Tản mạn về người Mỹ gốc Việt và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

703 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Vào tháng 9, 2020, tôi định viết một bài về người Mỹ gốc Việt và cuộc bầu cử 2020 nhưng sau đó đổi ý kiến. Viết một bài, dù tích cực đến đâu, cũng không thay đổi được định hướng của một số người trong Cộng đồng. May mắn qua Hoa Kỳ năm 1975, sau 5 năm khởi đầu cuộc đời tại miền Đông Hoa Kỳ, tôi quyết định dời qua Cali vì khí hậu ôn hòa của vùng này. Chỉ có một lần dính dáng đến chuyện rắc rối khi quyết định phụ giúp một số anh chị em trong và ngoài Hải Quân yêu cầu đưa quần đảo Trường Sa vào bản đồ Việt Nam trên Tượng đài kỷ niệm các Tữ sỉ trận Hải chiến Hoàng Sa tại thành phố Westminster năm 2019. Thay vì tập trung vào việc tranh luận, một số anh em Hải Quân đã dùng các “dư luận viên” để tấn công cá nhân tôi tới tấp. Sau 3 tháng cố gắng không có kết quả, tôi quyết định chấm dứt hoạt động của mình, nhường sự phán xét cho Cộng đồng cũng như đồng bào quốc nội trong tương lai. Câu chuyện này, dù chẳng nhiều người để ý nhưng cũng phản ảnh được vài khía cạnh về sự phức tạp trong Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Tác giả viết bài này sau khi cuộc bầu cử có kết quả với tính cách “tản mạn”, với đôi chút suy nghĩ, không có ý định tranh luận về một vấn đề gì cả.

Trong năm 2016, bà Hillary Clinton thua Tổng thống Trump dù rằng thắng 3 triệu phiếu phổ thông, có lẽ là bà ỷ y trong những tuần lể cuối cũng như sự can thiệp của các quốc gia ngoại quốc mà cho đến bây giờ vẫn chưa có gì rõ ràng. Năm nay, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động phản gián. Đã có vài điệp viên ngoại quốc bị bắt.

Tổng chi phí cho cho các chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ năm nay dự kiến lên con số kỷ lục gần 14 tỷ USD. Con số này cao gấp đôi chi phí cho cuộc bầu cử cách đây 4 năm, theo ước tính của Trung tâm Phản ứng Chính trị (CRP). Đây là cuộc đua đắc đỏ nhất nước Mỹ.

NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT

Người Mỹ gốc Việt (tiếng Anh: Vietnamese American) là những người định cư tại Hoa Kỳ có nguồn gốc người Việt. Với tổng dân số được ước tính hơn 2,200,000 trong năm 2017, họ chiếm trên một nửa dân số Việt kiều trên thế giới. Theo số liệu của Migration Policy Institute, Viện Nghiên cứu về Chính sách Di dân, thì trong số đó có khoảng 116 nghìn người cư trú bất hợp pháp. Họ cũng là cộng đồng dân tộc gốc Á lớn thứ tư tại Hoa Kỳ, sau người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc Ấn, và người Mỹ gốc Philippines.

Cộng sản, cộng đồng: yêu và ghét - BBC Vietnamese - Diễn đàn

Người Mỹ gốc Việt

Phần lớn người Việt di cư đến Hoa Kỳ kể từ sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, với những người nhập cư đầu tiên là những người tị nạn từ miền Nam Việt Nam được chính phủ Hoa Kỳ di tản. Tiếp theo là những thuyền nhân vượt biên ra nước ngoài bằng đường biển. Kể từ thập niên 1990, những người Việt định cư vào Hoa Kỳ chủ yếu là để đoàn tụ gia đình. Người Mỹ gốc Việt bắt đầu hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ và trở thành một cộng đồng dân tộc thiểu số đáng kể tại quốc gia này.

Là người tị nạn, người Mỹ gốc Việt có một tỷ lệ nhập tịch khá cao, cao nhất trong các nhóm người gốc Á châu. Trong năm 2007, 72.6% của những người sinh ngoài Hoa Kỳ là công dân, cộng thêm 37.5% số người sinh tại Hoa Kỳ dẫn đến tổng cộng 82.8% người Mỹ gốc Việt là công dân Mỹ. Theo cuộc khảo sát năm 2007, người Mỹ gốc Việt có tỉ lệ 50.5% nữ và 49.5% nam, và tuổi trung bình là 34.5, so với 36.7 cho toàn bộ dân số Hoa Kỳ. Tỷ lệ tuổi tác cho người Mỹ gốc Việt là:

Tuổi % người Mỹ gốc Việt % người Mỹ nói chung
<5 5 6.9
5 – 17 18 17.7
18 – 24 8.7 9.9
25 – 34 14.9 13.3
35 – 44 18.4 14.4
45 -54 13 16.4
55 -64 9.5 10.9
65 – 74 5.1 6.4
> 75 6.9 6.1

Tuổi tác và tỷ lệ người Mỹ gốc Việt

Tính về trình độ học vấn, người Mỹ gốc Việt trong giai đoạn đầu có tỷ lệ người chưa tốt nghiệp trung học (26.7%) cao hơn người Mỹ nói chung (15.5%) trong số những người trên 25 tuổi – bởi vì một lượng lớn người Việt khi đến Mỹ đã lớn tuổi cộng thêm tiếng Anh thì không rành. Nhưng số người Mỹ gốc Việt có bằng cử nhân (19.1%) thì cao hơn người Mỹ nói chung (17.4%) – những người Việt này phần lớn là F2, sinh ra tại Mỹ, hoặc đến Mỹ khi còn nhỏ tuổi. Tính tới năm 2012, số người Việt nhập cư chiếm 3% tổng số dân sinh ra ở ngoại quốc, mà là 40.8 triệu người. Số người Việt di cư vào năm 1980 là khoảng 231,000 tăng tới gần 1.3 triệu vào năm 2012, trở thành số dân cư sinh ở ngoại quốc đông hạng 6 ở Hoa Kỳ, hạng 4 so với dân từ Á Châu, sau Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc. Khoảng chừng 160 ngàn người Việt sống bất hợp pháp ở Hoa Kỳ, đứng hạng thứ 10, chiếm 1% trong khoảng 11.4 triệu người ở lậu tại đây.

Nhìn bảng phân tích ở trên thì số người Mỹ gốc Việt trên 65 tuổi chiếm 23% tổng số người Mỹ gốc Việt trên đất Mỹ. Thế hệ thứ hai từ 35 đến 54 tuổi chiếm 30.8%. Trong mỗi độ tuổi này cũng phải tạm chia ra 2 thành phần: phần lớn là đa số thầm lặng và thiểu số tạm gọi là các “activists ồn ào” của Cộng đồng. Không có một thống kê nào rỏ ràng về tỷ lệ của 2 thành phần này. Đa số thầm lặng, dù rằng muốn chế độ hiện tại có những thay đổi nhanh hơn nhưng họ cũng biết rằng quê hương có những ưu tiên quan trọng, có những điều không xảy ra trong thế hệ này. Tôi có một người anh “cột chèo”, dù rằng bị đi cải tạo hơn mười năm, vẫn hàng năm về Việt Nam ở với anh em một hai tháng. Trong những lần xem TV, tôi thấy khá nhiều em thuộc thế hệ thứ hai, hăng say ủng hộ Tổng thống Trump. Điều này cũng chẳng có gì đáng nói vì ngay trong gia đình tôi có 3 cậu con trai. Cả ba đều theo đảng Cộng Hòa nhưng suy nghĩ của các cháu thuộc về “main stream” trong xã hội Hoa Kỳ. Trong gia đình, bà xã tôi ít để ý đến vấn đề chính trị nhưng gần đây, bà ấy rất hăng say thảo luận chuyện bầu cử với các bà bạn cùng quan điểm ủng hộ Tổng thống Trump. Vì không giỏi tiếng Anh, bà ấy nhờ tôi điền hộ và nhắc nhở nhiều lần phải bầu cho Tổng thống Trump. Tôi cẩn thận đưa cho bà xem trước khi ký.

Vào cuối tháng 10, 2020, người phụ trách có đọc một bài viết trên mạng BBC các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh với các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt về sáu chủ đề chính: lựa chọn tổng thống, quan điểm về Tổng thống Trump, những vấn đề quan tâm, đại dịch Covid-19 ở Mỹ, căng thẳng sắc tộc ở Mỹ và khoảng cách giữa thế hệ của họ và các thế hệ người Việt lớn tuổi hơn về các vấn đề chính trị và xã hội ở Hoa Kỳ.

Dù rằng cuộc bầu cử đã qua và ông Biden đã được bầu làm Tổng thống, mong rằng bài này đến được những người Mỹ gốc Việt lớn tuổi để có suy nghĩ thêm những vấn đề của nước Mỹ.

BẦU CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ 2016 & 2020

Về phương diện địa chính trị, Hoa Kỳ chia ra làm 2 khu vực kinh tế chính: các tiểu bang miền Tây và các tiểu bang miền Đông. Các tiểu bang miền Tây tương đối trù phú hơn vì giao thương với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc Đại Lợi, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN. Trong khi đó, miền Đông giao thương với các quốc gia già cỗi tại Âu Châu.

Trong khi các thành phố lớn, đô thị phát triển ở Mỹ thường bầu cho đảng Dân Chủ, thì tại các vùng ít dân cư có xu hướng bầu cho đảng Cộng Hòa. Một bài báo của hãng tin Bloomberg đưa ra hồi năm 2016, các đô thị lớn của Mỹ chiếm 85% dân số và tạo ra 90% sản lượng kinh tế. Trong cuộc bầu cử vào bốn năm trước, Hillary Clinton đã giành chiến thắng tại 88 trong tổng số 100 quận lớn nhất nước Mỹ. Trước đó, lần bầu cử vào năm 2008 Barack Obama đã dành chiến thắng tại 88 trên tổng số 100 quận lớn nhất nước Mỹ. Bốn năm sau đó ông dành chiến thắng 86 trên tổng số 100. Trong 10 thành phố lớn nhất nước Mỹ đảng Dân Chủ thắng 6. Điều đặc biệt là các Cộng đồng Á Châu, ngoại trừ Cộng đồng Việt Nam, đều bầu cho đảng Dân Chủ.

Trong năm 2016, ông Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ. Bà Hillary thắng 3 triệu phiếu phổ thống nhưng thua phiếu cử tri đoàn (218 vs 276) lý do bà Hillary thua có thể là ỷ y khi tranh cử cũng như sự can thiệp của Nga mà cho mãi đến bây giờ vẫn chưa có chứng cớ gì rõ ràng.

Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, 2016 – Wikipedia tiếng Việt

Kết quả bầu cử 2016: Trump: 276 – Clinton: 218

Phương pháp bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện: Trong năm 2020, vì tình hình đại dịch Covid-19, các tiểu bang đã quyết định bỏ phiếu sớm và qua đường Bưu Điện. Các phiếu bầu, đã gởi đến cho các cử tri từ ngày 5/10. Đã có khoảng 103 triệu cử tri bỏ phiếu sớm cho cuộc tổng tuyển cử 2020, chiếm 73% số người đi bầu năm 2016, tính đến ngày 31/10, theo nhật báo The New York Times. Số lượng bỏ phiếu sớm này đã vượt qua mức kỷ lục cử tri đi bầu năm 2016 nhờ phiếu bầu bằng thư và bỏ phiếu khiếm diện do tình trạng dịch bệnh COVID-19. Hôm 29/10, Tòa án Tối cao ra phán quyết cho phép bang Bắc Carolina gia hạn bỏ phiếu qua thư tới 9 ngày sau ngày bầu cử 3/11.

Ông Donald Trump chống đối kịch liệt cách thức bỏ phiếu bầu Tổng thống năm nay qua bưu điện vì cách thức này, đặc biệt trong năm nay, giúp tăng tỷ lệ cử tri đi bầu cử và khích lệ diện cử tri là giới trẻ, người da đen và gốc xuất thân nước ngoài tham gia bầu cử. Tỷ lệ này càng cao thì triển vọng thất cử càng thêm thực tế đối với ông Trump do kết quả càng thêm có lợi cho phe đảng Dân Chủ. Ông Trump không ngừng tuyên bố: “Bầu qua bưu điện sẽ gây ra gian lận khủng khiếp. Sẽ có vô số gian lận. Quý vị không thể gửi hàng triệu, triệu lá phiếu đi tứ tung khắp nơi”. Tuy nhiên gần đây, ông Trump không còn nói đến chuyện này nữa.

Phương pháp bỏ phiếu sớm qua đường Bưu điện sẽ thay đổi kết quả của cuộc bầu cử 2020 vì nhóm này, phần lớn là giới trẻ, phụ nữ, da đen, da màu đã ít tích cực trong những cuộc bầu cử trước.

Bầu cử Tổng thống 2020: Trong năm 2020, phần lớn cử tri đặt nặng vấn đề Chủ đề (Issues) hơn là vấn đề Tư cách (Characters). Đây là điểm lợi cho Tổng thống Trump. Tuổi tác của UCV Biden cũng được nêu lên. Năm vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm:

  1. Kinh tế (Economy)
  2. Bất quân bình chủng tộc (Racial Inequality)
  3. Đại dịch Covid-19 (Covid-19 Pandemic)
  4. Tội ác và An toàn (Crimes and Safety)
  5. Bảo hiểm và sức khỏe (Health Care Policy)

Kết quả bầu cử 2020 tính đến 9 giờ sáng 5/11 (giờ California): Biden: 264 – Trump: 214 với 5 tiểu bang chưa có kết quả

Cuộc bầu cử diển ra vào ngày 3/11. Điều đáng để ý là cử tri Cộng Hòa có khuynh hướng bỏ phiếu trong ngày bầu cử trong khi đó cử tri Dân Chủ có khuynh hướng bỏ phiếu qua đường bưu điện. Các phiếu trong ngày bầu cử được tính trước cho nên trong sáng 4/11, Tổng thống Donald Trump cho biết chiến dịch của mình đã sẵn sàng để ăn mừng. “Chúng ta không chỉ thắng ở Florida, mà là thắng đậm”. Ông nói kết quả kiểm phiếu cho tới nay là tuyệt vời. Trưa ngày 4/11, ứng viên Dân chủ Joe Biden đã có bài phát biểu tại bang nhà Delaware giữa lúc kết quả bầu cử chưa ngã ngũ. Ông nói: “Tôi cảm thấy hài lòng về hiện tại. Tôi tin chúng ta đang đi đúng hướng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này”. Ứng viên Dân chủ nhấn mạnh nước Mỹ phải đợi đến khi công tác kiểm phiếu kiểm tới lá phiếu cuối cùng để xác nhận người chiến thắng. Chiều ngày 5/11, ƯCV Joe Biden tuyên bố mọi lá phiếu đang được đếm và yêu cầu dân chúng Hoa Kỳ nhẫn nại. Bắt đầu chiều 6/11, Joe Biden lật ngược thế cờ ở Georgia và Pennsylvania một cách thần kỳ.

Tối hôm 6/11/2020, ba ngày sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden đã tỏ vẻ tin chắc vào chiến thắng của ông, nhưng không chính thức tuyên bố thắng cử. Trưa ngày 7/11/2020 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), với sự chiến thắng tại tiểu bang Pennsylvania, ƯCV Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Kết quả sơ khởi ngày 7/11: 284/214 (cử tri đoàn) và 71.9 triệu/68.5 triệu (phiếu phổ thông). Kết quả tính đến ngày ngày 10/11:   290/214 (cử tri đoàn) và 76.2/71.6 (phiếu phổ thông). Phiếu bầu vẫn đang được đếm tại 3 tiểu bang Arizona, Georgia, North Carolina nhưng kết quả không ảnh hưởng đến thắng bại chung cuộc.

UCV Joe Biden đã thắng vì các lý do sau:

  • Thất bại nặng nề của Tổng thống Trump trong việc đối phó với đại dịch Covid-19.
  • 150 triệu cử tri Mỹ ước tính đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, theo báo cáo ngày 6/11 của tổ chức US Elections Project. Con số này trong cuộc bầu cử năm 2016 là khoảng 139 triệu, tức ít hơn 11 triệu. Một số thành phần trẻ có học thức thuộc đảng Cộng Hòa bầu cho ông Biden vì thất vọng với Tổng thống Trump. Ngược lại, sự tham dự của nữ giới, giới trẻ, da đen, da màu tăng lên nhiều.
  • Rút kinh nghiệm từ những thiếu sót năm 2016, ứng cử viên Biden xuất hiện tại Ohio và cổ động viên nòng cốt, cựu Tổng thống Obama, đã làm chuyến vận động cuối cùng tại tiểu bang chiến trường quan trọng nhất, Florida. UCV Biden và ban tranh cử vẫn tiếp tục vận động ngay trong ngày bầu cử cho đến 5 PM.
Tuyên bố Tổng thống đắc cử Joseph R. Biden Jr: "Tôi rất vinh dự và khiêm tốn trước sự tin tưởng mà người dân Mỹ đã đặt vào tôi và Phó Tổng thống đắc cử Harris. Đối mặt với những trở ngại chưa từng có, một số lượng kỷ lục người Mỹ đã bỏ phiếu. Một lần nữa chứng minh rằng nền dân chủ đập sâu trong trái tim của Nước Mỹ. Khi cuộc tranh cử kết thúc, đã đến lúc trút bỏ sự tức giận và những lời lẽ gay gắt sau lưng chúng ta và xích lại gần nhau như một quốc gia. Đã đến lúc nước Mỹ đoàn kết. Và để hàn gắn. Chúng ta là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Và không có điều gì chúng ta không làm được, nếu chúng ta làm điều đó cùng nhau".

Nguyên bản tiếng Anh: “I am honored and humbled by the trust the American people have placed in me and in Vice President-elect Harris. In the face of unprecedented obstacles, a record number of Americans voted. Proving once again, that democracy beats deep in the heart of America. With the campaign over, it’s time to put the anger and the harsh rhetoric behind us and come together as a nation. It’s time for America to unite. And to heal. We are the United States of America. And there’s nothing we can’t do, if we do it together.”

Kết quả bầu cử mới nhất 2020

Trong bài diễn văn thắng cử tối ngày 8/11, Tổng thống đắc cử Joe Biden cho rằng “đã đến lúc hàn gắn nước Mỹ. Chúng ta phải khôi phục linh hồn của nước Mỹ. Đất nước của chúng ta được định hình bởi cuộc chiến liên miên giữa những thiên thần tốt và những góc đen tối nhất trong chúng ta. Đã đến lúc những thiên thần tốt chiếm ưu thế. Đêm nay, cả thế giới đang dõi theo nước Mỹ và tôi tin rằng với những gì tốt nhất của chúng ta, nước Mỹ sẽ là ngọn hải đăng cho toàn cầu. Chúng ta sẽ không dẫn đầu chỉ bằng sức mạnh mà dẫn đầu bằng chính tấm gương của chúng ta. Vị Tổng thống đắc cử của nước Mỹ cũng nói rằng đây là thời gian để hàn gắn, đoàn kết và hòa giải nước Mỹ. “Với tất cả những người đã bỏ phiếu cho Tỏng thống Trump, tôi hiểu sự thất vọng của các bạn tối nay. Bản thân tôi đã 2 lần thua cuộc nhưng bây giờ, hãy cho nhau cơ hội”, ông Biden nói. “Đã đến lúc cả hai bên lắng nghe nhau một lần nữa”. Ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dẹp bỏ những luận điệu gay gắt, gặp nhau, lắng nghe nhau để cùng tiến bộ. Hai bên cũng ngưng gọi nhau là kẻ thù bởi thực tế, không ai là kẻ thù của ai. Họ cũng đều là người Mỹ. Kinh thánh nói rằng mọi thứ đều có mùa. Có mùa gieo trồng, có mùa gặt hái. Đây là lúc để hàn gắn. Hàn gắn nước Mỹ”, ông Biden nhấn mạnh.

Về phần Tổng thống Trump, ông cáo buộc phe Dân chủ cố gắng cướp bầu cử nhưng ông không để điều đó xảy ra. Ông cho biết sẽ kiện ra Tòa án tối cao nếu việc kiểm phiếu kéo dài và để yêu cầu ngừng kiểm phiếu. Trong buổi họp báo ngắn ngủi tại tòa Bạch Ốc chiều ngày 5/11/2020, Tổng thống Trump đã nêu ra 4 vấn đề:

  • Ông bị lường gạt nhưng không đưa ra bằng chứng nào.
  • Các thăm dò ý kiến của truyền thông đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
  • Các phiếu bầu bằng bưu điện không hợp lệ.
  • Ông sẽ kiện lên Tối cao Pháp viện.

Thật sự, nếu có gian lận thì điều này xẩy ra từ đảng cầm quyền. Một thí dụ là vào tháng 5/2020, Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Louis DeJoy, một người thân cận vào chức Tổng giám đốc Bưu điện Hoa Kỳ, tuy nhiên ông DeJoy khẳng định trước các nhà lập pháp Thượng viện, ông “rất tin tưởng” USPS có thể đáp ứng chương trình bỏ phiếu khiếm diện lớn nhất trong lịch sử Mỹ, và mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc cố tình làm chậm chuyển phát phiếu khiếm diện để giúp Tổng thống Trump. 

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã khởi kiện tại các tiểu bang Michigan, Pensylvania và Georgia. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng tiết lộ trên CNN rằng giới chức Cộng Hòa đang bắt đầu mất kiên nhẫn với một số hành vi ứng xử của Trump, khi ông đưa ra tuyên bố một cách vô căn cứ rằng gian lận bầu cử khiến mình bị cướp mất ghế tổng thống.

Các phóng viên tại Nhà Trắng mô tả bên trong tòa nhà quyền lực nhất nước Mỹ suốt 1 tiếng sau tin thắng cử của ông Joe Biden chỉ có sự im lặng, không một phản ứng gì. Ông Trump vào thời điểm đó không còn ở tại Nhà Trắng. Đoàn xe của Mật vụ Mỹ đã đưa ông đến câu lạc bộ golf tại Sterling, bang Virginia, khoảng gần 11 giờ ngày 7/11.

Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump và ông Jared Kushner, cố vấn và con rể khuyên tổng thống đến lúc chấp nhận thua cuộc, CNN dẫn một nguồn tin thân cận cho biết vào sáng Chủ Nhật, 8/11. Phó tổng thống Mike Pence đã quyết định dành thời gian nghỉ ngơi mặc cho mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ. Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), ông Pence đã lên lịch nghỉ mát tại Sanibel, Florida từ ngày 10 đến 14/11.  Cựu thống đốc New Jersey Chris Christie, bạn lâu năm của Trump nói rằng không có khả năng Tổng thống có thể đưa ra bằng chứng gian lận bầu cử để biện minh cho việc từ chối thất bại.

Trong bản tweet gửi ra vào trưa ngày Thứ Hai, 9/11, Tổng Thống Donald Trump cho biết đã giải nhiệm Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper. Quyết định này của ông Trump được loan báo sau khi có một bản tin của NBC News nói rằng ông Esper đã chuẩn bị sẵn thư từ chức, trong trường hợp bị buộc phải làm điều sai trái, do có các phản ứng ngược lại mong muốn của ông Trump thời gian qua. Bộ trưởng Esper từng công khai mâu thuẫn với Tổng thống Trump trong một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc khi tuyên bố ông không ủng hộ việc kích hoạt Đạo luật Chống Bạo động.

Bộ trưởng Tư pháp William Barr và lãnh tụ khối đa số Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell ra dấu hiệu ủng hộ quyền của Tổng thống phát động các vụ kiện kết quả bầu cử tại một vài tiểu bang chiến trường như Pennsylvania. Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong buổi họp báo ngày 10/11 đã nói: “Sẽ có một sự chuyển đổi suôn sẻ sang nhiệm kỳ Trump thứ hai …” (nguyên văn: There will be a smooth transition to a second Trump administration). Câu nói từ miệng một bộ trưởng ngoại giao là sự xấu hổ cho nền dân chủ Hoa Kỳ.

Nhiều lãnh đạo thế giới gửi lời chúc mừng Joe Biden ngay sau khi ông được truyền thông đồng loạt xướng tên là Tổng thống thứ 46 của Mỹ trong đó có Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ireland Micheal Martin, thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Ireland Micheal Martin v.v.. Chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra bởi Nga và Trung Quốc.

Các cựu Tổng thống Barack Obama, Jimmy Carter, Bill Clinton, George Bush, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Thống đốc bang California Gavin Newsom, bang lớn nhất nước Mỹ, cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush, ông John Kasich, cựu thống đốc đảng Cộng Hòa của bang Ohio, đã gởi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden.

NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT VÀ BẦU CỬ TỔNG THỐNG 2020

Hiện nay, 40% người Mỹ gốc Việt chọn California làm quê hương. Trong mười quận có đông người Việt sinh sống nhất nước Mỹ gồm: Santa Clara (7.1%), Orange County (6.1%), Alameda (2.0%), San Diego (1.4%), Los Angeles (0.9%) ở California; Fairfax (2.7%) ở Virginia, King (2.0%) ở Washington; Harris (2.0%), Tarant (1.6%), Dallas (1.1%) ở Texas. Có sự ủng hộ khác nhau giữa các đô thị lớn và các thành phố nhỏ, vùng nông thôn, giữa các sắc dân, và đối với người Việt giữa lớp đầu và các thế hệ sinh ra tại Mỹ trong bầu cử năm 2020. Đa số người gốc Việt sinh sống tại các vùng đô thị. Vì nơi tập trung đông các hãng xưởng, kinh doanh nhà hàng, tiệm nail …

Tuy nhiên, người Việt lại là dân nhập cư có tỷ lệ ủng hộ Trump khá cao. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi APIAVote, AAPI Data và Asian American Advance Justice-AAJC. Một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á cũng được các cơ quan này thực hiện vào hai năm trước còn cho thấy người Việt ủng hộ Tổng thống Trump lên đến 64%. Người Việt ở Mỹ có khuynh hướng bầu cho đảng Cộng Hòa, nhưng xu hướng này đã thay đổi, giảm tầm ảnh hưởng gần đây. Sự ủng hộ của người Việt đối với đảng Cộng Hòa tại California nói chung không có ảnh hưởng gì với các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vì như đã nói ở trên, các tiểu bang miền Tây luôn luôn nghiêng về đảng Dân Chủ. Ở các tiểu bang khác, nhất là tại Texas, tiếng nói của cộng đồng người Mỹ gốc Việt có tiếng nói tốt hơn.

Một cuộc thăm dò của AAPI đưa ra hồi tháng 9 cho thấy người Mỹ gốc Việt là nhóm duy nhất trong cộng đồng gốc châu Á ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump nhiều hơn so với cựu Tổng thống Biden – 48% cho ứng viên đảng Cộng Hòa và 36% cho ứng viên đảng Dân Chủ.

Cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu và bầu cử Hoa Kỳ

Lý do người Việt tại hải ngoại cũng như đồng bào quốc nội ủng hộ Tổng thống Trump:

  1. Tổng thống Trump chống Trung Quốc nhiều hơn các Tổng thống Dân Chủ.

Thật sự, người Mỹ gốc Việt cũng như người đồng bào quốc nội nhìn vấn đề theo cảm tính. Rất ít người bỏ thì giờ cũng như có đủ khả năng để nghiên cứu chiến lược của Hoa Kỳ vào thập niên 60 cũng như tại sao rút ra khỏi Trung Quốc từ năm 2019. Vào thập niên 1960, các công ty Hoa Kỳ và Âu Châu ào ạt đầu tư vào Trung Quốc, tận dụng giá nhân công rẽ mạt tại đây. Chỉ trong 4 thập niên, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng về kinh tế và quân sự, nay đã ở trong vị thế có thể đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương. Việc rút các công ty Hoa Kỳ, Liên Âu cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc ra khỏi Trung Quốc là việc phải xảy ra. Tổng thống Trump dành công của mình trong việc đối phó cứng rắn với Trung Quốc. Bất cứ một Tổng thống Hoa Kỳ nào cũng phải làm như vậy thôi.

  • Một số chính khách Dân Chủ không tán thành việc tiếp nhận người tỵ nạn miền Nam Việt Nam.

Về việc một số lãnh tụ trong đảng Dân Chủ không giúp người Tỵ Nạn miền Nam thì chúng ta phải nhìn xa hơn nguyên nhân của các cuộc chiến Triều Tiên, Việt Nam trong thập niên 50, 60. Nếu phân tích kỹ vai trò của 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong cuộc chiến Việt Nam thì cố Tổng thống Kennedy không muốn gởi quân qua Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam đã xẩy ra vì nhu cầu tiêu thụ và phát triển vũ khí của Hoa Kỳ, Nga Sô và Trung Quốc. Thế giới Tự do và Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là chiêu bài. Cuộc chiến đã gây ra 2 cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm của miền Nam Việt Nam và Tổng thống Kennedy của Hoa Kỳ. Cho đến bây giờ, 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vẫn là 2 thái cực. Cái gì đảng Cộng Hòa làm thì đảng Dân Chủ chống và ngược lại. Dù sao, người dân Hoa Kỳ đã hành xữ theo đúng lương tâm và cố Tổng thống Reagan là người có quyết định đầy nhân bản trong việc tiếp nhận người dân tỵ nạn miền Nam Việt Nam.

Trong bài viết gần đây, ông Frank Snepp, một nhà báo chuyên về phóng sự điều tra, tác giả cuốn ”Decent Interval: An Insider’s Account of Saigon’s Indecent End Told by the CIA’s Chief Strategy Analyst in Vietnam”, còn là nhà phân tích chính về chiến lược Bắc Việt của cơ quan tình báo Mỹ (CIA) tại Sài Gòn, trong cuộc chiến Việt Nam. Phản ứng trước sự ủng hộ người Mỹ gốc Việt dành cho Tổng thống Donald Trump, ông Frank Snepp thổ lộ tâm tư trong bài “Vietnamese Friends and Other Patriots: Trump Doesn’t Deserve You”. Nhiều người Việt tức giận vì tin ông Joe Biden không muốn Mỹ giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Nhưng đó là tin giả do phe cực hữu tung ra để bôi xấu Joe Biden, và nhiều người Việt đã tin việc này, mặc cho những dữ kiện và nỗ lực phân tích chứng minh đó không phải là tin thật. Tuy nhiên, để giải thích về quan điểm của mình trước những tranh cãi trong cộng đồng Việt, ứng cử viên Tổng thống Biden hôm 21/10 đã gửi một thông điệp tới 2 triệu người Mỹ gốc Việt, trong đó nói rằng ông “đã ủng hộ 130,000 người tị nạn Việt Nam tới Mỹ” và rằng ông “sẽ ủng hộ nhân quyền” cũng như “giải quyết những sự đàn áp của Trung Quốc, bao gồm Biển Đông”.

Sự tái diễn của cuộc chiến tranh: “Kẻ phản bội” hay “bọn Cộng Sản” là những phản ứng của người gốc Việt ở Mỹ trước những thông tin về nhóm người Mỹ gốc Việt Ủng hộ Biden được lan truyền trên mạng vào tháng trước.

Người Mỹ gốc Việt trong các cuộc diễu hành ủng hộ hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden. Những quan điểm khác nhau đã làm cho cộng đồng Việt xung đột và chia rẽ.

Người Mỹ gốc Việt ủng hộ TT Trump và Ứng cử viên Joe Biden

“Càng gần đến ngày bầu cử, cảm xúc của họ càng tăng cao và khả năng cư xử văn minh với nhau, lắng nghe nhau không còn nữa”, bà Thái Mỹ Linh, dân biểu tiểu bang Washington đại diện đảng Dân Chủ nói với VOA khi nhận định về sự xung khắc trong cộng đồng người Việt trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Dân biểu gốc Việt, từng là một di dân tị nạn Chiến tranh Việt Nam khi tới Mỹ lúc 15 tuổi, cho rằng sự chia rẽ trong cộng đồng gốc Việt “lớn hơn nhiều lần” trong cuộc đua của hai ứng viên Trump – Biden so với những cuộc bầu cử trước đây.

“Cuộc bầu cử này có vẻ như đã trở thành một sự tái diễn của cuộc chiến tranh”, Jeffery Vu, giám đốc khu vực Tây Bắc của nhóm Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Biden nói với The Seattle Times.

Một câu chuyện đáng suy nghĩ của một gia đình Việt Nam tại Arizona. Những ngày này cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ gần như chiếm trọn sự quan tâm của cô Nguyễn Anh Thư. Bất cứ khi nào rảnh rỗi cô lại đem điện thoại ra lướt Facebook rồi chia sẻ lại những bài viết hay những video bình luận chính trị. Cô làm điều đó gần như mỗi ngày và chị không che giấu quan điểm và lập trường chính trị của mình. Cô ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump. Mến mộ vị tổng thống đảng Cộng Hòa bao nhiêu cô càng dè bỉu những người chỉ trích ông và giới truyền thông bấy nhiêu. Cô không ngần ngại tranh luận và đốp chát với những người mà cô nói là coi thường những người theo đảng Cộng Hòa và ủng hộ ông Trump như cô. Sự khinh thị của cô đối với họ tràn ngập trang Facebook cá nhân và cô không quan tâm những lời đả kích của cô làm mích lòng ai. Nhưng có một ngoại lệ: cô sẽ giữ im lặng hoặc tránh nói về chính trị với chị gái của mình, người chống đối ông Trump và ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ Joe Biden. Chị Nguyễn Anh Thúy, người chị gái có quan điểm chính trị đối lập, đã dọn ra khỏi nhà của ba mẹ chị sau một khoảng thời gian sống chung kể từ khi chị dọn về từ California vài năm trước. Chị nói chị không thể chịu được việc hàng ngày phải nghe những bình luận chính trị từ các kênh YouTube của một số người Việt mà ba chị theo dõi. Sự xung khắc về quan điểm chính trị cũng làm cho sự giao tiếp giữa chị và người nhà thêm khó khăn, chị nói. Nhưng chị Thúy vẫn giữ liên lạc thường xuyên với người em và gần như không có sự rạn nứt nào trong mối quan hệ của họ bất chấp những khác biệt sâu sắc về quan điểm chính trị. Tình chị em của họ trở thành chỗ dựa tinh thần cho mỗi người khi họ bắt đầu tìm kiếm những con đường của riêng mình trong cuộc đời. Giờ nó là chất keo hàn gắn những rạn nứt trong thời đại chia rẽ chính trị trầm trọng.

KẾT LUẬN

Đây là lần đầu tiên, tác giả gom 2 chủ đề có nhiều liên hệ vào một bài viết. Cuộc bầu cử 2020 là một hiện tượng đặc thù trong lịch sữ cận đại Hoa Kỳ. Cuối cùng thì Hoa Kỳ cũng vượt qua được 4 năm đầy biến động. Cựu Tổng thống Trump với sự ủng hộ của gần nửa dân chúng Hoa Kỳ, đã thi hành những chính sách cực đoan, chia rẽ quốc gia Hoa Kỳ. Ông đã trả giá cho những sai lầm của mình. Người dân Hoa Kỳ lại một lần nửa nói lên tiếng nói của nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Trong vài tháng vừa qua thì nhóm người Mỹ gốc Việt ủng hộ Tổng thống Trump đã có nhiều cuộc tuần hành hoành tráng để ủng hộ Tổng thống Trump, đôi khi trở thành quá khích. Nhóm ủng hộ UCV Biden cũng có những cuộc tuần hành tương tự nhưng nhẹ nhàng hơn.

Trên căn bản thì 3 vấn đề chính: tranh chấp Mỹ – Trung, đại dịch Covid 19 và kinh tế Hoa Kỳ là những vấn đề đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng. Cuộc bầu cử đã đi vào quá khứ. Ưu tiên của Tổng thống Biden là cố gắng đem lại sự đoàn kết của toàn dân Hoa Kỳ cũng như sự đồng thuận với các đồng minh Âu Châu.

Ngày 25/10/2020, có bài viết “Bầu cử Mỹ: Có thật nền dân chủ Hoa Kỳ đã chết?” đăng trên mạng BBC. Đồng tác giả là Steven Levitsky, Daniel Ziblatt, hai nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Harvard. Quyển sách rất công phu, đầy dữ liệu, thông tin về các vấn đề về cách thức tổ chức bầu cử ở Mỹ, về quá trình đi đến thể chế độc đoán ở nhiều nước. Các tác giả cũng đề ra những giải pháp chính trị trong đó có việc đảng Cộng Hòa cần bước ra khỏi phạm vi chỉ phục vụ cho cộng đồng người da trắng của mình. Nhưng không hiểu vì sao các tác giả lại tỏ vẻ không đồng tình với việc đảng Dân Chủ cũng nên bớt những chính sách chỉ thiên cho các cộng đồng da màu. Cả hai đảng đều phải điều chỉnh để đưa Hoa Kỳ thành một quốc gia hợp nhất. Hay biết đâu đó sẽ là việc của một đảng thứ ba gồm có những thành phần trung dung của cả 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, lập thành một đảng, có thể gọi là “Main Stream America”, một tương lai có lẽ của nền dân chủ Mỹ đang thay đổi và thích nghi từng ngày? Các thành phần Bảo thủ và Cấp tiến của 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vẫn hiện hữu, xem như phản ảnh sự đa dạng của quốc gia Hoa Kỳ.

Other

Cuốn sách “How Democracies Die”

Trong khi ở Việt Nam, dù rằng ở trong chế độ độc tài toàn trị, đã cố gắng thay đổi rất nhiều để lấp bằng khoảng cách kinh tế đối với lân bang sau 30 năm chiến tranh thì tại hải ngoại, sau những năm đầu tắc mặt tối để xây dựng tương lai trên quê hương thứ hai của mình, khá nhiều người không có nhu cầu thay đổi sự suy nghĩ để phù hợp cho một thế giới thay đổi.

Nhiều người Mỹ gốc Việt cũng nói lên những suy nghĩ trung dung và tích cực của mình. Ca sỹ Như Loan là một trong hàng chục triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm cho kỳ bầu cử tổng thống lần này. Cô cho biết rằng cô đã bỏ phiếu vì sự công bằng, nhân đạo, cho phụ nữ quyền được lựa chọn và cho hy vọng. “Tôi bỏ phiếu cho những điều mà tôi tin tưởng”, cô viết trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân. “Tôi hy vọng rằng thậm chí nếu bạn không cùng quan điểm với tôi thì vẫn tôn trọng nó. Tôi cũng sẽ làm như vậy với bạn. Dù quan điểm của bạn là gì, hãy để tiếng nói của bạn được lắng nghe”.

Còn dân biểu Mỹ Linh thì “hy vọng rằng sau cuộc bầu cử này, khi những cảm xúc không còn dâng cao thì cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể ngồi lại với nhau và có những cuộc hội thoại sâu sắc và đầy tình yêu thương.”

Bà Tina Phạm, Phó chủ tịch cộng đồng Việt tại Jacksonville, Florida với ý kiến: “Nếu ai cũng đưa ra ý kiến của mình trong cách tôn trọng người khác thì sự chia rẽ sẽ không bị lớn quá. Bởi cuối cùng thì các mối quan hệ giữa gia đình và bạn bè vẫn quan trọng hơn mối quan hệ với những người chính trị gia mà họ không biết mình là ai”.

Dân biểu Hạ viện Massachusetts Trâm Nguyễn (trái) và Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Stephanie Murphy đại diện Florida đều chiến thắng trước các đối thủ đảng Cộng hoà trong cuộc đua giành thêm nhiệm kỳ nữa.

Dân biểu Hạ viện Massachusetts Trâm Nguyễn (trái) và Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) đại diện Florida đều chiến thắng trước các đối thủ đảng Cộng Hòa trong cuộc đua giành thêm nhiệm kỳ nữa.

Người viết bài này thì đơn giản hơn với ít nhiều suy nghĩ thực tế. Tổng thống Trump tái cử hay UCV Biden đắc cử thì có những ưu tiên mà họ phải giải quyết. Thế hệ thứ nhất của người Việt hải ngoại cũng đã trên 75. Có hay không thay đổi sự suy nghĩ của mình thì năm mười năm nữa cũng lần lượt ra đi, thế hệ thứ hai sẽ đi vào dòng chính, phối hợp với các cộng đồng người châu Á khác, sẽ đem những giá trị phương Đông, đóng góp vào sự gắn kết, thịnh vượng của quốc gia Hoa Kỳ. Sự kiện 2 nữ dân biểu gốc Việt, Trâm Nguyễn (DC) và Stephanie Murphy (DC), vừa giành chiến thắng trong cuộc đua giành thêm nhiệm kỳ nữa, lần lượt tại tiểu bang Massachusetts và Florida đã nói lên sự đóng góp này.

Cho đến khi bài này đưa lên mạng thì Tổng thống Trump vẫn chưa chấp nhận thua cuộc và bàn giao chính quyền. Tác giả sẽ tiếp tục theo dỏi tình hình trong những tháng tới cho đến khi mọi chuyện ổn định với chính quyền mới.

THAM KHẢO

  1. Người Mỹ gốc Việt – Bách thư toàn khoa mở Wikipedia
  2. Illegal Alien Population residing in the US: January – Homeland Security 2018.
  3. Bài viết “Người Mỹ gốc Hoa ủng hộ ông Biden, người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump” đăng trên mạng BBC ngày 24/10/2020.
  4. Bài viết “Bầu cử Hoa kỳ 2020 – Từ bang chiến trường, các bạn trẻ gốc Việt suy tư về lần đầu bầu Tổng thống” đăng trên mạng BBC ngày 25/10/2020.
  5. Bài viết “Biden nói với người gốc Việt: Sẽ chống đại dịch, giúp tiểu thương, bảo vệ Obamacare” đăng trên mạng VOA ngày 23/10/2020.
  6. Bài viết “Bầu cử Mỹ 2020: Sự ủng hộ khác nhau giữa các vùng và sức nặng cử tri gốc Việt” đăng trên mạng BBC ngày 21/10/2020.
  7. Bài viết “Bầu cử Mỹ: Có thật nền dân chủ Hoa Kỳ ‘đã chết’?” đăng trên mạng BBC ngày 25/10/2020.
  8. Bài viết “Frank Snepp: Ông Trump không hề chống Cộng Sản hay chống Trung Quốc” đăng trên mạng BBC ngày 29/10/2020.
  9. Bài viết “Trump hay Biden: ‘Vết thương chiến tranh’ của cộng đồng Việt tái phát trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ” đăng trên mạng VOA ngày 30/10/2020.
  10. Bài viết “Họ bất đồng sâu sắc về chính trị. Tình chị em níu họ khỏi sự chia rẽ” đăng trên mạng VOA ngày 31/10/2020.
  11. Bài viết “Bầu cử Mỹ 2020: Tại sao một số người châu Á muốn Trump tái đắc cử” đăng trên mạng BBC ngày 1/11/2020.
  12. Bài viết “Người gốc Á theo đảng Cộng hòa bất ngờ quay lưng với Tổng thống Trump” đăng trên mạng Thanh Niên News ngày 1/11/2020.
  13. Bài viết “Kiểm phiếu chậm trễ khó hiểu tại 3 bang chiến trường “khốc liệt” nhất nước Mỹ: Lỗi tại ai?” đăng trên mạng Soha ngày 5/11/2020.
  14. Bài viết “Cửa thắng dần khép lại, Trump đệ đơn kiện nhiều nơi” đăng trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn Online ngày 5/11/2020.
  15. Bài viết “Tổng thống nào cũng sẽ ủng hộ quan hệ Việt Nam – Mỹ” đăng trên mạng Công An Nhân Dân ngày 5/11/2020.
  16. Bài viết “Kế hoạch kinh tế của ông Biden sẽ có tác động thế nào đến nước Mỹ?” đăng trên đài VOA ngày 6/11/2020.
  17. Bài viết “Nhà Trắng chìm trong im lặng suốt 1 tiếng sau tin ông Biden thắng cử” đăng trên mạng Zing News ngày 8/11/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *