Việt Nam và xe hơi điện

617 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Xe hơi điện (cũng là xe hơi chạy bằng pin hoặc xe hơi chạy bằng điện) là một chiếc xe hơi cắm điện với lực đẩy có được từ một hoặc nhiều động cơ điện, sử dụng năng lượng thường được lưu trữ trong pin sạc cho xe hơi.

Kể từ năm 2008, sự phục hưng trong sản xuất xe hơi điện đã xảy ra do những tiến bộ về pin, sự lo ngại về việc tăng giá dầu và mong muốn giảm phát thải khí nhà kính. Một số chính quyền cấp quốc gia và địa phương đã thiết lập các khoản tín dụng thuế, trợ cấp và các ưu đãi khác để thúc đẩy việc giới thiệu và áp dụng trên thị trường đại chúng các loại xe điện mới, thường phụ thuộc vào kích thước pin, phạm vi điện năng và giá mua. Khoản tín dụng thuế tối đa hiện tại được Chính phủ Hoa Kỳ cho phép là 7,500 USD mỗi xe. So với xe chạy động cơ đốt trong, xe điện êm hơn và không có khí thải ra đuôi xe, và thường tạo ra lượng khí thải thấp hơn nói chung.

Xe máy điện VinFast sử dụng công nghệ pin Lithium-ion như xe Tesla và  smartphone

Vị trí của pin sạc điện trong xe Tesla

Tính đến tháng 12 năm 2018, có khoảng 5.3 triệu xe hybrid chạy điện và cắm điện hạng nhẹ đang được sử dụng trên toàn thế giới. Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh chóng, tỷ lệ xe điện cắm điện toàn cầu chỉ chiếm khoảng 1 trên 250 xe (0.40%) lưu thông trên đường trên thế giới vào cuối năm 2018.  Vào cuối năm 2020, ông Elon Musk, tổng giám đốc Tesla, gửi ra tin nhắn cho rằng trong vòng 7 năm tới, 30 triệu chiếc xe điện được sản xuất hàng năm trên thế giới. Hai chiếc xe điện bán chạy nhất cho đến nay, Nissan Leaf và Tesla Model S, được Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ đánh giá có tầm xa lên tới 151 dặm (243 km) và 335 dặm (539 km) tương ứng. Tính đến tháng 12 năm 2018, Leaf là chiếc xe điện có khả năng chạy trên đường cao tốc bán chạy nhất từ trước đến nay với hơn 380,000 chiếc được bán trên toàn thế giới, tiếp theo là Tesla Model S với 263,500 chiếc được bán trên toàn thế giới. Các loại xe xe hơi điện rẻ nhất hiện nay là Nissan Leaf, Volkswagen E Golf và Kia Soul EV với giá xấp xỉ 32,000 USD.

Nissan Leaf 2020 là thế hệ hoàn toàn mới của chiếc xe điện bán chạy nhất thế giới. Hãng xe Nhật Bản mang đến cho Leaf nhiều điểm thay đổi về thiết kế ngoại thất và nội thất, phạm vi hoạt động lớn hơn, hàng loạt tính năng an toàn chủ động và mức giá phải chăng hơn so với người tiền nhiệm. Theo các chuyên gia đánh giá xe, Leaf 2018 đã biến hóa để trở nên “bình thường” hơn cả từ thiết kế ngoại thất cho đến giá bán. Thay vì tìm kiếm sự khác biệt, chiếc Hatchback 5 cửa chạy điện giờ đây sở hữu ngôn ngữ thiết kế chung của gia đình Nissan. Tại thị trường Mỹ, Nissan Leaf 2020 có 4 biến thể bao gồm: Bản cơ sở S, bản tầm trung SV, S Plus và SV Plus. Giá xe dao động từ 31,600 – 39,750 USD. Động cơ xe được trang bị một bộ pin Lithium-Ion 40 – 60 kWh. Có thể thấy, chỉ trong 7 năm, Leaf đã được nâng cấp và đạt hiệu quả tương đối lớn. Bộ sạc vẫn ở mức 6.6 KW, kết hợp tính năng sạc nhanh CHAdeMO DC 50 Kwh cho phép sạc lên 80% trong vòng 40 phút.

TESLA MODEL S

Nhà sản xuất xe hơi điện California Tesla Motors bắt đầu phát triển vào năm 2004, sau này sẽ trở thành Tesla Roadster (2008) với sản phẩm đầu tiên được giao cho khách hàng vào năm 2008. Roadster là xe đầu tiên được sản xuất hàng loạt hoàn toàn bằng điện sử dụng pin Lithium-Ion tế bào được phép lưu thông trên cao tốc và là sản phẩm đầu tiên của xe hoàn toàn bằng điện có khả năng đi du lịch hơn 200 dặm (320 km) sau mỗi lần sạc.

Doanh số toàn cầu của Tesla đã vượt qua 250,000 đơn vị vào tháng 9 năm 2017. Liên minh Renault Nissan Mitsubishi đã đạt được cột mốc 500,000 chiếc xe điện được bán vào tháng 10 năm 2017. Tesla đã bán chiếc Model S thứ 200,000 trong quý IV năm 2017. Doanh số của Global Leaf đã vượt qua 300,000 chiếc vào tháng 1 năm 2018, giữ kỷ lục là chiếc xe điện cắm điện bán chạy nhất thế giới từ trước đến nay. Tesla đã giao chiếc Model 3 thứ 100,000 vào tháng 10 năm 2018.

Tesla từ một hãng công nghệ nổi tiếng của Mỹ đã “lấn sân” sang mảng xe hơi chạy điện và cho đến nay đã có những thành công bước đầu. Hãng xe dưới sự điều hành của tỷ phú Elon Musk đã cho ra đời 4 dòng sản phẩm nổi bật gồm: Tesla Model S, Model 3, Model X và Model Y:

  • Tesla Model 3 là mẫu xe thông dụng, khá được ưa chuộng ở một số thị trường bởi thiết kế hấp dẫn, những chi tiết trên xe được đơn giản hóa nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của khách hàng cho một chiếc xe hơi. Tại Mỹ, Tesla Model 3 có giá khoảng 35,000 USD (tương đương khoảng 795 triệu đồng) chưa tính thuế, và có thể tăng lên 9,000 USD (204 triệu đồng) với bộ pin cho phép di chuyển xa hơn và 5,000 USD (113 triệu đồng) với nội thất cao cấp. 
  • Tesla Model Y là loại SUV 7 chổ ngồi với giá từ 50,000 – 60,000 USD.
  • Tesla Model S với nội thất cao cấp, tầm xa: 348 – 402 dậm, độ vọt 0 – 60 MPH: 2.3 giây, giá cả từ 75,000 – 95,000 USD. Ngày 22/9/2020, Tesla tuyên bố sẽ tung ra phiên bản siêu nhanh mới của chiếc Model S hiện nay với tên Model S Plaid, có ba động cơ, công suất 1,100 mã lực, từ zero đạt tốc độ 60 dặm một giờ trong chưa đầy 2 giây và chạy 1/4 dặm dưới 9 giây. Xe có tốc độ tối đa 200 dặm một giờ và mỗi lần sạc đầy chạy được 520 dặm, theo Tesla. Model S Plaid giá khoảng $140,000 và đang nhận đặt hàng.
  • Tesla Model X là loại cao cấp nhất với giá từ 80,000 – 100,000 USD.
  • Ngày 22/9/2020, ông Elon Musk, tổng giám đốc Tesla, tuyên bố khoảng ba năm nữa sẽ có xe hơi điện giá $25,000, theo CNN. Đây là một trong những lời hứa mà ông Musk đưa ra vào cuối đại hội cổ đông và “Ngày Bình Điện” của Tesla tại nhà nhà máy chính ở Fremont, California. Ông Musk nói, chẳng bao lâu nữa, những cải tiến về bình điện và sản xuất mà Tesla đang nghiên cứu sẽ đẩy giá xe hơi điện xuống rất thấp.
2020 Tesla Model S Prices, Reviews, and Pictures | Edmunds

Tesla Model S

PIN LITHIUM-ION – TRẠM SẠT ĐIỆN

Ba yếu tố cần đề cập đến khi nói về xe hơi điện:

Khoáng sản Lithium (Liti): Nếu như trong thế kỷ 19, đề tài được nhắc đến nhiều nhất là cơn sốt vàng ở Mỹ thì thế kỷ 21 này, người ta đổ xô chạy đua khai thác một loại khoáng chất không phải kim loại quý, dầu mỏ hay khí đốt mà là Lithium (hay còn được gọi là dầu trắng). Tính đến năm 2015 hầu hết Liti trên thế giới được sản xuất tại Nam Mỹ, nơi các mỏ chứa Liti được chiết xuất từ bể ngầm và tập trung bằng bốc hơi năng lượng mặt trời. Kỹ thuật khai thác tiêu chuẩn là làm bay hơi nước từ mỏ, mỗi lô hàng mất từ 18 đến 24 tháng. Liti hiện tại vẫn nằm trong nước biển, nhưng những cách thức khai thác thương mại khả thi vẫn chưa được phát triển.Trữ lượng Liti chắc chắn năm 2008 theo ước tính của USGS khoảng 13 triệu tấn, nhưng cực kỳ khó để ước tính trữ lượng tài nguyên Liti trên toàn cầu. Những nơi có trữ lượng Liti lớn nhấtlà Chile có trữ lượng lớn nhất (7.5 triệu tấn), Bolivia (5.4 triệu tấn). Các nhà cung cấp chính khác như Úc, Argentina và Trung Quốc.Tính đến năm 2015, một khảo sát địa chất tại Cộng hòa Séc coi toàn bộ Dãy núi Quặng tại Cộng hòa Séc là khu vực Lithium. Năm mỏ đã được đăng ký, một mỏ gần Cínovec được coi là mỏ kinh tế tiềm năng với 160,000 tấn Lithium. Các nước sản xuất Lithium lớn nhất hành tinh là Australia và Chile, nhưng các nước này lại bán hầu hết sản lượng của họ cho Trung Quốc. Theo dữ liệu do trung tâm Benchmark Minerals Intelligence cung cấp, Bắc Kinh kiểm soát gần như tất cả các cơ sở xử lý Lithium trên toàn cầu. Vài năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc thi nhau thu mua mỏ ở một số nước giàu Lithium như Argentina và Australia. Riêng tại Nam Mỹ, đất nước đông dân nhất đã đầu tư 4.2 tỷ USD vào các thoả thuận Lithium.

Trung Quốc cũng kiểm soát 60% năng suất sản xuất pin điện. Tính đến năm 2030, Goldman Sachs dự đoán “con rồng châu Á” có thể cung cấp pin cho 60% tổng số xe điện trên toàn cầu. Và đất nước đang trên đà thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu chính là Trung Quốc. Nếu như trước đây, giá thành sản xuất loại pin này rất cao, thì nay, với đột phá trong công nghệ do người Trung Quốc phát triển, việc sản xuất pin lithium trở nên dễ dàng và rẻ hơn nhiều, kéo theo nhu cầu lithium tăng mạnh, dự kiến đưa Bắc Kinh lên ngôi vị thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phương án mới là kết quả của dự án nghiên cứu kéo dài suốt 15 năm do Viện Khoa học Trung Quốc tài trợ. Nhờ công nghệ mới, chi phí chiết xuất “dầu trắng” được giảm tới mức thấp kỷ lục – khoảng 15,000 nhân dân tệ (tương đương 2,180 USD/tấn), so với giá lithium quốc tế từ 12,000 USD đến 20,000 USD/tấn và giá hợp đồng dài hạn là khoảng 17,000 USD/tấn trong năm ngoái. “Lithium rẻ hơn còn có lợi cả cho các nhà sản xuất ô tô như hãng xe điện Tesla (Mỹ)”, cũng theo ông Ren. Bởi hiện nay, chi phí sản xuất pin đang chiếm khoảng 30 -50% chi phí sản xuất xe điện. Nếu nói về sản lượng lithium, Trung Quốc không phải là cao nhất, thậm chí là tương đối thấp nhưng họ lại chiếm lĩnh nguồn cung các sản phẩm cuối cùng, sản xuất gần 2/3 lượng pin lithium trên toàn thế giới trong khi Hoa Kỳ chỉ có 5%.

Các công ty chế tạo Lithium-Ion: Cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay là một trong các quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu pin sạc Lithium – Ion. Các nhà khoa học của Học viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan của Hàn Quốc đang phát triển loại pin sạc Lithium-Ion mới, với khả năng sạc đầy siêu tốc, chỉ mất vài phút, thay vì trung bình vài giờ như hiện nay. Pin Lithium-ion ra đời trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970. Nhà hóa học người Anh M. Stanley Whmitham (Đại học Binghamton) đã nghiên cứu phát triển các phương pháp có thể dẫn đến các công nghệ về năng lượng mà không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông đã phát hiện ra một vật liệu giàu năng lượng, có thể sử dụng để tạo ra cực âm trong pin Lithium. Đây chính là tiền đề để phát triển loại pin Lithium có thể hoạt động đầu tiên. Trong nghiên cứu thử nghiệm của mình, Whittingham đã sử dụng Titan disulfua và kim loại Lithium (Li) làm điện cực. Lithium là một trong những nguyên tố nhẹ nhất trong bảng tuần hoàn hóa học, chứa đựng tiềm năng điện hóa rất lớn. Khi các điện cực kim loại Lithium được sử dụng, chúng tạo ra mật độ năng lượng (lưu trữ năng lượng cho mỗi đơn vị thể tích) cao hơn so với pin truyền thống, cho phép tạo ra những thế hệ pin nhỏ, gọn nhưng lại có dung lượng điện năng cao. Giải Nobel về hóa học 2019 đã được trao cho ba nhà khoa học: John B Goodenough, M. Stanley Whmitham và Akira Yoshino vì những nghiên cứu phát triển pin Lithium-ion. Sự ra đời của loại pin này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc lưu trữ năng lượng, tạo tiền đề cho sự phát triển công nghệ từ điện thoại di động, xe điện, các thiết bị số … mở ra tiềm năng về một xã hội không dùng nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những đóng góp này của các nhà khoa học dường như đang làm cho cả thế giới ngày nay “chạy” bằng pin.

Các nhà khoa học mới đây đã thiết kế ra một pin Lithium – Ion có khả năng sạc với nhiệt độ cao để đẩy tốc độ phản ứng, song vẫn duy trì nhiệt độ thấp ngoài thời gian sạc. Với khả năng này, pin đã có thể sạc ô tô điện chỉ trong 10 phút, giúp xe hơi chạy được thêm 200 dặm. Với quy mô lớn hơn, thiết kế này sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu năng lượng của các phương tiện chạy bằng điện, giúp những phương tiện này có thể di chuyển liên tục mà không cần dừng lại giữa chừng. Nghiên cứu về thiết kế pin mới này đã được phát hành vào ngày 30/10/2019 bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania trên tạp chí Joule.

Năm 2017, LG Chem quyết định đầu tư hơn 1 tỷ euro nhằm tăng công suất sản xuất pin Lithium-Ion dành cho phương tiện chạy bằng điện tại nhà máy của hãng ở Wroclaw, miền Tây Nam Ba Lan. Hiện tại, LG Chem có 5 nhà máy sản xuất pin tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Ba Lan. Công ty này cho biết đang thực hiện kế hoạch tăng công suất sản xuất pin lên 100 gigawatt (GW) giờ vào cuối năm nay, cung cấp cho khoảng 1.7 triệu xe hơi điện. LG Chem là nhà cung cấp pin chính cho xe điện của các hãng GM, Ford, Renault, Volvo, Audi, Volkswagen và Daimler, cũng như hãng sản xuất xe hơi lớn nhất Hàn Quốc Hyundai Motor và công ty con Kia Motors. Cơ sở sản xuất tại Châu Âu sẽ giúp khách hàng của LG Chem không phải chờ đợi lâu để lấy hàng. Hiện tại, LG Chem đang cung cấp pin cho tất cả các nhà sản xuất xe hơi lớn như GM, Ford, Renault, Volvo, Audi, Volkswagen và Daimler, cũng như hãng sản xuất xe hơi lớn nhất Hàn Quốc Hyundai Motor và công ty con Kia Motors.

Tesla Model 3 standard 90kWH battery pack

Tesla Model S standard 100kWh battery pack

Vấn đề sạt điện: Sạc một chiếc xe điện có thể được thực hiện tại nhiều trạm sạc, những trạm sạc này có thể được lắp đặt ở cả nhà và khu vực công cộng. Kịch bản McKinsey đặt ra cho xe hơi điện là giả thuyết rằng xấp xỉ 120 triệu xe hơi điện sẽ chạy trên đường vào 2030 ở Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Mỹ. Kịch bản tích cực hơn có thể là số xe sẽ tăng gấp đôi. Đi cùng với các cấp độ khác biệt trong lựa chọn xe điện giữa các vùng miền, vấn đề cơ sở vật chất sẽ khiến yêu cầu cho các trạm sạc mang tính địa phương hóa cao hơn. Khác với xe hơi động cơ đốt trong truyền thống, đặc trưng là chỉ có thể nạp nhiên liệu ở các trạm xăng, xe hơi điện có thể sạc lại ở nhiều địa điểm với nhiều cách thức. Mô hình của McKinsey phân tích 4 trường hợp sạc, đều giả định cắm sạc từ nguồn điện: ở nhà, nơi làm việc, nơi công cộng và trên đường cao tốc khi di chuyển đường dài. Những trường hợp sử dụng và những công nghệ sạc khác vẫn đang xuất hiện. Chẳng hạn, sạc không dây hay sạc từ đèn đường, có tiềm năng tồn tại, nhưng không được tính trong phân tích này.

Trong kịch bản lấy sạc ở nhà là trung tâm, xấp xỉ 75-80% chủ xe điện ở Mỹ và EU phải tiếp cận được với việc sạc ở nhà, tức là phải cung cấp được tới 75% nhu cầu năng lượng của họ trong 2020. Tỷ lệ đóng góp cao của các nhà riêng ở các bang có tỷ lệ xe điện cao sẽ đảm bảo được yêu cầu này, đặc biệt là ở California và các bang vùng tây bắc Thái Bình Dương. Trung Quốc có tỷ lệ tham gia sạc ở nhà thấp hơn nhiều bởi có ít căn hộ riêng biệt hơn. Ngay cả khi cân nhắc đến giải pháp thay thế là lấy sạc nơi công cộng làm trung tâm, tầm quan trọng của việc sạc ở nhà sẽ vẫn phù hợp hơn tại Mỹ.

Vấn đề tiếp theo ngoài địa điểm sạc là loại công nghệ sạc. Ba loại hạ tầng sạc xe hơi điện chính đang tồn tại là:

  • Sạc xoay chiều (AC): hay còn gọi là Level 1 hoặc Level 2. Ở hệ thống này, một bộ chuyển điện trong ôtô chuyển nguồn điện xoay chiều sang điện một chiều (DC), sau đó sạc pin ở cả Level 1 (tương đương với một ổ điện gia dụng 120V) hoặc Level 2 (240V), hoạt động ở mức năng lượng khoảng 20 kW.
  • Sạc một chiều (DC): hay còn gọi là Level 3 hoặc sạc nhanh một chiều. Hệ thống sạc này chuyển nguồn AC từ lưới điện sang DC trước khi nạp vào xe và sạc pin mà không cần đến bộ chuyển điện, hoạt động ở mức năng lượng từ 25 đến hơn 350 KW.
  • Sạc không dây: Hệ thống này sử dụng sóng điện từ để sạc pin. Thường có một tấm sạc kết nối với ổ cắm điện trên tường và một tấm gắn vào phương tiện. Các công nghệ hiện tại tương đương với các nguồn sạc Level 2 và có thể cung cấp năng lượng lên tới 11 KW.
Tham vọng của Tesla: bây giờ là lắp đặt trạm sạc ở các cửa hàng tiện

Trạm sạc Supercharger của Tesla

Công suất của bộ sạc quyết định tốc độ sạc nhanh hay chậm. Nguồn sạc xoay chiều Level 1 và Level 2 thích hợp nhất cho gia đình và nơi làm việc bởi khoảng thời gian đỗ xe hơi dài và chi phí thấp hơn: một bộ sạc Level 2 cơ bản cho một căn hộ có thể có giá cỡ 500 USD. Nguồn sạc nhanh một chiều thích hợp nhất trong các trường hợp thời gian cấp bách, chẳng hạn trên cao tốc và khi sạc nhanh nơi công cộng. Nguồn điện xoay chiều cơ bản Level 1 và 2 sẽ tiếp tục giữ thế thống trị áp đảo công nghệ sạc tới 2030, cung cấp từ 60 đến 80% năng lượng tiêu thụ. Hầu hết quá trình sạc sẽ diễn ra ở nhà, công sở, và qua các trạm sạc chậm công cộng. Sạc nhanh một chiều dường như đóng vai trò lớn hơn ở Trung Quốc, yêu cầu nhiều cơ sở hạ tầng sạc công cộng hơn.

Dựa trên các thông tin sơ lược và công nghệ hiện có, ngành công nghiệp xe hơi điện có thể cần tới khoảng 40 triệu bộ sạc trên khắp Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, tương ứng với vốn đầu tư cơ bản tích luỹ khoảng 50 tỷ USD cho tới năm 2030. Tính riêng Mỹ sẽ cần 13 triệu bộ sạc tích lũy và xấp xỉ 11 tỷ USD đầu tư tới 2030. Liên minh châu Âu cần 15 triệu bộ sạc tích lũy và khoảng 17 tỷ USD đầu tư trong cùng thời kỳ. Tại Trung Quốc, con số này là 14 triệu bộ sạc tích lũy và 19 tỷ USD đầu tư.

Những lo lắng về việc sạc pin vẫn là một vấn đề lớn, với 6/10 người được khảo sát cho biết đó có thể là lý do khiến họ không muốn mua hoặc không chắc chắn về việc mua xe điện. 57% cho biết họ nghĩ rằng xe điện không thích hợp cho việc di chuyển đường dài.

Việc đặt trạm sạc vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, nhưng các công ty như ChargePoint, EVgo và Electrify America có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD trong thập kỷ tới để giải quyết vấn đề đó. Trung tâm dữ liệu nhiên liệu thay thế Mỹ (AFDC) cho biết, hiện Tesla có 929 trạm sạc Supercharger khắp nước Mỹ, nhưng là nhờ hãng ôtô điện đã xây dựng và phát triển hệ thống từ cách đây 8 năm. Việc sạc xe hơi điện của thế hệ xe tiếp theo sẽ chỉ tốn thời gian tương đương với việc đổ xăng. Một nhóm các công ty sản xuất xe hàng đầu thế giới, bao gồm cả BMW của Đức, cả Porsche và Siemens tuyên bố họ tạo ra được công nghệ cho phép sạc xe điện siêu nhanh. Họ công bố một trạm sạc 450 KW, chỉ tốn 3 phút để xe đi thêm được 100 km nữa. Việc sạc đầy bình điện chỉ tốn có 15 phút.

Dải màu xanh lam nhạt là sự kết nối của các trạm sạc dọc tuyến đường xuyên nước Mỹ đã được hoàn thiện, và dải màu xanh lá dự kiến hoàn thiện vào tháng 9. Ảnh: Electrify America

Hệ thống trạm sạc điện xuyên bang tại Hoa Kỳ

Cuối năm 2019, hãng Tesla, phối hợp với các khoa học gia của trường đại học Dalhousie của Gia Nã Đại đã nộp cầu chứng phát minh về một loại Lithium – Ion mới với “tuổi thọ” 1 triệu dặm. Điều này trùng hợp với tuyên bố của ông Chủ tịch Tesla Elon Musk về hứa hẹn “hệ thống sạc 1 triệu dặm” cho những xe Tesla sản xuất từ 2020. Cho đến nay, hệ thống sạc của Tesla hiện nay chỉ đạt đến tầm xa 370 dặm với tuổi thọ 300,000 – 500,000 dặm, tương đương với tuổi thọ trung bình của một xe hơi là 11 năm với 150,000 dặm (13,500 dặm mổi năm).

TRUNG QUỐC VÀ ÔTÔ ĐIỆN

Không phải là cái nôi của xe điện nhưng Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ. Thị trường này đang tiêu thụ lượng xe điện nhiều gấp 3 lần nước Mỹ. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng 3 lần tỷ lệ sử dụng xe điện sau năm 2020. Gần 1.3 triệu xe điện đã được bán ra tại Trung Quốc trong năm 2018. Con số này tăng 62% so với 2017 và dự tính sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019. Thị trường xe điện toàn cầu đang tăng trưởng theo cấp số nhân. Năm 2018, số xe điện đã tăng gấp 6 lần so với năm 2013, tăng gấp đôi so với năm 2015. Sự tăng trưởng vượt bậc này không thể không nhắc đến phần đóng góp của Trung Quốc. Lượng xe điện chiếm hơn 4% trong tổng số 28.1 triệu xe hơi được bán tại Trung Quốc trong năm 2018. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với Mỹ là dưới 2%, Châu Âu chỉ hơn 3%. Nhưng dường như với chính phủ Trung Quốc, điều này là chưa đủ. Tháng 4 năm ngoái, chính quyền nước này đã công bố mục tiêu đầy tham vọng. Đó là nâng tỷ lệ xe điện trong nhóm ô tô chở khách thông thường lên 10% vào năm 2019. Sau đó tiếp tục tăng lên 12% vào 2020.

Mục tiêu trên không khiến Trung Quốc là quốc gia có tỉ lệ xe điện/ đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên, chứng tỏ cho thế giới biết rằng họ vẫn là thị trường quan trọng. Muốn lớn mạnh, các nhà sản xuất ô tô thế giới không thể bỏ qua nơi này.

Trạm sạc – trở ngại lớn cho tương lai ôtô điện - VnExpress

Tỷ lệ sử dụng ôtô điện của Trung Quốc – Liên Âu – Hoa Kỳ

Về lý do tại sao Tesla quyết định xâm nhập vào thị trường Trung Quốc thì kể từ năm 2015, Trung Quốc vẫn luôn giữ vững vị trí thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Năm 2016, Tesla ghi nhận doanh số bán hàng ở Trung Quốc tăng gấp ba lần, lên mức 1 tỷ USD. Một năm sau đó, doanh số tiếp tục tăng gấp đôi, đạt 2 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, giống như các nhà sản xuất ô tô khác, hiềm khích thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc luôn là rào cản lớn cho việc bán xe hơi tại đây. Bị đánh thuế nhập khẩu nặng, một chiếc Model S của Tesla có giá 80,000 USD tại Mỹ sẽ được bán với giá khoảng 140,000 USD tại thị trường Trung Quốc lúc bấy giờ. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là sản xuất tại Trung Quốc, cho chính người tiêu dùng tại đây với qui mô lớn với sự nhượng bộ của chính quyền Trung Quốc. Sau bốn năm lên kế hoạch, nhà máy trị giá 5 tỷ USD của Tesla cuối cùng cũng được khởi công vào ngày 7/1/2019 tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới – Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu một hành trình mới với Tesla trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu đi xuống. Tờ Tân Hoa Xãđưa tin, Tesla chỉ mất 168 ngày làm việc (khoảng 6 tháng) từ khâu xin giấy phép đến nối điện cho nhà máy mới toanh này. “Tesla thực hiện khá nhanh, kể cả khi so sánh với thông lệ của Trung Quốc”, ông Ivan Su, một nhà phân tích tại Morningstar Inc., cảm thán. CEO Elon Musk có nhiều lý do để làm một cuộc mạo hiểm tại Trung Quốc. Tesla được chính phủ Trung Quốc miễn thuế giá trị gia tăng 10% đối với xe hơi. Thông thường, chỉ xe điện do các công ty Trung Quốc sản xuất mới được miễn thuế. Đồng thời, với việc toàn quyền sở hữu nhà máy tại Trung Quốc, Tesla cũng không cần chia sẻ lợi nhuận và công nghệ với các đối tác Trung Quốc – điều khác với các hãng xe nước ngoài phải thành lập một liên doanh nội địa tại Trung Quốc. Xây dựng siêu nhà máy Gigafactory cho phép Tesla giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và tránh thuế nhập khẩu. Giá khởi điểm của xe sedan do Tesla sản xuất tại Trung Quốc và chỉ bán trong phạm vi thị trường này là 328,000 nhân dân tệ (tương đương 46,000 USD).

Hiện nhà máy Tesla Thượng Hải có năng suất 3,000 chiếc/tuần, tương đương khoảng 150,000 chiếc/năm. Tính đến cuối năm 2021, khi nhà máy đi vào hoạt động hoàn toàn, Elon Musk dự kiến cơ sở này sẽ sản xuất 500,000 xe/năm. Thị phần xe điện tại Trung Quốc cũng lớn hơn nhiều so với các quốc gia cùng qui mô. Hiện tỷ lệ xe chạy bằng pin tại đất nước này chiếm 4.7% tổng số xe được bán, trong khi con số này ở Mỹ chỉ có 1.7%. Chính quyền Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, xe điện sẽ chiếm 25% tổng số xe được bán với Tesla có khả năng là người dẫn đầu. Điều cần để ý là theo Fortune Securities dự báo, áp lực sẽ đè nặng lên những tên tuổi như BYD, hãng xe hơi điện lớn nhất Trung Quốc. Doanh nghiệp này dự kiến ra mắt xe điện từ năm sau với tên gọi “Han”, với giá khoảng 300,000 nhân dân tệ (khoảng 43,000 USD) – thấp hơn Model 3 tại Trung Quốc của Tesla 16%.

Tesla anh 1

Nhà máy Gigafactory của Tesla tại Thượng Hải

XE HƠI ĐIỆN CỦA VINFAST

Cuộc đua thị phần ôtô điện tại Mỹ sẽ có sự tham gia của VinFast của Việt Nam khi hãng này tung mẫu xe với khả năng chạy 500 km với một lần sạc. Khoảng 245,000 xe hơi điện bán ra tại Mỹ chỉ chiếm gần 2% tổng dung lượng thị trường 1.7 triệu xe năm 2019. CNBC trích dẫn dự đoán của chuyên gia rằng thị trường Mỹ sẽ cần tới 18.7 triệu xe điện vào năm 2030, chiếm 7% trong tổng số 259 triệu xe tại quốc gia này. Cuộc đua sẽ có sự tham gia của VinFast khi hãng này sắp ra mắt mẫu xe hơi điện đầu tiên, dự kiến di chuyển được 500 km sau mỗi lần sạc đầy. Chuyên trang về xe điện và năng lượng mới CleanTechnica nhận định, VinFast đang đầu tư lớn vào xe điện, xu hướng giao thông của tương lai. Hãng này đã thuê Pininfarina Design, studio thiết kế hàng đầu của Ý để có những chiếc xe đẹp mắt. “Lịch sử hãng xe này cho thấy, từ khi công bố dự án, đến kế hoạch thần tốc xây dựng nhà máy và những mẫu xe thương mại đầu tiên ra đời, tất cả đã chứng minh năng lực thực sự của VinFast”, CleanTechnica nhận định.

Tháng 5/2020, chiếc ôtô điện chạy thử của VinFast được bắt gặp trên đường phố Hà Nội. Theo một số thông tin mà Reuters có được, mẫu xe này có tầm hoạt động khoảng 500 km sau mỗi lần sạc. Trung bình, chiếc xe có thể đi trong 10 ngày liên tục nếu người lái sử dụng một tiếng mỗi ngày, quãng đường 50 km. Cuộc thăm dò ý kiến 1,600 người mua xe tại Mỹ của Autolist.com chỉ ra rằng, một chiếc xe điện có thể bán ra cần phạm vi hoạt động từ 400 đến 480 km mỗi lần sạc. Một số nhà sản xuất lớn đã đưa ra tiêu chuẩn về phạm vi hoạt động của loại xe này

Nếu đúng kế hoạch, mẫu xe điện của VinFast dành cho thị trường Mỹ sẽ xuất hiện tại Los Angeles Auto Show tháng 11/2020. Thời gian sản xuất đại trà dự kiến tháng 7/2021. Tờ PostToday của Thái Lan cho rằng, mẫu xe điện của Việt Nam có thể gây bất ngờ nếu đạt được con số 500 km mỗi lần sạc, có thể đón đầu nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tháng 12 năm ngoái, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiết lộ kế hoạch xuất khẩu xe điện sang Mỹ, nơi được đánh giá là thị trường ôtô béo bở nhất thế giới. Ông Vượng đã đầu tư 2 tỷ USD từ tài sản cá nhân nhằm đạt mục tiêu này. Hiện, doanh số ôtô chạy xăng của VinFast đang đứng thứ 5 thị trường Việt Nam trong quý 1/2020. CleanTechnica cho rằng, VinFast đã sẵn sàng tìm kiếm một “miếng bánh ngon” tại thị trường Mỹ.

Theo dõi VinFast từ ngày đầu thành lập thương hiệu, Bruce Newton từ Motoring.au cho rằng việc mở viện nghiên cứu pin sẽ giúp hãng này tự chủ khâu thiết kế và phát triển sản phẩm. Ngoài ra, VinFast đang hợp tác với LG Chem để nghiên cứu pin cho xe hơi có thể chạy quãng đường 500 km mỗi lần sạc. Ngày 5/4/2019, công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup) và công ty LG Chem (Tập đoàn LG) đã công bố thành lập liên doanh đóng gói và sản xuất pin theo tiêu chuẩn quốc tế. Nằm trong khu công nghiệp phụ trợ thuộc tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast (Cát Hải, Hải Phòng), liên doanh này hướng đến mục tiêu trước mắt là đáp ứng nhu cầu cho các dòng sản phẩm xe điện VinFast. Được xây dựng trên diện tích hơn 12,000 m², nhà máy sản xuất pin Lithium-Ion liên doanh giữa VinFast và LG Chem là một trong những nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ có quy mô lớn nhất tại khu tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast. Mục tiêu của liên doanh là sản xuất pin lithium-ion cho các dòng xe máy điện hiện tại và hướng tới cung cấp cho các ô tô điện của VinFast trong tương lai. Theo thỏa thuận hợp tác, VinFast chịu trách nhiệm xây dựng nhà xưởng và dây chuyền sản xuất, tuyển dụng nhân lực, vận hành nhà máy. LG Chem tư vấn kỹ thuật nhà xưởng, thiết bị, giám sát việc thực hiện, đào tạo người lao động, chuyển giao công nghệ và chuyển giao thiết kế. Hiện tại, LG Chem là một trong những công ty đang nắm giữ nhiều công nghệ pin hàng đầu thế giới. Việc thành lập nhà máy liên doanh sản xuất pin với LG Chem là một bước đi quan trọng nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các dòng sản phẩm ô tô, xe máy điện của VinFast, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

Động thái trên của VinFast được CleanTechnica nhận định khá giống với General Motors. Mới đây, GM cũng kết hợp với LG Chem để sản xuất pin Ultium EV mới cho dòng xe điện. Năm 2015, hai hãng này từng hợp tác phát triển mẫu Chevrolet Bolt. Xe điện đã chứng minh được những lợi thế nhất định so với dòng xe dùng động cơ xăng, dầu truyền thống. Những mẫu xe điện mới có mức giá hợp lý, di chuyển trong quãng đường dài hơn … được dự đoán sẽ chinh phục tốt người tiêu dùng trong tương lai. Vinfast chưa tiết lộ giá xe hơi điện bán tại Mỹ. Hiện nay, giá xe hơi điện của Tesla tại Trung Quốc và xe loại Han của Trung Quốc bán với giá 46,000 và 43,000 USD.

VINFAST SẢN XUẤT Ô TÔ ĐIỆN VÀ Ô TÔ CỠ NHỎ TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ - Tập đoàn  Vingroup

Xe hơi điện cỡ nhỏ của Vinfast với thiết kế từ Pininfarina Design

Ngoài ra, Vinfast cũng cần để ý đến dòng xe hơi điện cực nhỏ như lớp Wuling Hongguang Mini EV, công ty liên doanh giữa tập đoàn General Motors (GM), SAIC (hay còn gọi là Shanghai Auto) và Wuling Automotive của Trung Quốc xuất hiện tại Trung Quốc ngày 22/7/2020 có giá bán 28,800 nhân dân tệ, tương đương 4,164 USD (khoảng 96.6 triệu đồng VN). Dòng xe này trong tương lai hy vọng sẽ thay thế các xe gắn máy đang tràn ngập tại Việt Nam.

Wuling Hongguang Mini EV có giá bán 28.800 nhân dân tệ, khoảng 96,6 triệu đồng

Xe Wuling Hongguang Mini EV của Trung Quốc

Một loại xe hơi điện 4 cửa khác của Trung Quốc có tên Yogomo 330 do chuyên trang Commons đăng tải khá thu hút khi ngoại hình xe rất giống Kia Morning. Xe được trình làng tại triển lãm ô tô Sơn Đông tổ chức tại thành phố Tế Nam, Trung Quốc giữa tháng 2/2020. Giá cả từ 100 đến 132 triệu đồng (4,308 – 5,739 USD).

Loạt ô tô Trung Quốc giá siêu rẻ chỉ bằng chiếc xe máy tại Việt Nam

Xe Yogomo 330 của Trung Quốc

Cũng trong nỗ lực góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn của Việt Nam. Ngày 2/5, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus, chính thức tham gia lĩnh vực vận tải hành khách. VinBus vận hành theo mô hình phi lợi nhuận, nhằm với vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, dự kiến VinBus cung cấp dịch vụ vận tải từ tháng 3/2020, bắt đầu tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. VinBus sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Trước mắt, công ty sẽ đưa vào vận hành 3,000 xe buýt điện do hãng xe VinFast sản xuất. Đối tác cung cấp công nghệ và linh kiện để sản xuất xe buýt điện cho VinFast là Siemens (Đức).  Để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa cho ngành xe hơi Việt Nam, công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) đề xuất đầu tư một tổ hợp công nghiệp sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác tại địa bàn TP. Móng Cái, Quảng Ninh. Dự án có diện tích gần 200 ha, tổng mức đầu tư trên 3,400 tỷ đồng (148 triệu USD).

Xe bus điện Vinfast

Trong cùng lãnh vực, Daimler đã ký kết với THACO trong việc lắp ráp và phân phối xe buýt thương hiệu Mercedes-Benz tại Việt Nam. Đây là mẫu xe được Trung tâm R&D THACO Bus thiết kế hoàn toàn mới, mang thương hiệu THACO với tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 45%, sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, phần ngoại thất xe (bao gồm thân vỏ, khung xe, linh kiện cơ khí, linh kiện composite) và phần nội thất (hệ thống chiếu sáng, ghế, dây điện, kính, linh kiện nhựa) được thiết kế và sản xuất tại Chu Lai – Tam Kỳ, gia tăng hàm lượng nội địa hóa, hàm lượng công nghệ cho sản phẩm xe bus THACO và bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. 15 chiếc xe bus mang thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu sang Philippines; đồng thời THACO cũng xuất lô linh kiện phụ tùng ô tô sang Hàn Quốc và Nhật Bản.

THACO VN New Model - THACO BUS 47 SEATS 2020

Xe bus điện THACO

KẾT LUẬN

Xe hơi điện sẽ là bước “chuyển mình” to lớn trong ngành sản xuất xe hơi. Trước đây, xe điện chưa bao giờ là phương án ưu tiên của các nhà sản xuất khi tính đến phương án bảo vệ môi trường. Dự kiến, với chỉ trong vòng 5 năm tới, những chiếc xe điện chạy bằng pin sẽ cạnh tranh với những chiếc xe thông thường về cả giá cả và hiệu suất. Những khiếm khuyết về phạm vi lái xe và thời gian sạc pin sẽ từ từ được giải quyết và thế giới sẽ được sống trong môi trường trong lành hơn.

Vì sao ngành xe điện Trung Quốc bất ngờ giỏi hơn cả Đức, Nhật? - ảnh 2

Trung Quốc có 5 trong 10 công ty xe hơi điện lớn nhất thế giới

Có khá nhiều lãnh vực về nông nghiệp và công nghiệp mà Trung Quốc đang vượt qua Hoa Kỳ trong đó xe hơi điện để giảm bớt ô nhiễm môi trường là một ví dụ. Sự góp mặt của Tesla tại Trung Quốc dù làm tăng cạnh tranh trong thị trường xe điện Trung Quốc, hãng xe Mỹ này cũng có thể giúp ích cho các doanh nghiệp nội địa. Các nhà sản xuất Trung Quốc như NIO và Xpeng có thể tận dụng cuộc chiến tại thị trường này để làm bệ phóng quảng bá thương hiệu ra ngoài nước. Hy vọng sự hiện diện của Tesla tại Trung Quốc sẽ là một tiền đề giúp giảm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

THAM KHẢO

  1. Ô tô điện – Bách khoa toàn thư mở wikipedia
  2. Tesla – Model S – from wikipedia, the free encyclopedia
  3. Bài viết “Tương lai ôtô điện của Vinfast” đăng trên mạng VNE ngày 30/5/2020.
  4. Bài viết “LG Chem đầu tư 387 triệu đô để mở rộng sản xuất pin xe ô tô điện tại nhà máy ở Ba Lan” đăng trên mạng VNE ngày 30/5/2020.
  5. Bài viết “Mua hay thuê một chiếc xe điện trong năm 2020” đăng trên mạng Người Việt Online ngày 25/9/2020.
  6. Bài viết “Trạm sạc – trở ngại lớn cho tương lai ôtô điệnđăng trên mạng VNE ngày 14/10/2019.
  7. Bài viết “Bí kíp Trung Quốc chiếm ngôi đầu sản xuất pin xe điện” đăng trên mạng Bộ Giao Thông Vận Tải ngày 23/5/2019.
  8. Bài viết “Xe buýt điện của VinFast sẽ hoạt động từ 2020 tại Việt Nam” đăng trên mạng Bộ Giao Thông Vận Tải ngày 2/5/2019.
  9. Bài viết “THACO lắp ráp xe buýt Mercedes-Benz tại Việt Nam, ‘thâu tóm’ mảng xe thương mại” đăng trên mạng Trí Thức Trẻ ngày 18/6/2020.
  10. Bài viết “Tesla hứa bán xe hơi điện giá $25,000 sau 3 năm nữa” đăng trên mạng Người Việt Online ngày 23/9/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *