Thế hệ nối tiếp – Phiên bản 7 – 2020

545 (lượt xem) |

Kể từ 2016, trong mục đích hướng về tương lai, tác giả bắt đầu sưu tập tài liệu để viết về những khuôn mặt trong thế hệ nối tiếp từ quốc nội đến hải ngoại đang đóng góp để xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, phú cường và dân chủ. Các bài viết sẽ được đưa lên mạng khi có cập nhật những tin tức mới.

TU CHỈNH

  • 18/5/2016: Hoàn tất Phiên bản 1.
  • 15/8/2016: Hoàn tất Phiên bản 2.
  • 15/8/2018: Hoàn tất Phiên bản 3.
  • 15/2/2019: Hoàn tất Phiên bản 4.
  • 10/1/2019: Hoàn tất Phiên bản 5.
  • 29/2/2020: Hoàn tất Phiên bản 6.
  • ·20/9/2020: Hoàn tất Phiên bản 7.
  • Ocean Vương, người Mỹ gốc Việt thứ năm nhận giải Thiên Tài MacArthur.
  • Tiến sỹ Việt mang dự án thành công tại Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp.
  • Tiến sĩ Phạm Đại Khánh Được Giải Thưởng Cao Quý Tại Mỹ.
  • Lý Khánh Hậu, cô gái duy nhất của Việt Nam trong danh sách Forbes Under 30 Châu Á 2019 và chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên loài hươu quý hiếm của Việt Nam với biệt danh “kỳ lân Châu Á”.
  • Nguyễn Hà Đông, chủ nhân Flappy Bird, 10 năm sau.
  • CEO Arevo Vũ Xuân Sơn: chúng tôi sẽ xây nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới tại Việt Nam.

—–

OCEAN VƯƠNG, NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT THỨ NĂM NHẬN GIẢI THIÊN TÀI MACARTHUR

WESTMINSTER, California (NV) – Ocean Vương, giáo sư trẻ 30 tuổi người Mỹ gốc Việt tại đại học University of Massachusetts Amherst, vừa được giải Thiên Tài MacArthur “Genius Grant” cho sự sáng tạo phi thường trong các tuyển tập thơ anh sáng tác và tiểu thuyết “On Earth We’re Briefly Gorgeous.”

Giải Thiên Tài MacArthur “Genius Grant” được tư quỹ John D. and Catherine T. MacArthur Foundation thành lập năm 1981. Mỗi năm, khoảng 20-30 người trong các lãnh vực khác nhau được trao tặng vinh dự “Thiên Tài.” Occean Vương là người Mỹ gốc Việt thứ năm và là nhà văn nhà thơ thứ hai nhận giải “Thiên Tài MacArthur.” Các nhân vật người Mỹ gốc Việt được vinh dự này bao gồm Huỳnh Sanh Thông (1987, thông dịch viên và chủ bút), My Hang V. Huynh (2007, nhà hóa học), An-My Lê (2012, nhiếp ảnh gia), và Viet Thanh Nguyen (2017, nhà văn).

Mỗi thành viên nhận giải Thiên Tài MacArthur sẽ được thưởng $625,000 trong vòng năm năm. Trước 2013, giải thưởng có giá trị $500,000. Đặc biệt, tư quỹ công bố kết quả một cách bất ngờ và người nhận giải thường không biết kết phút cuối cùng.

Ngay cả Ocean Vương cũng không dám tin anh được chọn. Anh kể với nhật báo New York Times rằng, khi họ gọi để thông báo anh thắng giải thì “Tôi phải chắc là họ gọi đúng người, bởi vì tôi không muốn khóc xúc động rồi để họ nói là họ nhầm. Nhưng sau đó thì tôi đã khóc.” Theo nhật báo New York Times, giải Thiên Tài không nhận đơn ghi danh. Các ứng cử viên được hàng trăm nhân vật bí mật khắp nơi trong nước đề cử, và được một ủy ban giấu tên khoảng hàng chục người chọn. Để được đề cử, các ứng cử viên phải là công dân Mỹ và không phải là công chức chính phủ. Ocean Vương, tên tiếng Việt là Vương Quốc Vinh, theo mẹ tị nạn tại Philippines trước khi định cư ở Hartford, tiểu bang Connecticut. Mẹ anh theo nghề nail và anh không nói được tiếng Mỹ khi anh vào trường học. Ở tuổi 11, anh vẫn chưa biết đọc thông thạo bằng các bạn cùng lớp.

Tuy nhiên, khi anh bắt đầu viết thơ thì mọi chuyện đều như thay đổi. Anh tạo cho anh một căn cước khác xa với gia đình anh. Là người đầu tiên trong gia đình học đại học, anh được vinh danh là “Thiên Tài” văn học trong xã hội Mỹ, trong khi chính mẹ của anh là người mù chữ. “On Earth We’re Simply Gorgeous” là một lá thư dài anh viết cho người mẹ mù chữ này, dẫu biết rằng “mỗi chữ anh viết xuống sẽ đưa anh đi xa mẹ anh một chữ,” như anh tâm sự. Mẹ anh đang ung thư giai đoạn cuối. Anh nói khi biết tin mẹ mang trọng bệnh, mọi chuyện khác trở nên bé nhỏ đối với anh. Hy vọng giải Thiên Tài này phần nào đó an ủi anh (TMT)

Tác phẩm “On earth, Wer’re briefly gorgeous” của Occean Vương. (Hình: macfound.org)

TIẾN SỈ VIỆT MANG DỰ ÁN THÀNH CÔNG TẠI MỸ VỀ VIỆT NAM KHỞI NGHIỆP

GS. TS Vũ Ngọc Tâm sinh năm 1983. Tốt nghiệp Ðại học Bách khoa Hà Nội và nhận bằng tiến sỹ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Rutgers (Hoa Kỳ). Năm 2013, TS Vũ Ngọc Tâm được mời về làm việc tại ĐH Colorado với vai trò là nhà sáng lập và Giám đốc phòng thí nghiệm MNS tại trường. GS Tâm từng đạt giải thưởng NSF CAREER. Anh cũng đã 2 lần được trao giải thưởng danh giá “Google Faculty Research Award” của Google. GS đã đăng ký 22 bằng phát minh tại cục sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ và sáng lập 2 công ty là Now Vitals và Earable tại Mỹ.

Phát triển Earable – Thiết bị đeo tai thông minh giám sát và cải thiện chất lượng giấc ngủ là dự án mới nhất của GS. TS Vũ Ngọc Tâm. Dự án vừa nhận được mức tài trợ tối đa 10 tỷ đồng của VinTech Fund trong đợt tài trợ đầu tiên trị giá 86 tỷ đồng cho 12 dự án nổi bật về khoa học, công nghệ.

Một chiếc tai nghe thông minh không dây có thể theo dõi được sóng não, cơ mặt, sự di chuyển của mắt, từ đó giúp điều chỉnh và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đây là sản phẩm được triển khai từ dự án “Phát triển Earable – Thiết bị đeo tai thông minh giám sát và cải thiện chất lượng giấc ngủ” của GS.TS Vũ Ngọc Tâm (ĐH Colorado Boulder, Mỹ). Dự án vừa được Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund – Tập đoàn Vingroup) trao quyết định tài trợ 10 tỷ đồng với mong muốn mang “công nghệ ưu việt của người Việt, cho người Việt”

GS Tâm từng 2 lần được trao giải thưởng danh giá “Google Faculty Research Award” của Google. GS đã đăng ký 22 bằng phát minh tại cục sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ và sáng lập 2 công ty là Now Vitals và Earable tại Mỹ.

GS. TS Vũ Ngọc Tâm

TIẾN SĨ PHẠM ĐẠI KHÁNH ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG CAO QUÝ TẠI MỸ

Cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ lại có thêm một khoa học gia nhận được giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 của Đại học George Washington, theo bản tin hôm 11 tháng 5 của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết. Bản tin viết như sau.

“Một nhà khoa học gốc Việt được vinh danh với một giải thưởng cao quý dành cho công chức chính phủ liên bang Hoa Kỳ, đưa ông vào danh sách bao gồm những tên tuổi lớn như Neil Armstrong – người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng – hay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates. “Tiến sĩ Phạm Đại Khánh, kỷ sư không gian cao cấp làm việc cho Không quân Hoa Kỳ, được trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 của Đại học George Washington cho những thành tựu nghiên cứu của ông trong lĩnh vực Khoa học Cơ bản.

“Thông báo danh sách những người được trao giải thưởng cho biết ông là “chuyên gia khoa học chủ chốt và nhà nghiên cứu độc lập về điều khiển vệ tinh, sự tự chủ về kiểm soát, những liên lạc được bảo đảm và nhận thức tình huống không gian.”

“Ông là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu lí thuyết và vận hành liên quan tới nhận thức tình huống không gian và liên lạc quân sự, có ảnh hưởng đến các liên lạc vệ tinh quân sự,” thông báo nói thêm, lưu ý rằng ông nắm giữ 20 bằng sáng chế cho công tác của mình.

“Tiến sĩ Khánh chia sẻ với VOA rằng ông cảm thấy vui vì được vinh danh với giải thưởng này nhưng cũng cảm thấy “khiêm nhường” vì giải thưởng nhắc ông nhớ về những người mà ông đã từng cộng tác và giúp đỡ ông.

“Những đồng nghiệp, những giáo sư đã cùng mình giải quyết những vấn đề, giúp mình đạt được những thành tích hoặc là đóng góp thiết thực cho cơ quan,” ông nói. “Họ cũng thử thách mình, mình cũng phải bước ra khỏi lãnh vực của mình mà mình biết rất nhiều. Mình học hỏi nhiều hơn, vấp ngã nhiều hơn và họ giúp mình đứng lên.”

“Tiến sĩ Khánh, 48 tuổi, sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam, nơi cha mẹ ông phục vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và sau đó trở thành tù nhân phải ‘học tập cải tạo’ từ năm 1975 đến năm 1984. Họ đến Mỹ theo diện HO (Humanitarian Operation) vào đầu những năm 1990. Khi đó ông đang là sinh viên năm thứ hai theo học ngành kỷ sư ở Sài Gòn và gần như không nói được tiếng Anh.

“Đặt chân tới Mỹ, ông học lại ba năm trung học. Trong khoảng thời gian này, ông vừa đi học vừa làm lao công và vào buổi tối, ông theo học cao đẳng cộng đồng và lấy bằng hai năm trong lĩnh vực công nghệ hệ thống điện tử.

“Cuối những năm 1990, ông tiếp tục lấy bằng cử nhân bốn năm và bằng thạc sĩ ngành kỷ thuật điện tại Đại học Nebraska. Năm 2004, ông nhận bằng Tiến sĩ Kĩ thuật Điện tại Đại học Notre Dame. Cùng năm, ông vào làm việc cho tới nay tại Bộ phận Phương tiện Không gian thuộc Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ở Căn cứ Không quân Kirtland, bang New Mexico.

“Tiến sĩ Khánh nói giải thưởng này có ý nghĩa quan trọng với ông ở chỗ nó ghi nhận sự đóng góp của một người gốc Việt, sắc dân thiểu số tại Mỹ, cho nền khoa học kĩ thuật Hoa Kỳ. Và sự đóng góp đó hình thành từ những cơ hội mà ông đã có được trên đất Mỹ, vượt qua những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.” Bản tin cũng cho biết thêm thông tin về lễ trao giải thưởng như sau: “Lễ trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng 6 năm 2019 tại Đại học George Washington ở thủ đô Hoa Kỳ.”

—–

LÝ KHÁNH HẬU, CÔ GÁI DUY NHẤT CỦA VIỆT NAM TRONG DANH SÁCH FORBES UNDER30 CHÂU Á 2019 VÀ CHƯƠNG TRÌNH TĂNG TỐC KHỞI NGHIỆP LẤY TÊN LOÀI HƯƠU QUÝ HIẾM CỦA VIỆT NAM VỚI BIỆT DANH “KỲ LÂN CHÂU Á”

22-11-2019 | Doanh nghiệp

Saola là một trong những dự án mới nhất của 500 Startups nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam với chương trình đào tạo mang từ thung lũng Silicon về.

500 Startups là quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tích cực nhất ở Việt Nam trong vài năm vừa qua. Với quy mô 14 triệu USD, hiện danh mục đầu tư của quỹ đã cán mốc hơn 40 công ty và mục tiêu của quỹ này đến cuối năm 2020 sẽ mở rộng danh mục lên 80-100 startup.

Không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính, 500 Startups Vietnam đã tạo ra một hệ sinh thái kết nối các công ty trong danh mục đầu tư với các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu và trong khu vực.

Tháng 12/2018, 500 Startups Việt Nam đã tổ chức chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên là Saola Accelerator, trong đó Saola được đặt tên theo loài hươu quý hiếm được tìm thấy ở Việt Nam với biệt danh “kỳ lân của Châu Á,” với kỳ vọng sẽ tìm ra và hỗ trợ startup tại Việt Nam trở thành unicorn (doanh nghiệp tỷ USD).

Trí Thức Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với Lý Khánh Hậu, quản lý của 500 Startups phụ trách chương trình Saola Accelerator. Hậu là một trong 4 gương mặt suất sắc của Việt Nam nằm trong danh sách U30 Châu Á của Forbes Châu Á năm 2019 và cũng là cô gái duy nhất của Việt Nam được vinh danh. Là một trong ba nhà quản lý của 500 Startups Việt Nam, Hậu đã giúp quỹ này rót vốn cho khoảng 40 startup với tổng số tiền 3 triệu USD. Những công ty này sau đó đã nhanh chóng phát triển và kêu gọi được tổng cộng hơn 100 triệu USD trong các vòng gọi vốn tiếp theo.

Theo như thông tin trên website, Saola Accelerator là chương trình mang từ thung lũng Silicon về training cho các startup có yếu tố Việt Nam, vậy các startup phải đáp ứng điều kiện gì để có thể được tham gia chương trình này?

Lý Khánh Hậu: Saola là một trong những dự án mới nhất của 500 Startups nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy có nhiều startup công nghệ Việt tiềm năng hiện đã có sản phẩm cũng như số khách hàng nhất định, và họ cần được hỗ trợ để có thể tăng trưởng tối đa. Hỗ trợ ở đây không chỉ có vốn đầu tư mà còn các hỗ trợ về chuyên môn, kết nối, và các nguồn lực khác.

Là một quỹ đầu tư toàn cầu, 500 Startups có kinh nghiệm cung cấp những hỗ trợ đó cho hơn 1,000 startup thông qua hơn 40 khóa của các chương trình tăng trưởng trên toàn thế giới. Tại thung lũng Silicon, chương trình tăng tốc của 500 Startups được xếp hạng là top 3 accelerator tại Mỹ theo Forbes và Fortune. Vào đầu năm nay, chúng tôi đã quyết định mang những hỗ trợ đó tới cho các startup ở Việt Nam thông qua chương trình Saola.

Tiêu chí lựa chọn của Saola rất đơn giản: các startup công nghệ đã có sản phẩm hoàn chỉnh và có khách hàng, đồng thời đã sẵn sàng tập trung vào tăng trưởng đều có thể đăng ký. Khi được chọn để tham gia vào Saola, mỗi startup sẽ nhận được khoản đầu tư 100.000 đô la Mỹ từ 500 Startups và có cơ hội làm việc trực tiếp với các chuyên gia quốc tế hàng đầu của chúng tôi xuyên suốt 3 tháng của chương trình để tìm ra công thức tăng trưởng cho riêng mình.

Trong khóa 1 của Saola, chúng tôi có 8 chuyên gia đến từ 4 quốc gia với kinh nghiệm sáng lập, điều hành 22 startup, 11 lần exit (thoái vốn) và đã đầu tư vào hơn 100 startup. Kết thúc chương trình, các startup của Saola sẽ có cơ hội thuyết trình và giới thiệu về công ty của mình tại sự kiện Demo Day, một sự kiện quy tụ hàng trăm nhà đầu tư và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Khóa đầu tiên của Saola đã bắt đầu vào tháng 6 và vừa kết thúc vào tháng 9 năm nay, với gần 30 cá nhân tham dự đến từ 6 startup được 500 Startups chọn lựa. Cùng với 8 chuyên gia của chương trình, các startup đã được đào tạo về nhiều nội dung xoay quanh tăng trưởng bao gồm phân tích số liệu (analytics & KPIs), thấu hiểu khách hàng (customer interview & understanding), các phương pháp thử nghiệm (experimentation), tuyển dụng, paid marketing, bán hàng cho tổ chức & doanh nghiệp (B2B Sales), gọi vốn, v.v…

Ngoài hơn 60 buổi đào tạo và workshop, các startup còn dành hơn 100 giờ gặp gỡ và tư vấn 1:1 với các chuyên gia trong chương trình. Khóa 1 kết thúc với Demo Day với sự góp mặt của hơn 230 khách mời bao gồm các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác trong khu vực.

Mặc dù mới chỉ tổ chức 1 khoá, Saola đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ chính các nhà sáng lập và đội ngũ startup tham gia. Herve Vu Roussel, đồng sáng lập công ty Quod AI, một trong các công ty tham dự Saola, đã đánh giá rằng Saola “là một trong những chương trình tăng tốc khởi nghiệp tốt nhất ở Đông Nam Á và thậm chí là trên thế giới.”

Lý Khánh Hậu (mặc vest xanh bên phải) tại chương trình tổng kết khóa 1 của Saola Accelerator

Khóa đào tạo tập trung mạnh vào yếu tố tăng trưởng, liệu việc chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá có phải đích đến của các startups?

Đối với 500 Startups và Saola, tăng trưởng tốt phải là tăng trưởng dài hạn, có quy trình rõ ràng, có thể dự đoán được và có thể lặp lại được. Mục tiêu của Saola không phải là cung cấp các thủ thuật giúp các startup tăng số view, số click hay tăng trưởng bằng mọi giá. Sai lầm lớn nhất của các startup là không biết mình phải tập trung vào đâu, trong khi thời gian và nguồn lực lại có hạn. Để biết cần làm gì vào lúc nào, Saola giúp các startup xác định chỉ số quan trọng nhất (“one metric that matters”), nắm được cách thu thập ý kiến khách hàng và hành động dựa trên phản hồi của khách hàng, và tiến hành những thử nghiệm để tăng trưởng tốt hơn.

100% các công ty tham dự đều tin rằng Saola mang lại những tác động tích cực và lâu dài cho họ. Anh Nguyễn Thành Trung, đồng sáng lập và CEO của Axie Infinity, một trong sáu công ty của Saola khóa 1 (gần đây cũng mới công bố đã gọi vốn thành công 1.5 triệu đô từ các quỹ đầu tư có tiếng trên thế giới), chia sẻ: “Tất cả chúng tôi trong công ty cũng chưa thực sự hiểu 100% bài toán mà mình đang giải quyết. Tôi nghĩ chỉ ngay sau tuần đầu tiên [của Saola] thôi, điều đó đã thay đổi hoàn toàn.”

Kỳ vọng của chương trình trong thời gian tới là gì?

Trước mắt, chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức khóa thứ 2 của Saola vào đầu năm sau. Chúng tôi kỳ vọng có thể mở rộng quy mô của chương trình và phục vụ nhiều startup hơn nữa, đồng thời cũng mong sẽ nhìn thấy nhiều tiến triển đáng mừng từ các startup tham dự vào khóa 1.

Chúng tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ & ĐMST cho các nước đang phát triển, và chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đạt được tiềm năng đó.

Đội ngũ điều hành của 500 Startups Việt Nam

Vì sao 500 Startups thường đầu tư thông qua hình thức trái phiếu chuyển đổi (convertible note) mà không phải góp vốn cổ phần từ vòng đầu?

Hình thức đầu tư trái phiếu chuyển đổi không chỉ được 500 Startups sử dụng mà còn được rất nhiều quỹ đầu tư và startup khác ưa chuộng, vì nó phù hợp với các vòng gọi vốn ban đầu. Khi số vốn cần gọi nhỏ, hình thức này sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho cả hai bên. Bên cạnh đó, nó có sự linh hoạt nhất định về định giá thông qua mức khấu trừ (discount) và mức trần (cap). Trái phiếu chuyển đổi ưu việt hơn trên phương diện này đối với các startup còn non trẻ, bởi khi đó họ còn chưa có gì nhiều. Nếu gọi vốn đổi lấy cổ phần ngay, mức định giá ở ngay thời điểm đó không thể quá cao, dẫn đến việc nhà sáng lập dễ mất quá nhiều cổ phần trong công ty.

Nếu so với quy mô vốn 14 triệu USD, quỹ này không phải là lớn, trong khi 500 Startups lại chỉ đầu tư vào các công ty công nghệ, nơi được cho là “các công ty đốt tiền mới ra được sản phẩm”, điều này có mâu thuẫn không?

Có hai điểm chúng tôi muốn làm rõ ở đây. Thứ nhất, không phải cứ là công nghệ thì các công ty đều phải “đốt tiền mới ra được sản phẩm,” bởi vì không phải startup nào cũng cần phát triển công nghệ hoàn toàn mới để làm ra sản phẩm. Xây dựng một startup công nghệ, đặc biệt là công nghệ phần mềm, thực ra có thể ít tốn kém hơn các mô hình kinh doanh truyền thống. Chẳng hạn, với kinh doanh truyền thống, bạn phải bỏ tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, cơ sở vật chất hay nhiều nhân lực phục vụ khách hàng, và càng mở rộng thì các chi phí đó càng đội lên. Trong khi đó với các startup, nhờ công nghệ mà họ ít lệ thuộc vào các yếu tố trên, từ đó tiết kiệm được chi phí.

Thứ hai, đúng là quy mô của quỹ 500 Startups Vietnam nhỏ, nhưng khi các startup có nhu cầu gọi vốn lớn hơn số tiền chúng tôi có thể cung cấp, chúng tôi có thể ‘dẫn dắt’ vòng đầu tư bằng cách giúp họ thu hút vốn từ các nhà đầu tư uy tín khác. Chẳng hạn như trong khóa 1 của Saola, với mỗi đô la mà 500 Startups đầu tư, các công ty còn nhận được 4 đô la từ các nhà đầu tư khác trong cùng vòng gọi vốn đó.

Quan trọng hơn vốn đầu tư là những hỗ trợ mà chúng tôi có thể đem lại, bao gồm những nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm, và mạng lưới toàn cầu của 500 Startups. Ví dụ như với chương trình Saola, giá trị lớn nhất không phải là số tiền đầu tư 100,000 đô la Mỹ mà là cơ hội kết nối và làm việc với những nhà sáng lập khác và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, những người đã và đang trải qua hành trình khởi nghiệp, thấu hiểu những vấn đề mà bạn đang gặp phải, và có thể đồng hành và hỗ trợ bạn giải quyết những vấn đề đó. Những hỗ trợ đó mới là lý do chính khiến nhiều nhà sáng lập tìm đến 500 Startups Vietnam.

Xin cảm ơn Hậu.

NGUYỄN HÀ ĐÔNG: ‘BẨM SINH TÔI KHÔNG CHỊU ĐƯỢC ÁP LỰC NÊN TỐT NHẤT LÀ GỠ BỎ FLAPPY BIRD’

Tối 18/11/2019, Nguyễn Hà Đông xuất hiện trong một sự kiện chia sẻ với sinh viên tại Đại học Bách Khoa Hà Nội – ngôi trường anh từng theo học. Trước đó vài ngày, game Flappy Bird do Đông phát triển được trang công nghệ Cnet của Mỹ bình chọn vào danh sách 25 ứng dụng ảnh hưởng nhất trong 10 năm qua.

Triệu phú sinh năm 1985 ăn vận đơn giản, ít nói, tỏ ra khiêm tốn và đôi lúc có phần ngại ngùng khi chia sẻ trước đám đông. Trước mỗi câu hỏi của người điều phối chương trình – Tiến sĩ Tạ Hải Tùng – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Nguyễn Hà Đông đều trả lời rất ngắn gọn và đi thẳng vào nội dung.

“Bẩm sinh tôi không chịu được áp lực vì vậy tốt nhất là gỡ bỏ”

Flappy Bird được Nguyễn Hà Đông đưa lên Apple Store vào tháng 5/2013, bất ngờ nổi tiếng vào tháng 1/2014. Đến tháng 2/2014, game này trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia và đạt trên 50 triệu lượt tải về.

Trả lời câu hỏi về bí quyết thành công, Đông chia sẻ, “Đối với tôi 17 năm qua chỉ có màn hình máy tính, nên tôi không có nhiều câu chuyện để kể. Tôi nghĩ rằng mình phải đánh đổi một số thứ để có được thành công như vậy. Cái mà tôi đánh đổi chính là sự trưởng thành của mình”.

“Nguyễn Hà Đông kiếm được số tiền ước tính lên tới 50,000 USD/ngày. Ngay cả Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, mới đầu cũng không giàu lên nhanh như thế”, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng dẫn lại thông tin được tờ Rolling Stone viết về Đông trong một bài báo 5 năm trước.

Vị Tiến sĩ này cũng nhắc lại việc chàng cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội nhanh chóng gỡ bỏ Flappy Bird vào tháng 2/2014 dù lúc đó trò chơi này đang “gây bão”. Nói về quyết định của mình, Đông lý giải đơn giản, “bẩm sinh tôi không chịu được áp lực vì vậy tốt nhất là gỡ bỏ”.

Trước đó, Đông từng chia sẻ với Rolling Stone về việc anh nhận được email của những người bị mất công việc hay bà mẹ không còn trò chuyện với con cái chỉ vì Flappy Bird. Sự bám đuổi, những lời chỉ trích và cáo buộc khiến Đông cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ và không muốn đi ra ngoài.

Bỏ lại câu chuyện về “Chú chim vỗ cánh”, Đông cho biết anh đang phát triển một sản phẩm game mới với xác suất thành công như Flappy Bird là 0.1%. “Tôi không muốn nói trước vì nói trước khó mà đạt được. Game trông rất đơn giản nhưng trình độ công nghệ trong game này chưa có bao giờ”, anh tiết lộ.

Đã có hàng triệu USD nhưng chưa nghĩ tới nghỉ hưu

Nguyễn Hà Đông bắt đầu lập trình năm 15 tuổi, lập trình game năm 17 tuổi, đi làm cho công ty game từ năm thứ 2 đại học và tự làm một mình từ 2011. Tuy nhiên, anh cho rằng không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Có nên khởi nghiệp khi là sinh viên?”.

“Tôi nghĩ mỗi người một khác vì vậy chỉ cần họ thấy đúng là được”, lập trình viên 34 tuổi nói. Anh cũng nhắn nhủ các bạn trẻ “đừng đánh đổi sự trưởng thành của mình bằng những thành công ngắn hạn”.

Khi được hỏi về việc rót vốn cho các startup, Đông cho biết với các bạn sinh viên cần tiền để thực hiện dự án của mình, anh sẽ cho họ tiền chứ không phải đầu tư. Điều kiện Đông đưa ra là phải chứng minh tính khả thi của dự án, số tiền cần là bao nhiêu và tiêu vào việc gì. Nếu thấy hợp lý anh sẽ tài trợ. Năm 2017, Đông từng chia sẻ mỗi năm anh sẽ tài trợ cho 5 dự án của sinh viên, với số tiền tối đa 200 triệu/dự án.

Nói về việc làm sản phẩm, Đông nghĩ ở đâu cũng như nhau, không có khái niệm quốc tế hay Việt Nam. “Tôi đánh giá ở góc độ nếu mình không phải con người sẽ nhìn như thế nào. Làm thế nào để thuyết phục con người sử dụng sản phẩm của mình”, anh nói.

Về kế hoạch nghỉ hưu, Nguyễn Hà Đông chia sẻ, ngày xưa, khi còn sinh viên anh nghĩ rằng khi có 1.1 triệu USD sẽ nghỉ hưu. “Sau đó, tôi đã có nhiều lần con số đấy nhưng tôi vẫn chưa muốn nghỉ hưu”, anh nói.

Flappy Bird là game mobile do Nguyễn Hà Đông phát triển. Trò chơi này từng “gây nghiện” cho nhiều người trên toàn thế giới vì cách chơi rất đơn giản nhưng lại khó ăn điểm. Dù bị gỡ bỏ chỉ sau một tháng nổi tiếng, Flappy Bird giúp Nguyễn Hà Đông có mặt trong danh sách 10 triệu phú Internet phất lên từ con số 0 năm 2014 của trang The Richest. Năm 2015, anh cũng được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn trong top 30 under 30. Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird xuất hiện trong cuốn sách Guinness 2016 với tư cách là trò chơi đầu tiên bị hạ xuống sau khi đã dẫn đầu bảng xếp hạng AppleStore.

CEO AREVO VŨ XUÂN SƠN: CHÚNG TÔI SẼ XÂY NHÀ MÁY IN 3D SỢI CARBON LỚN NHẤT THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM

Vũ Xuân Sơn là một doanh nhân gốc Việt nổi tiếng ở thung lũng Silicon. Anh từng thành lập nhiều công ty công nghệ nổi tiếng ở Mỹ như FireSpout (công ty công nghệ phần mềm về xử lý ngôn ngữ), Agamatrix (công ty hiện có doanh thu hàng năm gần 100 triệu USD), Misfit Wearables (cùng cựu CEO Apple John Sculley và một người bạn đại học) …

Sau khi bán Misfit cho Fossil Group với giá 260 triệu USD, Sơn trở thành Giám đốc công nghệ của tập đoàn này. Tiếp đó, Vũ Xuân Sơn thành lập Quỹ đầu tư Alabaster cùng với vợ mình Lê Diệp Kiều Trang. Quỹ đầu tư này đầu tư vào nhiều startup công nghệ trên thế giới và Arevo –công ty công nghệ in 3D thế hệ mới có trụ sở ở Mỹ là một trong số đó. Trước khi trở thành CEO Arevo, Vũ Xuân Sơn tham gia công ty này với tư cách cố vấn kiêm nhà đầu tư.

Vũ Xuân Sơn cùng vợ là Lê Diệp Kiều Trang

NGÀNH TÁC CHIẾN – QUÂN LỰC HOA KỲ

THIẾU TƯỚNG WILLIAM H. SEELY III CỦA TQLC HOA KỲ

MACDILL AIR FORCE BASE, Florida (NV) – Tướng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ William H. Seely III vừa được gắn lon thiếu tướng tại một buổi lễ tổ chức vào ngày 31/7, tại căn cứ MacDill Air Force Base, Florida, trở thành thiếu tướng gốc Việt đầu tiên của binh chủng này và cũng là Thiếu tướng gốc Việt thứ ba trong quân đội Mỹ sau Thiếu tướng Lương Xuân Việt và Châu Lập Thể.

Thiếu tướng William Seeky và gia đình, ngày 31/07/2020. Photo Twitter USMARCENT

Ông sinh tại Sài Gòn, bố là người Mỹ, mẹ là người Việt. Cuối năm 1970, gia đình ông chuyển về Mỹ. Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Wooster School – Connecticut, vào năm 1985, ông vào học đại học American University ở Washington, DC, và tốt nghiệp cử nhân ngành quan hệ quốc tế. Sau đó, ông gia nhập TQLC, được gởi đi học tại đại học George Washington University, Washington, DC, qua chương trình sĩ quan hải quân trừ bị (NROTC) và mãn khóa vào năm 1989. Ông cũng hoàn tất các văn bằng cao học tại các trường Đại học Oklahoma State University, National Intelligence University và Naval War College. Ông lên Chuẩn tướng năm 2015. Từ tháng 7 năm 2019 đến nay là Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm liên minh quân sự Hoa Kỳ-Irag chống quân khủng bố ISIS tại Irag. Chuẩn Tướng Seely được Tổng Thống Donald Trump đề cử lên thiếu tướng vào tháng 1/2020 và được Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện chấp thuận vào tháng 7/2020. Theo thông tin trên Twitter của ông Seely, buổi lễ thăng quân hàm được tổ chức trực tuyến ngày 31/7/2020 do nữ Thiếu tướng Loretta Reynolds, Phó Tư lệnh Truyền thông của Quân chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và Thiếu tướng Carl Mundy, Tư lệnh USMARCENT, làm chủ tọa. Ngay sau khi được thăng quân hàm, tân Thiếu tướng Seely hôm 3/8 được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng trường sĩ quan The Joint Forces Staff College (JFSC) tại Norfolk, bang Virginia.

PHÓ ĐỀ ĐỐC NGUYỄN TỪ HUẤN

HQ Đại tá Nguyễn Từ Huấn đã được thăng cấp Phó Đề đốc trong một buổi lể long trọng tại thủ đô Washington. Tại buổi lễ, Phó Đô đốc Thomas Moore, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hệ thống Kỹ thuật Hải quân Mỹ (Naval Sea Systems Command – NAVSEA) phát biểu: “Hôm nay chúng tôi sẽ chào đón sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên được phong hàm cấp tướng, và đó là một sự kiện quan trọng.”

Trong buổi lễ với sự hiện diện của gia đình, thân hữu, và các đồng nghiệp tham dự, ông Nguyễn Từ Huấn nói:

“Đây là một niềm vinh dự lớn. Tôi vô cùng hân hạnh để trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đeo trên mình quân hàm cấp tướng trong Hải quân Hoa Kỳ. Danh dự này thực sự thuộc về cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những người đã truyền cho chúng tôi ý thức về lòng yêu nước, nghĩa vụ, danh dự, lòng can đảm và sự dốc lòng đối với đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang chúng tôi.” “Những giá trị này đã truyền cảm hứng cho tôi để phục vụ. Và đây là niềm vinh dự được phục vụ Hải quân Hoa Kỳ … phục vụ đất nước của chúng ta để hỗ trợ và bảo vệ Hiến pháp của chúng ta.”

Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn làm lể tuyên thệ trước Phó Đô Đốc Thomas Moore. Photo US Navy.

JOHN EDWARDS : CHUẨN TƯỚNG (ĐƯỢC ĐỀ CỬ ) KHÔNG QUÂN HOA KỲ

Theo bản tin loan đi từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vào 13 tháng 1 năm 2020: Trong số 35 Đại Tá được đề bạt lên cấp tướng của Không Quân Hoa Kỳ lần này có ông John Edwards, một Đại tá người Mỹ gốc Việt .

John Edwards sinh vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Việt Nam. Thân sinh của ông là một quân nhân mũ xanh kết hôn với mẹ ông, một thiếu nữ bản xứ vào năm 1968 tại Việt Nam. Những ngày tháng cuối cùng còn ở tại Sài Gòn, cha ông John phục vụ cho cơ quan DAO ( Defense Attack Office ). 

Ông John Edwards hiện đang sống tại Washington DC cùng với vợ và ba con. Ông tốt nghiệp đại học Hawaii năm 1995 và từng giữ những chức vụ quan trọng trong Không Quân Hoa Kỳ như: Chỉ huy căn cứ không quân Ellsworth, Nam Dakota, không đoàn chiến đấu B-1 lớn nhất trong Không quân Hoa Kỳ với 27 máy bay và hơn 3,800 thành viên quân sự và thân nhân. Từng là tham mưu trưởng của nhóm tác chiến , huấn luyện viên về vũ khí, chỉ huy Phi đội Bom 96 bao gồm một triển khai hỗ trợ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Giám đốc Bộ Tham mưu “ Innovation Group”. Chỉ Huy Tập đoàn Huấn luyện bay 479 tại Trạm Không quân Hải quân Pensacola, Florida. Trong khả năng đó, ông đã chỉ huy bốn phi đội, 800 nhân viên và 45 máy bay T-6 Texan II và T-1A Jayhawk huấn luyện các Sĩ quan Hệ thống Chiến đấu cho Không quân Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Không quân và Lực lượng Bảo vệ Không quân Hoa Kỳ. Nhóm này cũng đã đào tạo hơn 325 chuyên gia tác chiến điện tử cho Bộ Quốc phòng và 23 quốc gia đồng minh mỗi năm và hỗ trợ 1,500 nhân viên Không quân đồn trú tại khu vực Pensacola. Ông là một sĩ quan bậc thâm niên trong hệ thống chiến đấu với hơn 2,450 giờ bay bao gồm 237 bay chính xác trong thời gian tập trận cùng lực lượng đồng minh và giữ vửng an ninh .

Tính đến nay cộng đồng người Việt tha hương hân hạnh có được 4 vị tướng người Mỹ gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ. Ông Edwards là người thứ năm được đề nghị:

  1. Lương Xuân Việt: Thiếu tướng Lục Quân Hoa Kỳ (2017)
  2. Châu Lập Thế: Chuẩn Tướng Lập Thể Flora vừa được vinh thăng thiếu tướng tại một buổi lễ tổ chức ở căn cứ Virginia National Guard Sgt. Bob Slaughter Headquarters, Richmond, Virgina, hôm 2/5/2020, theo tin từ Vệ Binh Quốc Gia Virgina cho biết. Như vậy, ông Lập Thể Flora là thiếu tướng người Mỹ gốc Việt thứ nhì trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ. Thiếu tướng gốc Việt đầu tiên trong quân đội Mỹ là ông Lương Xuân Việt, hiện là Tư lệnh Lục Quân Mỹ tại Nhật, và làm việc ở căn cứ Camp Zama, chỉ huy 2,500 binh sĩ, nhân viên dân sự, và các gia đình quân nhân khắp 16 trại lính tại Nhật và đảo Okinawa.
  3. William Seely: Thiếu tướng TQLC Hoa Kỳ (2020)
  4. Nguyễn Từ Huấn: Phó đề đốc Hải Quân Hoa Kỳ (2019)
  5. John Edwards: Chuẩn tướng (được đề cử) Không Quân Hoa Kỳ (2020)

Đại tá John Edwards – Không Quân Hoa Kỳ

10 TÂN SĨ QUAN GỐC VIỆT TỐT NGHIỆP HỌC VIỆN HẢI QUÂN HOA KỲ

Theo thông cáo báo chí từ học viện ở thành phố Annapolis, Maryland, hôm 11/5/2020. Đó là Kevin Duy Nguyễn, Justin Hùng Nguyễn, Miahnna Nguyễn, James Trương, Bryant Phan, Christopher Phạm, Prescillia Tạ Trương, Joachim Anh Hoàng Phạm Hà, Brian Tất, và Emily Feng (mẹ gốc Việt, cha gốc Hoa). Đặc biệt, cô Emily Feng hiện có một em gái đang học tại học viện đầy uy tín này, và một cô em khác sẽ vào trường này vào mùa Hè năm nay.

Mười tân sĩ quan gốc Việt tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ năm 2020. (Hình: Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ)

Ngày 25/5/20250, có bảy sinh viên gốc Việt trong số 1,107 tân sĩ quan tốt nghiệp Học Viện Quân Sự West Point, New York, hôm Thứ Bảy, 13 Tháng Sáu, theo Hiệp Hội Khóa Sinh West Point Người Mỹ Gốc Việt (West Point Vietnamese-American Cadets Association – WPVACA) đăng trên Facebook. Đó là các tân thiếu úy Andy Vũ, cư dân Arlington, Texas; Chris Đào, cư dân West Lake, Texas; Travis Lee (mẹ người Việt, cha người Hoa), cư dân Los Angeles, California; Kenny Lê, cư dân Leicester, Massachusetts; Ty Đặng, cư dân Chandler, Arizona; Thomas Weatherford (mẹ người Việt, cha người Mỹ), cư dân Colorado Springs, Colorado; và Austin Nguyễn, cư dân Corpus Christi, Texas. Đây được coi là số sinh viên gốc Việt tốt nghiệp nhiều nhất trong một năm của học viện quân sự nổi tiếng nhất của Mỹ, kể từ ngày thành lập cách đây hơn 200 năm.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Ocean Vương, người Mỹ gốc Việt thứ năm nhận giải Thiên Tài MacArthur” trên mạng Người Việt ngày 25/9/2019.
  2. Bài viết “Tiến sỹ Việt mang dự án thành công tại Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp” trên mạng Người Việt ngày 25/9/2019.
  3. Bài viết “Tiến sĩ Phạm Đại Khánh Được Giải Thưởng Cao Quý Tại Mỹ” trên mạng Việt Báo ngày 11/5/2019.
  4. Bài viết “CEO Arevo Vũ Xuân Sơn: Chúng tôi sẽ xây nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới tại Việt Nam” trên mạng Cafef.VN ngày 20/8/2020.

*****

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *