Một giờ với Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

1.272 (lượt xem) |

Lời người phụ trách: Trong thời gian vừa qua, lúc rãnh rổi vào YouTube, tác giả tình cờ đọc phóng sự “Bà Mai Anh và Nỗi Đau Hồi Hương Bất Thành của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu” phát hành ngày 11 tháng 6 năm 2017 tại San Jose. Trong phóng sự có hình vợ chồng tôi chụp với Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng không có ghi chú. Lục lại tài liệu trong cuốn sách “Nguyễn Khoa Nam” thì sau khi phát hành cuốn sách, tôi có viết thêm một bài, hình như đăng trên Vietbao Online, viết về những suy nghĩ của tác giả sau khi phát hành cuốn sách. Tác giả còn giữ 5 bức hình chụp với cố Tổng Thống Thiệu. Nghĩ rằng đây là một tài liệu lịch sữ, tác giả cho đăng lại bài viết này trên mạng “tranhchapbiendong.net”. Cũng là một cố gắng để nói lên một giai đoạn đau thương của lịch sữ dân tộc.

Nguyễn Mạnh Trí – Ngày 14 tháng 2 năm 2020

Trong lúc tổng hợp các bài viết cho cuốn sách “NGUYỄN KHOA NAM”, một vấn đề làm tôi mất ngủ khá nhiều là liệu có nên và có thể yêu cầu cựu Tổng Thống Thiệu viết một bài về những cảm nghĩ của Ông đối với Tướng Nam và các anh hùng Vị Quốc Vong Thân QLVNCH. Vài niên trưởng trong ban biên tập cực lực phản đối, một số khác có phần ôn hòa, phân tích những lợi hại và để cho tôi toàn quyền quyết định. Các thân hữu trong giới báo chí thì thực tế hơn. Họ nghĩ rằng bài viết của cựu Tổng Thống Thiệu sẽ gây sự tò mò cho các độc giả; hơn nửa, không dễ gì được Ông đồng ý cho tiếp xúc. Từ khi qua định cư tại Boston, ông sống đời ẩn dật, xa lánh vấn đề chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại

Cuối cùng, sau vài ngày suy nghĩ, tôi nhờ anh Trần Thanh Điền, người bạn cùng khóa và cũng là cựu Tùy Viên, trưởng khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống, liên lạc nhờ Ông giúp giùm. Vài tháng sau, anh Điền cho biết Ông đồng ý trên nguyên tắc và sẽ qua San Jose tham dự lễ thành hôn của người con trai của anh Điền.

Buổi sáng ngày 22 tháng 10 năm 2000, ông tiếp tôi tại phòng tiếp tân khách sạn Embassy trong vùng Milpitas. Trông Ông tráng kiện và thư thái hơn lần gặp Ông tại Orange County vào khoảng 1990. Ông còn chu đáo nhắc anh Điền bảo tôi đưa bà xã đi theo cho vui. Trong lúc mạn đàm Ông không đề cập đến vấn đề chính trị, chỉ nhắc nhiều đến những kỷ niệm lúc Ông còn học tại trường Gia Hội và Khải Định ở Huế. Ông ao ước có một ngày nào đó được trở về Huế sống vài tháng để tìm lại những hình ảnh củ. Tôi thầm nghĩ là chuyện này khó có thể xảy ra. Dù sao, Ông cũng để lộ những niềm tiếc nhớ quê hương. Tôi đã ghi lại những điều Ông phát biểu trong cuốn “NGUYỄN KHOA NAM” được phát hành vào ngày 30 tháng 4 năm 2001. Sau buổi phỏng vấn, ông vui vẻ bảo vợ chồng tôi chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm. Giữ ý, tôi đề nghị Ông ngồi để vợ chồng tôi đứng phía sau. Ông bảo: “Tôi còn mạnh lắm, đứng với anh chị một chút không sao.” Sau đó, tôi có gởi thêm một lá thư, theo lời đề nghị của một vài niên trưởng trong ban biên tập, để xin Ông làm sáng tỏ một vài vấn đề ngoài khuôn khổ cuốn sách nhưng ông không trả lời.

Sau khi cuốn sách được phát hành, tôi nhận được khá nhiều ý kiến từ các độc giả, phần lớn là cựu chiến hữu QLVNCH. Họ đón nhận cuốn sách với tất cả tấm lòng và sự xúc động, thương tiếc dành cho các anh hùng Vị Quốc Vong Thân. Họ chỉ coi phần đóng góp của Tổng Thống Thiệu như là một bài trong số các bài khác. Một số người, phần lớn là các cựu sĩ quan đã chịu những năm tháng nhọc nhằn trong các trại cải tạo Cộng Sản, phản đối bài viết của cựu Tổng Thống Thiệu, nói rằng bài viết của Ông sẽ làm giảm giá trị của cuốn sách. Tôi lịch sự ghi nhận ý kiến của họ. May mắn được qua Hoa Kỳ từ năm 1975, tôi luôn luôn giữ niềm kính trọng với những niên trưởng và chiến hữu bị kẹt lại. Số lượng mấy ngàn cuốn sách đã được phát hành trong thời gian qua giúp cho tôi một niềm vui tinh thần về quyết định của mình.

Lịch sử VNCH có 3 vị lãnh đạo quốc gia: Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị đàn em sát hại. Gia đình trị và đàn áp Phật Giáo chỉ là cái cớ. Ông bị giết chỉ vì muốn giữ độc lập cho miền Nam, không muốn có quân đội ngoại quốc trên đất nước mình. Người thứ hai là cố Đại Tướng Dương Văn Minh. Dư luận về Ông thì quá nhiều. Ông cô đơn chịu đựng cho đến ngày nhắm mắt. Tổng Thống Thiệu từ lúc qua Mỹ, sống trầm lặng, kín đáo, mặc cho dư luận, cộng đồng người Việt hải ngoại khen chê, thương ghét đủ điều. Cả ba Ông đều không để lại một hồi ký nào. Có lẻ đó cũng là một điều hay, biện minh về những việc gì đã qua chỉ gây thêm tranh luận cho một chuyện đã qua trong lịch sữ dân tộc. Nếu nhìn biến cố 30/4/1975 trên phương diện tích cực và hướng về tương lai thì biến cố này đã đưa hơn 4 triệu người Việt ra hải ngoại dù rằng chúng ta đã phải trả giá rất đắt cho nỗ lực này. Số người Việt tại hải ngoại là tài sản đắt giá cho dân tộc.

Tôi có thói quen hay lưu giữ những bài viết về nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Cựu dân biểu Trần Ngọc Châu cũng đã nói trong buổi phỏng vấn dành cho báo Thời Luận vào dịp Tết Tân Tỵ: “Ông Thiệu là một nhà chính trị thông minh, khôn ngoan, kiên trì và đầy mưu lược. Ông đã đánh bại các Tướng Minh, Đôn, Kỳ và tất cả những lãnh tụ, nhân sĩ, đối lập thiệt và giả khác. Nếu Mỹ đã sử dụng các nhân vật trên để thao túng ông Thiệu thì ông Thiệu cũng đã chứng tỏ với Mỹ là ông ấy có bản lãnh và mưu lược vượt hẳn lên trên các nhân vật này”. Trong bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Ngân, cựu Phụ Tá Chính Trị cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu do nhà báo Phan Thanh Tâm thực hiện vào thượng tuần tháng 5/2001, có đoạn ông Ngân nói: “Tổng Thống Thiệu theo tôi là người yêu nước, có lập trường quốc gia vững chắc, có khả năng, nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn hầu như không thể nào xoay trở. Người ta chỉ thấy được cái vinh quang bề ngoài mà không thấy được cái đắng cay mà ông phải chịu đựng, sự đơn độc trong lãnh đạo không thể chia sẻ với bất cứ ai … Công luận đã kết án Tổng Thống Thiệu về sự sụp đổ của miền Nam và quy trách tất cả mọi tội lỗi cho ông. Điều này dễ hiểu vì trăm dâu đổ đầu tằm. Hai mươi lăm năm là quảng thời gian dài đối với đời người nhưng là quảng thời gian ngắn với lịch sử. Hiện còn nhiều việc chưa sáng tỏ, nhiều tài liệu sẽ không bao giờ được giải mật. Về phương diện trách nhiệm thì người lãnh đạo quốc gia cũng như thuyền trưởng một con tàu. Tàu chìm do lỗi của ai hay bất cứ lý do nào, thuyền trưởng phải là người rời tàu sau cùng hay chết theo tàu theo truyền thống Á Đông. Thành tan tướng phải chết thì mới mong giải tỏa phần nào trách nhiệm.”

Trong cuộc chiến, tôi chỉ là một sĩ quan trung cấp phục vụ trong các đơn vị chiến đấu, họa hoằn mới nhìn thấy Tổng Thống Thiệu trên TV. Năm 1970 mới được bắt tay ông một lần khi Ông thăm Căn Cứ Hải Quân Đà Nẳng. Qua Hoa Kỳ, tôi đâm ra triết lý lẩm cẩm, trách mình trước khi trách người. Đổ lỗi cho cấp lãnh đạo về việc mất miền Nam là việc làm dễ dàng nhất mà chúng ta có thể làm được. Điều này giúp chúng ta giải tỏa khá nhiều uẩn ức tâm lý về vấn đề trách nhiệm. Các sử gia, báo chí Hoa Kỳ và các cơ quan tuyên truyền của nhà nước Bắc Việt đã thành công mỹ mãn trong việc bôi bẩn các nhà lãnh đạo miền Nam. Điều mai mỉa là từ 1945 cho đến nay, trong hoàn cảnh đau thương của lịch sử dân tộc, hai chế độ đã đem lại hạnh phúc và tự do tương đối cho nhân dân Việt Nam lại là nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam.

Bây giờ, Ông đã mất, đem theo sự im lặng và những bí mật của những năm cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Dù sao, hơn hai mươi triệu dân miền Nam cũng được sống thêm trong tự do gần mười năm. Bao nhiêu cuộc đời êm ấm đã trôi qua trong thời gian ấy. Bao nhiêu công danh sự nghiệp đã được khá nhiều “những con người may mắn” thủ đắc.  Cũng như cố Đại Tướng Dương Văn Minh, Ông để lại di chúc hỏa thiêu thay vì mai táng tại một nghĩa trang nào đó trên mảnh đất tạm dung Hoa Kỳ. Một ngày nào đó, hy vọng tro tàn của Ông sẽ trở về lại trên núi rừng Trường Sơn và ruộng đồng Cửu Long. Ông vẫn giữ lòng mình đối với quê hương.

Ông Nguyễn Mạnh Trí là người tổng hợp cuốn sách “NGUYỄN KHOA NAM”.

Tác giả phỏng vấn Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

Tác giả phỏng vấn Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu – Bên phải là anh Trần Thanh Điền – bạn cùng khóa 10 Hải Quân – cựu Tùy Viên, trưởng khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống.

Cựu Tổng thống Thiệu và vợ chồng tác giả: Nguyễn Mạnh Trí và Nguyễn Thị Kim Anh

Cựu Tổng thống Thiệu và vợ chồng tác giả: Nguyễn Mạnh Trí và Nguyễn Thị Kim Anh

Cựu Tổng Thống Thiệu và các anh chị khóa 10 trong buổi tiệc cưới con của anh Trần Thanh Điền tại San Jose 2000. Từ trái sang phải: Anh Ngô Thế Hiển, khóa 10 (đã mất), cố Tổng Thống Thiệu, chị Đặng Thị Tuyết Nga (vợ anh Ngô Thế Hiển), tác giả, chị Trần Nam Hưng.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *