Kế hoạch trồng rừng của Việt Nam

800 (lượt xem) |

DIỄN BIẾN TÀI NGUYÊN RỪNG VIỆT NAM

Việt Nam là một nước nhiệt đới nằm ở vùng Đông Nam Á, có địa hình kéo dài trong khoảng 9° – 23° Bắc. Diện tích rừng và đất rừng khoảng 20 triệu ha, chiếm khoảng 60% diện tích toàn quốc. Diện tích rừng năm 2006 là như sau: Rừng tự nhiên 10,410,140 ha – Rừng trồng 2,463,710 ha – Đất không có rừng 5,608,763 ha. Căn cứ vào mục tiêu sử dụng, diện tích đất có rừng được phân thành 3 loại là: Rừng đặc dụng 2,202,888 ha – Rừng phòng hộ 5,268,789 ha – Rừng sản xuất 5,402,172 ha.

Dải Trường Sơn

Hiện trạng tài nguyên thiên nhiên trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực. Nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay đang bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng hiện này đó chính là do hoạt động khai thác một các bừa bãi, cùng với việc sử dụng tài nguyên lãng phí, và do công tác quản lý yếu kém của các cấp chính quyền địa phương.

Đến năm 2013, ở Việt Nam có 15.4 triệu ha đất có rừng và 10.2 triệu ha đất sử dụng trong nông nghiệp (chiếm hơn 30% tổng diện tích đất tự nhiên), 2.95 triệu ha đất chưa sử dụng. Bình quân đất nông nghiệp tính theo đầu người là hơn 0.1 ha. Khả năng mở rộng đất nông nghiệp ở đồng bằng và miền núi là không nhiều. Về vấn đề suy thoái tài nguyên đất, tuy diện tích đất đồi trọc đã giảm mạnh nhưng diện tích đất bị suy thoái vẫn còn rất lớn. Ở đồng bằng đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn cao, ở đồi núi đất bị bạc màu trơ sỏi đá. Cả nước có khoảng 9.3 triệu ha đất bị đe dọa sa mạc hóa (chiếm khoảng 23% diện tích đất cả nước).

Trữ lượng gỗ rừng (1993): Ước tính vào khoảng 525 triệu m³ (trung bình khoảng 76 m³ /ha). Tốc độ tăng trưởng trung bình của rừng Việt Nam hiện nay là 1-3 m³ /ha/năm. Đối với rừng trồng có thể đạt tới 5-10m³ /ha/năm. Phần lớn rừng tự nhiên hiện tại nằm ở vùng Tây Nguyên. Phần còn lại nằm rải rác ở những vùng khác.

Tỷ lệ các loại rừng ở Việt Nam (2004): Rừng tự nhiên 10.1 triệu ha (Rừng gỗ 72% – Rừng trồng 14% – Rừng tre nứa 7% – Rừng hỗn giao cây gỗ – tre nứa và Rừng cây lá rộng-lá kim 6% – Rừng ngập mặn 1%) – Rừng gỗ 7,926,825 ha – Rừng trên núi đá vôi 611,657 ha – Rừng tre nứa 799,130 ha – Rừng gỗ-tre nứa, cây lá rộng-lá kim 682,642 ha – Rừng ngập mặn 68,035 ha – Rừng trồng 2,218,570 ha.

TÌNH TRẠNG RỪNG VIỆT NAM 1945-2015

Từ năm 1945 khi mà diện tích rừng tự nhiên là 14.3 triệu ha với tỷ lệ che phủ là 43.8% diện tích cả nước. Trong khoảng thời gian 1975-1995, vì những điều kiện chủ quan cũng như khách quan, diện tích rừng đã xuống thấp nhất còn 9.3 triệu ha (28.2%). Năm 1996, chính phủ Việt Nam đã phát động một chiến dịch quy mô trồng lại rừng trên cả nước nhất là khu vực Tây Nguyên và dọc theo rặng Trường Sơn. Đến năm 2015, rừng phục hồi lại 14.06 triệu ha với tỷ lệ che phủ là 40.8% gần bằng năm 1945. Chiến dịch trồng lại rừng do chính phủ Việt Nam phát động từ năm 1976 đến năm 2015 đã trồng được 14.6 triệu ha rừng.

Nguyên nhân suy thoái tài nguyên rừng gồm tàn dư của chiến tranh, giảm diện tích rừng để phát triển quốc gia và những tàn phá do con người gây ra:

Chất độc da cam (Agent Orange): Chất độc da cam (tiếng Anh: Agent Orange – Tác nhân da cam), là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand, một phần của chiến tranh hóa học của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chất này không có màu và được chứa trong các thùng màu da cam (do vậy trong vụ kiện hậu quả của nó được gọi nhầm là chất độc màu da cam). Chất này đã được Hoa Kỳ sử dụng quy mô lớn trong những năm từ 1961 đến 1971, khiến nhiều vùng ở Việt Nam bị nhiễm độc nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã tìm thấy chất độc da cam có chứa chất độc dioxin, nguyên nhân của nhiều bệnh như ung thư, dị dạng và nhiều rối loạn chức năng ở cả người Việt lẫn các cựu quân nhân Hoa Kỳ. Các cơ quan y tế ở Việt Nam ước tính khoảng 400,000 người đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500,000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân Việt Nam đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam. Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm dài thế nhưng hậu quả của nó để lại vẫn chưa thể nào kể hết được. Không chỉ để lại những căn bệnh quái ác bởi chất độc màu da cam mà chiến tranh còn tàn phá môi trường một cách khủng khiếp. Sự tàn phá lớn đến mức một từ tiếng Anh mới đã được hình thành ecocide- hủy diệt sinh thái. Có khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ và phát quang đã được rải xuống 24.67% di ện t ích ở miền Nam, nhất là vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ . Vùng rừng xanh tốt ở Đông Nam Bộ biến thành vùng đất chết. Trên 3.3 triệu ha đất đai tự nhiên bị rải chất độc, rừng nội địa bị tác động nặng nề, tổn thất trên 100 triệu m³ gỗ. Chất độc hoá học còn gây thiệt hại nhiều cho các loại tài nguyên khác ngoài gỗ. Cây rừng ngập mặn bị chết do chất độc hoá học. Thời gian phân hủy của nó lên khoảng 15 đến 20 năm hoặc lâu hơn thế nữa. Số lượng lớn chất độc hóa học với nồng độ cao được rải đi rải lại không những khiến các loài động thực vật chết mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và còn làm đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên. Có thể nói cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là một cuộc chiến tranh hủy diệt môi trường, hệ sinh thái và con người.

Phi cơ Hoa Kỳ rải chất độc da cam

Phát triển kinh tế: Việc đẩy mạnh phát triển các cây công nghiệp được cho là nguyên nhân chính làm giảm diện tích rừng ở Tây Nguyên. Khoảng 40-50% diện tích rừng trong khu vực bị mất do trồng cây công nghiệp, riêng ở Đắc Lắc đã có 74,000 ha rừng bị phát quang để trồng cà phê. Ở các khu vực miền núi phía Bắc, chăn nuôi là hoạt động có giá trị kinh tế cao và rất dễ thực hiện. Chuyển đổi đất rừng sang đồng cỏ chăn nuôi cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất rừng ở khu vực này. Việc phát triển kinh tế và các khu dân cư cũng góp phần vào việc giảm diện tích rừng. Hệ thống các nhà máy thủy điện trên toàn quốc đã lấy đi không ít diện tích rừng.

Rừng tràm mới trồng

Trong bối cảnh thiên tai diễn ra với tần suất cao như hiện nay, các tổ chức quốc tế đã đưa ra các khuyến nghị rằng: Việt Nam cần triển khai đồng bộ chương trình nông lâm kết hợp, đảm bảo an sinh cho người dân sống dưới tán rừng, từ đó bảo vệ được môi trường rừng vốn mong manh như hiện nay. Tây Nguyên là địa bàn có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Trước sức ép của việc trồng cây công nghiệp, mỗi năm Tây Nguyên có gần 6 ngàn héc ta rừng tự nhiên biến mất. Thay vào đó là những vườn rẫy của nông dân. Nếu như triển khai sớm giải pháp nông lâm kết hợp chắc chắn sẽ cứu được hàng vạn, hàng triệu héc ta rừng tự nhiên. Phá rừng lấy đất sản xuất của Tây Nguyên cũng là thực trạng chung trên cả nước. Vấn đề phá rừng lấy đất sản xuất khiến đất đai bị bạc màu, xói lở nghiêm trọng. Rủi ro do thiên tai gây ra ngày càng tăng. Thực tế này đang diễn ra tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Đây là khuyến cáo vừa được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị nông lâm kết hợp do Trung tâm nghiên cứu nông lâm thế giới vừa tổ chức tại Việt Nam. Mô hình nông lâm kết hợp đã triển khai có hiệu quả tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, thành công mô hình trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng nguyên sinh tại huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam là một minh chứng. Nhiều hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh thu về hàng chục tỷ đồng đồng. Mặc khác họ đã bảo vệ được cả ngàn héc ta rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn Ngọc Linh.

Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nguyên sinh

Người dân tàn phá rừng: Tốc độ phá rừng nhiệt đới hàng năm giai đoạn 1981-1990 là 0.8% hay 15.4 triệu hecta/năm, trong đó châu Á có tỷ lệ mất rừng cao nhất (1.2%). Riêng đối với Việt Nam, trong vòng nửa thế kỷ từ 1943 đến 1993 có khoảng 5 triệu hecta rừng tự nhiên bị mất, nghĩa là tốc độ phá rừng hàng năm ở Việt Nam vào khoảng 100,000 hecta.

Rừng bị tàn phá

Vấn đề rừng bị tàn phá do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan:

  • Do nhận thức của con người, khai thác không đúng quy hoạch.
  • Do quy hoạch một số vụ việc, kế hoạch không đúng đối với quá trình điều chế rừng, sắp xếp ngành nghề …
  • Hoạt động quản lý nhà nước về rừng yếu kém.
  • Do tập tục du canh du cư, đốt nương làm rẫy của một số cộng đồng thiểu số dân tộc vùng cao. Điều này gây ra nạn cháy rừng.
  • Do quá trình chuyển hóa đất từ sản xuất lâm nghiệp sang sản xuất nông nghiệp.
  • Do xây dựng cơ bản: xây dựng đô thị mới, đường giao thông, công trình thủy điện v.v..
  • Do hoạt động phá rừng của các lâm tặc nhằm để lấy lâm sản.
  • Nhằm lợi ích thu lợi nhuận của các công ty.

NỔ LỰC TRỒNG LẠI RỪNG CỦA VIỆT NAM

Trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2017, độ che phủ rừng đã đạt kế hoạch đề ra là 41.45% so với tỷ lệ che phủ là 40.8% năm 2015. Năm 2016, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực có diện tích rừng ngày càng tăng. Năm 2018, độ che phủ rừng lên 41.6%.

Đặc biệt, năm 2017 là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã thực hiện nhiều nội dung tập trung vào thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Ngày 4/5/2018, tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, công bố chương trình quốc gia về REDD+ Reducing Emissions from Deforestation and Forest Degradation của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030 và đường tham chiếu rừng (FREL/FRL).

Giai đoạn 2017 – 2020: Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng nhằm gia tăng tích lũy các-bon và dịch vụ môi trường rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng hiệu quả; quản lý, bảo vệ và bảo tồn bền vững rừng tự nhiên. Góp phần cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Giai đoạn 2021 – 2030: Ổn định diện tích rừng tự nhiên đến 2030 ít nhất bằng diện tích đã đạt được tại năm 2020 và tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mức đóng góp có thể tăng lên 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế.

Chương trình được thực hiện trong phạm vi toàn quốc, ưu tiên các khu vực là điểm nóng về mất rừng và suy thoái rừng, vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu và có tiềm năng tăng trữ lượng các bon rừng.

Trồng rừng cũng như trồng người, tiến trình cả trăm năm. Con cháu chúng ta phải được học từ lớp mẫu giáo để khi lớn lên mới biết tương lai của rừng-biển gắn liền với sự sống còn của dân tộc.

Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm

Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong

THAM KHẢO

  1. Chất độc da cam – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Phá rừng – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  3. Quản lý tài nguyên thiên nhiên – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  4. Tài nguyên rừng – Mongabay.com
  5. Bài viết “Tình trạng môi trường Việt Nam sau 30 năm” đăng trên mạng Trandaiquang.Org ngày 28/4/2005.
  6. Bài viết “Tác hại sau chiến tranh ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?” đăng trên mạng Môi trường Việt Nam ngày 9/12/2016.
  7. Bài viết “2018: Nâng độ che phủ rừng lên 41.6%” đăng trên mạng ThienNhien.Net ngày 13/12/2017.
  8. Bài viết “Phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 45% vào 2020” đăng trên mạng Khoahoc.TV ngày 13/12/2017.

—–