Thế hệ nối tiếp – Phiên bản 5 – 2019

592 (lượt xem) |

Kể từ 2016, trong mục đích hướng về tương lai, tác giả bắt đầu sưu tập tài liệu để viết về những khuôn mặt trong thế hệ nối tiếp từ quốc nội đến hải ngoại đang đóng góp để xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, phú cường và dân chủ. Các bài viết sẽ được đưa lên mạng khi có cập nhật những tin tức mới.

TU CHỈNH

  1. 18/5/2016: Hoàn tất Phiên bản 1.
  2. 15/8/2016: Hoàn tất Phiên bản 2.
  3. 15/8/2018: Hoàn tất Phiên bản 3.
  4. 15/2/2019: Hoàn tất Phiên bản 4.
  5. 10/1/2019: Hoàn tất Phiên bản 5:
  • Chân dung kỹ sư người Việt bé nhỏ đang nắm giữ bộ não của gã khổng lồ Google.
  • Tommy Trần – Học sinh giỏi toàn thế giới với điểm toàn hảo.
  • Hoàng Thị Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực.
  • Vũ Duy Thức và giấc mơ Việt trên bản đồ công nghệ thế giới.
  • Lê Diệp Kiều Trang: Cựu nữ sinh chuyên Lê Hồng Phong giành học bổng Oxford, bỏ việc ở McKinsey để cùng chồng gây dựng startup trị giá 260 triệu USD”.
  • Nữ sinh viên gốc Việt 19 tuổi tốt nghiệp dược sĩ.
  • Từ món ăn yêu thích, Nguyen Bảo Hoàng đã sáng lập chuỗi cửa hàng đồ ăn Việt với doanh thu trên 40 triệu USD mỗi năm.
  • Andy Nguyễn, 35 tuổi, chủ nhân hàng chục nhà hàng thu hút giới trẻ.
  • Những tấm lòng cao cả trong hành trình đưa Derrick Ngô đến Harvard.
  • Mù tiếng Anh, kiếm sống bằng 3 công việc cùng lúc, cô gái gốc Việt này đã thành CEO đế chế truyền thông cho phụ nữ tại Mỹ khi chưa tròn 30 tuổi theo cách không ngờ.
  • Mỹ thăng cấp nữ phi công gốc Việt Elizabeth Phạm lên Trung tá.
  • Ba Đại tá gốc Việt, có tên trong danh sách đề nghị thăng cấp Phó Đề đốc (Rear Admiral) và Chuẩn tướng (Brigardier General) của Quân lực Hoa Kỳ.

—–

CHÂN DUNG KỸ SƯ NGƯỜI VIỆT BÉ NHỎ ĐANG NẮM GIỮ BỘ NÃO CỦA GÃ KHỔNG LỒ GOOGLE

Lê Viết Quốc khiến Việt Nam tự hào bởi anh chính là một nhân vật quan trọng với Google được biết đến với cái tên “Google Brain” – nhà khoa học AI lừng danh trong giới công nghệ. Lê Viết Quốc sinh năm 1982 tại một ngôi làng nhỏ không có điện ở Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.  Viết Quốc vùi đầu trong thư viện hàng ngày, anh say mê đọc các cuốn sách về những phát minh vĩ đại và ước mơ một ngày nào đó, mình cũng sẽ có tên trong danh sách ấy. Năm 14 tuổi, Quốc quyết định rằng, phát minh hữu ích nhất cho nhân loại có lẽ là một cái máy đủ thông minh để có thể tự tạo ra các sáng chế – một ý tưởng siêu việt đến từ thế giới tương lai. Nhưng chính ước mơ cháy bỏng của tuổi thơ đó đã đưa Viết Quốc đến với con đường trở thành một người tiên phong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Viết Quốc được trao học bổng toàn phần của chính phủ Australia để theo học đại học tại Đại học Quốc gia Australia. Năm 2007, Viết Quốc sang Đức làm nghiên cứu với viện Max Planck Biological Cybernetics. Cùng thời gian đó, anh nộp hồ sơ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Stanford và được chấp nhận.

 Ở Stanford, Viết Quốc đã tìm ra được cách làm thế nào để tăng tốc độ xử lý dữ liệu với độ lớn gấp hàng ngàn lần bằng việc xây dựng các mạng neurone thần kinh mô phỏng. Năm 2011, Lê Viết Quốc và nghiên cứu sinh Google Jeff Dean, nhà nghiên cứu Greg Corrado làm việc tại Google cùng cố vấn Tiến sĩ Andrew Ng – hiện là Giám đốc nghiên cứu của Baidu, hãng công nghệ tìm kiếm khổng lồ tại Trung Quốc. 4 nhà khoa học tài năng đã sáng lập ra Google Brain với mục đích là khai phá về “Học sâu” (Deep Learning) trên cơ sở khối lượng dữ liệu khổng lồ của Google. Deep Learning là một thuật toán có thể giúp giải quyết hàng loạt vấn đề như giáo dục, biến đổi khí hậu. Năm 2012, Viết Quốc công bố một nghiên cứu về Deep Learning. Theo đó, anh đã phát triển một mô hình mạng lưới neurone chuyên sâu có thể nhận ra mèo dựa trên 10 triệu hình ảnh kỹ thuật số từ Youtube, cũng như hơn 3,000 bức ảnh trong tập dữ liệu ImageNet. Khi kết quả nghiên cứu của họ được công bố, nó giống như một công tắc bật nút khởi động cho một cuộc chạy đua quyết liệt ở Facebook, Microsoft và các công ty khác trong quá trình đầu tư vào nghiên cứu công nghệ “học sâu” Deep Learning.

Kể từ đó, nhà khoa học trẻ tuổi này đã giúp đỡ xây dựng các hệ thống Google nhận dạng các từ nói trên điện thoại Android, và tự động đánh dấu (tag) ảnh của bạn trên web, cả hai kỹ thuật đều được hỗ trợ từ công nghệ Deep Learning. Sau khi rời Stanford vào năm 2013, Viết Quốc chính thức đầu quân cho Google với tư cách một nhà nghiên cứu. Anh sớm đạt được những đột phá ấn tượng trước khi đề xuất và hoàn thiện trình tự chuỗi cùng các nhà nghiên cứu khác ở Google. Năm 2016, Viết Quốc và một nhà nghiên cứu khác của Google – Tiến sĩ Barret Zoph đã đề xuất hệ thống tìm kiếm kiến trúc neurone. Phương thức mới này có thể giúp các nhà nghiên cứu thiết kế một kiến trúc mạng phù hợp với cấu trúc nhân tạo chính xác nhất.

Công nghệ tương lai, trí tuê nhân tạo AI

Dựa trên những thành công trong nghiên cứu của Viết Quốc, Google đã công bố hệ thống dịch máy neurone (Neural Machine Translation System) sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra các bản dịch tốt hơn và tự nhiên hơn. Đầu năm 2018, Google đã ra mắt AutoML Vision cũng dựa trên những nguyên lý mà Lê Viết Quốc đặt nền móng. “Tôi mong muốn tạo ra được một cỗ máy có thể nhìn, nghe và hiểu được chúng ta”, Quốc nói, nhưng cũng thừa nhận rằng điều đó còn lâu nữa mới xảy ra. Mấy ai biết được rằng chàng trai có dáng người mảnh khảnh, đeo kính cận dày cộp và khá lặng lẽ trong đám đông ấy chính là người đứng sau sự “thần kỳ” của những dự án đình đám về công nghệ trí tuệ nhân tạo như Google Translate, Google Search. Năm 2014, tạp chí MIT Technology Review vinh danh Lê Viết Quốc là một trong 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới vì mục tiêu “giúp cho phần mềm đủ thông minh để hỗ trợ mọi người khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên dễ chịu”.

Ở đế chế Google, Lê Viết Quốc được giao trọng trách quản lý dự án của Google Brain, phụ trách một nhóm nghiên cứu khoảng 25 người. Như tên gọi, Google Brain đúng là “bộ não của Google”, bộ phận chịu trách nhiệm nghiên cứu khoảng 5-6 dự án mang tính cách mạng trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại hiện nay. Nhóm của Viết Quốc tập trung vào việc phát triển và hoàn thiện công nghệ nhận dạng giọng nói, hình ảnh và dịch thuật. Đối mặt với những thuật ngữ và kiến thức hàn lâm, Viết Quốc có cách diễn giải dễ hiểu, khiến cho những người ngoại đạo cũng có thể hiểu được vài nguyên lý cơ bản mà công nghệ AI đang vận hành. Anh chính là người đã đóng góp đáng kể trong việc phát triển Google Translate (công cụ dịch của Google) được biết đến là sản phẩm tiện ích khó tin cho người dùng. Phụ trách những dự án công nghệ mang tính cách mạng nhân loại, nhưng Viết Quốc lại có cuộc sống bình dị và cân bằng trái ngược với suy nghĩ phức tạp của nhiều người. Trăn trở lớn nhất với Lê Viết Quốc đó chính là một tương lai công nghệ trên chính quê hương của mình. Hơn nữa, ngành công nghiệp AI đòi hỏi trung bình từ 1 triệu nhân lực bao gồm kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà phát triển … Trong khi đó tại Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10,000 nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mỗi năm. Lê Viết Quốc từng nhận định rằng Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng trong phát triển CNTT cụ thể là công nghệ AI – yếu tố được coi là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Song Việt Nam đang thiếu nhiều “vật liệu” để xây dựng. Muốn phát triển, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính đó là giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở, và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.

Đầu năm 2017, Lê Viết Quốc nhận lời tham gia Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cả chính phủ Mỹ và Việt Nam, với kỳ vọng Việt Nam sẽ có trường đại học đẳng cấp quốc tế. Quốc kể, lý do thôi thúc anh quan tâm tới Fulbright xuất phát từ “tình yêu dành cho Việt Nam”. “Mỗi lần trở về thấy đất nước lại phát triển thêm một chút, mình cũng muốn đóng góp một chút gì đó. Mình tin là, Việt Nam muốn phát triển thì trước tiên phải có ít nhất một trường đại học tốt. Khi có một trường đại học tốt thì mới có con người giỏi để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Những người ở Đại học Fulbright mà mình tiếp xúc khiến mình cảm nhận được tâm huyết, tham vọng và cả cam kết của họ muốn góp phần thay đổi tích cực hệ thống giáo dục này. Vì thế, mình mong muốn được góp sức mình trong sứ mệnh đó”, Viết Quốc tâm sự.

TOMMY TRẦN – HỌC SINH GIỎI TOÀN THẾ GIỚI VỚI ĐIỂM TOÀN HẢO

Tháng 5/2017 đã có kỳ thi Toán Giải tích (Calculus AP) trên thế giới. Có 4 triệu và 700 ngàn học sinh dự thi. Kết quả có 6 em được điểm toàn hảo: 4 em tại Hoa Kỳ, một em tại Úc và một em tại Đức. Tommy cũng là 1 trong 6 học sinh trên thế giới đạt điểm tuyệt đối. Ông Anh Thieu, giáo viên môn Toán Giải tích của Tommy, cho biết: “Tôi rất tự hào về Tommy. Em ấy rất thông minh và có năng khiếu về toán. Tôi là một giáo viên nghiêm khắc và tin tưởng vào tất cả học trò của mình. Tôi khích lệ các em phải luôn làm tốt hơn những gì mà các em nghĩ về bản thân mình.”

Ba tiểu bang nước Mỹ đang ăn mừng chiến thắng này. Và dĩ nhiên tại California, San Jose đậu ĐẦU BẢNG với số điểm hoàn hảo là em TOMMY TRẦN, đã cạnh tranh trong cuộc thi cuối cùng vào tháng 5 vừa qua cùng với 317,663 thí sinh khắp nơi trên thế giới. Trong cuộc thi này có 45 câu hỏi trắc nghiệm cùng 6 câu hỏi tự giải phương trình toán – Nếu học sinh giỏi thì có thể làm được 45 câu hỏi toàn hảo, tuy nhiên trong 6 câu tự giải phương trình sẽ làm cho học sinh rớt dễ dàng vì cần phải viết rõ ràng khi giải trình công thức. Ban chấm thi với hơn 1,000 thầy cô giáo sẽ phải trao đổi ý kiến để bầu chọn người đầu bảng.

Như vậy thấy quá khó vì có hơn 1,000 thầy cô giáo quyết định số điểm – Và dĩ nhiên cũng nhờ vào may mắn để Tommy Trần trở thành một trong 6 học sinh giỏi nhất thế giới trong kỳ thi năm nay.

Tất cả các học sinh Mỹ đầu bảng những năm trước đây đều được các trường đại học danh tiếng Mỹ TRANH GIÀNH NHAU đón các em vào trường của họ.

Thiết nghĩ là các tiểu bang khác đang chúc mừng con em của họ thì nên nghĩ đến ngay tại tiểu bang California chúng ta có được Tommy Trần, hơn nữa em là người Việt Nam ở San Jose. Báo chí Mỹ trong vùng cùng với các đài truyền hình như NBC đã vinh danh em Tommy Trần nhưng Thùy Trang vẫn cảm thấy chưa đủ …

Vinh Danh các em học giỏi chính là khích lệ thế hệ trẻ Việt Nam cố gắng tiến xa hơn trên con đường học vấn….

HOÀNG THỊ MINH HỒNG, NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐẶT CHÂN LÊN NAM CỰC

Hoàng Thị Minh Hồng

Một trong 50 phụ nữ được tạp chí Forbes Việt Nam chọn là ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, chị Hoàng Minh Hồng, chia sẻ hành trình trên đất Mỹ khi trở thành học giả Quỹ Obama. Hoàng Thị Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực (năm 1997) cho biết, chị đã được mời tham dự chuyến thám hiểm mang tên “Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực”, sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2009. Chuyến thám hiểm này do tổ chức 2041 thực hiện nhằm kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực. Chuyến thám hiểm là cơ hội cho các thành viên tham gia thảo luận kinh nghiệm và bài học trong việc thực hiện Hiệp ước, đồng thời khuyến khích các quốc gia tôn trọng Hiệp ước và tiếp tục bảo vệ Nam Cực trong nhiều năm tiếp theo. Tổ chức 2041 được thành lập bởi nhà thám hiểm Robert Swans, người đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, một trong những nhà diễn thuyết giỏi nhất thế giới đã được phong tước Hiệp sĩ Phẩm trật Đế chế Anh, người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã từng đi bộ tới cả Nam Cực và Bắc Cực.

Từng là người Việt Nam đầu tiên được lựa chọn đặt chân lên Nam Cực, hơn 10 năm sau, nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng trở thành người Việt đầu tiên đầu tiên giành được học bổng của Quỹ Obama tại Đại học Colombia (khóa đầu). 2018 là năm đầu tiên cựu Tổng thống Obama triển khai chương trình học giả Obama. Chị cũng là giám đốc, người sáng lập tổ chức xã hội dân sự CHANGE – nơi quy tụ các bạn trẻ hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường. Chương trình lựa chọn các lãnh đạo dân sự từ nhiều quốc gia trên toàn cầu, để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, giáo dục, sức khoẻ cho trẻ em và phụ nữ nghèo, hoà bình, sự minh bạch của các chính phủ v.v. Chương trình được triển khai tại ĐH Columbia tại New York và ĐH Chicago ở Chicago, với hai hình thức chương trình khác nhau.

Trên tài khoản Twitter cá nhân, cựu Tổng thống Mỹ Obama từng viết về chị Hoàng Thị Minh Hồng

Trước khi gặp, ông đã đọc tiểu sử từng người nên ông nhận ra ngay tôi là cô Hồng ở Việt Nam và làm về môi trường. Ông nói một điều rất giống với suy nghĩ của tôi: “Chúng ta muốn ‘thay đổi thế giới’ thì chúng ta phải xây dựng cộng đồng. Và để làm được điều đó, chúng ta phải kết nối với mọi người thông qua những câu chuyện. Kể chuyện là cách tốt nhất để lôi kéo mọi người cùng hành động”. Và truyền thông bằng cách kể những câu chuyện, chính là việc tôi và tổ chức CHANGE do tôi khởi xướng và lãnh đạo đang nỗ lực thực hiện nhiều hơn trong các dự án môi trường của mình tại Việt Nam. Lần thứ hai năm 2018, cô gặp cựu Tổng thống Obama còn thú vị hơn. Đó là khi cô tham dự Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của quỹ Obama tại Chicago. Hội nghị này có 700 người tham dự, phần đông là các thủ lĩnh trẻ tham gia nhiều chương trình của Quỹ Obama từ nhiều quốc gia và trên khắp nước Mỹ.

Hiện cô đang tham dự chương trình học kéo dài 9 tháng tại ĐH Comlumbia, được thiết kế riêng cho 12 học giả. Cô được gặp gỡ, học hỏi và trao đổi với nhiều học giả, diễn giả danh tiếng từ nhiều lĩnh vực. Cô cũng được giúp nâng cao năng lực và kết nối với mạng lưới quốc tế để tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà chúng tôi đang theo đuổi. Khi được phóng viên BBC hỏi: “Nếu được mô tả ngắn gọn về bản thân trong một (hoặc vài câu), chị sẽ nói gì?” thì cô trả lời ngắn gọn:Tôi là nhà hoạt động môi trường, thích lôi kéo giới trẻ vì tôi tin vào tương lai lãnh đạo của các bạn. Tôi là một người lạc quan, tin vào lòng tốt của con người và sức mạnh cộng đồng trong việc thay đổi xã hội”.

VŨ DUY THỨC VÀ GIẤC MƠ VIỆT TRÊN BẢN ĐỒ CÔNG NGHỆ THẾ GIỚI

Sáng 30/3/2019, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) với chủ đề Nâng tầm thương hiệu Việt được khai mạc tại Paris có 24 gương mặt diễn giả hàng đầu cùng 200 khách mời danh dự đến từ nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia tham dự.

Diễn đàn dựa trên ý tưởng kết nối mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới ở tất cả các lĩnh vực do Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có trụ sở tại Paris (Pháp) kết hợp tổ chức cùng Ủy ban người Việt ở nước ngoài, dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Từ thành công của robot Ohmni, TS Vũ Duy Thức tiếp tục dấn thân vào hành trình mới với nền tảng sáng tạo mở Kambria – Ảnh: OhmniLabs

Tốt nghiệp hạng ưu với số điểm tuyệt đối 4/4 tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại đại học danh tiếng Stanford, Vũ Duy Thức là gương mặt đồng sáng lập của rất nhiều startup công nghệ đình đám tại Thung lũng Silicon (Mỹ) như Katango, Tappy, OhmniLabs.

Hai trong số các dự án startup với sự góp mặt của Duy Thức đã được một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mua lại. Với Công ty OhmniLabs có trụ sở tại Thung lũng Silicon, sản phẩm robot trợ giúp người già có tên Ohmni đã nhận được nhiều đơn đặt hàng ở thị trường Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Là một người trẻ nhạy bén, từ Ohmni, anh bắt đầu startup đột phá có tên Kambria: dùng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để giải một bài toán mà anh nhận ra từ trong quá trình vận hành công ty này. Sau khi robot Ohmni gặt hái được nhiều thành công, nhiều công ty lớn từ khắp nơi trên thế giới đã tìm đến đặt vấn đề phát triển sản phẩm robotics.

Kambria của Thức ra đời với vai trò một hệ sinh thái, một nền tảng sáng tạo mở được xây dựng trên công nghệ blockchain để kết nối ba nhân tố chính của cuộc cách mạng công nghệ: nhà phát minh (các lập trình viên, kỹ sư…), nhà sản xuất và người dùng. “Quỹ Sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Fund) của Kambria sẽ kết nối trực tiếp các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà đầu tư, rút ngắn khoảng cách giữa việc tìm kiếm quỹ tài trợ của các nhà khoa học và việc tìm nguồn công nghệ mới để rót vốn của các nhà đầu tư” – TS Thức chia sẻ. Ngoài ra, nền tảng mở Kambria còn cho phép các nhà sáng chế hưởng những ưu đãi tài chính dựa trên mỗi đóng góp của họ, cho dù đó là một đoạn mã hay là một nhánh dữ liệu.

TS Vũ Duy Thức cho biết mặc dù trụ sở của Kambria đặt tại Thung lũng Silicon, đội ngũ của Kambria lại được xây dựng tại Việt Nam với 17 thành viên, trong đó 12 người là lập trình viên. “Việt Nam được đánh giá là một nước có tiềm năng nhân lực công nghệ cao trên mặt bằng công nghệ thế giới. Tôi mong muốn được mang những công nghệ cao từ nước ngoài về, đóng góp cho mặt bằng chung của việc phát triển công nghệ Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng đã đồng thành lập tổ chức VietAI, hợp tác với các trường đại học và đối tác với mục đích đào tạo các lập trình viên có trình độ tầm cỡ quốc tế với mong muốn đội ngũ này sẽ là một phần không thể thiếu của cộng đồng phát triển các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam” – TS Thức chia sẻ.

Ngay tại thời điểm này, một cuộc thi công nghệ hackathon có tên Grand AI Challenge do Kambria tổ chức tại Việt Nam cũng đang diễn ra, kéo dài đến tháng 8/2019. “Cuộc thi nhằm kết nối các kỹ sư, lập trình viên, các nhà đầu tư và các công ty có nhu cầu sử dụng công nghệ. Trong tương lai, Kambria sẽ tiếp tục thực hiện những dự án mang mục tiêu xây dựng một cộng đồng phát triển AI và Robotics tại Việt Nam và trên toàn cầu” – TS Thức cho biết. Theo anh, Việt Nam hiện nay đang có những công ty công nghệ rất nhiều triển vọng, có nhiều tài năng, nên việc có những sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam” chỉ là sớm hay muộn.

“Để phát triển công nghệ thì cần có nhiều yếu tố hội tụ như việc hình thành một cộng đồng kỹ sư có trình độ cao, sự quan tâm đúng mức của các nhà đầu tư và những chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này từ chính phủ. Nếu có đủ các điều kiện hội tụ để hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ tại Việt Nam thì tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm có các sản phẩm công nghệ mang tầm vóc thế giới” – anh Thức chia sẻ.

LÊ DIỆP KIỀU TRANG: CỰU NỮ SINH CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG GIÀNH HỌC BỔNG OXFORD, BỎ VIỆC Ở MCKINSEY ĐỂ CÙNG CHỒNG GÂY DỰNG STARTUP TRỊ GIÁ 260 TRIỆU USD

Lê Diệp Kiều Trang – CEO Fossil Việt Nam

Lê Diệp Kiều Trang vốn là gương mặt gạo cội trong giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam và tại thung lũng Silicon khi cùng chồng là Sonny Vũ sáng lập Misfit và sau này bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD vào năm 2015. Cô gái sinh năm 1980 Lê Diệp Kiều Trang lớn lên trong gia đình có truyền thống kinh doanh với nền tảng thuận lợi và cơ bản để theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu.

Nhiều thế hệ bạn bè 8X tại TP.HCM từng biết đến Trang là cô gái tỏa sáng từ bé khi đại diện của Việt Nam hát cùng Michael Jackson. Năm lớp 9 Kiều Trang đã lấy bằng C tiếng Anh và được được đặc cách theo học đại học tại chức tiếng Anh của Đại học Nguyễn Tất Thành. Cô là thủ khoa tuyển sinh đầu vào PTTH chuyên Lê Hồng Phong, đồng thời cũng là thủ khoa tốt nghiệp lớp 12 của trường.

Năm 1998, cô nhận học bổng học dự bị đại học 2 năm tại Anh và năm 2000 giành học bổng Đại học Oxford. Năm 2005, Kiều Trang về Việt Nam làm việc. Năm 2008, cô hoàn thành thạc sĩ sau khi trở thành thủ khoa ngành kinh tế học ở ĐH Oxford (Anh) khóa 2003-2005. Từng nhận học bổng tiến sỹ nhưng cô đã không theo đuổi và quyết định đầu quân cho Tập đoàn Tài chính Mc Kinsey, văn phòng tại Boston với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính.

Khởi nghiệp … để giúp chồng

“Tôi không có tinh thần khởi nghiệp sớm đâu. Khi mới bắt đầu với Misfit, tôi hẵng còn rất say mê học hỏi thêm kinh nghiệm tại McKinsey, nơi tôi rất thích môi trường làm việc trong ngành tư vấn. Khi đó, chồng tôi (Sonny Vũ) được tôi khuyến khích tuyển một số kỹ sư ở Việt Nam để làm việc từ xa cho Misfit, vì tôi tin họ rất giỏi”, cô gái này chia sẻ về quyết định khởi nghiệp ngành công nghệ không hề có trong dự định ban đầu của mình. Theo Kiều Trang, thời điểm này chồng cô- Sonny Vũ rất bận công việc bán hàng cũng như không có kỹ năng làm việc với đội ngũ Misfit tại Việt Nam. Trong khi cô lại là người rất gắn bó với đội nhóm tại quê nhà. Và họ chính là những người kéo cô vào Misfit thay vì đội ngũ ở Mỹ. Nói thêm về Misfit, Misfit Wearables là Startup chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể. Công ty do Sonny Vũ và cựu CEO Apple, John Sculley sáng lập năm 2012. Đây là công ty thứ 3 của Sonny Vũ. Công ty muốn thành lập nhằm tạo ra các thiết bị đeo, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ nhưng vẫn phải đủ đẹp, đủ thời trang để người đeo cảm thấy tự hào, đeo thường xuyên. Hiện Misfit Wearables có hai trụ sở: đội ngũ tại Mỹ đảm nhận khâu thiết kế và phần cứng sản phẩm, còn những kỹ sư Việt Nam chịu trách nhiệm về các thuật toán phân tích dữ liệu và nhận diện chuyển động, phần mềm điều khiển. Nhiều tiến sỹ người Việt từ các nước như Anh, Mỹ, Pháp… tham gia Misfit đều từng là bạn học thời phổ thông chuyên toán của Kiều Trang. Năm 2015, Misfit được bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD.

Sau khi bán công ty, Lê Diệp Kiều Trang giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam. Theo chia sẻ của Kiều Trang, sau thương vụ này thì sứ mệnh của Misfit là tiếp tục phát triển những sản phẩm hi-tech để hỗ trợ những sản phẩm thời trang của Fossil (vốn sở hữu các thương hiệu như Burberry, Michael Kors, Kate Spade…). Nhiệm vụ của đội ngũ của Kiều Trang lúc bấy giờ là xây dựng đội nhóm Fossil Việt Nam sao cho lớn hơn nữa, thu hút thêm nhiều kỹ sư giỏi.

Ngoài ra cô cũng chia sẻ đây là điều may mắn vì nó giúp tôi gắn bó với Việt Nam hơn, cũng như có thể mang con gái một tuổi của mình về Việt Nam để cháu được gần gũi với ông bà. Và đây cũng là cơ hội để giúp đỡ và gắn kết các kỹ sư trẻ của Việt Nam với thế giới. Nhận xét về thương vụ này, Greg McKelvey, Giám đốc chiến lược ở Fossil Group chia sẻ: Sự kết hợp của Misfit và Fossil sẽ tạo ra những tăng trưởng to lớn và đồng hồ hay đồ trang sức của hãng có thể trở thành những thiết bị mang tính kết nối. Fossil hiện phân phối sản phẩm của mình tại 150 quốc gia, thông qua 26 công ty con, 75 nhà phân phối độc lập và 600 cửa hàng.

Còn nhớ hồi tháng 3/2018, Lê Diệp Kiều Trang tuyên bố trên Facebook cá nhân về việc rời khỏi Fossil Việt Nam, cùng lúc Sonny Vũ cũng rút khỏi vị trí Tổng giám đốc Công nghệ của Fossil. Cô cho biết việc rút khỏi Fossil Việt Nam là cơ hội để nghỉ ngơi, dành thời gian bên gia đình và “để theo đuổi cơ hội mới” mà cô sẽ công bố trong ít tuần tiếp theo nếu được phép. Sau đó ngày 20/3/2018, Facebook đã xác nhận cựu CEO Fossil Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang sẽ đảm đương vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam và làm việc tại trụ sở Singapore. Sau 9 tháng làm việc tại Facebook Việt Nam, trên trang cá nhân của nữ doanh nhân này viết: “Thời gian ở Facebook là một chặng đường vô cùng thú vị, được học hỏi, được xây dựng và dẫn dắt bộ phận kinh doanh của Facebook tại Việt Nam”. Theo đó bà Trang cho biết hết năm 2018 bà sẽ rời khỏi vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam do không thu xếp được công việc gia đình.

Ngày 22/4/2019, Go-Viet đã chính thức bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) giữ vị trí tân Tổng giám đốc. Đây là công ty được quản lý bởi đội ngũ sáng lập Việt và nhận được sự hậu thuẫn về nguồn đầu tư, công nghệ và kiến thức chuyên môn hàng đầu từ GO-JEK. GO-VIET mang đến những loại hình dịch vụ đa dạng cho thị trường Việt Nam, bao gồm giao thông vận tải, vận chuyển, giao nhận thực phẩm và thanh toán chi phí và hơn thế nữa.

NỮ SINH VIÊN GỐC VIỆT 19 TUỔI TỐT NGHIỆP DƯỢC SĨ

Cô Kassidy Võ lúc 14 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học. (Hình: Kassidy Vo Facebook)

Cô Kassidy Võ, 19 tuổi, được đại học Chapman University, Orange, trao bằng tiến sĩ dược lý (doctorate in pharmacology) tại lễ tốt nghiệp hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Năm. Theo nhật báo The Orange County Register, cô Kassidy hoàn tất chương trình học hai năm sớm hơn dự định, và là dược sĩ trẻ nhất tốt nghiệp tại đại học này, cũng như là dược sĩ trẻ nhất tiểu bang California. Ngoài giờ học chương trình cao học, thay vì chơi các trò chơi điện tử, hoặc đi Disneyland – một nơi mà cô yêu thích nhất trên trái đất – hoặc đi dạo dọc bờ biển, sinh viên gốc Việt này thực tập tại St. Jude Medical Center ở Fullerton.

Theo OCR, nếu nhìn vào gia đình cô – đầy can đảm và kiên trì – mọi người sẽ phải “lắc đầu” không hiểu tại sao họ lại có thể làm được như vậy. Khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975, cha của cô Kassidy, lúc đó mới 10 tuổi, sống ở vùng cao nguyên. Cùng lúc đó, mẹ của cô, bà Kacie Trần, mới 8 tuổi, sống ở một làng đánh cá. Gia đình bà sau đó vượt biên, được tàu Mỹ vớt, và đến Hoa Kỳ. Vài năm sau, gia đình chồng tương lai của bà Kacie cũng định cư tại Mỹ.

Sau đó, cha mẹ cô Kassidy gặp nhau, rồi cưới nhau, bắt đầu cuộc sống mới ở phía Bắc Orange County. Mặc dù hai vợ chồng không có bằng đại học, nhưng họ lại tập trung nuôi dạy hai đứa con, Andrew và Kassidy, vì muốn chúng phải hơn họ.

Năm 2015, Andrew Võ tốt nghiệp đại học Chapman University lúc 19 tuổi, nhưng chỉ với bằng cử nhân. Cô Kassidy nói rằng, mặc dù vậy, hai anh em không bao giờ là đối thủ của nhau, mà còn giúp nhau học hành, và chính thành công của Andrew làm Kassidy muốn thành công hơn. “Em gái tôi từng học xong mẫu giáo chỉ trong một tuần,” anh Andrew viết. “Ở trung học, cô tốt nghiệp chỉ trong hai năm, lúc 14 tuổi.” Cả hai cho rằng, tất nhiên họ học nhanh hơn người khác, nhưng không phải là thiên tài, mà là do chăm chỉ học, và một phần nhờ cha mẹ “khôn ngoan.” Sau khi Kassidy học xong lớp một, bà Kacie thấy rằng, đối với con bà, học ở trường là chậm quá. Thế là bà dạy cả hai đứa con ở nhà. Bà biết rằng không chỉ học, mà cuộc sống còn có những thứ khác. Lúc đang học lớp năm, Kassidy muốn thử tham gia chương trình truyền hình “Are You Smarter than a 5th Grader?” Và cô được mướn ba lần cho ba chương trình. Cả hai anh em đều thích trò chơi điện tử, Disneyland, và làm bạn với những người lớn tuổi hơn mình rất nhiều.

Hồi năm 2015, Andrew kể rằng: “Nhiều người hỏi tôi có cảm thấy không bình thường vì khuôn mặt non choẹt ở đại học, tôi nói rằng tôi không gặp khó khăn gì khi nói chuyện với bất cứ ai trong trường.” Cô em gái Kassidy cũng đồng ý với anh trai, và nói: “Bất cứ tình bạn nào cũng đều là chia sẻ kinh nghiệm.”

Năm ngoái, cô Kassidy phải tham gia nhiều chương trình thực tập, làm việc 8 giờ mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần, và do mẹ chở đi. Cô làm việc ở Walgreens, phòng cấp cứu, khu chăm sóc đặc biệt, và trợ giúp các bác sĩ trong bệnh viện.

“Khó khăn nhất là khi thấy một bệnh nhân qua đời,” cô kể. “Lúc đó, tôi khóc như một đứa bé.”

“Vui nhất là được gặp bệnh nhân và cho họ biết là mình quan tâm đến họ,” cô kể thêm.

Sau lễ tốt nghiệp, điều đầu tiên cô Kassidy Võ làm là ngủ bù. Kế đến là cố gắng đi thăm tất cả các khu giải trí Disneyland trên thế giới. Sau đó tính tiếp, nhưng chắc chắn là trong lĩnh vực dược phẩm. “Tôi vẫn còn trẻ,” cô nói. “Tôi muốn đi xa hơn nữa.” Về cuộc sống, cô chia sẻ: “Nếu không biết khôi hài, chúng ta có vấn đề.” Và triết lý sống của cô là: “Khi chơi tôi chơi hết mình, khi làm việc tôi làm hết

Và triết lý sống của cô là: “Khi chơi tôi chơi hết mình, khi làm việc tôi làm hết ga, 100%!” “Nhưng nếu tôi ở Disneyland, tôi sẽ tập trung 110%,” cô Kassidy Võ nói với một nụ cười láu lỉnh.

TỪ MÓN ĂN YÊU THÍCH, NGUYỄN BẢO HOÀNG ĐÃ SÁNG LẬP CHUỖI CỬA HÀNG ĐỒ ĂN VIỆT VỚI DOANH THU TRÊN 40 TRIỆU USD MỖI NĂM

Nguyen Bảo Hoàng là một trong ba nhà sáng lập, kiêm CEO của chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Rolld ở Australia. Hiện Rolld có mặt ở khắp các trung tâm thương mại và trở thành thương hiệu ẩm thực quen thuộc tại Australia.

Những năm đầu thập niên 1980, bố mẹ Bảo Hoàng rời Việt Nam sang định cư tại Australia. Sinh ra và lớn lên tại xứ sở chuột túi nhưng Bảo Hoàng luôn có mối liên kết sâu sắc với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực. Sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý Trị liệu tại ĐH Melbourne, Bảo Hoàng làm nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực sức khỏe khoảng 10 năm. Yêu thích ẩm thực Việt, Bảo Hoàng ấp ủ đam mê và mong muốn giới thiệu ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế.Từ nhỏ Bảo Hoàng luôn được thưởng thức các món ăn thuần Việt do mẹ và các dì chế biến. Những món ăn đơn giản như bánh mì, gỏi cuốn, phở luôn xuất hiện trong thực đơn hàng ngày của Bảo Hoàng và anh ăn không bao giờ biết ngán.

Năm 30 tuổi, Bảo Hoàng bỏ công việc ổn định, mức thu nhập tốt để khởi nghiệp nhà hàng ẩm thực Việt. “Tôi đã nói chuyện với anh họ về ý tưởng kinh doanh chuỗi thức ăn đường phố mang hương vị Việt và anh ấy rất thích. Vậy là chúng tôi lên kế hoạch mở nhà hàng Rolld đầu tiên”, Bảo Hoàng chia sẻ.

Năm 2012, Bao Hoang cùng anh họ Tin Ly và người bạn học cấp một, Ray Esquieres, góp số vốn 180,000 AUD mua lại quán cà phê Italy ở thành phố Melbourne để khởi nghiệp. Tháng 5/2012, nhà hàng chuyên kinh doanh thức ăn nhanh hương vị ẩm thực Việt ra đời có tên Rolld.

Nhà hàng Rolld hiện bán nhiều loại gỏi cuốn khác nhau được chế biến từ rau củ, thịt, hải sản. Ảnh: FB Rolld.

Tọa lạc tại khu văn phòng nhộn nhịp, Rolld là nhà hàng đặc trưng với các món ăn quen thuộc của người Việt như: gỏi cuốn, bánh mì, phở, cơm tấm … Ngay ngày đầu khai trương, Rolld phục vụ hơn 150 thực khách và mới 13:30 PM, nhà hàng đã hết sạch đồ ăn. Chỉ vài tuần sau, số lượng khách hàng đến với Rolld tăng lên 1,000 khách mỗi ngày.

Ban đầu, Bảo Hoàng mục tiêu hướng tới khách hàng là nhân viên văn phòng của các công ty xung quanh có nhu cầu ăn trưa nhanh gọn và tốt cho sức khoẻ. Xây dựng phong cách giản dị, thiết kế đơn giản, các món ăn có lợi cho sức khỏe, Rolld dần thu hút nhiều người tìm đến và trở thành khách hàng thân thiết. Thương hiệu ẩm thực Rolld dần trở nên quen thuộc với người Australia.

Chỉ 6 tháng sau, Bảo Hoàng đã mở thêm được nhà hàng thứ hai. Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực nhưng bằng đam mê và hương vị Việt độc đáo, nhà hàng của Bảo Hoàng đã chinh phục được những thực khách khó tính nhất.

Theo Bảo Hoàng, công thức tạo nên thành công của Rolld là mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Người tạo ra công thức món ăn là mẹ và dì, bố quản lý việc giao hàng, vợ anh làm giám đốc thương hiệu, trong khi anh trai và chị gái giúp quản lý cửa hàng.

Rolld nhanh chóng trở nên nổi tiếng và Bảo Hoàng dần mở rộng chuỗi 66 nhà hàng tại các thành phố lớn của Australia. Những năm qua Rolld liên tiếp đạt mức tăng trưởng khoảng 800%, doanh thu mỗi năm đạt 40 triệu AUD (gần 30 triệu USD).

Hiện nay, chuỗi nhà hàng Rolld có hơn 700 nhân viên, mỗi năm bán ra khoảng 6 triệu chiếc nem cuốn, chiếm 50% doanh thu của chuỗi cửa hàng. Ngoài ra, các món ăn Việt khác như bánh mì, phở, bún bò Huế cũng được thực khách yêu thích.

Mở rộng chuỗi cửa hàng nhanh chóng với số vốn nhỏ là thách thức lớn đối với Bảo Hoàng. Bảo Hoàng lựa chọn nhượng quyền thương hiệu Rolld để mở rộng và tìm kiếm thêm nhà đầu tư. Đến nay, 70% chi nhánh của Rolld do Bảo Hoàng và hai người đồng sáng lập sở hữu, số còn lại là chi nhánh nhượng quyền.

“Để gây dựng một thương hiệu ẩm thực tại Australia là điều không đơn giản. Vì vậy, khi khởi nghiệp chúng tôi phải phát triển thương hiệu thật mạnh để đảm đảm đứa con tinh thần không bị chết yểu”, ông chủ người Việt chia sẻ.

Mục tiêu của Bảo Hoàng đến cuối năm 2018 là Rolld có 100 nhà hàng chi nhánh. Đồng thời, anh cũng lên kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, cụ thể là Philippines và Mỹ.

Thảo Nguyên
Theo Busines Week

ANDY NGUYỄN, 35 TUỔI, CHỦ NHÂN HÀNG CHỤC NHÀ HÀNG THU HÚT GIỚI TRẺ

Giới trẻ tại Orange County không mấy xa lạ với tiệm kem Afters Ice Cream bởi các vị kem đặc sắc, lạ miệng. Nhưng ít ai biết được, đứng sau thành công này là một chàng trai gốc Việt có tên Andy Nguyễn. Andy là một trong hai người đồng sáng lập Afters Ice Cream, và với đôi “bàn tay” kỳ diệu của mình, ngoài tiệm kem, anh còn mở nhiều nhà hàng, tạo ra nhiều xu hướng ăn uống mới tại Nam California. Andy sinh ra và lớn lên tại Fountain Valley, thuộc miền Nam California. Năm 19 tuổi, Andy quyết định dừng việc học hành và thử sức trong nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi mở tiệm kem Afters Ice Cream đầu tiên vào năm 2014 tại Fountain Valley. Từ một tiệm, lên hai tiệm, mà nay là cả một hệ thống với nhiều chuỗi nhà hàng phục vụ các món ăn lạ, “độc đáo,” thu hút nhiều thực khách trẻ tuổi. Trong hệ thống nhà hàng này, chính là bước khởi đầu dẫn đến sự thành công của Andy.

Điều đặc biệt của Afters Ice Cream là thực khách có cơ hội ăn kem theo “phong cách mới” khi những viên kem lạnh được “gói” trong chiếc bánh donut nóng hổi bên ngoài. Khi cắn vào chiếc kem-donut, có thể cùng người ăn thưởng thức được vị mát lạnh của kem và mùi thơm nóng của bánh donut. Chỉ sau vài năm, từ tiệm Afters Ice Cream đầu tiên ở Fountain Valley, đến nay, bảng hiệu này đã phát triển thành hàng chục chi nhánh tại Chino Hills, Irvine, Long Beach, Cerritos, Costa Mesa, và nhiều thành phố khác. Không chỉ thành công ở món kem, Andy còn “đào sâu” thêm vào lĩnh vực ăn uống khi sở hữu thêm tiệm trà sữa Milkbox, cửa hàng thức ăn chuyên về thịt heo Pig Pen Delicacy, và nhiều quán ăn khác. Mới đây nhất, anh còn mở thêm quán Portside Fish tại Irvine, và Wingman Chicken tại Santa Ana.

Afters Ice Cream của Andy Nguyen

Cuộc phỏng vấn của Người Việt với chàng trai sinh năm 1984 này cho thấy tuổi trẻ gốc Việt có những suy nghĩ, những đam mê, và cách thức hành động để biến ước mơ thành hiện thực là như thế nào.

Khoa Lại (Người Việt): Được biết, anh Andy Nguyễn và anh Scott Nghiêm, một người cộng sự, là đồng sáng lập của tiệm kem Afters Ice Cream. Vì sao anh quyết định “đào sâu” vào lĩnh vực món ăn tráng miệng, đặc biệt là kem?

Andy Nguyễn: Lớn lên tại Orange County, tôi và bạn bè thấy rằng không có nhiều thứ mới mẻ và đặc sắc xung quanh đây. Orange County có một số tiệm kem như Baskin Robbins, Thrifty, và Cold Stone. Tuy nhiên những mùi vị tại đây không mấy đặc sắc. Hơn thế nữa, những nơi cho giới trẻ tụ tập tại Orange County thường đóng cửa lúc khoảng 9-10 giờ tối. Thế nên, chúng tôi muốn mở một tụ điểm cho giới trẻ với những vị kem độc đáo, đóng cửa trễ, cùng lúc bắt kịp với những trào lưu thịnh hành của giới trẻ hiện nay. Đó là hình ảnh mà chúng tôi muốn hướng đến khi lập nên Afters Ice Cream.

Người Việt: Afters Ice Cream khác biệt thế nào với những tiệm kem khác? Nghe nói cửa hàng có một loại bánh donut nóng bên ngoài nhưng vẫn giữ được độ lạnh của phần kem bên trong, anh có thể cho biết thêm về nét độc đáo của món ăn này?

Andy Nguyễn: Có hai thứ khá gần gũi với người Mỹ, đó là donut và kem, thế nên chúng tôi quyết định kết hợp chúng lại với nhau để tạo ra một “phiên bản” mới và đậm chất riêng của mình. Thực khách có thể kêu thêm những “topping” giòn giòn bỏ lên trên, cùng lúc tận hưởng phần bánh nóng từ donut, và phần kem lạnh bên trong. Kết hợp ba thứ này sẽ mang lại mùi vị đặc sắc cho người ăn kem.

Người Việt: Thực đơn của tiệm có nhiều tên gọi độc đáo như “Cookie Monster,” “Milk & Cereal,” và “Triple C’s,” thay vì tẻ nhạt, theo cách truyền thống như “Vanilla,” hay “Chocolate.” Anh lấy ý tưởng cho những mùi vị này từ đâu và vị kem anh thích nhất là gì?

Andy Nguyễn: Chúng tôi lấy ý tưởng từ những kinh nghiệm sống và từ những món ăn chúng tôi yêu thích. Ví dụ điển hình, chúng ta thường tới “Trader’s Joe” để mua “Cookie Butter,” một món khá thân thuộc với người Mỹ. Thế là chúng tôi tạo ra vị kem Cookie Butter, một mùi vị ít ai nghĩ tới cho kem. Một ví dụ khác, chúng ta hay uống cà phê Việt Nam, nên chúng tôi tạo vị kem “Vietnamese Coffee.” Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp “Vanilla,” và “Cookie & Cream,” để tạo một cái tên mới là “Cookie Monster” và dùng màu xanh dương thay vì màu trắng, để tạo điểm nhấn cho món kem này. Còn vị kem hiện tại mà tôi thích nhất là “Milk & Cereal.”

Người Việt: Ngoài những vị kem độc đáo, anh còn đem niềm vui đến cho thực khách ăn kem khi có sự kết hợp những hình ảnh thân thuộc như “Hello Kitty,” và “Spongebob” vào sản phẩm của mình. Anh có thể cho biết thêm những sáng kiến độc đáo này khởi nguồn như thế nào?

Andy Nguyễn: Chúng tôi làm việc cùng những công ty này để tạo thêm cảm hứng cho những vị kem mới từ những hình ảnh gần gũi đó. Ngoài ra, chúng tôi hiểu rõ khách hàng của mình cần gì và nhận thấy đây là một cơ hội cho chúng tôi phát triển. “Hello Kitty” là một nhân vật mà nhiều khách hàng nữ yêu thích, nên chúng tôi hy vọng có thể thu hút nhiều khách nữ đến tiệm kem hơn bằng hình ảnh của Hello Kitty. Hoặc với “Spongebob,” là một nhân vật hoạt hình mà tôi ưa thích, chúng tôi muốn dùng những yếu tố trong phìm hoạt hình để tạo mùi vị cho kem. Vì nhân vật này sống trong ngôi nhà bằng quả thơm, nên chúng tôi làm ra kem vị thơm và thêm một số nét riêng cho bắt mắt và hấp dẫn hơn.

Người Việt: Trong một số cửa tiệm của anh có câu “Ăn kem rẻ hơn đến bác sĩ.” Anh giải thích ý nghĩa của câu nói đó như thế nào?

Andy Nguyễn: Đối với tôi, ăn kem là một niềm vui vì dù bạn có đang vui hay buồn, bạn luôn có thể ăn kem để tinh thần vui vẻ hơn. Đây là một “liệu pháp tâm lý” chỉ tốn vài đô la, trong khi đến bác sĩ lại tốn đến hàng trăm đô la.

Người Việt: Qua mạng xã hội, anh biến Afters Ice Cream thành một trong những tiệm kem độc đáo và khá phổ biến tại Orange County. Vậy anh có thể chia sẻ tầm quan trọng của việc sử dụng mạng xã hội để phát triển công ty trong môi trường ngày càng cạnh tranh?

Andy Nguyễn: Tôi nghĩ hình ảnh là một “ngôn ngữ” mà ai cũng hiểu được dễ dàng. Tôi nghĩ trong thời buổi công nghệ hiện đại, hình ảnh đóng một vai trò quan trọng trong cách sống của giới trẻ ngày nay, nhất là khi họ ra ngoài ăn uống hay vui chơi cùng bạn bè. Thế nên, chúng tôi dùng hình ảnh trên mạng xã hội để kết nối với khách hàng, nói về sản phẩm của mình, và chia sẻ giá trị của công ty. Đó là lý do vì sao sử dụng mạng xã hội rất quan trọng và phương thức này giúp chúng tôi thành công như ngày hôm nay.

Người Việt: Trước khi trở thành một nhà kinh doanh thành đạt, anh từng thử sức trong nhiều lĩnh vực như bất động sản và “food-truck.” Ngoài ra, anh từng mở một thương hiệu thời trang và mở một công ty quảng cáo. Điều đáng nói là anh từng bỏ học từ khi mới 19 tuổi để tích lũy kiến thức qua những trải nghiệm cuộc sống thay vì qua sách vở. Anh có thể chia sẻ những khó khăn, suy nghĩ, và trải nghiệm của mình khi ấy?

Andy Nguyễn: Bỏ học vào năm 19 tuổi là một điều khác lạ và hiếm thấy khi bạn là người Việt Nam. Đây là một điều quá mới với lối sống và cách suy nghĩ của cha mẹ gốc Châu Á. Nhưng tôi dùng cơ hội này để làm một điều gì khác biệt với cuộc sống của mình, và tìm những gì khiến tôi đam mê. Thế là tôi quyết định chọn con đường ấy cho mình. Khi bắt đầu, tôi không có kinh nghiệm gì và gặp nhiều khó khăn. Tôi gặp rất nhiều thất bại trước khi thành công, và mỗi ngày tôi đều học hỏi được thêm điều mới. Một số thử thách tôi từng trải qua là không biết cách lập nhóm làm việc, không biết về sổ sách hay những vấn đề liên quan đến pháp luật. Đây là những điều mà phải qua bao nhiêu thời gian, tôi mới dần học được. Thay vì đến lớp học, tôi trau dồi kiến thức bằng việc đọc sách và trải nghiệm thực tế. Trong nhiều năm, ba mẹ luôn hỏi tôi, “Tại sao con không tiếp tục việc học?” Nhưng tôi nghĩ, sau một thời gian, ba mẹ bắt đầu nhìn thấy hướng đi và góc nhìn của tôi khi thấy tôi thành công. Nay ba mẹ rất mừng cho tôi.

Người Việt: Anh vui lòng cho biết, nguồn gốc người Việt đóng vai trò thế nào trong anh?

Andy Nguyễn: Tôi nghĩ là một người Việt Nam, nhưng sinh ra và lớn lên tại Mỹ là hai yếu tố đóng vai trò lớn trong quá trình trưởng thành của tôi. Điều tuyệt vời là cả hai yếu tố này kết hợp lại đã giúp tôi thành công trên con đường sự nghiệp. Là một người gốc Việt, tôi học được cách vượt khó qua những câu chuyện ba mẹ kể lại khi chỉ đến đây với hai bàn tay trắng. Tôi cũng học cách bắt lấy cơ hội khi thời điểm đến bằng cách áp dụng những bài học này cho nền văn hóa của người Mỹ. Tôi nghĩ, qua những kỹ năng sống học được từ cha mẹ, và những giá trị của riêng mình, tôi và đội ngũ của mình mới thành công được như ngày hôm nay.

Người Việt: Anh còn có một tổ chức từ thiện mang tên “Passion Chasers,” xin anh cho biết thêm về tổ chức này?

Andy Nguyễn: Tổ chức “Passion Chasers” là một cách tôi đóng góp cho xã hội. Tổ chức này dành cho giới trẻ, và cho những ai muốn theo đuổi ước mơ của mình hay những gì khiến họ hứng thú trong cuộc sống. Tôi luôn nói với mọi người rằng, thất bại là chuyện bình thường. Hơn cả thế, bạn không thất bại, mà qua những thử thách mà bạn chiến thắng hay học được điều mới. Tôi cũng đến nhiều buổi hội thảo tại nhiều trường học và chia sẻ câu chuyện của mình để thúc đẩy mọi người.

Người Việt: Ngoài Afters Ice Cream, anh còn có những cơ sở kinh doanh khác như tiệm trà sữa Milkbox, cửa hàng chuyên về thịt heo Pig Pen Delicacy, và nhiều chuỗi nhà hàng khác cũng rất thành công tại Orange County. Vậy đối với anh, thành công là gì?

Andy Nguyễn: Tôi nghĩ thành công không đồng nghĩa với việc có nhiều tiền bạc, mà thành công là khi bạn dùng hành động của mình để giúp ai đó. Tôi giúp một số người bạn, và thậm chí một số người làm việc dưới tôi mở công ty riêng và theo đuổi ước mơ của riêng họ. Với tôi đó mới chính là định nghĩa của thành công. Bạn không những phát triển bản thân, mà còn giúp những người xung quanh vươn lên cùng bạn.

Người Việt: Anh có những dự tính cá nhân, hay mục tiêu cho công ty trong thời gian tới?

Andy Nguyễn: Tôi hy vọng mình sẽ có những sáng tạo mới, đẩy mạnh ranh giới và tiếp tục phát triển theo cách riêng. Tôi cũng hy vọng là người đi tiên phong trong những lĩnh vực mới ngoài thức ăn, thời trang, và bất động sản. Và tiếp tục thử sức trong những lĩnh vực khác.

Người Việt: Nếu có cơ hội để đưa ba lời khuyên cho bản thân anh vài năm trước, thì những lời khuyên đó là gì?

Andy Nguyễn: Ba điều đó là “Đừng quá khó khăn với bản thân khi bạn thất bại,” hãy học từ sai lầm và đứng dậy sau mỗi thất bại trong cuộc sống; “Đừng bận tâm những gì mọi người xung quanh bàn tán,” mà hãy tập trung vào những mục tiêu bạn đề ra; và “Luôn nhớ giúp đỡ mọi người,” chia sẻ kiến thức giúp mọi người suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, điều tốt sẽ luôn đến với bạn. (Khoa Lại)

NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ TRONG HÀNH TRÌNH ĐƯA DERRICK NGÔ ĐẾN HARVARD

Derrick Ngo, thủ khoa trung học gốc Việt sắp vào học trường Harvard, chia sẻ với VOA về những tấm lòng cao cả đã giúp anh vượt qua hành trình gian nan từ một đứa trẻ mồ côi đến khi nhận được học bổng vào một trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ.

Chàng thanh niên 18 tuổi nói chính Emerge Fellowship, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ những học sinh có thành tích cao trong học tập nhưng gia cảnh khó khăn, đã giúp anh chuẩn bị các bước cần thiết để nộp đơn vào các trường đại học.

“Chương trình Emerge Fellowship đã tư vấn cho tôi về các trường đại học và họ đã giúp kết nối với những người có thể hỗ trợ tôi trong quá trình nộp đơn vào các trường này. Họ tư vấn và giúp tôi thông tin để nộp đơn vào các trường như Harvard và họ đã cho tôi những kết nối mạnh mẽ và những nguồn lực thực sự tốt có tác động sâu sắc đến cách tôi tiếp cận quá trình nộp đơn vào đại học ở Hoa Kỳ.”

Derrick nói EMERGE đã giúp anh định hướng tương lai, tạo điều kiện để cho anh học tập và nộp đơn vào Harvard.

Mặc dù vô gia cư, đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, như có mẹ bị án tù và một người cha vắng mặt, Derrick đã tìm được nơi nương náu cho riêng mình và duy trì điểm số tốt ở trường. Trong suốt thời gian đó, anh giữ bí mật về cuộc sống của mình với bạn bè và giáo viên, theo Học khu Độc lập Houston.

Bà Trisha Cornwell, Giám đốc Điều hành của Emerge Fellowship, hết lời khen ngợi nỗ lực vươn lên từ nghịch cảnh của Derrick.

“Derrick là một sinh viên tuyệt vời trong chương trình của chúng tôi từ trước đến nay và em được báo chí nhắc đến rất nhiều. Khi tham gia chương trình, em không biết nhiều về hệ thống các trường đại học bên ngoài thành phố Houston nhưng rồi chương trình giúp em nhận biết được các cơ hội tiếp cận các trường này và có được trợ cấp về tài chính dành cho các sinh viên thuộc gia đình có thu nhập thấp.”

Derrick chia sẻ với trang Houston Chronicle rằng chương trình Emerge quả thật đã mang đến cho anh một cơ hội để anh “vượt qua nghịch cảnh.” Anh rất biết ơn người cố vấn ở EMERGE, bà Judy Le, đã ngày đêm giúp đỡ anh chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ để anh có thể giành được suất học bổng tại Harvard.

“Là một người hướng dẫn, cô ấy cho tôi những lời khuyên cả về mặt hướng nghiệp cũng như những điều tâm đắc trong cuộc sống, đặc biệt là những kết nối ở các trường đại học. Cô luôn ủng hộ các mục tiêu theo đuổi về học vấn của tôi.”

Là một người hướng dẫn, cô ấy cho tôi những lời khuyên cả về mặt hướng nghiệp cũng như những điều tâm đắc trong cuộc sống, đặc biệt là những kết nối ở các trường đại học. Cô luôn ủng hộ các mục tiêu theo đuổi về học vấn của tôi.

Derrick Ngô nói về người hướng dẫn Judy Lê. Bà Trisha nói chính tình người cao cả, sự bao dung, và lòng nhân ái của bà Judy Lê đã giúp Derrick có thêm nghị lực trong cuộc sống. “Đáng nói đó là tình cảm quý báu của những người gốc Việt với nhau,” bà Trisha nói với VOA.

“Cô Judy Lê, người hướng dẫn của Derrick, là một người tị nạn rời Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ. Bà là người đã mang đến cho Derrick nhiều kết nối trong các trường học. Cô và Derrick đều là người gốc Việt, có cùng nền văn hóa, rất cảm thông nhau và bà xem Derrick như là đứa con trong gia đình. Đó là những tình cảm, những chia sẻ thật tuyệt vời.” Trong một chương trình truyền hình địa phương của đài ABC 13 News, Derrick tri ơn sự giúp đỡ của bà July Lê: “Bà ấy có lẽ là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi đã từng gặp.”

“Bà Judy chăm sóc cho Derrick và xem anh như con ruột,” đài ABC 13 News nhận định.

Đài ABC 13 News trích lời bà Judy nói:

“Tôi biết Derrick vào mùa hè trước. Em là một học sinh tham gia chương trình tư vấn của Emerge Fellowship và tôi tự nguyện làm người tư vấn cho em ấy… Tôi thường xuyên mời em ăn tối cùng gia đình tôi. Em gần như là người trong nhà. Khi hay tin em được chọn vào Harvard, tôi đã bật khóc.”

Trong mùa hè này, cũng nhờ vào sự kết nối của Emerge Fellowship, Derrick đã tham gia chương trình Thủ lĩnh Sinh viên do Bank of America thực hiện.

Trong khuôn khổ chương trình này, Derrick tham gia thực tập tại Trung tâm cộng đồng Wesley, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương, và tìm hiểu về công tác xóa đói giảm nghèo, quản lý tài trợ và lập kế hoạch chiến lược.

Ngoài ra, Derrick chia sẻ trên Facebook rằng anh vừa tham dự một hội nghị thượng đỉnh dành cho các lãnh đạo quốc gia tương lai ở thủ đô Washington, DC vào tháng 7/2019, Derrick cho biết dịp này anh có cơ hội làm quen với các kỹ năng lãnh đạo để hướng tới việc tạo ra một xã hội gắn kết với cộng đồng sâu rộng hơn.

MÙ TIẾNG ANH, KIẾM SỐNG BẰNG 3 CÔNG VIỆC CÙNG LÚC, CÔ GÁI GỐC VIỆT NÀY ĐÃ THÀNH CEO ĐẾ CHẾ TRUYỀN THÔNG CHO PHỤ NỮ TẠI MỸ KHI CHƯA TRÒN 30 TUỔI THEO CÁCH KHÔNG NGỜ

 “Hãy tự tin vào khả năng của bản thân. Hãy đặt ra những mục tiêu cao. Hãy tưởng tượng ra viễn cảnh tuyệt vời nhất mà bạn sẽ có được nếu làm việc chăm chỉ. Sau đó hãy quay lại mặt đất và tạo bệ phóng vững chắc nhất để đạt được ước mơ đó”, CEO của Mogul cho biết.

Năm 2014, một nền tảng công nghệ có tên là Mogul đã ra đời, cung cấp thông tin cho phụ nữ trên toàn thế giới bằng cách cho phép người dùng kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp cận tri thức với nhau. Nền tảng này đề cao nội dung mang tính xu hướng, chẳng hạn các câu chuyện, việc làm, sản phẩm được cá nhân hóa theo nhu cầu của người dùng. Mỗi tháng, Mogul thu hút 18 triệu lượt truy cập trên 196 quốc gia và 30,470 thành phố khác nhau. Trang web này cũng lọt vào top “Những dự án khởi nghiệp tiềm năng tại New York 2015” của tạp chí Entrepreneur, “Website tìm kiếm tài năng hàng đầu năm 2015” của tạp chí Inc. và “Website hàng đầu về marketing trực tuyến công ty 2015” của tạp chí Forbes.

Ngạc nhiên hơn, người đứng sau những thành công vang dội đó lại là một cô gái người Mỹ gốc Việt – Tiffany Pham. Khi đó, cô mới chỉ 29 tuổi.

Không ai có thể trở thành bà trùm truyền thông chỉ sau 1 đêm

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, Tiffany – con thứ ba trong một gia đình gốc Việt Nam – rời Paris (Pháp) để đến Texas (Mỹ) xin tị nạn. Lúc đó, cô chỉ mới 10 tuổi và không nói được tiếng Anh. Chính trải nghiệm đó đã tạo nền tảng cho thành công của cô sau này.

“Khi mới đến Mỹ, tôi chẳng biết nổi một từ tiếng Anh. Nhờ chăm chỉ xem phim, đọc sách, nghe radio, cuối cùng tôi cũng nói được thành thục. Do đó, tôi hiểu được tầm quan trọng của truyền thông trong việc giáo dục và thay đổi. Sau khi tốt nghiệp ĐH Yale và Trường Kinh doanh Harvard, tôi biết mình phải dấn thân vào ngành truyền thông để giúp đỡ những người phụ nữ khác, như tôi đã từng được giúp đỡ”, Tiffany Pham tâm sự.

Thế nhưng, người bà quá cố mới là nguồn cảm hứng chính để Tiffany khởi nghiệp. “Tôi rất ngưỡng mộ bà. Bà điều hành các công ty, làm trong lĩnh vực báo chí. Bà không giống những người phụ nữ khác, nhất là phụ nữ châu Á”. Khi cô 14 tuổi, người bà qua đời. Sau đám tang, Tiffany tự hứa với bản thân sẽ tiếp bước bà mình.

Để nhanh chóng hoàn thành ước mơ, Tiffany đã phải làm tới 3 công việc một lúc. Cô phụ trách các sáng kiến chiến lược trong đài CBS, liên doanh với chính quyền Bắc Kinh và sản xuất phim tài liệu. Nhờ đó, cô nhận được thư của hàng ngàn phụ nữ khắp nơi trên thế giới và biết họ đang cần gì. Tiffany tự hỏi, làm sao để có thể tạo ra một sân chơi nơi phụ nữ có thể chia sẻ thông tin với nhau?

“Lúc đó, tôi đang viết sách về chủ đề cơ sở vật chất ngành IT và chiến lược kinh doanh. Tôi nhận ra, nếu mình có thể tự học lập trình, tôi có thể giúp những người phụ nữ trẻ trên toàn cầu làm điều tương tự”, cô nói.

“Vậy là mỗi ngày, sau khi hoàn thành 3 công việc trên, tôi sẽ ngồi ở bàn ăn vào lúc 3h sáng và tự học lập trình. Sau vài tuần, tôi đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của Mogul.”

Thành công không chỉ của một mình người sáng lập

Có thể Tiffany Pham đã tự mình xây dựng phiên bản đầu tiên của nền tảng Mogul, nhưng cô cho cho rằng đây là thành công của hàng nghìn người.

Thời gian làm việc ở CBS đã giúp Tiffany học được cách để công ty tăng trưởng, cũng như vai trò của mối quan hệ cộng tác đối với lợi nhuận. “Đây là nơi tuyệt vời để phát triển tầm nhìn cho Mogul sau này”, cô miêu tả.

Bên cạnh những mối quan hệ trong ngành cũng như đội ngũ nhân viên tận tâm, Tiffany cho biết rằng cộng đồng phụ nữ mới là nhân tố quan trọng nhất.

“Khi nhìn lại sự phát triển thần kỳ của Mogul, tôi nhận ra những yếu tố then chốt đã giúp mình thành công. Đó là nhờ sự chăm chỉ, sự kiên trì không ngừng nghỉ và biết chọn thời điểm thích hợp”, cô cho biết.

“Tôi đã không ngờ rằng tình bạn lại có vai trò quan trọng đến vậy để đạt được thành công. Nhờ tình bạn chân thành và bền chặt giữa công ty với toàn thể những người phụ nữ tuyệt vời trên toàn thế giới mà chúng tôi mới đứng ở đây ngày hôm nay.”

Bí quyết để trở nên nổi bật giữa đám đông

Tiffany Pham cho biết, tình bạn là một yếu tố quan trọng bởi bạn bè “có thể giúp bạn thâm nhập vào từng công ty bất kể quy mô của chúng ra sao”.

Gặp gỡ mọi người ở các buổi giao lưu là chưa đủ, bạn cũng cần phải biết là đâu là người có tiếng nói để giúp mình.

“Hãy tìm hiểu thông qua các trang như LinkedIn hoặc thảo luận trong các nhóm trực tuyến. Bằng cách đó, bạn sẽ biết ai là người bạn biết, ai có thể giúp đỡ bạn thăng tiến trong sự nghiệp”, cô cho biết.

Ngoài ra, Tiffany cũng khuyên mọi người nên xây dựng tình bạn một cách chân thành, bền lâu thay vì tỏ ra giả tạo, thời vụ.

Thất bại chính là con đường tới thành công

Cha của Tiffany Pham cũng là một người có tư duy kinh doanh. Do đó, ngay từ bé, cô đã lớn lên trong một môi trường cho phép thất bại, nơi cô tin rằng vấp ngã là điều mình “cần phải làm”.

Theo Tiffany, quan trọng là bạn phải biết vượt qua từ “không” để nói “có”.

“Thật ra, bạn hoàn toàn không thất bại. Chỉ cần bạn vẫn tiến về phía trước là được. Nếu học hỏi được từ thất bại, bạn sẽ là kẻ chiến thắng cuối cùng. Thất bại thực sự là khi bạn không làm gì cả. Hoặc không thèm cố gắng làm gì cả.”

Trở thành một người lãnh đạo thực thụ

Với một dự án quy mô như Mogul, Tiffany phải quản lý rất nhiều đội ngũ khác nhau, thậm chí là từ xa.

Tiffany chia sẻ rằng, cô luôn “cố gắng tạo ra một môi trường công sở minh bạch và đưa ra phản hồi kịp thời”.

“Ở đây, nhân viên không hề ngại ngần đề xuất những ý tưởng có thể giúp công ty cải thiện hơn”, Tiffany nói.

Theo cô, Mogul thành công là nhờ có một đội ngũ vững mạnh, được xây dựng từ những mối quan hệ mà cô đã tạo dựng trong nhiều năm, cũng như từ bản thân người dùng.

“Nhân viên của tôi luôn đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng. Dù ban đầu chúng trông có vẻ bất khả thi, chúng tôi vẫn cùng nhau tìm cách để thực hiện được. Tôi đã học được rằng, ai cũng có thể làm được điều “không thể”, chỉ cần chăm chỉ, tận tụy và sáng tạo. Muốn thành công, bạn phải biết tạo ra những mục tiêu như thế.”

Tiffany nói thêm: “Mỗi lần chúng tôi hoàn thành được mục tiêu, chúng tôi lại vượt qua một nhiệm vụ tưởng như bất khả thi”.

Tiffany Pham đã xuất hiện trong danh sách “30 Under 30” của Forbes (lĩnh vực Truyền thông), “30 Most Important Women Under 30” của Business Insider (lĩnh vực Công nghệ), “30 Women Under 30 Who Are Changing the World” của tạp chí ELLE. Cô từng được mời phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Microsoft, Bloomberg, AOL, Prudential, Trường Kinh doanh Harvard, Northeastern, Columbia,… và ở Panama và Dubai.

 

NGÀNH TÁC CHIẾN – QUÂN LỰC HOA KỲ

ELIZABETH PHAM: NỮ PHI CÔNG GỐC VIỆT DUY NHẤT BAY CHIẾN ĐẤU CƠ F-18

Theo bài báo “A Vietnamese Journey to Freedom: 40 years later,” đăng trên trang nhà mil.wa.gov, phi công Elizabeth Phạm năm nay 39 tuổi, tốt nghiệp đại học Pacific Lutheran University, Parkland, Washington, phía Nam Seattle.

Sau khi tốt nghiệp, cô vào quân đội, được huấn luyện, và trở thành phi công người Mỹ gốc Việt đầu tiên của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Thủy Quân Lục Chiến là một binh chủng của quân đội Mỹ, nhưng lại trực thuộc Bộ Hải Quân Hoa Kỳ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà thụ huấn tại trường sĩ quan TQLC, sau đó bà được huấn luyện trở thành phi công chiến đấu cơ F-18. Bà đã phục vụ trong các phi đoàn chiến đấu cơ F-18 của không quân TQLC vùng Thái Bình Dương, bà đã từng bay các phi vụ yểm trợ tiếp cận, yểm trợ cho các đơn vị bộ chiến TQLC tại chiến trường Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq. Sau đó bà phục vụ tại Bộ Quốc Phòng trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tháng 5, năm 2011, bà được thăng cấp Thiếu tá và phục vụ trong một phi đoàn chiến đấu cơ TQLC tại Nhật Bản.

Theo thông báo trên trang nhà của Navy Personnel Command phổ biến bản danh sách Thiếu tá thủy quân lục chiến (TQLC) được chọn đề cử thăng cấp Trung tá vào ngày 4 tháng 12 năm 2018 trong số đó có Thiếu tá Elizabeth Phạm được đề cử thăng cấp Trung tá. Hồ sơ đang được chuyển đến Quốc hội Hoa Kỳ. “Theo các điều khoản quy định, bộ trưởng Bộ Hải Quân, thay quyền tổng thống Hoa Kỳ, quyết định thăng cấp cho sĩ quan Elizabeth Phạm lên trung tá kể từ ngày 1 Tháng Ba, 2019,” thông báo do Thiếu Tướng Craig C. Crenshaw, giám đốc nhân sự, đưa ra cho biết như vậy. Thiếu tá Elizabeth Phạm là nữ phi công gốc Việt duy nhất bay chiến đấu cơ F-18 của không quân thủy quân lục chiến. Thư mời, do Đại Tá John C. Lewis, sĩ quan hành quân thuộc Đơn Vị I Lực Lượng Viễn Chinh Thủy Quân Lục Chiến, gởi ra cho biết lễ “gắn lon mới” cho tân Trung Tá Elizabeth Phạm sẽ được tổ chức ngày 13/4/2019, trên viện bảo tàng hàng không mẫu hạm USS Midway (CV-41), 900 North Harbor Drive, San Diego, CA 92101.

Cô Elizabeth Phạm từng được điều sang chiến đấu ở Iraq, và là thành viên của phi đội chiến đấu cơ F/A-18, toàn phi công nữ, bay tổng cộng hơn 130 phi vụ.

Phi công Elizabeth Phạm (hàng ngồi, thứ hai, trái) chụp hình cùng các phi công Mỹ tại Hội Nghị Hàng Không Quốc Tế Phụ Nữ lần thứ 21, tại Parris Island, South Carolina, năm 2010. (Hình: Bộ Quốc Phòng Mỹ)

BA ĐẠI TÁ GỐC VIỆT, CÓ TÊN TRONG DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ THĂNG CẤP PHÓ ĐỀ ĐỐC (REAR ADMIRAL) VÀ CHUẨN TƯỚNG (BRIGARDIER GENERAL) CỦA QUÂN LỰC HOA KỲ.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ vừa đón nhận thêm tin vui và cũng là niềm hãnh diện khi có thêm 1 Đại tá Hải quân và 2 nữ quân nhân Mỹ gốc Việt được đề nghị thăng cấp chuẩn tướng, theo các tin từ Facebook và www.vietbf.com cho biết hôm 18/6/2019. Đó là 3 Đại tá Nguyễn Từ Huấn, Danielle J. Ngô và Vũ Thế Thùy Anh.

Vì để duy trì sự chính xác của các nguồn tin trên báo chí tiếng Việt, tác giả kiểm chứng một phần trên mạng Brigadier general (United States Army & Air Force) and Rear Admiral (US Navy) – Wikipedia, the free encyclopedia của 7 quân chủng chủng/ngành đồng phục là: Hải quân Thủy quân Lục chiến Không quân – Lục quân – Tuần duyên Hoa Kỳ, Đoàn Ủy nhiệm Y tế Công cộng Hoa Kỳ, Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia.

Để được đề nghị lên Chuẩn tướng hay Phó Đề đốc, các Đại tá phải được chọn lọc từ những uỷ ban gồm các sĩ quan cấp Tướng trong ngành mình phục vụ. Danh sách này được đưa lên Tổng tham mưu trưởng Liên quân để duyệt xét và sau đó trình lên Tổng thống để duyệt xét lần cuối với sự đồng thuận của Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Hải, Lục, Không quân cũng như các ngành liên hệ. Sau cùng, danh sách phải được chấp thuận bởi Thượng viện trước khi được Tổng thống ban hành. Thành thử khi loan tin về việc các Đại tá gốc Việt được đề nghị lên Chuẩn tướng hay Phó Đề đốc, các báo nên nói rõ việc đề nghị thăng cấp ở giai đoạn nào. Thông thường, tiến trình đề nghị mất khoảng 1 năm và các sĩ quan được chính thức thăng cấp trong khoảng tháng 10 mổi năm. Trong 3 Đại tá được đề cập nói trên, có 1 Đại tá Hải Quân (Huan T. Nguyen), 1 Đại tá Công Binh (Danielle J. Ngô) và 1 Đại tá Quân Y (Vũ Thế Thùy Anh). Cả ba đã được Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ chuẩn thuận vào hôm 27/6/2019 và sẽ chính thức mang cấp bậc mới vào tháng 10 tới đây.

Hải quân Đại tá Huan T. Nguyen, một sĩ quan trừ bị hải quân gốc Việt, có tên trong danh sách đề nghị thăng cấp Phó Đề Đốc (Rear Admiral) của Hải Quân Hoa Kỳ. Theo thông báo của Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện Hoa Kỳ, việc vinh thăng Đại tá Huan T. Nguyen (tên Việt Nam là Nguyễn Từ Huấn) có mã số PN841 Quốc Hội thứ 116, (2019-2020). Nếu không có gì thay đổi, cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ có thêm ba vị tướng sau những: Lương Xuân Việt (Thiếu tướng Lục quân), William H. Seely III (Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến), Châu Lập Thể Flora (Chuẩn tướng Lục quân).

Ngày lễ chính thức mang cấp bậc mới cho vị tân tướng lĩnh gốc Việt hiện nay chưa được tiết lộ. Nếu được tổng thống Hoa Kỳ phê chuẩn, Hải quân Đại tá Nguyễn Từ Huấn sẽ là vị tướng gốc Việt đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ, và là vị tướng gốc Việt thứ tư trong Quân Đội Hoa Kỳ. Đại Tá Huấn hiện là chỉ huy trưởng và giám đốc Bộ chỉ huy Hệ thống Hải quân Biển Chương trình Trừ bị (NAVSEA). Ông chỉ huy và yểm trợ hơn 2,000 sĩ quan và thủy thủ trừ bị của chương trình NAVSEA. Ông cũng có trách nhiệm chương trình tuyển mộ, huấn luyện, phát triển binh nghiệp và điều động công tác cho các sĩ quan trừ bị ngành kỹ sư cho Sĩ Quan Trực Hải Quân Mỹ Trừ Bị (ED). Không có nhiều chi tiết về ông, chỉ biết 44 năm trước, khi đến Guam, ông là một thiếu niên 10 tuổi, đơn độc vì cha, mẹ, anh, chị, em đã bị thảm sát vào năm 1968 trong biến cố Tết Mậu Thân. Nước Mỹ đã tiếp nhận những kẻ xa lạ như ông, cho ông hy vọng, cơ hội …

Đại Tá Huấn gia nhập Hải quân năm 1993. Ông tốt nghiệp Đại Học Oklahoma State năm 1981 với bằng Cử Nhân Kỹ Sư Điện (EE); tốt nghiệp Cao Học Kỹ Sư Điện Tử Đại Học Southern Methodist, và Cao Học Kỹ Sư ngành sản xuất (Manufacturing) Đại Học Purdue; và Cao Học Kỹ Thuật Thông Tin và Nhu Liệu ưu hạng từ Đại Học Carnegie Mellon University năm 2008. Ông cũng hoàn tất chương trình Chỉ Huy Tham Mưu tại Đại Học Cornell University năm 2011. Trên Internet không có nhiều thông tin về Đại tá Huấn song ít nhất qua Internet cũng có thể biết, Đại tá Huấn làm việc tại Bộ Tư lệnh Hệ thống Kỹ thuật Hải quân Mỹ – Naval Sea Systems Command – NAVSEA. Năm ngoái, Đại tá Huấn được NAVSEA và Bộ Tư lệnh Hệ thống Hải chiến – Chiến tranh Không gian (Space and Naval Warfare Systems Command – SPAWAR) chọn trao phù hiệu Engineering Duty Officer Qualification (phù hiệu EDO). Tạm dịch EDO là Sĩ quan Thường vụ Kỹ thuật vận hành. Trong Hải quân Mỹ, phù hiệu EDO là bằng chứng, chứng tỏ khả năng đặc biệt của một sĩ quan Hải quân. Theo Wikipedia thì Hải quân Mỹ chỉ có chừng 800 sĩ quan mang phù hiệu này. Các EDO là những sĩ quan giữ vai trò trụ cột cả về thiết kế, mua sắm, đóng, bảo trì, sửa chữa, chuyển đổi, thanh lý tất cả các loại tàu của Hải quân Mỹ (chiến hạm, tàu ngầm, hải vận hạm, hàng không mẫu hạm), lẫn trang bị các hệ thống (vũ khí, liên lạc, mạng máy tính, mạng kiểm soát và vận hành) trên những tàu này.

Nhìn một cách tổng quát, các EDO của Hải quân Mỹ là những cá nhân thật sự xuất sắc về tri thức, kỹ năng, giàu kinh nghiệm, sau khi trải qua một tiến trình thẩm định kỹ lưỡng, được xác nhận là đủ tư cách nắm giữ vai trò chỉ huy hoặc là cố vấn về tất cả các khía cạnh liên quan đến kỹ thuật của các phương tiện thuộc Hải quân Mỹ.

Đại tá Hải quân Huan T. Nguyen

Nữ Đại Tá Lục Quân Hoa Kỳ Danielle J. Ngô cũng vừa được đề nghị thăng chức Chuẩn Tướng, theo bản tin của trang mạng VietBF.com cho biết. Đại tá Danielle J. Ngô hiện là Lữ Đoàn Trưởng, Lữ Đoàn 130 Công Binh Lục Quân Hoa Kỳ.

Danielle J. Ngô gia nhập Lục quân Hoa Kỳ năm 1990, và trở thành một binh sĩ thuộc binh chủng công binh. Sau đó, cô theo thụ huấn một khóa sĩ quan và tốt nghiệp mang cấp bậc Thiếu úy vào năm 1994. Cô được thuyên chuyển lần lượt phục vụ tại các đơn vị công binh như: Trung đội trưởng kiêm đại đội phó tiểu đoàn 62 công binh; Sĩ quan phụ tá ban 4, lữ đoàn 20 công binh nhảy dù; Sĩ quan ban 1 kiêm ban 3, tiểu đoàn 37 công binh nhảy dù; Phân đội trưởng, Phân đội công binh 610; Đại đội trưởng, đại đội chỉ huy, tiểu đoàn 299 công binh chiến đấu; Phó ban 4, lữ đoàn 1, sư đoàn 4 bộ binh tham dự cuộc hành quân Operation Iraqi Freedom I, Iraq; Sĩ quan bộ tham mưu liên quân (Joint Chiefs of Staff Intern) tại Washington D.C; Sĩ quan phụ tá phòng 5, sư đoàn 1 bộ binh; Phó phòng 5, bộ tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại A Phú Hãn (Operation Enduring Freedom Afganistan); Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 52 công binh; Sĩ quan Phụ tá quân sự cho Chủ tịch ủy ban quân sự khối NATO tại Brussels, Bỉ quốc … Cô được thăng cấp Đại tá ngày 28/8/2014. Vào ngày 20 tháng 7 năm 2016, tại căn cứ quân sự Hamilton Field, nữ Đại Tá Danielle J. Ngô đã chính thức nhậm chức Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 130 Công binh Lục quân Hoa Kỳ.

Danielle Ngô tốt nghiệp cử nhân ngành tài chánh tại đại học Massachusetts. Cô cũng đã hoàn tất 2 văn bằng cao học tại trường chỉ huy và tham mưu (Command and General Staff College) và đại học Georgetowns.

Đại tá Công binh Daniel Ngo

Đại tá Vũ Thế Thùy Anh sinh năm 1968, theo gia đình định cư ở Hoa Kỳ năm cô lên 7 tuổi. Cô tốt nghiệp học ngành Dược ở University of Maryland năm 1994. Cô là chị trưởng mà 3 em trai đều là bác sĩ. Sau khi ra trường cô làm việc ở John Hopkin Hospital. Chín năm sau, năm 2003 cô gia nhập Đoàn Ủy Nhiệm Y Tế  Công Cộng của Hoa Kỳ ( United States Public Health Service Commission Corps – USPHSCC) vì lý tưởng thích đi xa để phục vụ, giúp đỡ nhiều người. Hiện cô  đang  phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ,  tại căn cứ Quân sự ở Bethesda. Cô Vũ Thế Thùy Anh được vinh thăng Đại Tá hồi Tháng Bảy, 2015. Hiện trong danh sách hàng đầu đề nghị lên Chuẩn Tướng.

Đại tá Quân y Vũ Thế Thuỳ Anh

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Học sinh giỏi toàn thế giới với điểm toàn hảo” trên mạng Người Việt ngày 9/4/2018.
  2. Bài viết “Người phụ nữ Việt ‘truyền cảm hứng’ cho Obama” trên mạng BBC ngày 2/4/2019.
  3. Bài viết “Mỹ thăng cấp nữ phi công gốc Việt Elizabeth Phạm lên Trung tá” trên mạng VietBF ngày 1/4/2019.
  4. Bài viết “Vũ Duy Thức và giấc mơ Việt trên bản đồ công nghệ thế giới” trên mạng VietBF ngày 30/3/2019.
  5. Bài viết “Chân dung TGĐ Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang: Cựu nữ sinh chuyên Lê Hồng Phong giành học bổng Oxford, bỏ việc ở McKinsey để cùng chồng gây dựng startup trị giá 260 triệu USD” trên mạng Doanh Nghiệp ngày 22/4/2019.
  6. Bài viết “Nữ sinh viên gốc Việt 19 tuổi tốt nghiệp dược sĩ” trên mạng Người Việt ngày 17/5/2019.
  7. Bài viết “Từ món ăn yêu thích, Nguyễn Bảo Hoàng đã sáng lập chuỗi cửa hàng đồ ăn Việt với doanh thu trên 40 triệu USD mỗi năm” trên mạng Người Việt ngày 19/6/2019.
  8. Bài viết “Andy Nguyễn, 35 tuổi, chủ nhân hàng chục nhà hàng thu hút giới trẻ trên mạng Người Việt ngày 20/7/2018.
  9. Bài viết “Những tấm lòng cao cả trong hành trình đưa Derrick Ngô đến Harvard” trên mạng VOA ngày 31/7/2018.
  10. Bài viết “Mù tiếng Anh, kiếm sống bằng 3 công việc cùng lúc, cô gái gốc Việt này đã thành CEO đế chế truyền thông cho phụ nữ tại Mỹ khi chưa tròn 30 tuổi theo cách không ngờ” trên mạng Cafef.VN ngày 19/8/2019.
  11. Bài viết “Hải Quân Đại Tá Mỹ gốc Việt được đề nghị thăng cấp Phó Đề Đốc” trên mạng Người Việt ngày 6/6/2019.
  12. Bài viết “Quân Đội Hoa Kỳ Có Thêm 2 Nữ Chuẩn Tướng Người Mỹ Gốc Việt” trên mạng Người Việt ngày 19/6/2019.
  13. Brigadier general (United States) – From Wikipedia, the free encyclopedia

 

—–

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *