Chính trị & Kinh tế Việt Nam 2018

514 (lượt xem) |

CHÍNH TRỊ & KINH TẾ VIỆT NAM 2018

TỔNG QUÁT

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

TÌNH HÌNH KINH TẾ TỔNG QUÁT – CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

CÁC DỮ KIỆN KINH TẾ

  • GDP
  • XUẤT NHẬP KHẨU – CÁC ĐỐI TÁC CHÍNH
  • XUẤT KHẨU CHỦ LỰC CỦA VIỆT NAM
  • THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
  • TÌNH TRẠNG ĐẦU TƯ
  • CHỈ SỐ PMI
  • DU LỊCH
  • KIỀU HỒI

VỊ THẾ VIỆT NAM

KẾT LUẬN

TỔNG QUÁT

Trong cuộc trao đổi với Bloomberg, ông Sitkoff, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội đã nhắc tới những thế mạnh của Việt Nam như là nơi các nhà sản xuất có thể tìm tới để thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí, những lợi thế đã được nhìn ra từ nhiều năm trước khi chiến tranh thương mại nổ ra. Việt Nam tăng trưởng kinh tế với mức được coi là bùng nổ thu hút rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có hàng tỷ USD từ các công ty như Samsung Electronics Co. và Intel Corp. để tự biến mình trở thành một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á. “Đất nước này có lạm phát tương đối thấp, một đồng tiền ít biến động và một nền chính trị ổn định. Tất cả những điều này góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ hội rất rõ ràng. Việt Nam, đất nước với 95 triệu dân, đang đi khá nhanh trên con đường từ xe đạp, xe máy tới những chiếc BMW”, ông Adam Sitkoff nhấn mạnh.

Việt Nam là một điển hình ở Đông Nam Á trong xu thế chuyển đổi sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực. Với nhiều ngành nghề, mức thuế nhập khẩu vào Mỹ dành cho Việt Nam và các nước láng giềng trong khu vực thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Dù không còn được coi là quốc gia có nguồn nhân công quá rẻ nhưng cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ giúp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn hẳn so với các quốc gia khác như Lào hay Campuchia. Việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa có thể diễn ra thuận lợi bằng cả đường biển, đường hàng không hay đường bộ. Suốt nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Chi phí sản xuất thấp bao gồm cả nhân công giá rẻ cùng những ưu đãi của chính phủ kéo các công ty nước ngoài tới đây dựng nhà máy. Trung Quốc xuất khẩu từ quần áo tới những chiếc bóng đèn LED hay các mặt hàng cao cấp khác. Tuy nhiên, kỷ nguyên đó dường như sắp kết thúc. Trong nhiều năm, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy lợi nhuận của họ hao hụt vì chi phí sản xuất ở Trung Quốc gia tăng. Về chính sách, họ phải đối mặt với những quy định chặt chẽ hơn của Chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng một nền kinh tế bền vững và hướng tới dịch vụ nhiều hơn. Trung Quốc giờ dành những ưu đãi vượt trội cho ngành công nghệ như là một phần của nỗ lực nâng cấp nền kinh tế.

Giọt nước tràn ly chính là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, nơi Washington đánh thuế cao nhiều hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đông dân nhất thế giới dù đó là hàng của các công ty Mỹ. Khi Trung Quốc không còn là điểm đến lý tưởng, các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Campuchia hay Việt Nam ngay lập tức được các nhà sản xuất nước ngoài để mắt trong vai trò thay thế vị trí của Trung Quốc. Tuy nhiên, với quy mô của mình, khó có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc, nơi tạo ra lượng hàng hóa lên tới 2 nghìn tỷ USD. Việc thay thế cũng không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Nam Á và Đông Nam Á sẽ là những đích đến bởi chi phí lao động rẻ hơn. Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc góp phần đẩy nhanh tiến trình đó.

Năm 2018 cũng là năm đối nghịch giữa chuyển động kinh tế và chính trị ở Việt Nam được phản ánh bởi hai hướng có vẻ trái ngược về tính chất: kinh tế theo hướng thị trường hơn và chính trị theo hướng tập trung quyền lực cao hơn.

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Những tin tức về tham nhũng cũng như tù nhân lương tâm trong 6 tháng cuối 2018 vẫn là những tin chính. Giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam cho rằng chiến dịch chống tham nhũng hiện nay tại Việt Nam thể hiện quyết tâm mang lại sự trong sạch cho guồng máy điều hành đất nước. Tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành một phần của guồng máy xã hội. Muốn loại bỏ tham nhũng thì cách vận hành bộ máy đó phải được thay đổi. Việc bắt giữ các thành phần cao cấp trong đảng Cộng Sản, hành chánh cũng như quân đội chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Chống tham nhũng ở Việt Nam là hoàn toàn có thể làm được nhưng đây là một quá trình lâu dài khi thu nhập GDP của mọi thành phần trong quốc gia phải được nâng cao lên mức tương đối ngang các nước trong vùng cũng như chênh lệch giữa 2 giới giàu nghèo ở mức kiểm soát được. Những người lãnh đạo phải làm thế nào để xây dựng một hệ thống luật lệ kiểm soát tài sản thu nhập. Chống tham nhũng phải được thi hành ở mọi cấp trong xã hội Việt Nam với sự hợp tác của nhân dân, báo chí. Các chính sách chống tham nhũng đặc thù của các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc có thể dùng như là kim chỉ nam.

  • Từ sau Đại hội Đảng 12 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt chiến dịch chỉnh đốn đảng Cộng Sản, kỷ luật nhiều đảng viên cao cấp. Ông Đinh La Thăng bị ra khỏi Bộ Chính trị và sau đó nhận hình phạt tổng cộng 30 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng. Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, còn gọi là “Út trọc”, bị Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên 12 năm tù, sau hai ngày xét xử. Tòa ở Hà Nội cũng đã kết án 9 năm tù với ông Phan Văn Anh Vũ tự “Vũ nhôm”. Các bị cáo khác bị cảnh cáo cho đến 5 năm tù. Các vụ này vừa mới tạm xong thì các mạng xã hội, báo chính thống của nhà nước Việt Nam lại bắt đầu đăng những chỉ trích mạnh miệng liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho tới những biến động những năm gần đây liên quan 4 đời chủ tịch UBND TP.HCM, gồm: ông Võ Viết Thanh (1996-2001), ông Lê Thanh Hải (2001-2006), ông Lê Hoàng Quân (2006-2015) và đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Phong. Cách đây 4 tháng, đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ: Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM, Lê Thanh Hải – Chủ tịch TP.HCM và sau đó là bí thư thành ủy TP.HCM. Còn Lê Thanh Hải – vào thời còn là chủ tịch thành phố, đã “dọn đường” cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ. Tiếp đến là Tất Thành Cang – người được xem là “đệ ruột” của Lê Thanh Hải, bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. Sau khi Lê Thanh Hải về hưu, Tất Thành Cang trở thành phó bí thư thường trực TP.HCM và lại dính đậm ở một vụ “ăn đất” khác: Cang là người chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của thành ủy TP.HCM bán trái phép với giá bèo 32 ha đất Nhà Bè cho tư nhân. Sau 22 năm được phê duyệt quy hoạch, hiện nay dự án đã giải phóng 99% mặt bằng. Theo đó, 14,600 hộ dân với hơn 60,000 nhân khẩu đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động lượng vốn gần 30,000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. Tuy nhiên, mức đền bù 18.4 triệu VND/m² vào năm 2009, được cho là không hợp lý, vì chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu VND/m². Đài Á Châu Tự Do ghi nhận qua sự kiện lãnh đạo TP.HCM hai lần công khai xin lỗi người dân Thủ Thiêm chỉ trong vòng một tháng, vào ngày 21/9 và ngày 18/10, về những sai phạm trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhiều ý kiến của giới luật sư cho rằng cần xem xét các căn cứ khởi tố hình sự theo Điều 174 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 về Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Ngày 26/12, ông Tất Thành Cang bị tước tất cả chức vụ.
  • Ông Trần Huỳnh Duy Thức, tù nhân chính trị nổi tiếng tại Việt Nam, đã ngưng tuyệt thực ở ngày thứ 34 theo lời yêu cầu của gia đình và bạn bè khắp nơi âu lo cho sinh mạng của ông. Ông đã ở trong tù đến năm thứ 9 của bản án 16 năm vì bị vu cho tội “hoạt động lật đổ” chế độ. Tháng 5/2018, ông Thức bị ép buộc đi định cư tại Hoa Kỳ nhưng ông bác bỏ ý định đi Mỹ như cái giá trao đổi để hưởng sự tự do. Ông bắt đầu tuyệt thực từ ngày 13/8/2018 để đòi sự thượng tôn pháp luật. Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết chính phủ Úc rất quan ngại đến trường hợp của ông Thức và cho biết đã lên tiếng cho trường hợp của ông này trong đối thoại nhân quyền Việt-Úc 2018 diễn ra vào ngày 28/8 vừa qua. Một tin hơi lạ là lá thư từ trại giam số 6, Bộ Công an ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, dài khoảng 3,500 chữ, viết ngày 26/6/2018 của ông Trần Huỳnh Duy Thức được gia đình công bố hôm 30/7 và được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Ông Thức dường như đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để phân tích về vận mệnh đất nước thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Thư có đoạn viết: “Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là cái cớ và công cụ để Mỹ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc thực tế đến đâu, để Mỹ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình …”.
  • Một thông báo được tải trên cổng thông tin điện tử của quốc hội VN vào ngày 24/8 nói quyết định đình hoãn xem xét Dự luật Đặc khu cho đến tháng 5 năm 2019. Sự phản đối từ dân chúng nói chung và Dự Luật đặc khu nói riêng, thực chất, phản ánh những bức xúc bị dồn nén và những đòi hỏi về quyền biểu đạt. Đây cần coi là tín hiệu, tạo sức ép đối với cải cách hơn là ‘âm mưu’ làm sụp đổ chế độ. Bởi vậy các biện pháp ‘răn đe’ cần hạn chế và sự ra đời luật biểu tình là yêu cầu cấp bách. Như lời bộc bạch của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Nếu Tổ quốc còn thì chúng ta còn có nhiều những cơ hội sửa sai, có thể làm tốt hơn các vấn đề khác”.
  • Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân Hội nghị diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội hôm 12/9, đại diện Facebook bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công dân số, kinh tế số, chính phủ số và kết nối số. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi đối thoại trực tiếp với ông Karim Temsamani, Chủ tịch điều hành Châu Á – Thái Bình Dương của Google, nhân dịp ông này sang tham dự hội nghị. Tại buổi tiếp xúc, ông Karim Temsamani khẳng định trong chương trình Việt Nam Digital 4.0, Google đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo miễn phí kỹ năng số cho 500,000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, giúp cho các doanh nghiệp này phát triển cơ hội trong nền kinh tế số. Ngoài ra, người đại diện Google cho biết tập đoàn này còn có những ý tưởng giúp cho nông dân Việt Nam trong việc số hóa nền sản xuất, hỗ trợ trong lĩnh vực sáng tạo có thể quảng bá sản phẩm của mình hiệu quả và nhiều người biết hơn thông qua Youtube và Google. Trung Quốc, Việt Nam, Singapore đã và đang yêu cầu các công ty mạng xã hội phải kiểm soát tin tức giả mạo.
  • Bộ Công an Việt Nam hôm 6/8 giải thể toàn bộ 6 tổng cục và hạ cấp 2 bộ tư lệnh trong khuôn khổ một cuộc cải tổ vừa được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản phê duyệt, theo các báo trong nước. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Bộ Công an gồm các đơn vị cấp Cục, so với bộ máy tổ chức cũ giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng. Ở Công an địa phương sáp nhập 20 Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp Phòng, gần 1,000 đơn vị cấp Đội.
  • Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang qua đời hôm 21/9/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, theo loan báo chính thức của đảng Cộng Sản. Báo chí Việt Nam ông Quang được phát hiện mắc loại bệnh “virus hiếm và độc hại” từ tháng 7/2017 và đi Nhật chữa trị. Các giáo sư, bác sĩ Nhật đã chữa trị và củng cố sức khoẻ cho Chủ tịch nước khoảng một năm nay. Tuy nhiên, bệnh này trên thế giới chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian. Theo tin từ báo chí trong nước ngày 3/10/2018, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa thông báo là Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương với tỷ lệ phiếu thuận 100% đã quyết định “giới thiệu” Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng để Quốc Hội Việt Nam bầu vào chức chủ tịch nước. Theo Nikkei Asian Review ngày 02/10, những người ủng hộ việc tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước lập luận rằng làm như vậy sẽ tránh những rối rắm về ngoại giao và giúp cắt giảm chi phí của Nhà nước. Nhưng những người chống thì cho rằng một người mà kiêm nhiệm hai chức vụ này sẽ nắm quá nhiều quyền lực trong tay. TBT Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước ngày 23/10/2018.
  • Tin được Reuters và AFP đăng tải cho biết bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, đã được trả tự do hôm 17/10 và lập tức đưa lên phi cơ đi tỵ nạn Mỹ cùng mẹ và hai con. Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã đặt chân trên Houston, đất Mỹ đêm 17/10 với lời tuyên bố: “Tiếng nói yêu tự do không bao giờ lạc lõng”
  • Ngày 25/10/2018, Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường và cũng là một đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam bị đảng của ông kỷ luật, với lý do là xuất bản những quyển sách không phù hợp, và tự chuyển biến tư tưởng không giống với tư tưởng của Đảng Cộng sản. Ba ngày sau khi ĐCSVN kỷ luật ông Chu Hảo, bức thư tuyên bố bỏ đảng của ông ký ngày 26/10/2018 được công bố. Trong bức thư này ông nói rõ rằng ông đã nhận thấy ĐCSVN từ lâu không còn tính chính danh, có những hoạt động không chính đáng, tuy nhiên do có điều kiện cụ thể xung quanh mình, ông đã cố gắng tận dụng chổ đứng của ông trong tổ chức đảng Cộng Sản để góp phần đấu tranh xây dựng. Ít nhất đã có 13 trí thức, đảng viên và cựu đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng Sản tham gia ký một bức thư ngỏ hôm 27/10/2018 gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ chính trị phản đối quyết định kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo. Trong một bài viết dài trên mạng xã hội Facebook, đăng hôm 29/10 ở chế độ công khai, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Đình Bin, đưa ra quan điểm rằng “các việc làm và phát biểu của giáo sư Chu Hảo, cũng như của nhiều đảng viên, trí thức tâm huyết, tài năng khác, hoàn toàn không có gì là sai phạm”. Thậm chí vị cựu thứ trưởng, người từng là một ủy viên trung ương đảng, còn cho rằng các việc làm và phát biểu đó “là có ích cho công cuộc đổi mới tư duy lý luận, cho đảng, cho dân, rất đáng hoan nghênh và khuyến khích”.
  • Đầu tháng 11/2018, một phái đoàn ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã có cuộc gặp với phía Đức tại Bộ Ngoại giao nước này ở Berlin để giải quyết vấn đề Trịnh Xuân Thanh. Cũng trong ngày 8/11, nhật báo TAZ của Đức đưa tin rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được nối lại.
  • Cơ quan điều tra Bộ Công an vào ngày 29/11 đã thi hành lệnh khởi tố, khám xét, và bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà, Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Ngoài ông Trần Bắc Hà, hai ông Trần Lục Lang (Cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV) và Kiều Đình Hòa (Cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) hiện cũng bị bắt tạm giam. Bà Lê Thị Vân Anh (Cựu Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ông Trần Bắc Hà từng được xem là một trong những lãnh đạo quyền lực của giới tài chính Việt Nam và là một trong những doanh nhân thân cận với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
  • Ngày 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh 9 năm tù, cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù, cao hơn mức đề nghị của VKS. 88 bị cáo còn lại trong vụ án nhận hình phạt từ 40 triệu đồng đến 3 năm tù về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.
  • Ngày 18/12, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đỗ Văn Khạnh, cựu tổng giám đốc Tổng Công Ty Thăm Dò, Khai Thác Dầu Khí (PVEP), về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Theo báo Tuổi Trẻ, ông Khạnh bị bắt giam để điều tra mối liên quan đến số tiền 4 tỷ đồng mà PVEP nhận chi lãi ngoài (tiền lãi ngoài quy định) từ Ngân Hàng Đại Dương (OceanBank). Việc khởi tố, bắt giam ông Khạnh là diễn biến mới nhất quá trình cơ quan công an điều tra mở rộng giai đoạn 2 “đại án” OceanBank.
  • Tòa Thánh Vatican và Hà Nội đồng ý là trong tương lai gần sẽ có một đại diện thường trú của Tòa Thánh ở Việt Nam. Đó là kết quả mà hai bên đã đạt được trong cuộc họp của Nhóm Công Tác Hỗn Hợp Việt Nam-Vatican ngày 19/12/2018. Cuộc họp của nhóm này diễn ra trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của thứ trưởng Ngoại Giao Vatican, Đức ông Antoine Camilleri từ ngày 18 đến ngày 20/12. Trong một thông cáo được đăng trên trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam hôm qua, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ cho biết là trong cuộc họp của Nhóm Công Tác Hỗn Hợp, hai bên đã đồng ý ” tiến hành những công việc cụ thể để nâng cấp quan hệ ngoại giao từ cấp Đại diện Toà Thánh không thường trú trở thành Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam.”

TÌNH HÌNH KINH TẾ TỔNG QUÁT

Chịu áp lực không nhỏ từ biến động kinh tế toàn cầu và xu thế dịch chuyển dòng vốn, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế khi kết thúc năm 2018 ở mức 7% – mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Con số này thậm chí vượt qua Trung Quốc, và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Đóng góp vào thành công này không thể không kể tới nỗ lực của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát (dưới 4%), gánh nặng nợ công giảm, thị trường tài chính ổn định, bội chi ngân sách dưới ngưỡng mục tiêu, đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong khi giải ngân FDI đạt kỷ lục. Quy mô nền kinh tế năm 2018 tăng mạnh, ước đạt trên 5.5 triệu tỷ đồng (khoảng 240.5 tỷ USD), gấp trên 1.3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2,540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Việt Nam cũng nhận được đánh giá cao từ các tổ chức quốc tế. Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) công bố ngày 12/9 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam nằm trong 18 nền kinh tế được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn” trong vòng 50 năm qua.

GDP Việt Nam 2008-2018

  • Cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thông qua 2 hiệp định quan trọng: Hiệp định Tự do Mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo hãng tin Reuters hôm 17/10/2018, Ủy Ban Châu Âu thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam (EVFTA), với hy vọng là hiệp định này sẽ sớm được chính thức ký kết và phê chuẩn, để có thể đưa vào thực thi vào đầu năm 2019. Thỏa thuận thương mại sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan hàng hóa giữa hai bên, cũng cam kết phát triển bền vững (gồm tôn trọng nhân quyền, quyền lao động, bảo vệ môi trường). Ngoài ra, Hiệp định TPP được điều chỉnh thành CPTPP với sự tham gia của 11 nước thành viên còn lại và chính thức được ký kết ở Chile hồi tháng 3 năm 2018. CPTPP sẽ giúp giảm hàng rào thuế quan giữa 11 nền kinh tế chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018, sau khi Australia là nước thứ 6 vừa ký phê chuẩn vào hiệp định này vào ngày 31/10 sau Nhật Bản, Canada, Mexico, Singapore, New Zealand. Hôm 12/11/2018, quốc hội VN là nước thứ 7 thông qua hiệp định này. Hai hiệp định EVFTA và CPTPP khi có hiệu lực sẽ có thể giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 1.3%.
  • Theo báo Nikkei ngày 2/11, những thay đổi mới nhất được đưa ra khi mà chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày một căng thẳng hơn, Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng cho những doanh nghiệp đang băn khoăn về việc duy trì hoặc mở rộng sản xuất tại Trung Quốc. Trong động thái mới nhất để thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính Việt Nam đang xem xét sửa luật chứng khoán, theo đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể sở hữu cổ phần đa số trong những công ty hoạt động trong các ngành không gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Đây là lần sửa luật đầu tiên từ năm 2010. Những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật đã đổ xô đến Việt Nam. Năm 2017, Nhật trở thành nước có đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 vào Việt Nam, tổng mức đầu tư đạt 9.11 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm trước đó. Năm 2018, nhà đầu tư Nhật rót 8 tỷ USD vào Việt Nam, dẫn đầu trong số tất cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài và tương đương 28% tổng vốn đầu tư.
  • Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics đã đến Việt Nam vào ngày 30/10, thăm nhà máy ở Thái Nguyên, Bắc Ninh và gặp gỡ các quan chức chính phủ Việt Nam. Ông là con trai duy nhất của ông Lee Kun-hee, Chủ tịch của Samsung. Chuyến đi của đoàn lãnh đạo Samsung Electronics qua thăm Việt Nam lần này được cho là để bàn kế hoạch xây dựng thêm nhà máy smartphone tại Việt Nam. Theo thông tin từ trang tin Hàn Quốc Thelec, Samsung đang có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy sản xuất smartphone thứ 3 tại Việt Nam sau 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Nếu đề xuất được thông qua, Samsung Electronics sẽ có tổng cộng 3 nhà máy smartphone tại Việt Nam. Hiện tại, công suất hàng năm của hai nhà máy đầu tiên vào khoảng 120 triệu điện thoại. Nhà máy thứ ba dự kiến có công suất 60-120 triệu điện thoại/năm. Cũng cần nói thêm, tháng 7 năm nay, Samsung đã khai trương nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất của hãng tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Có tổng diện tích hơn 32.5 hecta, nhà máy mới có công suất 120 triệu smartphone mỗi năm, sản xuất từ dòng điện thoại giá rẻ tới những dòng máy cao cấp. Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tập đoàn tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động tại Việt Nam, không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam mà hướng tới “cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam”.
  • Tập đoàn Foxconn Technology, nhà sản xuất, lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, đang có kế hoạch mở một nhà máy iPhone mới tại Việt Nam. Dự án này được coi như bước đi nhằm giảm thiểu tác động của cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Chính thức vào Việt Nam từ 3/2007, cho tới nay, Foxconn đã có ba cơ sở nhà xưởng tại Việt Nam, một tại tỉnh Bắc Ninh và hai tại tỉnh Bắc Giang. Tại nhà máy ở Bắc Ninh, Foxconn sử dụng trên 34 ngàn lao động, và doanh thu năm 2016 đạt trên 1.5 tỷ USD. Việc đưa hoạt động sản xuất sang thị trường Việt Nam và các thị trường khác còn phụ thuộc vào diễn tiến của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, và Foxconn hiện đang trong giai đoạn đánh giá tình hình, trang tin United Daily News của Đài Loan nói. Nếu như Foxconn đem hoạt động lắp ráp iPhone vào Việt Nam, thì đây sẽ là bước đi làm rung chuyển ngành sản xuất điện thoại di động tại thị trường này. Việt Nam là nơi hiện Samsung đang đóng vai trò hàng đầu, nên sự xuất hiện của một tập đoàn lớn nữa sẽ tạo sự cạnh tranh lớn hơn trong mảng nhân công và đem lại nhiều cơ hội làm ăn hơn cho các nhà cung ứng địa phương, theo đánh giá của báo Đầu tư Nước ngoài.
  • Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; Mục tiêu giai đoạn 2017-2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5.5 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 10.79%/năm). Giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp tôm công nghệ cao được hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia, khu vực Đông Nam Á; trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước.

CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

  • Bản tin VOV kể rằng kim ngạch xuất cảng thủy sản năm 2018 ước tính đạt 9 tỷ USD, tăng 8.4% so với năm ngoái: tổng sản lượng thủy sản toàn ngành đạt 7.74 triệu tấn, với sản lượng khai thác đạt gần 3.6 triệu tấn. Để hướng đến mục tiêu xuất cảng 10 tỷ USD trong năm 2019, Vasep cho rằng, phải lo chất lượng thủy sản gắn liền với xây dựng thương hiệu. Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm 2018 đạt trên 1.8 tỷ USD. Kết quả này đã vượt qua con số 1.78 tỷ USD của cả năm 2017, đưa cá tra trở thành loại thủy sản có mức tăng trưởng dẫn đầu trong số các loại thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo xuất khẩu cá tra cả năm 2018 sẽ đạt trên 2.2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017. Mức tăng trưởng khả quan trong 3 tháng cuối năm đã giúp Mỹ lấy lại vị trí số 1 trong các thị trường xuất cảng lớn nhất của cá tra Việt Nam. Tiêu thụ cá tra ở Mỹ đã tăng khoảng 40% do giảm thuế chống bán phá giá đối với cá Việt Nam, trong khi thị trường EU và Trung Quốc vẫn duy trì mức tiêu thụ tốt. Ngày 17/12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chính phủ đã quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra.
  • Ngày 30/7/2018, Forbes Việt Nam công bố danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam. Vinamilk tiếp tục dẫn đầu với giá trị thương hiệu đạt 2.28 tỷ USD so với 1.5 và 1.7 tỷ USD lần lượt trong các năm 2016 và 2017. Đây cũng là lần thứ ba Vinamilk nắm giữ vị trí này, chiếm gần 30% tổng giá trị của 40 thương hiệu. Sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu của Vinamilk năm nay cho thấy chiến lược phát triển bền vững và đúng đắn của doanh nghiệp, sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng vươn lên để giữ vững ngôi vị dẫn đầu ngành sữa tại Việt Nam.
  • Ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt kim ngạch 4.8 tỷ USD, tăng hơn 13 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chỉ tiêu của ngành này tại Việt Nam đề ra cho năm nay là 9 tỷ USD, so với kim ngạch thực hiện được trong năm ngoái là 8 tỷ USD. Trong khi đó nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu được nói trên 120 tỷ USD mỗi năm. Những thị trường cho các sản phẩm gỗ và lâm sản chế biến của Việt Nam hiện nay gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên Minh Châu Âu- EU.
  • Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào cuối tháng Tám trước nguồn tin cho rằng nguyên nhân là do lượng hàng tồn kho cao. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có công suất 200,000 thùng/ngày, hiện đang hoạt động ở 55% công suất, Giám đốc điều hành, ông Turki Al-Ajmi, nói với Reuters. Cơ sở này, khi hoạt động với công suất tối đa, sẽ cung cấp khoảng 720,000 m³ (560,000 tấn) dầu mỏ và 150,000 tấn hóa dầu mỗi tháng, tạo tác động đáng kể đến thị trường trong nước và khu vực. Đây là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam cho phép xuất khẩu các sản phẩm dầu sản xuất trong nước, Reuters nhận định. Nghi Sơn dự kiến sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, đã bán các lô xăng và dầu diesel đầu tiên vào tháng Bảy.
  • Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ai Cập đã nhất trí với Việt Nam về việc nhập khẩu một triệu tấn gạo trắng trong 3 đến 4 tháng. Đây là thông báo của người đứng đầu ngành gạo của Liên đoàn Các ngành nghề Ai Cập (FEI) Rajab Shehata, vừa đưa ra ngày 30/8. Số gạo này sẽ được giao làm nhiều đợt trong từ 3 đến 4 tháng và sẽ góp phần tăng cường cho hoạt động dự trữ gạo chiến lược cho năm tới của Ai Cập. Ông Shehata không đề cập cụ thể đến giá gạo của Việt Nam song cho hay giá gạo Việt Nam sẽ rẻ hơn gạo nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, theo trang Inquirer.net (Philippines), tập đoàn AgriNurture (ANI) của nước này đã ký một thỏa thuận độc quyền mua 2 triệu tấn gạo của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (VinaFood 2) có giá trị gần 1 tỉ USD, bắt đầu từ năm nay. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết đây là thông tin tích cực tăng thêm đầu ra cho ngành gạo Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, trong tám tháng đầu năm xuất khẩu gạo 4.4 triệu tấn và giá trị đạt 2.2 tỉ USD, tăng 7% về lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân tăng gần 15% so với năm trước, đạt mức 507 USD/tấn.
  • Bộ Tài chính Việt Nam dự báo tổng thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu thô sẽ đạt 3.13 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2018, tăng 42.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tổng doanh thu từ tháng 1 đến tháng 9 đã vượt mục tiêu của cả năm. Nếu giá dầu thô giữ ở mức trung bình 65 USD/thùng trong năm nay, cao hơn mức trung bình của năm ngoái là 60 USD/thùng, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đặt ra là 6.7%, trang web của Đảng Cộng Sản Việt Nam cho biết vào tuần trước.
  • Lũy kế 11 tháng năm 2018, xuất khẩu hạt điều đạt 339.7 nghìn tấn, trị giá 3.093 tỷ USD, tăng 5.3% về lượng, nhưng giảm 3.6% về trị giá so với 11 tháng năm 2017. Nông dân và doanh nghiệp tại Bờ Biển Ngà dự báo xuất khẩu hạt điều của nước này sẽ giảm mạnh vì người mua từ Việt Nam đang muốn rút khỏi các hợp đồng trong bối cảnh thị trường điều thế giới rớt giá. Ngành điều là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Bờ Biển Ngà. Chính phủ nước này kỳ vọng có thể tăng năng suất chế biến hạt điều từ mức 100,000 tấn/năm hiện tại lên ít nhất 300,000 tấn/năm vào năm 2020 nhằm giảm bớt mức độ phụ thuộc vào thị trường thế giới.

CÁC DỮ KIỆN KINH TẾ

Tổng sản phẩm quốc nội GDP 2018: GDP cả năm 2018 tăng 7.08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3.76%, đóng góp 8.7% vào mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8.85%, đóng góp 48.6%, khu vực dịch vụ tăng 7.03%, đóng góp 42.7%. Khu vực nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 – 2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng được xem là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Các đối tác chính: Ngày 28/12/2018, Việt Nam loan báo, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 482.23 tỷ USD từ mức 425 tỷ USD năm 2017 với 244.72 tỷ USD xuất khẩu và  237.51 tỷ USD nhập khẩu với thặng dư mậu dịch 7.21 tỷ USD so với 5.57 tỷ USD trong năm 2017.

Năm mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ gồm:

  • Điện thoại, linh kiện (50 tỷ): Sản phẩm chính là điện thoại thông minh của Samsung. Các nhà máy Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và nhiều nhà máy Samsung khác rải rác khắp Việt Nam đang sản xuất khoảng 1/3 lượng điện thoại di động toàn thế giới.
  • Dệt may (36.2 tỷ): nằm trong top 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.
  • Điện tử, máy tính, linh kiện (29.4 tỷ).
  • Máy móc, phụ tùng (16.5 tỷ).
  • Giày dép (16.3 tỷ): thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Bốn mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ gồm:

  • Điện tử, máy tính, linh kiện (42.5 tỷ).
  • Máy móc, thiết bị, phụ tùng (33.7 tỷ).
  • Điện thoại, linh kiện (16 tỷ).
  • Vải (12.9 tỷ).

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 71.7%, đạt 175.5 tỷ USD so với 155.24 tỷ USD năm 2017, trong khi khu vực kinh tế trong nước chiếm 28.3%, đạt 69.22 tỷ USD so với 58.53 tỷ USD năm 2017. Việt Nam cố gắng nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 35% đối với điện thoại thông minh từ Samsung.

Trung Quốc: là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với 107.7 tỷ USD, xuất siêu 23.9 tỷ USD trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam đạt giá trị lớn nhất với 65.8 tỷ USD so với 58.5 tỷ USD năm 2017.
  • nhập khẩu từ Việt Nam đạt 41.9 tỷ USD so với 35.3 tỷ USD năm 2017.

Hàn Quốc: Vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lớn thứ 2 sau Trung Quốc với 66.2 tỷ USD, xuất siêu 29.6 tỷ USD, trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam đạt 47.9 tỷ USD so với 46.8 tỷ USD năm 2017.
  • nhập khẩu từ Việt Nam 18.3 tỷ USD so với 15 tỷ USD năm 2017.

Hoa Kỳ: đứng ở vị trí thứ 3 về thương mại hai chiều với 60.3 tỷ USD, nhập siêu 34.7 tỷ USD, trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam đạt 12.8 tỷ USD so với 9.1 tỷ USD năm 2017.
  • nhập khẩu từ Việt Nam đạt giá trị cao nhất với 47.5 tỷ USD so với 41.5 tỷ USD năm 2017.

Asean: Vượt qua Liên Âu đứng ở vị trí thứ 4 về thương mại hai chiều với 56.7 tỷ USD, xuất siêu 7.3 tỷ USD, trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam 32 tỷ USD so với 21.7 tỷ USD năm 2017.
  • nhập khẩu từ Việt Nam đạt 24.7 tỷ USD so với 28 tỷ USD năm 2017.

Liên Âu: đứng ở vị trí thứ 5 về thương mại hai chiều với 56.3 tỷ USD, nhập siêu 28.7 tỷ USD, trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam đạt 13.8 tỷ USD so với 12 tỷ USD năm 2017.
  • nhập khẩu từ Việt Nam 42.5 tỷ USD so với 38.3 tỷ USD năm 2017.

Nhật Bản: đứng ở vị trí thứ 6 về thương mại hai chiều với 38.3 tỷ USD, nhập siêu 300 triệu USD, trong đó:

  • xuất khẩu sang Việt Nam đạt 19 tỷ USD so với 16.8 tỷ USD năm 2017.
  • nhập khẩu từ Việt Nam đạt 19.3 tỷ USD so với 16.5 tỷ USD năm 2017.

XUẤT KHẨU CHỦ LỰC CỦA VIỆT NAM

Trong năm 2018, ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu tỷ đô của thế giới. Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị trong chuỗi cung ứng rất lớn. Nhiều mặt hàng nông sản giữ vị trí top đầu trên thế giới.

  • Dày dép: Dự kiến cả năm 2018, xuất khẩu của ngành sẽ đạt mục tiêu đề ra là 19.5 tỷ USD so với gần 18 tỷ năm 2017, đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng trên 10% so với năm 2018, với tổng kim ngạch đạt khoảng 21.5 tỷ USD.
  • Thủy sản: Mặc dù vẫn gặp khó khăn về thẻ vàng IUU của EU và Chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 vẫn đạt kết quả như kế hoạch đầu năm với kim ngạch 9.05 tỷ USD, tăng 8.9% so với năm 2017. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất cảng hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 54.1% tổng giá trị xuất cảng thủy sản. Đặc biệt từ quý 3/2018, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ có nhiều chuyển biến tốt sau khi Hoa Kỳ hủy bỏ thuế đánh vào cá da trơn Việt Nam. Bản tin CafeF/Lao Động ghi rằng Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, tập trung chủ yếu tại thị trường Mỹ (chiếm 91% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 9% thị phần). Năm 2018, giá trị xuất khẩu (XK) cá tra đã cán đích 2.2 tỷ USD, là mặt hàng XK tiềm năng nhất của ngành thủy sản trong năm qua.
  • Gỗ và sản phẩm gỗ: Bản tin VOV ghi nhận rằng hiện nay gỗ và sản phẩm gỗ Việt được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Âu và Hàn Quốc. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngành gỗ của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan và mở rộng ra nhiều thị trường mới. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2018 dự đoán đạt 8.85 tỷ USD, tăng 14.9% so với năm 2017.
  • Rau quả: Dựa trên những kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả sẽ đạt trên 4 tỷ USD, tăng 17.1% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện Trung Quốc đứng đầu về nhập cảng rau quả VN với 74% thị phần.
  • Hạt điều: Bản tin VnEconomy kể rằng trong năm 2018 Việt Nam tiếp tục là quốc gia chế biến, xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới. Cụ thể, sản lượng chế biến điều của Việt Nam năm 2018 đạt 1.65 triệu tấn hạt điều thô và xuất khẩu 391,000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch xuất khẩu 3.52 tỷ USD, tăng 7.8% về lượng so với năm 2017. Với kim ngạch này, ngành điều Việt Nam chiếm thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu.
  • Cà phê: Tính từ đầu năm đến ngày 15/12, Việt Nam xuất khẩu 1.79 triệu tấn cà phê, thu về 3.39 tỉ USD, tăng gần 22% về lượng và tăng hơn 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Bộ Công thương cho biết, thị trường cà phê trong nước lạc quan với giá tăng và nguồn hàng lưu kho trong nhiều tháng trước đã được bán hết.
  • Gạo: Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 dự kiến đạt 6.1- 6.4 triệu tấn so với 5.82 triệu tấn năm 2017 và kim ngạch vượt ngưỡng 3 tỷ USD lên khoảng 3.3 tỷ USD. Báo SGGP ghi nhận rằng xuất cảng gạo Việt Nam đang được mùa, tăng cả số lượng và giá trị so với năm ngoái. Giá gạo xuất cảng tăng từ 452 USD/tấn (năm 2017) lên 502 USD/tấn trong năm 2018, trong đó tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm tới 80%. Trong 3 năm trở lại đây, thị trường gạo xuất cảng của Việt Nam đã tăng từ 60 lên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất cảng gạo của Việt Nam.
  • Hạt tiêu: Năm 2018, giá hạt tiêu trên toàn thế giới giảm ảnh hưởng đến ngành hạt tiêu Việt Nam, tuy nhiên về dài hạn, ngành hạt tiêu trong nước vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 232 nghìn tấn, trị giá 758 triệu USD, tăng 8.1% về lượng, nhưng giảm 32.2% về trị giá so với năm 2017.

Thị trường chứng khoán: Thị trường được nhận định đang tiến vào giai đoạn ổn định hơn sau đợt giảm do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại. VN-Index đã hồi phục 10% từ đáy tháng 7 nhưng vẫn còn cách đỉnh hồi tháng 4 khoảng 17%. Chỉ số này hiện được giao dịch với mức định giá P/E là 15 lần, thấp hơn so với hơn 20 lần hồi tháng 4, theo số liệu từ Bloomberg. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7.1% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt được 7.08%, cao hơn dự báo từ 6.5% lên 6.8% của Ngân hàng thế giới (WB).

Dự trữ ngoại hối:

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết tính đến cuối năm 2018, tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước đã xấp xỉ 64 tỷ USD, gấp 2.5 lần tính từ đầu năm 2017.

Tình trạng đầu tư:

Trong năm 2018, Việt Nam đã nhận được 17 tỷ USD cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – được cho là con số lớn nhất đối với một thị trường mới nổi so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 250 tỷ USD. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, chiếm 25.9% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.8 tỷ USD, chiếm 22.3% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.1 tỷ USD, chiếm 13.4% tổng vốn đầu tư. Theo Nikkei, Bộ Tài chính Việt Nam đang xem xét sửa đổi luật chứng khoán nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoại nắm giữ phần lớn cổ phần ở các công ty hoạt động trong những lĩnh vực không gây quan ngại đối với an ninh quốc gia. Đây được xem là một động thái để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài và nếu được thông qua, luật chứng khoán sẽ chứng kiến lần sửa đổi quan trọng đầu tiên từ năm 2010. Theo Nikkei, khi trần sở hữu của các cổ đông ngoại tại doanh nghiệp Việt được dỡ bỏ, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực dược phẩm, ngân hàng.

Các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

Chỉ số PMI:

Theo số liệu được Nikkei công bố ngày hôm nay 2/1/2019, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam đã đạt 53.8 điểm trong tháng 12, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện mạnh mẽ.

Du lịch:

Báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới Liên Hợp Quốc (UNWTO) cho thấy, Việt Nam trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017 so với năm trước đó. Bản tin từ Retail Asia cho biết du lịch Việt Nam đang tăng tốc ào ạt, ở tốc độ du khách quốc tế tới trung bình 20-30% mỗi năm, nhưng lại thiếu khách sạn. Bản tin Xinhua ghi rằng trong năm 2018 có 15.5 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam, tăng gần 20% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch tăng 21.4%. Trong đó, Trung Quốc vẫn là nước  nguồn du khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, gần 5 triệu lượt du khách đến thăm Việt Nam trong năm 2018, tăng 23.9% so với cùng kỳ. Xếp sau Trung Quốc lần lượt là Hàn Quốc và Nhật Bản với lượng du khách 3.4 triệu và 826 nghìn lượt người.

Kiều hối:

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018 đạt hơn 140 nghìn người, vượt 27% so với kế hoạch đề ra của năm. Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam đưa được trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một năm. Thị trường Nhật Bản dẫn đầu về số lượng lao động Việt Nam sang làm việc với 68,737 lao động, tiếp sau đó là Đài Loan với 60,369 lao động. Hai thị trường Nhật Bản và Đài Loan có số lao động chiếm tới hơn 90% tổng số đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, hiện nay, cộng đồng người lao động Việt Nam tại Nhật Bản vào khoảng 317,000 người, chỉ đứng sau Trung Quốc (khoảng 389,000). Đặc biệt là việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài cũng là điều đáng chú ý trong năm 2018. Trong cả nước, năm 2018, lao động nước ngoài và kiều bào chuyển về 18.9 tỷ USD, trong đó TP.HCM đạt trên 5 tỷ USD. Đặc biệt, 70% lượng kiều hối được sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

VỊ THẾ VIỆT NAM

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, Việt Nam có nhiều ưu thế so với các nước trong vùng: Lao động giá rẻ, các hiệp định tham gia, đầu tư nước ngoài, vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở và ổn định chính trị. Công nhân sản xuất ở Việt Nam được trả lương trung bình 216 USD/tháng, thấp hơn một nửa so với chi phí công nhân cùng ngành nghề tại Trung Quốc. Nhờ trợ cấp của chính phủ, giá điện sản xuất tại Việt Nam đang rẻ hơn nhiều so với tại Indonesia và Philippines. Công nhân Việt Nam cũng được giúp đỡ về phương diện nhà ở. Việt Nam là một trong những quốc gia có lực lượng lao động lớn nhất châu Á với 57.5 triệu người, cao hơn nhiều so với 15.4 triệu người ở Malaysia hay 44.6 triệu người ở Philippines.

Vị thế Việt Nam năm 2018 đã có những biến chuyển tích cực:

  • Ngày 14/8/2018, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã công bố kết quả định hạng đối với 14 ngân hàng Việt Nam, trong đó có BIDV. Theo đó, Moody’s đã nâng định hạng tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn và định hạng nhà phát hành đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV- BID). Bên cạnh đó, Moody’s cũng nâng định hạng rủi ro đối tác dài hạn (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) đối với BIDV. Moody’s giữ nguyên đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA đã điều chỉnh của BIDV. Moody’s cũng nâng triển vọng định hạng tiền gửi nội tệ và định hạng nhà phát hành nội tệ, ngoại tệ của BIDV từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Moody’s đánh giá chính phủ Việt Nam có khả năng hỗ trợ “rất cao” đối với BIDV khi cần thiết. Các kết quả định hạng này được thực hiện sau khi Moody’s nâng định hạng quốc gia của Việt Nam từ mức B1 lên Ba3, với triển vọng từ ổn định lên tích cực vào ngày 10/8.
  • Chiều 27/7, nhân dịp nghị sỹ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp được hai bên ký kết thời gian tới. Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu năm 2019).
  • Hôm 26/7, Trung Quốc cho biết Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong khu vực Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD.
  • Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại “Hội nghị định hướng giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” đầu tháng 8/2018, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay, sản phẩm gỗ và lâm sản Việt nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành chế biến gỗ và lâm sản là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực và là một trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam (giá trị xuất siêu năm 2017 đạt 73%). Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã đạt được những kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt trên 8 tỷ USD vào năm 2017, tăng 8 lần so với năm 2005; tăng 10% so với năm 2016. 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đạt kim ngạch 5.3 tỷ USD, tăng 13.6% so với cùng kỳ năm 2017.
  • Theo khảo sát mới nhất về tinh thần khởi nghiệp (AGER 2018), Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân. Khảo sát do Tập đoàn Amway phối hợp cùng Trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM, Đức), Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) tiến hành, được công bố ngày 6/9. Các thứ hạng kế tiếp lần lượt thuộc về Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Nam Phi … Một trong những điểm nổi bật của AGER 2018 là kết quả này có thể chỉ rõ nguy cơ thất bại và triển vọng được đầu tư cũng như những trở ngại chính đối với người khởi nghiệp tiềm năng. Chỉ số của Việt Nam luôn nằm ở vị trí đứng đầu bảng khảo sát, chẳng hạn có đến 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi bắt đầu khởi nghiệp, trong khi chỉ số trung bình của thế giới chỉ ở mức 47%.
  • Ngày 5/9, trao đổi với TTXVN, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhìn nhận: Việt Nam đã và sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về khả năng thu hút FDI. Điều này thể hiện qua tỷ lệ đóng góp của dòng vốn này vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế. Hiện có khoảng 12,000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặc dù vậy, theo ông Sebastian Eckardt, có một lưu ý quan trọng: vẫn có nhiều nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam hiện được phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng. Vì thế, khi nhìn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh. Ông Sebastian Eckardt cho rằng, Việt Nam cần chuyển hướng sang thu hút FDI vào những phân khúc cao hơn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, và đặc biệt là chú trọng vào sản xuất những thành phẩm có giá trị lớn. Để làm được điều đó, Việt Nam có thể tập trung vào đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), hoặc những dòng chảy thuận chiều, như tiếp thị và phát triển thương hiệu. Điều này sẽ giúp làm tăng thêm giá trị và tạo ra lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế.
  • Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho ASEAN diễn ra vào tháng 9 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI) đã công bố báo cáo “Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn”, trong đó nhấn mạnh Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế có “hiệu quả vượt trội hơn” so với các nền kinh tế còn lại. Cụ thể, báo cáo của MGI nhấn mạnh 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 3.5% trong vòng 50 năm từ 1965 đến 2016, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singpore, Hàn Quốc và Thái Lan. 11 nền kinh tế còn lại có tốc độ tăng trưởng “đạt hiệu quả vượt trội hơn” gồm Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam, với mức 5%/năm trong khoảng thời gian ngắn hơn 20 năm từ 1996 đến 2016. Báo cáo cũng nêu rõ, dù có những khác biệt về tính chất và chính sách của các nền kinh tế nhưng 18 nền kinh tế được đánh giá là vượt trội hơn vẫn chia sẻ những tương đồng ở hai yếu tố cơ bản. Một trong số đó là việc duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng với mục tiêu hình thành một vòng tuần hoàn hiệu quả về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, đảm bảo sự ổn định, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo đổi mới. Điểm thứ hai là vai trò trọng yếu của các doanh nghiệp lớn trong việc thúc đẩy năng suất và sự tăng trưởng dù vẫn còn bị đánh giá thấp.
  • Theo báo cáo thường niên tháng 9/2018 của FTSE Russell vừa công bố, Việt Nam cùng Argentina đã chính thức có tên trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging). Cùng đó, thị trường Tanzania cũng được đưa danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường cận biên. Tính đến thời điểm hiện tại, có ba ứng cử viên đang được FTSE theo dõi xem xét nâng hạng lên Secondary Emerging là Việt Nam, Argentina và Romania (đã được đưa vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2016). Theo quy định của FTSE, các quốc gia sẽ phải nằm trong danh sách theo dõi ít nhất 1 năm trước khi được nâng hạng thực sự. Đối với trường hợp của Việt Nam, để được nâng hạng chính thức vào nhóm thị trường mới nổi loại 2, thị trường cần thỏa mãn 9/9 điều kiện tiên quyết.
  • Chỉ số Vốn Con người (Human Capital Index) được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hôm 11/10 tại một hội nghị ở Bali. Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong chiếm bốn vị trí hàng đầu toàn thế giới, theo sau là Phần Lan, Ireland, Úc, Thụy Điển, Hà Lan, và Canada trong tốp 10. Macao xếp thứ 25, Trung Quốc 46, Việt Nam 48, Malaysia 55, Thái Lan 65, Philippines 84, Indonesia 87, Campuchia 100, Nepal 102 và Ấn Độ 115.
  • Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu (Global Innovation Index 2018) theo báo cáo của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) liên tục thăng hạng trong những năm gần đây. Cụ thể Việt Nam xếp thứ 71 năm 2014; 59 năm 2016; 47 năm 2017 và 45 năm 2018. Riêng lãnh vực giáo dục, Việt Nam xếp thứ 18/126. Đây có thể coi là thành công bước đầu rất đáng kể sau hơn 4 năm thực hiện yêu cầu “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục”. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index, hay còn gọi là GII) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization – WIPO) phối hợp xây dựng cùng Trường Kinh doanh INSEAD, Pháp – một trong số các trường kinh doanh tốt nhất thế giới và Đại học Cornell , Hoa Kỳ – top 20 đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng QS và Times Higher Education (THE). Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay và có thể nói là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia.
  • Bloomberg – Kênh truyền thông về kinh doanh và tài chính uy tín hàng đầu của thế giới vừa công bố vào tháng 12/2018 danh sách Top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu “The Bloomberg 50” với đại diện của Việt Nam đầu tiên là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet. Tạp chí danh tiếng Forbes cũng vừa công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới với đại diện của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí thứ 44, tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái.
  • Trong năm 2018 sắp kết thúc, Việt Nam bất ngờ vươn lên đứng đầu danh sách thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á về việc “phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng” – thuật ngữ tiếng Anh gọi là IPO (Initial Public Offering). Theo hãng tư vấn tài chính EY (tức Ernst & Young), trong năm 2018, Việt Nam có 5 vụ IPO huy động được tổng cộng 2.6 tỷ USD. Theo dữ liệu của EY được CNBC trích dẫn, Việt Nam đã vọt lên đứng đầu danh sách 6 nước đáng chú ý tại Đông Nam Á về tổng trị giá các vụ IPO trong năm 2018, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và luôn cả Singapore. Một cách chi tiết, trong năm 2018, Việt Nam có 5 vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng IPO, trong đó, lớn nhất là thương vụ phát hành IPO mang về 1.35 tỷ USD của tập đoàn địa ốc Vinhomes, được đánh giá là vụ IPO lớn nhất Việt Nam và lớn thứ nhì Đông Nam Á trong năm nay.

KẾT LUẬN

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 với mức tăng GDP 6.6 – 6.8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 – 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 – 34% GDP. Dù lạc quan nhưng các chuyên gia nhấn mạnh Chính phủ phải rất nỗ lực để đạt được mục tiêu này

Trên trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2018 đã cho đăng một bài viết của học giả Peter Vanham mang tựa đề “Câu chuyện về sự thần kỳ của nền kinh tế Việt Nam”. Bài viết ghi lại những chia sẻ về ấn tượng của ông Vanham đối với sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những năm gần đây. Trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nếu như vào năm 2006, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 77 thì đến năm 2017, Việt Nam đã được nâng hạng lên vị trí thứ 55. Trong xếp hạng về tính thuận lợi của môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 68 trong năm 2017 trong khi đó vào năm 2007, Việt Nam ở vị trí 104.

Nếu như cách đây chỉ khoảng 30 năm, kinh tế Việt Nam còn rất khó khăn. Bằng cách nào mà đất nước Đông Nam Á này có thể trở thành một nước thu nhập trung bình ở hiện tại? Ở thời điểm năm 1975, kinh tế Việt Nam đối diện với vô vàn thách thức với GDP bình quân đầu người ở quanh ngưỡng khoảng từ 200 đến 300 USD. Thế nhưng sau đó thay đổi đã đến. Giờ đây, Việt Nam là một trong những “ngôi sao” trong nhóm các nước mới nổi. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng được trong ngưỡng từ 6 đến 7% – tương đương với Trung Quốc, xuất khẩu đang ngày chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong tổng GDP. Việt Nam đang sản xuất đủ loại mặt hàng, từ giầy thể thao Nike cho đến điện thoại thông minh của Samsung.

Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu lớn trong khu vực

Giáo sư tại đại học Delaware, ông Sheng Lu, chỉ ra Việt Nam đang thừa rất ít người lao động cũng như cơ sở sản xuất. Điều thần kỳ này đã xảy ra như thế nào? Theo phân tích của chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức nghiên cứu Brookings, sự thành công của kinh tế Việt Nam có thể được giải thích bởi ba yếu tố: “Thứ nhất Việt Nam đã áp dụng chính sách tự do hóa. Thứ hai, Việt Nam đã kết hợp chính sách tự do hóa với biện pháp cải cách tại nội địa thông qua giảm điều tiết và giảm chi phí kinh doanh. Cuối cùng, Việt Nam đầu tư mạnh tay vào phát triển con người, chủ yếu thông qua hoạt động đầu tư công”.

Báo cáo hồi đầu năm nay của tờ Financial Times cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh làn sóng toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam dường như không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Bởi giá trị xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 99.2% GDP nhờ vào các khoản đầu tư và thương mại lớn từ nước ngoài. Với vị thế là một thị trường mới nổi, Việt Nam có thể sẽ mất đi vị trí là điểm đến đầu tư do đồng USD ngày một tăng giá. Tuy nhiên, theo tác giả Vanham, hiện tại, Việt Nam dường như là quốc gia được hưởng lợi nhiều hơn là bị tổn thương. Dù Mỹ đã rút khỏi TPP, song các chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ lại tác động mạnh tới Trung Quốc hơn là với Việt Nam. Việc chính quyền Mỹ áp thuế với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khiến các công ty tìm kiếm chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác bao gồm Việt Nam.

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered  cho biết “Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019 – giống như năm 2017. Chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn duy trì ở mức cao”.

Ngay cả trong trường hợp vướng phải những khó khăn từ chủ nghĩa bảo hộ của phương Tây, Việt Nam vẫn có thể trông cậy vào tầng lớp trung lưu để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Các nhà bán lẻ trong và ngoài nước vẫn luôn đang mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Việt Nam do sức mua ngày một tăng. Nói cách khác, theo ông Vanham, vào một ngày nào đó, thay vì sự nhộn nhịp và hối hả của các cửa hàng nhỏ và dòng người đi xe máy, Việt Nam sẽ được biết đến với các trung tâm thương mại quy mô lớn và những dòng ô tô di chuyển trên khắp đường phố. Còn hiện tại, Việt Nam vẫn phát triển với tốc độ và cách riêng của mình.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam về đâu?” trên mạng RFA ngày 7/8/2018.
  2. Bài viết “Hiệp định thương mại Việt Nam-EU có thể được ký vào tháng 10” trên mạng TTXVN/Vietnam+ ngày 27/7/2018.
  3. Bài viết “Kinh tế VN không phụ thuộc nhiều vào TQ như nhiều người tưởng” trên đài VOA ngày 23/7/2018.
  4. Bài viết “Vinamilk đứng đầu danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam” trên mạng Thanh Niên ngày 1/8/2018.
  5. Bài viết “Việt Nam, hạt hạnh nhân Mỹ nhập lậu vào Trung Quốc và những chiêu trò trong chiến tranh thương mại” trên mạng Thanh Niên ngày 1/8/2018.
  6. Bài viết “Google chấp nhận bị kiểm duyệt để trở lại thị trường Trung Quốc” trên mạng RFI ngày 2/8/2018.
  7. Bài viết “Việt Nam xuất khẩu dầu do ‘tồn kho cao’?” trên mạng BBC ngày 7/8/2018.
  8. Bài viết “Danh sách các đơn vị mới thuộc Bộ Công an” trên mạng Trần Đại Quang ngày 7/8/2018.
  9. Bài viết “Việt Nam đang đi khá nhanh trên con đường từ xe đạp, xe máy tới BMW” trên mạng Cafef.VN ngày 21/8/2018.
  10. Bài viết “Ai Cập sẽ nhập khẩu một triệu tấn gạo trắng của Việt Nam” trên
  11. Bài viết “WEF: Kinh tế Việt Nam đã làm nên điều thần kỳ trong 30 năm bằng cách nào?” trên mạng Đầu Tư ngày 13/9/2018.
  12. Bài viết “Việt Nam đầu tư cho trẻ em chỉ kém Singapore trong Asean” trên mạng Đầu Tư ngày 13/9/2018.
  13. Bài viết “Ủy ban châu Âu ca ngợi việc thông qua EVFTA” trên đài BBC ngày 17/10/2018.
  14. Bài viết “Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục” trên mạng GDVN ngày 26/10/2018.
  15. Bài viết “Nikkei: Đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng vọt” trên mạng Cafef.VN ngày 2/11/2018.
  16. Bài viết “Việt Nam thâm nhập sâu hơn thị trường Trung Quốc thế nào?” trên mạng Đất Việt ngày 7/12/2018.
  17. Bài viết “World Bank: Việt Nam là một trong số các quốc gia trung lưu đang trỗi dậy mạnh mẽ” trên mạng Cafef.VN ngày 12/12/2018.
  18. Bài viết “10 vấn đề kinh tế được quan tâm nhất Việt nam 2018” trên mạng Cafef.VN ngày 26/12/2018.
  19. Bài viết “Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số” trên mạng Cafef.VN ngày 28/12/2018.
  20. Bài viết “Số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản lên tới hơn 310,000 người” trên mạng Kinh tế Đô thị ngày 26/1/2019.

—–