Đại dịch COVID-19 – Bản tin số 4 (1/4/2020 – 15/4/2020)

521 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Kể từ đầu tháng 4/2020, người phụ trách cập nhật số tử vong trên thế giới và tại Hoa Kỳ mổi ngày để có thể theo dỏi lúc nào bệnh dịch đạt tới đỉnh điểm. Số ca lây nhiễm trên thế giới tính đến 14/4/2020 (lấy lúc 15:00H, giờ Cali) là 1,990,7017 với 125,896 ca tử vong:

1/4: 6,935 2/4: 6,099 3/4: 5,772 4/4: 5,956 5/4: 4,653
6/4: 5,140 7/4: 7,513 8/4: 6,405 9/4: 6,887 10/4: 7,151
11/4: 6,136 12/4: 5,568 13/4: 5,211 14/4: 6,783 15/4:
16/4: 17/4: 18/4: 19/4: 20/4:
21/4: 22/4: 23/4: 24/4: 25/4:
26/4: 27/4: 28/4: 29/4: 30/4:

Michael Levitt, giáo sư từng đoạt giải Nobel hóa học năm 2013, cũng là nhà sinh lý học và sinh học cấu trúc tại Đại học Stanford (Mỹ), bắt đầu phân tích số liệu về các ca nhiễm nCoV trên thế giới từ tháng 1/2020. Ông từng tính toán chính xác về việc Trung Quốc sớm vượt qua thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh trước khi nhiều chuyên gia khác dự đoán. Hiện tại, ông tiếp tục đưa ra nhận định tương tự đối với Mỹ và phần còn lại của thế giới. Trong khi nhiều nhà dịch tễ cảnh báo đại dịch sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội và khiến hàng triệu người chết, Levitt nói rằng các số liệu không thể hiện một kịch bản tồi tệ như vậy, đặc biệt là trong những khu vực thực hiện “cách biệt cộng đồng” (social distancing) hợp lý. “Những gì chúng ta cần là kiểm soát sự hoảng loạn” ông nói. Xét toàn cảnh thì “chúng ta rồi sẽ ổn thôi”, giáo sư nhấn mạnh. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, giới chức vẫn đang đối mặt với thực tế là Covid-19 có thể sẽ quay trở lại sau đợt bùng phát đầu tiên. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang tiến hành nhiều biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm dội ngược vào từ bên ngoài.

DIỄN TIẾN

Phần lớn tài liệu lấy từ Worldomter trên Google. Trong các tổng kết hàng tuần dưới đây, chúng tôi chỉ ghi theo dỏi các quốc gia với lây nhiễm trên 10,000 người. Tỷ lệ tử vong chỉ được ghi nhận nếu cao trên 3.5%.

Tuần lể tính đến 8/4/2020: Tổng số ca lây nhiễm trên thế giới là 1,506,361 ca nhiễm với 88,100 tử vong tính đến 15:00H (giờ Cali).

  1. United States: 405,769 lây nhiễm – 14,604 tử vong.
  2. Spain: 148,220 lây nhiễm – 14,792 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 10.0%.
  3. Italy: 139,422 lây nhiễm – 17,669 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 12.7%.
  4. France: 112,950 lây nhiễm – 10,869 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 9.6%.
  5. Germany: 112,113 lây nhiễm – 2,208 tử vong.
  6. China Mainland: 81,802 lây nhiễm – 3,333 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 4.1%.
  7. Iran: 64,586 lây nhiễm – 3,993 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 6.2%.
  8. United Kingdom: 60,733 lây nhiễm – 7,097 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 11.7%.
  9. Turkey: 38,226 lây nhiễm – 812 tử vong.
  10. Belgium: 23,403 lây nhiễm – 2,240 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 9.6%.
  11. Switzerland: 23,280 lây nhiễm – 895 tử vong.
  12. Netherlands: 20,549 lây nhiễm – 2,248 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 10.9%.
  13. Canada: 19,195 lây nhiễm – 427 tử vong.
  14. Brazil: 15,927 lây nhiễm – 800 tử vong.
  15. Portugal: 13,141 lây nhiễm – 380 tử vong.
  16. Austria: 12,942 lây nhiễm – 273 tử vong.
  17. South Korea: 10,384 lây nhiễm – 200 tử vong.

Tuần lể tính đến 14/4/2020: Tổng số ca lây nhiễm trên thế giới là 1,990,717 ca nhiễm với 125,869 tử vong tính đến 15:00H (giờ Cali) ngày 14/4/2020.

  1. United States: 610,206 lây nhiễm – 25,830 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 4.2%.
  2. Spain: 172,541 lây nhiễm – 18,056 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 10.5%.
  3. Italy: 162,488 lây nhiễm – 21,067 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 13.0%.
  4. France: 143,303 lây nhiễm – 15,729 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 11.0%.
  5. Germany: 131,359 lây nhiễm – 3,294 tử vong.
  6. United Kingdom: 93,873 lây nhiễm – 12,107 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 12.9%.
  7. China Mainland: 82,249 lây nhiễm – 3,341 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 4.1%.
  8. Iran: 74,877 lây nhiễm – 4,683 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 6.3%.
  9. Turkey: 65,111 lây nhiễm – 1,403 tử vong.
  10. Belgium: 31,119 lây nhiễm – 4,157 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 13.4%.
  11. Netherlands: 27,419 lây nhiễm – 2,945 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 10.7%.
  12. Canada: 26,897 lây nhiễm – 898 tử vong.
  13. Switzerland: 25,936 lây nhiễm – 1,174 tử vong.
  14. Brazil: 24,920 lây nhiễm – 1,489 tử vong.
  15. Russia: 21,102 lây nhiễm – 170 tử vong.
  16. Portugal: 17,448 lây nhiễm – 567 tử vong.
  17. Austria: 14,226 lây nhiễm – 384 tử vong.
  18. Israel: 12,046 lây nhiễm – 123 tử vong.
  19. India: 11,487 lây nhiễm – 393 tử vong.
  20. Ireland: 11,479 lây nhiễm – 406 tử vong.
  21. Sweden: 11,445 lây nhiễm – 1,033 tử vong.
  22. South Korea: 10,564 lây nhiễm – 222 tử vong.
  23. Peru: 10,303 lây nhiễm – 320 tử vong.

Nếu tính theo tỷ lệ tử vong thì xếp hạng sẽ như sau:

  1. Belgium: 31,119 lây nhiễm – 4,157 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 13.4%.
  2. Italy: 162,488 lây nhiễm – 21,067 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 13.0%.
  3. United Kingdom: 93,873 lây nhiễm – 12,107 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 12.9%.
  4. France: 143,303 lây nhiễm – 15,729 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 11.0%.
  5. Netherlands: 27,419 lây nhiễm – 2,945 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 10.7%.
  6. Spain: 172,541 lây nhiễm – 18,056 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 10.5%.
  7. Sweden: 11,445 lây nhiễm – 1,033 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 9.0%.
  8. Iran: 74,877 lây nhiễm – 4,683 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 6.3%.
  9. United States: 610,206 lây nhiễm – 25,830 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 4.2%.
  10. China Mainland: 81,802 lây nhiễm – 3,333 tử vong – Tỷ lệ tử vong: 4.1%.

Với các quốc gia khác, vào Coronavirus Update để có đầy đủ danh sách. Điều cần để ý là các dữ kiện thay đổi rất nhanh, tùy theo ngày giờ và nguồn thống kê.

TÌNH HÌNH TRUNG QUỐC

  • Bản tin ngày 31/3 của đài VOA cho biết tử vong tại Vũ Hán có thể là 26,000 người, không như 3,305 như Trung Quốc đã loan báo. Nói một cách thẳng thắn, có rất nhiều nghi ngờ và suy đoán là Trung Quốc che giấu sự bùng phát của virus, nhưng không ai biết chính xác sự che giấu này nghiêm trọng đến đâu. Hôm 8/4/2020, lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi xuất phát dịch Covid -19, đã được dỡ bỏ.
  • Trung Quốc hiện đang sở hữu và chỉ đạo tường thuật tình hình virus corona quốc tế. Nước này đang cung cấp thiết bị và vật tư y tế cũng như tư vấn của các chuyên gia y tế có kinh nghiệm cho gần chín mươi quốc gia. Trung Quốc là trung tâm sản xuất lớn nhất cho khẩu trang, găng tay và các thiết bị bảo vệ khác. Ngược lại, Hoa Kỳ phải mua máy thở từ Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đảm nhận vai trò của một lãnh đạo thế giới trong việc kêu gọi hợp tác khu vực và toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trung Quốc cũng đang chơi một trò chơi đa phương, ví dụ, bằng cách làm việc thông qua ASEAN Plus Three (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và chính ngay tại ASEAN.
  • Từ hôm 8/4, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp mới để cố gắng ngăn chặn những “người mang mầm bệnh thầm lặng” bị nhiễm Covid-19 mà không có triệu chứng, để phòng tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai, theo Reuters hôm 9/4. Biện pháp này cho thấy Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về các trường hợp nhiễm Covid-19 không có triệu chứng. Chính quyền yêu cầu giám sát và báo cáo chặt chẽ hơn những ca bệnh như vậy, theo The Guardian. Hôm 8/4, Trung Quốc báo cáo có 56 trường hợp không có triệu chứng mới, nâng tổng số trường hợp như vậy lên 657 ca kể từ khi dữ liệu về bệnh dịch này được công bố hàng ngày từ ngày 1/4, theo Reuters.
  • Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc đã giảm rỏ rệt nhờ COVID-19:

Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc tháng 1 và tháng 2, 2020

TÌNH HÌNH VIỆT NAM

Tính đến ngày 14/4/2020, Việt Nam đã ghi nhận tổng số người nhiễm Covid-19 là 266 người (219 quốc nội, 47 người nước ngoài), 0 tử vong. Số bệnh nhân chửa khỏi là 169 người. Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3 chống dịch COVID-19 với nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao vì những ổ dịch không tìm được bệnh nhân số 0. Điều này làm chậm lại sự điều trị, có thể đem đến những ca tử vong. Báo chí ngoại quốc có nhiều lời khen ngợi về nỗ lực chống dịch của Việt Nam:

  • L’OBS (Báo Pháp): Việt Nam, một quốc gia không có nhiều sức mạnh kinh tế, với cơ sở hạ tầng cũng chưa hoàn thiện, cái khiến họ thành công là sự tỉ mỉ và có tổ chức.
  • ZEITUNG FUR DEUTCHLAND (Báo Đức): Một trong những lý do cho sự thành công đến nay của Việt Nam trong công tác chống dịch là việc huy động sức mạnh của toàn dân.
  • DEUTSCHE WELLE (Truyền hình Đức): Người Việt Nam đã góp sức hết mức có thể, vì họ tin vào chính phủ của họ trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
  • WORLD ECONOMIC FORUM (NGO): Cho dù nhiều ý kiến gần như chắc chắn rằng, đại dịch COVD-19 sẽ tàn phá các quốc gia đang phát triển, thì Việt Nam cũng đã trở thành “ngọn hải đăng” chống dịch, có thể làm nhiều điều với ít nguồn lực hơn.
  • GLOBE (Báo Mỹ): Phản ứng chủ động của Việt Nam trước COVID-19 đã tạo ra sự khác biệt đối với những láng giềng khác của Trung Quốc.
  • SEATIMES (Tạp chí Đông Nam Á): Cố gắng hết sức để bảo vệ chính mình và nỗ lực lịch sự hết sức có thể với du khách. Đó là bản chất tốt của Việt Nam.
  • FINANCIAL TIMES (Báo Anh):  Việt Nam là một xã hội đồng lòng. Đây là một quốc gia thống nhất, có lực lượng an ninh công cọng lớn, một chính phủ nhất quán, hiệu quả trong việc ứng phó với dịch bệnh.

Tin tức về những hoạt động khác của Việt Nam:

  • Theo chia sẻ của ông Hồ Quốc Minh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quận 1, TP.HCM hôm 31/3, Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chuyển tiền qua Nhật Bản để thanh toán tiền mua máy cho Metran và phía đối tác xác nhận đã nhận được tiền. 2,000 máy thở này sẽ được chuyển về Việt Nam nhanh nhất trong vòng 1 tháng tới và chậm nhất là 2 tháng sẽ nhận đủ. Trong điều kiện bình thường chiếc máy thở do công ty Metran sản xuất có giá khoảng 10,000 USD/chiếc tùy vào chức năng và công năng sử dụng. Giá thành của máy thở chữa cho bệnh nhân Covid-19 là máy thở đặt nội khí quản phải có giá từ 30,000 – 40,000 USD/chiếc.
  • Ngày 3/4/2020 Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Vingroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu Máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng. Trong một thông cáo gửi đi ngày 8/4, Medtronic, hãng sản xuất thiết bị y tế của Mỹ đặt trụ sở tại Dublin Ireland, là một trong các công ty công nghệ, dịch vụ và giải pháp y tế lớn nhất thế giới thông báo đã chọn ra 3 nhà sản xuất quy mô lớn để tăng sản lượng sản xuất máy thở PB560 của công ty trên toàn cầu là Baylis Medical Company, Inc. tại Ontario – Canada, Foxconn Technology Group tại Đài Loan và Tập đoàn Vingroup của Việt Nam. Medtronic đang bán máy thở PB560 tại 35 nước với giá trung bình dưới 10,000 USD/máy. Công ty này dự tính sẽ tăng năng suất lên gấp 5 lần, sản xuất hơn 1,000 máy thở/tuần vào cuối tháng 6 và có mục tiêu sản xuất hơn 25,000 máy thở trong 6 tháng tới. Các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu VNĐ ($696 USD), thấp hơn nhiều so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các Máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu VNĐ ($957 USD) so với máy xâm nhập là 160 triệu VNĐ ($6,957 USD). Ngoài ra với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45,000 máy thở không xâm nhập và 10,000 máy thở xâm nhập mỗi tháng, có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên thế giới để gia công thiết bị cho họ, hoặc cung cấp một phần nhu cầu – số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác. Máy thở không xâm nhập đầu tiên của Vinfast đã chuyển đến Bộ Y tế trong sáng 13/4.
  • Chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô với hơn 450,000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam đã đến Dallas, Texas ngày 9/4. Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ đã ký hợp đồng với hãng chuyển phát nhanh FedEx để nhanh chóng chuyển giao các bộ đồ cho Kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia Mỹ, nhằm giải quyết nhu cầu khẩn cấp của nhân viên y tế Mỹ, theo thông cáo hôm nay của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. “Chuyến hàng này sẽ giúp bảo vệ các nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống Covid-19 tại Mỹ và chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Việt – Mỹ”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nói. Cũng theo thông cáo của HHS ngày 8/4, chính phủ Mỹ sẽ vận chuyển nguyên liệu đến Việt Nam mỗi tuần để các cơ sở sản xuất tiếp tục làm bộ bảo hộ Tyvek, nhằm đẩy nhanh và duy trì nguồn cung cho các nhân viên y tế tuyến đầu tại Mỹ. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 9/4 cho biết Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ dự kiến nhập các bộ quần áo bảo hộ do công ty DuPont sản xuất tại Việt Nam với tổng đơn hàng lên đến 4.5 triệu bộ. Trong hơn một tháng tới, 2.25 triệu bộ sẽ được xuất sang Mỹ. Được biết, DuPont Vietnam có một nhà máy rộng 2,900 m² tại Bình Dương. Kỹ nghệ may mặc tại Việt Nam có khoảng 6,000 doanh nghiệp, sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ nếu được yễm trợ thêm về kỷ thuật và nguyên liệu.

United States and Vietnam cooperate to expedite delivery of DuPont Protective Suits via FedEx Aircraft for COVID-19 Fight

  • Trong buổi họp với Bộ Công Thương chiều 9/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra thời cơ của ngành công thương từ việc xuất khẩu trang y tế ra nước ngoài trong giai đoạn dịch Covid-19. Sau khi Bộ Y tế chính thức ban hành việc sử dụng vải không dệt ba lớp để làm màng lọc kháng khuẩn trong khẩu trang y tế, vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang từ Trung Quốc đã được giải quyết. Hiện nay, hàng ngày các doanh nghiệp có thể cung cấp sản lượng 5 tấn vải kháng khuẩn, đủ để sản xuất 5 triệu khẩu trang y tế/ngày. Tập đoàn Dệt may đã tổ chức cho TCT May 10 tám dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế với công suất lên đến 900,000 chiếc/ngày, tương đương 27 triệu khẩu trang y tế trong 1 tháng. Dự kiến, ngày 20/4, sau khi hoàn tất thủ tục cấp phép dây chuyền này sẽ bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên. Thứ trưởng An cũng cho biết Việt Nam đang làm việc với các đối tác châu Âu và đã được đặt hàng 400 triệu khẩu trang y tế trong 10 tháng. Dự kiến những ngày tới, hai bên sẽ ký kết hợp đồng đầu tiên để cung cấp khoảng 1/10 số lượng kể trên. Được biết TCT May 10 tại Gia Lâm – Hà Nội có tổng số nhân viên là 12,000 người. Bộ Công Thương cũng đã liên tiếp nhận những tín hiệu vui từ các doanh nghiệp trong việc sản xuất khẩu trang. Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, năng lực của các doanh nghiệp hiện nay có thể sản xuất được 40 triệu chiếc khẩu trang/ngày. Con số này tương ứng với khoảng 1.2 tỷ chiếc/tháng. Lạc quan hơn, nếu huy động tối đa ngành may mặc, có thể sản xuất được 100 triệu chiếc/ngày (khoảng 3 tỷ chiếc/tháng).
  • Các hãng hàng không Bamboo Airways, Vietjet, Vietnam Airlines đều thông báo sẽ triển khai bay nội địa trở lại từ ngày 16/4, thời điểm kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lịch bay chi tiết đã được đăng tải trên website và thông tin tới các kênh đại lý của nhiều hãng.
  • Từ Nam ra Bắc, những chiếc ATM cung cấp gạo miễn phí cho bà con bị ảnh hưởng trong mùa dịch Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều nơi ở Việt Nam cùng với sự chào đón đầy lòng tri ân và ngưỡng mộ của cộng đồng trong và ngoài nước. Đằng sau ý tưởng này là doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, CEO của Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh ở TP.HCM, người được cho là người chế tạo chiếc máy phát gạo đầu tiên tại Việt Nam, khiến mọi người cảm phục. Những chiếc máy ATM của ông Tuấn có khả năng hoạt động suốt 24/7, đã có mặt tại quận Tân Phú, Bình Chánh và quận 12. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books), người điều hành việc lắp máy phát gạo miễn phí ở Hà Nội, nói với VOA rằng ông từng chứng kiến cảnh thiếu ăn đứt bữa khi còn bé và rất cảm thông với hoàn cảnh hiện nay của người lao động “chạy cơm từng bữa,” những người bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa dịch. Đài truyền hình CNN của Hoa Kỳ hôm 13/4 chạy dòng tin “một chiếc máy cho ra gạo miễn phí – một điều khó tin – nhưng những chiếc ATM gạo như thế đã được lắp đặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để hỗ trợ cho người gặp khó khăn trong dịch bệnh.” Đài này cho biết ATM gạo đã xuất hiện không chỉ tại TP.HCM, Hà Nội, mà còn ở Huế, Đà Nẵng và đang lan tỏa tại nhiều nơi khác.

Máy ATM gạo miễn phí tại Việt Nam

TÌNH HÌNH HOA KỲ

Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn y tế hàng đầu của ông tiếp tục kêu gọi người Mỹ tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trước “hai tuần đau đớn” có thể chứng kiến thêm nhiều ca tử vong vì corona ở Mỹ. Số tử vong nhiều hay ít còn tùy thuộc sự hữu hiệu của các biện pháp áp dụng. Ngày 8/4, Tòa Bạch Ốc dùng mô hình máy tính ước lượng lại sẽ có gần 82,000 người chết vì COVID-19, với giả thiết là cách ly xã hội hoàn toàn được áp dụng cho đến cuối tháng 5. Số ca tử vong ước đoán ở mức 81,766 này ít hơn so với con số 100,000 – 240,000 ca mà chính quyền ông Trump ước tính trước đây. Mô hình tính toán này cũng cho thấy nước Mỹ có thể cần ít hơn so với ước tính trước đây về số giường bệnh, máy thở và những trang bị khác, và rằng tại một số tiểu bang có thể lên đến đỉnh điểm về số tử vong do COVID-19 sớm hơn dự trù. Bác sĩ Anthony Fauci của Hoa Kỳ ngày 10/4 cũng đã giảm sự ước lượng của mình xuống còn 60,000 người. 

Tại Hoa Kỳ, COVID-19 bắt đầu với ca lây nhiễm đầu tiên ngày 21/1 cho đến tổng số ca lây nhiễm lúc 15:00H (giờ Cali) ngày 14/4 là 610,206 ca nhiễm với 25,830 tử vong. Ngày 14/4, tiểu bang New York đã vượt qua Spain và Italy với 202,208 ca lây nhiễm với 10,834 tử vong. Tiểu bang California với 25,165 ca lây nhiễm và 747 tử vong. Tại Orange County có 1,221 trường hợp lây nhiễm với 19 ca tử vong.

Biểu đồ trong buổi họp báo tại Toà Bạch Ốc cuối tháng 3/2020 cho thấy số tử vong từ 100,000 – 240,000 với đỉnh điểm giữa tháng 4/2020

Biểu đồ mới cập nhật 10/4 cho thấy số người chết tại Mỹ vì Covid-19 khi không có (màu vàng) và khi có các biện pháp cách ly (màu lục) với số tử vong giảm xuống 60,000 – Đỉnh điểm có thể vào giữa tháng 5/2020. Biện pháp cách ly đã làm phẳng được đường cong của dịch và làm chậm lại tỷ lệ lây nhiễm nhưng thời gian có thể kéo dài lâu hơn.

Số tử vong ngày 11/4 đã vượt quá con số 2,000 ca rồi tăng lên 2,345 ngày 14/4:

1/4: 936 2/4: 1,092 3/4: 1,257 4/4: 1,423 5/4: 1,076
6/4: 1,104 7/4: 1,977 8/4: 1,907 9/4: 1,850 10/4: 1,976
11/4: 2,026 12/4: 1,501 13/4: 1,528 14/4: 2,345 15/4:
16/4: 17/4: 18/4: 19/4: 20/4:
21/4: 22/4: 23/4: 24/4: 25/4:
26/4: 27/4: 28/4: 29/4: 30/4:
  • Khoảng 1,000 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tức khoảng 1/5 thủy thủ trên tàu, đang bị cách ly tại một căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Guam hôm 2/4 giữa lúc Hải quân Mỹ đang cố kiềm chế một vụ bột phát virus Covid-19 trên chiến hạm này. Bản tin của Reuters cho biết tiến trình sơ tán đã khởi sự từ hôm 1/4, một tuần sau khi ca Covid-19 đầu tiên trên tàu được báo cáo, và sau khi bức tâm thư của hạm trưởng Brett Crozier, mạnh mẽ hối thúc phải “hành động dứt khoát” để kiềm chế vụ bột phát bị tiết lộ ra ngoài. Tính đến 13/4 đã có 585 nhân viên bị nhiễm virus. Ông Crozier đã bị quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly cách chức ngày 3/4. Việc ông Crozier bị cách chức được xem là quá nặng tay và vội vàng trước khi một cuộc điều tra được tiến hành. Hôm 6/4, ông Modly đã phải lên tiếng xin lỗi vì đã chỉ trích hạm trưởng Crozier. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã công khai đặt vấn đề về cách thức xử lý vụ việc, cho biết ông sẽ công khai can thiệp. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo ông Modly ngày 7/4 đã từ chức do cách thức xử lý của ông liên quan đến vụ dịch COVID-19 bùng phát trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Một nhân viên thủy thủ đoàn, đang bị cách ly ở Guam, đã thiệt mạng hôm 13/4 vì các biến chứng sau khi lây nhiễm COVID-19, theo các giới chức Hải Quân Mỹ.
  • Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đang điều tra hành động của các nhà lập pháp đã bán phá giá cổ phiếu trước khi thị trường lao dốc, giữa những lo ngại về dịch Covid-19. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã tiếp cận với Thượng nghị sĩ Richard Burr thuộc bang Bắc Carolina, người đã bán tới 1.72 triệu USD cổ phiếu trước khi thị trường giảm giá. Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler của đảng Cộng Hòa ở bang Georgia đã bán hết cổ phiếu sau cuộc họp kín về vụ dịch vào ngày 24-1. Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, bang Oklahoma và Thượng nghị sĩ Dianne Feinsteinbang, bang California cũng đã bán cổ phiếu trong vài tuần sau cuộc họp. Văn phòng của các Thượng nghị sĩ Loeffler, Inhofe và Feinstein cho biết các nhà lập pháp này đã không được FBI liên lạc.

Tình hình dịch bệnh tại Hoa Kỳ tính đến 13/4/2020

  • Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) ngày 8/4 ký hai hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD để sản xuất máy thở cho các bệnh nhân COVID-19 và dự định trong tuần này sẽ ký tiếp 5 hợp đồng nữa. Công ty General Motors GM nhận hợp đồng 489 triệu USD để sản xuất 30,000 máy thở và công ty Hòa Lan Philips nhận hợp đồng trên 646 triệu USD để làm ra 43,000 máy thở trước cuối năm nay. GM sẽ giao hết số hàng trước cuối tháng 8 và lô hàng đầu tiên gồm trên 6,000 máy thở sẽ có trước ngày 1/6. Còn Philips cho hay trước cuối tháng 5 sẽ có lô hàng đầu tiên gồm 2,500 máy thở.
  • BBC ngày 13/4 viết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gây ra đồn đoán về mối quan hệ công việc với chuyên gia cao cấp nhất về dịch bệnh, bác sĩ Anthony Fauci. Ông Fauci là giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) trực thuộc Viện Sức khỏe quốc gia. Ông đã trở thành “gương mặt” của nước Mỹ trong đợt chống dịch Covid-19. Trả lời CNN, ông có vẻ xác nhận một bài báo của New York Times cáo buộc chính phủ Donald Trump đã bỏ qua lời khuyên trong gần một tháng. Theo bài báo của New York Times, ông Fauci và các viên chức y tế đã kêu gọi giãn cách xã hội trong tháng Hai nhưng tổng thống bỏ qua. Phát biểu trên CNN, ông Fauci nói: “Chúng tôi ra khuyến nghị. Thông thường khuyến nghị được làm theo. Thỉnh thoảng thì không.”
  • Mười tiểu bang của Hoa Kỳ đang phối hợp các kế hoạch độc lập với Tòa Bạch ốc để mở lại các doanh nghiệp bị đóng cửa vì dịch Covid-19. Hôm 13/4, 3 tiểu bang ở Bờ Tây Hoa Kỳ do Thống đốc California Gavin Newsom lãnh đạo và 7 bang ở Bờ Đông do Thống đốc New York Andrew Cuomo dẫn đầu, cho biết các bang này sẽ thúc đẩy các kế hoạch có phối hợp để mở cửa kinh tế tại địa phương của họ. Ngoại trừ Massachusetts, tất cả 9 bang còn lại đều nằm dưới quyền lãnh đạo của các thống đốc thuộc đảng Dân Chủ. 10 tiểu bang này tổng cộng tạo ra 38.3% GDP – tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý 4 năm 2019, nêu bật mức độ nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào các tiểu bang đông dân nhất. Chỉ nội hai bang là California, bang lớn nhất, và New York, bang lớn thứ ba, đã chiếm khoảng 23% tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ, theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA).

TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

  • Một số tờ báo phương Tây ngày 31/3 đánh giá sau khoảng 3 tuần phong tỏa toàn quốc, đã có một số dấu hiệu cho thấy các biện pháp được áp dụng ở Ý hiệu quả. Ý ghi nhận thêm 4,050 ca nhiễm mới vào ngày 30/3, đợt giảm ca nhiễm mới thứ ba liên tiếp sau ngày 29/3 (5,217) và ngày 28/3 (5,974). Con số 4,050 là mức tăng thêm trong một ngày thấp nhất kể từ ngày 17/3. Tính đến 6/4, tỷ lệ chết người cũng đã giảm ở Pháp và Đức, cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội có vẻ đã có hiệu quả.
  • Thủ tướng Abe tuyên bố ông cũng sẽ sớm công bố gói cứu trợ, trị giá 108,000 tỷ yen (989 tỷ USD) nhằm ứng phó với những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế thứ 3 thế giới. Theo Thủ tướng Abe, quy mô của gói cứu trợ tương đương với 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản. Gói cứu trợ này lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ, trị giá 56,800 tỷ yen mà Tokyo đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dự kiến, chi tiết của gói cứu trợ sẽ được công bố ngay trong ngày 7/4.

Số trường hợp nhiễm Covid 19 ở Á Châu, Âu Châu và Hoa Kỳ cập nhật đến ngày 13/4.

  • Đông Nam Á: Tính đến 14/4, các nước Đông Nam Á ghi nhận hơn 21,000 ca nhiễm và gần 1,000 ca tử vong do nCoV, với Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực. Bộ Y tế Philippines hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 291 ca nhiễm và 20 ca tử vong do nCoV, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 5,223 và 335. Philippines từ hôm qua vượt Malaysia, trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. 

NHỮNG TẤM GƯƠNG NHÂN BẢN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN SUY NGHĨ

Một điều mà những người lãnh đạo Việt Nam cần phải suy nghĩ là trong khi toàn dân nổ lực chống dịch thì những vụ lùm xùm lại do những thành phần giàu có, quyền lực trong xã hội gây ra.

  • Một phó giám đốc bệnh viện tại Hà Tĩnh vừa bị đình chỉ công việc sau khi làm đám cưới của con trai ông với hàng chục ô tô rước dâu bị đưa lên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận giữa bối cảnh Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội trong 2 tuần lễ để chống dịch Covid-19. Ông Lê Anh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hương Khê, vừa bị Sở Y tế Hà Tĩnh ra quyết định tạm đình chỉ công tác vào chiều 2/4 để “xem xét, xử lý trách nhiệm viên chức quản lý có dấu hiệu vi phạm quy định cấm tập trung đông người”.

Hình ảnh đoàn xe rước dâu tại Hà Tĩnh với hàng chục chiếc ô tô được đưa lên mạng xã hội giữa bối cảnh Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội.

  • Liên quan đến vụ việc người nhà của bị án Phan Văn Anh Vũ giả trang “ăn xin” trong phố cổ Hội An rồi quay clip đăng lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, chiều 1/4, thì nhà chức trách cho biết cả nhóm đi ô tô vào phố cổ Hội An để mua một số đồ đạc phục vụ cho việc kinh doanh. Sau đó, nhóm chụp hình, quay clip diễn cảnh ăn xin. Chủ tài khoản Facebook Trần Thị Minh Thao (được cho là một trong những người tham gia hóa trang thành “cái bang”) đã đăng dòng trạng thái xin lỗi chính quyền và toàn thể người dân Hội An cũng như cộng đồng mạng và cho biết việc ‘giả trang cái bang’ ở Hội An chỉ để … quay clip cho vui, làm kỷ niệm. Điều chắc khá nhiều người để ý là nhóm phụ nữ “ăn xin” này đi trên xe SUV mới tinh trong đó, 1 ô tô đứng tên Phan Văn Anh Vũ và 1 ô tô đứng tên Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ của Phan Văn Anh Vũ).

Hình ảnh nhóm người người nhà của Phan Văn Anh Vũ giả trang ăn xin như ‘cái bang’ ở phố cổ Hội An

ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh, hàng loạt quốc gia đang gấp rút “bơm tiền” để cứu nền kinh tế.

  • Ngày 10/4, các bộ trưởng tài chính khối EU đồng ý ra gói cứu trợ 500 tỷ euro dành cho các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Là một trong những nước cho đến nay vẫn thuộc nhóm các quốc gia không bị đại dịch tấn công dữ dội, nhưng kinh tế Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng. Bộ Tài chính hôm thứ Sáu nói Việt Nam đang đàm phán với các nhà tài trợ nước ngoài để vay 1 tỷ đô la trong năm nay, do dịch bệnh virus corona khiến cho ngân sách quốc gia bị thâm hụt nặng.
  • Ngày 13/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã bổ sung 13.5 tỷ USD trong nguồn lực của ADB để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB đương đầu với những tác động nghiêm trọng về y tế và kinh tế vĩ mô gây ra bởi Covid-19. Trước đó, ngày 18/3, ADB đã công bố gói giải cứu trị giá 6.5 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cần cấp thiết của các nước thành viên đang phát triển (DMC) trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Như vậy, đến nay ADB đã dành 20 tỷ USD, tăng gấp ba lần so với quy mô ban đầu, trong đó có khoảng 2.5 tỷ USD vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại.

KẾT LUẬN

Tổ chức Y tế Thế giới cho đến 14/4 rằng số người nhiễm Covid-19 toàn cầu đã lên đến 1,990,717, gây tử vong cho 125,896 người và lây lan hơn 207 nước so với 806,080 ca lây nhiễm và 39,577 tử vong tính đến 31 tháng 3, 2020. Như vậy chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4 đã có thêm 1,184,637 ca lây nhiễm và 86,319 tử vong.

Tỷ lệ tử vong tại Italy, Tân Ban Nha, Pháp, Đức tính đến giữa tháng 4 cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội có vẻ đã có hiệu quả. Đỉnh điểm các ca tử vong trên thế giới là 7,513 ngày 7/4 và giảm xuống trong những ngày kế tiếp. Hoa Kỳ thì chậm hơn với 2,026 ca tử vong cao nhất ngày 11/4, giảm xuống khoảng 1,500 rồi tăng lên 2,345 ngày 14/4. Riêng với các models của Hoa Kỳ từ 100,000 đến 240,000 ca tử vong cao hơn thực tế nhiều. Biện pháp cách ly tại Châu Âu và Hoa Kỳ đã trễ hơn 1 tháng so với khuyến cáo của các chuyên viên y tế. Nếu các nước này đóng cửa sớm hơn, nhiều mạng sống đã được cứu. Chiến lược “chủ động đối mặt với dịch bệnh” đã giúp Đức cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản có tỷ lệ tử vong rất thấp. Thủ tướng Đức đã nói rằng có những bài học đáng suy ngẫm cho các nước Âu Châu sau dịch bệnh này.

Về vấn đề giải tỏa lệnh cách ly, các quốc gia phải cực kỳ cẩn thận, đừng vì ưu tiên phục hồi kinh tế mà để cho sự lây lan của COVID-19 tái diễn. Việc chuẩn bị cho sự hồi phục cho ngành du lịch thế giới đòi hỏi sự tham gia của mọi quốc gia. Các quốc gia này phải theo dỏi tình hình dịch bệnh hàng ngày để có quyết định hợp thời, cung cấp sự an toàn tuyệt đối cho du khách. Các du khách cũng phải có sự chứng nhận không mang bệnh dịch cho quốc gia chủ. Tất cả các quốc gia đều phải chấp nhận một số mất mác nào đó trong năm 2020. Mất mác nhiều hay ít cũng tùy theo quyết tâm đối phó với dịch bệnh COVID-19 của mổi quốc gia.

THAM KHẢO

  1. Worldometer and Worldometer – USA.
  2. Bài viết “Virus Corona tại Vũ Hán (Bản tin số 1: 8/12/2019 – 29/2/2020) của tác giả.
  3. Bài viết “Virus Corona tại Vũ Hán (Bản tin số 2: 1/3/2020 – 8/3/2020) của tác giả.
  4. Bài viết “Đại dịch Coronavirus (Bản tin số 3: 8/3/2020 – 31/3/2020) của tác giả.
  5. Bài viết “Virus corona: người Mỹ, sự coi trọng tự do và dịch Covid-19” David Wagner viết từ Sài Gòn đăng trên mạng BBC ngày 31/3/2020.
  6. Bài viết “Models Of Epidemic Predict Huge U.S. Death Toll; Scientists Hope For Better Outcome” đăng trên mạng NPR-OKPCC ngày 31/3/2020.
  7. Bài viết “Dữ liệu hỏa thiêu cho thấy tử vong vì corona ở Vũ Hán có thể là hàng chục ngàn” đăng trên đài VOA ngày 31/3/2020.
  8. Bài viết “Virus corona: Những điều Hoa Kỳ đã làm sai – và đúng” của Anthony Zurcher – Phóng viên Bắc Mỹ đăng trên đài BBC ngày 2/4/2020.
  9. Bài viết “Vingroup sản xuất máy thở trong nỗ lực chống COVID-19” đăng trên đài VOA ngày 3/4/2020.
  10. Bài viết “Virus corona: Dân Vũ Hán đòi minh bạch, truyền thông Mỹ nghi ngờ số người chết” đăng trên đài BBC ngày 4/4/2020.
  11. Bài viết “Virus corona: ‘Thành công của Trung Quốc’ đang khiến thế giới hồ nghi” đăng trên đài BBC ngày 7/4/2020.
  12. Bài viết “TS.BS Nguyễn Kiên Cường: Tại sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại các quốc gia rất khác nhau?” đăng trên mạng Soha ngày 8/4/2020.
  13. Bài viết “Covid-19: Vì sao tỷ lệ tử vong tại Đức cực thấp?” đăng trên mạng RFI ngày 23/3/2020.
  14. Bài viết “Việt Nam có thể thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới? đăng trên mạng Sputnik Vietnam ngày 9/4/2020.
  15. Bài viết “Covid-19 sẽ sớm kết thúc, giáo sư đoạt giải Nobel dự đoán” đăng trên mạng I-One ngày 25/3/2020.
  16. Bài viết “Việt Nam làm gì để gắn kết thêm với ông Donald Trump?” đăng trên mạng BBC ngày 11/4/2020.
  17. Bài viết “Cơ hội trước mắt cho khẩu trang vải Việt Nam xuất ngoại” đăng trên mạng Đà Nẵng Online ngày 11/4/2020.
  18. Bài viết “BS Fauci nói Mỹ ‘đã có thể cứu nhiều mạng người’ nếu hành động sớm hơn” đăng trên mạng BBC ngày 13/4/2020.
  19. Bài viết “Những điều hiểu sai về Tổng thống Donald Trump” đăng trên mạng BBC ngày 13/4/2020.
  20. Bài viết “Báo chí nước ngoài khen ngợi sáng kiến máy ATM gạo của người Việt” đăng trên đài VOA ngày 14/4/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *