Hệ thống cao tốc của Việt Nam

589 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Hiện nay chưa có tiêu chuẩn rỏ rệt nào được đặt ra khi làm hệ thống đường cao tốc Việt Nam, tuy nhiên nhìn chung thì các đường cao tốc ở Việt Nam đều được xây dựng với quy mô từ 4-6 làn bao gồm 2-3 làn mỗi chiều và đều liên kết đến các quốc lộ và các đường cao tốc khác ở nơi mà đường cao tốc đi qua. Tốc độ các đường cao tốc ở Việt Nam đều được thiết kế tối đa từ 80 – 120 km/h. Hiện theo tính toán (chưa tính các đoạn đường chưa xác định chính xác quãng đường) thì toàn bộ hệ thống đường cao tốc Việt Nam mới chỉ có hơn 2,000 km.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ đầu tư khoảng 2,500 km đường cao tốc, tập trung ưu tiên vào các đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các tuyến ở khu vực vùng Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các tuyến nối với các cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Trong bài viết này, người phụ trách chỉ đề cập đến đường bộ cao tốc ở Việt Nam. Đường xe lửa cao tốc sẽ được đề cập trong bài khác.

Đường cao tốc tiêu chuẩn tại Việt Nam

Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo bản quy hoạch này, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 6,411 km đường cao tốc. Theo đó, sẽ hình thành hai tuyến cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài khoảng 3,083 km. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng chiều dài 1,814 km; tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây tổng chiều dài là 1,269 km. Tại khu vực phía Bắc sẽ có 14 tuyến cao tốc kết nối từ các tỉnh về Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài 1,368 km. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có ba tuyến chính với tổng chiều dài 264 km. Còn khu vực phía Nam gồm bảy tuyến với tổng chiều dài 983 km.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ về đầu tư xây dựng đường xe hơi cao tốc tại Việt Nam cho thấy, các tuyến cao tốc ở Việt Nam có suất đầu tư cụ thể rẻ nhất là cao tốc Nội Bài – Lào Cai: 6.9 triệu USD/km; cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: 12.48 triệu USD/km; cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tính trung bình là 17.83 triệu USD/km, Cao tốc Bến Lức – Long Thành có suất đầu tư trung bình là 25.76 triệu USD/km, trong đó đoạn cao nhất là 60.75 triệu USD/km vì vấn đề giải phóng mặt bằng.

Nếu làm sự so sánh thì ở Trung Quốc, đường cao tốc Thanh hải – Lan Châu – Thiểm Tây có suất đầu tư 7.6 triệu USD/km; đường cao tốc An kang đến Xi’an của tỉnh Shanxi được đầu tư xây dựng với giá 14.3 triệu USD/km. Tại Hoa Kỳ, theo báo cáo của Cục đường bộ Liên Bang – Hoa Kỳ (FHWA)-2006 đường cao tốc áp dụng theo khu vực đồng bằng, xây dựng mới khu vực đồng bằng là 17.4 triệu USD/km và xây dựng mới khu vực đô thị có suất đầu tư là 34.8 triệu USD/km.

Chiếu theo những tính toán trên cho thấy, suất đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Việt Nam không cao. Ở trong khu vực châu Á thì suất đầu tư của Việt Nam tương đương với Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc và Nhật Bản; với khu vực châu Âu và Mỹ thì suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam cũng mức tương đương và thấp hơn. Đường cao tốc ở Việt Nam có đặc điểm chung là thường có chiều dài không lớn, ngoại trừ cao tốc Nội Bài – Lào Cài (dài 245 km) thì các tuyến còn lại chủ yếu dưới 100 km. Điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp nên phải xây dựng nhiều công trình cầu, cống và phải xử lý nên đất yếu, sụt trượt, kiên cố hóa công trình với khối lượng lớn; Khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ nên thời gian xây dựng dự án kéo dài gây phát sinh chi phí dẫn tới tăng tổng mức đầu tư và chịu ảnh hưởng của biến động giá, trượt giá; Các dự án có tổng mức đầu tư lớn thường huy động vốn vay ODA, OCR, vay thương mại nên phải chịu lãi vay và các điều kiện vay … Vấn đề tham nhũng sẽ được đề cập ở đoạn kết luận.

HAI ĐƯỜNG CAO TỐC XUYÊN VIỆT

Việt Nam dự trù có 2 đường cao tốc xuyên Việt:

Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Ký hiệu toàn tuyến là CT-01 là tên gọi thông dụng nhất của một tuyến đường cao tốc Việt Nam nằm rất gần với Quốc lộ 1A huyết mạch, thông suốt giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, khác với Quốc lộ 1A nối dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Đường cao tốc Bắc – Nam chỉ nối từ Hà Nội tới Cần Thơ. Dự án đường xe hơi cao tốc Bắc – Nam phía Đông CT-01 có tổng chiều dài 1,811 km, với điểm đầu là nút giao Pháp Vân (Hà Nội) điểm cuối là nút giao Chà Và (Cần Thơ). Các điểm khống chế của tuyến đường bộ cao tốc cũng đã được xác định, nằm trong Hành lang giao thông phía Đông, chạy gần như song song với quốc lộ 1A hiện tại cũng đang được nâng cấp mở rộng. Đường xe hơi cao tốc Bắc – Nam được xây dựng bao gồm 16 đoạn tuyến với các điểm nút là: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Dầu Giây, Long Thành, Bến Lức, Trung Lương, Mỹ Thuận, Cần Thơ. Đường Cần Thơ – Cà Mâu sẽ được xây dựng sau năm 2025.

  • Cho đến 2020, tổng số đầu tư đã là 183,351 tỷ đồng (8.2 tỷ USD).
  • Giai đoạn 2021 – 2025 đầu tư các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Bình, Quảng Bình – Quảng Trị, Quảng Ngãi – Bình Định, Bình Định – Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn – Túy Loan. Tổng số 659 km, tổng mức đầu tư 113,096 tỷ đồng (5.1 tỷ USD).
  • Giai đoạn sau năm 2025: Đầu tư xây dựng đoạn Cần Thơ – Cà Mau và hoàn chỉnh toàn tuyến, tổng mức đầu tư 69,123 tỷ đồng (3 tỷ USD).

Đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây: Ký hiệu toàn tuyến là CT-02, đoạn giữa sát nhập với CT-01, chấm dứt ở Hà Tiên. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 1,300 km, đi qua địa phận 23 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang. Đoạn đường Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên nhập với CT-01. Phần lớn trục đường là do đường HCM (giai đoạn 3) nâng cấp thành. So sánh với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tổng chi phí của đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây khoảng 8.7 tỷ USD.

Hệ thống cao tốc tại Việt Nam

CÁC DỰ ÁN NỔI BẬT

Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (ký hiệu toàn tuyến là CT.04): Là một trong 6 tuyến cao tốc được xây dựng theo quy hoạch tại miền Bắc Việt Nam. Đây là dự án đường xe hơi cao tốc loại A dài 105.5 km từ Thủ đô Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương tới thành phố cảng Hải Phòng. Năm 2017 đã kết nối đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng vào đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng này, hoàn thiện kết nối tam giác kinh tế phía Bắc mà hạt nhân là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Toàn tuyến có chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng từ 32.5 đến 35 m với sáu làn xe chạy theo tốc độ thiết kế lên tới 120 km/giờ, hai làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách cứng ở giữa, dải cây xanh hai bên cùng với một số đường gom ở những chỗ cần thiết. Các loại xe hơi có tốc độ thiết kế dưới 60 km/giờ và xe máy không được đi vào đường này, xe hơi có tốc độ thiết kế dưới 80 km/giờ chỉ được đi ở làn bên phải ngoài cùng, toàn tuyến có sáu điểm giao cắt với các quốc lộ thì đều là liên thông khác mức, ngoài ra còn có 9 cầu vượt lớn, 21 cầu vượt loại trung, 22 cầu vượt và cống chui đường dân sinh. Tháng 2 năm 2009, công việc thi công tuyến đường được đồng loạt khởi công tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Tháng 12 năm 2015, toàn bộ tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được thông xe toàn tuyến. Trị giá của dự án là 2 tỷ USD.

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng CT 04

Hầm Hải Vân 1 và 2: Hầm Hải Vân là hầm đường bộ trên quốc lộ 1A ở ranh giới tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Hầm Hải Vân xuyên qua núi, thay thế cho đường đèo Hải Vân vốn có nhiều đoạn nguy hiểm cho giao thông. Với chiều dài 6.28 km là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á. Hầm được khởi công xây dựng vào tháng 8/2000 và hầm số 1 khánh thành tháng 6/2005 với chi phí là 127 triệu USD. Sau 15 năm vận hành, hầm Hải Vân 1 bị quá tải và việc nới rộng hầm này là điều bắt buộc. Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 1 được Bộ GTVT phê duyệt năm 2016 gồm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 7,200 tỷ đồng (313 triệu USD). Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe, dự kiến khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2020. Hầm Hải Vân 2 được chấp thuận vào giữa năm 2016, khởi công vào cuối năm 2016, dự trù hoàn tất vào tháng 12/2020. Điều khác biệt nhất mà bất cứ ai quan tâm đến các công trình hầm đều có thể nhận thấy chính là sự trưởng thành và làm chủ công nghệ đào hầm của Việt Nam. Nếu ở công trình hầm Hải Vân 1, các chuyên gia Nhật Bản giữ vai trò chủ lực, phía Việt Nam tham gia với tư cách nhà thầu phụ, thì ở công trình hầm Hải Vân 2, bản lĩnh, dấu ấn đậm nét của người thợ Việt được khẳng định, với thương hiệu của tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam. Điều đáng lưu ý là chi phí cho dự án Hải Vân 2 mắc gần gấp 3 Hải Vân 1.

Hầm Hải Vân 1 & 2

Hầm đường bộ Đèo Cả: là một hệ thống đường hầm thay thế cho Đèo Cả (12 km) vốn rất hiểm trở và nguy hiểm. Đường hầm này nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A huyết mạch của cả nước. Việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác của Quốc lộ 1A. Đường hầm cũng sẽ giúp cho việc lưu thông thuận lợi giữa miền Trung và khu vực phía Nam, nối liền khu kinh tế Nam Phú Yên và khu kinh tế Vân Phong và giữa thành phố Tuy Hòa và thành phố Nha Trang. Làm bàn đạp để phát triển kinh tế khu vực.

Dự án xây dựng Hầm đường bộ Đèo cả được Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam phê duyệt đầu năm 2012 theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư là 15,603 tỷ đồng (678 triệu USD), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả. Hầm được khởi công tháng 11 năm 2013, hoàn thành và thông xe tháng 8 năm 2017. Đây là hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam và là hầm dài thứ hai trong cả nước, đứng sau Hầm Hải Vân. Đoạn đường dẫn phía Nam kết thúc bằng nút giao hợp thể, một đường đi khu kinh tế Vân Phong, một đường nối tiếp Quốc lộ 1A. Dự án hầm đèo Cả do Nhật Bản thiết kế, chủ đầu tư là doanh nghiệp VN, sử dụng nguồn vốn vay trong nước, được thi công theo công nghệ làm hầm NATM của Áo, nhưng do ba nhà thầu của VN đảm nhiệm; tư vấn giám sát ban đầu cũng là Nhật, nhưng đến nay thì chỉ còn một số chuyên gia, còn đa số là người VN.

Đường hầm Đèo Cả

CÁC CÂY CẦU Ở VIỆT NAM

Các cây cầu ở Việt Nam có thể chia làm 2 nhóm chính: các cầu ở miền Bắc, các cầu trên sông Tiền Giang và Hậu Giang, các cầu đặc thù mang tính cách lịch sử như cầu Bạch Đằng ở Hải Phòng, cầu Hiền Lương ở Bến Hải, cầu Tràng Tiền ở Huế, cầu Rồng ở Đà Nẵng, cầu Thị Nại ở Quy Nhơn. Cây cầu đắt giá nhất là cầu Nhật Tân ở Hà Nội. Khởi công từ năm 2009, dự án cầu dây văng Nhật Tân có vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam liên tục bị đình trệ khá nhiều do vướng giải phóng mặt bằng. Sau nhiều lần chậm trễ, chính phủ đã hoàn thành dự án vào năm 2015.

Nếu đi từ Bắc vào Nam thì Việt Nam có các cầu lớn hay nổi tiếng như sau:

Cầu Nhật Tân: Là một cây cầu tại thủ đô Hà Nội, đây là cây cầu dây văng lớn thứ hai Việt Nam hiện tại được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 13,626 tỷ đồng (592 triệu USD) nằm trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng, bắt đầu tại phường. Cầu được khởi công tháng 3/2009. Theo dự án, cầu được kết cấu kiểu dây văng liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công bằng phương án đúng hẫng cân bằng. Cầu Nhật Tân được khánh thành vào tháng 1/2015, đồng bộ với đường Nhật Tân – Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô, và cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân – Hà Nội. Mặt cầu rộng 43.2 m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy, 2 làn xe buýt phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Cầu dài 3.9 km và có đường dẫn 5.27 km, trong đó phần chính của cầu qua sông dài 2.5 km. Vì cầu được xây dựng dưới sự tư vấn thiết kế và giám sát thi công của các đơn vị đến từ Nhật Bản, 5 trụ cầu cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa anh đào Nhật Bản. Đây là cây cầu đắc giá nhất của Việt Nam. Nhà thầu Nhật Tokyu đã yêu cầu Việt Nam bồi thường 200 tỷ đồng (8.7 triệu USD) vì chậm trể trong công tác giải phóng mặt bằng. Cuối cùng, Việt Nam đã đồng ý trả 155 tỷ đồng (6.7 triệu USD), cho nhà thầu Nhật, ít hơn giá mà Tokyu yêu cầu lúc ban đầu.

Cầu Nhật Tân ở Hà Nội

Cầu Bạch Đằng: Sông Bạch Đằng còn gọi là Bạch Đằng Giang là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Sông Bạch Đằng, dài 32 km là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa) từ miền nam Trung Quốc, từ cửa sông Nam Triệu các chiến thuyền đi vào sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam: Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán – Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành phá tan quân Tống xâm lược – Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Mông Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba). Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng trên đó là đình Tràng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Ngô Quyền, đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và đền Trần Hưng Đạo ở xã Yên Giang (Quảng Yên, Quảng Ninh). Đặc biệt khu di tích đền Tràng Kênh ở Hải Phòng thờ cả ba vị anh hùng nói trên.

Khu di tích Bạch Đằng Giang

Cầu Bạch Đằng, nằm trong gói dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng kéo dài tới Hạ Long, đặc khu Vân Đồn và TP. Móng Cái là một trong những cây cầu lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới với tổng số vốn xây cầu lên tới 7,662 tỷ đồng (333 triệu USD). Cầu Bạch Đằng được khởi công xây dựng từ năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động tháng 9 năm 2018. Cầu có tổng chiều dài hơn 5.4 km, vượt qua ngã ba sông Bạch Đằng – sông Cấm tại điểm đầu thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh và điểm cuối tuyến thuộc quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng thứ hai của Việt Nam được thực hiện từ khâu thiết kế, thi công hoàn toàn do kỹ sư, công nhân người Việt Nam. Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn được xây dựng trên tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, có chiều dài gần 5 km, mặt cầu rộng 25 m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100 km/g Cầu Bạch Đằng hoàn thành sẽ rút ngắn chiều dài quãng đường từ Hà Nội đi Quảng Ninh từ 175 km xuống còn 125 km bằng đường cao tốc, rút ngắn một nửa thời gian từ Hà Nội đến Quảng Ninh.

Cầu Bạch Đằng

Cầu Hiền Lương: Là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai miền: miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa quản lý, miền Nam do Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa quản lý, trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975. Trước khi chưa có cầu bắc qua sông Bến Hải, đoạn sông rộng chưa đầy 100 m này chỉ có một bến phà. Cầu Hiền Lương đầu tiên được xây dựng năm 1928 do phủ Vĩnh Linh huy động nhân dân trong vùng đóng góp công sức. Cây cầu này được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2 m, trọng tải chỉ đủ cho người đi bộ. Năm 1931 cây cầu này được Liên bang Đông Dương sửa chữa lại nhưng xe cộ muốn qua sông thì vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943 cầu được nâng cấp thêm một lần nữa, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được. Đến năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp đã cho xây lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162 m, rộng 3.6 m, trọng tải 10 tấn. Cây cầu này tồn tại được hai năm thì bị du kích Việt Minh đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn sự tiến công của người Pháp. Tháng 5 năm 1952, Pháp xây lại một chiếc cầu mới gồm 7 nhịp, dài 178 m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4 m, hai bên có thành chắn cao 1.2 m, trọng tải cầu tối đa là 18 tấn. Chiếc cầu này tồn tại được 15 năm (từ 1952 đến 1967) thì bị bom Mỹ đánh sập. Sau khi thống nhất, chiếc cầu sắt này – một chứng tích lịch sử của sự chia cắt đất nước được phục chế lại nguyên bản năm 2001 theo thiết kế của chiếc cầu cũ bị bom Mỹ đánh sập năm 1967.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải

Cầu Tràng Tiền: Dòng sông Hương chảy trong lòng thành phố Huế hơn 100 năm đã soi bóng một cây cầu. Trải qua thăng trầm lịch sử, cho dù bây giờ và mai sau ở đất cố đô đã và sẽ có nhiều công trình bắc qua dòng sông này, nhưng đó là biểu tượng không thể thay thế với tên gọi: cầu Trường Tiền. Cầu được xây dựng một năm sau khi vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu sắt vào tháng 4/1897 và hoàn tất năm 1899. Người dân xứ Huế quen với câu ca “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp …”, nhưng chính xác cầu có sáu nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài khoảng hơn 400 m tính từ hai mối, nếu tính cả đường dẫn thì độ dài của Trường Tiền khoảng 453 m, lòng cầu rộng 6 m. Lúc mới xây dựng, cầu chưa có phần lề dành cho người đi bộ. Cầu Trường Tiền do công ty Eiffel của Pháp thiết kế và thi công. Trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, trụ 3 và nhịp 4 bị phá hủy khi quân CS cho giật sập để cắt đường phản công của quân đội VNCH. Cầu được đại trùng tu vào năm 1991-1995. Đầu năm 2019, cầu Tràng Tiền được lắp hệ thống chiếu sáng tối tân trị giá 10 tỷ đồng (435 ngàn USD).

Cầu Tràng Tiền ở Huế

Cầu Rồng ở Đà Nẵng: Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống một con rồng nên được gọi là Cầu Rồng. Cầu Rồng dài 666 m và rộng 37.5 m với 6 làn xe chạy. Được khởi công xây dựng vào tháng 7 năm 2007 và chính thức thông xe tháng 3 năm 2013, kinh phí xây cầu gần 1.5 nghìn tỷ đồng (88 triệu USD). Cầu được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers với tập đoàn Louis Berger. Việc xây dựng được thực hiện Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1.

Cầu Rồng ở Đà Nẵng

Cầu Thị Nại: Được ít người biết nhưng lại là cầu dài nhất Việt Nam. Cầu dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội), gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu. Công trình xây dựng cầu Thị Nại được khởi công vào tháng 11 năm 2002 và hoàn thành vào tháng 12 năm 2006. Tổng số vốn đầu tư là 582 tỷ đồng (25 triệu USD). Phần chính của cầu dài 2,477 m, rộng 14.5 m. Cầu gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 m. Tính cả phần hệ thống đường dẫn, cầu dài 6,960 m với 5 cầu ngắn. Cầu ứng dụng công nghệ thi công hiện đại, dùng cọc khoan nhồi có đường kính từ 1.2-1.5 m, dầm hộp bê tông liên tục, dầm Super T ứng suất trước. 5 nhịp chính thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng đối xứng, bê tông dầm hộp có cáp dự ứng lực trong và ngoài, còn 49 nhịp dẫn sử dụng dầm Super T ứng suất trước.

Cầu Thị Nại ở Quy Nhơn

Cầu Mỹ Thuận 1 và 2: Là cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu nằm cách TP.HCM 125 km về hướng Tây Nam, trên quốc lộ 1A – trục giao thông chính của đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Mỹ Thuận vượt qua sông Tiền nối liền giữa hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Năm 1950, Hoa Kỳ đã từng có ý định cung cấp vốn cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xây dựng cây cầu nhưng thất bại. Giữa thập niên 1960, công ty Nippon Koei (Nhật Bản) đã hoàn thành thiết kế đồ án và được lựa chọn nhưng dự án bị hủy do khó khăn về tài chính. Theo chương trình AusAid của chính phủ Australia, dự án cầu Mỹ Thuận có tổng nguồn vốn đầu tư là 90.86 triệu đô la Úc (59 triệu USD), trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%. Đây là loại cầu dây văng, rỗng 23.66 m, cao 116.5 m, nhịp chính 350 m. Cầu được khởi công tháng 7 năm 1997 và khánh thành tháng 5 năm 2000 do các nhà thầu Baulderstone Hornibrook & Cienco 6.

Việt Nam đang chuẩn bị nguồn vốn tiếp tục xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5,000 tỷ đồng (217 triệu USD). Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án cầu Mỹ Thuận 2 nhằm mục đích kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ theo quy hoạch. Cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế là cầu dây văng, nằm cách cầu Mỹ Thuận 1 hiện nay 350 m về phía thượng lưu sông Tiền. Tổng chiều dài dự án là 6.61 km. Trong đó, phần cầu chính là cầu Mỹ Thuận 2 dài 1,906 m, rộng 25 m với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Nhịp chính của cầu có kết cấu dây văng dài 650 m; nhịp dẫn kết cấu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1,276 m. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng đường dẫn 6 làn xe rộng 32.25 m. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2 nằm cách cầu Mỹ Thuận 1 khoảng 350 m về phía thượng lưu sông Tiền – Nguồn: Bộ Giao thông vận tải

Cầu Cao Lãnh: Cầu Cao Lãnh là cây cầu dây văng được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Cầu Cao Lãnh cách cầu Mỹ Thuận 35 km về phía thượng lưu sông. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 2013 và thông xe từ tháng 5 năm 2018. Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Vàm Cống là hai cây cầu trọng điểm nằm trong Dự án giao thông kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thiết kế, cầu có chiều dài 2,015 m, rộng 24.5 m cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, với chiều cao trụ tháp bê tông cao 123 m và nhịp chính dài 350 m, vận tốc cho phép 80 km/h. Hai trụ tháp chữ H của cầu Cao Lãnh tượng trưng cho sự kết nối giữa hai nước Việt Nam và Úc khi xây cầu. Dự án có tổng mức đầu tư 145 triệu USD, gồm vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng VN. Nhà thầu xây dựng cầu là Cuu Long CIPM, CRBC và Vinaconex E&C. Ngoài hệ thống đèn chiếu sáng trên cầu, nhà thầu còn lắp đặt hệ thống đèn mỹ thuật cho các dây văng.

Cầu Cao Lãnh

Cầu Cần Thơ: Cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á (chiều dài nhịp chính là 550 m), được xây dựng bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15.85 km gồm đường dẫn, phần cầu chính và nhịp dẫn. Quy mô mặt cắt ngang cầu có chiều rộng 23.1 m (bao gồm: bốn làn xe, mỗi làn rộng 3.5 m và hai lề bộ hành, mỗi lề rộng 2.75 m). Độ tĩnh không thông thuyền cao là 39 m đảm bảo cho tàu có trọng tải 10,000 DWT lưu thông qua lại.

Về lợi ích giao thông vận tải, rõ ràng sau khi cầu Cần Thơ đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại giữa TP.HCM và Cần Thơ, từ đó đã tiết kiệm được đáng kể thời gian. Về lợi ích kinh tế, khi có cầu Cần Thơ thời gian vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL lên TP.HCM và các khu vực lân cận sẽ nhanh hơn, tươi sống hơn và giá rẻ hơn, xuất khẩu được nhiều hơn, đồng thời chi phí vận chuyển giảm sẽ kéo theo giá thành sản phẩm giảm và tăng khả năng cạnh tranh. Dự án khởi công tháng 9 năm 2004 và hoàn tất tháng 4 năm 2010. Cầu xây dựng dựa vào nguồn vốn vay ODA Nhật Bản Tổng mức đầu tư khoảng 4,832 tỷ VNĐ (210 triệu USD) tỷ giá năm 2004. Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải. Đại diện chủ đầu tư quản lý dự án là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận). Tư vấn giám sát quốc tế Liên danh Nippon Koei – ChoDai. Nhà thầu chính Liên danh Taisei – Kajima – Nippon Steel (nhà thầu TKN). Nhà thầu phụ VSL (Thụy Sĩ), Mitsui Thăng Long (MTSC) (Liên doanh Việt Nhật về kết cấu thép, NM tại Hà Nội).

Cầu Cần Thơ

Cầu Vàm Cống: Trước năm 2010, giao thông hai bên bờ sông Hậu phải phụ thuộc vào những bến đò, bến phà để qua sông. Khi khánh thành vào năm 2010, cầu Cần Thơ trở thành cây cầu đầu tiên vượt sông Hậu, nối kết thành phố Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long nói riêng, đồng thời mở ra cơ hội giao thông và phát triển các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung. Tuy nhiên, trên sông Hậu vẫn còn nhiều bến phà, bến đò lớn đang hoạt động, trong đó có bến phà Vàm Cống đã hoạt động từ năm 1925, và ngày nay thường xuyên quá tải khi nhu cầu qua lại hai bên bờ sông ngày càng lớn.

Năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đề xuất kế hoạch phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có xây dựng cầu Vàm Cống nằm trên tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, và được Chính phủ phê duyệt. Theo thiết kế ban đầu, cầu Vàm Cống sẽ có tổng chiều dài 2.97 km, trong đó phần cầu vượt sông có thiết kế dây văng dài 870 m và cầu dẫn bằng bê tông dự ứng lực về hai phía Cần Thơ và Đồng Tháp dài 2 km. Quy mô mặt cắt ngang cầu 24.5 m có thiết kế bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ cùng với dải phân cách, dải an toàn, vận tốc thiết kế 80 km/h. Trụ tháp cầu cao 150 m, lớn hơn trụ cầu Cần Thơ và cao nhất cả nước. Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu có quy mô tương đương cầu Cần Thơ (cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km). Tổng chiều dài cầu 2.9 km, trong đó cầu chính dài 870 m, còn lại là đường dẫn vào cầu, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự án được khởi công vào tháng 9 năm 2013 và khánh thành vào tháng 5 năm 2019. Tổng vốn đầu tư dự án là 271 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 212 triệu USD, phần còn lại vốn đối ứng VN. 

Cầu Vàm Cống

HỆ THỐNG ĐƯỜNG CAO TỐC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Trong những năm gần đây, ĐBSCL tăng trưởng kinh tế nhanh, trung bình đạt trên 12%/năm, đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực cho cả nước. Riêng khu vực tứ giác Long Xuyên là vùng trọng điểm sản xuất lúa lớn nhất ĐBSCL với tổng sản lượng gần 5 triệu tấn/năm, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Nhiều khu công nghiệp và khu đô thị mới được hình thành, cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông như hiện nay sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện, xóa đói giảm nghèo tại vùng này. Trong nổ lực này, 4 đường cao tốc Bắc – Nam và Đông – Tây đang được xây dựng hay dự trù:

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ:  Đường cao tốc này có thể xem như xương sống của đồng bằng sông Cửu Long mà 20 triệu dân miền Nam hằng mong đợi. Cao tốc huyết mạch này được chia làm 3 đoạn: đoạn TP.HCM – Trung Lương có chiều dài 62 km, tổng vốn đầu tư 9,880 tỷ đồng (430 triệu USD) đã được khai thác từ 2010; cầu Mỹ Thuận 2 triển khai bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trị giá 7,000 tỷ đồng (304 triệu USD). Đoạn thứ 3 Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài khoảng 23 km; giai đoạn một của dự án dự kiến được đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Giai đoạn này được Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chuyển đổi sang đầu tư công, áp dụng cơ chế như các dự án cao tốc Bắc – Nam, với mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022 kết nối đồng bộ tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Mỹ Thuận.

Cao tốc TP.HCM – Cần Thơ với khúc nghẻn Trung Lương – Mỹ Thuận

Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đoạn thứ 2 và 3 là dự án cao tốc cuối cùng thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam Việt Nam, dài 92 km với khoảng Trung Lương – Mỹ Thuận dài 52 km. Đây là dự án trọng điểm có ý nghĩa giảm gánh nặng giao thông cho quốc lộ 1A, là tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ với TP.HCM và Cần Thơ trong bối cảnh thiếu thốn hạ tầng giao thông như hiện nay. Đường cao tốc này nối Tiền Giang qua Vĩnh Long với Cần Thơ, có điểm đầu tiếp nối đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương và điểm cuối là nút giao thông đường dẫn phía bắc cầu Cần Thơ. Khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào 2013 với tổng chi phí sơ khởi là 3,400 tỷ đồng (148 triệu USD). Dự án đã được các NHTM VietinBank, BIDV, AgriBank, VPBank tài trợ vốn theo phương thức đồng tài trợ, trong đó VietinBank là ngân hàng đầu mối. Công ty CP phát triển đường cao tốc BIDV được thành lập để triển khai dự án và khởi công lần 1 vào năm 2009. Tháng 2/2012, do những khó khăn về pháp lý và nguồn vốn, BIDV từ chối triển khai tiếp và bàn giao lại Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng. Tháng 10/2014, Thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án theo hình thức BOT. Tháng 11/2014, Bộ GTVT xem xét rút bớt quy mô với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 và tái khởi công dự án lần 2 năm 2015. Giữa năm 2017, Bộ GTVT lại phê duyệt điều chỉnh dự án, đưa bề rộng tuyến nền đường và các cầu lên thêm 4m) và tổng mức đầu tư lên 9,669 tỷ đồng (420 triệu USD). Tháng 8/2018 Bộ GTVT điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án và tháng 3/2019 dự án tái khởi công lần 4 với chỉ còn công ty Tuấn Lộc, Công ty BMT, công ty cầu đường CII cùng đồng hành với tổng mức đầu tư là 12,668 tỷ đồng (551 triệu USD). Cuối cùng, tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải can thiệp, giải ngân vốn ngân sách và ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng. Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là công ty đầu tư thứ 3 được cấp vốn khởi động trở lại, dự kiến sẽ thông toàn tuyến cuối năm 2021 và thông xe vào 2022. Đại biểu Nguyễn Văn Giàu thuộc tỉnh An Giang đã có câu ví khi nói đến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận:

“Ví dầu cao tốc miền Tây,

Xây đi xây lại xây hoài không xong”.

Được coi là niềm hy vọng của 20 triệu dân miền Tây, qua một thập kỷ, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hy vọng biến giấc mộng thành sự thật lần này.

Đoạn đường Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn dang dở

Cao tốc TP.HCM – Cao Lãnh – Long Xuyên – Rạch Giá: Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây đi từ Bình Phước (TP. HCM) – Long An – Đồng Tháp – Cao Lãnh – Long Xuyên đến Rạch Giá (TP. Kiên Giang). Từ năm 2013, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường HCM đoạn từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) dài 512 km có 2-6 làn xe đã được chấp thuận. Sau năm 2020, tuyến đường trên sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tuyến quốc lộ N2 từ Đức Hòa (Long An) đến thị trấn Mỹ An, Cao Lãnh (Đồng Tháp) dài 107 km cần được nâng cấp. Đường từ Chơn Thành đến Rạch Giá được phân làm 6 đoạn. Đoạn từ Chơn Thành (Bình Phước) – Rạch Giá (Kiên Giang) dài 291 km thì đoạn đường cao tốc từ thị trấn Mỹ An (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) làm trước năm 2020, đoạn từ Chơn Thành đến Mỹ An triển khai sau năm 2030. Trong đó đoạn 1 từ Chơn Thành đến Đức Hòa (qua ba tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Long An) dài 84 km đã được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 2 làn xe, mới hoàn thành phần nền đường. Đoạn từ Đức Hòa – Thạnh Hóa (Long An) dài 40,2km đã hoàn thành với 2 làn xe (đường láng nhựa). Đoạn từ Thạnh Hóa – Mỹ An (qua Long An, Đồng Tháp) dài khoảng 62 km đã hoàn thành rộng 9-12 m, đường láng nhựa. Đoạn 4 từ Mỹ An – Cao Lãnh (Đồng Tháp) dài 26 km dự kiến rộng 17 m, nhưng do chưa thu xếp được nguồn vốn nên tạm dừng. Đoạn Cao Lãnh – Vàm Cống (Đồng Tháp đi Cần Thơ) đã đầu tư xây dựng cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh, rộng 24.5 m cho 6 làn xe. Hiện nay, tuyến quốc lộ N2 quá nhỏ hẹp và đã xuống cấp. Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho đầu tư tuyến quốc lộ N2 đoạn Đức Hòa (Long An) – Mỹ An – Cao Lãnh (Đồng Tháp) để đồng bộ toàn tuyến cũng như phát huy hiệu quả các dự án đã đầu tư như: cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Lộ Tẻ, Rạch Sỏi … Đầu tư đoạn Đức Hòa – Mỹ An dài 81 km với kinh phí 2,336 tỷ đồng (102 triệu USD). Đồng thời đầu tư đoạn Mỹ An – Cao Lãnh dài 26 km được thiết kế với vận tốc 100 km/h, trước mắt đầu tư mặt đường rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc 80 km/h, kinh phí đầu tư 4,660 tỷ đồng (203 triệu USD).

Đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng:  Dự án Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng nằm trong mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030, được chính phủ phê duyệt tháng 3 năm 2016 và là dự án Bộ GTVT xác định là ưu tiên đầu tư. Dự án có chiều dài 154 km với quy mô 4 làn xe. Công ty Jinwoo Engineering Korea và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng 625 là 2 đơn vị tư vấn và lập dự án. Công ty Cửu Long là đơn vị thực hiện quản lý dự án. Đường cao tốc đi qua 4 tỉnh An Giang (gần 60 km), Cần Thơ (gần 50 km), Hậu Giang (hơn 20 km) và Sóc Trăng (26 km). Tổng chi phí dự kiến gần 34,406 tỷ đồng (1.5 tỷ USD) với nguồn vốn dự kiến từ các nhà tài trợ, các nguồn vốn ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Sơ đồ hai tuyến cao tốc Đông – Tây của Đồng bằng sông Cửu Long

Cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu: Xây dựng và đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu hình thành lên tuyến cao tốc trục ngang, kết nối nhanh chóng với hai tuyến cao tốc trục dọc Bắc – Nam phía Đông và cao tốc Bắc Nam phía Tây thuộc địa phận khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án liên kết vùng thuộc lĩnh vực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi dự án được hoàn thành, tuyến đường cao tốc sẽ kết nối nhanh chóng cửa khẩu Xà Xíu thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với đường Quốc lộ 1A thuộc tuyến đường N1. Song song với đó, dự án có kết nối trực tiếp với khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long qua tuyến N2, đường HCM, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển và hưởng các tiện ích trong khu vực trung tâm. Các thành phố thuộc tuyến đường cao tốc này bao gồm: thành phố Hà Tiên, thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), huyện Thạch Trị (tỉnh Sóc Trăng) và thành phố Bạc Liêu. Theo quy hoạch, tuyến này dài 225 km, rộng 17 m, gồm có 4 làn xe với tốc độ 80 km/giờ. Tổng số vốn đầu tư dự kiến: 33,000 tỉ đồng (1.4 tỷ USD). Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào quý 2 năm 2024 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.

KẾT LUẬN

Là một quốc gia đang phát triển cho nên nhu cầu đầu tư cho hạ tầng tại Việt Nam là rất lớn. Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng thông qua các dự án có quy mô lớn ngày càng tăng vọt trong những năm gần đây cũng kéo theo đó nguy cơ tham nhũng lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư các dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang bộc lộ những kẽ hở qua đó tăng nguy cơ dẫn đến việc thất thoát, lãng phí. Việc công khai, minh bạch về danh mục dự án là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường tính cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn nhà đầu tư và hiệu quả dự án nhưng thực tế hiện nay qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, đa số các dự án PPP không thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định.

Tình trạng danh mục dự án PPP không được công khai là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt dự án chỉ định nhà đầu tư. Nguy cơ tham nhũng trong việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án PPP là rất rõ ràng. Trong năm 2018 có 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện. Việt Nam có thể học được nhiều điều từ Trung Quốc về những thất thoát trong những dự án đường bộ và đường xe lửa. Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 139 km, đi qua thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư hơn 34,500 tỷ đồng (1.5 tỷ USD) do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2013 và hoàn tất vào tháng 9 năm 2018 với hình ảnh ở dưới cũng đã nói lên mọi chuyện.

Ổ gà trên đường cao tốc cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới hoàn tất

THAM KHẢO

  1. Hệ thống đường cao tốc Việt Nam – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
  2. Hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam (Việt Nam) – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
  3. Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Wikipedia tiếng Việt
  4. Bài viết “Đến năm 2020 Việt Nam có những tuyến cao tốc nào? trên mạng Kinh tế Sài Gòn Online ngày 9/3/2016.
  5. Bài viết “Vì sao cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ì ạch suốt cả thập kỷ” trên mạng Zing.VN ngày 6/8/2019.
  6. Bài viết “Cao tốc TP HCM – Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành năm 2022” đăng trên mạng VNEzpress ngày 19/5/2020.
  7. Bài viết “Chống tham nhũng trong đầu tư cơ sở hạ tầng” trên mạng Đại Đoàn Kết ngày 19/2/2019.
  8. Bài viết “Tiến độ dự án cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận đang thi công đến đâu? trên mạng Invert.VN ngày 24/10/2019.
  9. Bài viết “Phân tích SWOT phương thức đầu tư PPP và vấn đề đặt ra hiện nay” trên mạng Tài Chánh Online ngày 11/6/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *