Trường Sa đứng vững giữa phong ba

614 (lượt xem) |

Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá. Có thể nói, từ bao đời nay biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong tim mỗi người dân đất Việt. Biển đảo chính là một món quà vô giá mà thiên nhiên ưu đãi, lịch sử hào hùng trao tặng chúng ta. Chính trên vùng mênh mông đại dương bao la, nơi cột mốc chủ quyền sừng sững như chứng nhân của lịch sử đầy “máu và hoa”, luôn có những con người vẫn ngày đêm canh giữ cho quê hương giấc ngủ yên bình. Chính tại nơi đầu sóng ngọn gió là nơi những trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, của đông đảo các thế hệ Việt Nam hướng về với lòng thành kính, yêu thương và biết ơn vô hạn. Vì một lý do rất đơn giản: Đây là quê hương chúng ta.

Thế hệ trẻ ngày nay được may mắn sinh ra trên đất nước bình yên nhưng quân thù vẫn rình rập, được tự hào về những trang sử vàng quá khứ hào hùng, bi tráng, được hưởng một niềm ưu ái “Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Đỗ Trung Quân). Chúng tôi được lắng nghe lời non sông vọng về qua những trang sách: “Lãnh thổ Việt Nam là một khối thống nhất và toàn vẹn bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời.  Nước ta có đường bờ biển dài 3,260 km, cong hình chữ S, chạy từ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) ở phía Bắc đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) ở phía Tây Nam … Nước ta có hơn 4,000 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là các đảo ven bờ và có hai quần đảo ở ngoài khơi xa trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa). Vùng biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km2 ở biển Đông. Biển Đông đối với nước ta là một hướng chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo, thềm lục địa. Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo có ý nghĩa là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo”.

Trong thời gian qua, lần đầu tiên tác giả được đọc bài viết “Thành phố nhỏ trên Biển Đông: Trường Sa” do mạng Megastory biên soạn theo một phong cách hành văn và kỹ thuật trình bày mới. E-magazine hay Megastory có thể trở thành một thể loại báo chí mới, thu hút đông đảo công chúng theo dõi và tương tác góp phần tạo nên một môi trường báo chí đầy sức sống.

Viết về Tranh Chấp Biển Đông và Hoàng Sa-Trường Sa gần 15 năm nhưng bài viết “Thành phố nhỏ trên Biển Đông: Trường Sa” trên mạng Megastory đã đem lại nhiều xúc động cho người phụ trách. Tác giả quyết định viết thêm bài này với những cảm nghĩ hy vọng mang lại đôi chút tâm tình từ người thủy thủ già chạnh lòng nhớ biển khơi.

TRƯỜNG SA VÀ BIỂN ĐÔNG

Quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh 248 hải lý (khoảng 460 km) – Vũng Tàu 305 hải lý (khoảng 566 km). Gồm có 15 đảo nhỏ và trên 130 đá, bãi nổi và chìm, bãi san hô rải rác trên một diện tích gần 410,000 km² ở giữa Biển Đông. Tổng số diện tích các đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa: 1.828 km². Lớn nhất là đảo Ba Bình với 0.460 km², do Đài Loan chiếm giữ, trước đó từng có quân đội Pháp-Việt và trạm khí tượng. Cho tới nay, Việt Nam đang kiểm soát 6 đảo với 49 tiền đồn rải ra trên 27 thực thể đảo nổi, đảo chìm trên khu vực quần đảo Trường Sa. Philippines chiếm 7 đảo. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, tổng diện tích bồi đắp trên 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng đã lên tới khoảng 13.21 km2 (tập trung chủ yếu trên 3 đá là Vành Khăn, Xu BiChữ Thập) với chi phí hàng chục tỷ USD. Cả 3 đảo nhân tạo này đều có đường bay dài 3,000 m.


Các căn cứ tiền tiêu của Việt Nam xen kẻ với các đảo nhân tạo của Trung Quốc

NHỮNG HÌNH ẢNH TẠI TRƯỜNG SA

Nhiều người dân từ đất liền đã vượt hàng trăm hải lý ra đảo sinh sống, an cư, lập nghiệp từ rất lâu. Nhiều đứa trẻ đã chào đời tại quần đảo xa xôi này. Những đứa bé Trường Sa tạo nên hình ảnh thú vị, khi chúng mặc bộ đồ như quân phục hải quân, lon ton hớn hở theo cha mẹ đi đón khách ra thăm đảo. Có những giáo viên rất trẻ xung phong ra đảo dạy học. Ở Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca, xã đảo Nam Yết, xã đảo Song Tử Tây… đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học. Sau khi học hết cấp 1, các bé sẽ được chuyển vào đất liền học tiếp.

Trong điều kiện sóng gió, thiên nhiên khắc nghiệt, quân và dân ở huyện đảo Trường Sa đã trồng được một số cây ăn trái, rau xanh mang giống từ đất liền, như đu đủ, chuối, xoài, mướp, bầu, bí, tía tô, mồng tơi, cải mầm, rau muống, rau sống … Thị trấn Trường Sa – trái tim của quần đảo Trường Sa – rợp bóng mát với nhiều loài cây xanh: bàng ta, tre, mù u, phi lao …, nhưng nhiều nhất là cây phong ba và cây bàng vuông.

  • Cây phong ba:

Chẳng biết từ bao giờ, cây phong ba xuất hiện trên tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Phong ba ở khắp nơi, quanh cầu cảng, trên những triền cát trắng quanh đảo. Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa tận cùng cơn khát, cây phong ba không chỉ che mát, phòng thủ bảo vệ đảo, mà còn là người bạn tâm tình son sắc của lính đảo Trường Sa. Ở nơi đây, mầm xanh bền bỉ duy nhất chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết và gió bão đại dương chỉ có phong ba – loài cây thân gỗ mềm, rễ bám sâu vào lòng đất, sống được trên cát mặn và đá sỏi.

Một người lính đảo tâm tình: “Từ ngọn sóng Trường Sa, anh gặp em ở đảo. Súng chắc trong tay anh, vẫn kiên trung nơi đảo Sinh Tồn. Đảo ơi, phải vì cách trở trùng khơi, phải vì máu đổ em ơi nên đảo thương, đảo vẫn Sinh Tồn gặp em. Nghe như trong mơ, vững vàng ngoài khơi xa. Đời anh như cây phong ba, vững vàng giữa đảo Trường Sa”…

Cây Phong Ba

  • Hoa bàng vuông nở về đêm:

Cây bàng vuông là một trong những “thương hiệu” của Trường Sa. Hoa bàng vuông chỉ nở vào ban đêm, màu trắng hồng, như chiếc đèn lồng tí hon. Lá bàng vuông được quân và dân đảo dùng để gói bánh chưng vào dịp Tết. Bàng vuông, bàng quả vuông, bàng biển là một loài cây gỗ đặc trưng của các vùng đảo biển. Do có lá trông hao hao như lá Bàng, quả có hình khối chóp nón 4 cạnh, nên nó được gọi tên “Bàng vuông”. Đây là một loài cây có sức sống rất mãnh liệt ở những môi trường sống khắc nghiệt, vốn xuất thân từ rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và các đảo biển châu Á, từ Ấn Độ Dương tới Tây Thái Bình Dương, từ Zanzibar tới Đài Loan, Philippines, Fijii, New Caledonia và Việt Nam. Ở Việt Nam, bàng vuông xuất hiện ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Sơn, Thổ Chu, Phú Quốc …, được đánh giá là một loài quí hiếm. Cây được trồng để tạo bóng mát cho các vùng ven biển và hải đảo.

Cây bàng vuông con cũng là món quà đặc biệt mà người đất liền ra đảo muốn có được để lưu lại kỷ niệm đến Trường Sa.

Hoa bàng vuông nở về đêm

  • Chùa tại Trường Sa:

Đến Trường Sa, ngoài việc lặn bắt cá, ngắm san hô, thích nhất là buổi trưa trên đảo. Giữa nghìn trùng sóng gió nơi đại dương xa xôi, tiếng chuông chùa ngân lên, tiếng gà gáy trưa vang lên trong thinh không khiến lòng người bình yên và thấy thiêng liêng, gần gũi. Quần đảo Trường Sa có 4 ngôi chùa kiến trúc thuần Việt, làm từ nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Chùa trên đảo Trường Sa Lớn uy nghi tọa lạc ngay giữa trung tâm thị trấn. Trong chùa có 6 tượng Phật được làm từ ngọc màu trắng. Đây là nơi mà bất cứ ai đến cũng vào thăm, thắp nén hương và được sư thầy trụ trì tặng chiếc vòng đeo tay mang ý nghĩa bình an.

Tượng Hưng Đạo Đại Vương và chùa Song Tử Tây

  • Những cây dừa trên đảo Nam Yết và đàn bò tại Song Tử Tây:

Ở quần đảo Trường Sa, mỗi hòn đảo đều có những chuyện thú vị để kể. Nếu như xã đảo Nam Yết được mệnh danh là “đảo dừa” vì có gần 500 cây dừa mang từ đất liền ra trồng, thì ở xã đảo Song Tử Tây, ai cũng thích thú khi nhìn thấy đàn bò mấy chục con nhởn nhơ ăn lá bàng. Đảo Song Tử Tây bắt đầu nuôi bò từ năm 2004, với những con bò giống đầu tiên là quà tặng của các địa phương khi ra thăm đảo. Bò đất liền ra đảo xa nhưng thích nghi và sinh trưởng khá tốt. Chỉ trừ lá cây phong ba, còn lại hầu hết các loại lá cây trên đảo đều là “món khoái khẩu” của chúng, đặc biệt là lá cây bàng ta và bàng vuông.

Đảo Nam Yết với gần 500 cây dừa

Đàn bò trên đảo Song Tử Tây

  • Bồ câu tại Song Tử Đông:

Khi đến đảo Sinh Tồn Đông, ai cũng ngạc nhiên trước hình ảnh đàn bồ câu hàng chục con bay lên sà xuống, khiến cho khung cảnh nơi hòn đảo tiền tiêu đầy sóng gió này thanh bình hẳn. Đàn chim bồ ấy được một đảo trưởng mang ra nuôi từ tháng 10/2014. Thời tiết, khí hậu ngoài đảo khắc nghiệt, nhưng bồ câu vẫn thích nghi được. Lúc đầu chỉ có 2 con, dần dần chúng sinh sôi thành một đàn vài chục con, như biểu tượng hòa bình giữa khơi xa, như khát vọng hòa bình của người lính đảo.

Chim bồ câu trên đảo Sinh Tồn Đông

  • Đàn chó tại Trường Sa:

Chó ở Trường Sa không chỉ là người bạn quấn quýt bên cạnh chiến sĩ, săn bắt chuột bảo vệ kho tàng nhu yếu phẩm, trông coi gà vịt không cho xuống nước sẽ bị sóng biển cuốn trôi, mà còn làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ trận địa, các vị trí chiến đấu xung yếu. Tại các đảo chìm, mỗi khi phát hiện vật thể lạ trôi gần bờ hoặc tiếng động khác thường giữa đêm khuya, các chú chó sẽ sủa báo động cho quân trú phòng.  Niềm vui hàng ngày của chúng thích thú là nhảy xuống nước tắm, chơi đùa.

Cách đây vài năm, Trường trung cấp 24 Biên phòng (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chuyên đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ đã đưa 1 đội chó nghiệp vụ huấn luyện thử nghiệm chống địch đột nhập ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Đây là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ “quân khuyển” bảo vệ mục tiêu biển đảo trên các điểm đóng quân của lữ đoàn 146 trên toàn quần đảo.

Đàn chó vui đùa tại Trường Sa

NHỮNG CẢNG CÁ TRƯỜNG SA

Việt Nam đã bồi đắp khoảng 120 mẫu Anh trên 10 đảo nhỏ kể từ năm 2014, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ. Theo quy hoạch sẽ có 6 khu neo đậu kết hợp cảng cá tại các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Tây, Nam Yết là điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Trong tương lai không xa, những âu tàu trên sẽ được hiện đại hóa, đủ sức chứa hàng ngàn tàu lớn nhỏ đến trú tránh bão tố, và có thể sửa chữa tàu có công suất 2,000 DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1,000 đến 2,000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật.

  • Đảo Trường Sa Lớn

Huyện đảo Trường Sa có 3 đơn vị hành chính là thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây và xã đảo Sinh Tồn. Đến bất cứ đảo nào, bạn cũng sẽ nhìn thấy hình ảnh đầu tiên là những chiến sĩ mặc quân phục hải quân còn trẻ măng, làn da ngăm sạm nắng gió, nghiêm trang bồng súng canh gác ngay tại cột mốc chủ quyền Tổ quốc. Họ là những chiến sĩ đi nghĩa vụ quân sự, đến từ khắp mọi miền đất nước.

Quần đảo Trường Sa không còn là những đảo nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển khơi, nơi chỉ có sóng gió, bão giông. Trường Sa ngày nay như một thành phố nhỏ trên Biển Đông, với những khu dân cư, những làng chài ven đảo. Thị trấn có diện tích 0.15 km², dài 630 m, nơi rộng nhất 300 m, không khác gì đất liền: có đường nhựa, có trường học, bệnh xá khang trang hiện đại và có cả chùa … Trên đảo có giếng nước lợ có thể dùng để tắm giặt và tưới cây.  Tổng cộng, khoảng 40 ha ở đảo Trường Sa Lớn đã được bồi đắp bằng cách hút cát biển chung quanh. Cách làm của họ chậm chạm hơn rất nhiều so với của Trung Quốc, theo AMTI, tuy ít tàn phá môi trường hơn. Theo quan sát của AMTI, từ giữa năm 2017 đến gần đây, Việt Nam đã kéo dài phi đạo trên đảo vừa kể từ 750 mét lên thành 1,300 mét, mỗi đầu phi đạo có 2 nhà để máy bay mà người ta tin là để chứa các máy bay vận tải cỡ nhỏ CASA C-295 hoặc máy bay tuần tra biển PZL M28B hoặc có thể cho cả loại máy bay khác nếu họ mua sau này. Cảng cá của đảo dự kiến đến năm 2020 có thể đón được tàu công suất tối đa 1,000 CV. Đêm xuống, thị trấn Trường Sa như một thành phố nổi với đèn điện rực sáng, lung linh. Điện năng trên đảo lấy từ hệ thống pin mặt trời và tua bin gió.

Hình chụp Trường Sa Lớn sau khi được bồi đắp thêm và kéo dài phi đạo.

  • Đảo Song Tử Tây

Đảo Song Tử Tây còn có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, là nơi che chắn bảo vệ an toàn cho ngư dân đánh bắt xa bờ khi bão gió. Đảo có dịch vụ sửa chữa, cung cấp dầu cặn, nước ngọt cho tàu cá với giá như trong đất liền. Hiện nay, tổ hợp hậu cần nghề cá đảo Song Tử Tây với nhiều hạng mục phục vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt hải sản trên khu vực ngư trường Trường Sa đã đi vào hoạt động.

Song Tử Tây với vũng tàu đậu lớn nhất Trường Sa

Tàu thuyền của ngư dân được sắp xếp neo đậu tránh trú bão ở âu tàu Song Tử Tây. Ảnh: TTXVN.

  • Đá Tây:

Đá Tây là một rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa phía Tây của quần đảo Trường Sa. Đặc điểm: có dạng hình quả trám nằm theo trục đông bắc-tây nam. Các lạch nước phân vành san hô của rạn vòng này thành bốn phần riêng biệt. Một doi cát nổi lên với độ cao tối đa là 0.7 m ở bãi san hô phía đông. Đá Tây cùng với đá Đông, đá Châu Viênrạn san hô chứa đảo Trường Sa Đông hợp thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải quốc tế gọi là London Reefs (cụm rạn Luân Đôn). Đá Tây nằm cách đảo Trường Sa 20 hải lý (37 km) về phía đông bắc. Hiện Việt Nam đang quản lý rạn vòng này. Ngoài các công sự của hải quân thì tại đây còn có một ngọn đèn biển cùng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tổ hợp nuôi trồng thủy sản thí điểm.


Đá Tây
  • Bãi Thuyền Chài:

Bãi Đá Thuyền Chài cách đảo Trường Sa khoảng 87 hải lý về Đông Nam và cách đảo An Bang khoảng 20 hải lý về phía Đông Bắc. Đảo chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, dài khoảng 17 hải lý, rộng khoảng 3 hải lý. Xung quanh đảo có thềm san hô chiều rộng khoảng 200 – 350 m, hai đầu thu nhỏ, giữa phình to, từ xa trông đảo có hình dáng một cái thuyền đánh cá của ngư dân, nên từ lâu người ta đặt tên cho đảo là đảo Thuyền Chài. Phần phía Đông Bắc đảo có độ cao lớn hơn phần phía Tây Nam. Dọc theo suốt hai phần ba chiều dài của đảo, tính từ Tây Nam lên Đông Bắc, lác đác có những khối đá mồ côi cao trên mặt nước từ 0.2 – 0.4 m (khi thủy triều xuống còn 0.5 m). Dọc theo một phần ba đảo còn lại, đá mồ côi trồi lên mặt nước, dày hơn và cao hơn. Giữa đảo Thuyền Chài có một hồ nước sâu, khi thủy triều xuống thấp nhất vẫn bị ngập nước. Hồ có chiều dài khoảng 11 km, chiều rộng trung bình 2 km. Trong hồ có 3 bãi cát nhỏ nhô lên khi thủy triều xuống còn khoảng 0.5m và khi nước lớn, cả 3 bãi này đều bị ngập sâu 1m.

Trong bối cảnh một số nước tìm cách kiểm soát đá Thuyền Chài, năm 1987, Việt Nam bí mật cho một lực lượng của Lữ đoàn 146 Hải quân ra chiếm giữ. Tháng 3 năm 1987, Công binh Hải quân đã xây dựng hai nhà lâu bền trên đảo Thuyền Chài. Hiện nay, tại đây Việt Nam có 3 điểm đóng quân: 1 ở Đông Bắc, 1 ở Tây Nam và 1 ở giữa. Nếu có khả năng tài chánh để bồi đắp thì Bãi Thuyền Chài có thể là một trong những căn cứ lớn nhất Trường Sa, đủ dài để xây phi đạo và vũng đậu cho tàu bè.

Bãi Thuyền Chài nhìn từ vệ tinh

Một trong 3 vị trí phòng thủ trên bãi Thuyền Chài

  • Đảo An Bang:

Đảo An Bang có hình dạng như một cái túi: đáy nằm phía đông và miệng thắt lại ở phía tây; phần phía tây này bị bao phủ bởi một lớp phân chim. Đảo dài 200 m, rộng 20 m và cao 2 m so với mặt biển khi thủy triều xuống. Đảo có một doi cát vàng rộng chừng 500-700m2. Thế nhưng bãi cát này không nằm yên một chỗ mà quanh năm chạy vòng tròn xung quanh đảo, vì đảo An Bang nằm ở giữa 2 dòng hải lưu ngược chiều nhau. Tổng diện tích của đảo là 1.58 ha. An Bang là hòn đảo quanh năm có sóng lớn và là nơi mà tàu thuyền khó cập bến nhất trong số các thực thể địa lý thuộc Trường Sa đang do Việt Nam kiểm soát. Tàu thuyền muốn vào đảo gặp rất nhiều khó khăn dù sức gió chỉ mới ở cấp 3 hoặc 4; có những tàu phải quay về hoặc chờ khi sóng lặng mới lên được đảo. Đảo có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và phát triển kinh tế biển giữa quần đảo Trường Sa với khu vực nhà giàn DK1. An Bang nằm cách đảo Trường Sa 71 hải lý về phía Đông Nam và cách đảo Thuyền Chài 20 hải lý về phía Tây Nam. Đảo An Bang có vị trí rất quan trọng, là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Thực phẩm ở đảo này rất khan hiếm. Đất được chở từ đất liền ra rồi phân theo đầu người. Binh lính lót lá bàng vuông dưới đáy chậu, phủ đất lên rồi mới tiến hành trồng rau. Họ liên tục di chuyển các chậu rau này để tránh gió biển mang theo hơi nước mặn. Đến mùa biển động, sóng lớn có thể trùm qua đảo làm cho việc trồng rau còn khó khăn hơn nữa. Cá cũng không có nhiều do sóng lớn. Tuy điều kiện khó khăn nhưng mỗi năm có tối thiểu tám lượt tàu của ngư dân vào đảo để tránh bão hoặc nhờ giúp đỡ về lương thực, nước ngọt hoặc y tế.

Đảo An Bang – Vị trí tiền tiêu khắc nghiệt tại cực Nam Trường Sa

THƯƠNG NHỚ ĐẢO CHÌM

Nếu các đảo nổi mang đến hình ảnh gần gũi, thân thương như ở đất liền thì khách đến các đảo chìm không thôi niềm khâm phục những người lính giữ đảo. Đảo chìm là bãi đá ngầm nằm chìm dưới nước biển khi thủy triều lên. Đảo chìm thực chất là những ngôi nhà hai hoặc ba tầng được xây cao lên trên nền móng là dải san hô. Trên đảo chìm chỉ có quân nhân ở. Các anh ở trên tòa bê-tông cốt thép nhỏ hẹp, vừa là nơi ở, nơi làm việc, vừa là công sự khi xảy ra tình huống tác chiến. Mùa bão gió, sóng đánh lên tận cửa sổ, có khi trùm cả tòa nhà! Sáng dậy thấy một lớp muối biển trắng xóa trên cửa, trên nền nhà!

Đó là chuyện mùa bão gió. Còn trong mùa nắng đẹp, ở đảo chìm rất thú vị với những đàn cá sặc sỡ đủ sắc màu, to nhỏ đủ kiểu bơi lượn tung tăng ngay bên mép đảo trong làn nước trong vắt, trong đến nhìn rõ cả mây trắng và trời xanh in bóng dưới đáy nước.

Bên kia không xa, có thể nhìn bằng mắt thường là những tòa nhà to cao kiên cố, hoành tráng lừng lững của Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Ra đảo, sẽ được nghe kể về những lần căng thẳng khi bên kia chĩa súng ống vào bên này bộ đội mình để thị uy, đe dọa, “nắn gân”. Những lúc ấy, toàn đảo đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Căng thẳng cũng là một hình thức “tra tấn”, nhưng cũng là thước đo độ bản lĩnh, kiên cường, vững vàng của mỗi người lính nơi đảo xa này.

Trên gương mặt mỗi người lính giữ đảo là “những ánh mắt như thắp lửa khơi xa”, mà gây ấn tượng với sự hiền lành, chất phác, hồn hậu.

Công sự nhỏ bé của Việt Nam đứng cạnh đảo Gạc Ma đang bồi đắp, chỉ cách nhau 5.5 hải lý (10.2 km)

Đảo nhân tạo Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 nhìn từ đảo Len Đao của Việt Nam

DU LỊCH TRƯỜNG SA

Trong những năm gần đây, Việt Nam bắt đầu hướng đến khía cạnh khác hơn là tranh chấp Biển Đông. Với hệ sinh thái đa dạng, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch nhất là những người có muốn tìm những cảm xúc đặc biệt hơn là những thú vui thường tình.

Gần đến Trường Sa, du khách sẽ có nhiều cơ hội chiêm ngưỡng phong cảnh lúc mặt trời mọc và lặn, nơi đặt các vị trí tiền tiêu bảo vệ quê hương.

Trường Sa xa quá

Trong những tháng mùa hè, biển lặng như mặt sông, hiền dịu như người tình. Những người đi biển, nhìn sau mạn tàu để thấy những đóa hoa biển trắng xóa, muốn giữ lại đem về tặng người yêu. Sau lái tàu trên đường ra Trường Sa, mọi người sẽ thấy những đàn cá heo hàng chục con vượt lên mạn sóng, bám theo đuôi tàu. Những người đi biển lấy tay đập vô mạn tàu gọi cá heo. Cá heo là loài cá hiền lành, rất mến người và cũng rất “ham vui”. Khi thấy tàu thuyền, cá heo hay bám theo vui đùa.

Những đảo nhỏ ngoài kia không có những xa lộ, những tòa nhà cao tầng, không tiếng hát của giai nhân, không có những chai rượu mắc tiền mà các đại gia vung tiền qua cửa sổ mà ở đây chỉ có những trẻ thơ vui đùa với cát biển, chưa bao giờ biết đến đất liền. Phía xa xa chân trời, nghìn trùng sóng gió, có những người lính chiến thay chúng ta vượt qua ngọn sóng vươn tới chân trời, giữ lấy biên cương chưa bình yên cho mọi người. Mọi người sẽ thấy được cây phong ba, mầm xanh bền bỉ duy nhất chống chọi với sự khắc nghiệt của gió bão đại dương. Cây bàng vuông với hoa nở về đêm. Những đàn chó bạn với người và cũng trách nhiệm chống thâm nhập của địch. Tiếng chuông chùa ngân lên trong buổi trưa nóng bức đem lại bình an cho mọi người.

Rời đảo, mãnh đất quê hương giữa muôn trùng, từng bão giông gió mưa mịt mùng, mà vẫn luôn sáng nơi chân trời, cùng với bao chàng trai ra nơi ấy, ngăn sóng gió biên thùy. Nơi ấy là Trường Sa … và biết đâu cũng là nơi lớn lên của các chiến sĩ tương lai của quê hương.

Chiến sĩ tương lai của Trường Sa

THAM KHẢO

  1. Quần đảo Trường Sa – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Tình yêu biển đảo quê hương – Quỹ hỗ trợ Nghiên Cứu Biển Đông.
  3. Giải mã hiện tượng megastory trong làng báo Việt Nam từ One CMS Blog
  4. Trích từ bài “Thành phố nhỏ trên Biển Đông: Trường Sa” trên mạng du lịch Megastory.
  5. Thành phố nhỏ trên Biển Đông – TRƯỜNG SA: https://dulich.tuoitre.vn/thanh-pho-nho-tren-bien-dong-truong-sa-20191204160836298.htm.
  6. Âu tàu Trường Sa cùng ngư dân bám biển trên mạng Tài Nguyên & Môi Trường ngày 4/6/2019.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *