Ngày 30/4 – đại dịch COVID-19 và người Việt khắp thế giới

635 (lượt xem) |

Năm 2020 đang có một biến cố quá lớn lao khiến ngày 30/4 đối với người Việt từ quốc nội cũng như khắp thế giới: đó là đại dịch COVID-19 mà sau hơn 4 tháng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt trong thời gian gần. Người Việt tại hải ngoại trong thời gian cách ly có được thêm thời gian để suy ngẫm về cuộc chiến Việt Nam và thân phận của người dân Việt trong cơn lốc xoáy của dân tộc. Người phụ trách vào You Tube xem lại được đường phố Sài Gòn trong ngày 30/4/2020. Đường phố ít người qua lại mang lại ký ức của thành phố đổi tên ngày 30/4/1075. Người dẫn chương trình là một trung niên cho biết vào năm 1975, anh mới có 2 tuổi. Dù chẳng biết gì về cuộc chiến Việt Nam, trong cách nói của anh vẫn phảng phất đôi chút hoài niệm những mất mát của người miền Nam.

Ngày 30/4 tại Hải ngoại

BÊN THẮNG CUỘC

Người phụ trách trong những lúc rãnh rổi có nghiên cứu về lịch sữ Hoa Kỳ nhất là cuộc nội chiến 1861-1865. Người Mỹ gọi chiến tranh giữa 11 tiểu bang miền Nam và 23 tiểu bang miền Bắc là Civil War, chính quyền và quân đội miền Nam gọi là Confederate còn chính quyền và quân đội miền Bắc là Union. Tháng tư 1865 đánh dấu sự thất trận của phe miền Nam. Khi ra hàng, tướng Lee đâu có nghĩ đến sự rộng lượng của tướng Grant đối với những người thua trận. Những sĩ quan của miền Nam được giữ súng tùy thân và tất cả binh lính đều được nhận lương y cấp cứu và được phép mang về nhà ngựa hay lừa của họ để kịp khởi đầu vụ canh tác mùa xuân. Tướng Grant đã cấm binh lính của mình ngược đãi tù binh và hò hét hoan hỷ mừng chiến thắng.

  • Năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từng có một lời phát biểu khiến nhiều người bừng tỉnh khi nói về ngày 30/4. Ông trải lòng trên tuần báo Quốc tế (của Bộ Ngoại giao) trong bài phỏng vấn vào ngày 30/3/2005. Bài báo có tựa đề “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”. Ông bày tỏ: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu … Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia. Cái đó có hoàn cảnh của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia …”. Rồi tiếp đó, đến 30/4/2007, trả lời phỏng vấn BBC, ông Võ Văn Kiệt lại phát biểu: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người Cộng Sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả … Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được … Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người Cộng Sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình … Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào … “. Ông Võ Văn Kiệt cho rằng đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ và “chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng … Chính phủ không nên áp dụng biện pháp hành chính đi đầu với họ, trừ phi là con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta ...”.
  • Ngày 30/4/2020, trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 30/4/2020 từ California, Hoa Kỳ, bác sỹ Bùi Thị Quỳnh Hoa, con gái của Đại tá Bùi Văn Tùng nói: “Ngày 30/4, phía Việt Nam Cộng Hòa ở quốc ngoại thì gọi là “ngày Quốc hận”, phía kia gọi là “ngày Thống nhất, ngày Chiến thắng …” Thế nhưng ở Mỹ người ta có “ngày Tưởng nhớ” (Memorial Day), tôi nghĩ câu đấy là câu vô cùng chính xác cho người Việt mình. Cần tưởng nhớ mấy triệu người, con dân Việt Nam, chiến sĩ hai miền đều chiến đấu thật là dũng cảm, và người Việt Nam hai miền đều đã nằm xuống mảnh đất này. Lịch sử hiện nay vẫn là lịch sử có tính cách hoàn toàn xuyên tạc. Tôi nhớ một đồng nghiệp của tôi ngày xưa ông Douglas Pike có nói một cách chua chát rằng là “lịch sử là một cuộc nói dối tập thể – a lie agreed upon”, một cuộc nói dối mà mọi người đều đồng ý, tức là những người chiến thắng đồng ý. Thành ra, người dân một dân tộc mà không cùng một lịch sử, thì không thể là một dân tộc gắn bó với nhau được. Cho nên việc xét lại lịch sử để bỏ đi những sự việc hoàn toàn xuyên tạc là việc rất là quan trọng, việc lâu dài, việc chắc chắn sẽ xảy ra”. Cũng cần nói thêm bà Quỳnh Nga là con gái của ông Vũ Văn Tùng, cựu trung tá chính ủy, thuộc Quân đội Cộng Sản Việt Nam từng tham gia “tiếp quản” chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ nội các Tổng thống Dương Văn Minh.

Chiến xa của Bắc Việt tiến vào dinh Độc Lập 30/4/1975

  • Càng nhận thức càng thêm ngậm ngùi và tiếc nuối, là tâm trạng của cựu binh Nguyễn Khắc Toàn 42 năm sau, khi quyết định trở thành một người hoạt động cho dân chủ và dân oan ở Hà Nội: “Đi vào miền Nam dưới khẩu hiệu giải phóng, thống nhất đất nước, chống Mỹ cứu nước, nhưng bây giờ nhìn lại cuộc chiến đã kết thúc cách đây 42 năm thì rất buồn bởi đó là cái bi kịch lớn của dân tộc. Lẽ ra cuộc chiến này không nên có. Đất nước thì cần phải thống nhất nhưng thống nhất bằng con đường hòa bình, thương lượng, đàm phán như tấm gương của Cộng Hòa Liên Bang Đức và Cộng Hòa Dân Chủ Đức thì tốt hơn. Gọi là đi giải phóng miền Nam mà chế độ miền Nam và Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã có đầy đủ những đặc trưng của một xã hội tiến bộ, người dân được tự do làm ăn kinh doanh, một xã hội văn minh. Tiến hành một cuộc chiến để thu hồi nốt miền Nam, để nhuộm đỏ toàn bộ đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa chỉ là một ảo vọng, chỉ là một thử nghiệm thì nay cũng đã sụp đổ hết”.
  • Đọc được từ một nữ bộ đội miền Bắc, sau này là nhà văn nổi tiếng Dương Thu Hương: “Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ”.
  • Một bà sơ tại Bình Thuận là giám đốc một mái ấm tình thương tiếp chuyện phóng viên BBC News Tiếng Việt qua điện thoại, kể rằng năm 1975, bà mới là nữ tu 20-21 tuổi, đến giờ vẫn không quên cuộc vật đổi sao dời. “Các ngài chết trong chiến trận, rồi thời cuộc đổi thay, mộ các ngài bị bỏ hoang. Tôi cùng các sơ ở đây quy tập về, khâm liệm tươm tất, mồ mả đàng hoàng,” bà chia sẻ. Năm 2000, bà cùng các sơ tại mái ấm tình thương bắt đầu quy tập các mộ phần vô danh. Đến năm 2003, bà phát hiện các khu nghĩa trang hoang phế của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và một hành trình mới bắt đầu. Chúng tôi quy tập mộ cho những người tứ cố vô thân, chứ không chỉ quân nhân VNCH. Bà kể: “Đa phần là mộ vô danh. Chỉ một số ít có bia hoặc có thẻ bài thì mới xác định danh tính được.” “Khi đưa các ngài về đây, chúng tôi tổ chức tang lễ trang trọng,” bà nói. Các ngôi mộ ở đây đều có màu xanh, và được đặt tên là “mộ tình thương”. Ở đây luôn có khói nhang, có hoa và người thăm viếng,” bà nói khi đứng giữa những ngôi mộ màu xanh được đặt tên là “mộ tình thương”. Đa phần “mộ tình thương” là của tử sĩ VNCH, có hàng trăm ngôi mộ như vậy được cải táng về đây. Những con người đã ra đi trong “cuộc chiến 10,000 ngày”, họ chết trong bom đạn, trong khói súng. Sau khi được các sơ và người thân tìm kiếm hài cốt, họ mới thực sự được an nghỉ. Họ nằm bên nhau, bốn bề cây cối, núi đồi chở che. Những ân oán của cõi dương gian không còn quấy rầy họ. Chiến tranh Việt Nam, một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất thế kỷ XX, để lại mất mát cho tất cả các bên. Quân nhân tử trận, dù là của Việt Nam Cộng Sản, Việt Nam Cộng Hòa hay Mỹ thì đều còn rất nhiều người mất tích, nằm lại nơi rừng sâu, hoặc dưới những ngôi mộ vô danh. Tuy nhiên, trong khi hai nhóm kia được các chính quyền tổ chức kiếm tìm với nguồn tài lực, vật lực, công nghệ đồ sộ thì những quân nhân VNCH tử trận, ở về phía bên thua cuộc và chính thể mà họ phụng sự không còn nữa, bị đẩy ra bên lề của các mối quan tâm dòng chính. Các cuộc tìm kiếm hài cốt lính VNCH hoặc quy tập, sửa sang mộ phần ở các nghĩa trang bị bỏ hoang thường được tiến hành trong thầm lặng, lễ tưởng niệm được tổ chức kín đáo, tránh sự để ý của chính quyền. Cho đến hôm nay, 45 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, những nỗi lo sợ vẫn còn ám ảnh nhiều quân nhân, người thân trong hành trình tìm kiếm hài cốt. Có rất nhiều những uẩn ức, những nỗi niềm trong các cuộc kiếm tìm. Bà sơ ở Bình Thuận đã khóc khi nói về thân phận những người lính trong các mộ phần ở nghĩa trang bị bỏ hoang. “Các ngài có người chết từ năm 1960, có người chết sau đó. Hơn nửa thế kỷ rồi, phải có ai chăm sóc chứ,” bà chia sẻ. Năm 2007, nhà thơ Linh Phương, người từng được biết đến với bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát “Kỷ vật cho em” rất nổi tiếng, đã viết những dòng đầy day dứt:

Những người lính Bắc Việt chết – đều được trở về nhà

Những người lính Mỹ chết – đều được trở về quê hương

Những người lính Việt Nam Cộng Hòa chết – vẫn còn nằm nơi rừng thiêng, nước độc

Các “ngôi mộ tình thương” của quân nhân VNCH tại Bình Thuận

  • 45 năm sau sự kiện 30 tháng 4, tướng Nguyễn Chí Vịnh có cuộc trò chuyện với truyền thông trong nước và ông cho rằng tiến trình hoà hợp dân tộc đã hoàn thành. Ông nói: “Quan điểm của tôi là chúng ta đã thành công. Thành công nhờ chính sách khoan dung của đảng và Nhà nước. Nhưng quan trọng nhất là nhờ sự phát triển của đất nước. Nó chứng minh chiến thắng ấy đem lại cho đất nước ta một sự phát triển mới mà không người dân Việt Nam nào cũng như bạn bè quốc tế không nhận thức được. Tôi cho là như vậy.”

NHỮNG NGƯỜI RỜI BỎ QUÊ HƯƠNG

Một số người Việt rời Việt Nam đi tị nạn kể từ sau năm 1975 nói với VOA rằng họ chưa về lại lần nào, “vẫn sẽ không về nếu đảng Cộng Sản vẫn còn cầm quyền ở Việt Nam” và mô tả điều mà họ cho là “tình hình tối tăm” ở trong nước hiện nay. Tháng Tư này đánh dấu tròn 45 năm ngày Sài Gòn sụp đổ mà chính quyền Hà Nội gọi là “ngày thống nhất đất nước”, nhưng hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi lánh nạn chế độ Cộng Sản xem là ngày “ngày quốc hận,” với làn sóng di tản ồ ạt của nhiều người Việt, mà phần đông là đến Hoa Kỳ.

Đài VOA đã liên lạc với hai người trong số đó là ông Đinh Hùng Cường, hiện sống ở tiểu bang Virginia, và ông Võ Thành Nhân, hiện sống ở bang Maryland, để tìm hiểu lý do vì sao hai ông quyết định không về Việt Nam.

Ông Đinh Hùng Cường, trước năm 1975 nguyên là Quận trưởng Quận Thủ Thừa và có tham gia một trong những trận chiến cuối cùng với quân Bắc Việt vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, cho biết cả gia đình ông ‘đều chống Cộng’. Ông nói trong 45 năm qua, những người thân của ông còn lại ở Việt Nam như cha mẹ, anh em hay thân hữu “đa số đều đã chết hết rồi” và mỗi lần có người thân qua đời ở Việt Nam, ông đều không về dự tang. “Tôi không về khi người thân qua đời bởi vì tôi không bao giờ tin tưởng Cộng Sản”, ông nói. “Mặt khác, tôi là người chống Cộng ở hải ngoại nên nếu tôi về sẽ bị họ làm khó dễ nên tôi quyết định không về.” Ông Cường, từng là chủ tịch cộng đồng người Việt Quốc gia tại vùng Washington D.C., Maryland và Virginia, nói việc ông không về nước cũng là “một cách đối kháng với chính quyền Cộng Sản”.

Còn ông Võ Thành Nhân, đại diện của Đài truyền hình SBTN tại vùng thủ đô Washington D.C., nói một trong những nguyên nhân chính khiến ông không về nước trong 40 năm qua là vì ông “sợ lá cờ Việt Cộng”. “Về nước sẽ nhìn thấy nhiều cờ Việt Cộng, những bích chương, biểu ngữ họ tuyên truyền nên tôi không thích,” ông Nhân, người vượt biên sang Mỹ vào năm 1980 khi ông mới 23 tuổi, nói với VOA.

Một câu chuyện mà đến hôm nay người phụ trách mới đọc được là câu chuyện của ông Bùi Kiến Thành. Ông sinh năm 1931 ở Quảng Nam là con cả của bác sĩ Bùi Kiến Tín, một doanh nhân – nhân sĩ uy tín ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông là một trong số không nhiều doanh nhân từng sống dưới nhiều chế độ và có cơ hội chứng kiến những biến động dữ dội của lịch sử. Năm 1954, ở tuổi 23, ông Bùi Kiến Thành được mời về nước làm việc cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Năm 1956, ông trở lại Hoa Kỳ học nâng cao và thành lập Văn phòng Đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Những mâu thuẫn trong nội bộ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa kéo dài và ngày càng sâu sắc khiến quyền lực của Tổng thống Diệm bị lung lay. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn đó là cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm do các tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa thực hiện với sự làm ngơ của Hoa Kỳ vào ngày 1/1/1963. Kết thúc cuộc đảo chính đó, những người thân tín của ông Diệm bị liên lụy. Ông Bùi Kiến Thành bị bắt nhốt gần hai năm. Rồi ông cũng có cơ hội trốn thoát và vượt biên năm 1965. Định cư tại Pháp, ông làm đủ nghề để mưu sinh rồi trở thành một doanh nhân đầu tư bất động sản tại miền Nam nước Pháp. Doanh nghiệp của ông có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Đầu thập niên 1980, ông được Chính phủ Việt Nam liên hệ mời tư vấn cho tiến trình đổi mới nền kinh tế đất nước. Năm 1991, ông trở về Việt Nam tham gia các chương trình nghiên cứu chính sách kinh tế và chính thức sinh sống tại quê nhà từ năm 1993. Bằng tri thức, uy tín và các mối quan hệ, ông cũng đã góp công trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và đề xuất cũng như tham gia rất nhiều chương trình kinh tế chiến lược. Ông từng tham gia tư vấn về nhiều chính sách kinh tế – xã hội cho Chính Phủ Việt Nam qua ba đời thủ tướng là Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng. Điều ngạc nhiên là dù khác nhau về ý thức hệ, về phương pháp luận nhưng Bùi Kiến Thành luôn đưa ra được giải pháp để những người cầm quyền có thể chấp nhận và vận dụng một cách có hiệu quả, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi những khúc cua một cách ngoạn mục. Ông Bùi Kiến Thành được phỏng vấn nhân ngày 30/4/2020. Ông nói: “Giờ đây, ở độ tuổi U-90, con cháu đều thành đạt và định cư ở nước ngoài nhưng ông vẫn chọn Việt Nam để sống. Được hỏi: “Là một trong số những người hiếm hoi sống qua nhiều chế độ, bây giờ bác nghĩ gì?”. Ông trầm ngâm trả lời mà như tự hỏi: “Ba chục năm chiến tranh, tiếp theo là 10 năm bao cấp, và tiếp theo là 20 năm đổi mới để học hỏi các phương thức hội nhập với nền kinh tế thị trường và hòa đồng cùng với các chế độ dân chủ, tự do, ta đã học được những gì? Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa mới. Nhân ngày 30 tháng 4, người Việt chúng ta, bất kỳ ở nơi nào, cũng nên kiểm điểm lại những cơ hội đã bỏ lỡ, những quyết định sai lầm và rút kinh nghiệm để phát huy đến đỉnh cao nhất nền độc lập, tự do, dân chủ, để đồng bào ta trong nước và khắp nơi trên thế giới luôn đoàn tụ dưới một mái nhà chung, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu, vui vầy hạnh phúc … Lịch sử không bao giờ dừng lại, chúng ta không thể quay ngược bánh xe lịch sử nhưng suy ngẫm về nó một cách cẩn trọng để khỏi lặp lại những sai lầm của quá khứ là điều rất cần thiết”. Đó cũng là tâm niệm của ông Bùi Kiến Thành, một doanh nhân, một tri thức gắn với vận mệnh của đất nước.

THẾ HỆ TRẺ

  • Nhà văn Lê Hữu Nam, 34 tuổi, cây viết trẻ nhiều sách được công chúng đón nhận như Con đến như một phép màuMật ngữ rừng xanh, Xứ mộng hồn hoa … chia sẻ với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn hôm 29/4: “Thuộc thế hệ sinh ra sau cuộc chiến và được giáo dục bởi những người thắng cuộc, tôi được dạy ngày 30/4 lúc bấy giờ là “ngày giải phóng – ngày thống nhất đất nước”. Tuy nhiên, khi đọc nhiều hơn, gặp gỡ và tiếp thu hơn, tôi nhận ra rằng người miền Nam trước 30/4/1975 đã có một chính quyền chính danh, họ hưởng một nền độc lập với một nền Cộng hòa hợp pháp, như người dân miền Bắc với nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Đối với tôi bây giờ, gọi 30/4 là ngày “thống nhất đất nước” thì chưa chính xác. Theo nhà văn, “là một người luôn quan tâm đến những gì đã và đang xảy ra trên đất nước mình, ngày 30/4 với tôi là một ngày buồn”. Nhà văn Lê Hữu Nam chia sẻ dấu mốc dẫn tới những đổi thay nội tâm của anh: “Vào ngày 30/4 năm mười bảy tuổi, tôi đến nhà một cậu bạn chơi, thì thấy ba cậu ta đang ngồi uống rượu và khóc một mình. Tôi mới hỏi tại sao, thì cậu ta giải thích do ba cậu ngày xưa là “ngụy” nên ông xem đây là ngày “mất nước”. Từ đó hình ảnh một người đàn ông gầy gò, hiền lành nhưng đến ngày 30/4 chỉ uống rượu và khóc đeo bám tôi, gợi cho tôi những câu hỏi. Liệu đây có thực sự là “ngày chiến thắng” không, nếu là “chiến thắng” thì tại sao một dân tộc lại có người cười, kẻ khóc? Từ đó tôi luôn cố gắng tìm hiểu nhiều hơn từ hai phía, và không còn xem 30/4 là ngày vui của dân tộc nữa”.
  • Nguyễn Vi Yên, 25 tuổi, nhà hoạt động xã hội và hiện là chủ nhiệm nhóm Tinh thần Khai Minh, hiện đang sống ở Philippines, chia sẻ rằng dù sinh sau chiến tranh nhưng “trong cả nhà nội lẫn nhà ngoại đều có những người đã hy sinh cho nền độc lập của Việt Nam Cộng Hòa”. Vi Yên cho biết: “Trong những buổi chuyện trò nhắc nhớ thời xưa cũ, ba má tôi thường kể về biến cố 30/4/1975 như một vết thương khó lành gây ra bởi sự khắc nghiệt của chiến tranh, vốn được tô vẽ bởi ngôn từ và lý tưởng. Song họ không gởi gắm vào chúng tôi bất cứ tình cảm yêu ghét hận thù nào. Có chăng, câu chuyện cũng chỉ mang hơi hướm luyến tiếc một cái gì đó đẹp đẽ đã vĩnh viễn mất đi”. Lớn lên trong một gia đình như vậy, Vi Yên xem “biến cố 30/4 được khắc họa như một sự kiện lịch sử của dân tộc giữa vô vàn sự kiện khác”.
  • Nhà quan sát thời cuộc Quang Hữu Minh từ Sài Gòn nhận định: “Sự kiện 30 tháng 4 chỉ thống nhất được lãnh thổ chứ không thống nhất được lòng người. Đến bây giờ nó vẫn là như thế. Theo tôi thấy, chính sách thời hậu chiến của ĐCSVN về hòa hợp hòa giải dân tộc đến nay vẫn chưa thành công. Việc cần làm đầu tiên là phải bỏ khái niệm “giải phóng” trong lịch sử đối với ngày 30 tháng 4 đi. Chuyện quá khứ mình không nói nhưng bây giờ nếu dùng từ “giải phóng” có nghĩa mặc nhiên ĐCSVN thừa nhận miền Nam Việt Nam thuộc về miền Bắc lúc đó thì mới có vấn đề giải phóng. Cái thứ hai là nhà nước sau phải nhận trách nhiệm của nhà nước trước. Nếu bỏ khái niệm “giải phóng” thì đây chỉ là cuộc nội chiến và nhà nước sau phải có trách nhiệm với những thương phế binh VNCH. Nếu làm được hai điều đó thì nó sẽ tác động căn cớ đến hòa hợp và hòa giải dân tộc. Và cần phải có chính sách, tư duy then chốt chứ không thể chỉ hòa giải trên báo, hòa hợp trên miệng được.”
  • Người phụ trách có 3 cậu con trai và 2 đứa cháu gọi bằng Bác. Khi gia đình rời Việt Nam năm 1975 thì cháu trai đầu mới 6 tuổi. Trong năm 2019, các cháu lần đầu tiên về thăm Việt Nam, không hỏi ý kiến vợ chồng tôi mà dù có hỏi thì chúng tôi cũng sẽ để cho các cháu tự quyết định. Các cháu đã có những trải nghiệm tốt đẹp tại Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn và quyến luyến với các anh chị em họ tại Nha Trang. Về lại Hoa Kỳ, cô con dâu tôi, một giáo sư Anh Văn tại Hoa Kỳ, có viết một bài trải nghiệm bằng tiếng Anh nhan đề “The price of Freedom” và sau đó dịch sang tiếng Việt đăng trên báo Người Việt. Đặc biệt, tôi có một đứa cháu gọi tôi bằng Bác. Cháu sinh tại Hoa Kỳ, không biết nói một chữ tiếng Việt mà cho đến năm nay đã về Việt Nam mổi năm một lần trong suốt 5 năm vừa qua. Bà con nghĩ rằng cháu bị các cô gái Việt Nam hớp hồn nhưng trong những lúc tâm tình giữa 2 bác cháu với nhau, cháu nói rằng mổi lần về cháu đều có ghé Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan. Cháu nhận xét ở các quốc gia này khá hơn Việt Nam nhiều nhưng trong lòng cháu tại Việt Nam vẫn có những tình cảm trong tâm mà cháu không giải thích được. Những lần 2 bác cháu nói chuyện với nhau, tôi vẫn thường lắng nghe để cho cháu nói ý nghĩ của mình. Cháu thấy rõ những điều không vừa lòng tại Sài Gòn. Trong thời gian ở Việt Nam, cháu thích sống như những ông Tây ba lô, thích những món ăn đường phố và có một bộ hình ảnh đầy đủ các quán ăn bụi đời tại Sài Gòn.

LỜI KẾT

Tôi chỉ là một sĩ quan trung cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sinh trưởng tại miền Nam, chúng tôi chiến đấu cho sự tự do của miền Nam. Chiến tranh đến một lúc nào đó cũng phải chấm dứt. May mắn được qua Hoa Kỳ từ năm 1975, làm việc hết sức để tạo dựng một cuộc đời mới trên quê hương thứ hai của mình. Năm 2005, tôi quyết định về hưu để làm vài chuyện trong đời mình muốn làm. Trong vài lần hiếm hoi nói chuyện với vài người bạn thân, tôi phân biệt rõ ràng dân tộc và chế độ. Dân tộc Việt Nam vẫn luôn luôn trường tồn còn chế độ chỉ là giai đoạn. Năm nay đánh dấu 45 năm nước Việt Nam được sống trong hòa bình, nhưng đâu đó mỗi gia đình Việt Nam đều có câu chuyện đau thương để kể. Có những nỗi niềm vẫn cứ gợn lên trong lòng, dù ở phía bên nào.

Thuyền nhân vượt biển

Những lời nói gần đây của ông Nguyễn Chí Vịnh vẫn mang vẻ kiêu căng của kẻ thắng cuộc. Cho đến nay, vẫn chưa có hòa giải hòa hợp dân tộc thực sự giữa chính quyền bên thắng cuộc với người Việt ở nước ngoài. Tôi đọc cuốn sách “Bên thắng cuộc” của nhà văn Huy Đức nhiều lần. Chỉ mượn lời của ông Chu Hảo, Nhà Xuất bản Tri Thức, Hà Nội, Việt Nam: “Có công minh lịch sử mới có hòa giải dân tộc thực sự.

Việt Nam đã đạt được sự ngưỡng mộ của thế giới trong việc đối phó với đại dịch COVID-19. Trả lời kênh truyền hình BBC World News vào ngày 29/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói chính phủ Việt Nam đã “chiếm được niềm tin và sự ủng hộ của toàn dân trong nước”. Chỉ cần thêm một vài hành động tượng trưng đối với người Việt hải ngoại như tuyên bố Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là di tích lịch sử quốc gia, sự kính trọng của các tướng lãnh VNCH tuẫn tiết ngày 30/4/1975 thì sự hòa giải có thể xảy ra trong thời gian rất ngắn.

Nếu phải đợi 1,2 chục năm nữa khi những thành phần dính dáng đến cuộc chiến, quốc nội cũng như hải ngoại, chết đi để cho những thế hệ tiếp nối sẽ giải quyết vấn đề trong tình tự dân tộc thì đó cũng là chuyện sẽ phải xảy ra dù rằng rất nhiều cơ hội đã bị những người có trách nhiệm hiện nay bỏ lỡ.

THAM KHẢO

  1. You Tube: Thành phố Sài Gòn 30/4/2020.
  2. Bài viết “Hồi tưởng của cựu binh miền Bắc 42 năm sau chiến tranh” của Thanh Trúc, phóng viên RFA ngày 27/4/2017.
  3. Bài viết “30/4: Người Việt trẻ hải ngoại và hành trình tìm bản sắc” của tác giả Lê Viết Thọ trên đài BBC News Tiếng Việt ngày 29/4/2020.
  4. Bài viết “Người Việt trẻ gọi 30/4 là một biến cố buồn” của tác giả Bùi Thư trên mạng BBC News Tiếng Việt ngày 30 tháng 4 2020
  5. Bài viết “Con gái Đại tá QĐND: 30/4 hãy gọi là ngày Tưởng niệm” của tác giả Lê Viết Thọ trên đài BBC News Tiếng Việt ngày 29/4/2020.
  6. Bài viết “Bùi Kiến Thành – vị doanh nhân đi xuyên qua nhiều chế độ” của tác giả Phan Thế Hải trên mạnh Doan Nhân Sài Gòn ngày 1/5/2020.
  7. Bài viếtPhải làm sao để những ai còn chưa là bạn chúng ta thành bạn chúng ta của tác giả Quốc Phong trên mạng Viet Times ngày 30/4/2020.
  8. Bài viếtNhững người ‘chưa từng về lại Việt Nam từ sau năm 1975” trên đài VOA ngày 30/4/2020.
  9. Bài viếtCó đúng là hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công như lời ông Nguyễn Chí Vịnh?” của tác giả Diễm Thi trên mạng RFA ngày 30/4/2020.
  10. Bài viết30/4: Đi tới tương lai từ quá khứ 45 năm trước thế nào?” của tác giả Quốc Phương BBC News Tiếng Việt ngày 30/4/2020.
  11. Bài viếtNhững ngôi mộ tình thương của người lính VNCH” của tác giả Bùi Thư – BBC News Tiếng Việt ngày 1/5/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *