Thương hiệu Việt – Vietjet Air

718 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

VietJet Air được thành lập từ 3 cổ đông chính là Tập đoàn T&C, Sovico HoldingsNgân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà TP.HCM (HD Bank), với vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng (tương đương 37.5 triệu USD tại thời điểm góp vốn). Hãng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam phê duyệt cấp giấy phép vào tháng 11 năm 2007 và trở thành hãng hàng không thứ 4 của Việt Nam, sau Vietnam Airlines, Jetstar PacificVietnam Aviation Service Company (VASCO) và là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Ngày 20 tháng 12 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam Hồ Nghĩa Dũng đã trao giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho VietJet Air.

Theo kế hoạch ban đầu, VietJet Air dự tính chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng do biến động làm giá xăng, dầu tăng cao nên VietJetAir quyết định hoãn lại và sẽ bắt đầu vào tháng 11 năm 2009. Cuối tháng 4 năm 2009, Sovico Holdings đã mua lại toàn bộ số cổ phần của Tập đoàn T&C và trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 70% cổ phần của VietJetAir. Tháng 2 năm 2010, hãng Air Asia mua lại 30% cổ phần của VietJetAir.

VAI TRÒ CỦA CEO NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, là một nữ doanh nhân, tỷ phú hiện trên cương vị là tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank. Theo hãng tin Bloomberg, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi, nhờ bán máy fax và nhựa cao su tại Đông Âu.  Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB-2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Gần 25 năm sau, bà nổi lên như một nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet và Dragon City (Phú Long) – dự án bất động sản rộng 65 ha ở TP. HCM. Ngoài việc là cổ đông lớn nhất của VietJet Air, Tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà đã mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005, trở thành nhà đầu tư người Việt đầu tiên sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao. Furama Resort Danang khai trương vào năm 1997 với 198 phòng là khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên tại Việt Nam. Gần một thập kỷ sau đó, Sovico tiếp tục thâu tóm thêm 2 khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà là Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay. Chồng bà là Nguyễn Thanh Hùng, ông chủ của Sovico Holdings. Sovico Holdings đang nắm giữ hàng loạt thương hiệu nổi bật tại Việt Nam, như HDBank và Vietjet Air, đồng thời là sáng lập viên của VIB và Techcombank.

Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1.7 tỷ USD. Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017. Tính đến ngày 7/4/2018, tài sản của bà đã tăng lên $3.7 tỷ. Bà là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, sau Phạm Nhật Vượng. Kênh truyền thông về kinh doanh và tài chính uy tín hàng đầu của thế giới Bloomberg vừa công bố danh sách Top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu “The Bloomberg 50” năm 2018 với đại diện của Việt Nam đầu tiên là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet. Tạp chí danh tiếng Forbes cũng vừa công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới với đại diện của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí thứ 44, tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes là Thủ tướng Đức Angela Merkel, kế tiếp là Thủ tướng Anh Theresa May, đứng thứ ba là Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde, tiếp đến là Chủ tịch & Tổng giám đốc General Motor – bà Marry Bara.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIETJET AIR

Lịch trình phát triển

VietJet Air thành lập năm 2007 nhằm vào lúc kinh tế  thế giới đang bị suy trầm nên mãi đến cuối năm 2011 mới chính thức hoạt động và có thị trường tăng trưởng 20% mỗi năm trong bốn năm qua.

Ngày 12 tháng 6 năm 2013, tại Paris Airshow, VietJet Air ký thỏa thuận nguyên tắc với hãng sản xuất máy bay Airbus đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại dành cho VietJetAir, trong đó có 62 chiếc đặt mua, 30 chiếc là quyền mua thêm và 8 chiếc thuê với thời gian nhận hàng đến 2022 với tổng giá trị giao dịch theo biểu giá của nhà sản xuất khoảng 9.1 tỷ USD. Ngày 23/5/2016, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hãng hàng không VietJet đã ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của tập đoàn đến từ nước Mỹ trị giá 11.3 tỷ USD.

Hiện nay, VietJet Air sở hữu 40 chiếc Airbus A320 và A321. Mới đây nhất, trong Triển lãm Hàng không quốc tế Dubai Airshow 2015, Vietjet Air đã ký bản hợp đồng đặt mua thêm 30 máy bay A321 (21 chiếc A321NEO và 9 chiếc A321CEO) thế hệ mới, với tổng giá trị công bố 3.6 tỷ USD với Airbus. 30 máy bay dự kiến sẽ được giao hàng từ cuối năm 2016 đến 2020, nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác của hãng đến các nước trong khu vực châu Á. Ngoài ra, VietJet cũng ký thỏa thuận 3.04 tỷ USD mua nhiều động cơ được chế tạo bởi công ty Pratt & Whitney, một đơn vị của hãng United Technologies, cho 30 chiếc Airbus A321 mà VietJet đã đặt hồi tháng 11/2015.

Tại triển lãm hàng không thế giới Farnborough Airshow 2018 (Anh), Vietjet Air và Boeing đã ký hợp đồng trị giá 12.7 tỷ USD mua 100 máy bay B737 MAX. Vietjet Air cũng ký với Airbus là Biên bản ghi nhớ (MOU) đặt mua 50 tàu bay A321NEO thế hệ mới nhất trị giá 6.5 tỷ USD. Nếu các hợp đồng nêu trên được thực hiện đầy đủ, đến năm 2025, đội bay của Vietjet sẽ gồm hơn 300 chiếc, vượt hẳn các hãng hàng không trong nước về số lượng. Các thỏa thuận này được chính thức ký năm 2019 khi Tổng thống Trump sang Hà Nội nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên, được ký kết giữa các công ty hai bên bao gồm hãng hàng không Vietjet của Việt Nam mua 100 chiếc máy bay 737 – Max của hãng Boeing trị giá 12.7 tỷ USD và 215 động cơ của hãng GE/CFM; Vietjet cũng ký hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ USD với General Electric để hãng này cung cấp dịch vụ bảo hành cho 200 chiếc máy bay Boeing 737 Max.

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

Xây dựng “Emirates châu Á”

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ với CNBC rằng:Khi con trai đầu của tôi mới chỉ vài tháng tuổi, tôi bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực hàng không giá rẻ. Sau đó, tôi dành 10 năm để nghiên cứu về lĩnh vực hàng không, gặp gỡ CEO của các hãng hàng không giá rẻ khác nhau như Jetstar, Air Asia và Southwest Airlines”. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với hãng bay Emirates Airlines có trụ sở ở Dubai, và đặt mục tiêu đưa Vietjet trở thành “Emirates của châu Á”. “Họ có tầm nhìn toàn cầu. Emirates là hãng hàng không của một nước nhỏ, nhưng muốn thống trị cả thế giới”, bà Phương Thảo nói. Với việc tăng cường thêm đội bay của mình, Vietjet đang ngày càng thể hiện rõ tham vọng biến Vietjet thành hãng hàng không toàn cầu. “Giống như Emirates – từ một hãng hàng không của quốc gia Trung Đông nhỏ bé hiện họ đã trở thành hãng hàng không toàn cầu. Chúng tôi muốn VietJet trở thành Emirates của châu Á”, bà Thảo nhấn mạnh trong một bài phỏng vấn đăng trên Bloomberg hồi tháng 2/2016 vừa qua.

Trọng tâm hoạt động & Giá cả

Trọng tâm hoạt động của Vietjet là thị trường nội địa. Hiện hãng có 34 tuyến bay nội địa và 16 tuyến quốc tế, bao gồm các chuyến bay tới Singapore, Thái Lan và Myanmar. Giá máy bay Hà Nội – Sài Gòn trung bình 900,000 đồng (40 USD) mất 2 tiếng so với 1,500,000 đồng (70 USD) của Vietnam Airlines. Vé tàu hỏa trung bình là 1,500,000 đồng (70 USD) với hành trình mất 24 tiếng.

Tổng giám đốc Vietjet thừa nhận, thống lĩnh thị trường toàn cầu đồng nghĩa với dịch chuyển khỏi mô hình hãng bay giá rẻ, nhưng tin rằng bà có thể thành công mà không để mất lực lượng khách hàng cốt lõi – vốn rất nhạy cảm về giá cả của Vietjet. Bà Phương Thảo cho rằng: “Chúng tôi có thể vừa tăng cường hiệu quả chi phí, vừa cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Vietjet tự tin chất lượng dịch vụ của mình không hề kém hơn các hãng bay khác trên thế giới”. Bà Phương Thảo lấy các bữa ăn trên chuyến bay của Vietjet như một bằng chứng cho thấy kỹ năng của hãng về hiệu quả chi phí. Một bữa ăn của Vietjet trên tuyến TP.HCM – Singapore có giá 3 USD, so với mức 10 USD của nhiều hãng bay khác. Đó là lý do vì sao chúng tôi không xem mình là một hãng bay giá rẻ bình thường. Chúng tôi xem mình là một hãng bay “lai” (hybrid) hoặc một hãng bay của kỷ nguyên mới”, bà Phương Thảo cho biết thêm.  Một suất ăn nóng tại các siêu thị Việt Nam giá $50,000 đồng/1 phần. Giá cao gấp 2-6 lần so với sản phẩm tại siêu thị, nhưng suất ăn của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar lại không được đánh giá cao.

Bữa ăn của Vietjet với giá 3 USD

Cổ phần hóa IPO

Với kế hoạch mở rộng đầy tham vọng, Vietjet được cho là có kế hoạch thực hiện một vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay. Bà Phương Thảo không nói cụ thể Vietjet dự định huy động bao nhiêu vốn khi IPO hay tỷ lệ cổ phần bán ra trong đợt phát hành. Tuy nhiên, bà cho biết kế hoạch của bà là mở rộng ra thị trường quốc tế tại khu vực Bắc Á và Đông Bắc Á, với những chuyến bay kéo dài 5-6 giờ đồng hồ từ Việt Nam. Kế hoạch như vậy có thể bao gồm các chuyến bay tới Trung Quốc, Nga và Nhật Bản (Tokyo, Nagoya, Fukuoka). “Họ rất tham vọng. Đến nay, họ tập trung vào thị trường nội địa. Thị trường nội địa luôn là thị trường dễ nhất, là quả chín ở dưới thấp”, nhà phân tích Brendan Sobie thuộc Centre for Asia Pacific Aviation nhận định. Giờ đã đến lúc họ hoàn tất giai đoạn thứ nhất này. Nếu họ muốn duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, họ cần tiến xa hơn ra thị trường quốc tế vốn nhiều thách thức hơn, nhiều rủi ro hơn”, ông Sobie nói. Vietjet cũng muốn có thêm 2 tuyến bay nội địa và 18 tuyến bay quốc tế. Liệu Vietjet có thành công hay không? “Nếu họ đưa ra những quyết định đúng đắn và không quá tham vọng, thì họ có thể thành công. Họ nên làm mọi việc với tốc độ hợp lý”, ông Sobie nhìn nhận.

Tiếp viên mặc Bikini

Với Vietjet, bà Phương Thảo cũng không ngại thu hút sự chú ý và gây tranh cãi. Năm 2012, Vietjet từng trở thành đề tài trên khắp các mặt báo trong nước khi đưa lên các chuyến bay của mình dàn tiếp viên trong trang phục bikini.  Hiện nay, hãng hàng không này không còn những chuyến bay với tiếp viên diện bikini, nhưng điều đó không có nghĩa là cách làm này sẽ không được áp dụng trở lại.
Nếu một hình ảnh đẹp giúp khách hàng của chúng tôi cảm thấy vui, chúng tôi sẽ luôn cố gắng để làm một cách tốt nhất”, bà Phương Thảo nói. Về những lời chỉ trích cho rằng việc Vietjet cho tiếp viên mặc bikini là một chiêu trò quảng cáo lấy phụ nữ làm công cụ, bà Thảo cho rằng: “Trên thế giới hiện nay, có nhiều cuộc thi sắc đẹp mà ở đó các thí sinh mặc bikini để thi. Trang phục bikini thể hiện các nét đẹp. Thông điệp của chúng tôi tại Vietjet là chúng tôi làm điều này vì sắc đẹp và niềm vui”.

Tiếp viên Vietjet mặc Bikini

UY TÍN CỦA VIETJET

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 49 tàu bay A320 và A321, thực hiện gần 250 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển xấp xỉ 25 triệu lượt hành khách, với gần 50 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và Malaysia.

Vietjet là “Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất châu Á” (Best Asian Low Cost Carrier) năm 2015 do TTG Travel Award bầu chọn, hãng hàng không được yêu thích nhất tại Việt Nam, top 3 hãng hàng không có Fanpage tăng trưởng nhanh nhất thế giới do Facebook đánh giá …

Ngày 6/6 /2016, tạp chí Forbes công bố danh sách The World’s Most Powerful Women – Top phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016. Như mọi năm, các tiêu chí đánh giá của họ là: tiền bạc (tài sản, doanh thu công ty, GDP quốc gia), độ hiện diện truyền thông, tầm ảnh hưởng và tác động của họ lên cả lĩnh vực của mình (truyền thông, kinh doanh, công nghệ,..) lẫn lĩnh vực bên ngoài. Năm vị trí đầu là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Các vị trí tiếp theo là bà Hillary Clinton ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, giáo sư kinh tế học Janet Yellen – chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, vợ của tỉ phú Bill Gates, bà Melinda Gates, đồng chủ tịch quỹ Bill & Melinda Gates xếp vị trí thứ 4. CEO của General Motors Mary Barra xếp vị trí thứ 5. Bà Phương Thảo, được xếp vị trí số 62. Theo Fobes, nếu việc IPO hãng VietJet thành công, bà sẽ gia nhập hàng ngũ tỉ phú. Trước đó, bà Nguyễn Thi Phương Thảo cùng 2 nữ doanh nhân Việt đã lọt top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do Forbes bình chọn.

SO SÁNH VIETJET AIR VỚI VIETNAM AIRLINES

Vừa là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air, bà Thảo đã đưa hãng hàng không giá rẻ tư nhân duy nhất của Việt Nam phát triển nhanh chóng tới mức, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm sau khi đi vào hoạt động, lượng hành khách của Vietjet đã trên đà vượt qua hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Trong năm 2014, Vietnam Airlines chiếm quá nửa về thị phần nội địa với 56% trong khi Vietjet chỉ chiếm 29.4% thị phần thì sang năm 2015, Vietnam Airlines đã bị giảm thị phần, còn 47.1% thì Vietjet bám sát Vietnam Airlines vươn lên chiếm 36.2%.

Trong năm 2017, sau hơn 6 năm kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, Vietjet Air đã vươn lên trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất, vượt qua Vietnam Airlines và Jetstar Pacific. Vietjet đã nhận thêm và đưa vào khai thác 17 tàu bay mới A321, nâng số tàu bay lên 51. Lượng hành khách vận chuyển năm qua là 17.11 triệu lượt, tăng 21.8% so với năm 2016. Cùng với việc mở rộng khai thác thêm 1 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế, Vietjet đạt hệ số sử dụng ghế trung bình là 88.05%. Nhờ đó, thị phần của Vietjet Air đã tăng lên 43% vào cuối năm 2017, vươn lên vị trí là hãng hàng không hàng đầu tại Việt Nam.

Sơ đồ về thị phần nội địa giữa Vietnam Airlines và VietJet Air

Về lương bổng, nhân viên Vietnam Airlines được hưởng lương trung bình 28 triệu đồng/tháng trong năm 2016. So với “đối thủ” nặng ký nhất của Vietnam Airlines hiện nay là Vietjet Air, nhân viên hãng hàng không giá rẻ lại được trả lương không hề rẻ. Thu nhập bình quân của nhân viên Vietjet Air năm 2015 là 39.5 triệu đồng/người/tháng và năm 2016 tăng lên con số 46.2 triệu đồng – cao gần gấp đôi so với Vietnam Airlines.

SO SÁNH VIETJET AIR VỚI VINAMILK

Hiện nay, Vinamilk và Vietjet Air là 2 thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam do 2 nữ CEO Mai Kiều Liên và Nguyễn Thị Phương Thảo điều hành. Hai công ty có những nét đặc thù khác biệt.

Công ty Vinamilk, thành lập năm 1976 dù rằng có vốn nhà nước 46% nhưng bà Mai Kiều Liên điều hành và phát triển công ty liên tục theo những nguyên tắc của các công ty Âu-Mỹ. Hiện nay, hai nhân vật chính của Vinamilk là bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị và  bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc. Doanh thu năm 2017 là 2.24 tỷ USD, lợi nhuận là 528.6 triệu USD.

Trong khi đó, Vietjet Air thành lập 2007 nhưng chỉ chính thức hoạt động năm 2011. Doanh thu năm 2017 của Vietjet Air là 1.8 tỷ USD, lợi nhuận là 199.2 triệu USD. Không chỉ thăng hạng nhanh chóng trong top người giàu nhất thế giới, Forbes đã xếp hạng bà Thảo ở vị trí số 55 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của mình. Động thái mới đây nhất của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là “nhảy” vào doanh nghiệp dầu hàng đầu Việt Nam khi bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược PV Oil. Hiện, chưa có thông tin nào liên quan đến việc tỷ phú Thảo đã thực sự tham gia vào PVOil trong đợt bán đấu giá vừa qua hay chờ đợi đến kỳ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nhưng việc PVOil đưa cổ phần lên sàn chứng khoán giao dịch, đạt mức tăng ~30% trong phiên chào sàn mới đây cũng là một thông tin đáng chú ý.

NHỮNG TỶ PHÚ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

“Nước thường chảy chỗ trũng”, câu thành ngữ này đang ngày càng trở nên đúng hơn với những tỷ phú trên thế giới. Bởi họ đã giàu, nay càng trở nên giàu có hơn. Trong lần thứ 32 Fobes công bố danh sách, năm nay ghi nhận thế giới có đến 2,208 tỷ phú đến từ 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một kỷ lục mới được xác lập. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên Hungary và Zimbabwe đón “cơn gió” tỷ phú. Hai quốc gia này đã ghi nhận những người đầu tiên sở hữu khối tài sản có 10 con số (tính bằng USD). Không chỉ tăng về lượng, năm nay các tỷ phú còn tăng cả về “chất”. Theo thống kê, 2,208 “thành viên ưu tú” trên thế giới này sở hữu khối tài sản lên tới 9.1 nghìn tỷ USD, tăng đến 18% so với năm ngoái. Nếu tính trung bình, mỗi tỷ phú sở hữu số tiền lên đến 4.1 tỷ USD.

Trên tầm quốc gia, Mỹ dẫn đầu với 585 tỷ phú. Tiếp theo là Trung Quốc với 373 tỷ phú. Ở phương diện cá nhân, ông chủ hãng Amazon, Jeff Bezos là người giàu nhất khi sở hữu khối tài sản 112 tỷ USD. Ước tính trong 12 tháng qua, cổ phiếu Amazon tăng tổng cộng 59%, giúp tài sản của Jeff Bezos tăng thêm 39.2 tỷ USD. Theo Forbes, đây là mức tăng tài sản lớn nhất trong 1 năm kể từ khi tạp chí này bắt đầu xây dựng danh sách tỷ phú vào năm 1987.

Tính đến ngày 5/3/2019, Việt Nam có 5 tỷ phú:

Phạm Nhật Vượng

Không quá để so sánh ông Phạm Nhật Vượng là “ông vua” bất động sản tại Việt Nam. Gần 20 năm qua, các công trình bất động sản của Vingroup từ chung cư cho đến trung tâm thương mại “mọc lên như nấm” tại Việt Nam. Tốc độ phát triển thần tốc trong mảng bất động sản đã đặt Vingroup ngang hàng với những công ty, tập đoàn hàng đầu thuộc lĩnh vực này trong khu vực. Không dừng lại ở bất động sản, những năm gần đây Vingroup đã vươn ra ở hàng loạt các lĩnh vực trong nền kinh tế. Tiêu biểu có thể kể đến: Bán lẻ (hệ thống Vinmart), Nông nghiệp (VinEco), Y tế (hệ thống bệnh viện Vinmec) … Mới đây nhất, Vingroup đã chính thức gia nhập lĩnh vực xe hơi khi xây dựng Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng vào tháng 9/2017. Dự kiến, Vinfast sẽ ra mắt hai dòng xe mới vào quý III/2019. Theo danh sách tỷ phú của cập nhật Realtime của Forbes vào tháng 3/2019 thì tài sản của người giàu nhất Việt Nam đã tăng vọt lên 7.5 tỷ USD so với mức 6.6 tỷ USD hồi trước Tết và lần đầu tiên gia nhập Top 200 người giàu nhất thế giới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Trái ngược vẻ ngoài có phần nhỏ nhắn, song chắc hẳn “chất thép” luôn tồn tại trong con người bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Tại một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt như ngành hàng không, người phụ nữ này đã và đang đưa chiếc “tàu bay” Vietjet Air đi từ hết thành công này sang thành công khác. Trong một buổi trả lời phỏng vấn với Bloomberg vào năm 2016, bà Thảo cho biết muốn biến Vietjet Air trở thành Emirates của châu Á. Với những gì đang diễn ra, bà Thảo cho thấy những bước đi vững chắc trong việc cụ thể hóa mục tiêu của mình cùng Vietjet Air. Kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, đến nay Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không đứng đầu thị trường với đội bay lên tới 52 chiếc. Khối tài sản cùng thứ hạng của bà Thảo trong BXH của Forbes năm nay là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của Vietjet Air. Không quá để nói rằng, khối tài sản của bà Thảo tỷ lệ thuận cùng tần suất cất cánh của những chiếc tàu bay của Viejet Air trong năm vừa qua. Nó tăng một cách chóng mặt.

Cụ thể theo Forbes, bà Thảo sở hữu khối tài sản lên tới 2.3 tỷ USD, tương đương với vị trí 766. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản của bà Thảo đã tăng gần 2 lần chỉ sau 1 năm (1.2 tỷ USD và xếp thứ 1,678 trong năm 2017).

Ông Trần Bá Dương

Nếu so sánh ông Phạm Nhật Vượng là “ông vua” bất động sản, cũng hoàn toàn dễ hiểu khi đặt ông Trần Bá Dương cho ngôi vị này trong mảng ô tô tại Việt Nam. Ông Dương thành lập công ty Trường Hải vào năm 1997. Ban đầu Trường Hải chỉ phân phối xe, sau đó công ty này chuyển dần sang lắp ráp. Hiện nay, Trường Hải “hùng cứ” thị trường ô tô Việt Nam với 3 thương hiệu xe lắp ráp là Kia, Mazda và Peugeot. Những năm gần đây, Trường Hải cạnh tranh sòng phẳng với Toyota cho danh hiệu hãng ô tô lớn nhất Việt Nam. Theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của Trường Hải đạt hơn 55,500 tỷ đồng. Trên thị trường không chính thức (OTC), những lệnh chào mua cổ phiếu Thaco được đặt trong khoảng từ 65,000 đến 69,000 đồng. Mức giá này đồng nghĩa với việc nếu Trường Hải lên sàn chứng khoán, công ty này có giá trị khoảng 5 tỷ USD. Tài sản của chủ tịch Thaco Trần Bá Dương đạt 1.7 tỷ USD – giảm 100 triệu USD so với khi được Forbes lần đầu công bố cách đây một năm.

Ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang

Ngày 5/3/2019, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thường niên của mình. Không ngoài dự đoán trước đó, chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang đã gia nhập danh sách với khối tài sản lần lượt là 1.7 tỷ và 1.3 tỷ USD. Do giá cổ phiếu giảm mạnh, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã ra khỏi danh sách tỷ phú.

KẾT LUẬN

Dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, năm 2018 tiếp tục là năm thành công nhiều mặt của hãng hàng không được hàng triệu người yêu thích Vietjet Air. Năm 2018 tiếp tục là năm hoạt động tăng trưởng cao và bền vững của hãng hàng không thế hệ mới Vietjet. Với đội ngũ bay chất lượng, hiện đại cùng phong cách phục vụ chuyên nghiệp Vietjet được hàng triệu người yêu thích và dành trọn niềm tin trong mỗi chuyễn bay.

Điều này khẳng định qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 trước kiểm toán của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (mã VJC). Theo đó, tổng doanh thu công ty đạt 52,400 tỷ đồng (2.3 tỷ USD), tăng 24% so năm trước và đạt 103% so kế hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5,830 tỷ đồng (253 triệu USD).

Với triết lý kinh doanh nhân văn của bà chủ hãng hàng không Vietjet là hướng tới cộng đồng, khát vọng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người trên các chuyến bay, mang lại cơ hội bay bình đẳng cho tất cả mọi người. Tình yêu con người với con người, san sẻ, giúp đỡ người khốn khó trong xã hội là điều giúp nữ tỷ phú có thêm động lực để làm việc.

Liên tiếp trong thời gian qua tên tuổi của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo được các tạp chí danh tiếng, tổ chức uy tín hàng đầu quốc tế đánh giá và xếp hạng. Bloomberg – Kênh truyền thông về kinh doanh và tài chính uy tín hàng đầu của thế giới vừa công bố danh sách Top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu “The Bloomberg 50” với đại diện của Việt Nam đầu tiên là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet. Tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới với đại diện của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí thứ 44, tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Ngày 11/10/2018, tại Seoul, trong khuôn khổ Diễn đàn Tri thức Thế giới, Trung tâm ASEAN và Tập đoàn Truyền thông Maekyung, Hàn Quốc đã Vinh danh bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc Vietjet là Doanh nhân Đông Nam Á tiêu biểu 2018.

Cùng với các nữ CEO khác của Việt Nam như bà Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamilk, bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Tổng giám đốc Cơ điện lạnh REE v.v.., các bà đã làm rạng danh cho người phụ nữ Việt Nam.

THAM KHẢO

  1. Công ty Cổ phần Hàng không VietJet – Wikipedia tiếng Việt
  2. Website của Vinamilk.
  3. Tổng quan hãng hàng không VietjetAir – VeMayBay.vn
  4. Người Việt Online (23/5/2016): Boeing bán 100 máy bay $11.3 tỷ cho Vietjet.
  5. GDVN (26/05/16): Chiến lược xây dựng Vietjet của nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo
  6. CNN/Vietnamnet (16/5/2016): CNN, kênh tin tức hàng đầu thế giới phát phóng sự về Vietjet.
  7. CAFEF.VN (12/1/2016): Vietjet tiếp tục giật thị phần nội địa của Vietnam Airlines.
  8. ZING.VN (3/5/2016): Cận cảnh suất ăn của các hãng bay Việt Nam.
  9. Bài viết “So găng lương nhân viên Vietnam Airlines và Vietjet Air” trên mạng Người Đưa Tin ngày 14/06/17.
  10. Bài viết “Chân dung 4 tỷ phú Việt Nam: Những ‘ông vua’ và ‘bà đầm thép’” trên mạng Người Đưa Tin ngày 14/06/17.

—–