Trực hệ của Tướng Nam

4.129 (lượt xem) |

Trong thời gian gần đây, tác giả nhận được khá nhiều lời hỏi về liên hệ của một số người trong dòng họ Nguyễn Khoa với tướng Nam, liên hệ của gia đình cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên (SBTN), liên hệ của nhánh cụ Nguyễn Khoa Văn – ông Nguyễn Khoa Điềm (Bộ chính trị – đảng Cộng Sản Việt Nam) với nhánh của tướng Nam. Nguyễn Khoa là 1 dòng họ rất lớn tại Huế nên trong khuôn khổ của bài này, tác giả chỉ tập trung vào nhánh của tướng Nam và một số nhánh gần gủi. Bài viết chỉ có mục đích chia sẻ với Cộng Đồng hơn là khoe khoang về dòng họ Nguyễn Khoa. Gia đình tác giả chỉ là bên ngoại.

NGUỒN GỐC HỌ NGUYỄN KHOA

Họ Nguyễn Khoa, nguyên là Nguyễn Đình, gốc ở làng Trạm Bạc, tỉnh Hải Dương, nay thuộc huyện An Hải, thành phố Hải Phòng. Đến đời thứ 3, Triều đình sắc cho đổi họ Nguyễn Đình thành họ Nguyễn Khoa, cùng thời với họ Nguyễn hoàng tộc bắt đầu thêm chữ lót thành Nguyễn Phước từ năm 1557. Họ Nguyễn Đình không thuộc nhánh cụ Nguyễn Đình Thân vẫn còn ở Hải Phòng:

  1. Tổ đời 1: Nguyễn Đình Thân (1552-1633) lúc ấy mới lên 5 đã theo cha nuôi là Nguyễn Ư Kỳ, nguyên là Thái phó Triều Lê và là cậu ruột của Nguyễn Hoàng. Sau theo Chúa Nguyễn Hoàng vô trấn miền Nam, từ Hoành Sơn trở vào. Lớn lên Ngài làm quan, lập nhiều công trạng, được phong đến chức Cựu dinh Đội trưởng, tước Đô thắng Hầu và được liệt hàng Khai quốc Công thần.
  2. Tổ đời 2: Nguyễn Đình Khôi (1554-1678) làm quan đến chức Cựu đinh Tướng thần Tại ty, Thuần mỹ Nam tước.
  3. Tổ đời 3: Nguyễn Khoa Danh (1632-1697) suốt đời làm quan biết thương dân, thanh liêm mẫn cán, thăng đến chức Chánh dinh Câu kê, Cảnh tộc Bá tước.
  4. Tổ đời 4: Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) làm quan đầu Triều, chức Tham chánh, Chánh đoán sự, tước Bản trung Hầu. Ngài còn là một bậc văn tài, có viết bộ Nam triều Công nghiệp Diễn chí được sử sách ghi chép. Ngài được liệt vào hàng Khai quốc Công thần.
  5. Đời 5: Nội tán Hầu Nguyễn Khoa Đăng (1691-1725). Lúc mới 18 tuổi, ngài đã ra gánh việc nước. Bản chất thông minh, mưu lược, trung thực mà đức độ. Những đức tính ấy đã tạo ngài thành một vị quan tòa nghiêm minh sáng suốt cũng như một nhà chiến lược tài ba xuất chúng mà sự nghiệp đến đời nay vẫn còn truyền tụng. Ngài được liệt hàng Khai quốc Công thần.
  6. Đời 6: Hiến chương Hầu Nguyễn Khoa Thuyên (1724-1789). Giúp nước từ lúc mới 20 tuổi, lập được nhiều công trạng. Năm 1795 Ngài phò vua Định vương vào Nam, đóng tại Gia định, giữ chức Khâm sai Tham chánh tại hai bộ: Hộ và Binh. Ngài mộ đạo Phật, có lập chùa Linh phong ở Bình Định và chùa Linh quang ở Vĩnh Long. Ở đây Ngài tu suốt thời gian hưu trí. Ngài được sắc chiếu liệt hàng Khai quốc Công thần.
  7. Đời 7: Triệu thành Hầu Nguyễn Khoa Kiên (1754-1775) là một vị thần đồng xuất chúng, can cường và mưu lược, tướng mạo hùng dũng, có sức mạnh phi thường. Mới lên 17 tuổi đã ra giúp nước, lập nhiều công trạng. Đến 22 tuổi đã được phong chức Khâm sai Đốc chiến Chưởng cơ. Ngài được liệt vào hàng Khai quốc Công thần.
  8. Đời 8: Nguyễn Khoa Dục (1808-1860) làm quan dưới triều Tự đức với chức Tuần vũ. Người khẳng khái, thi lược, lại nhân từ, có công đánh dẹp giặc Thanh thường qua quấy nhiễu nước ta. Có lần bắt sống được bọn Trần Vãn cùng 151 tên nhưng Ngài lấy lượng khoan hồng, tự ý cho thả tất cả về Tàu mà không phải xin phép nhà vua. Ngài được liệt thờ trong đền Trung nghĩa.
  9. Đời 9: Viên giác Đại sư Nguyễn Khoa Luận (1834-1900), làm quan đến chức Bố chánh nhưng gặp buổi vận nước suy vi, quân Pháp xâm chiếm nước ta, Ngài trao ấn từ quan, về lập chùa Ba la mật để tu. Ngài là một vị chân tu, giới hạnh được người đương thời vô cùng kính phục.

DÒNG HỌ NGUYỄN KHOA THỜI CẬN ĐẠI (QUỐC NỘI VÀ HẢI NGOẠI)

Trong khuôn khổ bài này, tác giả bắt đầu từ cụ Nguyễn Khoa Luận – Viên Giác Đại Sư (Nhánh thứ 3/Đời thứ 9) và cụ Nguyễn Khoa Hoằng (Nhánh thứ 3/Đời thứ 10) vì đây là 2 nhánh trực hệ với tướng Nguyến Khoa Nam. Một điều cần để ý là các cụ Nguyễn Khoa, phần lớn ra làm quan nên có khá nhiều thứ thất, các người con dòng đầu có khi lại lớn tuổi hơn bà mẹ kế trẻ nhất cũng như cháu lại lớn tuổi hơn Cậu, Dì. Trong nhiều trường hợp, con trai Hoàng tộc lấy vợ Nguyễn Khoa hay ngược lại nên vai vế cũng khá lộn xộn. Trong cuộc chiến Việt Nam 1945-1975, cũng như các dòng họ khác, dòng họ Nguyễn Khoa cũng có kẻ Bắc người Nam. Điển hình là tướng Nguyến Khoa Nam (sinh năm 1927), Tư lệnh Quân đoàn 4 của VNCH và ông Nguyễn Khoa Điềm (sinh năm 1943), Bộ chính trị của VNCS. Tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết ngày 1/5/1975. Ông Nguyễn Khoa Điềm hiện đã về hưu và sinh sống tại Huế. Truy cập trên mạng, ông chỉ đơn giản nói mình là một nhà thơ. Cũng cần nói thêm là trong dòng họ Nguyễn Khoa có 2 ông Nguyễn Khoa Điềm: Ngoài ông Nguyễn Khoa Điềm (đời thứ 12) ở miền Bắc còn có ông Nguyễn Khoa Điềm (đời thứ 13), cựu Đại tá Không Quân VNCH hiện về hưu ở California. Chi tiết của các nhánh xin đọc ở phần sau.

Sau biến cố 1975, dòng họ Nguyễn Khoa bắt đầu từ đời 11 một số đã di tản ra hải ngoại. Tác giả chỉ có thể đề cập đến những nhánh mà tác giả biết được từ quốc nội nhất là lúc ở hải ngoại. Cũng như các dòng họ khác, các thế hệ hậu duệ của dòng họ Nguyễn Khoa cũng đã có được nhiều thành đạt ở quê hương thứ hai.

TRỰC HỆ VỚI TƯỚNG NGUYỄN KHOA NAM

Trực hệ với tướng Nguyễn Khoa Nam bắt đầu từ cụ Nguyễn Khoa Luận – Viên Giác Đại Sư (ông cố: đời thứ 9), cụ Nguyễn Khoa Hoằng (ông nội: đời thứ 10), cụ Nguyễn Khoa Túc (thân phụ: đời thứ 11). Tướng Nguyễn Khoa Nam thuộc đời thứ 12.

  • Nhánh thứ 3/đời thứ 9: Nguyễn Khoa Luận (con trai thứ 2 cụ Phủ An Nhơn Nguyễn Khoa Học), tự Đàm Trai, đạo hiệu Viên giác Đại sư, pháp danh Thanh Chân – Vợ: 2 bà – Chánh thất và Thứ thất: Công Tôn Nữ Thị Thứ và Công Tôn Nữ Thị Xuân là 2 chị em khác mẹ – Con: 10 trai và 5 gái: NK Ty, NK Lượng, NK Hoằng, NK Đạm, NK Tân, NK Trạm, NK Tùng, NK Tý, NK Đông, NK Trạch, NK Thị Hợi, NK Thị Nhàn, NKThị Nhã, NK Thị Mão, NK Thị Thành (cụ NK Ty mất sớm nên trong gia phả ghi cụ NK Lượng và cụ NK Hoằng là con đầu và thứ hai), Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 124/217.
  • Nhánh thứ 3/ đời thứ 10: Nguyễn Khoa Hoằng (Con thứ 2 của cụ Nguyễn Khoa Luận) – Hàn lâm viện Thừa biện – Vợ: 3 bà với 7 trai và 10 gái – Chánh thất: bà Nguyễn Thị Khê sinh 4 trai và 5 gái: NK Túc, NK Trọng, NK Tuất và NK Dậu (mất sớm), NK Diệu Tích, NK Diệu Ngân, NK Diệu Hoàng, NK Diệu Đào, NK Diệu Cảnh – Kế thất: bà Lê Thị Quí và 1 bà thiếu tên tuổi sinh 3 trai và 5 gái: NK Biểu, NK Hữu, NK Hy, NK Diệu Châm, NK Diệu Ngọ, NK Diệu Oanh, NK Diệu Ái và NK Diệu Hồng – Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 139/217.
  • Nhánh thứ 3/đời thứ 11: Nguyễn Khoa Túc (con trưởng của cụ Nguyễn Khoa Hoằng và chánh thất. Vợ: 2 bà (Chánh thất: Trương Thị Diệu, Kế thất: Công Tôn Nữ Mộc Cẩn) – Con: 4 trai và 1 gái: NK Ấm và NK Phi (mất sớm) – NK Diệu Khâm (1920), NK Nam (1927), NK Phước (1935) Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 157/217.
  • Các đời thứ 12 & 13: Bà NK Diệu Khâm lập gia đình với ông Nguyễn Mạnh Huyền và có 4 người con: Nguyễn Mạnh Trí (1942), Nguyễn Mạnh Thông, Nguyễn Mạnh Diệu Thu, Nguyễn Mạnh Diệu Thúy. Ông Nguyễn Khoa Phước lập gia đình với bà Trần Thị Kim Đính và có 4 người con: Nguyễn Khoa Phượng Tiên, Nguyễn Khoa Quỳnh Tiên, Nguyễn Khoa Đức và Nguyễn Khoa Bình. Tướng Nguyễn Khoa Nam vẫn còn độc thân cho đến lúc tuẫn tiết ngày 1/5/1975 – Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 185/217.

Như vậy trực hệ với tướng Nam hiện nay chỉ còn gia đình ông bà Nguyễn Khoa Phước.

Chùa Quảng Hương Già Lam 2016

TRỰC HỆ MỞ RỘNG

Ngoài 2 người em trai mất sớm (NK Tuất và NK Dậu), cụ Nguyễn Khoa Túc có 4 em trai và 10 em gái: 1 em trai (NK Trọng) và 5 em gái (NK Diệu Tích, NK Diệu Ngân, NK Diệu Hoàng, NK Diệu Đào, NK Diệu Cảnh) thuộc nhánh chính thất cùng 3 em trai (NK Biểu, NK Hữu, NK Hy) và 5 em gái thuộc nhánh thứ thất (NK Diệu Châm, NK Diệu Ngọ, NK Diệu Oanh, NK Diệu Ái và NK Diệu Hồng). Đây có thể xem là các nhánh trực hệ mở rộng của tướng Nguyễn Khoa Nam.

Trong ký ức thời thơ ấu, tác giả chỉ còn nhớ được 5 gia đình: Cụ Nguyễn Khoa Hữu là em cùng cha khác mẹ cùng ở chung với gia đình ông ngoại tôi tại bến đò Chợ Dinh trong thập niên 40. Ông ngoại tôi có 4 bà em thuộc nhóm chánh thất mà lúc nhỏ tôi thường gọi là bà Lang (Nguyễn Khoa Diệu Ngân – Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 157/217), bà Viên (Nguyễn Khoa Diệu Tích – Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 156/217), bà Hường (Nguyễn Khoa Diệu Đào – Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 159/217) và bà Thị Triệu (Nguyễn Khoa Diệu Cảnh – Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 157/217). Các bà thường tụ tập tại nhà mẹ tôi đánh tứ sắc và thay phiên nhau nấu ăn rất ngon. Cũng vì vậy, tôi thường bị bà xã phàn nàn khó tính khi lựa chọn món ăn Huế lúc qua Mỹ. Qua Hoa Kỳ, tác giả có gặp lại gia đình của cậu Trương Quang Hồng.

  • Nguyễn Khoa Diệu Tích (con gái của cụ Nguyễn Khoa Hoằng và chánh thất) – Lập gia đình với ông Trần Hưng Hiệp – Sanh hạ 2 trai và 3 gái (Trần Hưng Sỹ, Trần Hưng Bái, Trần Thị Dung, TrầnThị Xuân, Trần Thị Châu). Hai Dì Xuân và Châu lúc còn trẻ làm y tá cho văn phòng BS Bữu Hiệp ở đường Gia Hội. Gia đình của cậu Sỹ ở Đà Nẵng cho đến 1975. Chị Bạch Yến, con gái của cậu Sỹ lập gia đình với anh Trần Văn Cẩm mà sau này là Chuẩn tuớng QLVNCH.
  • Nguyễn Khoa Diệu Ngân (con gái của cụ Nguyễn Khoa Hoằng và chánh thất) – Chánh thất của ông Ưng Phát – Sanh hạ 2 con trai (Bửu Mạng, Bửu Kế). Cô Tôn Nữ Quế Hương (con gái của cậu Bửu Mạng, đời thứ 13 bên ngoại) cháu nội của bà Lang lại lập gia đình với BS Nguyễn Khoa Nam Anh, đời thứ 12 thuộc nhánh cụ Nguyễn Khoa Toàn.
  • Nguyễn Khoa Diệu Đào (con gái của cụ Nguyễn Khoa Hoằng và chánh thất) – Kế thất của ông Phan Đình Cáp – Sanh hạ 3 trai và 3 gái (Phan Đình Tuân, Phan Đình Tăng, Phan Đình Di, Phan Thị Em, Phan Thị Yến, Phan Thị Bê. Một người con là Chuẩn tướng Phan Đình Soạn, có lẽ thuộc dòng chính, lại lập gia đình với bà Nguyễn Khoa Diệu Anh (con gái của cụ Nguyễn Khoa Luyện). Bà Diệu Anh cùng chồng thường hay thăm viếng tướng Nam lúc ông ở Sư đoàn 7.
  • Nguyễn Khoa Diệu Cảnh (con gái cụ Nguyễn Khoa Hoằng và chánh thất) – Kế thất của ông Lê Đức Triệu – Sanh hạ 1 trai (Lê Đức Hồng).
  • Cụ Nguyễn Khoa Hữu (Con trai cụ Nguyễn Khoa Hoằng và kế thất) – Vợ là bà Đoàn Thị Trà – Con: 5 trai và 3 gái (NK Lộc, NK Thọ, NK Ninh, NK Khương, NK Mạnh Dũng, NK Diệu Yến, NK Diệu Nhạn, NK Diệu Hoàng Anh.
  • Nguyễn Khoa Diệu Châm (gái cụ Nguyễn Khoa Hoằng và kế thất) – Thứ thất của ông Trương Quang Luyến – Sanh hạ 1 trai (Trương Quang Hồng). Cậu Hồng lúc còn nhỏ rất thân với mẹ tôi. Ông mất tại Orange County cách đây mấy năm.
  • Cụ Nguyễn Khoa Biểu (con của cụ Nguyễn Khoa Hoằng và kế thất) – Lập gia đình với 2 bà và có 2 người con gái (Nguyễn Khoa Diệu Quyên, Nguyễn Khoa Diệu Ái).
  • Cụ Nguyễn Khoa Hy (con của cụ Nguyễn Khoa Hoằng và kế thất) – Chánh thất là bà Lê Thị Ngộ – Sanh hạ 5 trai 3 gái (Nguyễn Khoa Việt Hùng, Nguyễn Khoa Hưởng, Nguyễn Khoa Việt Hòa, Nguyễn Khoa Hào, Nguyễn Khoa Hảo, Nguyễn Khoa Diệu Hoàng, Nguyễn Khoa Diệu Hiền, Nguyễn Khoa Diệu Hương).

CÁC NHÁNH THÂN THUỘC

Trong các nhánh thân thuộc thì nhánh của các cụ Nguyễn Khoa Truyền, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Khoa Nghi và Nguyễn Khoa Văn cùng Tổ Nguyễn Khoa Luận với cụ Nguyễn Khoa Túc. Tác giả còn nhớ rõ các cụ Nguyễn Khoa Phẩm, cụ Nguyễn Khoa Toàn và cụ Nguyễn Khoa Nghi vì khi còn nhỏ, độ 5, 6 tuổi ở chung với ông bà ngoại thì các cụ thường hay đến uống trà với ông ngoại.

  • Cụ Nguyễn Khoa Truyền: Con cụ Tri huyện Nguyễn Khoa Lượng. Vợ: Phạm Thị Sang. Con: 1 trai 1 gái: NK Lan, NK Diệu Tuyền (tức Ni sư Từ nhơn). Cụ Nguyễn Khoa Lượng là anh của cụ Nguyễn Khoa Hoằng, trực hệ của Tướng Nam. Ông Nguyễn Khoa Lan (đời 12) có 11 người con: NK Diệu Cúc , NK Thành, NK Điềm (1933), NK Tiên, NK Diệu Liên (1938), NK Hoài, NK Hân, NK Huê, NK Hoạt, NK Hội, NK Diệu Hiệp. Như vậy, anh Nguyễn Khoa Điềm và chị Nguyễn Khoa Diệu Liên gọi tướng Nam bằng chú. Trong khoảng thời gian 1965-1975, kể từ lúc tướng Nam còn là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy dù cho đến khi ông lên làm Tư lệnh Quân đoàn 4, gia đình anh Nguyễn Khoa Điềm và chị Nguyễn Khoa Diệu Liên là nơi tướng Nam thường cư ngụ mổi khi khi hành quân về hay lên họp tại Sài Gòn. Chị Diệu Liên vừa mới từ trần vào cuối năm 2018 Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 155/217.
  • Cụ Nguyễn Khoa Toàn: hiệu Mai trang, tự Dường tiên (con cụ Nguyễn Khoa Đạm và bà chánh thất) – Vợ (4 bà – Chánh thất: Lê Thị Khuyên, Thứ thất: Phạm Thị Minh, Nguyễn Kiều Dinh, Mã Thị Lý) – Con: 9 trai và 5 gái: NK Việt, NK Diệu Mai, NK Diệu Liễu, NK Nam Anh, NK Phồn Anh, NK Thịnh Anh, NK Anh Anh, NK Diệu Lưu, NK Diệu Mận, NK Thống Anh, NK Đốc Anh, NK Thái Anh, NK Diệu Lý, NK Dũng Anh (Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 157/217).
  • Cụ Nguyễn Khoa Nghi: hiệu Tùng nhơn, tự Mai Viên(Con thứ 2 của cụ Nguyễn Khoa Tân và chánh thất) – Vợ: 3 bà (Chánh thất: Nguyễn Thị Nhụy, Thứ thất: Nguyễn Thị Nhàn và Tôn Nữ Thoại Quy) – Con: 3 trai và 8 gái (NK Diệu Hòe, NK Diệu Mai, NK Diệu Thìn, NK Diệu Liên, NK Bảo, NK Ba, NK Diệu Phương, NK Diệu Dung, NK Lai, NK Diệu Trà và NK Diệu Lê. Một người cháu đời thứ 13 tại Hoa Kỳ là anh Nguyễn Khoa Danh, con của ông Nguyễn Khoa Ba rất có lòng trong công việc tu chỉnh gia phả dòng họ và các lể Thu tế hàng năm (Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 163/217).
  • Cụ Nguyễn Khoa Văn tự Hải triều: Con của cụ Nguyễn Khoa Tùng và bà Đạm Phương. Vợ: 2 bà (Chánh thất: Lâm Thị Tuyên, Kế thất: Nguyễn Thị Nữ – Con: 3 trai 4 gái (NK Sơn, NK Diệu Hương, NK Diệu Thọ, NK Diệu Thắng, NK Điềm, NK Thiềm, NK Diệu Khánh). Cụ Nguyễn Khoa Văn tham gia cách mạng chống Pháp từ năm 1930 và trở thành lý thuyết gia của đảng Cộng Sản. Ông Nguyễn Khoa Điềm được đảng Cộng Sản bố trí đưa ra Bắc năm 1954 lúc mới 11 tuổi trong khi các anh chị em trong gia đình vẫn ở lại Huế. Ông Nguyễn Khoa Điềm đã vào đến Bộ chính trị của CS (Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 168/217).

Hai nhánh sau không cùng cụ Tổ Nguyễn Khoa Luận:

  • Cụ Nguyễn Khoa Phẫm: Ông nội là Nguyễn Khoa Huệ (đời thứ 9) – Thân phụ là cụ Tam phát Nguyễn Khoa Liêm, bộ Lại (đời thứ 10) – Vợ: 1 bà – Con: 2 trai và 3 gái (NK Dánh, NK Tần, NK Diệu Anh, NK Diệu Thúy, NK Diệu Trâm (Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 150/217).
  • Cụ Nguyễn Khoa Khương: Ông nội là Cụ Nguyễn Khoa Phương (đời thứ 9), thân phụ là cụ Nguyễn Khoa Tự (đời thứ 10) và thứ thất, sinh năm 1936 – Vợ: bà Vũ Thị Minh – Con: 2 gái và 2 trai (NK Diệu Quyên, NK Diệu Quỳnh, NK Quyền, NK Quang). Ghi chú:  Ông Nguyễn Khoa Khương và cô Diệu Quyên thuộc đời 11 & 12, tác giả phải xưng bằng Ông và Dì. Không biết rõ năm sinh của Diệu Quyên. Chỉ biết Trúc Hồ sinh năm 1964 và lập gia đình năm 1990 với Diệu Quyên, có lẽ cùng lứa tuổi với Trúc Hồ. (Gia phả Tộc Nguyễn Khoa – trang 157/217).

Vợ chồng Nguyễn Mạnh Trí & Kim Anh và cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên trong buổi lể ra mắt sách “Nguyễn Khoa Nam- Ấn bản 1” năm 2005.

KẾT LUẬN

Sau biến cố 30/4/75, rất nhiều gia đình thuộc dòng họ Nguyễn Khoa đời 12, 13 đã phải bỏ nước ra đi, lập nghiệp phần lớn tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác trên thế giới. Sau hơn 40 năm, thế hệ thứ nhất cũng đã trên ngưỡng cửa 80, 70 và dù rằng đang bước vào hoàng hôn của cuộc đời và cũng như các dòng họ khác, họ cũng đã đem hết tâm sức hoàn tất cuốn gia phả cho dòng họ mình để lại cho con cháu. Tại Hoa Kỳ, tác giả thấy nhiều gia đình lập gia phả ghi chi tiết khoảng 4 đời và ghi cả họ nội, ngoại. Các hoạt động này cần được hệ thống hóa để trên 4 triệu người Việt hải ngoại hiểu được nguồn gốc của mình.  Dù rằng nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng gì đi nữa nhưng trong tim vẫn mang dòng máu Việt Nam. Mổi dòng họ có thể dùng cuốn gia phả tương tự như cuốn Gia phả Tộc Nguyễn Khoa để khai triển gia phả riêng cho tộc của mình. Một ngày nào đó không xa, hơn 4 triệu người Việt tại hải ngoại sẽ là một phần bất khả phân góp một phần cho tương lai bền vững cho cả dân tộc.

THAM KHẢO

  1. Extrait du Bulletin des Amis du Vieux Hue – 2ème année, No.3 (Juillet-Septembre 1915) – pp.287-304 “Une lignée de loyaux sujets les Nguyen Khoa” par G. Rivière, professeur.
  2. Gia phả tộc Nguyễn Khoa – Ấn bản 1985 (Paris) ghi chép các Đời (thế hệ) thứ 1 đến thứ 11 do hậu duệ của cụ Thảo am Nguyễn Khoa Vy (Paris) biên soạn.
  3. Gia phả tộc Nguyễn Khoa – Tái bản 2001 dày 217 trang ghi chép các Đời (thế hệ) thứ 1 đến thứ 15 do ông Nguyễn Khoa Phồn Anh (Texas) biên soạn.
  4. Cuốn sách “Nguyễn Khoa Nam – Ấn bản 1 và 2” do người cháu Nguyễn Mạnh Trí tổng hợp.
  5. Nguyễn Khoa Điềm – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Nguyễn Mạnh Trí

Tu chỉnh: Ấn bản I (24/1/2019)

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

 

—–

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *