Phỏng vấn về trận Hải Chiến Hoàng Sa

1.385 (lượt xem) |

Một chiến lược Biển Đông

của Hải Quân Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí

Trần Bình Nam (giới thiệu)

Ngày 24/4/2013, đoàn làm phim tài liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam do sáng kiến của đài truyền hình HTV tại Sài Gòn đã phỏng vấn Hải Quân Trung tá Nguyễn Mạnh Trí tại quận Cam (Orange County), California.

Nội dung cuộc phỏng vấn do Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Trưởng đoàn đã được Trung Tá Trí post  trên mạng “Tranh chấp Biển Đông”

www.tranhchapbiendong.net

Cuộc phỏng vấn phản ảnh một sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu bảo vệ biển đảo của đoàn phỏng vấn cũng như của người được phỏng vấn.

Ngoài ra nội dung các câu trả lời của Trung tá Nguyễn Mạnh Trí cho thấy cái nhìn chiến lược xuyên suốt trên toàn diện bức tranh tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam của ông, một cái nhìn hướng về tương lai, chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước vượt lên trên những khác biệt đang còn tranh cãi – những tranh cãi cần thiết – giữa chính quyền trong nước và người Việt sống tại hải ngoại.

Được biết Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí là sĩ quan Hải quân khóa 10 (trong 26 khóa SQHQ được đào tạo tại trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang) tốt nghiệp năm 1962. Ông là chủ quản của diễn đàn điện tử “Tranh Chấp Biển Đông”. Ông hiện sống tại quận Cam, California.

–:o0o:–

Đài Truyền hình TP HCM (HTV) phỏng vấn Trung tá Hải quân (VHCH) Nguyễn Mạnh Trí về chiến lược Biển Đông

2 Tháng 5, 2013 lúc 16:47

Ngọc Thu (https://www.facebook.com/…phỏng-vấn-trung-tá…nguyễn-mạnh-trí…/446866375407…): Đây là phần phỏng vấn Trung tá Hải quân VNCH Nguyễn Mạnh Trí, do TS Trần Đức Anh Sơn, Trưởng đoàn HTV, thực hiện hôm 24/04/2013, tại quận Cam, California.

Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí là sĩ quan Hải quân khóa 10, trong số 26 khóa Sĩ quan Hải quân, được đào tạo tại trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Ông tốt nghiệp SQHQ năm 1962. Hiện ông đang sống tại quận Cam, California, và là người điều hành trang mạng tranhchapbiendong.net.

Rất tiếc, bộ phim này thiếu hai nhân vật khá quan trọng, đó là cựu Phó Đề đốc Hải quân VHCH, người đã chỉ huy trực tiếp trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974 và cựu Trung tá Hải quân VNCH, hạm trưởng một chiến hạm, đã tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa. Hai ông đã từ chối trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình TP, do có nhiều quan điểm bất đồng với phía chính phủ CSVN về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa – Biển Đông.

Câu hỏi phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Trí

(Ngày 24/4/2013 tại California)

Sau đây là phần phỏng vấn giữa tác giả và Đoàn làm phim tài liệu về Chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đạo diễn: Lâm Thành Quí – Đài truyền hình HTV-TP.HCM.

Lời nói đầu của ông NMT trước cuộc phỏng vấn: 

Chào mừng đồng bào quốc nội.

  • Để bảo vệ cho hành động xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc thường viện dẫn công hàm do ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký vào năm 1958 công nhận về chủ quyền lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, coi đó là văn bản pháp lý của Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các đảo trong biển Đông. Vậy ông đánh giá thế nào về nội dung và tính pháp lý của Công hàm 1958 này?

Chúng ta cần phân tích công hàm này trên hai phương diện Pháp lý và Lịch sữ chiếm đóng.

Về mặt pháp lý thì trong thời điểm 1958, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa là 2 quốc gia có chủ quyền riêng biệt và Hoàng Sa cũng như Trường Sa trực thuộc VNCH. Một quốc gia này không có thẩm quyền pháp lý khi bàn về chủ quyền của một quốc gia khác. Do đó về phương diện pháp lý, công hàm Phạm Văn Đồng không có một giá trị nào cả.  

(Đoạn thêm vào của đài HTV: Về Lịch sữ chiếm đóng, bản tiếng Anh của lời tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc như sau: “This width of the territorial sea of the People’s Republic of China is twelve national miles. This provision applies to all Territories of the People’s Republic of China, including the mainland China and offshore islands, Taiwan (separated from the mainland and offshore islands by high seas) and its surrounding islands, the Penghu Archipelago, the Dongsha Islands, the Xisha islands, the Zhongsha Islands, the Nansha Islands and other islands belonging to China”. Trước Đệ 2 Thế Chiến, Hoàng Sa và Trường Sa do Pháp, lúc đó còn đô hộ Việt Nam chiếm đóng. Sau Đệ 2 Thế Chiến, LHQ giao cho Trung Hoa Dân Quốc, sau này là Đài Loan, chiếm đóng nhóm An Vĩnh, phía Đông quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa . Nhóm Trăng Khuyết phía Tây Hoàng Sa, sau này Pháp giao lại cho VNCH. Năm 1949, Đài Loan rút khỏi nhóm An Vĩnh, giao lại cho Trung Hoa Lục Địa và vẫn còn giữ đảo Ba Bình cho đến hôm nay. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm nhóm Trăng Khuyết của VNCH. Còn các đảo tại Trường Sa, VNCH đã đặt bia chủ quyền và chiếm đóng một số đảo kể từ 1973. Trung Quốc chỉ mới chiếm đóng một số bãi đá ngầm kể từ 1988. Như vậy, dù Trung Quốc có nói gì chăng nữa, chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam).

  • Được biết ông là một người quan tâm đến trận hải chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lược của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974, xin ông cho biết về quá trình tham chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và những diễn biến chính của sự kiện bi hùng này?

Trước hết, tôi xin nói đôi chút về địa lý Hoàng Sa . Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tuyên truyền rất nhiều về thành phố Tam Sa như mở tuyến du lịch, phát triển hạ tầng cơ sở cũng như  tăng cường quân sự để chỉ huy toàn thể Biển Đông. Thật sự, quần đảo Hoàng Sa chỉ gồm 2 nhóm. Phía Đông là nhóm Tuyên Đức mà đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm, diện tích chỉ khoảng 2 km² với 1 phi đạo dài 1,500 m, không có nước ngọt, phải tiếp tế từ Hải Nam. Phía Tây là nhóm Nguyệt Thiềm hay Trăng Khuyết mà đảo lớn nhất là đảo Pattle (Hoàng Sa) diện tích chỉ khoảng 0.3 km².

Trong thời gian 1962-1964, tôi phục vụ ở Hạm Đội, có 1, 2 lần ra Hoàng Sa tiếp tế và thay quân. Năm 1973, tôi trở lại Hạm Đội, ra công tác ở Trường Sa khoảng hơn 2 tháng, có lên đảo Nam Yết và Song Tử Tây.

Cuối tháng 11/1973, Đại tá Hà Văn Ngạc và tôi được lệnh ra Đà Nẳng tăng cường cho V1DH vì tình hình căng thẳng tại Hoàng Sa. Trong tháng 12/1973 và đầu tháng 1/1974, Trung Quốc tăng gia hoạt động tại Hoàng Sa.

Trước khi nói về trận Hải chiến Hoàng Sa, tôi xin nói đôi chút về tương quan lực lượng:

Trong thập niên 70, Hải quân Trung Quốc, phần lớn mua hay đóng các tàu chiến dựa theo thiết kế của Liên Xô, tàu nhỏ nhưng khả năng chiến đấu khá tốt. Tàu nhỏ, tốc độ nhanh, vận chuyển dễ dàng, hỏa lực khá mạnh.

Trong khi đó hải quân VNCH, nhận viện trợ từ Hoa Kỳ, gồm có các chiến hạm và tàu tuần duyên từ Đệ 2 Thế Chiến, chỉ dùng cho việc tuần tiểu. Hải quân VNCH có 2 khu trục hạm, hỏa lực mạnh với 2 khẩu 76 ly bắn nhanh, có hệ thống khóa mục tiêu nhưng trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến bị bất khiển dụng không có vật liệu thay thế. Các tuần duyên hạm có khả năng chịu sóng rất mạnh nhưng cồng kềnh chỉ dùng cho việc tuần tiểu và cấp cứu.

 Hải quân hai nước đều không có kinh nghiệm hải chiến.

 Ngày 16/1/1974, Tổng thống Thiệu ra thăm V1DH ra lệnh cho hải quân được dùng mọi phương tiện, kể cả vũ lực để trục xuất tàu Trung Quốc ra khỏi Hoàng Sa. Đại tá Ngạc, đang đi phép tại Sài Gòn, được lệnh khẩn cấp trở ra Đà Nẵng. Ngày 17/1, ông cùng HQ 5 và HQ 10 ra tăng viện cho HQ 4 và HQ 16 đang bị áp lực nặng nề từ phía Trung Quốc.

Chiều ngày 18/1, 4 chiến hạm VHCH và 6 chiến hạm Trung Quốc gồm có 4 tàu hộ  tống 271, 274, 389, 396 và 2 tàu chở quân 402, 407 vờn nhau trong vùng lòng chảo Hoàng Sa. Tối 18/1, 4 chiến hạm VNCH được lệnh rút ra ngoài, chuẩn bị chiến đấu vào ngày mai. Vào sáng ngày 19/1, khi các chiến hạm VNCH vào thì các chiến hạm TQ đã chờ sẵn, hai bên ở rất gần nhau, HQ 10 chỉ cách tàu địch dưới 1 ngàn thước. Khoảng 10 giờ sáng, trong lúc tôi đang có mặt tại Trung tâm Hành quân thì Đô đốc Thoại cho lệnh khai hỏa. Đại tá Ngạc còn mở máy âm thoại để phòng hành quân theo dỏi diễn tiến trận đánh. Nữa giờ sau đó là cả một sự hỗn loạn trên máy âm thoại: tiếng ra lệnh, tiếng đạn nổ, tiếng reo hò của thủy thủ đoàn khi tàu địch trúng đạn. Khoảng 45 phút sau, liên lạc âm thoại bị gián đoạn, cả một sự im lặng đến rợn người trong phòng hành quân V1DH. BTL vùng không còn liên lạc được với 4 chiến hạm. Khoảng 2 chiều, TTHQ mới liên lạc được với HQ 16. HQ 16 cho biết bị trúng đạn, nghiêng 15° nhưng thoát được ra ngoài, cho biết HQ 10 bị trúng đạn ngay phút đầu giao chiến, bất khiển dụng tại chổ. Độ 1 giờ sau, phòng hành quân liên lạc được với HQ 4 và HQ 5 cho biết bị hư hại nhẹ. Cả ba chiến hạm về lại Đà Nẵng vào ngày 20/1.

  • Thưa ông, vì sao quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã không giữ được Hoàng Sa trong sự kiện ngày 19/1/1974? Có phải do sự chênh lệch của tương quan lực lượng giữa chúng ta với kẻ thù hay còn vì lý do nào khác? Có phải chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã không tiên liệu được việc Trung Quốc sẽ đánh chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 nên đã không cảnh giác đúng mức cần thiết, vì thế chúng ta đã lâm vào thế bị động và để mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc?

Vào cuối năm 1968, Hoa Kỳ đã để lộ ý định muốn chấm dứt cuộc chiến Việt Nam và tạm thời hòa hoãn với Trung Quốc để đối đầu với Liên Sô. Cả hai miền Việt Nam đều chưa hiểu được vị trí chiến lược của Hoàng Sa trong tương lai. VNCH chỉ gởi ra Hoàng Sa một đại đội Địa phương quân. Hải quân VNCH cũng không tuần tiểu thường trực tại Hoàng Sa. Trong khi đó, sau khi đạt được thỏa thuận ngầm với Hoa Kỳ không can thiệp ở Hoàng Sa, Trung Quốc chuẩn bị xâm chiếm Hoàng Sa ở cấp bậc cao nhất. Tài liu đã giải mật của ông Gerald Kosh, người đã theo HQ 5 ra Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đã huấn luyện đổ bộ từ tháng 7/1973 và Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình và Bộ Chính Trị đã đích thân chỉ huy trận đánh. Hạm đội Nam Hải gồm mấy chục chiến hạm đã túc trực sẵn giữa Hải Nam và Hoàng Sa.

Thành thử, nếu hải quân VNCH không khai hỏa vào sáng 19/1 thì không sớm thì muộn Trung Quốc cũng tìm cách đẩy hải quân VNCH ra khỏi Hoàng Sa. Quyết định khai hỏa đã chứng minh chủ quyền của VNCH tại Hoàng Sa. Các chiến sĩ VNCH đã chiến đấu và hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 cũng như các chiến sĩ trong trận chiến biên giới 1979 và trận hải chiến tại Trường Sa 1988 để bảo vệ đảo Gạt Ma đều là anh hùng dân tộc, đáng được đồng bào quốc nội cũng như hải ngoại tri ân.

  • Thưa ông, ông có thể cho biết về thái độ và hành động của Hoa Kỳ trong đối với trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974? Ông đánh giá thế nào về vai trò của Hoa Kỳ trong sự kiện này?

Trước trận hải chiến Hoàng Sa 1974, hạm đội Hoa Kỳ vẫn còn ở vịnh Bắc Việt. VNCH yêu cầu hải quân Hoa Kỳ lập một “Buffer zone” nhưng không được trả lời. Sau đó, khi được yêu cầu giúp đỡ tìm kiếm bè đào thoát từ HQ 10, hải quân Hoa Kỳ cũng không tham dự.

 Nhưng điều này không có nghĩa là tình hình 1974 giống như tình hình hiện nay. Quyền lợi của các đại cường Hoa Kỳ-Trung Quốc-Nga Sô không bao giờ thay đổi, quan niệm bạn thù chỉ là giai đoạn. Quyền lợi của Hoa Kỳ và Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đi song song với nhau. Dù rằng vẫn còn nhiều trở ngại nhưng những người lãnh đạo 2 nước phải cố gắng biến trở ngại thành cơ hội để tiến tới một thế liên minh chiến lược.

  • Thưa ông, xin ông cho biết đánh giá của ông về biến cố này và ý nghĩa của biến cố này trong lịch sử đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam? Theo ông, Việt Nam cần có chiến lược và hành động như thế nào để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và tránh những mất mát đáng tiếc như đã xảy ra đối với quần đảo Hoàng Sa?

Biển Đông là một phần trong sự đối đầu toàn diện giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Hoa Kỳ, các cường quốc Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc Đại Lợi) và ngay cả Nga Sô và Liên Âu cùng 5 nước Đông Nam Á liên hệ trên mọi phương diện chính trị-ngoại giao, kinh tế-tài chánhthương mại và quân sự.

Biển Đông nắm giữ quyền lợi sinh tử của Trung Quốc về tài nguyên về dầu khí và hải sản và là yết hầu di chuyển nhiên liệu từ Trung Đông sang Bắc Á. Trung Quốc cố gắng lấn chiếm Biển Đông bằng mọi cách cho đến khi bị chận lại.

Chiến lược quân sự của Việt Nam phải đi song song với mặt trận ngoại giao, kinh tế. Trong thời gian gần đây đã có những cố gắng để tăng cường phòng thủ như mua Su-30 MKV, hỏa tiễn phòng thủ bờ biển, tàu khu trục Gepard 3.9, tàu ngầm Kilo, phi cơ tuần tra nhưng điều quan trọng nhất là đừng để Trung Quốc dụ vào thế đối đầu để chiếm thêm các đảo tại Trường Sa. Hệ thống phòng thủ chỉ được dùng để phản công khi không còn giải pháp nào khác. Du kích chiến trên biển có thể áp dụng tại Hoàng Sa. Các ngư dân miền Trung đang ở tuyến đầu trong mặt trận này. Họ xứng đáng nhận được sự tri ân của toàn dân cả nước. Chiến tranh phi quy ước trên Biển Đông vẫn còn hiệu lực để đối đầu với nước mạnh hơn. Cuối cùng thì một thế liên minh quân sự chiến lược với Hoa Kỳ, các cường quốc Đông Á (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi) và các quốc gia liên hệ  tại  Đông Nam Á (Việt Nam và Philippines) chỉ là vấn đề thời gian.

  • Ông có ý kiến gì để tăng cường sự hiểu biết của đồng bào quốc nội và hải ngoại về Tranh chấp Biển Đông nhất là tình hình tại Trường Sa.

Hiện nay, sự hiểu biết của đồng bào quốc nội và hải ngoại về Hoàng Sa và Trường Sa tương đối hạn hẹp. Nếu chúng ta tổ  chức được những buổi triễn lảm về tình trạng chiếm đóng Biển Đông thì đó là điều đáng làm.

BÁO XUÂN ĐÀ NẴNG 2014

Nguyễn Mạnh Trí: “Những ai bỏ mình vì chủ quyền biển đảo Việt Nam đều xứng đáng được tri ân …”

LTS: Đài Truyền Hình Thành Phố Hồ Chi Minh đang thực hiện bộ phim về chủ quyền biển đảo Việt Nam. TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng được HTV mời làm cố vấn nội dung cho bộ phim này.

Đoàn làm phim đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Trí – Việt Kiều định cư ở Hoa Kỳ, về sự kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa vào tháng 1, 1974. Ông Nguyễn Mạnh Trí là cựu Trung tá Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, từng ra tiếp tế và thay quân ở Hoàng Sa khi còn tại ngũ. Ông cũng là đồng tác giả cuốn sách Hải Chiến Hoàng Sa xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2010. Câu hỏi phỏng vấn được TS Trần Đức Anh Sơn gửi cho ông Nguyễn Mạnh Trí và ông Nguyễn Mạnh Trí đã trả lời bằng văn bản trước khi trả lời trực tiếp để đoàn làm phim ghi hình tại Santa Ana, Orange County, California (Hoa Kỳ) vào ngày 24/4/2013.

Nhân sự kiện 40 năm ngày Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (19/1/1974 – 19/1/2014), Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn này với quý độc giả.

Chủ quyền biển đảo Việt Nam: Đài truyền hình HTV tại Sài Gòn phỏng vấn Hải Quân Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí.

05/05/2013 Tác giả : Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí

Nguồn: www.tranhchapbiendong.com

4 nhận định của Hải Quân Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí do Ban Biên Tập đúc kết:

1) Trung Quốc bị cô lập (một bên là Trung Quốc và bên kia là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc Đại Lợi và ngay cả Nga Sô và Liên Âu cùng 5 nước Đông Nam Á) nhưng sẽ làm mọi cách để lấn chiếm Biển Đông trước khi bị chận lại.
2) Chiến lược quân sự của Việt Nam phải đi song song với mặt trận ngoại giao, kinh tế. Nhưng phải hiểu rằng Trung Quốc đang chờ mọi cơ hội để chiếm thêm các đảo tại Trường Sa.
3) Du kích chiến trên biển có thể áp dụng tại Hoàng Sa. Chiến tranh phi quy ước trên Biển Đông vẫn còn hiệu lực để đối đầu với nước mạnh hơn.
4) Trong giai đoạn hiện nay, quyền lợi của Hoa Kỳ và Việt Nam đi song song với nhau. Cuối cùng thì một thế liên minh quân sự chiến lược với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi và các quốc gia liên hệ tại Đông Nam Á (Việt Nam và Philippines) chỉ là vấn đề thời gian.

Chúng tôi nhất trí với 4 nhận định của Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí

Thực hiện nhận định 2 là cả một nghệ thuật lãnh đạo đất nước mà giới lãnh đạo đương thời không đủ tầm vóc vì họ đã để cho Trung Quốc một mình một chợ trước các quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa.

Sở dĩ Trung Quốc làm được như thế là vì ngoài việc không đủ tầm vóc của lãnh đạo, dư luận còn nghi ngờ một số đã bị Trung Quốc mua chuộc. Sự nghi ngờ là chính đáng nhất là sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tố cáo có đồng chí “cõng rắn cắn gà nhà”.

Nhận định 3 rất quan trọng, vì cứ để yên cho Trung Quốc xây dựng, phát triển du lịch Hoàng Sa thì khả năng đòi lại sẽ không thực hiện được. Khi Hoàng Sa vẫn bể yên sóng lặng thì hậu thuẩn quốc tế cũng sẽ lặng theo do không có gì bất ổn để họ tỏ thái độ.

Ban Biên Tập

—–