Bệnh nhân COVID-19 số 91

365 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Bài viết này nói về những người đã không quản hiểm nguy với căn bệnh quái ác này, ngày đêm miệt mài, kiên nhẫn điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân số 91 trong 4 tháng qua, mà còn làm rung động hàng triệu trái tim người Việt từng giờ, từng phút mong ngóng sự kỳ diệu từ ca bệnh này như nắng hạn chờ mưa. Đây là một ca bệnh cực kỳ đặc biệt trong kỳ tích chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Đặc biệt vì đây là ca bị nặng nhất, điều trị lâu nhất, tốn kém nhất và ít hy vọng nhất. Tuy nhiên, tinh thần “còn nước còn tát” của các giới chức Y tế Việt Nam, của lãnh đạo hai Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ, y tá chăm sóc bệnh nhân đã tạo niềm tin và động lực giúp người bệnh vượt qua được những lúc hiểm nghèo nhất.

Điều đặc biệt là rất ít thông tin về tên tuổi, nhân thân của anh được biết. Những gì được nhắc đến chỉ là mấy từ ngắn gọn “Bệnh nhân 91” hay “Bệnh nhân (phi công) người Anh”. Sau này mới biết được tên anh là Stephen Cameron, 43 tuổi, trú tại quận 2, phi công hãng hàng không Vietnam Airlines, từ ngày 13 đến 18/3 anh lưu trú tại TP.HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, sau đó xác định dương tính. Bệnh nhân khẳng định không có gia đình, không có bố hay anh em, mẹ đã mất. Câu chuyện của anh gợi cho người ta nhớ đến một bộ phim cùng tên đã xuất sắc giành được 9 giải Oscar, 2 giải Quả cầu vàng và 5 giải BAFTA cho phim hay nhất vào năm 1997Bộ phim kể về một phi công người Anh bị thương nặng trong một chiếc máy bay bị bắn rơi xuống khu vực sa mạc Sahara trong Thế chiến II. Sau tai nạn máy bay, bệnh nhân người Anh không nhớ được một chút gì về mình cũng như tất cả những gì đã xảy ra. Anh ta được tạm đặt tên là “bệnh nhân người Anh” và được chuyển cho cô y tá Hana chăm sóc tại một khu tu viện bỏ hoang trong chiến tranh. Với lòng yêu thương và sự chăm sóc chân thành, dịu dàng và rất đỗi ân cần của Hana, “Bệnh nhân người Anh” đã dần hồi phục và kể lại cho cô nghe về quá khứ và lai lịch nhân thân của mình.

Báo chí quốc tế những ngày qua đã có nhiều bài ca ngợi thành công kép của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 và trong việc cứu chữa cho bệnh nhân phi công người Anh này. Trên trang chính của các hãng thông tấn lớn như BBC, Reuters, Daily Mail…  đã có nhiều bài viết ca ngợi các bác sĩ, y tá Việt Nam đã rất kiên nhẫn chữa trị cho bệnh nhân phi công người Anh. Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, người dân bày tỏ sự tin tưởng, khâm phục dành cho các bác sĩ, y tá – những “chiến sĩ áo trắng” – xung phong trên tuyến đầu chống giặc Covid-19. “Bệnh nhân người Anh” ngày xưa và “Bệnh nhân (phi công) người Anh” hôm nay – hai nhân vật, hai số phận, hai cuộc đời, hai hoàn cảnh ở hai thời điểm khác nhau nhưng có chung một bài học về tình người, tình yêu thương không biên giới đã giúp cho họ vượt qua những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời.

Việt Nam đã viết lên một câu chuyện cổ tích đẹp thời hiện đại.

Phi công người Anh đẹp trai lúc mới nhập viện

DIỄN TIẾN

Tiến trình điều trị bệnh nhân người Anh như sau:

  • 16/3: Phi công chuyến VN72 – TP.HCM – Hà Nội
  • 17/3: Bệnh nhân khởi phát ho sốt
  • 18/3: Nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM
  • 25/3: Bắt đầu thở oxy qua mặt nạ
  • 5/4: Thở máy xâm lấn
  • 6/4: Bắt đầu sử dụng ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation
  • 13/5: Cả hai phổi xơ hóa, chỉ còn 10% hoạt động – Tính đến phương án ghép phổi
  • 14/5 – 18/5: Phổi phục hồi một cách kỳ diệu
  • 20/5: Hết nCoV – Âm tính 5 lần trong 10 ngày
  • 22/5: Chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy
  • 27/5: Ngưng lọc máu
  • 2/6: Bắt đầu thực hiện được y lệnh của bác sĩ
  • 4/6: Ngưng dùng ECMO
  • 9/6: Tự ngồi dậy được
  • 13/6: Ngưng thở máy, tự thở hoàn toàn trong 24 giờ
  • 15/6: Bắt đầu đứng được và tập đi
  • 22/6: Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân có thể đi lại được trong 3 tuần tới.
  • 3/7: Bệnh nhân số 91 được chính thức công bố khỏi bệnh Covid-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly.
  • 11/7: Bệnh nhân 91 được xuất viện và trở về quê hương, kết thúc hành trình 116 ngày điều trị Covid-19 tại Việt Nam.
  • 12/7: Chiếc Boeing 787-10 của Vietnam Airlines đã đưa nam phi công người Anh về nước, hạ cánh xuống sân bay Heathrow (London, Anh).

Diễn biến chi tiết:

  • Ngày 18/3, bệnh nhân 91 được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong trạng thái sức khỏe bình thường. Nam bệnh nhân này là phi công, quốc tịch Anh, bị nhiễm bệnh do đến quán bar Buddha ở Quận 2- nơi khởi phát ổ dịch COVID-19 lớn nhất trên địa bàn TP.HCM từ trước đến nay. Trong những ngày đầu, bệnh nhân sức khỏe tốt, vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường như nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 khác. Tuy nhiên bệnh nhân từ chối không sử dụng suất ăn bệnh viện cung cấp do đồ ăn Việt Nam có nhiều gia vị, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phải tìm đủ mọi cách như giảm bớt gia vị, đặt đồ ăn bên ngoài nhưng bệnh nhân này vẫn không chịu ăn, kể cả uống sữa. Vấn đề hợp tác với đội ngũ y bác sỹ cũng rất khó khăn, dù lấy mẫu phết mũi hay lấy máu, bệnh nhân đều không hợp tác, nhân viên bệnh viện phải thuyết phục rất nhiều lần. Bệnh nhân nặng tới 100 kg, rất cao lớn, dù nằm ở trong phòng cách ly áp lực âm rất lạnh nhưng luôn kêu nóng. “Thời gian đầu đúng là bệnh nhân rất khó chịu, nhưng chúng tôi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân thật tốt, đáp ứng mọi yêu cầu của họ trong khả năng của mình. Hệ miễn dịch của “bệnh nhân 91” đã phản ứng quá mức khi bị nCoV tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể. Ở thời điểm nặng nhất, các phác đồ điều trị COVID-19 trên thế giới cũng chưa thống nhất, do đó quá trình điều trị cho bệnh nhân này gặp muôn vàn khó khăn khi đội ngũ y bác sỹ phải vừa điều trị, vừa mày mò tìm tòi các phương án tiếp theo. Một nhóm chat online gồm các chuyên gia đầu ngành về chuyên ngành hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập với mục đích tập trung theo dõi và hội chẩn về bệnh nhân 91. Tình hình bệnh nhân luôn được cập nhật, thảo luận liên tục bất kể ngày hay đêm. Và chính đội ngũ này đã đưa ra các chỉ định quan trọng trong những thời điểm quyết định sự sống còn của bệnh nhân 91.  
  • Lúc bệnh nhân cởi mở hơn, hợp tác với nhân viên y tế thì cũng là lúc bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, suy hô hấp tăng dần, phải hỗ trợ thở oxy qua đường mũi. Kể từ đó bệnh nhân 91 hoàn toàn nằm một chỗ, ăn qua đường tĩnh mạch và các nhân viên y tế cũng phải chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân này. Ngày 13/5, hai phổi xơ hoá, chỉ còn 10% hoạt động. Từ lúc chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong nếu rời ECMO. Phổi của bệnh nhân này vừa bị tổn thương do nCoV, vừa do chính cơ thể tiết ra chất chống viêm làm ảnh hưởng. Giải pháp điều trị các bác sĩ chọn lúc này là duy trì can thiệp ECMO để giúp “phổi hoạt động không tải”. Phổi tạm nghỉ nhiệm vụ cung cấp oxy cho toàn cơ thể mà chỉ thở để nuôi chính nó, chờ phản ứng viêm qua đi. Thời gian này có thể tính bằng tuần hoặc tháng, bác sĩ cho biết. Các chuyên viên bắt đầu thảo luận giải pháp ghép phổi.
  • Như một điều kỳ diệu, kỳ tích sau 10 ngày tiếp theo là sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần với các dấu hiệu sinh tồn ổn định, 30% phổi được hồi phục. Các thông số hô hấp đang cải thiện tốt. Kết quả siêu âm tim cho thấy tim co bóp đồng bộ, tràn dịch màng tim lượng ít. Phổi trái tràn dịch ít, không tràn khí; còn phổi phải tràn dịch ít, tràn khí khu trú vùng cạnh ức. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân âm tính lần thứ 6 liên tiếp với virus SARS-CoV-2. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM đã hoàn thành sứ mệnh khi điều trị bệnh nhân 91 không còn virus SARS-CoV-2. Chiều 22/5, bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công người Anh) được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM về Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị, kết thúc 65 ngày “cân não” giành giật sự sống cho bệnh nhân này. Đã có ít nhất 60 người, bao gồm cả các bác sĩ, y tá, phóng viên, cựu chiến binh … tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân người Anh. Bộ Y tế, trưa 17/6 cho biết phổi bệnh nhân đang hồi phục tốt, đã tự thở, không cần phải ghép phổi.
  • Tiểu ban điều trị, Bộ Y tế chiều ngày 13/6 thông báo một tiến bộ mới trong quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng nhất ở Việt Nam – bệnh nhân 91: anh đã ngưng được thở máy, tự thở hoàn toàn.
  • Chiều 20/6, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia cho biết bệnh nhân phi công người Anh đã tự thở hoàn toàn, đủ điều kiện rời khu hồi sức tích cực và các bác sĩ Việt Nam sẽ điều trị đến khi bệnh nhân có khả năng tự phục vụ. Sau 8 ngày cai máy thở, hôm nay bệnh nhân phi công người Anh đã tự thở được hoàn toàn bằng không khí phòng, không phải hỗ trợ oxy, đủ điều kiện rời ICU (khoa hồi sức tích cực) và chuyển sang phòng phục hồi chức năng vận động và đáp ứng với gắng sức. Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi điều trị cho bệnh nhân, cũng cho biết bệnh nhân đã dừng tất cả các kháng sinh và kháng nấm đường tĩnh mạch, chỉ còn sử dụng một thuốc kháng nấm dạng uống, ăn uống qua đường tiêu hoá bình thường, tuy nhiên bệnh nhân ăn uống còn kém. Bệnh nhân giao tiếp tốt bằng lời nói, sức cơ 2 tay về bình thường, cơ 2 chân hồi phục 4/5. Bệnh nhân đã tự thở được, để tránh nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất đưa ra khỏi khoa hồi sức tích cực để sang khoa khác. Trước mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất có thể cho bệnh nhân xuất khoa, tức là ra khỏi Khoa hồi sức tích cực để chuyển khoa Phục hồi chức năng để tiếp tục điều trị phục hồi chức năng. 
  • BS Trần Đăng Khoa- Trưởng khoa Phục hồi chức năng, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện bệnh nhân tập phục hồi chức năng 2 buổi sáng – chiều, gồm tập thở, tập vận động, giao tiếp và chức năng sinh hoạt hàng ngày, tập kháng trở có trợ giúp … tâm lý của bệnh nhân vui buồn thường xuyên, có lúc khóc, các nhân viên y tế phải động viên, dỗ dành. bệnh nhân có nguyện vọng trở về quê nhà. Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia cũng lưu ý đến việc phục hồi chức năng tâm lý vì bệnh nhân đã có quá trình nằm viện lâu dài. Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức nặng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để đảm bảo an toàn khi di chuyển.
  • Ngày 19/6, bệnh nhân chia sẻ với các bác sĩ “mong muốn sớm xuất viện để về nước”, anh cho biết không còn người thân, chỉ có một người bạn ở Scotland. Người bạn này tuần trước đã gửi tặng anh chiếc khăn có dòng chữ “Motherwell” – tên đội bóng ở quê hương yêu thích.  Nguyện vọng của bệnh nhân hiện nay là sớm được xuất viện về quê hương, tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt (không có người thân), tiểu ban điều trị cho biết sẽ điều trị đến thời điểm bệnh nhân tự phục vụ, trong lúc đó cơ quan ngoại giao sẽ làm thủ tục để chuyển về nước theo dõi.

Bệnh nhân nhận chiếc khăn có dòng chữ “Motherwell” – tên đội bóng ở quê hương yêu thích

  • Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho biết công ty cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân đã chi trả viện phí cho bệnh nhân trong thời gian bệnh nhân điều trị tại bệnh viện này (từ 18/3 – 22/5). Số tiền chi trả hiện chưa được công bố, nhưng giai đoạn bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM viện phí ước tính khoảng 3 tỷ đồng (135,000 USD).
  • Chuyến bay chở bệnh nhân đã hạ cánh Hà Nội lúc 21h30 ngày 11/7. Đội y tế với sự hỗ trợ của nhân viên cảng hàng không đang đưa phi công người Anh xuống xe cứu thương để di chuyển sang Cảng quốc tế để lên chuyến bay đi Frankfruit lúc 23h. Việc hỗ trợ y tế cho nam phi công người Anh trên chuyến bay hồi hương là các bác sĩ và y tá của phòng khám Quốc tế Family Medical Practice (FMP) ở 2 cơ sở TP.HCM và Hà Nội. Được biết, FMP là đơn vị đầu tiên ở Châu Á đã vận chuyển thành công 2 ca ECMO, đưa Việt Nam vào danh sách số ít các quốc gia có thể tiến hành thành công việc vận chuyển ca bệnh phức tạp bằng đường hàng không trên thế giới.

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ TÌNH NGƯỜI

  • Bệnh nhân 91, thường được báo chí Việt Nam gọi là “phi công người Anh”, đến từ vùng North Lanarkshire, Scotland. “Anh ấy bắt đầu công tác và đang được huấn luyện về tiêu chuẩn làm việc của Vietnam Airlines từ tháng 12/2019. Ngày 16/3/2020, phi công thực hiện chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Việt Nam với tư cách cơ phó máy bay Boeing 787”, ông Nguyễn Đăng Quang – Phó đoàn trưởng Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines – chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
  • Lằn ranh sinh tử: Phi công người Anh là một trong hai ca nhiễm COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam, phải chạy máy ECMO. Điều trị cho bệnh nhân này luôn có một ê kíp túc trực, gồm một bác sĩ và hai điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngay bên bệnh nhân để theo dõi sát những diễn biến. Do đây là căn bệnh lây nhiễm, bác sĩ, điều dưỡng trực đều phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng để tránh lây bệnh, cứ 3-4 giờ lại phải thay êkip trực trong phòng áp lực âm. Bệnh nhân này đã có nhiều giai đoạn nguy kịch, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Đó cũng là những lần nhóm chuyên viên “thót tim” theo diễn biến của bệnh nhân. Đỉnh điểm của cơn “thót tim” này là khi hai phổi của bệnh nhân đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Các bác sĩ đã tìm mọi cách điều trị để nâng chức năng hoạt động của phổi lên được 20% … Điều trị cho ca bệnh nặng này cần đến sự tham gia của cả một tập thể từ ban giám đốc bệnh viện đến các y bác sĩ điều trị trực tiếp. Ngoài ra còn phải kể đến sự tham gia hội chẩn trực tuyến bất kể ngày hay đêm của các chuyên gia hàng đầu từ Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mỗi khi bệnh nhân có những diễn tiến nguy kịch.
  • Câu chuyện của phi công người Anh không chỉ là sự hồi sinh của một bệnh nhân từng cận kề cửa tử. Đó là sự kỳ diệu của sự sống, của tình người không biên giới. Anh đã sống lại và kể về câu chuyện có ai đó ở bệnh viện mua cho một phần thức ăn McDonald, dù không đói nhưng trân trọng sự tận tâm của y bác sĩ. Anh đã kể về những lời y bác sĩ thì thầm vào tai, “họ động viên tôi không được bỏ cuộc, có thể làm được tốt hơn những gì mình đang làm”…
  • Đó là những điều anh nghe và thấy sau khi tỉnh lại. Hành trình 90 ngày (từ 18/3) hẳn sẽ còn biết bao câu chuyện chỉ những y bác sĩ cận kề bên anh mới tỏ tường. Từ khi bệnh càng nặng dần, đến lúc hai phổi anh xơ hóa, đông đặc chỉ còn 10% hoạt động có biết bao điều cảm động. Từ chuyện 59 người Việt tình nguyện hiến tặng phổi để ghép phổi cho anh và những chuyện chưa kể về những ca trực của y bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để gìn giữ sự sống và cố gắng phục hồi phổi cho bệnh nhân.
  • Tròn một tháng được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ như trút được tâm trạng thấp thỏm âu lo khi sức khỏe bệnh nhân tiến triển ngoạn mục. Trên giường bệnh, ông đã có thể thực hiện được các cử động tập đi đứng, đánh răng, cười nói… Bác sĩ Phan Thị Xuân, trưởng khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Chợ Rẫy) – nơi đang điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh, nói rằng mục đích chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Chợ Rẫy là để ghép phổi nhưng trong thâm tâm chị vẫn hi vọng điều ấy không xảy ra. “Thực sự giữ lại được phổi vẫn tốt hơn rất nhiều phổi được ghép. Bởi bệnh nhân có thể chết ngay sau khi ghép do dùng rất nhiều thuốc ức chế miễn dịch. Thành ra lúc ấy chúng tôi cố gắng hết sức để giữ lại phổi. Từ chỉ 1 loại thuốc ban đầu, êkip quyết định dùng cùng lúc 3 loại thuốc liều cao triệt vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi. Song song với “tổng tấn công” vi khuẩn, bệnh viện ngưng dần các thuốc an thần, giãn gân gây nghiện. Và quyết định ấy đã dần phát huy tác dụng” – bác sĩ Xuân kể. Nhìn lại một hành trình đi qua, bác sĩ Xuân nói đó là dấu ấn đậm nét trong suốt thời gian làm nghề. Đó là những ngày mà khi cảm xúc của chị cùng êkip như “trôi” theo diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Chị vui khi nhìn thấy sức khỏe bệnh nhân tiến triển, và không ít phen mất ăn mất ngủ khi bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch.

Bệnh nhân ngày 22/6/2020

  • Nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân 91 còn thể hiện ở những khía cạnh ít ngờ tới hơn. “Đa phần người châu Á ăn sáng lúc 5 giờ, ăn trưa 11 giờ và ăn tối lúc 17 giờ. Thế nhưng bệnh nhân 91 ngủ tới 8 giờ mới dậy đánh răng rồi ăn sáng. Giờ ăn trưa của bệnh nhân là 14 giờ và ngồi vào bàn ăn tối lúc 20 giờ. Bệnh viện phải mời đầu bếp người châu Âu để nấu nướng những món theo yêu cầu của bệnh nhân”.
  • Ông Phạm Huy Bình, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết đơn vị sẵn sàng tham gia cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ để sớm thực hiện mong muốn của bệnh nhân 91 người Anh là trở về nước. Theo đó, dựa trên tư vấn của bác sĩ điều trị, Saigontourist Group sẽ hỗ trợ các chi phí liên quan đưa bệnh nhân phi công người Anh về quê hương.

Phi công người Anh trên đường ra Hà Nội để trở về nước

  • Phi công người Anh bày tỏ 3 nguyện vọng trong ngày xuất viện mà mong muốn chính là buổi xuất viện được tổ chức trong sự riêng tư. Theo nguồn tin riêng của Zing, bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công người Anh) sẽ hồi hương trên máy bay Boeing dòng 787-10 của Vietnam Airlines. Thông thường, với các chuyến bay khai thác đến Anh, hãng này sử dụng dòng Airbus 350. Tuy nhiên, bệnh nhân 91 thuộc đội bay Boeing 787 nên Vietnam Airlines đã sắp xếp để ông có thể hồi hương trên chính chiếc Boeing này. “Điều này mang ý nghĩa như lời tạm tạm biệt nam phi công bằng chính chiếc máy bay mà ông từng cầm lái”, nguồn tin này nói thêm.
  • Chiều 12/7 (theo giờ Hà Nội), sau khoảng 14 tiếng bay từ sân bay Nội Bài, chiếc Boeing 787-10 của Vietnam Airlines đã đưa nam phi công người Anh (từng là bệnh nhân số 91 nhiễm Covid-19) về nước, hạ cánh xuống sân bay Heathrow (London, Anh).

Lời chúc mừng của 2 em bé Việt Nam – con của một tiếp viên hàng không Việt Nam

KẾT LUẬN

Kể từ khi nhập viện và 18/3 và xuất viện ngày 12/7, bệnh nhân đã trải qua hơn 116 ngày điều trị, là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị dài nhất. 

Câu chuyện của anh không chỉ là sự hồi sinh của một bệnh nhân từng cận kề cửa tử. Với mọi người Việt Nam, đó là sự kỳ diệu của sự sống, của tình người không biên giới. Anh đã sống lại và kể về câu chuyện có ai đó ở bệnh viện mua cho một phần thức ăn McDonald, dù không đói nhưng trân trọng sự tận tâm của y bác sĩ. Anh đã kể về những lời y bác sĩ thì thầm vào tai, “họ động viên tôi không được bỏ cuộc, có thể làm được tốt hơn những gì mình đang làm”… Đó là những điều anh nghe và thấy sau khi tỉnh lại. Hành trình 116 ngày (từ 18/3) hẳn sẽ còn biết bao câu chuyện chỉ những y bác sĩ cận kề bên anh mới tỏ tường. Từ khi bệnh càng nặng dần, đến lúc hai phổi anh xơ hóa, đông đặc chỉ còn 10% hoạt động có biết bao điều cảm động. Từ chuyện 70 người Việt tình nguyện hiến tặng phổi để ghép phổi cho anh và những chuyện chưa kể về những ca trực của y bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để gìn giữ sự sống và cố gắng phục hồi phổi cho bệnh nhân. Sẽ có những điều y bác sĩ không bao giờ kể vì đó là công việc hằng ngày của họ. Nhưng triệu người Việt đã vui khi thấy nụ cười của anh sau những ngày dài hôn mê, sáng 19/6 lại vui với những lời chia sẻ đầu tiên của anh trên báo. Và cùng với câu chuyện bệnh nhân 91 là cảm xúc về thành quả chống dịch, là tiến bộ y tế Việt Nam được thế giới biết đến, là đất nước – con người Việt Nam tạo những ấn tượng tốt đẹp hơn trong lòng bạn bè quốc tế.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Chuyện chưa kể về hành trình 65 ngày điều trị cho bệnh nhân 91” đăng trên mạng Báo Ảnh Việt Nam ngày 24/5/2020.
  2. Bài viết “Bệnh nhân 91 – phi công người Anh: Giành giật sự sống từ tay tử thần” đăng trên mạng Thế Giới Việt Nam ngày 29/5/2020.
  3. Bài viết “Câu chuyện về phi công người Anh: đáng được cổ vũ nhất trong cuộc đời này” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 20/6/2020.
  4. Bài viết “Bệnh nhân 91: ‘Từng có phương án đưa tôi về bằng quan tài’ đăng trên mạng BBC News Tiếng Việt ngày 2/7/2020.
  5. Bài viết “Hôm nay, bệnh nhân 91 xuất viện, trở về Anh” đăng trên mạng Zing News ngày 11/7/2020.
  6. Bài viết “Những hình ảnh về chuyến bay đưa phi công người Anh hồi hương” đăng trên mạng Soha ngày 11/7/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *