VinFast – Thương hiệu Ô tô Việt Nam

652 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong con mắt của nhà báo Gregor Hebermehl từ Đức Quốc, Việt Nam là hình ảnh tiêu biểu cho một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á với dân số trẻ cùng hệ thống giao thông còn tương đối hỗn loạn. Tuy nhiên, nhà báo này nhấn mạnh, trong tiến trình công nghiệp hóa, dự án ô tô rõ ràng đánh trúng vào niềm tự hào dân tộc của người Việt, đồng thời cũng cho thấy khát vọng người Việt có được thương hiệu xe hơi của chính mình.

Tại Việt Nam, Toyota là nhà cung cấp xe hơi có thị phần lớn nhất, chiếm 23%, tiếp theo đó là Ford. Mặc dù ở sát bên Trung Quốc – nơi đang tìm mọi cách để phát triển các dòng xe nội địa và hướng ra xuất khẩu – nhưng phần đông người Việt ít có niềm tin vào chất lượng sản phẩm quốc gia láng giềng, nhất là các mặt hàng xa xỉ có giá trị cao như xe hơi.

Vì thế, VinFast – kẻ mới nổi lên trong ngành ô tô Việt – chọn hướng đi dựa vào công nghệ của Đức, xây dựng một thương hiệu mang tiêu chuẩn châu Âu nhằm tạo dựng một thương hiệu ô tô của Việt Nam, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. VinFast là dự án kinh doanh mới nhất của ông Phạm Nhật Vượng – một doanh nhân Việt Nam trong vòng 25 năm đã biến khoản vay 40,000 USD thành đế chế kinh doanh trị giá hơn 10 tỷ USD.

TẬP ĐOÀN VINGROUP – TỔNG CÔNG TY Ô TÔ VINFAST

Tập đoàn Vingroup là công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam và Tổng công ty VinFast là công ty chuyên về kỹ nghệ xe hơi mới được thành lập vào tháng 9/2017.

Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ: Tập đoàn Vingroup – Công ty CP): Được thành lập vào tháng 8 năm 1993, tên ban đầu là Technocom, một công ty chuyên sản xuất mì gói thành lập năm 1993 tại Ukraina. Tháng 9 năm 2009, Tập đoàn Technocom tại Việt Nam đổi tên thành Tập đoàn Vingroup, chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraina) về Hà Nội. Tháng 2/2010, Tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ đã mua lại cơ sở Technocom ở Ukraina và thương hiệu Mivina, giá mua được thỏa thuận là 150 triệu USD. Năm 2011, đại hội cổ đông bất thường đã bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Phạm Nhật Vượng, là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 4 năm liên tiếp 2010, 2011, 2012, 2013. Từ những năm 2011, Vingroup sát nhập 2 công ty cổ phần Vincom và Vinpearl, chuyên về các lĩnh vực du lịch khách sạn, bất động sản, chứng khoán và thương mại tài chính. Công ty Cổ phần Vincom tiền thân là Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Việt Nam, được thành lập chính thức vào ngày 3/5/2002. Công ty Cổ phần Vinpearl tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch, Thương mại và Dịch vụ Hòn Tre, được thành lập ngày 25/7/2001 tại Nha Trang.

Nền kinh tế Việt Nam, ngoài các tập đoàn quốc doanh, sự đi lên của những tập đoàn tư nhân như Vingroup cũng như Vietjet (Hàng không giá rẻ), Vinamilk (Công ty cổ phần sữa), FPT (Công nghệ Thông tin), Masan (Hàng tiêu dùng), Hòa Phát (Luyện kim), DOJI (Tập đoàn Vàng bạc đá quý) đang giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và công nghiệp hóa của Việt Nam. Điều cần để ý là các công ty tư nhân của Việt Nam đều có vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tờ Nikkei vừa có bài viết nhận định Vingroup đang nhanh chóng trở thành một trong những tập đoàn đa ngành nghề bậc nhất Việt Nam, mặc dù họ vẫn phụ thuộc vào mảng kinh doanh bất động sản để tạo ra phần lớn doanh thu.

Các phân bộ khác của Vingroup gồm có:

  • Y tế, Giáo dục: Vinmec, Vinschool, VinKE.
  • Dược phẩm: Vinfa.
  • Thời trang: VinDS.
  • Chuỗi siêu thị: VinMart, VinMart+.
  • Trung tâm công nghệ điện máy: VinPro.
  • Sản xuất nông nghiệp: VinEco.
  • Trung tâm thương mại điện tử: Adayroi.com.
  • Điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart: VinSmart.

Tổng công ty ô tô Vinfast: Ngày 2/9/2017, VinFast được thành lập, đăng ký hoạt động là sản xuất thân xe có động cơ, rơ moóc và bán rơ moóc, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe, đóng tàu và cấu kiện nổi, đóng thuyền, xuồng thể thao và giải trí, sản xuất đầu máy xe lửa, xe điện và toa xe.

Việc tập đoàn này gia nhập ngành công nghiệp ô tô gặp nhiều sự hoài nghi bởi sự hạn chế của các chuỗi cung ứng trong nước. Tuy nhiên, dự án đã được các nhà hoạch định chiến lược điều nghiên rất kỹ và VinFast có sự khởi đầu rất mạnh mẻ: Tháng 1/2018, công ty đã mua giấy phép từ BMW để sử dụng công nghệ sản xuất độc quyền của họ. Chi tiết thỏa thuận vẫn chưa được tiết lộ bao gồm cả chi phí cho việc này nhưng một vài chuyên gia trong ngành của Nhật Bản tin rằng một phần giấy phép liên quan tới những bộ phận chủ chốt như động cơ và bộ phận giảm xóc. Một phần trong nỗ lực đẩy mạnh mảng ô tô, Vingroup đã thành lập một trung tâm đào tạo kỹ thuật tại Hải Phòng. Kế hoạch là trung tâm này sẽ tiếp nhận 200 học viên tính tới cuối năm tài chính đầu tiên. Mục tiêu của VinFast là cho ra mắt dòng xe máy điện vào khoảng tháng 7-9 năm 2018. Và ở cuối năm 2019, 2 mẫu xe ô tô sẽ chính thức sản xuất. Nếu tất cả diễn ra suôn sẻ, điều này sẽ giúp Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu công nghiệp hóa toàn quốc năm 2020. Dự án xe hơi của ông Phạm Nhật Vượng được chuẩn bị từ hai năm trước với số tiền đầu tư dự trù khoảng $3.5 tỷ USD, hơn phân nửa trị giá tài sản của ông Vượng.

HÀNH TRÌNH ĐI ĐẾN PARIS MOTOR SHOW 2018

Từ lúc khởi sự vào tháng 2/2017, dự án VinFast tiến triển rất nhanh. Chỉ trong 2 năm, 2 mẫu xe hơi sẽ ra mắt so với 4-6 năm như các nước khác. Một điều cần để ý là vì chiến tranh, sự phát triển của Việt Nam bắt đầu khá chậm so với các nước Đông Nam Á nên tiến trình công nghiệp hóa phải có những cố gắng đột phá nhanh hơn để bắt kịp các nước lân bang.

Hành trình tới Paris Motor Show của ô tô VinFast

Khu công nghệ Vinfast tại Hải Phòng: Đúng vào ngày 2/9/2017, Vingroup khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ôtô và xe máy có tên VinFast ở Hải Phòng, với giá trị đầu tư nhiều tỷ đôla, chính thức bắt đầu một dự án được cho là “đầy tham vọng”. Mới chín tháng trước, nơi đây là một đầm lầy, nay đã trên diện tích 335 ha đất với phần mở rộng ra biển có diện tích khoảng 150-160 ha. “Việc xây dựng thay đổi quá nhanh ngay với cả những người làm ở đây”, một quản lý nhà máy VinFast nói với Zing.VN. “Cứ hôm trước hôm sau, anh em công nhân đến công trường có thể thấy rõ sự khác biệt”. Những cơ sở nhà xưởng mênh mông của dự án sản xuất xe máy điện và xe hơi dự trù sản xuất lên đến 250,000 chiếc trong năm năm tới với hai mẫu xe. Số lượng tương ứng với khoảng 92% số lượng xe hơi các loại bán được tại Việt Nam hồi năm ngoái.

Tổ hợp nhà máy VinFast tại Hải Phòng

Tổ hợp nhà máy ôtô VinFast diện tích 335 hecta nằm tại khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, được xây dựng bởi tổng thầu Coteccons nơi trước đây vốn là đầm lầy nuôi tôm của người dân Cát Hải. Chỉ sau hơn một năm kể từ ngày khởi công, tổ hợp nhà máy VinFast đã thành hình, đa số nhà xưởng đã hoàn thiện và đang lắp ráp dây chuyền sản xuất. Tổng diện tích các hạng mục chính trong công trình bao gồm nhà điều hành, nhà phụ trợ, bể ngầm, nhà xưởng sản xuất xe máy điện, nhà máy sản xuất ô tô. Theo thông tin từ Coteccons, giá trị hợp đồng của gói thầu lên tới 2,000 tỷ đồng (87 triệu USD), thi công theo mô hình fast-track (thi công đồng thời với thiết kế) để đảm bảo được tiến độ và chất lượng cho công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư. Tất cả các công tác thi công từ san lấp mặt bằng, ép cọc lẫn thi công bê tông cốt thép, kết cấu đều được triển khai cùng lúc và đồng bộ. Toàn bộ quy trình sản xuất được đặt tại nhà máy VINFAST Hải Phòng, gồm 5 phân xưởng chính: phân xưởng ép – phân xưởng thân xe – phân xưởng sơn – phân xưởng sản xuất động cơ – phân xưởng lắp ráp. Đó là chưa kể khu công nghiệp phụ trợ chiếm 30% diện tích tổng quát. Những chi tiết đầu tiên về các phân xưởng:

  • Tổ hợp nhà máy VinFast được ứng dụng nhiều công nghệ tự động hiện đại, đang gấp rút hoàn thiện để chuẩn bị cho ngày sản xuất chính thức.
  • Rất nhiều kỹ sư Đức đang xây dựng phần quan trọng của nhà máy VinFast: máy nén từ Schuler, dây chuyền từ Eisenmann, sơn của Dürr, robot từ ABB và hệ thống mạng do Siemens thiết kế. “Dây chuyền gần như là 100% của Đức”, ông Võ Quang Huệ cho biết.
  • Sau khi chính thức đi vào hoạt động, VinFast sẽ là đơn vị có công nghệ dập tự động lớn Việt Nam. Công suất dập 16 chi tiết/phút.
  • Xưởng sản xuất động cơ rộng 50,000 m². Đây sẽ là nơi sản xuất động cơ BMW N20 trang bị trên Lux A2.0 và Lux SA2.0. Bên cạnh đó, tổ hợp còn có xưởng phụ trợ và khu công nghiệp phụ trợ cho các đối tác.
  • Ngoài robot trong những xưởng sơn, xưởng hàn được trang bị 1,200 ABB robot của Thụy Điển, công đoạn hàn thân xe hoàn toàn tự động. Sau khi đi từ xưởng dập, xưởng hàn, tới xưởng sơn, rồi thân xe sẽ tập trung tại xưởng lắp ráp, thực hiện công đoạn cuối cùng bao gồm lắp dây điện, nội thất, hệ truyền động và động cơ.
  • Xưởng sơn được xem như là hiện đại bậc nhất châu Á, khi đi vào không mùi, không độc. Xưởng sơn khu sản xuất ô tô, có 2 dây chuyền, mỗi dây chuyền có 2 hệ thống: Sơn sắt và sơn nhựa. Với công nghệ sơn của Đức, hệ thống sơn nhựa có 10 robot làm việc.
  • Khu công nghiệp phụ trợ (chiếm 30% diện tích khu Tổ hợp) đang được triển khai để đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện ô tô, xe máy, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và giảm phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Đến thời điểm này, đã có 8 nhà máy sản xuất linh kiện đang trong giai đoạn ký kết hợp đồng và thiết kế xây dựng nhà xưởng tại khu nội địa hóa của VinFast. Trong đó, dự kiến có 4 nhà máy VinFast tự mình đầu tư, 2 nhà máy theo hình thức liên doanh và hai nhà máy 100% vốn của các đối tác.

Theo đại diện của Vingroup chia sẻ, VinFast sẽ cho ra mắt xe máy điện vào quý 3/2018. Hiện, dòng xe máy điện đầu tiên của VinFast được sản xuất trên dây chuyền hiện đại đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện tại khu kinh tế Đình Vũ. Trong tháng 7, VinFast cũng đã tiến hành đăng thông tin tuyển đại lý ủy quyền bán xe máy điện của VinFast. Theo kế hoạch, VinFast sẽ chính thức cho ra phiên bản thương mại của hai mẫu này vào quý 3/2019. Công ty nhắm tới việc sản xuất khoảng 100,000 – 200,000 xe vào những năm đầu và đạt con số nửa triệu xe vào năm 2025.

Ngoài ra, ngày 28/6/2018 tại Hà Nội, VinFast và General Motors (GM) của Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược mới tại thị trường Việt Nam. Theo đó, VinFast mua lại hoạt động sản xuất và phân phối của GM tại Việt Nam. Hãng xe Việt sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ô tô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2019.

Công nghệ: Dư luận ngoại quốc đã khen ngợi việc VinFast đã thiết kế, phát triển xe, và lắp đặt dây chuyền sản xuất một cách “thần tốc”. Tin cho hay, đây là kết quả của việc hãng ô tô này “táo bạo” chọn cách “đi tắt đón đầu”, bằng cách ký kết các thỏa thuận với “hàng loạt đối tác lớn”, bao gồm Siemens về xây dựng nhà máy, BMW về mua bản quyền sở hữu trí tuệ cho động cơ, Ital Design và Pininfarina về thiết kế, trang thiết bị ô tô của Pháp Faurecia và Bosch về giải pháp phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Khi đi vào sản xuất bắt đầu từ tháng 8/2019, nhà máy được đầu tư 3.5 tỷ USD sẽ có công suất “250,000 xe mỗi năm” trong vòng 5 năm tiếp theo, một bản tin của Reuters cho hay. Còn trang tin Việt Nam Mới nói nhà máy VinFast có thể sản xuất được 38 chiếc ô tô mỗi giờ, với “hệ thống robot hiện đại, dây chuyền nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và Châu Âu”.

Hiện mới bắt đầu lộ ra một số thông tin sơ lược về 2 mẫu xe sắp được tung ra của VinFast, thành viên thuộc Vingroup, tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất Việt Nam hiện nay. Xe Vinfast phát triển dựa trên khung gầm của 2 mẫu xe BMW tương ứng, là BMW X5 và BMW 5-Series. VinFast đã mua giấy phép sản xuất và lắp đặt động cơ N20 2.0 lít nổi tiếng của BMW. Động cơ N20 được BMW sản xuất từ năm 2011 đến nay, với nhiều phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, BMW  không bán cho VinFast giấy phép Valvetronic của họ. Động cơ trong xe hơi của VinFast sẽ không có công nghệ Valvetronic. VinFast có lẽ đã phát triển giải pháp riêng của mình và tiết kiệm được chi phí.  Động cơ cho xe của VinFast sẽ có hai trạng thái điều chỉnh. Một sẽ cung cấp 175 mã lực và còn lại sẽ cung cấp 227 mã lực. Đây không phải là thứ bạn gọi là lượng điện khổng lồ, nhưng không ai có thể thực sự mong đợi hệ thống nhiên liệu 3.0 lít, TwinPower, Turbo bên trong. Có lẽ trong tương lai thì điều đó có thể xảy ra. Động cơ được kết nối với hộp số tự động 8 cấp ZF. Cả hai chiếc xe, Sedan và SUV, sẽ có sẵn như RWD hoặc AWD. Không cho biết thông tin này được lấy từ nguồn nào, Soha viết thêm rằng hai mẫu xe “trước mắt đã đạt được đánh giá 5 sao trong thử nghiệm an toàn va chạm của Ủy ban Đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á (ASEAN NCAP)”.

Một số nhà báo cho rằng thương hiệu xe hơi đầu tiên của Việt Nam chỉ là một nửa sự thật. Bởi vì những chiếc xe này được sản xuất bằng máy móc của Đức. Chúng được chế tạo dựa trên cơ sở nguyên mẫu Đức, một nửa các bộ phận là của các công ty Đức. Điều này đúng đối với bất cứ một quốc gia nào khi bắt đầu khởi sự thương hiệu cho quốc gia mình. Tỷ lệ nội địa hóa và thời gian tăng tốc sẽ là yếu tố quan trọng cho sự thành công cho ngành công nghệ xe hơi Việt Nam.

Vinfast Sedan LUX A2.0

Vinfast SUV LUX SA2.0

Nhóm lãnh đạo: VinFast đi con đường ngắn nhất ra thế giới khi lựa chọn nhân sự. Tháng 9/2017, Vingroup chính thức bổ nhiệm ông James B.DeLuca – cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors, với 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và kiếm soát chất lượng xe hơi, làm Tổng giám đốc nhà máy sản xuất ô tô VinFast. Ông vốn từng làm Phó chủ tịch phụ trách chuỗi sản xuất toàn cầu của General Motors, cho biết rằng các sản phẩm của VinFast “sẽ có các tính năng được thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam”. Tổng giám đốc James B.DeLuca sẽ chịu trách nhiệm việc xây dựng, vận hành, phát triển riêng cho mảng sản xuất ô tô (không bao gồm sản xuất xe máy điện) của Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast. Cùng với CEO  DeLuca, ông Võ Quang Huệ là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách Dự án VinFast là người đã ký kết thỏa thuận với nhiều công ty quốc tế như Siemens, Bosch, Magna International, AVL, Pininfarina và BMW cùng với các công ty khác. Ông Võ Quang Huệ sinh năm 1952, sang Đức học từ năm 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành kỹ thuật ô tô ở thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở thành phố Achen, ông ở lại Đức làm việc tại Tập đoàn BMW từ năm 1980. Ông chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam từ năm 2008. Năm 2017, ông chính thức gia nhập Vingroup với tư cách là Phó Tổng giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án sản xuất ô tô VinFast. Ngoài ông James B. DeLuca và Võ Quang Huệ, VinFast đã chiêu mộ hàng loạt nhân sự cấp cao quốc tế, bao gồm nhà thiết kế tài ba David Lyon, người đã thiết kế thế hệ đầu tiên của các mẫu xe CTS, Escalade, Yukon và Hummer H3. VinFast còn có được sự góp sức từ Shaun Calvert, cựu Giám đốc của hệ thống sản xuất và hỗ trợ của GM, Kevin Fisher (trưởng bộ phận kỹ thuật xe), trước đây từng làm cho Magna và Tata, Roy Flecknell (giám đốc hoạch định và quản lý sản phẩm) … Ngoài ra, hiện diện trong buổi ra mắt tại Paris Motor Show là bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup kể từ 2012. Đặc biệt, trong năm 2013, bà Thủy là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 “Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013” – Young Global Leaders (YGL) Class of 2013 về những đóng góp của mình trong điều hành. Tháng 6/2017, Vingroup quyết định gia nhập thị trường ô tô và chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng yêu cầu bà Thủy, khi ấy còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Vingroup tham gia vào việc chèo lái con tàu VinFast.

Trong quá trình đào tạo cán bộ cốt cán cho ngành kỹ nghệ xe hơi Việt Nam, trung tâm đào tạo của BMW đã hoàn tất huấn luyện 200 kỹ sư Việt Nam có chứng chỉ do Phòng Thương mại Đức ở nước ngoài cấp. Chứng chỉ cấp cao nhất này tương đương với kỹ sư công nghiệp Đức hoặc kỹ sư ngành ôtô.

Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên cơ khí, cơ điện tử:  Ngày 7/2/2018, Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên cơ điện tử và cơ khí công nghiệp tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) đã đi vào hoạt động với quy mô tuyển sinh khóa I là 200 học viên. Tài liệu giảng dạy được xây dựng theo tiêu chuẩn Đức – quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp nặng và cơ khí chính xác, hội tụ đầy đủ cấp độ từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu. Chương trình đào tạo tại trung tâm kéo dài 2.5 năm. Học viên sẽ học lý thuyết (40% thời lượng chương trình) và thực hành tại doanh nghiệp (60% thời lượng), qua đó thấm nhuần chuyên môn và tác phong làm việc công nghiệp. Học viên tốt nghiệp Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên Vinfast sẽ được cấp chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, có cơ hội làm việc ở các vị trí thuộc bộ phận sản xuất, chất lượng, bảo trì, thiết kế, gia công chế tạo … tại nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast. Trong quá trình làm việc thực tế, các học viên cũng có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn khi đã có kinh nghiệm. Ngoài ra, học viên cũng có cơ hội làm việc tại hơn 300 công ty của Đức tại Việt Nam và 47,900 công ty Đức trên toàn thế giới tùy theo nhu cầu.

Bộ mô hình công nghệ dây chuyền tự động do công ty Festo của Đức sản xuất, cánh tay robot của Mitsubishi.

Chi nhánh ngoại quốc của Vinfast: Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh của thành phố Frankfurt, CHLB Đức vừa cấp giấy chứng nhận thành lập VinFast GmbH (công ty trách nhiệm hữu hạn) hoạt động trong lĩnh vực mua, bán, phân phối và thực hiện các giao dịch thương mại (bao gồm nhưng không giới hạn ở nhập khẩu và xuất khẩu) các phụ tùng, linh kiện và nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp ô tô và các dịch vụ liên quan. Frankfurt được đánh giá là địa điểm thuận lợi cho việc mở văn phòng đại diện của VinFast. Thành phố hiện là nơi đặt trụ sở chính của Hiệp hội chế tạo máy và thiết bị Đức, Hiệp hội kỹ thuật điện và công nghệ thông tin, Ủy ban tiêu chuẩn kỹ thuật điện tử, Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất ô tô Đức, và hơn nữa còn có Triển lãm ô tô Frankfurt nổi tiếng. Như vậy, VinFast đã hoàn tất việc mở văn phòng tại Đức. Đồng thời, công ty cũng đang hoàn thiện những bước cuối cùng để mở văn phòng tại Thượng Hải, Trung Quốc và Seoul, Hàn Quốc. Bước đi này cho thấy VinFast đang rất nghiêm túc trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng ra thị trường quốc tế. Nhờ việc mở công ty con tại các quốc gia lớn hàng đầu thế giới, VinFast sẽ dễ dàng tiếp cận được các công nghệ sản xuất ô tô hiện đại nhất, các nhà cung cấp hàng đầu thông qua các đối tác tại đây. Văn phòng tại Đức, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đặt tiền đề để VinFast nắm bắt các xu hướng mới nhất của ngành sản xuất ô tô thế giới. Sự hiện diện của VinFast còn đóng vai trò nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người dân ở các khu vực khác nhau của cả hai châu lục, để tiến tới mục tiêu xuất khẩu ô tô ra nước ngoài. Ngoài văn phòng tại Đức, VinFast có rất nhiều đối tác lớn tại quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới này, như BMW, Siemens, Bosch, Durr AG (dây chuyền sơn), Schuler AG (dây chuyền dập), Eisenmann (lắp ráp), FFT và EBZ (dây chuyền hàn) … cho đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức. Ngày 7/9 tại Hà Nội, Vinfast cùng công ty LG Chem của Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất các dòng pin tiêu chuẩn quốc tế. LG Chem là công ty hóa chất đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm: Hóa dầu, Công nghệ thông tin & vật liệu điện tử, Giải pháp năng lượng. Với hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển và sản xuất pin, LG Chem là một trong những nhà sản xuất pin Lithium-ion hàng đầu, có mối quan hệ hợp tác với các hãng sản xuất điện thoại di động, xe điện, xe hybrid.

Mẫu xe hơi điện của Vinfast

Với công nghệ hàng đầu thế giới của Đức Quốc, thiết kế của Italy, nhân công giá rẻ và vị trí trung tâm của Việt Nam và các văn phòng đại diện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, chiến lược của Vinfast đã có đủ những chuẩn bị cần thiết để xây dựng một thương hiệu cho quốc gia.

Đánh giá của quốc tế: Giới chuyên gia đều đánh giá cao thiết kế của dòng xe VinFast:

  • VinFast Sedan và SUV, những chiếc xe Việt với thiết kế Ý và công nghệ Đức là bài viết giới thiệu về VinFast của tác giả Jay Ramey trên tạp chí Auto Week của Mỹ. Bài viết cho rằng, VinFast đã tìm ra một cách mới mẻ để khởi đầu một thương hiệu ô tô. Khởi đầu này hứa hẹn những kỹ thuật ấn tượng sẽ được tích hợp trong xe VinFast. Và ngay chặng đường đầu tiên, VinFast đã lập kỷ lục phát triển mẫu xe trong 11 tháng thay vì 24 tháng như thường lệ.
  • Tờ Motor Week của Mỹ đánh giá ngoại thất của cả mẫu Sedan và SUV của VìnFast trông ấn tượng. Không có gì thắc mắc, vì cả hai đều được thiết kế bởi Pininfarina với động cơ và khung gầm phát triển từ BMW. Phần thân xe, chiếc SUV cứng cáp, đường thân bằng phẳng với giá đỡ mái bạc và khung cửa sổ màu đen sáng, cũng như viền chữ F nổi và viền hai màu.
  • Một tờ báo Ba Lan thậm chí còn gọi những mẫu xe mới của VinFast là những chiếc xe quốc dân. “VinFast trưng cầu ý kiến của người tiêu dùng Việt Nam bình chọn cho mẫu xe yêu thích nhất. Theo một nghĩa nào đó, đó là những chiếc xe quốc dân”. Tờ Teknavi cho rằng, trong quá trình thiết kế, VinFast đã phá vỡ những quy tắc truyền thống khi trưng cầu ý kiến của khách hàng trong nước trước khi đưa ra bản thiết kế cuối cùng. Nhà sản xuất trình bày 20 bản phác thảo khác nhau của các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới, với hơn 62,000 lựa chọn ra hai mẫu xe cuối cùng. Các thiết kế của Italdesign đã làm hài lòng được số đông, và Pininfarina là studio hoàn thiện sản phẩm. Hai chiếc xe đầu tiên của Vinfast sẽ trưng bày theo đúng tiêu chí về phong cách Việt Nam, an toàn, sáng tạo và tiên phong thông qua một ngôn ngữ thiết kế đẳng cấp thế giới. Với phong cách tự tin và tràn đầy năng lượng, Vinfast tuyên bố cái nhìn độc đáo của họ tách ra khỏi phong cách truyền thống. Trên thực tế, công ty đã thực sự mang đến cho người Việt Nam cơ hội để xác định kiểu dáng của cả xe SUV và Sedan ngay từ đầu.
  • Báo Đức Economy365 nhận định, trong số hai mẫu xe Việt Nam, mẫu Sedan có đèn chiếu sáng LED và lưới tản nhiệt đặc trưng. Đây là hai nét chính trong bản sắc xe VinFast. Dòng chảy ngôn ngữ thiết kế giữa hai xe còn có sự tương đồng ở mặt sau và các bộ đèn.

Giá cả: Với kỳ vọng của ông Vượng, DeLuca đã xây dựng một đội ngũ làm việc trong mơ, những chuyên gia ôtô hàng đầu từ Mỹ, châu Âu, Australia và châu Á về VinFast để tìm ra cách vượt qua những giới hạn trong ngành công nghiệp ôtô thông qua việc tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất và tập trung vào chất lượng. Deluca cho biết các mẫu xe ban đầu của VinFast sẽ có giá “rất phải chăng” để thu hút người mua nội địa, nhưng từ chối đưa ra thông tin chi tiết về giá cả. “Là thứ tốt nhất không có nghĩa phải là đắt nhất”, theo Shaun Calvert – Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất tại VinFast. Có thể thấy, tình yêu vào ô tô Vinfast của người tiêu dùng Việt là rất lớn, và sự kỳ vọng Vinfast sẽ là xe hơi dành cho thật nhiều người Việt nên mức giá kỳ vọng gửi đến nhà sản xuất này lại chỉ tương đương với xe bình dân hoặc trên một chút. Nhưng có thể giá xe Vinfast sẽ không hề rẻ. Bởi cứ nhìn vào các mẫu xe Vinfast được lựa chọn để sản xuất thì đây là những mẫu xe có thiết kế vô cùng bắt mắt, hiện đại và sang trọng.

Vingroup cũng cho biết những chiếc xe của mình sẽ mang “Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kỹ thuật Đức – Tiêu chuẩn quốc tế”. Những chiếc xe mang đặc điểm như thế chẳng phải sẽ là đối thủ của BMW, Audi Mercedes, Lexus … tại Việt Nam hay sao. Nhiều chuyên gia cũng cùng chung nhận định Vinfast sẽ chen chân vào phân đoạn xe cỡ D hạng sang, nằm trên lớp Toyota Camry, Mazda 6… và dưới BMW Series 5, Mercedes-Benz E-Class và Audi A6. Cuộc thử nghiệm thực sự của VinFast sẽ đến trong thời gian tới. Theo các nhà phân tích, giá thành cao nhất của 2 loại xe này có thể từ 52,000 USD đến 83,000 USD. Một số ý kiến khác cho rằng, giá xe VinFast LUX SA 2.0 có thể ở mức 600 – 800 triệu đồng, tương đương với loại Brilliance V7 Brilliance Auto, một hãng xe có có mối quan hệ khá thân thiết với BMW, đủ sức cạnh tranh với những mẫu SUV trên thị trường Việt như Chevrolet Orlando, Chevrolet Captiva, Mitsubishi Outlander, Mazda CX-5, Honda CRV … Được biết, giá bán của Brilliance V7 tại thị trường Trung Quốc chỉ khoảng 22,000 – 23,000 USD, tức vào khoảng 500 triệu đồng. CNBC dẫn lời ông DeLuca giải thích rằng doanh nghiệp lựa chọn với các mẫu đắt đỏ như một lời chào mới thương hiệu VinFast, cho thấy năng lực của doanh nghiệp, nhưng các mẫu nhỏ sau này sẽ rẻ hơn và kỳ vọng lượng bán tốt hơn.

Vinfast tại Paris Motor show 2018: Paris Motor Show là sự kiện được tổ chức 2 năm một lần tại trung tâm triển lãm Paris Porte de Versailles, thủ đô nước Pháp. Đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất của làng ô tô thế giới với việc quy tụ đầy đủ các nhà sản xuất danh tiếng. Ngày 2/10, VinFast chính thức ra mắt 2 mẫu xe Sedan và SUV trước thềm Paris Motor Show. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một thương hiệu ô tô của riêng mình sánh vai cùng các thương hiệu lớn như Audi, Bentley, Ferrari … tại một trong 5 triển lãm ô tô danh giá nhất thế giới. Công ty góp phần vào những thành công về mặt truyền thông cho VinFast là một công ty chuyên về truyền thông và tổ chức sự kiện của Anh. Công ty mang tên PFPR Communications có trụ sở ở hạt Kent. Đây là công ty nổi tiếng với danh sách khách hàng bao gồm cả BMW, Mazda, Honda, Mini và Rolls-Royce.

Hai mẫu xe Sedan và SUV của Vinfast

  • Ngày 01/10/2018, VinFast chính thức công bố tên gọi hai mẫu xe đầu tiên là LUX A2.0 cho dòng Sedan và LUX SA2.0 cho dòng SUV chỉ hơn 1 năm sau khi hãng khởi công tổ hợp sản xuất ở Hải Phòng. Hai mẫu xe này sẽ ra mắt công chúng lần đầu tiên vào ngày 2/10 tại Triển lãm quốc tế Paris Motor Show 2018. Theo sơ đồ bố trí sàn của triển lãm, gian hàng của Vinfast ở khu 1 và được đặt ngay bên cạnh các thương hiệu lớn như Ferrari, KIA, Renault, Peugeot, Suzuki, Hyundai. Ở một sân chơi có chi phí đắt đỏ dành cho các đại gia ô tô lớn, đại diện đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, VinFast, vẫn sẵn sàng đầu tư để bước lên sàn diễn xa hoa của Paris Motor Show.
  • Đồng hành cùng sự kiện ra mắt thương hiệu ô tô Việt đầu tiên này là những gương mặt khách mời nổi bật đến từ Việt Nam như Hoa hậu Trần Tiểu Vy, Á hậu Hoàng Thùy và người mẫu Quang Đại. Chiều 2/10, thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam VinFast đã có màn ra mắt ấn tượng, thành công tại Paris Motor Show 2018. Đúng như dự đoán, đó là những sản phẩm tuyệt đẹp, lịch lãm, sang trọng và đẳng cấp. Dave Lyon – giám đốc thiết kế – chịu trách nhiệm thuyết minh 2 mẫu xe VinFast tại sự kiện đã kết thúc bài phát biểu bằng câu nói ấn tượng: “Với những chiếc xe này, chúng tôi đang đưa tinh thần Việt Nam hiện đại lên sân khấu thế giới!”. Ghi nhận trên màn hình livestream của kênh VTV1, đã có hơn 1 triệu người theo dõi màn ra mắt ấn tượng của thương hiệu ô tô Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này.
  • Đáng chú ý trong sự kiện này có sự xuất hiện của cựu danh thủ, siêu sao bóng đá nổi tiếng thế giới David Beckham. Dù xuất hiện trong thời gian ngắn ngủi nhưng Beckham đã bày tỏ sự kinh ngạc đối với thương hiệu xe ô tô mới đến từ Việt Nam. Anh chia sẻ: “VinFast đã tạo ra những sản phẩm tuyệt vời trong thời gian ngắn như vậy. Điều này thật khó tin. Sự thần kỳ đã đến từ Việt Nam. Xe có kiểu dáng thanh lịch, công nghệ cao”. Vị cầu thủ này cũng nhấn mạnh rằng: “Tôi xin chúc mừng Việt Nam, đây là ngày đầy tự hào, đây là chiếc xe do Việt Nam sản xuất. Chiếc xe đã xuất hiện trên sân chơi toàn cầu và người Việt Nam tự hào vì điều đó. Đây chính là sự thần kỳ của Việt Nam”. Tuy nhiên sau khi chương trình kết thúc, vừa mới đây trên trang fanpage với 53 triệu lượt thích của mình, Beckham lại tiếp tục có những chia sẻ mới về mẫu xe của Vinfast. Dòng trạng thái của cựu tuyển thủ 43 tuổi kết thúc bằng câu nói pha chút bông đùa: “Hãy xem chừng họ trong tương lai!”. Bài đăng này nhận được hơn 40,000 lượt thích, hơn 1,000 bình luận và hơn 2,000 chia sẻ trên mạng xã hội Facebook sau khoảng 2 giờ. Bức ảnh Beckham chụp cạnh xe của VinFast mà anh chia sẻ trên chính trang Facebook của mình đã được hơn 130,000 lượt like và hơn 5,000 lượt chia sẻ tính tới 8/10. 

  • Tổ chức về ô tô hàng đầu châu Âu – Autobest – đã vinh danh VinFast qua giải thưởng “ngôi sao mới” của ngành ô tô thế giới, ghi nhận sự khởi đầu đầy quyết liệt và khát vọng của hãng xe hơi đến từ Việt Nam.
  • Điều đặc biệt là trong ngày VinFast ra mắt 2 mẫu xe ôtô tại Paris Motor Show, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đã tăng 3.6% giá trị giúp ông chủ của tập đoàn này “bỏ túi” thêm khoảng 130 triệu USD. Theo số liệu mới nhất từ Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đã cán mốc 6.7 tỷ USD, xếp thứ 235 trong bảng xếp hạng những người giàu có nhất hành tinh. Đây là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Điều đáng nói là với khối tài sản đó, tỷ phú Vượng còn xếp trên nhiều nhân vật quyền lực ở châu Á trong đó có cả chủ tịch tập đoàn Hyundai Motor là Chung Mong-koo. Theo dữ liệu của Forbes, ông Chung hiện nắm khối tài sản trị giá 4.3 tỷ USD, là người giàu thứ 475 trên toàn thế giới.
  • Hàng vạn lượt khách ghé thăm gian hàng VinFast trong ngày cuối tuần để chiêm ngưỡng hai mẫu xe thương hiệu Việt đầu tiên khiến cho sân khấu có lúc bị “quá tải”, khách phải chen nhau có chỗ đứng. Khách quốc tế bị thu hút bởi 2 mẫu xe đến từ Việt Nam, mang đẳng cấp quốc tế. Trong đó, chiếc xe Sedan Lux A2.0 mang vẻ đẹp sang trọng, thanh lịch; chiếc xe SUV Lux SA 2.0 lại chứa đựng nét khỏe khoắn, hiện đại.

CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẶT

Khá nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ các bài báo và đưa ra hàng trăm bình luận theo hướng cổ vũ, chúc mừng cho điều mà họ gọi là “những thành công ban đầu” của VinFast nói riêng và “niềm tự hào Việt” nói chung.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), viết trên trang Facebook cá nhân có trên 51,000 người theo dõi rằng ông đã phải “dùng quan hệ” để xếp chỗ mua hàng và ông thấy “may mắn” là đơn hàng của ông đặt mua 5 chiếc xe VinFast “đã được chấp nhận”. Vị chủ tịch SSI cho biết ông sẽ là một trong những người “đầu tiên được nhận xe” và ông có suy nghĩ rằng “ai chả muốn là những người đầu tiên được sở hữu một chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam”. Ông viết thêm rằng điều này không đơn giản chỉ là “niềm vui sở hữu một phương tiện đi lại”, mà hơn thế, đó là “tình cảm của người dân luôn mong muốn xây dựng thương hiệu Việt Nam”.

Tuy nhiên, bên cạnh các bình luận lạc quan, tích cực, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần thận trọng khi đánh giá về chặng đường sắp tới của VinFast. Những người thuộc về nhóm phản biện chỉ ra rằng hai mẫu xe sắp ra mắt “hầu như không có gì của Việt Nam cả”. Một số người lưu ý đến thực tế là công nghiệp phụ trợ trong nước “gần như bằng không” để đưa ra quan điểm là trong điều kiện như vậy, “làm được 1 chiếc ô tô từ A đến Z trong vòng 2 năm thì đúng là ảo thuật”. Nhiều người khác thận trọng cảnh báo rằng dù các hãng nước ngoài thiết kế và cung cấp linh kiện, vẫn cần thêm thời gian để “kiểm chứng chất lượng” của các sản phẩm VinFast.

Giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, ông Trần Khắc Huy, nói với VOA rằng dựa trên kiến thức của ông về quy trình sản xuất ô tô truyền thống, ông “không tin” là VinFast có thể “tự làm được xe thương hiệu Việt theo đúng nghĩa”. Một khó khăn cơ bản, theo ông Huy là khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) vốn đòi hỏi phải có nhân sự trình độ rất cao và chi phí lớn. Trong khi đó, ông Huy cho rằng VinFast “chưa có ngay, hoàn toàn phải đi thuê”, và ngay cả khi hãng chi tiền để mua “cũng không dễ để có thể mua được” những thiết kế và công nghệ tốt nhất, mới nhất. Ông nói thêm về khó khăn khác đang chờ đợi hãng này do lệ thuộc về công nghệ: “Khi chạy xe, đương nhiên đi kèm theo phải là dịch vụ và phụ tùng. Tôi tin rằng VinFast sẽ không cung cấp được giá phụ tùng theo đúng nghĩa là thương hiệu Việt, bởi vì phụ tùng xe không sản xuất tại Việt Nam, còn nhập khẩu vẫn chịu thuế nhập khẩu như phụ tùng các xe khác. Tôi tin rằng giá phụ tùng sẽ khá là cao, và đó không phải là một lợi điểm”.

Những phân tích của vị giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam cũng trùng với cách nhìn của ông Bill Russo, người đứng đầu hãng Automobility chuyên tư vấn về ô tô, có trụ sở đặt tại Thượng Hải. Ông Russo, cũng từng là một giám đốc của hãng ô tô Chrysler, nói với Reuters trong một bài viết về VinFast đăng hôm 1/10: “Việc họ thuê bên ngoài làm thiết kế và chế tạo, cũng như việc họ lệ thuộc vào R&D của nước ngoài cho tôi thấy là họ đang đi theo con đường truyền thống mà có lẽ không còn có tính cạnh trạnh trong một kỷ nguyên của các dịch vụ di chuyển kỹ thuật số”. Doanh nhân và chuyên gia kỳ cựu này nói thêm với Reuters: “Câu hỏi quan trọng là vì sao thế giới lại cần có thêm một nhãn hiệu ô tô nữa cơ chứ, trong một thời đại khi mà các phần cứng đang trở thành hàng hóa phổ biến”.

Trước đây, 2 dự án ô tô khác ở Việt Nam thất bại, là VEAM do nhà nước chống lưng và Vinaxuki của tư nhân. Trong một cuộc phỏng vấn với VOA khi VinFast khởi công xây nhà máy, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành Dong A Solutions, một hãng tư vấn cho các doanh nghiệp nội địa, nhận định rằng: “Nếu có một cách nào đó để VinFast thành công, thì Vingroup phải dựa vào chính sách, tác động vào chính sách”. Căn cứ vào những kết quả mà tập đoàn đạt được từ việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ bất động sản, chuỗi bán lẻ cho đến trường học, bệnh viện, chuyên gia Trần Bằng Việt bày tỏ tin tưởng là VinFast có thể làm được, nhưng ông cũng thận trọng bổ sung rằng họ “làm tốt đến đâu chúng ta phải chờ thêm”.

THAM KHẢO

  1. Tập đoàn Vingroup – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Báo Nhật viết về ‘gã khổng lồ’ Vingroup: Từ một công ty BĐS vươn lên thành tập đoàn lớn bậc nhất Việt Nam, nắm trong tay 8 mảng kinh doanh chỉ sau 17 năm” trên mạng Cafef.VN ngày 2/5/2018.
  3. Bài viết “Hé lộ về số tiền Vingroup đã chi cho dự án Vinfast” trên mạng Soha ngày 2/08/2018.
  4. Bài viết “Hình ảnh ấn tượng bên trong nhà máy ô tô VinFast ở Hải Phòng” trên mạng Soha ngày 19/8/2018.
  5. Bài viết “Người Mỹ điều hành hãng xe của tỷ phú Việt tin vào thắng lợi” trên mạng Soha ngày 28/2/2018.
  6. Bài viết “Cận cảnh tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy Vinfast sau 1 năm khởi công” Bài viết “160 chiếc xe VinFast đã được sản xuất và đang có mặt tại châu Âu lẫn châu Á” trên mạng Cafef.VN ngày 27/9/2018.
  7. Bài viết “Vinfast thành lập Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên cơ khí, cơ điện tử” trên mạng Zing.VN ngày 7/2/2018.
  8. Bài viết “Trước giờ G, VinFast chính thức công bố chi tiết động cơ hai mẫu xe sẽ đến Paris Motor Show” trên mạng Cafef.VN ngày 28/9/2018.
  9. Bài viết “Xe Vinfast là kết quả có hậu cho giấc mơ công nghiệp ô tô hơn 20 năm của Việt Nam?” trên mạng Cafef.VN ngày 29/9/2018.
  10. Bài viết “Hoa hậu Trần Tiểu Vy là khách mời đặc biệt của VinFast trong Paris Motor Show 2018 trên mạng Cafef.VN ngày 28/9/2018.
  11. Bài viết “Xe VinFast – Dân phấn khích; chuyên gia lo lệ thuộc công nghệ” trên đài VOA ngày 1/10/2018.
  12. Bài viết “Báo Đức: VinFast và BMW mắc nợ một người” trên mạng Zing.VN ngày 1/10/201848.
  13. Bài viết “VinFast và LG Chem hợp tác sản xuất pin tiêu chuẩn quốc tế” trên mạng VTC News ngày 8/9/2018.

—–