Đối đầu Việt-Trung tại Bãi Tư Chính 2019

736 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Cho đến cuối tháng 7/2019, theo ghi nhận của giáo sư Ryan Martinson, chiếc tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng với các tàu hộ tống vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam ở Bãi Tư Chính. Bắc Kinh hiện vẫn giữ im lặng sau khi bị Hà Nội tố cáo đích danh vi phạm chủ quyền và yêu cầu rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bản đồ do giáo sư Ryan Martinson, trường Hải chiến Hoa Kỳ cập nhật cho thấy nhóm tàu này từ ngày 18 đến 20/7 vẫn liên tục hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam. Trong khi theo Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, thì nếu các nước khác khi có những hoạt động tại khu vực 200 hải lý trên, nếu ảnh hưởng đến quốc gia ven biển, thì phải được phép của nước này. Tuần trước, tàu Haijing 35111 của tuần duyên Trung Quốc đã thao tác một cách mà theo mô tả của CSIS là “đầy đe dọa” đối với các tàu Việt Nam đang bảo vệ một giàn khoan của Nhật mang tên Hakuryu-5, do tập đoàn quốc doanh Nga Rosneft (ROSN.MM) thuê, hoạt động tại lô dầu 06.01 của Việt Nam, ở cách Việt Nam 370 km (230 hải lý) về hướng Đông Nam.

Theo quan sát của các chuyên gia, Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất và tàu hải cảnh cỡ lớn đến bãi Tư Chính, nhằm gây sức ép lên việc khai thác dầu khí của Việt Nam trước khi xây dựng xong bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Sự hiện diện của dân quân biển Trung Quốc cũng cho thấy dự báo Bắc Kinh dùng lực lượng này để quấy nhiễu là chính xác. Tuy tình trạng này đã diễn ra mấy tuần qua, nhưng đến hôm 19/7 Hà Nội mới phản ứng bằng một tuyên bố mạnh mẽ, tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền và yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

VỤ HẠ GIÀN KHOAN HẢI DƯƠNG 981 NĂM 2014

Vụ hạ giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) là sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1/5/2014, dẫn tới việc Việt Nam ra tuyên bố phản đối, đồng thời tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm. Báo chí quốc tế xem nơi Trung Quốc đặt giàn khoan là vùng biển tranh chấp nhưng cả Việt NamTrung Quốc đều khẳng định đây là vùng biển thuộc chủ quyền của mình và không thừa nhận có tranh chấp tại đây.


Giàn khoan dầu Hải Dương 981

Bối cảnh: Giàn khoan dầu Hải Dương 981 là giàn khoan biển sâu di động có kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Dàn khoan chính thức được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào ngày 9/5/2012, tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một khu vực trên Biển Đông, cách Hồng Kông 320 km về phía Đông Nam, ở độ sâu 1,500 m. Trung Quốc đã đầu tư 6 tỷ nhân dân tệ (952 triệu USD) và mất trên ba năm mới hoàn tất giàn khoan Hải Dương 981.

Vụ hạ giàn khoan Hải Dương-981 phản ảnh 2 quan điểm trái ngược của một nước lớn và một nước nhỏ. Trung Quốc cho rằng hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 là hoạt động dầu khí bình thường của một doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực phía nam đảo Trung Kiến của Tây Sa (đảo Tri Tôn của Hoàng Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng hành động của Việt Nam là quấy nhiễu, khiến “Trung Quốc buộc phải tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh tại hiện trường, ngăn chặn hành động quấy nhiễu của Việt Nam, để duy trì trật tự sản xuất và tác nghiệp trên biển cũng như đảm bảo an toàn hàng hải”. Phía Việt Nam đã hoàn toàn bác bỏ và không chấp nhận quan điểm này của phía Trung Quốc. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tếthềm lục địa của Việt Nam.

Diễn biến: Ngày 2/5/2014, giàn khoan được Trung Quốc đưa đến vị trí gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đảo Tri Tôn cũng như toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hiện đang do Trung Quốc kiểm soát từ sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 3 tháng 5, Cục Hải sự Trung Quốc đăng cảnh báo tàu thuyền trong ba tháng không tiếp cận phạm vi bán kính 1 hải lý quanh giàn khoan. Phạm vi này được tăng gấp ba lên 3 hải lý từ ngày 5/5 sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối. Ngày 18/6/2014, theo trang web Cục Hải sự Trung Quốc, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 “Nan Hai Jiu Hao” xuống Biển Đông.

Theo Việt Nam, vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Theo Trung Quốc, giàn khoan hoạt động trong vùng biển của quần đảo Tây Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa). Mặc dù, Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Tri Tôn cùng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa theo nguyên tắc chiếm hữu thực sự, nhưng quan điểm chính thức của Việt Nam cho rằng: Quần đảo Hoàng Sa, cũng như quần đảo Trường Sa, đều là tập hợp của các đảo, đá và bãi cạn nhỏ bé, không đủ lớn để có đời sống kinh tế riêng. Trung Quốc cũng như Việt Nam đều là các quốc gia ven biển không phải là những quốc gia quần đảo, nên theo công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 không thể áp dụng những quy định của quốc gia quần đảo cho các quần đảo xa bờ của quốc gia ven biển. Mà trong trường hợp này là quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) không thể có đường cơ sở chung bao lấy toàn bộ quần đảo như đường cơ sở Trung Quốc công bố năm 2006, và quần đảo này cũng không thể có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở đó. Từng đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ có độc lập từng vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý quanh mỗi đảo mà thôi. Nên Việt Nam không đề cập đến quần đảo Hoàng Sa trong tuyên bố về vị trí của giàn khoan Hải Dương-981, mà chỉ nói giàn khoan nằm hoàn toàn trong thềm lục địavùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không liên quan đến vùng biển mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức Hoàng Sa theo Việt Nam).

Vị trí này thuộc trong lô dầu khí mà Việt Nam đánh số 143 và chưa thăm dò, khai thác, nhưng được đánh giá là ít trữ lượng dầu. Ngày 27/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về hướng đông bắc đến vị trị mới, c / / 15.56056; 111.58389ách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía đông-đông nam, cách vị trí cũ 23 hải lý về phía đông-đông bắc và cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. Việt Nam đưa tin vị trí mới của giàn khoan vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại vị trí này Trung Quốc sẽ bắt đầu thăm dò giai đoạn 2.

Lực lượng hai bên: Cho đến ngày 13/5 phía Việt Nam đã cử 29 tàu của Cảnh sát biểnKiểm ngư. Trung Quốc đã gởi đến một lực lượng áp đảo gồm 86 tàu và máy bay. Trong số đó, có các loại tàu: tàu quân sự; tàu Hải cảnh; tàu Hải giám; tàu Hải tuần; tàu Ngư chính; tàu Kéo cứu hộ; tàu vận tải; tàu dầu và tàu cỏ vỏ sắt; bao gồm tàu Hộ vệ tên lửa số hiệu 534; tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 752, 753, 754; và tàu tuần tiễu săn ngầm mang số hiệu 786, tàu Hải giám 7028, tàu Hải cảnh 46001. Các tàu Trung Quốc vây thành vòng bảo vệ giàn khoan hoạt động. Các tàu Việt Nam chạy vòng vòng bên ngoài và cố gắng xâm nhập vào vị trí dàn khoan. Thỉnh thoảng có đấu vòi rồng (phun nước áp suất mạnh) và va chạm. Cả hai bên đều tố cáo bên kia cố tình đâm húc tàu của mình nhiều lần.

Ngoài ra Việt Nam còn có hàng chục tàu đánh cá bằng gỗ tuy không phải nằm trong lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhưng lại có liên quan mật thiết tới sự kiện hạ giàn khoan Hải Dương 981. Các tàu cá của Việt Nam tại Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn đã là lực lượng hậu cần cho Cảnh sát biểnKiểm ngư Việt Nam. Một số tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, cướp hết tài sản và đánh chìm. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục cấm ngư dân Việt Nam đánh cá tại vùng gần vị trí đặt giàn khoan và trong vùng Đường 9 đoạn.

Quan điểm và giải quyết cấp nhà nước: Ngày 2/5/2014, giàn khoan được Trung Quốc đưa đến vị trí gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mở đầu cho cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc cho biết sẽ thăm dò dầu khí tại vị trí trên từ ngày 2/5 đến ngày 15/8/2014. Ernest Bower và Gregory Poling ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho là sự kiện giàn khoan này có ý nghĩa “quan trọng” và “cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong ASEAN và Washington”.

Sau hơn 2 tháng dằn co và trước quyết tâm của Việt Nam, ngày 15/7/2014, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) nói rằng công ty dầu mỏ này đã “hoàn thành việc khoan và thăm dò” ngoài khơi. CNPC cho biết đã “phát hiện các dấu hiệu của dầu mỏ và khí đốt” tại đây và sẽ “đánh giá dữ liệu thu thập được” để “quyết định về bước đi tiếp theo”.

Phản ứng và dư luận: Theo trang mạng của Đài Truyền hình Mỹ CNBC dẫn lời một quan chức trong ngành dầu khí Trung Quốc thì quyết định này thể hiện ý chí của chính phủ Trung Quốc và cũng liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á cũng như lý do chính trị nhằm thể hiện vai trò và chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trang mạng của Forbes cho là “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu thân xám, tức tàu hải quân, để hỗ trợ cho tàu thân trắng, tức tàu hàng hải dân sự và phía Việt Nam đã phản ứng dữ dội cho đến khi Trung Quốc đã phải dời dàn khoan 1 tháng trước hạn kỳ.

VỤ TRANH CHẤP TẠI BÃI TƯ CHÍNH 2019 – THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM

Khu vực thềm lục địa phía Nam nằm ở phía Đông Nam bờ biển Việt Nam; có vị trí nằm trong giới hạn khoảng từ vĩ độ 07º10’ N – 08º30’ N và kinh độ 109º00’ E – 112º30’ E, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía Đông Bắc và Đông khu vực DK1 là quần đảo Trường Sa; phía Nam là vùng biển của Việt Nam và vùng biển của các nước Malaysia, Indonesia; phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Đảo của Việt Nam. Khu vực thềm lục địa gồm có các bãi cạn Ba Kè/Vũng Mây (Rifleman Bank) nằm về phía cực Đông của thềm lục địa, chỉ cách các đảo Đá Lát, Trường Sa và An Bang của Việt Nam tại Trường Sa khoảng 40 – 70 hải lý. Hai bãi Phúc Tần (Prince of Wales Bank) và Huyền Trân (Alexandra Bank) nằm giữa, phía Bắc. Bãi Quế Đường (Grainger Bank) nằm ở trung tâm. Bãi Phúc Nguyên (Prince Consort Bank) nằm về phía Tây. Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) nằm ở phía Tây Nam, có thể xem như gần bờ biển Việt Nam nhất.

Trong khu vực này, Việt Nam xây hệ thống nhà giàn DK1 gồm bảy cụm­ là Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè/Vũng Mây và Cà Mau với tất cả 20 nhà giàn từng được xây dựng trên thềm lục địa. Chiều sâu mực nước bãi cạn thấp nhấp là 7m tại DK1/3 và sâu nhất là 25m tại DK1/15. Các nhà giàn được xây dựng từ năm 1989 đến 1998. Năm nhà giàn đã bị bảo đánh sập. Hiện tổng cộng có cả thảy 15 nhà giàn đang sử dụng, trong đó có 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng trên nóc, 4 nhà giàn có hải đăng và 1 nhà giàn có trạm quan trắc khí tượng. Có 14 nhà giàn ở khu vực giáp với vùng biển quần đảo Trường Sa và một nhà giàn (DK1/10) ở bãi cạn Cà Mau trên vùng biển Tây Nam. Các chi tiết về khu vực này xin đọc bài “Việt Nam cũng cố các đảo tại Trường Sa” của tác giả ngày 15/6/2019.

Khu vực thềm lục địa Việt Nam

Bãi Tư Chính (English: Vanguard Bank – GPS: 7° 30′ 49″ N, 109° 39′ 58″ E) là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông, cách đất liền Việt Nam 220 hải lý về phía Đông Nam và cách bãi Phúc Nguyên 30 hải lý về phía Nam-Tây Nam. Bãi này nằm gần lộ trình hàng hải quốc tế, cách lộ trình Hồng KôngSingapore 60 hải lý về hướng Đông Nam. Bãi dài 63 km, rộng 11 km. Phần mặt bằng rạn quan sát được có diện tích 33.88 km². Nơi nông nhất nằm đầu mút phía Bắc, có độ sâu 16 m.

Cụm nhà giàn Tư Chính được thành lập chính thức từ ngày 4/7/1989, xây dựng trên bãi cạn Tư Chính thuộc thềm lục địa phía Nam. Cụm hiện tại có ba nhà giàn đang sử dụng:

  • Nhà giàn DK1/11: còn gọi là nhà giàn Tư Chính C hay Tư Chính 3, hoàn thành năm 1994.
  • Nhà giàn DK1/12: còn gọi là nhà giàn Tư Chính D hay Tư Chính 4, hoàn thành năm 1994.
  • Nhà giàn DK1/14: còn gọi là nhà giàn Tư Chính E hay Tư Chính 5, hoàn thành năm 1995.

Bãi Tư Chính và nhà giàn DK1/14 chụp ngày 15/11/2017

Cần nói rõ là Lô dầu khí 06-01 thuộc dự án Đường ống khí Nam Côn Sơn, dự án thành lập lần đầu năm 2000 giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Tập đoàn TNK-BP của Nga-Anh và Tập đoàn Statoil. Năm 2012, TNK thay thế BP trở thành đối tác chiếm phần vốn lớn thứ 2 của hợp doanh. Năm 2013, Rosneft của Nga thay thế TNK. Hiện nay, dự án là hợp doanh giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Pipelines Vietnam. Tại lô 06-01, hiện có giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan. Theo thông tin trước đây của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, lô 06.01, bao gồm mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ, nằm ngoài khơi phía Đông Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cách bờ khoảng 370 km. Vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Trung Quốc từng gây đe dọa, buộc Việt Nam sau đó ngừng hoạt động thăm dò tại các lô của Repsol, công ty Tây Ban Nha tại lô 136/03 thuộc bãi cạn Tư Chính. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi công ty này xác nhận có một mỏ khí đốt lớn. Ngày 23/3/2018, báo chí ở nước ngoài cho hay, do áp lực của Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng thêm một dự án nằm trong Lô 07/03 nơi Việt Nam và các công ty con của Repsol trước đó từng ước tính là có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí gas.

Vị trí các mỏ Lan Tây và Lan Đỏ (Khoanh đỏ)

Vị trí các lô 06-01 (phía Nam lô Lan Tây và Lan Đỏ) – 136-03 (Bãi Tư Chính) – 07-03 (phía Nam 06-01)

media

Dàn khoan JDC Hakuryu-5 ngoài khơi Vũng Tàu – Hình chụp ngày 29/5/2019 

Tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu với tàu Hải Dương 8

Các diễn biến chính:

  • 3/7: Tàu thăm dò Hải dương 8 của Trung Quốc vào vùng biển gần rặng san hô gần Bãi Tư chính để “thực hiện khảo sát địa chất”
  • 11/7: Nhiều báo quốc tế đưa tin về tình trang đối đầu của tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam “tại địa điểm gần một lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”
  • 12/7: Bộ Ngoại giao Trung Quốc không xác nhận việc có tình trạng đối đầu, nhưng nói Bắc Kinh “quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình” ở Biển Đông.
  • 8-12/7: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình nói với bà Ngân: “Hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định hàng hải bằng các hành động cụ thể”.
  • 16/7: Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng: “Chủ trương của Việt Nam là kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình”.
  • 17/7: Trung Quốc yêu cầu Việt Nam “tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại các vùng biển có liên quan” và “không có các hành động làm phức tạp tình hình”
  • 19/7: Việt Nam tuyên bố nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông
  • 20/7: Hoa Kỳ nói hành động của Trung Quốc “đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Mỹ yêu cầu Trung Quốc “dừng thái độ bắt nạt” đối với các nước trong khu vực.
  • 21/7: Hệ thống báo chí tại quốc nội theo nhau nêu đích danh Bắc Kinh muốn nuốt cả Biển Đông qua hành động mới xảy ra ở bãi Tư Chính.
  • 22/7: Trung Quốc nói Mỹ “vu khống” và “không ai tin” những gì giới chức Mỹ nói về tình hình ở Biển Đông.
  • 29/7: Việt Nam thông báo cho Ấn Độ những diễn biến tại bãi Tư Chính, khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng với 35 tàu hộ tống vào vùng biển “thuộc khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 4/7”.
  • 31/7: Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) tại Thái Lan ra thông cáo chung đề cập đến quan ngại về các hành vi cải tạo đất và những diễn biến trên Biển Đông. Thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp sáng 31/7 nêu rõ một số bộ trưởng đã “bày tỏ lo ngại về các hành vi cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Hội nghị kéo dài 4 ngày diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những yêu sách lãnh thổ hung hăng ở Biển Đông, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn và những căng thẳng gần đây ở bán đảo Triều Tiên, theo AP. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Những diễn biến mới về hội nghị này sẽ được đưa vào bài “tranhchapbiendong” trên mạng ““tranhchapbiendong.net” vào cuối tháng 12/2019.

Đi vào chi tiết, hôm 3/7/2019, tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để “thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn”, Ryan Martinson, Phó Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ tại Newport, Rhode Island, cho biết trong một thông điệp trên trang Twitter vào hôm 5/7, trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu biển, tờ SCMP cho hay. Các tàu hộ tống của tàu này bao gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang trọng tải 12,000 tấn, số hiệu 3901, kết hợp với máy bay trực thăng và tàu bảo vệ bờ biển 2,200 tấn số có hiệu 37111. Để phản ứng lại tàu Haiyang Dizhi 8, Việt Nam đã cử 4 tàu cảnh sát biển đi theo sát tàu Trung Quốc. Ít nhất hai tàu Việt Nam, KN 468 và KN 472, đã rời Vịnh Cam Ranh, đi theo phía Trung Quốc từ ngày 4/7.

Các tàu hải cảnh 37111 và 3901 của Trung Quốc

Trước đó, tàu Haijing 35111 trực thuộc Cảnh sát biển Trung Quốc, kể từ ngày 16/6, đã đi tuần ở khu vực cách bờ biển đông nam Việt Nam 190 hải lý. Các chuyến đi của tàu Haijing 35111 xoay quanh lô 06-01, ở phía tây bắc Bãi Tư Chính (tên tiếng Anh, Vanguard Bank). Kể từ 3/7, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia vào một cuộc đối đầu, sự kiện có nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn nhất giữa hai quốc gia trong năm năm trở lại đây, tờ báo này cho biết hôm 12/7/2019.

Sáu tàu bảo vệ bờ biển được trang bị vũ khí hạng nặng – hai của Trung Quốc và bốn của Việt Nam – đã “gườm gườm” nhìn nhau trong các cuộc tuần tra quanh khu vực bãi Tư Chính trong nhóm đảo Trường Sa kể từ tuần trước. Có tin khoảng một chục tàu đã hiện diện trong khu vực lân cận, theo các trang mạng theo dõi hàng hải từ hôm thứ Năm, 11/7. Diễn biến xảy ra bất chấp cam kết hồi tháng 5/2019 của các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam để giải quyết tranh chấp hàng hải bằng đàm phán. Đối đầu có thể gây ra một làn sóng tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam chưa từng thấy, kể từ năm 2014, khi một giàn khoan dầu của Trung Quốc (HD-981) tới khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước.

Hôm thứ Sáu, 13/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không xác nhận việc vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, nhưng ông nói Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết thêm. “Chúng tôi cũng cam kết quản lý sự khác biệt của mình thông qua các cuộc đàm phán với các quốc gia liên quan,” người phát ngôn này nói. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm của bà tới Trung Quốc tuần này rằng “hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định hàng hải bằng các hành động cụ thể”.

PHẢN ỨNG CỦA THẾ GIỚI

Sự xuất hiện của tàu Hải Dương Địa Chất 8 gần Bãi Tư Chính kể từ ngày 3/7/2019 khơi ra phản ứng quyết liệt từ Việt Nam kể từ khi tin tức loan đi hồi tuần trước cho biết các tàu của lực lượng hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu ở khu vực này trong suốt một tuần gần một lô dầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gợi nhớ đến một vụ đối đầu căng thẳng khác vào năm 2014 liên quan đến một giàn khoan của Trung Quốc gây nên biểu tình bạo động ở Việt Nam.

  • Việt Nam: Sự kiện xảy ra từ 3/7 mãi cho đến hôm 19/7, Việt Nam mới chính thức tố cáo tàu khảo sát của Trung Quốc mang tên Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng với các tàu hộ tống đã xâm nhập bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và trong suốt nhiều ngày đã tiến hành khoan thăm dò ở bãi Tư Chính gần quần đảo Trường Sa. Tàu tuần duyên Trung Quốc còn hung hăng đe dọa các tàu Việt Nam bảo vệ giàn khoan do Rosneft khai thác ở lô dầu 06.01.
  • Hoa Kỳ: Mỹ hôm 20/7 lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có “hành vi bắt nạt” và “làm suy yếu hòa bình và an ninh” khu vực giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Thông cáo dài của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy một sự ủng hộ gần như rõ ràng đối với Việt Nam trong một tranh cãi gay gắt với nước láng giềng và thể hiện lập trường mạnh mẽ của Mỹ về vụ việc được nói là tàu Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Chi tiết hơn, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm nay 20/7/2019 bày tỏ quan ngại về “những hành động khiêu khích liên tục” của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của các nước láng giềng ở Biển Đông, đặc biệt là tại vùng biển được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Trong thông cáo hôm nay được AFP và Reuters trích dẫn, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus nhận định: “Những vụ khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm ngăn trở việc triển khai các hoạt động dầu khí ngoài khơi các nước khác đang đe dọa an toàn năng lượng của khu vực”. Bản thông cáo nhắc nhở, như ngoại trưởng Mike Pompeo đã “lưu ý” hồi đầu năm, “Trung Quốc với các biện pháp cưỡng bức đã ngăn chận các nước thành viên ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng trị giá trên 2,500 tỷ USD”. Cụ thể hơn, bà Ortagus tố cáo Bắc Kinh “sử dụng lực lượng dân quân biển để gây áp lực và đe dọa các quốc gia khác”. Hoa Kỳ “kiên quyết phản đối việc cưỡng bức và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ”. Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh “chấm dứt việc quấy nhiễu này”. Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton ngày 19/7 cũng đưa ra phát biểu tương tự nhắm vào Trung Quốc dù không nhắc cụ thể tới vụ tranh chấp với Việt Nam. “Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình & ổn định trong khu vực,” ông viết trên Twitter. Sau bộ Ngoại Giao Mỹ, ngày 26/7/2019, đến lượt Hạ Viện Mỹ lên tiếng. Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam và lên án hành vi “xâm lấn” của Trung Quốc. Trong một bản thông cáo về vụ “Trung Quốc can thiệp vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát, dân biểu bang New York thuộc đảng Dân Chủ Eliot L. Engel, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ trước hết ghi nhận rằng: “Hành vị xâm lấn mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai chà đạp luật pháp quốc tế”.

  • Ngày 23/7, truyền thông trong nước dẫn lời Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Karl L. Schultz nói rằng Tuần duyên Mỹ (USCG) nhấn mạnh quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam và tái khẳng định cam kết lâu dài đối với an ninh khu vực trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp. Lực lượng Tuần duyên Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để củng cố năng lực thực thi chủ quyền trên Biển Đông giữa lúc các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đối đầu nhau gần Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 11/6/2019, chính phủ Mỹ đã đưa hai tàu tuần duyên gồm USCGC Bertholf và USCGC Stratton tới Hạm Đội 7, đóng tại cảng Yokosuka, Nhật Bản.

Tàu tuần duyên loại mới USCGC Bertholf vừa được tăng phái cho Biển Đông – Hình của US Coast Guard

  • Giáo sư Carl Thayer: Cùng ngày tổ chức CSIS ở Washington DC đưa tin về hoạt động “quấy nhiễu” của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam tại Bãi Tư Chính trong vùng Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, cũng nhận định về sự kiện này. Theo nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế Carl Thayer, tin tức về cuộc đối đầu giữa lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc và Việt Nam hiện giờ chưa nhiều, tuy nhiên: ”rõ ràng là có điều gì đó đang xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vùng biển này, và Việt Nam có vẻ đã phản ứng mạnh mẽ”. Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ hôm 18/7, Giáo sư Carl Thayer nói rõ thêm về điều mà ông gọi là ”phản ứng mạnh mẽ” này. Ông đã nêu ra 2 khía cạnh khi sự đối đầu vượt khỏi sự kiểm soát. Chính phủ Việt Nam sẽ không thể chặn những tường trình về cuộc đối đầu này, một khi nhiều chi tiết hơn được công bố. Ngoài ra, mục đích tối thượng của Trung Quốc là ép Việt Nam cùng tham gia hợp tác như một cách để giải quyết các tuyên bố pháp lý của Việt Nam đối với chủ quyền, quyền tài phán với tài nguyên biển và đáy biển trong Vùng đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa. Nói một cách khác, Trung Quốc muốn Hà Nội chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, bằng cách kiềm chế các cuộc đối đầu và kiềm chế việc đưa ra các tuyên bố công khai về chủ quyền mà Việt Nam nói là không thể chối cãi của họ. Trong bài viết thứ hai ngày 22/7, GS Thayer cho rằng Mỹ, Pháp, Anh, Nhật có trách nhiệm đối với các hành động “bá quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi hơn 1/3 lượng hàng hóa của thế giới đi qua mỗi năm. Theo ông Thayer, trong lúc Trung Quốc luôn tìm cách biến các nước ngoài ASEAN trở thành “người ngoài” trong tranh chấp trên Biển Đông, các cường quốc phải tìm cách đưa vấn đề này ra thảo luận ở các cơ chế hợp tác đa phương, thậm chí có thể áp đặt trừng phạt Bắc Kinh triển khai tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.
  • Nhật Bản: Sáng 25/7, tàu huấn luyện KOJIMA thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 từ ngày 25 đến 28/7. Trong thông báo mới nhất về hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực lô 06.01 bể Nam Côn Sơn vào ngày 17/5, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết hoạt động của giàn khoan này từ ngày 15/5 đến 30/7/2019 sẽ được kéo dài cho đến hết ngày 15/9/2019. Thời gian kéo dài thêm 1 tháng rưỡi so với dự kiến. Chính phủ Nhật Bản hôm 31/7 lần đầu lên tiếng với VOA Việt ngữ về vụ “đối đầu” của tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc gần một giàn khoan thăm dò của nước này ở Bãi Tư Chính, tuyên bố “mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông” và cho biết Nhật cho biết “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”. “Nói chung, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực, và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”, tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt có đoạn.
  • Nga Sô: Các phương tiện truyền thông tại Nga đều ghi nhận rằng, Việt Nam thể hiện sự kiềm chế khác thường khi đối phó với cuộc đối đầu này và nhắc nhở về những sự kiện bi thảm năm 2014 khi Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam. “Đây là một sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam”; chuyên viên Dmitry Mosyakov lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Nghiên cứu phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận xét – Việt Nam hiểu rằng, những lời phát biểu chống Trung Quốc sẽ tiếp tay cho Hoa Kỳ, mà Washington coi Hà Nội là đồng minh chính của họ chống lại Trung Quốc ở Đông Nam Á. Người Mỹ muốn cho mọi người thấy: hãy xem, Trung Quốc lại vi phạm, lại khiêu khích. Nhưng Việt Nam không muốn xung đột với Trung Quốc. Hà Nội cũng hiểu rằng, cuộc xung đột như vậy sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ Nga-Trung. Bây giờ lợi ích quốc gia của Việt Nam là không phá hỏng quan hệ với Trung Quốc, với Nga và không hoàn toàn chạy theo Mỹ. Việt Nam không muốn thổi phồng một vụ bê bối quốc tế, mà chủ trương giải quyết xung đột ở cấp đảng, trong các cuộc đàm phán nửa kín nửa hở, để giải thích với Trung Quốc về những hành vi sai trái của họ, điều này sẽ hiệu quả hơn nhiều. Trong tình hình hiện nay, khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đang gia tăng, Trung Quốc cần đến các đồng minh, cần đến sự hỗ trợ chứ không phải sự đối đầu. Người Việt Nam một lần nữa thể hiện kỹ năng duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các cường quốc, hành động rất khôn ngoan trong quá trình giải quyết xung đột chính trị phức tạp, chuyên gia Nga kết luận. Ít ngày sau khi xuất hiện tin tàu chấp pháp của Trung Quốc và Việt Nam “đối đầu” gần khu vực khoan của công ty Rosneft Việt Nam BV ở Bãi Tư chính, hãng Sputnik của Nga đưa tin rằng Tổng thống Nga Putin đã “cám ơn” tập đoàn này đã thực hiện việc thăm dò.
  • Quốc tế: Theo nghiên cứu cao cấp của RAND, hành động mới nhất này của Trung Quốc ở bãi Tư Chính không phải là điều bất ngờ hay hành động leo thang đột biến ở Biển Đông. Hãy nhìn vào việc Dân quân Hàng hải thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFMM) hay còn gọi là dân quân biển của Trung Quốc vây đảo Thị Tứ hồi đầu năm nay để thấy rằng, Bắc Kinh vẫn hiếu chiến, tham vọng ở khu vực nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau mà thôi. Họ cũng đã thách thức tuyên bố chủ quyền của Malaysia ở bãi Nam Luconia, mặc dù vị trí bãi cạn này cách lục địa Trung Quốc 2000 km. Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp của chương trình nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nhận định, Trung Quốc rõ ràng đang ngày càng hung hăng trong nỗ lực nhằm giành được sự kiểm soát toàn bộ các hoạt động kinh tế ở Biển Đông. Hành động của các tàu Trung Quốc là tín hiệu rõ ràng cho thấy nước này không muốn chấp nhận các hoạt động đa phương nhằm phát triển dầu khí bởi các nước ASEAN. Nếu các nước này muốn khai thác nguồn tài nguyên, Bắc Kinh muốn rằng, họ phải hợp tác với các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh luôn luôn mô tả bầu không khí ở Biển Đông là ôn hòa và hợp tác, nhưng điều này chỉ là là giả tạo. Đã đến lúc các quốc gia ở khu vực phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm luật pháp quốc tế kéo dài của mình. Các chuyên gia đồng ý rằng Bắc Kinh đang ngày càng trở nên táo bạo và quyết đoán hơn trên Biển Đông. Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bành trướng của mình trên mọi lãnh vực từ quân sự lẫn thương mãi, ngoại giao. Cho đến bây giờ, có được sự đoàn kết của các quốc gia trong vùng là điều không tưởng. Một số quốc gia trong vùng vì quyền lợi riêng tư của mình đã đi ngược lại quyền lợi chung của khối. Tìm được mẫu số chung với Hoa Kỳ, Liên Âu, Nga Sô và các cường quốc trong vùng cũng không phải là điều dễ dàng. Đi với Hoa Kỳ cũng có cái giá phải trả nhưng dù sao vẫn tốt đẹp hơn nhiều so với để Trung Quốc chèn ép. Việt Nam trong nhiều khía cạnh đã phát triển được nội lực của mình trong những năm qua để có thể để không bị Trung Quốc bắt nạt hoàn toàn. Nếu các quốc gia trong vùng không cùng nhau chống lại sự ngang ngược của Bắc Kinh, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sẽ trở nên vô nghĩa và các nước Đông Nam Á không sớm thì muộn sẽ đánh mất tài nguyên đại dương của mình trên Biển Đông.
  • Trung Quốc: Trung Quốc mãi đến hôm thứ Hai 22/9 mới cho rằng bình luận của các quan chức Hoa Kỳ về vai trò của Trung Quốc tại Biển Đông là “vu khống” và “không ai tin” những gì giới chức Mỹ nói về tình hình ở Biển Đông.

KẾT LUẬN

Vụ hạ giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) năm 2014 tại khu vực Hoàng Sa chỉ là bước khởi đầu trong âm mưu lấn chiếm Biển Đông. Khu vực Trường Sa rộng lớn với tiềm năng dầu khí tại Trường Sa và khu vực Thềm lục địa phía đông nam vùng trũng Côn Sơn mới là mục tiêu chính của Trung Quốc. Việc Trung Quốc cho triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xuống Biển Đông, ngoài lý do thương mại, còn có mục đích chứng tỏ quyền hạn của nước này đối với một số lô khai thác dầu khí nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc, chồng chéo với các lô dầu khí của Việt Nam trong khu vực. Đường chín đoạn của Trung Quốc đã không còn được quốc tế công nhận. Cho đến nay, không có công ty dầu khí nước ngoài nào đáp ứng lời gọi thầu của CNOOC.

So sánh với vụ hạ dàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 thì Việt Nam có lợi thế hơn nhiều trong vụ đối đầu với Trung Quốc tại bãi Tư Chính năm nay. Trong khi Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 phía Tây Quần đảo Hoàng Sa mà hai nước đang tranh chấp. Dù rằng vị trí đặt dàn khoan cũng cách đều đảo Hải Nam của Trung Quốc và bờ biển Việt Nam nhưng Vịnh Bắc Bộ không có nhiều tiềm năng dầu khí. Việt Nam phản ứng rất mạnh năm 2014 vì Hoàng Sa là một phần lãnh thổ bất khả phân của Việt Nam. Trong khi đó, bãi Tư Chính nằm trong Thềm Lục địa mà Việt Nam đã khai thác dầu khí từ lâu. Khoảng cách đến đảo Hải Nam cũng gấp đôi so với vịnh Cam Ranh. Các vị trí đóng quân của Việt Nam của Việt Nam tại Trường Sa cũng nhiều hơn Trung Quốc dù rằng diện tích nhỏ hơn các nhân tạo mà Trung Quốc mới xây.

Hoa Kỳ đã nhanh chóng bày tỏ quan ngại về “những hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc nhắm ngay cả trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ đích danh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam” trong khu vực Biển Đông. Nga Sô và Nhật Bản đều có sự hiện diện trong khu vực thềm lục địa Đông Nam Việt Nam

Một số nhà quan sát bình luận cho rằng trong vụ đối đầu ở bãi Tư Chính, cả Việt Nam và Trung Quốc “đều không muốn leo thang thành xung đột”, nhưng “rủi ro vẫn rất lớn”. Ngày 16/7, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative), trực thuộc CSIS ở Washington DC, công bố hai diễn biến chính trong vụ đối đầu tại bãi Tư Chính: Một là hoạt động của tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8, mà đã được hé lộ qua Twitter và Facebook mấy ngày vừa rồi. Hai là sự đe dọa của một tàu hải cảnh Trung Quốc quanh lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.

Như nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, Trung Quốc luôn luôn muốn lấn áp Việt Nam cùng tham gia hợp tác như một cách để giải quyết các tuyên bố pháp lý của Việt Nam đối với chủ quyền, quyền tài phán với tài nguyên biển và đáy biển trong Vùng đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa. Nói một cách khác, Trung Quốc muốn Hà Nội chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, bằng cách kiềm chế các cuộc đối đầu và kiềm chế việc đưa ra các tuyên bố công khai về chủ quyền. Việc im lặng trước các động thái của Bắc Kinh sẽ “hợp thức hóa” hành động đe dọa mà nước này đang tiến hành ở biển Đông. Về lâu dài, hệ lụy của nó sẽ làm kéo theo các nước khác đi theo con đường của Trung Quốc, biến cái bất thường thành điều bình thường trong khu vực.

Sự việc diễn ra vẫn chưa đến mức tranh chấp căng thẳng cực độ. Hiện giờ, bất chấp các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc, Việt Nam vẫn đang đối phó khôn ngoan và vừa phải. Trung Quốc biết ranh giới họ có thể hành động, và sẽ tiếp tục các hành vi gây rối nếu không phải trả giá gì. Việt Nam có thể lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết. Từ đàm phán trực tiếp, trao đổi công hàm cho đến nêu vấn đề trong các hội nghị quốc tế, vận dụng cơ chế làm việc của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đi xa hơn, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng cơ chế hòa giải bắt buộc đối với các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học theo phụ lục V Công ước Luật Biển 1982 hay việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc ở phụ lục VII của Công ước về các vấn đề pháp lý liên quan khác trong hai sự kiện trên. Việt Nam cần phải để cho Trung Quốc biết rằng Trung Quốc không phải là nước độc nhất nắm chủ động trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Việt Nam không thể để Trung Quốc lấn tới mãi. Vì nếu tiếp tục như vậy, trong tương lai, Việt Nam khó có được sự ủng hộ của Đồng Minh nếu không cương quyết tự bảo vệ mình.

THAM KHẢO

  1. Vụ hạ giàn khoan Hải dương 981 – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Tập đoàn Anh Nga TNK-BP bắt đầu khai thác khí đốt tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi Việt Nam” đăng trên mạng Bauxite Việt Nam ngày 10/10/2012.
  3. Bài viết “Việt Nam cũng cố các đảo tại Trường Sa” của tác giả ngày 15/6/2019.
  4. Bài viết “Việt – Trung: Căng thẳng xảy ra “suốt một tuần” ở Bãi Tư Chính” đăng trên mạng BBC ngày 13 tháng 7 2019.
  5. Bài viết “Biển Đông: Cảnh sát biển Việt Nam đối đầu Trung Quốc ở Trường Sa đăng trên mạng RFI ngày 13 tháng 7 2019.
  6. Bài viết “Tàu Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đối đầu ở Bãi Tư Chính” đăng trên mạng RFA ngày 12 tháng 7 2019.
  7. Bài viết “Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam” đăng trên mạng BBC ngày 17 tháng 7 2019.
  8. Bài viết “Bãi Tư Chính: ‘VN nên công bố chi tiết’ và đừng ‘hạn chế báo chí’ đăng trên mạng BBC ngày 18 tháng 7 2019.
  9. Bài viết “Căng thẳng Biển Đông: Việt-Trung cố tránh kịch bản 2014” đăng trên mạng RFI ngày 18 tháng 7 2019.
  10. Bài viết “Diễn biến tại Bãi Tư Chính và lô 06-01 qua góc nhìn Luật quốc tế” đăng trên mạng RFI ngày 18 tháng 7 2019.
  11. Bài viết “Việt Nam chính thức nêu tên Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế” đăng trên đài VOA ngày 19 tháng 7 2019.
  12. Bài viết “Mỹ đòi TQ ‘dừng thái độ bắt nạt’ nước khác ở Biển Đông”
  13. Bài viết “Căng thẳng ở Biển Đông: Mỹ, Anh, Nhật có trách nhiệm đối với hòa bình” của GS Carl Thayer đăng ngày 22/7/2019.
  14. Bài viết “Báo Nga: Việt Nam hành động rất khôn ngoan” đăng trên đài VOV ngày 24 tháng 7 2019. 

—–