Việt Nam và hệ thống 5G

624 (lượt xem) |

HỆ THỐNG 5G LÀ GÌ?

Thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5 là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở các băng tần 28, 38, và 60 GHz. Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Tính năng Chat Video sẽ có hình ảnh mượt mà và trôi chảy hơn, làm cho chúng ta cảm thấy như đang ở trong cùng một mạng nội bộ. Các cơ quan chức năng trong thành phố có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đậu xe, do đó có thể gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của mọi người dân theo thời gian thực.

Mạng 5G được xem là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (LoT), trong đó các bộ cảm biến là những yếu tố quan trọng để trích xuất dữ liệu từ các đối tượng và từ môi trường. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo. Tuy nhiên, để cung cấp 5G, các nhà mạng sẽ cần phải tăng cường hạ tầng cơ sở mạng lưới (gọi là trạm gốc). Họ có thể bắt đầu bằng cách khai thác dải phổ hiện còn trống. Sóng tín hiệu với tần số đo MHz sẽ được nâng cao lên thành GHz hay thậm chí nhanh hơn. Tần số giao tiếp của điện thoại hiện nay ở dưới mức 3 GHz nhưng mạng 5G sẽ yêu cầu những băng tần cao hơn. Mạng 5G được tung ra vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và người tiêu dùng.

CÁC LOẠI MẠNG 2G, 3G, 4G

Hệ thống mạng di động đã trải qua một quá trình phát triển dài với các công nghệ khác nhau. Các tên gọi mạng 2G, 3G, 4G đôi khi khiến người dùng băn khoăn vì không hiểu hết được ý nghĩa của nó.

Mạng 2G: Đây là thế hệ mạng di động thứ 2, với tên gọi đầy đủ là hệ thống thông tin di động toàn cầu (Global System for Mobile Communications; viết tắt: GSM). Công nghệ này có khả năng phủ sóng rộng khắp, giúp người dùng có thể sử dụng điện thoại nhiều vùng trên thế giới.

GSM là mạng điện thoại di động có thiết kế gồm nhiều tế bào (cell) hay hiểu đơn giản hơn là các trạm thu phát sóng, do đó, các máy điện thoại di động kết nối mạng bằng cách tìm kiếm các trạm thu phát sóng gần nó nhất.

Mạng 2G chia làm 2 nhánh chính: nền TDMA (Time Division Multiple Access) và nền CDMA cùng nhiều dạng kết nối mạng tuỳ theo yêu cầu sử dụng từ thiết bị và từng quốc gia.

Ưu điểm:

  • Cải thiện được chất lượng cuộc gọi, tín hiệu và tốc độ so với thế hệ trước.
  • Mã hoá dữ liệu theo dạng kỹ thuật số, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
  • Cung cấp tin nhắn dạng SMS.
  • Thiết bị nhỏ gọn hơn.

Mạng 3G: Mạng 3G (Third-generation technology) là thế hệ thứ ba của chuẩn công nghệ điện thoại di động, cho phép truyền cả dữ liệu thoại (nghe, gọi, nhắn tin thông thường) và ngoài thoại như: tải dữ liệu, gửi Email, tin nhắn nhanh, hình ảnh…

Điểm mạnh 3G so với công nghệ trước là cho phép truy cập internet, sử dụng các dịch vụ định vị toàn cầu GPS, truyền, nhận các dữ liệu, âm thanh, hình ảnh chất lượng cao cho cả thuê bao cố định và thuê bao đang di chuyển ở các tốc độ khác nhau.

Bạn thường thấy những thông số kỹ thuật của máy: “Tốc độ 3G: HSDPA, 42 Mbps; HSUPA, 5.76 Mbps”. Vậy chúng nghĩa là gì và ảnh hưởng gì đến trải nghiệm của bạn trên thiết bị di động?

Tốc độ 3G là tốc độ truyền và tải dữ liệu (tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh, video…). Tốc độ càng cao nghĩa là thời gian truyền tải dữ liệu càng nhanh, dung lượng dữ liệu càng lớn. Tốc độ 3G chuẩn của một số mạng di động tại Việt Nam là 21 Mbps và đang được cải tiến, nâng cao lên 42 Mbps. Do đó, người dùng 3G sẽ có thể xem phim, clip, nghe nhạc và lướt web nhanh hơn. Trong đó:

  • HSDPA (High-Speed Downlink Packet Access): Gói đường truyền tải xuống tốc độ cao, cho phép tốc độ tải dữ liệu về máy tối đa đạt đến 42 Mbps, tương đương với tốc độ đường truyền ADSL (1 giây có thể up xong 1 bản MP3 dung lượng 5 MB).
  • HSUPA (High-Speed Uplink Packet Access): Gói đường truyền tải lên tốc độ cao, cho phép tốc độ tối đa đạt 5.76 Mbps. Đa số các thiết bị smartphone, máy tính bảng hiện nay đều hỗ trợ tốc độ 3G tối đa của HSDPA và HSUPA.

Công nghệ 3G được các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn trên thế giới xây dựng thành 4 chuẩn chính:

  • W-CDMA: Là nền tảng của chuẩn UMTS, sử dụng băng rộng để có tốc độ cao hơn và hỗ trợ nhiều người dùng hơn mạng 2G, được sử dụng ở Châu Âu và một phần châu Á, trong đó có Việt Nam.
  • CDMA 2000: Một chuẩn 3G quan trọng, là thế hệ kế tiếp của các chuẩn 2G CDMA và IS-95. CDMA 2000 cung cấp tốc độ dữ liệu từ 144 kbit/s tới trên 3 Mbit/s.
  • TD-CDMA: Được phát triển trền nền tảng chuẩn UTMS. Đây là một chuẩn thương mại áp dụng hỗn hợp của TDMA và CDMA nhằm cung cấp chất lượng dịch vụ tốt hơn cho dữ liệu đa phương tiện kể cả âm thanh, hình ảnh.
  • TD-SCDMA: Một chuẩn khác dựa trên nền tảng chuẩn UTMS, đang được phát triển tại Trung Quốc, nhằm mục đích như là một giải pháp thay thế cho W-CDMA.

Ưu điểm:

  • Cải thiện được chất lượng cuộc gọi, tín hiệu và tốc độ so với thế hệ trước.
  • Truy cập Internet tốc độ cao kể cả khi di đang chuyển.
  • Cùng với sự bùng nổ smartphone, kết nối 3G cho phép người dùng truy cập vào thế giới nội dung đa phương tiện phong phú bao gồm nhạc, phim, hình ảnh chất lượng cao.
  • Kết hợp với các ứng dụng nhắn tin OTT như Viber, Skype, Zalo, Line…, 3G giúp người dùng có thể online, trò chuyện mọi lúc mọi nơi với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với dạng tin nhắn SMS truyền thống.

Mạng 4G (Viết tắt của fourth-generation, là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 – 1.5 Gb/giây. Tên 4G do IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers) đặt ra để diễn đạt ý nghĩa rằng công nghệ này vượt trội hơn so với 3G.

Công nghệ 4G được hiểu là chuẩn tương lai của các thiết bị không dây, cho phép người sử dụng có thể tải và truyền lên hình ảnh động chất lượng cao. Hiện thế giới đang tồn tại 2 chuẩn công nghệ lõi của mạng 4G là WiMax và Long Term Evolution (LTE), mỗi công nghệ đều sử dụng một dải băng tần khác nhau.

LỊCH SỬ MẠNG 5G

  • Tháng 4/2008, NASA hợp tác với Geoff Brown và Machine-to-Machine Intelligence Corp (M2Mi) để tạo ra công nghệ truyền thông 5G.
  • Trong năm 2008, chương trình nghiên cứu và phát triển IbjngT của Hàn Quốc về “Hệ thống truyền thông di động 5G dựa trên sự truy cập đa luồng và chuyển tiếp với sự hợp tác nhóm” đã được khởi động.
  • Tháng 8/2012, Đại học New York thành lập NYU WIRELESS, một trung tâm nghiên cứu đa ngành học đã tiến hành công việc tiên phong trong truyền thông không dây 5G.
  • Ngày 8/10/2012, Đại học Surrey của Vương quốc Anh đã quyết định chi 35 triệu bảng cho một trung tâm nghiên cứu 5G mới, do Quỹ Đầu tư Đối tác Nghiên cứu Vương quốc Anh (UKRPIF) và một tổ hợp các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động và nhà cung cấp cơ sở quốc tế quan trọng, bao gồm Huawei, Samsung, Telefonica Châu Âu, Fujitsu Laboratories Châu Âu, Rohde & Schwarz, và Aircom International. Nó sẽ cung cấp các cơ sở thử nghiệm cho các nhà khai thác di động mong muốn phát triển một tiêu chuẩn di động sử dụng năng lượng ít hơn và phổ tần số vô tuyến ít hơn trong khi cung cấp tốc độ nhanh hơn 4G hiện tại với mong muốn cho công nghệ mới sẽ sẵn sàng trong vòng một thập kỷ.
  • Ngày 12/5/2013, Samsung Electronics tuyên bố rằng họ đã phát triển một hệ thống “5G”. Công nghệ cốt lõi đạt tốc độ tối đa hàng chục Gbit/s. Trong quá trình thử nghiệm, tốc độ truyền đã đạt tới 1,056 Gbit/s đến khoảng cách 2 km bằng cách sử dụng 8*8 MIMO.
  • Tháng 7/2013, Ấn Độ và Israel đã đồng ý cùng nhau phát triển công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5 (5G).
  • Ngày 6/11/2013, Huawei đã thông báo kế hoạch đầu tư ít nhất 600 triệu USD vào R&D cho các mạng 5G thế hệ mới có khả năng tăng tốc nhanh hơn gấp 100 lần so với các mạng LTE hiện tại.
  • Ngày 23/4/2014, Nokia Solutions and Networks và NYU WIRELESS tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Brooklyn 5G đầu tiên. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp không dây và điện thoại di động trong giới hàn lâm, kinh doanh và chính phủ để khám phá tương lai của công nghệ không dây 5G, đặc biệt tập trung vào ăng-ten, quảng cáo và lập mô hình kênh.
  • Tháng 11/2014, Megafon và Huawei sẽ phát triển mạng 5G ở Nga. Một mạng thử nghiệm sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2017, đúng vào thời điểm World Cup 2018. Ngày 19 tháng 11 năm 2014, Huawei và SingTel đã công bố việc ký kết MoU để khởi động chương trình đổi mới 5G.
  • Ngày 8/9/2015, Verizon đã thông báo lộ trình thử nghiệm 5G tại Hoa Kỳ trong năm 2016.
  • Ngày 22/1/2016, Ericsson cho biết họ đã hợp tác với TeliaSonera để phát triển các dịch vụ 5G dựa trên mạng của TeliaSonera và công nghệ 5G của Ericsson. Mục tiêu của họ là cung cấp 5G cho khách hàng ở Thụy Điển và Tallinn, Estonia vào năm 2018. Thụy Điển từ lâu đã là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực ICT, đặc biệt là Ericsson và TeliaSonera đã đưa ra mạng lưới thương mại 4G thương mại đầu tiên ở Thụy Điển vào năm 2009.
  • Cũng vào ngày 22/2/2016, Samsung và Verizon đã bắt đầu dùng thử 5G. Ngày 29/1/2016, Google tiết lộ rằng họ đang phát triển một mạng 5G gọi là SkyBender. Họ dự định phân phối kết nối này thông qua các drone sử dụng năng lượng mặt trời.
  • Vào giữa tháng 3/2016, chính phủ Anh xác nhận kế hoạch đưa Anh Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về 5G. Kế hoạch cho 5G chiếm một phần nhỏ trong ngân sách năm 2016 của nước này, nhưng dường như chính phủ Anh muốn nó là một trọng tâm lớn trong tương lai.
  • Ngày 14/7/2016, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã nhất trí thông qua đề xuất giải phóng một lượng lớn băng thông mới trong dải tần số cao chưa được sử dụng cho thế hệ kế tiếp của truyền thông không dây (5G). Spectrum Frontiers Proposal (SFP) sẽ tăng gấp đôi lượng phổ tần không được cấp phép của sóng milimet (mmWave) lên 14 GHz và tạo ra gấp bốn lần lượng quang phổ.
  •  Ngày 17/10/2016, Qualcomm đã công bố modem 5G đầu tiên, Snapdragon X50, là chipset di động thương mại 5G đầu tiên.
  • Tháng 1/2017, Reliance Jio và Samsung đã hợp tác cùng nâng cấp mạng 4G LTE-A hiện có ở Ấn Độ lên chuẩn 5G.
  • Ngày 17/10/2017, Qualcomm đã công bố kết nối di động 5G đầu tiên với tốc độ kết nối là 1 Gbit/s.
  • Ngày 29/11/2017, Verizon Communications Inc. công bố sẽ triển khai các dịch vụ băng thông rộng không dây 5G ở 5 thành phố của Mỹ, bắt đầu từ nửa cuối năm 2018.

VIỆT NAM VÀ HỆ THỐNG 5G

Việt Nam đang rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các nước phát triển trong ngành địa kỹ thuật công trình. Thay vì phải sau 5-7 năm, ngày 10/5/2019, Viettel cùng với Tập đoàn Ericsson thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Hoạt động nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại Việt Nam. Tháng 8/2019, khách hàng của Mytel (thương hiệu của Viettel tại Myanmar) đã có cơ hội trải nghiệm công nghệ 5G. Đây là thông tin được Mytel công bố tại sự kiện ra mắt công nghệ 5G tại khách sạn Sedona, Yangon, Myanmar ngày 5/8/2019 vừa qua. Là nhà mạng đầu tiên ra mắt công nghệ 5G tại Myanmar, Mytel tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, luôn mang đến những công nghệ mới nhất và tiên tiến nhất cho đất nước Chùa Vàng Myanmar.

5G của Viettel tại Myanmar

Báo Nikkei của Nhật Bản ngày 4/4/2019, có bài viết cho biết các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang tiến hành các công tác lựa chọn thiết bị mạng để chuẩn bị cho việc triển khai dịch vụ mạng 5G trong thời gian tới. Theo báo trên, Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) cho biết đã đầu tư kinh phí phát triển đến 80% các thiết bị sử dụng cho mạng 5G. Đây là những thiết bị chủ yếu sẽ được dùng trong trạm thu phát sóng mạng 5G trong tương lai. Điều này rất đáng chú ý trong bối cảnh Chính phủ Mỹ kêu gọi các nước tẩy chay thiết bị viễn thông của Trung Quốc. Viettel là doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Việt Nam với khoảng 66 triệu thuê bao hoạt động, chiếm 50% thị phần cả nước. Hiện Viettel đang vận hành thử mạng 5G, đồng thời cũng cân nhắc khả năng sử dụng công nghệ của Nokia hay Ericsson (Thụy Điển).

Việt Nam đang phấn đấu sẽ trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đưa mạng 5G vào khai thác thương mại từ năm 2020. Theo truyền thông Việt Nam, hai doanh nghiệp viễn thông lớn còn lại là Vinaphone và Mobiphone đều đang lần lượt tiến hành hợp tác với hãng Nokia của Phần Lan và Samsung của Hàn Quốc để phát triển mạng 5G. Việt Nam có dân số khoảng 95 triệu người nhưng có tới hơn 120 triệu thuê bao di động nên thị trường di động đã rơi vào tình trạng bão hòa. Các doanh nghiệp viễn thông hy vọng khi đưa 5G, mạng viễn thông có tốc độ truyền tải thông tin, dữ liệu nhanh gấp 100 lần so với mạng 4G hiện nay, vào khai thác sẽ giúp các doanh nghiệp này thu được nhiều lợi nhuận với việc đưa vào nhiều dịch vụ nội dung phù hợp với tốc độ của mạng 5G.

Ngày 19/12/2019, tại trụ sở Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, các quan chức của Chính phủ và Quốc hội đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G của Viettel. Tại đây, Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G – eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G. Như vậy, sau 8 tháng kể từ ngày Viettel – nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5/2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Sau khi chứng kiến hệ thống của Viettel, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam chia sẻ rằng 2020 Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng. Trước đó, ngày 28/12/2019, tại Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel đã ra mắt thiết bị trạm thu phát gốc vô tuyến 5G – gNodeB, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà Hiệp hội Viễn thông Quốc tế 3GPP đã chuẩn hóa và công bố. Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm, nhằm tạo ra những trải nghiệm 5G tốt nhất cho khách hàng.

Viettel bắt đầu gắn các thiết bị 5G

Vinsmart Smartphone: VinSmart mới đây đã công bố phát triển thành công Vsmart Aris 5G – mẫu smartphone hỗ trợ 5G. Là thành quả của quá trình hợp tác giữa Qualcomm của Hoa Kỳ. Dù rằng thuộc phân khúc điện thoại tầm trung, nhưng Aris 5G rất được ưu ái khi được tích hợp một cấu hình vô cùng mạnh mẽ. Điểm nhấn nổi bật của Aris 5G chính là hỗ trợ mạng 5G. Đây là chiếc smartphone đầu tiên tại Đông Nam Á được thương mại hóa với công nghệ 5G.

  • Sử dụng công nghệ toán lượng tử cho khả năng bảo mật tuyệt vời.
  • Được trang bị bộ vi xử lí Snapdragon 765, RAM 8 GB, ROM 128 GB và pin dung lượng 4,000 mAh của Qualcomm.
  • Mang ngôn ngữ thiết kế hình giọt nước, màn hình Super AMOLED 6.4 inch cùng độ phân giải Full HD+ sẽ cho khả năng hiển thị tốt. 
  • Được làm từ kim loại nguyên khối cứng cáp và sang trọng, thay vì là chất liệu nhựa.
  • Nếu so với mạng 4G thì tốc độ của Aris 5G nhanh gấp 8 lần, và nhanh hơn 40 lần so với mạng 3G. Việc download giờ đây chỉ trong tích tắc.
  • Mặt lưng của Aris được trang bị cụm 3 camera đặt trong hình vuông nằm ở giữa phần trên điện thoại. Độ phân giải của cụm 3 camera bao gồm: 48MP, 8MP, 2MP.

Theo nhiều dự đoán, Aris sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm nay – đây sẽ là 1 lựa chọn sáng giá trong phân khúc điện thoại tầm trung tại Việt Nam. Dự kiến chiếc điện thoại này sẽ có giá ở mức tầm trung từ 7 – 8 triệu đồng (300 – 350 USD) và loại cao cấp Vsmart Lux với giá 10 triệu đồng (450 USD).

Vsmart Aris 5G

VAI TRÒ CỦA HOA KỲ

Hiện nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lao một cuộc đọ sức ác liệt để chiếm ngôi vị số một thế giới về kỹ thuật số. Trong cuộc đấu giữa hai kẻ khổng lồ này, châu Âu có nguy cơ mất đi sự độc lập về công nghệ của mình. Hoa Kỳ đã quyết định loại trừ Huawei, tập đoàn viễn thông Trung Quốc khổng lồ ra khỏi hệ thống 5G tương lai, và đang gây sức ép lên các đồng minh, như Châu Âu, để làm theo họ. Bên kia thì Trung Quốc vừa quyết định loại bỏ dần trong 3 năm tất cả những phần mềm, thiết bị vi tính nước ngoài mà các cơ sở nhà nước đang sử dụng. Nếu xu hướng này tiếp tục, thì không lâu sẽ có hai thế giới kỹ thuật số tách biệt nhau trên hành tinh. Một bên là thế giới do Mỹ thống trị qua nào là Amazon, Google, Facebook, nào là Microsoft, Apple, và một bên là thế giới trong tay Trung Quốc với Alibaba, Baidu, Tencent, Huawei và Xiaomi. Châu Âu sẽ phải chọn phe của mình và hy sinh quyền được chọn lựa độc lập của mình.

Trong suốt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, không có nhiều đề cập về 5G. Nhưng công nghệ 5G thật sự đóng vai trò quan trọng và tương lai của nó sẽ bị ảnh hưởng nhiều. 5G có ý nghĩa rất lớn với cả hai bên. Huawei nắm nhiều công nghệ tiên phong, còn Tổng thống Trump muốn Mỹ dẫn đầu trong cuộc đua mới của nhân loại.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn kiểm soát công nghệ 5G và nó sẽ quyết định Mỹ có tiếp tục dẫn đầu cuộc đua công nghệ cao trong vài thập kỷ tiếp theo, hay liệu Trung Quốc có chuyển mình để thành một quốc gia mạnh về công nghệ tiên tiến. Trong cuộc chiến, Huawei được nhắc đích danh và là mục tiêu của My, vì Huawei là công ty đang có thế mạnh trên thị trường 5G.

Bất cứ một quốc gia nào đi đầu về phát triển và triển khai 5G đều có ưu thế về tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát nhiều quyền lực hơn. Dẫn đầu về 5G đem lại hàng trăm tỷ USD doanh thu trong thập kỷ tiếp theo, trong đó bao gồm tạo ra nhiều việc làm trên các lĩnh vực công nghệ không dây. Với Mỹ, 5G sẽ giúp duy trì vị thế dẫn đầu về kinh tế, kỹ thuật mà họ đã có được từ giai đoạn 4G. Còn với Trung Quốc, nó là cơ hội để vượt qua Mỹ và Châu Âu về kinh tế, địa chính trị.

Vậy vị thế của Mỹ hiện nay trong lĩnh vực 5G là gì? Thật khó để trả lời và còn tùy. Tổng thống Trump có khi cho rằng Mỹ bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong cuộc đua 5G, có lúc lại cho biết Mỹ đang thắng và sẽ kiểm soát cả 6G. Nhưng Hội đồng phụ trách đổi mới của Bộ Quốc phòng (DIB) nghĩ ngược lại: “Quốc gia sở hữu 5G sẽ có rất nhiều những tiến bộ và đặt ra chuẩn mực cho phần còn lại của thế giới. Tiếc là quốc gia đó có vẻ như không phải Mỹ”.

Không phải những tuyên bố của cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng là không có cơ sở. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào những công ty như Huawei để phát triển 5G. Các công ty Trung Quốc cũng nắm giữ những bằng sáng chế quan trọng về công nghệ mới. Chính phủ Trung Quốc còn kiểm soát thị trường dịch vụ không dây, và thúc đẩy các công ty lớn bao gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom để cùng phát triển mạng 5G riêng, vốn sẽ thương mại hoá vào năm 2020.

Trong khi đó, Mỹ không có các công ty nắm vai trò quan trọng trong việc phát triển các thiết bị 5G. Hoặc những công ty từng một thời kiểm soát và cung cấp thiết bị viễn thông đã bị bán cho nước ngoài. Hiện nay, thị trường thiết bị 5G đang được dẫn đầu bởi Huawei cũng như Nokia và Ericsson. Ngoài ra, các nhà mạng lớn hợp tác cũng là một thách thức khi họ buộc phải cân bằng giữa đầu tư và đổi mới 5G với cạnh tranh lẫn nhau.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Mỹ lại nằm ở việc chậm trễ triển khai phổ tần vô tuyến (wireless spectrum). Phổ tần Mỹ đang áp dụng cũng là loại khác chuẩn. Mỹ đang dùng chuẩn mmWave vốn có khả năng truyền tải một lượng data lớn rất nhanh, nhưng tín hiệu chỉ di chuyển trong không gian hẹp và dễ bị nhiễu sóng do vật cản. Chi phí để xây dựng mạng như vậy cũng rất tốn kém. Trái lại, Huawei được đánh giá là một trong những nhà sản xuất thiết bị 5G lớn nhất thế giới, công nghệ của hãng cũng được coi là tiên tiến nhất. Tuy nhiên, Huawei luôn là mục tiêu mà Mỹ nhắm tới với lý do nguy hại an ninh quốc gia, họ cũng bị cáo buộc là đánh cắp các sở hữu trí tuệ của Mỹ. Tất cả những cáo buộc dẫn tới một cuộc tấn công đồng thời vào Huawei từ phía Mỹ, trợ giúp là các công ty công nghệ. Hàng loạt cái tên lớn như Google, Qualcomm, Intel, ARM… đều ngừng hợp tác với Huawei.

Trong khi các nhà mạng Mỹ không dùng thiết bị của Huawei trên những mạng 4G và sắp tới là 5G của mình, thiết bị của Huawei lại được dùng nhiều ở các nước Châu Âu và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, một thời gian sau cuộc tấn công vào Huawei, Tổng thống Trump tuyên bố gỡ bỏ các lệnh cấm nhằm vào công ty miễn không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Các nhà mạng Mỹ đánh giá việc Mỹ cấm Huawei không ảnh hưởng tới việc họ triển khai 5G. CEO Verizon nhận định họ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác tại Châu Âu và có thể làm mà không cần Huawei. Tuy nhiên, các nhà mạng nhỏ lẻ, đặc biệt tại vùng nông thôn sẽ chịu ảnh hưởng, vì đã dùng thiết bị của Huawei và ZTE với mạng 4G vì chi phí rẻ, nếu không tiếp tục dùng với 5G, sẽ là một bất lợi. Các nghị sĩ Mỹ đưa ra một hướng giải quyết bằng việc hỗ trợ khoản tiền 700 triệu USD để giải quyết vấn đề, nhưng đại diện từ các nhà mạng vùng nông thôn cho rằng chi phí thực tế cao hơn con số đó. Nó vào khoảng 800 – 1 tỷ USD để thay thế toàn bộ thiết bị của Huawei hay ZTE.

Vậy, liệu có hiệu ứng nào từ việc cấm Huawei và chiến tranh thương mại lên 5G hay không? Nó có thể làm chậm quá trình phát triển tiêu chuẩn cuối cùng cho 5G và chia rẽ loại công nghệ sẽ sử dụng cho từng thị trường. Tiêu chuẩn cuối cùng cho 5G vẫn chưa được thống nhất và có thể mất thêm nhiều năm, trong khi Huawei và các công ty phát triển 5G tham gia chủ yếu vào công đoạn này. Việc Mỹ dùng khác chuẩn với thế giới đã từng xảy ra, họ dùng chuẩn CDMA cho 2G và 3G trong khi Trung Quốc là TD-SCDMA và Châu Âu là GSM.

KẾT LUẬN

Về phương diện địa chính trị, Việt Nam có ý định trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cung cấp mạng 5G mà không dùng các thiết bị của Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đang bị Mỹ hạn chế giao dịch vì những lo ngại về an ninh. Giám đốc điều hành của Viettel Lê Đăng Dũng nói với Bloomberg rằng Tập đoàn Viettel, hiện là nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam do Bộ Quốc phòng sở hữu, sẽ triển khai thiết bị của Ericsson tại Hà Nội và công nghệ của Nokia ở TP.HCM. Theo ông Dũng, tập đoàn này sẽ dùng bộ vi xử lý 5G của Qualcomm và một công ty khác của Mỹ, thay vì dùng công nghệ của Huawei.

Bộ xử lý 5G của Qualcomm

“Lúc này, chúng tôi sẽ không hợp tác với Huawei,” ông Dũng nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại trụ sở chính của Viettel ở Hà Nội. Người đứng đầu Viettel nói rằng hiện nay hợp tác với Huawei là hơi nhạy cảm khi có những thông tin rằng không an toàn khi sử dụng các thiết bị của Huawei. Với tất cả những thông tin như vậy, theo ông Dũng, quan điểm của Viettel là tập đoàn này nên dùng những thiết bị an toàn hơn. “Do đó chúng tôi chọn Nokia và Ericsson từ châu Âu,” CEO của Viettel nói với Bloomberg.

Các nhà mạng nhỏ hơn của Việt Nam dường như cũng tránh xa Huawei. Bloomberg trích dẫn truyền thông trong nước cho biết MobiFone hiện đang sử dụng thiết bị của Samsung trong khi Công ty Dịch vụ Viễn thông Việt Nam, tức Vinaphone, đã hợp tác với Nokia để triển khai mạng 5G. Ông Dũng tin rằng Huawei hiện đang gặp khó khăn ở Việt Nam vì những công ty khác, cùng với Viettel hiện có khoảng 60 triệu người dùng trong số 96 triệu dân ở Việt Nam, cũng đều không dùng thiết bị của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này.

Huawei, có trụ sở ở Thâm Quyến, giải quyết các mối nghi ngại đó bằng cách chỉ ra rằng các chính phủ và các khách hàng ở 170 quốc gia trên toàn thế giới đang dùng sản phẩm của họ và nó không gặp phải bất kỳ nguy cơ an ninh mạng nào so với công nghệ viễn thông của bất cứ nhà cung cấp nào khác. Các chế tài của Mỹ đối với Huawei sẽ khiến cho doanh thu từ việc kinh doanh các thiết bị người tiêu dùng của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.

Theo Bloomberg, Việt Nam đang âm thầm đứng về phía Mỹ, trong đó chính quyền của Tổng thống Trump cấm Huawei mua công nghệ Mỹ vì các lý do an ninh quốc gia. Quyết định không dùng công nghệ Huawei của Viettel làm cho Việt Nam tách ra khỏi nhóm các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Thái Lan và Malaysia – những nước này sẵn sàng triển khai công nghệ của công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, người đứng đầu Viettel, ông Dũng, khẳng định với Bloomberg rằng quyết định của Viettel không sử dụng Huawei cho các mạng 5G của họ là một quyết định mang tính kỹ thuật chứ không liên quan gì tới các lý do về mặt địa chính trị. Trước đây chính phủ Việt Nam đã có những nghi ngờ về công nghệ của quốc gia láng giềng Trung Quốc. Việt Nam còn một lý do khác để tránh công nghệ của Huawei: đó là mong muốn của họ trong việc tăng cường các mối quan hệ an ninh và kinh tế với Mỹ, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc, nói với Bloomberg. Theo chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, việc dùng công nghệ của Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ tăng cường tính cách độc lập của Việt Nam trong mối bang giao quốc tế.

THAM KHẢO

  1. 5G – Wikipedia
  2. Bài viết “New York Times viết gì về Huawei và câu chuyện 5G ở Việt Nam?” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 19/7/2019.
  3. Bài viết “5G Đóng Vai Trò Như Thế Nào Trong Cuộc Chiến Thương Mại Mỹ – Trung? đăng trên mạng Người Việt ngày 21/7/2019.
  4. Tại sao Việt Nam tránh sử dụng công nghệ 5G của Huawei? đăng trên mạng The Observer ngày 3/5/2019.
  5. Bài viết “Bloomberg: “Giải tán” trật tự thế giới công nghệ cũ – Việt Nam, Đài Loan vươn lên mạnh mẽ” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 1/1/2020.
  6. Bài viết “Viettel là nhà mạng đầu tiên ra mắt công nghệ 5G tại Myanmar” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 1/1/2020.
  7. Bài viết “Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ 5G” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 17/1/2020.
  8. Bài viết “Vsmart Aris 5G chính thức lộ diện: Hỗ trợ 5G, chip Snapdragon 765 và RAM 8GB, tích hợp công nghệ điện toán lượng tử để bảo mật” đăng trên mạng Trí Thức Trẻ ngày 15/6/2020.

—–

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *