Việt Nam và bộ 4 Kim Cương

377 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Kinh tế thế giới là toàn bộ quá trình hoạt động của các nền kinh tế trong khối kinh tế chung toàn cầu, đó là nền kinh tế của hơn 190 nước (194 nước chính thức được công nhận) với toàn bộ các hoạt động kinh tế của hơn 7 tỷ người (2009) đang sinh sống. Kinh tế thế giới có liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề về chính trị, xã hội toàn cầu như môi trường, khí hậu, địa lý, dân số, sự gia tăng dân số … nên việc nghiên cứu về kinh tế của thế giới phải có sự tính toán đến các vấn đề trên.

Kinh tế thế giới

Dân số (5/2017): 7,391 triệu người
GDP (PPP): 65,000 tỷ USD (ước tính 2006)
GDP (Danh nghĩa): 46,660 tỷ USD (ước tính 2006)
GDP/đầu người (PPP): 10,000 tỷ USD (ước tính 2006)
GDP/đầu người (Danh nghĩa): 7,178 USD

Trong phạm vi bài này, người phụ trách chỉ đề cập đến sự tranh đua giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc:

  • Hoa Kỳ: Dân số 328 triệu dân – GPD (PPP) ước lượng 2018 với tổng số 20,891 tỷ USD, bình quân đầu người 62,606 USD (hạng 5).
  • Trung Quốc: Dân số 1.4 tỷ dân – GPD (PPP) ước lượng 2019 với tổng số 14,360 tỷ USD (danh nghĩa), bình quân đầu người 9,608 (hạng 67).

Xuất nhập khẩu, thặng dư/thâm thủng mậu dịch như sau:

  • Trung Quốc (2019): 2,497 tỷ USD xuất khẩu – 2,074 tỷ USD nhập khẩu – 423 tỷ USD thăng dư mậu dịch.
  • Hoa Kỳ (2016): 1,450 tỷ USD xuất khẩu – 2,250 tỷ USD – 800 tỷ USD thâm thủng mậu dịch.

Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khởi đầu vào ngày vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ USD cho hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Danh sách thuế quan trọng tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch Made in China 2025, bao gồm các sản phẩm liên quan đến CNTT và Robot. Nó cho phép tổng thống có thẩm quyền đơn phương áp dụng tiền phạt hoặc các hình phạt khác đối với một đối tác thương mại nếu nó được cho là không công bằng gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Hoa Kỳ. Vào tháng Tư, Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, Canada và các nước trong Liên minh châu Âu. Chính phủ Mỹ đang rất muốn giảm lệ thuộc của các chuỗi cung ứng hoàn cầu (global value chains) vào Trung Quốc, nhất là đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán đã cho Mỹ và thế giới thấy là đã phải dựa vào Trung Quốc quá nhiều trong việc sản xuất các đồ dùng khẩn yếu về y tế như thuốc men, vật dụng y tế…

Cơ quan nghiên cứu tại Washington – Mỹ có tên Heritage Foundatiton công bố tài liệu nghiên cứu cho rằng Quad thực ra có xuất xứ từ năm 2004, khi đó 4 thành viên Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã thành lập nhóm Nòng cốt khu vực (Regional Core Group). VQUAD (Bộ tứ kim cương) là cụm từ dùng để chỉ khuôn khổ hợp tác của bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. “Hội nghị trực tuyến QUAD-Plus” với sự tham gia của 7 nước nói trên bao quát các vấn đề như phát triển vắcxin, thách thức từ việc công dân bị kẹt lại nước sở tại, hỗ trợ các nước có nhu cầu và giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu.

Đối thoại chiến lược “tứ cường” giữa Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ được kỳ vọng không chỉ là mối quan hệ ngoại giao và chiến lược quan trọng, mà còn có tiềm năng trở thành mối quan hệ đối tác kinh tế lớn ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, từ thời điểm sơ khai, cả bốn quốc gia này dường như chưa bao giờ thống nhất được về khái niệm, nội hàm hay các chương trình nghị sự của liên minh đối thoại chiến lược này. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 năm 2020 đang phơi bày sự lệ thuộc của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ với các chuỗi cung ứng như nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, các thiết bị y tế, thiết bị điện tử … vào Trung Quốc. Nhận thấy điều đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cần phải xem xét lại một cách nhanh chóng việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.

Việt Nam và “Bộ tứ kim cương” ảnh 1

Bộ tứ kim cương: Hoa Kỳ – Ấn Độ – Nhật Bản – Úc Đại Lợi

Ngày 29/4/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết: “Chính phủ Hoa Kỳ đang hợp tác với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước”. Và Quad Plus dường như đã được định hình lại trong một nỗ lực “thoát Trung Quốc” từ các nước đang chìm sâu trong khủng hoảng COVID-19.

Mỹ mời Việt Nam đối thoại nhóm 'Bộ tứ kim cương' nhằm tái cấu trúc ...

Bộ tứ kim cương mở rộng: Hoa Kỳ – Ấn Độ – Nhật Bản – Úc Đại Lợi và Hàn Quốc – Tân Tây Lan – Việt Nam

Trong 7 nước tham dự được chia ra làm 2 loại theo quỹ Tiền tệ Quốc tế (GDP của mổi nước cần được lưu ý để phân biệt giàu nghèo):

Các nước thâm thủng mậu dịch:

  • Hoa Kỳ (2016): Xuất khẩu đạt 1,450 tỷ USD – Nhập khẩu đạt 2,250 tỷ USD – Thâm thủng mậu dịch: 800 tỷ USD – Bình quân đầu người 62,606 USD (hạng 5).
  • Ấn Độ (2019): Xuất khẩu đạt 314.3 tỷ USD – Nhập khẩu đạt 467.2 tỷ USD – Thâm thủng mậu dịch: 152.9 tỷ USD – Bình quân đầu người 2,036 USD (hạng 142).

Các nước thặng dư mậu dịch:

  • Úc Đại Lợi (2019): Xuất khẩu đạt 470.2 tỷ USD – Nhập khẩu đạt 421.4 tỷ USD – Thặng dư mậu dịch: 48.8 tỷ USD – Bình quân đầu người 56,352 USD (hạng 10).
  • New Zealand (2019): Xuất khẩu đạt 36.4 tỷ USD – Nhập khẩu đạt 34.7 tỷ USD – Thặng dư mậu dịch: 1.7 tỷ USD – Bình quân đầu người 41,267 USD (hạng 22).
  • Nhật Bản (2019): Xuất khẩu đạt 697.2 tỷ USD – Nhập khẩu đạt 671.0 tỷ USD –Thặng dư mậu dịch: 23.2 tỷ USD – Bình quân đầu người 39,306 USD (hạng 24).
  • Hàn Quốc (2017): Xuất khẩu đạt 577.4 tỷ USD – Nhập khẩu đạt 457.5 tỷ USD. Thặng dư mậu dịch: 119.9 tỷ USD – Bình quân đầu người 31,346 USD (hạng 28).
  • Việt Nam (2019): Xuất khẩu đạt 263.5 tỷ USD – Nhập khẩu đạt 253.5 tỷ USD – Thặng dư mậu dịch: 10 tỷ USD – Bình quân đầu người 3,151 USD (hạng 131).

Hiện Mỹ đang nỗ lực xem xét việc thiết lập một “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế” (Economic Prosperity Network), gồm một nhóm các đối tác đáng tin cậy như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand để hoạt động trên các tiêu chuẩn giống nhau trong mọi thứ, từ kinh doanh đến kỹ thuật số, năng lượng, cơ sở hạ tầng, đến nghiên cứu, giáo dục …

Phân tích thêm về vị trí mổi nước trong nhóm thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc Đại Lợi và New Zealand là các nước phát triển, có thặng dư mậu dịch và chung quyền lợi chiến lược với Hoa Kỳ về cả 2 phương diện kinh tế và quân sự. Hoa Kỳ có thể phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc trong công nghệ cao cũng như lãnh vực quân sự. Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan giúp bảo vệ mạn sườn phía Nam. Ba thập niên qua, Trung Quốc là bạn hàng quan trọng nhất của Úc, chiếm đến hơn 1/3 hàng hóa Úc xuất cảng ra thế giới, Trung Quốc mua một số lượng rất lớn quặng mỏ và sản phẩm nông nghiệp Úc. Dù đang thâm thủng mậu dịch vẫn bị Trung Quốc dọa không mua than đá, lúa mạch, rượu vang, thịt bò, sẽ không du lịch nước Úc và sẽ không cho con cái đến Úc du học vì vụ COVID-19. Ấn Độ cũng chỉ là nước đang phát triển nhưng lại giúp bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương và có đủ khả năng, nhân lực nhận từ 30-40% chuổi cung ứng từ Trung Quốc. Số còn lại có thể giao cho Mexico, các nước ASEAN và Việt Nam. Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Đối với các nước liên hệ, Việt Nam có GDP thấp nhất. Sự phát triển kinh tế trong 2 năm vừa qua cũng như cách đối phó tốt đẹp trong đại dịch COVID-19 đã nâng cao vị thế của Việt Nam trong tranh chấp khu vực. Ngoài ra còn vấn đề tranh chấp tại Biển Đông mà Việt Nam nhận áp lực nặng nề nhất từ Trung Quốc.  

CĂN BẢN CỦA NỀN KINH TẾ HOA KỲ

Trong tranh chấp thương mãi với Trung Hoa, chính phủ Mỹ muốn là một chuyện mà có được hay không lại là chuyện khác. Căn bản của doanh nghiệp Mỹ là lợi nhuận. Sau hơn 4 thập niên phát triển thì tận dụng thị trường 1.4 tỷ dân thì không dễ gì cho các đại công ty Hoa Kỳ cũng như ngoại quốc. Trung Quốc có thể chế bất kỳ món hàng gì mà dân chúng trong nước cần với giá cả rẻ hơn nhiều. Việc thiết lập một mạng lưới thịnh vượng kinh tế là điều Hoa Kỳ phải làm nếu không muốn để Trung Quốc vượt qua trong 1,2 thập kỷ đến.

Theo một cuộc khảo sát với 239 công ty Mỹ, khoảng 1/5 các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đang xem xét chuyển một phần hoặc toàn bộ sản xuất ra khỏi đất nước này. Số lượng này thực sự vẫn là nhỏ trong bối cảnh có hàng ngàn công ty Mỹ rót tiền vào quốc gia tỷ dân. Dù Nhà Trắng nói gì thì trên thực tế thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc không trực tiếp làm nước Mỹ giảm thâm thủng mậu dịch. Nước Mỹ vẫn cần hàng hóa giá rẻ từ các quốc gia nhỏ hơn để có lợi cho sự tiêu thụ của dân chúng. Chắc chắn Mỹ cũng có thể giảm bớt một phần sự thâm thủng mậu dịch với các nước khác. Sự phân tách nên được hiểu là có lợi cho an ninh quốc gia hơn là một lựa chọn để kích thích kinh tế. Nguyên tắc căn bản là Hoa Kỳ chỉ giữ lại Trung Quốc những công ty mà 2/3 số lượng sản xuất sẽ được tiêu thụ ngay nước này.

Đặc biệt, Mỹ đang xúc tiến hình thành một liên minh “những đối tác đáng tin cậy” gọi là “Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế”. Liên minh này sẽ bao gồm các công ty và những tổ chức hiệp hội hoạt động theo cùng một hệ thống tiêu chuẩn trên mọi lĩnh vực từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng, hạ tầng cho đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục. Hôm 29/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang cộng tác với “các quốc gia bạn bè” trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Nhật, Úc, New Zealand và Việt Nam, để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu” và tìm cách tái cấu trúc “chuỗi cung ứng nhằm ngăn chặn điều tương tự (sự gián đoạn do đại dịch COVID-19) xảy ra lần nữa”. Mục đích chính là giảm sự chi phối của Trung Quốc trên nền kinh tế toàn cầu.

VỊ THẾ CỦA TRUNG QUỐC

Năm 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang dần đuổi kịp Mỹ, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhiều nhà kinh tế dự báo GDP của Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ vào khoảng năm 2030. Tuy nhiên, xét trên tiêu chuẩn sống tại các quốc gia – điều chỉnh theo sức mua, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới từ năm 2014, theo WB. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước sản xuất hàng đầu của thế giới vào năm 2010 và cung ứng 28% sản lượng toàn cầu vào năm 2018, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn còn là một điểm đến quan trọng đối với nhiều công ty Mỹ và nước khác do hệ sinh thái cung ứng công nghệ cao. Các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc có một mạng lưới chặt chẽ của các nhà sản xuất và nhà cung cấp rộng lớn, hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng của Hoa Kỳ, giao hàng đúng thời gian, chứng nhận an toàn và sản xuất theo khối lượng lớn.

Chart1

Kinh tế Trung Quốc 1961-2018

Câu hỏi được đặt ra là bách phân các công ty ngoại quốc sẽ chuyển ra khỏi Trung Quốc. Một thí dụ điển hình là sự tập trung sản xuất của Apple tại Trung Quốc. So sánh Apple (doanh thu 260 tỷ) với Samsung (doanh thu 206 tỷ) thì Apple dùng 3 hảng sản xuất Foxconn, Pegatron và Luxshare tại Đài Loan. Tại Trung Quốc, Foxconn hiện có diện tích nhà máy lên đến 3.6 km² với hơn 1.3 triệu lao động. Pegatron có 90,000 nhân viên tại Hoa Lục với sẵn các kỹ sư có tay nghề cao, các nhà cung cấp dựa trên giá trị gia tăng và đổi mới có thể đưa ra mức giá cạnh tranh tốt cũng như các dịch vụ hậu cần đáng tin cậy, giao thông, cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện nước. Trong khi đó, Samsung có hơn 300,000 nhân công tại Việt Nam. Viễn kiến của Samsung đã mang lại quả ngọt cho hãng này. Apple đã chậm trể khi phải quyết định thời điểm sớm nhất khi phải thay đổi nguồn cung cấp. Apple đã kêu gọi các đơn vị gia công chuyển 15%-30% sản lượng iPhone khỏi Trung Quốc. HP và Dell, những nhà sản xuất PC hàng đầu, cũng nghĩ đến việc chuyển 30% sản lượng máy tính xách tay sang khu vực Đông Nam Á. Bây giờ, việc dời các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc đòi hỏi thời gian 3-5 năm và rất nhiều công sức. Tháng 3/2007, Foxconn và Pegatron bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh của Viêt Nam. Tháng 7/2020, Foxconn đề xuất đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội để tạo lập chỗ ở cho công nhân tại miền Bắc, cạnh các khu công nghiệp của tập đoàn này tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư hơn 7,300 tỷ đồng (317 triệu USD). Giá trị xuất khẩu các nhà máy của Foxconn tại Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 3 tỷ USD, dự kiến tăng lên 6 tỷ USD trong năm 2020. Tập đoàn này đang sử dụng khoảng 50,000 lao động Việt Nam, với mức lương chi trả người lao động bình quân từ 10 – 12 triệu đồng/tháng. Apple cũng đang dùng Luxshare để bổ sung cho Foxconn. Nikkei đưa tin Luxshare đẩy mạnh sản xuất AirPods tại Việt Nam, theo đó, khoảng 3-4 triệu tai nghe, tức 30% tổng sản lượng AirPods, sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào quý 2 từ cụm nhà máy Luxshare-ICT tại Bắc Giang và Nghệ An. Luxshare dự trù có 60,000 công nhân tại Việt Nam. Như vậy, có thể từ 30 – 50% công ty ngoại quốc sẽ di chuyển khỏi Trung Quốc với nguyên tắc ngành nghề nào sản xuất ở Trung Quốc mà đại đa số tiêu thụ ở Trung Quốc thì giữ lại ở Trung Quốc, còn ngành nghề nào sản xuất ở Trung Quốc mà hai phần ba bán cho Mỹ và các nước khác thì nên di chuyển.

Apple's AirPods fire up Luxshare, one of Asia's top stocks ...

Airpods from Luxshare

Nói tóm lại, về kinh tế thì Trung Quốc đã bị tổn hại nặng nề bởi Covid-19. Năm 2020 sự phát triển của Trung Quốc có lẽ là con số không, tệ nhất kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa năm thập niên về trước. Trung Quốc dự tính nỗ lực gia tăng gấp đôi tổng sản lượng GDP trong vòng một thập niên để ăn mừng kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm tới 2021, nhưng điều đó là bất khả bởi nhiều yếu tố.

VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC LIÊN MINH

Hiện nay, các chuỗi cung ứng liên quốc gia đã được hoàn thiện trong 3-4 thập niên tại Trung Quốc nên các doanh nghiệp không thể một sớm một chiều dịch chuyển sang các nước khác như Ấn Độ, Mexico, Việt Nam cũng như các nước tại Đông Nam Á. Chính phủ Mỹ sẽ thành công, nhưng cũng sẽ mất thời gian khá dài mới đem phần lớn các công ty Mỹ và các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Hy vọng chúng ta có thể tận dụng thời gian này để chuẩn bị đầy đủ hầu có thể đem các công ty này vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á, với dân số khoảng 500 triệu dân có thể cùng Ấn Độ nhận khoảng từ 50% đến 75% lượng hàng hóa đang sản xuất tại Trung Quốc. Nhóm QUAD + sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự nhằm giảm đi sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong việc đảm bảo nguồn cung nhất là trong các trường hợp khẩn cấp.

Vai trò của Ấn Độ: Trong “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”, chỉ có Ấn Độ là thuộc nhóm các nước đang phát triển như Việt Nam, còn ngoài ra là các nước phát triển.

Do đó gần nhất là chúng ta phải để ý đến những gì Ấn Độ đang làm. Hiện tại Ấn Độ đã liên lạc để lôi kéo trên 1,000 công ty ngoại quốc, đa số là Mỹ, ở trong các lãnh vực y tế, công kỹ nghệ hiện đang có chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Trong số 1,000 công ty này, có trên 300 công ty đã bắt đầu chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng thế giới từ Trung Quốc qua Ấn Độ.  Các công ty này nằm trong các lĩnh vực điện thoại di động, điện tử, dụng cụ y khoa, và dệt may.

Ấn Độ đang cố gắng đưa ra những gói ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư từ Mỹ.  Ấn độ đã hạ mức thuế doanh nghiệp từ 25% xuống đến 17%, một trong những mức thuế thấp nhất ở châu Á nhằm khuyến khích đem FDI vào nội địa. Nước này cũng đang kiếm cách giảm giá sản xuất để làm cho việc đầu tư trở nên hấp dẫn hơn.  Theo sự tính toán của họ, giá lao động của các nước châu Á như Việt Nam rẻ hơn khoảng 10-15 % nhưng bù lại với dân số 1.2 tỷ người, họ có thể hấp dẫn các công ty Mỹ bám vào thị trường nội địa và yếu tố này có thể bù lại 6-7%. Như vậy, giá sản xuất của họ sẽ gần với các nước châu Á khác. Nói tóm lại, Ấn Độ có thể nhận khoảng 20 – 30% lượng dịch chuyển từ Trung Quốc.

Vai trò của Mexico: Mexico nằm trong NAFTA và gần Hoa Kỳ nhất, giá nhân công vẫn đang còn rẻ, có thể nhận thêm 10% lượng dịch chuyển từ Trung Quốc.

Vai trò của Úc Đại Lợi: Úc hiện phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc với gần 33% sản phẩm xuất khẩu được bán sang thị trường này. Các mặt hàng nông sản cũng như dịch vụ giáo dục quốc tế và du lịch mang lại nguồn thu lớn cho Úc, trong khi khoảng một nửa hàng xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc là quặng sắt. Cựu Đại sứ Úc tại Trung Quốc cho rằng, có khả năng Canberra sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương tiện khác để chống lại Trung Quốc nhằm thể hiện sự ủng hộ với các chính sách của Mỹ.


Úc có dễ “thoát” Trung Quốc?

Vai trò của các nước ASEAN: Việt Nam cần nhớ rằng Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar đều quyết tâm tận dụng cơ hội từ thương chiến và cả đại dịch. Các nước này có tiềm năng hấp dẫn đầu tư của Mỹ và châu Âu và sẽ là những nước cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam, có thể nhận ít nhất 30 – 40% lượng dịch chuyển từ Trung Quốc. Trong số 56 công ty đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 8 năm 2019, 26 công ty chuyển đến Việt Nam, 11 công ty đến Đài Loan và 8 công ty sang Thái Lan và chỉ có 2 công ty đến Indonesia. Những ngày qua, thông tin Indonesia đã tranh thủ “đón lõng” các công ty Mỹ nằm trong diện di dời sản xuất từ Trung Quốc sang đang thu hút sự quan tâm chú ý. Chính phủ Indonesia đang có các cuộc đối thoại về khả năng sẽ thu hút đầu tư từ các công ty dược phẩm Mỹ có nguyện vọng muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Khu công nghiệp Brebes rộng 4,000 ha ở miền Trung đảo Java là ứng cử viên sáng giá cho cuộc “di cư của các công ty đa quốc gia thuộc sở hữu của Mỹ sẽ được chuyển đến Indonesia”.

Vai trò của Việt Nam: Đây là một cơ hội bằng vàng để Việt Nam đưa các doanh nghiệp Mỹ này vào đầu tư vì những tiến bộ kinh tế trong 2 năm vừa qua và thành công vượt bực trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Việt Nam đủ sức nhận khoảng 20% và tối đa là 30% lượng dịch chuyển từ Trung Quốc nhất là trong các lãnh vực công nghệ cao, may mặc, thực phẩm. Việt Nam đã chứng tỏ khả năng cung cấp cho thế giới những sản phẩm với chất lượng tốt với giá thành rẻ hơn.

Hiện tại so với các nước khác, Việt Nam đang có nhiều ưu điểm như lao động cần cù, thông minh, mức lương thấp. Tuy nhiên yếu điểm là cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu, cơ chế quản trị còn nặng nề, các chính sách chưa thông thoáng … Những điểm này, Việt Nam cũng đã biết nhưng cần thời gian để khắc phục.

Thứ nhất là Việt Nam phải biết khuyến khích ngoại quốc đầu tư vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt mà Việt Nam đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đó là những ngành công kỹ nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của dân Việt Nam. Ngoài yếu tố quan trọng là mức lương (lao động, chuyên viên) thấp, còn có các yếu tố quan trọng khác chẳng hạn như sự hiện diện của các kỹ sư có tay nghề cao, của các nhà cung cấp có giá trị cao và sáng tạo để có thể đưa ra mức giá cạnh tranh và sự hiện diện của các dịch vụ hậu cần đáng tin cậy, cũng như giao thông, các cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện nước. Bài viết của tác giả ngày 4/23/2020 về lãnh vực giáo dục của 2 tập đoàn FPT và VinUni đã nói lên một phần trong nỗ lực dài hạn của Việt Nam để giải quyết vấn đề này.

Việt Nam cần ấn định bảng danh sách những sản phẩm hay phân ngành (products or subsectors) hiện đang có giá trị tăng trưởng cao để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng mà một mặt khác nằm trong khả năng mình có thể sản xuất.  World Bank đã làm nghiên cứu cho 2 nước Mexico, Maroc và Việt Nam cũng cần làm như vậy. Chính phủ phải thảo luận và giúp các doanh nghiệp tư nhân về các rào cản hay vướng mắc khi đi vào sản xuất các sản phẩm hay phân ngành này cũng như lập ra các gói khuyến khích để thu hút FDI vào giải quyết những rào cản nầy. Việt Nam sau đó phải xem xét lại chính sách để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lĩnh vực có giá trị tăng trưởng cao để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; nâng tỷ lệ nội địa hóa, và ngăn chặn đầu tư không thân thiện với môi trường. Mục đích chính là giúp các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới. Điều này đòi hỏi những cải tổ theo chiều sâu như giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đối xử bình đẳng các nhà xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp; khuyến khích phát triển các cụm sản xuất (clusters); đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ (plug-and-play) và các khu công nghệ; khuyến khích và tăng cường liên

Điều quan trọng là muốn Việt Nam phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân thì phải nâng cấp các doanh nghiệp tư nhân hoặc các công ty gia đình Việt Nam trong nước để gia nhập và cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới. Do đó, vấn đề cần nhất của Việt Nam là làm sao để các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới. Đó là cách tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài nhất.

Việt Nam đã thành công trong lãnh vực các công ty dệt may, quần áo và giày dép có chi phí lao động thấp. Trong thời điểm sắp đến, Việt Nam phải tập trung chủ yếu ở các địa điểm công nghệ cao như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang nắm giữ.

KẾT LUẬN

Trong 2-3 sắp đến, vấn đề dịch chuyển các công ty ngoại quốc ra khỏi Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn tất. Bộ mặt Đông Bắc Á và Đông Nam Á chắc chắn sẽ thay đổi nhiều. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không ngồi yên nhìn Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh tái phối trí bàn cờ mới. Không ai có thể tiên đoán chính xác những gì sẽ xảy ra.

THAM KHẢO

  1. Kinh tế Hoa Kỳ – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
  2. Kinh tế Trung Quốc – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
  3. Bài viết “70 năm bùng nổ kinh tế của Trung Quốc qua 4 biểu đồ” đăng trên mạng VN Economy ngày 18/5/2020.
  4. Chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung 2018-2019.
  5. Bài viết “Chuyên gia kinh tế người Việt tại Mỹ: Nếu thành công, tối thiểu 3 – 5 năm các nước mới mang được phần lớn các chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc!” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 14/5/2020.
  6. Bài viết “Mỹ quyết tâm đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc: Cơ hội ‘trăm năm có một’ cho Việt Nam? đăng trên đài VOA ngày 18/5/2020.
  7. Bài viết “Việt Nam hay Indonesia sẽ có cơ hội thắng trong việc đón nhà máy từ Trung Quốc vào Đông Nam Á? đăng trên đài mạng Cafef.VN ngày 22/5/2020.
  8. Bài viết “Ông Trump quyết định chuyển 27 công ty từ Trung Quốc tới Indonesia đăng trên đài mạng VNF ngày 18/5/2020.
  9. Bài viết “Foxconn muốn rót hơn 7,300 tỷ xây nhà cho công nhân tại 3 tỉnh ở Việt Nam” đăng trên đài mạng Vietnam Finance ngày 1/7/2020.
  10. Bài viết “Cuộc đua đón FDI khu vực Đông Nam Á đang khốc liệt ra sao?” đăng trên đài mạng Cafef.VN ngày 4/7/2020.
  11. Bài viết “Báo Trung: Điểm mạnh, điểm yếu của Indonesia so với Việt Nam trong việc đón công ty rời Trung Quốc là gì?” đăng trên đài mạng Cafef.VN ngày 5/7/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *