Apple và Việt Nam

655 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Apple Inc. là một tập đoàn công nghệ máy tính của Mỹ có trụ sở chính đặt tại Cupertino, California. Apple được thành lập ngày 1/4/1976 dưới tên Apple Computer, Inc., và đổi tên thành Apple Inc. vào đầu năm 2007. Với lượng sản phẩm bán ra toàn cầu hàng năm là 13.9 tỷ USD (2005), 74 triệu thiết bị iPhone được bán ra chỉ trong một quý 4 năm 2014 và có hơn 98,000 nhân viên ở nhiều quốc gia, sản phẩm là máy tính cá nhân, phần mềm, phần cứng, thiết bị nghe nhạc và nhiều thiết bị đa phương tiện khác. Sản phẩm nổi tiếng nhất là máy tính Apple Macintosh, máy nghe nhạc iPod (2001), chương trình nghe nhạc iTunes, điện thoại iPhone (2007), máy tính bảng iPad (2010) và đồng hồ thông minh Apple Watch (2014-2015) hoạt động trên nhiều quốc gia trên thế giới. Theo bảng xếp hạng do hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Millward Brown thực hiện vào năm 2014, Apple đã bị Google soán ngôi thương hiệu đắt giá nhất thế giới sau 3 năm liên tiếp giữ ngôi quán quân. Theo bảng xếp hạng này Google xếp vị trí đầu bảng, Apple đứng vị trí thứ hai, tiếp theo lần lượt là IBM, Microsoft, McDonald’s, Coca Cola, Visa …

APPLE VÀ FOXCONN

Hoạt động của Apple có điểm rất khác với hoạt động của “đối thủ” là Samsung. Nếu Samsung trực tiếp vận hành các nhà máy sản xuất, lắp ráp các dòng sản phẩm của mình, thì Apple lại không hề sở hữu trực tiếp nhà máy nào. Vậy làm thế nào Apple hoàn thành được các sản phẩm kiểu như iPhone? Câu trả lời là, Apple thông qua doanh nghiệp cung ứng bên thứ ba để đặt hàng sản xuất và lắp ráp thiết bị và linh kiện cho các sản phẩm của mình. Điển hình là Foxconn (Đài Loan) – đơn vị gia công các sản phẩm iPhone cho Apple. Hiện tại, hầu hết iPhone được Foxconn hoặc Pegatron sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy ở Thâm Quyến và Thượng Hải, Trung Quốc.

Thâm Quyến (Shenzhen) là thành phố trực thuộc tỉnh của tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Hiện nay còn có sông Thâm Quyến (Thâm Quyến hà) là ranh giới giữa Thâm Quyến và Hồng Kông. Đặc khu kinh tế Thâm Quyến có diện tích 2,050 km², dân số năm 2007 là 8.6 triệu người (kể cả vùng đô thị là 13 triệu), GDP 676.5 tỷ nhân dân tệ (69.3 tỷ USD). Thành phố giáp biên giới với Hồng Kông, cách Quảng Châu 160 km về phía Nam. Cảng Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc, chỉ sau cảng Thượng Hải. Trong 30 năm qua, Thâm Quyến đã thu hút trên 30 tỷ USD đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp bên ngoài. Thâm Quyến là một hình mẫu thành công của Trung Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư và nhân lực từ trong nước lẫn ngoài nước, tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Đặc khu Thâm Quyến (Shenzhen)

Foxconn là thương hiệu của công ty Đài Loan Hon Hai Precision Industry Co. (Ltd.) . Foxconn là một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, và chủ yếu chế tạo theo hợp đồng với các đơn vị khác. Năm 2007, hãng này có các công ty con có các nhà máy tại Cộng hòa Séc, Hungary, Mexico, Brasil, Ấn ĐộViệt Nam. Foxconn sản xuất những sản phẩm như bluetooth,… và đặc biệt nhất là sản xuất iPhone cho Apple.

Năm 2010, những chiếc trực thăng bay qua cánh đồng ngô, lúa mỳ của Thâm Quyến để thả các quả bóng đánh dấu điểm. Ba ngày sau, hàng trăm xe ủi đất được đưa đến. Những nhà xưởng màu xám, những đường dây điện xuất hiện vài tháng sau đó. Các chuyến xe buýt chở công nhân cũng bắt đầu ra vào nhà máy của Foxconn – đối tác sản xuất hầu hết iPhone của Apple. Một khu công nghiệp dần được hình thành và được biết đến như “thành phố iPhone” tại vùng đất nông nghiệp ngày nào. Một năm sau, Chủ tịch Terry Gou của Foxconn thông báo có 100,000 công nhân làm việc trong khu công nghiệp này. Còn hiện tại, số lượng công nhân tại đây đã lên đến 250,000 người, xấp xỉ dân số của thành phố Madison (Mỹ). Trong quá trình xây dựng các nhà máy, nông dân địa phương nhận được tiền đền bù đất sản xuất. Nhiều người cho biết cả đời trồng lúa, ngô thì họ cũng không kiếm được số tiền lớn như thế này. Foxconn thông báo đã mua 80% các toà nhà mà công ty đang sử dụng tại Trịnh Châu và thuê 20% còn lại. Đồng thời, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào thành phố này. Các nông dân đã khá lên nhờ số tiền đền bù. Gia đình đều làm việc trong nhà máy của Foxconn. Mỗi công nhân Foxconn tại Thâm Quyến kiếm được khoảng 1,900 Yuan (278 USD) một tháng. Nếu làm thêm giờ, họ có thể nhận được hơn 4,000 Yuan. Đây là một mức thu nhập không cao, nhưng tốt hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Nhờ đó, các trung tâm mua sắm, nhà hàng và quán karaoke mọc lên liên tiếp, để phục vụ nhu cầu của người lao động tại “thành phố iPhone”.

Thành phố Thâm Quyến – Thủ đô của iPhone

APPLE VÀ TRUNG QUỐC

Apple đã bán được hơn một tỷ chiếc iPhone sau 10 năm điện thoại này ra đời năm 2007. Mỗi lần ra phiên bản mới, iPhone đều có những cải tiến đáng kể về tính năng như chất lượng camera tốt hơn, kết nối nhanh hơn, màn hình cải thiện hơn, nhiều công nghệ mới hơn … Tuy nhiên, điều không hề thay đổi là chiếc điện thoại này vẫn phải lắp ráp tại Trung Quốc bởi hãng Foxconn của Đài Loan. Sự thành công của mối quan hệ Foxconn – Apple và môi trường sản xuất tại Thâm Quyến – Trung Quốc đã khiến nhiều nước khác như Brazil hay Indonesia cố gắng bắt chước. Việc thuê nhân công sản xuất và lắp đặt ở Trung Quốc với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với ở nơi khác, chính vì thế các nhà đầu tư Apple đã có sự lựa chọn như vậy. Vì vậy người dùng có thể tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm. iPhone là “con trưởng” của tập đoàn Apple (California, Mỹ) nhưng thực sự thì IP không được tạo ra hoàn toàn ở nước Mỹ. Theo ADB (ngân hàng Phát triển châu Á) có đến 9 nước tham gia sản xuất linh kiện cho IP, đó là các nước:

  • Mỹ: Thiết kế sản phẩm, và sản xuất phần mềm ứng dụng.
  • Hàn Quốc: Sản xuất CPU (chíp A4) công ty Samsung sản xuất. Màn hình võng mạc Retina Display (LG sản xuất).
  • Đài Loan: Sản xuất tai nghe, võ IP.
  • Nhật Bản: Sản xuất thấu kính Camera.
  • Trung Quốc: Lắp ráp sản phẩm. (Hoạt động lắp ráp linh kiện tại Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 3% tương đương 6 USD vào giá trị cuối cùng của chiếc iPhone thôi).

Trong những năm gần đây, Apple đã qua khỏi thời kỳ hoàng kim và đang phải giải quyết những khó khăn căn bản:

Giá cả: Khoảng cuối tháng 01/2019, Stephen McBride là nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp và cũng là trưởng nhóm phân tích của RiskHedge, một hãng chuyên nghiên cứu và phân tích cổ phiếu công nghệ. Bài viết là suy nghĩ của Stephen McBride về tương lai Apple trong thời gian tới. Apple đã có một thập kỷ tuyệt vời. Kể từ khi iPhone ra mắt năm 2007, doanh số công ty đã nhảy vọt gấp 10 lần. Cổ phiếu của họ đã bật tăng hơn 700%. Đến đầu tháng 11/2018, họ trở thành công ty cổ phần lớn nhất thế giới. Nhưng khoảng tháng 1/2019, Apple đã phát đi một bản cảnh báo hiếm hoi khiến các nhà đầu tư choáng váng. Lần đầu tiên từ năm 2002, công ty cắt giảm mức dự báo thu nhập của mình. Cổ phiếu sụt giảm 10% vào ngày tồi tệ nhất của hãng trong vòng 6 năm. Cho đến tháng 1/2019, đà trượt giảm đã thổi bay 446 tỷ USD giá trị vốn hóa của hãng – khoản mất giá lớn nhất đối với một cổ phiếu cho đến nay. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu.

Nếu nhìn vào doanh số của Apple, chúng ta sẽ không thấy điều gì sai cả. Kể từ năm 2001 đến 2019, doanh thu Apple luôn tăng trưởng ổn định. Nếu dựa vào thước đo như vậy, dường như hoạt động kinh doanh của Apple vẫn rất hoàn hảo. Nhưng có một bí mật ẩn giấu sau các con số. Bất chấp doanh thu vẫn tăng trưởng, Apple ngày càng bán được ít iPhone hơn sau mỗi năm. Thực tế, doanh số iPhone đã đạt đỉnh vào năm 2015. Năm 2018, Apple bán được ít hơn 3 năm trước 14 triệu iPhone. Apple đã duy trì tăng trưởng doanh thu bằng cách tăng giá iPhone. Vào năm 2010, khách hàng có thể mua một chiếc iPhone 4 mới nguyên với giá 199 USD. Đến năm 2014, chiếc iPhone 6 mới ra mắt có giá 399 USD. Hiện nay, phiên bản rẻ nhất của iPhone X có giá đến 1,149 USD. Như vậy sau 8 năm, mức giá Apple đưa ra đã tăng đến 500%.

Trong khi đó, công nghệ luôn rẻ hơn theo thời gian. Không lâu trước đây, một chiếc TV màn hình phẳng độ phân giải cao vẫn còn là một món đồ xa xỉ. Ngay cả một chiếc TV kích thước nhỏ cũng tiêu tốn đến cả nghìn USD. Còn hiện nay chúng ta có thể mua một chiếc TV 55 inch từ Best Buy với giá chỉ 500 USD. Hồi năm 1984, Motorola bán chiếc điện thoại di động đầu tiên với giá 4,000 USD. Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu IDC, giá trung bình cho smartphone hiện nay chỉ còn 320 USD. Giá điện thoại di động đã giảm gần 92%. Nhưng với Apple, hãng đã tăng giá smartphone của mình lên 500%. Thành thật mà nói, thật ấn tượng vì cách Apple làm được điều này. Nhưng Smartphone dường như đã đi đến cuối chu kỳ của những mảng kinh doanh đột phá. Nếu 12 năm trước, chỉ có 120 triệu người sở hữu điện thoại di động, đến năm 2019, đã có hơn 5 tỷ người sở hữu smartphone. Trong tháng 11/2018, Apple cho biết sẽ dừng công bố doanh số iPhone của hãng. Liệu Apple có thể chọn con đường khác và giảm giá iPhone được không? Chỉ cần làm thử vài phép tính. Nếu Apple giảm giá lại về mức của năm 2016, hãng sẽ phải bán thêm 41 triệu điện thoại nữa để đạt được mức doanh thu của 2018.

Cạnh tranh của các công ty điện thoại Trung Quốc Dù Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 3% tương đương 6 USD vào giá trị cuối cùng của chiếc iPhone thôi nhưng Trung Quốc vốn được biết đến là “thiên đường” của hàng giả hay các sản phẩm nhái theo thương hiệu lớn. Kể từ khi Iphone ra đời năm 2007 thì hiện nay đã có 5 công ty lớn nhất trên thế giới: Samsung của Hàn Quốc (20.8%), Apple của Hoa Kỳ (14.9%), Huewei (14.7%), Xiaomi (8.1%) và Oppo (8.1%) của Trung Quốc. Qua mặt Apple trong một số quý, nhưng tổng lượng smartphone xuất xưởng của Huawei năm qua vẫn ở vị trí thứ ba sau đối thủ.

Số lượng smartphone xuất xưởng

Thị phần toàn cầu

Các công ty điện thoại nhỏ của Trung Quốc như Boway Notch, Blackview X, Hotwav Symbol S3, UMIDIGI Z2 và UMIDIGI One, Doogee V, Elephone A4 Pro về ngoại hình, nhìn còn đẹp hơn các điện thoại của Apple.

Điện thoại Doogee V của Trung Quốc

Điện thoại mới của Apple tiếp tục là mục tiêu của các công ty ở đây khi nhà sản xuất mang tên Boway đã tung ra chiếc điện thoại có ngoại hình rất giống iPhone X. Điện thoại nhái iPhone X của Trung Quốc bán tại Việt Nam cũng được chào bán với giá chỉ khoảng ba triệu đồng, thấp hơn 10 lần so với hàng Apple. Những thiết bị này còn sao chép cả giao diện iOS nhưng đều chạy hệ điều hành của Google. Dù rằng Apple đang thống trị phân khúc điện thoại cao cấp, hào quang của hãng đang dần mờ đi trước sự xuất hiện của những đối thủ Trung Quốc. Các công ty công nghệ Trung Quốc đang dần leo lên một bậc thang cao hơn của chuỗi cung, mang lại cho khách hàng nhiều sản phẩm chất lượng tương đương Apple, với giá thành bình dân hơn. Để dễ hình dung hơn, hãy so sánh iPhone XR, phiên bản iPhone có giá thành rẻ nhất mới nhất và được thiết kế hướng tới đại chúng, với những đối thủ trên thị trường điện thoại. Dòng điện thoại này thiếu những tính năng vượt trội và sức hút khiến khách hàng bỏ ra 6,499 nhân dân tệ (tương đương 947 USD) để sở hữu. Trong khi đó, với mức giá chỉ 728 USD, dòng điện thoại dòng cao cấp của Huawei Mate 20 X, lại mang tới trải nghiệm cụm bốn camera với chất lượng hình ảnh vượt trội hơn hẳn. Một đối thủ khác là Oppo cũng sở hữu dòng Find X, với mức giá khởi điểm từ 728 USD, có thiết kế trượt và màn hình không đường viền vô cùng khác biệt.

Sự cải tiến vượt trội phần cứng luôn là thế mạnh của Apple, thế nhưng khoảng cách này so với các công ty điện thoại Trung Quốc sẽ ngày một thu hẹp lại trong năm 2019, theo James Yan, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Counterpoint Research. Các công ty đến từ đất nước tỷ dân cũng sẽ chen chân vào đường đua cho ra mắt các sản phẩm tích hợp công nghệ tân tiến nhất, chẳng hạn như màn hình gập hoặc hỗ trợ sử dụng mạng 5G. Chưa rõ các thiết bị này liệu có trở nên phổ biến trong tương lai hay không, nhưng việc bước chân vào đường đua công nghệ đã giúp các công ty Trung Quốc nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu của mình trong mắt khách hàng.

 

Iphone màng hình gập của Samsung

“Hoạt động kinh doanh của Apple tại Trung Quốc sẽ ngày càng tụt dốc trong năm 2019,” ông Yan nhận định. “Những chiếc điện thoại của hãng không có nhiều bứt phá về mặt công nghệ, nhưng lại được bán với mức giá ngất ngưởng. Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc nay có rất nhiều sự lựa chọn để có thể xây dựng cho mình một vị thế vững chắc trong thị trường sản xuất điện thoại di động.”

iPhone của công ty Trung Quốc Boway Notch

Sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc: Trong danh sách nhà cung cấp năm 2018 của Apple có khoảng 200 công ty, chiếm khoảng 98% chi phí mua linh kiện, vật liệu để sản xuất và lắp ráp sản phẩm của hãng gồm iPhone, MacBook và nhiều sản phẩm khác. Trong đó, Trung Quốc chiếm 13.5% trong tổng số, tăng 4% so với năm 2017. Nhiều công ty nổi tiếng Trung Quốc xuất hiện lần đầu trong danh sách này gồm BOE Technology Group – nhà sản xuất màn hình hàng đầu; Jiangsu Changjiang Electronics Technology – công ty đóng gói và thử nghiệm chip số 1, và O-film Technology – cung cấp màn hình cho iPad và lắp ráp camera trước của iPhone.

Apple đang nỗ lực để đạt được sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia, đồng thời giành được thị phần tại Trung Quốc – thị trường chiếm khoảng 20% doanh thu của công ty này trong quý 3/2017. Trung Quốc cũng là cơ sở sản xuất lớn nhất hiện nay của Apple. Tại Mỹ, thương hiệu quả táo đã đầu tư 390 triệu USD cho nhà sản xuất linh kiện Finisar để phát triển công nghệ và thuê thêm nhân lực ở bang Texas. Apple cũng cam kết sẽ đóng góp hơn 350 tỷ USD cho kinh tế Mỹ và giúp tạo ra 20,000 việc làm trong 5 năm tới. Apple và công ty sản xuất Foxconn tại Đài Loan đang nỗ lực chuyển các nhà sản xuất sang các nước Đông Nam Á. Apple cũng đang làm việc với Samsung để giải quyết những vấn đề mà 2 nước cùng chia sẻ quyền lợi.

Chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung: Doanh thu kỳ vọng của Apple nay chỉ còn là 84 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2019, giảm xuống từ con số 89 tới 93 tỷ USD vào năm ngoái. CEO Tim Cook của công ty nhận định doanh thu iPhone giảm sút tại các quốc gia, chủ yếu tại Trung Quốc, “đã khiến chúng tôi hạ mức doanh thu dự kiến”, ông viết trong bức thư gửi nhà đầu tư vào ngày 2/1/2019. Các chuyên gia phân tích cho rằng tin buồn đầu năm này là tín hiệu đầu tiên cho những chuỗi ngày khó khăn sắp tới của Apple tại đất nước tỉ dân. Dòng chảy lợi nhuận của Apple còn có thể bị thu hẹp hơn nữa bởi công ty phải chịu sức ép cạnh tranh ngày một tăng cao tới từ các công ty Trung Quốc và nhu cầu thị trường ngày một suy giảm. Hai tháng trước tại cuộc họp với các nhà phân tích, Tim Cook vẫn khăng khăng kết quả kinh doanh của Apple tại Trung Quốc “rất vững mạnh”. Đến mãi gần đây Apple mới chính thức thừa nhận những rào cản to lớn đang phải đối mặt tại một trong những thị trường màu mỡ nhất thế giới.

1/5 doanh thu của Apple đến từ Trung Quốc, theo Counterpoint Research. Công ty nghiên cứu thị trường này chỉ ra rằng Apple đã đưa 44.6 triệu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc trong năm 2018, giảm 10% so với một năm trước đó. Nguyên nhân đầu tiên chính là chiến tranh thương mại. Kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu chững lại do ảnh hưởng của cuộc chiến giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Người tiêu dùng nơi đây bắt đầu nói không với những sản phẩm có giá trị cao, xuất xứ từ Mỹ, dĩ nhiên trong số đó có iPhone. Chưa hết, bởi chủ yếu được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc rồi mới được đem phân phối toàn cầu, các thiết bị của Apple cũng đang phập phồng đứng trước rủi ro thuế suất gia tăng, khiến giá sản xuất cũng sẽ theo đà leo dốc và đẩy lợi nhuận đi xuống. Công ty Apple đi vào tuần lễ sút giảm nhiều nhất trong năm khi lợi nhuận của nhà chế tạo iPhone được thấy bị thiệt hại đặc biệt với sự bùng lên của cuộc chiến thương mại dựa vào Trung Quốc cho sản xuất và thương vụ. Các cổ phần đã giảm tới 9% đối tuần lễ tại New York vào tháng 5/2019, trong khi S&P 500 thì giảm 4% trong tuần này. Apple bị mất khoảng 75 tỷ USD của trị giá thị trường.

Chính quyền Canada hôm 1/12/2018 bắt giữ bà Mạch Vãn Chu tại Vancouver theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, tờ Globe and Mail đưa tin hôm 5/12. Theo tờ báo Canada, bà Mạch là Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn công nghệ Huawei, bị bắt giữ vì bị tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran. Vụ bắt giữ này làm gia tăng đồn đoán rằng xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ xoay quanh vấn đề thuế quan, mà còn liên quan đến quyền lực trong lĩnh vực công nghệ.

Bà Mạch Vãn Chu, Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn công nghệ Huawei

APPLE VÀ VIỆT NAM – ẤN ĐỘ

Kể từ 2010, các tập đoàn đa quốc gia đã quan tâm đến Việt Nam như là một trong những lựa chọn khác khi phải rút lui ra khỏi Trung Quốc. Năm 2007, Foxconn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh (Khu công nghiệp Quế Võ), Bắc Giang (Khu công nghiệp Đình Trám), và một số tỉnh của Việt Nam. Trong 2, 3 năm vừa qua, Đài Loan nổ lực nhằm tiếp tục thúc đẩy “Chính sách hướng Nam mới” với Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á. Tháng 5 năm 2016, công ty con của Foxconn là FIH (Foxconn International Holdings) chính thức đàm phán thành công thương vụ mua lại nhà máy Nokia Việt Nam thuộc sở hữu của Microsoft được đặt tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP, Bắc Ninh), nằm trên diện tích rộng 65,400 m² với tổng vốn đầu tư 302 triệu USD. Đầu 2019, báo chí quốc tế cũng đưa tin Foxconn – đối tác cung ứng và lắp ráp chủ chốt của Apple – đang thanh toán 16.5 triệu USD cho công ty Fuhua để đổi lấy quyền sử dụng 250,000 m² đất tại Bắc Giang. Hiện Foxconn cũng có nhà máy sản xuất linh kiện cho các hãng ở Bắc Ninh, nên thông tin này dấy lên đồn đoán về việc các sản phẩm của Apple như iPhone chẳng hạn có thể được lắp ráp ở Việt Nam. Tháng 5/2016, Công ty Apple Việt Nam được thành lập tại TP. HCM.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang đến hồi cao điểm kể từ 2018. Apple cũng có những tính toán của riêng mình, trong đó có một kế hoạch nghiêm túc về gia tăng hiện diện ở Việt Nam. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, thì việc các đối tác của Apple đẩy mạnh hoạt động sản xuất ở Việt Nam thời gian tới cũng là điều dễ hiểu. Nhất là, theo tìm hiểu của phóng viên, vài năm nay nhiều linh kiện trong các dòng sản phẩm của Apple đã được sản xuất ở Việt Nam. Đến năm 2018, một thông tin ít được đề cập: Apple thành lập pháp nhân thứ hai tại Hà Nội. Đó chính là văn phòng phụ trách hoạt động mua sắm của Apple tại Hà Nội. Điều đáng chú ý, trên toàn thế giới Apple chỉ có 3 văn phòng, và văn phòng ở Việt Nam là một trong số đó. Cuối năm 2018, đã có nhiều cuộc đàm phán tích cực, vận động và tìm cách thu hút dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam.

Tháng 1/2019 bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số tập đoàn lớn nhất trên thế giới, trong đó có Tổng giám đốc Apple – Timcook. Tại buổi tiếp CEO Apple Tim Cook, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Apple về “những thành công trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” thời gian qua. Ông cũng bày tỏ ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu của Apple tại Việt Nam. Thủ tướng cũng mong muốn Apple tiếp tục đầu tư hiệu quả, minh bạch và lâu dài tại Việt Nam; là cầu nối cho doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Sau cuộc gặp đó, lãnh đạo cấp cao của Apple đã sang Việt Nam để làm việc với hàng loạt bộ ngành về kế hoạch ở Việt Nam. Nhiều chính sách đã được Apple đề đạt lên các cơ quan của Việt Nam.

Nikkei Asian Review tháng 7/2019 cho biết, Apple sắp bắt đầu sản xuất thử nghiệm tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam khi hãng đẩy nhanh kế hoạch đa phương hóa chuỗi sản xuất mặt hàng điện tử tiêu dùng của mình ngoài Trung Quốc. GoerTek (Trung Quốc) – một trong những nhà sản xuất (theo hợp đồng) quan trọng của Apple, mùa hè này sẽ bắt đầu thử nghiệm các quy trình sản xuất cho thế hệ AirPods mới nhất tại nhà máy của họ ở Việt Nam. Điều này sẽ đánh dấu việc sản xuất tai nghe không dây đầu tiên bên ngoài nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc. Airpods là sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất của Apple, tăng 35 triệu lô hàng vào năm ngoái so với 20 triệu trong năm 2017. Apple đã viết thư cho các nhà cung cấp linh kiện để yêu cầu họ hỗ trợ Goertek mặc dù khối lượng thử nghiệm ban đầu rất nhỏ, theo thông tin được xem bởi Nikkei Asian Review. Các nhà cung cấp được yêu cầu giữ giá không thay đổi cho giai đoạn sản xuất thử nghiệm, nhưng điều này có thể được xem xét sau khi khối lượng được tăng lên. Sản lượng ban đầu sẽ bị hạn chế, nhưng sẽ rất dễ dàng để tăng công suất một khi tất cả các quy trình sản xuất hoạt động trơn tru. Apple từ lâu đã sản xuất EarPods truyền thống (loại có dây) tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, AirPods vẫn chỉ được sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà cung cấp Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek. Apple từ chối bình luận về kế hoạch sản xuất cho AirPods. Tuy nhiên, việc chuyển sang sản xuất thử nghiệm thường là tiền thân của sản xuất hàng loạt. Tại Việt Nam, Apple dự định chuyển nguồn cung ứng khoảng 15% – 30% sản lượng ra bên ngoài Trung Quốc – nơi lợi thế về chi phí và nhân lực đang bắt đầu mờ dần.

Airpods của Apple

Đối với Ấn Độ, Apple đang muốn nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu tại quốc gia hơn 1 tỷ dân và đồng thời né tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Apple đã bắt đầu xuất khẩu một số model iPhone mới được sản xuất tại Ấn Độ sang thị trường Châu Âu. Apple hiện đang sản xuất một vài model iPhone cũ như iPhone 7 ở Ấn Độ thông qua đối tác Wistron. Các nhà phân tích nhận định, Apple có thể xuất khẩu được khoảng 100 ngàn chiếc iPhone 6s và iPhone 7 mỗi tháng. Con số này chiếm khoảng 60-70% tổng công suất của nhà máy Wistron. Hơn nữa đây là lần đầu tiên Apple sử dụng nhà máy tại Ấn Độ làm trung tâm xuất khẩu. Apple thường chỉ sử dụng các nhà máy sản xuất iPhone tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu mua iPhone tại thị trường nội địa. Nằm một phần trong chiến lược Made in India, chính phủ Ấn Độ ngày càng khuyến khích các công ty sản xuất sản phẩm tại nước này. Chính quyền địa phương trước đây thường áp mức thuế cao đối với smartphone không được sản xuất tại Ấn Độ. Đây là lý do tại sao iPhone luôn có giá bán rất cao tại thị trường này. Trong khi đó giá bán smartphone của Samsung và các thương hiệu Trung Quốc khác cạnh tranh hơn khá nhiều. Vì vậy mà Apple và Wistron mới quyết định mở nhà máy sản xuất iPhone 6s và iPhone SE tại Ấn Độ vào năm 2016 và iPhone 7 vào hồi đầu năm nay.

KẾT LUẬN

Trong các thập niên vừa qua, các tập đoàn quốc tế vì quyền lợi của mình đã tập trung đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc – một thị trường rất lớn với chi phí kinh doanh rất thấp ở giai đoạn đầu. Nhưng hiện chi phí kinh doanh đang tăng lên, cộng thêm những ý đồ chiến lược và xung đột thương mại trong thời gian gần đây khiến Trung Quốc đã ít hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Phân tích sâu hơn về xu hướng dịch chuyển đầu tư này, các quan sát viên cho biết có những nguyên tắc chọn địa bàn kinh doanh:

  • Dựa trên điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi và chi phí thấp.
  • Phân tán rủi ro, không bỏ trứng trong một giỏ.

Ngoài ra, 2 vấn đề mà Hoa Kỳ xem như nổ lực chính của mình:

  • Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho Hoa Kỳ, và đặc biệt là cho phép các hãng Mỹ lập ở các nước khác mà không đòi hỏi chuyển giao các công nghệ cao và mật.
  • Chuyện hàng nhái và gián điệp trong công nghệ và viễn thông.

Trong Twitter ngày 13/5/2019, Tổng thống Trump đã 2 lần nhắc tới Việt Nam khi nói tới cuộc chiến thương mại đang leo thang với Trung Quốc. “Thuế nhập khẩu có thể hoàn toàn tránh được nếu các quý vị mua hàng từ một nước không bị áp thuế nhập khẩu, hoặc mua hàng từ nước Mỹ. Nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc để chuyển tới Việt Nam và các nước tương tự ở châu Á”. Tuy nhiên, dời qua Việt Nam hay một nước Đông Nam Á nào khác chỉ là một phần của vấn đề. Thời hoàng kim của Apple nay đã qua. Apple nay phải cạnh tranh với Huewei, Sumsung không những về giá cả mà còn về công nghệ. Ngay cả các công ty điện thoại nhỏ của Trung Quốc cũng có thể gây khó khăn cho Apple. Di chuyển sản xuất qua Việt Nam là bước đi chiến lược của Apple không những về kỷ thuật mà còn về giá cả và các yếu tố quan trọng khác. Việt Nam sẽ là một trong những đồng minh trung kiên của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ không còn lo về hàng nhái, gián điệp trong công nghệ và viễn thông và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như đối với Trung Quốc. Apple và Samsung ngoài mặt tưởng là đối thủ nhưng thực tế lại cần lẫn nhau. Trong thị trường công nghệ, “hai con hổ” vẫn có thể chia nhau “lãnh địa” để đối phó với một kẻ thù lớn hơn và Việt Nam sẽ đóng tốt vai trò kết nối của mình. Theo New York Times, ngày càng có nhiều hãng công nghệ lớn đang xem xét việc xây dựng nhà máy ở Việt Nam, trong đó có hãng Apple. 

Rất có thể những chiếc iPhone thế hệ tiếp theo sẽ được sản xuất tại Việt Nam dù rằng có vài vấn đề cần phải giải quyết. Công ty VinFast, với tốc độ xây dựng thần tốc trong vòng 21 tháng để tạo nên “kỳ tích Việt Nam” là nhà máy sản xuất ô tô tại Hải Phòng, đã tạo ra dòng xe hơi có chất lượng rất tốt không kém gì các dòng xe hạng sang của Đức thì Việt Nam cũng đủ khả năng hợp tác với Apple-Samsung ra đời những chiếc iPhone tốt và rẻ nhất thế giới.

THAM KHẢO

  1. Apple Inc. – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Foxconn – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  3. Bài viết “Vì Sao iPhone Đã, Đang Và Sẽ Không Bao Giờ Được Sản Xuất Ở Mỹ?” đăng trên mạng Người Việt ngày 17/12/2018.
  4. Bài viết “Vì sao điện thoại iPhone được sản xuất ở Trung Quốc?” đăng trên mạng Nhà đầu tư ngày 7/8/2017.
  5. Bài viết “Vì sao tương lai của Apple tại Trung Quốc sẽ vô cùng chật vật?”  đăng trên mạng Vietnam Forbes ngày 8/1/2019.
  6. Bài viết “Mỹ – Trung sát phạt: Apple tính chuyện nghiêm túc ở Việt Nam” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 13/5/2019.
  7. Bài viết “Cái Kết Cho Apple Đang Đến – Cũng Như Nokia Ngày Xưa” đăng trên mạng Người Việt ngày 28/1/2019.
  8. Bài viết “Top 12 điện thoại nhái iPhone X từ Trung Quốc với giá siêu rẻ” đăng trên mạng FPT.Shop ngày 28/1/2019.
  9. Bài viết “Apple Mất 75 Tỉ MK Vì Cuộc Chiến Mậu Dịch” đăng trên mạng Vietbao Online ngày 13/5/2019.
  10. Bài viết “Làn sóng “hướng Nam” của các tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan: Rời Trung Quốc chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam đăng trên mạng Vietnam Construction Forum ngày 4/9/2018.
  11. Bài viết “Vì sao sau tất cả, Samsung và Apple lại phải cần đến nhau?” đăng trên mạng Thế Giới Di động ngày 10/4/2017.
  12. Bài viết “Apple đang thành công với chiến lược sản xuất iPhone cũ tại Ấn Độ và xuất khẩu sang các thị trường khác đăng trên mạng Tài chính Quốc tế ngày 14/7/2019
  13. Bài viết “Nikkei: Apple thử nghiệm sản xuất AirPods tại Việt Nam đăng trên mạng Cafef.VN ngày 17/7/2019.

—–