Tam quốc chí

1.410 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong thập niên 1950, lúc còn học trung học, tác giả có thời say mê cuốn “Tam Quốc Chí”. Bẳng đi mấy chục năm không còn dính dáng đến truyện Tàu cho đến mấy tháng gần đây lại có thời gian rảnh rổi xem bộ phim “Quân sư Liên minh” nói về Tam Quốc nên tác giả lại có ý định viết về đề tài này. Với một bài 2, 3 chục trang mà viết về một giai đoạn lịch sử của nước Trung Hoa là điều mất khá nhiều thì giờ nhất là phải phân biệt chính sử và hư cấu để phản ảnh được thực sự mổi nhân vật và biến cố trong suốt cuộc đời của họ.

Lịch sử Trung Quốc trong giai đoạn này có thể chia làm 3 thời kỳ:

  • Nhà Đông Hán (206 TCN220): là triều đại kế tục nhà Tần (221 TCN207 TCN) và được tiếp nối bởi thời kỳ Tam Quốc (220-280). Triều đại này được thành lập bởi Lưu Bang, một lãnh tụ khởi nghĩa chống lại sự cai trị của nhà Tần, được biết đến sau khi qua đời là Hán Cao Tổ. Triều đại nhà Hán bị gián đoạn bởi Vương Mãng, một ngoại thích nhà Hán, tự lập mình lên làm hoàng đế, thành lập nhà Tân (923). Sau đó, hoàng thân Lưu Tú đã khôi phục lại chính quyền nhà Hán, tiếp tục sự thịnh trị, được biết đến với tên gọi Hán Quang Vũ Đế. Chính việc này đã chia nhà Hán thành hai giai đoạn: Tây Hán (206 TCN9) với kinh đôTrường An và Đông Hán (23220) với kinh đô ở Lạc Dương. Kéo dài 4 thế kỷ, nhà Hán được xem như là Triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là người Hán, và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là chữ Hán.

Nhà Đông và Tây Hán

  • Thời kỳ Tam Quốc: là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Trung Quốc cũng như nhiều người dân khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu năm 190 khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập cuối thời nhà Đông Hán. Trước đó, phần “không chính thức” của giai đoạn này, từ năm 190 đến năm 220, được đánh dấu bởi sự hỗn loạn của các cuộc giao tranh giữa các phe phái trong rất nhiều khu vực của Trung Hoa, như các cuộc giao tranh của Tào Tháo, anh em Viên ThiệuViên Thuật, Tôn Kiên, Lưu Biểu, Lưu Bị, Đổng Trác, Lữ Bố, quân Khăn Vàng v.v. Phần giữa của giai đoạn này, từ năm 220 đến năm 263, được đánh dấu bằng sự giao tranh quân sự và ngoại giao của ba quốc gia thù nghịch còn lại là Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Để phân biệt các quốc gia này với các quốc gia cùng tên nhưng trong các thời kỳ trước đó, người ta đã thêm vào: Ngụy là Tào Ngụy, Thục là Thục Hán, và Ngô là Đông Ngô. Phần cuối cùng của thời kỳ này được đánh dấu bằng việc Ngụy tiêu diệt Thục năm 263, nhà Tây Tấn thay thế Ngụy năm 266, và Tấn tiêu diệt Ngô năm 280. Mặc dù tương đối ngắn, thời kỳ lịch sử đầy hỗn loạn và chinh chiến này đã được tiểu thuyết hóa trong văn học và rất nổi tiếng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á. Nó được chuyển thể thành các vở kịch, tiểu thuyết, truyện dân gian, truyện dã sử cũng như trong phim ảnh, phim truyền hình nhiều tập và trò chơi điện tử. Nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, một tác phẩm hư cấu dựa phần lớn theo lịch sử. Ghi chép lịch sử chính thức của thời kỳ này là Tam quốc chí của Trần Thọ, với sự hiệu đính của Bùi Tùng Chi sau này. Thời kỳ Tam quốc này cũng là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Điều tra dân số cuối thời kỳ nhà Đông Hán cho con số là khoảng 56 triệu người, trong khi đó điều tra dân số trong thời kỳ đầu nhà Tây Tấn (sau khi Tấn thống nhất Trung Quốc) chỉ còn khoảng 26 triệu người. Cho dù con số thống kê có thể có sai số lớn nhưng hoàn toàn đủ cơ sở để nói rằng phần lớn dân số đã chết vì các cuộc chiến tranh liên miên trong thời kỳ này.

Bản đồ 3 nước Ngụy, Thục, Ngô năm 262

Đông và Tây Tấn (367)

 TAM QUỐC CHÍ

Tam quốc chí là một sử liệu chính thức và có căn cứ về thời đại Tam Quốc của Trung Quốc từ năm 189 đến năm 280, do Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ 3. Tác phẩm này hình thành từ các mẩu chuyện nhỏ kể về các nước Ngụy, ThụcNgô của thời đại này, đồng thời là nền tảng cho cuốn tiểu thuyết lịch sử rất phổ biến là Tam quốc diễn nghĩa được viết vào thế kỷ 14. Tam quốc chí là một phần trong bộ Tiền tứ sử của tổng tập Nhị thập tứ sử, cùng với Sử ký, Hán thưHậu Hán thư.

BẮC NGỤY

Tào Ngụy là một trong 3 quốc gia thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa, kinh đô ở Lạc Dương. Nhà Ngụy kéo dài từ 220 đến 266 theo dương lịch, chiếm cứ vùng bắc Trung Quốc. Tào Ngụy do Tào Tháo xây dựng tiền đề nhưng con trai Tào TháoTào Phi là người thiết lập nên Tào Ngụy. Tào Phi là vị hoàng đế đầu tiên của Tào Ngụy. Tào Ngụy đã bị Tư Mã Viêm xóa sổ và lập nên nhà Tây Tấn vào tháng 2 dương lịch năm 266, sau đó thống nhất Trung Quốc.

Thủ đô Lạc Dương của nước Ngụy

Vào thời điểm nhà Hán suy yếu, khu vực Bắc Trung Quốc thuộc quyền kiếm soát của Tào Tháo. Nước Ngụy manh nha hình thành từ cuối thời Đông Hán. Vào năm 213, Tào Tháo được Hán Hiến Đế Lưu Hiệp phong làm “Ngụy Công” (thực chất là ép Hiến Đế phong) và được trao quyền sở hữu Ngụy quận và 9 quận thuộc Ký châu làm nước riêng, đóng thủ phủ ở Nghiệp Thành. Nước Ngụy của Tào Tháo với tư cách là một nước chư hầu nằm trong lãnh thổ nhà Hán bắt đầu hình thành. Tháng 11 năm 213, Tào Tháo thiết lập một bộ máy triều đình nước Ngụy riêng biệt, có Thượng thư lệnh, Thị trung và 6 viên khanh. Chung Do được cử làm Tướng quốc. Năm 216, Tào Tháo ép Hiến Đế phong làm “Ngụy Vương”. Năm 220, Tào Tháo qua đời, con trưởng là Tào Phi kế ngôi “Ngụy Vương”. Cũng trong năm này, ngày 11 tháng 12, Tào Phi cướp ngôi của Hán Hiến Đế và tự xưng là Hoàng đế, lập nên nước Ngụy. Gần như ngay sau đó, Lưu Bị lên ngôi Hoàng đế lập ra nước Thục Hán để tiếp tục dòng dõi của nhà Hán, và Tôn Quyền cho sứ giả sang xưng thần với Tào Phi để được phong làm Ngô Vương, sau đó lên ngôi Hoàng đế của Đông Ngô vào năm 229. Tào Ngụy ít chiến tranh với Đông Ngô như với Thục Hán. Từ khi 3 quốc gia chính thức xưng hiệu, trong vòng hơn 40 năm, Tào Ngụy và Thục Hán đánh nhau 15 lần, 6 lần thời Gia Cát Lượng làm thừa tướng ở Thục (Lục xuất Kỳ Sơn) và 9 lần khi Khương Duy cầm quyền chỉ huy quân sự tại nước này (Cửu phạt Trung nguyên).

Nước Ngụy tiêu diệt nước Thục vào năm 263. Tuy nhiên, lúc này thực quyền trong triều đình Tào Ngụy đã rơi vào tay họ Tư Mã sau khi Ngụy Minh Đế Tào Tuấn mất (239). Tư Mã Ý diệt quan phụ chính trong tông thất nhà Ngụy là Tào Sảng và nắm trọn quyền hành. Sau khi Ý chết, con là Tư Mã Sư lên thay, phế Tào Phương, lập Tào Mao làm vua (254). Năm 260, em Tư Mã Sư là Tư Mã Chiêu giết Tào Mao lập Tào Hoán. Tháng chạp năm Ất Dậu (tháng 2 năm 266), con Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm cướp ngôi Hoàng đế của Tào Hoán, lập nên nhà Tấn. Tào Ngụy mất từ đó.

 TÂY THỤC

Thục Hán (221 – 263) là một trong ba quốc gia trong thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa, thuộc vùng Tây Nam Trung Quốc (khu vực Tứ Xuyên ngày nay). Kinh đô của nước Thục là Thành Đô (vùng phía bắc của nước Thục). Có một số sử gia cho rằng Thục Hán là triều đại cuối cùng của nhà Nhà Hán vì Hoàng đế Thục Hán Lưu Bị thuộc dòng dõi hoàng tộc. Hai nước còn lại thời Tam Quốc là Đông NgôTào Ngụy. Kể từ thời nhà Đường, nhà Thục Hán được sử sách Trung Quốc coi là sự nối tiếp của nhà Hán, là triều đại chính thống trong số 3 triều đại của thời Tam quốc, do vậy Lưu Bị – vua khai quốc của Thục Hán, là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (các hoàng đế của Tào Ngụy, Đông Ngô không được thờ). Khi triều đại nhà Hán suy yếu, Lưu Bị, một người thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, đã tập hợp được nhiều tướng tài, cùng với sự giúp đỡ của Gia Cát Lượng, đã chiếm được Kinh Châu rồi sau đó là vùng Ba ThụcHán Trung. Với những vùng đất này, Lưu Bị đã có vị thế khá vững chắc ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Vào năm 219, Lã Mông, một tướng kiệt xuất của Đông Ngô, đã tấn công và chiếm được Kinh Châu cho Tôn Quyền. Không những vậy, Quan Vũ, em kết nghĩa của Lưu Bị và là dũng tướng của nước Thục, bị bắt và chém đầu. Sau khi Tào Phi truất ngôi Hán Hiến Đế năm 220, Lưu Bị đã xưng đế và lập nên nước Thục Hán. Năm 222, Lưu Bị soái lĩnh hơn 10 vạn quân Thục cùng với sự trợ giúp của Man Vương Sa Ma Kha tấn công Đông Ngô để lấy lại Kinh Châu và trả thù cho Quan Vũ. Tuy nhiên, do sai lầm chiến thuật nghiêm trọng, doanh trại của quân Thục bị Lục Tốn đốt cháy và gần như toàn bộ số quân bị tiêu diệt. Đây chính là trận Di Lăng nổi tiếng trong lịch sử Tam Quốc.

Lưu Bị thất trận, phải chạy về thành Bạch Đế và một năm sau ông mất ở đó. Kế tục ông là Hậu chủ Lưu Thiện. Thừa tướng Gia Cát Lượng và đại tướng Lý Nghiêm được giao trọng trách phụ chính đại thần. Thừa tướng nước Thục là Gia Cát Lượng, thay vì tấn công trả thù đã giảng hòa với Đông Ngô. Ông quyết định rằng Tào Ngụy mới là đối thủ chính, nên đã thực hiện nhiều đợt tấn công lên phía Bắc nhưng đều thất bại. Cuối cùng, vào năm 234, Gia Cát Lượng qua đời trong đợt tấn công lần thứ 6 vào nước Ngụy. Người kế tục ông, Khương Duy cũng đã thực hiện 9 chiến dịch lên phía bắc, nhưng lần nào cũng không thành công. Những đợt tấn công liên tiếp của Gia Cát Lượng và Khương Duy khiến cho tài nguyên và quân đội nước Thục, vốn đã ít nhất trong 3 nước, ngày càng suy mòn và yếu dần. Hơn nữa, Hậu chủ Lưu Thiện không quan tâm cải thiện đất nước, mà chỉ nghe lời phiểm nịnh của hoạn quan Hoàng Hạo, ăn chơi sa đọa, giết hại nhiều công thần, khiến chính quyền nước Thục ngày càng mục nát.

Vào năm 263, Tư Mã Chiêu đã cho 3 đạo quân tấn công vào nước Thục. Với chiến thuật tuyệt vời của 2 tướng Đặng NgảiChung Hội, quân đội nước Ngụy nhanh chóng chiếm được Hán Trung và thẳng tiến đến Thành Đô. Hậu chủ Lưu Thiện lập tức đầu hàng. Nước Thục mất từ đó.

ĐÔNG NGÔ

Đông Ngô là một trong 3 quốc gia thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc được hình thành vào cuối thời Đông Hán. Người đặt nền móng đầu tiên cho nước Ngô là Tôn Kiên. Phần lớn miền Bắc hoàn toàn thuộc nhà Ngụy, trong khi đó Thục chiếm miền Tây Nam và Ngô chiếm miền trung tâm phía Nam và phía Đông. Biên giới phía ngoài của ba quốc gia này là giới hạn hoặc ít chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa. Ví dụ, kiểm soát về chính trị của Thục Hán trên biên giới phía Nam của mình bị giới hạn bởi các bộ lạc người Thái trong tỉnh Vân Nam và Myanmar ngày nay, nhà Đông Ngô mặc dù đã kiểm soát miền Bắc Việt Nam nhưng cũng bị giới hạn bởi vương quốc của người Champa ở phía cực nam. Trên bản đồ Trung Quốc đương thời, Đông Ngô kiểm soát Dương Châu, Giao Châu và phần lớn Kinh Châu.

 Thời gian cai trị kéo dài của Đại Đế Tôn Quyền (229-252) là khoảng thời gian cường thịnh nhất của quốc gia này. Việc di dân từ phía bắc và “bình định” các bộ lạc thiểu số đã làm tăng nhân lực cho nông nghiệp, đặc biệt là ở hạ lưu sông Dương Tử. Tôn Quyền đem quân tiến về hướng Đông Nam, thúc đẩy việc mở mang một dải đất khu vực này và thực hiện dung hợp dân tộc. Dân số nước Ngô phân bố tại các châu (nghìn hộ): Dương Châu 358, Quảng Châu 43, Giao Châu 26. Năm 238 Tôn Quyền chuyển kinh đô từ Vũ Xương (Kinh Châu, Hồ Bắc) về Mạt Lăng (Dương Châu, Giang Tô) và đổi tên là Kiến Nghiệp, cho đắp thành Thạch Đầu. Vận tải đường sông phát triển, với sự ra đời của các kênh Chiết Đông và Giang Nam. Thương mại với Thục Hán phát triển, với một sự lưu thông lớn của bông từ Thục và sự phát triển của đồ tráng men và công nghệ luyện kim. Vận tải biển đã được hoàn thiện hơn để có thể đến được Đông Bắc Á, các vùng Cao Ly, Nhật Bản, Mãn Châu và Đài Loan, và xa hơn nữa đến vùng Syria (Trung Đông). Các tàu buôn có thể chở được tới 700 người và 260 tấn hàng. Nhà Ngô có nền công nghiệp đóng tàu phát triển mạnh, có thể đóng những chiếc tàu chở được 3,000 quân. Với sự phát triển của kinh tế thì văn hóa, nghệ thuật cũng phát triển theo. Tại Đồng bằng sông Dương Tử, những ảnh hưởng đầu tiên của Phật giáo đã xuất hiện ở phía nam Lạc Dương.

Tôn Quyền hết sức phát triển xuống dải đất Đông Nam. Phạm vi cai trị của nhà Ngô mở rộng xuống phía nam, với việc thành lập đơn vị hành chính Quảng Châu (Quảng có nghĩa là mở rộng, là tỉnh Quảng Đông ngày nay) năm 226. Để mở mang miền ven biển năm 230, Tôn Quyền phái đội thuyền 10 nghìn người, do Tướng quân Vệ Ôn và Gia Cát Trực suất lĩnh ra biển, đến Di Châu (nay là Đài Loan). Đó là sự ghi chép sớm nhất, minh xác nhất trong văn hiến hiện có liên quan đến việc qua lại giữa Đại lục và Đài Loan. Đạo quân này cũng thực hiện những chuyến hải hành đến Quần đảo Lưu Cầu và Nhật Bản với mục đích thương mại và gia tăng ảnh hưởng quân sự. Nhằm tăng cường giao thương với bên ngoài, nhà Ngô mở rộng hoạt động thương mại trên biển. Các sứ thần nhà Ngô là Tuyên hóa Tùng sự Chu Ứng và Trung lang Khang Thái được cử đến các nước Champa (miền Trung Việt Nam), Phù Nam (Campuchia và Đồng bằng châu thổ Mekong), các quốc gia trên Bán đảo Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ và Trung Cận Đông vào thời gian khoảng nằm giữa các năm 245 và 250. Sau khi đi sứ về, Khang Thái có viết quyển Phù Nam thổ tục còn gọi là Phù Nam truyện.

CÁC NHÂN VẬT CHÍNH TRONG THỜI TAM QUỐC

Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền có thể xem là ba nhân vật lớn nhất thời Tam Quốc. Ba người đều sở hữu một đặc điểm chung của những người lãnh đạo: Lý tưởng lớn, mục tiêu rõ ràng – Có tài nhìn người và dùng người – Có sức hút mạnh mẽ từ góc độ nhân cách. Đây cũng là ba nhân vật có thể đánh bại những đối thủ khác trong các cuộc quần hùng tranh phân, tạo nên thế chân vạc vững chắc. Những đặc điểm khác nhau về tính cách, năng lực và nền tảng để gây dựng sự nghiệp riêng cho mổi người.

BẮC NGỤY

Khi đề cập đến Bắc Ngụy thì 2 nhân vật xuất chúng nhất là Tào Tháo và Tư Mã Ý.

Tào Tháo: Tào Tháo (155220), biểu tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Tào Tháo là nhân vật có tài năng có thể nói là toàn diện nhất. Hùng tài đại lược, vũ lực và mưu lược đều xuất chúng hơn người. Ông cũng là một mẫu lãnh đạo quyết đoán và lạnh lùng, người đời gọi là “kiêu hùng”. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự căn cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn VàngĐổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương Bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía Nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Thục-Ngô, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. Trong gần 2,000 năm qua, hình tượng Tào Tháo là một chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc, hầu hết đều bị ảnh hưởng tiêu cực do tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa“. Hành động “Phụng thiên tử để lệnh chư hầu” của ông đã khai sáng ra một tiền lệ mới cho những đế vương khai quốc đời sau học theo, điển hình và thành công nhất là Đường Cao Tổ Lý Uyên. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc phong kiến tương lai mà còn ảnh hưởng đến các nước đồng văn như Việt Nam hay Nhật Bản. Vì vương triều Tào Ngụy của Tào Tháo vẫn chưa hoàn thành được đại nghiệp thống nhất nên trong mắt Nho giáo truyền thống ông chỉ là kẻ gian tặc thoán nghịch. Tuy nhiên kể từ thế kỷ 20, các học giả đã có nhìn nhận khác khách quan hơn về Tào Tháo. Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc như Lỗ Tấn hay Quách Mạt Nhược đều đánh giá Tào Tháo là anh hùng. Mao Trạch Đông từng đánh giá Tào Tháo là vị đế vương mà ông khâm phục nhất, gọi ông là “vua của các vua“.

Tào Tháo và câu nói bất hủ

Quân sư Tư Mã ý:  Tư Mã Ý (179251) tự Trọng Đạt, là nhà chính trị, nhà quân sự phục vụ nước Tào Ngụy thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là người đặt nền móng cho nhà Tây Tấn thay thế nhà Ngụy. Ông có công lớn bảo vệ được Tào Ngụy trước các cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Sau một khoảng thời gian dài nhẫn nhịn Tào Sảng để chờ thời cơ, ông đã tiến hành một cuộc lật đổ ngoạn mục vào năm 249, khiến hoàng đế Ngụy chỉ còn tồn tại trên lý thuyết. Từ đó vị trí quyền lực nhất của ông trong triều đình nhà Ngụy đã tiếp tục được chuyển giao cho hai con ông là Tư Mã SưTư Mã Chiêu nắm quyền lực thực tế của nhà Ngụy, tạo tiền đề cho cháu của ông là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, thành lập nhà Tấn, thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời kỳ Tam Quốc. Phần viết về Quân sư Tư Mã ý có 2 đoạn: Tranh chấp quân sự giữa ông và Gia Cát Lượng và vai trò của gia đình Tư Mã đối với nhà Ngụy.

Về tranh chấp quân sự Thục-Ngụy, Đại tư mã Tào Chân, người từng chỉ huy cuộc phòng ngự chống lại những cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng chết năm 231, Tư Mã Ý lên thay chức và lần đầu tiên đối mặt với các đội quân của Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý giữ quân đồn trú, chiến lược của ông là đợi cho quân Thục phải gặp khó khăn vì việc tiếp tế quân lương. Ông tránh giao tranh với quân Thục trong mọi tình huống, và bị các tướng dưới quyền chế nhạo, họ cho rằng ông là nhân vật nhút nhát. Khi không thể phòng thủ mãi, ông đành phải cho các tướng tấn công các vị trí của quân Thục, nhưng họ bị đánh thua nặng và mất 3,000 quân. Khi cuối cùng Gia Cát Lượng phải rút lui, Tư Mã Ý lệnh cho Trương Cáp đuổi theo, Trương Cáp bị phục kích và bị giết.

Trận đánh thứ hai giữa Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng diễn ra năm 234. Tư Mã Ý một lần nữa biết rằng vấn đề của quân Thục chính là tiếp lương, và ra lệnh cho Tư Mã Chiêu giữ quân phòng thủ đợi quân địch mệt mỏi. Hai đội quân đã đối đầu tại đồng bằng Ngũ Trượng. Dù nhiều lần bị Gia Cát Lượng khiêu chiến, Tư Mã Ý không cho quân tấn công. Để kích động Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã gửi những bộ trang phục đàn bà tới cho ông ta, ám chỉ rằng ông ta chỉ là một mụ đàn bà không dám tấn công. Các viên tướng Ngụy tức điên, nhưng Tư Mã Ý vẫn điềm nhiên. Để dỗ dành các tướng lĩnh, Tư Mã Ý yêu cầu Hoàng đế Ngụy Tào Duệ cho phép tấn công quân Thục. Tào Duệ đã biết việc này, phái cố vấn Tân Tì tới chỗ Tư Mã Ý thuyết phục quân lính bình tĩnh. Nhằm buộc quân Ngụy phải ra chiến đấu, Gia Cát Lượng gửi một sứ giả tới Tư Mã Ý hối thúc ông tham chiến. Tuy nhiên, Tư Mã Ý không bàn luận các vấn đề quân sự với vị sứ giả này, thay vào đó lại hỏi han về những công việc của Gia Cát Lượng. Vị sứ giả nói rằng Gia Cát Lượng đích thân điều hành tất cả công việc lớn nhỏ trong quân, từ các chiến thuật tới các bữa ăn vào buổi tối cho binh lính, nhưng ông lại ăn rất ít. Tư Mã Ý sau đó đã nói với một vị quan dưới quyền rằng Gia Cát Lượng không thể sống lâu. Sau khi Gia Cát Lượng chết trong doanh trại năm 234, quân Thục lặng lẽ rút khỏi doanh trại và giữ bí mật cái chết của ông. Tư Mã Ý, được dân địa phương báo về cái chết của Gia Cát Lượng, tấn công quân Thục đang rút lui. Hai tướng Thục là Khương Duy và Dương Nghi mang quân quay lại, giả bộ muốn tấn công. Thấy vậy, Tư Mã Ý sợ rằng Gia Cát Lượng chỉ giả chết để lừa mình, ngay lập tức rút quân. Việc Tư Mã Ý phải bỏ chạy trước một Gia Cát Lượng đã chết khiến người khi ấy có câu nói: “Gia Cát chết cũng đuổi được Trọng Đạt sống”. Khi Tư Mã Ý biết việc này, ông cười và nói: “Ta có thể chiến đấu với người sống, chứ không phải người chết.”

Tư Mã Ý chỉ chấp nhận chức vụ đầu tiên trong phe Tào Tháo ở tuổi ba mươi. Năm 208, Tào Tháo đã trở thành Thừa tướng và ra lệnh cho Tư Mã Ý tới tham chính. Sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi lên kế vị (216-225) rồi sau đó là Tào Duệ (226-239) và cuối cùng là Tào Phương (239254). Tư Mã Ý cùng 2 người con trai Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu dù rằng vẫn trung thành với Triều Ngụy, bắt đầu thu tóm quyền bính, loại trừ những đối thủ như Mạnh Đạt (quản lý Tân Thành), Công Tôn Uyên, Tào Sảng (249), Vương Lăng (251).

Tư Mã Ý có đức tính đặc biệt nhất của các nhân vật chính thời Tam Quốc: đó là thái độ nhẫn nhịn, giấu kín lòng riêng. Nhờ ẩn nhẫn, Tư Mã Ý đã chiến thắng Gia Cát Lượng trong lần Bắc phạt cuối cùng, khiến vị quân sư hùng tài lâm bệnh nặng mà qua đời ngay trong doanh trướng. Cũng nhờ ẩn nhẫn, Tư Mã Ý đã chờ đến ngày Tào Tháo và Tào Phi lần lượt qua đời để một tay thâu tóm giang sơn. Bởi những đóng góp của Tư Mã Ý cho nhà Tào Ngụy là đáng kể, cuộc tranh luận về di sản của ông nằm ở việc đâu là động cơ hành động của ông. Một cuộc tranh luận đã kéo dài đến tận ngày nay và dường như sẽ không bao giờ chấm dứt, về tham vọng của Tư Mã Ý. Tuy nhiên, ông đã chết chỉ 2 năm sau khi giành lại quyền lực từ Tào Sảng (năm 251), không để lại câu trả lời rõ ràng về những ý định của ông cho các thế hệ sau.

TÂY THỤC

Trong Tam Quốc Chí, Tây Thục là nước có nhiều quân sư và tướng lãnh tài giỏi nhất trong 3 nước. Trong quá trình phát triển sự nghiệp, Lưu Bị tỏ ra là người giỏi chiêu hiền đãi sĩ. Ông đã thu phục được nhiều hào kiệt phò tá như Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Pháp Chính, Khương Duy làm văn thần; Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Mã Siêu, Triệu Vân, Ngụy Diên làm võ thần.

Lưu Bị (161-223): Lưu Bị là hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Dù còn có ý kiến nghi ngờ, Lưu Bị được sử sách xác nhận là dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán. Xuất thân nhà nghèo, ông phải tự lao động kiếm sống thời trẻ. Sự nghiệp của Lưu Bị khởi đầu bằng việc tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng và làm quan cho triều đình, nhưng đường hoạn lộ của ông ban đầu không được suôn sẻ. Gặp lúc nhà Hán suy yếu và nổ ra chiến tranh quân phiệt, Lưu Bị cùng hai người huynh đệ kết nghĩa là Quan VũTrương Phi dần dần tự gây dựng lực lượng và tham gia vào cuộc chiến này. Tuy nhiên, cuộc tranh hùng của Lưu Bị không thuận lợi, ông nhiều lần thất bại và phải đi nương nhờ dưới trướng nhiều chư hầu đương thời như Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu. Trong thời gian nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh châu, Lưu Bị được Gia Cát Lượng theo phò tá và vạch ra Long Trung đối sách để tranh thiên hạ. Theo đường lối này, ông liên kết với quân phiệt Tôn Quyền ở Giang Đông cùng chống Tào Tháo ở phía bắc, chiếm được một phần Kinh Châu và gần trọn Ích Châu làm đất dựng nghiệp. Tuy nhiên, chiến lược Long Trung đối sách có nguy cơ đổ vỡ vì liên minh với Tôn Quyền rạn nứt, họ Tôn đánh chiếm phần Kinh Châu của ông và giết Quan Vũ, khiến Lưu Bị cất quân đánh báo thù và định giành lại đất, sau khi chính thức xưng hoàng đế để kế tục nhà Hán vừa bị họ Tào đoạt ngôi. Thất bại ở Di Lăng khiến Lưu Bị suy sụp, lâm bệnh rồi qua đời. Cơ nghiệp ông gây dựng được truyền lại cho người con cả Lưu Thiện và giao cho thừa tướng Gia Cát Lượng phò tá.

Lưu Bị là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trong tác phẩm này La Quán Trung xây dựng Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái và hư cấu khá nhiều tình tiết về ông so với ngoài đời thật, vì vậy một số hành động thể hiện tính cứng rắn và chiến tích quân sự của ông được gán cho nhân vật khác trong truyện. Do ảnh hưởng quá lớn từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nên nhiều người cho rằng Lưu Bị là một người nhu nhược, không có tài năng gì, nhờ may mắn có các cận thần tài giỏi mà ông mới dựng được cơ nghiệp. Trên thực tế, ghi chép của bộ chính sử Tam quốc chí cho thấy Lưu Bị là một vị tướng có tài cầm quân, ứng phó linh hoạt, nhất là khả năng nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài và khiến họ một lòng trung thành với mình, cả Tào Tháo cũng đánh giá rất cao tài năng của ông. Trần Thọ trong Tam quốc chí có bình rằng: “Tiên Chủ là người cương nghị khoan hoà nhân hậu, hiểu lòng người kính kẻ sĩ, có phong độ của Hán Cao Tổ, có khí chất của bậc anh hùng”. Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy”. Khi Lưu Bị nương nhờ, Tào Tháo đối xử rất tốt với ông, cho ngồi cùng xe, hay ăn uống và bàn luận cùng nhau. Trong một cuộc nói chuyện, Tào Tháo từng nói: “Ngày nay anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân (Lưu Bị) và Tháo này vậy. Lũ Bản Sơ (Viên Thiệu) chẳng đáng kể đến.” Kể từ thời nhà Đường, nhà Thục Hán được sử sách Trung Quốc coi là sự nối tiếp của nhà Hán, là triều đại chính thống trong số 3 triều đại của thời Tam quốc, do vậy Lưu Bị là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (các hoàng đế của Tào Ngụy, Đông Ngô không được thờ).

Điều đáng tiếc cho Lưu Bị có lẽ cũng bắt nguồn từ ưu điểm của ông, đó là việc ông quá gắn bó, thân ái với các cận thần đã cùng ông gây dựng cơ nghiệp. Việc giao Kinh châu cho Quan Vũ trấn thủ là sai lầm lớn đầu tiên. Bởi Vũ tuy đầy dũng khí và trung thành, thống lĩnh được đại quân, nhưng lại thiếu khiêm tốn. Hậu quả là ông để mất cả Kinh Châu lẫn mạng sống vào tay Đông Ngô. Hay tin, vì quá đau lòng nên Lưu Bị đã đánh mất sự sáng suốt, vội vàng tuyên chiến với Đông Ngô mà không nghe theo lời can ngăn của các đại thần như Gia Cát Lượng, Triệu Vân. Sự nôn nóng báo thù cho Quan Vũ, Trương Phi cũng khiến ông mắc tiếp hàng loạt sai lầm trong trận Di Lăng, dẫn tới hậu quả là thất bại nặng nề, làm suy yếu nước Thục Hán mà chính ông đã vất vả gây dựng. Nhưng dù sao, quyết tâm báo thù cho Quan Vũ cũng cho thấy ông yêu mến thuộc cấp của mình bằng cả tấm lòng, nên được dân gian đời sau ca ngợi, xem đó là mẫu mực của nghĩa vua tôi gắn bó, không vì đam mê quyền lực mà vứt bỏ tình nghĩa thuở hàn vi.

Tuy tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa có một số tình tiết sai lệch, nhưng về nét chính, chính sử Trung Quốc cũng công nhận: Lưu Bị vốn có xuất thân hàn vi, thuở nhỏ phải đan dép cỏ kiếm sống nên rất thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân, ông từ hai tay trắng gây dựng cơ đồ nhờ sự trợ giúp tận tụy, trung thành của các tướng sĩ, khi lên ngôi lại thi hành chính sách khoan hòa với nhân dân. Những yếu tố đó rất gần gũi với hình mẫu một vị vua lý tưởng đối với nhân dân Trung Quốc.

Lưu Bị và các cận thần

Gia Cát Lượng: (181-234), biểu tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự và cũng là một nhà phát minh của Thục Hán thời Tam Quốc. Gia Cát Lượng là ẩn sĩ ở Long Trung. Tư Mã Huy và Từ Thứ tiến cử ông với Lưu Bị. Thời đó bậc danh sĩ Kinh Châu lan truyền một câu: “Ngọa Long, Phụng Sồ ai có được một trong hai người ấy sẽ có thiên hạ!”. Theo Thủy Kính tiên sinh thì: “Tài của Gia Cát Lượng phải được ví với Lã Vọng làm nên cơ nghiệp 800 năm của nhà Chu và Trương Lương làm nên cơ nghiệp 400 năm của nhà Hán. Từ Thứ, 1 nhân vật có mưu lược, tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Lưu Bị có hỏi tài năng của Khổng Minh so với ngài thì thế nào, Từ Thứ có nói: “Tôi so với ông ấy như ngựa so với Kỳ lân, như quạ so với Phượng hoàng, ông có ông ấy như Chu công về Lã Vọng, như Hán vương được Trương Lương”. Sau khi Từ Thứ đến với Tào Tháo, Lưu Bị tìm đến Long Trung để thỉnh cầu ông ra giúp nhưng hai lần đầu không gặp mãi đến lần thứ ba mới gặp được nên mới có câu “Lưu Bị tam cố thảo lư câu hiền”. Lưu Bị được Lượng nói kế sách định quốc an bang vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức bước vào vũ đài chính trị. Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng cho nhà Thục là việc giúp hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, năm chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng bệnh mất trong doanh trại. Ông khi còn sống có tước hiệu Vũ Hương Hầu, sau khi mất có thụy hiệu là Trung Vũ Hầu, do đó hậu thế thường hay gọi ông là Vũ Hầu hay Gia Cát Vũ Hầu để tỏ lòng tôn kính. Gia Cát Lượng là vị quan duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó có thời 41 vị công thần được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại). Hình tượng của ông được dân gian ca tụng qua những câu chuyện, về sau được La Quán Trung tiểu thuyết hóa và càng trở nên nổi tiếng qua tác phẩm tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, một trong Tứ đại kỳ thư của văn minh Trung Hoa

Phụng Sồ (Bàng Thống): tên tự là Sĩ Nguyên, người huyện Tương Dương thuộc Nam quận, Kinh châu là một trong 3 quân sư chính của Lưu Bị. Tư Mã Huy (Thủy Kính tiên sinh) là một ẩn sỉ có tiếng, nhận ra tài năng của ông, hết sức khen ngợi. Từ đó danh tiếng Bàng Thống nổi khắp nơi. Tư Mã Huy nhận xét về Bàng Thống như sau: “Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phụng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ“.

Lúc đầu, Bàng Thống ở Giang Nam theo Tôn Quyền. Trong trận Xích Bích, Tào Tháo dùng xích sắt ghép các thuyền lại thành một cụm để tránh cho quân sĩ say sóng. Nhờ Bàng Thống mà khi Chu Du sử dụng hỏa công, thuyền của Tào Tháo tập trung lại thành một cụm nên không chạy thoát được, cháy rụi hết. Sau khi Chu Du mất, Bàng Thống không được Tôn Quyền trọng dụng nên đến Kinh Châu theo Lưu Bị, lên chức Quân sư Trung lang tướng, cùng cấp với Gia Cát Lượng. Năm 211, Bàng Thống cùng Pháp Chính với vai trò là quân sư cùng Lưu Bị dẫn 5 vạn quân vào Tây Xuyên. Khi Lưu Bị và Lưu Chương chính thức trở mặt đánh nhau, Bàng Thống bày kế cho Lưu Bị chiếm Lạc Thành. Trước khi Bàng Thống tiến quân, Khổng Minh đã đưa thư cảnh báo nhưng Bàng Thống không nghe lời can của Khổng Minh và Lưu Bị. Cánh quân Gia Cát Lượng và Trương Phi đã cùng phối hợp với Lưu Bị và Bàng Thống tại Ích Châu từ hơn nửa năm trước khi ông mất. Lưu Bị và Bàng Thống cầm quân tác chiến độc lập, đánh bại bắt Trương Nhiệm ở Lạc Thành. Bàng Thống vì rủi bị tên bắn phải giữa trận tiền mà qua đời.

Pháp Chính: Quả thật, bên cạnh Ngọa Long – Phượng Sồ, dưới trướng Lưu Bị còn có một mưu sĩ cực kỳ tài năng khác, được đánh giá là có thể sánh với “thiên tài” Quách Gia của Tào Ngụy. Nhiều ý kiến cho rằng, ông mới là “đệ nhất quân sư” của Lưu Bị, địa vị quan trọng hơn Khổng Minh. Pháp Chính tự là Hiếu Trực, do thiên hạ mất mùa nên lặn lội vào Thục đầu quân cho Lưu Chương nhưng lại không được trọng dụng. Có tài mà không gặp thời, lại thường xuyên bị người Thục ghẻ lạnh, tưởng như ông sẽ trải qua một đời an nhàn vô tích sự như thế, thì nào ngờ trong một lần tình cờ đi sứ Kinh Châu, Pháp Chính gặp được Lưu Bị. Sau vài lần tiếp xúc, ông cảm thấy Lưu Bị xứng đáng là minh chủ “hùng tài đại lược”, nên quyết tâm đi theo phò tá. Từ ấy, Pháp Chính kề vai sát cánh với Tiên chủ tung hoành thiên hạ, đánh Tây dẹp Trung, trở thành “đệ nhất tà thần” xây dựng Thục Hán, viết nên trang sử chói lòa giữa khói lửa mịt mù thời chiến loạn. Trong chiến dịch công chiếm Hán Trung, Pháp Chính là quân sư chính của Lưu Bị. Những sách lược của ông đã khiến quân Tào đại bại hoàn toàn, dâng Hán Trung vào tay Lưu Bị. Trong trận đánh này, Pháp Chính dùng liên hoàn kế, dựa trên sự hiểu biết về tướng địch, nhãn quan chính trị sắc bén về Tào Ngụy bấy giờ, kết hợp cùng khả năng tính toán tuyệt vời của Pháp Chính, biến Hán Trung thành miếng gân gà mà một kỳ tài quân sự như Tào Tháo cũng phải ngậm ngùi nhả ra trong tiếc hận. Lấy được Hán Trung là một trong những chiến thắng trọng yếu của Thục Hán, giúp Thục hình thành cục diện “Tam phân thiên hạ” với Ngô – Ngụy về sau. Sau khi Tào Tháo thua trận phải lui quân về Hứa Đô, ông vẫn luôn canh cánh trong lòng và cảm khái nói: “Ta đã biết Huyền Đức không có khả năng thực hiện việc này, tất phải có người bày mưu hắn“. Pháp Chính là người có ơn báo ơn, có thù báo thù, yêu ghét rõ ràng nên hết mực giúp đỡ những ân nhân từng chiếu cố mình, nhưng mặt khác, ông cũng ra sức chèn ép những kẻ thù trong triều. Gia Cát Lượng là người quản lý nội vụ, hiểu rõ đại tài của ông nên chưa bao giờ làm khó mà vẫn hết mực kính trọng. Năm 220, Pháp Chính qua đời, thọ 45 tuổi. Cái chết của ông khiến Lưu Bị vô cùng thương cảm, than khóc nhiều ngày. Sau khi mất, Pháp Chính được Lưu Bị phong làm Dực Hầu, là vị đại thần duy nhất được truy phong thụy hiệu trong thời kỳ ấy. Lưu Bị từng nói: “Nếu Gia Cát Lượng là trọng thần thì Pháp Chính là mưu chủ“. Kể từ đó, khi vị “đệ nhất quân sư” khiến Tào Tháo phải dè chừng đã qua đời cũng là thời điểm Tư Mã Ý bắt đầu rời núi, đầu quân dưới trướng Tào Tháo để đối đầu với Thục Hán.

Sau này, khi Lưu Bị muốn Đông chinh phạt Ngô, không ai có thể can gián, ngăn cản ông như Pháp Chính từng làm. Kết quả thảm bại sau đó khiến Gia Cát Lượng phải đau khổ thốt lên: “Nếu Pháp Hiếu Trực còn, cho dù Đông chinh, cũng không thể thất bại”. Chính vì vậy, cho dù ẩn sĩ nổi tiếng Tư Mã Huy từng nói: “Ngọa Long (Gia Cát Lượng) – Phượng Sồ (Bàng Thống), được một trong hai người, có thể an định thiên hạ“. Lưu Bị một tay sở hữu “cả Long lẫn Phượng” nhưng vẫn không thể thống nhất Tam Quốc có lẽ là do thiếu mất Pháp Chính, nhân vật quan trọng đảm nhận mặt “tối” của một bộ máy chính trị, người có thể trở thành chiếc “cánh đen” giúp Lưu Bị tự do bay lượn trong trời đất như lời Khổng Minh đã nói.

Khương Duy (202-264): Là một đại tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ban đầu ông phục vụ Tào Ngụy như là một tùy tướng, nhưng sau đó đi theo Gia Cát Lượng về Thục Hán, để lại mẹ bên Ngụy. Dưới quyền Gia cát Lượng, Khương Duy được coi trọng và thăng tiến nhanh chóng. Khương Duy đã theo Gia cát Lượng tiến hành Bắc phạt tấn công nước Ngụy 9 lần từ 247 đến 262. Việc Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn 6 lần trước đây được Tam Quốc Diễn Nghĩa gọi là Lục xuất Kỳ Sơn, còn Khương Duy đánh Ngụy được gọi là Cửu phạt trung nguyên. Theo các sử gia Trung Quốc, trong 9 lần đánh nhau với quân Ngụy, không phải tất cả các lần ông chủ động ra quân, mà có lần đánh trong thế bị động. Cả chín lần ông dùng binh đều không phải tại các địa điểm thuộc Trung nguyên (vùng trung tâm Trung Quốc), Khương Duy chỉ đánh vào vùng biên viễn phía Tây nước Ngụy. Sau khi Gia cát Lượng chết, Khương Duy vẫn được trọng dụng và cuối cùng trở thành phụ tá cho thừa tướng Phí Vĩ. Năm 253, sau khi Phí Vĩ chết, Khương Duy kế chức tuy nhiên ông chỉ tập trung vào quyền lực quân sự. Lần thứ 10 Khương Duy đương đầu với quân Ngụy không phải là đánh vào đất Ngụy mà ông chống cuộc Tây tiến của quân Ngụy. Đây cũng là cuộc chiến cuối cùng của Khương Duy.

Ngũ hổ tướng và Quan Vũ: là tên gọi của 5 vị tướng của Thục HánQuan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng TrungMã Siêu trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Xuất phát từ cuốn sử Tam quốc chí của Trần Thọ dựa theo những cống hiến của các tướng lĩnh với nhà Thục Hán đã đặt 5 vị tướng ngang hàng và xếp vào cùng một quyển gọi là “Quan Trương Mã Hoàng Triệu truyện”, tác giả La Quán Trung đã thêu dệt nên chức “Ngũ Hổ Tướng”. Theo tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, tên gọi này do Lưu Bị ban cho do những đóng góp của họ cho nhà Thục Hán.

Quan Vũ tự Vân Trường (?-220) là vị tướng nổi tiếng nhất thời Tam quốc. Ông góp phần quan trọng giúp Lưu Bị lập nhà Thục Hán và là người đứng đầu trong ngũ hổ tướng. Không chỉ là bậc công thần nhà Thục Hán, Quan Vũ được người đời kính trọng bởi dũng khí, trung thành. Tuy nhiên, nhiều sử gia khẳng định ông quá kiêu căng, ngạo mạn và chính tính cách này gây ra cái chết của Quan Vũ.

Cuộc đời ông là chuỗi các chiến công hiển hách, chém Hoa Hùng, đánh Lữ Bố, trảm Nhan Lương, giết Văn Xú, qua 5 ải chém 6 tướng. Quan Vũ cũng gắn liền nhiều giai thoại làm nổi bật hình tượng anh hùng của ông trong lòng người đời. Quan Vân Trường thực sự là dũng tướng hàng đầu thời Tam Quốc. Vì thế, bậc kiêu hùng như Tào Tháo cũng rất kính trọng ông. Khi Tào dẫn quân đánh Từ Châu, quân Lưu Bị chống không nổi, Lưu Bị chạy về Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam. Quan Vũ không có đường chạy, phải hàng Tào, theo về Hứa Xương. Tào Mạnh Đức trọng vọng tướng tài, phong Vân Trường làm thiên tướng quân, tặng ngựa quý Xích Thố song cũng biết rõ ông không thực tâm đầu hàng nên sai Trương Liêu thăm dò. Quan Vũ nói thẳng: “Tào Công đối với tôi rất tốt, trong lòng tôi biết rõ. Nhưng tôi chịu ơn trời cao đất dày của Lưu tướng quân, từng thề cùng sống cùng chết, không thể phản bội được. Tôi không thể lưu lại nơi này, chỉ có điều phải đợi lập được công, báo đáp Tào Công, tôi mới đi”. Câu nói này không những không làm mất lòng Tào Tháo còn khiến ông ta thêm khâm phục lòng trung nghĩa của Quan Công.

Sau khi giúp Tào Tháo đánh bại quân Viên Thiệu, giết Văn Xú, Quan Vũ lẻn trốn đi tìm Lưu Bị. Tinh thần trọng nghĩa “thân tại Tào doanh tâm tại Hán” của ông khiến người đời nể phục. Sau này, trong trận Xích Bích, Quan Vân Trường chủ động tha chết cho Tào Tháo để đền ơn hậu đãi ngày trước. Như vậy, ông không chỉ trung nghĩa với Lưu Bị mà cũng tròn đạo nghĩa với Tào Tháo.

Các nhà sử học đánh giá Quan Vũ là người vũ dũng nhưng kiêu ngạo, không chịu ở dưới người khác, dẫn đến bất hòa nội bộ, phá hỏng liên minh. Quan Vân Trường không theo sách lược Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền mà còn phá vỡ sách lược này. Người đời thậm chí khẳng định trong thế Tam Quốc, thành tại Khổng Minh, bại tại Quan Vũ. Sau này, tác giả Tam Quốc chí đánh giá khá công bằng về Quan Vân Trường: “Quan Vũ sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào Công, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ cương và tự phụ, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”. Tháng chạp năm 219, trong tình thế bị quân Ngô truy kích, Quan Vũ biết không thể dùng lực lượng ít ỏi còn lại để kháng cự, nên cho quân lính đầu hàng còn mình dẫn hơn 10 quân kỵ theo đường nhỏ đổi hướng chạy lên phía Bắc, hy vọng men theo đường núi để thoát khỏi sự kiềm tỏa của Tôn Quyền để tới Ích Châu hoặc Hán Trung (địa bàn của Lưu Bị). Khi Quan Vũ chạy tới Lâm Thư thì bị tướng Ngô là Chu NhiênPhan Chương chặn đường. Bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt sống được Vũ mang về. Cả Quan Vũ và con là Quan Bình cùng bị hành quyết tại chỗ. Vì không biết rõ năm sinh nên không biết ông thọ bao nhiêu tuổi.

ĐÔNG NGÔ

Trong 3 nhà quân phiệt kiệt xuất nhất thời đại Tam Quốc: Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, thì Quyền là nhân vật nổi bật nhất. Ông mất năm 71 tuổi, có thời gian cầm quyền Đông Ngô dài nhất, tới 52 năm. Ông không chỉ phát triển được cơ nghiệp đời cha để lại mà thậm chí còn đưa nó phát triển lên một cách lớn mạnh, bắc chống Tào Tháo, Tây đối phó Lưu Bị, bành trướng xuống phía Nam, giữ vững được một phần ba thiên hạ. So với cha là Tôn Kiên và anh trai là Tôn Sách – những người giỏi võ nhưng hạn chế về mặt quản lý, Tôn Quyền sở hữu tính cách quyết đoán và rất biết dùng người. Ông thực sự là một quản lý có tài, đến cả Tào Tháo cũng phải thốt lên lời tán dương “Tôn Quyền thật có bản lĩnh“.

Tôn Quyền kế thừa cơ nghiệp của cha và anh, trấn thủ Giang Nam. Ông là người giỏi mưu lược, biết thay đổi theo thời cuộc, nhờ vậy mà thành bá chủ một phương. Ông có năng lực vượt trội được thể hiện ở nhiều lĩnh vực: nắm đại quyền chính trị, quân sự, bành trướng lãnh thổ, phát triển kinh tế.

Các học giả hiện đại thừa nhận, tài dụng nhân chính là vũ khí “tất thắng” của Tôn Quyền. Tôn Quyền đã nhìn thấy tiềm năng của Lữ Mông vốn dĩ chỉ là một cấp chỉ huy trung cấp. Về sau, Lữ Mông trở thành đại tướng anh dũng thiện chiến, vang danh thiên hạ với chiến dịch tập kích “Bạch y độ giang” đánh bại Quan Vũ, đoạt lại Kinh Châu về cho Đông Ngô. Năm 221, khi Lưu Bị huy động lực lượng toàn quốc tấn công Đông Ngô, Tôn Quyền phái Gia Cát Cẩn sang Thục cầu hòa. Có người cho rằng Gia Cát Cẩn – anh trai Gia Cát Lượng – chắc chắn sẽ “một đi không trở lại”, chỉ có Tôn Quyền nói: “Ta và Tử Du (Gia Cát Cẩn) có lời thề sinh tử. Tử Du không phụ ta, ta cũng không phụ Tử Du”. Quả nhiên, Gia Cát Cẩn là người công tư phân minh, sau khi thực hiện nhiệm vụ ngoại giao đã trở về phụng mệnh. Danh tướng Lục Tốn của Ngô ban đầu cũng chỉ là một thư sinh, không có công tích gì. Sau khi đại quân Thục – Ngô khai chiến, được Lữ Mông tiến cử, Tôn Quyền lập tức giao đại quyền vào tay Tốn. Không phụ sự kỳ vọng của Quyền, Lục Tốn đã đánh tan quân Lưu Bị trong trận Di Lăng. Đặc biệt, Tôn Quyền được đánh giá là biết cách thể hiện sự tín nhiệm đối với các thống soái của mình, điển hình là việc trao toàn quyền vào tay Chu Du trong đại chiến Xích Bích, hay Lữ Mông trong chiến dịch Kinh Châu và Lục Tốn ở trận Di Lăng. Trong những trận này, Tôn Quyền đều không cần đích thân thống lĩnh đại quân ra trận.

Ngoài ra, Tôn Quyền chắc chắn là nhân vật có hùng tâm tráng chí, và ông đã từng bước thực hiện “mộng đế vương” của mình một cách khôn ngoan. Ban đầu, khi quần thần khuyên Tôn Quyền xưng đế ở Giang Đông, ông đã nhiều lần thoái thác. Cả Tào Tháo và Lưu Bị khi đó đều sở hữu ưu thế chính trị lớn hơn Tôn Quyền. Quyền tự biết thời cơ chưa đến, cho nên đã hết sức ẩn nhẫn, không hề lộ ra ý đồ chính trị của mình. Mãi tới năm 229, khi cả Tào Tháo và Lưu Bị đã qua đời, cục diện chính trị tại Đông Ngô ổn định, Tôn Quyền có được “điều kiện vẹn toàn”, ông mới đăng cơ xưng đế. Thời đại cai trị của Tôn Quyền được đánh giá là “thành công”, khi ông phát triển mạnh mẽ kinh tế Đông Ngô và mở rộng quan hệ ngoại giao với khu vực xung quanh. Các đội thuyền của Ngô từng tới Philippines, Ấn Độ, Ả Rập… mở rộng phạm vi giao thương, giúp Ngô duy trì vị thế “đỉnh lập” khi thường xuyên phải đối đầu quân sự với Thục và Ngụy.

Đáng tiếc, khi về già, Tôn Quyền bị mất đi sự “hùng tài vĩ lược” của mình. Ông trở nên đa nghi, thất chí, khiến mâu thuẫn nội bộ triều Ngô diễn biến phức tạp. Sau khi Tôn Quyền mất, Đông Ngô rơi vào thời kỳ đen tối bởi những cuộc thanh trừng triều đình đẫm máu, kết cục khiến nước này không thoát khỏi họa diệt vong.

Chu Du (175210): Tên tự Công Cẩn, đương thời gọi Chu Lang, là danh tướng và khai quốc công thần của nước Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một nhà quân sự tài ba, chuyên về thủy chiến, chức vụ chính thức là Đại đô đốc, nên được gọi là Chu Đô đốc. Bên cạnh đó, ông có biệt tài về âm nhạc, có câu truyền rằng Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố để nói lên tài năng âm nhạc của ông. Chu Du nổi tiếng với chiến thắng ở trận Xích Bích trước quân Tào Tháo, là trận chiến lớn nhất thời đó. Sau trận Xích Bích, cục diện Tam Quốc mới hoàn toàn phân định, là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử, dẫn đến việc Chu Du cũng trở thành một trứ danh tướng quân trong lịch sử. Tuy nhiên, chiến thắng trận Xích Bích chỉ sau 2 năm thì ông qua đời, lúc mới 36 tuổi (năm 210).

Sự nghiệp của Chu Du bắt đầu khi ông gặp con Tôn Kiên là Tôn Sách, hai người cùng tuổi, kết bạn với nhau rất thân. Chu Du là người có chí lớn, phong độ hơn người, nói năng đĩnh đạc. Ông đối đãi với mọi người rất khiêm tốn, lễ phép và thường lấy đức để thu phục mọi người. Thời Tôn Sách, Tôn Quyền còn trẻ và chỉ làm tướng quân, mọi người vẫn thiếu lễ độ nhưng Chu Du rất giữ phép tắc. Trình Phổ lớn tuổi hơn ông và tỏ ý không phục khi ông có chức vụ cao hơn, nhưng Chu Du không câu chấp, bỏ qua lỗi của Trình Phổ khiến Trình Phổ rất khâm phục. Không chỉ Tôn Quyền, cả Lưu Bị rất khâm phục tài năng của Chu Du. Lưu Bị nói về ông như sau: “Công Cẩn văn vở sách lược, vạn người không bì kịp”.

Trong lịch sử, Gia Cát Lượng chưa bao giờ chọc tức Chu Du, và Chu Du cũng chưa bao giờ tức thổ huyết mà chết. Tam quốc chí đánh giá rất cao về ông: “Cởi mở, khí phách hơn người”. Người cùng thời cũng rất trân trọng ông. Kế sách của Chu Du bên ngoài là đối địch với Tào Tháo, bên trong là ngầm thanh toán Lưu Bị. Chiến lược được xem là có tầm nhìn xa trông rộng, được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao.

Đang gấp rút chuẩn bị cuộc chiến thì Chu Du bị bệnh nặng ở Ba Khâu. Biết mình không qua khỏi, Chu Du viết lại thư gửi Tôn Quyền, dặn lại 3 việc: Đề cử Lỗ Túc thay mình cầm quân – Phải đề phòng Tào Tháo ở phía bắc (“Tào công phía bắc, biên cương không yên”) – Không thể quên nguy cơ từ Lưu Bị (“Lưu Bị ở nhờ khác nào nuôi hổ”). Cái chết của Chu Du khiến Lưu Bị và Gia Cát Lượng bớt được áp lực lớn từ phía Đông Ngô, vì người kế tục ông là Lỗ Túc chủ trương hòa hiếu với Lưu Bị. Sau này Tôn Quyền xưng làm hoàng đế (năm 229), vẫn nhớ tới công lao gây dựng của Chu Du.

Tôn phu nhân quy Thục:  Là một phu nhân của Thục chúa Lưu Bị, người đã lập ra Thục Hán vào thời kỳ thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Bà là con gái duy nhất và là con nhỏ nhất của Trường Sa thái thú Tôn Kiên, và là em gái của Tôn SáchTôn Quyền, những người tạo dựng cơ nghiệp nước Đông Ngô, một thế lực từng lập liên minh với Thục Hán trong một thời gian dài. Theo Tam quốc chí ghi lại, bà thông minh mẫn tiệp, có tính cách cương trường, giỏi kiếm cung, rất giống 2 người anh trai. Năm Kiến An thứ 14 (209), sau Trận Xích Bích với thắng lợi thuộc về Đông Ngô, bà được gả cho Lưu Bị nhằm giữ vững mối hòa hiệp trong liên minh NgôThục. Vào lúc đó, bà chỉ vừa tầm 20 tuổi, còn Lưu Bị đã hơn 40 tuổi. Do cả hai bà vợ trước đó của Lưu Bị đều đã mất, Tôn phu nhân dần dần kiểm soát nhà và con trai Lưu Thiện của Lưu Bị. Năm Kiến An thứ 17 (212), mối quan hệ giữa Ngô và Thục bắt đầu căng thẳng. Lưu Bị nhập vào đất Thục, Tôn Quyền sai người kêu Tôn phu nhân về Đông Ngô, dẫn theo con của Lưu Bị là Lưu Thiện đi cùng. Biết chuyện, Gia Cát Lượng khiển Triệu Vân đến đoạt lại Lưu Thiện. Sau khi hai bên thương thuyết, Tôn phu nhân đã để lại Lưu Thiện và trở về nước Ngô. Sau đó, sử sách không có ghi chép gì về bà nữa. Theo Tam quốc diễn nghĩa, sau trận Di Lăng có kẻ phao tin Lưu Bị chết, bà đã trầm mình xuống sông tự vẫn.

Từ Thứ quy Tào: Từ Thứ người quận Dĩnh Xuyên là mưu sĩ của sứ quân Lưu Bị và sau đó là đại thần nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Thời trẻ, ông kết bạn với Gia Cát LượngBàng Thống. Sau đó Từ Thứ đến Tân Dã (thuộc quận Nam Dương) giúp Lưu Bị – lúc đó đang nương nhờ Châu mục Kinh châu là Lưu Biểu. Một thời gian sau Gia Cát Lượng cũng đến làm mưu sĩ cho Lưu Bị bên cạnh Từ Thứ.  Năm 208, Tào Tháo mang đại quân xuống đánh Kinh châu. Lưu Biểu qua đời, con là Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo. Lưu Bị mang dân sơ tán, bị Tào Tháo đánh bại ở Đương Dương Tràng Bản. Gia quyến Lưu Bị và mẹ Từ Thứ tên là Từ Trắc cũng bị bắt tại đây. Tào Tháo nhờ mẹ Từ Thứ viết thư chiêu dụ con về phía mình. Từ Thứ nhận được thư mẹ bèn từ biệt Lưu Bị sang phục vụ Tào Tháo. Từ khi sang Tào, Từ Thứ không đóng góp gì đáng kể cho họ Tào. Năm 220, Tào Tháo qua đời, Tào Phi lên thay, cướp ngôi Hán Hiến Đế lập ra nhà Tào Ngụy. Từ Thứ được bổ nhiệm là Hữu trung lang tướng và Ngự sử trung thừa. Khi Gia Cát Lượng mang quân Bắc phạt đánh Tào Ngụy, nghe tin Từ Thứ vẫn phục vụ chính quyền Tào Ngụy đã than thở về việc nước Ngụy có quá nhiều nhân tài trong khi nước Thục thì có quá ít. Sau đó Từ Thứ lâm bệnh mất, không rõ năm nào. Ông hoạt động khoảng 40 năm từ cuối thời Đông Hán đến đầu thời Tam Quốc. Vụ việc này được gọi là điển tích “Từ Thứ quy Tào”. Sự thực La Quán Trung đã hư cấu 2 tình tiết: Gia Cát Lượng đến với Lưu Bị khi Từ Thứ vẫn chưa sang Tào và mẹ Từ Thứ tự nguyện viết thư cho ông, không cự tuyệt Tào Tháo; thời gian xảy ra việc này sau trận Đương Dương Tràng Bản năm 208. Tuy nhiên việc Từ Thứ không phục Tào Tháo, không hiến kế gì cho ông ta thì là thật, bởi sau khi sang Ngụy ông không có hoạt động gì nổi bật. Từ Thứ còn xuất hiện một lần nữa trước Trận Xích Bích. Ông biết được Bàng Thống bày kế liên hoàn để lừa Tào Tháo, nhưng ông nhớ lời hứa với Lưu Bị mà không tiết lộ cho Tào Tháo, mà lại theo kế của Bàng Thống bày cho, giả vờ xin Tào Tháo cho về lại phương Bắc để giữ hậu phương. Nhờ đó ông thoát khỏi trận chiến Xích Bích, nơi số lớn quân Tào bị tiêu diệt.

CÁC TRẬN CHIẾN LỚN TRONG THỜI TAM QUỐC

Trong thời Tam Quốc, có 2 trận chiến lớn: Đó là trận Xích Bích (208-210) giữa quân Ngụy và liên quân Thục-Ngô trên sông Trường Giang của nước Thục và trận Di Lăng (221-222) cũng trên sông Trường Giang gần biên giới Thục-Ngô giữa quân Thục và quân Ngô.

Trận Xích Bích: Sau chiến dịch đánh bại bộ tộc Ô Hoàn vào năm 207 để ổn định hoàn toàn biên giới phía Bắc, Tào Tháo bắt đầu chuẩn bị lực lượng để đánh dẹp nốt các chư hầu còn lại ở phía Nam. Khu vực có vị trí chiến lược quyết định cho tham vọng bình định phương Nam của Tào Tháo là vùng đất hai bên bờ Trường Giang thuộc Kinh Châu (nay là các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam của Trung Quốc). Muốn thống nhất đất đai nhà Hán, Tào phải kiểm soát được đường thủy ở phần giữa của Trường Giang cũng như cảng Giang Lăng để tạo bàn đạp tiến xuống vùng Giang Nam. Để làm được điều này quân đội mang danh nghĩa triều đình của Tào Tháo sẽ phải tiêu diệt lực ượng của hai chư hầu chính trong vùng: người thứ nhất là Lưu Biểu, thứ sử Kinh Châu, người chiếm giữ phần đất phía Tây Hán Thủy, thành Hán Khẩu cùng toàn bộ phần phía Nam của vùng; người thứ hai là Tôn Quyền, người kiểm soát phần đất phía Đông Hán Thủy và toàn bộ phần Đông Nam của vùng. Bên cạnh Lưu Biểu và Tôn Quyền thì Tào Tháo cũng còn một đối thủ khác, đó là Lưu Bị, vốn là chư hầu từng bị Tào Tháo đánh bại ở Nhữ Nam, nay nương nhờ Lưu Biểu tại Phàn Thành.

Trận Xích Bích là một trận đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam Quốc. Trận đánh diễn ra vào mùa Đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo. Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của phe Tôn-Lưu trước đội quân đông đảo hơn của Tào Tháo. Chiến thắng này đã góp phần củng cố vị trí cho hai chư hầu Tôn Quyền, Lưu Bị ở hai bờ Trường Giang đồng thời ngăn cản việc Tào Tháo mở rộng phạm vi quyền lực xuống phía Nam Trung Hoa, tạo cơ sở cho sự hình thành hai nước Thục Hán và Đông Ngô.

Tháng 7 âm lịch năm 208, Tào Tháo dẫn đại quân Nam tiến. Bước đầu chiến dịch bình định phía Nam của Tào Tháo trở nên dễ dàng khi Lưu Biểu qua đời vào tháng 8 năm 208. Tào Tháo lập tức chớp lấy cơ hội tấn công và chiếm lấy Kinh Châu. Lưu Bị một lần nữa phải chạy nạn xuống phía Nam. Chạy theo quân đội của Lưu Bị còn có rất nhiều nạn dân Kinh Châu, lực lượng ô hợp này sớm bị đội kỵ binh tinh nhuệ của Tào Tháo đuổi kịp và đánh tan tác tại trận Trường Bản (nằm gần Đương Dương ngày nay). Lưu Bị cùng tàn quân rút về Hạ Khẩu và bắt liên lạc với sứ thần của Tôn Quyền là Lỗ Túc. Theo một số sử liệu thì Lỗ Túc đã khuyên Lưu Bị rút quân xa hơn về phía Đông tới Phàn Khẩu. Theo một thuyết khác thì Lưu Kỳ sau đó hợp quân với Lưu Bị tại Giang Hạ còn quân sư của Lưu Bị là Gia Cát Lượng được phái tới Sài Tang để thương lượng với Tôn Quyền về một liên minh chống lại Tào Tháo. Thuyết thứ hai này cũng trùng hợp với các chi tiết được nhắc đến trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trước khi liên minh Tôn-Lưu được thành lập Tào Tháo đã gửi một bức thư cho Tôn Quyền trong đó nói tới việc Tào Tháo đang thống lĩnh 830,000 binh mã và đề nghị Tôn Quyền đầu hàng. Triều thần Đông Ngô lúc này chia làm hai phe. Phe chủ chiến do Chu Du, người chỉ huy quân đội của Tôn Quyền, cùng Lỗ Túc, Gia Cát Lượng lại đề nghị Tôn lập một liên minh chống Tào với Lưu Bị. Chu Du phân tích cho rằng quân số thực của Tào Tháo chỉ khoảng 22-24 vạn, số còn lại chỉ là dân phu đi theo hỗ trợ tải lương mà thôi. Trong số 22-24 vạn quân này thì phần lớn là người phương Bắc không thạo thủy chiến, số thạo thủy chiến thì phần lớn là hàng quân Kinh Châu, vốn chưa phục vụ Tào Tháo lâu dài nên không sẽ không có ý chí chiến đấu cao. Cuối cùng Tôn Quyền đã nghiêng về phe chủ chiến, ông cử Chu Du, Trình Phổ cùng Lỗ Túc dẫn 30,000 binh mã ra mặt trận, liên minh với Lưu Bị chống quân Tào. Liên quân Tôn-Lưu: 50,000 binh mã đã được huấn luyện và có kinh nghiệm thủy chiến. Gồm khoảng 30,000 quân của Tôn Quyền giao cho Chu Du chỉ huy. Gần như toàn bộ nhân sự của Tôn Quyền được huy động gồm các tướng Chu Du, Trình Phổ, Lỗ Túc v.v…. Lực lượng của Lưu Bị và Lưu Kỳ là khoảng 20,000 quân với các tướng tham chiến có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân. Quân sư tham chiến là Gia Cát Lượng.

Sông Trường Giang và bản đồ trận Xích Bích

Trận Xích Bích có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn đụng độ ban đầu tại Xích Bích dẫn đến sự rút lui của quân Tào về chiến trường Ô Lâm trên bờ Tây Bắc của Trường Giang; giai đoạn thủy chiến mang tính quyết định; giai đoạn tháo chạy của Tào Tháo về hướng Hoa Dung (nằm xa về phía Bắc so với địa danh Hoa Dung hiện tại). Trong giai đoạn đầu, thủy quân Tôn-Lưu ngược dòng Trường Giang từ Hán Khẩu-Phàn Khẩu tới Xích Bích, tại đây họ chạm trán với tiền quân của Tào Tháo. Vốn bị hành hạ bởi bệnh dịch và sự suy giảm về tinh thần cũng như sức chiến đấu do cuộc hành quân kéo dài từ Bắc xuống Nam, quân Tào không thể giành được lợi thế trong những trận giao tranh nhỏ ban đầu và buộc phải lui về đóng quân ở Ô Lâm (phía Bắc của Trường Giang). Để giảm sự tròng trành của thuyền chiến (làm quân Tào vốn không quen với thủy chiến thường xuyên rơi vào trạng thái say sóng), Tào Tháo ra lệnh dùng xích sắt nối nhiều thuyền lại với nhau. Quan sát động thái này của Tào, tướng Hoàng Cái bên phía Đông Ngô đã kiến nghị Chu Du dùng kế trá hàng và được Chu Du tán đồng. Việc gửi thư trá hàng của Hoàng Cái lập tức được Tào Tháo tin theo, không cần phải bày kế khổ nhục làm Hoàng Cái phải chịu đòn roi và cũng không cần người đưa thư Hám Trạch phải đấu trí với Tào Tháo đến mức như Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả. Việc trá hàng thuận lợi, Hoàng Cái chuẩn bị một đội thuyền để bơi sang đánh úp vào thủy trại Tào. Khi đội “hàng binh” của Hoàng Cái đến giữa sông thì các hỏa thuyền bắt đầu được châm lửa và chúng theo gió Đông Nam lao thẳng vào hạm đội của Tào. Trong điều kiện gió lớn và bị xích vào nhau, các thuyền chiến của Tào Tháo nhanh chóng bắt lửa khiến một số lớn binh mã chết cháy trên thuyền hoặc chết đuối dưới sông. Trong lúc quân Tào đang hoảng hốt vì đám cháy thì liên quân Tôn-Lưu do Chu Du dẫn đầu đã chiếm lĩnh trận địa và chia cắt lực lượng của Tào Tháo, buộc ông ta phải ra lệnh rút lui sau khi phá hủy một phần số thuyền chiến còn lại. Tào Tháo cùng bại binh rút lui về phía đường cái Hoa Dung xuyên qua vùng đầm lầy lớn phía Bắc hồ Động Đình. Trong điều kiện mưa nặng hạt khiến đường rút lui càng trở lên lầy lội, Tào Tháo phải ra lệnh cho binh lính, kể cả những người bị thương, vác theo các bó cỏ để lấp đường. Khó khăn cho quân Tào càng trầm trọng khi Chu Du và Lưu Bị không ngừng đuổi theo họ cho tới tận Nam Quận. Cuối cùng, thiệt hại nặng nề khiến Tào Tháo phải bỏ miền Nam rút về Nghiệp Quận.

Trận hỏa công Xích Bích

Sau trận Xích Bích, trong các lần đụng độ với quân Tào do Tào Nhân chỉ huy, lực lượng của Tôn Quyền chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với lực lượng của Lưu Bị. Thiệt hại đó cộng thêm cái chết của Chu Du năm 210 đã khiến quân Đông Ngô mất lợi thế ở Kinh Châu và để cho lực lượng của Lưu Bị dần dần kiểm soát toàn bộ phần đất chiến lược và được phòng thủ ở đây. Quyền kiểm soát Kinh Châu vừa giúp Lưu Bị lần đầu tiên có được vị thế của một chư hầu mạnh đồng thời mở ra con đường tiến vào đất Thục. Sau trận Xích Bích, Tào Tháo không bao giờ còn hội đủ một đội thủy binh lớn để tiêu diệt hai đối thủ ở phương Nam. Kết quả này của trận Xích Bích đã bước đầu định hình cho thế chân vạc thời Tam Quốc của ba nước Tào Ngụy – Thục Hán – Đông Ngô và vì thế nó được coi là trận đánh có ý nghĩa lớn trong lịch sử Trung Quốc. Sự chia cắt Bắc-Nam của lãnh thổ Trung Hoa cũng lần đầu thành hình và kéo dài nhiều thế kỷ sau đó.

Trận Di Lăng (221-222): Trận Di Lăng là trận chiến giữa nước Thục Hán và nước Đông Ngô năm 221-222 thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong Tam Quốc Chí, trận Di Lăng có thể nói là một bước ngoặt lịch sử quan trọng dẫn đến sự chấm dứt của liên minh Ngô-Thục, đồng thời cũng là tiền đề để nhà Ngụy có thể thống nhất Trung Nguyên sau này.

Trận Di Lăng phía Tây trận Xích Bích

Lưu Bị, cả giận trước việc người em kết nghĩa của ông là Quan Vũ bị Lã Mông sát hại. Trương Phi thì bị 2 hạ tướng cắt đầu rồi hàng Đông Ngô. Lưu Bị liền tiến quân đánh đến Di Lăng báo thù. Lưu Bị cầm hơn 70 vạn quân tấn công Đông Ngô mà không nghe theo lời khuyên của thừa tướng Gia Cát Lượng. Tất cả tướng lĩnh và binh lính của Thục được động viên cho trận chiến báo thù này, ngoại trừ Gia Cát Lượng và Triệu Vân, những người phản đối và bị Lưu Bị ra lệnh ở lại phía sau. Có thể nói, ngay từ khi bắt đầu, đây đã là một quyết định sai lầm của Lưu Bị, bởi lẽ nó đi ngược lại hoàn toàn với kế sách của Khổng Minh là Tôn-Ngô liên minh phạt Ngụy. Tuy nhiên, vì muốn trả thù cho em, Lưu Bị đã bỏ ngoài tai những lời can gián của thuộc hạ, tự mình dẫn quân đánh Tôn Quyền.

Ban đầu, Lưu Bị chiến thắng liên tiếp, tiến sâu vào lãnh thổ của Ngô. Quân Thục chủ yếu là bộ binh, mạnh khi giao chiến ở vùng núi, còn càng vào sâu lãnh thổ của Ngô, địa hình càng trở nên bằng phẳng, thuận lợi cho quân Ngô chủ yếu là kỵ binh và thủy quân. Tôn Quyền thấy Lưu Bị tiến vào Kinh châu, vội sai Thái thú Nam quận là Gia Cát Cẩn (anh trai Gia Cát Lượng) đi giảng hòa nhưng thất bại. Lo sợ nguy cơ từ phía Tào Ngụy ở phía Bắc sẽ đến khi giao tranh nổ ra với Lưu Bị, Tôn Quyền vội vã sai sứ tới Lạc Dương gặp Tào Phi dâng biểu xưng thần. Vì vậy Tôn Quyền tạm thời yên tâm mặt Bắc để đối phó với Lưu Bị.

Trong trận Di Lăng, Lục Tốn, một tướng trẻ Đông Ngô được lệnh chỉ huy quân đội. Theo chiến thuật của ông, quân Ngô không giao chiến ở vùng núi, lui quân về củng cố lực lượng. Khi quân Thục tiến vào cũng là lúc sang hè. Quân Lưu Bị đóng trại cạnh một cánh rừng, dụ quân của Lục Tốn ra, nhưng Tốn đóng cổng thành cố thủ. Trời nắng nóng khiến quân Thục mệt mỏi. Không có Gia Cát Lượng, Lưu Bị không hiểu binh pháp ra lệnh chuyển trại vào rừng, dù tướng Mã Lương can ngăn. Lưu Bị hạ lệnh cho quân thủy lên bộ hạ trại. Giữa Tỉ Quy và Hào Đình cách nhau 700 dặm, Lưu Bị lập ra liên tiếp mấy chục doanh trại bằng gỗ cây rừng. Lập liên trại với khoảng cách xa như vậy là sai lầm của Lưu Bị, tối kỵ đối với nhà binh. Tào Phi ở Lạc Dương nghe tin này cũng đoán Lưu Bị sẽ thất bại.

Tháng 6 nhuận năm 222, vùng Hoa Trung có gió Đông Nam thổi mạnh, Lục Tốn hạ lệnh cho Chu Nhiên theo đường thủy ngược dòng đánh lên vào đại bản doanh của Lưu Bị ở Khiếu Đình, trên thuyền dùng nhiều cỏ khô và củi lửa để đốt; Hàn Đương và Phan Chương đi đường vòng bên phải đến Trác Hương để chặn đường rút của đội tiên phong Thục Hán; Từ Thịnh và Tống Khiêm đi giải vây cho Di Đạo, sau đó sẽ cùng tiến vào đại trại quân Thục. Lưu Bị có 40 trại từ Khiếu Đình đến Tỉ Quy trải dài 700 dặm. Nhằm tiết kiệm nhân lực, Lục Tốn chủ trương chỉ tấn công vào 20 trại cách nhau và gây ra hỗn loạn cho quân Thục. Nửa đêm, quân Ngô áp sát trại Thục và nổi lửa tấn công. Mùa hè nóng nực, trại quân Thục nằm trong rừng nhiều cây nên lửa rất dễ bén. Các doanh trại quân Thục nhanh chóng bốc lửa và quân Thục trở nên hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau, bị thương vong khá nhiều. Lưu Bị thua to, tìm đường chạy thoát, bị quân Lục Tốn truy kích rất sát phía sau. May nhờ sự dự liệu của Gia Cát Lượng, ông đã sớm biết cái kết của Lưu Bị trong trận này nên đã bố trí thạch trận để cắt đuổi quân Ngô, bảo toàn tính mạng của Lưu Bị. Lưu Bị rút về thành Bạch Đế, còn lại chỉ 100 quân nhưng may vẫn giữ được tính mạng nhờ tài tiên liệu như thần của Gia Cát Lượng.

Thất bại Di Lăng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quân sự và chính trị của nhà Thục Hán. Sức quân, sức nước của Thục Hán bộc lộ suy yếu rõ ràng; bản thân chính quyền tự xưng là kế thừa ngôi chính thống của nhà Đông Hán bắt đầu đi vào con đường gập ghềnh. Còn về phần mình, vì hối hận trước hàng loạt sai lầm của bản thân, Lưu Bị không dám về Thành Đô nữa, mà ở lại thành Bạch Đế, ôm bệnh rồi mất một năm sau (223).

KẾT LUẬN

Phân tích và nhận xét những gì xảy ra trong một giai đoạn lịch sử đặc thù của nước Trung Hoa là điều phức tạp. Chỉ có những cơ quan nghiên cứu quốc tế mà người Mỹ gọi là “Think tank” mới có đủ sức phân tích, rút tỉa những bài học và đưa đến những kết luận cho mai hậu. Ba nhân vật Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền là những nhân tài kiệt xuất. Họ sinh ra và lập được nghiệp lớn trong một giai đoạn rối răm của lịch sử Trung Hoa. Trên nhiều khía cạnh, khả năng lãnh đạo quốc gia của Tào Tháo và Tôn Quyền tốt hơn Lưu Bị nhiều. Ba nước Bắc Ngụy, Tây Thục, Đông Ngô đánh nhau liên miên cho đến khi nhà Tây Tấn đoạt ngôi nhà Ngụy, thống nhất Trung Hoa.  Cho dù con số thống kê có thể có sai số lớn nhưng hoàn toàn đủ cơ sở để nói rằng phần lớn dân số đã chết vì các cuộc chiến tranh liên miên trong thời kỳ này.

Trung Quốc có rất nhiều tiểu thuyết lịch sử, thậm chí có người nói còn miêu tả rằng “mênh mông như biển cả”. Nhưng cho tới bây giờ, không có bộ tiểu thuyết nào ăn sâu vào lòng người giống như “Tam Quốc diễn nghĩa”. Tuy nhiên, bộ sách này cũng chỉ phản ảnh những suy nghỉ trong thời phong kiến. Điều cuốn sách này được lưu truyền từ thời đại này qua thời đại khác lâu như vậy chẳng phải là những cuộc “đấu trí, so dũng”. Những người có một chút am hiểu về văn hóa truyền thống đều biết, tư tưởng chính yếu của Nho gia Trung Quốc xuyên suốt hơn 2,000 năm chính là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Trong đó, hai chữ “Nhân, Nghĩa” đứng ở 2 vị trí đầu, xếp trước “Lễ, Trí, Tín”. Tác giả La Quán Trung đã nói rõ chủ đề của tác phẩm, nhìn các nhân vật Tam Quốc theo khía cạnh này, dùng lịch sử của ba quốc gia để diễn giải về những đức tính của con người làm chủ đề chính. Và những nhân vật, anh hùng, minh chúa, các vị quân sư tài năng, thảy đều là các “diễn viên” xuất sắc cho một kịch bản lớn này.

 Bởi vì “Nhân” là loại cảnh giới thuần thiện, phàm đã là con người thì điều đầu tiên phải có chính là có “lòng nhân”, phải là một “con người” trước đã. Nếu mất đi chữ “nhân” (nhân từ, nhân ái, nhân văn, nhân đạo, nhân hòa, nhân chi sơ tính bản thiện …) thì con người ấy, chỉ còn lại chữ con, và mất đi chữ người (nhân). Khổng Tử lúc về già mới thực sự hiểu rõ được nội hàm của chữ “Nhân”. Còn “Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” chỉ là nguyên tắc làm người.

Chữ “Nghĩa” đứng hàng thứ hai nhưng lại được đề cập nhiều nhất. “Tam Quốc diễn nghĩa” là thông qua chính trị, quân sự và sự kết giao giữa ba nước Ngụy, Thục, Ngô để diễn giải sâu hơn về nội hàm thâm tầng của chữ “Nghĩa”. Nếu chỉ nói “Nghĩa” là gì mà không đưa ra dẫn chứng cụ thể, thì đó chỉ là lý thuyết và không thể nào khiến con người có thể “thấm” được cái tinh thần thâm sâu của nó. Chính vì vậy thời Tam Quốc các anh hùng phải đảm nhận vai trò này, diễn một màn kịch hoành tráng, diễn thật sâu, thật ấn tượng, thật tài tình để tạo thành một bản thiên anh hùng ca, lưu truyền muôn thủa. Quan Vũ được Tào Tháo tha mạng cho ông một lần, suốt đời ông không quên, chính vì Tào Tháo quý trọng anh tài, kính nể người anh hùng, đó cũng là thứ mà Quan Vũ xem trọng nhất, là tình cảm thực sự Tào Tháo dành cho ông. Vì vậy, trên con đường Hoa Dung năm ấy, nếu cần, Quan Vũ có thể chết theo quân lệnh để giữ trọng chữ Nghĩa của mình. Quan Vũ đã đem nội hàm của chữ “Nghĩa” suy diễn đến cực hạn. Có thể nói, “Tam Quốc diễn nghĩa” sở dĩ có thể trường tồn mãi trong lịch sử, trường thịnh không suy chính là bởi vì chủ đề chữ “Nghĩa” cao thượng này. Các nhân vật Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng là điển hình cho chữ “Nghĩa”. Lưu Bị, vì chữ “Nghĩa” đối với 2 người em kết nghĩa, đã quyết định đánh Đông Ngô, thất bại tại trận Di Lăng, chấm dứt đế nghiệp của mình. Gia Cát Lượng, vì cái nghĩa đối Lưu Bị, đã tận trung với chủ cho đến khi chết. Gia Cát Lượng đã trình bày kế hoạch Long Trung đối sách cho Lưu Bị: Củng cố quyền lực, chiếm cứ Kinh ChâuÍch Châu, bắc địch Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền chờ thời cơ thiên hạ có biến để tiêu diệt cả hai đối thủ chính này, thống nhất Trung Quốc. Chỉ tiếc thời cơ và Lưu Bị không có khả năng thi hành kế hoạch này. Có người thậm chí nói, Gia Cát Lượng nếu theo Tào Tháo thì đã sớm giúp Tào Tháo hoàn thành việc thống nhất thiên hạ.

Ngoài ra, trong Tam Quốc Chí, nhiều người còn đề cập đến chữ “Nhẫn” mà điển hình là Tư Mã Ý. Ông đã áp dụng nguyên tắc này khi đánh nhau với Gia Cát Lượng. Nhờ ẩn nhẫn, Tư Mã Ý đã chiến thắng Gia Cát Lượng trong lần Bắc phạt cuối cùng, khiến vị quân sư hùng tài lâm bệnh nặng mà qua đời ngay trong doanh trướng. Lục Tốn cũng dùng chử “Nhẩn” đánh bại Lưu Bị trong trận Di Lăng.

Nhưng “nhân, nghĩa” chỉ là 2 phần trong đạo làm người của xã hội Á Châu, lãnh đạo quốc gia đòi hỏi những phẩm chất khác. Cả ba triều đại Bắc Ngụy, Tây Thục, Đông Ngô đều theo chế độ quân chủ phong kiến, cha truyền con nối dù rằng con cháu không có đủ phẩm chất để nối nghiệp cha ông. Ngay Lưu Bị, trước khi lâm chung đã dặn dò, gửi gắm thái tử còn ít tuổi cho thừa tướng Gia Cát Lượng nhờ giúp đỡ. Ông nói với Gia Cát Lượng: “Tài thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nhà nước, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi!”. Ông đã biết được những vấn đề của gia đình mình và đây là điều khiến Trung Hoa thay đổi từ triều đại này qua triều đại khác.

Nhìn lại thế giới ngày nay, thế “Tam Quốc” đã đổi thành thế “Tam Quốc mở rộng” với ít nhiều khác biệt và sự tranh chấp vẫn tiếp tục. Ba nước lớn là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga Sô. Chế độ quân chủ phong kiến được thay bằng những hình thức khác tương đối khá hơn nhưng tìm một thể chế lý tưởng vẫn là vấn đề. Hoa Kỳ, nền dân chủ lớn nhất với 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, hay nói đúng hơn, 2 khuynh hướng Bảo thủ và Tiến bộ, vẫn giử thế 50/50 khiến cho nhiều khi quốc gia bị tê liệt. Các thế lực tài phiệt phải can thiệp để định hướng chiến lược quốc gia. Nga Sô đã chuyển từ Cộng Sản qua độc tài cá nhân. Trung Quốc và Việt Nam chuyển từ Cộng Sản qua độc đảng cầm quyền với quy mô rộng lớn hơn. Dù rằng với nền kinh tế, xã hội ổn định và tiến triển nhưng tình trạng cha truyền con nối và các nhóm quyền lực vẫn còn, gây ra tham nhũng và không tận dụng nguồn lực quốc gia và niềm tin của dân chúng.  Trung Quốc với giấc mộng bá chủ toàn cầu đang là mối lo lắng cho các nước trong vùng. Singapore là một nước nhỏ với 7 triệu dân phần lớn là người Trung Hoa, dù rằng là độc đảng, cha truyền con nối nhưng là một nước pháp trị với nền kinh tế ngang hàng với các nước mạnh nhất thế giới. Các quốc gia dân chủ xã hội tại Bắc Âu là hình thức tương đối tốt đẹp nhất. Tìm được một thể chế tốt đẹp nhất cho mổi quốc gia là điều phức tạp, tùy theo tình trạng của mổi nước. Vấn đề chính là khả năng lãnh đạo.

 THAM KHẢO

  1. Tam Quốc – Wikipedia tiếng Việ
  2. Nhà Hán – Wikipedia tiếng Việt
  3. Nhà Tấn – Wikipedia tiếng Việt
  4. Tào Tháo – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  5. Tư Mã Ý – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  6. Lưu Bị – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  7. Gia Cát Lượng – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  8. Pháp Chính – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  9. Tôn Quyền – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  10. Chu Du – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  11. Trận Xích Bích – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  12. Trận Di Lăng – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  13. Bài viết “20 tuổi sống như Tào Tháo, 40 tuổi học hỏi Tư Mã Ý và 60 tuổi theo gương Lưu Bị: Học 3 điểm này từ 3 vị vua hùng tài vĩ lược, cả đời thành tựu đếm không xuể” trên mạng Cafef.VN ngày 15/3/2019
  14. Bài viết “Phong cách lãnh đạo độc đoán của Tào Tháo” trên mạng Luanvan.co ngày 13/11/2019
  15. Bài viết “Lưu Bang, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên và 3 lời trăng trối trước khi chết khiến hậu thế ngỡ ngàng trên mạng Soha ngày 12/12/2019
  16. Bài viết “Dù có tới 4 ‘bộ óc đại tài’, Tào Tháo vẫn thảm bại trận Xích Bích vì 4 điều sau” trên mạng Soha ngày 25/1/2019.
  17. Bài viết “5 thống soái giỏi nhất Tam Quốc: Tư Mã Ý không lọt bảng, Khổng Minh vẫn xếp sau người này” trên mạng Soha ngày 1/1/2019
  18. Bài viết “Giữa Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền, nếu chọn, bạn sẽ theo ai?” trên mạng Soha ngày 8/2/2019.
  19. Bài viết “Những trận chiến thời Tam Quốc” trên mạng Soha ngày 8/2/2019.
  20. Bài viết “Vì sao người Việt Nam ai cũng yêu thích “Tam Quốc diễn nghĩa”? Chung quy chỉ ở 1 chữ mà thôi!” trên mạng Soha ngày 18/3/2017.
  21. Bài viết “3 câu nói để đời Tư Mã Ý truyền lại cho con cháu, nếu làm được thì đa nghi như Tào Tháo cũng không thể cản bạn thành công” trên mạng Net News ngày 2/4/2019.

—–

 

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *