Kinh tế – Chính trị Việt Nam 2020

532 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong năm 2020, dù nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm vì những rủi ro địa – chính trị, căng thẳng thương mại và đại dịch Covid-19, song Việt Nam nằm trong một số rất ít quốc gia có tăng trưởng dương.

Nghị viện châu Âu ngày 12/2 chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là: 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng. EVFTA được EU gọi là “thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển”. Sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange, tuyên bố: “Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Vì vậy Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của chúng ta có sức mạnh hơn trước.” Đại sứ – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết: “EVFTA được phê chuẩn, hàng rào thuế quan sẽ giảm sâu, tạo lực đẩy lớn, tăng cơ hội tiếp cận thị trường, có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng thêm 15 tỷ EUR trong những năm tới”.

Giữa tháng 11/2020, 10 thành viên ASEAN cùng 5 nước ký hiệp định thương mại tự do qui mô hứa hẹn tăng tốc kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết theo hình thức trực tuyến sau 8 năm đàm phán. RCEP bao gồm mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định RCEP sẽ đặt Hoa Kỳ, nhất là với chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, cũng như Liên Âu và Ấn Độ, vào vị thế rất là tế nhị nhất là với hiệp ước TPP mà cựu Tổng thống Trump quyết định rút ra cách đây 4 năm.

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 1 tháng 2 năm 2021 tại Hà Nội với 1,590 đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 với phân bổ theo số lượng đảng viên thì cứ 12,000 đảng viên có một đại biểu. Tại Đại hội, đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ tổ chức đánh giá kết quả lãnh đạo và phát triển đất nước, quá trình thực hiện nghị quyết Đại hội XII (2016–2021) và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong giai đoạn 2021–2025, tầm nhìn đến năm 2045. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII hay còn được gọi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là cơ quan do Đại hội Đại biểu đảng Cộng Sản Việt Nam khóa XIII bầu ra ngày 30 tháng 1 năm 2021.Ông Nguyễn Phú Trọng được tái giữ chức Tổng bí thư dù rằng đã 76 tuổi. Đảng Cộng Sản Việt Nam có 18 Uỷ viên Bộ Chính Trị, 5 Uỷ viên Ban bí Thư, 180 Uỷ viên Trung ương, 20 Ủy viên Dự khuyết. Theo RFA, báo The Diplomat và Fulcrum cúa Singapore, danh sách 4 vị trí “tứ trụ” đã được xác định trước Đại hội Đảng 13, với Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ thứ ba, Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, Phạm Minh Chính làm Thủ tướng và Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội. Theo các chuyên gia này phân tích, ông Trọng được tái bổ nhiệm vì Đảng không thể đạt được sự nhất trí về việc ai sẽ kế nhiệm ông, và rất có thể ông sẽ từ nhiệm chức Tổng bí thư giữa nhiệm kỳ thứ ba nếu tìm được ứng cử viên phù hợp.

Kết quả bầu cử ghi nhận 19 nữ Ủy viên Trung ương Đảng. Có 13 Ủy viên là người dân tộc thiểu số. Số ủy viên dưới 50 tuổi chiếm khoảng 17%; ủy viên Trung ương chính thức trẻ nhất với 42 tuổi; độ tuổi từ 50 đến dưới 60 tuổi chiếm tỷ lệ gần 63%; trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ 20%. Đại biểu quân đội chiếm tỷ lệ cao nhất trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với 23 ủy viên, tỷ lệ gần 12.8%. Sáu lãnh đạo Bộ Công an trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

  • Ngày 7/2/2020, Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam thông báo đã phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội thay thế ông Hoàng Trung Hải.
  • Hôm 21/6, lần đầu tiên một đại sứ của Hoa Kỳ đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM. Trong cùng ngày, Đại sứ Mỹ Kritenbrink cũng thăm nghĩa trang của quân đội VNCH ở tỉnh Bình Dương, còn có tên là nghĩa trang Bình An, trang Facebook của tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội cho hay tối 22/6.
Đại sứ Mỹ Kritenbrink thăm nghĩa trang tử sĩ VNCH (nghĩa trang Bình An) ở Bình Dương, 21/6/2020

Đại sứ Mỹ Kritenbrink thăm nghĩa trang tử sĩ VNCH (nghĩa trang Bình An) ở Bình Dương 21/6/2020

  • Ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam vừa được giới thiệu làm ứng viên cho ghế Bí thư Thành Ủy TP. HCM thay cho ông Nguyễn Thiện Nhân, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 13 BCHTW đảng Cộng Sản Việt Nam bế mạc. Ông Nên, quê Tây Ninh, có lẽ là nhân vật “sáng sủa” hơn, không có tai tiếng gì, về đây cũng hợp lý. Có một thực tế là TP.HCM hiện giờ người ta cũng đã quá mệt mỏi với những xáo trộn với ban lãnh đạo của thành phố rồi, người thì bị kỷ luật, người thì bị tù tội, kể cả thường trực Ủy ban Nhân dân, rồi trong ban lãnh đạo Thành Ủy, thường vụ Thành Ủy cũng bị kỷ luật hết.
  • Khi lũ lụt ở các tỉnh miền trung Việt Nam đẩy hàng chục vạn người dân vào cảnh khốn khó, hôm 14/10, ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi quyên góp để cứu trợ các nạn nhân. Đến ngày 20/10, nữ ca sĩ nổi tiếng nhận được hơn 100 tỷ đồng (4.4 triệu USD) từ nhiều người dân có hảo tâm, theo tin của Zing, VTC News, VietnamNet, Tuổi Trẻ và nhiều báo khác ở trong nước. Lý giải về hiện tượng Thủy Tiên kêu gọi được số tiền khổng lồ trong vòng 6 ngày, một bài viết của VTC News chỉ ra rằng tuy nữ ca sĩ không phải là người nổi tiếng nhất Việt Nam, nhưng điều mấu chốt làm nên thành công của cô trong hoạt động thiện nguyện là “niềm tin và khả năng truyền cảm hứng”. “Thủy Tiên đã nhận được sự tin tưởng cực lớn, bởi chính cô liều mạng lăn xả vào vùng lũ, lặn ngòi ngoi nước bê từng thùng mỳ đi cứu trợ đồng bào”, VTC News viết, đồng thời lưu ý rằng nữ ca sĩ không chỉ đến một thôn, một xã, chụp ảnh quay phim trong một hai ngày rồi về, mà cô đi cả tuần liền. Bài viết cũng nhấn mạnh rằng Thủy Tiên không chỉ trải qua vất vả, mà còn đối mặt với nguy hiểm, thậm chí cả về tính mạng, vì các nguy cơ bị nước cuốn, sạt lở đất, vùi lấp vẫn đang chực chờ. Ngày 23/10, Thủ tướng Viẹt Nam đã yêu cầu Bộ Tài chính “khẩn trương xây dựng” một nghị định khác thay thế Nghị định 64 đang gây tranh cãi, liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn. Mô hình kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính thức và cá nhân, nếu được quản lý minh bạch thì sẽ phát huy tốt nhất nguồn lực xã hội để vực dậy miền Trung.
Thủy Tiên ngồi xuồng đi cứu trợ người dân Huế - Ngôi sao

Ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ nạn lụt miền Trung 2020

THAM NHŨNG TẠI VIỆT NAM

Ngày 23 tháng 1 năm 2020, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2019, trong đó xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó. Trong khu vực ASEAN, Malaysia (từ 62 lên 51/180) và Việt Nam (từ 117 lên 96/180) là hai nước duy nhất có cải thiện được xem là đáng kể về điểm số CPI. Hai nước khác là Thái Lan (101/180) và Philippines (113/180) ít thay đổi. Ông Nguyễn Phú Trọng ngày 25/7 đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất quan điểm xử lý đối với các vụ án lớn. Trong báo cáo năm nay, chính Phủ CSVN lần đầu đề cập nội dung áp dụng biện pháp mới không để cho các viên chức tham nhũng dùng việc nghỉ hưu để “hạ cánh an toàn” cũng như trốn ra ngoại quốc. Nhờ vậy nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ chức vụ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư. Việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài được báo chí Việt Nam cho là đã khá phổ biến và “rất khó thu hồi” tiền bạc về cho quốc gia.

Sáng 12/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020. Theo báo cáo tổng kết tại hội nghị thì từ năm 2013 – 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131,000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87,000 cán bộ, đảng viên. Trong đó có trên 3,200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Nếu nói về tham nhũng ở Việt Nam thì phải nói ở hai cấp:

Ở cấp thấp thì theo Tổ chức Hướng tới Minh bạch, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Việt Nam, hôm 7/1 công bố kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 ở các cấp thấp. Khảo sát cho hay việc hối lộ ở miền Bắc dường như xảy ra nhiều hơn ở miền Nam. Có 5 nhóm đối tượng được người dân cho là tham nhũng nhất ở Việt Nam, bao gồm: cảnh sát giao thông (30%), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doanh nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%). Tuy nhiên, điều quan trọng là tỷ lệ này giảm đáng kể trong 6 năm qua. Trên thực tế, vấn đề tham nhũng liên quan đến tình hình kinh tế của quốc gia. Song song với việc bài trừ tham nhũng, nếu nền kinh tế phát triển, mức sống của mọi người được cải thiện thì tham nhũng ở cấp thấp sẽ giảm đi. Tính đến 2019, lương tháng của cảnh sát Singapore, Thái Lan và Việt Nam như sau: 3,311 USD, 539 USD và 223 USD. Trong một khía cạnh khác, theo bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam khi làm ra 1 đồng thì phải bôi trơn 1.02 đồng.

Tuy nhiên, điểm chính yếu là tham nhũng ở thượng tầng cơ sở. Như đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói “Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên“. Ở cấp cao thì theo một thăm dò dư luận ở Việt Nam, có vẻ người dân cho rằng tham nhũng đã giảm trong những năm gần đây, cùng thời gian diễn ra công cuộc “đốt lò” của TBT Nguyễn Phú Trọng. Có thể nói các vụ tham nhũng mới bị khui ra đã phần lớn xảy ra trong thập niên 2010 liên quan đến lạm dụng quyền lực trong vấn đề đất đai trên khắp các thành phố lớn. Tính tới nay, đã có 10 ủy viên trung ương đảng đương nhiệm nhiệm kỳ 2016 – 2021 bị kỷ luật, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị bao gồm: ông Nguyễn Xuân Anh – cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Đinh La Thăng – cựu Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, ông Trương Minh Tuấn – cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, ông Tất Thành Cang – nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Triệu Tài Vinh – Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, ông Hoàng Trung Hải – Phó trưởng Bộ phận chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII, ông Lê Viết Chữ – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Trần Quốc Cường – nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk – ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương – bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương. Từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra nhiều vụ án rúng động dư luận TP.HCM. Ông Lê Tấn Hùng, em trai nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, vừa bị đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc tại Tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (Sagri) , VnExpress đưa tin. Ngoài ra, ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai của ông Lê Thanh Hải cũng bị kỷ luật vì một lý do khác. Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), ngày 11/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố 5 bị can là lãnh đạo để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí gồm có các ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP; ông Trần Trọng Tuấn, Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng); ông Phan Trường Sơn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM; ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP.HCM và Lê Tấn Hòa, chuyên viên Sở Xây dựng TP.HCM. Trong chiều cùng ngày, HĐND TP.HCM đã tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND đối với 2 cán bộ bị khởi tố là ông Trần Vĩnh Tuyến và ông Trần Trọng Tuấn. Được biết phe nhóm của ông Lê Thanh Hải liên quan đến những sai phạm trầm trọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đầu tháng 11/2020, cơ quan kỷ luật của đảng Cộng Sản Việt Nam vừa đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vì những vi phạm “nghiêm trọng” khi còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây có thể sẽ là diễn biến “đốt lò” mạnh nhất trong thời gian từ đây tới Đại hội Đảng 13, dự kiến tháng Giêng năm 2021.

Dân sự:

  • Hai nhân vật nổi tiếng từng nắm những chức vụ quan trọng, đầy quyền lực ở Việt Nam, đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam đề nghị xem xét kỷ luật. Bí thư Thành ủy Hà nội Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, và ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, bị đề nghị xem xét kỷ luật hôm 8/1/20. Trong kỳ họp từ 4-6/12 ở Hà Nội, UBKT kiểm tra các dấu hiệu vi phạm đối với ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam. Trong khi đó, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, bị nêu đích danh là người phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới ở Thủ Thiêm. Ngày 20/3/2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015. Ngoài ra, ông Tất Thành Cang, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và giám đốc Sở Giao thông vận tải đã làm sai quy định trong nhiều vụ việc dẫn đến bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Ngày 16/12, sau nhiều tháng bị dư luận bàn tán, ông Cang đã chính thức bị bắt.
  • Tháng 6/2020, Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi xin từ chức sau khi bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo. Truyền thông trong nước cho hay đơn thôi “giữ các chức vụ đương nhiệm” của Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đã gửi tới Bộ Chính trị và Ban Bí thư và “đang được xem xét”. Cùng lúc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng gửi đơn xin “nghỉ hưu trước tuổi”.
  • Cho đến 22/7, tổng cộng có 26 bị can cho tới lúc này và bị can chính là Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường. Vụ án Công ty Nhật Cường được báo chí đăng tải nhiều trong những tháng qua sau các hoạt động kinh doanh, trúng thầu … liên quan tới một số dự án thuộc thành phố Hà Nội bị cho là gây có sai phạm. Trong số bị can có lái xe của Chủ tịch UBND Hà Nội. Ngày 11/8, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN, đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội để “xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.” Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, bị cáo buộc liên quan sai phạm mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C làm sạch sông, hồ. Đây cũng là một trong ba vụ án đang được Bộ Công an làm rõ trách nhiệm liên quan của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ông Chung đã bị bắt giam và khởi tố. Ngày 11/12, TAND Hà Nội xác định ông Chung có vai trò chính trong vụ án nên phạt ông 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Đây chỉ là một trong ba vụ án mà Bộ Công an đang điều tra về ông Nguyễn Đức Chung. Ngoài ra, ông Chung còn liên quan đến vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Vụ án còn lại là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP Hà Nội.
  • Hôm 14/8, báo Tuổi Trẻ cho hay ông Nguyễn Hồng Trường, cựu thứ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN bị khởi tố vì liên quan đến vụ án sai phạm đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Sài Gòn-Trung Lương. Ông Trường ngồi ghế thứ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN suốt mười năm, từ năm 2007 đến năm 2017 và được biết đến là một trong những thuộc cấp của ông Đinh La Thăng, cựu bộ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN và bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn.
  • Ngày 26/8, ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
  • Những ngày cuối tháng 8/2020, dư luận xôn xao trước thông tin đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP.HCM) bị cáo buộc có tên trong danh sách mua hộ chiếu Cộng hòa Síp (Cyprus) với giá 2.5 triệu USD.Theo tài liệu “Cyprus Papers” do hãng tin Al Jazeera công bố ngày 23/8 cho thấy 1,400 người mua “hộ chiếu vàng” từ chính phủ Cộng hòa Cyprus trong các năm 2017-2019, trong đó có ít nhất 26 người là công dân Việt Nam.
  • 2-4-6 Hai Bà Trưng, 8-12 Lê Duẩn … là những lô đất vàng khiến cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương và nhiều lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý. Ngày 14/9, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Vũ Huy Hoàng (từng là Bộ trưởng Bộ Công Thương) và các đồng phạm là bà Hồ Thị Kim Thoa (Nguyên cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) cùng ông Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương) trong vụ án sai phạm liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM. Ông Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm đã cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai từ đó dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất này là tài sản Nhà nước sang tư nhân gây thiệt hại thất thoát số tiền đặc biệt lớn hơn 2,700 tỉ đồng (117 triệu USD). Do bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn sang nước ngoài từ tháng 8/2017 nên Cơ quan điều tra đã ra các quyết định tạm đình chỉ điều tra và ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM Nguyễn Hữu Tín khai dù biết Sabeco Pearl là công ty được thành lập sau, không phải doanh nghiệp Nhà nước, nhưng vẫn ký các văn bản cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng không qua đấu giá. Cùng bị xét xử trong vụ án này còn có các bị cáo gồm bà Lê Thị Thanh Thúy, chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Lavenue; các ông Đào Anh Kiệt, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM (TN-MT); Nguyễn Hoài Nam, nguyên bí thư Quận uỷ quận 2; Trương Văn Út, nguyên phó phòng quản lý đất sở TN-MT TPHCM. Ngày 7/12, Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để truy bắt, dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, về nước, theo truyền thông Việt Nam. Diễn biến mới nhất là việc Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành quyết định truy nã quốc tế đối với bà Thoa, đại tá Chữ Văn Dũng – phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho báo chí trong nước biết, theo báo Tuổi trẻ.

Lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng gần công trường Mê Linh

Về lô đất 8-12 Lê Duẫn, ngày 6/10/2009, ông Nguyễn Thành Tài – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà (sau này là Công ty Lavenue) làm chủ đầu tư dự án và liên doanh, liên kết với 4 công ty đang thuê tại số 8-12 Lê Duẩn. Cơ quan điều tra xác định việc quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định tại số 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Lavenue là không đúng đối tượng, trái quyết định 09 và quyết định 140 cũng như nghị định 121/2010/NĐ-CP. Kết luận điều tra, xác định trong vụ án, số tiền thiệt hại tối thiểu 2,047 tỷ (89 triệu USD), trong đó thiệt hại công trình trên đất số 12 Lê Duẩn 5 tỷ, thiệt hại từ việc cho Công ty Lavenue tham gia dự án 120 tỷ, Nhà nước bị thất thoát lãng phí 1,922 tỷ. Cáo trạng ngày 16/9 truy tố ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM), Lê Thị Thanh Thúy (cựu Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Cty CP ĐT Lavenue), bà Dương Thị Bạch Diệp (Công ty Diệp Bạch Dương), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận ủy Quận 2), Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ngày 20.9, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm có hành vi sai phạm trong việc chuyển khu đất vàng 8 – 12 Lê Duẩn từ sở hữu nhà nước sang tư nhân. Qua đó HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù. Đồng thời, HĐXX cũng buộc Công ty Lavenue trả lại khu đất cho UBND TP.HCM; 5 bị cáo liên đới bồi thường hơn 4.7 tỷ đồng theo tỷ phần bằng nhau.

Khu đất 8-12 Lê Duẫn (tên cũ là Đại lộ Thống Nhất)

Quân sự:

  • Tháng 5/2020, ông Nguyễn Văn Hiến, cựu đô đốc, thứ trưởng Quốc Phòng CSVN, bị tuyên án 4 năm tù tại phiên tòa xử vụ án Quân Chủng Hải Quân mất quyền quản lý 3 lô “đất vàng” trong 49 năm ở đường Tôn Đức Thắng, Sài Gòn. Ngoài ông Hiến, phiên toà vào tối 21/5 còn tuyên phạt ông Đinh Ngọc Hệ (tự Út “Trọc”, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Thái Sơn, trực thuộc Bộ Quốc Phòng) 20 năm tù. Một số ý kiến khác bày tỏ quan ngại rằng có lẽ chỉ Việt Nam mới có chuyện Tư lệnh Hải quân không lo bảo vệ chủ quyền biển đảo mà lại lo đi làm kinh tế. Vụ án này có liên hệ đến ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”), cựu thượng tá, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn B.Q.P. Phần lớn vấn đề nhà đất tại TP.HCM đều có liên quan đến ông Đinh La Thăng trong 15 tháng trên cương vị Bí thư Thành ủy (5/2/2016 – 10/5/2017). Ngày 13/8/2020, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can số 409/QĐ-VKSTC-V5 đối với Đinh La Thăng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy, đây là lần thứ 4, ông Thăng sẽ phải đối mặt với những cáo trạng về tham nhũng.
  • Từ ngày 15 đến 17/7/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp Kỳ 46 và quyết định kỹ luật Trung tướng Dương Đức Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu và Đại tá Nguyễn Trọng Lương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tham mưu, đã vi phạm quản lý, sử dụng đất đai.
  • Ngày 17/8, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo nội dung kỳ họp thứ 47, xem xét đề nghị thi hành kỷ luật của Ban thường vụ Quân ủy Trung ương, liên quan đến 2 trung tướng và 6 đại tá. Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; trung tướng Trần Xuân Ninh, nguyên nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4; đại tá Mai Văn Hào, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 4 và đại tá Phan Văn Tiên, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn 4. “Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo bốn người nêu trên, do họ đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai”. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng cho biết đã cảnh cáo đại tá Nguyễn Văn Giang, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Hệ trưởng Hệ 5, Học viện Quân y; vì ông Giang có vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng ký túc xá của Nhà trường.”
  • Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 14/9 vừa có thông báo về quyết định kỷ luật 3 Thiếu tướng, 6 Đại tá Quân đội là nguyên lãnh đạo Binh đoàn 15 và Tổng Công ty Sông Thu (thuộc Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng) vì sai phạm trong mua sắm tài sản, đầu tư, quản lý và sử dụng đất đai của Quân đội. Truyền thông nhà nước hôm 14/9 loan tin Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15, vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương cách chức nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 nhiệm kỳ 2010 – 2015. Trước đó, khi kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Binh đoàn 15 và Tổng Công ty Sông Thu thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, cơ quan kiểm tra Đảng của quân đội phát hiện nhiều đảng viên ở đây đã có vi phạm trong kinh doanh, mua sắm tài sản, thực hiện dự án đầu tư và quản lý đất đai của quân đội … Vì vậy, cơ quan kiểm tra quyết định Cảnh cáo thiếu tướng Đặng Anh Dũng – nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên tư lệnh Binh đoàn 15; thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ – nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chính ủy Binh đoàn 15 và đại tá Hà Sơn Hải – nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu. 

TÌNH HÌNH KINH TẾ TỔNG QUÁT

Đại dịch COVID-19 đã gây những ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Có những báo cáo khác nhau về viễn ảnh khác nhau của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Dù với thành công, như quốc tế ca ngợi về sự chống dịch, nền kinh tế Việt Nam, cũng như các nước khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cũng không thể tránh được tác động tiêu cực của nó. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất ba thập kỷ vì COVID-19, thiên tai và kinh tế toàn cầu suy thoái, Reuters đưa tin, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố hôm 27/12/2020. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2.91% trong năm 2020 sau khi trước đó đạt mức trên 7% trong hai năm liên tiếp, theo GSO. Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ hồi phục, đạt mức 7% vào năm 2021 khi các biện pháp kiểm soát được dỡ bỏ, cùng với đó là việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, những nền tảng vững chắc trong kinh tế vĩ mô và mức cầu hàng hóa từ các thị trường bên ngoài dần phục hồi. Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020 được công bố hồi tháng 4, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4.8%, còn tăng trưởng kinh tế của khu vực là 0.1%, giảm với mức dự báo 2.2%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 1961. Theo ADB, dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 giảm mạnh do dịch bệnh song vẫn cao nhất châu Á và sẽ sớm phục hồi năm 2021 nhờ các nền tảng nhu cầu nội địa cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh.

Trong bài viết của Bloomberg cuối tháng 5/2020, các quốc gia Đông Nam Á cần hiểu rỏ kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty ngoại quốc. Để thu hút các công ty này, các quốc gia không nhất thiết phải rẻ hơn hoặc hiệu quả hơn Trung Quốc. Định hướng thu hút FDI lúc này là có thể chọn lọc và đón được dòng vốn chất lượng. Muốn như vậy thì phải nâng cấp được vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu chính phủ thấy việc đón dòng vốn FDI quan trọng thì nên lập các tổ công tác đặc biệt, lấy thẩm quyền của Thủ tướng đi đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất. Việc chủ động như vậy sẽ giúp Việt Nam biết được các tập đoàn đa quốc gia đang như thế nào, họ cần gì. Lúc đó, Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu riêng thu hút vốn như thế nào, cần gì từ các nhà đầu tư. Không thể ngồi chờ, nếu ngồi chờ thì các nước khác sẽ hút hết những cái ngon nhất. Những cái còn lại mới đến lượt Việt Nam. 

Tháng 6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng, các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các Tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.

CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

  • Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030, thu được 130-135 tỷ USD từ du khách, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17%. Đây là mục tiêu được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt và được truyền thông trong nước loan tin ngày 23/1. Theo đó, các mục tiêu trong chiến lược được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ phấn đấu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong 50 nước có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, cũng như tổng thu tương đương 77-80 tỷ USD. Từ đó ngành du lịch sẽ tạo ra khoảng 5.5-6 triệu việc làm trên cả nước. Giai đoạn 2 tính đến năm 2030, Việt Nam đề ra mục tiêu đón ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Nguồn thu từ khách du lịch tương đương 130-135 tỷ USD; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17% và tạo ra khoảng 8.5 triệu việc làm.
  • Một sòng bài mới nằm trong Dự Án Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise ở Cam Ranh, Việt Nam, sẽ được khởi công xây dựng vào năm tới, trang mạng GGRAsia đưa tin hôm 26/2. KN Paradise tự giới thiệu là ‘Dự án Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí đẳng cấp quốc tế với quy mô lớn, gồm 5 nhóm tổ hợp chức năng : Giải trí – Nghỉ dưỡng, Thương mại – Dịch vụ, Sân golf, Bất động sản, Tiện ích cộng đồng’ với số tiền đầu tư là 2 tỷ USD (46.266 tỷ đồng).

Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise phía Nam cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh

  • Pegatron – công ty chuyên lắp ráp, sản xuất iPhone cho Apple đang có kế hoạch thiết lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là động thái nằm trong nỗ lực nhằm mở rộng quy mô bên ngoài Trung Quốc của công ty Đài Loan này. Nguồn tin từ trang Bloomberg cho biết, Pegatron đang tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam. Hiện công ty đã thuê một cơ sở ở thành phố Hải Phòng để sản xuất bút tương tác stylus cho điện thoại thông minh của Samsung. Trước Pegatron, hai nhà lắp ráp iPhone khác của Apple là Hon Hai Precision (Foxconn) và Wistron cũng đã công bố kế hoạch xây thêm nhà máy hoặc tăng năng suất tại Việt Nam. Song cả ba công ty này đều không có kế hoạch lắp ráp iPhone ở đây trong thời gian tới.
  • Ngày 27/6, hội nghị “Hà Nội – Hợp tác đầu tư và phát triển” do TP. Hà Nội tổ chức diễn ra với khoảng hơn 1,200 nhà đầu tư tham dự án. Đáng chú ý tại Hội nghị này, TP Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339,670 tỷ đồng (tương đương 15.5 tỷ USD), số vốn tăng thêm trên 266,229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD).
  • Một bài báo trên Nikkei Asian Review ngày 4/8 cho hay, Samsung Electronics sẽ chấm dứt mảng sản xuất máy tính cá nhân tại Trung Quốc và tính toán chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Samsung Electronics Tô Châu Computer là nhà máy cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc, được thành lập năm 2002 như là một trung tâm lắp ráp máy tính cá nhân. Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy này được xuất khẩu sang Hàn Quốc, thị trường Bắc Mỹ và ngay tại Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, Tô Châu Computer có tổng nhân sự làm việc lên đến 6,500 người. Tuy nhiên, theo truyền thông của Hàn Quốc, số lượng nhân viên hiện tại đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1,700.
  • Ngày 20/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung – nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tỉnh Bắc Ninh. Phó chủ tịch Lee khẳng định sẽ đưa vào vận hành trung tâm R&D tại Hà Nội vào cuối năm 2022. Khi đó, trung tâm này sẽ có hơn 3,000 kỹ sư làm việc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thời gian tới, Samsung sẽ đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn, góp phần khép kín “chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử” của Tập đoàn tại Việt Nam.

Ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung và TT Nguyễn Xuân Phúc

  • Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có thể thua lỗ từ 14 tới 15 nghìn tỷ đồng (khoảng 604 tới 647 triệu USD) trong năm nay vì đại dịch COVID-19, Reuters đưa tin hôm 26/11.
  • Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss chiều 11/12 tại Hà Nội, đã chính thức ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh – Việt Nam (UKVFTA). Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa được ký chính thức tối 29/12 tại London (Anh). Với các cam kết cơ bản dựa trên EVFTA nhưng được điều chỉnh phù hợp hơn với hai nước, UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ 23h ngày 31/12/2020.

CÁC DỮ KIỆN KINH TẾ

Tổng sản phẩm quốc nội GDP 2018: Thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ngành Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế cả nước đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3,521 USD. Theo đánh giá của IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế VN đạt 1.05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn USD.

Xuất nhập khẩu – Các đối tác chính:

Ngày 15/1/2021, Cục Thống kê cho biết, dù rằng với đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 545.36 tỷ USD, tăng 5.4% (tương ứng tăng 27.69 tỷ USD) so với năm 2019. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 372 tỷ USD, tăng 14.8% (tương ứng tăng hơn 48 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 173.46 tỷ USD, giảm 10.5% (tương ứng giảm 20.33 tỷ USD) so với năm 2019. Tính cả năm 2020, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 262.70 tỷ USD, tăng 3.7% (tương ứng tăng 9.31 tỷ USD) so với năm 2019. Cả năm 2020, Việt Nam xuất siêu trên 19.95 tỷ USD. Điều cần để ý là sự chênh lệch khoảng 60 tỷ về kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc: Báo cáo chính thức của Việt Nam là 132.4 tỷ USD trong khi số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố mới đây được VOV và VTV trích dẫn cho thấy đạt mức kỷ lục hơn 192 tỷ USD trong năm 2020. Báo cáo của Trung Quốc hợp lý hơn vì có thể bao gồm giao thương tiểu ngạch dọc theo biên giới. 

Quốc gia Hoa Kỳ Trung Quốc Hàn Quốc EU Nhật Bản ASEAN
Xuất khẩu 76.4 tỷ 48.5 tỷ 18.7 tỷ 34.8 tỷ 19.2 tỷ 23.1 tỷ
Nhập khẩu 13.7 tỷ 83.9 tỷ 46.3 tỷ 14.5 tỷ 20.5 tỷ 30 tỷ
+/- +62.7 tỷ -35.4 tỷ -27.6 tỷ 20.3 tỷ -1.3 tỷ -6.9 tỷ

Xuất nhập cảng với các đối tác chính

Thị trường chứng khoán: Theo IndexQ, kết thúc năm 2020, VN-Index đứng vị trí thứ 5 trong top 10 thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất 6 tháng, với mức tăng 33,78%. Những nước đứng trong top 5 thị trường tăng mạnh nhất thế giới bao gồm: Thổ Nhĩ Kỳ (15.05%), Ai Cập (13.63%), ChiNext – Trung Quốc (12.7%), Bồ Đào Nha (11.13%) và Hàn Quốc (10.89%).

Vietnam's strong economic recovery to further take Vn-Index to nearly 1,300  in 2021

VN Index 2020

Dự trữ ngoại hối: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dự trù cán mốc 100 tỷ USD cuối năm 2020.

Tình trạng đầu tư:

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 28.53 tỷ USD trong năm 2020, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, theo các số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Theo nhận định của Reuters, dù bị tác động vì đại dịch Covid-19, đây là một kết quả khả quan hơn nhiều so với nhiều nước khác. Có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng số vốn gần 9 tỷ USD, chiếm 31.5%. Sau đó là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông.

Du lịch:

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế tại tất cả các khu vực đã giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi đầu tiên chịu tác động của Covid-19 sụt giảm nặng nề nhất, giảm đến 79%, tiếp theo là châu Phi và Trung Đông cùng giảm 69%, châu Âu giảm 68% và châu Mỹ giảm 65%. Sự sụt giảm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra mạnh mẽ nhất trong hai tháng 7 và 8, với mức sụt giảm lên đến 96%. Tình hình ở Việt Nam cũng tương tự. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến cả nước trong tháng 7 và tháng 8 cùng giảm đến 98.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo cho những tháng đầu 2021 không khả quan vì chính phủ vẫn tiếp tục ngừng đón khách du lịch quốc tế để ngăn dịch. Phần lớn chuyên gia của Hội đồng chuyên gia thuộc UNWTO dự báo, nhu cầu du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào năm 2021, chủ yếu là vào quý 3 năm 2021. Tuy nhiên, khoảng 20% chuyên gia cho rằng sự phục hồi chỉ có thể xảy ra vào năm 2022. Dự báo về tốc độ phục hồi của mảng du lịch này, Công ty Grant Thornton (Việt Nam) cho rằng, kịch bản lạc quan nhất cho năm 2021 là lượng khách quốc tế sẽ đạt từ 10-12 triệu lượt; mức trung bình từ 8-10 triệu lượt khách còn bi quan nhất là từ 6-8 triệu lượt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhờ có vị trí gần với các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, những nơi có nguồn khách du lịch lớn và đang kiểm soát dịch khá tốt nên mảng du lịch quốc tế của Việt Nam sẽ phục hồi sớm hơn so một số quốc gia khác. Khi các đường bay thương mại được kết nối, du khách từ những thị trường này sẽ sớm đi du lịch trở lại. Hồi trước dịch, hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc cũng chiếm hơn một nửa trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

  • Google vừa công bố danh sách 10 thành phố đứng đầu xu hướng du lịch thế giới năm 2020. Trong danh sách này, thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) đứng vị trí đầu tiên. Bình luận khi công bố, Google đánh giá Đà Nẵng là điểm đến đặc biệt hấp dẫn khách du lịch quốc tế. Top 10 điểm đến xu hướng hàng đầu cho năm 2020 theo thống kê của Google gồm: 1. Đà Nẵng (Việt Nam); 2. Sao Paolo (Brazil); 3. Seoul (Hàn Quốc); 4. Tokyo (Nhật Bản); 5. Tel Aviv (Israel); 6. Marseille (Pháp); 7. Vienna (Áo); 8. Bangkok (Thái Lan); 9. Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất); 10. Perth (Úc).
Image result for Cầu Vàng - Khu du lịch Bana Hills

Cầu vàng tại Bana Hills

Kiều hối:

Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo rằng trong năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm khoảng 20%, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%, chủ yếu do sụt giảm dòng tiền từ Mỹ trong bối cảnh bị ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19. WB dự báo kiều hối Việt Nam năm 2020 sẽ giảm hơn 7%, chỉ ở mức 15.7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5.8% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất toàn cầu. Chỉ tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 130,000 xuống 70,000 người, giảm gần 50% do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

KẾT LUẬN

Bài viết này tương đối dài so với các bài trước vì có nhiều biển chuyển nhất là đối với Việt Nam trong năm 2020. Việt Nam đã hạn chế thành công tổn hại kinh tế do Covid-19 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á sẽ có tăng trưởng năm 2020. Kinh tế Việt Nam đã tăng 2.4% năm nay, theo thống kê mới nhất của IMF. IMF khen Việt Nam đã có “các bước đi cương quyết để kiềm chế tổn hại sức khỏe và kinh tế do Covid-19”. Đến nay Việt Nam mới chỉ có 1,288 ca nhiễm và 35 ca tử vong. IMF dự báo Việt Nam sẽ hồi phục kinh tế mạnh mẽ năm 2021, với tăng trưởng có thể lên tới 6.5%.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã làm được nhiều việc, từ ổn định nền kinh tế, chống tham nhũng cho tới chống đại dịch Covid-19 tương đối đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Ba lĩnh vực hết sức quan trọng mà đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải ưu tiên đổi mới trong những năm sắp đến là đổi mới tư duy, đổi mới chính sách và đổi mới cách làm về nhân sự. Các lãnh đạo Việt Nam giai đoạn tới nhất thiết phải có những chính sách hiệu quả để đảm bảo mô hình “nhà nước pháp quyền”, kiến tạo không gian tự do cởi mở thực sự cho người dân, bên cạnh tầm nhìn, mục tiêu và hành động cụ thể để dẫn dắt thế hệ trẻ phát triển hết tiềm năng.

Ngày 31/1/2021, Việt Nam đã phải cắt ngắn Đại hội Đảng, trong khi đang ra sức ứng phó đợt bùng phát virus corona lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông Nguyễn Phú Trọng đã tái đắc cử Tổng Bí thư dù rằng đã 76 tuổi. Sự tái đắc cử của ông Trọng cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì hiện nay vẫn không có người nào có tầm cỡ như ông Trọng từ bối cảnh trong nước và quốc tế. Việt Nam cần có sự ổn định để phát triển kinh tế, nhất là những năm sắp đến.

THAM KHẢO

  1. The Corruption Perceptions Index (CPI) – From Wikipedia, the free encyclopedia
  2. Bài viết “Xuất khẩu năm 2020 hướng tới mốc 300 tỷ USD” trên mạng Đà Nẵng Online ngày 26/1/2020.  
  3. Bài viết “Hai kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam do ảnh hưởng dịch Corona” trên mạng Cafef.VN ngày 7/2/2020.
  4. Parliament approves EU-Vietnam free trade and investment protection deals       –  European Parliament      – News dated 12/2/2020
  5. Bài viết “Những ngành sẽ khởi sắc trong năm 2020” trên mạng Doanh Nhân Sài Gòn ngày 12/2/2020.
  6. Bài viết “Có hay không việc Apple chuẩn bị mở nhà máy tại Việt Nam? trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 5/5/2020.
  7. Bài viết “Một thăm dò dư luận nói tham nhũng ở Việt Nam đã giảm” đăng trên đài BBC ngày 1/7/2020.
  8. Bài viết “15 công ty Nhật dự kiến rời Trung Quốc sang Việt Nam” đăng trên đài VNE ngày 19/7/2020.
  9. Bài viết “Công ty Cổ phần Chân Mây LNG đầu tư nhà máy điện khí trị giá 6 tỷ USD” đăng trên mạng Đất Việt ngày 22/7/2020.
  10. Bài viết “Biển Đông: Phát hiện Mỏ Kèn Bầu ‘lớn nhất’ lịch sử, VN có lo TQ can thiệp? đăng trên mạng BBC ngày 5/8/2020.
  11. Bài viết “117 tỷ USD nhập khẩu, hàng hóa Trung Quốc chiếm 30% đăng trên mạng Tổng cục Hải Quan ngày 19/7/2020.
  12. Bài viết “Trung Quốc chuẩn bị cho vai trò mới trong thương mại toàn cầu” đăng trên mạng VNE ngày 1/9/2020.
  13. Bài viết “Đầu tư thực tế của các tập đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam có thể lớn hơn nhiều so với thống kê” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 10/10/2020.
  14. Bài viết “VinSmart đang sản xuất điện thoại cho một nhà mạng Mỹ” đăng trên mạng VNE ngày 10/10/2020.
  15. Bài viết “Việt Nam và Mỹ ký 7 thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ đôla” đăng trên mạng BBC News ngày 29/10/2020.
  16. Bài viết “RCEP: 15 nước châu Á Thái Bình Dương ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới” đăng trên mạng BBC News ngày 15/11/2020.
  17. Bài viết “Sự khác nhau giữa Hiệp định RCEP và TPP” đăng trên mạng Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 19/11/2020.
  18. Bài viết “Chiến dịch ‘đốt lò’ của TBT Trọng ngày càng tăng độ nóng?” đăng trên mạng BBC News ngày 12/12/2020.
  19. Bài viết “Làm sao trong sạch khi thu nhập thấp?” đăng trên mạng RFA News ngày 15/12/2020.
  20. Bài viết “Việt Nam khó đột phá trên nền “tư duy cũ”?” đăng trên mạng BBC News ngày 2/1/2021.
  21. Bài viết “Việt Nam: Một năm toả sáng” trên mạng Mega Story.
  22. Đại hội đảng lần thứ XIII – Wikipedia tiếng Việt.
  23. Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam 2021 – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.

—–

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *