Cà phê Việt Nam

518 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Cà phê (bắt nguồn từ tiếng Pháp café /kafe/) là một loại thức uống được ủ từ hạt cà phê rang, lấy từ quả của cây cà phê. Các giống cây cà phê được bắt nguồn từ vùng nhiệt đới châu Phi và các vùng Madagascar, Comoros, MauritiusRéunion trên Ấn Độ Dương. Giống cây này được xuất khẩu từ châu Phi tới các nước trên thế giới và hiện nay đã được trồng tại tổng cộng hơn 70 quốc gia, chủ yếu là các khu vực nằm gần đường xích đạo thuộc châu Mỹ, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi. Hai giống cà phê được trồng phổ biến nhất là cà phê chè (Arabica) và cà phê vối (Robusta). Sau khi chín, quả cà phê sẽ được hái, chế biến và phơi khô. Hạt cà phê khô sẽ được rang trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu thị hiếu. Hạt cà phê sau khi rang sẽ được đem đi xay và ủ với nước sôi để tạo ra cà phê dưới dạng thức uống.

Cà phê có ít tính axit và có thể gây kích thích đối với người sử dụng do có chứa hàm lượng cafein. Cà phê ngày nay là một trong những thức uống phổ biến trên thế giới. Thức uống này có thể được chuẩn bị và phục vụ theo nhiều dạng uống khác nhau (ví dụ như espresso, cà phê bình, latte …). Cà phê thường được thưởng thức nóng, dù cà phê đá cũng được nhiều người ưa dùng. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy lượng cà phê tiêu thụ trung bình là vừa đủ hoặc có lợi đối với một người lớn khỏe mạnh. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi về việc sử dụng cà phê lâu dài có thể hạn chế chứng suy giảm trí nhớ về già hoặc giảm thiểu khả năng mắc các bệnh ung thư.

Bằng chứng sớm và đáng tin cậy nhất về việc sử dụng cà phê được phát hiện vào thế kỷ 15 tại các lăng mộ Sufi giáoYemen. Cũng tại bán đảo Ả Rập, các hạt cà phê đầu tiên được rang và ủ theo cách tương tự như phương pháp chúng ta vẫn làm ngày nay. Hạt cà phê ban đầu được xuất khẩu từ Đông Phi tới Yemen, do cây cà phê chè lúc đó được cho là có nguồn gốc từ người bản địa. Các thương nhân Yemen đã đem cà phê về quê nhà và bắt đầu trồng các hạt giống. Tới thế kỷ 16, cà phê đã được đem tới Persia, Thổ Nhĩ KỳBắc Phi. Từ đây, cà phê được lan rộng khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Cà phê là một mặt hàng xuất khẩu lớn: đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp tại nhiều quốc gia và là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp hợp pháp lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là loại hàng hóa có giá trị xuất khẩu nhất của các quốc gia đang phát triển. Cà phê xanh (không rang) cũng là một trong những mặt hàng nông nghiệp được buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Nhiều tranh luận đã xảy ra xung quanh việc trồng cà phê, cách các quốc gia phát triển trao đổi cà phê với các nước đang phát triển và tác động của việc trồng cà phê đối với môi trường sống, đi kèm với vấn đề tạo đất trống để trồng cà phê và sử dụng nước tưới. Cũng nhờ vậy, thị trường cà phê thương mại công bằng và cà phê hữu cơ ngày càng được mở rộng.

CÁC LOẠI VÀ CÁC QUỐC GIA SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ CÀ PHÊ

Các loại cà phê: Hiện nay, cây cà phê được trồng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới mà 3 quốc gia sản xuất nhiều nhất là Brazil (2.7 triệu tấn), Việt Nam (1.7 triệu tấn), Colombia (.7 triệu tấn).

Cây cà phê cho ra những trái cà phê ngon nhất khi được trồng ở những vùng cao nguyên, nơi có khí hậu nhiệt đới và có đất đai màu mỡ. Bên cạnh điều kiện về vị trí địa lý, còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng tới chất lượng – mùi vị hạt cà phê như các loại cây trồng xen canh với cây cà phê, các chất hóa học trong đất, lượng mưa và lượng ánh sáng mặt trời và quan trọng nhất là độ cao của vùng trồng cây cà phê. Có 2 loại cà phê chính: Arabica (Cà phê chè) ưa sống ở vùng núi cao từ độ cao từ 1,000-1,500 m (Brazil, Colombia) và Robusta (Cà phê vối) ở vùng núi cao từ độ cao từ 500-1,000 m (Việt Nam).

Cà phê Arabica (Cà phê chè) là loại cà phê có lá nhỏ, cây thường để thấp giống cây chè. Đây là loài có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê, giá gấp đôi so với Robusta. Cà phê chè chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn thế giới. Cà phê Arabica còn được gọi là Brazilian Milds nếu nó đến từ Brazil, gọi là Colombian Milds nếu đến từ Colombia, và gọi là Other Milds nếu đến từ các nước khác. Qua đó có thể thấy Brazil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, chất lượng cà phê của họ cũng được đánh giá cao nhất. Các nước xuất khẩu khác gồm có Ethiopia, Mexico, Guatemala, Honduras, Peru, Ấn Độ.

Cà phê Robusta (Cà phê vối) là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê. Khoảng 39% các sản phẩm cà phê được sản xuất từ loại cà phê này. Nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới là Việt Nam. Các nước xuất khẩu quan trọng khác gồm Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Uganda, Côte d’Ivoire. Các loại cà phê hòa tan của các quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới như Hoa Kỳ, Liên Âu đều dùng loại Robusta.

r (màu lục đậm): Robusta – m (màu lục nhạt): Arabica

a (màu vàng): Cả hai loại

Các quốc gia sản xuất: Brazil là quốc gia sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới và Brazil cũng là nước tiêu thụ cà phê thứ 2 thế giới sau Mỹ. Với 2.3 triệu ha chiếm gần 40% tổng sản lượng thế giới, phần lớn nằm ở Minas Gerais, Sao Paulo và Parana, nơi có khí hậu và nhiệt độ lý tưởng cho việc sản xuất cà phê. Phòng Thương mại Nông nghiệp Sao Paulo dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Brazil mùa vụ 2014/15 khoảng 32.38 triệu bao, giảm 1 triệu bao so với mùa vụ trước. Theo báo cáo thị trường cà phê của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) tháng 3/2014, tổng tiêu thụ cà phê thế giới năm 2013 ước đạt 145.8 triệu bao, tăng 3.8 triệu bao so với năm 2012. Brazil đã xuất khẩu 23.4 triệu bao cà phê trong hơn 8 tháng đầu năm 2015 – doanh thu tăng 1% đạt 4.08 tỷ USD, theo báo cáo của Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (CeCafe). Mỹ là nước nhập khẩu cà phê Brazil lớn nhất với 22% tổng sản lượng nhập khẩu, tiếp theo là Đức với 19%; Ý là 8% và Nhật là 7%.

Nước sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới là Việt Nam. Ngành cà phê Việt Nam tăng trưởng ở mức cao trong vòng 3 năm qua. Năm 2014, diện tích trồng cà phê là 653 ngàn hecta, tăng 2.7% so với năm 2013. Sản lượng mùa vụ năm 2013/14 đạt gần 1.7 triệu tấn, chủ yếu là cà phê Robusta. Các tỉnh trồng cà phê nhiều nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông. Cà phê Việt Nam đa phần được xuất khẩu. Trong 7 tháng năm 2013/2014 đã xuất khẩu 1.1 triệu tấn cà phê các loại (cà phê nhân, rang, xay và cà phê hòa tan) với kim ngạch khoảng 2.2 tỷ USD, đạt mức kỷ lục mới về xuất khẩu cà phê, và xuất khẩu sang 70 quốc gia trên thế giới. Trong mùa vụ 2013/2014, Đức đã vượt lên trên Mỹ để trở thành nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Với lượng nhập khẩu tăng mạnh, Bỉ trở thành thị trường lớn thứ ba của Việt Nam. Xuất khẩu mùa vụ 2013/14 khoảng 55,000 tấn, tăng 21% so với mùa vụ trước, với các thị trường chính là Trung Quốc, Nga, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Theo số liệu phân tích từ Global Trade Atlas (GTA), Tổng cục hải quan và các doanh nghiệp trong nước, trong 6 tháng đầu niên vụ 2014/2015, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 657 tấn tương đương 10.95 triệu bao, giảm 24.5% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Colombia là nước sản xuất cà phê đứng thứ 3 thế giới sau Brazil và Việt Nam, nhưng là nhà sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Colombia cho biết nước này đã sản xuất 1.46 triệu bao loại 60 kg/bao cà phê Arabica trong tháng 7, tăng 18% so với một năm trước. Xuất khẩu cũng tăng 35% lên 1.2 triệu bao. Liên đoàn ước tính Colombia sẽ đạt 12.5 đến 13 triệu bao trong năm 2015.

10 nước sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới

Các quốc gia tiêu thụ: Theo số liệu thống kê từ ITC, năm 2014, Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu cà phê, chiếm 19% tổng kim ngạch nhập khẩu cà phê của thế giới. Nhu cầu tiêu thụ cà phê được dự đoán sẽ tăng 25% trong 5 năm tới, theo ICO. Cụ thể sẽ tăng lên 175.8 triệu bao vào năm 2020 so với 141.6 triệu bao (60kg/bao) năm 2015. Theo Bloomberg tại Truste – Italia, việc tăng tiêu thụ cà phê, đặc biệt là tại các nước mới nổi, khiến các nhà sản xuất phải tăng sản lượng thêm từ 40 – 50 triệu bao trong thập kỷ tới. Số lượng này nhiều hơn tổng thu hoạch cà phê của Brazil trong một vụ. Cộng thêm mối đe dọa từ việc biến đổi khí hậu và giá cà phê đang ở mức thấp như hiện nay sẽ không khuyến khích các nhà sản xuất cà phê tăng sản lượng.

Tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ hiện tại dự đoán giảm xuống 141 triệu bao từ 146.7 triệu bao năm ngoái, chủ yếu do tác động của hạn hán tại Brazil và bệnh gỉ sắt tại Trung Mỹ. Mối lo ngại về thời tiết đang gây thêm bất ổn về sản lượng cà phê của Brazil. Cơ quan mùa vụ Conab của Brazil dự đoán sản lượng cà phê của nước này năm nay chỉ đạt 44.1 – 46.6 triệu bao. Tuy nhiên, Hội đồng cà phê quốc gia Brazil lại cho rằng sản lượng thu hoạch thậm chí còn thấp hơn, chỉ đạt 40 triệu bao. Tình hình thời tiết khô hạn đang diễn biến phức tạp tại Brazil, nhất là tại các vùng trồng cà phê chủ chốt. Sản lượng cà phê của các nước khác như Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia sẽ không đủ để ổn định thị trường trong năm tới, bà Judith Ganes Chase, Giám đốc công ty tư vấn hàng hóa J. Ganes Consulting LLC cho biết. Kết quả là tồn kho cà phê toàn cầu có thể giảm 4 triệu bao trong năm bắt đầu từ 1/10/2018.

10 nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới

CÀ PHÊ CHỒN

Còn được gọi với cái tên cà phê phân chồn, cà phê chồn được biết đến là một loại cà phê hảo hạng và đặc biệt, được xếp vào loại cà phê quý hiếm nhất thế giới. Cà phê chồn có nhiều nhất ở Indonesia trên với tên gọi là Kopi Luwak. Được hiểu theo nghĩa Kopi là cà phê còn Luwak là tên gọi của một loài cầy sống ở Java, chúng phân bố rộng rãi khắp các vùng Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, miền nam của Trung Quốc và Việt Nam.

Ngày nay, cà phê chồn được biết đến như là một thức uống không chỉ để tỉnh táo hay là sở thích thường ngày, mà uống cà phê chồn còn là sự thể hiện đẳng cấp của giới thượng lưu. Cà phê chồn khi pha để thưởng thức có vị dìu dịu mà ngay ngáy, bùi bùi và phảng phất hương thơm của vị sô cô la và mùi của khói, nên khiến cho những ai thưởng thức đều thích thú với hương vị này. Với hương vị đặc biệt, cà phê chồn dễ dàng chinh phục bất cứ dân sành cà phê nào trên khắp thế giới bởi sự kỳ diệu và đặc biệt từ quy trình sản xuất cà phê chồn đến hương vị của cà phê.

Để có thể cho ra những loại cà phê chồn chất lượng việc đầu tiên phải đảm bảo được cà phê làm thức ăn cho chồn phải sạch sẽ không dùng thuốc trừ sâu hay phân hóa học, không chất kích thích. Khi cà phê đã chín những công nhân sẽ tiến hành hái những trái cà phê chín đỏ và chất lượng nhất về để làm thức ăn cho chồn. Chồn phải được chăm sóc kỹ càng không ốm đau vì sẻ ảnh hưởng đến chất lượng của hạt cà phê. Người công nhân phải nắm rõ về sở thích cũng như giờ giấc ăn của chồn. Chồn thường tiến hành ăn vào khoảng 19 giờ đến 21 giờ tối nên để đảm bảo chồn ăn hết số trái cà phê đó, người công nhân phải hái cà phê chín trong ngày rồi đem về rửa sạch và để ráo nước vì chồn chỉ ăn trái cà phê nhiều lắm là từ 20 đến 25% số trái cà phê được tuyển chọn nên đòi hỏi người công nhân phải lựa chọn kỹ càng, thu hái bằng tay. Để số lượng được đảm bảo cho quy trình sản xuất cà phê chồn chất lượng thì người sản xuất phải biết được chồn thường ăn vào buổi chiều tối và sẽ thải ra những phần không tiêu hóa được của cà phê sau một đêm hay còn gọi là hạt cà phê. Khi cho chồn ăn những trái cà phê chín đỏ mọng này từ 20 đến 30 gram cho mỗi con chuồn vào mỗi ngày, với khoảng 20 đến 30 gram này sẽ sản xuất ra được khoảng 10 gram hạt cà phê nguyên chất.

Chồn ăn cà phê không nuốt nguyên trái mà chỉ nhai cho tróc vỏ ra rồi nhả vỏ đi chỉ nuốt phần hạt cà phê với lớp thịt mỏng có vị ngọt ngọt. Sau khi chồn đã ăn vào những trái cà phê chín mọng này trong dạ dày của chồn sẽ tiêu hóa hết phần cùi và phần vỏ của trái cà phê. Trải qua quá trình tiêu hóa bên trong dạ dày và ruột của chồn, những hạt cà phê thóc sẽ được ủ với nhiệt độ bên trong cơ thể của chồn làm hạt cà phê bị kích thích các phôi nảy mầm sẽ góp phần giảm bớt đi vị đắng của cà phê, đồng thời các dịch vị và môi trường axit cộng với các loại men tiêu hóa thức ăn có trong dạ dày của chồn sẽ thấm vào hạt cà phê làm vỡ các cấu trúc của protein trong hạt cà phê, giai đoạn này sẽ quyết định đến mùi vị đặc trưng của cà phê chồn, không một loại cà phê nào sánh được. Khi các liên kết phân tử protein bị gãy tạo ra các chuỗi peptide ngắn và các amino acid gây biến đổi protein làm ra hương vị đặc biệt cho hạt cà phê.

Qua quá trình phân giải và tiêu hóa, cơ thể chồn sẽ tiến hành bài tiết ra những loại không thể tiêu hóa được đó là hạt cà phê, hạt cà phê sẽ được bài tiết ra bên ngoài, bên ngoài có thêm lớp vỏ chấu mỏng thì lớp vỏ này sẽ được bóc ra để lấy nhân cà phê chồn, hạt cà phê vẫn giữ nguyên vẹn và không hề bị vỡ hay nát. Những hạt cà phê này sẽ được đem đi rửa thật sạch bằng nước nhiều lần để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi nhân cà phê đã qua sơ chế để loại bỏ cặn bẩn sạch sẽ, sẽ được đem phơi khô bằng những miếng sàn lọc có lỗ để nước thoát ra một cách dễ dàng làm cho nhân cà phê nhanh khô hơn, cà phê hạt sẽ được người sản xuất tiến hành đảo liên tục nhằm làm cho hạ cà phê được khô đều và nhanh hơn. Sau một thời gian phơi khô hạt cà phê sẽ được đem đi ủ một thời gian rồi đem rang bằng công nghệ và quy trình chặt chẽ để cho ra những ly cà phê chồn nguyên chất đậm đà hương vị. Với quy trình sản xuất cà phê chồn chất lượng đạt chuẩn không quá phức tạp tuy nhiên lại đỏi hỏi những công đoạn hết sức kỹ càng mới có thể tạo ra được cà phê chồn đúng điệu.

Ngày nay để tìm mua được loại cà phê chồn này trở nên khó khăn bởi loài chồn ngoài tự nhiên đang có dấu hiệu tuyệt chủng, thêm vào đó cà phê chồn được bán ngoài thị trường có giá thành tương đối cao nên một số nhà kinh doanh vì ham lợi, nổi lòng tham đã pha thêm nhiều loại cà phê lại để kiếm lời, nên việc muốn thưởng thức một ly cà phê chồn đúng điệu trở nên khó khăn hơn.

Cà phê chồn

TẬP ĐOÀN CÀ PHÊ TRUNG NGUYÊN

Tập đoàn Trung Nguyên là một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại và du lịch. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Thành lập ngày 16 tháng 6 năm 1996 tại TP.HCM với ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc với hệ thống nhà máy như sau:

  • Nhà máy cà phê Sài Gòn (Mỹ Phước – Bình Dương) đây là nhà máy được Trung Nguyên mua lại từ hợp đồng chuyển nhượng với Vinamilk vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 17 triệu USD.
  • Nhà máy cà phê hòa tan Trung Nguyên (Dĩ An – Bình Dương) Nhà máy có diện tích 3 ha. Toàn bộ dây chuyền thiết bị, công nghệ của nhà máy được sản xuất, chuyển giao trực tiếp từ FEA S.R.L – công ty chuyên chế tạo thiết bị chế biến thực phẩm và cà phê hòa tan của Ý.
  • Nhà máy cà phê Trung Nguyên được khánh thành ngày 20/5/2005, chế biến cà phê rang xay.
  • Nhà máy Bắc Giang, nhà máy cà phê hòa tan lớn nhất châu Á được xây dựng năm 2012 với số vốn đầu tiên là 25 triệu USD. Nhà máy được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tập trung chế biến và đóng gói thành phẩm cà phê hòa tan G7. Giai đoạn hai là đầu tư hệ thống công nghệ chế biến để đáp ứng sự tăng trưởng của thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchising được thành lập năm 2011 để quản lý chuỗi không gian cà phê Trung Nguyên:

  • Làng cà phê Trung Nguyên hay còn được gọi là làng Cà phê là một cụm công trình kiến trúc có diện tích khoảng 20,000 m2, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak. Xuất phát từ ý tưởng tạo lập tại Việt Nam một “thủ phủ cà phê toàn cầu” của Đặng Lê Nguyên Vũ, sau nhiều năm xây dựng, làng cà phê đã hoàn thành vào tháng 12 năm 2008.
  • Bảo tàng cà phê thế giới tại làng cà phê Trung Nguyên được nhượng lại từ nhà sưu tập Jens Burg ở Đức với hơn 10,000 hiện vật. Hiện nơi đây trưng bày khoảng 500 hiện vật đặc trưng.

Tổng số tài sản của Trung Nguyên tính đến 2016 được ước lượng là 6.3 tỷ VND (274 triệu USD).

Vụ ly hôn Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sinh năm 1973 tại Gia Lai. Vào năm 1994, Lê Hoàng Diệp Thảo gặp Đặng Lê Nguyên Vũ khi đó đang là sinh viên Y khoa. Tháng 11/1998, hai người kết hôn. Hai vợ chồng đã có 4 người con.

Ngày 16/6/1996, bà cùng chồng khởi nghiệp, thành lập Hợp tác xã cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Ngày 20/8/1998, công ty mở quán cafe Trung Nguyên đầu tiên ở TP.HCM tại nhà của hai vợ chồng ở 587 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Năm 2000, với chiến lược nhượng quyền, Trung Nguyên đã có 400-500 quán cà phê trên toàn Việt Nam. Năm 2001, Trung Nguyên mở xưởng sản xuất cà phê hòa tan ở số 204 Bùi Thị Xuân và bắt đầu phát triển cà phê hòa tan G7. Năm 2002, công ty thực hiện nhượng quyền ở các quốc gia Nhật Bản, Singapore. TNI (Trung Nguyên International) tiền thân là Trung Nguyên- Singapore, có trụ sở tại Singapore và Việt Nam, được thành lập với nhiệm vụ đưa thương hiệu cà phê Việt Nam ra khắp thế giới từ năm 2008. Những bước tiến ra trường quốc tế của Trung Nguyên International luôn được bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc, thực hiện chiến lược, và vì vậy cho đến nay, những sản phẩm cà phê của TNI (Trung Nguyên International) đã có mặt tại hơn 55 nước lớn trên khắp thế giới như Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Úc, Canada.

Tháng 4/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Hai người kiện nhau ra tòa. Trong suốt 4 năm kể từ khi Trung Nguyên rạn nứt, ông Vũ lên núi thiêng tu thiền, không một đơn vị truyền thông, không một nhà báo nào có thể tiếp xúc, tìm hiểu về cuộc sống của ông. Vào giữa năm 2018, ông quyết định chấm dứt chuỗi 4 năm biệt lập và chính thức lộ diện trên báo giới.

Vào thời điểm này, Trung Nguyên Corporation – một chi nhánh thuộc quyền kiểm soát thuộc Tập đoàn Trung Nguyên vẫn thuộc quyền của ông Vũ nhưng bà Thảo lại nắm giữ chức vụ Chủ tịch và CEO của TNI (Trung Nguyên Investment) – ban đầu là chi nhánh của tập đoàn Trung Nguyên cho đến khi nó tách hỏi công ty mẹ vào năm 2015 – thời điểm quy trình ly hôn của cặp đôi bắt đầu. Tháng 6/2018, Trung Nguyên Corporation của ông Vũ thuộc Tập đoàn Trung Nguyên đã yêu cầu Tổng cục Hải Quan Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu và bán hàng nội địa với thương hiệu cà phê G7. Tuy nhiên yêu cầu này là không hợp pháp bởi thương hiệu G7 được sản xuất bởi một chi nhánh khác của tập đoàn Trung Nguyên là Trung Nguyen Instant Coffee – được kiểm soát bởi bà Thảo. Từ năm 2016-2018, TNI của bà Thảo đã mở cửa hàng King Coffee đầu tiên với kỳ vọng sẽ mở rộng ra 100 cửa hàng tới cuối năm. Bà cũng lên kế hoạch tấn công thị trường Mỹ và Trung Quốc. Hiện thương hiệu King coffee đang thuộc hàng bán chạy nhất tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia. Họ bắt đầu bán tại Mỹ vào cuối năm 2016.

Nhằm tăng cường cạnh tranh với bà Thảo và thương hiệu cà phê mới của bà này, năm 2018, ông Vũ đã cho ra đời thương hiệu cao cấp riêng của mình là Legend. Một vài tháng sau, Trung Nguyên Legend – một chi nhánh của Tập đoàn Trung Nguyên đã ký kết thỏa thuận với Shanghai Qinzhou Trade Company để phân phối G7 rộng khắp vùng miền đông Trung Quốc. “Cả ông Vũ và bà Thảo đều tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại thị trường 1.4 tỷ dân … Bà Thảo sẽ không chỉ cạnh tranh với chồng ở Trung Quốc mà còn ở cả thị trường nội địa”.

Tình huống này có thể trở nên phức tạp hơn khi tòa có kết luận cuối cùng về vụ ly hôn. Ông Vũ và bà Thảo hiện nắm lần lượt 20% và 10% cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Số 70% còn lại thuộc sở hữu của Trung Nguyen Investment Corporation (TNI) – một công ty cổ phần kiểm soát tất cả những tài sản trí tuệ của thương hiệu Trung Nguyên. Cổ phần tại Trung Nguyen Investment chia cho ông Vũ 62% còn bà Thảo 31%. Ông Vũ hiện nắm phần lớn cổ phần tại tập đoàn nhưng mọi thứ có thể thay đổi nếu những người con của họ tham gia vào. Bà Thảo – vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn chia cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho các con nhưng nếu cộng 50% cổ phần của bà Thảo với 20% cổ phần của 4 con thì bà Thảo sẽ thừa tỷ lệ sở hữu để chiếm quyền điều hành tập đoàn này. Đại diện nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ, LS Trương Thị Hòa cho biết do vụ kiện phức tạp, đặc biệt là phần phân chia khối tài sản hàng nghìn tỷ, cùng các thương hiệu, 9 công ty, chuỗi nhà máy của tập đoàn, nên mỗi bên đều có không dưới 5 luật sư tham gia tố tụng. Vì vai trò, công sức của mỗi bên trong việc xây dựng tập đoàn là yếu tố quyết định cho tỷ lệ phân chia, nên ai là người có vai trò sáng lập tập đoàn này đã được xem xét kỹ.

Ngày 12/11, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, bác kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo liên quan đến vụ án kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên (gọi tắt là Công ty Trung Nguyên) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện pháp luật và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo đó, cấp phúc thẩm buộc bà Thảo trả lại con dấu và giấy đăng ký kinh doanh của các công ty, chi nhánh thuộc Công ty Trung Nguyên mà bà Thảo đang giữ. HĐXX nhận định trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần ba năm 2016, người đại diện theo pháp luật của Công ty Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bà Thảo không phải người đại diện của công ty nên không có quyền chiếm giữ con dấu.

THỊ PHẦN CÀ PHÊ VIỆT NAM

Theo báo cáo Ngành Nông nghiệp Việt Nam quý III/2017 của BMI Research, trong giai đoạn 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng từ 0.43 kg/đầu người/năm, lên 1.38 kg/đầu người/năm, thấp hơn nhiều so với các nước dẫn đầu là Phần Lan (11kgs/người /năm), và so với nước cao nhất trong khu vực là Nhật Bản (3.3kgs). Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, và dự báo lên 2.6 kg/người/năm vào 2021. Báo cáo cũng cho biết sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay của Việt Nam niên vụ 2017-2018 ước khoảng 2.55 triệu bao, do sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng cà phê.

Riêng với thị trường cà phê hòa tan, nếu trước đây chỉ xoay quanh 3 đại gia Vinacafe Biên Hoà (38%), Nescafe (32%) và G7 Trung Nguyên (23%) thì nay thêm nhiều đối thủ như TNI (King coffee), Ajinomoto (Birdy), PhinDeli … Từ năm 2013, thị trường cà phê Việt Nam thực sự nóng lên khi Starbucks bắt đầu gia tăng sự hiện diện của mình và tiếp đến là chuỗi cà phê đến từ Hàn Quốc Coffee Bean & Tea Leaf, thương hiệu đến từ Mỹ PJ’s Coffee cùng chuỗi trong nước như The Coffee House, Trung Nguyên, Highlands, Phúc Long, Passio. Starbucks sau 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam đã công bố bán dòng cà phê Việt Nam với tên gọi “DaLat Blend” tại hơn 21,500 cửa hàng ở 56 quốc gia của chuỗi cà phê này. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, một gói cà phê bột khoảng 250 gr bán với giá 12.5 USD (tương đương hơn 280,000 đồng). Vùng đất trồng ra loại cà phê được giới thiệu là thượng hạng này chính là Đà Lạt (Lâm Đồng). Ngay cả doanh nghiệp từ trước đến nay chưa tham gia trồng, chế biến cà phê cũng công bố bỏ vốn đầu tư, với tham vọng chia lại thị trường.

KẾT LUẬN

Ngành công nghiệp cà phê Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong thập niên vừa qua để tiến tới vị trí thứ 2 trong thị trường xuất khẩu. Trong vòng 30 năm, ngành công nghiệp cà phê Việt Nam tăng từ 0.1% lên đến 20% thị phần của thế giới. Điển hình như ¼ lượng cà phê được tiêu thụ ở Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Việt Nam. Cũng nhờ vào việc sản xuất cà phê mà tỉ lệ nghèo đói ở đây đã giảm từ 60%xuống còn 10% chỉ trong vòng vỏn vẹn 20 năm. Tuy nhiên, quy mô tiêu thụ cà phê trên toàn cầu hằng năm đến 500 tỷ USD. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ nhì thế giới nhưng mỗi năm thu về chỉ 2-3 tỷ USD, con số quá khiêm tốn, do chủ yếu xuất thô cho giá trị thấp.

Liên quan đến Châu Á, tạp chí Le Point đặc biệt quan tâm đến Việt Nam qua bài viết: “Việt Nam, ông hoàng mới trong ngành cà phê”. Ít lâu trước đây, Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trên bản đồ các quốc gia sản xuất cà phê. Thế nhưng, hiện nay, đất nước này đã trở thành nơi sản xuất cà phê đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil và là nhà cung ứng hàng đầu cho Pháp. Le Point cho biết, Việt Nam cung cấp 39% lượng cà phê Robusta trên toàn thế giới. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Việt Nam thì hiện nay, diện tích canh tác cà phê là 571,000 hecta. Năm 2012, Việt Nam sản xuất 1.7 triệu tấn cà phê và doanh thu lên đến 2.3 tỷ USD. Brazil và Columbia đứng 2 hàng đầu trong sản xuất cà phê Arabica, một loại hạt cà phê có hương vị dịu hơn nhưng giá cả đắt hơn. Dân sành điệu thì yêu thích Arabica còn các nhà công nghiệp thì chuộng Robusta hơn. Thế mạnh của cà phê Robusta là rẻ hơn Arabica. Người dân Hoa Kỳ và Châu Âu ngày càng chuộng loại cà phê Robusta để chế cà phê hòa tan.

Tuy nhiên Việt Nam và các quốc gia sản xuất cà phê đang đối phó với những khó khăn căn bản. Trước tiên, trong những tháng vừa qua, Brazil và Việt Nam trải qua những đợt hạn hán nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa, có thể làm sản lượng giảm 15% trong năm- dựa theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ. Rất nhiều nông dân phải dùng nước tưới hoặc phân bón để cứu vớt vụ mùa, nhưng nó làm gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận mà họ có được.

Yếu tố tác động tiếp theo là giá của cà phê, điều này còn quan trọng hơn cả cung và cầu, và Việt Nam vẫn phải đi theo chiều hướng diễn biến của cà phê trên thế giới. Giá đã rớt từ 2,240 USD xuống còn 1,612 USD/ tấn cà phê. Mặc dù mất mùa nhưng giá thế giới vẫn không tăng lên, gây khó khăn cho nông dân Việt Nam. Những thị trường như Brazil và Colombia gia tăng xuất khẩu do đồng nội tệ của họ bị phá giá.

Ngoài ra, một trong những khó khăn của người nông dân Việt Nam là những cây cà phê đã già cỗi mà không có điều kiện để trồng lại. Cây cà phê lâu năm có nhiều lá nhưng ít quả, làm giảm sản lượng thu hoạch. Nhưng việc trồng lại là cả một vấn đề nan giải, không những về thời gian mà còn là chi phí trực tiếp. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn trong tương lai, việc tái trồng trọt cây cà phê là điều bắt buộc để gia tăng sản lượng và nâng cao chất lượng quả thu hoạch. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với việc thanh niên ngày càng di cư lên thành phố, những thế hệ đi trước khó khăn để kiếm được người nối nghiệp.

Chỉ cần những điều kiện về thời tiết tương đối ổn định, viễn cảnh tương lai của ngành công nghiệp cà phê Việt Nam vẫn sáng sủa. Nếu khí hậu, thời tiết thay đổi theo chiều hướng xấu, đó sẽ là thách thức to lớn cho người nông dân. Chính phủ Việt Nam đã có những động thái khuyến khích, hỗ trợ cho người dân, cụ thể là những chương trình tái trồng trọt, đổi cây cà phê lâu năm lấy mới. Điều này sẽ giúp người dân tăng sản lượng trong vòng vài vụ mùa tới. Trong vòng 5-10 năm nữa, sản lượng Việt Nam có thể tăng 40% từ 30-32 triệu bao cà phê, nhưng chỉ khi họ đi theo một chặng đường cải cách hợp lý, đúng đắn. Tập trung xây dựng thương hiệu, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế đang được nhìn nhận là giải pháp khả thi giúp ngành này phát triển bền vững.

THAM KHẢO

  1. Cà phê – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Caphechonlegend@gmail.com
  3. Trung Nguyên (công ty) – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  4. Bài viết “Trang trại cà phê chồn thu hút du khách” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn Online ngày 5/10/2016.
  5. Bài viết “CEO Lê Hoàng Diệp Thảo: Hơn hai thập kỷ nỗ lực thay đổi vị thế cho cà phê Việt trên toàn cầu” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn Online ngày 18/10/2018.
  6. Bài viết “Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo” trên mạng Soha ngày 18/10/2018.
  7. Lê Hoàng Diệp Thảo – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  8. Bài viết “Top coffee brand suffers as founder’s marriage flounders” trên mạng VNE ngày 21/6/2018
  9. Bài viết “Trung Nguyên lần đầu tiết lộ mâu thuẫn sâu sắc khiến vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ dứt tình” trên mạng VNE ngày 22/9/2018.
  10. Bài viết “Tòa phúc thẩm bác kháng cáo của vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ” trên mạng Thanh Niên ngày 12/11/2018.

—–