Chính trị và Kinh tế Việt Nam 2019

358 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

“Chúng tôi có một khát vọng dân tộc phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với ông Borge Brende, Chủ tịch WEF trong cuộc đối thoại tại Davos ngày 24/1/2019. Trong cuộc đối thoại, ông cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm trên 4 cơ sở: Ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn – Đổi mới mô hình tăng trưởng – Xây dựng thể chế pháp luật tốt hơn nữa – Tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu vực. Việt Nam tích cực khơi thông 5 động lực tăng trưởng: Phát huy nội lực – Cải cách thể chế, pháp luật tạo điều kiện cho phát triển – Huy động nội lực từ kinh tế tư nhân – Tiếp tục thu hút hiệu quả FDI – phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo và động lực từ hội nhập quốc tế sâu rộng.

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Biến cố chính trị sớm nhất 2019 là việc thả lỏng cho báo chí trong nước được phép công bố “những trang sử đen tối” nhân dịp 40 năm Chiến tranh Biên giới Việt – Trung, một nhà báo tự do, cựu chiến binh nói với BBC. Chỗ dựa của Việt Nam không hẳn là Hoa Kỳ, nhưng thái độ cứng rắn liên tục trong những sự việc xảy ra hồi gần đây cho thấy ít ra Việt Nam cũng đã có một quyết định tuy còn rụt rè nhưng Trung Quốc đã nhận ra họ không thể áp dụng chính sách cũ nữa và họ phải thay đổi, sự thay đổi này có làm Việt Nam dịu giọng hay không lại tùy vào thái độ của Mỹ.

“Nhân dân sẽ không quên”, biểu ngữ trong một cuộc biểu tình tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 năm 2016 tại Hà Nội.

  • Theo bản tin tiếng Anh hôm 10/1/2019 của World Scouting từ Malaysia: Hướng đạo thế giới đón nhận Hướng đạo Việt Nam làm quốc gia hội viên thứ 170, và như thế là VN chính thức trở lại Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới (World Organization of the Scout Movement – viết tắt WOSM) sau 44 năm biến mất thời hậu chiến. Bản tin nói Hướng đạo đã có mặt ở VN từ gần một thế kỷ, nhưng hoạt động Hướng đạo chính thức đã ngưng từ sau cuộc nội chiến Nam-Bắc VN, do vậy VN mất tứ cách hội viên WOSM từ năm 1975.
  • Ngày 19/1, casino hợp pháp đầu tiên cho người Việt Nam vào chơi chính thức hoạt động tại Phú Quốc.

Casino đầu tiên tại Phú Quốc

  • Truyền thông Việt Nam hôm 8/3 đưa tin ông Trần Đức Anh Sơn bị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khai trừ Đảng do “đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội Facebook”. Đây là bước “thi hành kỷ luật”, tiếp sau bước “cảnh cáo” mà Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tuyên bố với ông Trần Đức Anh Sơn hồi đầu năm 2018 cũng do các lỗi nói trên. Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng nhiều khả năng đó là những bài viết của ông Sơn phân tích tình hình Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và các nhận định về Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng mấu chốt của sự việc là từ bài trả lời phỏng vấn New York Times của ông Sơn năm 2017 với tiêu đề “Người săn bản đồ ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông”.
  • Cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, ông Philipp Rösler, hôm 15/3 chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures với số vốn sơ khởi 100 triệu USD, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam. Chia sẻ về Việt Nam nói chung, ông cho biết đánh giá cao nền kinh tế hơn 90 triệu dân này. Đặc biệt, ông rất lưu ý đến lực lượng trẻ. “Tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, cơ sở hạ tầng hay công nghệ mà chính là giới trẻ”, ông từng nhận định.
  • Ngày 11/4, Tòa án Trọng tài Thường trực vừa gửi thông báo thắng kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình, người đã theo đuổi vụ kiện xuyên thế kỷ đối với chính phủ Việt Nam. Theo đó, chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho triệu phú người Hà Lan gốc Việt tổng cộng 37.6 triệu USD thiệt hại và gần 8 triệu USD án phí. Sau chiến thắng của doanh nhân gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình, các chuyên gia pháp luật nói với VOA rằng chính quyền Việt Nam phải tôn trọng luật pháp quốc tế và biết hành xử đúng để hội nhập thế giới, trong khi đó Bộ Tư pháp Việt Nam nói rằng thông tin vụ xử này nên được giữ “bí mật.” Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định: “Tuy rằng trước mắt Việt Nam bị mất tiền, mất uy tín, nhưng ngược lại vụ này tạo cho các nhà đầu tư có niềm tin. Nếu nhà đầu tư bị chính quyền xử ép thì họ có thể khởi kiện và thắng kiện.”
  • Sáng ngày 12/5, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc-  Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 16 và lần thứ ba tổ chức tại Việt Nam đã khai mạc tại Chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Chùa Tam Chúc tại Hà Nam- Nơi diễn ra Đại lễ Phật đản 2019- ảnh TTXVN

  • Tại cuộc bầu cử vừa kết thúc tại New York (Mỹ) ngày 6/6, Việt Nam đã lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với 192/193 phiếu bầu, một số phiếu rất cao. Đây là lần thứ hai Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam từng là thành viên không thường trực tại Hội đồng này nhiệm kỳ 2008 – 2009.
  • Ngày 13/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc – Việt Nam Kim Hak Yong. Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020; tiếp tục chia sẻ, hợp tác với nhau nhiều lĩnh vực.
  • Trang Facebook mang tên Thông tin Chính phủ của Việt Nam thông báo rằng Bộ Giao thông-Vận tải hôm 24/9 quyết định hủy việc sơ tuyển nhà thầu quốc tế cho 8 đoạn của cao tốc Bắc-Nam, thay vào đó sẽ tổ chức đấu thầu trong nước.

THAM NHŨNG TẠI VIỆT NAM

Đảng Cộng Sản Việt Nam tiến hành Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 vào ngày 6 tháng 1 ở Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết, đối với các vụ án, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng quản lý, cơ quan tố tụng đã tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân, khi xét xử sơ thẩm 62 vụ án với 720 bị cáo.

Các vụ án tham nhũng năm 2018 vẫn được tiếp tục năm 2019, nhất là tại TP.HCM những vụ tham nhũng trong những năm trước đang từ từ được khui ra. Trong năm 2019, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng có vẻ được hướng tới một mục tiêu mới để cải thiện kinh tế Việt Nam, bớt đi mục tiêu chính trị. Điều mà đảng Cộng Sản đối diện là hệ thống kinh tế có quá nhiều công ty nhà nước (12,000 vào năm 1996 và còn khoảng 500 vào năm ngoái mặc dù chính phủ muốn giảm xuống còn 103 vào năm 2020). Giải pháp được lựa chọn là thoái vốn từ càng nhiều công ty nhà nước càng tốt và chỉ giữ lại các công ty làm ăn tốt. Rõ ràng là Đảng muốn có sự giám sát nhiều hơn về các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất – và có lẽ nắm được rõ ràng hơn về năng lực của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên vấn đề ở đây là giới đầu tư tư nhân thấy có quá nhiều rủi ro khi mua lại các công ty quốc doanh. Nói cách khác đi là chỉ có công ty nhà nước nào làm ăn có lãi, tức là chính các doanh nghiệp mà nhà nước muốn giữ lại, thì tư nhân cảm thấy hấp dẫn bỏ tiền vào để đầu tư. Vì vậy, có vẻ như điều mà Việt Nam đang làm bây giờ, đó là tìm ra các công ty nhà nước làm ăn tốt nhất, và loại bỏ các công ty kém cỏi, tham ô.

Trong quân đội, đã có 20 tướng quân đội và công an Cộng Sản bị kỷ luật, bị bỏ tù vì sai phạm về kinh tế và bảo kê tội phạm trong chiến dịch đốt lò của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người cũng kiêm chức chủ tịch nước từ tháng 10 năm 2018. Trong số này, có 5 tướng thuộc quân đội: thượng tướng Phương Minh Hoà- cựu tư lệnh không quân, thứ trưởng quốc phòng đô đốc Nguyễn Văn Hiến- cựu tư lệnh hải quân, và 3 viên tướng khác. Phía công an, lực lượng được coi là thanh bảo kiếm bảo vệ chế độ, có 15 tướng bị kỷ luật, trong đó có các thứ trưởng Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành. Các tướng quân đội thường bị kỷ luật vì bán bất động sản thuộc sự cai quản của đơn vị mình. Như đô đốc Hiến bị cho là chịu trách nhiệm chính trong việc bán nhiều mảnh đất có vị trí đẹp của quân chủng hải quân cho Phan Văn Anh Vũ, thượng tá an ninh và là kẻ đầu cơ bất động sản. Theo một số người quan sát, tham nhũng bên quân đội khá phổ biến. Vì nhiều đơn vị được phép làm kinh tế. Nhiều sỹ quan đã bắt binh lính phải lao động mà không được trả tiền công, hoặc được trả rất ít. Trong khi đó, công an được cho là lực lượng phòng chống tội phạm, nhưng nhiều tướng công an lại bị phát hiện bảo kê hay dung túng cho tội phạm, đặc biệt tội phạm sử dụng công nghệ cao để tổ chức cá cược bóng đá. Đây là những viên tướng đã bị phát hiện và kỷ luật. Dư luận cho rằng còn nhiều kẻ khác phạm tội mà chưa bị đưa ra ánh sáng.

Danh sách 20 tướng quân đội và công an cộng sản bị kỷ luật

  • Trong năm 2019, các vụ Ocean Bank, PVC-PVN, AVG-Mobifone, Rikvip, Vũ Nhôm và Út Trọc vẫn đang được tiếp tục. Nguyên Tư Lệnh Quân Chủng Hải Quân Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Nguyễn Văn Hiến, bị thủ tướng chính phủ Việt Nam ra quyết định xóa tư cách nguyên tư lệnh Quân chủng Hải Quân.

  • Theo truyền thông trong nước, hôm 23/2, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can với nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Bắc Son, và phó Ban Tuyên giáo, cựu bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn. Hai nguyên lãnh đạo trên có những sai phạm liên quan đến thương vụ Tổng công ty Viễn thông (MobiFone) mua 95% cổ phần công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Theo đó, ngày 25.12.2015, Mobifone ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG. Giá trị thương vụ này sau đó được các cơ quan chức năng xác nhận là 8.889,8 tỉ đồng. Mức giá quá cao so với giá trị thực sự của doanh nghiệp này. Bởi lẽ, tại thời điểm đó, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG không hề tốt. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13,448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1,134 tỉ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 chỉ là 1,983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8,889.8 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7,006 tỷ đồng (khoảng 305 triệu USD … ). Bị cáo Phạm Nhật Vũ- cựu chủ tịch hội đồng quản trị AVG, bị khởi tố, truy tố ra tòa về tội đưa hối lộ. Tuy nhiên Viện Kiểm sát chỉ đề nghị mức án từ 3-4 năm tù do áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt”. Điều đáng để ý là ông Phạm Nhật Vũ là em của ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú giàu nhất Việt Nam. Cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son chịu mức án nặng nhất là tù chung thân.
  • Theo tường thuật của truyền thông trong nước hôm 13/3, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vừa nộp đơn xin từ chức khỏi vị trí lãnh đạo của tập đoàn. Động thái này được báo chí mô tả là “bất ngờ” giữa lúc đưa ra nhiều thông tin về cuộc điều tra của Cục cảnh sát điều tra tội phạm thuộc Bộ Công an về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu về dự án đầu tư trị giá hơn 1.8 tỷ USD của PVN tại Venezuela có nhiều khả năng sẽ bị “mất trắng”.
  • Ngày 5/5, Nhiều lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải cùng nhiều tướng tá quân đội cũng bị yêu cầu kỷ luật trong kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, diễn ra từ ngày 24 đến 26/4/2019. Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, người từng có chân trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và là phó thủ tướng từ 8/2011 đến 4/2016, bị xác định đã có sai phạm trong việc “quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải”, kết luận của Ủy ban Kiểm trai. Ông Ninh bị đề nghị kỷ luật và “xử lý trách nhiệm” cá nhân bên cạnh bốn quan chức khác của Bộ Giao thông Vận tải gồm các thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Nhật và Nguyễn Hồng Trường. Riêng ông Trường đã nghỉ hưu từ 8/2017. Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cũng bị đề nghị phải chịu hình thức kỷ luật, với ‘sai phạm’ trong việc “tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải”. Dàn lãnh đạo đảng trong Quân chủng Hải quân bị đề nghị kỷ luật hàng loạt trong kỳ họp vừa rồi của Ủy ban Kiểm tra. Các sai phạm của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình và Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo được cho là có liên quan tới “công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng”, theo kết luận cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra, “gây thiệt hại thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước”. Cũng liên quan tới vấn đề đất đai, Tư lệnh Quân khu 9, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy và Phó tham mưu trưởng Quân khu 9, Đại tá Trương Thanh Nam bị đề nghị xử lý kỷ luật đảng.
  • Nguyên phó thủ tướng Vũ Văn Ninh của chính quyền Hà Nội bị Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo vào ngày 19/7. Theo đó thì Ông Vũ Văn Ninh trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016 trong cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp. Những vi phạm của ông Vũ Văn Ninh bị cho là nghiêm trọng và hình thức kỷ luật đối với ông này là cảnh báo và Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản VN yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Văn Ninh tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng.
  • Cuối tháng 9/2019, Thủ tướng Việt Nam vừa có các quyết định thi hành kỷ luật đối với 3 Thứ trưởng, 1 nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ba thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải gồm Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bị kỷ luật.
  • Ngày 25/9, cựu Thứ Trưởng Bộ Lao Động-Thương binh-Xã hội Việt Nam Lê Bạch Hồng vừa bị tuyên án 6 năm tù và phạt bồi thường 150 tỷ đồng – tương đương với 6.47 triệu USD, liên quan tới vụ ‘thất thoát nghìn tỷ’ tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH).
  • Ngày 8/12, công ty viễn thông Ericsson của Thụy Điển đồng ý nộp phạt hơn $1 tỷ cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ để giải quyết cáo buộc là họ đã hối lộ quan chức một số nước gồm cả Việt Nam. Theo hãng thông tấn Reuters thuật lại tin tức từ Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, công ty Ericson đã hối lộ suốt một thời gian dài tại nhiều nước gồm cả Việt Nam, Trung Quốc, Djibouti. Số tiền bao gồm tiền phạt hơn $520 triệu, cộng với $540 triệu nộp cho Ủy Ban Chứng Khoán Hoa Kỳ (SEC) về những vấn đề liên quan.
  • Ngày 28/12, ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy, nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh văn phòng Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hà Nội bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra những sai phạm liên quan vụ án Nhật Cường. Cả ông Tứ và bà Hường cùng bị bắt về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015.

TÌNH HÌNH KINH TẾ TỔNG QUÁT

Tăng trưởng GDP cả nước đạt 7.02% (vượt mục tiêu đề ra 6.8%), nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (2.79%). Mặt bằng lãi suất và tỷ giá duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ công giảm từ trên 64% GDP những năm trước về khoảng 56% GDP năm nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay (517 tỷ USD), xuất siêu trên 9.9 tỷ USD. Thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD (đạt kỷ lục chưa từng có), dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD. Thu hút vốn FDI cao nhất từ trước tới nay (hơn 20 tỷ USD). Doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên 138,000. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt khách.

Tình hình tăng trưởng từ 2012 đến 2019

Ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu đã chính thức thông báo chấp thuận hai Hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu ký kết với Việt Nam vào ngày 30/6 tới tại Hà Nội. EVFTA và EVIPA là những thỏa thuận tiêu chuẩn và tham vọng cao nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển dựa trên quy định pháp luật. Khi EVFTA có hiệu lực, hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa giao dịch giữa hai bên sẽ được dỡ bỏ, Việt Nam cũng sẽ loại bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của EU. Các phần thuế còn lại cũng sẽ dần được xóa bỏ trong vòng 10 năm sau đó. Bên cạnh việc mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng. Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với thương mại hàng hóa trị giá gần 50 tỷ euro (khoảng 56 tỷ USD).

DBS Bank từ Singapore nói nếu tăng trưởng giữ đà 6.5% trong 10 năm tới, kinh tế VN sẽ lớn hơn Singapore vào năm 2029. Ý kiến của nhà kinh tế cao cấp thuộc DBS Bank, ông Irvin Seah được trang Nikkei Asian Review của Nhật Bản hôm 29/05/2019 đăng tải lại. Theo nội dung này, tỷ trọng kinh tế Việt Nam năm 2029 có thể vượt Singapore nếu Việt Nam giữ đà tăng trưởng đều, đồng thời bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang có lợi cho Việt Nam. Bài báo không nói về mức sống, thu nhập bình quân đầu dân của Việt Nam và Singapore, mà tập trung vào tầm vóc của hai nền kinh tế.

  • Đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 31%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức chiều 5/4/2018, tại Hà Nộ Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước dự kiến còn khoảng 5.35%.

Tỷ lệ nghèo 2010-2014

  • Tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra sáng 3/ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mục tiêu cho ngành nông nghiệp phải phấn đấu trở thành một trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ, sản xuất tôm lớn của thế giới. Riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào nhóm 10 nước của thế giới. Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Việt Nam với 13 mặt hàng nông sản. Theo danh mục ban hành, 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia gồm các sản phẩm sau: 1) Lúa gạo 2) Cà phê 3) Cao su 4) Điều 5) Hồ tiêu 6) Chè 7) Rau, quả 8) Sắn và sản phẩm từ sắn 9) Thịt lợn 10) Thịt và trứng gia cầm 11) Cá tra 12) Tôm 13) Gỗ và sản phẩm từ gỗ.
  • Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực ngày 14/1/2019. Các nước tham gia CPTPP có tổng GDP: 10,200 tỷ USD, chiếm hơn 13% trong tổng GDP toàn cầu. Hai hiệp định EVFTA và CPTPP khi có hiệu lực sẽ có thể giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 1.3%.
  • Foxconn cho biết họ đã đầu tư 213.5 triệu USD vào một đơn vị ở Ấn Độ trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 1 để “đầu tư dài hạn” và đang thanh toán 16.5 triệu USD cho công ty Fuhua, đổi lấy quyền sử dụng 250,000 m² đất tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang, Việt Nam, Business Times đưa tin hôm 27/1. Pegatron Corp, đối thủ có quy mô nhỏ hơn của Foxconn, trong cùng ngày cho biết đã chuyển một phần mạng lưới sản xuất sang Indonesia do ảnh hưởng từ thuế quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

  • Bản tin VOV kể rằng kim ngạch xuất cảng thủy sản năm 2018 ước tính đạt 9 tỷ USD, tăng 8.4% so với năm ngoái: tổng sản lượng thủy sản toàn ngành đạt 7.74 triệu tấn, với sản lượng khai thác đạt gần 3.6 triệu tấn. Để hướng đến mục tiêu xuất cảng 10 tỷ USD trong năm 2019, Vasep cho rằng, phải lo chất lượng thủy sản gắn liền với xây dựng thương hiệu. Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm 2018 đạt trên 1.8 tỷ USD. Kết quả này đã vượt qua con số 1.78 tỷ USD của cả năm 2017, đưa cá tra trở thành loại thủy sản có mức tăng trưởng dẫn đầu trong số các loại thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo xuất khẩu cá tra cả năm 2018 sẽ đạt trên 2.2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017. Mức tăng trưởng khả quan trong 3 tháng cuối năm đã giúp Mỹ lấy lại vị trí số 1 trong các thị trường xuất cảng lớn nhất của cá tra Việt Nam. Tiêu thụ cá tra ở Mỹ đã tăng khoảng 40% do giảm thuế chống bán phá giá đối với cá Việt Nam, trong khi thị trường EU và Trung Quốc vẫn duy trì mức tiêu thụ tốt. Ngày 17/12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chính phủ đã quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra.

QUAN HỆ KINH TẾ VỚI HOA KỲ 2019

Quan hệ kinh tế Hoa Kỳ-Việt Nam trong năm 2019 đã có những bức phá mãnh liệt. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo đà này, thì Việt Nam đang từ hàng thứ 12 năm 2018 có triển vọng qua mặt nước Anh, hiện xếp hạng 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn nhất của Mỹ trong năm 2018, theo Bloomberg. Bản tin của Vnexpress còn cho rằng Việt Nam có triển vọng qua mặt không những nước Anh, mà còn nước Pháp, Ý và Ấn Độ, để trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 của Mỹ, với giá trị dự kiến lên đến gần 69 tỷ USD.

Xếp hạng 2018 về xuất khẩu sang Mỹ Nguồn nhập khẩu của Mỹ Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ 2018 (tỷ USD) Tốc độ tăng trưởng quý 1/2019 (%) Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ 2019* (tỷ USD) Xếp hạng 2019 về xuất khẩu sang Mỹ*
1 Trung Quốc 539,503 -13,9 464,512 1
2 Mexico 346,528 +5,4 365,240 2
3 Canada 318,481 -3,4 307,653 3
4 Nhật Bản 142,596 +2,9 146,731 4
5 Đức 125,904 +1,2 127,415 5
6 Hàn Quốc 74,291 +18,4 87,960 6
7 Anh 60,812 +2,2 62,150 9
8 Ireland 57,469 +0,9 57,986 12
9 Italia 54,722 +7,5 58,826 11
10 Ấn Độ 54,408 +15,2 62,677 8
11 Pháp 52,522 +16,5 61,188 10
12 Việt Nam 49,212 +40,2 68,995 7

Top 12 nền kinh tế cung cấp nhiều hàng hóa nhất cho Mỹ trong năm 2018 và dự kiến thay đổi vị trí trong 2019 (*Với giả thiết tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ quý I/2019 được duy trì trong cả năm) – Nguồn: Cục Thống kê Hoa Kỳ/Bloomberg.

Đặc biệt, trong tháng 3 năm 2019, một phái đoàn hùng hậu do Phó Thủ Tướng, Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh cùng một lần thăm viếng Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc, Bộ Tài Chánh, các viên chức cao cấp của toà Bạch Ốc …. Một chủ đề ít người biết đến là chủ đề danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Từ những năm 1990, cứ mỗi sáu tháng, bộ Tài Chính Mỹ công bố một báo cáo về chính sách trao đổi của những đối tác thương mại chủ yếu của Mỹ. Mục đích là để xác định xem những nước này có thao túng tỷ giá hối đoái hay không để củng cố tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của họ vào thị trường Mỹ. Tài liệu này phân tích những nước nào có được thặng dư mậu dịch ít nhất là 20 tỷ USD đối với Mỹ. Nhất là, bộ Tài Chính giám sát những nước nào mà cán cân tài khoản vãng lai vượt quá 3% GDP của họ và đồng tiền bị giảm giá so với đồng đô la Mỹ. Trong báo cáo mới nhất của bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã đưa thêm nhiều nước châu Á mới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam. Hình như Việt Nam đã vận động được để khỏi bị xếp hàng vào danh sách này.

Đặc biệt, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Maria Bartiromo của Fox Business News hôm 26/6, trước khi lên đường đi Nhật dự hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Trump vừa khen vừa chê Việt Nam trong liên hệ kinh tế. TT Trump không loại trừ khả năng đánh thuế lên hàng Việt Nam: “Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ nhất.” (Nguyên văn: “It’s almost the single worst abuser of everybody”). Tuy nhiên, ông Trump lại khen Việt Nam đã mua nhiều than từ bang West Virginia, khiến “tôi vui”. Cũng như mới đây, trong một phỏng vấn khi thăm Anh, ông Donald Trump khen Việt Nam ngày nay: “Ngày hôm nay, họ đang sống rất tốt (they’re doing very well). Về thương mại, họ tàn nhẫn kinh khủng (brutal, very brutal), họ là nhà thương thuyết siêu hạng (great negotiators), là doanh nhân tuyệt vời (great business people).” Cũng trong bài trả lời phỏng vấn Fox Business, tổng thống Trump đã một lần nữa cảnh báo Trung Quốc và chỉ trích luôn cả đồng minh Đức. Về phần nước Đức, ông Donald Trump cáo buộc đồng minh này đã « lợi dụng nước Mỹ » vì không chi trả đàng hoàng. Theo hãng tin AFP, trên chiếc chuyên cơ Air Force One vài giờ trước khi đáp xuống Osaka, hôm nay tổng thống Mỹ lên án những thuế quan “không thể chấp nhận được” mà Ấn Độ ban hành nhắm vào hàng hóa Mỹ.

  • Các quan sát viên cho rằng Việt Nam cần tránh bị cho vào cùng một nhóm với Trung Quốc trong thương chiến với Hoa Kỳ. “Việt Nam cần chặn đứng ngay việc một số hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam như Asanzo, thép… Truy tố và phạt nặng Asanzo để làm gương cho các hãng khác và gây uy tín với Mỹ.” Để tránh bị ‘dán nhãn’ như Trung Quốc, “Việt Nam cần nâng cao việc kiểm soát và tôn trọng sở hữu trí tuệ với Mỹ”. Xung khắc Mỹ – Trung tạo ra cơ hội cho Việt Nam: “Việt Nam cần khuyến khích sinh viên sang du học và nghiên cứu sau đại học ở Mỹ, thay vào “lỗ hổng” của sinh viên Trung Quốc mà Mỹ đang chặn lại.”
  • Cũng trong buổi họp báo này, khi được hỏi về chuyện các công ty ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế nhập cảng khi bán hàng vào Mỹ, Tổng Thống Trump nói đây là một tình trạng “lý thú,” và nói rằng Washington đang đặt vấn đề này với Hà Nội. Trong tháng 6/2019, báo chí trong nước đang làm lớn chuyện hàng điện tử gia dụng của Tập đoàn Asanzo được chứng nhận là ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn’. Asanzo quảng bá sử dụng ‘đỉnh cao công nghệ Nhật Bản’. Điều này đã xảy ra từ lâu cho dến bây giờ mớt bắt đầu bị phát hiện.

Hệ thống chuyển linh kiện từ Trung Quốc sang Việt Nam

  • Được biết, các công ty của Việt Nam như Vietjet, Vietnam Airlines và Bamboo Airways ngày 27/2/2019 đã ký một loạt các thỏa thuận mua bán trị giá lên đến hơn 21 tỷ USD với hãng Boeing và GE của Hoa Kỳ nhân cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Việt Nam.
  • Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 6/7, Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa bằng gói thuế quan 25% lên 545 mặt hàng của Washington. Khi đó, đậu tương và thịt heo Mỹ được đánh giá là những “nạn nhân” lớn nhất, bởi Trung Quốc lâu nay vẫn nhập khẩu mạnh hai nông phẩm này từ Mỹ. Trong đó, Trung Quốc từng chi gần 13 tỷ USD để nhập khẩu đậu tương Mỹ trong năm 2017. Theo một số hãng tin quốc tế, ngay sau khi Trung Quốc áp mức thuế quan 25% lên đậu tương Mỹ, nhiều chuyến tàu chở đậu tương với số lượng hàng chục nghìn tấn từ Mỹ đang trên đường tới cảng Đại Liên của Trung Quốc buộc phải tạm dừng cập cảng hoặc chuyển hướng sang các nước lận cận. Minh chứng là, cuối tháng 11/2018, tàu Audacity chở 70,000 tấn đậu tương từ Seattle (Mỹ) đã chuyển hướng sang cảng Phú Mỹ của Việt Nam thay vì chở hàng sang Trung Quốc như dự định ban đầu.
  • Sau nhiều lời đồn đoán, Công ty Amazon, Hoa Kỳ đã chính thức vào thị trường Việt Nam. Báo chí Việt Nam loan tin, chiều ngày 14/1/2019, Cục Xúc Tiến Thương Mại thuộc Bộ Công Thương đã họp báo công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam “đẩy mạnh xúc tiến xuất cảng thông qua thương mại điện tử.”
  • Ngày 15/2, Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) thuộc Bộ Giao thông Hoa Kỳ thông báo rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và đã được xếp hạng 1. Một khi được xếp hạng an toàn hàng không loại 1 (CAT1) các hãng hàng không Việt Nam có thể bay thẳng đến Hoa Kỳ hoặc bay liên danh (coshare) với các hãng hàng không Mỹ. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HVN) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018 với doanh thu thuần đạt 96,800 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 3,240 tỷ đồng (141 triệu USD), vượt 34% so với kế hoạch năm là 2.421 tỷ đồng. Kết quả này cũng cao hơn hẳn so với con số ước tính 2,800 tỷ đồng công bố hồi đầu năm.
  • Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte.LTD (UAC, Mỹ) sẽ đầu tư nhà máy sản xuất một số cấu kiện, bộ phận chi tiết máy bay tại khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 170 triệu USD. Giấy chứng nhận dự án sẽ được chính quyền Đà Nẵng trao cho UAC vào ngày 1/3 tới. Khi đi vào hoạt động, UAC dự kiến sản xuất 4,000 trong tổng số 5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ, EU. Dự án này đặt mục tiêu xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021, tăng lên 85 triệu USD sau đó một năm và tạo ra giá trị xuất khẩu 180 triệu USD mỗi năm từ sau 2026. UAC có kế hoạch tuyển dụng 1,200 lao động tay nghề cao về lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa và 2,000 nhân sự phát triển chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Tập đoàn UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới, thường cung cấp hợp đồng dài hạn cho Boeing và Airbus. Điều đáng nói là công ty này có nhà máy tại Anaheim, California mà khá nhiều kỹ sư, nhân viên là người Việt Nam và họ đã chứng tỏ được khả năng và tinh thần làm việc nên công ty có nhiều kinh nghiệm khi lập nhà máy tại Việt Nam.
  • Tại cuộc gặp với Giám đốc Điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook, bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 (WEF Davos 2019), tại Davos, Thuỵ Sĩ ngày 23/1/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu của Apple tại Việt Nam. Cách đây 3 năm, truyền thông trong nước và quốc tế đã xôn xao kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD của Apple vào một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Việc thành lập trung tâm dữ liệu của riêng mình là một phần trong chiến lược Apple nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đối tác dữ liệu của bên thứ ba như Amazon và Microsoft.
  • Bản tin VnEconomy ghi rằng Mỹ sẽ vươn lên vị trí số 1 về nhập cảng cá tra Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất cảng cá tra ước đạt 1.6 tỷ USD, 3 tháng cuối năm chính là mùa xuất cảng, như vậy, kim ngạch xuất cảng cá tra có khả năng đạt thậm chí vượt 2 tỷ USD. Riêng tháng 9/2018, xuất cảng cá tra vào Mỹ đạt mức tăng 358% so với cùng kỳ 2017. Với đà tăng này Mỹ sẽ vượt qua TQ, vì hiện chênh lệch kim ngạch giữa 2 thị trường này chỉ 10.13 triệu USD.
  • Ngày 18/3, đoàn công tác của Đại sứ quán Hoa Kỳ do Đại sứ Daniel J. Kritenbrink dẫn đầu vừa có chuyến thăm và làm việc tại Nhà máy Sữa Vinamilk ở Nghệ An. Đại sứ đánh giá cao khi chứng kiến mối quan hệ thương mại giữa Vinamilk và Mỹ. Nguồn tin thông thạo cho biết, Việt Nam sẽ mua khoảng 45,000 bò sữa của Hoa Kỳ và con số này có thể tăng lên 125,000 con trong thời gian sắp đến.
  • Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines, được Bộ Giao Thông Hoa Kỳ cấp phép thực hiện các chuyến bay từ TP.HCM và Hà Nội đến một số nơi ở Mỹ gồm Los Angeles, San Francisco, New York, Seattle, và Dallas-Forth Worth. Mạng FlightGlobal loan tin này hôm 3/9. Đây là lần đầu tiên một hãng hàng không của Việt Nam được cấp phép bay thẳng đến Mỹ. Các chuyến bay đến những địa điểm vừa nêu tại Hoa Kỳ có thể được trung chuyển qua Đài Bắc của Đài Loan hay Osaka và Nagoya của Nhật Bản và có thể được nối chuyến đến một số thành phố của Canada bao gồm Vancouver, Montreal, và Toronto. Theo tin của FlightGlobal, gần đây Vietnam Airlines và Delta Air Lines của Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ liên danh. Bắt đầu từ tháng 10/2019 hãng Delta sẽ thực hiện tuyến Hanoi- Tokyo.

CÁC DỮ KIỆN KINH TẾ

Tổng sản phẩm quốc nội GDP 2018: Số liệu được Tổng cục Thống kê cập nhật ngày 28/9 cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7.02% so với 6.98% cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Nhận định chung, đơn vị này cho biết kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017 – 2019, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần.

Tốc độ tăng GDP 2011-2019

Xuất nhập khẩu – Các đối tác chính:

Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2017 lần đầu tiên vượt qua mức năm trăm tỷ với 517 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263.45 tỷ USD, tăng 8.1% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253.5 tỷ USD, tăng 7%. Thặng dư thương mại năm 2019 đạt khoảng 9.94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Xuất nhập cảng Việt Nam 2007-2019

Đáng chú ý, năm 2019 dấu ấn khá đặc biệt khi Việt Nam có tới 37 nhóm hàng công nghiệp chế biến chủ yếu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, 26 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD trở lên; 8 nhóm hàng đạt hơn 5 tỷ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỷ USD. Dẫn đầu trong số này là nhóm hàng Điện thoại các loại và linh kiện với 51.8 tỷ USD. Kế đến là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 35.6 tỷ USD; Hàng dệt, may 32.6 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 18.3 tỷ USD. Những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn khác phải kể đến như Giầy, dép các loại 18.2 tỷ USD; Gỗ và sản phẩm gỗ 10.5 tỷ USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng 8.5 tỷ USD và Sản phẩm gỗ 7.5 tỷ USD …

Thâm hụt thương mại với các thị trường có sự chuyển dịch đáng chú ý, nhập siêu từ Trung Quốc giảm tới 15.3% so với cùng kỳ năm trước và từ Hàn Quốc lại tăng mạnh tới 55.8%. Kết quả, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường có thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức gần 24.1 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 22.7 tỷ USD. Do Samsung mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và linh kiện phục vụ gia công lắp ráp tăng cao, Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam năm 2017 với 31.8 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán: Thị trường được nhận định đang tiến vào giai đoạn ổn định hơn sau đợt giảm do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại. VN-Index đã hồi phục 10% từ đáy tháng 7 nhưng vẫn còn cách đỉnh hồi tháng 4 khoảng 17%. Chỉ số này hiện được giao dịch với mức định giá P/E là 15 lần, thấp hơn so với hơn 20 lần hồi tháng 4, theo số liệu từ Bloomberg. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7.1% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng thế giới (WB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay từ 6.5% lên 6.8%.

Dự trữ ngoại hối: Trong năm 2019, tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước đã lên tới 80 tỷ so với 64 tỷ USD năm 2018.

Tình trạng đầu tư: Trong 6 tháng đầu 2019, vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 18.47 tỷ USD, đạt 90.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tổng số vốn giải ngân là hơn 9 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam 2.29 tỷ USD, đứng hạng 3 các nước đổ vốn vào dải đất chữ S. Truyền thông trong nước loan tin ngày 25/6, trích từ báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo số liệu ngày 18/6/2019 của Fitch Solutions được trích bởi Bloomberg thì, trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á, các dự án do Nhật Bản viện trợ tại 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thai Lan và Việt Nam – lên đến 367 tỷ USD, so với con số 255 tỷ USD từ Trung Quốc. Trong số đó, Nhật đã dành 209 tỷ USD đầu tư xây dựng hệ thống giao thông huyết mạch tại Việt Nam. Có thể trong các nền kinh tế mà Nhật tập trung nhất ở khu vực thì Việt Nam đứng vị trí số 1 với 74 dự án, trong khi Trung Quốc chỉ có 25 dự án cơ sở hạ tầng. Ngân hàng ADB cũng cho biết rằng các nước khu vực Đông Nam Á cần tới 210 tỷ USD mỗi năm từ 2016 đến 2030 để xây dựng cơ sở hạ tầng mới đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Con số mới nhất do Fitch Solutions công bố được báo chí Nhật Bản trích thuật cho thấy, các nước Đông Nam Á vẫn hoan nghênh đầu tư Nhật Bản nhiều hơn, bất kể là vì số tiền đầu tư, công nghệ hay uy tín:

Nhật Bản (tỷ USD) Trung Quốc (tỷ USD)
Việt Nam 209 70
Indonesia 74 93
Philippines 43 74
Singapore 20 28
Thái Lan 16 22
Malaysia 4 34

Nguồn: Fitch Solutions (dữ liệu được cung cấp ngày 18/6/2019, trích lại từ Bloomberg)

Việc các dự án FDI từ Trung Quốc tăng nhanh tại Việt Nam được đánh giá do tác động của thương chiến Mỹ – Trung. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế cao từ Mỹ đánh lên các sản phẩm từ Trung Quốc. Bên cạnh việc hưởng lợi từ dòng vốn này, nhiều nguy cơ tiềm ẩn và các rủi ro các thể xảy ra cho các doanh nghiệp Việt.

Trong năm 2018, Việt Nam đã nhận được 17 tỷ USD cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – được cho là con số lớn nhất đối với một thị trường mới nổi so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 250 tỷ USD. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, chiếm 25.9% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.8 tỷ USD, chiếm 22.3% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.1 tỷ USD, chiếm 13.4% tổng vốn đầu tư. Theo Nikkei, Bộ Tài chính Việt Nam đang xem xét sửa đổi luật chứng khoán nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoại nắm giữ phần lớn cổ phần ở các công ty hoạt động trong những lĩnh vực không gây quan ngại đối với an ninh quốc gia. Đây được xem là một động thái để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài và nếu được thông qua, luật chứng khoán sẽ chứng kiến lần sửa đổi quan trọng đầu tiên từ năm 2010. Theo Nikkei, khi trần sở hữu của các cổ đông ngoại tại doanh nghiệp Việt được dỡ bỏ, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực dược phẩm, ngân hàng.

Du lịch: Ngành du lịch Việt Nam trong năm 2019 đón hơn 18 triệu lượt du khách quốc tế. Đây là số lượng cao nhất từ trước đến nay. Số liệu do Tổng Cục Thống kê VN công bố ngày 27 tháng 12 cho thấy năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 16.2% so với năm 2018. Ngành du lịch Việt Nam cũng đã phục vụ 85 triệu du khách nội địa, tăng 16%. Tổng cục Du lịch đặt ra mục tiêu trong năm 2020 toàn ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón hơn 20 triệu khách quốc tế, phục vụ 90 triệu khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch, đạt hơn 36 tỷ USD.

Kiều hối: Theo đài VOA, trong năm 2019, lượng kiều hối do người Việt Nam ở hải ngoại gửi về được ước lượng lên tới 16.7 tỉ USD, một quan chức Việt Nam trích dẫn các dữ liệu của Ngân Hàng Thế giới cho hay, so với 13.8 tỉ USD năm 2017 và 16 tỷ năm 2018. Theo dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Việt Nam là nước có lượng kiều hối lớn đứng thứ chín trên thế giới.

Theo số liệu từ Ngân Hàng Nhà Nước Chi Nhánh ở Sài Gòn, lượng kiều hối đổ về thành phố này có thể đạt đến con số $5.3 tỷ USD trong năm 2019. Khoảng 72% lượng kiều hối đổ vào sản xuất kinh doanh, gần 22% vào bất động sản và số còn lại hỗ trợ người thân “tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống”. Trong tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất với 55%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc.

Tình trạng xuất khẩu lao động ở nước ngoài năm 2019 có phần chậm lại vì nhiều lý do. Đài Loan và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường lớn nhất, chiếm 91% tổng số lao động đưa ra nước ngoài. Tổng số lao động nước ngoài năm 2018 là 140,000 người.

DỰ ĐOÁN

Dự đoán về lạm phát:

  • Ông Khoon Goh – Trưởng phòng Nghiên cứu Châu Á tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) nhận định: Việt Nam đang là điểm sáng giữa những cơn gió toàn cầu. Đưa ra những suy nghĩ về con số tăng trưởng nửa đầu năm 2019 của Việt Nam, Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á tại ANZ nhận xét: Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 là khá vững chắc, trong bối cảnh suy thoái thương mại toàn cầu và tác động không hề nhỏ của dịch tả lợn châu Phi đối với ngành nông nghiệp. Ông Khoon Goh cho biết: “Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2019 là 6,7%. Mặc dù con số này giảm so với tốc độ tăng trưởng 7,1% đạt được trong năm 2018, nhưng điều này vẫn cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Lạm phát sẽ vẫn có thể kiểm soát được, trung bình 2.8% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước”.

Dự đoán về xuất nhập cảng:

  • Thủy sản: Bản tin CafeF/Lao Động ghi rằng theo Bộ Nông nghiệp năm 2018 là năm đầu tiên ngành xuất cảng cá tra đột phá, có thể đạt mức xuất cảng trên 2 tỷ USD. Đây là mức tăng lớn, dù ngành cá tra phải đối mặt với nhiều thách thức trong 8 tháng năm 2018. Sản lượng cá tra thế giới trong năm qua khoảng 2.44 triệu tấn; trong đó, Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 50% sản lượng cá tra của thế giới và là nước XK cá tra lớn nhất, chủ yếu là các sản phẩm dạng đông lạnh.

VỊ THẾ VIỆT NAM

Không ít thì nhiều, các quốc gia trên toàn cầu dành sự quan tâm cho các bảng xếp hạng để xem họ đứng ở đâu. Xếp hạng hàng năm 2019 Best Countries Report của trang U.S. News & World Report cho thấy theo thứ tự cao thấp:

·         Quyền lực: Một yếu tố phụ trong 2019 Best Countries Report là điểm về quyền lực. Không ngạc nhiên khi Mỹ xếp số một về điểm này, theo sau là Nga, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Israel, Saudi Arabia và Hàn Quốc. Việt Nam xếp 32 trong phần về quyền lực thế giới.

·         Các nước tốt nhất: Xếp hạng hàng năm 2019 Best Countries Report của trang U.S. News & World Report đặt Thụy Sĩ là quốc gia số một thế giới, Mỹ 8, Thái Lan 26, Malaysia 38, Việt Nam 39, và Iraq 80 xếp chót. Báo cáo này, làm năm thứ tư, dựa vào đánh giá của người được hỏi về các yếu tố như quan tâm công dân, du lịch, văn hóa, tự do doanh nghiệp… Việt Nam xếp 39 trong một xếp hạng các nước “tốt nhất thế giới”. Năm ngoái, Việt Nam xếp 44 trong bảng này.

·         Đầu tư cho trẻ em: Chỉ số Vốn Con người (Human Capital Index) được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hôm 11/10/2018 tại một hội nghị ở Bali. Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong chiếm bốn vị trí hàng đầu toàn thế giới, theo sau là Phần Lan, Ireland, Úc, Thụy Điển, Hà Lan, và Canada trong tốp 10. Macao xếp thứ 25, Trung Quốc 46, Việt Nam 48, Malaysia 55, Thái Lan 65, Philippines 84, Indonesia 87, Campuchia 100, Nepal 102 và Ấn Độ 115. Việt Nam xếp trên Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ trong bảng xếp hạng mới của World Bank về mức độ đầu tư cho trẻ em, chỉ kém Singapore trong Asean.

·         Sáng tạo: Bloomberg Innovation Index đánh giá 60 nước theo tiêu chí như giáo dục, nghiên cứu, sản xuất. Năm nay, trong khi số một là Hàn Quốc, Đức xếp thứ hai, tiếp theo là Phần Lan, Thụy Sĩ, Israel, Singapore, Thụy Điển, Mỹ, Nhật, và Pháp. Trung Quốc xếp 16, Anh xếp thứ 18, Việt Nam xếp 60.

·         An toàn: Điểm số dựa vào ba yếu tố: chiến tranh và hòa bình, an toàn cá nhân, và rủi ro thiên tai. 10 nước đứng đầu lần lượt là Thụy Sĩ, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Áo, Na Uy, Qatar, Singapore, Đan Mạch và New Zealand. Việt Nam thứ 83 trên 128 nước, với Philippines xếp chót.

·         Đất lành cho doanh nghiệp: Đánh giá này xem xét 161 nước, theo 15 yếu tố như sáng tạo, thuế, công nghệ, tham nhũng, hạ tầng, rủi ro chính trị, nhân lực, bảo vệ nhà đầu tư. Xếp hạng Best Countries for Business của Forbes năm 2019 xếp Anh số 1 và Việt Nam thứ 84.

·         Hộ chiếu: Theo bảng xếp hạng từ Henley Passport Index, hộ chiếu Nhật Bản “có sức mạnh” nhất thế giới năm 2018. Công dân Nhật Bản được miễn thị thực lên tới 190 quốc gia trên thế giới. Trong bảng này, Việt Nam xếp thứ 88.

·         Hạnh phúc: Phần Lan, trong năm thứ hai liên tiếp, được gọi là nước hạnh phúc nhất, theo sau là Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Hà Lan. Việt Nam xếp hạng 94 trên 156 nước trong bảng xếp hạng mới nhất ‘Quốc gia Hạnh phúc’ do Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của LHQ (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố. VN ‘hạnh phúc kém Thái Lan, Philippines và gần bằng TQ’

·         Đóng góp cho nhân loại: Good Country Index, bắt đầu từ 2014, muốn đo lường đóng góp quốc gia cho nhân loại. Theo đó, Phần Lan xếp số một, theo sau là Ireland, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha và Canada. Việt Nam xếp 115 trên 153 nước, với Iraq xếp chót.

·         Giàu nghèo: Theo bảng này, Qatar xếp nhất, theo sau là Macao, Luxembourg, Singapore, Brunei, Ireland, Na Uy, UAE, Kuwait và Thụy Sĩ. Việt Nam xếp thứ 128 trong 192 nước.

·         Ô nhiễm: IQAir AirVisual 2018 World Air Quality Report, công bố đầu tháng Ba, xếp hạng ô nhiễm các thành phố. Một đánh giá quốc tế cho hay Hà Nội và Jakarta ‘về đầu’ trong số các đô thị Đông Nam Á trong xếp hạng ô nhiễm không khí. Theo xếp hạng này, Gurugram, Ấn Độ, là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

·         Tự do báo chí: Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) tháng 4/2018 xếp Việt Nam hạng 175/180 về tự do báo chí năm 2018.

Các nghiên cứu khác:

  • Theo nhóm nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, với tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6.9%. Lĩnh vực sản xuất với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt gần 15 tỷ USD và hoạt động trong nước được duy trì mạnh mẽ sẽ góp phần tạo lực đẩy cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đạt 10%, trong khi nhập khẩu tăng trưởng dưới 10%, qua đó giúp duy trì thặng dư thương mại. Ngoài ra, mức lạm phát trung bình của cả năm sẽ đạt 4%; dự báo tỷ giá giao ngay USD/VND ở mức 23,100 vào khoảng tháng 6/2019 và 23,000 vào cuối năm, tức đồng nội tệ tăng giá nhẹ. Đây là những cơ sở nổi bật cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2019, với trọng tâm đặt vào phát triển bền vững. Dự báo nêu trên được đưa ra tại sự kiện thuyết trình kinh tế toàn cầu thường niên của Standard Chartered, diễn ra vào ngày 16/1 tại TP.HCM, với sự tham gia của hơn 120 đại diện cấp cao đến từ các doanh nghiệp ở cả trong và ngoài nước.
  • Báo cáo Phát triển Thế giới 2019 của World Bank đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 48/157 về chỉ số vốn con người HCI (Human Capital Index). Singapore xếp thứ nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN và xếp trên Thái Lan tới 17 bậc. Đứng thứ hai thế giới sau Singapore là Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp theo và HongKong giữ vị trí thứ tư. Thứ hạng cao của các quốc gia Đông Á đã cho thấy đây là khu vực đang ở thời kỳ thịnh vượng của phát triển con người.
  • Công ty nghiên cứu Natixis Research lưu ý rằng, Việt Nam có tiền lương cạnh tranh nhất so với Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong 10 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam thì có tới 8 sản phẩm sẽ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.
  • Ngày 5/3/2019, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thường niên của mình. Không ngoài dự đoán trước đó, chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang đã gia nhập danh sách với khối tài sản lần lượt là 1.7 tỷ và 1.3 tỷ USD. Dẫn đầu trong danh sách tỷ phú Việt Nam vẫn là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng với 6.6 tỷ USD và CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo với 2.3 tỷ USD. Tài sản của chủ tịch Thaco Trần Bá Dương đạt 1.7 tỷ USD – giảm 100 triệu USD so với khi được Forbes lần đầu công bố cách đây một năm. Do giá cổ phiếu giảm mạnh, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã ra khỏi danh sách tỷ phú.
  • Tờ báo danh tiếng của Mỹ – The New York Times hôm 14/3 vừa công bố danh sách 52 điểm đến hot nhất trong năm 2019. Tự hào hơn cả, thành phố Đà Nẵng – Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 15. Theo thông tin từ báo cáo của trang web Live and Invest Overseas (Sống và đầu tư nước ngoài) vào tháng 6/2019, Forbes xếp hạng Đà Nẵng hạng 6 trong 7 thành phố đẹp có chi phí sống rẻ nhất đối với người ngoại quốc.

Thành phố Đà Nẵng

  • Một bài báo của Wall Street Journal nói rằng chương trình xin chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện EB-5 đang thu hút các gia đình giàu người Việt Nam. Đây là chương trình đầu tư để mở cơ sở thương mại tạo việc làm hoặc dự án địa ốc tại Hoa Kỳ để được cấp thẻ xanh hoặc trở thành thường trú nhân hợp pháp. Theo thống kê của Quỹ Di trú Hoa Kỳ thì số công dân Việt Nam được cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện EB-5 năm 2018 lên tới 693 người, tăng 47% so với năm 2017, đứng hàng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Khoảng 4 năm về trước, số người Việt Nam chỉ chiếm 1% trong tổng số chiếu khán nhập cảnh được chính phủ Hoa Kỳ cấp phát theo diện EB-5.
  • Việt Nam xếp vị trí thứ 4 trong số các nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất trên thế giới với 0.28 đến 0.73 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, chiếm 6% lượng rác thải nhựa toàn thế giới. Thông tin trên được người đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố tại Hội thảo Quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương diễn ra sáng 10/12 tại Hà Nội.
  • Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors (S&P) vừa công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Cùng với việc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức “B1” lên “Ba3” với triển vọng thay đổi từ “ổn định” lên “tích cực” tháng 8/2018, Fitch Ratings cũng thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định” vào tháng 5/2018.
  • Theo CBRE Việt Nam, nhiều nhà máy đang chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Xu hướng này không quá mới khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng, khiến cho việc di dời dường như trở thành một sự lựa chọn khả thi về mặt tài chính đối với nhiều nhà sản xuất. Lý do được CBRE Việt Nam chỉ ra là: Việt Nam duy trì tốt các chỉ số tăng trưởng, lạm phát thấp, chính phủ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, nhiều hiệp định thương mại được ký kết … Cụ thể, số lượng nhà máy sản xuất của Apple tại Việt Nam tăng từ 16 (năm 2015) lên 22 nhà máy (năm 2018). Về sản xuất của Samsung tại Việt Nam: Samsung đã lên kế hoạch đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc, theo tờ South China Moring Post. Khu tổ hợp nhà máy ở Huệ Châu là nơi cung cấp 1/5 tổng địện thoại bán ra tại Trung Quốc năm 2011. Tại Việt Nam, tỷ lệ Sản xuất nội địa nhảy vọt từ 34% tổng giá trị sản phẩm trong năm 2014 lên 57% trong năm 2017. Hiện tại, 29 công ty Việt Nam đóng vai trò là nhà cung cấp Số 1 của Samsung (mục tiêu trong năm 2018: 35, 2019: 42, 2020: 50) Sản xuất của LG tại Việt Nam: Tập đoàn điện tử LG đã công bố dừng sản xuất điện thoại di động ở Hàn Quốc và chuyển sản xuất sang nhà máy tại Hải Phòng, Việt Nam. Theo ghi nhận từ đơn vị nghiên cứu này, sự hình thành các đường cao tốc phía Bắc, dẫn tới nhiều khu công nghiệp ra đời, thu hút các nhà đầu tư như: Samsung và các nhà cung ứng của Samsung, Kyocera Milta, Nestle, Panasonic, Toto … Tương tự, hàng loạt nhà đầu tư (Bosch, Nidec, Schneider, Bayer, Cargill, Pepsi, Nestle …) cũng di dời nhà máy vào các khu công nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai … Các thương hiệu giày nổi tiếng Adidas, Nike, Brooks Running … đều đang thi hành những quyết định thích hợp. Mới đây nhất, công ty giày Brooks Running của tỷ phú Warren Buffett đã công bố sẽ giảm sản lượng ở Trung Quốc để tăng cường ở Việt Nam. CEO Jim Weber của Brooks cho biết khoảng 8,000 việc làm sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này sẽ khiến Việt Nam chiếm 65% sản lượng của Brooks Running trong khi Trung Quốc sẽ chỉ còn khoảng 10%. Adidas đã giảm một nửa sản lượng tại Trung Quốc, Việt Nam nhận phần lớn sự chuyển giao đó. Nike cũng đang làm điều tương tự.
  • Vào ngày 25 tháng 4 năm 2019, Viettel – nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam – tuyên bố đã hoàn thành thử nghiệm một trạm phát sóng thế hệ thứ năm (5G) tại Hà Nội với tốc độ 600 – 700Mbps, ngang với tốc độ của mạng 5G của Verizon ở Mỹ. Viettel cũng sẽ tiến hành thử nghiệm mạng 5G vào tháng 5/2019. Nếu thành công, công ty có thể sớm bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G trong thời gian tới, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực vận hành mạng 5G. Đáng chú ý, Viettel tuyên bố sẽ tự phát triển các công nghệ lõi cho mạng 5G, bao gồm chip và thiết bị 5G. Cụ thể, công ty đặt mục tiêu tự sản xuất 80% thiết bị hạ tầng mạng viễn thông vào năm 2020. Ngoài thiết bị tự phát triển, công ty cũng sẽ sử dụng thiết bị từ các nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, công ty đã tuyên bố rõ rằng họ không sử dụng thiết bị Huawei, ngay cả đối với mạng 4G hiện tại. Tại Việt Nam, MobiFone, một nhà mạng di động khác đã được cấp phép thử nghiệm mạng 5G, đã lựa chọn các công nghệ Samsung. Trong khi đó, Vinaphone, một công ty viễn thông lớn khác có khả năng sẽ sớm nhận được giấy phép thử nghiệm 5G, đã ký một hợp đồng hợp tác với Nokia để triển khai mạng 5G của mình. Tập đoàn Viettel, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Việt Nam thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng, sẽ triển khai thiết bị từ Ericsson của Thụy Điển và công nghệ Nokia Oyj của Phẩn Lam để phát triển mạng 5G. Viettel sẽ sử dụng chipset 5G từ Qualcomm và một công ty khác của Mỹ. Sự vắng mặt của Huawei tại thị trường 5G của Việt Nam cho đến nay trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận của một số quốc gia trong khu vực như Philippines hay Thái Lan, nơi các nhà mạng di động tiếp tục sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G bất chấp những tranh cãi liên quan đến rủi ro bảo mật mà thiết bị Huawei bị cáo buộc có thể gây ra.
  • Việt Nam đang thể hiện sự hiện diện của mình trong thị trường cà phê sôi động của Nhật Bản, khi nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới tận dụng sự gần gũi địa lý và các loại hạt cà phê giá rẻ loại Robusta để cạnh tranh với nhà sản xuất dẫn đầu thị trường Brazil. Tại Nhật Bản, Robusta chủ yếu được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan và thường được bán trong các gói cốc đơn, phổ biến với các hộ gia đình một hoặc hai thành viên, một nhóm người tiêu dùng đang gia tăng. Theo Ajinomoto AGF, công ty con của Ajinomoto, một loại cà phê hòa tan phải đủ chất và đắng để cân bằng độ ngọt của kem và đường. Đây cũng là lý do mà Robusta được ưa chuộng. Ngoài ra, Robusta cũng đang giành được thị trường sản xuất cà phê thủ công, vì các nhà cung cấp trộn nó với Arabica để giảm giá thành. Robusta cũng được tìm thấy ở nhiều cửa hàng cà phê hơn và để tạo ra các nhãn hiệu riêng, có giá bình dân cho các nhà bán lẻ. Sự gần gũi địa lý mang lại cho Việt Nam và hạt Robusta một lợi thế tại thị trường Nhật Bản, vì việc vận chuyển từ Việt Nam hoặc các nhà sản xuất khác trong khu vực chỉ mất khoảng một nửa thời gian so với vận chuyển Arabica từ châu Mỹ Latinh. Và trong số các nhà sản xuất cà phê Đông Nam Á, cơ sở sản xuất lớn hơn của Việt Nam cung cấp nguồn cung ổn định hơn, ví dụ, so với Indonesia.
  • Việc di dời các chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc trong các ngành thâm dụng lao động, như sản xuất hàng may mặc và giày dép, đang nâng cao đầu tư vào Việt Nam. Theo báo cáo đầu tư quốc tế World Investment Report 2019, tổng số các dự án FDI toàn cầu được công bố trong ngành dịch vụ đã tăng 43% lên 473 tỷ USD. Có sự gia tăng lớn trong cả ngành xây dựng và sản xuất điện. Vốn FDI trong ngành xây dựng đã tăng 84% lên 113 tỷ USD. Dòng vốn FDI vào Đông Nam Á đã tăng 3% lên mức cao nhất mọi thời đại là 149 tỷ USD vào năm 2018. Do đó, tỷ lệ vốn FDI của khu vực trong dòng chảy toàn cầu đã tăng từ 10% trong năm 2017 lên 11% vào năm 2018
  • Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ bé ở châu Âu, vừa soán ngôi Singapore để trở thành nơi đáng sống và làm việc nhất trên thế giới trong khi Việt Nam nằm trong top 10. Singapore từng được vinh danh ở vị trí này trong 5 năm liên tiếp trước khi bị Thụy Sĩ đánh bật. Mức sống cao và lương cạnh tranh khiến Thụy Sĩ luôn nằm trong nhóm những quốc gia đáng sống nhất thế giới. Tuy nhiên, ở thời điểm bất ổn toàn cầu gia tăng, quốc gia Bắc Âu vốn nổi tiếng với ổn định chính trị và kinh tế đã được HSBC Expat vinh danh là quốc gia đáng sống nhất thế giới. Ngoài Thụy Sĩ và Singapore, các nước còn lại trong top 10 bao gồm Canada, Tây Ban Nha, New Zealand, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Việt Nam. HSBC Expart từng chỉ ra 8 lý do khiến Việt Nam trở nên đáng sống và làm việc với người nước ngoài: Cơ hội việc làm – Thu nhập cao – Chi phí sinh hoạt rẻ – Nền văn hóa phong phú đa dạng – Con người thân thiện, cởi mở – Một đất nước hòa bình – Thời tiết tương đối dễ chịu: Việt Nam có sự khác biệt về khí hậu giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam – Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời.
  • Trong danh sách 10 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2019 của Lonely Planet, đứng ở vị trí số 1 là khu vực sông Margaret và vùng đất Tây Nam của Úc. Vị trí thứ 2 và 3 lần lượt thuộc về vùng Shikoku của Nhật Bản và vùng Bay of Islands – Northland của New Zealand. Miền Trung Việt Nam đứng hàng thứ 6 trước Palawan, Philippines – Bắc Kinh, Trung Quốc – Campuchia.
  • Việt Nam đứng thứ 42 toàn cầu về Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) 2019 với điểm số 38.84 và đứng thứ 42 toàn cầu. Đứng đầu (trên tổng số 26 nước) nhóm các quốc gia đang phát triển (thu nhập trung bình thấp) và đứng thứ 9 khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục cho thấy một sự cải thiện đồng loạt trong điểm số về vốn nhân lực và nghiên cứu, sự nhạy bén của thị trường và kiến thức và công nghệ đầu ra.
  • Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), cho biết Vietnam Data Cube đã được VNSC bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2017, với sự phối hợp của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung. Tới thời điểm hiện tại, hệ thống Vietnam Data Cube đã bước đầu hình thành dưới sự hỗ trợ thiết bị kỹ thuật của các đối tác quốc tế như Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp (CNES) …

Bản đồ hiện trạng rừng Việt Nam được xây dựng từ ảnh vệ tinh – Ảnh Viện Điều tra quy hoạch rừng

  • Theo dữ liệu từ báo cáo “e-Conomy 2019” do Google, Temasek Holding và Bain&Co thực hiện, kinh tế số ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines đang tăng trưởng từ 20% đến 30% mỗi năm, và không có dấu hiệu chậm lại. Đây là một kỳ tích đáng chú ý so với các khu vực khác. Hai quốc gia đang tăng tốc nhanh nhất khu vực là Indonesia và Việt Nam, tăng trưởng trên 40% một năm. Quy mô kinh tế số Việt Nam năm 2019 được báo cáo thống kê là đạt 12 tỷ USD, bằng Singapore và dự kiến sẽ vượt quốc đảo này, cao hơn gần gấp đôi vào năm 2025 với 43 tỷ USD.
  • Theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, Việt Nam, với mức tăng 34% tương đương 10.9 tỷ USD – đã nhảy từ vị trí thứ 12 sang thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ.
  • Việt Nam nói đã trở thành “quán quân” trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (GCI), lên thứ hạng 67 sau khi tăng 10 bậc và 3.5 điểm theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), điều mà một chuyên gia của tổ chức này nói là nhờ Hà Nội biết tận dụng thương chiến Mỹ – Trung. Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Việt Nam đã cải thiện đáng kể chỉ số đói nghèo toàn cầu và hiện xếp thứ 62 trên tổng số 117 nền kinh tế trong bảng xếp hạng đói nghèo toàn cầu, cao hơn 1 số nước trong khu vực Đông Nam Á khác. Đây là nội dung trong báo cáo Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019 được công bố vào tuần trước bởi cơ quan viện trợ Concern Worldwide từ Ailen và tổ chức Welt Hunger Hilfe của Đức. Cụ thể, Việt Nam với tổng điểm 15.3/100 và được phân loại là ‘vừa phải’ trong bảng mức độ đói nghèo. Điểm GHI được tính toán dựa trên bốn chỉ số, bao gồm suy dinh dưỡng, gầy so với chiều cao, thấp còi ở trẻ em và trẻ em tử vong. Điểm GHI của một quốc gia càng cao thì tình hình đói nghèo càng tệ. Điểm 0 sẽ cho thấy không có nạn đói trong nước. Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể để giảm điểm đói nghèo toàn cầu từ 28.3 năm 2000 xuống 15.3 trong năm nay. Năm ngoái, mức độ đói nghèo của Việt Nam cũng được xếp hạng ‘vừa phải’ với tổng điểm 16, đưa Việt Nam đứng ở vị trí thứ 64/119 nước. Năm nay, Việt Nam tốt hơn một số nước láng giềng Đông Nam Á như Myanmar – hạng 69, Indonesia – hạng 70, Philippines – hạng 71, Campuchia – hạng 77 và Lào – hạng 87. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan – hạng 46 và Malaysia – hạng 57. Riêng Singapore không được xếp hạng do dân số ít.
  • Ngày 5/11, The Jakarta Post đưa tin: “Nhiều chính sách khuyến khích hấp dẫn đã khiến việc ứng dụng năng lượng mặt trời tăng gấp 8 lần ở Việt Nam trong hai năm qua, trong khi Indonesia rơi vào tình trạng “phủ bụi”, mặc dù trước đó cũng đã ban hành những ưu đãi tương tự”. Trong khi công suất quang điện mặt trời (PV) được lắp đặt của Indonesia giảm 37% trong giai đoạn 2017-2018, công suất của Việt Nam tăng vọt 803% trong cùng kỳ, theo Đánh giá thống kê hàng năm về Năng lượng Thế giới mới nhất của BP – một trong những nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng lớn nhất ở Indonesia. Chuyên gia phân tích về năng lượng mặt trời Rishab Shrestha, một nhà nghiên cứu của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, cho biết chìa khóa thành công của Việt Nam là chương trình Feed-in-Tariff (FIT) do Bộ Công thương (MoIT) ban hành vào năm 2017. Chương trình, được quy định theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Bộ Công thương, cam kết với các nhà đầu tư rằng điện năng lượng mặt trời sẽ được mua ở mức 9.35 UScents/kilowatt giờ (KWh). Theo kết quả của chương trình FIT, Wood Mackenzie đánh giá các dự án Việt Nam đã lắp đặt công suất pin mặt trời để đạt 5.5 gigawatt (GW) trong năm nay, chiếm 44% tổng công suất của Đông Nam Á. Công suất lắp đặt của Việt Nam chỉ là 0.125 GW vào năm ngoái.
  • Trong một cuộc họp riêng được tổ chức tại Seoul vào ngày 1 tháng 12, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong xem xét xây dựng một cơ sở sản xuất chip ở Việt Nam. Tờ The Investor đưa tin rằng, Thủ tướng CSVN cho biết ông sẽ đưa ra nhiều ưu đãi. Ông Lee không đưa ra cam kết ngay lúc đó. Thay vào đó, Samsung hứa sẽ thuê 3,000 kỹ sư Việt Nam cho trung tâm R&D của Samsung hiện đang được xây dựng tại Hà Nội, dự kiến năm 2022 sẽ đi vào hoạt động.Đề nghị này có vẻ như có lợi cho cả hai bên khi xem xét đến các ưu đãi, lao động giá rẻ và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á. Tuy nhiên, những người trong ngành cho biết rất ít khả năng Samsung sẽ thực hiện điều này, vì nhà sản xuất chip thường quan tâm hai yếu tố là nhân lực và thị trường. Samsung hiện đang điều hành một nhà máy sản xuất chip tại Austin, Texas và một nhà máy bộ nhớ ở Xian, Trung Quốc.

KẾT LUẬN

Không chỉ Trung Quốc, Mỹ gần như không khoan nhượng với bất cứ quốc gia nào gây thương hại đến quyền lợi của mình. Ví dụ gần đây nhất là Ấn Độ. Tổng thống Trump hôm 31/5 đã xoá bỏ các ưu đãi thuế quan cho hơn 2.000 sản phẩm xuất khẩu của Ấn Độ vào Hoa Kỳ vì Ấn Độ không đảm bảo cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ quyền tiếp cận thị trường công bằng và hợp lý.

Riêng đối với Việt Nam, với thặng dư thương mại lớn với Mỹ, nhiều khả năng chịu rủi ro sẽ bị áp thuế tương tự, nhưng Mỹ luôn có mối quan tâm đặc biệt và có sự ưu đãi nhất định với nền kinh tế hơn 94 triệu dân. Việt Nam có thể trở thành nguồn hàng hoá bổ sung cho Mỹ trong trường hợp hàng hoá Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan. Do vậy, nếu áp thuế đồng loạt với cùng một lúc nhiều nước, người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn. “Mặt khác vị thế địa chính trị của Việt Nam quá đặc biệt”, ông Vinh nhận xét. Về mặt chiến lược, Mỹ vẫn cần thêm sự ủng hộ từ khu vực châu Á Thái Bình Dương bên cạnh những đồng minh truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Việt Nam chắc chắn có nhiều kinh nghiệm trong mối bang giao với Hoa Kỳ rút từ những bài học từ Trung Quốc.

Trong Twitter ngày 13/5/2019, Tổng thống Trump đã 2 lần nhắc tới Việt Nam khi nói tới cuộc chiến thương mại đang leo thang với Trung Quốc. “Thuế nhập khẩu có thể hoàn toàn tránh được nếu các quý vị mua hàng từ một nước không bị áp thuế nhập khẩu, hoặc mua hàng từ nước Mỹ. Nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc để chuyển tới Việt Nam và các nước tương tự ở châu Á. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại muốn chốt thỏa thuận với Mỹ như thế”.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Việt Nam sẽ gây bất ngờ gì cho thế giới trong 5 năm nữa và câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc” trên mạng Cafef.VN ngày 24/1/2019.
  2. Bài viết “Hướng Đạo Thế Giới WOSM: VN Là Nước Hội viên thứ 170” trên mạng Vietbao Online ngày 15/1/2019.
  3. Bài viết “Standard Chartered: Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn Online ngày 19/1/2019.
  4. Bài viết “Thủ tướng Phúc nói về kinh tế VN và thương chiến Mỹ – Trung” trên mạng BBC ngày 22/1/2019.
  5. Bài viết “Hội nghị Trump-Kim ở Việt Nam: VN khẳng định vai trò quốc tế” trên mạng BBC ngày 7/2/2019.
  6. Bài viết “World Bank đánh giá cao nỗ lực tăng năng suất lao động của Việt Nam: Ngang hàng Trung Quốc, xếp trên Thái Lan 17 bậc về chỉ số vốn con người” trên mạng Cafef .VN ngày 16/2/2019.
  7. Bài viết “Vài trăm triệu USD từ Kuwait và Argentina có thể chuyển hướng vào chứng khoán Việt Nam” trên mạng Cafef .VN ngày 26/3/2019.
  8. Bài viết “Việt Nam tiếp tục xuất siêu 536 triệu USD trong quý I/2019” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 29/3/2019.
  9. Bài viết “Vị trí của Việt Nam trong các bảng xếp hạng” trên mạng BBC ngày 2/4/2019.
  10. Bài viết “Kỳ vọng Mỹ – Việt nếu Chủ tịch Trọng thăm Hoa Kỳ” trên mạng BBC ngày 5/4/2019.
  11. Bài viết “BĐS công nghiệp: Nhiều tập đoàn nước ngoài chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam” trên mạng Cafef.VN ngày 3/5/2019.
  12. Bài viết “Cà phê Robusta Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 6/5/2019.
  13. Bài viết “Thương chiến Mỹ-Trung và cơ hội ‘ngàn năm một thuở’ cho VN” trên mạng BBC ngày 15/5/2019.
  14. Bài viết “GS Mỹ gốc Việt lý giải chiến lược “ngạo mạn” của Tổng thống Trump với Trung Quốc: Thuốc tốt đang giảm bệnh, tại sao lại phải ngừng!” trên mạng Cafef.VN ngày 17/6/2019.
  15. Bài viết “Thương mại: Ông Donald Trump đe dọa Việt Nam” trên mạng BBC ngày 27/6/2019.
  16. Bài viết “Vì sao Việt Nam có nguy cơ trong tầm ngắm của bộ Tài Chính Mỹ?” trên mạng RFI ngày 27/6/2019.
  17. Bài viết “Singapore bị đánh bật khỏi vị trí quốc gia đáng sống nhất hành tinh, Việt Nam nằm trong top 10” trên mạng Cafef.VN ngày 4/7/2019.
  18. Bài viết “Bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019: 11 mặt hàng góp tên trong câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” trên mạng Cafef.VN ngày 21/7/2019.
  19. Bài viết “Google&Temasek: Quy mô kinh tế số Việt Nam năm nay tương đương Singapore, Tiki và Sendo có tiềm năng trở thành “kỳ lân” mới trên mạng Cafef.VN ngày 4/10/2019.
  20. Bài viết “Công ty viễn thông Ericsson thú nhận đã hối lộ quan chức CSVN” trên mạng Nguoiviet Online ngày 8/12/2019.
  21. Bài viết “Báo Trung Quốc tổng kết thương mại châu Á 2019: Toàn khu vực u ám, Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi” trên mạng Cafef.VN ngày 22/12/2019.
  22. Bài viết “Năm 2019 là năm bứt phá ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam trên mạng Cafef.VN ngày 30/12/2019.

—–