Vị thế Việt Nam

526 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Năm 2020: Forbes, Bloomberg, New York Times, Nikkei Asia… liên tục gọi Việt Nam là bình minh đang lên, ngôi sao sáng, phép màu châu Á. Không ít thì nhiều, các quốc gia trên toàn cầu dành sự quan tâm cho các bảng xếp hạng để xem họ đứng ở đâu. Xếp hạng hàng năm 2020 Best Countries Report của trang U.S. News & World Report cho thấy theo thứ tự cao thấp. Trước đây, tác giả liệt kê chi tiết về Vị trí Việt Nam nằm trong bài “Kinh tế – Chính trị Việt Nam”; tuy nhiên kể từ 2021, các chi tiết này được tách riêng ra thành một bài viết riêng biệt.

Việt Nam và báo chí ngoại quốc

VỊ THẾ VIỆT NAM

  • Brand Finance – nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2020 (Global 500 2020) và thương hiệu Viettel được định giá 5.8 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2019 (4.3 tỷ USD). Như vậy, hiện thương hiệu Viettel đứng ở thứ hạng 355 của thế giới, tăng 126 bậc so với năm 2019, đứng thứ 102 châu Á và thứ 7 ở Đông Nam Á. Báo cáo của Brand Finance cho biết, đây là bước nhảy ấn tượng và cao nhất trong bảng xếp hạng năm nay. Viettel đạt mức tăng trưởng giá trị thương hiệu cao nhất thế giới trong lĩnh vực viễn thông. Trong bảng xếp hạng năm 2020, chỉ có 36 thương hiệu viễn thông, 4/5 thương hiệu giảm giá trị. Trong 5 năm qua, giá trị kết hợp của các thương hiệu viễn thông trong Brand Finance Global 500 đã bị đình trệ, chỉ đạt 558.4 tỷ USD vào năm 2020, so với 567.7 tỷ USD vào năm 2015, trong khi tất cả lĩnh vực chính khác đều ghi nhận mức tăng đáng kể.
  • Ngày 13/2, hãng hàng không Vietjet đã công bố mở loạt 5 đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với thủ đô New Delhi và thành phố Mumbai của Ấn Độ. 
  • Cuối tháng 2, hãng công nghệ khổng lồ Microsoft vừa đưa ra một khảo sát cho thấy cư dân mạng Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có lối hành xử kém văn minh nhất thế giới. Trong bảng kết quả khảo sát về Chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) năm 2019 do Microsoft vừa công bố nhân ngày Safer Internet Day, Việt Nam đứng thứ 21 trong số 25 quốc gia được khảo sát khi người sử dụng mạng phải đối diện với nhiều rủi ro do những hành vi kém văn minh gây ra. Báo cáo của Microsoft dựa trên ý kiến của 500 thanh thiếu niên và người trưởng thành (trong độ tuổi từ 13 – 74) tại Việt Nam. Những người này cho biết họ đều từng gặp phải những hành vi được xem là “không đúng mực” trên không gian mạng và những hành vi này diễn ra khá thường xuyên trong thời gian gần đây. 97% nói rằng họ đã bị tổn thương vì những hành vi đó và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa
  • Theo bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo Bloomberg Innovation Index 2020, Việt Nam góp mặt lần thứ hai và tăng 3 bậc so với năm ngoái. Trong bảng xếp hạng Bloomberg Innovation Index năm 2020, Đức là quốc gia chiếm vị trí đầu tiên, đánh bại “ngôi vua” của Hàn Quốc liên tục trong 6 năm qua. Singapore đứng vị trí thứ ba và tiếp theo lần lượt là Thụy Sĩ, Thụy Điển, Israel, Phần Lan, Đan Mạch, trong khi Mỹ và Pháp đứng thứ 9 và 10. Việt Nam đứng thứ 57/60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới.

Danh sách 10 nước trong số 60 nước có nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới

  • Năm 2020, báo cáo Chỉ số hạnh phúc cho thấy Việt Nam đã chiếm vị trí thứ 83. Như vậy thứ bậc của Việt Nam đã tăng lên đáng kể so với năm 2019 (94/156) và năm 2018 (95/156). Trên 4 nước trong Đông Nam Á (Brunei không được tính), Singapore là nước hạnh phúc nhất ở khu vực và xếp thứ 34 toàn cầu.
  • Thời gian gần đây, nhóm 4 quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã chính thức nối lại cuộc đối thoại 4 bên sau 10 năm gián đoạn, nhóm đã nâng cấp thành đối thoại của các ngoại trưởng. Vào ngày 20/3, nhóm “Bộ tứ kim cương” đã mời thêm 3 quốc gia khác gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cùng thảo luận, nhóm mới này được tờ India Times gọi là “Bộ tứ mở rộng” (QUAD Plus).
  • Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi về sức khỏe tài chính, được xếp hạng bởi Tạp chí The Economist vừa công bố trong tháng 5/2020.
  • Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) ngày 12/2 nhận định nước này có thể bị Việt Nam lướt qua là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ần Độ, khi đặt mục tiêu xuất khẩu 7.5 triệu tấn trong năm nay, mức thấp nhất trong bảy năm. Nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu sụt giảm được cho là do hạn hán, biến động tỷ giá và sự cạnh tranh gia tăng từ Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar. Con số mà TREA đưa ra cũng tương đồng với dự báo của Bộ Thương mại Thái Lan. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020. Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư trên thế giới, sau Ấn Độ, Thái Lan và Hoa Kỳ. Vào năm 2019, Việt Nam thu về 1.4 tỷ USD từ xuất khẩu gạo, chiếm gần 5% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. “Năm nay chúng ta phấn đấu xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một cuộc thảo luận ở Quốc hội vào đầu tuần này. Ông Phúc nói mục tiêu 45 triệu tấn lúa năm 2020 phải “đảm bảo,” ngành phấn đấu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, tương đương 12-13 triệu tấn lúa, dành 13 triệu tấn gạo tiêu dùng trong nước. Nếu đạt được mục tiêu này, Việt Nam có thể thu về gần 3.9 tỷ USD, theo Tạp chí Tài chính.
  • Nợ công của Việt Nam đã có những tiến bộ rỏ rệt. Cụ thể, trước đây, tốc độ nợ công của Việt Nam là 18-19/năm (từ năm 2010 đến 2015), tỷ lệ nợ công có những năm sát ngưỡng 65% GDP. Dù vậy, từ năm 2016 đến nay tốc độ tăng nợ công giảm dần và rất thấp, tỷ lệ nợ công từ 2016 đến nay chỉ chiếm khoảng 55% GDP trong khi đó Quốc hội cho phép đến 65%. Không những thế, các dự án vay trong nhiệm kỳ vừa rồi đều có hiệu quả chứ không có tình trạng kém hiệu quả như trước đây. Cùng với đó, cơ cấu nợ được cải thiện đáng kể, kỳ hạn vay kéo dài, lãi suất cũng giảm xuống. Những kết quả bước đầu trong việc kiểm soát nợ công, bội chi này đã góp phần quan trọng đáng kể trong việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn được quyền lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn lãi suất chứ không phải vay bằng mọi giá như trước đây.
  • Hôm 9/6, các báo nhà nước tại Việt Nam đã gỡ bỏ một đoạn đăng lời của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc nói trong một cuộc “thảo luận tại quốc hội” làm “dậy sóng” trên mạng xã hội. Nguyên văn, lời ông Nguyễn Xuân Phúc: “Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì “Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam”.
  • Thuế nhập khẩu đối với cá fillet đông lạnh sang EU hiện nay là 5.5%. Sau khi EVFTA được thực hiện, mức thuế này sẽ giảm dần và về mức 0% trong 3 năm. Thị trường EU hiện nay là thị trường có giá trị khoảng 250 triệu USD cho ngành xuất khẩu cá tra. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo cơ hội lớn cho cá tra trong việc cạnh tranh với các loài cá biển thịt trắng khác (gần nhất là cá pollock từ lâu đã không chịu thuế nhập khẩu vào Châu Âu) trong đặc biệt là trong phân khúc dùng để chế biến thành các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng khác (như cá tẩm bột) ở Châu Âu. Với những nỗ lực khác của ngành, thị trường Châu Âu có thể nhanh chóng trở lại là thị trường 500 triệu USD của cá tra Việt Nam như những năm trước đây và tiếp tục phát triển, mở rộng tiêu thụ tại Châu Âu.
  • Hoa Kỳ và các đối tác Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vừa đồng ý nâng tầm mục tiêu của Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI) để tăng cường sức mạnh chung của nhóm. “Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell và các đối tác vùng Mekong đồng ý nâng cao và mở rộng nhóm LMI để phản ánh đầy đủ hơn các mục tiêu chung và sự tham gia hiện có của chúng tôi”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trên Twitter hôm 1/7.
  • Dịch Covid-19 khiến các nhà sản xuất máy bay như Airbus, Boeing đau đầu vì ế hàng nhưng cũng là thời cơ để các hãng hàng không Việt mua máy bay số lượng lớn, giá rẻ. Tại đại hội cổ đông thường niên, ban điều hành Vietjet Air cho biết đến cuối năm nay, hãng dự kiến nâng số lượng tàu bay khai thác lên 90 so với con số 78 của năm 2019. Tương tự tham vọng của Vietjet Air, CEO của Vietnam Airlines Dương Trí Thành cũng cho rằng đây là thời điểm tốt để mua thêm máy bay, đón đầu thị trường sau dịch. Hãng lựa chọn phương án đẩy nhanh đặt mua thêm 50 máy bay với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.8 tỷ USD, trong đó số máy bay này nhiều khả năng sẽ được biên chế cho cả đội bay của Pacific Airlines đang tham vọng tái cơ cấu. Bamboo Airways dự trù biên chế thêm ít nhất 18 máy bay trong gần 6 tháng, tăng gần gấp đôi quy mô đội bay lên ít nhất tổng cộng 40 chiếc trong năm 2020.
  • Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet vừa được vinh danh là doanh nghiệp Việt Nam có ảnh hưởng nhất trên thế giới “Vietnam Brand, Global Impact”. Giải thưởng do hội đồng quy tụ các chuyên gia và lãnh đạo các đơn vị uy tín quốc tế bình chọn thuộc giải thưởng PR Newswire 2020. Giải Thưởng được tổ chức bởi PR Newswire, một công ty của tập đoàn Cision có trụ sở tại Mỹ, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về phát hành, phân phối tin tức cũng như phần mềm và dịch vụ liên quan đến truyền thông với hơn 300.000 cơ quan truyền thông tại hơn 170 quốc gia và hơn 40 ngôn ngữ. Hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam được xếp hạng 7 sao – cao nhất thế giới về an toàn hàng không bởi tổ chức uy tín AirlineRatings, top 50 hãng hàng không tốt nhất toàn cầu về hoạt động và sức khỏe tài chính trong hai năm 2018, 2019 của AirFinance Journal, liên tục nhận giải hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất trao bởi các tổ chức uy tín như Skytrax, CAPA, Airline Ratings,… 
  • Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 2.8% vào năm 2020 và phục hồi mức 6.7% vào năm 2021. Kết quả dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng cao thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. Tập đoàn Tài chính HSBC cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 – là quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương và bứt lên mức 8.5% trong năm 2021.
  • Được thành lập từ năm 1995, qua 20 năm hình thành và phát triển, hiện nay Đại Dũng là một trong những Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nhà thép tiền chế, sản xuất kết cấu thép công nghệ cao phục vụ các ngành xây dựng, công nghiệp mũi nhọn trọng điểm quốc gia như: giàn khoan dầu khí, nhà máy nhiệt điện, nhà máy nhiệt điện rác, sân bay, nhà máy lọc hóa dầu, cầu đường, điện – viễn thông, các khu công nghiệp, siêu thị, nhà tháp cao tầng bằng kết cấu thép,… Sản xuất, thi công, lắp dựng nhà thép tiền chế, kết cấu thép xây dựng nhà xưởng cho các công trình”. Năm 2019, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng trúng gói thầu thiết bị kết cấu thép trị giá 80 triệu USD cho hai sân vận động Lusail và Ras Abu tại Qatar. Hai sân vận động này là nơi sẽ diễn ra World Cup 2022.
  • Ngành dầu khí Việt Nam vừa công bố phát hiện một mỏ dầu khí – Mỏ Kèn Bầu – được cho là lớn nhất trong lịch sử của ngành trên Biển Đông. Mỏ Kèn Bầu nằm trong Lô Dầu khí 114, hiện do công ty điều hành dầu khí ENI Vietnam BV làm nhà điều hành thông qua Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC). Trong PSC tại liên doanh ENI Viet Nam BV thì ENI (Ý) nắm 50% cổ phần và ESSAR E&P Limited (Ấn Độ) nắm giữ 50% cổ phần trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò. Kết quả thử vỉa cả hai giếng khoan này, cho thấy tiềm năng trữ lượng khí rất lớn, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf), tương đương 200 đến 255 tỷ mét khối khí tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng khí ngưng tụ (condensate). Nếu tương tự mỏ Cá Voi Xanh, các hoạt động từ thượng, trung và hạ nguồn sẽ được tính trong vòng đời 20 năm hoặc 25 năm vận hành và khai thác thương mại, khởi đầu năm 2028.

Vị trí lô dầu 114 ngoài khơi Quảng Trị – Mỏ Cá Voi Xanh phía dưới lô 116

  • Trong 5 tháng đầu năm 2020, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đại lục ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nước này lại tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, Đài Loan, Bangladesh và Hàn Quốc với tỷ lệ lần lượt là 36%, 23%, 14% và 12%.
  • Dữ liệu thống kê từ Stockq cho biết VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới trong tháng 8 với mức tăng 10,43%, vượt qua đà tăng của các chỉ số lớn như Russell 3000, Nasdaq, Dowjones, S&P500, Nikkei 225…Sau 2 tháng điều chỉnh liên tiếp, TTCK Việt Nam đã trải qua tháng 8 thăng hoa rực rỡ với mức tăng 10.43% của chỉ số VN-Index. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong tháng 8 của VN-Index trong vòng một thập kỷ vừa qua.
  • Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong hai năm liên tiếp trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) năm 2020, và được xếp đứng đầu trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp về chỉ số này. Thông tấn xã Việt Nam cho biết Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu- Global Innovation Index (GII) năm 2020 được công bố vào ngày 2/9. Và, GII năm nay liệt kê năng lực cạnh tranh của 131 nền kinh tế dựa trên 80 tiểu tiêu chí, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của LHQ (WIPO), Trường Kinh doanh INSEAD và trường Đại học Cornell phối hợp biên soạn. Đứng đầu danh sách GII năm 2020 là Thụy Sĩ, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp ngôi vị “quán quân” của nước này. Thụy Sĩ luôn đạt được điểm cao về số lượng bằng sáng chế được nộp, sức mạnh của lực lượng lao động, các trường đại học, các bài báo khoa học được xuất bản và hiệu quả hoạt động của chính phủ. Riêng Việt Nam tăng vị trí từ 71, hồi năm 2014 lên hạng thứ 42 trong năm 2019 và 2020.
  • Tháng 9/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sau một tháng thực thi bước đầu mang lại kết quả khả quan cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường châu Âu. Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau một tháng EVFTA thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu có chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình như xuất khẩu thủy sản. Từ đầu tháng 8 tới nay, mặt hàng này có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020, trong đó tăng trưởng nhiều nhất là tôm, mực … Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng từ 80-200 USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 20,000 tấn gạo, nhưng hiện nay hạn ngạch gạo xuất khẩu sang EU được nâng lên 80,000 tấn/năm. Nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng gấp 4 lần và mỗi năm thu về hơn 50 triệu euro.
  • Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2020 của Việt Nam xếp thứ 42 trên 131 quốc gia, nền kinh tế, đang tiến gần nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về chỉ số này. Đánh giá được chuyên gia quốc tế nêu tại hội thảo trực tuyến về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức chiều 8/9. “Việt Nam cùng Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines là bốn quốc gia tiến bộ đáng kể trong bảng xếp hạng GII qua các năm gần đây, hiện nay đều nằm trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu. Việt Nam đang tịnh tiến đến nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về chỉ số này với đa số là các quốc gia thu nhập cao”.
  • Tháng 9/2020, Bussiness Insider đã công bố top 300 gương mặt làm thay đổi kinh tế của 3 khu vực trên thế giới là Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, là nhân vật duy nhất tại Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng 100 người thay đổi kinh tế khu vực Châu Á.
  • Sau 8 năm đưa nước mắm Mami vào hệ thống siêu thị của người Việt Nam tại Mỹ, Công ty Link Nature Power (Bình Thuận) dần tính đến việc mở rộng phân khúc thị trường cho mặt hàng truyền thống này. “Năm 2018, chúng tôi được Bộ Công Thương lựa chọn trong số những đơn vị từng xuất khẩu sang Mỹ để giới thiệu với Amazon. Phải mất 8 tháng kiểm tra, xác thực thì chúng tôi mới được chính thức bán hàng. Khi đó, chúng tôi xếp thứ hơn 1.000 trong ngành hàng, nhưng đến nay đã từng bước giữ vị trí số một”, ông Lê Bá Linh, thành viên sáng lập doanh nghiệp, kể lại. Suốt 2 tháng qua, thương hiệu đứng đầu danh sách sản phẩm nước mắm bán chạy nhất trên Amazon, vượt qua các đối thủ mạnh, lâu đời từ Thái Lan và Việt Nam khác. Trước đó, trong tháng 4 và 5, doanh nghiệp bán hơn 18,000 sản phẩm cho người tiêu dùng toàn cầu thông qua nền tảng này.

Nước mắm Mami bán trên Amazon

  • Theo tờ Nikkei Asia Review, lượng tiêu thụ cà phê hòa tan đang gia tăng ở Nhật Bản trong bối cảnh ngày càng có nhiều người làm việc ở nhà vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Điều này làm tăng nhu cầu về cà phê robusta – loại cà phê chủ yếu được sử dụng để làm cà phê hòa tan, trong khi doanh số bán cà phê arabica – loại cà phê có chất lượng cao hơn và thường được các cửa hàng cà phê sử dụng – lại giảm. Xu hướng này đã khiến Việt Nam – nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới – trở thành nhà cung cấp cà phê lớn nhất của Nhật Bản, đẩy Brazil xuống vị trí thứ hai. Giống cà phê robusta ít bị sâu bệnh phá hại hơn so với giống arabica. Ngoài khả năng chống chịu tốt hơn cây cà phê arabica, cây cà phê robusta cũng có thể được trồng ở độ cao thấp hơn. Những thay đổi trong phong cách tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu hạt cà phê chưa rang của Nhật Bản. Các số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020, Việt Nam là nhà cung cấp hạt cà phê chưa rang nhiều nhất cho Nhật Bản. Nhật Bản đã nhập khẩu tổng cộng 67,392 tấn hạt cà phê chưa rang từ quốc gia Đông Nam Á, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu cà phê từ Brazil, chủ yếu là cà phê arabica, đã giảm 40% xuống còn 63,850 tấn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Brazil để trở thành nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho Nhật Bản.
  • Chỉ dẫn địa lý (Geographical indication-GI) của trái thanh long trồng ở tỉnh Bình Thuận đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ, giúp cho trái thanh long của tỉnh này chinh phục các thị trường lớn nước ngoài. Trang tin về xuất khẩu Fresh Plaza dẫn nguồn Thông Tấn Xã Việt Nam và loan tin vừa nêu hôm 30/9. Thương hiệu “Binh Thuan DRAGON FRUIT” (Thanh Long Bình Thuận) cũng đã được 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, đăng ký và bảo hộ.
  • Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc trong tháng 10 cho biết, chỉ khoảng 80 trên tổng số hàng nghìn doanh nghiệp có liên kết với Trung Quốc thông báo sẽ đưa dây chuyền sản xuất về nước. Thay vào đó, các doanh nghiệp tìm cách chuyển nhà máy đến khu vực Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là Việt Nam.
  • VinSmart được một nhà mạng Mỹ đặt hàng gần 2 triệu smartphone. Lô hàng đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ gắn thương hiệu của đối tác. Chiều 8/10, trong một buổi họp báo, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinSmart tiết lộ công ty đang sản xuất điện thoại cho một nhà mạng lớn tại Mỹ, tuy nhiên, hãng chỉ gia công – đóng vai trò là một OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc). Lô hàng đầu tiên đã xuất khẩu đi Mỹ cách đây một tháng. “Đây là bước tiến quan trọng giúp chúng tôi hiểu rõ thị trường Mỹ, cách làm việc cũng như nhu cầu sản phẩm của họ, để tương lai đem điện thoại thương hiệu Vsmart đến đây”, bà Thủy nói. Người đứng đầu VinSmart cũng chia sẻ đối tác tại Mỹ có quy trình làm việc rất nghiêm ngặt. Dù đã cử đội giám sát theo dõi 24/24 tại nhà máy VinSmart, các sản phẩm vẫn trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng khi tới Mỹ. Hợp đồng gia công này được VinSmart ký gần một năm trước. Lô hàng gồm 4 dòng điện thoại khác nhau, đều hỗ trợ kết nối 4G. Số lượng đặt hàng cụ thể tùy thuộc vào từng giai đoạn, nhưng dự kiến khoảng 1.5 đến 2 triệu chiếc. Theo thỏa thuận bảo mật, VinSmart không được tiết lộ tên đối tác và các model nào do công ty này sản xuất.
  • Không chỉ trực tiếp đóng góp, sự xuất hiện của các Tập đoàn điện tử lớn như Samsung kéo theo hệ sinh thái đồ sộ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà cung cấp (vendor) cũng lũ lượt đến Việt Nam mở nhà máy nhằm rút ngắn khoảng cách chuỗi cung ứng, cũng như tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, thị trường tiềm năng và những ưu đãi mà Chính phủ đem lại … Trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% các giao dịch của Samsung Electronics, 28 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là đều là các doanh nghiệp vốn nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…), phần lớn có quan hệ đối tác lâu năm với Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc – nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.
  • Mới đây, Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report vừa công bố bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất toàn cầu – Best Global Universites năm 2020. Năm nay, Việt Nam vinh dự có đến 4 trường đại học lọt vào danh sách này, trong đó có 2 trường xếp trong top 1,000. Thành tích tốt nhất thuộc về Đại học Tôn Đức Thắng với vị trí 623 khi có 46.9 điểm đánh giá. Đây là ngôi trường duy nhất của Việt Nam lọt top 700 trường đại học tốt nhất. Theo sau là Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí thứ 949 với 37.3 điểm. 2 ngôi trường xuất sắc còn lại là Đại học Quốc gia TP.HCM (hạng 1271) và Đại học Bách khoa Hà Nội (hạng 1.356). Đại học Tôn Đức Thắng cũng vinh dự là trường đào tạo nhóm ngành Kỹ thuật tốt thứ 260 trên toàn thế giới, đây là thứ hạng cao nhất về nhóm ngành từ trước đến nay của trường này.
  • Viện Lowy Úc: Việt Nam bất ngờ tăng hạng trên danh sách quốc gia quyền lực thế giới. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, vị trí của Việt Nam được cải thiện trong bảng xếp hạng này. Theo kết quả đánh giá chỉ số quyền lực châu Á năm 2020 của Viện Lowy, Mỹ tiếp tục được đánh giá là quốc gia có nhiều ảnh hưởng nhất tại châu Á, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn độ và Nga. Như vậy, 5 vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng năm nay vẫn giữ nguyên so với bảng xếp hạng năm 2019. Trong bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam tiếp tục tăng một bậc từ 13 lên 12, vượt lên trên cả New Zealand. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có sự tăng thứ hạng mạnh nhất với 1,3 điểm. Trong đó, chỉ số ảnh hưởng ngoại giao tăng 3 bậc do xử lý tốt đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó các chỉ số về cạnh tranh kinh tế và mạng lưới quốc phòng của Việt Nam cũng đều gia tăng.
  • Mới đây nhất, theo thông tin được chia sẻ bởi cộng đồng mạng quốc tế thì những cây mía đã được vận chuyển và cấp đông trực tiếp từ Việt Nam sang tận Pháp để phục vụ uống tại chỗ. Được biết, có khá nhiều quán ăn ở thủ đô Paris hiện đang bán nước mía Việt Nam. Đầu mối của những cây mía ngon nhất từ vùng Tây Ninh được mang sang Pháp chính là nhờ người đàn ông tên Christophe Luijer, Tổng Giám đốc Công ty So’kanaa (Pháp). Người này đã nhập cả chiếc máy ép mía huyền thoại của Việt Nam cùng với những cây mía để làm nên thứ nước uống được nhiều người bản địa yêu thích.

Nước mía Việt Nam bán tại Châu Âu

  • Trong năm 2021, nhà máy Foxconn tại Quảng Ninh sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo. Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn nhất của Foxconn ở Đông Nam Á và công suất ở Việt Nam thậm chí lớn hơn ở Ấn Độ.
  • Ngày 19/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 và các hội nghị liên quan. Trong thời gian qua, các nước thành viên ASEAN đã hợp tác thực hiện hiệu quả giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng 2016-2025 (APAEC 2016-2025). Đường ống dẫn khí dài 3,631 km qua 6 nước bao gồm: Việt Nam, Singapore, Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã được kết nối, hình thành 9 trung tâm khí hóa lỏng LNG.
  • Cà phê, nước mắm, bún gạo, bánh tráng, bột rau má, rong nho khô … từ Việt Nam đang được ưa thích trên trang Amazon. Trong vài năm trở lại đây, sức mạnh từ sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới này đã giúp hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại Mỹ và vươn xa trên thế giới. Sức hấp dẫn của Amazon đã thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt. Thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2019 mới chỉ có 100 doanh nghiệp được hỗ trợ để đưa hàng lên sàn TMĐT Amazon. Đến nay, con số đã lên hơn 200,000 doanh nghiệp đưa hàng lên Amazon và số doanh nghiệp tham gia dự báo tăng ít nhất 10-15% mỗi năm.

Hàng Việt Nam lên mạng Amazon

  • Theo báo cáo thường niên của trang InterNations, TP.HCM được xếp hạng là thành phố tốt thứ 3 tại khu vực châu Á đối với người nước ngoài, sau Singapore và Kuala Lumpur, bỏ xa nhiều đô thị lớn khác như Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải. Xét trên toàn cầu, TP.HCM đứng thứ 19/66 thành phố được xếp hạng, trong khi Singapore xếp thứ 5, Kuala Lumpur thứ 8, Thượng Hải (21), Bangkok (30), Tokyo (53) và Bắc Kinh (55). Đáng chú ý là Hồng Kông – từng được xếp hạng là một trong những đô thị đáng sống hàng đầu châu Á – giờ đây đứng thứ 57, chỉ cao hơn Seoul (vị trí 64).
  • Ngày 27/11, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga, Tổ chức World Travel Awards đã công bố các giải thưởng hàng đầu thế giới năm 2020. Việt Nam vừa được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2020”. Giải thưởng được coi là “Oscar của ngành du lịch”. Tổng cục Du lịch cho biết, đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành chiến thắng ngoạn mục ở hạng mục này, tiếp tục khẳng định sức hút của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2020

  • Trước đây, có những thời gian mà 70- 80% nguyên vật liệu cho ngành dệt may là nhập khẩu từ Trung Quốc. Bây giờ, sau hai ba năm thì thực tế Việt Nam có thể tự túc được hơn 40% nguyên phụ liệu cho ngành rồi. Với thị trường nguyên phụ liệu dệt may, Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng 22% thị trường bông, 27% thị trường xơ nhận tạo, 31% thị trường sợi nhân tạo toàn cầu. Cộng thêm một số nhập khẩu từ các quốc gia khác, nhất là Ấn Độ, nguồn vật liệu nhập từ Trung Quốc giảm đáng kể. Đó là bước tiến, là bài toán Việt Nam đã làm được rất nhanh chóng và rất tốt.
  • Năm 2020, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất về dòng chảy thương mại, đồng thời phát triển tốt hơn dự đoán, vượt trội về hội nhập kinh tế. Theo báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 (GCI) do DHL và Trường kinh doanh Stern của Đại học New York vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán, dựa trên GDP bình quân đầu người, dân số và khoảng cách địa lý. Trong đó, Việt Nam tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng dòng chảy thương mại và xếp thứ 5, trong khi đa số quốc gia trong top 10 sụt giảm hoặc duy trì vị trí. GCI 2020 là phân tích toàn diện về toàn cầu hóa, đo lường các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người khắp 169 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, dòng chảy thương mại và vốn đã bắt đầu phục hồi, còn dòng chảy dữ liệu quốc tế tăng đột biến. Trong đó, Hà Lan một lần nữa đứng đầu bảng xếp hạng GCI. 
  • Trong Báo cáo thường niên của JCER vừa được công bố, các chuyên gia kinh tế đã xem xét tác động của COVID-19 trên 15 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2035. Một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2028 hoặc 2029, khi gã khổng lồ châu Á phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Trong năm 2020, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan là duy trì tốc độ tăng trưởng dương hàng năm. Tỷ lệ này của Ấn Độ có khả năng âm hơn 10%, trong khi Philippines dự kiến sẽ giảm hơn 8%. Hồng Kông, Thái Lan, Canada, Malaysia và Singapore đều đang phải đối mặt với sự suy giảm tổng sản phẩm quốc nội hơn 6%. Kịch bản cơ sở cũng vẽ ra một bức tranh tươi sáng cho Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu mạnh. Điều này sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua Đài Loan vào năm 2035 về quy mô và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia. Việt Nam đã sẵn sàng để đạt được vị thế thu nhập trung bình cao hơn vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người đạt 11,000 USD vào năm 2035.

Kinh tế ASEAN 2035

  • Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hôm 17/7 đã tiết lộ nhóm các công ty Nhật Bản đầu tiên đủ điều kiện nhận trợ cấp cho việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc Nhật Bản. 87 công ty hoặc tập đoàn sẽ nhận được tổng cộng 70 tỷ JPY (653 triệu USD) để chuyển dây chuyền sản xuất, nhằm giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nước láng giềng lớn và xây dựng chuỗi cung ứng ổn định vững chắc hơn. 30 trong số 87 dự án này sẽ chuyển sản xuất sang Đông Nam Á trong đó có 15 công ty sang Việt Nam, 57 dự án còn lại sẽ trở về Nhật Bản. Ở thời điểm hiện tại, Nikkei đã xác nhận Hoya, nhà sản xuất các bộ phận ổ cứng sẽ chuyển đến Việt Nam và Lào. Shin-Etsu Chemical cũng sẽ chuyển hoạt động sản xuất nam châm đất hiếm sang Việt Nam. Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản chiều 21/12, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Yamada Takio cho biết, có thêm 22 doanh nghiệp nước này thuộc chương trình hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ chọn Việt Nam là điểm đến, nâng số công ty Nhật sang Việt Nam lên 37 công ty. Thái Lan hiện là nước xếp thứ hai khi được 19 doanh nghiệp Nhật chọn.
  • Một công ty khởi nghiệp tại Vương quốc Bỉ vừa đưa ra thị trường một loại rượu Rhum cao cấp, được sản xuất hoàn toàn từ nước mía đông lạnh, nhập khẩu từ Việt Nam. Công ty JTV tại Vương quốc Bỉ đã thử nghiệm nhiều loại mía nhưng chỉ có mía Việt Nam là cho ra rượu Rhum có mùi vị như ý. “Do hoàn toàn chỉ dùng nước mía, chúng tôi làm được loại rượu Rhum rất thơm. Khi ngửi, sẽ thấy mùi mía tươi tới trước, sau đó mới thấy mùi rượu”, ông Thomas Schepers – công ty JTV Spirits (Bỉ) nói. Rượu Rhum thường chỉ được sản xuất tại các nước Trung Mỹ – nơi có những trang trại mía bạt ngàn. Cây mía không chịu được lạnh, không nước châu Âu nào trồng được mía. Chỉ có một vài nước châu Âu nhập khẩu nước mía hoặc mật mía về chưng cất rượu Rhum.

Rhum cao cấp từ nước mía Việt Nam

  • Tháng 12/2020, công ty công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam FPT Software đã chính thức đưa vào hoạt động văn phòng mới tại Ấn Độ, gia nhập hệ thống hơn 50 văn phòng của công ty trên toàn cầu tại châu Á Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Theo mạng Business Wire India, công ty sẽ xây dựng chi nhánh này thành một trung tâm dịch vụ quốc tế (GDC) trong vòng ba năm và đây sẽ là trung tâm GDC thứ 23 của FPT Software trên thế giới. Chi nhánh mới, FPT India, đặt trụ sở tại thành phố miền Nam Hyderabad, một trong những điểm đến gia công phần mềm hàng đầu của Ấn Độ và cũng là nơi làm việc của hơn 600,000 nhân viên công nghệ thông tin (CNTT). Tại đây, công ty hoạt động bên cạnh những “ông lớn” hàng đầu trong ngành CNTT như Infosys, Tata Consulting Services, Accenture, Wipro … Kể từ năm 2019, FPT Software đã chuyển chiến lược cốt lõi và cung cấp dịch vụ sang chuyển đổi kỹ thuật số, sau hai thập kỷ dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực gia công CNTT. Công ty đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số và CNTT trị giá hàng tỷ USD vào năm 2024.
  • Ngày 23/12, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Vietnam vừa khánh thành trang trại gia cầm, với tổng mức đầu tư 250 triệu USD, tại khu công nghiệp Becamax Bình Phước. Trang trại này được ghi nhận là trang trại gia cầm lớn nhất Đông Nam Á. Trang trại gia cầm vừa được khánh thành đang sản xuất các loại sản phẩm thịt gà chất lượng cao để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Đông. Khu liên hợp của CPV Food Bình Phước có thể sản xuất và chế biến lên đến 50 triệu con gà/năm trong giai đoạn 1 từ năm 2019 đến năm 2023 và 100 triệu con gà/năm trong giai đoạn 2. Dự án tạo ra khoảng 4,000 việc làm cho người dân địa phương. Hồi tháng 7/2020, C.P. Vietnam cũng đã khánh thành nhà máy ấp trứng, thuộc dự án tại Bình Phước. Nhà máy ấp trứng có công suất ấp được gần 54 triệu con/năm.
  • Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh mới đây công bố báo cáo thường niên về 193 nước, trong đó, dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong các năm từ 2021-2025. Trong 10 năm tới, tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam dự báo đạt 6.6% và đến năm 2035 sẽ giữ vị trí 19 trên thế giới, CEBR tiên liệu. Nếu điều này trở thành hiện thực, sau 15 năm nữa, Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan và Thái Lan, hai nền kinh tế được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.

KẾT LUẬN

Kể từ năm 2010, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với những nội dung: cải tổ hệ thống tài chánh – ngân hàng, phát triển hạ tầng cơ sở, hệ thống đại học chú trọng về quản trị kinh doanh, công nghiệp và phần mền, phát triển các tập đoàn công – tư cấp quốc gia, nâng cao xuất – nhập cảng, cải thiện GDP v.v…

Trong năm 2020, các tập đoàn Việt Nam đã cho thấy những thành quả đầu tiên: tập đoàn Vingroup, phối hợp với kỹ nghệ xe hơi Đức – Ý, các tập đoàn viễn thông của Hoa Kỳ như AT&T, Qualcomm đã giới thiệu xe hơi Vinfast, xe hơi điện cũng như điện thoại di động 5G cũng như các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo AI. Viettel với hệ thống 5G và kỷ nghệ quốc phòng. Vinamilk trong hệ thống dinh dưỡng. Vietjet với hàng không giá rẻ. FPT với công nghệ phần mềm. Bộ Công thương đã ký kết hợp tác chính thức với Amazon Global Selling Việt Nam để thực hiện và cụ thể hóa các chương trình hợp tác có quy mô lớn trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế sáng giá nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Malaysia trong những lãnh vực mà đến nay là thế mạnh của các nước này. Ngoài ra, Việt Nam còn có ưu thế tiếp tục chiếm lĩnh thị phần toàn cầu về xuất khẩu trong tương lai, trở thành điểm đến lý tưởng cho các công ty đa quốc gia, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chuyện dài tham nhũng, với sự tăng trưởng kinh tế và cải cách xã hội, hy vọng sẽ giảm bớt trong vòng kiểm soát. Tha hóa quyền lực vẫn đang rất nghiêm trọng và mang tính hệ  thống. Trong năm 2021, vì những thay đổi về kinh tế Việt Nam xảy ra với tốc độ nhanh chóng, bài viết “Vị thế Việt Nam 2021” sẽ được tăng lên thành 2 kỳ mổi năm.

THAM KHẢO

1)    Bài viết “Vietnam’s Vinfast reveals trio of electric SUVs, including 2 for US” đăng trên mạng Motor Authority ngày 22/1/2021.

2)     Bài viết “Báo quốc tế in quốc kỳ Việt Nam trên nguyên trang và dành 6 trang nói về “Ngôi sao đang lên của châu Á” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 25/1/2021.

3)    Bài viết “Hai bến cảng 6.425 tỷ đồng tại Hải Phòng, hơn 20 dự án điện gió tại Quảng Trị” đăng trên mạng Đầu Tư Online ngày 25/1/2021.

4)    Bài viết “Bất chấp dịch bệnh, người Việt vẫn lạc quan nhất trong khu vực ASEAN” đăng trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 5/2/2021.

5)    Bài viết “Đồng bằng sông Cửu Long: 35 năm thay da đổi thịt” trên mạng Mega Story ngày 26/1/2021.

6)    Bài viết “Điện thoại do VinSmart sản xuất đã được bán rộng rãi tại Mỹ: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói được, làm được” trên mạng Mega Story ngày 26/1/2021.

7)    Bài viết “Bloomberg: VinFast có dự định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ” trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 2/3/2021.

8)    Bài viết “Diplomat: Việt Nam đã là cường quốc bậc trung hay chưa?” trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 2/3/2021.

9)    Bài viết “Việt Nam lần đầu được viện nghiên cứu Mỹ đánh giá là nền kinh tế ‘tự do trung bình” trên đài VOA ngày 8/3/2021.

10) Bài viết “Việt Nam ‘hạnh phúc nhất Á Châu’ chỉ là tuyên truyền bịp bợm” trên mạng Người Việt Online ngày 7/3/2021.

11) Bài viết “Forbes: Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ” trên mạng Cafef.VN ngày 9/47/2021.

12) Bài viết “Vụ ông Tất Thành Cang “suy thoái” phản ánh tha hóa quyền lực nghiêm trọng và có hệ thống” trên mạng RFA ngày 12/6/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *