh chứng cho các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm tôm của nước ta, được khách hàng đánh giá cao với một ngành sản xuất có trách nhiệm.

Một doanh nhân gắn bó gần 30 năm trong ngành tôm chia sẻ, nhờ liên kết với các hộ nông dân để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ con giống, nuôi trồng cho tới chế biến với tiêu chuẩn cao nhất thế giới mà con tôm Việt Nam đã đặt chân được vào những thị trường khó tính nhất. Theo đó, đứng cạnh các đối thủ Ấn Độ và Thái Lan, các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc … luôn lựa chọn con tôm Việt Nam để mua vì tin tưởng vào chất lượng. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng thừa nhận, đầu năm nay giá tôm xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Nhật là 12 USD/kg, trong khi giá của Indonesia chỉ có 11 USD và Thái Lan là 10 USD. Thế nhưng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn hẳn so với cả 2 nước còn lại là Thái Lan với 13.9%, Indonesia chỉ tăng 2.4%. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam vượt Thái Lan năm 2013, đạt 3.1 tỷ USD, trong khi Thái Lan chỉ đạt 2.3 tỷ USD. Đến năm 2017, xuất khẩu tôm Thái Lan đạt 1.9 tỷ USD thì tôm Việt xuất khẩu đạt 3.8 tỷ USD.

Tuy mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng loại hình nuôi tôm sinh thái, thuộc Dự án ‘Phục hồi rừng ngập mặn, dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải’ (Dự án MAM) do tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện tại Cà Mau, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, được người dân đồng tình hưởng ứng. Dự án MAM được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau vào năm 2013. Với mục đích hỗ trợ trồng và phát triển rừng ngập mặn thông qua chứng nhận tôm sinh thái (chất lượng tôm sạch) mang lại giá trị cho tôm nuôi và duy trì ít nhất 50% diện tích rừng bao phủ. Theo đó, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 70,000 ha rừng ngập mặn, trong đó có 30,000 ha nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện có 14,000 ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Đây là chiến lược phát triển để nâng cao vị thế tôm Cà Mau, cũng như tôm Việt Nam, từng bước tạo dựng thương hiệu tôm sạch, vươn xa thị trường thế giới.

Tôm sinh thái dưới táng rừng Cà Mâu

Vượt qua khó khăn để đạt thắng lợi lớn, con tôm Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế khi đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Với thị trường 7 tỷ người, từ trẻ con đến người lớn đều ăn tôm và hầu như tất cả bữa tiệc thịnh soạn đều sử dụng tôm nên chậm nhất trước năm 2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 10 tỷ USD.

Cá tra-Basa: Cho đến nay, tỷ lệ cá tra nuôi và đánh bắt có thể xem như là 55-45%.  Việt Nam ở trong một vị thế địa dư thuận lợi để trở thành quốc gia xuất khẩu cá tra hàng đầu thế giới nhưng đã bị những rào cản với đủ mọi lý do từ ngay cả Hoa Kỳ. Ngày 25/5/2016, với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn. Đặc biệt, việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ gây chú ý vì diễn ra sau khi Tổng thống Obama kết thúc chuyến thăm tại Việt Nam – một nước xuất khẩu số lượng lớn cá da trơn sang thị trường Mỹ và cũng đồng thời có thái độ chỉ trích chương trình này. Phe ủng hộ dự luật hủy bỏ nghị quyết đứng đầu là Thượng nghị sỹ John McCain đã nêu rõ tính chất trùng lặp, lãng phí, không cần thiết và bảo hộ thương mại của chương trình giám sát trên, nhấn mạnh nguy cơ gây tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hậu quả là các biện pháp trả đũa của các nước nhằm vào xuất khẩu nông sản của Mỹ. Thời gian gần đây, một số tờ báo mạng tại Romania lại đăng tải thông tin không chính xác về sản phẩm cá tra Việt Nam gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này. Cụ thể, một tờ báo còn khuyến nghị người dân không ăn, không gọi các món có liên quan đến cá tra Việt Nam tại các nhà hàng, thậm chí còn cáo buộc cá tra được sử dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau để tránh bị người tiêu dùng Romani phát hiện.

Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề về những thái độ bất hợp lý trong thời gian qua. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2015 diện tích nuôi cá tra mới là 3,437 ha (giảm 2.3% so với cùng kỳ 2014) và diện tích thu hoạch đạt 3,600 ha (giảm 4.7% so với cùng kỳ 2014). Sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014), năng suất trung bình đạt 285 tấn/ha (so với năm 2014 là 277 tấn/ha). Nhìn chung, sản xuất cá tra tăng ở các tháng đầu năm và bắt đầu giảm từ tháng 5/2015 so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm 2016, tình hình nuôi cá tra vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Tính đến tháng 7, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL là 1,705 ha (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2015), diện tích thu hoạch là 1,821 ha (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2015). Sản lượng đạt gần 570 tấn (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015), năng suất trung bình đạt 313 tấn/ha (so với năm 2015 là 285 tấn/ha). Trong đó, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre chiếm khoảng 89% tổng diện tích và sản lượng của ĐBSCL.

Mô hình nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP được áp dụng cho 20 cơ sở nuôi cá tra ở 7 tỉnh (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ). Trong năm 2015, 100% cơ sở nuôi cá tra tham gia dự án với tổng diện tích 8,866 ha đạt chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, mô hình còn được nhân rộng ra, tăng gấp 10 lần so với năm 2014. “Thực hiện nuôi VietGAP, các cơ sở được đào tạo về kỹ thuật nuôi cá tra sạch, chuyển sang sản xuất hàng hóa, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình giảm chi phí sử dụng thuốc hóa chất, người nuôi tiết kiệm được từ 10 – 15% giá thành sản xuất so với các mô hình nuôi không áp dụng VietGAP…”.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) loan đi ngày 11/9 cho biết mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ được giảm rất nhiều, chỉ còn 4.58% so với mức thuế sơ bộ 25.39% mà DOC thông báo ngày 8 tháng 3 năm nay. VASEP cũng cho biết , 7 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1.198 tỷ USD, tăng 19.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất là Trung Quốc – Hong Kong, Mỹ và EU tăng trưởng khả quan. Với thị trường  Mỹ, trong tháng 7/2018, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt mức cao nhất (cao hơn giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – Hong Kong), đạt gần 58.5 triệu USD, chiếm 30% tổng xuất khẩu cá tra. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tận dụng giành thị phần với sản phẩm cá rô phi tại thị trường Mỹ.

Cá rô phi: Trong năm 2018, kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc nổ ra, Mỹ áp thuế 10% đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này khiến doanh số cá rô phi Trung Quốc tại hệ thống siêu thị lớn của Mỹ đã giảm 20-30% so với trước. Khi cá rô phi Trung Quốc dần mất thị phần thì các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang dồn lực để giành thêm thị phần từ cá thịt trắng tại thị trường Mỹ. Trước đây Mỹ ưa chuộng cá từ Trung Quốc do chi phí thấp hơn. Theo thống kê của Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS), năm 2017, cá rô phi đứng đầu cả về khối lượng (133.7 nghìn tấn) và giá trị (426.4 triệu USD) nhập khẩu (NK) vào Mỹ trong đó, cá rô phi Trung Quốc chiếm 75% lượng cá rô phi NK. Cá rô phi Trung Quốc cũng chi phối phần lớn thị phần cá thịt trắng NK của Mỹ trong nhiều năm qua. Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị NK cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25% tổng NK.

Sự sụt giảm tỉ trọng của cá rô phi tại thị trường Mỹ đang “thắp” niềm hy vọng cho các nhà cung cấp cá rô phi khác như: Indonesia, Đài Loan, Mexico và Việt Nam. Điều này cũng giúp cho cá tra, basa Việt Nam củng cố thêm niềm tin giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật Chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ” – đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết. Theo số liệu mới nhất của ITC, 5 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị NK cá rô phi của Mỹ đạt 264.6 triệu USD, trong khi đó, tổng giá trị NK cá tra, basa từ Việt Nam đạt 154.4 triệu USD. Nếu mức thuế NK áp cao hơn cho hàng cá rô phi Trung Quốc, 6 tháng cuối năm nay nhiều khả năng cá tra, basa sẽ giành thêm thị phần từ nguồn cung này. Tuy nhiên một số doanh nghiệp XK cá tra cho rằng, rào cản thương mại của Mỹ đang dựng lên cho các nguồn cung là như nhau và chỉ khác nhau về cách thức và “tên gọi”. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận vào thực tế thị trường, tranh thủ thời cơ nhưng cũng không quá kỳ vọng.

Tôm hùm: Tôm hùm là một loài tôm biển kích thước lớn và có giá trị cao về dinh dưỡng và kinh tế. Tôm hùm gồm có: Các loài trong họ Họ Tôm hùm càng (Nephropidae) và Các loài trong họ Họ Tôm hùm không càng hay họ Tôm rồng hoặc họ Tôm hùm gai (Palinuridae). Các loài tôm hùm có ở vùng biển Việt Nam thuộc họ tôm hùm không càng. Người dân miền Trung Việt Nam còn chia ra 4 loại: tôm hùm bông, tôm hùm xanh, tôm hùm tre, tôm hùm baby tùy theo màu sắc vỏ, kích thước. Ngoài ra, tại Việt Nam còn chia thêm làm 2 loại: loại đánh bắt và loại nuôi trồng.

Hơn 20 năm hình thành và phát triển nghề nuôi tôm hùm bằng lồng, bè trên biển, người dân Duyên hải miền Trung nói chung và khu vực Nam Trung bộ nói riêng đã nếm trải cả ngọt ngào và cay đắng trong suốt thời gian theo đuổi. Việc người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh năm 2012 đã được phát hiện. Điều này nói sự yếu kém của chính quyền địa phương và sự lơ là, ham lợi của dân chúng. Thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên gặp nhiều khó khăn do mật độ nuôi quá dày và tình trạng buông lỏng quản lý khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Số lồng tôm cả tỉnh đã lên hơn tới 80,000 lồng, tăng gấp 4 lần so với quy hoạch, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao.

Đề án “Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” vừa được Tổng cục Thủy sản tổ chức dự thảo đóng góp ý kiến xây dựng ngày 5/9/2016. Tôm hùm phân bố từ Quảng Bình tới Bình Thuận, nhưng tập trung ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Theo thống kê, các tỉnh hiện có khoảng 8,000 – 10,000 hộ nuôi tôm hùm, sản lượng trung bình hàng năm gần 1,385 tấn, đem lại nguồn thu hơn 3,500 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nghề nuôi tôm hùm đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quy hoạch chi tiết vùng nuôi; các khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch. Hơn nữa, ngành thủy sản chưa thể sản xuất giống nhân tạo, con giống chỉ dựa vào khai thác từ tự nhiên. Đồng thời, công nghệ nuôi tôm hùm lồng vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ. Không những vậy, thức ăn tươi sống chủ yếu là cá tạp, cua, sò nhỏ … là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên và chưa được kiểm soát, công tác phòng chống còn hạn chế … Do vậy, việc xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” là cần thiết, làm cơ sở cho công tác quản lý, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực phát triển nghề nuôi tôm hùm vùng ven biển miền Trung, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; góp phẩn tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Quy hoạch này xác định hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vẫn giữ vai trò chủ đạo với tổng thể tích 880,000 m³ lồng, chiếm 88% thể tích lồng nuôi của cả dải Duyên hải miền Trung, hướng đến mục tiêu đạt sản lượng của cả hai tỉnh khoảng 1,720 tấn/vụ vào năm 2020. Đối với các tỉnh, thành nằm về phía Bắc trung tâm này, như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, mỗi địa phương chỉ nên “gói gém” diện tích phù hợp, để đạt mức sản lượng từ 10-60 tấn/vụ. Xuôi vào phương Nam, hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng có quy mô tương tự.

Lồng bè nuôi tôm hùm tại Phú Yên nhìn từ trên cao

Mực & Bạch tuộc: Mực tuộc tập trung ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, phạm vi độ sâu 10-50 m nước, chủ yếu quanh đảo Cái Chiên, Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), khu vực đảo Hòn Mê (Thanh Hoá) và rải rác ở vùng biển Miền Trung, nhất là khu vực Phan Rang, Phan Thiết, Bình Thuận, Cà Mâu. Cũng giống một số loài mực nang, mực tuộc sống chủ yếu ở tầng đáy phạm vi độ sâu 30-80 m nước. Xuất khẩu mực tuộc của Việt Nam đang phát triển mạnh, một phần do sản lượng khai thác tăng cùng với sự phát triển của nghề lưới kéo, đặc biệt là đối với nghề khai thác xa bờ. Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu mực, bạch tuộc sang 63 thị trường. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu sang 9 thị trường chính chiếm 98.9% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam. Được biết, năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 620.8 triệu USD, tăng 41.4% so với năm 2016. Các sản phẩm mực, bạch tuộc tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2017, chiếm 56.3% tổng giá trị xuất khẩu. Trong các dòng sản phẩm xuất khẩu; mực tươi, sống và đông lạnh chiếm tỷ trọng cao nhất 36.2%. Tiếp đến là các sản phẩm bạch tuộc khô/muối/tươi sống và đông lạnh chiếm 36%. Sáu thị trường lớn nhất nhập cảng mực, bạch tuộc Việt Nam là Hàn Quốc (218 triệu USD), Nhật Bản (148.7 triệu USD), EU (106 triệu USD), Trung Quốc (39.8 triệu USD), Hoa Kỳ (9.7 triệu USD). Với tình hình xuất khẩu như hiện nay, Vasep dự báo, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam trong năm 2018 sẽ ổn định so với năm 2017.

Cá tầm (Sturgeon): Cá tầm là một đối tượng thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm (caviar) rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Thông thường, cá tầm sinh sống tại vùng nước lạnh như Nga, Tây Bắc Hoa Kỳ. Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới. Tuy nhiên, với những ưu thế về địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện môi trường, nhiều hồ thủy điện ở Tây Bắc và Tây Nguyên đã rất phù hợp cho nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh trong đó có cá tầm. Tại Việt Nam, cá tầm được đưa vào nuôi từ năm 2005 với những nỗ lực nhằm khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã thu được những kết quả ban đầu. Hiện nay, cá tầm đã được nhiều địa phương coi là một trong những đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, góp phần vào khai thác tối đa nguồn lợi nước lạnh tại các khu vực phù hợp. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm vừa qua tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italy, Bungary, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức (FAO, 2012). Hiện nay ở Việt Nam có 4 loài cá tầm đang được nuôi tại các trang trại nuôi thủy sản ở các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là cá tầm Siberia (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (A. gueldenstaedtii) và cá tầm Sterlet (A. ruthenus). Trong đó, đối tượng nuôi phổ biến nhất tại hầu hết các cơ sở nuôi là cá tầm Siberia.

Siberia sturgeon wild distribution map (Ob and Irtysh rivers)

Cá tầm Siberia (Acipenser baerii) là một loài cá tầm trong họ Acipenseridae. Nó hiện diện khắp các lưu vực sông lớn Xibia chảy hướng bắc vào biển Kara, biển Laptevbiển Đông Xibia, bao gồm sông Ob, sông Yenisei (cấp nước cho hồ Baikal qua sông Angara) sông Lenasông Kolyma. Cá tầm cũng được tìm thấy ở KazakhstanTrung Quốcsông Irtysh một nhánh chính của sông Ob.

Cá tầm Siberia thường nặng khoảng 65 kg, với khác biệt đáng kể giữa và trong các lưu vực sông. Trọng lượng tối đa là 210 kg. Như với tất cả các acipenseridae khác, cá tầm Siberia sống thọ (lên đến sáu mươi năm), và chậm đạt tới thành thục sinh dục (con đực 11-24 năm, con cái 20-28 năm). Chúng đẻ trứng trong dòng sông suối chảy mạnh trên đá hoặc sỏi nền. Cá tầm Siberia ăn một loạt các sinh vật sống ở đáy như động vật giáp xác và ấu trùng chironomidae. Loài này đã giảm mạnh trong phạm vi tự nhiên của nó do mất môi trường sống, suy thoáisăn trộm. Có đến 40% môi trường sống sinh sản cá tầm Siberia đã không thể bơi đến được do việc xây đập. Mức độ cao của ô nhiễm ở những nơi nhất định đã dẫn đến tác động tiêu cực đáng kể vào sự phát triển sinh sản của tuyến sinh dục.

Nuôi cá tầm Siberia

Trong khi sản lượng đánh bắt tự nhiên của cá tầm Siberi đã được nói chung giảm, cá tầm Siberi là ngày càng được nuôi để lấy thịt và sản xuất trứng cá muối của trứng. Bởi vì dân số Lena A. baerii hoàn thành vòng đời của nó trong nước ngọt và trưởng thành tính dục tương đối sớm, thường ban đầu nhất bố mẹ cho các mẫu cá đã thuần dưỡng. Nhà sản xuất chính của trứng cá muối cá tầm Siberia là Pháp, trong khi các quốc gia sản xuất cá thịt lớn nhất là Nga và Trung Quốc.

Loài cá tầm Siberia có mặt tại Việt Nam sớm nhất, từ năm 2005 do Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 nhập về từ Liên bang Nga và được ấp nở và ương giống thành công. Đối tượng này đã được nuôi thử nghiệm ở nhiều địa điểm khác nhau ở Việt Nam như Sa Pa (Lào Cai), Na Hang (Tuyên Quang), hồ chứa Thác Bà (Yên Bái), Đà Lạt (Lâm Đồng), hồ Đa Mi (Bình Thuận) … với các phương thức nuôi lồng, nuôi bể và nuôi nước chảy cho thấy khả năng thích nghi rất cao. Năm 2007, Công ty cổ phần Hà Quang đã kết hợp với các chuyên gia Nga tiến hành thử nghiệm ấp nở trứng cá, nuôi cá tầm Siberia, Nga, Sterlet tại hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng) và đã thành công. Tháng 11/2007, công ty này đã chuyển giao cho Công ty TNHH cá Tầm Việt Nam tại Đà Lạt.

Năm 2007, Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam tại Đà Lạt được thành lập là đơn vị chuyên nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi Cá Tầm; sản xuất con giống và trứng Cá Tầm đầu tiện ở Việt Nam tại đập tràn hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2008, Công ty TNHH Cá Tầm Việt Nam đã áp dụng kỹ thuật nuôi cả 4 loại cá tầm trên hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận). Với điều kiện khí hậu tự nhiên, thuận lợi để cá tầm phát triển, Đà Lạt cũng là nơi duy nhất sản xuất giống cá tầm tại Việt Nam. Được biết, Công ty Caviar de Duc đưa cá tầm Nga về nuôi tại hồ thủy điện Đa Mi, tỉnh Bình Thuận, giáp với Lâm Đồng, đã tạo ra cú đột phá trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tại huyện Lăk, Đăk Lăk, Tập đoàn cá tầm Việt Nam đã xây dựng cơ sở nuôi cá Tầm Nga trên lòng hồ thủy điện Buôn Tua Shar. Cơ sở này được đánh giá là có quy mô lớn nhất thế giới với lượng thả nuôi có thể đạt đến 1 triệu con. Tại đây, công ty Cá tầm Việt Nam từng bước nghiên cứu, sản xuất giống và chương trình nuôi vỗ cá bố mẹ, thử nghiệm phối giống nhân tạo các loài cá tầm đang được nuôi. Nguồn cá giống tại Đà Lạt sẽ được chuyển đi các công ty thành viên thuộc tập đoàn CTVN để nuôi thương phẩm. Trong quá trình nuôi, những con cá tầm đủ phẩm chất sẽ được tiến hành siêu âm để phân biệt đực, cái. Cá tầm cái sẽ được chăm sóc và nuôi dưỡng theo một quy trình đặc biệt để sau một thời gian để cho ra nguồn trứng cá đen quý hiếm (caviar). Sau khi đã có trứng với chất lượng tốt nhất; cá cái sẽ được chuyển về Đà Lạt để trú đông và tiến hành khai thác trứng.

Là một trong những công ty nuôi trồng và cung cấp cá tầm ra thị trường lớn nhất thế giới, năm 2017 vừa qua Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã giới thiệu thương hiệu trứng cá tầm đầu tiên của Việt Nam – Caviar De Đuc tại một sự kiện mang tên “Frangrance & Flavour – A night with Beluga”.

KẾT LUẬN

Trong 5 năm vừa qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ tuy nhiên đây chỉ là sự khởi đầu. Nhu cầu khẩn thiết của Việt Nam hiện nay là một kế hoạch phát triển nghề nuôi biển ở tầm quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt với những chính sách khuyến khích nuôi biển, thu hút vốn đầu tư vào nuôi biển. Bên cạnh đó là việc khắc phục những yếu kém, hạn chế trong các khâu sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y phục vụ nuôi cá biển … Nâng cao dân trí và khả năng lãnh đạo của chính quyền địa phương là nhu cầu khẩn thiết vì sự sống còn của dân tộc.

Bộ NN&PTNT vừa đặt ra cho lĩnh vực nuôi biển trong tương lai và được đưa vào dự thảo Chiến lược nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Với tầm nhìn này, Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghệ nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển, đóng góp 12-15% GDP. Sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm, giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, top 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi.

Nuôi biển: Phát triển nuôi trồng thủy sản đang là xu hướng chung trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong bối cảnh dân số thế giới đang tăng lên và có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2050. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt và đất đai canh tác đang có xu hướng thu hẹp lại. Do đó, nuôi hải sản trên biển đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh. Việc phát triển nuôi hải sản trên biển còn góp phần quan trọng làm giảm tình trạng khai thác quá mức nhiều loài hải sản trong tự nhiên. Đến năm 2015, diện tích biển đã được sử dụng để sản xuất thực phẩm trên thế giới mới chỉ chiếm 0.04% tổng diện tích bề mặt đại dương toàn cầu. Vì vậy, tiềm năng phát triển nuôi biển còn rất lớn. Kể cả khi mở rộng diện tích gấp 20 lần so với hiện nay, diện tích nuôi biển vẫn chưa chiếm tới 1% tổng diện tích đại dương. Theo số liệu của FAO, năm 2014, sản lượng nuôi biển (tôm, cá, nhuyễn thể…) của thế giới đạt khoảng 26.7 triệu tấn, còn sản lượng rong biển là 27.2 triệu tấn. Trong vòng 30 năm, từ 1985 – 2014, nuôi biển trên toàn cầu đã tăng 44%. Hiện nay đã có 116 nước có hoạt động nuôi biển, với 526 loài được nuôi. Diện tích nuôi biển ở nước ta còn khiêm tốn so với tiềm năng, nên sản lượng nuôi biển đến năm 2016 mới đạt xấp xỉ 300,000 tấn. Vì vậy, để thúc đẩy, phát triển nghề nuôi biển, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đã đề ra chiến lược khởi nghiệp nuôi biển. Phát triển nuôi biển quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, thân thiện với sinh thái và môi trường biển, đảm bảo phát triển bền vững; phát triển đồng thời nuôi trên biển và nuôi cá biển trên đất liền; phát triển chuỗi giá trị hoàn thiện cho các sản phẩm nuôi biển, từ con giống đến thực phẩm tiêu dùng; phát triển thị trường XK và nội địa; liên kết chặt chẽ giữa DN và các đơn vị nghiên cứu – phát triển… Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, mục tiêu là sẽ đưa sản lượng nuôi biển lên 5 triệu tấn vào 2030.

Nuôi hải sản trên biển của các nước tiên tiến

Để ngành Thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Trên thế giới, công nghệ 4.0 đã và đang được thúc đẩy áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp- thủy sản tại các nước như: Israel, châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… và tạo ra những giá trị vượt trội trong sản xuất như giải phóng sức lao động, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cảm biến nhanh để thích ứng với những thay đổi của thời tiết, môi trường …

Tại Việt Nam, công nghệ 4.0 đã được nghiên cứu, ứng dụng và thúc đẩy trong những năm gần đây và tạo ra những giá trị rõ rệt cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trên tại Việt Nam với tỷ lệ thực tế chưa cao và còn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều người dân nuôi trồng thủy sản còn từ chối sử dụng công nghệ cao vì vốn đầu tư lớn. Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường các hoạt động khuyến khích, tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) lẫn người nuôi thủy sản để họ thay đổi cách sản xuất, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, giảm thiểu thất thoát trong quá trình nuôi cũng như gia tăng chất lượng ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, tuân thủ nghiêm các quy định đánh bắt thủy sản. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất thủy sản, phù hợp với quy định của thị trường trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân tham gia đánh bắt thủy sản cần phải thực thi đúng Luật Thủy sản. Đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài, không đánh bắt các loài thủy sản bị cấm … Các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định đánh bắt, quản lý tốt hoạt động đánh bắt thủy sản để đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn lợi này bằng việc giảm dần tàu làm nghề kéo lưới, tổ chức lại khai thác vùng biển xa bờ, ven bờ theo mô hình khai thác theo tổ, đội và các mô hình quản lý khai thác có sự tham gia của cộng đồng…

Thứ ba, nâng cao chất lượng môi trường nước. Hiện nay, chất lượng nguồn nước cung cấp cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng so với những năm trước đây, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng nuôi. Để đảm bảo chất lượng nuôi trồng thủy sản, cần nâng cao chất lượng môi trường nước. Người nuôi trồng thủy sản cần áp dụng một số công nghệ trong xử lý nước và trong quá trình nuôi như: Công nghệ lọc sinh học để loại bỏ chất rắn dạng lơ lửng và các khí độc hòa tan trong nước. Áp dụng công nghệ Biofloc nhằm loại bỏ các chất dinh dưỡng dư thừa để nâng cao chất lượng nước thông qua chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng, đồng thời sử dụng biofloc làm thức ăn cho các đối tượng thủy sản. Hay nuôi kết hợp với một số loài rong biển có giá trị kinh tế có khả năng làm giảm hàm lượng các chất hữu cơ và khí độc hòa tan trong nước. Nuôi kết hợp với hải sâm hoặc với một số loài cá ăn thực vật và mùn bã hữu cơ như cá măng, cá đối, cá rô phi sẽ có tác dụng tích cực trong việc hạn chế lượng chất thải hữu cơ tích tụ trong ao nuôi.

Đối với cơ quan nhà nước, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng để quản lý môi trường và áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường để giảm thiểu tình trạng xả thải tùy tiện của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, phát triển thị trường và xúc tiến thương mại. Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường lớn (EU, Nhật Bản, Mỹ) và phát triển mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đồng thời, phát triển, mở rộng thị trường nội địa phục vụ du lịch, các đô thị, khu dân cư lớn. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thủy sản ở các thị trường trọng điểm (triển lãm, hội chợ, tuyên truyền, quảng cáo). Xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho một số sản phẩm thủy sản chủ lực phục vụ xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm thủy sản của các nước nhập khẩu.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành Thủy sản từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Thủy sản. Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, điều kiện trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy sản làm cơ sở quản lý và xã hội hóa một số khâu trong công tác quản lý nhà nước về thủy sản. Nhân rộng các mô hình quản lý nhà nước có sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ; giữa DN chế biến tiêu thụ và người sản xuất nguyên liệu; sự phối hợp hiệu quả giữa nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp …

THAM KHẢO

  1. Cá tầm Siberia – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Aquaculture Vietnam 2017 (Tổng quan ngành Thủy sản Việt Nam – Ngành thủy sản Việt Nam – Xu hướng Sản xuất)
  3. Bài viết “Hành trình tôm Việt xuất đi 90 nước …” trên mạng Cafef.VN ngày 20/8/2018.
  4. Bài viết “Diện tích nuôi tôm hùm ở miền Trung tăng nhanh, nhưng sản lượng giảm” trên mạng VOV.VN ngày 6/4/2018.
  5. Bài viết “Hiện trạng sản xuất giống và nuôi cá tầm ở Việt Nam” trên mạng Tepbac ngày
  6. Bài viết “Công ty TNHH MTV Cá Tầm Việt Nam” trên mạng “Cá Tầm Việt Nam” ngày 5/7/2017.
  7. Bài viết “Sau 15 năm, cá tra xuất khẩu vào Mỹ trở lại với tên gọi catfish” trên mạng Dân Trí ngày 10/4/2017.
  8. Bài viết “Cá tra Việt Nam và cuộc chiến “giành giật” thị trường Mỹ” trên mạng Cafef.VN ngày 20/8/2018.
  9. Bài viết “Mỹ: Kết thúc cuộc chiến cá da trơn” trên mạng Cafef.VN ngày 26/5/2016.
  10. Quyết định số 1412/QĐ-BNN-TCTS: Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trên mạng VASEP ngày 16/05/2016.
  11. Bài viết “Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang các thị trường lớn đều tăng mạnh” trên mạng Cafef.VN ngày 26/1/2018.
  12. Bài viết “Nuôi biển – Hướng đi quan trọng cho ngành thủy sản” trên mạng Nông nghiệp ngày 31/8/2017.
  13. Bài viết “Giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam” trên mạng Tài chính ngày 4/3/2018.
  14. Bài viết “Xuất khẩu hải sản nuôi: Phấn đấu trên 10 tỷ USD vào năm 2050” trên mạng Thủy sản Việt Nam ngày 1/8/2018.
  15. Bài viết “Đưa công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta” trên mạng Thủy sản Việt Nam ngày 14/6/2018.

—–

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *