Tên lửa đối hạm của Trung Quốc

816 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong thời gian nửa năm đầu 2020, mối quan hệ giữa Mỹ – Trung Quốc mỗi lúc trở nên thêm căng thẳng hơn từ vấn đề thương mãi, COVID-19 cho đến Đài Loan, Hồng Kông cũng như Biển Đông. Tướng La Viện, người được xếp vào phe “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc và thường xuyên có những phát ngôn hiếu chiến trong bài phát biểu về quan tình trạng quan hệ Mỹ – Trung tại một hội nghị quốc phòng được tổ chức tại Thâm Quyến, Trung Quốc hôm 20/12/2018, tuyên bố rằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống hạm mới của Bắc Kinh hiện tại đủ khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Trong một hội thảo về Biển Đông với sự tham gia của nhiều quan chức chính phủ và quân đội Trung Quốc, đại tá không quân Đới Húc, viện trưởng Viện nghiên cứu An toàn và Hợp tác Biển kêu gọi quân đội nước này sẵn sàng tấn công, đánh chìm tàu hải quân Mỹ nếu các tàu này xâm phạm “lãnh hải” Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết này có mục đích phân tích quan điểm trên.

Trong hai thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc (PLA) đã dành nhiều nguồn lực lớn để phát triển các tên lửa có cả khả năng hạt nhân và thông thường. Các phương tiện có thể được trang bị các loại đầu đạn khác nhau. Mục tiêu là đặt các đối thủ của Trung Quốc, đặc biệt là các căn cứ và tàu chiến của quân đội Mỹ vào thế có thể hứng chịu rủi ro tầm xa.

Theo tính toán của nhóm tác giả nghiên cứu, Trung Quốc đang có khoảng 1,500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, 160 tên lửa tầm trung-xa và hàng trăm tên lửa hành trình mặt đất tầm xa. Các tên lửa đạn đạo truyền thống này có khả năng tấn công chính xác những mục tiêu đến tận Singapore, nơi Mỹ đang có một cơ sở hậu cần lớn, cũng như các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngoài lợi thế về tầm bắn, tốc độ, tên lửa chống hạm Trung Quốc cũng rất đa dạng trong việc triển khai chiến đấu. Tên lửa chống hạm Trung Quốc có thể phóng từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng di động trên mặt đất. Trong khuôn khổ bài viết này, người phụ trách chỉ đề cập đến Tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất.

CÁC LOẠI TÊN LỬA

Trên thế giới, Hoa Kỳ, Nga Sô và Trung Quốc là 3 quốc gia có các hệ thống tên lửa đầy đủ nhất. Tên lửa có thể phân loại như sau:

  • Theo đầu đạn: Thông thường hay hạt nhân.
  • Theo hệ thống điều khiển: Có điều khiển và không điều khiển.
  • Theo số tầng: Một tầng hay nhiều tầng.
  • Theo đầu đạn: Hạt nhân hay thông thường.
  • Theo tầm hoạt động: Tầm ngắn, tầm trung, tầm xa hay Liên lục địa.
  • Theo quy mô nhiệm vụ: Chiến thuật hay chiến lược.
  • Theo đặc tính quỹ đạo và đặc điểm cấu tạo: Đạn đạo và Hành trình.
  • Theo nơi phóng và vị trí mục tiêu: đất đối đất, đất đối không, tên lửa hàng không, hải đối không, hải đối hải, hải đối đất, phóng từ tàu ngầm.

Trong khuôn khổ bài này, người phụ trách chỉ đề cập đến loại tên lửa phóng từ mặt đất chống tàu mặt nước.

TÊN LỬA CHỐNG HẠM DF-21D VÀ DF-26

Năm 2005, Trung Quốc bắt đầu phát triển các loại tên lửa đạn đạo chống hạm dựa trên mẫu DF-21 (Đông Phong-21). Loại tên lửa này được phóng từ bệ phóng di động trên mặt đất, có tầm bắn trên 1,500 km, mang đầu đạn nặng khoảng 600 kg. Tên lửa được trang bị đầu dò radar chủ động nên có khả năng tấn công chính xác tàu sân bay đang di chuyển. Với tầm bắn của DF-21, Trung Quốc sẽ có khả năng ngăn chặn việc hàng không mẫu hạm của Mỹ tấn công vào lãnh thổ nước này hoặc vào eo biển Đài Loan. Phiên bản cải tiến mới nhất là DF-21D được trang bị thêm nhiều đầu đạn mồi để đánh lừa radar của tàu địch, ngoài ra, đầu đạn của DF-21D có thể lao xuống mục tiêu với tốc độ Mach 10, tương đương 12,000 km/giờ nên rất khó khăn cho việc đánh chặn.

https://images.kienthuc.net.vn/zoomw/800/uploaded/ctvquansu/2018_02_26/1/stripes_yjxd.jpg

Phạm vi tấn công của các loại tên lửa Trung Quốc. Ảnh: Stripes

Theo truyền thông Mỹ, tới năm 2018, Trung Quốc đã trang bị ít nhất 10 lữ đoàn tên lửa Đông Phong-21 (mỗi lữ đoàn có 6 tiểu đoàn) trong đó có 2 lữ đoàn được trang bị Đông Phong-21D, 8 lữ đoàn còn lại trang bị các loại tên lửa DF-21 kiểu cũ. Mỗi lữ đoàn tên lửa DF-21 bao gồm 11 tiểu đoàn, trong đó có 6 tiểu đoàn tên lửa (mỗi tiểu đoàn bao gồm 2 xe phóng tên lửa cơ động); 2 tiểu đoàn sửa chữa và bảo dưỡng; 1 tiểu đoàn quản lý bãi phóng; 1 tiểu đoàn tín hiệu và 1 tiểu đoàn tác chiến điện tử. 60 tiểu đoàn này có thể đồng thời phóng được 360 quả tên lửa đạn đạo DF-21, đủ để thực hiện cuộc tấn công đồng loạt đối với 3 đội tàu sân bay Mỹ (mỗi tàu sân bay sẽ bị tới 120 tên lửa nhắm vào, khiến các hệ thống phòng thủ của đội tàu sân bay Mỹ không kịp đánh chặn hết). Một giáo sư tại Học viện Hải quân Mỹ đã nhận định rằng với DF-21D, tàu sân bay Mỹ sẽ không còn vị thế độc tôn trên biển như đã từng có kể từ kết thúc Thế chiến II.

Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục phát triển mẫu DF-26 (Đông Phong-26). So với DF-21, DF-26 có tầm bắn lớn hơn nhiều, ước tính đạt tới 3,000 – 5,000 km. Với tầm bắn này, các bệ phóng ở miền đông Trung Quốc có thể tấn công tàu sân bay Mỹ ở tận căn cứ ở Guam. DF-26 cũng có thể mang đầu đạn nặng tới 1.2 – 1.8 tấn (gấp 2-3 lần so với DF-21D), đủ sức đánh chìm cả 1 tàu sân bay cỡ lớn chỉ với 1-2 quả trúng đích. Hiện nay, số lượng các quốc gia có thể chế tạo tên lửa chống hạm ngày càng tăng, vận tốc tên lửa ngày càng nhanh, tầm bắn ngày càng xa. Giá thành tên lửa cũng khá rẻ (chỉ khoảng 500 ngàn – 2 triệu USD/quả), trong khi mỗi chiếc tàu sân bay kèm theo máy bay trị giá tới 10 – 15 tỷ USD (chưa kể chi phí nhân mạng nếu tàu chìm). Nhiều quốc gia hiện nay đã có thể chế tạo hàng ngàn quả tên lửa chống hạm chỉ trong vài tháng, trong khi để đóng 1 tàu sân bay phải mất ít nhất khoảng 5 – 8 năm, nên dù tiêu tốn hàng trăm quả tên lửa để diệt 1 tàu sân bay thì cũng đã có lợi thế lớn. Do tương quan chi phí ngày càng bất lợi cho tàu sân bay, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tàu sân bay sẽ trở nên lỗi thời trong chiến tranh hiện đại vào khoảng giữa thế kỷ XXI, giống như số phận của các thiết giáp hạm trong Thế chiến thứ hai. Tên lửa chống hạm hiện đại cũng ngày càng có tầm bắn xa hơn, tốc độ nhanh hơn và sử dụng hệ thống tìm kiếm mục tiêu tinh vi hơn. Ngoài ra, khi tấn công thì người ta thường phóng nhiều tên lửa chống hạm cùng lúc để nâng cao xác suất tiêu diệt tàu địch. Theo một ước tính, một lực lượng hải quân Mỹ khi tiến vào bên trong phạm vi 2,000 km quanh Trung Quốc có thể phải chịu đến 640 vật thể tấn công trong cùng một loạt bắn.

Tên lửa DF-21D và DF-26 Trung Quốc không thể đánh chìm mẫu hạm Mỹ ...

Tên lửa DF-21D

Tướng Trung Quốc dọa đánh chìm tàu Mỹ trên Biển Đông  - ảnh 2

DF-26 trong buổi diễn binh năm 2019

Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không Trung Quốc (CASIC) có ra mắt tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới mang tên CM-401 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải tháng 11/2018. Loại vũ khí này có thể được trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ và tàu khu trục hạng nặng Type-055, đặt ra thách thức lớn với Mỹ cùng các đồng minh. Bảng thông số của CASIC cho thấy CM-401 có tầm bắn tối đa 290 km, khiến nó được xếp vào loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tập đoàn CASIC thông báo thêm rằng, CM-401 có đặc điểm của tên lửa đạn đạo tầm gần với phần chiến đấu mạnh mẽ cho phép đạt tốc độ lên tới 4 đến 6 Mach. Một phần quỹ đạo của tên lửa sẽ đi vào khoảng không gian gần sau đó tấn công mục tiêu ở tốc độ cao. CASIC cho biết quả đạn có thể xuyên thủng mọi lá chắn trên tàu chiến hiện nay nhờ sự kết hợp giữa tốc độ cao và khả năng cơ động phức tạp. Mỗi bệ phóng CM-401 có thể khai hỏa hai quả đạn theo quỹ đạo khác nhau để tấn công tối đa hai mục tiêu cùng lúc, khiến đối phương càng khó chống đỡ.

Tên lửa chống hạm CM-401 của Trung Quốc: Bài toán khó dành cho hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ảnh 3

Đạn đạo của hệ thống CM-401

Phương thức tấn công: Với biệt danh “sát thủ tàu sân bay”, tên lửa DF-21D của Trung Quốc được coi là tên lửa chống hạm đầu tiên trên thế giới có thể phá hủy các tàu sân bay từ khoảng cách lên đến 1,500 km. Quả đạn có thể chuyển hướng để tránh tên lửa đánh chặn của đối phương và lao xuống mục tiêu với tốc độ cực cao. Theo các chuyên gia phân tích quân sự nước ngoài nhận định, để tấn công mục tiêu, từ lúc phát hiện đến khi tiêu diệt mục tiêu, DF-21D trải qua 3 giai đoạn gồm: 

  • Giai đoạn thứ nhất: Tham dò, phát hiện mục tiêu. Nhiệm vụ này được hệ thống radar cảnh báo sớm, kết hợp với hệ thống trinh sát – phát hiện được trang bị trên các máy bay cảnh báo sớm và tàu ngầm của Trung Quốc đảm nhiệm. Sau khi phát hiện mục tiêu, các dữ liệu sẽ được đưa về trung tâm chỉ huy phóng.
  • Giai đoạn thứ hai: Khóa và hiệu chỉnh đường đạn. Sau khi các thông số tọa độ của mục tiêu được ghi nhận. Sỹ quan chỉ huy sẽ ra lệnh phóng tên lửa. Trong quá trình bay tới mục tiêu, DF-21D luôn tự động điều chỉnh đường đạn và cập nhật thông tin vị trí mục tiêu từ hệ thống trinh sát. Ở quá trình này, DF-21D sẽ được dẫn đường bằng vệ tinh Bắc Đẩu do Trung Quốc tự nghiên cứu, phát triển. Bên cạnh đó, DF-21D được cho là sử dụng hệ thống dẫn hướng tương tự như Pershing II của Mỹ với dẫn hướng quán tính ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa được dẫn hướng kết hợp với hệ thống con quay laser hồi chuyển và giai đoạn cuối sử dụng radar dẫn đường kỹ thuật số. Vì vậy, có thể khiến bất cứ mục tiêu nào cũng khó sống sót khi đã vào tầm ngắm của DF-21D.
  • Ở giai đoạn cuối, DF-21D sẽ bổ nhào từ bên ngoài tầng khí quyển xuống mục. Điều này khiến tiết diện của tên lửa sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với tên lửa bay theo kiểu hành trình thông thường, điều này cũng có nghĩa là gần như chắc chắn mục tiêu sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

HỆ THỐNG CHỐNG TÊN LỬA DIỆT HẠM CỦA HOA KỲ

Phòng thủ tên lửa quốc gia (tiếng Anh: National Missile Defense – NMD) của Hoa Kỳ là các hệ thống liên hợp chiến lược của quân đội để bảo vệ đất nước, chống lại sự thâm nhập của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa. Các tên lửa có thể bị chặn bằng các tên lửa khác hoặc cũng có thể bằng kỹ thuật laser. Chúng có thể bị chặn ở gần bệ phóng, trong giai đoạn bay ngoài tầm khí quyển hoặc ở giai đoạn cuối đi vào Trái Đất.

Trong khuôn khổ chương trình NMD cho đến năm 2030, những gã khổng lồ của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ – Tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon cũng như công ty tư nhân như Space-X đang phát triển các máy đánh chặn MKV (Multiple Kill Vehicle, nặng 15 kg, dùng nguyên lý đánh chặn bằng động năng) và MOKV (Multi-Object Kill Vehicle) được triển khai dưới dạng chùm/cluster cũng như vũ khí Laser để đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhiều đầu đạn.

Hệ thống Phòng thủ Tên lửa đầy tham vọng sau năm 2030 của Mỹ

Căn cứ quỹ đạo trang bị vũ khí laser có thể tấn công ICBM trong giai đoạn đầu hành trình – Nguồn: Topwar.ru

Hiện nay, Hệ thống chiến đấu Aegis do Hải quân Mỹ triển khai, được mệnh danh là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là “trái tim” của hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng. Aegis là sự kết hợp các thiết bị phức tạp khác nhằm để tạo ra hệ thống chiến đấu toàn diện.

Aegis là viết tắt của cụm từ Airbonne Early-waring Ground Intergration Segment (Bộ phận hợp nhất thông tin cảnh báo sớm đường không trên mặt đất), được hiểu đơn giản hơn là “lá chắn”, nhằm đối phó với các tình huống chiến đấu khác nhau, trong đó đặc biệt ưu tiên cho tính năng phòng thủ tên lửa đạn đạo liên lục địa BMD. Hệ thống Aegis được Lockheed Martin thiết kế và đưa vào sử dụng lần đầu đầu tiên từ năm 1987 trên tuần dương hạm Ticonderoga, biến thể sử dụng trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke được đưa vào sử dụng năm 1991.

Các biện pháp đối phó chống lại các tên lửa chống hạm gồm:

  • Các tên lửa chống hạm NSM (Naval Strike Missile) có tầm bắn 185 km, phiên bản đa nhiệm Joint Strike Missile (JSM) có tầm bắn lên tới 555 km.
  • Tên lửa phòng không (như Sea Sparrow, SA-N-6 Grumble, SA-N-9 Gauntlet, RAM, Standard hay Sea Wolf missile)
  • Hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS), thực chất là các loại Pháo phòng không có tốc độ bắn nhanh như Mk. 45 hay AK-130. Hải quân Mỹ cũng đã quyết định trang bị vũ khí laser ODIN mới lên tàu chiến.
  • Các hệ thống làm nhiễu (như SLQ-32)
  • Hệ thống phóng mồi bẫy
  • Các chiến hạm bảo vệ

Các tàu chiến hiện đại đều được trang bị một hoặc nhiều hệ thống đối phó với tên lửa chống hạm. Biện pháp chủ động mà Hoa Kỳ có thể dùng là tấn công các vị trí DF-21D, DF-26 trước khi chúng khai hỏa.

Cơ cấu vận hành: Việc vận hành hệ thống chiến đấu Aegis là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và ăn ý từ nhiều thành phần khác nhau. Thiết kế ban đầu của Aegis nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa chống hạm, tuy nhiên các biến thể sau này chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa, đặc biệt là tên lửa đạn đạo liên lục địa.Đầu tiên, hệ thống vệ tinh SATCOM sẽ thực hiện việc theo dõi và phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa, đặc biệt là tên lửa đạn đạo liên lục địa. Dữ liệu về các vụ phóng tên lửa sẽ được truyền cho các tàu có trang bị hệ thống chiến đấu Aegis. Riêng đối với tên lửa chống hạm, hệ thống có thể phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa bằng chính radar AN/SPY-1 trên tàu Aegis. Hệ thống chiến đấu Aegis sẽ kích hoạt radar AN/SPY-1 để theo dõi quỹ đạo bay của tên lửa, radar liên tục chiếu xạ mục tiêu, tham số về mục tiêu liên tục được cung cấp cho trung tâm điều khiển. Hệ thống điều khiển sẽ đánh giá quỹ đạo bay, tốc độ của tên lửa, sau đó dẫn đường cho tên lửa đánh chặn tiêu diệt mục tại tọa độ đã được hệ thống dữ liệu tính toán sẳn. Radar AN/SPY-1 vừa có thể chiếu xạ mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn cùng lúc, tuy nhiên, để phát huy tối đa năng lực đánh chặn, hệ thống chiến đấu Aegis thường kết hợp hai tàu chiến với nhau, hoặc một tàu tuần dương hạm Ticonderoga với một tàu khu trục Arleigh Burke. Radar AN/SPY-1 của một trong hai tàu chiến sẽ đảm được nhiệm vụ chiếu xạ mục tiêu, radar còn lại sẽ đảm đương nhiệm vụ dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu. Hệ thống liên lạc vệ tinh sẽ đảm đương công việc kết nối hai tàu chiến với nhau nhằm đảm bảo hệ thống vận hành một cách chính xác nhất. Ngoài ra, để đánh chặn tên lửa một cách chính xác còn có sự phối hợp của các biện pháp chiến tranh điện tử nhằm phá vỡ các hoạt động gây nhiễu của đối phương. Cùng các hệ thống phụ khác để tạo nên hệ thống hoàn chỉnh.

Vũ khí: Vũ khí chính của hệ thống chiến đấu Aegis là tên lửa đánh chặn Standard Missile (SM), các biến thể đời đầu của hệ thống chiến đấu Aegis sử dụng tên lửa đánh chặn RIM-66/67/156 (SM-2). Đây là loại tên lửa nhiên liệu rắn có tầm bắn tối đa tới 170 km với tầm cao 24 km. Biến thể SM-2 Block IIIA sử dụng đầu dò radar bán chủ động, SM-2 Block IIIB sử dụng đầu dò hồng ngoại bán chủ động. Tên lửa được phóng trong ống phóng tiêu chuẩn Mk-41. Các biến thể Aegis hiện đại hơn sử dụng tên lửa đánh chặn RIM-161 SM-3, tên lửa có tầm bắn lên đến 500 km, tầm cao tới 160 km, tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa ở bên ngoài tầng khí quyển. Hiện tại, hệ thống chiến đấu Aegis đã được tích hợp trên toàn bộ các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga của Mỹ cùng với một số tàu khu trục của Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Na Uy với khoảng hơn 100 tàu chiến. 

KẾT LUẬN

Theo nhận định của tờ The National Interest, các tàu sân bay cũng như các chiến hạm Hoa Kỳ có một tầm quan trọng mang tính biểu tượng gần như thần thoại, đại diện cho quốc gia cả về quan điểm toàn cầu và trong quan niệm tự thân của hải quân Mỹ. Quyết định tấn công vào nhóm tàu sân bay của hải quân Mỹ có thể xem như tấn công vào quốc gia Hoa Kỳ. Ông Bryan McGrath, một chuyên gia cao cấp của Học viện Hải quân Mỹ đã nói: “Quyết định bám đuổi tàu sân bay Mỹ – một loại tàu được trang bị vũ khí hạt nhân – là quyết định mà bất kỳ thế lực nước ngoài nào cũng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Họ phải hiểu rằng nếu nhắm mục tiêu tàu sân bay, cơn thịnh nộ sẽ trút xuống đầu họ”.

Bài viết này không nêu ra hiệu năng tấn công của tên lửa diệt hạm Trung Quốc cũng như sự trả đủa của Hoa Kỳ. Đây là điều mà không một người nghiên cứu nào muốn thấy xảy ra. Sáng 26/8 (giờ Việt Nam), khi đêm thứ hai đại hội đảng Cộng Hòa ở Mỹ dần đi tới hồi kết, 2 quả tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong của Trung Quốc rời bệ phóng từ những vị trí bí mật ở hai tỉnh Chiết Giang, Thanh Hải và lao thẳng về Biển Đông. Cho đến bài viết này lên mạng, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ có sự cứng rắn của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh mới có thể đặt Trung Quốc vào vị thế phải trả giá đắt cho sự hung hăng của mình.

Biển Đông dậy sóng: tên lửa và trừng phạt

Sơ đồ mô phỏng vụ bắn tên lửa đạn đạo diệt hạm của Trung Quốc ngày 26-8 – Nguồn: Duân Đặng – Báo SCMP – Dự án Missile Threat của CSIS – Đồ họa: TUẤN ANH

THAM KHẢO

  1. Tên lửa – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Hệ thống chống tên lửa quốc gia Hoa Kỳ – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  3. DF-21 và DF-26 – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  4. Hệ thống chiến đấu Aegis – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  5. Bài viết “Hệ thống Phòng thủ Tên lửa đầy tham vọng sau năm 2030 của Mỹ” đăng trên mạng VOV ngày 27/2/2020.
  6. Bài viết “Giải mã bí ẩn lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc” đăng trên mạng Soha ngày 20/10/2018.
  7. Bài viết “Báo Anh: Tàu sân bay Mỹ và mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc” đăng trên mạng RFIngày 16/11/2019.
  8. Bài viết “Tên lửa diệt hạm Trung Quốc có dọa được tàu sân bay Mỹ? đăng trên mạng Báo Mới ngày 16/7/2020.
  9. Bài viết “Tướng TQ kêu gọi đánh chìm 2 tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông, gây thương vong 10,000 người” đăng trên mạng Báo Mới ngày 3/1/2019.
  10. Bài viết “Tên lửa chống hạm CM-401 của Trung Quốc: Bài toán khó dành cho hệ thống phòng thủ của Mỹ” đăng trên mạng Đời sống và Pháp luật ngày 9/11/2018.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *