Tiểu thuyết Kim Dung

967 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Sau khi hoàn tất bài viết “Tam Quốc Chí” ngày 5/5/2019, tác giả có nhận được đề nghị viết thêm bài về tiểu thuyết Kim Dung. Trong văn học Trung Quốc, Tam Quốc Chí là một tài liệu lịch sữ trong khi đó, những cuốn sách của Kim Dung là những kiệt tác về võ hiệp với ảnh hưởng rất lớn đối với rất nhiều thành phần ở miền Nam trong những thập niên từ 1950 cho đến 1970. Điều thú vị là khá nhiều tư tưởng trong Tam Quốc Chí và tiểu thuyết Kim Dung lại có thể áp dụng cho thế giới hiện đại.

Kim Dung tên thật là Jin Yong sinh vào ngày 6/2/1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, địa cấp thị Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô bị chính quyền Cộng Sản bắt và hành quyết với tội phản cách mạng trong phong trào Thanh Trừng Phản Cách Mạng vào những năm đầu thập niên 1950. Thuở nhỏ Kim Dung thông minh, lanh lợi, nghịch nhưng không đến nỗi quậy phá. Ông yêu thiên nhiên, thích nghe kể chuyện thần thoại, truyền thuyết, nhất là về những ngọn triều trên sông Tiền Đường. Đặc biệt ông rất mê đọc sách. Dòng họ Kim Dung có một nhà để sách gọi là “Tra thị tàng thư” nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ, những cuốn sách này làm bạn với ông từ rất bé. Sáu tuổi, ông vào học tiểu học ở quê Hải Ninh. Ông rất chăm học, lại thêm mê đọc sách nên trở thành một học sinh giỏi của lớp. Thầy dạy văn cho ông lúc bé tên Trần Vị Đông, là người rất thương yêu và tin tưởng Kim Dung, đã cùng ông biên tập tờ báo lớp. Một số bài làm văn của Kim Dung, nhờ sự giới thiệu của thầy Đông đã được đăng lên Đông Nam nhật báo, tờ báo nổi tiếng nhất Trung Quốc bấy giờ. Năm lên tám tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoàng Giang nữ hiệp của Cố Minh Đạo, cảm thấy rất say mê, từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.

Năm 16 tuổi, ông viết truyện trào phúng Cuộc du hành của Alice có ý châm biếm ngài chủ nhiệm ban huấn đạo, người này tức giận, liền ép hiệu trưởng phải đuổi học ông. Cuộc du hành của Alice tuy đem lại tai hại, nhưng đã cho thấy tài tưởng tượng, cũng như tinh thần phản kháng của Kim Dung, mà sau này thể hiện rất rõ trên các tác phẩm. Ông lại chuyển đến học trường Cù Châu. Tại trường này có những quy định rất bất công với học trò, học sinh không được quyền phê bình thầy giáo, nhưng thầy giáo có quyền lăng nhục học sinh. Năm thứ hai tại trường, ông viết bài Một sự ngông cuồng trẻ con đăng lên Đông Nam nhật báo. Bài báo làm chấn động dư luận trong trường, được giới học sinh tranh nhau đọc. Ban giám hiệu trường Cù Châu đành phải bãi bỏ những quy định nọ. Không những vậy, một ký giả của Đông Nam nhật báo là Trần Hướng Bình do hâm mộ tác giả bài báo, đã lặn lội tìm đến trường học để thỉnh giáo, mà không biết tác giả chỉ là một học sinh.

Năm 1941, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, trường Cù Châu phải di dời, ban giám hiệu quyết định cho học sinh lớp cuối tốt nghiệp sớm để bớt đi gánh nặng. Kim Dung cũng nằm trong số đó. Sau ông thi vào học Luật quốc tế tại học viện chính trị Trung ương ở Trùng Khánh. Thi đậu, nhưng để đến được trường phải trải qua nhiều ngày đi bộ. Tại học viện chính trị Trung ương, Kim Dung vẫn học rất giỏi, cuối năm nhất ông được tặng phần thưởng cho sinh viên xuất sắc nhất. Sau ông xin làm việc tại Thư viện trung ương. Ở chung với sách, tri thức nâng cao lên rất nhiều. Ngoài đọc sách sử học, khoa học và những tiểu thuyết võ hiệp đương thời, ông còn đọc những cuốn như Ivanhoe của Walter Scott, Ba người lính ngự lâm, Bá tước Monte-Cristo của Alexandre Dumas (cha), những truyện này đã ảnh hưởng đến văn phong của ông. Tại đây ông bắt đầu nảy sinh ý định sáng tác truyện võ hiệp.

Năm 1948, tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hồng Kông, ông được cử sang làm việc ở đó, dịch tin quốc tế. Trước khi ra đi vài ngày, ông chạy đến nhà họ Đỗ để ngỏ lời cầu hôn cô con gái 18 tuổi, được chấp nhận. Hôn lễ tổ chức trang trọng tại Thượng Hải, người vợ đầu tiên Đỗ Trị Phân của ông rất xinh đẹp. Năm 1950, trong cuộc Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, gia đình ông bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố, từ đó ông mất liên lạc với gia đình. Trong lúc này, vợ ông không chịu nổi cuộc sống ở Hồng Kông, trở về gia đình bên mẹ, không chịu về nhà chồng nữa. Năm 1951 họ quyết định ly hôn.

Từ khi mới vào làm cho Tân Văn Báo, ông quen thân với La Phù và Lương Vũ Sinh. Đến năm 1955, được hai người ủng hộ và giúp đỡ, ông viết truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu lục, đăng hàng ngày trên Hương Cảng tân báo, bút danh Kim Dung cũng xuất hiện từ đây. Hai chữ “Kim Dung” là chiết tự từ chữ “Dung”, tên thật của ông, nghĩa là “cái chuông lớn”. Thư kiếm ân cừu lục ra đời, tên Kim Dung được chú ý đến, dần dần ông cùng Lương Vũ Sinh được xem như hai người khai tông ra Tân phái của tiểu thuyết võ hiệp. Ông viết tiếp bộ Bích huyết kiếm được hoan nghênh nhiệt liệt, từ đó chuyên tâm vào viết tiểu thuyết võ hiệp và làm báo, không hoạt động điện ảnh nữa.

Năm 1972 sau khi viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng, ông đã chính thức nghỉ hưu và dành những năm sau đó biên tập, chỉnh sửa các tác phẩm văn học của mình. Lần hoàn chỉnh đầu tiên là vào năm 1979. Lúc đó, các tiểu thuyết võ hiệp của ông đã được nhiều độc giả biết đến. Các tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Năm sau, ông tham gia giới chính trị Hồng Kông. Ông là thành viên của ủy ban phác thảo Đạo luật cơ bản Hồng Kông. Ông cũng là thành viên của Ủy ban chuẩn bị giám sát sự chuyển giao của Hồng Kông về chính phủ Trung Quốc. Vào tháng 10 năm 1976, sau cái chết đột ngột của con trai trưởng của mình, Kim Dung đã quyết định tìm hiểu nhiều vào các triết lý của tôn giáo. Kết quả là ông tự mình quy y Phật giáo hai năm sau đó.

Năm 2000, ông được trao huân chương Grand Bauhinia Medal – huân chương cao quý nhất của Hong Kong dành cho những người có cống hiến kiệt xuất. Tháng 2 năm 2006, ông được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc. Năm 2008, ông được vinh danh là Nhân vật ảnh hưởng tới cộng đồng người Hoa. Ngày 30/10/2018, nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94 tại Bệnh viện Hong Kong sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật.

Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết. Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. Kim Dung được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp. Các tiểu thuyết của ông từng nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như Lâm Thanh Hà, Lưu Diệc Phi, Trương Trí Lâm, Lý Nhược Đồng … Dù gác bút đã lâu, sách của Kim Dung có sức hút rộng rãi. Hồi tháng 9, tuyển tập truyện của ông được xếp vào top 10 sách ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc qua 40 năm, theo đánh giá của tờ Beijing News. Theo Straits Times, Kim Dung có hơn 300 triệu bản sách được bán ra toàn thế giới.

Nhà văn Kim Dung

HIỆN TƯỢNG KIM DUNG Ở VIỆT NAM

Tiểu thuyết võ hiệp ra đời vào những năm 30-40 trước chiến tranh thế giới II và thực sự phát triển vào những năm 60 với nhiều thay đổi, cách tân nên được gọi dưới cái tên “tân trào võ hiệp tiểu thuyết”( danh từ của các nhà xuất bản Hồng Kông). Có khá nhiều nhà văn của loại tiểu thuyết võ hiệp mới này, tuy nhiên chỉ riêng Kim Dung được tôn là “minh chủ”, được nghiên cứu tại các trường Đại học ở Anh, Mỹ, Úc và vinh dự hơn là ngay tại quê hương mình, tháng 1. 1995, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã mời ông về nước, trao tặng ông hàm giáo sư danh dự của Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh). Tại đây, ông đã có buổi nói chuyện trước các học giả, nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên … Giáo sư Nghiêm Gia Viêm đã khen ngợi: “Kim Dung đã đưa tiểu thuyết võ hiệp lên ngang hàng với văn học cung đình. Thông qua thế giới của các nhân vật võ lâm, ông đã vẽ lên bức tranh muôn màu muôn vẻ của lịch sử, của đời sống bằng tri thức lịch sử uyên thâm cùng với một văn phong làm người đọc say mê”. Với đánh giá này, giới văn học Trung Quốc đã nhận định lại tài năng của Kim Dung, công nhận ông như một nhà văn kỳ tài của Trung Quốc thế kỷ XX, là một trong mười nhà văn được độc giả yêu thích nhất. Từ năm 1985, sách của Kim Dung đã được in lại toàn bộ ở Trung Quốc, và đã tái bản đến lần thứ ba tính đến năm 1996.

Tại Việt Nam, truyện Kim Dung là một hiện tượng tiếp nhận văn học nước ngoài khá độc đáo, có thể xem là “độc nhất vô nhị”, vì những thăng trầm trong cách tiếp nhận, phê bình, đánh giá …

Truyện Kim Dung vào Việt Nam thế nào? Vào khoảng đầu thập niên 60, người Việt Nam đầu tiên dịch truyện Kim Dung là Tiền Phong Từ Khánh Phụng (Ông là người Minh Hương, ở Bắc di cư vào Nam) và hai bộ tiểu thuyết đầu tiên của Kim Dung được dịch ở Sài Gòn là Bích huyết kiếm và Cô gái đồ long. Bộ Cô gái đồ long có tên gốc là Ỷ thiên đồ long ký, nhưng vì muốn câu khách nên đổi tên thành Cô gái đồ long. Hai truyện này được đăng đầu tiên trên tờ Đồng Nai (của ông Huỳnh Thành Vị). Như vậy, Bích huyết kiếm được Kim Dung viết năm 1956 và Ỷ thiên đồ long ký viết năm 1957 thì năm 1960 đã có mặt ở Sài Gòn. Tam Khôi- một dịch giả trẻ cũng nhảy vào cuộc, ông dịch bộ Anh hùng xạ điêu đăng trên Dân Việt. Từ đó, ong vỡ tổ, “chưởng” Kim Dung bắt đầu tràn ngập làng báo Sài Gòn … Đến tháng 12/1963, có đến 44 tờ báo ngày, và tất cả báo này đều đăng feuilleton tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, nếu không báo sẽ xuống dốc không phanh. Hơn 30 nhà xuất bản đua nhau in sách chưởng, trong đó in Kim Dung nhiều nhất là các nhà xuất bản Đường Sáng, Tân thế kỷ, An Hưng …, truyện Kim Dung thật và giả có đến hơn 20 bộ. Lôi cuốn theo là một đội ngũ dịch giả đông đảo như: Từ Khánh Phụng, Hàn Giang Nhạn, Thương Lan, Phan Cảnh Trung, Điền Trung Tử, Lã Phi Khanh, Vũ Ngọc, Dương Quân, Khưu Văn … Riêng Hàn Giang Nhạn dịch sách Kim Dung nhiều nhất: 14 bộ gồm 102 tập với ngót 25,000 trang.

Với những số liệu trên, truyện chưởng Kim Dung phát sinh những hiện tượng sau:

  1. Truyện chưởng Kim Dung lôi cuốn nhiều tầng lớp độc giả, gần như khuynh loát thị trường chữ nghĩa, báo chí trong những năm 1965-1973 (thời điểm năm 1973 khi Lộc Đỉnh ký đến Việt Nam tất cả các báo đều đăng), hầu như ai cũng đọc chưởng “không chỉ có những người trong đại chúng bình dân mà ngay cả giới trí thức, những người đã từng du học bên Âu-Mỹ trở về. Các bà cũng thích chưởng. Giáo sư thảo luận với học sinh vì chưởng. Trẻ em đánh nhau ngoài đường cũng dùng chưởng … Có cầu ắt có cung, báo nào cũng phải đăng chưởng, ngay như những báo thuộc loại nghiêm túc đứng đắn lúc đầu cương quyết không đăng chưởng như Chính luận nhưng sau rồi cũng phải “mở rộng cửa đón tiếp đôi tình nhân Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung”, hay như báo Thế giới (của ông Nguyễn Văn Hợi) là một tờ báo đứng đắn nặng về giáo dục nhưng rồi cũng phải đăng Kim Dung. Báo in feuiletton xong rồi thì đến các nhà xuất bản in thành bộ. Có dịch giả nhờ dịch sách Kim Dung mà mua được nhà, tậu xe hơi, mua đất … Có nhà xuất bản sắp sửa phá sản nhờ in những tác phẩm này mà gây dựng lại cơ đồ. Chưởng Kim Dung còn là một “hiện tượng kinh tế”, cơ hội kiếm tiền của nhiều người.
  2. Những hiện tượng xã hội chung quanh việc tiếp nhận chưởng Kim Dung: rất nhiều nhà văn mê và bình Kim Dung. Từ việc viết sách về Kim Dung như Nguyễn Mộng Giác (Nỗi băn khoăn của Kim Dung- NXB Văn Mới, Sài Gòn 1972), Đỗ Long Vân (Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung- NXB Trình bày, Sài Gòn 1968) … đến việc tạp chí Văn học số 34 (15/3/1965) ra một chuyên san về kiếm hiệp với sự góp mặt của nhiều cây bút phê bình như Lưu Trung Khảo, Lý Chánh Trung, Thế Uyên, Nguyễn Hữu Dung … Nhiều nhà văn từ việc mê chưởng đã lấy bút hiệu bằng tên một số nhân vật mà họ tâm đắc trong truyện Kim Dung. Chu Văn Bình, ngoài những bút hiệu Chu Tử, Ao Thả Vịt … còn lấy thêm bút hiệu Kha Trấn Ác (một trong Giang Nam thất quái trong Anh hùng xạ điêu), Lê Tất Điều dùng bút hiệu Kiều Phong (nhân vật trong Lục mạch thần kiếm), còn những Vũ Khắc Khoan thì lấy tên Hồng Thất Công (trong Anh hùng xạ điêu), Nguyên Sa lấy bút hiệu Hư Trúc (nhân vật trong Lục mạch thần kiếm), Vũ Đức Sao Biển lấy bút hiệu Mạc Đại tiên sinh (Tiếu ngạo giang hồ).
  3. Vì sao truyện Kim Dung được tiếp nhận nhiệt tình ở miền Nam trước 1975? Tìm hiểu nguyên nhân vì sao truyện Kim Dung lại gây ra một hiện tượng tiếp nhận văn học nước ngoài chưa từng có ở Việt Nam. Chúng tôi đưa ra một số lý do sau đây:
  • Truyện Kim Dung hội đủ những yếu tố của một tác phẩm ăn khách: tình tiết ly kỳ, bố cục chặt chẽ, giải quyết hợp lý, chi tiết bất ngờ, cốt truyện không trùng lặp nhau, lại đan xen chuyện tình yêu tay ba tay tư, một thế giới nhân vật đông đảo với cá tính phức tạp, sinh động, nhân vật trung tâm của ông không phải lúc nào cũng đẹp trai, hào hoa phong nhã giỏi võ công ngay từ đầu mà có khi ngu đần, khù khờ (như Quách Tỉnh), khuyết tật (như Dương Qua), mù chữ, dốt nát (như Vi Tiểu Bảo)… Kim Dung đưa người đọc vào một thế giới võ lâm tưởng tượng mà sống động như thật.
  • Nhưng đáng nói nhất, là do tình hình chính trị- xã hội trên thế giới và Việt Nam bấy giờ. Vĩ mô là những biến động trên thế giới, Đông-Tây Đức, Nam- Bắc Hàn, chiến tranh lạnh Nga-Mỹ, Mỹ phong tỏa Cu Ba… chủ nghĩa hiện sinh tràn ngập Châu Âu, con người cảm thấy mình là một ốc đảo cô đơn giữa sa mạc cuộc đời này, từ đó nảy sinh những phong trào sống gấp, sống vội, sống cuồng, J.Lennon trần truồng ôm vợ là Y.Ono ngủ cho báo giới chụp hình phản đối chiến tranh, những lời nhạc phản chiến quá khích “Make love, not war”… Thanh niên bơ vơ, lạc lõng, không biết tin vào cái gì, làm cái gì, cuộc sống này dường như vô nghĩa đối với họ. Từ đó, truyện Kim Dung là một trong những lối thoát, Đỗ Long Vân đã nêu cảm nghĩ về truyện Kim Dung rất “hiện sinh” như sau: “truyện võ hiệp mới thường là truyện anh hùng đi tìm mình: bị ném vào một thế giới mà không hiểu và trong ấy họ phải tự chọn. Mà chọn gì khi tà không ra tà, chính không ra chính, và cả thế giới sa đọa trong một tình trạng báo động thường trực, không để lại gì hơn là cái nghi vấn chập chùng”. Tác phẩm của ông lôi cuốn thanh niên đâu chỉ ở Việt Nam mà ở cả Hồng Kông, Singapoure, Úc, Thái Lan, Malaisia, Indonesia, Mỹ, Pháp … Từ bối cảnh chung đó, truyện Kim Dung vào Sài Gòn được đón nhận nhiệt tình là vì tình hình chính trị-xã hội ở đây đang làm dân tình chán ngán (tương tự như vậy, trước chiến tranh thế giới II, truyện võ hiệp cũng bị đẩy lùi khi tình hình chính trị được cải thiện). Nguyễn Mộng Giác đã phân tích khá sắc sảo vì sao người ta (trong đó có cả ông) mê Kim Dung đến thế. Đó là “một biến chứng của cuộc chiến”, sự đam mê nào cũng có ý nghĩa tâm lý và xã hội khác thường, giống như trước và sau đó là sự đam mê những hiện tượng văn nghệ khác như mê tiếng hát trác táng của Bích Chiêu, tiếng hát mệt mỏi bất cần của Khánh Ly…. Truyện Kim Dung đã giúp cho người đọc Việt Nam thoát ra khỏi không khí căng thẳng của tình hình chính trị, áp lực của Mỹ đối với chính quyền Nam Việt Nam… Lý Chánh Trung nhắc đi nhắc lại rằng: “tôi đọc liên tiếp Cô gái đồ long, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp của Kim Dung” là một cách thoát ly hiện thực đó sao? Lưu Trung Khảo khi “đi vào thế giới kiếm hiệp” cũng là để “quên thực tại với những biến chuyển dồn dập trọng đại, bên trong cũng như bên ngoài”. Hiếu Chân còn nói rõ hơn: “tiểu thuyết võ hiệp phát triển mạnh sau ngày đảo chánh 1/11.1963, ông giải thích: “chế độ chính trị và xã hội cứ càng ngày càng xấu đi chính vì vậy con người muốn tìm một vài lúc giải thoát qua tiểu thuyết võ hiệp (…) nói tóm lại đó là một loại phản ứng, một cách thức nổi loạn của con người về mặt tâm lý”.

Các nhà phê bình trước 1975 nghiên cứu hiện tượng Kim Dung thế nào? Trước 75, phong trào đọc chưởng ở Sài Gòn thật ra là “đọc ào ào để giải trí” mà thôi. Tuy vậy cần phải nói ngay rằng không phải nhà phê bình nào cũng tán thành hiện tượng này, cũng tâng bốc Kim Dung lên tận mây xanh. Nguyễn Viết Khánh đầu năm 1968 đã thẳng thắn gọi việc đọc chưởng là một “thứ  dịch” và nhấn mạnh “việc tiểu thuyết Tàu xuất hiện trong làng báo Việt là cả một hiện tượng lạ lùng, ít có trong nền báo chí của các nước khác. Thật ra phải gọi đó là quái tượng” (chúng tôi nhấn mạnh chữ “quái tượng”). Còn Hiếu Chân, so sánh mạnh dạn hơn “trong khi ở miền Nam, phong trào đọc võ hiệp tiểu thuyết đã trở thành môt cái mê phổ biến thì ở miền Bắc hầu như không ai biết đến Kim Dung và chưởng làm gì. Và chúng ta không thể nói thanh niên miền Bắc hiện giờ không biết đọc Hán văn”. Có thể khẳng định rằng, có một lớp nhà văn, nhà phê bình công khai phản đối phong trào đọc chưởng Kim Dung rầm rộ ở Sài Gòn thời đó.

Nhưng chủ yếu vẫn là những lời khen ngợi, ca tụng. Hai cuốn sách viết về chưởng Kim Dung như trên đã giới thiệu là “Vô Kỵ giữa chúng ta” – xuất bản năm 1968 và “Nỗi băn khoăn của Kim Dung” – 1972. Ngoài ra là những bài báo đăng trên các tạp chí như Bách Khoa, Văn học, Tin văn, Điện tín, Đời, Chính luận … Họ ca ngợi Kim Dung những khía cạnh sau:

  • Luân lý đạo đức Á Đông: Lý Chánh Trung gọi đó là “một thứ luân lý giản dị và lạc quan (…) sâu xa hơn, sách kiếm hiệp biểu hiện một cách chân thành nhất – vì là ngây thơ nhất – cho một chiều hướng đạo đức căn bản của con người: vượt khỏi chính mình để trở thành chính mình, hoàn tất bản thân”, vì thế mà “đọc truyện chưởng không có hại”, Nguyễn Viết Khánh cũng khẳng định “tiểu thuyết kiếm hiệp thực ra không có hại”. Ông chia hai loại sách kiếm hiệp: một loại có hại và một loại đề cao tinh thần vũ dũng nghĩa hiệp, nhưng ông không xếp truyện Kim Dung vào một loại nào cả.
  • Ca ngợi nghệ thuật viết truyện của Kim Dung, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Thế Uyên cho “kiếm hiệp đã được Kim Dung viết với nhiều nghệ thuật”. Hầu hết các nhà phê bình đều khen ngợi cách xây dựng nhân vật của Kim Dung như Lưu Trung Khảo nhận xét “tâm lý nhân vật sống động và phong phú”, “nhân vật sống thực, thông minh, hành động hợp với lẽ tự nhiên chứ không phải là một dụng cụ của tác giả”, Thế Uyên “các nhân vật sinh động, nhiều cá tính, nhiều tâm trạng không kém gì các nhân vật Thủy Hử (…) Các nhân vật của Kim Dung chẳng có ai là thiên thần, chẳng có ai là ác quỷ (…) họ có vẻ người hơn, do đó gần gũi với chúng ta hơn”

Phê bình Kim Dung sau 1975: Sau khi Việt Nam được thống nhất, cùng với một số loại sách khác xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975, truyện chưởng của Kim Dung bị xếp vào loại văn hóa phẩm đồi trụy và bị phê phán, đả kích dữ dội. Tình hình chính trị-xã hội Việt Nam những năm 1977-1986 không thích hợp cho việc lưu hành rộng rãi truyện Kim Dung. Đó là những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam đang căng thẳng, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới cũng như trong nước … truyện Kim Dung sẽ gây ra những phản ứng tức thời và hậu quả lâu dài đến tư tưởng thanh niên trong nước, đặc biệt là miền Nam, lúc này còn đang làm quen với chế độ mới.  Những quan niệm cực đoan này đã được sửa chữa trong những năm gần đây.

Đọc lại “Kim Dung những năm gần đây”: Không phải ngẫu nhiên mà Vương Trí Nhàn đã đặt tựa cho một bài nghiên cứu trên tạp chí Văn học nước ngoài số 2/1998 là “Nghĩ lại về truyện chưởng Kim Dung”. Đã qua rồi cái thời vì hoàn cảnh chính trị- xã hội mà chúng ta lên án quá đà một hiện tượng văn học, cũng không phải là vì thời thị trường, mở cửa mà chúng ta phải đón nhận tất cả các luồng văn hóa. Đây thực sự là một cách nhìn lại, suy nghĩ mới trong tiếp nhận và nghiên cứu văn học. Cho dù Đài Loan mở cửa đón Kim Dung từ năm 1978 và Trung Quốc từ năm 1985 in toàn bộ tác phẩm của ông thì Việt Nam, vì nhiều lý do, vẫn phải dè dặt khi đặt vấn đề tái bản Kim Dung. Tạp chí Kiến thức ngày nay là nơi tiên phong trong việc đề cập đến Kim Dung, bao gồm các bài xung quanh hiện tượng Kim Dung như giai thoại, phê bình, phỏng vấn… Từ năm 1991 đã có bài Những giai thoại về tiểu thuyết Kim Dung (Phan Nghị), sau đó mỗi năm có thêm nhiều người như Vũ Đức Sao Biển, Tuyết Lan, Ngô Thiện, Huỳnh Ngọc Chiến … Nhắc đến việc nghiên cứu Kim Dung không thể không kể đến nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển, người được độc giả yêu mến gọi là nhà “Kim Dung học” với bề dày nghiên cứu là bộ Kim Dung giữa đời tôi gồm ba cuốn Thượng-Trung-Hạ xuất bản trong ba năm 1997-1998-1999, tập hợp những bài viết đăng rải rác trên các báo Kiến thức ngày nay, Thanh niên, Thế giới mới, Pháp luật… và cả những bài chưa hề công bố. Vũ Đức Sao Biển đã trình bày nhiều ý kiến, suy gẫm của mình về các mặt trong tiểu thuyết Kim Dung từ phong cách xây dựng nhân vật, triết lý, võ công, thơ ca nhạc họa, rượu, hoa, mỹ nữ, tình dục, chất hài, chất ghen… cho đến phân tích những nhân vật mà ông tâm đắc (Tiêu Phong, A Tử, Nghi Lâm, Nhạc Bất Quần, Vi Tiểu Bảo…) và cả những nhân vật phụ chỉ xuất hiện mấy trang như Lam Phụng Hoàng, Bình Nhất Chỉ … Nghiên cứu về Kim Dung mang tính khoa học thực sự phải nhắc đến sự mạnh dạn của Tạp chí Văn học nước ngoài đã ra một chuyên san về truyện kiếm hiệp của Kim Dung (số 2/1998), cùng với việc dịch lại và đăng bộ Tuyết sơn phi hồ (do các dịch giả Ngọc Thạch, Hữu Nùng, Phạm Tú Châu), là các bài nghiên cứu phê bình có chất lượng của các học giả uy tín về văn học Trung Quốc như Phạm Tú Châu, Đỗ Lai Thúy, Vương Trí Nhàn, Ông Văn Tùng …

 TRIẾT LÝ KIM DUNG

 Chủ nghĩa yêu nước Trung Quốc là đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của Kim Dung. Ông nhấn mạnh đến sự độc lập tự chủ của người Hán, và nhiều tác phẩm của ông là bối cảnh khi Trung Quốc bị đe dọa bởi những người phương bắc như Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ. Nhưng dần dần chủ nghĩa yêu nước của ông cũng bao gồm các dân tộc thiểu số tạo thành nước Trung Quốc bây giờ. Kim Dung đặc biệt khâm phục các đặc điểm của người Mông Cổ, Mãn Châu. Trong Anh hùng xạ điêu, hình tượng của Thành Cát Tư Hãn và các con của ông là những vị tướng tài ba, những dũng sĩ kiêu dũng trên đại mạc đứng lên lập nên đại nghiệp, uy hiếp nhà Tống lụn bại. Hoặc như trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung miêu tả vua Khang Hy nhà Thanh là một người có lòng trắc ẩn và có năng lực. Trong Thiên long bát bộ, Kiều Phong mặc dù là người Khiết Đan nhưng từ nhỏ đã được người Hán nuôi dưỡng. Chính điều đó đã khiến Kiều Phong vì người Hán ngăn cản vua Liêu tiến quân.

Các tác phẩm của Kim Dung có thể coi là cuốn từ điển nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa, bao gồm các lĩnh vực y thuật dân tộc Trung Quốc, châm cứu, võ thuật, âm nhạc, thư pháp, cờ vây, trà đạo, các triết học của đạo Khổng, đạo Phậtđạo Lão, và lịch sử phong kiến Trung Hoa. Các nhân vật lịch sử hòa trộn vào các nhân vật trong truyện. Các tác phẩm của ông rõ ràng đã tỏ lòng tôn trọng và tán thành các giá trị truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là các quan niệm Khổng giáo như là mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, anh em, và nhất là giữa sư phụ và đồ đệ, giữa các huynh đệ. Kim Dung cũng nhấn mạnh vào các giá trị truyền thống như là danh dự và thể diện.

Cuối cùng ông phá vỡ các phép tắc đó trong tác phẩm cuối cùng Lộc Đỉnh ký. Là một nhân vật chính nhưng Vi Tiểu Bảo không theo mô thức của các nhân vật chính mà Kim Dung đã dàn dựng, không phải là một biểu tượng của một anh hùng hảo hán, chính tà bất phân, không theo một tiêu chuẩn đạo đức nhất định, nhưng là một kẻ sống rất “nghĩa khí” và rất hết lòng vì bạn bè. Sự khác biệt giữa chánh-tà, thiện-ác, chân quân tử-ngụy quân tử chỉ là đường dây mong manh trong cuộc sống chúng ta.

Các tác phẩm của Kim Dung đã nhận được nhiều phê bình từ độc giả và các nhà phê bình văn học. Nghê Khuông, một nhà văn nổi tiếng và là bạn của Kim Dung đã viết rất nhiều bài viết phân tích các nhân vật và thế giới võ thuật trong các tác phẩm của ông. Tuy nhiên nhiều tác phẩm của Kim Dung đã bị cấm ở nhiều nơi ngoài Hồng Kông vì những lý do chính trị. Nhiều tác phẩm bị cấm ở Trung Hoa đại lục vì bị cho là chế nhạo Mao Trạch ĐôngCách mạng Văn hóa. Chính quyền Đài Loan cũng cấm vì cho rằng các tác phẩm này ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện giờ các tác phẩm của Kim Dung không bị cấm nữa. Một số chính trị gia như Đặng Tiểu Bình còn là người hâm mộ các tác phẩm của ông. Cuối năm 2004, nhà xuất bản giáo dục nhân dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa tác phẩm Thiên long bát bộ vào sách giáo khoa lớp 12. Bộ Giáo dục Singapore cũng làm như vậy đối với các trường cấp 2, 3 sử dụng tiếng Trung Quốc.

TÁC PHẨM

 Kim Dung viết tổng cộng 15 truyện trong đó 1 truyện ngắn và 14 tiểu thuyết. Hầu hết các tiểu thuyết đều được xuất bản trên các nhật báo Việt Nam. Trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ nêu ra 6 bộ truyện có số lượng độc giả nhiều nhất. Những cuốn sách này được xuất bản từ 1957-1972 mà phần lớn độc giả ở Miền Nam Việt Nam thuộc thành phần trung niên.

Tên truyện Tên khác Năm
sáng tác
Số lượng
Ghi chú
3 Xạ điêu anh hùng truyện Anh hùng xạ điêu 1957 918,000 Xạ điêu tam bộ khúc I
4 Thần điêu hiệp lữ Thần điêu đại hiệp 1959 979,000 Xạ điêu tam bộ khúc II
9 Ỷ thiên Đồ long ký Cô gái Đồ Long 1961 956,000 Xạ điêu tam bộ khúc III
11 Thiên long bát bộ Lục mạch thần kiếm 1963 1,211,000 Tiền Xạ điêu tam bộ khúc
13 Tiếu ngạo giang hồ Tiếu ngạo giang hồ 1967 979,000
14 Lộc Đỉnh ký Lộc đỉnh 1969-1972 1,230,000

Xạ điêu tam bộ khúc là bộ ba tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung được viết từ 1957-1962. Câu chuyện bắt đầu từ sự sụp đổ của nhà Kim, nhà Tống và sự nổi lên của Đế chế Mông Cổ. Câu chuyện kết thúc một trăm năm sau đó với sự thiết lập nhà Minh. Những nhân vật trong truyện đóng vai trò quan trọng trong sự suy tàn và hưng vong của những triều đại đó. Hầu như 3 tác phẩm đều có mối liên hệ về nhân vật qua nhiều đời, nhất là các nhân vật chính. Xạ điêu tam bộ khúc gồm có:

  • Anh hùng xạ điêu (Xạ điêu tam bộ khúc I): Câu chuyện kể về sự hình thành của đế quốc Mông Cổ, sự sụp đổ của nhà Kim, sự suy yếu trầm trọng của nhà Tống thông qua quá trình trưởng thành của nhân vật chính Quách Tĩnh cùng với Hoàng Dung. Truyện kết thúc khi Thành Cát Tư Hãn qua đời. Đây được coi là kiệt tác đầu tiên trong sự nghiệp viết tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.
  • Thần điêu đại hiệp (Xạ điêu tam bộ khúc II): 2 nhân vật chính là Dương Quá, Tiểu Long Nữ. Truyện diễn ra sau phần đầu khoảng 10 năm. Chủ đề chính của bộ truyện là mối tình trắc trở giữa Dương QuáTiểu Long Nữ diễn ra trong bối cảnh lịch sử Mông Cổ đã cực kỳ lớn mạnh, bắt đầu tấn công xâm lược nhà Tống. Truyện kết thúc bằng chiến thắng của quân đội nhà Tống tại thành Tương Dương. Hầu như các nhân vật của phần 1 có mối liên hệ mật thiết về mối quan hệ họ hàng với phần này và tiếp tục diễn biến phức tạp hơn. Cả hai phần có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu như không hiểu và không xem, độc giả khó có thể hình dung được tuyến nhân vật ở phần 2.
  • Cô gái Đồ long (Xạ điêu tam bộ khúc III): nhân vật chính là Trương Vô Kỵ và Triệu Minh quận chúa. Nếu hai phần đầu tiên có liên quan chặt chẽ đến nhau thì phần thứ ba này không liên quan lắm. Truyện diễn ra sau sự kiện trong Thần điêu đại hiệp khoảng 80 năm. Lúc này Mông Cổ đã diệt Tống, nhà Nguyên được thành lập, thống trị Trung Quốc. Những cuộc khởi nghĩa nổi lên liên miên. Thông qua quá trình tu luyện, trưởng thành của nhân vật chính Trương Vô Kỵ cùng câu chuyện tình của chàng với bốn cô gái Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu ChiêuÂn Ly, bối cảnh giang hồ và lịch sử được hoà quyện, miêu tả một cách khá rõ nét. Truyện kết thúc khi nhà Minh được thành lập. Phần này gần như biệt lập về nhân vật, chỉ có sự xuất hiện một cách rất mờ nhạt của tuyến nhân vật và bối cảnh của cả hai phần đầu.

Thiên Long Bát Bộ: là tác phẩm kiếm hiệp nội dung đồ sộ, hấp dẫn và phức tạp bậc nhất của nhà văn Kim Dung. Với trên 1,000 nhân vật chính, phụ, trải dài qua lãnh thổ 5 quốc gia là Tống, Liêu, Đại Lý, Thổ Phồn và Tây Hạ, Thiên Long Bát Bộ là câu chuyện về cuộc đời, tình yêu và những biến cố kinh thiên động địa trong cuộc đời ba nhân vật chính, ba chàng trai tài giỏi, đầy cá tính là: Tiêu Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc. Thiên Long Bát Bộ được đăng lần đầu tiên trên tờ Minh báo tại Hồng Kông ngày 3/9/1963 và kéo dài trên 1 năm. Tác phẩm thấm đượm triết lý và tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ. Thiên Long Bát Bộ đã được dựng thành tác phẩm điện ảnh nhiều lần.

Lục mạch thần kiếm là tên một tuyệt kỹ võ công được nhắc tới trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Theo đó, đây là một trong hai tuyệt kỹ của nước Đại Lý gồm: Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch thần kiếm. Nhất Dương Chỉ là bộ chỉ pháp được truyền dạy trong hoàng tộc Đại Lý, còn Lục Mạch thần kiếm thì chỉ có những đệ tử của Thiên Long tự mới được truyền dạy (nhiều vị vua và hoàng tộc Đại Lý khi về già tu hành tại chùa này). Nhân vật Đoàn Dự là người duy nhất có thể sử dụng trọn vẹn cả 6 mạch kiếm khí. Điều kỳ lạ là Đoàn Dự lại là một chàng trai hào hoa, phong nhã, vốn ghét việc luyện võ công lại có thể luyện thành thần công trong khi các cao tăng của Thiên Long Tự khổ công tập luyện đều không thành. Bộ thần kiếm này được sánh ngang với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm Tự nên nó thu hút các võ lâm cao thủ chiếm đoạt.

Tiếu ngạo giang hồ: là cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp đồ sộ và được đánh giá là thành công nhất của Kim Dung. Lần đầu tiên được phát hành trên Minh báo từ ngày 20/4/1967 đến 12/10/1969. Tiêu đề “Tiếu ngạo giang hồ” được đặt theo một bản nhạc cầm tiêu hợp tấu đóng vai trò trung tâm của tác phẩm. Nội dung bộ truyện xoay quanh những đề tài về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những âm mưu và cả ham muốn quyền lực. Trung tâm của toàn bộ cốt truyện là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung vốn là đứa trẻ lang thang không gia đình, được vợ chồng chưởng môn Nhạc Bất Quần – Ninh Trung Tắc đem về nuôi nấng từ nhỏ và trở thành đại đệ tử của chưởng môn Nhạc Bất Quần. Lệnh Hồ Xung bản tính chính trực, ngay thẳng, thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lại ham mê uống rượu, có lối sống lãng tử, thích tự do. Lệnh Hồ Xung xả thân cứu tiểu ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn khỏi bàn tay của Điền Bá Quang, rồi vô tình phạm môn quy và cũng nhờ đó gặp kỳ duyên được thái sư thúc Phong Thanh Dương truyền cho kiếm thuật kỳ diệu Độc cô cửu kiếm và trở thành một tay kiếm thủ hầu như không có địch thủ. Chàng lang thang giang hồ, kết bạn với đủ các thành phần từ tà đến chính, truyền bá khúc Tiếu ngạo giang hồ, được các hào sĩ giang hồ kính trọng. Lệnh Hồ Xung bị chính sư phụ của mình là Nhạc Bất Quần đổ oan là ăn cắp Tịch tà kiếm phổ, bị nhiều người hiểu lầm và bị trọng thương nặng gần chết. Lệnh Hồ Xung ban đầu yêu nàng Nhạc Linh San, nhưng sau khi nàng hờ hững với chàng, chàng đã thất tình không muốn sống, phiêu bạt giang hồ, vô tình kết duyên cùng Thánh cô Ma giáo Nhậm Doanh Doanh, và trở thành truyền nhân đắc ý của 2 bí kíp tối thượng: bí kíp kiếm thuật Độc cô cửu kiếm và khúc nhạc kỳ diệu Tiếu ngạo giang hồ. Trên quãng đường phiêu bạt giang hồ, Lệnh Hồ Xung đã sử dụng Độc cô cửu kiếm đánh bại hầu hết các cao thủ kiếm thuật, vô tình luyện thành môn Hấp tinh đại pháp, đồng thời cũng có duyên được truyền thụ bí kíp nội công thượng thừa của phái Thiếu Lâm là Dịch cân kinh.

Lộc Đỉnh ký (hay Lộc Đỉnh Công) là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung. Nhân vật Vi Tiểu Bảo nói lên được tính cách chung của người Trung Quốc. Cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp này bắt đầu xuất bản năm 1969 trên Minh Báo và kéo dài trong gần 3 năm đến năm 1972. Câu chuyện xoay quanh một nhân vật chính có hình ảnh pha trộn giữa tốt xấu, thiện ác, đồng thời trọng tình nghĩa bạn bè, có chí hiến thân vì nước nhưng cũng tiểu nhân gian xảo, mưu mô thủ đoạn, sẵn sàng hại bạn khi cần bảo vệ lợi ích của mình tên gọi Vi Tiểu Bảo. Thông qua hàng loạt cuộc phiêu lưu mạo hiểm, rủi ro, cậu thiếu niên họ Vi làm cuộc hành trình từ thành Dương Châu ở miền Nam đến tận Bắc Kinh, thủ đô của triều đình phong kiến Mãn Châu. Ngày nọ, Tiểu Bảo tình cờ gặp gỡ hoàng đế trẻ tuổi Khang Hy và cả hai trở thành một đôi bạn thân thiết. Bằng những cơ duyên may mắn tuyệt vời, sử dụng trí thông minh cùng những chiến lược tài giỏi, nhạy bén và tính thực dụng, đầu óc tiểu nhân, miệng lưỡi trơn tuột cậu đạt được rất nhiều thành tựu tiến chức thăng quan quá sức tưởng tượng của mình. Ban đầu tại Tử Cấm Thành, cậu gặp gỡ Trần Cận Nam, tổng đà chủ của tổ chức “phản Thanh phục Minh” là Thiên Địa Hội, một trong các tổ chức ngầm phản Thanh khôi phục nhà Minh, và trở thành một trong mười hương chủ của Thiên Địa Hội. Cậu đã trở thành người do thám của Hội trong hoàng cung. Sau đó cậu bị bắt cóc đến Thần Long đảo, trung tâm của Thần Long giáo, nhưng rồi lại trở thành Bạch Long sứ của Thần Long giáo.

Tuy nhiên, giống như tất cả các nhân vật hai mang, những vai trò mâu thuẫn của Vi Tiểu Bảo cuối cùng đi đến kết cục xung đột. Tiểu Bảo không muốn chọn lựa một bên nào hết. Trong hồi cuối của tiểu thuyết, Tiểu Bảo nhận ra rằng cậu không bao giờ có thể điều hòa giữa hai bên đối lập là triều đình và Thiên Địa Hội, vì cả hai cùng giằng xé nhau trong khi cậu bị kẹt ở giữa. Vì thế cậu quyết định bỏ đi theo con đường riêng của mình – đưa cả bảy cô vợ xinh đẹp và ba đứa con bí mật đi về Giang Nam sống một cuộc đời du sơn ngoạn thủy giã từ chốn cung đình Khang Hy và cái lý tưởng đấu tranh của Thiên Địa Hội.

Cuốn tiểu thuyết võ hiệp này đặc trưng ở chỗ nhân vật chính xuất thân hèn kém và hoàn toàn không phải người chính trực. Vi Tiểu Bảo là một nhân vật có khắc họa khá đặc biệt, tuy không biết chữ, chẳng biết võ công, nhưng nhờ có miệng lưỡi trơn như mỡ, óc thực dụng, tính ích kỷ, tiểu nhân điển hình cộng với đầu óc linh hoạt ứng biến nhanh nhạy mà hắn đạt được nhiều thành công, danh lợi. Vi Tiểu Bảo có những nét hao hao giống những nhân vật chính mà Kim Dung đã dàn dựng: trọng tình nghĩa bạn bè, bị đưa đẩy vào những tình thế tiến thoái lưỡng nan, yêu một cuộc sống bình dị … nhưng cũng bao gồm những những tính khác như tiểu nhân gian xảo, mưu mô thủ đoạn … Qua đó Kim Dung cũng xây dựng một nhân vật điển hình cho một bộ phận dân tộc Trung Quốc.

NHÂN VẬT

Truyện Kim Dung có rất nhiều nhân vật đều được khắc họa theo lối ấn tượng, mỗi người có một tính cách riêng biệt, tính cách ấy nhiều khi được thể hiện lên tên hay ngoại hiệu của nhân vật, Kim Dung từng trả lời độc giả rằng “lúc nghĩ cách đặt tên, tính cách và bối cảnh xuất sinh của nhân vật đều có sự liên quan đến tên. Về bản chất, các nhân vật (kể cả các bang hội) chia rõ ra hai phe chính – tà trên danh nghĩa. Nhưng sự thật ai cũng thấy là những người thuộc về phe tà không hẳn là một phường gian ác, mà những kẻ phe chính cũng không thuần là nhân nghĩa. Có những nhân vật ra mặt đức độ rất lâu, đến một lúc nào đó lại hiện rõ sự gian ác, tráo trở làm người đọc không khỏi bất ngờ.

Nhân vật nam: Các nhân vật nam chính thường được mô tả từ khi còn nhỏ, cốt truyện tiếp nối các gian nan, thử thách của họ trước khi đạt tới trình độ võ công cao nhất. Trong truyện Kim Dung, những người đạt tới cảnh giới cao nhất của võ học đều là nam giới, như Trương Vô Kỵ, Hồng Thất Công, Âu Dương Phong, Độc Cô Cầu Bại … Những nhân vật nam cũng thường là đầu mối chính trong các xung đột lớn nhỏ, vì ngoài số ít những kẻ chất phác, Kim Dung thường cho những nhân vật nam tính ham công danh lợi lộc, dẫn đến tàn sát lẫn nhau.

Nhân vật Nam chính trong các truyện căn cứ theo những cuốn sách mà tác giả đọc được:

Các nhân vật nam mà Kim Dung yêu thích: Lệnh Hồ Xung, Kiều Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá, Đoàn Dự, Trương Vô Kỵ, Phong Thanh Dương, Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông. Vi Tiểu Bảo là một nhân vật đặc biệt. Nhân vật này võ công thấp kém, xuất thân hèn kém nhưng trời sinh ra đã gian manh, xảo trá. Nhờ vậy nên lập được nhiều kỳ công trong cuộc đời mình.

Nhân vật nữ: Mặc dù nữ nhân vật trong nhiều tác phẩm võ thuật được tạo ra để minh họa cho tình yêu của các nhân vật nam, nhiều nhân vật nữ lại là trung tâm của cốt truyện, được miêu tả là những cá nhân không bị lệ thuộc, mạnh mẽ, độc lập, thông minh, và có võ thuật tài giỏi. Ví dụ, Hoàng Dung trong Anh hùng xạ điêu không chỉ là người Quách Tĩnh yêu mến mà còn là một cô gái dí dỏm, thông minh hơn chồng mình là Quách Tĩnh. Năng lực trí tuệ của cô cùng với sức mạnh cơ thể của Quách Tĩnh đã bổ sung cho nhau. Hoắc Thanh Đồng trong Thư kiếm ân cừu lục là một người giỏi võ, một người chị biết che chở, một đứa con có hiếu, và là một người sẵn sàng bảo vệ cho lợi ích của những người thân và dân tộc của cô. Công chúa Hương Hương dù không biết võ thuật nhưng cô đóng vai trò quan trọng trong câu truyện. Cuối truyện, cô tỏ ra không chỉ xinh đẹp mà còn đủ thông minh đế biết được sự thèm muốn của Càn Long. Cô có lòng cam đảm để hi sinh chính mình để bảo vệ bộ tộc và cảnh báo Trần Gia Lạc trước những âm mưu của Càn Long. Ân Tố Tố, Triệu MẫnChu Chỉ Nhược được miêu tả có sự can đảm, quyết tâm và thông minh bằng, nếu không nói là hơn các nhân vật nam khác trong Ỷ Thiên Đồ Long ký.

Các nữ nhân vật chính trong tác phẩm của Kim Dung gồm có:

Các nhân vật nữ mà Kim Dung yêu thích: Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ. Các nhân vật nữ mà Kim Dung xem là người vợ lý tưởng: Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược. Các nhân vật nữ mà Kim Dung nguyện suốt đời yêu thương và bảo vệ: Tiểu Chiêu.

Các nhân vật được coi như có võ công cao nhất: Thiên hạ ngũ tuyệt” (Võ lâm ngũ bá) là năm nhân vật được coi như có võ công cao nhất trong Xạ điêu tam bộ khúc. Ở lần gặp thứ nhất Hoa Sơn luận kiếm (chuyện xảy ra trước bộ Anh hùng xạ điêu nhưng được nhắc lại) đã phân định Vương Trùng Dương là người võ công cao nhất. Ngũ tuyệt gồm có:

Lần Hoa Sơn luận kiếm thứ hai, được kể cuối bộ Anh hùng xạ điêu, không phân thắng bại vì Âu Dương Phong đã bị tẩu hỏa nhập ma còn Cừu Thiên Nhận rút lui. Tuy vậy, Chu Bá Thông, sư đệ của Vương Trùng Dương có thể coi là người có võ công giỏi nhất tại thời điểm đó.

Ở lần Hoa Sơn luận kiếm thứ ba, được kể cuối bộ Thần điêu hiệp lữ, không còn Cừu Thiên NhậnKim Luân Pháp Vương vì đã chết. Hồng Thất CôngÂu Dương Phong cũng đã mất sau trận kịch đấu bất phân thắng bại. Kết cuộc, Chu Bá Thông, Quách TĩnhDương Quá thế chỗ Vương Trùng Dương, Hồng Thất CôngÂu Dương Phong trong danh sách ngũ tuyệt:

Độc Cô Cầu Bại là nhân vật độc đáo nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Nhân vật này chưa bao giờ xuất hiện trong tác phẩm, nhưng có võ công tuyệt đỉnh. Chỉ có tên được nhắc đến trong Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký. Sau này, một số hãng phim cũng có xây dựng phim bộ từ nhân vật này. Độc Cô Cầu Bại tuy không xuất hiện, nhưng những gì ông để lại cũng đủ làm mưa làm gió trên giang hồ. Như ba thanh kiếm dành cho Dương Quá, cộng với con chim khổng lồ đã giúp Dương Quá học được võ công thượng thặng. Lệnh Hồ Xung qua Phong Thanh Dương học được võ công Độc Cô cửu kiếm mà kiếm pháp của chàng đã gần như trở thành thiên hạ vô địch (với tiêu chí là vô chiêu thắng hữu chiêu), chỉ có Đông Phương Bất Bại mới có thể địch lại.

Nhân vật lịch sử phỏng theo: Kim Dung đã phỏng theo nhiều nhân vật lịch sử và đưa vào các tác phẩm của mình. Ông tự do thêm các chi tiết hội thoại, hành động mà trong tiểu sử chính thức của những nhân vật này không đề cập đến. Ví dụ như Đà Lôi là con út của Thành Cát Tư Hãn xuất hiện là bạn thời thơ ấu của Quách Tĩnh; Vi Tiểu Bảo trở thành bạn của vua Khang Hy … Các tiểu thuyết của Kim Dung có yếu tố lịch sử bao gồm: Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm, Thiên Long bát bộ, Xạ Điêu tam bộ khúc, Lộc Đỉnh ký và Việt nữ kiếm

CHUYỆN TÌNH TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Trong tiểu thuyết, tình yêu vẫn là đề tài của muôn thuở, từ cổ chí kim và Đông sang Tây.

Đề cập đến tình yêu trong tác phẩm Kim Dung, không thể nào kể hết. Có các bài viết về lãnh vực nầy chỉ nêu tổng quát những nhân vật trong cuộc tình nhưng cũng chưa hết, cho thấy sự đa dạng trong toàn bộ tác phẩm. Trong mỗi tác phẩm võ hiệp của Kim Dung ngoài chưởng pháp, kiếm thuật, võ công … tình yêu vẫn là đề tài chính. Tình yêu trong thế giới võ lâm hòa hợp với thiên nhiên nên rất lãng mạn. Ngang trái tình yêu trong võ hiệp gay cấn, ly kỳ, cay đắng hơn tiểu thuyết tình cảm vì hận thù giữa chính và tà, hận thù môn phái, chủng tộc, hận thù bởi lời nguyền của sư phụ, chưởng môn … Khi tình yêu đến, vượt qua những hận thù đó phải trải qua bao thăng trầm, bất hạnh, có lúc phải chịu hình phạt, đọa đày, có lúc phải chấp nhận cái chết để bảo vệ tình yêu.

Không thể nào liệt kê hết những cuộc tình trong toàn bộ tác phẩm của Kim Dung trong bài viết nên tác giả chỉ đề cập đến những mối tình tiêu biểu: Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh mới có phái Cổ Mộ dẫn đến cuộc tình đệ tử Dương Qua yêu sư phụ Tiểu Long Nữ. Mối tình giữa chánh và tà, giữa Hán và Mông Cổ như Vô Kỵ và Triệu Minh. Cuộc tình săn đuổi của cô gái đầy uy quyền trong tà giáo Nhậm Doanh Doanh với chàng trai lãng tử Lệnh Hồ Xung …

  • Vương Trùng Dương là một trong Võ Lâm Ngũ Bá. Vương Trùng Dương vì nghĩa lớn, hảo hán hành hiệp giang hồ, dựng cờ chống giặc Kim, lập nhiều chiến công nhưng quân Kim quá mạnh, nghĩa quân về sau đại bại, Vương Trùng Dương phẫn uất xuất gia, không màng thế sự, tự xưng là Hoạt Tử Nhân, nghĩa là sống cũng như chết. Chấp nhận sống trong ngôi cổ mộ sau núi Chung Nam. Bằng hữu khuyên bảo tái xuất giang hồ nhưng Vương Trùng Dương bất chấp, kiên quyết không bước ra khỏi mộ. Tám năm sau, Lâm Triều Anh, đẹp, thông minh và giỏi võ công, nữ kình địch ngày trước của ông đến bên mộ, làm bộ gây chuyện, chửi mắng, nhục mạ đối thủ suốt bảy ngày bảy đêm. Chịu hết nổi, ông liền ra giao đấu. Vừa bước ra khỏi mộ, nàng cười to: “Đã ra khỏi mộ, tức là sống lại rồi, không được vào mộ nữa”. Hai người hóa thành bằng hữu, phiêu bạt giang hồ. Vương Trùng Dương tuy có tình cảm với Lâm Triều Anh nhưng vì sự nghiệp chống quân Kim nên “lửng lơ con cá vàng” không muốn kết hôn, từ yêu đến hận dẫn đến trận quyết đấu với nhau. Lâm Triều Anh thông minh, võ công tuyệt đỉnh, hai bên ngang ngửa nhau, bất phân thắng bại nhưng Vương Trùng Dương không muốn nàng trút hận tình phải sinh tử, nàng thắng trong cuộc đấu và giành quyền giữ ngôi cổ mộ. Trước khi đấu Lâm Triều Anh ra điều kiện: Nếu huynh thắng, muội sẽ tự vẫn tại chỗ, thế là không bao giờ còn thấy mặt nhau. Nếu muội thắng, huynh phải nhường muội trú trong “Hoạt tử nhân mộ”. Trước tình thế đó, Vương Trùng Dương buộc lòng phải thua vì không nỡ thấy nàng tự sát. Sau khi vào cổ mộ, Lâm Triều Anh lập ra phái Cổ Mộ, tìm hiểu thêm môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc Nữ Tâm Kinh nhằm khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân. Môn võ công này đặc biệt trong cách luyện tập, phải hai người cùng luyện, hai người đó phải là nữ (nam và nữ luyện nhau cũng được nhưng bất tiện) vì khi luyện phải cởi bỏ hết quần áo. Lâm Triều Anh cho rằng hiệp nghĩa như Vương Trùng Dương mà vô tình bạc nghĩa thì mọi nam tử trên thế gian đều tệ như vậy cả … Lâm Triều Anh ra qui luật, đệ tử được truyền y bát, phải thề suốt đời sống trong cổ mộ, không được rời khỏi núi Chung Nam, nếu có nam tử cam tâm tình nguyện chết thay thì lời thề coi như được xóa bỏ. Có điều là không được cho nam tử biết trước điều đó. Với nam nhân trong tình yêu, khi muốn chia tay nên dùng khổ nhục kế để người tình khỏi oán hận. Du Thản Chi si tình nên dùng khổ nhục kế để được gần người mình yêu còn Vương Trùng Dương cũng dùng khổ nhục kế để trốn người tình nhưng không thoát khỏi cái bẫy của tình nhân. Lâm Triều Anh không thu nhận đệ tử, chỉ có một a hoàn hầu cận, hai người khổ thủ ở trong nhà mộ hơn mười năm không ra ngoài. Lâm Triều Anh truyền thụ tất cả võ công cho a hoàn. Nữ a hoàn đó thu nhận hai đệ tử là Lý Mạc Sầu và Tiểu Long Nữ.
  • Cuộc tình ngang trái về chủng tộc và đẹp giữa Vô Kỵ và Triệu Minh (Triệu Mẫn) trong Cô Gái Đồ Long đã một thời làm độc giả say mê trước năm 1975, nhật báo bán chạy như tôm tươi. Trương Thúy Sơn (Võ Đang, chánh phái) yêu Hân Tố Tố (con gái của Bạch Mi Ưng Vương, tà giáo) sinh ra Trương Vô Kỵ trên băng hỏa đảo. Nơi nầy, khi cha mẹ chết, Vô Kỵ nhận nghĩa phụ là Tạ Tốn (Kim Mao Sư Vương), tà giáo, gây bao tội ác trong chốn võ lâm. Cuộc đời của Vô Kỵ trải qua muôn ngàn đắng cay, từ nhỏ đã mồ côi, nghĩa phụ mù đôi mắt. Khi vào Trung Nguyên bị trúng Huyền Minh thần chưởng, sống dở chết dở. Trở về cội nguồn cũng mang tiếng là con của kẻ phản đồ, nhờ sự độ lượng của giáo chủ Võ Đang Trương Tam Phong tìm mọi cách cứu chữa nhưng không thể nào giải hết được chất độc trong người. Giang hồ võ lâm muốn lợi dụng Vô Kỵ để tìm tông tích Tạ Tốn, người giữ Đào Long Đao. Vô Kỵ được Thường Ngộ Xuân dẫn đến Hồ Điệp cốc để gặp thần y Hồ Thanh Ngưu để chữa hàn độc trong người nhưng không thoát khỏi, lại bị cha con Chu Trường Linh lừa gạt, phát hiện ra âm mưu, bỏ trốn rơi xuống vực thẳm, vô tình luyện được Cửu Dương Chân Kinh lấy được trong bụng con bạch hầu và hàn độc của Huyền Minh thần chưởng cũng tiêu tan. Vô Kỵ là gặp Triệu Minh, quận chúa Mông Cổ, trong tình thế rào cản đối nghịch nhau nhưng tình yêu ngày càng sâu đậm dù trải qua bao nhiêu khó khăn sóng gió. Triệu Minh xinh đẹp, thông minh, tinh nghịch nhưng si tình. Vô Kỵ có số đào hoa, được các bóng hồng như Chu Chỉ Nhược. Hân Ly (Thù Nhi), Tiểu Siêu … thương yêu hết mình nhưng rồi chỉ yêu Triệu Minh. Chu Chỉ Nhược đẹp thông minh, đầy tham vọng và khi yêu Vô Kỵ thì muốn độc quyền nên máu ghen nổi lên, phá đám khi Vô Kỵ gặp Triệu Minh. Là đệ tử của phái Nga My, bị sư phụ là Diệt Tuyệt sư thái bắt thề độc cấm giao du với Vô Kỵ nhưng tình yêu bất chấp lời thề. Đám cưới Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược đang diễn ra thì Triệu Minh phá đám nên bất thành. Cuối cùng, Trương Vô Kỵ không thể phủ nhận mình yêu cô gái này. Chuyện tình của họ rất lãng mạn, nhưng cũng rắc rối không ít. Giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ và Quận chúa Nhữ Dương Vương Triệu Minh hạnh phúc với nhau đến trọn đời.

BA NHÂN VẬT TIÊU BIỂU

Trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ nêu ra 2 nhân vật tiêu biểu là Tiểu Long Nữ, Nhạc Bất Quần. Nhân vật Vi Tiểu Bảo đã được nói trong phần Lộc Đỉnh Ký ở trên:

Tiểu Long Nữ: là tên một nhân vật nữ được sáng tạo bởi Kim Dung. Cùng với Dương Quá, nàng là nhân vật chính của bộ tiểu thuyết kiếm hiệp “Thần điêu Đại hiệp”. Kim Dung miêu tả nhan sắc của Tiểu Long Nữ khi nàng gặp Dương Quá lần đầu trong hồi 5 như sau: Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa màu trắng, tưởng như thân hình ấy đang trong một lớp sương mù. Nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi. Trừ mái tóc đen, toàn thân nàng trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng.” Dương Quá ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt của nàng. Nó cảm thấy thiếu nữ thật thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa thích, song thần sắc lại lạnh lùng. Đúng là thanh khiết, giá lạnh như băng tuyết. Thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui.” “Bạch y thiếu nữ tú mỹ này chính là Tiểu Long Nữ, chủ nhân của Hoạt Tử Nhân Mộ này. Nàng đã mười tám tuổi, có điều sống lâu trong hầm mộ, không có ánh nắng, nội công tu luyện lại theo đường khắc chế tâm ý nên trông trẻ hơn các thiếu nữ cùng trang lứa tới mấy tuổi.”

Tiểu Long Nữ là một đứa trẻ mồ côi được chưởng môn đời thứ hai của phái Cổ Mộ nhặt về nuôi và nhận làm đệ tử. Tên “Tiểu Long Nữ” cũng là do sư phụ nàng đặt và nàng được yêu quý như thánh nữ. Tiểu Long Nữ từ nhỏ đã sống trong Cổ Mộ, lại được dạy dỗ nghiêm khắc bởi sư phụ nên rất ngây thơ nhưng lạnh lùng, ít nói, suy nghĩ lại chất phác, đơn thuần, thường thể hiện ra ngoài vẻ thờ ơ, có chút vô tình. Bản tính nàng trầm mặc nhưng đối với Dương Quá lại hết mực dịu dàng, nồng ấm, chu đáo. Năm nàng 14 tuổi, sư phụ Tiểu Long Nữ vì bảo vệ mật thất Cổ Mộ đã qua đời. Bà để lại cho nàng chức chưởng môn và toàn bộ Mật thất Cổ Mộ. Võ công của nàng được chân truyền từ sư tổ Lâm Triều Anh với bí kíp thượng thừa do Lâm Triều Anh sáng tạo là Ngọc Nữ Tâm Kinh. Khi nhận Dương Quá làm đồ đệ, Tiểu Long Nữ dùng Ngọc Nữ kiếm pháp kết hợp với Dương Quá dùng Toàn Chân kiếm pháp, 2 người phát huy được tầng cuối cùng của Ngọc Nữ Tâm Kinh là Ngọc Nữ tố tâm kiếm pháp, tạo thành thế liên thủ Song kiếm hợp bích cực kỳ lợi hại, từng đánh thắng cả nhất đại tông sư của Mông Cổ là Kim Luân Pháp Vương. Sau này Tiểu Long Nữ còn học được thuật Song thủ hỗ bác của Chu Bá Thông, qua đó tự mình thi triển Ngọc Nữ tố tâm kiếm pháp mà không cần phải liên thủ cùng Dương Quá.

Lý Mạc Sầu là sư tỷ của Tiểu Long Nữ muốn có được “Ngọc Nữ Tâm Kinh”, bộ tâm pháp do Tổ sư Lâm Triều Anh để lại, phao truyền khắp nơi rằng sư muội là Tiểu Long Nữ đang mở hội tỷ võ chiêu thân. Người được chọn làm lang quân của nàng sẽ được thừa hưởng tất cả những võ công tuyệt diệu của phái Cổ Mộ tại núi Chung Nam. Hay tin đó, không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt trong thiên hạ lẫn hàng vương tôn công tử như Hoắc Đô cũng đến cầu hôn, gây bao nhiêu rắc rối cho đám đạo sĩ của phái Toàn Chân ở gần đó. Cũng chính vào năm này, Quách Tĩnh đưa Dương Quá tới cung Trùng Dương học nghệ. Vì bị sư phụ cùng các sư huynh ăn hiếp, do đánh lại sư huynh, Dương Quá chạy trốn khỏi Toàn Chân Giáo.

Chàng tình cờ lạc vào Mật thất Cổ Mộ và gặp Tiểu Long Nữ. Tiểu Long Nữ ban đầu không đồng ý cho Dương Quá ở lại, bắt buộc Tôn bà bà phải đưa Dương Quá rời đi. Đến Cung Trùng Dương thì Hách Đại Thông lỡ tay đả trọng thương Tôn bà bà. Tiểu Long Nữ đến đưa bà và đem Dương Quá về Hoạt Tử Nhân Mộ. Trước lúc chết, Tôn bà bà có xin Tiểu Long Nữ lo cho Dương Quá cả đời. Tiểu Long Nữ đồng ý và bắt đầu truyền dạy võ công phái Cổ Mộ và cách thức chỉ huy đàn ong mật đánh trận cho Dương Quá. Tiểu Long Nữ đã học các võ công của phái Cổ Mộ, Cửu Âm Chân Kinh, Ngọc Nữ Tâm Kinh, Toàn Chân Kiếm Pháp. Đặc biệt sau khi được Lão ngoan đồng Chu Bá Thông truyền lại môn Song Thủ Hỗ Bác thì nàng đã trở thành bậc thượng thừa trong giới võ lâm.

Huỳnh Hiểu Minh và Lưu Diệc Phi trong vai Tiểu Long Nữ và Dương Quá  – Thần điêu Đại hiệp 2006

Bốn năm sau, tình cờ Âu Dương Phong xuất hiện ở núi Chung Nam. Do bị tẩu hỏa nhập ma, Âu Dương Phong nhận nhầm Dương QuáDương Khang, nghĩa tử của y, và muốn truyền dạy võ công cho Dương Quá. Tiểu Long Nữ bị Âu Dương Phong điểm huyệt không cử động được để khỏi đi theo Dương Quá. Lợi dụng lúc Tiểu Long Nữ thoát y luyện võ công, Doãn Chí Bình chợt thấy, điểm huyệt, bịt mắt rồi hãm hiếp Tiểu Long Nữ rồi trốn đi, nhưng nàng lúc đó nửa tỉnh nửa mê, cứ nghĩ là Dương Qua. Dương Qua lúc đầu chẳng biết nội tình xảy ra, không chịu nhận Tiểu Long Nữ làm vợ vì nghĩ rằng điều này trái với đạo nghĩa giang hồ. Tiểu Long Nữ buồn lòng bỏ đi. Suốt 16 năm, Dương Qua lặn lội khắp chốn giang hồ để mong gặp người tình. Khi Dương Qua trở thành cao thủ võ lâm, sau khi làm xong đại sự, trở về Tuyệt Tình Cốc chờ Tiểu Long Nữ. Đến kỳ hạn 16 năm, không thấy bóng dáng Tiểu Long Nữ, chàng liền nhảy xuống Đoạn Trường Nhai tự vẫn. Tình cờ thay ở dưới đáy Tuyệt Tình Cốc lại là một sơn động mà Tiểu Long Nữ đã sống ở đó 16 năm. Dương Qua gặp lại Tiểu Long Nữ, hai người trở về thành Tương Dương. Chàng và nàng cùng đồng đạo võ lâm chống giặc, xả thân vì nước. Trải qua nhiều biến cố, mối tình sâu đậm giữa hai người tuy không theo sự suy nghĩ của xã hội Trung Hoa cổ nhưng vẫn có kết cục viên mãn nhờ sức mạnh tình yêu, sự thủy chung vượt lên mọi rào cản. Đây là một trong những mối tình đẹp nhất trong chốn võ lâm.

Bắt đẩu từ thập niên 80, bộ truyện “Thần điêu Đại hiệp” được đưa lên điện ảnh mà 2 nhân vật nổi tiếng nhất trong vai Tiểu Long Nữ là Trần Ngọc Liên (1983) và Lý Nhược Đồng (1990):

Trần Ngọc Liên: Từ năm 1978 đến năm 1983, Trần Ngọc Liên luôn xuất hiện đều đặn trong nhiều phim tại Hồng Kông song sự nghiệp của cô bắt đầu đạt đến đỉnh cao với vai diễn Vương Ngữ Yên trong Thiên Long Bát Bộ năm 1982 và vai diễn Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp năm 1983. Cùng với Lưu Đức Hoa trong vai Dương Quá, Trần Ngọc Liên không chỉ trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc mà được công chúng ở khắp Đông Nam Á yêu thích. Bộ phim Thần điêu đại hiệp cũng được đánh giá là một trong mười tác phẩm truyền hình kinh điển của thập niên 1980. Cô được xem là nữ diễn viên đóng vai Tiểu Long Nữ xuất sắc nhất và đến nay cô vẫn được gọi bằng biệt danh là “Tiểu Long Nữ”.

Trần Ngọc Liên trong vai Tiểu Long Nữ (1983)

Lý Nhược Đồng: Sinh năm 1973 là nữ diễn viên Hồng Kông. Cô là người con thứ 7 trong một gia đình có 10 anh chị em, từ bé đã xinh xắn nên hàng xóm gọi là Thất tiên nữ. Năm 1990, khi đang làm tiếp viên hàng không của hãng Cathay Pacific, tình cờ cô được một công ty quảng cáo mời đóng một đoạn phim ngắn. Cô được đạo diễn Từ Khắc chú ý và mời tham gia bộ phim Yêu thú đô thị. Sau đó, cô lần lượt xuất hiện trong các phim cổ trang. Nhờ có khuôn mặt rất phù hợp với các vai cổ trang, nên cô được mệnh danh là “mỹ nhân cổ trang”.  Vai Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp (đóng chung với Cổ Thiên Lạc) của cô được đánh giá là thể hiện rất thành công. Suốt 20 năm qua, vai diễn Tiểu Long Nữ do Lý Nhược Đồng thể hiện vẫn luôn được xem là kinh điển nhất trong lịch sử. Vào những năm tháng thanh xuân, cô khiến bao khán giả ngây ngất bởi vẻ thanh tú, đôi mắt trong veo, thoáng chút u buồn.

 Lý Nhược Đồng trong vai Tiểu Long Nữ (1990)

 Nhạc Bất Quần: Nhạc Bất Quần là một nhân vật lớn trong bộ tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung. Nguyên Trung Hoa có năm ngọn núi (Ngũ nhạc) nổi tiếng: Tung Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn và Hoa Sơn, mỗi ngọn núi có một kiếm phái. Nhạc Bất Quần là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, có ngoại hiệu là Quân tử kiếm. Về ngoại hình, Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần là một “thư sinh có năm chòm râu dài, mặt đẹp như mặt ngọc, chính khí hiên ngang khiến người phải đem lòng ngưỡng mộ”. Con người ấy đã trên sáu mươi tuổi nhưng nhờ tu luyện nội công nên nhìn qua, chỉ mới như cỡ bốn mươi. Ngoại hiệu của y là Quân tử kiếm cho nên không bao giờ đánh lén, đánh sau lưng người khác, ăn nói mực thước, không bao giờ lên tiếng tranh biện với ai. Ngược với cái tên Nhạc Bất Quần (không chơi với ai), y kết giao với rất nhiều bạn hào sĩ giang hồ chính phái. Về tài năng, con người ấy là sư tôn một danh môn, có môn Tử hà công thâm hậu, sáng lập ra một Hoa Sơn kiếm pháp lấy nội công làm căn cơ, học và thấm nhuần những tư tưởng của người quân tử trong triết học đạo Nho, trở thành biểu tượng đẹp đẽ của chính phái, ghét tà phái và bọn tàn ác như kẻ cừu thù. Mỗi khi Nhạc Bất Quần xuất hiện trong phần đầu của Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung thường dùng hai chữ “tiên sinh” để ca ngợi Nhạc Bất Quần.

Ngũ nhạc của Trung Hoa

Thế nhưng, toàn bộ những hào quang trên đây chỉ là những điều trá ngụy, giả tạo. Từng bước, từng bước một, Kim Dung đã lột mặt nạ của Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần, chỉ ra cho chúng ta thấy tính cách tàn bạo, thủ đoạn độc ác, âm mưu thâm hiểm của nhân vật này. Kim Dung xây dựng y như một hình mẫu “ngụy quân tử”, loại người nguy hiểm và khó đối phó hơn cả “chân tiểu nhân”. Những âm mưu, thủ đoạn của Nhạc Bất Quần vượt xa những tư duy thông minh của những cái đầu thông tuệ nhất.

Nhạc Bất Quần có một đại đệ tử tính tình rất phóng khoáng tên là Lệnh Hồ Xung. Trong một dịp tình cờ, Lệnh Hồ Xung được nghe hai vị Lưu Chính Phong của phái Hành Sơn (chính phái) tấu nhạc cùng một người bạn là Khúc Dương trưởng lão của Ma giáo. Trước khi họ chết, họ đã tặng cho Lệnh Hồ Xung bộ cầm phổ và tiêu phổ Tiếu ngạo giang hồ. Lệnh Hồ Xung lại gặp và nhận lời di chúc của gia đình Lâm Chấn Nam trước khi chết về Tịch tà kiếm phổ, một kiếm phổ ác độc của dòng họ Lâm. Lâm Bình Chi, con trai của gia đình Lâm Chấn Nam, đi từ Phúc Châu lên Hành Sơn tìm kiếm cha mẹ. Đợi cho Lâm Bình Chi lâm nguy, Nhạc Bất Quần mới ra tay giải cứu, và nhận gã làm đệ tử của phái Hoa Sơn. Nhân danh luật lệ của phái Hoa Sơn, Nhạc Bất Quần còn ra lệnh biệt giam đại đệ tử Lệnh Hồ Xung trên ngọn Ngọc Nữ phong. Ở đó, Lệnh Hồ Xung học được Hoa Sơn kiếm pháp với thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương và học được đường Độc Cô cửu kiếm oai trấn giang hồ. Loại kiếm pháp này đi ngược lại kiếm pháp của Nhạc Bất Quần: lấy kiếm thế như nước chảy mây trôi làm căn cơ (kiếm tông) trong khi Nhạc Bất Quần lấy nội công làm căn cơ (khí tông). Nhạc Bất Quần vu cáo Lệnh Hồ Xung đã lấy được Tịch tà kiếm phổ, sau đó ra thông báo đuổi học trò của mình ra khỏi phái Hoa Sơn vì tội “kết giao với Ma giáo” Điền Bá Quang. Sự thật là Nhạc Bất Quần đã cướp đoạt tấm cà sa có chép Tịch tà kiếm phổ của họ Lâm. Lão nuôi tham vọng lên ngôi Minh chủ Ngũ Nhạc kiếm phái để từ đó lập ra Ngũ Nhạc phái (bỏ chữ kiếm) và sử dụng Lệnh Hồ Xung như một con cờ thí để đánh lạc hướng của các địch thủ khác. Nhạc Bất Quẩn biết rõ trên Tịch tà kiếm phổ có câu ghi: “Võ lâm xưng hùng. Dẫn đao tự cung” (Muốn xưng hùng võ lâm, phải biết lấy đao tự thiến). Riêng Nhạc Bất Quần có kiếm phổ là lão “dẫn dao tự cung” mặc dù lão chỉ có Nhạc Linh San là con gái duy nhất. Mà với nhà nho ngày trước “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (bất hiếu có ba điều, trong đó không có con trai nối dõi là điều bất hiếu lớn nhất). Biết là như thế nhưng tham vọng của Nhạc Bất Quần lớn quá, lão quyết tự làm cho mình tuyệt tự.

Lệnh Hồ Xung lưu lạc giang hồ, kết bạn với một cô gái cực kỳ xinh đẹp. Cô gái ấy là Nhậm Doanh Doanh, con gái của Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Triêu dương thần giáo (tức Ma giáo). Trong một lần giao tranh, anh bị trọng thương mất hết công lực; Doanh Doanh phải cõng anh lên chùa Thiếu Lâm chịu để cho các nhà sư cầm tù mình để các nhà sư cứu mạng Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung được khỏi bệnh. Khi hiểu ra mối thâm tình của Doanh Doanh, anh quyết cùng bọn hào sĩ giang hồ tiến lên chùa Thiếu Lâm đòi thả Doanh Doanh ra. Trong buổi tranh hùng tại chùa Thiếu Lâm, lần đầu tiên trong đời, Lệnh Hồ Xung rút kiếm ra đấu với sư phụ. Độc Cô cửu kiếm của anh hơn hẳn Hoa Sơn kiếm pháp của Nhạc Bất Quần. Và đây cũng là lần đẩu tiên trong đời, kiếm pháp do Phong Thanh Dương phe Kiếm tông truyền thụ thắng lợi trước kiếm pháp phe Khí tông của Nhạc Bất Quần. Nhạc Bất Quần giận lắm, lão đá Lệnh Hồ Xung một cước và cái đá khiến lão gãy xương cẳng chân. Thực ra, chuyện gãy chân chỉ là một màn kịch tuyệt khéo mà chỉ có Nhạc Bất Quần mới nghĩ ra được. Lúc bấy giờ, lão đang đấu trước mặt Tả Lãnh Thiền, kẻ thù chính sau này của lão. Lão chưa tiện giở Tịch tà kiếm pháp ăn cắp của họ Lâm ra mà chỉ dùng Hoa Sơn kiếm pháp. Khi Hoa Sơn kiếm pháp bị Lệnh Hồ Xung đánh bại, lão nổi nóng đá Lệnh Hồ Xung nhưng công lực của Lệnh Hồ Xung chưa đủ để khiến chân lão phải gãy. Chuyện gãy chân đó là do lão tự vận công mà làm gãy để cho Tả Lãnh Thiền phải mất cảnh giác, cho rằng công lực của lão không đáng kể. Quả nhiên, Tả Lãnh Thiền đã rơi vào bẫy khổ nhục kế của Nhạc Bất Quần. Mọi âm mưu thủ đoạn của Nhạc Bất Quần đều được tiến hành rất khéo, dưới một bộ mặt nhân danh người quân tử, khiến mọi người hiểu lầm. Nhưng duy nhất có một người hiểu rõ mưu đồ của lão. Người đó không ai khác là vợ của Nhạc Bất Quần. Bà khuyên chồng đừng vu cáo Lệnh Hồ Xung nữa, từ bỏ giấc mộng làm minh chủ Ngũ nhạc phái và vứt bỏ tấm áo cà sa có chép Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm. Giả vờ nghe lời vợ, Nhạc Bất Quần vứt tấm áo cà sa xuống thung lũng núi Hoa Sơn.

Nhưng tấm áo cà sa đó đã không mất. Có một người đã nhặt được tấm áo đó sau nhiều năm rình rập ở căn phòng của Nhạc Bất Quần. Người đó là Lâm Bình Chi, con của Lâm Chấn Nam. Bình Chi đã nghi sư phụ đoạt được tấm áo cà sa của nhà mình và đã luyện được Tịch tà kiếm pháp của nhà mình. Hắn âm thầm theo dõi thầy và chụp được tấm áo cà sa bị vứt bỏ. Thế là quên mất lời dặn dò của cha, hắn vội vã “dẫn đao tự cung” ngay khi mới mười chín tuổi để luyện Tịch tà kiếm phổ! Một ngày nhìn ra hẻm núi, Nhạc Bất Quần không còn thấy tấm áo cà sa nữa. Lão biết có một ai đó đã lấy được kiếm phổ và “ai đó” chính là Lâm Bình Chi. Lão đánh tiếp một bước cờ thật cao: gả Nhạc Linh San, con gái yêu của lão cho Lâm Bình Chi. Vài đêm sau, lão dò hỏi Nhạc Linh San, hỏi con gái có “hạnh phúc” không. Nhạc Linh San nói dối lão rằng cô rất hạnh phúc. Thực ra từ khi “dẫn đao tự cung”, Lâm Bình Chi đã trở thành một tay thái giám thì còn làm ăn gì được. Đêm nào hắn cũng ngủ riêng và thù ghét Nhạc Linh San ra mặt. Chính câu nói dối của Nhạc Linh San đã cứu mạng gã Lâm Bình Chi. Nếu cô nói rằng sau sau ngày cưới, Lâm Bình Chi chưa hề làm chồng cô đêm nào thì Nhạc Bất Quần sẽ biết ngay là Lâm Bình Chi đã luyện Tịch tà kiếm phổ và đã giết Lâm Bình Chi rồi.

Bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần chỉ hiện ra trong lần đại hội Ngũ nhạc kiếm phái trên ngọn Tung Sơn. Lão đã sử dụng Tịch tà kiếm pháp thứ thiệt đánh với Tịch tà kiếm pháp giả mạo của Tả Lãnh Thiền, đâm mù được đôi mắt Tả Lãnh Thiền bằng những ngón tay dịu dàng như thủ pháp một cô gái đang dùng kim thêu. Lão lên ngôi minh chủ Ngũ nhạc phái, đúng như dự kiến ban đầu. Bấy giờ, Lệnh Hồ Xung đã trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn; lại được lão o bế, vỗ về khác xa với ngày đuổi Lệnh Hồ Xung ra khỏi môn phái. Bằng cái nhãn giới của người nhạy cảm, Doanh Doanh đã nói nhỏ vào tai tình lang Lệnh Hồ Xung ba tiếng nhận xét về Nhạc Bất Quần: “Ngụy quân tử”. Và chỉ đến lúc ấy Lệnh Hồ Xung mới cảm thấy cụm từ trên thật phù hợp với con người mà anh đã từng gọi là sư phụ trước kia.

Mọi chuyện về cuộc đời Nhạc Bất Quần kết thúc đúng như tinh thần chung của tiểu thuyết phương Đông: kẻ gieo gió phải gặt bão. Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần trở thành một kẻ mất hết nhân tính, bỏ vợ, bỏ con, xa lánh học trò, rượt đuổi theo giấc mơ trở thành minh chủ võ lâm Trung Hoa. Nhưng than ôi, Tịch tà kiếm pháp của hắn không thể thắng được Độc Cô cửu kiếm mà Phong Thanh Dương đã truyền thụ cho Lệnh Hồ Xung. Để trừ hậu họa cho tình lang, Nhậm Doanh Doanh bóp mũi Nhạc Bất Quần, buộc lão phải há miệng uống một viên Tam thi não thần đan, thứ thuốc độc dùng để khống chế kẻ khác của Triêu Dương thần giáo. Cuối cùng lão bị tiểu ni cô Nghi Lâm đâm một kiếm qua đời. Còn Lâm Bình Chi, một kẻ tiểu ngụy quân tử, phong cách ung dung nho nhã đúng y khuôn Nhạc Bất Quần sư phụ? Hắn cũng nổi điên, giết vợ là Nhạc Linh San. Đôi mắt bị đui mù, hắn theo Lao Đức Nặc về với Tả Lãnh Thiền. Giấc mơ Tịch tà kiếm phổ tàn lụi và thay vào đó là tiếng đàn sáo hài hòa trung chính của bộ cầm phổ-tiêu phổ Tiếu ngạo giang hồ trỗi lên.

Cầm-tiêu phổ Tiếu ngạo giang hồ

KẾT LUẬN

Để viết phần kết luận về cuộc đời của nhà văn Kim Dung thì không có gì tốt hơn nói về tình yêu của chính tác giả. 

Kim Dung trải qua 3 đời vợ. Người vợ đầu là Đỗ Trị Phân, một thiếu nữ khuê các; người vợ thứ hai là Chu Mân, một nữ phóng viên năng động; người vợ thứ ba là Lâm Lạc Di, một nữ tiếp viên.  Kim Dung có bốn người con (hai trai hai gái) đều là do người vợ thứ hai Chu Mân sinh ra và không ai theo nghiệp văn chương của cha.

Lâm Nhạc Di có vai trò khá quan trọng trong cuộc đời Kim Dung. Kim Dung quen Lâm Nhạc Di, người kém ông 29 tuổi trong một lần vào quán rượu với tâm trạng sầu muộn. Nhạc Di lòng ngưỡng mộ nhà văn, hai bên trò chuyện khá hợp tính. Nhà văn từng chia sẻ rằng Lâm Lạc Di rất biết cách chăm sóc gia đình và rất thích cách vợ trang trí nhà cửa, chính những điều nhỏ nhặt này đã khiến ông muốn gắn bó với cô vợ thứ 3 của mình.

Ngoài 3 người phụ nữ trên, người ta vẫn thường kể về một Hạ Mộng mà mãi chỉ là giấc mộng trong đời Kim Dung. Diễn viên Hạ Mộng là minh tinh những năm 1950-1960. Nhiều bài báo cho biết khi còn trẻ Kim Dung từng từ bỏ công việc ở một tòa soạn báo để chuyển sang làm biên kịch phim, nhằm tiếp cận người đẹp này. Thậm chí ông lấn sân làm đạo diễn, mời Hạ Mộng đóng chính trong phim của mình song Hạ Mộng luôn giữ khoảng cách với Kim Dung.

Nữ diễn viên Hạ Mộng, người được cho là giấc mộng của Kim Dung

Nghê Khuông, nhà văn nổi tiếng của Hồng Kông, bạn thân của Kim Dung tiết lộ Kim Dung đã xây dựng hình tượng nhân vật Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp dựa trên cô con gái út của ông là Tra Truyền Nột (1963). Khi được hỏi về việc là con gái cưng của “vua truyện kiếm hiệp” nhưng không theo nghiệp cha, Truyền Nột nói: “Trở thành cao thủ viết truyện không phải là mơ ước của tôi”. Truyền Nột cũng cho biết dù không một người con nào theo nghiệp văn của mình, song Kim Dung cũng không thấy buồn và hối tiếc: “Cha thường nói với tôi, hãy cứ làm điều gì mình muốn, không cần phải học theo ông. Bởi cái quý giá nhất của con người chính là bản ngã”.

THAM KHẢO

  1. Kim Dung – Bách khoa thoàn thư mở Wikipedia tiếng Việt
  2. Tiểu Long Nữ – Bách khoa thoàn thư mở Wikipedia tiếng Việ
  3. Bài viết “Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng Kim Dung” tại Việt Nam” trên mạng Việt Kiếm Hiệp ngày 16/10/2013.
  4. Bài viết “Từ nhân vật kinh điển Nhạc Bất Quần: Triết lý phân biệt quân tử, tiểu nhân bất cứ ai cũng nên hiểu rõ” trên mạng Soha ngày 4/11/2017.
  5. Bài viết “Tình Yêu Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung” trên mạng Calitoday ngày 28/12/2018.
  6. Bài viết “Chân dung Nhạc Bất Quần” của Vũ Đức Sao Biển trên mạng Việt Kiếm Hiệp ngày 16/10/2013.

—–