Sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước khác trong việc chống đại dịch COVID-19

795 (lượt xem) |

Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu phát tán tại Vũ Hán – Trung Quốc thì Việt Nam là nước đầu tiên được các đồng minh ưu tư nhiều nhất vì Việt Nam có đường biên dài 1,449 km dọc theo 7 tỉnh phía bắc với Trung Quốc – quốc gia phát tán dịch virus corona lên hơn 200 quốc gia trên thế giới, khiến hơn 2 triệu người nhiễm bệnh và hơn 150,000 người tử vong. Trung Quốc, vì quyền lợi của họ, chẳng quan tâm gì đến sự an sinh của các nước láng giềng. Mongolia và Việt Nam, hơn bất cứ một quốc gia nào khác, biết được thân phận của một nước nhỏ, đã phải áp dụng ngay lập tức những biện pháp cần thiết. Vẫn còn vài bài để cập nhật tin tức mới về COVID-19 nhưng người phụ trách quyết định đưa bài này lên trước. Sau 4 bài viết với tính cách thời sự thì bài viết này được hoàn tất như là một tài liệu nghiên cứu về những gì Việt Nam đã làm và đạt được trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các chi tiết đã được đối chiếu cẩn thận giữa các nguồn tin trong nước với các cập nhật quốc tế.

SỰ KHÁC BIỆT TƯ DUY VÀ VĂN HÓA GIỮA NGƯỜI DA TRẮNG VÀ Á CHÂU

Một điều đầu tiên cần phải nêu ra sự khác biệt tư duy và văn hóa giữa người da trắng và Á Châu. Dân tộc Đức là trường hợp ngoại lệ vì tinh thần dân tộc và kỷ luật của người Đức thì ai cũng biết.

Tại Á Châu, 4 quốc gia mà mọi người nên để ý là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Trung Quốc là quốc gia lăm le dành vị trí số một trên thế giới từ tay Hoa Kỳ. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì hình ảnh quốc gia. Sự chậm trễ trong ý đồ loan báo khi nào bệnh dịch COVID-19 thật sự xảy ra cũng như số người chết vì bệnh dịch này là điều sẽ không bao giờ được tiết lộ. Nhật Bản là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến và Nhật Hoàng luôn luôn được dân chúng Nhật tôn sùng. Trong lịch sữ cận đại của nước này, Hoàng gia Nhật đã làm tròn nhiệm vụ của mình và đây là thể chế lý tưởng cho các quốc gia Á Châu nhưng không phải mọi nước có thể áp dụng mô hình này. Dân chúng Hàn Quốc nhiều khi còn kỹ luật hơn người Nhật nhưng trong vài trường hợp, các giáo phái lại biến dân Hàn thành những nhóm quá khích. Trường hợp Thiên Địa Hội tại Hàn Quốc trong đại dịch COVID-19 là một điều khiến cho người dân Hàn Quốc phải suy nghĩ. Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Cũng theo chế độ toàn trị như Trung Quốc nhưng Việt Nam ở trong vị thế địa chính trị đặc biệt trong việc giữ gìn sự vẹn toàn lãnh thổ trước người láng giềng khổng lồ phương Bắc nên việc tiến đến một hình thức kỹ trị đòi hỏi nhiều thời gian tùy theo dân trí, sự ổn định và phát triển quốc gia cũng như quyết tâm của giới lãnh đạo.

Hoa Kỳ và Âu Châu là những nước đi đầu trong thể chế dân chủ. Quyền tự do cá nhân được tôn trọng nhưng trong khá nhiều trường hợp, một số nhỏ người Tây Phương đã đặt quyền lợi cá nhân của mình lên trên quyền lợi quốc gia. Những cuộc biểu tình đã diễn ra ở các bang Oklahoma, Texas, Idaho, Virginia, Michigan, Florida, California, Kentucky, Ohio, Bắc Carolina, Minnesota, Indiana, Nevada và Wisconsin trong giữa tháng 4. “Chính quyền đã dùng tình hình bệnh dịch để gieo rắc sợ hãi, đã đến lúc khôi phục quyền cá nhân. Ngay cả khi virus nguy hiểm gấp 10 lần hiện nay, tôi vẫn không ở trong nhà. Tôi thà chấp nhận mạo hiểm để trở thành người tự do”, một người biểu tình nói. Dù vậy, nhiều người Mỹ gần đây cảm thấy được hỗ trợ bởi chính Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng cũng lấp lững khuyến khích thống đốc các bang nới lỏng biện pháp hạn chế Covid-19 lây lan ngay khi thấy việc đó an toàn”. Những người hoạch định chiến lược quốc gia cuối cùng phải quyết định đâu là giải pháp tốt nhất cho quốc gia. Không thể nào có giải pháp làm mọi người hài lòng.

Người biểu tình chống phong tỏa tại Maryland hôm 19/4. Ảnh: AFP.

Người biểu tình chống phong tỏa tại Maryland hôm 19/4 – Ảnh: AFP.

QUYẾT TÂM CỦA CHÍNH PHỦ VÀ SỰ ỦNG HỘ CỦA TOÀN DÂN

Ông Vũ Đức Đam (sinh năm 1963) hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (nhiệm kỳ 2016-2021) theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Giáo dục và đào tạo, Khoa học và công nghệ, Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội, Thông tin và truyền thông, Văn hóa, du lịch, thể dục, thể thao, Y tế, dân số, gia đình và trẻ em, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch. Ông có bằng Tiến sĩ Kinh tế và là Phó Thủ tướng Chính phủ trẻ nhất tại thời điểm bổ nhiệm trong Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong chiến dịch phòng chống COVID-19 với sự giúp đỡ của 4 tiểu ban: Giám sát – Điều trị – Truyền thông – Hậu cần do các Thứ trưởng điều hành, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã rất chủ động và thực hiện các công việc cần thiết từ rất sớm. Ngay trước khi Tết Nguyên đán, Việt Nam đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc và là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này. Việt Nam đã thực hiện mức cao hơn cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới và điều này đã được Tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận là hết sức đúng đắn. Cho đến giờ phút này Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh chưa có trường họp tử vong. Việt Nam đã tính đến tình huống xấu nhất để không để điều này xảy ra. Việt Nam đã tính đến kịch bản 5 bước, trong đó bước thứ 4 có thể ứng phó tốt khi có 3,000 bệnh nhân. Với những kinh nghiệm đã có trong chống dịch SARS, MERS-CoV, cúm H1N1… trước đây, Việt Nam xác định phương châm là phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng thật gọn và dập dịch triệt để, như “dập đống lửa để không còn gì âm ỉ” như ông Đam nói.

Dư luận quốc tế bày tỏ khâm phục về việc Việt Nam đã chuẩn bị rất sớm và thực hiện các biện pháp quyết liệt với sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống và toàn dân để có thể kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam, cùng sự chuẩn bị tốt về mặt khoa học, y tế và kỹ thuật là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam đạt thành công.

Ngày 7/3, em Nguyễn Nguyệt Anh, trường Tiểu học tại Hà Nội đã viết lá thư cảm động gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan việc phòng chống dịch Covid-19. Bức thư được viết khi Nguyệt Anh đang ở quê ngoại Hải Dương trong thời gian nghỉ học. Trong thư, Nguyệt Anh viết những câu từ sâu sắc về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam như: “Bác muốn mọi người dũng cảm và đoàn kết cùng nhau vượt qua đại dịch phải không ạ? Con thấy bác như vị thuyền trưởng tài ba trong phim “Người hùng” con hay xem trên Netflix … Con yêu bác, yêu Hà Nội, yêu tổ quốc Việt Nam. Con chúc bác cùng các cô chú có thật nhiều sức khỏe để chống lại dịch bệnh. Con mong sớm trở lại Hà Nội để đi học cùng các bạn”. Lá thư của Nguyệt Anh được chia sẻ rất nhiều cùng những lời khen ngợi. Trong thời điểm cả đất nước cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, rất nhiều những dòng thư tay đã được mọi tầng lớp nhân dân gửi đến Chính phủ, các đồng chí, các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, bày tỏ thái độ sẻ chia, cùng đồng hành, cùng tin tưởng, trên tất cả là tinh thần đoàn kết một lòng, yêu tổ quốc, tự hào dân tộc để cùng chiến thắng dịch bệnh.

Báo chí Pháp khen ngay từ lúc đầu: “Việt Nam đã bước vào cuộc chiến với dịch bệnh ngay từ cảnh báo đầu tiên. Bệnh nhân số 1 về từ Vũ Hán được nhận diện ngày 23/1, đã bị úp chuông luôn (mượn hình tượng Tôn Ngộ không bị Phật nhốt), cùng ngày với thủ phủ Vũ Hán sử dụng biện pháp phong tỏa.

Trong tháng qua, công ty khảo sát YouGov đã khảo sát mức độ cảnh giác với Covid-19 tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy Việt Nam là quốc gia quan tâm nhất về Covid-19: 89% người dân Việt Nam tham gia khảo sát trả lời rằng họ lo ngại về Covid-19. Thống kê YouGov cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có người dân tin vào chính quyền nhất với 95% những người tham gia khảo sát nói rằng Chính phủ Việt Nam đang làm tốt việc phòng chống đại dịch.

Forbes: Việt Nam là quốc gia có người dân cảnh giác với Covid-19 nhất và tin vào chính phủ nhất - Ảnh 1.

Tỷ lệ người dân Việt Nam quan tâm về dịch bệnh COVID-19

NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA VIỆT NAM

Làm xét nghiệm trở nên đại trà với khả năng giới hạn: Cho đến giữa tháng 4/2020, số người được xét nghiệm tại Việt Nam là 2,119 người/1 triệu dân so với Hàn Quốc 11,138 người/1 triệu dân, Hoa Kỳ 12,319 người/1 triệu dân, Italy 23,985 người/1 triệu dân và Spain 19,896 người/1 triệu dân. Tính đến ngày 20/3, Việt Nam chỉ xét nghiệm 15,637 người, chỉ bằng 5% so với 339,000 người xét nghiệm ở Hàn Quốc.

Vì là một quốc gia nhỏ với khả năng tài chánh giới hạn nên Việt Nam không áp dụng khám nghiệm đại trà như Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay các nước Âu Châu. Thay vào đó, Việt Nam tập trung vào việc các bệnh nhân chính (F0) từ đó truy ra F1, F2, F3, F4 rồi từ đó khoanh vùng và cách ly một số lượng nhỏ hơn. Việt Nam là quốc gia có người dân tin vào chính quyền nhất với 95% những người tham gia khảo sát nói rằng Chính phủ Việt Nam đang làm tốt việc phòng chống đại dịch với sự hợp tác chặc chẻ của dân chúng. Nhờ vậy, Việt Nam có thể chống dịch hữu hiệu, khám phá những ca lây nhiễm F0 rất sớm với khả năng giới hạn rất nhiều. Mạng lưới cung cấp thông tin của Việt Nam cũng rất hiệu quả. “Hàng xóm sẽ biết ngay nếu bạn vừa trở về từ nước ngoài”. “Xét nghiệm diện rộng là tốt, nhưng còn tùy thuộc vào nguồn lực của từng quốc gia. Điều quan trọng là Việt Nam nắm được số lượng người mà bệnh nhân đã tiếp xúc, hoặc những người quay về từ vùng dịch để xét nghiệm họ. Ngoài việc xét nghiệm người có triệu chứng, Việt Nam còn áp dụng cách ly bắt buộc và huy động sự chung tay góp sức của các sinh viên y khoa năm cuối, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu”. “Việt Nam có lực lượng an ninh lớn, chính phủ điều hành theo ngành dọc, vốn rất hiệu quả trong ứng phó với thiên tai”, giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales Canberra nhận xét. Cuối tháng 3, Hà Nội đã bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả người nước ngoài nhập cảnh và hủy hết các chuyến bay quốc tế. Nhờ vậy, việc điều trị cũng rất hữu hiệu và đến bây giờ vẫn chưa có ca tử vong.

Việt Nam đang kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cũng nhờ một phần vào việc huy động nhân viên y tế, quân sự, mạng lưới thông tin. Các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về dịch bệnh, các quan chức dường như đã minh bạch về sự bùng phát của dịch.

Ngoài việc xét nghiệm người có triệu chứng, Việt Nam còn áp dụng cách ly bắt buộc và huy động sự chung tay góp sức của các sinh viên y khoa năm cuối, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu. Cuối tuần qua, Hà Nội đã bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả người nước ngoài nhập cảnh và hủy hết các chuyến bay quốc tế. Việt Nam cho đến ngày 30/4 chỉ có — có — ca lây nhiễm COVID-19 và chưa có ca tử vong nào. Hầu hết ca nhiễm gần đây là một phần của đợt lây nhiễm thứ 2 bắt nguồn từ người nước ngoài.

Xác định F0, F1, F2, F3… liên quan dịch Covid-19 thế nào? - ảnh 1

Sơ đồ phân loại những trường hợp liên quan đến Covid-19. Ảnh: VNN

Truy tìm và cách ly xã hội sớm – Thông tin đầy đủ cho công chúng: Ngày 23/1, Việt Nam phát hiện 2 ca gây nhiễm đầu tiên của những người về từ Vũ Hán. Ngày 17/2, Việt Nam đã phát hiện 16 ca gây nhiễm đầu tiên trong khi Hoa Kỳ chỉ mới phát hiện 15 ca gây nhiễm.

  • Vào ngày 12/2, khi đã có 10 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận, tình trạng của những người về từ Vũ Hán đã biện minh cho việc phong tỏa cả một thị trấn 10,000 dân ở tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc Hà Nội, trong ba tuần.
  • Giữa tháng 2, Việt Nam đã đóng cửa biên giới một phần với hàng xóm khổng lồ, không cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, ngừng các chuyến bay với nước này, đóng cửa các trường học ngay sau dịp nghỉ Tết âm lịch … Các công ty có công nhân Trung Quốc tại Việt Nam (Formosa Hà Tĩnh, Huawei Việt Nam) vừa ra thông báo tạm thời không cho công nhân Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc cho đến giữa tháng 2. Khi quay lại, các công nhân Trung Quốc cũng phải trải qua ba lớp kiểm tra sức khỏe, bao gồm được địa phương ở Trung Quốc xác nhận không có biểu hiện nhiễm virus corona trong 14 ngày.
  • Ngày 6/3: Ngày 6/3, Hà Nội đã chính thức công bố ca bệnh Covid-19 số 17. Cô này đi Anh từ ngày 15/2, sau đó qua Ý, Pháp rồi trở về Việt Nam trên chuyến VN 0054.  Việt Nam đã tìm ra 49 ca lây nhiễm liên quan đến cô này.
  • Chiều 11/3: Bệnh nhân thứ 34, một chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, được mệnh danh là ‘siêu lây nhiễm’ ở Việt Nam. Số người được cho là đã tiếp xúc trực tiếp của bà này đã lên đến trên 30 người.

Đóng góp của mọi thành phần:  Trong những ngày đầu của bệnh dịch, mọi thành phần đều góp sức để cảnh báo quần chúng Việt Nam về bệnh dịch. “Ghen Cô Vy” là một sáng tác của nhạc sĩ Khắc Hưng, do được phát hành vào ngày 23 tháng 2 năm 2020 trên mạng video trực tuyến YouTube. Bài hát do hai ca sĩ Min và Erik hát lại từ ca khúc “Ghen” (2017), phối hợp cùng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế, nhằm mục đích hướng dẫn vệ sinh đúng cách để phòng chống bệnh virus corona 2019! Bài hát này kết hợp cùng “Vũ điệu rửa tay” do Quang Đăng nhảy đã trở nên nổi tiếng trên thế giới khi được John Oliver khen ngợi trong chương trình Last Week Tonight with John Oliver của đài HBO ngày 1/3/2020. Cả 2 video sau đó đã trở thành hiện tượng lan truyền nhanh và được nhiều nơi trên thế giới xem là giai điệu ấn tượng cho chiến dịch chống lại dịch bệnh này. Kyo York, ca sĩ người Mỹ nổi tiếng ở Việt Nam, cũng vừa cho ra mắt bài hát “Trống Cơm – Chống Covid-19” trong một nỗ lực chung tay cùng cộng đồng nâng cao nhận thức ngăn ngừa đại dịch đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Chỉ sau vài ngày MV ca khúc “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” của doanh nhân – nghệ sĩ Minh Beta phát hành, hơn 200 bài báo uy tín trên thế giới đã đăng tin về hiệu ứng tích cực của nó lên cộng đồng, được ví như liều thuốc bổ cho tinh thần chống dịch của Việt Nam. MV này cũng vừa ra mắt phiên bản tiếng Anh.

Những chiếc máy cung cấp gạo miễn phí cho người dân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 xuất hiện tại nhiều thành phố tại Việt Nam đã gây ấn tượng với truyền thông thế giới về tính nhân văn và sự sáng tạo. Bài viết về cây “ATM gạo” tại Việt Nam trên Reuters đã được đăng lại trên nhiều phương tiện truyền thông khác như tờ US News, New York Post, British Herald, Bangkok Post, UAE’s Gulf News, Australia’s ABC News … và được dư luận quan tâm.

Cảnh giác với người láng giềng phương Bắc: Là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất vì có chung đường biên giới với Trung Quốc và nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa hai bên. Hiện có khoảng hơn 29,000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong khi có khoảng 90,000 lao động Việt Nam qua lại biên giới Trung Quốc. Việt Nam ở vị thế rất khó khăn vì vừa phải giữ mối thân hữu với Trung Quốc vừa bảo vệ quyền lợi quốc gia. Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được Bộ Y tế công bố ngày 15/2, WHO đánh giá tích cực về năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngày 27/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus Corona (Covid-19) ra cộng đồng. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ … theo yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (2005).

Ngay sau phiên họp của Chính phủ chiều nay 30/1, Bộ Y tế đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh. Bộ Quốc phòng đã thành lập 20 đội và đã thực hiện kết nối trực tuyến 21 bệnh viện với Bộ Y tế để thống nhất chỉ đạo, phối hợp trong chuyên môn kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh; Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 4 bệnh viện tuyến quân đội Trung ương trong việc sẵn sàng hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch bệnh. Các tỉnh Quãng Ninh, Cao Bằng ra lệnh kiểm soát chặc chẻ xuất nhập cảnh dọc theo biên giới. Theo Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc kể cả ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, trừ visa công vụ, không khuyến khích giao thương, buôn bán, qua lại cửa khẩu trong lúc này. Khuyến cáo hạn chế đến Trung Quốc trừ trường hợp đặc biệt. Có biện pháp kiểm soát y tế tại các cửa khẩu. Việt Nam giảm ngay việc đi du lịch tự túc vào Việt Nam của người Trung Quốc, một số bộc lộ ý định ở lại Việt Nam hoặc sang nước thứ 3 để tránh dịch đồng thời hạn chế tập trung đông người, hạn chế các lễ hội và khi chưa khai mạc đều phải xin ý kiến về việc có cần thiết hay không.

Trước những yêu cầu “Chống dịch như chống giặc”, dọc theo chiều dài đất nước, trên các tuyến biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng, những chiến sĩ biên phòng đã “ăn núi, ngủ rừng” lập các đồn, bốt dã chiến để chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ biên giới. Ở 4 tỉnh biên giới phía Bắc, gồm tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai có gần 300 học viên Học viện Biên phòng đã tình nguyện xuất quân tăng cường quân số chống dịch cho nơi đây. Thời tiết mùa này mưa dầm, rét mướt, các lán trại dã chiến được dựng, nhưng xung quanh không có nhà dân nên không điện, nước, bộ đội phải xuống con suối cách lán trại vài km để tắm giặt, hứng nước về dùng.

“Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” lan nhanh khắp thế giới

Chiến sĩ Biên phòng tuần tiểu kiểm soát dịch bệnh ở khu vực biên giới

Từ đầu tháng 2-2020, tình hình xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền Việt – Trung bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19. Quy mô xuất nhập cảng giữa các tỉnh biên giới Việt-Trung chiếm 24% tổng số xuất nhập cảng giữa 2 nước. Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương cho biết, cập nhật đến ngày 3/4, tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đã có 42.458 xe hàng được làm thủ tục thông quan xuất khẩu và 35.288 xe nhập khẩu, kể từ đầu tháng 2-2020 đến nay. Lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng nhiều, bắt đầu đã dẫn đến tình trạng ùn ứ. Tính đến hết ngày 19/3, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang tồn khoảng 1,141 xe, trong đó riêng tỉnh Lạng Sơn là 1,068 xe, chủ yếu là trái cây. Tuy nhiên vẫn còn gần 1,260 xe bị tồn ở biên giới. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, dịch Covid-19 cũng là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất-nhập khẩu để tránh bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó phải kể đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020. Tuy nhiên, thị trường Đông Nam Á, ngay sát sườn, vẫn chưa được Việt Nam khai thác hết tiềm năng, trong khi đây là một thị trường trẻ và năng động. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng các nước ASEAN đã không biết tận dụng hết tiềm năng dân số và đã đến lúc “có thể làm điều này”.

Vươn lên từ COVID-19: Sau hơn 3 tuần công bố kế hoạch sản xuất máy thở phục vụ điều trị Covid 19, ngày 28/4/2020, Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất và chuẩn bị đưa ra thị trường hai mẫu máy thở xâm nhập có tỷ lệ nội địa hóa cao: VFS-410 và VFS-510. VSmart VFS-410 và VFS-510 là hai mẫu máy thở xâm nhập “Made in Việt Nam” được hoàn thiện và sản xuất toàn bộ từ hệ sinh thái Vingroup. Trong đó, VSmart VFS-410 là bản nâng cấp đặc biệt của phiên bản máy thở đầu tiên VFS-310 do chính các kỹ sư Vingroup phát triển từ ý tưởng thiết kế của Đại học MIT, còn VSmart VFS-510 nhận chuyển giao và cải tiến từ hãng sản xuất máy thở hàng đầu thế giới Medtronic (Mỹ). Vì tình trạng khan hiếm vật tư sản xuất máy thở trên toàn thế giới, 70% các cụm linh kiện trong máy, bao gồm cả các cụm linh kiện đặc biệt quan trọng và phức tạp như: quạt thổi khí (blower), các bo mạch (PCBA điều khiển, nguồn…), bàn phím, màn hình hiển thị, pin, vỏ máy … đều do Vingroup chủ động nghiên cứu khắc phục để tự sản xuất hoặc nội địa hóa. Medtronic cũng đã phối hợp chặt chẽ với Vingroup để hiệu chỉnh lại phần mềm của máy nhằm đảm bảo các tính năng của VFS-510 hoàn toàn tương đương với máy gốc PB560.


Máy thở VFS 410 của Vingroup

Kỹ nghệ dệt may Việt Nam với 6,000 thành viên đã chủ động để sản xuất khẩu trang và áo quần bảo hộ. Cụ thể, đơn vị FedEx đang vận chuyển nguyên liệu thô Tyvek từ nhà máy sản xuất ở Richmond (Mỹ) đến đơn vị sản xuất hàng may mặc cho doanh nghiệp này tại Việt Nam. Trong khi TCT May 10 tại Hà Nội cũng vừa nhận đơn hàng từ Đức, Mỹ. Khẩu trang đang là “cứu cánh” của doanh nghiệp dệt may, bù đắp cho các đơn hàng may gia công xuất khẩu bị đối tác hoãn, hủy. 400 triệu khẩu trang y tế là số lượng trong đơn hàng Tổng công ty May 10 vừa ký với đối tác giao hàng trong tháng 7. Ngoài đơn hàng khẩu trang y tế, May 10 còn nhận được các đơn hàng từ Đức, Mỹ cho khẩu trang vải kháng khuẩn, tổng cộng hơn 20 triệu chiếc. Không riêng với TCT May 10, hàng triệu chiếc khẩu trang của công ty may mặc TNG tại Thái Nguyên cũng đã xuất những lô hàng khẩu trang đi châu Âu gần một tháng nay. Hàng triệu chiếc khẩu trang vải nano kháng khuẩn đã có mặt tại Pháp, Bỉ, Đức … Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, cánh cửa sang Mỹ của khẩu trang vải kháng khuẩn cũng đang rộng mở.

Không dừng lại ở khẩu trang, các doanh nghiệp dệt may cũng nhanh chân đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất bộ đồ bảo hộ y tế phòng dịch. Sản phẩm này cũng đang mở ra hướng xuất khẩu tốt cho các doanh nghiệp. Theo thống kê mới công bố chiều 29/4 của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ ngày 1/1 – 19/4/2020, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là 415.7 triệu chiếc, trị giá 63.19 triệu USD. Khẩu trang xuất đi một số thị trường lớn như: Nhật Bản là 32.7 triệu chiếc; Hàn Quốc 17.1 triệu chiếc; Đức 11.1 triệu chiếc; Mỹ 10.4 triệu chiếc …

Sẵn sàng ‘chung sống an toàn’ với Covid-19 giai đoạn 2: Theo lời Tiến sỹ Trần Tuấn, một chuyên gia dịch tễ học tại Việt Nam, những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy rằng bản thân vấn đề miễn dịch tạo được sau khi nhiễm virus cũng không phải là hoàn toàn khả quan để có thể hy vọng được là vắc-xin có thể “chống đỡ” được dịch bệnh. Ông nói tiếp: “Nhưng như tôi đánh giá là hiện nay chúng ta phải nghĩ đến một phương án nói vui là sống chung với lũ, tức là phải sống với sự tồn tại của con virus này, khi nó đã vào được thế giới này. Điểm thứ hai, nhìn đến thực tế trong thời gian vừa qua, có thể nói đây là một loại dịch mới, cho nên các vấn đề về các xét nghiệm, chẩn đoán đều là trong quá trình mới phát triển, cho nên phải chấp nhận là trong điều kiện dịch bệnh, các xét nghiệm mới phát triển, thì mức độ, yêu cầu, tiêu chuẩn, giá trị xét nghiệm trong khoa học có thể chưa thực hiện được đúng các quy chuẩn, hoặc đòi hỏi. Tức là tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả, có thể là chúng ta chưa xác định được rõ và nó vẫn còn lẫn lộn, ảnh hưởng đến các kết quả. Vì thế cho nên tôi đặt ra vấn đề như thế này, bây giờ nhìn vào kết quả có hai khả năng xảy ra, một là quả đó chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn đúng, hoặc là cũng có thể gấp lên một vài lần, nhưng mà nhìn chung như thế là chấp nhận được.”

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội trên cả nước trừ một vài khu vực có nguy cơ cao ở Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải nâng cao trách nhiệm chống dịch. Thủ tướng cũng giao Chủ tịch tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định việc mở cửa hàng, các hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, lãnh đạo địa phương phải xác định nguy cơ cụ thể của từng nơi trên địa bàn để có giải pháp cho phù hợp. Nhưng lưu ý với những nơi nguy cơ cao, không được kinh doanh trên đường phố. Những hoạt động như lễ hội, sự kiện thể thao đông người, hoạt động cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, massage, tiệm trang điểm, tiệm hoa, sở thú…vẫn được yêu cầu cấm hoàn toàn. Với các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đông người phải có giãn cách; chưa đồng ý cho nhập cảnh tự do; chưa chấp nhận khách du lịch nước ngoài.

Vị thủ tướng nêu nguyên tắc Việt Nam sẽ thực hiện trong giai đoạn tiếp theo là “ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực”. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hôm 20/04 đề nghị các bộ ngành khẩn trương rà soát, bổ sung, cập nhật hoặc ban hành thêm các hướng dẫn, quy định để sẵn sàng “chung sống an toàn” nhưng “tuyệt đối không chủ quan”. Ban này nói cần tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh và rằng “mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm”.

Sống chung với lũ là gì? | Lazi.vn - Cộng đồng Tri thức & Giáo dục

Sống chung với lũ

KẾT LUẬN

Bắt đầu từ ngày 23/4, Việt Nam đã cho phép cư dân trên cả nước mở cửa một số hoạt động kinh doanh thiết yếu trở lại, khởi động lại xe buýt, taxi và các chuyến bay nội địa thường xuyên lần đầu tiên.

Một nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách chiến lược Úc nói: “Tôi rất thận trọng khi gọi Việt Nam là một câu chuyện thành công. Vẫn còn quá sớm để “ra khỏi rừng nhưng các biện pháp đã khá hiệu quả cho đến nay”. Các chuyên gia đánh giá cao các giải pháp của Việt Nam: Nhanh chóng dừng gần như tất cả các chuyến du lịch từ Trung Quốc, đình chỉ các trường học vào giữa tháng 1 ngay cả trước khi ghi nhận bất kỳ ca lây nhiễm nào, cách ly hàng chục ngàn người, tuyên truyền các biện pháp giãn cách và theo dõi các liên hệ của bệnh nhân mắc COVID-19.

Ông Lê Hồng Hiệp, một nhà phân tích Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore cho biết: “Chỉ có một vài quốc gia có thể kiểm soát và huy động các nguồn lực ở quy mô này. Việt Nam có thể làm điều đó, và một phần vì một hệ thống chính trị có thể đáp ứng với những tình huống như vậy”. Thành công của Việt Nam không dễ dàng lặp lại ở nơi khác. Khả năng huy động toàn bộ nguồn máy an ninh và chính trị này khó có thể được thấy ở các quốc gia phương Tây. Và các chuyên gia cảnh báo rằng cuộc chiến chưa kết thúc. 

THAM KHẢO

  1. You Tube “Việt Nam ơi – Đánh bay Corona” của Minh Beta.
  2. Bài viết “Virus Corona tại Vũ Hán (Bản tin số 1: 8/12/2019 – 29/2/2020) của tác giả.
  3. Bài viết “Virus Corona tại Vũ Hán (Bản tin số 2: 1/3/2020 – 8/3/2020) của tác giả.
  4. Bài viết “Đại dịch Coronavirus (Bản tin số 3: 8/3/2020 – 31/3/2020) của tác giả.
  5. Bài viết “Đại dịch Coronavirus (Bản tin số 4: 1/4/2020 – 14/4/2020) của tác giả.
  6. Bài viết “Đại dịch Coronavirus (Bản tin số 5: 15/4/2020 – 1/5/2020) của tác giả.
  7. Bài viết “Việt Nam “chung sống an toàn với COVID-19” trên đài BBC ngày 20/4/2020.
  8. Bài viết “Truyền thông quốc tế: Việt Nam phản ứng mau lẹ, sẵn sàng giúp đỡ các nước phòng chống Covid-19 trên đài Đà Nẵng Online ngày 20/4/2020.
  9. Bài viết “Ba kịch bản kinh tế Việt Nam hậu Covid-19” trên đài Doanh Nhân Sài Gòn  ngày 13/4/2020.
  10. Bài viết “Forbes: Việt Nam là quốc gia có người dân cảnh giác với Covid-19 nhất và tin vào chính phủ nhất” trên mạng Cafef.VN ngày 20/4/2020.
  11. Bài viết “Việt Nam: Bí quyết thành công của một chiến lược chống dịch “chi phí thấp” trên mạng RFI ngày 14/4/2020.
  12. Bài viết “Financial Times đánh giá cao mô hình chống COVID-19 chi phí thấp ở Việt Nam” trên mạng  Tuổi Trẻ Online ngày 24/3/2020.
  13. Bài viết “Việt Nam chống ‘giặc’ COVID thành công vì quá hiểu Trung Quốc” trên đài VOA ngày 24/3/2020.
  14. Bài viết “Truyền thông Hoa Kỳ: Tại sao thành công của Việt Nam trong việc chống Covid-19 khó có thể lặp lại ở các quốc gia khác?” trên mạng Cafef.VN ngày 24/3/2020.
  15. Bài viết “Tạp chí Mỹ: Có nhiều bài học từ thành công chống dịch của Việt Nam” trên mạng Zing.VN ngày 25/4/2020.
  16. Bài viết “Truyền thông Pháp đánh giá cao cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam trên mạng Đà nẵng Online ngày 25/4/2020.
  17. Bài viết “Có phải tin tặc Việt Nam đã nhắm vào chính phủ Trung Quốc để lấy thông tin về COVID-19?” của Giáo sư Carl Thayer trên mạng RFA ngày 27/4/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *