Cuộc chạy đua Vaccine ngừa Covid-19

630 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Vào đầu tháng 8/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Nga cho biết, bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa Covid-19, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Cả thế giới có thêm hy vọng về sớm chấm dứt sự lây lan của đại dịch Covid-19, song lo là bởi hiệu quả của vaccine mới công bố này vẫn là một dấu hỏi lớn. Thông báo của Moscow khiến nhiều người “vừa mừng vừa lo”.

Công việc tìm ra vaccine đã diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, với khoảng 80 nhóm trên toàn thế giới đang nghiên cứu. Ngày 11/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, bất kỳ chứng nhận nào của tổ chức này đối với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cũng sẽ đòi hỏi quy trình đánh giá khắt khe về dữ liệu an toàn. Theo thống kê của WHO tính đến ngày 31/7, tổng cộng có 165 vaccine ngừa Covid-19 đang được bào chế trên toàn thế giới. 30 quốc gia tham gia cuộc đua nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19, trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc. Ít nhất 4 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo sẽ không có đủ vaccine ngừa COVID-19 để cuộc sống trở lại bình thường trước năm 2022, đeo khẩu trang và giãn cách vẫn là bắt buộc.

The Covid-19 Vaccine-Development Multiverse | NEJM

Tiến trình sản xuất vaccine Covid-19

Đại dịch Corona cũng tạo nên một cuộc chiến tình báo. Theo New York Times, cuộc chiến tình báo liên quan tới vaccine Covid-19 đang trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc và Nga tăng cường nỗ lực nắm bắt thông tin về Vaccine của Mỹ. Ngay Nga Sô tuyên bố dẫn đầu trong việc phát triển Vaccine, gián điệp Nga đang nhắm tới các tổ chức nỗ lực phát triển vaccine virus corona ở Anh, Mỹ và Canada, nhiều cơ quan an ninh vừa cảnh báo.

Vaccine của Nga là Sputnik V, do Viện nghiên cứu Gamaleya, trực thuộc Bộ Y tế Nga điều chế. Hồi tháng 8, Tổng thống Vladimir V. Putin phê duyệt khẩn cấp đối với sản phẩm, trước khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đầu tháng 9, các nhà khoa học đã công bố dữ liệu của đợt tiêm chủng diện rộng, cho thấy vaccine an toàn tạo phản ứng miễn dịch.

Vaccine của Anh được phát triển bởi hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford, tên gọi ChAdOx1. Trong thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, nhà sản xuất không ghi nhận bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Hồi tháng 8, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận với AstraZeneca, đặt trước 400 triệu liều nếu vaccine hiệu quả. Nhóm phát triển cho biết tổng năng lực sản xuất là 2 tỷ liều. Hai loại vaccine từ Anh và Nga đều được điều chế dựa trên công nghệ vector virus. Các nhà khoa học sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.

Vaccine của Mỹ được sản xuất bởi hãng dược Pfizer, công ty Fosun Pharma và BioNTech. Các chuyên gia đã điều chế sản phẩm bằng công nghệ di truyền. Đây là cách làm mới, dựa trên RNA thông tin (vật chất di truyền). Vaccine sử dụng chính tế bào người. Các RNA có vai trò “hướng dẫn” cơ thể tạo ra protein gai giống với virus. Nếu hiệu quả, vaccine kích hoạt hệ miễn dịch sinh kháng thể. Trong báo cáo mới nhất, hãng cho biết các tình nguyện viên không gặp tác dụng phụ đáng kể. Người đứng đầu các đơn vị phát triển khẳng định rằng họ sẽ không lược bỏ bất cứ giai đoạn nào trong việc theo dõi nhanh sự phát triển của vaccine.

NGA SÔ

Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin đã khiến thế giới chấn động khi khẳng định Nga đã đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới: “Tôi biết vaccine hoạt động đủ hiệu quả, tạo ra được miễn dịch ổn định, và xin lặp lại, đã vượt qua khâu kiểm định”. Thậm chí, nhằm chứng minh cho lời nói, ông Putin cho biết con gái của ông đã tiêm vaccine và sau ngày đầu sốt nhẹ, thân nhiệt của đã ổn định, với mức kháng thể trong máu cao. Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, loại vaccine nêu trên do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ và sinh vật học Gamaleya của Nga phát triển đã hoàn thành mọi giai đoạn nghiệm lâm sàng. Vaccine mới sẽ có tên chính thức trên thị trường quốc tế là Sputnik V, gợi nhớ về tên gọi của vệ tinh đầu tiên trên thế giới Sputnik được phóng lên vũ trụ năm 1957. Tuyên bố của Nga đã khiến nhiều người sửng sốt, khi tiến trình phát triển vaccine của Trung tâm Gamaleya đã “vượt mặt” nhiều tập đoàn dược phẩm có nền tảng kinh nghiệm và kỹ thuật trong sản xuất vaccine như Pfizer, Biontech, Moderna, Oxford/Astrazeneca, Sinovac, Sinopharm …

Cho đến ngày 21/9, đã có 3 loại vaccine của Nga đang được thử nghiệm giai đoạn 3:

  • Các thử nghiệm giai đoạn I và II liên quan tới Sputnik V đã được thực hiện trong tháng 6 và 7, nhưng thử nghiệm giai đoạn 3 vẫn chưa được tiến hành. Theo nguồn tin từ hãng AFP, trong một tuyên bố hôm 20/8, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, quỹ tài trợ cho dự án vaccine COVID-19, cho biết, các cuộc thử nghiệm về “tính sinh miễn dịch và tính an toàn của vaccine Sputnik V” sẽ được bắt đầu vào tuần tới với sự tham gia của hơn 40,000 người. Quỹ cũng cho biết các thử nghiệm này tương đương với thử nghiệm giai đoạn 3 mà các loại vaccine khác đang trải qua.

Hôm 16/8, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, cho biết vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 sẽ trải qua giai đoạn nghiên cứu hậu đăng ký trong 7 – 10 ngày tới. Hàng chục ngàn người đã đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm. Trước đó, ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đây là vaccine Covid-19 được cấp phép đầu tiên trên thế giới. Vaccine của Nga được tạo ra dựa trên một nền tảng đã dùng để điều chế một số loại vaccine khác. Ngày 15/8, Bộ Y tế Nga công bố quá trình sản xuất vaccine Covid-19 đã được triển khai.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra khi vaccine Sputnik V chưa được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã làm dấy lên quan ngại về độ an toàn. Đã xuất hiện nhiều chỉ trích nhằm vào Nga về việc đốt cháy giai đoạn. Ngay trong giới y khoa tại Nga cũng có nhiều người lo ngại về việc vaccine được cấp phép vội vã này. Theo một cuộc thăm dò qua ứng dụng điện thoại di động vào cuối tuần qua với 3,040 bác sĩ tham gia, 52% trả lời họ không sẵn sàng được tiêm vaccine này. Chỉ có 24.5% nói rằng họ sẽ đồng ý được tiêm vaccine. Đáp lại, giới chức Nga cho rằng các lời chỉ trích từ phương Tây nhằm vào vaccine Nga xuất phát từ lòng “đố kỵ”. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nói các chỉ trích của phương Tây là “không có căn cứ”. Hãng thông tấn TASS cũng trích lời phát biểu của ông Gintsburg cho biết các chuyên gia vaccine Nga đã “làm việc tại viện nghiên cứu này tới mười năm”. “Các nước châu Âu và Mỹ luôn thèm muốn những nhà khoa học như vậy. Họ đang tìm cách lôi kéo các nhà khoa học của chúng tôi”, ông Gintsburg nói.

Dù còn nhiều quan ngại đối với Sputnik V, một số quốc gia đã đăng ký mua vaccine của Nga. Người đứng đầu Hội đồng quản trị Công ty R-Pharm, ông Alexey Repik, cho biết giá xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 của Nga ít nhất là 10 USD cho 2 liều. Ông Repik cho biết lô vaccine đầu tiên có thể sẽ khá đắt. Tuy nhiên, ông lưu ý vaccine sẽ trở nên rẻ hơn khi số lượng sản xuất đạt quy mô công nghiệp đủ lớn.

Đài CNN dẫn thông tin từ ông Kirill Dmitriev – người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) – cho biết vaccine ngừa COVID-19 của Nga sẽ dần được triển khai dùng cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao trước khi tiêm diện rộng cho người Nga vào tháng 10/2020. Nhiều tờ báo nước ngoài đã đăng lại thông tin Việt Nam đăng ký mua vaccine ngừa COVID-19 của Nga, chỉ vài ngày sau khi Nga công bố loại vaccine có tên Sputnik V giữa bối cảnh thế giới đã ghi nhận hơn 21 triệu ca nhiễm. Cùng ngày, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, đã có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 mà Nga mới phát triển. Ông cho biết, cùng với các đối tác nước ngoài, Nga đang chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine/năm tại năm quốc gia, hướng tới việc tăng cường năng lực sản xuất hơn nữa. Cho đến nay, các nước tại Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đều tỏ ra rất quan tâm tới vaccine này và RDIF đang hoàn tất một số hợp đồng đặt mua vaccine.

  • Ngoài ra, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24 hôm 27/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vaccine Covid-19 thứ hai của nước này đã sẵn sàng vào tháng tới. Theo Putin, loại vaccine này do Viện Vector, một trung tâm có mức độ an toàn sinh học cao ở Novosibirsk, phát triển.

Các sản phẩm thuốc phục vụ điều trị COVID-19 ở Nga, cụ thể là Favipiravir hiện nhận được sự quan tâm ở nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Trung Quốc, Ấn Độ. Bộ Y tế Nga đã quyết định đưa thuốc điều trị COVID-19 Favipiravir vào danh sách các loại thuốc thiết yếu quan trọng. Thuốc sẽ được bán ở các hiệu thuốc tại Nga dưới tên thương mại là Coronavir và Areplivir. Một hộp thuốc Coronavir 50 viên sẽ có giá ít nhất là 11,550 ruble (khoảng 152 USD), và một hộp Areplivir 40 viên sẽ có giá 12,320 ruble (khoảng 162 USD).

Vì sao giá thuốc trị COVID-19 của Nga quá cao? - Ảnh 1.

Hộp thuốc Areplivir 40 viên có giá 12,320 ruble (khoảng 162 USD) – Ảnh: Twitter

  • Trang RT ngày 21/9 đưa tin khoảng 3,000 người sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Saint Petersburg, Novosibirsk và Kirov. Theo nhật báo RBK của Nga, vaccine trên do Trung tâm Khoa học Liên bang Chumakov chịu trách nghiệm. Đây là vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 được Nga phê duyệt thử nghiệm trên người với quy mô lớn. EpiVacCorona – một vaccine khác của Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Gamaleya – đang trong quá trình đăng ký, sau khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn II từ tháng 8. Ngày 12/10, Nga cấp phép vaccine do Viện Vector ở Siberia phát triển, sau khi các nhà khoa học hoàn thành thử nghiệm giai đoạn đầu trên người vào tháng trước. Vaccine Covid-19 thứ hai của Nga có tên EpiVacCorona đã được phê duyệt, Tổng thống Putin thông báo tại cuộc họp chính phủ trực tuyến hôm nay và gửi lời chúc mừng đến các nhà khoa học. Ông nói thêm rằng vaccine Covid-19 thứ ba của Nga, do Trung tâm Chumakov phát triển, cũng sẽ được cấp phép trong tương lai gần.
Vaccine EpiVacCorona của Viện Vector. Ảnh: Sputnik.

Vaccine EpivacCorona của viện Vector – Ảnh Sputnik

  • Liên quan đến vấn đề vaccine của Nga, đại diện Bộ Y tế Đức cho rằng vẫn chưa có dữ liệu về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 mà Nga điều chế và vừa được đăng ký lưu hành. Bộ Y tế Đức nhấn mạnh trước khi sử dụng vaccine, cần chứng minh sự tích cực của lợi ích trước nguy cơ. Cơ quan này lưu ý rằng vaccine của Nga vẫn chưa vượt qua nghiên cứu giai đoạn 3, vì vậy Berlin không đàm phán để cùng phát triển vaccine với Moscow.
  • Giới chức Nga hôm nay 24/11 khẳng định vắc xin Covid-19 Sputnik V sẽ có giá dưới 20 USD (460,000 đồng)/2 liều và Moscow muốn sản xuất hơn tỷ liều cho trong và ngoài nước từ năm 2021.

TRUNG QUỐC

Hiện nay, Trung Quốc đã có tới 11 loại vắc xin COVID-19 đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó 4 loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba, tới nay vẫn chưa có loại vắc xin nào được cấp phép để được phân phối đại trà trên thị trường. Truyền thông Trung Quốc hôm 16/8 đồng loạt cho biết vaccine mang tên Ad5-nCoV “có khác biệt rất lớn” so với khoảng 100 vaccine đang được phát triển trên thế giới. Tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các chuyên gia nhận định việc cấp bằng sáng chế thể hiện tính độc đáo và sáng tạo của vaccine, đồng thời sẽ nâng cao lòng tin của quốc tế vào vaccine Covid-19 do Trung Quốc phát triển. Loại vaccine adenovirus tái tổ hợp này do công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc CanSino Biologics Inc cùng với nhóm nghiên cứu thuộc Viện Y khoa Quân sự do nữ thiếu tướng Trần Vy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, dẫn đầu đồng phát triển. Trong thông cáo gởi tới Hoàn Cầu thời báo, CanSino nhấn mạnh việc Ad5-nCoV được cấp bằng sáng chế đã khẳng định thêm tính hiệu quả và an toàn của loại vaccine này.

CanSino cho biết đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế từ ngày 18/3, trong khi đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và được cấp bằng hôm 11/8 trong lúc Ad5-nCoV đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Theo Hoàn Cầu Thời Báo, dù chưa hoàn tất giai đoạn cuối, kết quả giai đoạn 1 và 2 cho thấy sản phẩm của CanSino có độ an toàn và tạo ra khả năng miễn dịch như mong muốn. Theo các chuyên gia trong ngành vaccine, thử nghiệm giai đoạn 3 rất quan trọng và phức tạp khi phải cần số người tham gia thử nghiệm rất lớn. Đại diện công ty cho biết hiện việc thử nghiệm vaccine đang được tiến hành tại Mexico và Saudi Arabia. Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về vaccine Covid-19. Họ có 4 vaccine tiềm năng đang thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác

Với sự hỗ trợ của chính phủ, CanSino và Sinovac dự kiến sản xuất từ 100 đến 200 triệu liều tiêm hàng năm. Sinopharm tuyên bố vaccine bất hoạt ngừa Covid-19 do công ty sản xuất sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 12/2020, giá dự kiến 144 USD cho hai mũi tiêm. Mới đây, Bắc Kinh đã xây dựng xong một nhà máy sản xuất với năng lực cung cấp 120 triệu liều tiêm mỗi năm, vượt qua vòng kiểm định an toàn sinh học của các cơ quan và sẵn sàng đi vào hoạt động.

Các liều tiêm phòng Covid-19 của công ty Sinovac, tháng 3/2020. Ảnh: Xinhua

Các liều tiêm phòng Covid-19 của công ty Sinovac, tháng 3/2020. Ảnh: Xinhua

Từ châu Á tới châu Phi, Trung Quốc đang nỗ lực quảng bá các vaccine Covid-19 tiềm năng trong nỗ lực “kết bạn” và tăng ảnh hưởng với các nước. Philippines, Bangladesh, Indonesia, Pakistan là những đối tác ưu tiên nhận được lời hứa từ Trung Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra đề nghị tương tự với các nước châu Phi, Mỹ Latin, Caribe, Trung Đông và Nam Á – những khu vực mà Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

Hôm 6/10, bà Socorro Escalante, điều phối viên của Tổ chức Y tế Thế giới phụ trách về thuốc men và công nghệ y tế cấp thiết ở khu vực Tây Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc đã có những cuộc thảo luận sơ khởi với WHO để vaccine của họ được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, một bước tiến tới việc đưa vaccine của họ ra quốc tế.

Ngày 15/10, loại vắc xin ngừa COVID-19 do hãng Sinovac phát triển được tiêm hai liều, cách nhau 28 ngày với giá tổng cộng là 400 nhân dân tệ (59 USD) vừa được đưa vào sử dụng cho một số cư dân tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc. Ngày 17/10, thành phố Nghĩa Ô ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc bắt đầu cho người dân tiêm vaccine ngừa virus corona, mặc dù vaccine này chưa hoàn thành các bước thử nghiệm lâm sàng.

HOA KỲ & ĐỨC QUỐC & ANH QUỐC

Để có vaccine phòng Covid-19 sớm nhất có thể, Mỹ đã đầu tư số tiền hàng tỷ USD để “đặt cược” vào những nhà phát triển vaccine hàng đầu của Đức, Anh và Mỹ. Hiện trong số sáu loại vaccine đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối cùng, có ba loại vaccine đặt hàng của Mỹ.Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông muốn vaccine có ở Mỹ trước ngày bầu cử, 3/11, nhưng bình luận của ông khiến nhiều người lo lắng rằng yếu tố chính trị sẽ được ưu tiên so với yếu tố an toàn nếu người ta vội vã đưa vaccine ra sử dụng. Nói với hãng tin Reuters, BS Anthony Fauci cũng cho rằng làm như vậy có thể ảnh hưởng đến việc phát triển các vaccine khác. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho rằng vấn đề không phải là ở chỗ có vaccine đầu tiên mà là phải có một loại vaccine an toàn. Theo Bộ trưởng Y tế Mỹ, cần có dữ liệu minh bạch và dữ liệu này phải được đưa ra từ giai đoạn với 3 thử nghiệm lâm sàng để cho thấy một loại vaccine an toàn và hiệu quả. Theo quy định của các cơ quan kiểm soát Hoa Kỳ, một vaccine phải được thử nghiệm thành công trên 30,000 người trước khi được duyệt.

Ông Azaz cho biết Tổng thống Mỹ đang chỉ đạo chương trình Chiến dịch Thần tốc “Warp Speed” – sáng kiến giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine với 6 loại đang được phát triển, đồng thời cho rằng có thể có hàng chục triệu liều vaccine đạt tiêu chuẩn vàng của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 12 và hàng trăm triệu liều vào năm 2021.

Đức Quốc có thể là quốc gia thứ 2 thành công trong việc sản xuất vaccine. Theo CNN, vaccine ngừa Covid-19 mang tên BNT162 do hai công ty Pfizer và BioNTech có trụ sở tại Mỹ và Đức cùng điều chế dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2020. “Nó (vaccine) có hồ sơ xuất sắc, và tôi xem vaccine này gần như hoàn hảo”, Ugur Sahin – CEO, đồng sáng lập BioNTech nói về BNT162. Được biết, đến cuối năm nay, cả hai công ty dược phẩm có trụ sở lần lượt tại Mỹ và Đức này dự định cung cấp khoảng 100 triệu liều BNT162; và con số này dự kiến sẽ đạt khoảng 1.3 tỷ liều vào năm sau.

Tại Anh, vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford đang được coi là một ứng viên nặng ký trong số hàng chục loại đang được phát triển trên toàn cầu. Trong khi nhóm nghiên cứu vaccine ở Anh được hỗ trợ bởi gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca, thì nhóm ở Đức được hỗ trợ bởi Pfizer. Các chính phủ khắp toàn cầu đã ký hợp đồng với cả hai công ty này để mua hàng tỷ liều vaccine. Các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng đối với vaccine phòng chống virus corona do hãng AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển vừa phải tạm dừng, sau khi một người tham dự ở Anh bị nghi là có phản ứng tiêu cực với vaccine. Trong khi vaccine đang được phát triển ở Oxford nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông, ứng viên của công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech ít thu hút sự chú ý hơn. Tuy nhiên, nếu được chứng minh có hiệu quả, vaccine của BioNTech có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm ở tốc độ nhanh hơn và đây là một lợi thế lớn khi thế giới cần sự đột phá trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó là nền tảng để Thomas Strüngmann, cổ đông lớn nhất của BioNTech, tuyên bố có thể biến công ty này thành “Amazon về vaccine”. Cả hai loại vaccine của Anh và Đức đều đã hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn một và hai, với dữ liệu cho thấy chúng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ trong các tình nguyện viên sau hai liều tiêm. Hai nhóm đang tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba với hàng chục nghìn người ở nhiều nơi trên khắp thế giới tham gia để đánh giá tính hiệu quả trên quy mô lớn và khả năng chống lại nCoV chứ không chỉ là kích thích phản ứng miễn dịch.

Hiện Hoa Kỳ có 3 công ty chạy đua sản xuất vaccine Covid-19 là Moderna, Johnson @ Johnson và Pfizer. Reuters dẫn nguồn tin công bố từ công ty công nghệ sinh học Moderna trụ sở tại Massachusetts hôm 26/8 cho biết, trong quá trình thử nghiệm, vaccine COVID-19 mang tên mRNA-1273 của hãng gây phản ứng miễn dịch ở người lớn tuổi tương tự như với những người trẻ tuổi. Moderna chưa bao giờ đưa một loại vaccine nào ra thị trường, những đã nhận được gần 1 tỷ USD hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ trong chương trình Chiến dịch Thần tốc. Công ty này cũng đã đạt được một thỏa thuận cung cấp trị vaccine giá 1.5 tỷ USD với Chính phủ Mỹ. Công ty dược phẩm Johnson & Johnson hôm 23/9, loan báo khởi sự giai đoạn cuối của cuộc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19, với sự tham dự của hàng chục ngàn người tình nguyện ở một số quốc gia trên thế giới. Cuộc thử nghiệm, được coi là giai đoạn cuối trước khi xin giấy phép để đưa ra thị trường, sẽ là một trong những cuộc thử nghiệm thuốc chủng ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới cho tới nay, với sự tham dự của 60,000 người ở Mỹ, Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Peru.

Một biến chuyển đặc biệt là gần 1 giờ sáng ngày Thứ Năm 2/10, tòa Bạch Ốc tuyên bố Tổng thống Trump và phu nhân bị dương tính với Covid-19. Ông nhập viện Walter Reed ngay chiều hôm đó vì nồng độ bão hòa oxy xuống thấp. Trong vòng 2 ngày cuối tuần, ông được điều trị bằng những thuốc vốn chỉ dành cho bệnh nhân Covid-19 thuộc diện nặng. Các bác sỉ riêng của ông còn kê toa cho ông nhiều loại thuốc chưa được cấp phép chính thức bởi chính cơ quan quản lý thuốc Mỹ. REGN-COV2 của Regeneron là một trong các loại thuốc đầu tiên được tiêm cho Tổng thống Trump. Sản phẩm này mới được thử nghiệm với vài trăm người. Thuốc đã thể hiện tiềm năng trong các giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng đủ thuyết phục về độ an toàn và hiệu quả nếu nó được dùng chung với thuốc Remdesivir của Gillead, như trường hợp của ông Trump. Liệu trình của Remdesivir cũng kéo dài đến 5 ngày. Ông Trump rời bệnh viện khi mới xong ngày điều trị thứ 2. Ngày 4/10, các bác sĩ của ông Trump nói họ bắt đầu dùng thêm Dexamethasone. Loại thuốc steroid này đã được sử dụng trong nhiều thập niên qua, nhưng cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu về phản ứng nếu dùng chung với Redesivir và REGN-COV2. Theo Nhà Trắng, các bác sĩ của bệnh viện quân y Walter Reed còn cho ông dùng thuốc bổ sung kẽm, Melatonin (điều trị rối loạn giấc ngủ) và Pepcid (chứa famotidine điều trị loét dạ dày và ruột). Tối Thứ Hai 5/10, sau ba ngày điều trị tại bệnh viện, Tổng thống Trump trở về Nhà Trắng. Bác sĩ gia đình Conley cho biết tình trạng sức khỏe của Tổng thống “đáp ứng hoặc vượt quá tất cả tiêu chuẩn xuất viện”, dù thừa nhận ông “có thể chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm”.

Ngày 9/10, chính phủ Mỹ hy vọng có thể cung cấp miễn phí hơn một triệu liều điều trị kháng thể chống COVID-19 tương tự như loại Tổng thống Donald Trump đã dùng trị bệnh, một giới chức y tế hàng đầu Mỹ cho biết. Chương trình Operation Warp Speed của chính phủ hiện có “vài trăm ngàn liều” chữa trị kháng thể do công ty dược Regeneron và Eli Lilly bào chế, ông Paul Mango, một giới chức Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho báo giới biết. Ông nói thêm con số này sẽ lên đến một triệu liều vào cuối năm nay. Ông Mango cho hay chính phủ sẽ phân phối các liều chữa trị này cho các tiểu bang căn cứ trên nhu cầu, tương tự như cơ chế được sử dụng cho thuốc chống virus remdesivir của công ty Gilead nhằm chữa trị COVID-19.

Chương trình nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson’s (J&J) bị tạm dừng vì một người tình nguyện mắc bệnh nhưng không rõ nguyên nhân, theo trang tin Stat News loan ngày 12/10. Một tài liệu tuyên bố áp dụng “quy tắc tạm dừng” được hãng này gửi cho các nhà nghiên cứu đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng cho 60,000 bệnh nhân.

Remdesivir, loại thuốc Tổng thống Mỹ Donald Trump từng sử dụng, trở thành phương pháp điều trị Covid-19 đầu tiên được chấp thuận ở Mỹ. CNN cho hay thuốc kháng virus Remdesivir được phát triển bởi công ty Gilead Sciences, đã nhận giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 5. Điều này cho phép các bệnh viện và bác sĩ sử dụng thuốc cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện dù Remdesivir chưa được phê duyệt chính thức. Ngày 22/10, FDA đã chính thức phê duyệt Remdesivir là loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được chấp thuận ở Mỹ. Remdesivir hiện được bán dưới tên thương hiệu Veklury.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, hôm 25/10 cho biết sẽ rõ hơn vào đầu tháng 12 liệu vaccine COVID-19 có an toàn và hiệu quả hay không, theo Reuters. Ông cũng nói thêm rằng phải tới khoảng cuối năm 2021 thì việc tiêm vaccine trên diện rộng mới có thể được tiến hành. Nếu tất cả mọi sự đều suôn sẻ thì những liều vắc-xin Covid-19 an toàn và hữu hiệu đầu tiên có thể được phân phối cho một số người Mỹ nằm trong nhóm gặp nguy cơ cao vào cuối tháng 12 hay đầu tháng 1 năm tới, Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu Hoa Kỳ, nói hôm 29/10.

Ngày 10/11, đã có vaccine phòng chống virus corona đầu tiên có tác dụng ngăn ngừa được bệnh ở hơn 90% số người được tiêm, một phân tích sơ bộ cho thấy. Hai hãng phát triển vaccine này – Pfizer của Hoa Kỳ và BioNTech của Đức – gọi đây là “một ngày vĩ đại cho khoa học và nhân loại”. Vaccine này sử dụng cách tiêm vào người một phần mã gene của virus để huấn luyện hệ miễn dịch trong cơ thể. Vaccine của hai hãng đã được thử nghiệm trên 43,500 người tại sáu quốc gia, và không gây ra bất kỳ quan ngại nào về an toàn. Các hãng có kế hoạch nộp đơn xin chuẩn thuận khẩn cấp để vaccine này được đưa ra sử dụng vào cuối tháng. Hiện đang có khoảng 10 loại vaccine trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, được gọi là giai đoạn thử nghiệm thứ ba, nhưng đây là vaccine đầu tiên cho kết quả. Theo tuyên bố, Pfizer và BioNTech dự kiến ​​sẽ sản xuất tới 50 triệu liều vaccine trên toàn cầu vào năm 2020 và lên đến 1.3 tỷ liều vào năm 2021. Chỉ một tuần sau, Moderna của Hoa Kỳ cũng vừa mới cho biết Vaccine Covid-19 của họ đã có hiệu quả 94.5% trên người. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy “cuộc săn lùng” tìm ra Vaccine của các nhà khoa học cùng công ty dược phẩm đang đạt được thành công, nhờ nhiều công cụ mới có thể giúp kiểm soát diễn biến của đại dịch. Hiện tại, cả 3 loại Vaccine đều được nghiên cứu dựa trên RNA. Theo đó, trong một khoảng thời gian sắp tới, hàng triệu người trên thế giới có thể khỏi bệnh nhờ bước đột phá này. Một lợi thế của vaccine do Moderna chế tạo là loại vaccine này chỉ cần bảo quản trong tủ lạnh thông thường (2º – 8º C) không cần chế độ lưu trữ ở nhiệt độ siêu lạnh như vaccine của Pfizer (dưới 70ºC) nên dễ phân phối hơn và giá cả là $74 USD cho 2 liều. Pfizer cùng đối tác Đức BioNTech ngày 20/11 thông báo nộp đơn lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 BNT162b2.

BBC graphic

Vaccine với công nghệ mới mRNA của Pfizer, BioNTech và Moderna

VIỆT NAM

Việt Nam có bốn đơn vị đang nghiên cứu vaccine Covid-19 gồm Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen. Ông Thuấn đánh giá các đơn vị này đang có “triển vọng rất tích cực”. Quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian. Dự kiến cuối năm 2021 ra mắt sản phẩm. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14/8, đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết từ đầu tháng 2-2020, Công ty TNHH một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH thuộc Bộ Y tế), đơn vị đi đầu trong phát triển vaccine COVID-19 hiện nay tại Việt Nam, đã thực hiện những công đoạn nghiên cứu ban đầu tại Đại học Bristol (Anh) và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm nhờ công nghệ chuyển giao từ đại học này.

Bộ Y tế Việt Nam đặt mua vaccine Covid-19 của Nga, Anh, Mỹ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Vào ngày 14/8, Việt Nam cho biết sẽ đặt mua 50-150 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Nga. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mua vaccine của Anh. Nga cho biết sẽ có 5 quốc gia tham dự vào tiến trình sản xuất vaccine cho toàn thế giới, không hiểu Việt Nam có nằm trong 5 quốc gia này không.

Cuộc làm việc giữa Bộ Y tế, các chuyên gia về thử nghiệm và kiểm định vắc xin với Học viện Quân y đã diễn ra hôm 2/11, chuẩn bị thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người, bằng vắc xin “Made in Việt Nam” dự kiến trong tháng 11 này. Cuộc làm việc giữa Bộ Y tế, các chuyên gia về thử nghiệm và kiểm định vắc xin với Học viện Quân y đã diễn ra hôm 2/11, chuẩn bị thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người, bằng vaccine “Made in Việt Nam” dự kiến trong tháng 11 này. Nhu cầu khẩn cấp của vaccine Covid-19 trên thế giới rất là lớn. Cũng tương tự như xe hơi Vinfast đối với BMW của Đức và điện thoại di động Vinsmart với AT&T của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể đề nghị phối hợp với 3 công ty Moderna, Pfizer và BioNTech để sản xuất đại trà với giá rẻ hơn nhiều.  

CÁC QUỐC GIA KHÁC

Hãng dược phẩm Pháp Sanofi hôm 18/9 cũng cho Reuters hay họ đã tiêm 30 mũi tiêm thử nghiệm trên người. Sanofi đang nghiên cứu hai trong số hơn 150 loại vaccine tiềm năng đang được phát triển trên toàn thế giới để đối phó với đại dịch Covid-19. Sanofi đã đảm bảo các hợp đồng cho vaccine cộng với chất bổ trợ với Mỹ và Anh, đồng thời đang đàm phán nâng cao với Liên minh châu Âu để cung cấp lên tới 300 triệu liều. Hồi cuối tháng 7, Chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận sẽ trả tới 2.1 tỷ USD cho Sanofi và GSK để tài trợ cho việc phát triển vaccine Coronavirus và đảm bảo cung cấp 100 triệu liều, nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng.

Còn 10 loại vaccine nữa đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Các ứng cử viên hàng đầu là vaccine của:

  • Đại học Oxford và AstraZeneca từ Vương Quốc Anh
  • CanSino với Viện công nghệ Sinh học Bắc Kinh từ Trung Quốc
  • Viện Nghiên cứu Gamaleya từ Nga
  • Janssen từ Mỹ
  • Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh và Sinopharm ở Trung Quốc
  • Sinovac và Viện Butantan ở Brazil
  • Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán và Sinopharm ở Trung Quốc
  • Novavax ở Mỹ

KẾT LUẬN

Tính đến 15/11/2020, trong khi trận đại dịch Covid-19 đã làm gần 1.3 triệu người thiệt mạng trên thế giới và đà lây lan vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, vaccine có lẽ là cứu cánh duy nhất để ngăn chặn virus SARS-ConV-2 đưa thế giới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các nhà khoa học, phòng thí nghiệm trên khắp thế giới từ nhiều tháng qua đang lao vào một cuộc chạy đua với thời gian để tìm ra liều thuốc chủng công hiệu, an toàn phòng ngừa Civid-19.  Dù một số kết quả thử nghiệm lâm sàng gần đầy tỏ ra khả quan, nhưng đến nay thế giới vẫn chưa có loại vaccine nào được coi là thành phẩm hoàn chỉnh. Cùng lúc, các cường quốc cũng lao vào cuộc chạy đua khốc liệt nhằm tìm ra liều thuốc quý tạo ra một cuộc cạnh tranh toàn cầu. Với việc vaccine được phát triển với tốc độ kỷ lục trong thời kỳ đại dịch, chúng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những hậu quả không mong muốn hoặc có thể không hiệu quả. Cuộc chạy đua điên cuồng này còn mang dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada tố tình báo Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công tin tặc để chiếm hữu các nghiên cứu liên quan đến vaccine. Tại Hoa Kỳ, hai người Trung Quốc đã bị buộc tội tương tự. Mátxcơva cũng như Bắc Kinh đã phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc đó.

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu EMA nhận định “có thể ít nhất phải đợi đến đầu năm 2021, một loại vaccine phòng Covid-19 mới có và được sản xuất với số lượng đủ dùng cho cả thế giới”. Những người lạc quan nhất, bắt đầu là một số hãng dược, bảo đảm mùa thu này có thể có vaccine, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tin là phải đợi ít nhất đến quý đầu 2021.

Cuối cùng thì giữa tháng 11/2020 đã có vaccine phòng chống virus corona đầu tiên có tác dụng ngăn ngừa được bệnh ở hơn 90% số người được tiêm, một phân tích sơ bộ cho thấy. Ba hãng phát triển vaccine này – Pfizer và Moderna của Hoa Kỳ và BioNTech của Đức – gọi đây là “một ngày vĩ đại cho khoa học và nhân loại”. Nga Sô và Trung Quốc cũng đã phát triển riêng vaccine củ họ dù rằng tiến trình thử nghiệm không được phổ biến rộng rải.

Cả 2 hãng Pfizer và Moderna tuyên bố sẵn sàng sản xuất đại trà. Cả hai vaccine vừa kể đều phải được tiêm hai liều cách nhau 4 tuần. Sẽ có khoảng 40 triệu liều của hai vaccine này trước cuối năm nay, các giới chức nói. Sau đó, mỗi tháng hai công ty Pfizer và Moderna sẽ có thể sản xuất hơn 40 triệu liều cho dân chúng Mỹ. Trong lúc chờ đợi thì tất cả mọi nước trên thế giới đều phải áp dụng tất cả biện pháp phòng ngừa tối đa để giảm bớt các trường hợp lây nhiễm và tử vong.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Nga và vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới: Vừa mừng vừa lo” đăng trên mạng Thế giới & Việt Nam” ngày 12/8/2020.
  2. Bài viết “Virus Corona: Gián điệp Nga tấn công nghiên cứu vaccine Covid-19” đăng trên mạng BBC News ngày 16/7/2020.
  3. Bài viết “Covid-19: Cuộc chạy đua tìm vaccine đang tới đâu?” đăng trên mạng RFI News ngày 30/7/2020.
  4. Bài viết “TQ cấp bằng sáng chế, Nga tự tin thử vaccine ngừa Covid-19” đăng trên mạng BBC News ngày 17/8/2020.
  5. Bài viết “WHO: Sẽ không có đủ vaccine Covid-19 trước năm 2022” đăng trên mạng Zing News ngày 17/9/2020.
  6. Bài viết “’Thuốc VIP có thể lợi bất cập hại cho Tổng thống Trump” đăng trên mạng RFI News ngày 6/10/2020.
  7. Bài viết “Phương Tây vẫn mơ mộng sẽ … đánh bại Putin” đăng trên mạng Đất Việt Online ngày 7/10/2020.
  8. Bài viết “Vắc xin Sputnik-V của Nga hiệu quả nhỉnh hơn vắc xin Mỹ-Đức?” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 13/11/2020.
  9. Bài viết “Trở ngại chính khiến vaccine COVID-19 của Pfizer khó phân phối đại trà” đăng trên mạng Lao Động ngày 10/11/2020.
  10. Bài viết “Vaccine Moderna thành công, thêm hy vọng chặn COVID-19 cho thế giới” đăng trên đài VOA ngày 17/11/2020.
  11. Bài viết “Vaccine của Pfizer, Moderna có thể được cấp phép sử dụng trong vòng vài tuần” đăng trên đài VOA ngày 18/11/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *