Việt Nam cũng cố các đảo tại Trường Sa 2019

1.513 (lượt xem) |

VIỆT NAM CŨNG CỐ CÁC ĐẢO TẠI TRƯỜNG SA 2019

Việt Nam đã âm thầm cải tiến và nâng cấp các cơ sở trên quần đảo Trường Sa, và điều đáng chú ý là Việt Nam chưa gặp phản ứng mạnh mẽ từ lực lượng hải quân Trung Quốc như Phi Luật Tân đã gặp phải trong thời gian gần đây. Đó là nhận xét được đăng trên trang mạng Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI: Khởi Xướng Minh Bạch Hàng Hải Á Châu) vào ngày 8/4/2019 vừa qua. Trang AMTI này cho biết lực lượng Việt Nam đang chiếm giữ 49 tiền đồn nằm rải rác trên 27 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Trong số 27 thực thể đó, chỉ có khoảng 10 thực thể có thể được xem là hải đảo, và những thực thể còn lại chỉ có thể được coi là bãi san hô chìm dưới nước hoặc bờ cát nổi một phần trên mặt nước. Nhằm bảo vệ tất cả những bãi đất mới được tạo dựng trước giông bão của đại dương, Việt Nam đã xây cất những hệ thống kênh thoát nước rất tinh vi chung quanh bìa đảo. Hệ thống kênh thoát nước này cũng được nhìn thấy trên một số hải đảo khác của Việt Nam tại Trường Sa.

Trên các hải đảo khác mà Việt Nam đang kiểm soát tại Trường Sa, hầu hết đều không là đảo thiên nhiên như đảo Trường Sa và đảo san hô Phan Vinh, mà là những cơ cấu được xây bên trên bãi san hô hoặc bãi cát chìm dưới mặt nước, hay bãi ngầm. Nhiều nhất trong số này là khoảng 25 cấu trúc giống hình hộp thuốc được xây trên các bãi nằm rải rác ở Trường Sa. Kể từ giữa năm 2017 đến nay, hai hải đảo nhân tạo này – gồm bãi san hô Petley (đá Núi Thị) và South Reef (đá Nam) – đã được mở rộng với cơ sở thứ hai được xây bên trên. Cơ sở trên đá Núi Thị được hoàn tất vào cuối năm 2018, trong khi cơ sở trên đá Nam vẫn đang được xây dựa theo hình ảnh vệ tinh mới nhất mà AMTI có được. Trong khoảng thời gian qua, Việt Nam đã bồi đắp 8 trong số 10 bãi đá ngầm thành những công sự phòng thủ. Ngoài ra, Việt Nam xây dựng 14 dàn khoan mà họ gọi là các trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghệ.

Về phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa là sáu bãi cát chìm dưới nước mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền vì thuộc thềm lục địa của Việt Nam, nhưng phía Trung Quốc và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền thuộc quần đảo Nam Sa của người Trung Hoa. Việt Nam đã xây 14 tiền đồn trong khu vực này và gọi đây là “những trạm phục vụ kinh tế, khoa học, kỹ thuật” viết ngắn lại là Dịch Vụ-Khoa (DK1). Những bãi ngầm này nằm gần những lô khai thác dầu khí mà Việt Nam đã cấp giấy phép cho các công ty ngoại quốc khai thác và bị Trung Quốc phản đối. Vì sự đe dọa dùng vũ lực của Bắc Kinh, kể từ năm 2017 Hà Nội phải rút lại giấy phép cho hai hợp đồng từng được ký với công ty nước ngoài. Cũng từ giữa năm 2017, Việt Nam đã nới rộng bốn dàn DK1 trên hai bãi ngầm Prince of Wales và Grainger, với sự thiết lập một tòa nhà đa tầng và một bãi đáp trực thăng lớn. Bốn dàn DK1 này được cộng thêm vào tám dàn khác đã được tân trang trong hai năm 2016 và 2017.

Việt Nam xem có vẻ đang theo đuổi một kế hoạch xây cất âm thầm tại quần đảo Trường Sa, bất kể những yếu tố đang xảy ra ở chung quanh, cho dù đó là những cuộc thương lượng giữa các nước, sự lắng đọng thời sự hay hành động đe dọa dùng vũ lực của Trung Quốc. Không như Trung Quốc đã bỏ gần cả 100 tỷ USD để biến 5 bãi san hô ngầm thành các đảo nhân tạo với các đường băng dài 3,000 m, các vũng tàu đậu cũng như các công sự chứa các hõa tiển đối không và đối hải thì phía Việt Nam đã không nhấn mạnh cũng như không đủ sức vào việc xây dựng đảo nhân tạo như Trung Quốc đã làm, mà chú trọng vào việc thiệt lập các cơ sở để giúp gia tăng khả năng theo dõi các hoạt động trong vùng biển Trường Sa, cải thiện đời sống cho các quân nhân hoặc ngư dân sống trên đảo và khả năng tiếp tế bằng máy bay khi cần thiết.

Bài viết này bổ túc cho bài viết “Việt Nam nâng cấp các đảo tại Trường Sa 2017”.

ĐẢO TRƯỜNG SA

Trang nghiên cứu AMTI đã cung cấp một số hình ảnh chụp từ vệ tinh để cho thấy những công trình được Việt Nam gia cố trên vùng biển Trường Sa. Đảo Trường Sa cũng là tiền đồn lớn nhất của Việt tại Biển Đông, và đó cũng là trung tâm hành chánh của Việt Nam trong vùng biển đang có tranh chấp với các quốc gia ở chung quanh. Trong hai năm 2015-16, Việt Nam đã mở rộng đảo Trường Sa, nối dài một phi đạo nhỏ và tạo thêm hải cảng được bảo vệ. Tổng cộng Việt Nam đã mở rộng thêm 40 mẫu đất mới qua việc nạo vét chung quanh đảo san hô và đổ cát lên bên trên san hô để tạo đảo. Cách thức xây cất bãi cát này đòi hỏi nhiều thời gian và không gây hại nhiều cho môi trường, so với những cách thức công nghệ vĩ đại mà Trung Quốc đã áp dụng để xây dựng đảo nhân tạo cũng trong quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, cách thức chậm chạp của Việt Nam vẫn gây hại cho bãi san hô. AMTI đã theo dõi các hoạt động trong vùng Biển Đông qua những hình ảnh lấy từ vệ tinh. Nhóm nghiên cứu này cho biết kể khi quan sát lần cuối vào giữa năm 2017, đến nay AMTI đã thấy có những cải tiến khiêm tốn trên đảo Trường Sa của Việt Nam. Qua hình ảnh mới nhất, AMTI ghi nhận tất cả những cơ sở mới được xây trên đảo trong hai năm qua.

Sự việc mở rộng hải đảo cho phép Việt Nam nối dài đường đáp máy bay, và đây là phi đạo duy nhất của Việt Nam trên toàn quần đảo Trường Sa. Đường bay này dài 1,300 m, tức là gần dài gần gấp đôi so với 750 m được ghi nhận hai năm trước. Cũng kể từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã hoàn tất công trình xây cất tại cuối đường bay. Vào giữa năm 2018, Việt Nam đã xây xong các nhà chứa máy bay lớn nằm ở hai đầu của phi đạo. Bốn nhà chứa máy bay này được dự tính là sẽ chứa phi cơ thám thính hàng hải PZL M28B của Việt Nam và một số vận tải cơ CASA C-295 hay những loại máy bay tương tự mà Việt Nam sẽ sở hữu trong tương lai.

Hình ảnh mới nhất của đảo Trường Sa chụp từ vệ tinh do AMTI cung cấp trong bài viết đăng ngày 8 tháng 4, 2019.

Cũng theo trang tin AMTI, trên các đảo về phía Đông Bắc của đảo Trường Sa, Việt Nam đã xây hai cơ sở truyền tin tình báo hoặc truyền thông. Một trong hai cơ sở này có trang bị vòm radar (radome) vào năm 2018, được dùng để bảo vệ dàn radar ở bên trong trước thời tiết giữa đại dương. Một số tòa nhà đã được xây trên bãi cát mới được thiết lập dọc theo hải cảng nhân tạo của đảo. Nhiều tòa nhà đã được trang bị những tấm thâu nhận năng lượng mặt trời. Gần tòa nhà hành chánh chính của đảo là một sân thể thao. Tòa nhà hành chánh này cũng có những tấm năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà.

Hình chụp gần một cấu trúc mới phía Nam đảo Trường Sa của Việt Nam

 

Một cấu trúc mới phía Bắc đảo Trường Sa của Việt Nam

ĐẢO AN BANG

Đảo An Bang (English: Amboyna Cay, China: Anbo Shazhou, Philippines: Kalantiyaw Cay, Malaysia: Pulau Kecil Amboyna – GPS: 7° 53′ 30″ N, 112° 55′ 16″ E), cách đảo Trường Sa 71 hải lý về phía Đông Nam và cách đảo Thuyền Chài 20 hải lý về phía Tây Nam. Đảo An Bang có vị trí rất quan trọng, là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đảo An Bang có hình dạng như một cái túi: đáy nằm phía đông và miệng thắt lại ở phía tây; phần phía tây này bị bao phủ bởi một lớp phân chim. Đảo dài 200 m, rộng 20 m và cao 2 m so với mặt biển khi thủy triều xuống. Tổng diện tích của đảo là 1.58 ha. An Bang là hòn đảo quanh năm có sóng lớn và là nơi mà tàu thuyền khó cập bến nhất trong số các thực thể địa lý thuộc Trường Sa

 Đảo An Bang 19/2/2018

ĐẢO NAM YẾT

Nam Yết (English: Namyit Island, China: Hongxiu Dao, Philippines: Binago Island – GPS: 10° 10′ 46″ N, 114° 21′ 59″ E) là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Ba Bình khoảng 11 hải lý về phía Nam và cách đảo Sinh Tồn 33 km về phía Bắc-Đông Bắc. Đảo có dạng hình bầu dục hơi hẹp bề ngang, nằm theo trục Đông-Tây với chiều dài khoảng 600 m, chiều rộng khoảng 125 m và diện tích đạt 6 ha. Đảo Nam Yết là một phần của một rạn san hô vòng lớn nên mặt ngoài (phía Nam) rất dốc và sâu trong khi mặt trong (phía Bắc, hướng vào vụng biển) thì thoải đều và nông.

Đảo Nam Yết 19/2/2018

ĐẢO PHAN VINH

 Đảo Phan Vinh (English: Pearson Reef, China: Bisheng Jiao, Philippines: Hizon Reef – GPS: 8° 57′ 27″ N, 113° 40′ 57″ E) là phần nổi trên vành san hô của một rạn san hô vòng lớn hơn. Thực thể này thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa và nằm cách đá Tốc Tan khoảng 14 hải lý (25.9 km) về phía Tây Bắc. Về mặt địa lý thì đảo Phan Vinh là phần nổi nằm trên vành san hô của một rạn san hô vòng lớn hơn. Cụ thể, đảo có chiều dài 132 m, chiều rộng 72 m và nằm trên một vành san hô dài 5 hải lý (9.3 km) cũng nằm theo trục Đông Bắc-Tây Nam. Về môi trường, đảo không có nguồn nước ngọt nhưng có cây xanh. Bên cạnh điểm đảo nổi (Phan Vinh A), Việt Nam xây dựng thêm điểm đảo chìm Phan Vinh B, cách Phan Vinh A gần 5 hải lý về phía Tây.

Theo bài phân tích của AMTI, Việt Nam có khá nhiều cải tiến trên đảo san hô Pearson Reef (đảo Phan Vinh theo tên gọi của Việt Nam). Việt Nam từng tăng thêm khoảng 6 mẫu đất mới trên đảo Phan Vinh trước năm 2014 và nâng cấp liên tục từ năm 2016 đến nay, trong đó có cả xây dựng một bãi đáp trực thăng, những dàn tấm năng lượng mặt trời, và trồng rau củ trên khắp bãi đất mới tạo đắp. Cũng trên đảo Phan Vinh này, kể từ giữa năm 2017, Việt Nam đã thiết lập một vòm radome đặt bên trên một tòa nhà nằm về phía Tây của đảo, cho thấy vòm radar này có thể dùng cho hoạt động truyền tin hoặc tình báo. Sự việc trồng rau để giảm bớt sự xoi mòn của đất cũng có vẻ đã được hoàn tất tính đến nay, vì màu xanh đã bao trùm phần lớn của đảo.

Việt Nam cũng có những cải tiến trên đảo san hô Pearson Reef (đảo Phan Vinh), nơi có một cấu trúc tròn giống hình hộp thuốc trên đảo san hồ này.

ĐẢO SINH TỒN

Đảo Sinh Tồn (English: Sin Cowe Island, China: Jinghong Dao, Philippines: Rurok Island – GPS: 9° 53′ 7″ N, 114° 19′ 47″) là một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa . Đảo này cùng với các đảo, đá, bãi phụ cận về mặt tổ chức hành chính thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, Khánh Hòa, cách đất liền 320 hải lý, cách đảo Sinh Tồn Đông 15 hải lý về phía Tây. Đảo này chỉ cách đá Gạc Ma vài hải lý, nơi xảy ra vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1988. Đảo chạy dài theo hướng Đông-Tây, chiều dài khoảng 400 m, chiều rộng 140 m. Đất ở đảo là cát và san hô. Đảo có nhiều cây xanh, không có giếng nước ngọt, xung quanh đảo có tường kè chắn sóng. Hai đầu của đảo theo hướng Đông-Tây có hai dải cát di chuyển theo mùa sóng gió. Đảo nằm trên nền san hô ngập nước cách bờ kè từ 300 đến 600 m, khi nước thủy triều xuống thấp nhất nền san hô lộ khỏi mặt nước từ 0.2 đến 0.4 m. Từ năm 2014, Việt Nam đã bồi đắp thêm 26.07 acres về phía Nam.

Đảo Sinh Tồn 2017

ĐẢO SINH TỒN ĐÔNG

Sinh Tồn Đông (English: Grierson Reef, China: Ranqing Shazhou, Philippines: Julian Felipe Reef GPS: 9° 54′ 8″ N, 114° 33′ 50″ E) là một cồn cát thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lý (27.8 km) về phía Đông. Đặc điểm: trải dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam và nằm trên một nền san hô ngập nước có chiều dài 1,200 m rộng đến 600 m. Đảo ban đầu (trước khi được bồi đắp thêm) có chiều dài khoảng 160 m, chiều rộng khoảng 60 m và được bao bọc bởi bờ cát rộng từ 5 đến 10 m. Hai đầu của đảo có hai doi cát thường di chuyển theo mùa sóng gió. Về môi trường trên đảo không có nước ngọt. Đất đai ở đây chủ yếu là cát san hô nên các loài cây rau quả chỉ trồng được trong các ô đất đã được cải tạo. Các loại cây nước lợ như bàng vuông, mù u, phi lao, phong ba, rau muống biển … mọc khá nhiều. Độ che phủ cây xanh chiếm 1/2 diện tích đảo. Năm 2014, Việt Nam đã xây bờ kè đảo và mở rộng về phía Tây diện tích nổi của đảo lên hơn hai lần so với phần diện tích nổi trước đây (Khoảng 25,000 m2 so với 11,000 m2).

Đảo Sinh Tồn Đông 30/9/2017

ĐẢO SONG TỬ TÂY

Đảo Song Tử Tây (English: Southwest Cay, China: Nanzi Dao, Philippines: Pugad Island – GPS: 11° 25′ 44” N, 114° 19′ 54” E) thuộc xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, Khánh Hòa. Đảo rộng 12 hecta, là đảo lớn hàng thứ sáu trong số các đảo tại quần đảo Trường Sa, và là đảo lớn thứ hai do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa. Song Tử Tây cách đảo Song Tử Đông 2.82 km và có thể nhìn thấy đảo này ở đường chân trời. Đảo có điểm cao nhất quần đảo: 4 m trên mực nước biển. Vành đá bao quanh đảo nổi một phần khi thủy triều lên. Đây đã từng là nơi đẻ trứng của chim và được phủ bởi cây và phân chim. Việt Nam dựng ngọn hải đăng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa tại đây vào tháng 10 năm 1993. Đây là hải đăng cấp 1, thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế. Trên đảo còn có một sân bóng và một tòa nhà 3 tầng làm nơi đóng quân, có một trạm khí tượng thủy văn. Trên đảo trồng nhiều cây xanh như phong ba, bão táp, mu, keo lá tràm, nhầu, phi lao, bàng vuông, tra biển … Đảo trồng được rau và tự túc được rau xanh quanh năm. Trên đảo còn chăn nuôi bò, lợn, chó, gà, vịt … Theo một số thông tin, đảo đã được mở rộng về diện tích 26.07 acres cũng như các công trình phòng ngự, tiếp tế, công sự chiến đấu. Bên cạnh đó âu tầu đảo cũng đã được kè đá chân chim mang từ đất liền nhằm hạn chế tác động của sóng biển.

Đảo Song Tử Tây 1/12/2017

ĐẢO SƠN CA

Sơn Ca (English: Sand Cay, China: Dunqian Shazhou, Philippines: Bailan Island – GPS: 10° 22′ 29” N, 114° 28′ 48” E) là một đảo cát nhỏ thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Ba Bình của Đài Loan 6.2 hải lý (11. 5 km). Đặc điểm: hình bầu dục, nằm theo trục Tây Bắc-Đông Nam với địa hình nhô cao ở giữa và thoải dần về thềm san hô bao quanh. Đảo dài khoảng 450 m, rộng khoảng 102 m, đạt độ cao từ 3.5 đến 3.8 m khi thủy triều xuống thấp nhất và có diện tích 7 ha (0.07 km2). Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cho rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã bồi đắp thêm 9.19 acres về phía Tây đảo Sơn Ca.

Đảo Sơn Ca 2018

ĐẢO TRƯỜNG SA ĐÔNG

Đảo Trường Sa Đông (English: Central Reef, China: Zhong Jiao, Philippines: Gitnang Quezon, Malaysia: Terumbu Gitna – GPS: 8° 55′ 51″ N, 112° 21′ 11″ E) là một bãi cát nằm trên một rạn san hô thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Rạn san hô này cùng với đá Đông, đá Tâyđá Châu Viên hợp thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải quốc tế gọi là London Reefs (cụm rạn Luân Đôn). Đảo cách đá Tây khoảng 6.0 hải lý (11.1 km) về phía Đông Bắc và cách đá Đông khoảng 13 hải lý (24.1 km) về phía Tây Bắc. Đặc điểm: rạn san hô nơi đảo Trường Sa Đông tọa lạc là một rạn đá cạn nước khi thủy triều xuống thấp nhất. Đảo nhắc đến ở đây là một bãi cát nằm theo trục Đông-Tây trên rạn san hô, có chiều dài khoảng 200 m, chiều rộng khoảng 60 m ở nửa phía đông và khoảng 5–15 m ở nửa phía Tây. Diện tích của đảo khoảng 3 ha. Ở phần phía Tây của rạn san hô còn có một dải cát nhỏ. Việt Nam đã bồi đắp thêm cho đảo này khoảng 4.13 acres.

Sân trực thăng trên đảo Trường Sa Đông 2017

CÁC BÃI SAN HÔ VỚI BIA CHỦ QUYỀN VÀ CÔNG SỰ PHÒNG THỦ

Ngoài 7 đảo tự nhiên và 2 đảo san hô, Việt Nam có các đảo đá/bãi san hô gồm các vị trí đóng quân và bia chủ quyền gồm có: bãi Thuyền Chài, bãi Tốc Tan (3), đá Cô Lin (2), đá Núi Le (4), đá Lớn (3), đá Đông, đá Lát, đá Len Đao, đá Núi Thị, đá Nam, đá Tiên Nữ, đá Tây.

Hình ảnh vệ tinh các vị trí đóng quân

Hình ảnh bia chủ quyền

BÃI THUYỀN CHÀI

Đảo Đá Thuyền Chài (English: Barque Canada Reef, China: Bai Jiao, Philippines: Mascardo Reef, Malaysia: Terumbu Perahu – GPS: 08° 10′ 30″ N, 113° 18′ 45″) với 3 vị trí đóng quân, nằm cách đảo Trường Sa khoảng 87 hải lý về Đông Nam và cách đảo An Bang khoảng 20 hải lý về phía Đông Bắc. Đảo chạy theo hướng Đông – Tây Nam, dài khoảng 17 hải lý, rộng khoảng 3 hải lý. Xung quanh đảo có thềm san hô chiều rộng khoảng 200-350 m, hai đầu thu nhỏ, giữa phình to, từ xa trông đảo có hình dáng một cái thuyền đánh cá của ngư dân, nên từ lâu người ta đặt tên cho đảo là đảo Thuyền Chài. Việt Nam chiếm cứ bãi san hô này vào năm 1988.

Bãi Thuyền Chài 15/11/17

BÃI TỐC TAN

Bãi Tốc Tan (English: Alison Reef, China: Liumen Jiao, Philippines: De Jesus Reef –  GPS: 8° 48′ 6″ N, 113° 59′ 18″ E) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Đặc điểm: có chiều dài khoảng 20 km và chiều rộng khoảng 7 km; diện tích trung bình 75 km2. Vụng biển của rạn vòng sâu từ 15 đến 25 m. Có một số hòn đá riêng lẻ nhô lên khỏi mặt biển khi thủy triều xuống. Đặc điểm: có chiều dài khoảng 20 km và chiều rộng khoảng 7 km; diện tích trung bình 75 km². Vụng biển của rạn vòng sâu từ 15 đến 25 m. Có một số hòn đá riêng lẻ nhô lên khỏi mặt biển khi thủy triều xuống. xây dựng trên thềm san hô của cụm bãi đá phía Tây ba cấu trúc lâu bền là Tốc Tan A, Tốc Tan B và Tốc Tan C. Binh lính đồn trú trồng được một số rau xanh, chủ yếu là rau muống, cải, mồng tơi và nuôi chó mang từ đất liền ra.

Bãi Tốc Tan 4/9/2016

ĐÁ CÔ LIN

Đá Cô Lin (English: Collins Reef, China: Guihan Jiao, Philippines: Roxas Reef – GPS: 9° 46′ 9″ N, 114° 15′ 23″ E) là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn 9 hải lý (17 km) về phía Tây Nam, cách đá Gạc Ma khoảng 1.9 hải lý về phía Tây Bắc (3.5 km) và cách đá Len Đao 6.8 hải lý (12.6 km) về phía Tây-Tây Nam. Đặc điểm: có dạng một hình tam giác (nhưng cạnh hơi cong) với độ dài mỗi cạnh khoảng 1 hải lý. Đá này ngập chìm dưới nước khi thuỷ triều lên và chỉ có vài hòn đá nổi lên khi thủy triều xuống thấp. Việt Nam chiếm cứ bãi san hô này vào năm 1988. Nơi đây có 3 vị trí đóng quân cách nhau khoảng 100 m.

Đá Cô Lin phía Tây-Bắc của Gạc Ma 27/7/2017

ĐÁ ĐÔNG

Đá Đông  (English: East Reef, China: Dong Jiao, Philippines: Silangang Quezon Reef, Malaysia: Terumbu Silangan – GPS: 10° 03′ 00″ N, 113° 51′ 00″ E) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Đá Đông cùng với đá Tây, đá Châu Viên và rạn san hô chứa đảo Trường Sa Đông hợp thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải quốc tế gọi là London Reefs (cụm rạn Luân Đôn). Đá Đông nằm cách đá Tây khoảng 19 hải lý (35.2 km) về phía Đông và cách đá Châu Viên 10 hải lý (18.5 km) về phía Tây. Đặc điểm: nằm theo trục Đông – Tây với chiều dài khoảng 14 km và chiều rộng tối đa khoảng 3.8 km; diện tích khoảng 36.4 km². Do đá này dốc dần từ Nam lên Bắc nên khi thủy triều xuống 0.4 m thì vành đai san hô phía Bắc đã nhô lên khỏi mặt nước trong khi vành phía Nam chỉ nhô lên khi nước triều xuống 0.2 m. Vụng biển của rạn vòng này sâu từ 7.3 đến 14.6 m. Việt Nam chiếm cứ bãi san hô này vào năm 1988 với 3 vị trí đóng quân.

Đá Đông 24/2/2017

ĐÁ LÁT

Đá Lát (English: Ladd Reef, China: Riji Jiao – GPS: 8° 39′ 56″ N, 111° 40′ 28″ E) là một rạn san hô thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Trong số các thực thể địa lý do Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa, đá Lát là đá nằm xa nhất về phía Tây, cách đảo Trường Sa khoảng 14 hải lý (25.9 km) về phía Tây. Đá nằm theo trục Đông Bắc – Tây Nam, có chiều dài khoảng 5.9 km, chiều rộng khoảng 1.6 km và diện tích là 9.9 km². Ở giữa rạn san hô này có một vụng biển kín, nhưng Việt Nam đã đào một kênh nước nối từ biển vào năm 2016. Đá Lát chìm ngập dưới nước khi thủy triều lên, nhưng khi thủy triều xuống thấp thì có nhiều hòn đá riêng lẻ nhô lên khỏi mặt biển. Năm 1994, một hải đăng được Việt Nam xây trên nền san hô cách nơi đồn trú của hải quân hơn 300 m về phía Bắc, có kết cấu bằng thép với những lỗ xiên hoa. Chiều cao tháp đèn là 42 m, tầm hiệu lực ban ngày là 15 hải lý còn ban đêm là 18 hải lý.

Đá Lát 4/5/2016

ĐÁ LỚN

Đá Lớn (English: Discovery Great Reef, China: Daxian, Philippines: Paredes Reef, Malaysia: Terumbu Paredes – GPS: 10° 03′ 00″ N, 113° 51′ 00″ E) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Nam Yết khoảng 28 hải lý (51.9 km) về phía Tây-Tây Nam. Hiện Việt Nam đang kiểm soát đá này như một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời kỳ 1988-1994, lực lượng Công binh Hải quân Việt Nam đã xây dựng ba nhà lâu bền tại ba điểm đóng quân trên đá Lớn. Đồng thời, họ còn mở một luồng để tàu thuyền có thể đi vào vụng biển của đá Lớn.

Đá Lớn 26/4/2017

ĐÁ NAM

Đá Nam (English: South Reef, China: Nailuo Jiao – GPS: 11° 23′ 15” N, 114° 17′ 54″ E) là một rạn san hô thuộc cụm Song Tử của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Song Tử Tây khoảng 3.5 hải lý (6.5 km) về phía Tây Nam nằm theo trục Đông Bắc – Tây Nam với chiều dài khoảng 2.3 km và chiều rộng khoảng 1.5 km. Có nhiều hòn đá nhô lên khỏi mặt biển khi thủy triều thấp. Đá Nam là 1 trong 2 vị trí được Việt Nam nâng cấp trong thời gian gần đây.

Việt Nam xây dựng trên bãi san hô South Reef (đá Nam)

ĐÁ NÚI LE

Đá Núi Le (Engish: Cornwallis South Reef, China: Nanhua Jiao, Philippines: Osmeña Reef – GPS: 8° 42′ 44″ N, 114° 11′ 1″ E) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Đặc điểm: trải dài theo trục Bắc-Nam với chiều dài khoảng 10 km và chiều rộng khoảng 5 km. Phía trong bãi san hô có hồ, chiều dài hồ khoảng 8.3 km, chiều rộng khoảng 3.5 km. Khi thủy triều xuống thấp nhất thì rải rác có những chỗ nhô lên khỏi mặt nước. Tổng diện tích của rạn vòng này là 35 km².  Đảo Đá Núi Le có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nằm ở vị trí trung tâm thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng với các đảo Tốc Tan, Tiên Nữ, An Bang, Thuyền Chài, tạo thành lá chắn vòng ngoài. Hiện ở đảo Đá Núi Le có 3 điểm đóng quân từ năm 1988 là điểm A ở thềm san hô phía Tây Nam và điểm B ở thềm san hô phía Bắc. Bãi san hô Núi Le có thềm san hô tương đối khép kín. Diện tích bồi đắp cho đến bây giờ chỉ mới 4.17 acres.

Đá Núi Le 6/1/2018

ĐÁ NÚI THỊ

Đá Núi Thị (English: Petley Reef, China: Bolan Jiao, Philippines: Juan Luna Reeflà một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Sơn Ca khoảng 6 hải lý (11.1 km) về phía Đông-Đông Bắc. Đặc điểm: hơi tròn và dẹt về hai đầu, nằm theo trục đông Bắc-Tây Nam với chiều dài khoảng 1.5–2 km và chiều rộng khoảng 1-1.3 km. Đá này sâu không đều và dốc dần về hướng Đông Nam; khi thủy triều cao khoảng 1.2 m thì toàn bộ đá chìm dưới nước khoảng 0.6 m; ngay cả khi nhô lên khỏi mặt nước 0.3 m thì ở giữa đá vẫn còn chỗ có nước. Tổng diện tích của đá Núi Thị là 1.72 km². Đá Núi Thị là 1 trong 2 vị trí được Việt Nam nâng cấp trong thời gian gần đây.

Việt Nam xây dựng trên bãi san hô Petley (đá Núi Thị)

ĐÁ TÂY

Đá Tây (English: West Reef, China: Xi Jiao, Philippines: Kanlurang Quezon Reef, Malaysia: Terumbu Kanluran – GPS: 8° 51′ 29″ N, 112° 13′ 33″ E) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Đá Tây cùng với đá Đông, đá Châu Viênrạn san hô chứa đảo Trường Sa Đông hợp thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải quốc tế gọi là London Reefs (cụm rạn Luân Đôn). Đá Tây nằm cách đảo Trường Sa 20 hải lý (37 km) về phía Đông Bắc. Đặc điểm: có dạng hình quả trám nằm theo trục Đông Bắc – Tây Nam. Các lạch nước phân vành san hô của rạn vòng này thành bốn phần riêng biệt. Một doi cát nổi lên với độ cao tối đa là 0.7 m ở bãi san hô phía Đông. Đây là bãi đá ngầm được cải tạo lớn nhất với 70.5 acres. Ngoài các công sự của hải quân thì tại đây còn có một ngọn đèn biển cùng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tổ hợp nuôi trồng thủy sản thí điểm.

Đá Tây 13/11/2017

ĐÁ TIÊN NỮ

Đá Tiên Nữ (English: Tennent Reef, China: Wumie Jiao, Philippines: Lopez-Jaena Reef – GPS: 8° 51′ 30″ N, 114° 39′ 22″ E) là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Đá Tiên Nữ cách cụm Sinh Tồn 100 km về phía Nam, là thực thể nằm xa nhất về phía Đông trong số các thực thể địa lý do Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa.  Đá có dạng hình tam giác; chiều dài tối đa và chiều rộng tối đa lần lượt là 6.5 km và 2.8 km. Khi thủy triều xuống còn 0.1 m thì toàn bộ vành ngoài mép san hô đều nổi cao lên khỏi mặt biển. Tổng diện tích của rạn san hô vòng này là 3.4 km². Có 2 công sự phòng thủ phía Đông Bắc và phía Tây. Năm 2000, Việt Nam xây một hải đăng trên đá Tiên Nữ. Tháp cao hơn 22 m, toàn bộ sơn màu vàng chanh, có khối đế là một tòa nhà ba tầng và cũng là nơi đồn trú của quân đội. Tầm hiệu lực ban ngày là 14 hải lý còn ban đêm là 15 hải lý.

Đá Tiên Nữ 15/6/2017

THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM

Khu vực thềm lục địa phía Nam nằm ở phía Đông Nam bờ biển Việt Nam; có vị trí nằm trong giới hạn khoảng từ vĩ độ 07º10’ N – 08º30’ N và kinh độ 109º00’ E – 112º30’ E, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía Đông Bắc và Đông khu vực DK1 là quần đảo Trường Sa; phía Nam là vùng biển của Việt Nam và vùng biển của các nước Malaysia, Indonesia; phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Đảo của Việt Nam. Bãi cạn Ba Kè/Vũng Mây (Rifleman Bank) nằm về phía cực Đông của thềm lục địa, chỉ cách các đảo Đá Lát, Trường Sa và An Bang của Việt Nam tại Trường Sa khoảng 40 – 70 hải lý. Hai bãi Phúc Tần (Prince of Wales Bank) và Huyền Trân (Alexandra Bank) nằm giữa, phía Bắc. Bãi Quế Đường (Grainger Bank) nằm ở trung tâm. Bãi Phúc Nguyên (Prince Consort Bank) nằm về phía Tây. Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) nằm ở phía Tây Nam.

Khu vực thềm lục địa Việt Nam

Hệ thống nhà giàn DK1 gồm bảy cụm­ là Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè/Vũng Mây và Cà Mau với tất cả 20 nhà giàn từng được xây dựng trên thềm lục địa. Chiều sâu mực nước bãi cạn thấp nhấp là 7m tại DK1/3 và sâu nhất là 25m tại DK1/15. Các nhà giàn được xây dựng từ năm 1989 đến 1998. Năm nhà giàn đã bị bảo đánh sập. Hiện tổng cộng có cả thảy 15 nhà giàn đang sử dụng, trong đó có 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng trên nóc, 4 nhà giàn có hải đăng và 1 nhà giàn có trạm quan trắc khí tượng. Có 14 nhà giàn ở khu vực giáp với vùng biển quần đảo Trường Sa và một nhà giàn (DK1/10) ở bãi cạn Cà Mau trên vùng biển Tây Nam.

BÃI BA KÈ/VŨNG MÂY

Bãi Vũng Mây là bãi ngầm hoàn toàn chìm ngập dưới nước, cách đất liền Việt Nam 260 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi Tư Chính 94 hải lý về phía Đông, cách đảo Trường Sa 40 hải lý về phía Nam, cách đảo An Bang 70 hải lý về phía Tây. Thực chất đây là một rạn san hô vòng, trải dài hơn 50 km theo trục Đông Bắc-Tây Nam từ 7°31’B đến 7°57’B, trải rộng 20 km theo trục Tây-Đông từ 111°32’Đ đến 111°46’Đ. Nếu quan sát từ không gian, phần mặt bằng rạn nhìn thấy được có vẻ rời rạc, chỉ chiếm diện tích 59.65 km², song nếu xét ở những độ sâu lớn hơn thì có thể vành san hô vẫn liền mạch. Nhiều bãi cạn trên vành san hô đã được đặt tên, chẳng hạn đá Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh, bãi Kim Phụng, bãi Đại Nội, bãi Ngự Bình…, có độ sâu 3-11 m. Nơi nông nhất trong bãi Vũng Mây là đá Ba Kè, sâu 3.2 m. Bên trong vành san hô là vụng biển chiếm đến 661.74 km² diện tích.

Cụm nhà giàn Ba Kè (English: Rifleman Bank – GPS: 7°46′ N, 111°39′ E) được thành lập chính thức từ ngày 5 tháng 7 năm 1989, xây dựng trên bãi Ba Kè (Bombay Castle) và bãi ngầm Vũng Mây (Rifleman Bank) thuộc thềm lục địa phía Nam. Cụm hiện tại có ba nhà giàn đang sử dụng:

  • Nhà giàn DK1/9: còn gọi là nhà giàn Ba Kè B hay Ba Kè 2 năm 1993.
  • Nhà giàn DK1/20: còn gọi là nhà giàn Ba Kè C hay Ba Kè 3, hoàn thành năm 1998.
  • Nhà giàn DK1/21: còn gọi là nhà giàn Ba Kè D hay Ba Kè 4, hoàn thành năm 1998. Đây là nhà giàn có ngọn hải đăng Ba Kè.

Nhà giàn Ba Kè/Vũng Mây chụp ngày 3/4/2017

BÃI HUYỀN TRÂN

Bãi Huyền Trân (English: Alexandra Bank – GPS: 08°01′ N, 110°37′ E) là rạn san hô, nằm cách Vũng Tàu 248 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi Quế Đường 11 hải lý về phía Đông Bắc và chỉ cách bãi Phúc Tần 3.5 hải lý về phía Đông Nam. Rạn dài 8 km theo trục Bắc-Nam và rộng 5.5 km theo trục Tây-Đông. Tổng diện tích 32.61 km², trong đó vụng biển chiếm 18.02 km². Phần vành đai sâu 6-8 m, nở rộng đến 0.8–1 km ở phần Bắc, Đông Bắc, Đông và Đông Nam. Phần vụng biển sâu hơn 10 m, tối đa chỉ 20 m. Nơi nông nhất của bãi Huyền Trân có độ sâu 5.3 m.

Cụm nhà giàn Huyền Trân được thành lập chính thức năm 1991, xây dựng trên bãi cạn Huyền Trân (Alexandra Bank) thuộc thềm lục địa phía Nam. Cụm hiện tại có một nhà giàn đang sử dụng:

  • Nhà giàn DK1/7: còn gọi là nhà giàn Huyền Trân, hoàn thành năm 1991. Đây là nhà giàn có ngọn hải đăng và trạm quan sát khí tượng Huyền Trân

Bãi Huyền Trân và nhà giàn DK1/7 chụp ngày 7/10/2017

BÃI QUẾ ĐƯỜNG

Bãi Quế Đường (English: Grainger Bank – GPS: 07°47’35” N, 110°30’03” E) là rạn san hô nằm cách đất liền Việt Nam 225 hải lý. Vị trí so với các bãi ngầm xung quanh như sau: cách bãi Huyền Trân 13 hải lý về phía Tây Nam, cách bãi Phúc Tần 15 hải lý về phía Nam, cách bãi Phúc Nguyên 26 hải lý về phía Đông và cách bãi Tư Chính 35 hải lý về phía Đông-Đông Bắc. Phần mặt bằng rạn quan sát được dài 10 km theo trục Đông Bắc-Tây Nam và rộng 4.5 km theo trục Đông-Tây; tổng diện tích 27,6 km². Bãi sâu vào khoảng 11-14.6 m, nông nhất là ở đông bắc bộ và dọc theo mặt đông nam bộ.

Cụm nhà giàn Quế Đường được thành lập chính thức từ ngày 4 tháng 11 năm 1991, xây dựng trên bãi cạn Quế Đường thuộc thềm lục địa phía Nam. Cụm hiện tại có hai nhà giàn đang sử dụng:

  • Nhà giàn DK1/8: còn gọi là nhà giàn Quế Đường A, hoàn thành năm 1991. Đây là nhà giàn có ngọn hải đăng Quế Đường.
  • Nhà giàn DK1/19: còn gọi là nhà giàn Quế Đường A, hoàn thành năm 1997.

Bãi Quế Đường và nhà giàn DK1/19 chụp ngày 7/10/2017

BÃI PHÚC NGUYÊN

Bãi Phúc Nguyên (English: Prince Consort Bank – GPS: 10° 24′ 37″ N, 114° 35′ 15″ E) là một cụm rạn san hô nằm cách đất liền Việt Nam hơn 200 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi Quế Đường 30 hải lý về phía Tây-Tây Bắc, cách bãi Phúc Tần 26 hải lý về phía Tây Nam. Rạn dài 20 km theo trục Bắc-Nam và rộng 14 km theo trục Đông-Tây. Diện tích phần mặt bằng rạn quan sát được là 9,53 km². Bãi này sâu ít nhất là 18 m ở rìa Tây Bắc, có những chỗ sâu 22-24 m.

Cụm nhà giàn Phúc Nguyên được thành lập chính thức từ ngày 10 tháng 11 năm 1990, xây dựng trên bãi cạn Phúc Nguyên (Prince Consort Bank) thuộc thềm lục địa phía Nam. Cụm hiện tại có một nhà giàn đang sử dụng:

  • Nhà giàn DK1/15: còn gọi là nhà giàn Phúc Nguyên 2, hoàn thành năm 1995.

Bãi Phúc Nguyên và nhà giàn DK1/15 chụp ngày 7/8/2017

BÃI PHÚC TẦN

Bãi Phúc Tần (English: Prince of Wales Bank – GPS: 8° 7′ 2” N, 110° 31′ 12” E) là một rạn san hô vòng nằm cách đất liền Việt Nam hơn 200 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi Quế Đường 14 hải lý về phía Bắc, và chỉ cách bãi Huyền Trân 4 hải lý về phía Tây Bắc. Rạn dài 20 km theo trục Đông Bắc-Tây Nam và rộng 13 km theo trục Tây Bắc-Đông Nam. Diện tích phần mặt bằng rạn quan sát được là 37 km², vụng biển là 137  km². Nơi nông nhất của bãi này nằm ở phía tây, có độ sâu 7.3 m.

Cụm nhà giàn Phúc Tần được thành lập chính thức từ ngày 24 tháng 8 năm 1989, xây dựng trên bãi cạn Phúc Tần (Prince of Wales Bank) thuộc thềm lục địa phía Nam. Cụm hiện tại có bốn nhà giàn đang sử dụng:

  • Nhà giàn DK1/2: còn gọi là nhà giàn Phúc Tần A, hoàn thành năm 1993.
  • Nhà giàn DK1/16: còn gọi là nhà giàn Phúc Tần B, hoàn thành năm 1996.
  • Nhà giàn DK1/17: còn gọi là nhà giàn Phúc Tần C, hoàn thành năm 1996.
  • Nhà giàn DK1/18: còn gọi là nhà giàn Phúc Tần D, hoàn thành năm 1997. Đây là nhà giàn có ngọn hải đăng Phúc Tần.

Bãi Phúc Tần và nhà giàn DK1/18 chụp ngày 4/8/2017

BÃI TƯ CHÍNH

Bãi Tư Chính (English: Vanguard Bank – GPS: 7° 30′ 49″ N, 109° 39′ 58″ E) là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông, cách đất liền Việt Nam 220 hải lý về phía Đông Nam và cách bãi Phúc Nguyên 30 hải lý về phía Nam-Tây Nam. Bãi này nằm gần lộ trình hàng hải quốc tế, cách lộ trình Hồng KôngSingapore 60 hải lý về hướng Đông Nam. Bãi dài 63 km, rộng 11 km. Phần mặt bằng rạn quan sát được có diện tích 33.88 km². Nơi nông nhất nằm đầu mút phía Bắc, có độ sâu 16 m.

Cụm nhà giàn Tư Chính được thành lập chính thức từ ngày 4 tháng 7 năm 1989, xây dựng trên bãi cạn Tư Chính thuộc thềm lục địa phía Nam. Cụm hiện tại có ba nhà giàn đang sử dụng:

  • Nhà giàn DK1/11: còn gọi là nhà giàn Tư Chính C hay Tư Chính 3, hoàn thành năm 1994.
  • Nhà giàn DK1/12: còn gọi là nhà giàn Tư Chính D hay Tư Chính 4, hoàn thành năm 1994.
  • Nhà giàn DK1/14: còn gọi là nhà giàn Tư Chính E hay Tư Chính 5, hoàn thành năm 1995.

Bãi Tư Chính và nhà giàn DK1/14 chụp ngày 15/11/2017

BÃI CẠN CÀ MAU

Cụm nhà giàn Cà Mau được thành lập năm 1994, xây dựng trên bãi cạn Cà Mau thuộc vùng vịnh Thái Lan, cách rất xa về phía Nam Việt Nam so với 6 cụm nhà giàn trên. Cụm nhà giàn Cà Mau hiện tại chỉ có một nhà giàn DK1/10, còn gọi là nhà giàn Cà Mau, hoàn thành năm 1994, đang sử dụng.

Nhà giàn DK1/10 tại Cà Mâu

 

THAM KHẢO

  1. Bài viếtViệt Nam nâng cấp các đảo tại Trường Sa” của tác giả năm 2017.
  2. Bài viết “Vietnam Island Tracker” của CSIS/AMTI năm 2019.
  3. Nhà giàn DK1 – Wikipedia
  4. Bài viết “Chậm nhưng chắc chắn: Việt Nam xây cất các công trình trên đảo Trường Sa” trên mạng Viễn Đông Daily News ngày 4/10/2019.
  5. Bài viết “Việt Nam âm thầm bồi đắp vài đảo tại Trường Sa” trên mạng Người Việt ngày 4/10/2019.

—–

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *