Kinh tế Việt Nam vs Malaysia, Thái Lan và Philippines 2025

911 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Với Việt Nam, sau ba thập niên đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Tuy vậy trong Asean, dân số Việt Nam đứng thứ 3, nhưng quy mô kinh tế đứng thứ 6. Một tính toán của McKinsey năm 2018 cho thấy GDP đầu người của Malaysia cao gần gấp đôi so với Thái Lan, và cao gấp ba tới năm lần so với thu nhập trung bình của Việt Nam, Indonesia và Philippines. Liệu kinh tế Việt Nam có thể bứt phá để mức sống người dân theo kịp các nước trong ASEAN? Một số bài nghiên cứu có so sánh Việt Nam với Singapore nhưng trong khuôn khổ bài này, người phụ trách chỉ so sánh Việt Nam với Malaysia, Thái Lan và Philippines vì Singapore chỉ là một đảo quốc thịnh vượng nhờ vào sự đầu tư của nước ngoài.

Số liệu thống kê Malaysia Thái Lan Philippines Việt Nam
Dân số 31.5 triệu 69.4 triệu 110 triệu 97.5 triệu
Lợi tức (Danh nghĩa) 359 tỷ USD 529 tỷ USD 383 tỷ USD 301 tỷ USD
Lợi tức (PPP) 1,014 tỷ USD 1,378 tỷ USD 1,003 tỷ USD 1,000 tỷ USD
Xếp hạng (Danh nghĩa) 35 22 33 44
Xếp hạng (PPP) 25 20 26 27
GDP (Danh nghĩa) 11,072 7,792 3,568 2,740
GDP (PPP) 31,311 20,365 8,224 8,066
Tỷ lệ nghèo 15% 10% 26% 7%
Lực lượng lao động 16.8 triệu 38.9 triệu 42.8 triệu 57 triệu
Thất nghiệp 3.4% 1.1% 5.8% 2.2%
Xuất khẩu 263 tỷ USD 237 tỷ USD 98 tỷ USD 290 tỷ USD
Nhập khẩu 197 tỷ USD 223 tỷ USD 135 tỷ USD 259 tỷ USD
Dự trữ ngoại hối 103.4 tỷ USD 266 tỷ USD 99 tỷ USD 70 tỷ USD

Ghi chú: Các dữ kiện lấy từ 2017 – 2020

NHỮNG DẤU HIỆU LẠC QUAN 2020

Cho đến đầu tháng 8/2020, đại dịch COVID-19 bắt đầu chuyển qua giai đoạn 2 và ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đối phó tốt nhất với bệnh dịch. Trong năm 2020, đã có những dấu hiệu tích cực mà mọi người mong đợi từ những chuyện nhỏ như xuất khẩu của gạo Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 đã vượt qua gạo Thái Lan về lượng cũng như giá cả. Các loại trái cây Việt Nam như chuối, vải thiều, nhản, sau cả 1, 2 thập niên tái cấu trúc, đã bắt đầu xâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Hai tập đoàn Vingroup và Viettel vừa hoàn tất được những điều mà hiếm công ty trên thế giới đạt được. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã vượt qua các nước Đông Nam Á về lãnh vực công nghiệp.

Giới thiệu

Tương lai của dân tộc

Các tập đoàn dân sự Việt Nam: Ngày 30/12/2019, Forbes Việt Nam chính thức công bố danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất”. Đây là lần đầu tiên Forbes Việt Namthực hiện danh sách này tại Việt Nam.Danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” được Forbes Việt Nam đánh giá quy mô doanh nghiệp dựa trên bốn tiêu chí: doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hóa, theo phương pháp xếp hạng danh sách Global 2000 (2.000 công ty lớn nhất toàn cầu) của Forbes (Mỹ).Khác với danh sách “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất” (đối tượng là các doanh nghiệp niêm yết tại HSX và HNX) công bố vào tháng 6 hằng năm nhấn mạnh đến hiệu quả và tăng trưởng, danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” mở rộng phạm vi tới các doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM và công ty đại chúng chưa niêm yết.Các doanh nghiệp Việt Nam từng xuất hiện trong danh sách Global 2000 của Forbes (US) như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Vingroup chia nhau các vị trí dẫn đầu của danh sách. Đặc biệt tốp 10 ghi nhận dấu ấn của khối doanh nghiệp tư nhân khi chiếm đến 5/10 vị trí.

Với đặc thù ngành, lĩnh vực ngân hàng chiếm tỷ lệ áp đảo với 22 đại diện, trong đó có 6 vị trí nằm trong tốp 10. Tiếp theo sau là các ngành dầu khí, bất động sản và bán lẻ.

Trong danh sách, Petrolimex là quán quân về doanh thu với 8.35 tỷ USD trong khi Vietcombank quán quân về lợi nhuận sau thuế với 636 triệu USD. Với 57 tỷ USD, ngân hàng BIDV giữ vị trí quán quân về tổng tài sản và Vingroup dẫn đầu về vốn hóa với giá trị xấp xỉ 16.5 tỉ USD (theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất 2018). Theo thống kê của Forbes Việt Nam, sàn HSX có 65 đại diện, UPCoM có 23 đại diện, HNX có 7 đại diện, còn lại là các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết. Về phương pháp tính, Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng Global 2000 của Forbes. Bước đầu tiên là họ tập hợp danh sách các công ty đại chúng bao gồm các công ty cổ phần có trên 100 cổ đông chưa niêm yết và các công ty niêm yết tại HSX, HNX và UPCoM. Tiếp theo, tập hợp số liệu tài chính về tổng doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hóa theo báo cáo tài chính kiểm toán thường niên gần nhất – năm 2018.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả liệt kê sự bức phá của một số tập đoàn mang tầm vóc quốc gia như Vinfast, Vinsmart, Vinamilk, Vietjet, FPT … và các công ty quốc doanh như Viettel, các tổng công ty đóng tàu v.v… Hệ thống giáo dục cấp đại học, các sản phẩm như xe hơi nội địa với thiết kế Đức, điện thoại di động và hệ thống truyền thông 5G, tên lửa đối hạm VCM-01 cũng như phẩm chất của gạo, trái cây, thủy sản Việt Nam đã vượt qua các quốc gia trong vùng.

TẬP ĐOÀN TƯ NHÂN

Tập đoàn Vingroup: Là một công ty đa ngành tại Việt Nam. Vingroup được thành lập vào ngày 8/8/1993, với tiền thân là công ty Technocom sản xuất mỳ ăn liền tại Ukraina bởi các du học sinh người Việt Nam, sau đó đầu tư về Việt Nam. Năm 2004, Nestle  của Thụy Sỹ mua lại thương hiệu mỳ này. Năm 2011, 2 công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom được sáp nhập lại bằng cách hoán đổi cổ phần. Đến giữa tháng 2 năm 2012, cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) phát hành thêm cho mục đích sáp nhập được chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Người sáng lập là ông Phạm Nhật Vượng. Doanh thu năm 2019 là 46,965 đồng (5.7 tỷ USD).

Tại Việt Nam, Vingroup được coi như là một phiên bản Chaebol Hàn Quốc, một dạng tập đoàn đa ngành làm mọi việc và mang trọng trách làm ngọn cờ đầu của nền kinh tế.

  • Từ 11/10/2018, Adayroi bắt đầu đăng thông tin xe VinFast. VinFast sẽ sản xuất năm dòng sản phẩm ô tô là xe 5 chỗ (Sedan), xe thể thao (SUV), xe cỡ nhỏ, xe ô tô điện và xe buýt điện, đều dự kiến ra mắt vào năm 2019. Trong đó, hai mẫu ô tô động cơ đốt trong dòng Sedan 5 chỗ và SUV 7 chỗ ra mắt công chúng thành công vào đầu tháng 10 tại Triển lãm ô tô Paris năm 2018. Ngày 14/6/2019, tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast – Tập đoàn Vingroup đã khánh thành nhà máy sản xuất ô tô, chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Với 21 tháng xây dựng và hoàn thiện – Nhà máy ô tô VinFast đã đạt kỷ lục thế giới về tiến độ; đồng thời đưa công nghiệp ô tô Việt tiến lên nấc thang mới: tự chủ sản xuất và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu dưới thương hiệu Việt – VinFast. Ngày 25/9, Tập đoàn Vingroup đã bổ nhiệm ông James B.DeLuca – cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors của Hoa Kỳ làm Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất ô tô VinFast. Trước khi chiêu mộ ông James B.Deluca, tập đoàn Vingroup cũng đã bổ nhiệm một người dày dạn kinh nghiệm khác trong lĩnh vực sản xuất ô tô, là ông Võ Quang Huệ, cựu CEO Bosch Việt Nam.

Mục tiêu của Vinfast là:

Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kỹ thuật Đức – Tiêu chuẩn quốc tế.

The LEADEREDAG, nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật/công nghiệp độc lập lớn nhất nước Đức thông báo vừa ký hợp đồng với Vinfast để phát triển toàn diện mẫu xe điện đầu tiên dành cho thị trường ô tô Việt Nam. Dây chuyền sản xuất sẽ được ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới tính đến thời điểm hiện nay nhằm cho ra đời những chiếc xe chạy bằng điện thân thiện với môi trường, phù hợp với sự phát triển và xu hướng mới nhất của ngành ô tô trên thế giới. CEO Cosimo De Carlo của EDAG cho biết: “Chúng tôi rất tự hào rằng Vinfast đã chọn EDAG làm đối tác kỹ thuật để cùng họ hoàn thiện dự án xe điện”. “Các kỹ năng toàn diện của EDAG trong phát triển xe và nhà máy lắp ráp đi cùng chuyên môn trong mảng xe điện và hệ thống các trang thiết bị điện tử trên ô tô đã khiến khách hàng của hãng lần này là Vinfast tự tin giao phó trách nhiệm cho chúng tôi”. EDAG được thành lập vào năm 1969 dù cái tên hiện tại của họ chỉ bắt đầu được sử dụng từ giai đoạn 1992 trở đi. Hiện công ty đang sở hữu hơn 80 văn phòng trên toàn cầu với gần 8,200 nhân viên.

Ngoài EDAG, Vinfast còn hợp tác với nhiều tên tuổi lớn khác trên thế giới như Bosch, Siemens, Magna Steyr, BMW và AVL … Theo Bloomberg, Phạm Nhật Vượng, người đàn ông giàu có nhất Đông Nam Á có ý định xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ béo bở vào năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Vingroup dự kiến đầu tư vào khoảng 2 tỷ USD tài sản cá nhân. 

VinFast President SUV hạng Sang mới của VinFast (Lux - V8)

Vinfast President với động cơ V8 ra mắt 2020

  • Vinsmart Smartphone: VinSmart mới đây đã công bố phát triển thành công Vsmart Aris 5G – mẫu smartphone hỗ trợ 5G. Là thành quả của quá trình hợp tác giữa Qualcomm của Hoa Kỳ. Dù rằng thuộc phân khúc điện thoại tầm trung, nhưng Aris 5G rất được ưu ái khi được tích hợp một cấu hình vô cùng mạnh mẽ. Điểm nhấn nổi bật của Aris 5G chính là hỗ trợ mạng 5G. Đây là chiếc smartphone đầu tiên tại Đông Nam Á được thương mại hóa có sử dụng công nghệ 5G. Theo nhiều dự đoán, Aris sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2020 – đây sẽ là 1 lựa chọn sáng giá trong phân khúc điện thoại tầm trung tại Việt Nam. Dự kiến chiếc điện thoại này sẽ có giá ở mức tầm trung từ 7 – 8 triệu đồng (300 – 350 USD) và loại cao cấp Vsmart Lux với giá 10 triệu đồng (450 USD). Giá cả chắc chắn rẽ hơn các loại phone 5G cùng phân khúc với giá trung bình 600 USD. Sự hợp tác chiến lược giữa Vsmart, Qualcomm và các nhà mạng Hoa Kỳ là điều có thể xảy ra.

Vsmart Dillon – AT&T

  • Tin mới nhất cho biết VinSmart được một nhà mạng Mỹ đặt hàng gần 2 triệu smartphone. Lô hàng đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ gắn thương hiệu của đối tác. Chiều 8/10, trong một buổi họp báo, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinSmart tiết lộ công ty đang sản xuất điện thoại cho một nhà mạng lớn tại Mỹ, tuy nhiên, hãng chỉ gia công – đóng vai trò là một OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc). Lô hàng đầu tiên đã xuất khẩu đi Mỹ cách đây một tháng. “Đây là bước tiến quan trọng giúp chúng tôi hiểu rõ thị trường Mỹ, cách làm việc cũng như nhu cầu sản phẩm của họ, để tương lai đem điện thoại thương hiệu Vsmart đến đây”, bà Thủy nói. Người đứng đầu VinSmart cũng chia sẻ đối tác tại Mỹ có quy trình làm việc rất nghiêm ngặt. Dù đã cử đội giám sát theo dõi 24/24 tại nhà máy VinSmart, các sản phẩm vẫn trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng khi tới Mỹ. Hợp đồng gia công này được VinSmart ký gần một năm trước. Lô hàng gồm 4 dòng điện thoại khác nhau, đều hỗ trợ kết nối 4G. Số lượng đặt hàng cụ thể tùy thuộc vào từng giai đoạn, nhưng dự kiến khoảng 1.5 đến 2 triệu chiếc. Uỷ ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) hé lộ thông tin mẫu điện thoại Dillon mà VinSmart phát triển và sản xuất cho nhà mạng AT&T trên website của FCC. Cùng lúc đó, trên hệ thống terminal của hãng tin Bloomberg (hệ thống thông tin độc quyền yêu cầu người đọc trả tiền) cũng đăng tải tin ngắn ám chỉ VinSmart đã xuất khẩu sang Mỹ, mẫu điện thoại mang thương hiệu của nhà mạng AT&T. Theo thống kê trên trang Statista, AT&T, Verizon, Sprint, T-Mobile và US Cellular là 5 nhà mạng lớn nhất nước Mỹ. Trong đó, AT&T và Verizon là hai nhà mạng có độ phủ rộng nhất và mang về doanh thu trong năm 2019, lần lượt 181.19 tỷ USD và 131.87 tỷ USD.
  • Xe bus điện: Sáng ngày 20/10, hình ảnh xe buýt điện VinFast chính thức chạy thử nghiệm trên đường nội khu của nhà máy khiến nhiều người xôn xao. Ngoại hình ấn tượng và những công nghệ hiện đại của “tân binh” buýt điện một lần nữa khẳng định định hướng đầu tư và phát triển các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường của hãng xe Việt. Theo báo cáo của Sở GTVT, thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Tập đoàn Vingroup – Công ty CP đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe chạy điện và cam kết đầu tư 150 – 200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; đầu tư Trung tâm Quản lý và vận hành xe buýt thông minh, depot và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối; bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành.

Mẫu xe điện của Vinbus

  • Viện Nghiên cứu Trí Tuệ nhân tạo (AI): Ngày 17/4/2019, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI – VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech). Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu. Viện do Tiến sĩ Bùi Hải Hưng làm Viện trưởng. Tiến sĩ Hưng gia nhập Vingroup từ Google DeepMind, nơi ông từng đảm nhiệm vị trí nghiên cứu cấp cao. Tiến sĩ Hưng được đánh giá là nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google. Với việc tiếp tục thành lập một viện nghiên cứu khoa học đỉnh cao, Vingroup đã và đang tiếp tục khẳng định tầm nhìn toàn cầu và khả năng triển khai tốc độ trên hành trình 10 năm trở thành Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Dịch vụ đẳng cấp quốc tế.   Đầu tháng 10/2020, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ đã công bố bản báo cáo về độ chính xác trong công nghệ nhận diện khuôn mặt. Bản báo cáo được tổng hợp từ 430 phương pháp của 168 công ty công nghệ trên thế giới. Trong đó, phương pháp của Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (thuộc Tập đoàn Vingroup) đứng thứ 6 trên tổng số 430 phương pháp cho hạng mục WILD (ảnh được chụp trong môi trường đời thực). Công nghệ nhận diện khuôn mặt của VinAI hiện có mặt trên các sản phẩm điện thoại Vsmart, cho phép người sử dụng mở khóa bằng khuôn mặt. Tháng 4/2020, VinAI công bố nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt dùng khẩu trang, hướng tới việc trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới thương mại hóa công nghệ này. Face Recognition Vendor Test là chương trình đo lường và đánh giá chất lượng công nghệ nhận diện khuôn mặt toàn cầu, do NIST thực hiện từ năm 2000.


Phương pháp nhận diện khuôn mặt của VinAI

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (tiếng Anh: Vietjet Aviation Joint Stock Company) là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ vận chuyển hàng không, Vietjet còn cung cấp các nhu cầu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ thông qua các ứng dụng công nghệ thương mại điện tử. Vietjet là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) với Chứng nhận An toàn Khai thác (IOSA). Vietjet được xếp hạng an toàn hàng không ở mức cao nhất thế giới với mức 7 sao bởi AirlineRatings.com, tổ chức uy tín chuyên đánh giá về an toàn và sản phẩm của các hãng hàng không toàn cầu. Trước đó, Airline Rating cũng trao cho Vietjet với giải thưởng “Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất 2018 – 2019”. Theo tạp chí Air Finance Journal, Vietjet nằm trong top 50 hãng hàng không toàn cầu về hoạt động và sức khỏe tài chính năm 2018. Vietjet đang khai thác 80 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách, với 105 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar,  Malaysia, Campuchia,… Vietjet có kế hoạch phát triển mạng bay rộng khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng các đường bay trong khu vực và đã ký kết hợp đồng mua sắm tàu bay thế hệ mới, hiện đại với các nhà sản xuất máy bay lớn trên thế giới. Doanh thu năm 2019 là 52,060 đồng (2.3 tỷ USD) với CEO là bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Phương Thảo còn được biết đến là một phụ nữ nhân hậu, thường xuyên đi làm từ thiện và khích lệ cán bộ, nhân viên của mình sống hướng thiện, biết cho đi trước khi mong được nhận lại. 

VIETJET AIR LÀ AI? HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ VÀ BAN ĐIỀU HÀNH LÀ AI?

Vietjet Air

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam: Tên khác: Vinamilk, mã chứng khoán HOSE: VNM, là một công ty sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa cũng như thiết bị máy móc liên quan tại Việt Nam. Theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, đây là công ty lớn thứ 15 tại Việt Nam vào năm 2007.

Vinamilk hiện là doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa, hiện chiếm lĩnh 54.5% thị phần sữa nước, 40.6% thị phần sữa bột, 33.9% thị phần sữa chua uống, 84.5% thị phần sữa chua ăn và 79.7% thị phần sữa đặc trên toàn quốc. Ngoài việc phân phối mạnh trong nước với mạng lưới hơn 220,000 điểm bán hàng phủ đều 63 tỉnh thành, sản phẩm Vinamilk còn được xuất khẩu sang 43 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Đức, Nhật Bản khu vực Trung Đông, Đông Nam Á … Thành phần lãnh đạo: Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc. Doanh thu năm 2019 là 56,318 đồng (2.4 tỷ USD). Sau hơn 40 năm ra mắt người tiêu dùng, đến nay Vinamilk đã xây dựng được 14 nhà máy sản xuất, 2 xí nghiệp kho vận, 3 chi nhánh văn phòng bán hàng, một nhà máy sữa tại Campuchia  (Angkormilk) và một văn phòng đại diện tại Thái Lan.

NutiFood cũng đã công bố thành quả ấn tượng khi Trang trại Bò sữa NutiMilk cho ra nguồn sữa tươi chất lượng cao vượt trội 3.5g Đạm – 4.0g Béo trong 100ml, tương đương chất lượng sữa tươi ngoại nhập. Với kết quả đạt được, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (NutiFood) trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có được nguồn sữa tươi chất lượng tương đương với chuẩn cao thế giới. Cột mốc quan trọng kế tiếp, NutiFood vừa trở thành thương hiệu sữa Việt Nam đầu tiên được siêu thị nổi tiếng nhất thế giới Walmart cấp phép phân phối hàng trong hệ thống.

3.3% of Vinamilk on sale in October

Vinamilk

Tập đoàn FPT (Tập đoàn FPT, tiếng Anh: FPT Group), tên viết tắt của Công ty cổ phần FPT (tên cũ là Công ty Phát triển và Đầu tư Công nghệ), là một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ liên quan công nghệ thông tin. Theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, đây là doanh nghiệp lớn thứ 14 của Việt Nam vào năm 2007. Theo VN Report thì đây là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ ba của Việt Nam trong năm 2012. Trường Đại học FPT là một cơ sở kinh doanh dịch vụ giáo dục tại Việt Nam, được thành lập ngày 8/9/2006 theo quyết định của chính phủ, do Tập đoàn FPT đầu tư 100% vốn, trở thành hệ thống đại học đầu tiên do một doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam. FPT có 6 cơ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn và Tây Nguyên.

Dự án Phần Hạ Tầng Đại Học FPT | PJM

Đại học FPT

Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên: là một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại và du lịch. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Có một thời gian Cà phê Trung Nguyên bị lao đao vì chuyện ly hôn giữa 2 vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo. Tháng 10/2020, Trung Nguyên Legend đã bắt tay với Amazon, Alibaba mở “siêu thị cà phê” trên 2 sàn thương mại điện tử này. Dù không tiết lộ các điều khoản ký kết giữa hai bên nhưng theo lãnh đạo Trung Nguyên, công ty sẽ có trách nhiệm chuẩn bị hàng hóa gửi cho Amazon, còn bên này có trách nhiệm bảo quản, bán hàng và giao hàng cho khách. Với sàn thương mại điện tử Alibaba, các sản phẩm của Trung Nguyên sẽ được giao dịch theo hình thức B2B. Tức Alibaba kết nối doanh nghiệp với nhau và các bên tự thỏa thuận giao dịch. Nếu giao dịch thành công, Alibaba sẽ giới thiệu đơn vận chuyển và thanh toán để 2 bên làm việc sao cho có lợi nhất.

Cà phê Trung Nguyên | CafeBean

Tập đoàn Trung Nguyên

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Công ty cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai được quyết định thành lập khi Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thực hiện chương trình tái cấu trúc năm 2010. Tháng 4/2015, công ty đổi tên từ Công ty Cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai thành Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia lai, đồng thời sáp nhập Công ty Cổ phẩn Bò sữa Tây Nguyên, mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngày 20/07/2015 chính thức niêm yết trên HOSE. Trong 2 năm 2017-2018, cao su trên thế giới bị rớt giá gây nhiều khó khăn cho HAGL. Ngày 8/8/2018, Tập đoàn ô tô Trường Hải (THACO) và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, theo đó THACO đầu tư vào Công ty Nông nghiệp quốc tế HAGL và dự án HAGL tại Myanmar. Đối với Công ty Nông nghiệp Quốc tế HAGL, THACO và nhóm cổ đông liên quan đã đầu tư sở hữu 35% cổ phần. Song song đó, công ty bất động sản của THACO là Đại Quang Minh đã sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% cổ phần dự án HAGL tại Myanmar. THACO cũng hỗ trợ HAGL về tài chính để tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư thực hiện chiến lược phát triển bền vững với tổng số tiền dự kiến lên đến hơn 22,000 tỷ đồng gần 1 tỷ USD.

Hoàng Anh Gia Lai bị 'vạ lây' lỗ nặng vì quy định áp trần lãi vay ...

Trang trại HAGL Agrico tại biên giới Việt – Campuchia – Lào

TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 10 tập đoàn kinh tế nhà nước gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Năm 2012, Chính phủ tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế. Do Sông Đà, HUD và Vinashin không đạt được một số mục tiêu đề ra khi thành lập nên chính phủ VN có quyết định kết thúc thí điểm hình thành, tổ chức lại hai tập đoàn này thành các tổng công ty. Vinashin cũng bị tái cơ cấu.

Tập đoàn Viettel: Sản phẩm nổi bật nhất của Viettel là mạng di động Viettel Mobile và Viettel Telecom hiện đang là nhà mạng giữ thị phần lớn nhất trên thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam. Trong 30 năm hoạt động, từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, đến nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới là ngành dịch vụ viễn thông & CNTT; ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, ngành công nghiệp quốc phòng, ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số.

Tính từ năm 2000 tới nay, Viettel đã tạo ra hơn 1.78 triệu tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận đạt 334 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 134 ngàn tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận / vốn chủ sở hữu thường xuyên đạt từ 30-40%. Viettel đã chi 3,500 tỷ đồng thực hiện các chương trình xã hội. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 10 thị trường nước ngoài ở 3 Châu lục gồm Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi. Năm 2018, Viettel đạt doanh thu 10 tỷ USD (234,500 tỷ VND). Viettel được đánh giá là một trong những công ty viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Viettel đã trở thành doanh nghiệp thuộc Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu. Giá trị thương hiệu của Viettel được Brand Finance xác định là 4.3 tỷ USD – thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới, và là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Năm 2020, Viettel hợp tác với Vsmart ra đời Smartphone 5G, dự trù ra mắt cuối năm 2020.

Logo Viettel.svg

Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam: là một công ty chuyên về lĩnh vực đóng tàu do Nhà nước Việt Nam sở hữu và chi phối các hoạt động. Tiền thân của Tổng công ty này là Tập đoàn kinh tế Vinashin. Vinashin từng là một tập đoàn kinh tế lớn mạnh nhất của Việt Nam, tuy nhiên sau vụ án đình đám về tham nhũng của tập đoàn này thì nó đã được tổ chức và sắp xếp lại, trở thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Vinashin từng là một trong 17 Tổng công ty lớn nhất tại Việt Nam. Tổng số tài sản tại đây lên đến hơn 90,000 tỷ đồng. Tổng công ty này hoạt động trong nhiều ngành đóng tàu mới, sửa chữa và hoán cải tàu thủy, các thiết bị và phương tiện nổi đồng thời có cả dịch vụ tái chế và phá dỡ tàu cũ. Ngoài những hoạt động kể trên, công ty còn khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu… Chúng ta không thể không nhắc đến những thành tựu của SBIC tuy nhiên vào năm 2010, Vinashin đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng, là một vụ án về tham nhũng lớn nhất mà người dân Việt Nam có lẽ chưa thể quên. Mặc dù thế thì Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được sở hữu bởi nhà nước vẫn là công ty lớn mạnh nhất trong ngành công nghiệp đóng tàu tại Việt Nam hiện nay.

KẾT LUẬN

Tranh chấp thương mãi Hoa Kỳ – Trung Quốc kéo dài đã gần 2 năm. Nếu không có sự tương nhượng giữa hai nước thì trong vòng vài năm nữa, khi Hoa Kỳ và Đồng minh rút xong các công ty đầu tư ra khỏi Trung Quốc, chỉ giữ lại những công ty có thể bán những hàng hóa sản xuất cho nội địa Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mất khoảng ½ cho đến 2/3 số tiền 400 tỷ USD thặng dư mậu dịch hàng năm. Nếu 1/3 số công ty này chuyển qua Việt Nam thì Việt Nam sẽ sản xuất thêm hàng năm từ 70 tỷ đến 100 tỷ cho thị trường Hoa Kỳ.

Báo New York Times trong ấn bản ngày 13/10/2020 đã cho rằng Việt Nam là “phép màu châu Á” thế hệ mới, sau Nhật Bản, Hàn Quốc dù rằng vẫn đối diện với những thách thức tiềm tàng. Những ưu điểm của Việt Nam mà báo này nêu ra: Nằm trong số 4 quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới – Thặng dư thương mại tăng kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ của thương mại toàn cầu – Cơ sở hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện – Thu hút đầu tư nước ngoài – Chi phí lao động vẫn chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc – Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam).

Gần đây, ông Hamada Kazuyuki, học giả Kinh tế-Chính trị nổi tiếng của Nhật Bản, diễn giải, phân tích một cách rõ ràng, đầy đủ về vai trò của Việt Nam trong cuốn sách “Cường quốc trong tương lai – Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030”. Quyển sách được xem là “tập bản đồ thế giới tương lai” dự đoán về một thế giới sắp đến. Trong cuốn sách, Hamada Kazuyuki cũng dành hẳn một phần để luận bàn về kinh tế Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế phát triển nổi bật nhất ở châu Á. Với dân số trẻ, tầng lớp thượng lưu ngày càng nhiều, thị trường quốc nội phát triển nhanh chóng, thêm vào đó là tinh thần vượt lên nghịch cảnh, biến đau thương thành sức mạnh, cùng một chiến lược ngoại giao khôn khéo … Việt Nam có đủ tham vọng, tầm nhìn và năng lực chuyển mình thành cường quốc trong tương lai, thách thức các cường quốc hiện tại. Yếu tố cần thiết đòi hỏi sự hiệu quả hóa chính sách và giải quyết vấn đề tham nhũng cũng như tăng tốc phát triển hạ tầng cơ sở và hướng đi mới cho nguồn lao động trong tương lai. Tổ chức Hướng tới Minh bạch, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Việt Nam, hôm 7/1 công bố kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019. Khảo sát cho hay việc hối lộ ở miền Bắc dường như xảy ra nhiều hơn ở miền Nam. Có 5 nhóm đối tượng được người dân cho là tham nhũng nhất ở Việt Nam, bao gồm: cảnh sát giao thông (30%), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doanh nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%). Tuy nhiên, điều quan trọng là tỷ lệ này giảm đáng kể trong 6 năm qua. Trên thực tế, vấn đề tham nhũng liên quan đến tình hình kinh tế của quốc gia hay nói thẳng ra là vấn đề đất đai. Song song với việc bài trừ tham nhũng, nếu nền kinh tế phát triển, mức sống của mọi người được cải thiện thì tham nhũng sẽ giảm đi. Tính đến 2019, lương tháng của cảnh sát Singapore, Thái Lan và Việt Nam như sau: 3,311 USD, 539 USD và 223 USD. Trong một khía cạnh khác, theo bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam khi làm ra 1 đồng thì phải bôi trơn 1.02 đồng. Tuy nhiên, điểm chính yếu là tham nhũng ở thượng tầng cơ sở. Như đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói “Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên“.

Cuốn “Cường quốc trong tương lai - vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030” của Hamada Kazuyuki.

Cuốn sách của học giả người Nhật Hamada Kazuyuki

Việt Nam đã vươn mình từ một nước thu nhập thấp trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Dù FDI trên thế giới giảm 40%, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút gần 20 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới tăng 6.6%, vốn mở rộng và tăng thêm tăng 22.2%. Các dự báo của IMF, ADB và đài VOA có hơi khác nhau. Lưu ý sự thịnh vượng còn tính theo dân số. Dân số Indonesia là 274 triệu người, dân số Việt Nam là 96 triệu người trong khi đó dân số Singapore chỉ là 6 triệu. IMF dự báo trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore, Malaysia. Cụ thể, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340.6 tỷ USD, vượt Singapore với 337.5 tỷ USD; Malaysia với 336.3 tỷ USD. Trong khi đó, GDP Philippines trong năm nay sẽ đạt 367.4 tỷ USD, Thái Lan 509.2 tỷ USD; Indonesia 1,088.8 tỷ USD. Cũng theo đài VOA ngày 14/10, được hậu thuẫn bởi tăng trưởng kinh tế liên tục trong một thời gian dài, tổng sản phẩm nội địa tính bình quân đầu người của Việt Nam theo đà hiện tại, sẽ đạt 3,497.51 USD, vượt qua Philippines với GDP đầu người là 3,372.53 USD, theo dự phóng của Qũy Tiền tệ Quốc tế – IMF. Theo IMF, tình hình còn có thể tệ hại hơn, vì thu nhập của dân Philippines được cho là khó có thể bắt kịp thu nhập của dân Việt Nam trong 5 năm tới, nếu tin vào dự phóng của IMF, là năm 2025, GDP tính trên đầu người của Manila là 4,805.84 USD, thua GDP của Hà Nội ước đạt 5,211.90 USD. Đúng ra, GDP bình quân đầu người dựa trên khả năng mua sắm (GDP per capita – Purchasing power parity – PPP) là chỉ số chính xác hơn về sự thịnh vượng của một quốc gia trong số gần 200 quốc gia được xếp hạng. Nếu dùng chỉ số này thì trong năm 2020, Việt Nam với $10,755 đứng thứ 115 (IMF) – 120 (World Bank) – 127 (CIA), so với Thái Lan (77 – 82 – 84) và Philippines (119 – 126 – 128).  

Chưa chắc GDP Việt Nam sẽ vượt qua Singapore - Ảnh 2.

Quy mô các nền kinh tế Đông Nam Á năm 2020

Trong tương lai tới, Việt Nam sẽ thịnh vượng hơn, đạt được những mục tiêu đề ra, dù thách thức không nhỏ phía trước. Việt Nam sẽ là một đất nước thịnh vượng, sáng tạo, công bằng cho toàn thể dân chúng, không có một người nào bị bỏ rơi phía sau. Trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước là tạo thuận lợi để các tập đoàn kinh tế Việt Nam có những bước đột phá như Viettel hay Vingroup thì chuyện bắt kịp Thái Lan trong vòng 5 năm là điều mà đồng bào quốc nội cũng như hải ngoại hằng mong ước sẽ trở thành sự thật. Bài viết “Nông thôn Việt Nam biến đổi nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất” về cuộc sống của người dân Bắc Giang hiện nay hy vọng là chuyện sẽ thành sự thật cho tất cả mọi vùng trên đất nước Việt Nam.

Việt Nam – Ngôi nhà thứ hai của Samsung

THAM KHẢO

  1. Economy of Malaysia – From Wikipedia, the free encyclopedia
  2. Economy of Thailand –  From Wikipedia, the free encyclopedia
  3. Economy of Vietnam –  From Wikipedia, the free encyclopedia
  4. Cuốn sách “Cường quốc trong tương lai: Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030 của tác giả người Nhật Hamada Kazuyuki.
  5. Cuốn sách “Việt Nam ở đâu trong bản đồ cường quốc tương lai?” đăng trên mạng VCCI ngày 6/9/2020.
  6. Bài viết “Forbes Việt Nam công bố danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” đăng trên mạng Forbes Việt Nam ngày 30/12/2019
  7. Bài viết “Kinh tế Việt Nam liệu có đuổi kịp Thái Lan, Malaysia?” đăng trên mạng BBC News ngày 6/6/2020.
  8. Bài viết “Kinh tế Việt Nam lớn thứ 6 Đông Nam Á và thứ 42 thế giới” đăng trên mạng CEO Club ngày 1/5/2020.
  9. Bài viết “Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: ‘VinFast muốn bán ô tô điện sang Mỹ vào năm 2021” đăng trên mạng VN Biz ngày 10/12/2019.
  10. Bài viết “Một Việt Nam phát triển năm 2045” đăng trên mạng Zing News ngày 6/6/2020.
  11. Bài viết “New York Times: Việt Nam là ‘phép màu châu Á’ thế hệ mới, sau Nhật Bản, Hàn Quốc” đăng trên mạng Zing News ngày 13/10/2020.
  12. Bài viết “IMF: Việt Nam vượt Singapore, Malaysia, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 14/10/2020.
  13. Bài viết “IMF: Việt Nam sắp qua mặt Philippines về tăng trưởng GDP” đăng trên đài VOA ngày 14/10/2020.
  14. Bài viết “Liệu Việt Nam có thành con hổ châu Á mới?” đăng trên đài VOA ngày 17/10/2020.
  15. Bài viết “Nông thôn Việt Nam biến đổi nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất” đăng trên mạng Biên Hòa New City ngày 22/10/2020.
  16. Bài viết “Công nghệ nhận diện khuôn mặt của VinAI xếp thứ 6 toàn cầu” đăng trên mạng Công Lý ngày 24/10/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *