Việt Nam xâm lược hay giải phóng Campuchia

1.070 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam xua quân sang Campuchia, lật đổ chế độ Khmer đỏ và đưa ông Hun Sen, một cựu chỉ huy Khmer đỏ, lên cầm quyền. Đúng bốn mươi năm sau, Campuchia giờ vẫn do Hun Sen lãnh đạo, rõ ràng đang nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh, tác giả David Hutt viết trong một bài báo đăng trên Asia Times, ngày 7/1/2019.

Tội ác diệt chủng của Pon Pot

Hôm 30/5/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên facebook cá nhân của mình rằng Việt Nam xâm lược Campuchia và thay thế Khmer Đỏ bằng chính phủ Campuchia. Sự việc này lập tức gây phản ứng từ nhiều phía, cả Việt Nam và Campuchia. Trong bài viết chia buồn với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha về sự qua đời của cựu Thủ tướng Thái Lan, tướng Prem Tinsulanonda, Thủ tướng Singapore viết rằng “Thời ông ấy là Thủ tướng trùng với thời gian các thành viên ASEAN (5 nước) cùng nhau chống lại việc xâm lược Campuchia của Việt Nam và thay thế Khmer Đỏ bằng chính phủ Campuchia. Thái Lan là tuyến đầu, đối mặt với lực lượng của Việt Nam trên biên giới với Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận sự đã rồi và làm việc với các đối tác ASEAN để chống lại sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế”.

Trả lời dư luận, Singapore nói: “Singapore rất coi trọng quan hệ với Campuchia và Việt Nam. Bất chấp khác biệt trong quá khứ, chúng tôi đã luôn đối xử với nhau với sự tôn trọng và bằng hữu. Quan hệ song phương đã tăng trong nhiều lĩnh vực, và chúng tôi hợp tác với các nước Đông Nam Á khác để xây dựng Asean thống nhất và đoàn kết. Việc ông Lý Hiển Long nhắc tới chương đau thương trong lịch sử Đông Dương không có gì mới. Nó phản ánh quan điểm từ lâu của Singapore, mà cũng đã từng nói công khai trước đây. Thủ tướng sáng lập, Lý Quang Diệu, từng viết về chuyện này trong hồi ký. Asean (khi đó gồm 5 thành viên) cũng từng nêu quan điểm về Campuchia trong tuyên bố chung gửi Hội đồng Bảo an LHQ năm 1979, “khẳng định quyền của nhân dân Campuchia được tự quyết tương lai, không bị can thiệp hay ảnh hưởng từ ngoại quyền để thực thi quyền tự quyết”.

Không hiểu tại sao Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại đưa ra vấn đề này một cách không cần thiết sau 40 năm. Nhìn lại lịch sữ, trước khi cuộc chiến Việt Nam sắp sửa chấm dứt, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhất là Thái Lan đều không muốn một nước Việt Nam thống nhất dù rằng dưới chế độ Dân Chủ hay Cộng Sản. Một nước Việt Nam thống nhất sẽ là một đối thủ đáng gờm trong vùng Đông Nam Á. Trung Quốc đã làm mọi cách để làm suy yếu Việt Nam từ Tranh Chấp Biển Đông cho đến việc mở một mặt trận với Lào và Campuchia ở phía Tây. Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt năm 1975 nhưng Việt Nam đã phải đối phó với một cuộc chiến lớn hơn trong 10 năm sau đó và vẫn tiếp tục kéo dài như là định mệnh dân tộc. Thủ tướng Lý Hiển Long dù sao là một người gốc Hoa nên thỉnh thoảng ông cũng đưa ra vài nhận định có lợi cho Trung Quốc. Như gần đây, ông Lý Hiển Long yêu cầu Hoa Kỳ công nhận Trung Quốc như một thực thể. Điều này chẳng ai cần phải nói. Tất cả mọi nước trong vùng đều phải chấp nhận một sự thật là Hoa Kỳ cuối cùng đã và đang xem Trung Quốc như là một đối thủ chính từ kinh tế đến quân sự.

QUAN HỆ VIỆT NAM, CAMPUCHIA VÀ TRUNG QUỐC 1975-1978

Trung Quốc và vụ án diệt chủng Pol Pot: Nhắc đến Khmer Đỏ, nhiều người vẫn cảm thấy ớn lạnh bởi cuộc diệt chủng mà họ đã gây ra đối với người Campuchia nhiều năm trước. Tuy nhiên, còn có một điều không mấy người biết đến, chính là “ông lớn” hậu thuẫn phía sau cuộc tàn sát này.

Quá khứ từng ủng hộ chế độ Pol Pot đến nay vẫn là một trong những khía cạnh nhạy cảm nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh của Trung Quốc. Từ tháng 4/1975 đến tháng 1/1979, Trung Quốc là đối tác bên ngoài chính yếu của chính phủ Campuchia Dân chủ tàn bạo. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã luôn cố hạ thấp mối quan hệ thân cận này, trong khi giới lãnh đạo Campuchia ngày nay lại mong muốn tái lập mối ràng buộc gần gũi với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chủ đề này một lần nữa lại được gợi lên khi một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn mở phiên xét xử các cựu quan chức Khmer Đỏ tại Phnom Penh. Vào năm 2009, thời điểm phiên tòa đầu tiên bắt đầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du (Jiang Yu) đã lên tiếng bảo vệ rằng nước này luôn thiết lập “các mối quan hệ hữu nghị thông thường” với các chính phủ của Campuchia và chế độ Pol Pot chỉ là một trong số đó. Vào năm 2010, đại sứ Trung Quốc ở Campuchia thừa nhận rằng Trung Quốc đã từng cung cấp viện trợ lương thực nhưng quả quyết “chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ tham gia hay can thiệp vào hoạt động chính trị của Campuchia Dân chủ”. Một số nhân vật phe đối lập của Campuchia đã lên tiếng phủ nhận ý kiến này, buộc tội Trung Quốc chịu trách nhiệm một phần đối với các vụ giết chóc, và có trường hợp họ còn tuyên bố rằng “Trung Quốc nợ người dân Campuchia một lời xin lỗi.”

Đây không phải là lần đầu tiên vai trò của Trung Quốc được đưa ra xem xét trong phòng xử án. Vào năm 1979, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia do Việt Nam hậu thuẫn đã thành lập một tòa án xét xử Pol Pot và ngoại trưởng Campuchia Dân chủ Ieng Sary. Phiên tòa này đã quy hầu hết trách nhiệm về tội ác của Khmer Đỏ lên Bắc Kinh, rõ ràng với mục đích làm suy giảm uy tín của Bắc Kinh khi Chiến tranh Đông Dương lần ba (hay chiến tranh biên giới Việt-Trung – ND) bước vào giai đoạn khốc liệt. Phán xét của tòa án cho rằng Trung Quốc “đã tăng cường ồ ạt hỗ trợ quân sự và thiết lập một mạng lưới cố vấn dày đặc để giám sát mọi hoạt động” của lãnh đạo Campuchia Dân chủ, “xúi giục bè lũ này tiến hành một chính sách diệt chủng tàn khốc chống lại đồng bào chúng ta… và cả cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Việt Nam,” đồng thời đóng vai trò “kẻ chủ mưu đáng căm phẫn của kế hoạch này.” Dù những phiên tòa ngày nay hẳn sẽ không đưa ra những định kiến tương tự chống lại Bắc Kinh, nhưng câu hỏi về bản chất và mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc lên nhà nước Campuchia Dân chủ vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong một phát biểu trên truyền hình vào tháng 3/2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Là lãnh đạo của một quốc gia, khi thừa kế thành quả từ những người tiền nhiệm, họ cũng cần phải gánh vác trách nhiệm về những tội ác của thế hệ trước”. Đối chiếu với phát biểu đó, một số nhà sử học độc lập từ Trung Quốc đã nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tội ác diệt chủng tại Campuchia thời Khmer Đỏ. Nhà sử học Zhang Lifan phát biểu: “Chính quyền Trung Quốc luôn tuyên truyền những việc mà họ thấy có lợi và tránh né những vấn đề mà họ có thể bị chỉ trích, bằng cách kiểm duyệt truyền thông và cấm xuất bản sách”. Theo bài viết của tác giả Dan Levin trên Thời báo New York, trong thập niên 70, ông Mao Trạch Đông muốn tạo dựng một nước chư hầu trong thế giới các nước đang phát triển để đối chọi với sự ảnh hưởng của Mỹ và Liên Xô. Ông ta đã tìm ra nước láng giềng Campuchia. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Andrew Mertha, tác giả cuốn sách “Brothers in Arms: China’s Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979” (tạm dịch: “Huynh đệ sát cánh: Viện trợ của Trung Quốc cho Khmer Đỏ, 1975-1979”) cho biết: “Để chứng tỏ là một thế lực đang trỗi dậy, chính quyền Trung Quốc cần thiết lập vây cánh, và họ chọn Campuchia”.

Từ tháng 4/1975 đến tháng 1/1979, Trung Quốc là đối tác bên ngoài chính yếu của chính phủ Khmer Đỏ. Sau chiến thắng vào tháng 4/1975, các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đã gần như tự động tìm đến Trung Quốc và hắt hủi phương Tây. Ngay sau khi tiến vào Phnom Penh, quân Khmer Đỏ đã đổ về đại sứ quán Liên Xô, bắt trói các nhà ngoại giao Xô Viết và dồn tống họ vào đại sứ quán Pháp để trục xuất về nước cùng các vị khách phương Tây không còn được chào đón khác. Vào ngày 19/4, Ieng Sary đã công du đến Bắc Kinh và đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận cung cấp 13,300 tấn vũ khí và sẽ vận chuyển chúng qua cảng Kampong Saom. Bốn ngày sau, ông ta trở lại Phnom Penh cùng một nhóm quan chức và chuyên viên kỹ thuật người Trung Quốc, đem theo các thiết bị liên lạc và những trang bị tối cần thiết cho việc thiết lập một chính phủ mới. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng luôn giành sự ủng hộ hầu như toàn bộ, nhân nhượng về các vấn đề đối ngoại cho chính quyền Khmer Đỏ. Vào tháng 2/1976, Wang Shanrong quay lại Phnom Penh và ký kết một thoả thuận viện trợ quân sự sâu rộng hơn mà Khmer Đỏ đã khởi động đàm phán với Đặng Tiểu Bình từ tháng 6/1975.

Theo như một tài liệu được đưa ra tại phiên tòa năm 1979, Wang đã thông báo với Bộ trưởng Quốc phòng của Campuchia là Son Sen rằng Trung Quốc có kế hoạch cung cấp 320 cố vấn quân sự; thiết bị radar, pháo phòng không, và một sân bay quân sự; bốn tàu hộ tống và tàu phóng ngư lôi; thiết bị cho một trung đoàn tăng thiết giáp, trung đoàn thông tin, ba trung đoàn pháo binh dã chiến, và một tiểu đoàn cầu phao cho quân đội… Với những hậu thuẫn lớn về mặt vũ khí, lương thực và cả ngoại giao, Trung Quốc đã biến Khmer Đỏ trở thành một lực lượng chính trị có thế lực lớn tại Campuchia lúc bấy giờ. Theo ông Mertha, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Cornell (Mỹ), thì Trung Quốc đã cung cấp ít nhất 90% viện trợ nước ngoài cho Khmer Đỏ, từ lương thực và thiết bị xây dựng đến xe tăng, máy bay và trọng pháo. Thậm chí khi Khmer Đỏ đang tàn sát người dân Campuchia thì các kỹ sư Trung Quốc và các cố vấn quân sự tiếp tục đào tạo đồng minh Cộng Sản này ở Campuchia. Ông nói: “Nếu không có trợ giúp của chính quyền Trung Quốc thì chính quyền Khmer Đỏ đã không thể tồn tại được 1 tuần”. Theo lời khai của cựu viên chức Khmer Đỏ, Youk Chhang, một người còn sống sót thời diệt chủng và từng là giám đốc Trung tâm Tài liệu Campuchia, thì khác hẳn: Các cố vấn Trung Quốc đã ở đây, sát cánh cùng Khmer Đỏ, từ cai ngục đến các lãnh đạo cao nhất. Nhưng chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận và xin lỗi về điều này”.

Theo tờ Diplomat, các học giả cho rằng có khoảng 5,000 cố vấn và kỹ thuật viên của Trung Quốc có mặt tại Campuchia thời điểm đó để hỗ trợ chính quyền Khmer Đỏ. Lao Mong Hay, cựu Giám đốc của Viện Dân chủ Khmer tại Phrom Penh nói: “Trung Quốc nợ người dân Campuchia một lời xin lỗi. Họ đã ủng hộ Khmer Đỏ trước và trong khi nắm chính quyền bất kể điều gì xảy ra với người dân Campuchia”. Theo ông Mong Hay, Trung Quốc đã viện trợ 1 tỷ USD cho Khmer Đỏ trước năm 1979 và thêm 1 tỷ USD nữa sau năm 1979 để họ đánh lại quân Việt Nam ở Campuchia. Cho đến năm 1978, đã có 20,000 cố vấn Trung Quốc tại Campuchia.

Cuộc chiến Tây Nam giữa Việt Nam và Pol Pot: Sau Chiến tranh Việt Nam, Việt NamCampuchia xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Tranh chấp và xung đột biên giới xảy ra liên tục trong các năm 19771978, nhưng cuộc xung đột thực ra đã bắt đầu ngay sau khi Sài Gòn thất thủ.

 

 Trận chiến Tây Nam 1978 – 1979

Cuộc chiến có thể chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Từ giữa năm 1975 đến cuối năm 1978: Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng ngàn thường dân Việt Nam. Phía Việt Nam chỉ tổ chức phòng ngự và cố đàm phán tìm giải pháp hòa bình, nhưng Khmer Đỏ bác bỏ.
  • Giai đoạn 2: Từ tháng 12/1978 đến tháng 5/1979: Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn nhưng bị phía Việt Nam bẻ gãy. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.
  • Giai đoạn 3: Từ giữa năm 1979 đến cuối năm 1985: Khmer Đỏ với sự trợ giúp về lương thực, vũ khí của Thái Lan, Trung QuốcHoa Kỳ đã tổ chức đánh du kích và đe dọa sự tồn tại của chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Năm 1982, Việt Nam rút bớt quân khỏi Campuchia, ngay sau đó Khmer Đỏ hoạt động mạnh trở lại và chiếm một số khu vực. Nhận thấy quân đội Cộng hòa Nhân dân Campuchia còn rất yếu ớt nên không thể tự chống cự được, Việt Nam buộc phải tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ Hun Sen và truy quét Khmer Đỏ. Mùa khô 1984 – 1985, cuộc tấn công quyết định của Việt Nam đã phá hủy các căn cứ chính của Khmer Đỏ, khiến Khmer Đỏ suy yếu đi nhiều và không còn đủ sức đe dọa chế độ mới của Campuchia.
  • Giai đoạn 4: Từ 1986 tới 1989: Sau chiến dịch mùa khô năm 1985, nhận thấy chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã tự đứng vững được, từ năm 1986, Việt Nam rút dần quân khỏi Campuchia và đến năm 1989 thì rút hết. Nhân việc Việt Nam rút quân, các lực lượng tàn quân của Khmer Đỏ định tái hoạt động, nhưng bị quân đội Hun Sen đánh bại. Khmer Đỏ dần tan rã, các lãnh đạo bị bắt và bị đưa ra xét xử ở tòa án quốc tế.

Điều cần để ý là Trung Quốc thời Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình là nước bảo trợ cho Khmer Đỏ, nhưng Hoa Kỳ là nước cổ vũ chính cho Trung Quốc. Washington đã dính líu vào Campuchia từ khi Henry Kissinger làm Cố vấn an ninh Quốc gia và Ngoại trưởng thời hai tổng thống Richard Nixon và Gerard Ford. Tom Fawthrop, đồng tác giả với Helen Jarvis trong cuốn “Getting Away with Genocide? Elusive Justice and the Khmer Rouge Tribunal” nói về các trận ném bom rải thảm của Mỹ ở Campuchia, “giết chết 250 nghìn dân”, và đây là điều làm dậy lên các cáo buộc đòi đưa cố vấn an ninh Henry Kissinger của Hoa Kỳ ra tòa án quốc tế. Sau Cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ theo đuổi chiến lược của Zbigniew Brzezinski ủng hộ Trung Quốc để chia rẽ khối Cộng Sản và bao vây Liên Xô và trừng phạt Hà Nội, đồng minh của Moscow tại châu Á. Nước Anh trong thời gian bà Margaret Thatcher cầm quyền cũng từng hỗ trợ tích cực cho lực lượng liên minh do Khmer Đỏ chỉ huy trong thời gian 1985-1989. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh Hoa Kỳ-Sô Viết thì điều này cũng dể hiểu. Ngoài ra, không thể không nhắc tới Thái Lan, quốc gia láng giềng từng một thời để các nhóm quân Pol Pot ẩn náu và làm căn cứ kháng chiến chống lại chính quyền Phnom Penh.

Hun Sen và Trung Quốc: Ngày 22/3/2019, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đã bác bỏ các chỉ trích nói rằng Trung Quốc đang “thuộc địa hóa” nước này giữa bối cảnh Bắc Kinh đổ hàng tỷ USD để hỗ trợ Phnom Penh. Trong bài phát biểu của mình, ông Hun Sen đã gây nhiều sự chú ý khi đề cập tới các chỉ trích nói rằng Trung Quốc đang “thuộc địa hóa” xứ sở chùa tháp. “Giới chỉ trích nói rằng Trung Quốc đang thuộc địa hóa Campuchia … Mặc dù Trung Quốc muốn kiểm soát Campuchia, Campuchia sẽ không để Trung Quốc làm như vậy”, ông Hun Sen nêu rõ.

Campuchia đã tổ chức lễ động thổ xây dựng một tuyến cao tốc trị giá 2 tỷ USD có sự đầu tư của Trung Quốc. Phát biểu tại sự kiện này ở tỉnh Kampong Speu, Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, nói: “Tuyến cao tốc này sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD. Đây là một dự án cực lớn”. Nhà lãnh đạo Campuchia nói thêm rằng đây cũng là “tuyến cao tốc đầu tiên” của nước này. Một khi được hoàn thành vào năm 2023, tuyến cao tốc đầu tiên của Campuchia sẽ nối thủ đô Phnom Penh với thành phố cảng Sihanoukville – nơi từng được một số người gọi là “tiểu Macau” với vô số sòng bạc và du khách Trung Quốc dày đặc. Tuyến cao tốc dài gần 200km này đang được xây dựng bởi Công ty xây dựng cầu đường Trung Quốc (CRBC) và là một phần trong số các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh. Là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia, Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào nền kinh tế của xứ sở chùa tháp. Theo Hãng tin AFP, ông Hun Sen thường xuyên khen ngợi các khoản viện trợ “không có ràng buộc” của Trung Quốc khi đem ra so sánh với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Nhà lãnh đạo Campuchia cũng bác bỏ các tin đồn nói rằng Trung Quốc dự định xây cảng hải quân tại nước này.

Điều đáng để ý là Trung Quôn luôn luôn tập trung vào Campuchia thay vì đầu tư rộng rãi vào các nước khác trong vùng. Đối với một số người thì đây có lẽ là điều bất ngờ. Nhưng đối với nhiều người khác, đó chỉ là bằng chứng mới nhất sau một loạt những bài báo hồi năm ngoái cho rằng việc Hun Sen theo đuôi Bắc Kinh đã đẩy đảng CPP của Hun Sen ngày càng xa rời Việt Nam. Một bài báo hôm 27/3 trên tờ Asia Times có tiêu đề là ‘Hun Sen sẵn sàng liều đánh mất đồng minh lâu năm nhất’ của tác giả Alan Parkhouse, người vừa rời khỏi chức vụ tổng biên biên tập của tờ Khmer Times có quan điểm thân chính phủ, thậm chí còn cho rằng bản thân Việt Nam đã quay lưng lại với Thủ tướng Campuchia. “Việt Nam đã nói với Hun Sen rất thẳng thừng rằng ông đã nắm quyền quá lâu giờ đã đến lúc phải ra đi,” Parkhouse dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao của Campuchia cho biết. “Hai vấn đề khiến Hà Nội bực mình nhất là mối quan hệ chặt chẽ của Hun Sen với Trung Quốc và việc trục xuất công dân Việt Nam khỏi Campuchia.”

Sòng bạc Oriental Pearl tại Sihanoukville luôn đông khách. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên nếu mối giao tình kéo dài 40 năm giữa Hun Sen với Việt Nam đã trở nên xấu đi do việc ông kết thân với Bắc Kinh và việc Phnom Penh thay mặt Trung Quốc phá hoại sự đoàn kết của Asean như thế nào trên Biển Đông thì đó cũng là điều được giữ kín. Hy vọng ông Hun Sen có đủ khôn khéo để không lặp lại bước đi của Pol Pot.

QUAN ĐIỂM CỦA THẾ GIỚI

Trong sách Vietnam’s Intervention in Cambodia in International Law (1990), học giả Gary Klintworth nói Việt Nam lẽ ra đã có thể giảm bớt sức ép quốc tế nếu biết nói lý lẽ tốt hơn.  Theo Gary Klintworth, lẽ ra Việt Nam nên nói chúng tôi can thiệp vừa vì tự vệ vừa vì can thiệp nhân đạo. Gary Klintworth có cảm tình với Việt Nam, nói rằng lật đổ Pol Pot là “hành vi tự vệ có lý (reasonable)”. Klintworth thậm chí cho rằng việc Việt Nam thay đổi chế độ ở Phnom Penh cũng chấp nhận được vì Việt Nam cần một chính quyền bớt thù địch. Klintworth thậm chí so sánh Việt Nam với việc đồng minh chiếm đóng Đức và Nhật năm 1945.

Tiến sĩ Nicholas J. Wheeler không hoàn toàn tin vào luận cứ của Klintworth nhưng thừa nhận: “Luận điểm hai cuộc chiến bị chế giễu ở Hội đồng Bảo an, nên Việt Nam rõ là để lỡ cơ hội khi không sử dụng lý lẽ trên để mà biện hộ cho sử dụng vũ lực.”

Môi trường quốc tế khi đó là ‘thù địch’: Phản ứng thù địch của quốc tế lúc này xuất phát từ ba nhóm:

  • Mỹ và các đồng minh xem hành vi của Việt Nam là một phần trong Chiến tranh Lạnh.
  • Asean lo sợ Việt Nam can thiệp vào Campuchia báo hiệu tham vọng bá chủ khu vực.
  • Các nước trung lập lo ngại Việt Nam vi phạm luật quốc tế.

Vấn đề đưa ra Đại hội đồng LHQ. Tại Đại hội đồng, Hoàng thân Sihanouk, đại diện chính quyền Campuchia Dân Chủ, nói hành vi của Việt Nam là “xâm lấn, chiếm lãnh thổ”. Trung Quốc ủng hộ, nói rằng luận cứ hai cuộc chiến của Việt Nam là “dối trá”. Mỹ thì thừa nhân vi phạm nhân quyền tại Campuchia, và còn thừa nhận Việt Nam có lo ngại an ninh chính đáng khi Campuchia tấn công vùng biên giới. Nhưng Mỹ nói “tranh chấp biên giới không cho phép một quốc gia quyền áp đặt một chính phủ thay chính phủ khác bằng vũ lực”.

Châu Âu và Nhật ngừng mọi viện trợ kinh tế cho Việt Nam. Anh Quốc nói “dù nhân quyền ở Campuchia có thế nào, không thể tha thứ cho Việt Nam, vốn có nhân quyền cũng đáng lên án, khi vi phạm lãnh thổ Campuchia Dân Chủ”. Đại sứ Pháp thậm chí bác bỏ lý do nhân đạo: “Quan niệm rằng vì một chính quyền đáng xấu hổ, mà có thể biện minh cho can thiệp nước ngoài và lật đổ, thật là nguy hiểm.” Đại sứ Na Uy nói Na Uy “mạnh mẽ phản đối” các vi phạm nhân quyền của Pol Pot, nhưng vi phạm nhân quyền này “không thể biện hộ cho hành động của Việt Nam”. Bồ Đào Nha nói hành động của Việt Nam “vi phạm rõ rệt nguyên tắc không can thiệp” bất chấp hồ sơ nhân quyền “tệ hại” ở Campuchia. New Zealand cũng nói Campuchia Dân Chủ của Pol Pot có nhiều cái xấu, nhưng “việc xấu của một nước không biện minh cho sự xâm lăng lãnh thổ của một nước khác”. Australia chỉ ra rằng nước này không hề có quan hệ ngoại giao với Pol Pot nhưng lại “hoàn toàn ủng hộ quyền của Campuchia Dân Chủ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”. Singapore phát biểu: “Không nước nào có quyền lật đổ chính phủ Campuchia Dân Chủ, dù chính phủ này có đối xử tàn tệ nhân dân thế nào. Đi ngược nguyên tắc này có nghĩa là thừa nhận chính phủ nước ngoài lại có quyền can thiệp và lật đổ chính phủ nước khác.”

Singapore nói thêm họ lo ngại Việt Nam đe dọa an ninh của Singapore và an ninh khu vực. Đến phiên các nước không liên kết như Bolivia, Gabon, Kuwait, Nigeria, Bangladesh. Các nước này tránh lên án trực tiếp Việt Nam nhưng cũng không ủng hộ Việt Nam, nhấn mạnh quy tắc không can thiệp.

Nhưng tại Hội đồng Bảo an, phe xã hội chủ nghĩa, dẫn đầu là Liên Xô và Tiệp Khắc, lại ủng hộ luận cứ hai cuộc chiến của Việt Nam. Liên Xô bảo chính Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã lật đổ Pol Pot. Đại sứ Liên Xô Troyanovsky còn nhấn mạnh “tội ác ghê tởm” của chính phủ Pol Pot. Nhưng Anh phản bác lại, nói rằng khi Anh nộp dự thảo nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền của Pol Pot, chính Liên Xô và Cuba đã phản đối. Vài ngày sau phiên họp ở LHQ, Trung Quốc kéo quân sang Việt Nam, mở đầu cuộc chiến biên giới ngắn ngày. Ngày 16/3, Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về một nghị quyết do Asean bảo trợ, kêu gọi ngừng bắn trong toàn khu vực, rút quân đội nước ngoài, và giải quyết bằng hòa bình. Liên Xô buộc phải dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết này. Đến cuối năm 1979, Đại hội đồng họp bàn việc ai sẽ đại diện cho Campuchia tại LHQ. Tại đây, 71 nước bỏ phiếu bác bỏ chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia (được Việt Nam và Liên Xô ủng hộ). Tại phiên họp này, các nước như Singapore bác bỏ lý do nhân đạo. Singapore nói: “Nếu chúng ta thừa nhận học thuyết can thiệp nhân đạo, thế giới sẽ càng nguy hiểm hơn cho các nước nhỏ như chúng tôi.” Nhiều nước trong Đại hội đồng cũng nói rằng việc họ phản đối Việt Nam không có nghĩa họ ủng hộ hành động vi phạm nhân quyền của Pol Pot. Asean tiếp tục gây sức ép với phiên thảo luận ba ngày trong tháng 11/1979 tại Đại hội đồng. Malaysia, đại diện cho Asean, nói can thiệp nội bộ vào Campuchia là nguyên nhân khiến an ninh suy sụp ở Đông Nam Á. Asean nói họ lo ngại xung đột sẽ lây lan sang Thái Lan. Đại sứ Malaysia lúc này nói họ thừa nhận Khmer Đỏ đã gây ra cái chết hàng trăm ngàn người, nhưng việc này không biện minh cho can thiệp của Việt Nam. Malaysia nói nguyên tắc không can thiệp bảo vệ kẻ yếu trước kẻ mạnh.

Trong phần kết luận, Nicholas J. Wheeler chỉ ra rằng: “Không có bằng chứng rằng vi phạm nhân quyền của Pol Pot đóng vai trò gì trong quyết định xâm lược Campuchia: Việt Nam chỉ trích vi phạm nhân quyền chỉ khi tiện lợi về chính trị”. “Nếu giải pháp ngoại giao đạt được với Campuchia Dân Chủ ở biên giới, Việt Nam cũng sẽ sống chung với kẻ láng giềng giết người.”

Nicholas J. Wheeler cho rằng chính vì Việt Nam tin rằng các lợi ích an ninh quan trọng bị rủi ro nên mới tiến vào Campuchia. “Giống như Ấn Độ can thiệp Đông Pakistan, Việt Nam sẵn lòng đặt cược mạng sống của bộ đội và chi vật lực thiếu thốn chỉ vì thấy có đe dọa căn bản cho an ninh từ Trung Quốc ở Bắc và Campuchia ở Nam.” Klintworth cũng nói: “Cứu người là kết quả dĩ nhiên nhờ Việt Nam can thiệp … nhưng đó luôn là quan tâm thứ hai theo sau lo ngại cho lợi ích an ninh quan trọng.”

KẾT LUẬN

Lãnh đạo đảng Tiếng nói Nhân dân Singapore (PVP) ông Lim Tean ngày 6/6/2019 đã có chỉ trích nhằm vào truyền thông nhà nước và cá nhân thủ tướng Lý Hiển Long. Trong bài đăng trên Facebook, ông Lim cho rằng phát ngôn của thủ tướng Lý Hiển Long trên mạng xã hội này hôm 31/5 – trong đó có nội dung cho rằng Việt Nam đã “xâm lược, “chiếm đóng” Campuchia – là “không cần thiết”. Đề cập đến bài đăng của ông Lý liên quan đến Việt Nam, ông Lim cho biết “Trên mạng xã hội đang tràn ngập những cuộc trao đổi về vụ việc này – sự cố đe dọa tẩy chay Singapore xa hơn khỏi các láng giềng ASEAN”. Đến sáng nay, 7/6, tờ báo nổi tiếng nhất của Singapore Strait Times mới có những thông tin đầu tiên về việc phát biểu của ông Lý Hiển Long trên Facebook đã gây nên làn sóng giận dữ từ Việt Nam và Campuchia. Trên tờ The Online Citizen của Singapore, tác giả Brad Bowyer bình luận phát ngôn của ông Lý là “thiếu nhạy cảm và thừa thãi”, đồng thời thể hiện “một giai đoạn tăm tối trong lịch sử khi chúng ta (Singapore) đứng cùng phe với Pol Pot, bất chấp những tội ác mà ông ta gây ra, chỉ để đạt được những mục đích chính trị khu vực của chúng ta”. Bowyer thẳng thắn nhận định “Những người Việt Nam được xem là anh hùng giải phóng đối với rất nhiều người dân từng trải qua những khoảng thời gian tồi tệ đó dưới chế độ Khmer Đỏ”. Tác giả nhận xét thủ tướng và chính phủ Singapore ở vào vị thế khó khăn khi phải thừa nhận bất kỳ sai lầm nào của những người tiền nhiệm, nhưng cho rằng lãnh đạo đất nước cần phải có sự nhạy cảm về ngoại giao “để biết im lặng trong vấn đề này và không đào xới lại giai đoạn đáng tiếc này một lần nữa”. Bộ Ngoại giao Singapore cuối ngày 7/6 ra tuyên bố dài giải thích quan điểm chính thức sau khi Campuchia và Việt Nam phản đối Thủ tướng Lý Hiển Long. Singapore tiết lộ Ngoại trưởng của họ Vivian Balakrishnan đã gọi điện riêng cho Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, và Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn hôm 7/6. Theo đó, Ngoại trưởng Singapore đã giải thích quan điểm chính thức. Thông cáo Singapore nói: “Các bên đồng ý rằng bất chấp khác biệt nghiêm túc trong quá khứ, chúng tôi đã chọn con đường hợp tác, đối thoại và tình bạn.” Thông cáo Singapore kết thúc bằng câu: “Singapore quyết tâm xây dựng quan hệ tốt với Việt Nam và Singapore, và hy vọng quan hệ có thể tiếp tục mạnh mẽ dựa trên niềm tin và sự thẳng thắn.”

Bây giờ nói là Việt Nam vào giải phóng Campuchia khỏi Khmer Đỏ hay Việt Nam xâm lược Campuchia thì đó là cách cách nhìn theo quyền lợi của các cường quốc và các quốc gia trong vùng. Nhưng sự thật mà thế giới phải nhìn nhận là nếu năm 1979 không có lực lượng Việt Nam tấn công lực lượng Khmer Đỏ thì tình hình không biết Campuchia lúc đó sẽ ra sao và bây giờ sẽ như thế nào. Việt Nam cũng không cần phải biện hộ cho hành động của mình. Sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia và sự thù nghịch của chế độ Pol Pot đã bắt buộc Việt Nam phải có những hành động để bảo vệ sự sống còn của mình. Việt Nam đã chấp nhận trả giá bằng sự cấm vận của thế giới kể cả Hoa Kỳ trong suốt hơn một thập niên.

Như đã nói nhiều lần, không có bạn thù vĩnh viển, chỉ có quyền lợi tối thượng của mổi quốc gia là không thay đổi. Tình hình thế giới bây giờ đã đổi khác. Thế bạn thù đang thay đổi hoàn toàn. Nga Sô và Trung Quốc đang ở trong thế đồng minh; tuy nhiên trong lãnh vực kinh tế, Nga Sô nhiều lắm là ngang hàng với Nhật Bản, Đức Quốc. Tổng thống Trump trong thời gian gần gây đã nói lên điều mà ít khi nào các nhà lãnh đạo thế giới dám nói khi ông nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tệ hại. Ông cũng đã khen ngợi Việt Nam rất nhiều về những thành quả mà nước này đạt được trong những năm 2018, 2019. Trong 4 tháng đầu 2019, lượng hàng hóa Việt Nam nhập cảng vào Hoa Kỳ đã tăng 38%. Ông Trump ít khi đề cập đến vấn đề nhân quyền. Ông đã đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên mọi việc. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chiến lược của Hoa Kỳ dù hai nước không muốn nói ra công khai. Các nước Đông Nam Á, vì quyền lợi kinh tế với Hoa Kỳ cũng phải nhận ra điều này để có những điều chỉnh thích nghi.

 THAM KHẢO

  1. Chiến tranh biên giới Tây Nam – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chế độ Pol Pot (Nguồn: John D. Ciorciari (2013). “China and the Pol Pot Regime”, Cold War History, Vol. 14, No. 2, pp. 215-235.
    Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung)
  3. Bài viết “Việt Nam xâm lược hay giúp giải phóng Campuchia?” trên mạng RFA ngày 5/6/2019.
  4. Bài viết “Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chế độ Pol Pot trên mạng Nghiên Cứu Quốc Tế ngày 5/6/2019.
  5. Chiến tranh biên giới Tây Nam – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  6. Bài viết “Việt Nam và Campuchia 1975-78: Đánh giá sai về nhau?” trên mạng BBC ngày 15/12/2018.
  7. Bài viết “Làm thế nào Việt Nam để Campuchia lọt vào tay Trung Quốc?” trên mạng BBC ngày 7/1/2019.
  8. Bài viết “Lật đổ Pol Pot: Khó khăn khi Việt Nam thuyết phục quốc tế?” trên mạng BBC ngày 6/6/2019.
  9. Bài viết “Ông Hun Sen: Campuchia sẽ không để bị Trung Quốc thuộc địa hóa” trên mạng Tuổi Trẻ ngày 22/3/2019.
  10. Bài viết “Lật đổ Pol Pot: Khó khăn khi Việt Nam thuyết phục quốc tế?” trên mạng BBC ngày 6/6/2019.

 

—–

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *