Virus Corona tại Vũ Hán – Bản tin số 1 (8/12/2019 – 29/2/2020)

669 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

“Virus Vũ Hán” được nhắc tới những ngày này là loại virus mới thuộc chủng corona (ký hiệu 2019-nCoV hoặc nCoV), chưa từng được phát hiện trước đây. Nó được xem xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Trên báo chí quốc tế, người ta thường dùng chữ “coronavirus” như một danh từ chung để chỉ loại virus mới này. Virus corona xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) được cho là “anh em họ” với virus gây ra Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) và virus gây ra viêm đường Hô hấp Cấp (SARS) từng gây đại dịch toàn cầu năm 2003.

Những người mắc virus corona có các triệu chứng như cảm lạnh thông thường, ho, sốt cao đến viêm phổi nặng. Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã phân lập được một loại coronavirus mới, WHO ký hiệu là 2019-nCoV, vừa mới được đổi lại là Covid-19 tháng 2/2020 được phát hiện có trình tự gen giống ít nhất 70% với SARS-CoV.

Hiện nay chưa rõ virus corona mới xuất hiện từ đâu, nhưng các loại coronavirus như vậy thường bắt nguồn từ động vật (vật chủ). Một số thông tin nói người nhiễm bệnh đầu tiên ở Vũ Hán là những người mua sắm tại các chợ buôn ẩm ướt ở Vũ Hán. Virus corona mới gây viêm phổi cấp tính. Người mắc bệnh viêm phổi do loại virus này gây ra có các biểu hiện như ho, sốt và khó thở. Báo Guardian cho biết trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn suy yếu nội tạng. Do đây là viêm phổi do virus, thuốc kháng sinh không có tác dụng, các loại thuốc chống virus hiện tại được dùng cho bệnh cúm thông thường cũng không hiệu quả. Cách tốt nhất vẫn là nhập viện theo dõi. Đến nay, đa phần người chết do virus corona mới đều cao tuổi và mang bệnh sẵn, sức khỏe kém.

Các ca nghi ngờ đầu tiên được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, với các triệu chứng đầu tiên xuất hiện khoảng hơn ba tuần trước đó, vào ngày 8 tháng 12 năm 2019. Chợ đóng cửa vào ngày 1 tháng 1 năm 2020 và những bệnh nhân có triệu chứng được cách ly. Sau đó, những người tiếp xúc gần gũi với người bị nghi ngờ mắc bệnh đã được theo dõi. Ngày 9 tháng 1 năm 2020, ca tử vong do 2019-nCoV đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán.

Virus Corona (Covid-19)

Ngày 23 tháng 1 năm 2020, Trung Quốc cô lập thành phố Vũ Hán, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng đến và đi đều bị tạm ngưng. Cho tới ngày 24 tháng 1 năm 2020, một số thành phố lân cận cũng bị cô lập bao gồm Hoàng Cương, Ngạc Châu, Xích Bích, Kinh Châu, Chi Giang. Hiện các biện pháp ngăn ngừa được triển khai trên toàn thế giới là đeo khẩu trang, phong tỏa vùng dịch bệnh và dùng máy quét thân nhiệt hành khách tại các các nhà ga, sân bay. Ngày 4/2/2020, Zhong Nanshan là người đứng đầu một nhóm chuyên gia Trung Quốc, nhóm được thành lập để kiểm soát và phòng ngừa bệnh viêm phổi do Virus Corona và là một học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết dịch cúm Corona mới (2019-nCoV) có thể đạt đến đỉnh điểm trong một tuần hoặc khoảng 10 đến 14 ngày tới. Việc phát triển vaccine virus corona có thể cần đến 3 tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Các nhà khoa học đang tăng tốc nghiên cứu về việc trung hòa các kháng thể của virus, nhưng cần có thời gian.

Các chính phủ châu Á vốn có các quan hệ căng thẳng trong lịch sử với Trung Quốc, từ Nhật Bản đến Việt Nam, đang đối mặt với những áp lực trong nước đòi có thêm những biện pháp chống lại virus corona mới gây chết người này, giữa những lo ngại là Trung Quốc có thể xử lý vô trách nhiệm vụ bùng phát này. Các nước láng giềng muốn sự thật để có được những điều chỉnh việc hạn chế du hành hoặc quá nhẹ hay quá khắc nghiệt. Kiểm soát không chặt chẽ có thể mang đến kết quả là làm cho các giới chức y tế địa phương quá tải nếu những người Trung Quốc đến mang theo virus, trong khi kiểm soát chặt chẽ quá có thể đe dọa đến các mối quan hệ thương mại và du lịch với nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Tác giả quyết định đưa lên mạng phần đầu của bài viết này vì cho đến hôm 21/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố dịch COVID-19 do virus Corona mới (nCoV) gây ra vẫn chưa đạt đỉnh dù số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm xuống dưới mức 1,000. Hôm 23/2, ông tuyên bố thêm hiện thời, tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng và phức tạp, và công tác ngăn chặn và kiểm soát vẫn trong giai đoạn khó khăn và nghiêm trọng nhất”. Ông nói thêm “Việc bùng phát bệnh viêm phổi do chủng virus Corona mới gây ra sẽ không tránh khỏi có tác động khá lớn lên nền kinh tế và xã hội”. Trả lời CNBC ngày 22/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, các quan chức Mỹ sẽ có đánh giá tốt hơn về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế trong ba hoặc bốn tuần tới.

DIỄN TIẾN (GIỜ ĐÔNG Á)

Từ 1/1/2020 đến 30/1/2020:

  • Ngày 9/1/2020: Ca tử vong đầu tiên tại Vũ Hán.
  • Ngày 30/1/2020: Trên thế giới có7,822 trường hợp nhiễm bệnh (170 tử vong, 1,239 nguy kịch, 12,167 nghi nhiễm. Tổng số ca nghi nhiễm ngoài Trung Quốc: 105. Số quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện có người nhiễm bệnh: 22)

Từ 1/2/2020 đến 14/2/2020:

  • Ngày 1/2/2020: Theo đài truyền hình quốc gia Trung Quốc, số ca tử vong vì virus corona tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đã tăng lên 294 riêng ở tỉnh này, trong số 304 trường hợp trên toàn quốc. Số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc được ghi nhận là 11,860 trong tổng số 12,027 trên toàn thế giới. Các nước ngoài Trung Quốc ghi nhận số ca bị nhiễm nhiều nhất là Nhật, Thái Lan, Singapore với số ca lần lượt là 20, 19, 18. Đặc khu Hong Kong cũng ghi nhận đến 13 trường hợp dương tính với virus corona; Hàn Quốc và Úc mỗi nơi ghi nhận 12 trường hợp. Đài Loan có 10 trường hợp trong khi ở Macau có 7 trường hợp. Riêng Việt Nam có 6 trường hợp nhiễm bệnh, 0 tử vong.
  • Ngày 2/2/2020: Bộ Y tế Philippines hôm 2/2 xác nhận một ca tử vong đầu tiên vì virus Corona ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc, theo Reuters. Trung Quốc đưa 1,400 quân y tới Vũ Hán ngày 2/2 theo lệnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thêm 1 thành phố bị phong tỏa. Việt Nam thêm người thứ 7 nhiễm bệnh. Đây là 1 Việt Kiều từng quá cảnh tại sân bay Vũ Hán, Trung Quốc.
  • Ngày 5/2/2020: Số liệu cập nhật cho thấy virus corona chủng mới đã cướp đi sinh mạng của 491 người ở Trung Quốc và 2 người ở Philippines và Hong Kong. Trong khi đó, có ít nhất 24,536 ca nhiễm trên toàn thế giới.
  • Ngày 11/2/2020: Hôm 11/2/2020, con số người chết vì virus corona mới vượt quá con số biểu tượng 1,000. Số lượng người bị lây nhiễm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc gia tăng, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) lo ngại dịch bệnh bùng phát mạnh ngoài Hoa lục. Chính quyền Trung Quốc cho biết có thêm 108 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng số lượng người chết tại Hoa lục lên 1,016 người. Số tử vong hàng ngày do virus corona mới (2019-nCoV) hôm nay được coi là cao nhất từ trước đến nay. Tổng số người bị nhiễm virus là hơn 42,000. Ngược lại, vẫn theo thống kê của chính quyền Bắc Kinh, số lượng ca nhiễm mới hôm nay (với 2,478) đã giảm so với hôm trước. Đây là thông tin khiến một số nhà quan sát cho rằng tình trạng dịch bệnh tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có thể đang đi vào giai đoạn ổn định.
Tổng kết nạn dịch Corona tính đến ngày 8 tháng 2, 2020 theo tài liệu của bệnh viện John Hopkins
  • Ngày 13/2/2020: Một phương pháp chẩn đoán mới mà con số cập nhật về tình trạng lây nhiễm tại tâm chấn của dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã tăng vọt lên mức kỷ lục vào ngày 13/2, cả về con số tử vong lẫn hàng ngàn ca nhiễm bệnh khác. Theo Reuters, con số báo cáo mới nhất đặt ra những câu hỏi về quy mô thực sự của cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Theo các quan chức y tế tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có 242 người đã chết vì virus corona vào ngày 12/2. Đây là con số tử vong cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào tháng 12, nâng tổng số người chết ở Trung Quốc tăng lên tới 1,367 người. Trước đây, tỉnh Hồ Bắc chỉ cho phép làm các xét nghiệm RNA để xác định bệnh nhân có nhiễm virus corona hay không. Phương pháp này có thể phải mất nhiều ngày mới cho ra kết quả. Hiện nay, tỉnh này bắt đầu sử dụng phương pháp chụp cắt lớp (CT) nhanh hơn, vốn được dùng để phát hiện nhiễm trùng phổi, Reuters dẫn nguồn tin từ Ủy ban Y tế Hồ Bắc cho biết. Phương pháp này đã giúp xác định các trường hợp nhiễm virus và cách ly họ nhanh hơn. Nhờ vậy đã có 14,840 ca nhiễm mới được phát hiện vào ngày 13/2, một con số nhảy vọt từ 2,015 ca mới trên toàn quốc một ngày trước đó. Nếu loại trừ những ca được xác nhận bằng phương pháp mới, thì chỉ có 1,508 ca nhiễm mới trong ngày.
  • Nhật Bản vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus corona, Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato công bố hôm 13/2. Trường hợp này không liên quan tới du thuyền bị cách ly ở Yokohama. Chưa rõ nạn nhân nhiễm virus corona (tên chính thức là Covid-19) từ đâu.

Từ 15/2/2020 đến 29/2/2020:

  • Ngày 15/2, một du khách Trung Quốc đã tử vong ở Pháp sau khi mắc phải coronavirus chủng mới – trường hợp tử vong đầu tiên do căn bệnh ở bên ngoài châu Á. Nạn nhân là một người đàn ông 80 tuổi từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, theo Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn.
  • Ngày 16/2, Đài Loan ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19. Đây là trường hợp tử vong thứ 5 trên thế giới, ngoài Trung Quốc đại lục, liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV).
  • Ngày 17/2: Tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc ghi nhận 784 trường hợp mắc gồm: Nhật Bản 416 trường hợp, Singapore 75, Thái Lan 34, Hàn Quốc 30, Hồng Kông (Trung Quốc) 57, Đài Loan (Trung Quốc) 20, Malaysia 22, Australia 15, Đức 16, Việt Nam 16, Mỹ 15, Pháp 12, Ma Cao (Trung Quốc) 10, Canada 8, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất 9, Anh 9, Ấn Độ 3, Philippines 3, Italia 3, Nga 2, Tây Ban Nha 2, Campuchia 1, Phần Lan 1, Nepal 1, Sri Lanka 1, Thuỵ Điển 1, Bỉ 1. Về số tử vong ghi nhận 1,775 trường hợp, trong đó tại Trung Quốc đại lục 1,770 và 5 người ngoài Hoa Lục (Philippines 1, Nhật Bản 1, Đài Loan 1, Pháp 1 và Hồng Kông 1).
  • Ngày 21/2, Hồ Bắc đã ghi nhận tổng cộng 62,442 ca nhiễm, chủ yếu tập trung tại Vũ Hán, với 2,144 người tử vong. 42,056 người đang được điều trị, trong đó có 2,018 trường hợp nguy kịch. 11,788 người đã xuất viện. Theo cập nhật của báo South China Morning Post khuya ngày 21/2, trên thế giới đã có 2,250 ca tử vong (gồm 2,236 ca ở Trung Quốc đại lục, 3 ở Nhật Bản, 2 ở Hàn Quốc, 2 ở Hong Kong, 1 ở Đài Loan, 4 ở Iran, 1 ở Pháp, 1 ở Philippines). Trong khi đó, số ca nhiễm là 76,794 ca.
  • Tính đến ngày 29/2, Covid-19 đang ảnh hưởng đến 55 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Brazil đã xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này – đây cũng là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Nam Mỹ. Như vậy, dịch COVID-19 đã chính thức lan ra 6/7 châu lục trên thế giới, ngoại trừ châu Nam Cực với hơn 85,000 trường hợp bị nhiễm và khoảng 2,900 người chết. Theo số liệu cập nhật trên trang: www.worldometers.info, tại Trung Quốc ghi nhận 78,074 người nhiễm bệnh, 2,716 người tử vong. Tiếp đến là Hàn Quốc 3,150 người nhiễm bệnh, 17 người tử vong. Kể từ khi xác nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Hàn Quốc vào ngày 20/1, giới chức nước này đã tập trung thực hiện các biện pháp nhằm phòng tránh dịch bệnh lây lan. Tính đến 27/2, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã lan ra 17 tỉnh, thành trên toàn Hàn Quốc, lần đầu xuất hiện ở 2 thành phố Daegu và Cheongdo, lan dần đến thành phố Sejong và thành phố Ulsan. Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 893 ca nhiễm chủng mới của virus corona (Covid-19), 8 ca tử vong. Iran có 593 trường hợp lây nhiễm với 16 ca tử vong, cao thứ 2 ngoài Trung Quốc. Hầu hết các ca nhiễm bệnh đều ở thành phố Qom, cách thủ đô Tehran khoảng 120 km. Ý đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp với 3 trường hợp đã tử vong và 136 ca dương tính. Các nước ở Âu Châu bắt đầu các ly những người trở về từ Ý. Một du khách Trung Quốc, 80 tuổi, chết tại Pháp hôm 15/2. Vào tối ngày 25/2, số các ca được xác nhận nhiễm bệnh tại Pháp là 14. Tại Đức, chỉ trong hai ngày 25 và 26/2 đã ghi nhận thêm 9 trường hợp lây nhiễm virus Covid-19 ở 3 bang nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 27 trường hợp. Nhật Bản có hơn 190 trường hợp nhiễm virus và đang đối mặt với những nghi vấn về Thế vận hội Olympic, dự kiến sẽ bắt đầu tại Tokyo vào ngày 24 tháng 7. 
Bản đồ Corona Virus tính đến 27/2/2020

PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC

  • Chỉ trong 2 tuần, các công nhân xây dựng đang chạy đua với thời gian để xây bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn (Huoshenshan) ở thành phố Vũ Hán, trung tâm bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra. Bệnh viện này, với 1,000 giường bệnh và có diện tích sàn 25,000 m², dự kiến xây xong và bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân đầu tiên vào ngày 3/2. Trung Quốc bắt đầu xây dựng bệnh viện này hôm 24/1. Do đó thời gian xây dựng chỉ khoảng 10 ngày. Trung Quốc cũng đang gấp rút xây một bệnh viện tương tự thứ hai ở Vũ Hán có tên Lôi Thần Sơn (Leishenshan), với 1,300 giường bệnh. Trung Quốc bắt đầu xây dựng bệnh viện rộng 30,000 m² này hôm 25/1. Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn đã đón các bệnh nhân đầu tiên lúc 10h sáng 3/2 (giờ địa phương). Theo Tân Hoa xã, để xây dựng thần tốc Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, Trung Quốc đã sử dụng tới 7,000 người, trong đó có thợ hàn chì, thợ điện và nhiều chuyên gia. Bệnh viện được xây xong trong khoảng 10 ngày. Bệnh viện tọa lạc trên diện tích 34,000m². Khoảng một nửa số phòng của bệnh viện 2 tầng này là các phòng cách ly. Bệnh viện có 30 đơn vị chăm sóc tăng cường (ICU).
Bệnh viện dã chiến “Hoả Thần Sơn” với quy mô 1,000 giường bệnh đã hoàn tất tại Vũ Hán ngày 3/2/2020 chỉ trong 2 tuần xây cất
  • Các nhà nghiên cứu của Học viện Quân y và Viện Virus học Vũ Hán thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc vừa tìm ra hiệu quả chữa bệnh của Remdesivir, Chloroquine và Ritonavir đối với bệnh nhân viêm phổi do coronavirus mới. Các cơ quan liên quan của Trung Quốc đang thực hiện thủ tục để 3 loại thuốc này được sử dụng trong điều trị người bệnh nhiễm coronavirus mới, báo Trung Quốc Hubei Daily (Nhật báo Hồ Bắc) đưa tin ngày 30/1.
  • Nhà chức trách Trung Quốc đang vật lộn với việc cung cấp thực phẩm cho khoảng 50 triệu người đang bị cô lập tại 17 thành phố chịu ảnh hưởng của dịch virus corona mới. Cho đến 2/2, nhà cầm quyền vẫn tiếp tế đủ cho dân chúng các vùng bị cô lập.
  • Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 2/2 yêu cầu Liên minh Châu Âu (EU) xúc tiến khẩn cấp các hợp đồng bán dược phẩm và trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. Bộ Tài chính nước này cùng ngày thông báo sẽ miễn thuế cho việc nhập khẩu thiết bị ngăn dịch, theo tờ The Guardian.
  • Các nhà khoa học thuộc Viện Quốc gia phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh do vi rút (Trung Quốc) và một công ty công nghệ cao tại TP.Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã phát triển bộ dụng cụ giúp phát hiện vi rút Corona mới từ 8 – 15 phút. Theo Tân Hoa xã, dụng cụ mới rất “nhạy” trong việc phát hiện mầm bệnh và dễ sử dụng, vận chuyển. Lô hàng đầu tiên đã được đưa đến sử dụng tại tâm dịch Hồ Bắc. Nhà sản xuất cho biết có thể làm ra 4,000 sản phẩm mỗi ngày và có thể mở rộng thêm nhờ sự giúp đỡ của chính quyền.
  • Không quân Trung Quốc hôm 2/2 bắt đầu đưa 1,400 y bác sĩ cùng 58 tấn vật tư y tế tới Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một thông báo. Đa phần các bác sĩ và y tá được chọn đều từng có kinh nghiệm chống đại dịch SARS năm 2003 hay dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014.
  • Tân Hoa xã ngày 2/2 dẫn nguồn từ các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo về việc vi rút corona mới (2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi Vũ Hán có thể lây qua đường tiêu hóa.
  • Ngày 3/2, ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc thừa nhận “thiếu sót và các khó khăn” trong phản ứng với đợt bùng phát dịch virus corona, đến nay đã giết chết hơn 360 người và hơn 17,000 ca nhiễm, theo Tân Hoa xã.
  • Số lượng các ca nhiễm virus Corona mới được xác nhận dường như rất lớn, với hàng nghìn ca mỗi ngày. Nhưng cũng đã có điểm sáng giữa tâm bão virus Corona chủng mới đó là tốc độ lây lan đang thực sự chậm lại từ mức cao nhất khoảng 65% xuống dưới 30%. Trang CGTN đã đăng tải các đồ thị biểu diễn số liệu các ca nhiễm mới, nghi nhiễm mới và tử vong vì virus Corona chủng mới có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc tính đến này 4/2. Các đồ thị cho thấy, tỷ lệ các ca nghi nhiễm mới, được xác nhận nhiễm mới đang giảm từng ngày, trong khi các ca được chữa khỏi bệnh tăng lên. Vào ngày 3/2, lần đầu tiên kể từ khi dịch Corona bùng phát, số lượng các ca nghi nhiễm mới và được xác nhận nhiễm mới giảm cùng lúc. Đây có thể là một dấu hiệu tích cực cho thấy dịch Corona đang được kiểm soát.
Đồ thị cho thấy tổng số các dương tính với virus Corona ở Trung Quốc đại lục (cột màu đỏ) và tốc độ gia tăng của các ca dương tính với virus (đường màu xanh) bắt đầu giảm.
  • Reuters dẫn nguồn truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 13/2 cho biết hai người đứng đầu Đảng Cộng sản ở địa phương là ông Tưởng Siêu Lương đã bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc và ông Mã Quốc Cường đã bị cách chức Bí thư thành ủy Vũ Hán.
  • Ngày 19/2, hai nhà báo Mỹ và một công dân Úc làm việc cho Wall Street Journal bị buộc phải rời Trung Quốc vì bài ý kiến không do họ viết bị ông Cảnh Sảng gọi là ‘phân biệt chủng tộc’. Hai trong số họ là công dân Mỹ – Josh Chin, phó chánh văn phòng thường trú của Wall Street Journal tại Bắc Kinh, Chao Deng – và người thứ ba là công dân Úc, Philip Wen.
  • Sáng 27/2, tại cuộc họp báo đặc biệt của Đại học Y khoa Quảng Châu về phòng chống dịch bệnh, Trưởng nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Chung Nam Sơn cho biết ông tin tưởng rằng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 về cơ bản sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 4 tới.

PHẢN ỨNG CỦA HOA KỲ

  • Bắt đầu phiên giao dịch ngày 24/2, chứng khoán Mỹ rớt gần 1,000 điểm khi số ca nhiễm virus corona bên ngoài Trung Quốc tăng nhanh chóng, làm dấy lên những lo ngại toàn cầu do tác động của dịch bệnh.
  • Giới chức y tế tiểu bang California hôm 24/2, cho biết đã yêu cầu khoảng 8,000 người, sống trên khắp tiểu bang, hãy tự biệt lập mình để tránh rủi ro có thể gây lây lan virus COVID-19. bộ Y Tế tiểu bang California cũng như giới chức y tế liên bang đều yêu cầu những người trở về từ Trung Quốc, nơi có trường hợp nhiễm COVID-19 cao nhất, hãy ở nhà, không đi làm và tránh các đám đông, theo bản tin của tờ San Francisco Chronicle. Những người từ Trung Quốc trở về Hoa Kỳ từ ngày 2/2 trở đi đều được yêu cầu chú ý tới tình trạng sức khỏe của họ, ở trong nhà, và giới hạn các giao tiếp với người khác, theo Bộ Y Tế California. Hai quận Humboldt và Sacramento county, ở về phía Bắc California, hôm Thứ Sáu tuần qua loan báo có các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, tất cả đều là những người mới đến Trung Quốc gần đây. Hiện có tất cả 10 ca nhiễm virus này tại tiểu bang California. Nói chung, nay có ít nhất là 53 người nhiễm COVID-19 trên toàn Hoa Kỳ.
  • CDC của Mỹ ngày 26/2 đã đưa ra nhận định nguy cơ xảy ra đại dịch coronavirus là có khả năng và cảnh báo công chúng cần bắt đầu chuẩn bị cho sự lây lan của cộng đồng tại Mỹ. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chuck Schumer đã gửi đề xuất tới Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ, theo đó yêu cầu khoản ngân sách khẩn cấp trị giá 8.5 tỷ USD cho cuộc chiến chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
  • Apple, Facebook, Amazon, Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google) – năm công ty có giá trị nhất của Mỹ trên thị trường chứng khoán – đã mất tổng cộng hơn 238 tỷ USD giá trị.
  • Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ra một thông cáo vào ngày 28/2 cho biết nhà chức trách y tế công cộng cấp bang mới chẩn đoán 4 trường hợp như vậy ở các bang California, Oregon và Washington và 1 trường hợp không xác định nguồn gốc.
  • Ngày 29/2, Tổng thống Trump loan báo ca tử vong đầu tiên tại tiểu bang Washington. Ông nói 22 người ở Mỹ đã bị nhiễm virus corona mới, kể cả một người đã chết và bốn người được xem là “bệnh rất nặng.” Có thể sẽ có thêm các ca nhiễm mới nữa, ông nói thêm. Ông cũng loan báo giới hạn du lịch đến Iran, Italy và Hàn Quốc.

PHẢN ỨNG CỦA VIỆT NAM

Việt Nam hiện được xem là một trong những nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất vì có chung đường biên giới với Trung Quốc và nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa hai bên. Hiện có khoảng hơn 29,000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong khi có khoảng 90,000 lao động Việt Nam qua lại biên giới Trung Quốc. Việt Nam ở vị thế rất khó khăn vì vừa phải giữ mối thân hữu với Trung Quốc vừa bảo vệ quyền lợi quốc gia. Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được Bộ Y tế công bố ngày 15/2, WHO đánh giá tích cực về năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ … theo yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (2005). Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ vào cuối tháng 2, phía Mỹ cũng đã có những đánh giá tích cực đối với năng lực y tế của Việt Nam cũng như riêng khâu kiểm soát dịch COVID-19. Ngày 27/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus Corona (Covid-19) ra cộng đồng. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) dự kiến cử đoàn công tác sang Việt Nam trong tháng 3/2020 để trao đổi hợp tác và thành lập Văn phòng CDC khu vực tại Việt Nam nhằm đối phó dịch COVID-19.

  • Ngay sau phiên họp của Chính phủ chiều nay 30/1, Bộ Y tế đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh. Bộ Quốc phòng đã thành lập 20 đội và đã thực hiện kết nối trực tuyến 21 bệnh viện với Bộ Y tế để thống nhất chỉ đạo, phối hợp trong chuyên môn kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh; Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 4 bệnh viện tuyến quân đội Trung ương trong việc sẵn sàng hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch bệnh.
  • Các tỉnh Quãng Ninh, Cao Bằng ra lệnh kiểm soát chặc chẻ xuất nhập cảnh dọc theo biên giới. Theo Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc kể cả ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, trừ visa công vụ, không khuyến khích giao thương, buôn bán, qua lại cửa khẩu trong lúc này. Khuyến cáo hạn chế đến Trung Quốc trừ trường hợp đặc biệt. Có biện pháp kiểm soát y tế tại các cửa khẩu. Bộ Công An đang nghiên cứu xu hướng khách Trung Quốc đi du lịch tự túc vào Việt Nam, một số bộc lộ ý định ở lại Việt Nam hoặc sang nước thứ 3 để tránh dịch đồng thời hạn chế tập trung đông người, hạn chế các lễ hội và khi chưa khai mạc đều phải xin ý kiến về việc có cần thiết hay không.
  • Ngày 31/1, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã được trang bị 7 máy đo thân nhiệt bằng thiết bị bằng tia hồng ngoại. Nếu phát hiện thân nhiệt có dấu hiệu tăng cao, các kiểm dịch viên sẽ mời du khách về phòng kiểm tra sức khỏe. Tại đây, du khách được kiểm tra thân nhiệt trực tiếp, khám sàng lọc và xác định có xuất hiện các triệu chứng đi kèm. Hiện đã có 22 đường dây nóng bệnh viện đi vào hoạt động phục vụ người dân.
  • Thủ tướng Việt Nam và Thường trực Chính phủ đã quyết định viện trợ hàng hóa vật dụng y tế trị giá 500 ngàn USD cho Trung Quốc để đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã vận động viện trợ hàng hóa trị giá 100 ngàn USD cho phía Trung Quốc. Đồng thời bảy tỉnh biên giới phía Bắc đã có những hình thức hỗ trợ cho phía Trung Quốc.
  • Các công ty có công nhân Trung Quốc tại Việt Nam (Formosa Hà Tĩnh, Huawei Việt Nam) vừa ra thông báo tạm thời không cho công nhân Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc cho đến giữa tháng 2. Khi quay lại, các công nhân Trung Quốc cũng phải trải qua ba lớp kiểm tra sức khỏe, bao gồm được địa phương ở Trung Quốc xác nhận không có biểu hiện nhiễm virus corona trong 14 ngày, phải trải qua kiểm tra sức khỏe tại cửa khẩu Việt Nam và kiểm tra thân nhiệt khi vào cổng công ty.
  • Hôm 30/1, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về cuộc họp chính phủ phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp gây ra bởi chủng coronavirus mới, trong đó đề cập đến việc chính phủ Việt Nam xem xét công bố tình trạng khẩn cấp tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 1/2 đã ký quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại Việt Nam. Với việc công bố dịch, các biện pháp mạnh mẽ hơn sẽ được áp dụng như yêu cầu các tỉnh thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, vấn đề cách ly, điều trị, chăm sóc y tế, chế độ của các cán bộ làm nhiệm vụ trong vùng dịch, hay có thể áp dụng chính sách miễn phí điều trị với bệnh nhân nhiễm bệnh khi cần thiết …”.
  • Ngày 1/2, cục Hàng không Việt Nam đã công bố tạm thời hủy các phép bay đã cấp cho các hãng hàng không khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 6 giờ 00 giờ quốc tế (tức 13 giờ 00 giờ Việt Nam) cho đến khi có thông báo mới.
  • Bắt đầu từ ngày 3/2, tất cả mọi người nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam đều phải tuân thủ các bước kiểm tra dịch tễ và cách ly theo dõi sức khỏe 14 ngày. Tình đến 3/2, Việt Nam đã có 8 ca nhiễm virus. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ bố trí doanh trại tại 2 khu vực Xuân Mai và Sơn Tây để 950 người Việt trở về từ vùng dịch corona lưu lại trong thời gian giám sát 14 ngày. TP.HCM cũng dự trù xây 2 bệnh viện dã chiến có quy mô 500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức tích cực, gồm hai cơ sở, đặt tại Trường quân sự Thành phố (huyện Củ Chi) với 300 giường và tại số 25 đường Phạm Thị Quy (huyện Nhà Bè) với 200 giường.
  • Theo Thứ trưởng bộ Y Tế, hiện nay báo cáo của các nhà sản xuất trong nước cho thấy quy mô sản xuất mỗi ngày trung bình khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Do đó, với tiến độ sản xuất như hiện nay, nguồn cung ứng sẽ ổn định, như vậy sớm sẽ không còn tình trạng đầu cơ và khan hiếm khẩu trang.
  • Ngày 4/2, thành phố Đà Nẵng bắt đầu triển khai giải pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đi qua hoặc đến từ 31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua.
  • Bộ Y tế tổ chức họp báo lần 2 ngày 5/2 về dịch virus Corona tại Việt Nam: Khoảng 900 người đang được cách ly tại các tỉnh biên giới. Hà Nội hiện đã chuẩn bị gần 2,000 giường bệnh để chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất.
  • Ngày 6/2, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, dịch nCoV bùng phát đã khiến tình hình thương mại, giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản, trái cây đã xảy ra hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn do việc kiểm soát các cửa khẩu biên giới. Tới ngày 5/2, nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn mới bắt đầu được giải tỏa sau hơn 10 ngày ách tắc. “Chúng ta vừa phải đáp ứng yêu cầu đặt ra là phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát cửa khẩu, đường mòn lối mở, vừa phải tiếp tục thông thương, tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Trung Quốc là nền kinh tế chiếm 17% GDP toàn cầu, 33% tổng tăng trưởng thương mại thế giới, và 1/3 cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng nông sản. Đây cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản.
  • Tính đến ngày 6/2, 62 tỉnh, thành phố đã báo cáo quyết định cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo mới để phòng dịch do virus corona gây ra.
  • Một tin vui cho Việt Nam khi vào ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) thông báo rằng, Viện đã nuôi cấy và phân lập thành công vi rút Corona mới (nCoV) trong phòng thí nghiệm. Việc nuôi cấy thành công sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Như vậy, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết. Cũng trong ngày này tại Hà Nội, hai nhà khoa học TS. Lê Quang Hòa và TS. Nguyễn Lê Thu Hà thông báo kết quả đã nghiên cứu thành công Kit thử nhanh virus Corona Sinh phẩm RT-LAMP. Bộ Kit thử nhanh virus Corona của Việt Nam sẽ cho kết quả trong 70 phút thay vì 9 tiếng như thông thường.
  • Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho VOA tiếng Việt biết như vậy hôm 10/2, đồng thời cho hay rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam “đang phối hợp chặt chẽ” với chính phủ Việt Nam để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra.
  • Ngày 13/2, Việt Nam cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi, tâm dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc. Chừng hơn 10 nghìn dân tại xã này được chính quyền cung cấp tiền, phương tiện để chống dịch nhưng họ sẽ không được ra khỏi đây trong 20 ngày.
  • Tính đến 17/2, Việt Nam ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh, 7 trường hợp đã được điều trị khỏi, đã xét nghiệm 1,094 mẫu, trong đó ngoài 16 mẫu dương tính đã nêu còn có 1,078 mẫu âm tính với Covid-19. Hiện còn 38 trường hợp đang được theo dõi, cách ly và 602 trường hợp tiếp xúc gần đang được theo dõi sức khỏe.
  • Nhiều đoàn du khách khác từ Thái Lan, châu Âu, Mỹ … vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến du lịch. Ngày 19/2, hai du thuyền Crystal Symphony và Silver Spirit đã cập cảng Chân Mây, đưa gần 1,300 hành khách thăm Việt Nam. Trong hai ngày 23 và 24/2, một du thuyền cao cấp của hãng tàu Voyager chở 700 du khách sẽ cập cảng Hiệp Phước (Sài Gòn), đưa du khách thăm Sài Gòn và vùng lân cận. “Nhiều du thuyền có lịch trình cập cảng ở Hạ Long (Quảng Ninh) đã hủy và chưa có lịch quay lại. Theo các công ty du lịch chuyên đón khách tàu biển, trong Tháng Hai, nhiều hãng tàu với khoảng 20,000 du khách đã không được cập cảng Việt Nam. Trước đó ngày 13/2, tỉnh Quảng Ninh từ chối cho 1,116 khách (chủ yếu là du khách Đức) và thủy thủ đoàn của du thuyền Aida Vita của Ý lên bờ thăm các điểm du lịch và Vịnh Hạ Long do lo ngại virus COVID-19, khiến tàu này quyết định hủy hết các điểm đến còn lại ở Việt Nam, bởi trước khi cập Vịnh Hạ Long, Aida Vita đã ghé qua 10 cảng khác. Ngay sau đó, ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng CSVN, đã yêu cầu tỉnh Quảng Ninh “chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 nhưng cũng tránh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và du lịch”.
  • Tin ngày 19/2, dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19, tới nay điều trị thành công 14/16 ca dương tính với Covid-19.
  • Việt Nam hôm 24/2 cho biết đang lên kế hoạch ứng phó, hỗ trợ khoảng 20,000 lao động Việt Nam tại các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19 về nước. Những lao động này hiện ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những nước đang có những diễn biến phức tạp về dịch bệnh. Truyền thông trong nước hôm 24/2 trích thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết hiện có khoảng 200,000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại thành phố Daegu – tâm dịch là hơn 8,000 người. 
  • Ngày 25/2, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đề nghị các cảng hàng không tăng cường kiểm soát các chuyến bay xuất phát từ Hàn Quốc và Nhật, bố trí đỗ ở bãi riêng để kiểm soát dịch COVID-19.
  • Business Insider đưa tin: “Một tiệm bánh ở Việt Nam đã tạo ra một loại bánh mì mới, để tận dụng hết hàng tấn thanh long không bán được [bị tắc nghẽn, không thể xuất sang Trung Quốc – PV] do sự bùng phát của coronavirus”. Phóng viên Business Insider đã đến tận nơi để trải nghiệm và nhận xét: “Chiếc bánh mì màu hồng, nổi bật. Mặc dù nó được sáng tạo ra để “giải cứu” nông sản mùa coronavirus, trông nó đẹp hệt như một tác phẩm để đăng lên Instagram. Business Insider nhận định: “Chiếc bánh mỳ này cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với tác động của coronavirus”.
Bánh mì thanh long trong mùa dịch Coronavirus
  • Trong tối hôm 28/2, hàng chục YouTuber Hàn Quốc đã đăng tải các video nói về chủ đề “20 du khách Hàn và bản tin thiếu khách quan từ kênh YTN” gây bão cộng đồng mạng Việt lên YouTube đồng thời kèm hashtag #Apolozietovietnam (#Hãy gửi lời xin lỗi đến Việt Nam). Thậm chí, chủ một kênh YouTube người Hàn còn gọi đây là “chiến dịch xin lỗi Việt Nam” nhằm mục đích xoa dịu cơn giận của người Việt.

PHẢN ỨNG CỦA THẾ GIỚI

  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên thế giới vì virus corona đã lây lan ra 18 nước. Kể từ 2009, đã có 5 lần WHO ban hành dich cúm khẩn cấp: Tháng 4/2009: Dịch cúm H1N1 (Cúm lợn) tại Mexico – Tháng 5/2014: Virus bại liệt Polio (WPV) tại Pakistan, Afghanistan – Tháng 8/2014: Đại dịch virus Ebola (EVD) tại Guinea, Liberia và tại Sierra Leone – Tháng 2/2016, virus Zika được cho là nguyên nhân gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng Guillain-Barré (hội chứng tổn thương thần kinh có thể gây liệt) – Tháng 7/2019: Dịch virus Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cũng trong ngày này, Egypt Air, Korean Air, Air  France, Lufthansa, British Airways … ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc.
  • Hôm 27/1, Mông Cổ quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc, không cho phép ô tô và khách bộ hành qua biên giới. Cùng ngày, chính quyền Macau tuyên bố không tiếp nhận các du khách đến từ tỉnh Hồ Bắc hoặc những người đã đến tỉnh này trong vòng 14 ngày trước đó. Nối gót Macau, Hong Kong tuyên bố đóng cửa tạm thời nhiều cửa khẩu biên giới với đại lục. Ba khu vực của Nga ở vùng Viễn Đông gồm tỉnh tự trị Do Thái, vùng Khabarovsk và Amur hôm 28/1 xác nhận đóng cửa biên giới với Trung Quốc cho đến hết ngày 7/2. Ở khu vực Đông Nam Á, chính phủ Malaysia hôm 27/1 ban hành lệnh cấm tạm thời với các công dân Trung Quốc tới từ Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch viêm phổi cấp và các khu vực lận cận của tỉnh này. Riêng khu vực Trung Á, Kazakhstan cuối tuần qua thông báo ngưng miễn thị thực 72 giờ đối với hành khách quá cảnh từ Trung Quốc. Đơn xin thị thực của các du khách Trung Quốc sẽ chỉ được chấp thuận nếu họ cung cấp giấy chứng nhận y tế. Trong khi đó, Kyrgyzstan và Tajikistan đã đóng cửa biên giới đất liền của 2 nước này với Trung Quốc. Hầu hết các chuyến bay giữa thủ đô 2 nước này với thành phố Urumchi của Trung Quốc đã ngừng phục vụ chưa xác định thời gian nối lại. Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây lan của virus corona từ ngày 22/1. Thông báo không nêu rõ lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong bao lâu.
  • Virus corona đẩy tâm lý kỳ thị người Trung Quốc và gốc Á lên cao. Le Courier Picard, một tờ báo của Pháp, đã gây sốc khi đăng bức ảnh một người phụ nữ gốc Á đeo khẩu trang kèm theo dòng chữ “dịch bệnh da vàng” và “cảnh báo da vàng”. Chủ bút sau đó phải lên tiếng xin lỗi nhưng vô ích vì cây đinh đã đóng vào cột khi rút ra vẫn còn lại những lỗ sâu hoắm.
Kỳ thị người da vàng vì bệnh cúm
  • Ngày 3/2, chính phủ Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đã gây ra “hoảng loạn” qua phản ứng của nước này với dịch viêm phổi do virus corona. Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hành động của Mỹ “chỉ có thể tạo ra và lan truyền nỗi sợ” thay vì đưa ra sự trợ giúp. Bà này nói Mỹ là quốc gia đầu tiên thực hiện cấm nhập cảnh đối với người Trung Quốc và là nước đầu tiên gợi ý rút một phần nhân viên sứ quán tại Bắc Kinh. “Chính các nước phát triển như Mỹ với khả năng phòng chống dịch bệnh tốt … đã dẫn đầu trong việc áp đặt những hạn chế quá mức, trái với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO,” bà Hoa Xuân Oánh nói, hãng tin Reuters đưa tin. Tuy thế, chính quyền TQ cũng thừa nhận “thiếu sót” trong việc ứng phó với dịch virus corona và yêu cầu quốc tế trợ giúp. Trước tình hình lây lan của dịch COVID-19, các cơ quan y tế và Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã có nhiều động thái khuyến cáo công dân khi ra nước ngoài. Những khuyến nghị này được đưa ra với sự liên kết giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và đánh giá tình hình từ CDC. Nội dung khuyến nghị và phân tích tình hình được trình bày trong phần đánh giá trên website của CDC, trong đó CDC đưa ra thang xếp loại mức độ cảnh báo gồm 3 bậc khi di chuyển tới các địa điểm bị đưa vào danh sách tương ứng: Cao nhất là Warning level 3 (màu đỏ); tiếp đến là Alert level 2 (màu vàng); và thấp nhất là Watch level 1 (màu xanh lá cây). Đáng chú ý, do dịch COVID-19 đang lây lan và thu hút dư luận, CDC có xếp thêm một bậc thấp hơn nữa với tên gọi “Other destinations with apparent community spread” (tạm dịch “Những điểm đến khác có biểu hiện lây lan trong cộng đồng”). Danh sách này bao gồm 5 quốc gia/vùng lãnh thổ là Việt Nam, Iran, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
  • Tính đến hôm 2/2, ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bị nhiễm vi rút Corona mới, trong đó Nga, Thụy Điển, Tây Ban Nha là những nước mới nhất gia nhập danh sách.
  • Ngày 3/2, chính phủ Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đã gây ra “hoảng loạn” qua phản ứng của nước này với dịch viêm phổi do virus corona. Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hành động của Mỹ “chỉ có thể tạo ra và lan truyền nỗi sợ” thay vì đưa ra sự trợ giúp. Bà này nói Mỹ là quốc gia đầu tiên thực hiện cấm nhập cảnh đối với người Trung Quốc và là nước đầu tiên gợi ý rút một phần nhân viên sứ quán tại Bắc Kinh. “Chính các nước phát triển như Mỹ với khả năng phòng chống dịch bệnh tốt … đã dẫn đầu trong việc áp đặt những hạn chế quá mức, trái với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO,” bà Hoa Xuân Oánh nói, hãng tin Reuters đưa tin. Tuy thế, chính quyền TQ cũng thừa nhận “thiếu sót” trong việc ứng phó với dịch virus corona và yêu cầu quốc tế trợ giúp.
  • Trên 10 quốc gia khác nhau hạn chế đi lại với Trung Quốc ở các mức độ khác nhau: Từ chối nhập cảnh, tạm ngưng tất cả các chuyến bay tới Trung Quốc, đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
  • Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 3/2 nói rằng không cần phải có các biện pháp can thiệp “gây xáo trộn không cần thiết về du lịch quốc tế và thương mại” trong khi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona, hiện tại đã giết chết 361 người tại Trung Quốc, theo Reuters. Ông Tendros cũrng cho biết đã có 17,238 ca nhiễm được xác nhận ở Trung Quốc, trong đó có 361 trường hợp tử vong; 151 ca nhiễm tại 23 quốc gia và 1 trường hợp tử vong được ghi nhận từ Philippines vào ngày 2/2.
  • Ngày 5/2, sau chưa đầy 24 tiếng được tiêm Remdesivir – loại thuốc từng được dùng điều trị Ebola, sức khỏe của bệnh nhân nam đầu tiên dương tính với vi rút Corona (nCoV) tại Mỹ đã nhanh chóng cải thiện mà không phát sinh bất cứ tác dụng phụ đáng kể nào. Theo hãng tin Bloomberg, Remdesivir được Gilead Science – một công ty dược phẩm sinh học tại Mỹ chuyên nghiên cứu và phát triển các loại thuốc chống vi rút sử dụng trong điều trị HIV, viêm gan B, viêm gan C và cúm, phát triển. Ban đầu, Remdesivir là thuốc điều trị vi rút Ebola. Nguyên nhân vì vi rút Ebola và nCoV có cùng gốc ARN, nên nhiều bác sĩ cho rằng Remdesivir có thể cũng ức chế nCoV. Và, với phát hiện mới thông qua trường hợp nam bệnh nhân ở Washington, suy nghĩ này càng được củng cố và góp phần khuyến khích các chuyên gia thực hiện thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của thuốc. Trong một tuyên bố ngày 31/1, Gilead Science cho biết đang hợp tác với cơ quan y tế Trung Quốc để tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát trên người, để xác định xem Remdesivir có thể chống lại nCoV một cách an toàn và hiệu quả hay không. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 3/2 cho biết các thử nghiệm thuốc kháng virus đang được thực hiện tại nhiều bệnh viện ở Vũ Hán. Khoảng 270 bệnh nhân sẽ tham gia vào nghiên cứu này. Nếu các thử nghiệm lâm sàng đạt kết quả mong muốn, Remdesivir sẽ lập tức được tung ra thị trường.

NHỮNG TẤM GƯƠNG NHÂN BẢN

  • Hôm 31/1 chính phủ Nhật công bố chữa trị 100% cho người nhiễm bệnh không phân biệt quốc tịch, chủng loại visa, cũng sẽ không công bố quốc tịch của người nhiễm virus. Với người Nhật, trước dịch bệnh, quốc tịch và chữa trị không liên quan đến nhau. Trung tâm y tế quốc tế của Nhật Bản cũng ra thông báo, Nhật Bản đã cử 1000 nhân viên y tế đến tuyến đầu Vũ Hán để hỗ trợ, ngoài ra các nhà máy và công xưởng của Nhật đang ra sức làm việc để cung cấp dụng cụ y tế, khẩu trang cho Trung Quốc. Nhật Bản sẽ điều máy bay đến đón người Nhật về nước nhưng chiều đi sẽ là không phải là trống rỗng mà là đầy ắp hàng cứu trợ Vũ Hán. Trên khắp Osaka và Tokyo đều nhìn thấy những dòng chữ “Trung Quốc cố lên, Vũ Hán cố lên”. Những dòng chữ này đã khiến người Trung Quốc cảm kích rơi nước mắt …
  • Hôm 5/2, báo chí Trung Quốc loan tin Bác sĩ Lý Văn Lượng, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán vừa qua đời vì virus corona. Ông là người đã dũng cảm nêu câu chuyện lây nhiễm virus ra cho công chúng biết và bị công an TQ đe dọa. Đầu tháng 1, giới chức ở Vũ Hán của Trung Quốc đã cố gắng che giấu tin về khả năng bùng phát của dịch bệnh. Nhưng một tháng sau đó, bác sĩ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, được ca ngợi như một anh hùng, sau khi ông đăng tải hình bản thân ông từ giường bệnh, sau khi chính mình bị nhiễm virus corona. Truyền thông Trung Quốc cũng loan tin đưa tin bác sỹ Tống Anh Kiệt tại bệnh viện Mã Tích Vệ ở trấn Đông Hồ, huyện Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc – vừa đột tử do làm việc quá sức. Hôm 17/2, ông Lưu Trí Minh (Liu Zhiming) được thêm vào danh sách người đã qua đời. Ông Lưu, 51 tuổi, giám đốc Bệnh viện Vũ Xương ở Vũ Hán – một trong những bệnh viện đầu tiên được dùng làm nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Ngoài ra, ôngThường Khải (Chang Kai), đạo diễn Studios Film Hồ Bắc, chết do virus corona, cùng với cha, mẹ, và chị gái của ông. Ngày 23/2, nữ bác sĩ Xia Sisi làm việc tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Liên kết Jiangbei, Vũ Hán, qua đời ở tuổi 29. Bác sĩ Xia Sisi lây nhiễm virus corona từ một bệnh nhân, nhập viện ngày 19/1. Sức khỏe nhanh chóng diễn tiến xấu, cô được chuyển đến Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán ngày 7/2. Các đồng nghiệp đã nỗ lực cứu chữa nhưng cuối cùng Xia Sisi không qua khỏi.
  • Cô Linh Nguyên, nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Hoa Trung (Vũ Hán), đã trở về Việt Nam an toàn ngày 31/12/2019, khỏe mạnh trước khi dịch bệnh bùng phát. Cô tâm sự: “Đó có thể là một may mắn với tôi và với một số du học sinh học tập tại Vũ Hán, khi chúng tôi trở về Việt Nam an toàn, khỏe mạnh. Chúng ta cách ly Vũ Hán, nhưng đừng cách ly trái tim, sự yêu thương, quan tâm dành cho Vũ Hán”.

ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI

Trung Quốc đang đối mặt với một cú sốc và có thể thiệt hại chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại, ngay sau cuộc chiến thương mại cam go với Mỹ. Virus Vũ Hán đã buộc Trung Quốc phải đưa ra một quyết định lịch sử, cô lập với thế giới. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này vừa trải qua một năm đầy khó khăn với tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong vòng khoảng 3 thập kỷ và chỉ mới đạt được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 khiêm tốn với Mỹ hôm 15/1 vừa qua.

  • Theo đài RFI, chắc chắn là sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Trong vụ SARS xảy ra năm 2002-2003, dịch viêm phổi cấp tính đã cướp đi từ 1 cho tới 1.5 điểm tăng trưởng của Trung Quốc. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng là hơn 10 %. Khi dịch SARS khi được phát hiện và đã kéo dài trong hơn 5 tháng (từ 15/3/2003 đến 5/7/2003) gây thiệt hại cho kinh tế thế giới chừng 40 tỷ USD, gần 0.1 % GDP toàn cầu. Ngày nay, các dự báo đều cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc dự trù cho năm 2020 chỉ bằng một nửa so với gần 20 năm trước và vào khoảng hơn 6 % một chút. Với tình trạng các hoạt động mua bán và sản xuất bị đình trệ kéo dài, xóa đi từ 1 đến 1.5 % tăng trưởng nữa, tức là dự báo GDP của nước này còn có 5 %, những điều này lại càng đẩy Trung Quốc vào “vùng nguy hiểm”. Nguy cơ bất ổn trong xã hội và những nỗi phẫn nộ chồng chất trong xã hội lại càng dễ dâng trào.
  • Trong phiên giao dịch ngày 31/1, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones của Mỹ sụt giảm hơn 450 điểm (-1,6%), xóa sạch phần tăng trong năm mới 2020. Các chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng giảm ở mức tương tự và chấm dứt chuỗi 74 phiên không giảm 1%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite thậm chí còn giảm mạnh hơn, với mức rớt giá 1.9%. Cổ phiếu ngành hàng không, ngành du lịch, vui chơi giải trí … của Mỹ giảm thảm hại. American Airline giảm tới 5.5% trong một phiên, Wynn Resorts giảm 8.1%, Las Vegas Sands giảm 6.8%, United và Delta đều rớt hơn 3.3% …
  • Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 1/2 thông báo sẽ áp dụng nhiều chính sách tiền tệ nhằm duy trì khả năng thanh khoản và đảm bảo tác động kinh tế từ đợt dịch chỉ mang tính tạm thời. PBOC cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đợt dịch, theo Reuters. Theo Đài CNBC, 19 tỉnh thành cho doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vì Virus Corona chiếm khoảng 80% GDP và 90% xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2019. Do đó, sự gián đoạn hoạt động được dự báo sẽ gây tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của nước này. Tân Hoa xã hôm qua dẫn báo cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nước này đã giải ngân 27.3 tỉ nhân dân tệ (91,257 tỉ đồng) cho cuộc chiến chống đại dịch tính đến ngày 29/1.
  • Trung Quốc hôm 2/2 loan báo sẽ bơm 22 tỷ USD vào thị trường tài chính. Con số này sẽ là không đủ để ngăn chặn TTCK và đồng nhân dân tệ lao dốc trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết vốn đã phải kéo dài hơn vì dịch bệnh, nhưng sẽ phần nào làm dịu bớt cơn bán tháo trên toàn cầu do nỗi lo về virus corona.

KẾT LUẬN

Cho đến bây giờ, cả Trung Quốc và tổ chức Y tế Thế giới WHO chưa ai nắm vững khi nào dịch Corona sẽ đạt đến đỉnh điểm nên người phụ trách quyết định phổ biến giai đoạn đầu vào ngày 29/2/2020.

Trong bản tin ngày 8/2, đài VOA cho rằng các chính phủ châu Á vốn có các quan hệ căng thẳng trong lịch sử với Trung Quốc, từ Nhật Bản đến Việt Nam, đang đối mặt với những áp lực trong nước đòi có thêm những biện pháp chống lại virus corona mới gây chết người này, giữa những lo ngại là Trung Quốc có thể xử lý vô trách nhiệm vụ bùng phát này. Giới phân tích chính trị cho rằng những nghi ngờ là các giới chức Trung Quốc không báo cáo đầy đủ những ca lây nhiễm virus corona để đảm bảo ổn định xã hội đặc biệt tác động sâu sắc đến các nước láng giềng muốn khoanh vùng dịch bệnh giữa những người nhập cảnh từ Trung Quốc mà thôi. “Nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử như trong quá khứ, sẽ có nhiều rạn nứt hơn trong tương lai,” Alex Chiang, phó giáo sư về chính trị quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, nhận định. Ngày 19 /2/2020, Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2020 (ADMM hẹp) diễn ra tại Hà Nội đã ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh.

Nạn dịch corona xảy ra vào lúc kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, nợ công tăng lên, tiêu thụ nội địa chững lại, và chính sách thuế quan của Mỹ đè nặng. Tỷ lệ tăng trưởng 6.1% GDP của Trung Quốc năm 2019 thuộc loại thấp nhất từ trước đến nay, và đã giảm mạnh so với 6.6% của năm trước. Vào ngày 15/1/2020, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, bước đầu cho việc chấm dứt cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Nhưng chưa kịp vui mừng thì chỉ vài ngày sau bệnh dịch corona bắt đầu.

Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, là trái tim của kỹ nghệ Trung Quốc. Nhìn trên bản đồ, thành phố này nằm ngay giữa “trung tâm kỹ nghệ” bao trùm bởi Bắc Kinh/Thiên Tân, Thành Đô/Trùng Khánh, Macao/Hồng Kông và Thượng Hải. Tỉnh Hồ Bắc có 7 đặc khu kinh tế quan trọng: Khu phát triển kinh tế Hồ Bắc/Kinh Châu/Thành Nam, Khu phát triển công nghệ cao Vũ Hán/Đông Hồ, Khu phát triển kinh tế công nghệ Vũ Hán, Khu chế xuất Vũ Hán, Công viên phần mềm, Thung lũng quang học, Khu phát triển kỹ nghệ hi-tech Tương Dương. Đặc biệt Vũ Hán có cảng sông hàng đầu Trung Quốc và phi trường lớn nhất ở miền trung Trung Quốc.

Theo Andrew Milligan, phụ trách chiến lược toàn cầu của Aberdeen Standard Investments, “Ngay cả khi giả định là chính quyền chận được nạn dịch, vẫn có cú sốc kinh tế trong ngắn hạn”. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn có thể bị tác động tiêu cực về chính trị và kinh tế từ bện dịch này.

The Economist Intelligence Unit (EIU) ước tính virus corona mới có thể làm GDP Trung Quốc giảm từ 0.5 đến 1%. Các nạn nhân đầu tiên là các công ty hàng không và du lịch, có thể bị thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên một số lãnh vực như dược phẩm, thương mại điện tử và tự động hóa có thể hưởng lợi. Theo EIU, nếu dịch corona tương đương với SARS, tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể còn 4.9%. Cần nhớ rằng hồi năm 2003 GDP Trung Quốc chỉ mới là 1.6 ngàn tỷ USD so với 14.3 ngàn tỷ của năm 2019. Hồi đó nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ bảy thế giới, còn nay thứ nhì, có vai trò lớn hơn trong thị trường toàn cầu. Năm 2004, một năm sau dịch SARS, Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ công bố báo cáo ước lượng kinh tế thế giới bị thiệt hại 40 tỷ USD trong năm 2003 vì SARS.

Nói tóm lại, không ai vô sự khi nền kinh tế thứ nhì thế giới đi xuống. Ngay cả khi phần còn lại của thế giới thành công trong việc chận lại con virus corona, kinh tế toàn cầu cũng bị “ho và khó thở” cùng với Trung Quốc.

THAM KHẢO

  1. Coronavirus mới (2019-nCoV) – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Những điều bạn cần biết về virus corona gây viêm phổi cấp ở Vũ Hán” đăng trên mạng Tuổi Trẻ ngày 29/01/2020.
  3. Bài viết “Dịch virus corona Trung Quốc: Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng ra sao?” đăng trên mạng RFI ngày 29/01/2020.
  4. Bài viết “Bộ Y tế thành lập 45 đội phản ứng nhanh chống dịch viêm phổi” đăng trên mạng Tuổi Trẻ ngày 30/01/2020.
  5. Bài viết “Virus corona lây nhiễm sang kinh tế Trung Quốc” đăng trên mạng Tuổi Trẻ ngày 28/01/2020.
  6. Bài viết “Virus corona đẩy tâm lý kỳ thị người Trung Quốc và gốc Á lên cao” đăng trên mạng BBC ngày 1/02/2020.
  7. Bài viết “Quan chức Trung Quốc ‘chuyền bóng’ trách nhiệm” đăng trên mạng VNE ngày 5/2/2020.
  8. Bài viết “Trung Quốc và hậu quả địa chính trị của virus corona” đăng trên mạng RFI ngày 4/2/2020.
  9. Bài viết “Virus corona: Tác động đến cơ thể như thế nào?” by James Gallagher Biên tập về sức khỏe và khoa học trên đài BBC ngày 2 tháng 2, 2020.
  10. Bài viết “Trung Quốc đang ra tay dập dịch corona thế nào? đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 10/2/2020.
  11. Bài viết “Virus corona làm căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc với châu Á” đăng trên đài VOA ngày 8/2/2020.
  12. Bài viết “Việt Nam, Samsung ‘hưởng lợi’ từ dịch corona ở Trung Quốc” đăng trên đài VOA ngày 20/2/2020.
  13. Bài viết “Đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 – chờ thêm 3 tuần” đăng trên đài VN Express ngày 23/2/2020.
  14. Bài viết “Covid-19 “thổi bay” 230 tỷ USD của các đại gia công nghệ” đăng trên đài Đà Nẵng Online ngày 27/2/2020.
  15. Bài viết “Covid-19 ‘tình cờ khiến kinh tế Việt Nam giảm lệ thuộc Trung Quốc?” đăng trên đài BBC ngày 28/2/2020.
  16. Bài viết “WHO và Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19 đăng trên mạng Cafef.VN ngày 28/2/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *